Những sản phẩm độc đáo của
thợ gốm Chu Đậu - Mỹ Xá thế kỷ XV
Trần Anh Tuấn
Từ năm 1997 kéo dài tới năm 1999, công cuộc trục vớt chiếc thuyền đắm ở Cù Lao Chàm đã đem lên bờ 250,000 món, gồm 150,000 cổ vật nguyên toàn và 100,000 cổ vật bị bể vỡ.
Đây là cả một kho gốm xuất cảng khổng lồ từ các lò gốm ở làng Chu Đậu và Mỹ Xá thuộc tỉnh Hải Dương trong thế kỷ XV. Lô gốm này bao gồm đủ loại hình khác nhau với số lượng lớn. Nào thống, bình, chum, đĩa, ang, vò, liễn, nậm, ấm, chén, bát, âu, tước, hộp, lọ... chia làm hai loại hoa lam (màu xanh da trời và trắng) và tam thái (màu xanh lá cây, đỏ, và vàng).
Tuy nhiên, ngoài một số cổ vật độc bản hiện được tàng trữ tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội, như chiếc đĩa lớn đường kính 37.7 cm vẽ ba con rồng và cái bình lớn cao 57 cm vẽ phong cảnh và chim cò, còn có một loại cổ vật thật độc đáo mà số lượng hiện nay phát hiện không quá 10 chiếc trên toàn thế giới.
Đó là loại bình rượu hình rồng. Bình hình rồng hay gọi tắt là bình rồng là loại gốm hoa lam độc đáo dẫn xuất từ óc sáng tạo của nghệ nhân người Việt thế kỷ XV. Bình rất bắt mắt với kiểu dáng đặc biệt hình rồng uốn khúc, bụng phình và ngang ra làm tăng thể tích chứa rượu, đuôi vươn cao là nơi đổ rượu vào bình và miệng rồng làm vòi ngang với đuôi theo nguyên tắc bình thông nhau. Nếu bỏ phần đầu và đuôi rồng, người ta sẽ thấy rõ hình ảnh chiếc bình tích. Vậy là phần nắp bình được nghệ nhân nung nặn thành đầu và đuôi rồng là phần thêm vào mẫu bình rất khéo, có tác dụng cầm bình an toàn khi rót rượu.
Đặc biệt, rồng ở đây là mẫu rồng Việt Nam, vẫn là linh vật tượng trưng cho vua chúa theo quan niệm Đông Phương nhưng toát ra vẻ hiền hoà, khác hẳn vẻ hung dữ đe dọa của mẫu rồng Tầu.
Về tình trạng của hiện vật thì bờm, râu, và vẩy lưng là chỗ các ngón tay bám vào để giữ chặt bình khi rót rượu. Vì thế, phần gốm đúng ra phải mảnh và mỏng này đã được nặn dầy và chắc, khiến chúng không bị gẫy hay sứt dù đã trải qua sáu thế kỷ. Đây là điều thật may mắn cho người thưởng ngoạn đời nay, với cổ vật nằm sâu dưới đáy biển hàng 600 năm mà vẫn nguyên toàn.
Theo thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và công ty trục vớt Mã Lai Á Saga Horizon thì những gốm độc bản sẽ thuộc bảo tàng quốc gia và thêm 10% lượng gốm trục vớt được sẽ chia cho các bảo tàng địa phương. Cụ thể hiện vật độc bản có 779 món thì đưa về tàng trữ tại Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội. Ngoài ra, Bảo Tàng này cùng Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam tại Hà Nội và Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Sài Gòn được chia mỗi nơi 4,362 hiện vật. Còn Bảo Tàng Quảng Nam (nơi phát hiện) và Bảo Tàng Hải Dương (nơi sản xuất) mỗi nơi được chia 5,562 hiện vật.
Chuyên san Cổ Vật Tinh Hoa xuất bản tại Hà Nội phong phú những thông tin và hình ảnh về đủ mọi thể loại cổ vật Việt Nam do hội viên các hội cổ vật khắp nước chia sẻ, nhưng tuyệt nhiên không có một bài viết nào về chiếc bình hình rồng trong dòng gổm cổ Việt suốt từ số đầu tiên (số 1, tháng 6. 2003) đến nay (số 51, tháng 9.2016). Ý kiến của người trong nước qua tạp chí Cổ Vật Tinh Hoa (số 10, tháng 12.2004, tr. 5) là than tiếc chuyện Việt Nam không giữ được một bình rồng nào, vốn là món "oách nhất" (sic!) trong toàn thể cổ vật Chu Đậu trục vớt được ở Cù Lao Chàm.
Giáo sư Mensun Bound thuộc đại học St. Peter's College, University of Oxford tại Anh quốc, nguyên Giám Đốc công cuộc trục vớt thuyền đắm ở Cù Lao Chàm (Excavation Director), cũng đã xác nhận tất cả chỉ có ba (3) bình hình rồng được trục vớt ở Cù Lao Chàm mà thôi. (Xin xem: Butterfields Auctioneers Corp., Treasures from the Hoi An Hoard. Important Vietnamese Ceramics from a Late 15th/Early 16th Century Cargo. October 11-13, 2000 in San Francisco and Los Angeles, tr. XI và 36). Ba chiếc này có giá US$57,500.00 (lô 71), $80,500.00 (lô 74), và $63,250.00 (lô 78) trong phiên đấu giá quốc tế của công ty Butterfields ở San Francisco, California vào tháng 10 năm 2000.
Trung tuần tháng 10.2016 vừa qua, tôi gửi một bài viết về bình rồng Chu Đậu cho Tổng Biên Tập của chuyên san Cồ Vật Tinh Hoa, thì nhà sưu tập cổ vật này không có phản biện gì về ý của tôi là hiện không còn bình rồng nào được lưu giữ trong nước.
Vì thế, tôi đã yên trí là không còn bình rồng nào được giữ lại ở Việt Nam.
May thay, khi liên lạc với bác sỹ Kiều Quang Chẩn ngày 22.10.2016, tôi được ông xác nhận chính ông đã thấy một bình rồng Chu Đậu rất đẹp trưng bầy trong tủ kính của Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội. Hai vợ chồng bác sỹ Chẩn Kiều và Quỳnh Kiều là những nhà sưu tập cổ vật với phương tiện dồi dào. Họ từng được Art&Antiques, một chuyên san về nghệ thuật và cổ vật xuất bản tại New York, bình chọn là một trong 100 nhà sưu tập hàng đầu của Hoa Kỳ, tức "The top 100 collectors in America." Tư gia của họ là cả một kho tàng khổng lồ gồm toàn cổ vật Việt Nam. Cám ơn thông tin của bác sỹ Kiều Quang Chẩn đã giúp tôi tránh được một sai sót lớn.
Mới đây xuất hiện thêm một chiếc bình rồng. Đặc biệt chiếc bình này bị hải vật bám đầy cho phép hiểu rằng bình này cũng thuộc lô gốm Chu Đậu trong chiếc thuyền đắm.
Hình 1: Bình rồng Chu Đậu, cao 25 cm
Nhưng chiếc bình này có vẻ không cùng một mẻ nung với ba chiếc bình đã đấu giá ở San Francisco vì kích thước cao hơn 3 cm so với ba bình kia (25 cm so với 21.7 cm, 22.1 cm và 22.7 cm), và nhất là kiểu dáng của hai loại bình khác nhau.
Trong khi đầu và đuôi rồng của ba chiếc bình thuộc chiếc thuyền đắm và năm chiếc khác trên thế giới (Indonesia, USA, Việt Nam, Anh quốc, Singapore... Riêng chiếc bình rồng ở Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội thì tôi chưa được quan sát) được nghệ nhân nung nặn theo hướng đối nghịch nhau hay song song nhau thì đầu và đuôi rồng của chiếc bình đơn lẻ này chụm sát nhau. Chính vì thế, mặt rồng của chiếc bình này ngẩng cao so với mặt rồng nhìn ngang của ba chiếc bình khác cùng trong chiếc thuyền đắm tại Cù Lao Chàm.
Đây chính là chiếc bình độc nhất có dấu vết sâu đậm của mẻ gốm Việt khổng lồ xuất cảng trong thế kỷ XV mà nửa đường bị nạn, chìm sâu 70 mét dưới đáy biển miền Trung nước ta. Có lẽ khi thuyền bị chìm vì bão tố, bình bị văng ra và nằm dưới lòng biển hàng sáu thế kỷ nên các loài hải vật bám đầy, rồi một ngư dân nào đó may mắn lưới được trong một ngày đi biển?!
Nếu giá trị thẩm mỹ của chiếc bình rồng mới xuất hiện này không thể so sánh với tám (8) chiếc bình rồng được biết trước đó (3 chiếc tại Indonesia, 3 chiếc đấu giá tại San Francisco năm 2000, 1 chiếc tại Cleveland Museum of Art, và 1 chiếc tại Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam tại Hà Nội) vì men hoa lam đã bị nước biển xoá nhoà nhưng so sánh về giá trị lịch sử, thì chiếc bình rồng này là chiếc duy nhất tự nó đã hiển hiện dấu vết của hành trình gốm Việt cổ xuất cảng cách nay 600 năm.
Có thể kết luận bình rồng Chu Đậu là món cổ vật vô giá. Giới sưu tập tư nhân cao cấp, các nhà buôn bán cổ vật, và các viện bảo tàng quốc tế đều theo dõi và ganh đua đấu giá mỗi khi có cơ hội tạo mãi bình rồng là vì thế. Nhưng tôi chưa thấy cơ hội nào, ngoài vụ bán đấu giá ba chiếc tại San Francisco năm 2000.
Trong thế giới sưu tầm cổ vật, người ta quan niệm "nhất kỳ nhì cổ." Bình hình rồng Chu Đậu không những đã "kỳ" mà còn "cổ" nữa. Còn theo tiêu chuẩn "nhất dáng, nhì men, tam nguyên, tứ chế" hay "nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi" thì bình rồng cũng ứng vào tiêu chuẩn đầu tiên, với cái "dáng" độc đáo của bình!
Ngoài bình rồng này, tôi còn một đĩa hoa lam Chu Đậu với mẫu vẽ rất lạ. Đĩa không lớn, đường kính 23.4 cm, mẫu là hai chữ Hán "Kim Ngọc" bên trái và hình một con ch́im sải cánh bên phải. Phải nói là mẫu hình bất thường, không hợp lý vì chim vẽ không đều nét, đuôi chim rất lớn và vểnh lên như một cây đao. Chữ thì lớn và đậm mà hình chim thì nhỏ và đậm nhạt khác nhau. Xét ra thì chim và chữ chẳng xứng hợp hay liên hệ gì với nhau. Cây cối cũng chỉ là vài nét chấm phá lấy có. Chính cái vẻ bất thường -cũng có thể nói là xấu bất thường- của hiện vật mà lại được đem ra giới thiệu (highlighted) với công chúng đã gợi trí tò mò và tôi quyết mua cho được.
Khi đã có đĩa trong tay, tôi chú tâm tìm hiểu nhiều ngày rồi một đêm sung sướng khám phá ra hình chim chính là cách vẽ tinh quái nghịch ngợm của một nghệ nhân làng Chu Đậu tỉnh Hải Dương, cách nay hàng 600 năm. Hình chim, theo tôi, chỉ là những nét nổi của một bức ẩn hoạ, còn chính ra là mặt của một trang nam tử "mắt sâu râu rậm" nhìn nghiêng, hướng về hai chữ "Kim Ngọc." Tôi còn nhận ra nhiều khuôn mặt nữ̃a, ẩn tàng trong những nét vẽ hình chim và cây lá.
Theo tôi đoán định, đĩa gốm này là sản phẩm của phút bốc đồng từ một nghệ nhân Chu Đậu-Mỹ Xá thuận tay phóng bút -ngôn từ đương thời gọi là "hý bút"- hầu thực hiện một sản phẩm riêng làm kỷ niệm. Đây thực là một hiện vật làm bằng chứng cho sự nghịch ngợm và sự phóng khoáng của người Việt từ ngàn xưa, cùng mạch văn hoá với thơ Hồ Xuân Hương hay chuyện Trạng Quỳnh Ba Giai Tú Xuất, kéo dài đến những chuyện chơi chữ, nói lái ngày nay.
Thế là̉ qua bao thời gian, đĩa được vớt lên từ lòng biển miền Trung, đã lọt khỏi tay các chuyên viên bảo tàng người Việt trong nước, may mắn lại về tay người Việt ở hải ngoại. "Châu về hợ̣p phố" chăng?
Vận may của người sưu tập chưa hết! Năm 2014, tình cờ vào xem cổ vật bán đấu giá trên mạng điện tử eBay, tôi thấy một chiếc đĩa hoa lam đặc biệt vì nghệ nhân Chu Đậu-Mỹ Xá vẽ chữ "Phúc" trong đám hoa lá giữa lòng đĩa. Và chiếc đĩa này dĩ nhiên cũng về tay người Việt tại hải ngoại có con mắt "eagle eye," theo cách nói của người Mỹ, tức là mắt đại bàng, khác với mắt diều hâu, lại càng không phải là mắt cú vọ!
Tôi không biết nhóm thợ gốm tài hoa của hai làng Chu Đậu - Mỹ Xá 600 năm trước đây đã thực hiện bao nhiêu đồ gốm đặc biệt bất thường tỏ lộ tính cách người Việt từ xưa đến nay, là sự tinh quái pha lẫn phóng khoáng, đồng thời là tài hoa pha lẫn sang quý. Nhưng sưu tập được đến ba món, tưởng không phải là vô tình mà được!
Có được những cổ vật độc đáo như thế chắc phải là nhờ cái duyên với người xưa, và vì thế, tôi đã lấy ba mẫu gốm này làm tem bưu chính năm 2006, 2014, và 2016 để làm kỷ niệm.
Bưu Điện Hoa Kỳ mệnh danh loại tem này là "personalized stamp," hay "tem cá nhân." Tem cá nhân ở Mỹ bắt đầu từ năm 2004. Không chỉ riêng Hoa Kỳ, nhiều quốc gia khác cũng có dịch vụ này. Tư nhân nào cũng có thể lấy hình ảnh cá nhân hay gia đình hay bất cứ hình ảnh nào mình thích để làm tem có giá trị bưu chính. Dĩ nhiên, khi làm tem cá nhân, người ta phải chứng minh xuất xứ của hình ảnh và trả thêm tiền công in cho các công ty được phép in tem, như Zazzle.com, hay Stamps.com.
Gs TRẦN ANH TUẤN
16.10.2016
Sửa lại ngày 23.10.2016
Đăng ngày 28 tháng 10.2016