banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tưởng niệm các anh hùng VNQDĐ


Trần Anh Tuấn

17 tháng 6 là ngày tang Yên Bái. Chúng ta tưởng niệm những anh hùng chống Pháp thuộc VNQDĐ mà 13 liệt sĩ lên đoạn đầu đài là hình ảnh hào hùng rõ nét nhất của sự hy sinh cao cả của người Việt yêu nước.
Tuy vậy, không phải chỉ có 13 đảng viên bị tử hình sau cuộc tổng khởi nghĩa thất bại. Tôi muốn chia sẻ thêm dữ kiện về sự hy sinh của những người Việt yêu nước thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Hội Đồng Đề Hình, do Toàn Quyền Đông Dương Varenne ký nghị định thành lập năm 1928 sau khi viên chủ mộ phu đi Nam Kỳ và Tân Thế Giới là Bazin bị ám sát tại Hà Nội, họp hai ngày 28 và 29 tháng 3 năm 1930 tại Hà Nội để xử 91 đảng viên VNQDĐ bị Pháp bắt sau cuộc tổng khởi nghĩa tại thị xã Yên Bái, thành phố Hà Nội, đồn Hưng Hoá, phủ Lâm Thao, và huyện Vĩnh Bảo bị thất bại.
Sáng ngày 29, Hội Đồng Đề Hình tuyên xử 44 án tử hình.
Đó là Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Nguyễn Hát Thân, Bùi Văn Chuân, Vũ Thích, Nguyễn Án, Lê Văn Tư, Nguyễn Đình Hiên, Nguyễn Ngọc Tập, Nguyễn Tư Giật, Nguyễn Văn Tín, Hà Văn Lao, Đào Văn Nhít, Đặng Hữu Hiến, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Ông, Lê Văn Tự, Bùi Văn Du, Bùi Văn Tuyết, Cao Văn Chính, Mai Viết Chính, Hoàng Văn Vọng, Ngô Văn Du, Lê Văn Khôi, Hà Cập, Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Tư, Nguyễn Văn Kiêm, Lê Xuân Huy, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Đắc Bằng, Nguyễn Văn Chu, Nguyễn Như Thông, Nguyễn Như Liên (Ngọc Tỉnh), Vũ Xuân Kiểm, Trần Đức Tài, Hoàng Công Tiễn, Bùi Xuân Mai, Ngô Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoàng, Nguyễn Văn Thinh, và Nguyễn Đắc Liên.
Trong phiên toà này, các lãnh tụ của VNQDĐ đã vô cùng khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình.
Tác phẩm Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1929-1930 của Cẩm Đình (Huế, nhà in Nguyễn Văn Bửu, 1950, tr.47) ghi lại lời tuyên bố của Nguyễn Thái Học nơi trang 47, nguyên văn: "Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ toạ cuộc hội nghị ở Lạc Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động."
Và lời Phó Đức Chính cũng nơi trang 47: "Chính tôi đã đi tuyên truyền khắp các tỉnh để lấy đảng viên, và cũng tự tôi in những truyền đơn để cổ xuý phong trào cách mệnh."
Nơi trang 48 là lời Cô Bắc: "Xin Hội Đồng tha cho tôi, vì tôi chỉ mưu đồ cho nền độc lập của nước Việt Nam chớ không có ý gì phá trật tự cả; còn nếu Hội Đồng kết án tử hình tôi, thì cho tôi được chết như bà Jeanne d'Arc."
Lần thứ hai cũng tại Hà Nội, Hội Đồng Đề Hình họp từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 8 năm 1930 để xử 76 đảng viên VNQDD. Lần này, Hội Đồng Đề Hình tuyên 12 án tử hình.
Đó là Đoàn Trần Nghiệp (tức Doãn, tức Ký Con), Nguyễn Văn Nho (em Nguyễn Thái Học), Lương Ngọc Tôn, Nguyễn Bá Tâm, Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Quang Triệu, Nguyễn Minh Luân, Phạm Văn Khuê (tức Cai Khuê), Phạm Văn Tính, Nguyễn Sĩ Chữ, và Nguyễn Trọng Bằng.

Sau đây là thái độ hào hùng bất khuất của các anh hùng áo vải trước Hội Đồng Đề Hình Pháp do tác giả của Vụ Án... ghi lại.
Bốn bị cáo Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Văn Tiếp, và Nguyễn Minh Luân khi nghe gọi tên thì nói hăng quá nên bị Chánh Hội Đồng Poullet Osier bảo giải ngay về Hoả Lò, không cho nói nữa.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Tiếp trước khi nói trước Hội Đồng dơ tay lên hô to: "Việt Nam Cách Mệnh vạn tuế." (sđd, trang 57). Còn Nguyễn Minh Luân khi bị giải ra cửa về nhà pha Hoả Lò đã hô to: "Việt Nam Cách Mệnh muôn năm." (sđd, trang 58)
Một thành viên trong "Học Sinh Đoàn" của VNQDĐ là Nguyễn Văn Bảo tức Quốc Bảo phát biểu, nói theo ngôn từ bình dân là chẳng sợ thằng Tây nào, nguyên văn như sau nơi trang 55: "làm cách mệnh là để đánh đổ chính phủ Pháp, vì là người Việt Nam chẳng lẽ ngồi khoanh tay chờ chết!"
Hay Phạm Quang Phú tức Sáu, khai có chân trong VNQDĐ, nguyên văn: "đó là lẽ cố nhiên, vì mình là người Việt Nam." Còn Nguyễn Văn Dương nhận có chân trong VNQDĐ vì mục đích của Đảng là "cứu nước Việt Nam. Vậy đã là người Việt Nam thì vào Đảng ấy là cái nghĩa vụ của mình."
Lần thứ ba tại Hải Dương, Hội Đồng Đề Hình họp từ ngày 7 đến ngày 15 tháng 11 năm 1930 để xử 193 đảng viên VNQDD. Lần này, Hội Đồng Đề Hình Pháp tuyên 6 án tử hình.
Đó là Trần Nhất Đông, Trần Xuân Riệu, Nguyễn Khải, Lê Văn Cảnh, Nguyễn Xuân Huân, và Hai.
Trước Hội Đồng, Trần Xuân Riệu khẳng khái phát biểu chính anh sắp đặt việc đánh phá huyện Vĩnh Bảo, và "giết viên tri huyện Hoàng Gia Mô vì viên tri huyện nà̀y tham nhũng quá, cả hạt ai cũng ghét nên giết đó thôi, chứ không dính dấp gì về chính trị."
Trong Hội Đồng Đề Hình này, bốn đảng viên VNQDĐ Lê Hữu Cảnh, Nguyễn Xuân Huân, Nguyễn Văn Lân, và Nguyễn Tấn Tuất đều không nhận cho trạng sư biện hộ.
Đặc biệt, Đoàn Thị Ái nhận là đảng viên VNQDĐ trước Hội Đồng và khi trạng sư Mayet biện hộ cho cô, rằng cô vì tình mà làm theo một người cách mệnh nào đó thì cô nói ngay, nguyên văn nơi trang 69: "không phải như thế. Cô nhập Đảng là vì cô thương nước Việt Nam."

Sau khi vô số các đảng viên VNQDĐ bị bắt và bị tù đầy chém giết, vị Chủ Tịch Danh Dự Đảng là Phan Bội Châu đã có ba bài văn tế. Một là Văn Tế Các Vị Tiên Liệt Việt Nam Quốc Dân Đảng, hai là Văn Tế Các Dân Làng Bị Thiêu Phá Vì Liên Quan Vào Việc Tàng Trữ Các Tay Cách Mệnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, và ba là Văn Tế Một Nữ Đồng Chí Việt Nam Quốc Dân Đảng: Nguyễn Thị Giang.
Vì ba bài văn tế quá dài, tôi chỉ xin trích một số câu sau đây.

1. Về Văn Tế Các Vị Tiên Liệt:
"... Có kẻ râu mày mà quắc thước, giắt lưng đầy chục muôn binh;
"Có người khăn yếm mà anh hùng, vào Đảng mới hai tám tuổi...
"Có kẻ chu du xứ Bắc, xẻ rừng vạch núi, tìm tòi nơi đúc súng chế bom;
"Có người bôn tẩu miền Nam, giải gió dầm mưa, moi móc cách đưa đường dẫn lối.
"Trải Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn qua Canh Ngọ, giữa trung ương ngoài các bộ, chẵn năm năm lông cánh đã um sùm;
Khắp Sơn Tây, Nam Định, Bắc Ninh về Kiến An, trên Tán Lĩnh, dưới Hồng Hà, hơn nghìn vị chân tay đều lọc lõi...
"Trách nông nổi trời còn say tít, trước cờ binh sao quay gió cản ngăn;
"Tiếc sự cơ ai quá lờ mờ, dưới trướng giặc bấy nhiêu tay len lỏi.
"Ma cường quyền đắc thế sính hung uy,
"Thần công lý bó tay nghe tử tội...
"Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sư vị tiệp, vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu,
"Đoạn đầu đài sau sau trước trước bước thung dung, gớm gan thị tử như quy, mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói..."

2. Về Văn Tế Các Dân Làng... :
"Than ôi! Dân mất nước nghĩ càng đau quá! dế, trùn, kiến, mối, lẽ còn hơn!
"Giặc có quyền thương tới ai đâu! súng, đạn, gươm, dao, thôi mặc ý!
"Làng Cổ Am há phải giặc đâu! rặt những người cày bẫm cuốc sâu, đóng sưu nạp thuế;
"Làng Xuân Lũng cũng là dân thảy! đâu có kẻ tranh giành cướp đất, đắp lũy xây đồn!...
"Hát vô dụng, mà khóc càng vô dụng! duy mong mỏi giống Hồng, giòng Lạc, bà con anh chị rập một lòng gìn giữ máu tiên nhân;
"Họa phi thường, thời phúc cũng phi thường! những ước ao, núi Tản, sông Lô, hồn phách tinh linh hộ cả nước mở mang nên Tân Việt..."

3. Về Văn Tế Một Nữ Đồng Chí...:
"... Vóc quần thoa nhưng chí khí mày râu;
"Thân khuê các mà can trường khí tiết...
"Xem sách Pháp hằng châu mày nghĩ: Ran-đa, Rô-lăng thuở nọ, chị em mình há nhượng ai hơn;
"Dở sử nhà thoạt vỗ tay reo: bà Trưng, cô Triệu sau nầy, non nước ấy lẽ đâu hồn chết...
"Tiếc thay! vận nước đương truân, tai trời chưa hết!...
"Thời như thế việc đà như thế, đài cắt đầu mừng được thấy Anh lên;
"Sống như không mà thác cũng như không, đạn kề cổ chẳng nhường cho giặc giết.
"Súng lục liên chốc phát, vang lừng một tiếng, núi đổ sông nhào;
"Hồn cửu tử chưa tan, chắc chắn trùng lai, thần reo quỷ thét...
"Than ôi! Khóc chẳng hay gì, nói không sao siết;
"Một nén tâm hương, mấy lời thống thiết..."

Dở lại những trang sử VNQDĐ bi hùng này, tôi nhắc lại tên tuổi của tất cả những vị anh hùng vị quốc vong thân. Vì khi tưởng niệm, xin hãy tưởng niệm tất cả những ai đã hy sinh vì tổ quốc, không nên chỉ tưởng niệm hay vinh danh lãnh tụ.
Chết vì tổ quốc thì ai cũng xứng đáng là anh hùng dân tộc như ai.
Phải chăng nhắc lại tên tuổi của những anh hùng hy sinh vì tổ quốc cũng là cách tri ân trong muôn một gửi đến thân nhân và thế hệ con cháu của họ đang còn hiện diện chung quanh chúng ta. Và nhắc lại vụ án tham quan là viên tri huyện Hoàng Gia Mô bị VNQDĐ xử tử cũng là bài học cho thế gian, vì đảng viên Trần Quang Riệu, người đứng đầu việc đánh phá huyện Vĩnh Bảo Hải Dương đã phát biểu trước Hội Đồng Đề Hình, nguyên văn nơi trang 70: "Tôi giết viên tri huyện Vĩnh Bảo là vì ông ấy là người vô nhân đạo, cướp 6 nghìn mẫu ruộng của 6 xã đem làm của riêng. Vì thế mà Đảng ra lệnh giết."

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến tấm bưu thiếp kèm trong bài của giáo sư Phạm Cao Dương với tựa đề "Chuyện Bảy Mươi Mốt Năm Trước (17/6/1945-17/6/2016)" được phổ biến trên nhiều mạng điện tử mấy ngày nay. Không rõ tấm bưu thiếp là do chính Giáo sư Phạm Cao Dương kèm theo bài, hay do người khác đưa vào để minh hoạ cho nội dung bài viết. Chú thích dưới tấm bưu thiếp là hàng chữ "Các liệt sĩ," nghĩa là các liệt sĩ Yên Bái. (hình dưới)

nguyen thai hoc

Tôi có bưu thiếp này từ lâu, và đã tưởng có một tài liệu lịch sử quý hiếm trong tay. Nhưng theo thời gian có thêm nhiều bưu thiếp, tôi mừng là vì thận trọng chưa phổ biến nên đã tránh được một sự "bé cái lầm".
Thật vậy, tôi có nhiều bưu thiếp lấy mẫu thiết kế là tên các địa danh thời Pháp thuộc, như Indochine, Tuyen Quang, Viet Tri, Yen Bay, Annam... Tất cả những bưu thiếp này đều có hình ảnh thủ cấp, dĩ nhiên không đủ con số 13 vì là bưu thiếp cắt ghép hình. Một số bưu thiếp đã được sử dụng nên có dấu bưu điện đương thời. Dấu bưu điện xưa nhất là ngày 10 tháng 3 năm 1907 trên bưu thiếp Indochine, bưu thiếp Yen Bay ghi ngày 5 tháng 10 năm 1917, vân vân. Hiện ai lưu giữ tấm bưu thiếp kèm trong bài của giáo sư Phạm Cao Dương xin xem lại, và công bố cho biết dấu nhật ấn là trước hay sau năm 1930!
Theo tôi, Pháp đưa 13 liệt sĩ VNQDĐ lên chém tại thị xã Yên Bái chính là để phù hợp với tấm ảnh 13 thủ cấp đã có từ trước mà chúng chú thích là "Têtes de Pirates Annamites," tức "Thủ cấp của những tên cướp người An Nam," vì trong vụ án, số người bị án tử hình tổng cộng tới 44 người chứ đâu phải chỉ có 13.
Nói cách khác và đơn giản nhất, tấm bưu thiếp có 13 thủ cấp KHÔNG phải là hình ảnh 13 liệt sĩ Yên Bái.

Ts TRẦN ANH TUẤN
17.6.2016

 

 

Đăng ngày 22 tháng 06.2016