banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một cái nhìn hơi khác

Trần Kim Diệp

Một vị trí thức người tỉnh Long An, học bậc Trung Học ở trường Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho, học Đại Học Y Khoa ở Sài Gòn và trở thành Bác Sĩ Quân Y.
Sau biến cố tháng tư 1975, như hàng trăm nghìn Quân – Cán – Chính VNCH không bỏ nước, Ông phải đi tù cải tạo của VC.
Hai năm sau Ông được thả ra và được chế độ mới xử dụng lại .
Theo Ông thì «Chế Độ Mới» đã động viên, khuyến khích Ông trau dồi lãnh vực chuyên môn, cất nhắc Ông làm Giám Đốc Bệnh Viện Ung Bướu (ung thư) Thành phố Hồ Chí Minh và giảng dạy ở Đại Học Y Khoa TP này.
Ông cũng nhiều lần được tham dự Đại Hội Y Khoa Thế Giới về Ung Thư ở một số nước Âu – Á và được thăm viếng nhiều nơi nổi tiếng trên thế giới.
Tóm lại Ông là người rất khôn khéo, thành đạt, lạc quan, yêu đời...
Dẫu rằng lạc quan là điều tốt nhưng có lẽ do quá thành đạt nên Ông luôn nhìn đời với lăng kính quá hồng và nhận định nhiều điều không thực tế lắm .
Trong lần thăm viếng Singapore Ông hết lời ca tụng Singapore, nhưng chắc Ông còn nhớ là trước kia Ông Lý Quang Diệu đã ước mơ sao cho Singapore được như "Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông", thì nay Singapore trở thành con Rồng Châu Á và đứng thứ hạng 15 trên TG là quốc gia tiên tiến có cuộc sống tốt (và Đại Hàn có hoàn cảnh chia cắt Quốc - Cộng như VN lại không được thuận lợi về khí hậu, tài nguyên... như VN thì chiếm vị trí thứ 8) trong khi VN trở thành nghèo nàn, lạc hậu, thua cả Miên, Lào thì không thấy Ông đề cập.
Lần viếng Khiêm Lăng (lăng vua Tự Đức) Ông hết lời tán dương rằng Tự Đức là "vị vua văn nhã, đa tài, nhân hậu, mẫu mực, hiếu thuận, khổ tâm nhọc trí với vận nước long đong…".
Sự hiếu thuận của Vua Tự Đức được mọi người biết qua việc mê săn bắn không về kịp dự lễ giỗ Cha nên phải nằm yên để Thái Hậu Từ Dũ đét vô đít.
Vua Tự Đức văn nhã vì thường đến Xung Khiêm Tạ để ngắm hoa,thưởng nguyệt, làm thơ...?  Lẽ ra đất nước loạn ly nếu không trăn trở về chuyện quốc sự, lại chỉ lo thơ phú thì cũng nên làm những bài thơ ca ngợi giang sơn cẩm tú đang oằn oại dưới ách ngoại xâm và kín đáo kêu gọi người yêu nước kháng Pháp, thì Ông lại có 2 câu thơ để đời tưởng nhớ giai nhân Bằng Phi:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
.......
Trong khi đời sống của dân điêu linh thống khổ vì một cổ hai tròng, đóng thuế cho nhà nước và sưu cao thuế nặng cho giặc Pháp (lương một phu đồn điền trồng cao su là 12 quan/năm,phải đóng thuế thân cho giặc hết 5 quan) thì vua TĐ lại phí phạm tài nguyên, nhân lực để xây Khiêm Lăng do chính vua tự tay vẽ đồ án, kiến trúc vĩ đại vô tiền khoáng hậu, gây nên cảnh
Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính hào đào máu dân
Chính việc xây Khiêm Lăng này đã là một nguyên nhân xảy ra loạn Giặc Chày Vôi.
(Cuộc nổi dậy Đoàn Hữu Trưng – Wikipedia tiếng Việt - Thời Tự Đức còn có 40 cuộc nổi loạn ngoài Bắc)
Minh Trị Thiên Hoàng Hirohito của Nhật lên ngôi lúc 15 tuổi nhưng tài giỏi, có viễn kiến, biết dùng người tài để cải cách nước Nhật, biến Nhật từ một nước nghèo nàn, kém phát triển thành một đại cường quốc trên thế giới. Trong khi Tự Đức lên ngôi lúc 18 tuổi, VN thời đó có không ít người tài giỏi đã tấu trình, hiến kế để canh tân đất nước như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Hiệp, Lê Định, Nguyễn Lộ Trạch... và đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ với 65 bản điều trần.
(Nguyễn Trường Tộ – Wikipedia tiếng Việt - Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam tới trời Tây)
*(Đời vua Tự Đức năm thứ hai (1849), Phạm Phú Thứ được vua vời về làm Kinh diên Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi làm giảng sách cho vua. Khi thấy nhà vua lơ là việc triều chính, ông dâng sớ can gián và bị cách chức, đầy vào nhà lao ở Thừa Phủ (Huế). Sau này, ông bị đày đi làm thừa nông dịch ở trạm Thừa Nông (Huế)). Nhưng vua Tự Đức vô tài, thủ cựu… không biết chiêu hiền đải sĩ (chính Tự Đức và triều đình đã hèn nhát bắt anh hùng Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân) nạp cho giặc Pháp để đày ông này sang đảo Cayenne – Nam Mỹ năm 1864)
Với 36 năm trị vì Tự Đức đã đưa VN vào ách nô lệ 86 năm của giặc Pháp.

Do may mắn riêng của bản thân, vị trí thức này đã đề cao hơi thái quá là chế độ vc "nâng đỡ, động viên người tài" như việc Võ Văn Kiệt (sáu Dân) tặng Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ 1 chai rượu chát ngon...(Với tài năng của Ông N.V.T dưới chế độ VNCH hoặc sống ở nước ngoài, nếu muốn ông có thể có hàng nghìn hoặc nhiều hơn những chai rượu ngon )- đó không phải là đải ngộ. CS nào cũng chủ trương "hồng hơn chuyên", vc lại rập khuôn theo nhận định của Mao Trạch Đông «trí thức không bằng cục phân» .
Gương cũ, những trí thức yêu nước như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Lương Định Của, Dương Huỳnh Hoa... đã chứng minh điều đó.
Nếu VC trọng dụng nhân tài sao không chỉ định Học Giả Nguyễn Hiến Lê phụ trách ngành Giáo Dục mà lại đặt để những tên bất tài như Nguyễn thiện Nhân (người có bằng cấp Đại Học Đức trước khi trường này hoạt động),Phùng xuân Nhạ (người mà hôm 14.11.2016 tuyên bố việc 21 Cô Giáo ở xã Hồng Lĩnh phải đi tiếp khách là chưa có gì trầm trọng và bản thân các Cô Giáo phải tự kiểm điểm lấy bản thân)... làm Bộ Trưởng Giáo Dục, để ngày nay nền Giáo Dục ở VN trở thành vô cùng LẠC HẬU so với thế giới.
Đất nước đã thống nhất, nội chiến cũng đã chấm dứt từ 42 năm và chúng ta đang ở thế kỷ thứ 21, nhưng có nơi Cô Giáo đến trường phải chui vào túi nylon để vượt sông, học sinh vùng xa phải đu dây cáp để đến trường.
Trong khi đó thì vô số cán bộ, chức quyền VC giàu sụ với tài sản hàng trăm triệu đô la.
Nếu vc trọng dụng nhân tài sao không chỉ định Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, người từng đoạt giải Khôi Nguyên về Kiến Trúc ở La Mã và nổi tiếng về xây Dinh Độc Lập... đảm trách Bộ Công Chánh, mà lại đưa 14 tên dốt nát như Phạm hồng Hà, Phan thị Mỹ Linh... phụ trách việc kiến thiết, xây dựng với những công trình về cầu đường thật tồi tệ, chưa xây xong đã sụp đổ như cầu Cần Thơ...
(Người tài giỏi ở Miền Nam thì nhiều lắm, nhưng sở dĩ tôi chỉ đơn cử 2 trường hợp của học giả NHL và kiến trúc sư NVT vì những vị ấy có giao tiếp thân tình với vị trí thức).
Ngoài ra, tôi cũng xin nhắc lại là chỉ với 21 năm, ngoài nổ lực chính chiến đấu chống kẻ xâm lược vc gian manh, man rợ... VNCH đã đào tạo vô số người tài giỏi ở mọi lãnh vực trong đó có cả vị trí thức.
Sau 30. 04. 1975 trừ những người may mắn đã thoát được vc sang định cư ở Mỹ, Pháp... và đem tài năng ra phục vụ cho những xứ này, còn vô số người tài giỏi khác phải bỏ mình trong những trại tù cải tạo của vc, hoặc khi được thả ra đã trở nên thân tàn ma dại và chỉ riêng trong lãnh vực Y Khoa chắc chắn có không ít vị từng là Thầy hoặc thượng cấp của Ông như Chuẩn Tướng Quân Y Phạm Hà Thanh, 47 Vị Trung Tá Quân Y từng là Giám Đốc những Quân Y Viện Miền Nam bị đoạ đày ở Trại Tù Sơn La...

Muốn xét về một quốc gia, thường chỉ cần nhìn 2 lãnh vực Giáo Dục và Y Tế.
Là người xuất thân từ chế độ Cộng Hoà Ông thừa biết, dù trong thời chiến với ngân sách eo hẹp nhưng học sinh từ cấp tiểu học đến đại học công lập đều hoàn toàn miễn phí và không hề có việc tra xét lý lịch - dù là con cháu của người tập kết ra Bắc hoặc làm việc cho kẻ địch và trong nền giáo dục nhân bản đó TRÍ - ĐỨC – THỂ DỤC đều được phát triển cùng lúc, hoàn toàn khác với nền giáo dục lạc hậu của VC chỉ dạy hận thù chém giết, nhồi nhét tà thuyết Mác- Lê vô bổ, hạ nhục các bậc Thầy – Cô (bắt các Cô Giáo đi tiếp khách ở xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh, Thầy Giáo với đồng lương chết đói sau giờ dạy học phải đạp xích lô để nuôi gia đình), bày ra trăm thứ thuế để vô số trẻ con nhà nghèo phải bỏ học để bương chải kiếm sống như bán vé số, đánh giày, ăn xin... bỏ môn lịch sử, cưỡng bách học chữ Hán để sẳn sàng làm nô lệ cho kẻ thù truyền kiếp giặc Tàu.
Với 42 năm cho miền Nam và 63 năm cho cả nước, nền Giáo Dục của vc chỉ đào tạo được 24.000 tiến sĩ dỏm không chế được một con vít, còn thanh niên nam nữ thì mất định hướng tương lai, không còn ý chí đấu tranh cho tổ quốc mà chỉ biết vùi đầu vào sự ăn chơi, hưởng thụ hay tìm mọi cách thoát VN bằng phong trào «giáo dục tỵ nạn» hay xin được đi làm nô lệ lao động hoặc cay đắng lấy chồng nước ngoài (chính tên Bí Thư Xã Uỷ Nha Mân – Sa Đéc thở than là 60–70% gái Nha Mân - gái đẹp nổi tiếng của Miền Nam – đã đi lấy chồng nước ngoài).

Về lãnh vực Y Tế thì ai ở miền Nam cũng đều biết, trước 1975 dù ngân quỷ quốc gia hạn hẹp lại phải ưu tiên cho nhu cầu chiến tranh, nhưng y tế công hoàn toàn miễn phí đối với mọi người không phân biệt đối tượng, thậm chí tù binh hoặc thương binh VC cũng đều được chữa trị.
Trong khi sau 30.04.1975 thì VC vứt tất cả Thương Bệnh binh VNCH ra khỏi các Quân Y Viện, cướp hết thuốc men ở miền Nam chở về Bắc, dân chúng bị bệnh thì dù bệnh gì muốn được điều trị đều phải qua "thủ tục đầu tiên" (nói lái), đó là chưa kể những quy định quái gở ( như trường hợp phải cấp cứu thì được ưu tiên chót -số 7), tù cải tạo thì vô số trường hợp bị chết vì bệnh mà không được cấp thuốc, ngoài ra thuốc dỏm và thầy thuốc dỏm thì tràn lan dưới thời VC .
Do chủ trương hồng hơn chuyên nên đa số y – Bác Sĩ của VC học qua quýt tại chức, không có trình độ, khả năng nhưng vẫn được chỉ định hay mua chức như trường hợp tên Y Sĩ VC ở trại tù Sơn La trình độ chưa bằng Y Tá của miền Nam nhưng dám lên lớp 47 Vị Trung Tá Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ VNCH thứ thiệt ở trại tù Sơn La.
Chế độ VC thường khoe khoang có nhiều «Bệnh Viện 5 sao» (nghe giống như tiêu chuẩn của khách sạn quá), nhưng để làm gì, trong khi người dân khi bị bệnh ngoài việc không đủ khả năng trả bệnh phí quá đắt đỏ còn phải chịu trăm điều cay đắng của nền y tế lạc hậu và vô cùng rắc rối.
 
Riêng trong lãnh vực ung thư mà vị trí thức tỏ ra rất lạc quan (qua sách viết và qua những lần được báo, đài nhà nước phỏng vấn) thì có đáng để lạc quan không khi hàng năm ở VN có thêm hơn 200.000 trường hợp vướng ung thư và mỗi ngày có 315 người chết vì bệnh này.
Vị trí thức, nhiều may mắn về gia cảnh, có kiến thức sâu rộng nhờ tiếp thu những tinh hoa Âu – Á qua sách vở, thông minh, có tinh thần cầu tiến nên thời đi học đã là học sinh giỏi, cá biệt lại được chế độ VC trọng dụng, nhiều lần Ông còn được đi dự đại hội Y Khoa TG về ung thư vì Ông có tài, thạo ngoại ngữ trong khi VC dốt lại chỉ ma dê in, clv, clmv như Nguyễn Xuân Phúc hoặc Nguyễn Tấn Dũng.
Việc Từ Thứ quy Tào năm 208 do hoàn cảnh (hư cấu của La Quán Trung) không ai trách vì hàng Tào nhưng Ông không làm gì cho Tào, còn vị trí thức cộng tác đắc lực cho chế độ VC thì chắc cũng do hoàn cảnh. Tôi không dám có những nhận định như Ông Phan Văn Trị vì nghĩ rằng "không chỉ ai cầm súng chống giặc mới là yêu nước, mà bất luận ai làm hết chức năng của mình trong bất cứ ngành nghề nào cũng là yêu nước".
Tôi cũng rất tin qua tâm sự của Ông «phải trong tâm bão mới biết mình có vững hay không».
Ông đã viết sách trình bày những kinh nghiệm chuyên môn cho hậu thế, đào tạo nhân tài cho thế hệ mai sau và sống theo «Đạo của người quân tử»… Ông thật giỏi, nhưng có lẽ do quá thành đạt trong cuộc sống nên Ông cũng đã quá lạc quan và nhìn đời quá hồng.
Sở dĩ tôi có những điều trình bày vụng về trên vì như Khổng Tử nói "biết sự thật mà không nói là bất nhân", tôi tuy dốt về Nho Học, nhưng không muốn làm người bất nhân. Tôi chỉ sợ là dưới chế độ VC mọi sự thật đều bị bóp méo, thông tin thì bị bưng bít, nay mai những ai sống dưới chế độ Cộng Hoà ở lứa tuổi 1930 – 1940 -1950 đều giả từ cỏi thế thì việc VC tàn hại đất nước nhưng được đánh tráo là trọng dụng nhân tài, người ta sẽ tưởng là THẬT.
Paris, hè 2017-
HQ.Trần Kim Diệp

http://trankimdiepk17hq.blogspot.com


Trích Saigon on line, 26/05/2006:

...Tốt nghiệp đại học y Sài Gòn và đeo lon “trung úy bác sĩ biệt phái”, về giảng dạy tại trường đó, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng cũng phải khăn gói đi học tập cải tạo. 4 tháng ở trại, thời gian không dài nhưng đó là quãng thời gian không thể nào quên. Ông là một trí thức, một giảng viên đại học, một bác sĩ điều trị, công việc quen thuộc của ông là giảng đường, là phòng mổ, ấy vậy mà vào trại, ông phải đào đất, xe đá… như một lao động cơ bắp thứ thiệt (cải tạo mà).

Phó giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM.

Nỗi mệt nhọc về thể xác, nỗi lo không biết ngày nào được gặp lại vợ con cũng không nặng nề bằng nỗi lo liệu sau khi học tập về, mình có còn được làm thầy giáo và làm nghề trị bệnh cứu người (cái nghề mà ông tuy mới nhập môn nhưng đã được đánh giá là đầy triển vọng)? Năm đó, ông mới 31 tuổi, ra trường được 5 năm là một trong những tiến sĩ y khoa quốc gia, giảng viên đại học y Sài Gòn trẻ tuổi nhất lúc đó (28 tuổi)…
Ông trở về, mới vui với gia đình thì đã nhận lời “nhập cuộc” - Giáo sư, bác sĩ Trương Công Trung, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM lúc ấy đã để ông trở lại trường tiếp tục giảng dạy. Và cũng không lâu sau đó, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhâm, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân động viên ông làm bác sĩ điều trị, rồi làm Trưởng khoa Ung bướu của bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã “nhập cuộc” theo con đường y nghiệp của chế độ mới xã hội xã hội chủ nghĩa như vậy.
Nhận xét về quãng đường 30 năm sau giải phóng và thành tựu đã đạt được, ông cho rằng đó là “do tôi có phước gặp và được làm việc với những bậc đàn anh, những bậc thầy tuyệt vời ảnh hưởng sâu sắc, quyết định cả cuộc đời tôi từ năm 1975 đến nay”.

Ông kể: “Giáo sư, bác sĩ Trương Công Trung là vị Hiệu trưởng cách mạng đầu tiên của trường mà tôi tiếp xúc. Ông nhìn tôi, tôi chào ông. Chúng tôi lẳng lặng tìm hiểu nhau. Và tất cả sẽ là sự đánh giá phiến diện nếu không có thời gian cùng trải nghiệm thực tế qua thời kỳ hết sức nghiệt ngã của xã hội mà mọi thứ giả tạo xi mạ sẽ bong tróc ra hết… Càng làm việc, càng đi cùng ông, tôi càng nhận ra ông là một thầy giáo mẫu mực, vừa hàn lâm, vừa giản dị gần gũi. Ông là người thầy lớn của tôi về y tế nhân dân – điều mà tôi chưa từng biết ở Đại học y Sài Gòn…”.
Nếu Giáo sư, bác sĩ Trương Công Trung là người truyền cho ông về Y Đạo nhân dân thì bác sĩ Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế lúc ấy là người đã dám đặt lên vai ông trọng trách – lãnh đạo một bệnh viện. Ông kể: “Cho đến bây giờ, hơn 20 năm kể từ khi nhận nhiệm vụ trong ban lãnh đạo Trung tâm ung bướu TPHCM, không riêng tôi mà nhiều thầy thuốc Sài Gòn cũ mãi mãi nợ anh Tư Trung. Anh chịu trách nhiệm trước Đảng để bảo lãnh cho các bác sĩ Trần Tấn Trâm, Trương Thìn, Phan Thanh Hải, Văn Tần, Trần Đông A và tôi đứng vào các vị trí lãnh đạo các bệnh viện. Khi trong chúng tôi, có người nói lời cảm ơn, anh chỉ cười, bảo: “Trâu già đâu nệ dao phay…”.
Chính cánh hành xử của những người thầy thuốc - chiến sĩ cách mạng này đã thực sự thuyết phục, động viên những trí thức như ông, trở thành những cán bộ ưu tú, những trí thức lớn. “Qua anh Tư, tôi biết mình phải làm gì. Tôi hiểu một cách cạên kẽ cụ thể chứ không là lý thuyết suông về cái tâm, cái dũng của người cộng sản trước tiền đồ của ngành, của đất nước” – Phó Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng bộc bạch. Từ “tin”, “kính phục”, đến “nợ” và “biết mình phải làm gì”, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đã trở thành phó giáo sư, bác sĩ đầu ngành, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Và ngày 18-5-2006 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ kính yêu, ông được Đảng và nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.   (hết trích)


Tản mạn về những món ăn nhớ đời

Trần Kim Diệp

Tháng 6.1975, tui đi tù VC ở Trại Long Giao – Long Khánh.
Giai đoạn đầu sách lược của VC đối với tù binh VNCH chưa rõ rệt, doanh trại lại có sẵn (là khu gia binh của Trung Đoàn 48 – Sư Đoàn 18 Bộ Binh /VNCH) nên sinh hoạt của chúng tôi ngoài lần đi tháo gở phi trường Long Khánh để lấy đất trồng khoai mì, chỉ quanh quẩn làm vệ sinh, dọn dẹp chỗ ở, học tập vài bài chính trị vớ vẩn... Thời giờ còn lại thật rảnh rổi, chỉ giải trí và chế tạo quà cho người thân.
Thời gian ở trại này chúng tôi chưa ăn độn mà chỉ phải ăn gạo mục (lấy tay bóp nhẹ, hạt gạo sẽ nát ra như bột, thường một chảo cơm nấu với 4 thau gạo, nhưng số sâu vớt ra đã gần một thau và trong mỗi chén cơm vẫn còn sót khoảng 20 con sâu gạo), ăn với một món cá biển kho và món canh bí hoặc cải nấu với muối.
Ngày 2 bữa và mỗi bữa chỉ một chén cơm với chút cá kho và canh, không thoả mãn được sự kêu gào của bao tử, nên mọi thứ đều được tận dụng như bí đao, bí đỏ thì không bao giờ bỏ vỏ, còn xương cá thì có một số bạn tù nhặt hết đem giã nát trộn với muối làm món chà bông, cơm cháy khét thì chế thành món cà phê Long Giao.
May cho chúng tôi là Tiểu Đoàn Bộ Binh VC quản lý không khắt khe lắm, những Cán Bộ Quản Giáo Đội thường nhận ra Long Khánh mua giùm đường, đậu phọng, hạt giống rau để trồng nhằm «cải thiện» thêm cho bữa ăn.
Trong trại có một cái hố chứa đồ vứt bỏ của những bà nội trợ vợ lính thời trước, lâu ngày biến thành phân màu mở, chúng tôi lấy đem trồng rau lang, dền... thật tốt.
Có mấy Ông Bác Sĩ Quân Y làm bẩy bắt chuột để ăn. Thường khi bắt được chuột họ không thịt liền mà đem nhốt chuột vài hôm cho «sạch sẽ» (chỉ nhốt khơi khơi chớ hổng thấy lấy sà bông thơm tắm rửa chuột), xui là có lần bị một Ông Tuyên Uý Phật Giáo lén thả hết chuột, mấy vị Bác Sĩ cự nự thì bị lên lớp là "BS mà không biết giữ vệ sinh ăn chuột bẩn lại phạm tội sát sanh".
Ngoài việc bắt chuột để ăn, tù còn lùng bắt dế cơm (LK là vùng đất đồi có rất nhiều dế cơm to hơn ngón tay cái).
Vì nước thật hiếm nên không thể dùng nước làm ngập hang cho dế ngộp, nên một bạn tù và tui dùng một cây cuốc chim để bắt dế. Thường sau cơn mưa dế cơm đùn đất lên trên miệng hang, chúng tôi chọn những hang có đất mới để đào, nhưng dế cơm khôn lắm luôn làm những hang ngách phụ nên đào một hang hoạ hoằn chỉ bắt được 1 – 2 con.
Chúng tôi, mỗi đứa đào một hang riêng, lần đó tui không tìm thấy dế nên đến chỗ anh bạn để lấy cuốc thì chứng kiến một điều thật lạ lùng: "Anh bạn dùng tay phải moi phần đất đã cuốc, không ngờ bên dưới có một mảnh ve chai cắt đứt tay, máu tuôn ra, Anh liền dùng bàn tay trái vẽ gì loằn ngoằn trên không rồi vuốt chỗ bị đứt, vết thương ngưng chảy máu và liền trơn. Tui là dân học toán lý hoá hổng tin ma quỷ bùa ngải, nhưng HÁ HỐC mồm. Anh bạn ra dấu yêu cầu tui không nói lại gì với ai. Tui gật đầu hứa. Sau đó tui bị đưa ra Bắc, còn anh ta ở lại trong Nam vì thuộc thành phần kỹ thuật.
Hồi trước, tui chỉ đi học rồi đi lính, nhưng thời gian tù ở trong Nam tui học được của những Bạn tù rất nhiều điều như: dùng tôle gò thùng, nồi, lon... làm lược bằng thanh cọc lều, làm kim bằng lò xo của băng đạn M16, làm vòng semaine bằng ống hoả tiển chống tank M72 (hợp kim nhôm), rèn dao, tháo bao cát đánh dây luộc,đẻo gỗ làm guốc, chày... làm sắc du lịch với khung kẻm gai và vải áo giáp... và nhất là tháo chỉ nylon của áo giáp để sau này làm nhợ câu, làm bẩy chim (hồi đó tui chưa biết sờ mu rùa, cũng không đoán được phải đi luyện chưởng lâu, mà chỉ là việc làm ngẩu nhiên thôi).
Thời ở trại Long Giao, chúng tôi bắt đầu được nếm mùi ĐÓI, nhưng hoạ thì vô đơn chí.
1.200 tên tù mà chỉ có một cái giếng nước ưu tiên dành cho bếp, nên chúng tôi phải tự đào thêm giếng. Các Vị SQ Công Binh lúc này có dịp trổ tài tìm mạch nước, nhưng thường trật lấc, hoạ hoằn mới ngáp được ruồi.
Long Khánh là vùng đất cao, nên chúng tôi thường phải đào giếng sâu 15 – 20 m mới có được chút nước, bản thân tui thì lần đầu thấy được đất có thật nhiều lớp như bánh da lợn.
Do thiếu nước nên việc tắm giặt thật khó khăn, nhiều khi kéo nước từ giếng thật sâu nhưng chỉ lấy được 5- 10 lít nước bùn, phải chờ bùn lắng, chắt lấy phần nước trong để dùng. Có thể do vấn đề vệ sinh không tốt nên thời gian này dịch ghẻ hoành hành. Nhiều khi tù phải trần truồng như nhộng đứng xếp hàng cho cô Y Tá VC cầm cây cọ sơn lớn chấm vào thùng bột DDT (thế giới đã cấm dùng) phết lên mình tù đầy ghẻ (thân như có gắn đầy hạt đậu đen).
Tui cũng bị ghẻ nhưng chỉ ở bàn tay, mỗi sáng thức dậy sau màn thể dục tập thể, tui phải nấu nước sôi dùng bông gòn rửa mũ, thoa thuốc đỏ rồi giả đọt lá dâm bụt, cỏ lữ đồng... đắp trị hết ghẻ.

***
Giữa năm 1976, chúng tôi bị chuyển ra miền Bắc (đọc Ðá nát vàng phai – Kim Thanh).
300 đứa chúng tôi bị chỉ định tù ở tỉnh Yên Bái gần Trại 2 tù Đại Tá và Trại 5 tù Trung Tá.. Ngày đầu tiên, 100 người tù lán bạn khi phát quang cây cỏ, một số phải lội xuống một ao nước đọng, nhiều người bị nhiểm vi khuẩn bệnh sốt vàng da và trong đêm đã có một anh tù chết. Anh Bạn cùng khoá HQ với tui cũng bị sốt vàng da, nhưng may mắn thoát chết – anh hiện sống ở Bắc Cali.
Tui ở Trại này chỉ hơn tháng thì bị chuyển sang Trại 10 cũng thuộc Đoàn 776- Hoàng Liên Sơn. Tù nhân của Trại 10 hầu hết thuộc ngành An Ninh, Tình Báo và Tuyên Uý (Phan Nhật Nam, Phan phát Huồn, Lê Quang Văn - em Ông Ba Cụt Lê Quang Vinh...).
Số là trại cũ ở gần trại bò lục (Đại Tá) và mỗi khi chúng tôi đi lao động đều phải đi ngang trại này, dĩ nhiên khi gặp mấy Ông Xếp cũ thì thường chào lén. VC thấy không ổn nên chuyển chúng tôi đến trại mới cách đó khoảng dăm bảy cây số.
Trại tù mới này nằm trong "u tịch cốc", muốn vào trại phải vượt qua một vùng đất lầy, lún, phải thả vài cây bồ đề lên trên để đi.
Chúng tôi san bằng một ngọn đồi nhỏ, bao quanh bởi một con suối đầy lau sậy để xây cất trại tù với tất cả nguyên liệu do thiên nhiên cung cấp: gỗ, tre, dây mây, cỏ, đất. Trại tù thành hình nhưng VC hổng tốn một xu.
Thời này tuy cũng có học ôn lại mấy bài học chánh trị bá láp và trồng một ít sắn, nhưng chủ yếu là xây cất lán cho tù và cho bộ đội ở. Trước kia, trừ việc làm nhà chòi hồi còn nhỏ, tui có biết xây cất, mộc, nề, gì đâu, nhưng sau khi ra tù tui giúp hàng xóm lợp nhà, sửa bàn ghế, xây tường... ngon lành.
Thậm chí nếu phải sống trong rừng hay hoang đảo mà có cây cưa, cái búa hay tối thiểu một con dao tui cũng tự cất được một cái nhà dễ dàng.
Việc ăn uống của tù ở Trại 10 thì hoàn toàn khác với khi ở Long Giao. Lần đầu tiên chúng tôi biết được từ "ăn độn". Không phải ăn gạo mục nữa, nhưng ăn toàn bắp xay (nát nhưng chưa thành bột),khoai mì, nước muối, không có bầu, bí gì hết, chỉ thỉnh thoảng có bánh bột mì, đường cát đen, ngày lễ lớn như 2 tháng 9, ngày tết thì có tí thịt lợn.
Dĩ nhiên là chúng tôi đói phờ râu, nhưng bộ đội không quá khắt khe. Chúng tôi chỉ lao động từ thứ hai đến trưa thứ bảy sau đó được phép tự tìm rau cỏ để cải thiện thêm.
Phần tui, lợi dụng mùa mưa suối có nước, có cá, thường câu được ít cá lòng tong,cá bả trầu, cá trạch, hoặc hái lá mối vò làm sâm ăn, ngoài ra còn hái lá lốt, rau má dồn đầy 2 cái bao cát để ăn dần trong tuần, thỉnh thoảng đi rừng đốn giang, nứa tui cũng kiếm được bắp chuối, măng hay đọt giang.
Sở dỉ tui ăn nhiều lá lốt vì Anh Trung Tá Trưởng Phòng 2 SĐ2BB cho tui biết là nhờ dùng nhiều lá lốt mà trước kia anh thoát được bệnh bán thân bất toại.
Miền Bắc rất nghèo, bộ đội cũng ăn đói và dĩ nhiên tù càng đói hơn.
Có một anh tù Thiếu Tá trốn trại. Anh trốn vô rừng, nhưng rừng miền Bắc cũng khác rừng miền Nam, hổng có trái gì để ăn nên 21 ngày sau phải trở vô trại trình diện.
Anh bị cảnh cáo nhưng không bị cùm mà chỉ bị "cách ly" trong một cái chòi cạnh con suối. Anh lấy bùn của suối đấp luống và gieo hạt cải mang theo từ miền Nam, kết quả ngoài sự tưởng tượng, cải thật xanh tốt và 4 tên tù chúng tôi được lệnh gánh lên nộp cho Bộ Chỉ Huy của Liên Trại (14 trại) – Dịp này, được sự thông cảm của "một Chị Nuôi" (làm bếp) chúng tôi chớp được miếng cơm cháy lớn dành nuôi lợn, bẻ chia làm 4, giấu trong túi áo và nhâm nhi khi trên đường trở về trại. Ôi miếng cơm cháy ngon tuyệt vời.
Dù tù nổ lực "cải thiện", nhưng rau cỏ quanh trại cũng có hạn, nên vài người tù đã bỏ mình do việc ăn uống thiếu thốn.
Anh Tuyên Uý Phật Giáo phụ trách nuôi heo, lợi dụng mỗi ngày lên rừng đốn chuối rừng về xắt nấu với rau trai và muối cho heo ăn, Anh đã lén ăn sống vài lỏi chuối, ít lâu sau bụng trướng phình và chết.
Một anh tù khác ăn con vạc sành (criquet hơi giống con cào cào) bị trúng độc suýt chết và cũng anh lần khác nướng một con cóc ăn, nhưng vì tiếc ăn luôn bộ lòng cóc bị trúng độc (gan công, mật cóc) may nhờ chở lên BCH cứu kịp – hiện Anh sống ở Mỹ.
Tui cũng bị nạn về ăn uống khi ở Trại 10. Do việc vệ sinh của Trại không tốt, những hố phân thường đầy ruồi nhặng, nên khi chảo cơm hay nồi canh còn nghi ngút khói, ruồi đã nhào vô kiếm ăn, hậu quả là phần ăn của tù thường có cả nhiều ruồi chết và tui bị kiết.
Khi bị kiết thì nhiều hôm dù không ăn uống gì nhưng vẫn phải luôn đi cầu - có khi ngày trên 20 lần, phân toàn đàm và máu, thân thể tui gầy như bộ xương biết đi chỉ còn nặng khoảng 35 kg. Tui đuối sức có khi không giăng nổi cái mùng phải nhờ người nằm bên cạnh giúp hoặc xuống suối giặt giùm quần áo.
Tuy bệnh, không phải theo các bạn tù để đi lao động, nhưng tui vẫn phải lao động tại chỗ như chẻ lạt để lợp nhà, cho đến khi thấy tui đuối quá Trại quyết định chuyển tui đến Trại Cách Ly (tức tù bị kiết của tất cả các Trại chuyển về đây để không lây cho người khác và chờ chết).
Trong cuộc sống, không bao giờ tui nịnh hót ai, nhưng có lẻ do số tui chưa hết nên lần đó khi Trại đã chỉ định 2 người tù với một cái đòn tre, một cái võng (bằng cái mền túm hai đầu) chuẩn bị chuyển tui đi cách ly, thì tui buột miệng: "trại cách ly đông người, ở đây chỉ vài người bệnh, Cán bộ chăm sóc chúng tôi kỹ, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn".
Câu nói của tui có lẽ vuốt ve tự ái, làm mát dạ anh Cán Bộ Y Tá VC nên anh giữ tui lại trại. Tuy trại chỉ cho thuốc "Xuyên Tâm Liên" (trị bá bệnh), nhưng nhờ tánh mê nghiên cứu về dược thảo, mà quanh trại lá mơ (lá thúi địch) có công dụng trị kiết mọc thật nhiều, nên tui hái ăn mỗi ngày và khỏi kiết.
Ngoài ra tui còn có một may mắn khác: đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc.
Số là gần trại có một cây vải rừng cổ thụ, thân cây thật to, từ gốc lên cao khoảng 4-5 m suông đuộc chẳng ai leo lên được. Cây vải thật sum sê trái sắp chín nhưng chỉ có chim và khỉ ăn.
Nhiều người tù đã thử leo lên hái trái nhưng đều thất bại, tui gốc dân quê leo trèo giỏi cũng có thử nhưng cũng không thành công (những sợi dây luộc dài mà chúng tôi bện trong Nam đều đã bị tịch thu hết trong những lần kiểm tra).
Một buổi sáng chúa nhật nọ, thấy có anh Tuyên Uý Công Giáo (cha N.Q.T) vắt vẻo trên cây vải và đang hái trái. Tui bảo thằng bạn khom lưng xuống để tui đứng trên vai nó rồi thêm ít cố gắng tui leo được lên cây.
Tui hái trái vải dồn đầy bao cát mang theo và bẻ nhiều nhánh vải ném xuống bên dưới. Một bạn tù ăn thử hạt vải thì thấy béo như hạt đậu phọng, hạt điều liền báo cho mọi người biết.
Hôm đó, tù được ăn bánh bột mì và mỗi người được lảnh 100 g đường, thế là có nhiều người bày cách nấu chè hạt vải ăn. Hậu quả là sau đó có vài người trúng độc chết và khoảng 20 người bị ĐIÊN phải chuyển lên Đoàn chữa, mấy tháng sau mới khỏi.
Tui cũng có ăn vài chục hạt vải luộc nhưng may không chết, cũng hổng bị điên (nhờ khi đó Trời kêu nhưng tui đã giả điếc không nghe và không dạ)

***
Khoảng giữa năm 1977 chúng tôi bị chuyển về Trại K1 – Tân Lập – Vĩnh Phú.
Thiên đàng, địa ngục có – không? hay chỉ do con người dựng lên nhằm răn đời, nhưng Trại K1–TL-VP là địa ngục thì thật, 700 tù chuyển về đây trong hơn 2 năm đã có 125 người chết.
K1 – TL là trại được Bộ Công An chọn làm kiểu mẫu với cách quản lý thật khắc nghiệt. Trại trưởng là tên Thiếu Tá Công an Nguyễn huy Thuỳ. Với thành tích vô cùng độc ác, từ Trung sĩ Quản Giáo hắn được cất nhắc lên tới chức Thiếu Tá Trại Trưởng. Tuy nhiên, không phải chỉ do thành tích man rợ mà hắn có được địa vị này, thực ra là hàng tháng vợ hắn phải "tu trang" và đem xác hiến dâng cho các chức sắc VC nắm vận mệnh của NHT và người vợ này đã lợi dụng thế yếu của hắn nên xem hắn chẳng có kí lô nào. Hắn không dám phản ứng chống lại cấp trên và vợ nên bao khổ đau, uất hận đều trút hết lên đầu lũ tù VNCH sa cơ thất thế.
Phụ tá đắc lực cho NHT là Cán bộ An ninh tên Hồng - tên hung thần ác sát này đã trực tiếp hoá kiếp hàng trăm người tù VNCH ở trại K1 mà đa số là những vị Trung Tá già yếu, bệnh tật (các Tr.Tá Hậu, Lạc, Phong...) Nhưng lưới trời lồng lộng "ác giả ác báo", vợ hắn 4 lần sanh đều không đứa con nào sống được.
Ngoài ra, tên cán bộ an ninh Hồng còn chỉ định một tù hình sự tên Phú làm Trưởng Ban Trật Tự của trại. Tên này nguyên là Võ Sĩ ở Hà Nội, can tội giết vợ và chị vợ để lấy 3 chỉ vàng đánh bạc. Hắn là hung thần của tù - nhất là tù hình sự, tui có lần chứng kiến hắn treo lủng lẳng một tù hình sự gầy như bộ xương cách trí (tội nhổ trộm sắn) để 2 tên công an vũ trang đấm đá như dượt võ với bao cát, thậm chí chúng còn dùng báng súng AK và nòng súng dộng vào ngực, bụng tên tù đến trào máu họng.
Có điều là sau lần bị người tù VNCH tên La Đạo Sĩ (nguyên là tu sĩ ở núi Cấm – Châu Đốc) võ nghệ cao cường dạy cho một bài học, hắn kiềng mặt không còn dám hiếp đáp tù CT như trước (từ đây tui dùng từ tù CT thay cho chữ tù VNCH).
Một điều lạ nữa là trong 25 đội tù, thì vài đội tù hình sự Đội Trưởng, Đội Phó toàn là loại "đầu gấu" (du côn,độc ác), còn ĐT, ĐP của các đội tù CT thì hầu hết là những SQ/Cảnh Sát "nhiều tiến bộ" trong đó Đội 13 với Tr. Tá Năm làm ĐT là khủng khiếp nhất. Khi Tr.Tá Năm chết vì ăn măng trúng độc thì Đ/U Thống thay, còn sắt máu hơn.
Tui đã qua 4 trại tù, nhưng phải nói là ở Trại K1 – TL, tù CT làm ăng ten nhiều như rươi, do bị VC dụ dỗ "lập công với cách mạng sẽ được cứu xét về sớm". Bản thân tui trong thời gian ở trại này đã bị ăng ten tố cáo 4 lần vì những việc thật cỏn con (nhổ nấm mèo mọc hoang, kể chuyện cái miểu ở Hoàng Sa, được tù hình sự cho muỗng muối).
Buồn cười là khi tui được chuyển từ nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn của xã hội (được tạm tha) thì hầu như những vị ăng ten vẫn còn được VC tin dùng ở lại giúp chúng.
Việc ăn uống ở trại K1 – TL thì tồi tệ hơn những trại trong Nam hay ở Hoàng Liên Sơn. Trên nguyên tắc thì tù mỗi tháng được ăn 15 cân (Kg) sắn, bo bo, bắp… nhưng thực tế thì không như chúng nói khiến tù đói phờ râu. Ở HLS, bộ đội còn cho phép tù kiếm thêm rau cỏ để cải thiện, còn ở K1-TL thì tuyệt đối cấm, ai vi phạm thì bị cùm.
Ở trại K1-TL, trừ đội nhà bếp (hình sự phụ trách), đội xay xát, đội xây dựng, đội làm gạch, còn lại tất cả là những đội nông nghiệp trồng lúa, nếp, sắn, rau.
Quanh trại thì sắn được trồng thật nhiều, nhưng khi tù phải ăn khoai mì 70 món thì thường là sắn dui (sắn xắt sợi phơi khô) hoặc sắn đẻo (sắn xắt lát phơi) thật hôi, mốc, nếu trước 1975 đem nuôi heo miền Nam chúng cũng lắc đầu hổng ăn.
Bo bo là thực phẩm nuôi gia súc do Ấn Độ viện trợ, nếu không vỏ (ý dỉ) đem nấu chè sâm bổ lượng ăn cũng ngon miệng, nhưng nếu còn vỏ thì ăn bo bo sẽ thải ra bo bo (của thiên trả địa vì bao tử con người không tiêu hoá được vỏ bo bo như gà, vịt…).
Còn ăn bắp dù là bắp trái hay bắp hạt càng khổ hơn vì cả hai đều cứng như đá - tù gọi là bắp đá (các hợp tác xã ngoài Bắc thu hoạch bắp phơi thật khô rồi đóng thuế cho nhà nước). Bắp trái thì lưa thưa ít hạt, còn bắp hạt hoặc bo bo thì thường có lẫn với than đá do được chở cùng toa xe lửa, khi thì than đá, khi thì chở hạt nhưng không được chứa trong bao bì. Bắp đã cứng, củi lửa lại thiếu, tù hình sự nấu ba sồn bốn sực, nên ăn những thứ này tù khổ vô cùng nhất là những người thiếu hoặc không còn răng.
Tui thuộc thành phần này, vì răng mục, gảy, nhiều khi đang trệu trạo nhai thì cảm thấy là lạ, lấy lưỡi rà thì có một miếng hay một cái răng nào đó đã theo bắp đi viếng cái bao tử. Nhiều khi răng, nướu đau, hai bên má sưng như ngậm 2 trái mù u, nhưng để sống còn tui vẫn phải đưa những hạt bắp tới nóc giọng và nuốt như người Pháp gaver vịt, ngổng nuôi để lấy gan lớn.
Tuy biết vi phạm nội quy của Trại phải bị cùm, nhưng vì bản năng sinh tồn khi đói quá nếu có dịp thì ai cũng "CHÔM CHỈA".
Bản thân tui vì nghĩ đoạn đường tù của mình đã khá lâu, nếu vi phạm nội quy VC có thể cho là chưa tiến bộ để không thả, nên tui không bao giờ "thu hoạch linh tinh – trộm" hoa màu của Trại. Tuy nhiên tui cũng có lén ăn bậy.
Một lần ở Đội Nông Nghiệp, lợi dụng tên công an vũ trang ngó lơ, tui lén nhổ vài cây rau chóc (giống rau mác nhưng cọng chỉ nhỏ bằng ngón tay út) mọc ở bờ ruộng, rửa sơ nước xâm xấp đầy phân người (phân bắc), phân trâu và phân xanh để chuẩn bị cấy lúa, rồi nhai nuốt vội cho bao tử không nổi loạn. May quá,thật mất vệ sinh nhưng lần đó tui hổng bị bệnh.
Lần khác, đội tui phải trồng bắp theo kiểu của dân du mục bán khai, tức dùng một cọc nhọn chọc một lỗ thủng dưới đất, bỏ hạt bắp giống xuống lỗ rồi dùng chân lấp đất lại, sau đó trăm sự nhờ trời. Bắp có mọc hay không thì nhờ mưa hoặc không bị mối ăn và cây bắp mọc mà có trái hay không thì do sự mầu mở của đất. Có điều VC không biết là bắp chỉ mọc lưa thưa nhưng không phải do mối ăn mà thay vì bỏ hạt xuống lỗ, hầu hết tù đã bỏ vào mồm.
Rồi có lẽ do ăng ten báo, nên những lần sau hạt bắp giống đều bị VC ngâm trước trong nước pha DDT.
Một lần, thấy vài bạn tù ăn vỏ sắn nướng - trông ngon lành như bánh tráng nướng, tui cũng bắt chước, nhưng nhờ rút kinh nghiệm về mấy Ông Trung Tá bị chết do ăn lá sắn luộc ở Trại 5 – HLS và việc đàn heo của Trại 10- HLS chết sạch vì ăn vỏ sắn nấu, nên tui chỉ nhâm nhi tí xiu cho "thơm râu" thôi (chỉ 50 mg acide anhydric trong sắn đủ làm chết một người nặng 50 kg).
Số tù chết vì vấn đề "ăn uống linh tinh" ở trại K1-TL-VP khá nhiều như: Trung Tá Năm chết vì ăn nhiều măng trúng độc, Trung Tá Quá chết vì ăn cây dền kiểng, Đại Uý Cảnh Sát T.H.Nghĩa bị phù thủng chết vì ăn canh đại dương có chút mắm ruốc...
Tui và nhiều người tù khác cũng bị phù thủng nặng trong thời gian này, nhưng nhờ được ăn chút cám và hàng ngày lén ăn cỏ cứt lợn (cỏ cứt heo có tính kháng viêm) nên đã không bị hoá kiếp.
Ở trại K1- TL có câu tù đùa với nhau "con gì nhúc nhích chàng ta chén liền" (chén tiếng lóng là ăn), nhưng phải nói rõ là con đỉa, con vắt, con dòi, con dán thì dù đói chúng tôi cũng không ăn.
Tuy nhiên, trong thời luyện chưởng ở Trại K1-TL tui cũng được thưởng thức những món ăn nhớ đời.
Khoảng năm 1979, khi thấy tù bị chết nhiều quá VC nghĩ ra sáng kiến "nhờ gia đình người tù nuôi hộ giùm đảng và nhà nước" bằng cách cho gửi quà – lúc đầu là 3 kg rồi 5 kg, 10 kg và cho thăm nuôi. Nhiều người tù gia đình trước khá giả đã gửi đường, sữa bột, mì ăn liền... cho người thân.
Một buổi chiều chúa nhật mưa tầm tả, tui không ra sân được (VC cũng cấm tù lán này đến lán khác), lại không có quà nên nằm nhắm mắt nghe bao tử "kêu ột ột", còn những người tù có quà thì tụ lại trao đổi với nhau những ngụm sữa hay những gắp mì. Mùi hành phi của mì thốc vào mũi tui như con chuột Jerry trong phim hoạt hoạ bị mùi pho mai quyển rũ, tui thật khổ sở (vì tù có quà chỉ chơi với nhau), nhưng bỗng có tiếng «cộp» nhẹ cạnh mình, mở mắt ra thì thấy một cục kẹo dừa Bến Tre do 2 con chuột cắp của ai đang đuổi cắn nhau giành ăn dưới mái nhà đánh rơi. Tui lột giấy bao, bỏ kẹo vào miệng, chất béo của nước cốt dừa chạy dài từ cuống họng xuống bao tử tui giống như khi uống ly rượu mạnh. Trong cuộc sống tui từng ăn thật nhiều loại kẹo, nhưng chưa bao giờ ngon như khi ăn cục kẹo này.
Lần khác, trước khi xuất trại lao động thì cán bộ VC đọc danh sách những người có quà được ở lại trại để lãnh. Một Bạn tù có lúc chung đội Nông Nghiệp với tui dặn: "chiều lao động về mày chạy sang gặp tao". Buổi chiều, lợi dụng lúc tù đi lãnh cơm chộn rộn, tui đến gặp nó thì được nó cho 2 miếng bánh mì biscottes trét bơ thực vật và đường cát. Tui ăn ngấu nghiến miếng bánh mì ngon nhất đời.
Một hôm, khi đang leo lên triền núi để kéo cây củi bị chết cháy do đồng bào thiểu số đốt tranh lấy tro để trồng trọt, tui thấy một con rắn hổ chết đã thành khô. Cỏ tranh khi cháy bùng thì những con mển, chồn... chạy nhanh để tẩu thoát, chim cũng bay xa nhưng rùa, rắn không chạy kịp bị lửa nóng chết, sau đó nhiều ngày dưới ánh nắng mặt trời trở thành khô. Tui nhặt xác rắn, chặt bỏ đầu chôn dưới đất rồi bẻ một khúc khô rắn bỏ vào miệng nhai. Đang ngồm ngoàm thì một Bạn tù - dân QGHC, Trưởng Ty Xã Hội Tỉnh Gia Định, cách đó khoảng hơn mươi mét hỏi "ê ăn gì đó mậy". Tui rủ anh lại để cùng ăn. Con rắn dài khoảng 1,80m, nhưng chỉ hơn 10 phút sau chúng tôi đã thanh toán sạch.
Tui đã từng thưởng thức khô bò, khô nai, khô cá thiều... nhưng lần ăn khô rắn đó là ngon nhứt đời.
.....................................................
Chuyện ăn uống ở những trại tù của VC thì tuỳ hoàn cảnh mỗi nơi một vẽ, nếu viết thành trường thiên tiểu thuyết chắc cũng không kể hết được.
Do đó tui kể lể đôi điều này để các bạn từng nếm mùi nhớ lại kỷ niệm thời học ở "ĐẠI HỌC MÁU", còn những ai chưa từng biết gì về thiên đàng CS thì đọc để mua dzui hoặc ít ra thông cảm hơn với người lính VNCH.
Paris, chớm thu 2017
HQ.Trần Kim Diệp

http://trankimdiepk17hq.blogspot.com


Tàn nhẫn

Bs Ngọc

Tôi không có dịp đi nước ngoài nhiều, nên không biết ở ngoài người ta có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo hay không. Nhưng nhìn từ góc độ y đức tôi thấy chuyện dành ra một tài khoản và ban bệ chỉ để lo chuyện sức khỏe cho lãnh đạo thật là vô minh.
Thời còn làm trong bệnh viện nhà nước tôi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Thường dân không có thuốc phải nằm chờ chết. Cán bộ cao cấp thì được lệnh mua thuốc ngoại, giá bao nhiêu cũng được duyệt. Thường dân nằm la liệt hành lang bệnh viện. Cán bộ nằm phòng có máy lạnh. Đó là thời 79-85. Nhưng thời nay cũng chẳng có gì khác. Cũng như giữa giàu và nghèo, khoảng cách giữa dân và quan càng ngày càng lớn. Quan thì giàu, dân thì nghèo.
Người ta nói một chuyện làm một chuyện khác. Nói xóa bỏ giai cấp, nhưng lại tạo nên một giai cấp ăn trên ngồi trước. Nói là đầy tờ nhân dân, nhưng trong thực tế là cha mẹ nhân dân. Ngôn ngữ dưới thời XHCNVN không còn ý nghĩa thật của nó nữa.
Sài Gòn có bệnh viện Thống Nhất dành cho lãnh đạo. Nhưng ít ai biết rằng bất cứ tỉnh nào cũng có một khu trong bệnh viện chỉ dành cho lãnh đạo. Phải bao nhiêu tuổi đảng mới được nằm ở các khu đặc trị đó. Tôi không có vinh dự điều trị cho các vị lãnh đạo vì tôi đoán lý lịch của mình không “sạch” mấy (do học y thời trước 75). Nhưng tôi được biết đồng nghiệp điều trị cho các lãnh đạo than trời lắm. Họ nói các vị lãnh đạo coi bác sĩ chẳng ra gì, đối xử với bác sĩ như là cấp trên và cấp dưới. Chán lắm. Bực tức lắm. Nhưng nhiệm vụ và y đức thì phải làm, chứ chẳng ai ham làm trong các khu đặc trị cho lãnh đạo cả.
Thật ra, mấy khu đặc trị là những khu nguy hiểm trong bệnh viện. Dù trang bị tốt hơn các khu khác, nhưng tử vong vẫn cao trong mấy khu đặc trị. Lý do đơn giản là bác sĩ chẳng dám quyết định gì cả. Cái gì cũng hỏi cấp trên. Có lẽ nhiều người không biết, nhưng có ca phải hỏi ý kiến … cấp ủy. Không có hệ thống y khoa nước nào quái đản như nước ta, bác sĩ xin ý kiến cấp ủy để điều trị! Có cụ bị để nằm cho đến chết vì chẳng ai dám quyết định, ai cũng sợ trách nhiệm. Có lần tôi tham dự hội chẩn về một trường hợp và bị ám ảnh lâu dài về hệ thống y tế dưới thời XHCN. Ông cụ không phải là cán bộ cao cấp, nhưng là bố của một ông thứ trưởng, nên cũng được nằm khu dành cho lãnh đạo. Ông cụ bị cao huyết áp và tiểu đường, bệnh rất hay gặp. Người ta hội chẩn mãi, xin ý kiến mãi, thậm chí ông thứ trưởng bay vào Sài Gòn thăm bố. Chẳng ai dám làm gì! Ba tuần sau, ông cụ qua đời. Chính cái hệ thống phân biệt đối xử và giai cấp làm cho ông cụ chết.
Chính cái hệ thống đó đang giết người dân nữa. Đọc blog thấy có tin Thanh Hóa “đầu tư xây dựng trụ sở Ban Bảo vệ – Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa“. Có cái gì ghê tởm ở đây. Chúng ta biết rằng người dân Thanh Hóa đang đói. Gần 250.000 người đói. Vậy mà người ta thản nhiên tập trung tiền bạc vào việc chăm sóc sức khỏe cán bộ!
Thử nhìn qua hai hình dưới đây để thấy bản chất của chế độ:

Đâu chỉ Thanh Hóa mới lo chăm sóc sức khỏe cán bộ. Trung ương cũng thế. Chẳng những huy động, mà còn huy động toàn hệ thống. Thử đọc bản tin Huy động sức mạnh của toàn hệ thống trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thì biết người ta muốn gì. Đọc bản tin đó gần chục lần tôi vẫn không giải thích được tại sao người ta lại vô cảm, ngạo mạn, ngang nhiên, trắng trợn như thế.
Trong khi bệnh viện các cấp quá tải, trong khi hai ba bệnh nhân phải nằm chung giường, trong khi bệnh nhân nằm ghế bố la liệt ngoài hành lang, mà có một giai cấp ngang nhiên huy động toàn hệ thống để chăm sóc cho một nhúm cán bộ đảng viên. Họ xem bệnh viện, bác sĩ, y tá, chuyên gia như là tài sản của riêng họ, muốn làm gì thì làm. Không hiểu trong lịch sử nước nhà, đã có một giai cấp thống trị nào chẳng những bất tài mà còn tàn nhẫn với người dân như hiện nay. Tìm hoài trong cổ sử mà chưa thấy. Tạm thời có thể nói đảng viên là giai cấp tàn nhẫn nhất với người dân trong lịch sử Việt Nam?

https://bsngoc.wordpress.com


Bác sĩ cử tuyển:

một cách hợp thức hoá giết người

Bs Ngọc

Đó là loại bác sĩ chỉ có ở Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Đó là một loại sản phẩm đặc thù của nền giáo dục đậm chất Xã hội Chủ nghĩa (XHCN). Gần 40 năm trước, xã hội đã biết đến “bác sĩ xuyên tâm liên”, thì nay xã hội phải làm quen với loại bác sĩ cử tuyển. Và xã hội sẽ phải làm quen với những cái chết oan ức trong hệ thống y tế XHCN.
Nền giáo dục ở miền Nam VN trước 1975 dù chưa phải là hoàn hảo nhưng là một nền giáo dục đàng hoàng. Tôn ti trật tự đâu ra đó: Trò ra trò, thầy ra thầy. Thi cử nghiêm túc chứ không có nạn “phao” như ngày nay. Học trò thi đậu hạng cao thường vào học trường y hay trường Phú Thọ. Nói chung, việc tuyển sinh được thực hiện một cách công minh và do đó học sinh trúng tuyển là những nhân tài tương lai của đất nước. Những người cùng thế hệ tôi vẫn còn nhớ câu chuyện Thầy Phạm Biểu Tâm bất chấp áp lực chính trị đã thẳng thắn từ chối nhận cô ái nữ của ông Ngô Đình Nhu vào trường y chỉ vì cô này không đủ điểm. Khi tốt nghiệp dù hành nghề ở tỉnh lỵ hay thành phố đều như nhau. Điều này dễ hiểu vì bước tuyển sinh tuyển đúng người, khi huấn luyện cùng một hệ thống, nên đầu ra phải đảm bảo phẩm chất. Nhắc lại những chuyện đó để chúng ta thấy rằng hệ thống giáo dục thời “Mỹ Nguỵ” nghiêm minh và có hiệu quả thực tế.
Nhưng khi người cộng sản miền Bắc vào tiếp thu, họ làm đảo lộn tôn ti trật tự thầy trò và huỷ hoại nền giáo dục đàng hoàng của miền Nam. Với vũ khí đấu tranh giai cấp trong tay, họ loại bỏ những học sinh giỏi nhưng có liên quan với Mỹ – Nguỵ khỏi trường y và các trường đại học khác. Với chính sách ngu dân, họ chọn con em của họ vào trường y và đại học cho dù những em này học rất kém. Không cần điểm thi. Điểm thi không nằm trong hệ thống đánh giá của người cộng sản mông muội. Họ có hệ thống riêng. Hệ thống tuyển chọn của họ là chủ nghĩa lý lịch. Lý lịch đỏ phải được ưu tiên hơn lý lịch vàng.
Hệ quả là họ đào tạo được một lô “bác sĩ” mà các đồng nghiệp tôi trước 1975 nhạo báng là “Bác sĩ CM” (CM là cách mạng). Đó là loại bác sĩ am hiểu văn kiện đảng hơn là biết đọc sách Harrison. Đó là loại bác sĩ được nhồi nhét mớ kiến thức hạng bét từ Liên Xô vĩ đại. Đó là loại bác sĩ viết tên thuốc không rành. Đó là loại bác sĩ được ra lò với chủ trương hồng hơn chuyên. Nhưng họ vẫn tốt nghiệp và được gọi là “bác sĩ”. Chưa bao giờ danh xưng “bác sĩ” bị rẻ rúng như hiện nay ở VN.
Những lô “bác sĩ CM” đó đào tạo ra thêm hàng tá lô “bác sĩ” khác. Cho đến nay, VN đã có hàng chục thế hệ “bác sĩ CM”. Không ít người trong những lô bác sĩ đó nay đã trở thành những giáo sư, phó giáo sư, hay quèn nhất cũng là tiến sĩ. Ai cũng biết đó là những giáo sư dỏm. Ai cũng biết đó là những tiến sĩ giấy. Nhưng người cộng sản không quan tâm; họ chỉ quan tâm đến con số. Phải làm sao đến năm 2020 có thêm 2 vạn tiến sĩ và một vạn giáo sư / phó giáo sư. Họ cần những con số để làm cảnh, để đạt chỉ tiêu, chứ không cần thực chất.
Chính vì chạy theo con số nên VN ngày nay mới có loại bác sĩ mới có tên là “bác sĩ cử tuyển”. Đây cũng là một sản phẩm giống như “Bác sĩ xuyên tâm liên”. Có thể loại bác sĩ cử tuyển còn tệ hơn cả “bác sĩ CM”.
Ai cũng biết các vùng sâu vùng xa thiếu bác sĩ. Thời nào cũng thế, người dân ở vùng sâu vùng xa đều bị thiệt thòi về giáo dục và y tế. Giải pháp của người cộng sản là tăng số bác sĩ. Nhưng chỉ tăng lượng chứ không tăng phẩm. Làm sao tuyển được học sinh ưu tú để đào tạo hàng loạt bác sĩ, nên họ phải tuyển những em không đủ điều kiện để học y. Lỗi không phải ở các em học sinh mà ở người đề ra cái chương trình đào tạo quái gở đó. Chúng ta thử nghe tâm sự của những người trong cuộc, những bác sĩ tương lai:
“T.T.M.L. ở tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận học lực trung bình của mình không thể thi vào ngành y nổi nên mới chọn ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Cần Thơ để thi. Bỗng nhiên T.T.M.L. nhận được món quà từ “trên trời rơi xuống”: tỉnh cử đi học bác sĩ.
Cũng nhờ cử tuyển mà T.M.K. ở tỉnh Sóc Trăng trở thành sinh viên trường y đã được bốn năm. T.M.K. thú nhận: “Cuộc đời mình quá may mắn. Nếu thi tuyển chính quy chắc chắn không có cửa thi đậu”.”
Nhưng đó chỉ là 2 trường hợp tiêu biểu. Con số bác sĩ tương lai với trình độ như thế lên đến hàng ngàn. Bài báo trên Tuổi Trẻ viết rằng chỉ riêng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, “phần lớn trong số gần 1.000 sinh viên hệ cử tuyển […] có học lực năm lớp 12 chỉ đạt loại trung bình hoặc khá.”
Một người trong cuộc với vai trò giảng dạy cho biết nhiều “bác sĩ cử tuyển” không biết ruột thừa ở đâu! Vài năm nữa, xã hội sẽ có hàng ngàn “bác sĩ” như thế. Thật là một viễn ảnh rợn người.
Tôi không biết có nơi nào trên thế giới có loại đào tạo như kiểu “cử tuyển” như vừa mô tả. Cách đào tạo “bác sĩ VC” sau 1975 đã là kinh dị, còn cách đào tạo “cử tuyển” chỉ có thể mô tả bằng hai chữ “rùng rợn”.
Cái giả thiết đằng sau chương trình đào tạo “cử tuyển” những nơi vùng sâu vùng xa thiếu bác sĩ nên họ cần đào tạo bác sĩ phục vụ cho dân số các vùng kém phát triển đó. Đó là một giả thiết dã man và sai trái. Dã man vì nó xem mạng sống của người dân vùng xa thấp hơn mạng sống của dân thành thị. Sai trái vì trong quá khứ chúng ta biết rằng nhiều “bác sĩ” được nâng cấp từ y tá trung cấp không chịu về quê phục vụ. Do đó chương trình đào tạo cử tuyển sẽ thất bại. Cái thất bại ai trong ngành cũng có thể thấy trước.
Bệnh viện Sài Gòn sẽ vẫn còn quá tải. Người dân miền quê không còn thiếu thông tin như xưa, họ thừa biết “bác sĩ cử tuyển” dốt, nên họ vẫn sẽ lên thành phố để điều trị. Do đó, có thể dự báo rằng các bệnh viện tuyến trên sẽ còn quá tải trong tương lai. Bài học sờ sờ ra đó mà người cộng sản không nhìn thấy!

Giải quyết như thế nào?
Tôi cho rằng vấn đề bệnh viện tuyến trên quá tải không thể giải quyết bằng việc tăng số bác sĩ. Lượng không thể thay đổi phẩm. Một trong những giải pháp là duy trì phẩm chất đào tạo ở mức cao nhất, phải cao hơn trình độ “bác sĩ CM”. Phải học theo cách đào tạo bác sĩ trước năm 1975, khi tốt nghiệp trường y, bác sĩ ở huyện hay ở tỉnh vẫn có tay nghề và kiến thức như bác sĩ ở Sài Gòn. Một khi bác sĩ có tay nghề như nhau thì người dân sẽ tin tưởng vào người mang danh “bác sĩ” và không cần phải “vượt tuyến” như hiện nay.

Ngày nào bệnh nhân còn phân biệt “bác sĩ miệt vườn”, “bác sĩ tỉnh lỵ” và “bác sĩ thành phố” thì ngày đó bệnh viện còn quá tải.
Bác sĩ phải là bác sĩ. Không kèm theo những râu ria vô duyên như “cử tuyển”, “tại chức” hay “nâng cao”. Chỉ có một loại bác sĩ. Đó là bác sĩ được tuyển chọn cẩn thận từ các học sinh ưu tú nhất, được đào tạo cẩn thận theo các chương trình hiện đại và đảm bảo phẩm chất cao nhất. Đó là những người bác sĩ có kiến thức uyên bác, có tay nghề lâm sàng vững vàng và có thể hành nghề ở bất cứ địa phương nào mà không cảm thấy mặc cảm.
Bất cứ ngành nghề nào liên quan đến con người và sự an lành của con người cần phải được duy trì kỷ cương và đạo đức. Không như việc làm toán, người làm toán sai có sai thì cũng chẳng làm chết ai và chẳng ảnh hưởng đến mạng sống của ai, bác sĩ mà sai là có thể dẫn đến chết người. Đó chính là lý do tại sao ở các nước tiên tiến người ta quý trọng bác sĩ hơn cả vạn lần những người … làm toán. Ở VN xã hội chủ nghĩa thì ngược lại, người ta thần thánh hoá những người làm toán và rẻ rúng giới bác sĩ. Chỉ riêng sự ấu trĩ này cũng cho thấy VN xã hội chủ nghĩa còn lâu mới khá nổi.
Mạng sống của người dân đều phải được tôn trọng chứ không phân biệt theo địa phương và giai cấp. Đó chính là y đạo những người thuộc thế hệ tôi được dạy và thực hành. Thật vậy, thời đó chúng tôi không phân biệt bệnh nhân là người cộng sản hay quốc gia. Vậy mà cái y đạo đó bị làm đảo lộn bởi những người mệnh danh là “cách mạng” sau 1975. Người ta đem vào Nam cái y đạo mà theo đó hàng trăm bệnh nhân từ Quân y viện Cộng Hoà bị đuổi ra ngoài đường để vất vưởng chờ chết. Chưa bao giờ y đạo XHCN được thể hiện một cách tàn nhẫn đến như thế. Và, cho đến hôm nay, những người tự xưng là cách mạng vẫn tàn nhẫn bằng cách hợp thức hoá việc giết người qua các chương trình đào tạo như “cử tuyển”.

Đính chính:
BS Đỗ Hồng Ngọc bị oan. Mấy tháng qua tôi chú ý thấy một số bài viết trong blog này được các blog khác đăng lại và chuyền nhau trong y giới mà người ta đề tác giả là BS Đỗ Hồng Ngọc. Không đúng. Tôi đã từng đính chính rằng chủ blog này không phải là BS Đỗ Hồng Ngọc. Nay xin đính chính một lần nữa. Xin các bạn đồng nghiệp đừng gán ghép như thế mà làm khổ vị đồng nghiệp đàn anh.

https://bsngoc.wordpress.com

 

Đăng ngày 04 tháng 10.2017