banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tui học võ

tran kim diep

Trần Kim Diệp

Hồi còn nhỏ, do ảnh hưởng của truyện kiếm hiệp, tui rất mê võ và ước mơ sẽ trở thành cao thủ võ lâm, nhưng quê tui thì không có trường dạy võ và gia đình tui thì không có ai biết võ.
Dù vậy niềm mơ ước vẫn luôn âm ỉ trong tui, chỉ chờ có dịp để thực hiện.

Rồi một hôm, có 2 người lạ không rõ từ đâu, đến tá túc nhà của người hàng xóm tui. Người cha khoảng lục tuần, dáng dấp tiên phong đạo cốt với 5 chòm râu suông đuộc. Không thấy Ông giao du với ai, chỉ thỉnh thoảng vắng nhà vài hôm, nghe nói là đi xem mạch và hốt thuốc cho ai đó ở xa. Còn người con, tuổi trạc 20 – 25, thật khôi ngô, tuấn tú. Anh cũng rất kín đáo
Một đêm sáng trăng, nhìn ra cửa sổ thấy anh đang luyện võ ngoài sân , tò mò tui ra xem. Thân hình anh chắc nịch, quyền, cước tung ra vùn vụt, đẹp nhất là đường roi loang loáng dưới trăng. Tui há hốc mồm, ngưỡng phục.
Từ đó, mỗi khi anh luyện võ, thường có 1 chú nhóc say mê dự khán. Đôi khi cao hứng, anh cho tui lấy đất, cát cật lực ném vào anh, nhưng đường roi phủ kín thân anh nên không một mảnh nào chạm được vào người. Anh ngày càng có cảm tình với tui và tui hy vọng sẽ được anh nhận làm đệ tử ; nhưng rồi một hôm, cả 2 cha – con đột ngột ra đi và không trở lại.
Mất một dịp may hiếm có , tui tiếc hùi hụi, nhưng càng nung nấu hơn về việc học võ. Tui bèn thảo phương cách học lóm võ với mấy thằng bạn cùng trang lứa.

Quê tui, tuy không có trường dạy võ, nhưng để kháng chiến chống giặc Pháp, cũng có một số người biết võ. Tui bàn việc kiếm mồi nhậu để lấy điểm Ông Thầy võ , tụi bạn đồng ý, thế là thỉnh thoảng chúng tôi đi bắt dơi. Dụng cụ gồm 1 chiếc vợt lưới lớn hình chữ Y cán dài, 1 lồng kẻm để nhốt dơi, 1 chiếc đèn lồng, 1 con dơi mồi. Khi trời tối, chúng tôi đến những gốc cây nhãn, chôm chôm, sa bô chê, mận... - nơi mà dơi sen thường đến ăn trái - rồi bóp cho con dơi mồi đau để nó kêu la; vì rất có tình đồng loại nên những con dơi đang ăn gần đó sẽ bay xà xuống để quan sát, khi lọt vào tầm vợt sẽ bị chụp và nhốt vào lồng. Ngày mai, khi rảnh rổi tụi tui tụ lại làm thịt dơi, rô ti với nước dừa xiêm và rắc thêm chút đậu phọng rang, sau đó mỗi đứa góp 1 – 2 cắc để mua rượu đế, rồi đến mời Ông Thầy.
Sẳn mồi, rượu, Ông Thầy chén no nê, đôi khi hứng chí vung vài cú đấm, đá cho lủ nhóc lé mắt. Sau đó, tụi tui tụ tập để nhại lại các cú đấm đá trên những thân cây chuối vô tội.
Sau tiểu học, tui rời quê tiếp tục bậc trung học ở tỉnh. Mỹ Tho thì có võ đường dường như là lò Nguyễn SON. Tuy nhiên, vì nhà thật nghèo, nội tiền cơm tháng đã là gánh nặng của Mẹ tui nên buổi sáng ngoài mận, cốc, ổi... hái ở quê để ăn độn, tui thường không có gì để ăn sáng như chúng bạn. Do đó dù thật mê võ tui cũng chỉ biết tự an ủi bằng cách học võ hàm thụ là luyện chưởng.

Mãi đến khi lên Sài Gòn học, dịp may mới đến với tui. Nhà tui ở cạnh cái nghĩa trang lớn của người Tàu ở Phú Nhuận. Nghĩa địa này có mặt tiền nằm trên đường Võ Di NGUY, đối diện với cổng số 4 của BTTM và trường Sinh Ngữ Quân Đô. Giữa nghĩa địa là một cái nhà mồ to chứa hàng trăm bộ cốt, vì trừ những ai cógiao kèo vĩnh viễn, còn sau 60 năm thường người ta khai quật mồ lên lấy cốt đểcó đất chôn người khác.
Nhà tui lợp tôle, hè nóng bức lại không có quạt máy, nên tui thường sang cây cồng thật to cạnh nhà mồ, gốc cở 2 người ôm, cách đất khoảng 1,5m có 1 cháng đôi, tui leo lên đó học bài vừa mát, vừa yên tỉnh. Chiều nào, cũng thấy có Ông Tàu già cùng 2 người trẻ dáng dấp VN và 1 tốp gần 20 cô, chú Tàu con đi vào trong nhà mồ. Tò mò, tui đến quan sát, qua khe cửa thì thấy họ đang tập võ. Tui bèn xin thụ giáo. Lúc đầu Ông Thầy không nhận, nhưng nhờ lũ trẻ hàng ngày đi ngang thấy tui là thư sinh vắt vẻo trên cây học bài cũng ngộ nên đôi khi trêu chọc, thấy tui hiền lành, chúng nói thêm vô và nhất là nhờ 2 anh người VN xin giùm, cuối cùng tui được nhận.

hoc vo
Thầy Châu Quản Kỳ
 
Ông Thầy là võ sư Thiếu Lâm Bắc Phái, là người giàu có ở Trung Quốc, nhưng trong đợt diệt trí – phú – địa – hào của Trung Cộng, Ông bị bắt chờ xử tử. Nhờ trước kia tánh hào sảng, hay giúp người, nên Ông được người thụ ơn lén cởi trói để trốn sang Hồng Kông, nhưng sợ bị truy lùng Ông chạy sang VN làm công cho nhật báo Thành Công ở Chợ Lớn. Đang từ phú quý, vì thất thế phải làm công nhân và bị xem thường, Ông bỏ việc đến xin tá túc nhà Ông Từ giữ nghĩa địa Phú Nhuận. Rồi những khi buồn buồn, ông múa may những động tác để giãn gân cốt. Ông Từ thấy, biết là người có võ, bèn xin dạy chút đỉnh cho mấy đứa con. Đang thụ ơn người, Ông Thầy phải đáp nghĩa. Mấy đứa nhỏ con Ông Từ là ngựa non háu đá, biết vài thế võ bèn đem khoe với chúng bạn. Thế là cha-mẹ của những đứa bé này cùng nhau đến xin Ông Thầy dạy võ giùm cho lũ trẻ. Để độ nhật Ông Thầy đồng ý và lấy nhà mồ làm nơi luyện tập. Riêng 2 người VN thì tui không rõ vì sao lại là đại đệ tử của Ông.
Cả hai anh, học vấn kém tui, nhưng về võ thì họ thật giỏi. Anh tên KÍNH thật xuất sắc về môn đá, nên Ông Thầy biến bài phích lịch chưởng thành phích lịch cước truyền riêng cho Anh. Còn Anh Phạm Xuân TÒNG là đại đệ tử thì giỏi cả quyền lẩn cước.
Phần tui, tuy vô sau nhưng do quyết tâm, nên thật chuyên cần luyện tập, nhất là những đòn sát thủ như song long quá hải tức dùng 2 ngón tay móc mắt, gối bay chỏ sập để hạ gục đối thủ khi bị chộp ngực.... Ông Thầy quan sát, thấy tui say mê với những đòn độc hiểm bèn hỏi nguyên do. Tui thật thà cho biết là để trả thù và kể lại chuyện xưa về người hàng xóm gian ác ở quê tui. "Anh nông dân này to lớn, lực lưởng, rất giỏi về trồng trọt nhưng tánh tình thật xấu. Anh thường phá tui bằng cách nhớm những cây xoài, mít, mận... tui trồng mới vừa bén đất để cây đứt rể chuột mà chết. Ao cá tra, cá chày, mè vinh, cá he... Mẹ tui nuôi thường bị anh lén bỏ thuốc chống ruồi, muỗi hiệu Mytox khiến cá chết sạch ; ngoài ra lúc nào anh cũng tìm cách để lấn đất nhà tui. Hè năm tui khoảng 16- 17 tuổi, như thường lệ tui về quê phụ giúp Mẹ làm bánh bán. Những khi rảnh rổi, tui hay đi rong thăm nom vườn tược, phòng kẻ xấu hái trộm trái cây. Có lần tui bắt gặp Anh hàng xóm này đang đào đất vườn tui thảy qua vườn của anh.Tui phản đối, anh sừng sộ và định đánh tui. Tui thật tức bảo : anh sai trái lại ỷ lớn làm càn, giờ tui không làm gì được, nhưng rồi anh sẽ biết tay tui. Do đó, tui đã quyết tâm học võ để về trị tội anh ". Nghe xong, Ông Thầy bèn giảng một mạch về đạo lý của người học võ, tui thắm thía và từ đó bỏ ý định trả thù người hàng xóm gian ác dưới quê.
 
Khoảng năm 1965, Anh đại đệ tử P.X.T rời VN sang Pháp sống, còn Anh K thì bận học thi nên cũnghoc vo ít khi đến luyện võ, tui thay 2 anh phụ Thầy chỉ dạy cho các em nhỏ nên được Thầy ngày càng thương . Có lần tập về ngạnh công, tui vừa chặt gảy 1 cục gạch, Ông Thầy khuyến khích "nị có thể chặt 2 cục gạch". Tui nở to mũi, không tập trung xử dụng chính xác bàn tay, nên thay vì gạch bể thì ngón tay út của tui lại sưng vù. Ông Thầy thương cho thuốc rượu để xoa bóp, ngoài ra còn cho cả toa thuốc nghe nói gốc của dòng họ Mã Viện để pha chế. Tiếc là khi tui đi lính đã gởi chiếc rương cho Cô tui ở Chợ Lớn và năm tết Mậu Thân nhà Cô tui bị VC đốt, cái rương tui gởi trong đó có những đồ quý như toa thuốc rượu, cục "ngọc rắn" … cũng bị cháy rụi.
Năm 1966, tui gia nhập Khoá 17 SQHQ ở Nha Trang, phải xa Thầy trong niềm luyến tiếc. Hai năm sau có dịp về Sài Gòn tui đến thăm thì Thầy đã khuất núi.
 
Nơi quân trường, ngoài những môn học liên quan về HQ, trong 2 năm chúng tôi còn phải học môn võ Thái Cực Đạo - Tae Kwon Do - do những võ sư Đại Hàn huấn luyện.Một Ông Thầy là Trung Uý LEE thật cao lớn nhưng rất cởi mở. Có lẽ cũng giống tui là rất ghét sự trịch thượng của người Mỹ nên có lần Ông đã mượn rượu để gây sự và đập gục mấy SQ Mỹ trong câu lạc bộ SQ đồng minh và bị trục xuất về nước. Ông Thầy khác là Thiếu Uý KIM, không lớn con nhưng cũng rất giỏi, mặt Ông thật nhiều mụn - chắc tại ăn nhiều kim chi - tui không thích Ông chút nào. Võ Thiếu Lâm thì trọng cả cương lẩn nhu và khi công thì bao giờ cũng phải thủ, còn TCĐ thì chuộng cương và nặng về công. Tuy không thích TCĐ lắm, nhưng tui cũng chuyên cần luyện tập. Có điều lạ là sau 1-2 lần thi lên đai thì các SV thậm chí có Bạn thường nằm Bệnh Xá, đều lên đai, còn tui không hiểu sao vẫn đai trắng cấp 8. Do thiếu phương tiện nên nơi chúng tôi tập võ là 1 cái nhà vòm lớn, lợp tôle, sàn xi măng, không có bao cát mà chỉ có những cọc gổ đầu cọc quấn bao bố để võ sinh đấm đá. Ngoài những bài quyền chúng tôi cũng luôn tập song đấu ; riêng tui, nhiều lần phải song đấu với Ông Th.U KIM. Phần tức vì không được lên đai, phần nực vì khí trời oi bức, có lần song đấu với Ông ta, tui đã chơi xấu dùng đòn thu phong tảo lạc diệp của Thiếu Lâm bất ngờ đá quét chân làm Ông xính vính, đòn kế tiếp thay vì đưa gót chân vào mặt đối thủ, tui lại đá vào hạ bộ của Ông - đây là điều cấm kỵ của người học võ. Ông gạt chân tui, rồi tức giận phản đòn, cước thứ nhất bị đá vào mặt, tui dùng tay trái đở, cước thứ hai lại đến, tui gạt bằng tay phải và trong khi 2 tay còn lơ lửng thì cước thứ ba tới mặt, tôi phải dùng tay mặt đở ngược nên bị lọi ngón tay cái, Ông ta vẫn chưa tha, đá cước thứ tư vào hạ bộ tui, lần này thì hết đở và tui bị hạ gục. Đúng là đầu tiên tui đã chơi xấu, nhưng tui chỉ là võ sinh còn Ông là Võ Sư, thiệt tình tui không phục Ông.
Rồi một hôm, giận cá tui chém thớt. Tui giở võ Thiếu Lâm ra dợt một SV bạn, anh này cao lênh khênh, mang đai xanh cấp 6, cấp 5 gì đó, còn tui chỉ 1m65, đai trắng. Không ngờ có Ông Thiếu Tá Trưởng Nhóm Huấn Luyện Đại Hàn đứng quan sát ( có lẻ hôm đó Ông thay cho vị võ sư HL vắng mặt ). Thấy lạ, Ông vổ tay khích lệ khiến Anh Bạn tui càng điên tiếc, mất bình tĩnh và càng lảnh đòn. Ngày nay nghĩ lại về thời tuổi trẻ háo thắng, tui thật xấu hổ.
Không hiểu sau đó Ông Th.Tá có chỉ thị gì không, mà mỗi lần thi lên đai tui đều được thăng 2 cấp và cuối cùng thì mang đai nâu cấp 1, trong khi nhiều Bạn khác giỏi hơn thì được nhất đẳng huyền đai.
Đến 1975, do số được ở tù nên ngày 29 tháng 04, tui không ra đi như phần lớn bạn bè mà rời Vũng Tàu về Sài Gòn để sau đó đi "cải tạo".
Năm đầu ở Long Giao – Long Khánh, VC chưa siết bù lon, tù cải tạo chỉ quanh quẩn việc làm vệ sinh lán trại và học vài bài chính trị tầm phào. Thời giờ còn lại thì cặm cụi « sắm quà cho người thân như làm lược, vòng semaine, đào hà thủ ô... và... gải ghẻ ( thời này dịch ghẻ hoành hành khủng khiếp). Bản thân tui cũng hoà nhịp với mọi người, nhưng đôi khi rảnh tui cũng làm vài động tác để giãn gân cốt. Có lần, một Anh Bạn tù cùng lán thấy tui xử dụng cầm nả thủ, Anh là người phái Dịch Quyền Đạo cũng rất sở trường về CNT. Thế là Anh thân với tui và bày cho tui cách khởi động của DQĐ tức pháp xoay khớp tay, chân, mình, cổ. Thấy hay,từ đó đến nay ngày nào tui cũng tập nhờ vậy mà không bao giờ bị nhức mỏi ngay cả thời ở tù ngoài Bắc với "chính sách khô máu" của VC.
Năm 1976, chúng tôi bị chuyển ra Miền Bắc để Công An quản lý, thời này quả là "địa ngục trần gian", tù bị đối xử còn thua con vật. Trừ  "lao động là vinh quang", tất cả gì khác đều bị cấm, tuy nhiên một bạn tù là Võ Sư Hắc Hổ thuộc Tổng Cuộc Quyền Thuật VNCH, không hiểu vì sao Anh mến tui, luôn lén chỉ cho những thế võ vô cùng độc hiểm ; nhưng tất cả người tù ai cũng đều bị đói phờ người và chỉ mơ ước "được ăn", do không hứng thú nên tui cũng chỉ học qua loa để Anh Bạn HH khỏi buồn lòng.

hoc vo
Võ Sư Phạm Xuân Tòng
 
Rồi khi vượt biển sang định cư ở Pháp, năm 1985 tui liên lạc được với người đại sư huynh, Anh Phạm Xuân Tòng lúc đó đai đen 8 đẳng TL, là Chưởng Môn phái Qwankido ở Toulon (để nhớ ơn Thầy chúng tôi tên là Châu Quản Kỳ). Hàng năm, Anh thường trình diễn ở đại hội võ thuật Bercy thuộc Q12- Paris. Dù đôi mắt được bịt kín nhưng với sự chuẩn xác tuyệt vời, cây kiếm của Anh luôn chém đứt ngọt những trái khóm đặt ở đỉnh đầu hoặc cổ họng của 3 người ở 3 vị trí khác nhau.
Tui không may, định cư ở Pháp đúng vào lúc Đảng CS Pháp cực thịnh, nên phải vô cùng vất vả để mưu sinh, đêm 12 tiếng bán xăng, ngày thêm nửa buổi đi phụ đóng bàn ghế, thời giờ ngủ nghĩ còn không đủ có đâu để mà học võ. Tuy sau đó, cuộc sống ngày càng thong dong hơn, nhưng tui không còn lòng dạ nào để theo đuổi giấc mơ như hồi còn trẻ.
 
Ngày nay, tuổi đời đã xế bóng, bầu nhiệt huyết đã cạn kiệt, tui chỉ còn xem những miếng võ mèo quào học được như phương tiện để tự tin cũng như dùng để hổ trợ cho các môn khác như thiền, dịch cân kinh, thể dục... mà tôi tập hàng ngày cho có sức khoẻ tốt.
 
Paris 2014
Trần Kim Diệp

http://kimtran75b.blogspot.fr

 

Đăng ngày 21 tháng 03.2016