banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Cây Gạo

phamxuanhy

Phạm Xuân Hy

 

Anh Vân Thi thân mến,

Lúc này anh có khỏe không ? Tôi thì cứ đau ốm hoài. Tuy vậy, vẫn đi lại được, chưa cần phải  dùng đến gậy « đả cẩu bổng ». Mới cách đây hơn một tháng, đến Mairie quận 13, xin giấy tờ, thấy cửa kính đóng, mắt kèm nhèm,lại cứ tưởng cửa mở, lao đầu vào . Chỉ nghe cái rầm . Thế là máu phun đầy mặt, xe cứu thương  bí bo chạy đến,  mang vào bệnh viện, nằm mấy tiếng, băng bó xong thì cho về.

Nay Anh thương mà hỏi đến, tôi lại có dịp được góp ý vài hàng làm vui với anh.

    caygao                 

Cây gạo đại thụ trồng từ năm 1284 ngay giữa sân đền Mõ - Ảnh: Nguyễn Thông

 

         caygao

Về tấm bia trên đây, tôi thấy có bốn phần.

1-Phần chữ Việt : Cây Gạo Đại Thụ -Trồng Năm 1284-(Giáp Thân)

2-Phần dịch sang tiếng Anh : Plant Rice University Acceptance –Planted in 1284-(Body Armor)

3-Phần dịch sang chữ nho :

大樹木棉樹 - 種於 1284 甲申年 (Đại Thụ Mộc Miên Thụ- Chủng ư 1284 Giáp Thân Niên)

4-Cuối bia có mấy chữ : Canh Dần 2010.

Trước hết, “Cây Gạo” là một từ ngữ tiếng thuần Việt, còn chữ Hán Việt đọc là “Mộc Miên Thụ” như thấy ghi trên tấm bia, là tên một lọai thưc vật.

“Cây Gạo”  vốn đã có ở Việt Nam từ lâu đời, ít nhất có từ đời Triệu Đà, thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch. Vì theo những sách vở cũ và những thông tin trên những trang Web, Triệu Đà từng phải cống cho nhà Hán, chẳng những ngọc ngà, châu báu, sừng tê, ngà voi, chim chả, cà cuống, và cả một “Cây Gạo” nữa. Ở vào thời điểm đó, chắc chắn rằng “Cây Gạo” phải được xếp vào lọai cây hiếm quý, đẹp hơn các lòai cây khác, nên mới có  thế  được chọn làm cống phẩm sang Tầu.

Từ đó, người ta dễ suy ra rằng sự tồn tại của “Cây Gạo”  ở Việt Nam đã có rất lâu đời. Chúng ta còn có thể tìm thấy tên “Cây Gạo” trong văn thơ Việt Nam, trong tiểu thuyết, trong những câu ca dao, trong những bài thơ, bàivăn  lãng mạng trữ tình nhắc đến Hoa Gạo :

“ Thân cô như hoa gạo trên cây
Thân tôi như đám cỏ may bên đường
Lậy trời cho gió rung cây
Hoa gạo rụng xuống cỏ may xâu vào” .

Và nhà thơ Vũ Hòang Chương, bậc thầy của thế hệ trẻ sau 1954 ở Sài Gòn, cũng từng nhắc đến Hoa Gạo và Mùa Thi, với bài thơ Đi Thi viết từ hồi ông cò trẻ, năm 1937 :

Đi Thi

Tác giả: Vũ Hoàng Chương

Mùa thi rối gương lược
Anh sửa soạn cho em
Ngay từ nửa tháng trước
Ngồi khuya đêm lại đêm.
Hoa gạo nở tươi điềm tất thắng
Sao em còn lo lắng vẩn vơ?
Anh ơi, từ buổi tình sâu nặng
Em thuộc gì đâu, chỉ thuộc thơ!
Đủ các môn, em học
Mỗi bài cả trăm lần
Nhưng vang dội tim óc
Toàn lời thơ ái ân.
Tại anh viết bao lần thương mến
Đường chim xanh trao đến em chi
Để em ngơ ngẩn trong e thẹn
Đêm ngủ càng thao thức dị kỳ!
Giống chữ nghe ẩn hiện
Ngọt ngào trên đôi môi
Nồng say như gió biển
Lùa trong nhịp máu trôi.
Mặc dầu chỉ xem rồi lại trả
Về tay anh tất cả thư từ
Men Tình-Yêu vẫn say em quá
Em bắt đền anh không đáng ư?...
Một tuần qua vùn vụt
Kỳ thi-viết xong xuôi
Anh ngồi bên học giúp
Cho em mau thuộc bài.
Bảng vấnđdáp kề vai nhẩm đọc
Em quá mừng suýt khóc bên anh
Tên em vừa tỏ như trăng mọc
Giữa bốn trời sao tên thí sinh.
Ải cuối cùng dễ vượt!
Ghé ta anh dặn dò
Câu nào em không thuộc
Đằng sau anh nhắc cho!...
Đường về nhà quanh co thơm ngát
Em nhìn anh, chưa nhạt cơn mê:
"Đời em chẳng có anh sao được!"
Lời nói như say một chén thề..."
Ứng điềm hoa gạo nở
Ôi, đóa hôn đầu tiên!
Cả hai cùng bỡ ngỡ:
Anh đến hay em đến?
[ Hà Nội 1937 ]  

caygaoChắc cũng vì nhan sắc lộng lẫy của “hoa gạo”,  nên một ông bạn của tôi ôm hoài một giấc mơ được làm “ Cỏ May ” ở bên đường, để chờ Hoa Gạo rụng vào lòng, họặc may mắn,  dùng Cỏ May để liên kết xâu từng chuỗi “Hoa Gạo” vào với nhau.

Cũng mừng cho bạn đã chọn một bút hiệu rất đẹp và có ý nghĩa.Hơn nữa, “ Cỏ May “, theo tác giả Đỗ Tất Lợi trong tác phẩm công phu và giá trị “ Những Cây Thuốc Và Vị Thuộc Việt Nam”  cho biết rằng “ Cỏ May “ còn là một vị thuốc của Việt Nam. Tại các vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh,  có người dùng  “ Cỏ May ” để chữa bệnh da vàng, mắt vàng, bệnh về gan.

Một tác phẩm thuộc loại truyền kỳ chí quái của Việt nam, được các văn gia khen là  “Thiên Cổ Kỳ Bút” , đó là truyện “Truyền Kỳ Mạn Lục” của Nguyễn Dữ, in năm 1768.

Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân,tỉnh Hải Dương, là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1941-1585) và là bạn học của Phùng Khắc Khoan, sách đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, và Nguyễn Thế Nghi dich Nôm, ra đời trước tác phẩm trứ danh Liêu Trai Chí Dị  của Bồ Tùng Linh, cả hàng trăm năm, nhưng hay cũng không thua gì.

Trong “Truyền Kỳ Mạn Lục”,  có  một truyện gọi là “Mộc Miên Thụ Truyện 木棉樹傳”, tức “Truyện Cây Gạo”.

Đại khái kể rằng :

Trình Trung Ngộ là một anh lái buôn, nhà giầu có, thuộc lọai mỹ nam tử đất Bắc Hà , nhưng tính trăng hoa, cứ thấy gái đẹp là mê mẩn tâm hồn, đi theo để tán tỉnh.Một hôm, Ngộ  gặp được người con gái đẹp đi ở đường,hỏi họ tên , buông lời tán tỉnh làm quen, biết tên là Nhị Khanh, rồi đưa nhau xuống thuyền, cùng nhau ân ái hết sức thỏa mãn. Nàng có làm hai bài thơ để ghi lại cuộc hoan lạc này.

Ngộ vốn dốt chữ, được Nhị Khanh giải thích rõ ràng mới hiểu rõ nghĩa, bèn khen:

-Văn tài của nàng , không kém gì Dị An ngày xưa, tất sẽ đem văn chương làm rạng danh gia đinh ;

Nàng cừơi mà rằng  :

-Người ta sinh ra ở đời, cốt được thỏa chí, chứ văn chương thời nay có làm gì, chẳng qua rồi cũng là  một nấm đất vàng là hết chuyện. Đời trước những người hay chữ như Ban Cơ, Sái Nữ, nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt ( trích từ bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện).

Yêu đương nhau được hơn một tháng.

Một đêm canh ba, trời tối đêm đen, Nhị Khanh mời Ngộ đến chơi nhà. Giữa nhà chỉ có một  chiếc quan tài trên đề mấy chữ : “ 蕊卿之櫃 Nhị Khanh chi quỹ - Quan tài của Nhị Khanh”. Ngộ thấy thế , sợ quá bỏ chậy. Sáng hôm sau, Ngộ đến xóm Đông hỏi thăm, thì quả nhiên có người con gái cháu cụ Hối, 20 tuổi, chết đã nửa năm nay, còn quàn ở ngoài đồng.

Từ đấy , Ngộ sinh ra ốm nặng. Mà Nhị Khanh cũng thường qua lại luôn.

Một hôm, người trên thuyền không thấy Ngộ đâu, đến Xóm Đông tìm, thì thấy Ngộ ôm quan tài của Nhị Khanh mà chết, họ bèn thu liệm chôn cất. Sau đấy, phàm những đêm tối trời, người ta thường thấy hai người dắt tay nhau đi đôi, khi hát, khi khóc. Bắt người làng phải cúng vái, cầu khẩn. Lễ hơi trái ý, thì làm tai vạ. Người làng không chịu nổi nỗi khổ hại, mới đào mả phá quan tài của hai người vứt xuống sông.

Trên bờ sông ấy, có một ngôi chùa, chùa có một cây gạo rất cổ, đã sống được hơn trăm năm. Linh hồn của hai ngườicaygao bèn nương dựa vào cây gạo ấy làm yêu làm quái.

Nguyễn Dữ đã dựa vào tác phẩm “Truyền Kỳ Mạn Lục” của ông, tất nhiên trong đó có “Truyện Cây Gạo” để nói lên nhân sinh quan tiêu cực, yếm thế của ông, coi đời là ảo ảnh, là giấc mộng, là chiêm bao, ngắn ngủi, thôi  hãy mau đi tìm hạnh phúc thực tế trước mát. Danh vọng, văn chương, cũng chỉ ví như nắm đất mà thôi.

“Truyền Kỳ Mạn Lục “ còn phản ánh những sinh họat xã hội thời Lê Mạc. Những hủ tục của dân chúng vì sợ hãi, phải cúng vái, lậy lục  “các ông thần”, thần cây, thần đất, thần sông, thần núi, mà ngày nay “các ông thần” này đang từ từ hùng dũng “ chỗm dậy” , dưới những mọi hình thức khác nhau. Thời đại nào, đất nước nào, mà không có những con ma sống bám vào ” những lọai cây “đại thụ”, những “Cây Gạo”, “Cây Đa”, “Cây Đề”, như Trình Trung Ngộ để mà  bắt nạt, ức hiếp người dân ngu phải cúng vái, nộp lễ vật.
Bởi thế mới có câu tục ngữ : "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề"
Tôi cũng đã quá chén say mà đi xa đề tài rồi đấy anh Vân Thi nhỉ.
Vậy, xin trở lại với  “Cây Gạo” mà anh hỏi nhá.
Vậy “Cây Gạo” là  cây gì ?
Chúng ta thử tìm xem một số từ điển, đã giải thích thế nào về “ Cây gạo
1-  “Việt Nam Tự Điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức” giải thích rằng về “Cây Gạo
Cây Gạo là thứ cây to có gai, hoa đỏ, quả có bông. Hoa “Cây Gạo” gọi là”Hoa Gạo”. (trg 209)
 Và “Gòn” hay “Bông  Gòn“ được giải thích là “ Bông Cây Gạo”( trg 209)

2- “Từ Điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ Học , tra chữ “Gạo” thì được giải thich :
-Cây gỗ to cùng họ với “Cây Gòn”, thân cành có gai, lá kép hình chân vịt, hoa to, mầu đỏ, quả có sợi bông, dùng để nhồi đệm, gối. v. v…
-Tra đến từ mục “ Gòn” , thì chúng ta được “Từ Điển Tiếng Việt” của Hội Ngôn Ngữ Học  giải thích rằng :
Cây to vỏ mầu xanh tươi, lá kép hình chân vịt , quả hình thoi, chứa nhiều sợi bông ,dùng để  nhồi đệm, gối.
Hai cách giải thích trên dây của hai “Việt Nam Tự Điển’, và “Từ Điển Tiếng Việt”

3- Còn “Việt Nam Từ Đỉển” của Lê Ngọc Trụ thì giải thích chữ «Gòn» (tức cây gòn) như sau:
« Gòn » cũng gọi là « Cây Gạo », loại cây to , gỗ xốp, có giống thân cây có gai, lá kép chân vịt, hoa trắng, trái dài hai đầu thon ( hình bắp thịt), hột đen tròn như hột tiêu, đựợc bọc trong lớp sợi dầy láng chói, sợi đánh ra để dồn gối, dệt mềm, hột có dầu dùng trong kỹ nghệ, vỏ trái huộc lọai than nhẹ, có thể dùng làm thuốc pháo, nạc trái gòn đánh thàn bông, như nệm gong, gối gòn “.

Các Tự Điển và Từ Điển trên đây, dễ khiến người đọc hiểu lầm Cây Gạo và Cây Gòn là một.

Nhưng thực ra hai cây khác nhau.

Bên dưới tấm bia trên, “Cây Gạo dược dịch ra chữ nho  là “木棉樹 Mộc Miên Thụ” để dịch, điều này không  sai. Cái sai chính là đã coi chữ “Gạo” trong “Cây Gạo” là “Lúa gạo”  và dịch ra tiếng Anh là “Rice”. Còn cụm từ “Giáp Thân”, mà dịch là “Body Armor”, thì cũng đáng buồn thật .

Tiếc thay, cho đến nay, nước ta vẫn chưa có được Hàn Lâm Viện.

Nhưng nếu có dịp tra các tự điển chữ Hán Hán,  về chữ Miên 棉 (bông), thì người ta biết

Miên, hay (bông) có hai loại :

1-Một thứ gọi là Mộc miên 木棉,( tức “Cây Gạo”),  một lọai thực vật, thuộc lọai  “lạc diệp đại kiều mộc”, tức lọai cây lá rụng hàng năm, sinh trưởng tại vùng nhiệt đới, có thân to, cao,  và có gai, cao từ 10 met đến 20 mét,  trông hùng tráng khôi vĩ, cành cây phát triển tứ phía, hoa đỏ , to bằng cái bát. Da cây có mầu tro sạm, thân có gai nhọn. Quả hình có hình con thoi, bên trong có hột và được phủ đầy bông, bông có tính đàn hồi,mềm mại, được dùng làm gối đầu, đệm ngồi .

Ngoài ra,  Mộc Miên ( hay“Cây Gạo”), thường được trồng trong sân, trong vườn hay hai bên đường đi, cho đẹp phong cảnh .

Mỗi năm vào khoảng tháng hai, tháng ba thì hoa gạo nở. Lúc hoa nở rộ, thì lá cơ hồ rụng hết, từ xa nhìn thấy cảnh trí thật đẹp, đó chính là « Cây Gạo », hay « Bông Gạo » tiếng Pháp dịch là Kapoquier, hay “Faux Cotonnier”. (Dictionnaire Annamite Française in 1942 của V. Barbier),  

2- Một thứ nữa gọi là Thảo Miên草棉 (cây bông), cũng còn gọi là Phí Châu Miên, hoặc Tiểu Miên, mỗi năm sống một lần, gốc nhỏ, và ngắn, lá xòe ra như bàn tay, quả chín thì vỏ nứt, nhỏ hơn, sợi ngắn và nhỏ, được dùng làm nguyên liệu trong kỹ nghệ dệt,may quần áo, chăn mền,  hột ép ra dầu, hoa thường có mầu vàng nhạt, quen gọi là Miên hoa.

Các quốc gia trồng nhiều bông nhất phải kể là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập.

Thảo Miên được Từ  điển Hán Pháp dịch là « Cotonnier » , cây « bông »

Thôi nhá,  chắc  anh đọc cũng đã mệt rôì. Còn tôi  viết quá dài, thì thành ra « Lăng Ba Vi Bộ », lả lướt, quàng xiên, không tránh được lầm lỗi, ta hãy tạm vui với nhau đến đây thôi nhá.

Mời anh cất chén, tìm vui.

Và xin nhắc lại câu nói của Nhị Khanh :

-Người ta sinh ra ở đời, cốt được thỏa chí, chứ văn chương thời nay có làm gì, chẳng qua rồi cũng là  một nấm đất vàng là hết chuyện. Đời trước những người hay chữ như Ban Cơ, Sái Nữ, nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt

Hôm nào có vào Paris, mời anh ghé chơi. Vẫn nhớ anh đấy.

Phạm Xuân Hy

__________________

* Phụ chú điển tích :

Ban Cơ

 Tức Ban Chiêu sinh khoảng năm 49 Công Nguyên,còn có tên là Cơ,tự là Huệ Ban,sử học gia thời Đông Hán,người An Lăng Phù Phong,con gái Ban Bưu,em Ban Cố.

Sau khi Ban Cố mất,phần định cảo "Bát Biểu" và "Thiên Văn Chí" trong "Hán Thư" bị rời rạc mất nát chưa hoàn chỉnh,Ban Chiêu cùng với Mă Tục được lệnh vua tu soan lại.Thời Hán Hòa Đế,Ban Chiêu thường ra vào cung đình giảng cho hoàng hậu và phi tần.Vì có chồng là Tào Thế Thúc,nên Ban Chiêu còn được người đời gọi là Tào Đại Gia.

Năm Vĩnh nguyên tứ thập niên, tức năm 102 CN, Ban Chiêu từng thượng sớ  xin cho anh là Ban Siêu vì già yếu được trở về triều,trong sớ có câu :  « Tục người Tây vực coi thuờng kẻ già yếu, Ban Siêu nay đã đến tuổi già, mà không có người tiếp thê,thiếp e kẻ gian các nước Tây Vực nhân đó mà thừa cơ, vạn nhất phát sinh bạn lọan, Ban Siêu lực bất tòng tâm, như vậy sẽ làm tổn hại đến quốc gia, và công lao lâu đòi tích lũy, sau nữa là bỏ phí tấm lòng của bgười bầu tôi trung, thực là đau lòng.Cổ nhân từ xưa 15 tuổi đuợc ra làm lính, sáu mươi tuổi  là lúc cởi bỏ nhung giáp về hưu, nên thiếp mạo muội xin sbệ hạ cho Ban Siêu, được phép trở về triều lúc còn sống … »

Về trứ tác,Ban Chiêu có làm bài phú "Đông Chinh Phú",và"Nữ Giới" gồm bẩy thiên.

Sái Nữ

Cũng còn đọc là Sái Văn Cơ. 蔡 文 姬

Sái Văn Cơ là người Trần Lưu đất Ngũ thời Đông Hán ( nay thuộc phía nam Kỷ Huyện tỉnh Hà Nam), con gái văn học gia  trứ danh Sái Ung, tên là  Diễm, tự là Văn Cơ, bác học đa tài. Từ nhỏ thông hiểu âm luật, nhung cuộc đời gạp nhiêu truân chuyên bất hạnh. Khoảng bốn tuổi, nhân Sái Ung vì bị  các đại thần thù ghét phải đầy đi miền bắc, Sái Văn Cơ cũng bị tội khôn kiềm 髡 鉗, tức gọt gọt trọc đầu, đeo gông theo cha làm  nô lệ, chịu nhiều gian nan khổ sở. Đến trưởng thành, Sái Văn Cơ lấy Vệ Trọng Đạo, được ít lâu chồng chết, nàng không có con, trở về nhà sống với cha.

Niên hiệu Hung Bình thiên hạ đại loạn, Đổng Trác nghe tiếng Sái Ung cố bức Sái Ung vào kinh, thế là Sái Ung bị ghép tội bè đảng của Trác, và bị hạ ngục rồi chết.

Chết chồng ,chết cha, Sái Văn Cơ hết sức đau sót, kinh thành Trường An lại rơi vào cảnh loạn lạc, Sái Văn Cơ linh đinh một mình chạy trốn khỏi Trường An, thì lại bị quân Hung Nô bắt được, mang về ép làm vợ của Nam Hung Nô Tả Hiền Vương, nàng phải sống ở Hung Nô 12 năm, sinh được hai con.

Năm 207, Tào Tháo vốn là bạn thân của Sái Ung ngày trước, được tin Sái Văn Cơ luân lạc ở Hung Nô, cho người đem tiền bạc chuộc nàng về và gả cho Đồn Điên Đô Úy Đổng Tự, nhưng Đổng Tự phạm pháp bị tội tử hình, Sái Văn Cơ phải đến xin Tào Tháo mới được miễn tội.Bù lại, Sái Văn Cơ phải nhớ lại và chép cho Tháo bốn trăm biên văn chương của Sái Ung đã thất truyền trong loạn lạc.

Bản thân là một người đàn bà, Sái Văn Cơ phải trải qua một cuộc đời nếm đủ mọi điều tân khổ, nhưng chính những điều tân khổ ấy, đã giúp cho Sái Văn Cơ tạo nên thiên trường biên tự thuật thi “Bi Phẫn Thi” để lại cho văn học sử Trung Quốc, mà mỗi chữ, mỗi câu là những giọt máu khô đọng kết tinh bởi những cay đắng sót sa.

Ngoài “ Bi Phẫn Thi”, Sái Văn Cơ còn “Hồ Cầm Thập Bát Phách” được hậu thế truyền nhau ngâm vịnh.

Quách Mạt Nhược, năm 1959, đã dựa vào cuộc đời của Sái Văn Cơ làm đề tài viết vở kịch lịch sử “Sái Văn Cơ”

* Tôi không rõ Cụ Trúc Khê Ngô Văn Triện đã dịch Truyền Kỳ Mạn Lục, dựa vào bản chữ Hán in năm nào, chứ bản Truyền Kỳ Mạn Lục chữ Hán do « Pháp Quốc Viễn Đông Học Viện », tức Trường Viễn Đông Bác Cổ , xuất bản năm 1986 chú thích rất công phu cặn kẽ, nhưng trong truyện Cây Gạo, có nhiều câu không giống với bàn dịch, ngay nhân vật chính Nhị Khanh thì lại thành Diệp Khanh 葉卿 .