VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ

THÁCH ĐỐ VÀ ĐÁP ỨNG TRONG ĐỐI KHÁNG VĂN HÓA

VỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN BẮC VIỆT (1957-1975)

 

Nguyễn Đức Cung

Một sử gia nổi tiếng người Anh, Arnold J. Toynbee trong bộ sử The Study of History gồm 12 pho xuất bản ở Luân-đôn và Nữu-ước từ năm 1934 đến 1961 và đã được D.C. Somervell tóm lược dưới nhan đề History, an essay of interpretation, đã đưa ra nhận định rằng: “Sự phát triển hay suy đồi của các nền văn minh bị chi phối bởi một định luật, định luật challenge và response tức là sự đáp ứng trước những thách đố do môi trường thiên nhiên hay xã hội đưa đến. Có tiến bộ là nhờ ở một sự thách đố gây nên một đáp ứng thành công; sự đáp ứng này lại tạo nên một thách đố mới mà cần phải tìm một đáp ứng thỏa đáng khác…” (Nguyễn Thế Anh, "Nhập môn phương pháp sử học", Sài Gòn 1974, trang 18).
Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu sử học, lịch sử của các nền văn minh qua các đợt thăng trầm hay sự xuất hiện rồi biến mất của các nền văn hóa của nhân loại đều phụ thuộc vào những khả năng thách đố và đáp ứng được viện dẫn qua nhận định nói trên quả thật đã trở nên một quy luật không thể không lưu ý xuyên suốt quá trình lịch sử của con người.
Xét trong phạm vi nước ta, sự ra đời của Viện Đại Học Huế ngày 01 tháng 3 năm 1957, dưới sắc lệnh mang số 45/GD của Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa có thể được nhìn như là một đáp ứng chính trị mang tính nhân văn trước một thách đố nặng tính chất chuyên chế của một nhà nước có tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh bên kia vĩ tuyến 17 với chế độ chuyên chính vô sản thể hiện qua sự đàn áp tiêu diệt các tổ chức chính trị và tôn giáo từ cách mạng mùa thu 1945, cuộc chiến tranh giữa Việt Minh với Pháp, các đợt cải cách ruộng đất và sự đàn áp nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm v.v… nhất là cuộc nổi dậy của nhân dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đòi tự do đi Nam (1956). Sự xuất hiện của Viện Đại Học Huế tại Huế có ý nghĩa của một cuộc chạy đua về phương diện văn hóa giữa hai miền nam bắc trong một cuộc đối kháng văn hóa không tuyên chiến. Viện Đại Học Huế trong tinh thần tự trị đại học đã có những đóng góp tích cực và cụ thể trong việc xây dựng một nền văn hóa mang tính nhân bản, dân tộc và khai phóng theo đúng chính sách đã được Tổng Thống Ngô Đình Diệm nêu ra. Ngoài ra chính tinh thần tự trị đại học còn là yếu tố giúp cho Viện Đại Học Huế dưới thời LM Cao Văn Luận làm Viện Trưởng có những đáp ứng thích đáng trước những thách thức của thời cuộc.
Để chứng tỏ miền Nam đáng sống hơn miền Bắc nên đã có rất nhiều người dân thường bỏ miền Bắc, liều chết bơi qua sông Bến Hải tìm về vùng đất hứa, trong đó có nhà tỉ phú Hoa Kỳ gốc Việt là ông Trần Đình Trường (1932-2012) quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã vào Nam năm 1957.
Và để nắm được tinh thần đối kháng của Viện Đại Học Huế với nền văn hóa vô sản miền Bắc giai đoạn 1957-1963, người ta phải theo dõi một số tư tưởng và việc làm của hai nhân vật, một của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963), người đã khai sinh và từng bước nuôi dưỡng để Viện Đại Học Huế đạt nhiều bước trưởng thành và phát triển tột bực, và một của linh mục Cao Văn Luận (1908-1986), người đã tận hiến cả một đời cho nền giáo dục Việt Nam cụ thể là qua việc điều hành Viện Đại Học Huế từ giai đoạn sơ sinh đến trưởng thành.

1. Lược qua một số tư tưởng nền tảng đối với công cuộc xây dựng văn hóa giáo dục của TT Ngô Đình Diệm
dai hoc hueTrong bài Dụ ngày 23-10-1896 của vua Thành Thái liên hệ đến việc thành lập Trường Quốc Học, có đoạn viết: “Vả lại phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất để mở mang trí thức, để đào tạo đầy đủ tài năng hầu giải quyết những vấn đề chánh sự và hành chánh và đều hòa giáo dục đúng phương pháp lại là phương tiện đề khai thông dân trí, đào tạo nhân tài…”(Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Trường Quốc Học - Khải Định, Tiếng Sông Hương, Dallas, 1996, trang 26). Qua đoạn văn trích dẫn này, ta thấy nhận thức rõ về sức mạnh của giáo dục và chắc chắn ảnh hưởng của cụ Ngô Đình Khả lúc bấy giờ là Phụ Đạo Đại Thần của vua Thành Thái phải phần nào được cụ thể hóa trong đó, sẽ được tiếp nối bởi tư tưởng của TT Ngô Đình Diệm sau này.
Trong cuốn sách có tên “Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt”, tác giả Nguyễn Văn Minh đã viết về quan điểm giáo dục của cụ Ngô Đình Khả như sau: “ Với Việt Nam, nơi tư tưởng Âu Tây mới du nhập và đang có lợi thế phát triển, cần phải có một đường lối tạo được sự kết hợp hài hòa giữa luồng tư tưởng tiến bộ này với tư tưởng cổ đại Á đông. Có như thế mới bảo tồn được những tinh túy của nền văn hóa dân tộc đã từ lâu đời xây dựng trên nền tảng tư tưởng Á Đông. Qua ý niệm nầy, cụ chủ trương cần phải có một hệ thống giáo dục được giảng dạy kết hợp cả hai nền văn hóa Đông và Tây.” (Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt, Hùng Nguyên xuất bản, tái bản lần nhất, tháng 11-2003, trang 11).
Ở trong gia đình,“Cụ áp dụng một đường lối giáo dục con cái rất đặc biệt. Ngay từ khi còn tại chức, trong cuộc sống hàng ngày, cụ không chỉ nghiêm khắc với các con mà chủ yếu là nghiêm khắc với chính mình, nêu gương một nếp sống cần kiệm, liêm khiết, trung nghĩa. Cụ bắt các con sống đúng theo khuôn mẫu ấy, nhằm hun đúc, xây đắp cho họ một lý tưởng sống vững chắc trên nền tảng một Đức Tin tôn giáo bất biến và một tinh thần nho học Khổng Mạnh thâm sâu.” (Nguyễn Văn Minh, Sách đã dẫn, trang 18).

Trong một bài nghiên cứu về tư tưởng của cụ Phan Bội Châu, khi nêu lên một số đặc điểm của cụ, Doãn Chính và Cao Xuân Long đã viết: “Đặc điểm thứ hai, chính là sự kết hợp tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây trên cơ sở truyền thống văn hóa Việt Nam trong tư tưởng của Phan Bội Châu về giáo dục… Phan Bội Châu trên cơ sở phân tích những ưu khuyết điểm của “luân lý mỗi phương”, để từ đó ông phát huy những ưu điểm và hạn chế những nhược điểm, nhằm hoàn thiện hơn tư tưởng của mình. Như trong nội dung giáo dục, ông cho rằng cần tiếp thu, thậm chí là phải mời các thầy ở các nước có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… đến để dạy cho nhân dân những tri thức mới. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy rằng sự kết hợp tư tưởng phương Đông, phương Tây trong tư tưởng giáo dục của Phan Bội Châu vẫn trên cơ sở của tư tưởng giáo dục Nho giáo.” (Tạp chí Khoa Học Xã Hội số 04 (128) – 2009).
Trong bài có tên “Góp phần tìm hiểu tư tưởng của Phan Bội Châu”  đăng trong Tạp chí Khoa Học Xã Hội số 3 (175) – 2013, Cao Xuân Long và Lại Văn Nam cho rằng giáo dục không chỉ có tác dụng đối với từng người mà nó còn có ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giải phóng dân tộc và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc rồi dẫn chứng Phan Bội Châu: “Ông viết: Có chú trọng giáo dục thì mới bỏ được việc riêng tư mà theo công lợi; mới làm cho nước giàu mạnh tiến tới.” (Phan Bội Châu, 1990, tập 2, tr. 263).
Đối chiếu quan điểm của cụ Ngô Đình Khả với tư tưởng của cụ Phan Bội Châu về giáo dục chúng ta thấy cả hai có điểm hội tụ với nhau trong vấn đề kết hợp tinh hoa của Đông và Tây và cả hai đều là những người có ảnh hưởng trên đường lối tư tưởng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khi Phan Bội Châu bị người Pháp an trí ở Bến Ngự (Huế) năm 1925 thì Ngô Đình Khả đã mất trước đó hai năm (1923). Dĩ nhiên hai cụ không có điều kiện gặp nhau để trao đổi quan điểm nhưng ít nhất cả hai là những người có cơ hội ra bên ngoài nên kinh nghiệm và những điều mắt thấy tai nghe đã cho hai cụ có những quan điểm tương đồng, nhất là trong vấn đề giáo dục và đào tạo nhân tài. Về những sự tương đồng này, Edward Miller có viết : “Giống như nhiều nhà lãnh đạo chính trị người Việt Nam cùng thế hệ với mình, ông Khả tin rằng chỉ có thể giành được nền độc lập từ tay người Pháp sau khi có những chuyển biến toàn diện trong nền chính trị, xã hội và văn hóa Việt Nam. Sự quan tâm đến giáo dục của ông đã thể hiện niềm tin này, và những chỉ trích của ông đối với nền văn hóa chính trị đương đại của Việt Nam cũng vậy. Trong vấn đề này, quan điểm của ông Khả là đồng nhất với quan điểm của một số nhân vật chống thực dân hàng đầu thời đó.”(Edward Miller, Sách đã dẫn, trang 35).
Từ năm 1933, nghĩa là sau khi từ chức Thượng Thư Bộ Lại, cụ Diệm kết giao với cụ Phan Bội Châu và tỏ ra rất tán đồng các quan điểm của cụ Phan về Nho giáo. Về điểm này, Edward Miller viết: “Diệm hoàn toàn tán thành quan điểm của Phan Bội Châu về Nho giáo như một dạng triết lý xã hội linh hoạt, có thể áp dụng vào các vấn đề đương đại của Việt Nam. Sau năm 1954, người ta sẽ nhận thấy sự rập khuôn theo quan điểm của Phan Bội Châu trong quan điểm về chế độ dân chủ và các nỗ lực của Diệm nhằm đưa ngôn ngữ và những khái niệm Nho giáo vào các chương trình xây dựng quốc gia của mình.” Một trong những chương trình xây dựng đó chính là Viện Đại Học Huế.Tuy nhiên, ngoài hai cụ Ngô Đình Khả và Phan Bội Châu ra, hỏi có ai còn có chút tư tưởng ảnh hưởng trong quan điểm giáo dục của TT Ngô Đình Diệm nữa hay chăng ? Dĩ nhiên là có.
Đọc cuốn Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm & Mặt Trận Giải Phóng của Hồ Sĩ Khuê (người có thời gian làm việc với cụ Ngô Đình Diệm giai đoạn 1947-48) ta thấy viết: “Ngoại trưởng Hoa Kỳ, tướng Marshall, mới tung chương trình viện trợ để giúp các nước Âu châu phục hồi kinh tế (thàng 6-1947). Cùng lúc, danh từ Tiers-Monde do Alfred Sauvy người Pháp tung ra, được Tibor Mende, chuyên viết về các nước chậm tiến, nêu lên, đặt trách nhiệm các nước kỹ nghệ giàu mạnh: Kinh tế thế giới chỉ có thể hưng vượng nếu các nước giàu mạnh giúp vào việc mở mang các nước trong Thế giới Thứ ba… Tôi đọc kỹ Tibor Mende, và dựa vào các chủ trương của ông, lúc bấy giờ còn rất mới lạ, mà trình bày với ông Diệm…”
“Ông Diệm có vẻ đọc kỹ. Hỏi đi hỏi lại cẩn thận một vài điểm Tibor Mende đưa ra. Ông bảo tôi không phải chỉ có chuyện dùng người, chuyện chính trị hay đạo lý, như tôi âu lo mà thôi. Còn có chuyện phương tiện, của cải, lấy đâu ra cho đủ để lo phát triển. Nhất là chuyện phát triển giáo dục, tổ chức một nền Đại học hoàn bị, tiến bộ, hướng đến khoa học, chuyên môn, nghề nghiệp. Ông dặn phải bàn lại với Nhu, Luyện, và thong thả tìm tòi, ghi chép dành cho ông một bản tường trình đầy đủ hơn về vấn đề. Ông tiếp nhận rộng rãi các ý kiến mới. Tỏ ra ông nặng lòng về tương lai nhân quần xã hội nước nhà.” (Hồ Sĩ Khuê, Nhà xb. Văn Nghệ, 1993, tr. 161).
Alfred Sauvy (1898 – 1990), là một nhà kinh tế học, nhà nhân khẩu học và xã hội học Pháp. Ông là một người tố cáo không mệt mỏi các hiện tượng suy giảm tử suất và lão hóa trên toàn cầu. Ông là người đưa ra cụm từ Thế giới Thứ ba (Tiers-Monde), xuất bản nhiều trước tác quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa từ năm 1943 đến 1990; còn Tibor Mende thì sinh ở Budapest ngày 14 tháng 10 năm 1915 và chết ở Canada ngày 1 tháng 5 năm 1984, là một nhà báo, nhà chính luận Pháp gốc Hung gia lợi, viết rất nhiều sách tiếng Pháp như La Revolte de l‘Asie (1951), L’Inde devant l’orage (1954), L’Amérique latine entre en scène (1956), Conversations avec Nehru (1956)…
Theo Hồ Sĩ Khuê, TT Ngô Đình Diệm cũng đã lưu ý đến những gợi ý hay mách bảo về giáo dục qua các sách báo đương thời vào một thời điểm rất sớm (1947), và đã cưu mang dự án thành lập một viện đại học quốc gia ngay thời gian rất lâu trước khi thực thụ nắm chính quyền. Tư tưởng của hai nhà học giả nói trên ảnh hưởng mạnh trong các đầu óc lãnh tụ các quốc gia thuộc thế giới thứ ba trong đó có Việt Nam, điển hình là Ngô Đình Diệm, đã tác dụng ít nhiều mang tính cụ thể trong đường hướng quốc kế dân sinh của các vị lãnh đạo tại nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Nam Dương, Việt Nam v.v…

2. Viện Đại Học Huế, sự lựa chọn tất yếu của một nền văn hóa mang tính nhân bản
Trước khi quyết định cho thành lập một viện đại học ở Miền Trung, Viện Đại Học Huế, chắc chắn TT Ngô Đình Diệm đã nghe được những ba động chính trị xuất phát từ Miền Bắc qua các đợt cải cách ruộng đất đẫm máu, mục đích không phải sở hữu hóa nông dân mà là tước đoạt đất đai của mọi tầng lớp địa chủ, phú nông, trung nông, bần cố nông để thu gom tất cả vào tay đảng, đánh sập mọi giá trị trong tương quan giữa con người với con người, chèn ép các tôn giáo, phá bỏ mọi cơ cấu xã hội, các giá trị nền tảng của gia đình và xã hội Việt Nam. Một biến động khác là vụ án Nhân Văn, Giai Phẩm trong đó các văn nghệ sĩ Miền Bắc, năm 1956 đòi quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác, in ấn mà ảnh hưởng sự trù dập, đàn áp tàn bạo của Đảng CSVN còn vang vọng mãi cho đến ngày nay. Một sử gia lúc bấy giờ đã ghi lại tinh thần cảnh giác của TT Ngô Đình Diệm trong một đoạn văn như sau: “Đang khi bấy nhiêu việc tiến-hành, Tổng Thống Ngô Đình Diệm không quên tiếp tục việc tảo thanh các di sản Thực-Phong, như trục xuất đoàn quân Viễn-chinh Pháp, thủ tiêu dư lực của các giáo phái phiến loạn, và củng cố cơ sở Miền Nam chống lại sự hăm dọa rất gần và rất thật của Cộng sản Miền Bắc. Nhiều người có thể vì quang cảnh yên ấm trực tại mà quên sự nguy hiểm đang rình chực của độc tài đỏ, nhưng ông Ngô Đình Diệm thì không thể. Ông biết, và ông như cảm thấy đều đó trong đường gân thớ thịt, rằng sự tồn vong của hạnh phúc dân chủ của dân tộc Việt Nam là cốt ở sự có thể cầm cự trong hiện tại và chiến thắng trong tương lai kẻ thù số một của tự do kia. Bởi đó Ông không bao giờ không để mắt tới các hoạt động ngấm ngầm hay công khai của phía Bắc. ” (Nguyễn Phương, Ánh Sáng Dân Chủ, Xã Hội ấn quán, Sài gòn, 1957, trang 131).

Qua thông điệp của TT Ngô Đình Diệm nhân dịp ban hành Hiến pháp 26-10-1956, người ta thấy có viết: “Trong gần một trăm năm qua, tình hình chính trị trái lẽ thường tại nước ta đã làm sút giảm tinh thần công nghĩa. Nay ta cần phải kiến tạo lại tinh thần yêu chuộng công ích, trọng danh dự và thể diện quốc gia, đức liêm khiết chính trực; ta cần phải rèn luyện lại tinh thần trách nhiệm, sự nhã nhặn trong việc giao thiệp tỏ ra biết trọng người và tự trọng.” (Nguyễn Phương, Sách đã dẫn, trang 176). Tinh thần công nghĩa ở đây gắn liền với công ích của TT Ngô Đình Diệm tức là cái công lợi mà cụ Phan Bội Châu đã nói mà hai tác giả Cao Xuân Long và Lại Văn Nam có trích dẫn ở trên.
dai hoc hueTại Đại hội Văn hóa Toàn quốc 1957 tổ chức từ 7-16 tháng giêng năm 1957, chỉ hai tuần sau khi các báo Nhân Văn, Giai Phẩm (ở Miền Bắc) bị đóng cửa, Bộ Trưởng Thông Tin và Thanh Niên Trần Chánh Thành khai mạc đại hội với những lời ca ngợi VNCH: “Đại hội Văn hóa khai mạc tại Sài gòn… trong bầu không khí tự do tư tưởng, tự do sáng tác, giữa niềm tin tưởng của mọi người về tương lai huy hoàng của nền Cộng Hòa.” Rồi ông đối chiếu tình trạng sáng tác hai miền : “Trong lúc đó ở Bắc-phần các văn nghệ sĩ bấy lâu bị kèm hãm bắt đầu lên tiếng công kích đường lối lãnh đạo một chiều của Phòng Chánh trị đảng Cộng Sản muốn biến Văn Nghệ sĩ – theo một tờ báo xuất bản tại Hanoi – thành ‘những con cừu ngoan ngoãn, sợ sệt chịu để cho bọn chăn giắt lùa đi ngã nào cũng được.” (Trần Anh, Chủ nghĩa quốc gia của chánh quyền Đệ Nhứt Cộng hòa, 1954-1963, Tạp chí Talawas số mùa Thu, 2009, trang 14).
Dân biểu Quốc hội Nguyễn Thiệu đọc diễn văn tố cáo Pháp “dạy dân ta yêu mẫu quốc, đề cao thứ luật pháp đàn áp những nhà ái quốc có ý chí giải phóng đất nước” Nguyễn Thiệu cho rằng nền giáo dục thực dân này củng cố cho sự bất bình đẳng xã hội bằng cách truyền bá những giá trị lỗi thời” Cũng tại Đại hội này, Nguyễn Thiệu còn tố cáo “giáo dục thuộc địa đã trụy lạc hóa thanh niên để thanh niên mê ly với tiền tài, danh vọng và ái tình…”
Dân biểu Nguyễn Phương Thiệp trình bày về tự do tư tưởng trong hiến pháp VNCH và cho rằng “sự “chỉ huy văn hóa” của cộng sản đã tiêu diệt sáng tác văn hóa vì nó phủ nhận bản sắc cá nhân của mọi người nghệ sĩ, nguồn gốc của sự sáng tác”. (Trần Anh, Bài đã dẫn). Rất nhiều các nhà báo, nhà văn như Văn Hoàn, Tô Văn, giáo sư Lê Văn Siêu v.v… đã lên tiếng trình bày về sự nghèo nàn báo chí của VNDCCH, phân tích các tác phẩm của Nhân Văn, Giai Phẩm, số phận các trí thức miền Bắc (qua vụ Trần Đức Thảo), chính sách tiêu diệt dân tộc tính của người Việt Nam, chà đạp nhân phẩm loài người. Có diễn giả như Nguyễn Thiệu chỉ trích nền giáo dục miền Bắc “đoạn tuyệt hẳn với nền văn minh cổ truyền và quá trình lịch sử tranh đấu vẻ vang của dân tộc Việt Nam.”

Trong bài thuyết trình về văn học Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Siêu cho rằng sự độc tài tư tưởng của cộng sản đã dập tắt mọi tư tưởng bất đồng khuynh hướng, trong đó có nền văn chương Việt Nam . Nhưng sự chia đôi lãnh thổ “đã khiến tập trung vào riêng hẳn một khu thứ văn học (cộng-sản) đen rối ấy, và kể từ 1954 trở về sau… nối tiếp theo đà tiến trong dòng dài lịch sử, nền văn học đích thị Việt Nam đã bắt đầu đứng ra đảm nhận trách nhiệm lịch sử của mình để lo xây dựng ý thức hệ mới đúng nguyện vọng của toàn dân.”(Trần Anh, Bđd, trang 15).
Cũng trong Đại hội Văn hóa Toàn quốc này, ông Ngô Đình Nhu đã trình bày về chủ thuyết Nhân Vị mà tư tưởng vận hành của Viện Đại Học Huế dĩ nhiên ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Nhân Vị. Ông nói: “Chủ thuyết đặt nền tảng trên quan niệm tôn trọng phẩm giá con người và đẩy mạnh sự phát triển đến mức độ cao nhất. Quan niệm này chẳng phải của riêng một giống người nào, một quốc gia nào, hay một đảng phái nào mà là của mọi người. Ở Tây phương, “Tinh thần của Phúc-Âm” được xem như phương tiện để nhận thức về giá trị nhân bản của con người và tại Á châu, những nguyên tắc tôn trọng con người nhân bản nằm trong Kinh Vệ-Đà, Kinh Upanishads, trong sách Mạnh tử, và ở ngay trong truyền thống dân gian Việt nam.” (12-1-1957, Cách-Mạng Quốc-Gia, trích lại trong Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam 1954-1963, Một Cuộc Cách Mạng, Tiến Sĩ Phạm Văn Lưu, Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn, Centre For Vietnamese Studies Pub. 2005, Melbourne, trang 121).

Trước hết vì mục đích công ích, công lợi mà TT Ngô Đình Diệm đã ký quyết định thành lập Viện Đại Học Huế để cho con em sĩ tử Miền Trung đa số đều là dân nghèo có chỗ học hành, trau dồi chuyên môn và nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp đã góp công xây dựng nước Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Văn Hai đã từng nói, và việc mở một trường đại học như thế cho những con người cần cù hiếu học vào lúc đó âu cũng là một đền bù (Giáo sư Nguyễn Văn Trường). Trong thâm tâm của TT Ngô Đình Diệm có lẽ ông chấp nhận một thách đố đó là nhìn về miền Bắc nơi làn sóng đỏ đang lăm le ụp xuống Miền Nam và ông đã muốn dựng lên một bức trường thành để ngăn thảm họa xích hóa ở bên này vĩ tuyến 17. Viện Đại Học Huế ngoài việc sẽ là một bức trường thành còn là ngọn hải đăng chiếu ánh sáng tự do, dân chủ kêu gọi người miền Bắc về đây với những thành tựu về giáo dục, văn hóa và xã hội.
Nhà văn Nguyễn Văn Lục cho rằng Viện Đại Học Huế là một trong những con cưng của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, bên cạnh hai đứa con cưng khác là Trường Võ Bị Đà Lạt và Trường Quốc Gia Hành Chánh. “Dưới mắt ông Ngô Đình Diệm, việc thành lập Đại Học Huế ngay sát nách vùng ranh giới phân chia Nam Bắc qua con sông Bến Hải còn có thể là một thách đố chính trị. Ông muốn chứng tỏ cho phía bên kia Bến Hải là: Chúng tôi đang có mặt ở đây.” (Nguyễn Văn Lục, Tóm lược về sự hình thành của Tạp chí Đại Học, DCVOnline.net, Tháng 10-2015).

3. Viện Đại Học Huế, những sứ mệnh văn hóa và chính trị:

Tinh thần tự trị đại học.
Một vị giáo sư có mặt với Viện Đại Học Huế từ những ngày đầu, Giáo sư Nguyễn Văn Trường đã viết như sau nói lên tinh thần tự trị của Viện Đại Học Huế:
Tuy nhiên, trong thực tế, chúng tôi không cảm thấy một sức ép nào từ những cơ quan nêu trên (Bộ Giáo Dục và Tổng Nha Công Vụ). Sự duyệt y các kết quả thi cử, các văn bản thành lập phòng ban v.v… có khi là cần thiết. Tự trị không có nghĩa là không luật pháp. Nhà nước cung cấp ngân sách cho Viện, sự biện minh các chi tiêu, sự kiểm soát đương nhiên là cần thiết. Có điều là khi mình thấy thong dong trong luật pháp, mình không cảm nhận bị ràng buộc, gọi như thế là tự trị, một sự tự trị thực tế, chủ quan và tương đối. Viện đứng ngoài mọi đảng phái chính trị kể cả đảng chính quyền, các tổ chức tôn giáo. Gọi như thế là độc lập. Nhưng trên hết, tự trị và độc lập của nền giáo dục đại học nằm ở chỗ tự do truyền bá, phát huy, và thu nhận của giáo chức và sinh viên. Lẽ dĩ nhiên là trong một giới hạn khả chấp. Điều này là một giá trị hiển nhiên của nền giáo dục Miền Nam, và là một điểm son của chế độ. Sứ mạng, nhiệm vụ, mục tiêu, đường lối của Viện Đại Học được minh định rõ trong những văn bản mà đôi bên, Chính quyền và Viện Đại Học đều nghiêm túc tôn trọng.” Có thể coi tinh thần tự trị đại học chính là sự hội nhập toàn cầu trong lãnh vực văn hóa vào thời điểm bấy giờ.
Những điều giáo sư Nguyễn Văn Trường nêu trên có lẽ xuất phát từ ý niệm đại học của Karl Jaspersdai hoc hue (1883-1969), một triết gia hiện sinh Ki-tô giáo nổi tiếng của Đức khi ông cho rằng ý niệm đại học gồm ba nhân tố đó là sự thống nhất luôn mới mẻ của các ngành khoa học, định chế đại học và mối quan hệ giữa đại học và nhà nước trong đó Jaspers nhận ra sự hỗ tương căng bức : đại học vừa thuộc nhà nước, vừa tự trị không mang tính nhà nước. Thành hay bại là ở chỗ xây dựng được cơ chế hợp tác bền vững, ổn định và tôn trọng lẫn nhau. (Bùi Văn Nam Sơn, Ý niệm đại học: Linh hồn của giáo dục cấp cao. Tư liệu đăng tải trên mạng, Sept. 14, 2015).
Để thấy rõ ý niệm tự trị đại học thiết tưởng nên lưu ý tới đặc điểm trong chương trình giảng dạy của Viện Đại Học Huế đó là sự dùng tiếng Việt Nam làm chuyển ngữ. Linh mục Nguyễn Phương đã dẫn những lời của Francisque Vial năm 1939 than phiền việc dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ trong các trường Đông Dương thêm rằng: “Chúng ta hãy thú nhận rằng chúng ta chưa làm được gì hết hay chỉ mới làm được tí chút thôi trong việc thiết lập một nền học vấn hữu hiệu cho Đông Dương, bao lâu chuyển ngữ của nền học vấn đó chưa phải là tiếng mẹ đẻ (của người Đông Dương). Chúng ta thử tưởng tượng xem nền học vấn chính quốc chúng ta sẽ ra thế nào, nếu người ta đem dùng tiếng Nga chẳng hạn để dạy cho trẻ em Pháp. Thế mà tiếng Nga còn ít khác tiếng Pháp hơn nhiều khi so sự khác nhau giữa tiếng Pháp và tiếng Việt hay tiếng Mên. Hỏi bao giờ mới đến cái thời kỳ trong đó chương trình Trung Học Đông Dương sẽ gồm những môn có tính chất Viễn đông với chuyển ngữ là ngôn ngữ Đông Dương, và tiếng Pháp chỉ còn giữ một địa vị giống như địa vị của tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, trong chương trình giáo dục chính quốc chúng ta.” Linh mục Nguyễn Phương quả quyết rằng: “Thật vậy, việc dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ chỉ có thể mang lại những kết quả tốt đẹp, nhất là khi áp dụng vào ngành Đại học. Các thầy giáo Trung học, hỏi lấy từ đâu ra, nếu không phải là từ các trường Đại học trong nước? Vậy nếu các thầy đó, thong minh hơn, ăn nói khẩu khí hơn, tư tưởng khúc chiết hơn, học sinh tất nhiên sẽ thụ giáo một cách hăng hái hơn, ích lợi hơn Một khi đã dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ, các bài sẽ dạy bằng Việt ngữ, các bài nghiên cứu sẽ bằng Việt ngữ, nhờ đó, chẳng những nền quốc học được dồi dào thêm, mà văn hóa còn có thể phổ biến mau chóng, rộng rãi hơn, vì số người có thể đọc được và dùng làm món ăn tinh thần sẽ đông đảo hơn.” (Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1964, trang 210).
Trong sách Trung Dung, Khổng Tử đã từng viết về cốt lõi của Đại học rằng : “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” 大 學 之 道 在 明 明 德 , 在 新 民 , 在 止 於 至 善 . Linh mục Séraphin Couvreur, S.J. một nhà Trung Hoa Học nổi tiếng, đã dịch ra tiếng Pháp là “La voie de la Grande Étude, (c-à-d. ce que l’homme dès l’adolescence doit apprendre et pratiquer) consiste en trois choses, qui sont de faire briller en soi-même les vertues brillantes que la nature met dans l’âme de chacun, de renouveler (c-à-d. de reformer) les autres hommes, et de se fixer pour terme la plus haute perfection. (Séraphin Couvreur, Les quatre Livres de Confucius, De l’école Francaise en Extrême-Orient, A PARIS, au 7 du faubourg St-Honoré, 1981, page 2). Sách Nho Giáo của Trần Trọng Kim trích lại câu trên, dùng chữ thân dân thay cho tân dân và dịch là: “Cái đạo của bậc đại học là ở sự làm sáng cái đức sáng, ở sự thân-yêu người, ở sự đến chí thiện mới thôi.” (Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Bộ Giáo Dục & Trung Tâm Học Liệu xuất bản, 1971, quyển thượng, trang 177). Theo một số nhà nghiên cứu, chữ thân dân 親 民 có lúc được dùng thay cho chữ tân dân 新 民 (có lẽ vì tự dạng hơi giống nhau và ý nghĩa cũng san qua sẻ lại với nhau được). Cái ý niệm làm mới (renouveler) hay đổi mới (réformer) con người chính là cốt lõi của hai chữ Đại Học đã được linh mục Cao Văn Luận và hàng ngũ giáo sư cộng sự viên tích cực phát huy tại Viện Đại Học Huế, một cơ sở văn hóa trọng yếu của Việt Nam Cộng Hòa ở một đất văn vật của Miền Trung. Tinh thần đổi mới và tự trị Đại Học chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Viện Đại Học Huế trong những năm dưới quyền Viện Trưởng Cao Văn Luận. Viện Đại Học Huế bắt đầu áp dụng chế độ chuyển ngữ bằng quốc ngữ thay cho tiếng Pháp mà theo nhiều vị giáo sư đó là cách giúp cho giáo dục Đại học làm trọn vẹn chức năng của mình.
Trong bài viết về Tạp chí Đại Học, ông Nguyễn Văn Lục có viết về sứ mệnh của tạp chí đó liên quan đến tinh thần tự trị đại học như sau: “Tờ Đại Học muốn chứng tỏ cho mọi người thấy đại học không phải là một môi trường khép kín. Tự trị đại học không có nghĩa đóng cửa. Nhưng tự trị về mặt quản lý còn những mặt khác mở tung cửa ra cho mọi thành phần.. Đại học là một môi trường thuận tiện cho mọi khuynh hướng, mọi ý kiến, mọi quan điểm có quyền phát biểu trình bày và bảo vệ quan điểm của mình.”

Tạp chí Đại-Học.
Có thể nói Tạp chí Đại Học của Viện Đại Học Huế là cơ quan nghiên cứu duy nhất mà các đại học khác không có. Tháng 5-2005, tôi có vài lần viết thư hỏi Giáo sư Trần Văn Toàn (lúc bấy giờ sống ở Lambersant, Pháp quốc) về Tạp chí Đại Học và được biết ít nhiều như sau:
Về phương diện nghiên cứu và phản ánh sinh hoạt, Viện Đại Học Huế đã phát hành Tạp chí Đại Học xuất bản từ năm 1957, do giáo sư Nguyễn Văn Trung làm chủ bút, bài vở do các giáo sư thuộc Viện Đại Học Huế hay có khi thuộc các viện đại học khác viết. Năm 1961, giáo sư Nguyễn Văn Trung chuyển vào Sài gòn và công việc điều hành Tạp chí này giao lại cho giáo sư Trần Văn Toàn. Giáo sư Trần Văn Toàn, ngoài việc viết bài dẫn nhập từng kỳ báo còn đóng góp nhiều bài vở và nhất là mời các nhóm cộng tác như nhóm của linh mục Nguyễn Phương, giáo sư Trần Kinh Hòa (Đại Học Hương Cảng) và liên lạc với một số người viết qua ông Nguyễn Anh (trước đây được linh mục Cao Văn Luận biệt phái ra lo việc hành chánh cho tờ tạp chí này) là người liên lạc thẳng với cha Luận để lo trả tiền nhuận bút cho các tác giả có bài đăng báo. Sau đó ít lâu khi giáo sư Bùi Xuân Bào ở Pháp về, nhóm học trò cũ của ông Bào (cũng là học trò cũ của cha Luận; vì thế trước khi cha Luận đi khỏi Huế, họ có tặng cha 4 chữ Nho đầy ý nghĩa: Sự sinh đại nghĩa) là Lê Tuyên, Lê Văn, Lê Khắc Phò v.v… bàn với nhau và với cha Luận là để giáo sư Bùi Xuân Bào làm chủ trương biên tập thay giáo sư Toàn, nhưng sau không thấy gì vì giáo sư Bào ở lại Sài Gòn. Sau khi linh mục Cao Văn Luận đi khỏi Viện Đại Học Huế (1964) không còn tiền nhuận bút nữa và Tòa Viện trưởng lại đưa ông Nguyễn Anh về làm ở Tòa Viện trưởng, Tạp chí Đại Học đã phải đình bản.
Dưới con mắt của Tạ Chí Đại Trường, nhà nghiên cứu sử học được đào tạo ở Viện Đại Học Sài Gòn: “Xứ Huế cổ kính với dấu vết kinh đô xưa có vẻ hợp với sử học. Tạp chí Đại Học đăng những bài của Trần Kinh Hòa (Chen Ching Ho) về Giao Chỉ, của Nguyễn Toại về Hùng Vương và nhà xuất bản Đại Học Huế in bản dịch An Nam Chí Lược cùng bản chữ Hán (sắp chữ lại) của Lê Tắc. (Ta không bàn đến các bản dịch khác ở đây). Động đến Hùng Vương của truyền thống một cách quyết liệt theo một hướng khác lạ, là các bài dạy của linh mục Nguyễn Phương đăng rải rác trên các tạp chí, kỉ yếu rồi gom lại thành sách: Việt Nam thời khai sinh. Theo ông, dân Việt như trong hiện tại là một lớp dân Trung Quốc, đến ở đất mới của một dân tộc thuộc văn minh Đông Sơn mà đại biểu cuối cùng là Hai Bà Trưng. Đám thực dân đó sinh sôi nảy nở, có một đại biểu đầu tiên, “một người Việt Nam đầu tiên” là Lí Bí (thế kỷ VI). Họ giống trường hợp của dân các xứ Nam Bắc Mĩ Châu gốc châu Âu vậy. Sinh viên không dám bài bác ông thầy, vì như họ nhận định: “Ông ấy dạy học như lúc đang ở tòa giảng trong nhà thờ vậy.” Có điều nói như ông là đã gạt phăng ông Hùng Vương ra ngoài chính sử Việt. Nhưng ông lại tiếc rẻ níu vào sách cả một thời đại văn minh Đông Sơn không-Việt (theo ông), cho nó chiếm một số lượng trang áp đảo của thời khai sinh Việt Nam! Cho nên ta hiểu nỗi tức giận của quan-chức sử Phạm Huy Thông vào năm 1976 khi thấy chính những kẻ dưới quyền được Đảng trao cho mình săn sóc tư tưởng lại nhân danh khoa học bảo một cái sọ 2.000 năm trước trên đất gần Hà Nội không có dáng Việt, nghĩa là phụ trợ cho giả thuyết của ông Nguyễn Phương là dân Việt mãi đến vài thế kỷ sau mới xuất hiện ở đây.” (Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Văn Học xuất bản, 1999, trang 147). Tạ Chí Đại Trường viết thì như vậy nhưng thử hỏi trình độ sinh viên có là bao mà dám đứng lên bẻ bác ông thầy? Ngay chính Tạ Chí Đại Trường trong nhiều cuốn sách đã tỏ ra rất kính trọng các luận điểm sử học của LM Nguyễn Phương, có nơi còn tỏ ra chịu ảnh hưởng về những khám phá sử học của linh mục Nguyễn Phương nữa, thí dụ trong cuốn Những bài dã sử Việt, trang 155 phần nói về Ngô Quyền chẳng hạn. Trong cuốn Những bài văn sử, trang 127, Tạ Chí Đại Trường cũng khen LM Nguyễn Phương khi gọi Hoàng Lê Nhất Thống Chí là lịch sử ký sự, chống lại quan điểm của Vũ Ngọc Phan khi Phan cho đó là cuốn lịch sử tiểu thuyết.
Trong Đại Học số 11 Tháng 9/1958, Linh mục Bửu Dưỡng, Tiến Sĩ Thần Học đã viết một bài báo ngắn có tên “Trước những trào lưu mới : Phong trào Nhân Vị” góp chút suy tư vào nguồn tư tưởng hiện hành của Miền Nam. Bài của B.S. Nguyễn Văn Ái, Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, có tên “Tiến tới một nhân bản khoa học” cũng trong số báo này, mở ra những khai phá mới lạ của tư tưởng nhân bản trong lãnh vực khoa học.

Trong bài viết có tên Tóm lược về sự hình thành của Tạp chí Đại Học, Nguyễn Văn Lục cho biết chính Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã đề nghị với Lm Luận cho xuất bản tờ Đại Học - một tập san đại học mà ngay ở Sài gòn cũng chưa có được. Linh mục Luận đồng ý ngay. “Chữ Đại Học ở đây không mang ý nghĩa một tập san chuyên môn của một chuyên khoa đại học. Nó chỉ có ý nghĩa là một tạp chí do một viện đại học xuất bản và trong đó có đủ mọi lãnh vực. Nó đã gây được sự chú ý và tiếng vang và chỉ vài tháng sau thì đã có đủ số độc giả để tự túc về tài chánh. Sau này, ông đại sứ Ngô Đình Luyện đã tặng Đại học Huế một máy in và từ đó không còn phải in ở nhà in Nam Sơn Sài Gòn nữa.”
Theo Nguyễn Văn Lục, Tạp chí Đại Học có một sứ mệnh văn hóa, đó là một nền văn hóa mang tính đại chúng. “Và để thực hiện được điều ấy tờ Đại Học cổ súy việc dùng tiếng Việt trong việc giảng dạy bất kể những khó khăn ban đầu về danh từ. Tờ Đại Học ra đời là nhằm các mục tiêu vừa nêu trên. Trong suốt 6 năm trời, tờ Đại Học đã đồng hành và phát triển cùng với sự phát triển của đại học. Tờ báo với số báo đầu tiên, tháng 2-1958 và chấm dứt, tháng 8, 1964, vài tháng sau khi chế độ Đệ nhất Cộng hòa miền Nam sụp đổ. Sự chấm dứt tờ Đại Học sau khi sụp đổ nền Đệ nhất Cộng hòa miền Nam cho thấy những người mới có một tầm nhìn hạn hẹp và ngắn hạn.
Có tất cả hơn 300 bài viết nghiên cứu về triết học, sử học, địa lý, luật học, ngôn ngữ học, ngữ pháp học, văn học và cả ngành y khoa… trong khoảng 4000 trang tài liệu. Số phận tờ Đại Học chết không phải vì không có độc giả. Số phận của tờ báo liên quan đến số phận chính trị miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa. Đáng lẽ, dù thay đổi thể chế chính trị thì cũng không có lý do gì để đóng cửa tờ Đại Học.”
Chúng tôi xin bổ túc một chút: Trong tạp chí Đại Học có đăng nhiều bài viết về kịch nghệ của Giáo sư Lê Hữu Khải, nhiều bài nghiên cứu về hội họa của Giáo sư Phan Xuân Sanh, kỹ thuật sơn mài của Họa Sĩ Nguyễn Phi Hùng (nổi tiếng ở Huế)…
Về các vị chủ bút của Tạp chí Đại Học, Nguyễn Văn Lục viết tiếp: “Trong suốt những năm tháng ấy, có hai đời chủ bút, “Chủ-trương biên-tập”. Từ 1958 đến 1961 do Gs Nguyễn Văn Trung chủ trương. Vì những lý do chính trị, Gs Nguyễn Văn Trung bắt buộc phải rời bỏ Huế về dạy Văn Khoa Sài Gòn theo lệnh của Bộ trưởng Giáo dục. Tạp chí Đại Học sau đó được Gs Trần Văn Toàn tiếp tục làm công việc “Chủ-trương biên-tập” cho đến lúc tình hình chính trị miền Trung sôi động, bất ổn vào tháng sáu, năm 1964. Tờ báo tự đóng cửa một cách thầm lặng, không một lời chia tay độc giả. Như một sản phẩm dư thừa của nền Đệ nhất Cộng hòa. Thôi thì nó cũng đã làm tròn nhiệm vụ, là tiếng nói của một thời kỳ của một miền Nam thân yêu.”
Bên cạnh Tạp chí Đại Học, Linh mục Cao Văn Luận còn thành lập một ủy ban có tên Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam do Linh mục Nguyễn Phương đứng đầu trong đó gồm có nhiều vị danh nho khoa bảng như cụ Hà Ngại, cụ Nguyễn Duy Bột, cụ Lương Trọng Hối, cụ Hồ Đắc Định… Ngoài ra còn có nhà xuất bản Đại Học đã in được nhiều tác phẩm quý như Châu Bản Triều Nguyễn (nhiều bộ), An Nam Chí Lược của Lê Tắc, Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán, Nhận Định tập I, tập II, tập III của Nguyễn Văn Trung, Tình cảm và đời sống đạo đức của Jean Lacroix, Sứ mệnh văn nghệ - Những nhà văn hóa mới của Nguyễn Nam Châu; Biện chứng giải thoát trong Phật Giáo của Nguyễn Văn Trung; Danh từ Triết học của Một nhóm Giáo Sư; Danh từ Chuyên khoa trong Việt Ngữ của Đàm Quang Hậu; Phương Pháp Luận của René Descartes; Hình Học Giải Tích (Toán Học Đại cương và Toán Lý Hóa của Nguyễn Văn Trường; Vật-Chất và Ký-Ức (Matière et Mémoire của H. Bergson do L.M. Cao Văn Luận dịch; Khảo luận về NGỮ PHÁP VIỆT NAM của Trương-Văn-Chình và Nguyễn Hiến-Lê; Vi Trùng Học tập I và 2 của Bác sĩ Nguyễn Văn Ái; Nguyễn Bỉnh Khiêm và Thảm trạng Tri thức trong thân phận làm người của Lê Tuyên; Chinh Phụ Ngâm và Tâm thức Lãng mạn của kẻ lưu đày của Lê Tuyên…

4. Viện Đại Học Huế: Thách đố và đáp ứng trong một số ngành học và lãnh vực nghiên cứu.
Dĩ nhiên sự thách đố và đáp ứng giữa hai miền Nam Bắc trên lãnh vực quản trị đất nước chung giữa hai chế độ có nhiều điểm khác nhau, nhưng có lẽ rõ rệt nhất là trong phạm trù văn hóa, mà cụ thể hơn ở Đại Học Huế cả trong lãnh vực nghiên cứu và giảng dạy có thể nhìn rõ hai thế đứng: chống CS công khai và trực tiếp (về lịch sử, lập trường), chống công khai và gián tiếp (trong nhiều bộ môn, sinh hoạt). Một điều cần nhớ rằng tinh thần tự trị đại học là cái mà Hà Nội không có, không bao giờ có; chỉ ở các đại học Miền Nam mới có, vì đó là tinh thần tự do, dân chủ.

a) Quan điểm và thủ đoạn của chính quyền Hà Nội:
Các vị cầm nắm chính quyền ở Hà Nội như Tổng Bí Thư Trường Chinh, hay Thủ Tướng Phạm Văn Đồng vốn luôn luôn muốn rằng quá khứ lịch sử phải được diễn dịch theo ý muốn của nhà cầm quyền, mà nhiệm vụ của người viết sử, như quan điểm của Leopold von Ranke (1795-1886) một trong những sử gia lừng danh nhất của mọi thời đại, đó là phải viết lại điều như nó đã xảy ra (In the 19th century, Leopold von Ranke, one of the greatest historians of all times, got a resounding reputation for having stated that historians should tell thing as it was. His idea was repeated, commented, and for a long while taken as norm of methodical historiography. – Leopold von Ranke (1795-1886) left a collection of 51 volumes of historical works and was ranked as the greatest historian of his time. His historical knowledge was so enormous that he could move with great ease over great tracts of human experience. See Paul Weiss, History: Written and Lived, Southern Illinois University Press, 1962, pages 7-9.- Nguyễn Phương, The Ancient History Of Việt-Nam – A New Study – 1976, page 17). Tạ Chí Đại Trường cho biết khi Trường Chinh phê bình cuốn Hai Bà Trưng khởi nghĩa của Nguyễn Thế Mỹ (Văn Mới 1944) trên tờ Cờ Giải phóng số 10, 21-8-1945, viên tổng bí thư này “ngoài giọng quyền uy chững chạc ở các luận thuyết khẳng định sự lãnh đạo văn hóa của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ta gặp ở (đây) sự đàn áp tư tưởng thô bạo ngay khi chưa nắm quyền.” Cũng theo Tạ Chí Đại Trường, Trường Chinh “cũng đã chỉ đạo trong Hội nghị tổng kết 10 năm công tác của Viện sử học là phải tác chiến chống những quan điểm sai lầm về sử học, xuyên tạc lịch sử Việt Nam của đế quốc, phong kiến tư sản, của những sử gia phản động ở Miền Nam” (Nhân dân, 21-12-1963) Đường lối vẽ ra đầy quyền uy đó đã là kim chỉ nam cho vài thế hệ lấy làm mực thước để không cho phép những nhà nghiên cứu Miền Bắc có ý kiến nào khác, và với đà chiến thắng 75, nó là căn cứ để các sử gia ưu việt quát mắng những nhà nghiên cứu ở Miền Nam với giọng thấp kém khó chấp nhận.” (Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, trang 100).
Cũng trong cuốn sách trên, Tạ Chí Đại Trường cho biết “Thủ tướng Phạm Văn Đồng chẳng hạn, đã buộc các sử quan Việt Nam: “Các đồng chí phải nặn óc mà moi cho được thời kì chiếm hữu nô lệ trong lịch sử nước ta” - lệnh này được in trong quyển Lịch sử Việt Nam tập I của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam bản 1971, và biến mất trong bản in 1977. (trang 124).
Các viên quan chép sử dưới chế độ CS như Văn Tân, Viện trưởng Viện Sử học Hà Nội có nói: “Sử học là khoa học mật thiết liên quan đến chính trị.” (History is an inherently political enterprise) hay như Văn Tạo, Viện Trưởng Viện Sử Học Hà Nội (1980-89) cũng có lúc công khai phát biểu tại Đại Học Paris VII rằng: “Chúng tôi không viết sử để làm công trình sử học mà là để góp phần xây dựng chế độ mới.” (Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, Văn Nghệ xuất bản năm 1999, trang 153. Dẫn từ Hugues Tertrais của Nguyễn Thế Anh, “Historical Research in VN: a Tentative History”, trong Journal of Southeast Asian Studies, số tháng 3.1995). Những vị này không cần biết đến một nguyên tắc cơ bản của lịch sử đã được Cicero (106-43 trước CN) nêu ra: “Luật đầu tiên của lịch sử là không được nói gì mà không đúng với sự thật, và không có gì thật mà không nói đến.” (Primam esse historiae legem, ne quid falsi dicere audeat, ne quid very non audeat).

b) Tinh thần sống chết vì sự thật lịch sử của giới sử học Miền Nam.
Có lẽ vì thấm nhuần tinh thần tôn trọng sự thật trong khi làm công tác sử học, khảo cổ học mà Giáo sư Nghiêm Thẩm, dạy sử tại Viện Đại Học Huế (môn Nhân chủng học) vị bảo trợ tiểu luận Cao học sử của tôi năm 1971, đã bị chế độ Cộng Sản thủ tiêu. Theo hồi ký “Rồng Xanh Ngục Đỏ” của Linh mục Hán Chương Vũ Đình Trác, mấy năm sau ngày 30-4-75, Lê Duẩn vào Sài Gòn đi với Nguyễn Tuân gặp GS Nghiêm Thẩm ở khách sạn Majestic, yêu cầu GS Nghiêm Thẩm dùng uy tín của mình để viết lại lịch sử Đông Nam Á, vì do các các phát kiến của Đại Nga-xô xác nhận người VN là thủy tổ các dân tộc Đông Nam Á Châu. GS Nghiêm Thẩm đã trả lời Lê Duẩn:
-Uy tín của tôi lúc này là nói đúng sự thật. Theo các tài liệu khoa học hiển nhiên, nhất là khoa khảo cổ học và nhân chủng học quá rõ ràng, tôi không thể viết thế khác được. Viết như đồng chí nói là phản khoa học.
Hắn mỉm cười, bảo tôi:
- Anh nói thế tức là còn đang ở trong vòng gò bó của sách sở, của óc đế quốc, của hủ lậu, chứ không theo sử quan một chút nào cả.
Tôi cảm thấy tức đầy ruột, và thực sự lúc ấy tôi nhìn thằng Lê-Duẩn như một con chó chết đê hèn, nên tôi hơi bạo lời:
- Nếu tôi viết như thế, thì các nhà khảo cổ và nhân chủng học trên thế giới sẽ cho tôi và cả chế độ tôi phục vụ là con chó chết. Tôi không bao giờ làm chuyện sa đọa ấy.” (Vũ Đình Trác, Rồng Xanh Ngục Đỏ, Hội Hữu xuất bản, 1986, trang 255).
Vào lúc 11 giờ trưa một ngày cuối tháng 11, 1979, có hai kẻ lạ mặt tông cửa vào nhà, giơ súng áp đảo GS Nghiêm Thẩm, bắt ông nộp chiếc búa khảo cổ. Nhận được chiếc búa, chúng đập vào đầu GS Nghiêm Thẩm ba búa, nằm chết trên vũng máu… Bọn chúng lấy chiếc búa bỏ chạy.

Nhờ tinh thần tự trị đại học nghĩa là có tự do dân chủ, Linh mục Nguyễn Phương thuộc Phân khoa Sử thuộc Viện Đại Học Huế đã đi tiên phong khi nói về việc dạy sử ở các trường trung học bằng cách nêu lên sự quan trọng của việc dạy sử bởi lẽ việc dạy sử là vụ vào chân lý tức không phải người ta quan tâm đến cái gì bịa đặt. LM Nguyễn Phương cũng phác lại một thảm trạng của quá khứ khi từ năm 1918, người Pháp khua chuông gõ mõ tuyên bố đem nền văn hóa Tây phương sang gieo vãi vào Đông Dương. Họ dạy sử Việt bằng tiếng Pháp mà học sinh ít hiểu tiếng Pháp nên không thắc mắc. Thầy dạy nhiều khi cũng dùng khả năng tiếng Pháp để tránh né những vấn đề học sinh muốn hỏi cặn kẽ mà thầy lại không biết. Cách dạy sử của một số trường trung học lúc bấy giờ mang tính nô lệ vì phương pháp “đọc cho chép” vốn phổ biến trong học đường. Trước các tệ trạng đó cần thiết phải cải cách việc dạy sử nghĩa là phải có một đội ngũ các thầy giáo tốt nghiệp chuyên khoa môn sử ở đại học, nắm vững phương pháp sử học, cải tiến chương trình sử học, thí dụ trước đây mỗi tuần học một giờ nay ba giờ hoặc cùng lắm hai giờ. Hiệu trưởng các trường phải biết lưu tâm ân cần với các thầy cô dạy sử, khuyến khích tìm hiểu nền sử học địa phương; giáo sư phải biết lựa chọn sách giáo khoa đúng và đủ. (Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, từ trang 192-227).
LM Nguyễn Phương công khai bút chiến với Văn Tân về vấn đề ”Ai thống nhất Việt Nam? Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh”, đả kích cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cho đó không phải nông dân khởi nghĩa như Hà Nội chủ trương. Một số giáo sư Đại Học Hoa Kỳ như Liam Kelley(Đại Học Manoa, Hawaii), Wynn Wilcox (Western Connecticut State University) lưu tâm tới các tác phẩm sử học của LM Nguyễn Phương. Trong nước giới trẻ tìm đọc hay in lại các sách của ông.
Trong Chương trình Sử tại Đại Học Văn Khoa Huế có Chứng chỉ Phương Pháp Sử là một chứng chỉ bắt buộc nếu những ai muốn có văn bằng Cử nhân Giáo khoa Sử học. Các tài liệu giáo trình về Phương Pháp Sử của LM Nguyễn Phương được phổ biến trên một số tạp chí lúc bấy giờ như Tạp chí Đại Học, Bách Khoa (Sài Gòn) được in năm 1964 với tên Phương Pháp Sử Học.
Sau năm 1975, một nhà nghiên cứu miền Bắc, Trương Hữu Quýnh đã có một bài viết tên “Đọc sách ‘Phương pháp Sử học’ của Nguyễn Phương” trong đó có ghi như: “Hơn thế nữa, đọc kỹ tác phẩm, chúng ta cũng thấy được sự cố gắng nêu ra các công việc cần thiết – theo quan niệm cá nhân và theo xu thế chung của sử học miền Nam hồi ấy - của một người muốn bắt tay vào nghiên cứu lịch sử, muốn làm một nhà sử học, tác phẩm đã gợi lên được một cuộc tranh luận và sau đó, Nguyễn Thế Anh, với tư cách giáo sư sử học của trường Đại học văn khoa Sài gòn, đã theo con đường của Nguyễn Phương, cho ra tập “Phương pháp sử học” của mình.” (Tư liệu này chưa xác minh được nguồn văn. NĐC)
Theo đà đó, một số các giáo sư Sử học thuộc Viện Đại Học Sài Gòn như Châu Long (Tiến sĩ Sử Học) và Lê Kim Ngân (Tiến sĩ Luật khoa, Cao Học Sử) với cuốn Sử-Học Nhập-Môn (1970, Nguyễn Thế Anh (Thạc Sĩ Sử Học) cũng có in Nhập Môn Phương Pháp Sử Học (1974).
Việc sử dụng giáo sư dạy môn Sử cũng có chỗ nhầm lẫn, không chỉ ở bậc Trung học mà cả bậc Đại học như Tạ Chí Đại Trường có lần ghi nhận.(Tạ Chí Đại Trường, Sđd, trang 145).
Trong Đại Học số 6, Tháng 11-1958, Giáo sư Trương Bửu Lâm lúc đó là Giám Đốc Viện Khảo Cổ Sài Gòn, Giáo sư Sử tại Viện Đại Học Huế có viết một bài tên “Một nền sử học quốc gia” đã tâm huyết nêu lên những tệ trạng của môn lịch sử và đề ra nhiều biện pháp chấn chỉnh đáng chú ý.
Trong Đại Học số 11, Tháng 9/1959 B.S. Vũ Đình Chính dạy ở Trường Đại Học Khoa Học Huế, cũng có một bài nhan đề “Con người trước vấn đề tiến hóa” mở ra cho người đọc một chân trời khoáng đãng, có lẽ cũng để đáp ứng lại thách đố của Hà Nội về nguồn gốc con người từ khỉ mà ra của thuyết mác xít mà Hà Nội đang rất mực nâng niu.
Một cuộc “Hội thảo về vấn đề giải phóng phụ nữ” do các giáo sư Viện Đại Học Huế và một số nhân sĩ danh tiếng như Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Văn Trung, Ô. Nguyễn Nam Châu, Bà Tăng Thị Thành Trai, Bà Mai Ngọc Liệu, Cô Phan Ngọc Quới, Bà Nguyễn Văn Đãi, BS Nguyễn Văn Ái chủ trương đã được tổ chức tại Viện Đại Học Huế càng làm sáng tỏ chính nghĩa nhân bản của Miền Nam, đề cao sự quan trọng của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, (Đại Học số 11, tháng 9-1959, tr. 167-182) cùng với Bộ luật gia đình của Bà Ngô Đình Nhu đưa ra những điểm căn bản nhất: chấm dứt chế độ đa thê, trả quyền tự do kết hôn cho trai gái từ hai mươi mốt tuổi trở lên, xác nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. (Thế Uyên, Sài Gòn sau mười hai năm, Nxb. Xuân Thu, tr.178). Tất cả cũng để chứng tỏ sự hơn hẳn của VNCH so với chế độ CS ở miền Bắc đang coi người dân không hơn loài cầm thú.
Các bài nghiên cứu văn học, lịch sử của các GS Thanh Lãng, Lê Văn Hảo, Bửu Kế, Phan Văn Dật, Nguyễn Toại đầy tính sáng tạo, giá trị trên cả tầm vóc quốc gia chứng tỏ trong một xã hội có tự do dân chủ nhà văn mới sáng tác được.
Trong khi ở miền Nam, người ta chú trọng đến phương pháp luận sử học qua các công trình nêu trên thì ở miền Bắc mãi đến năm 1981 có cuốn Lịch Sử là gì? mỏng dính dịch của N.A. Êrôphêep do nhà xuất bản Giáo Dục in năm 1981 và đến năm 1987 mới có cuốn Nhập Môn Sử Học của ba tác giả Lê Văn Sáu, Trương Hữu Quýnh và Phan Ngọc Liên.

Cũng nhờ tinh thần tự do dân chủ của Miền Nam, mà trong khi dạy môn sử tại Viện Đại Học Huế, linh mục Nguyễn Phương qua cuốn Phương pháp sử học, đã có lần phê phán sự bất toàn của sử học mác-xít: “Mỗi khoa học xã hội đều quan trọng, nhưng chỉ quan trọng một cách tương đối với vấn đề, và không một khoa học nào có thể vỗ ngực tự hào rằng mình nắm toàn bộ vấn đề. Thuyết Mác-xít, lấy kinh tế làm sức mạnh độc nhất điều khiển con người sống trong xã hội chính là phạm vào chỗ hàm hồ quá trớn đó.” (Nguyễn Phương, Sđd, trang 15).
Vấn đề quan trọng nhất là vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam chính là một thách thức của LM Nguyễn Phương đặt ra cho giới sử học VN nói chung và giới sử học Miền Bắc nói riêng, Với LM Nguyễn Phương dân tộc VN không phải con cháu dân Lạc Việt, mà là dòng dõi Trung Hoa di cư sang cổ Việt từ thời nhà Tần. Cuốn Việt Nam Thời Khai Sinh của LM Nguyễn Phương gồm có các chương như Những người đầu tiên sống trên đất Việt Nam; Tiền sử Lạc Việt; Lịch sử Lạc Việt; Vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt Nam; Hành chánh cổ Việt thời Bắc thuộc; Chính trị cổ Việt dưới thời Bắc thuộc; Cổ Việt độc lập Phụ lục là một bản tường trình bằng tiếng Anh ở Hội nghị quốc tế về lịch sử Á châu họp ở Hương cảng năm 1964. Áp dụng phương pháp sử học trong việc sử dụng và đánh giá tài liệu qua sự tham bác rất nhiều sử liệu chữ Hán như Sử Ký, Tiền Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tư Trị Thông Giám, nhất là bộ Nhị Thập Ngũ Sử, linh mục Nguyễn Phương quả đã dày công trong việc dựng lại buổi bình minh của dân tộc. Dĩ nhiên cũng có nhiều người ủng hộ lẫn công kích. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường cũng chú ý đến kiến giải của linh mục Nguyễn Phương với những ghi nhận như sau: “Trong khi các sử quan ngày xưa chấp nhận một quan điểm duy văn hóa như thế mà không để hại cho tinh thần dân tộc, lại nâng cao ý thức ấy bằng việc biểu dương vai trò của Hai Bà Trưng (xem đoạn phê phán của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên trong Toàn Thư), thì một sử gia ở Miền Nam Việt Nam vào đầu những năm 60 đã đưa ra một giải thích táo bạo về nguồn gốc dân Việt, đặt vai trò quyết định của thời kỳ Bắc thuộc trong việc hình thành dân tộc Việt Nam, một dân tộc mới, gốc Hán, tạo dựng trong khung cảnh địa lý xa đất mẹ, khác hẳn với đám dân Việt cổ bị trị có các anh hùng là Hai Bà Trưng và nền văn minh Đông sơn. Luận thuyết đó được trình bày trong một hội nghị quốc tế, nhưng chìm lấp trong các biến động chính trị to lớn lúc bấy giờ, tuy cũng gặp một phản ứng trên tầng lớp trí thức, lịch sự mà không sâu sắc lắm.” (Tạ Chí Đại Trường, Thần, Người, Và Đất Việt, Nxb Văn Nghệ, California, 1989, tr. 83). Tạ Chí Đại Trường phê bình cuốn sách The Birth Of Vietnam của Keith Weller Taylor đến hai lần khi sách này không nhắc tới luận cứ của LM Nguyễn Phương “vốn là đối cực của thuyết cho rằng dân Việt của vua Hùng đã miên tục trường tồn sau hơn cả nghìn năm Bắc thuộc.” (Tạ Chí Đại Trường, Những bài văn sử, trang 202).
Một vấn đề lịch sử quan trọng khác là thống nhất đất nước mà phe Hà Nội trước đây vẫn muốn giành cho Nguyễn Huệ, nhưng nay tình hình đã ngả về lập trường của LM Nguyễn Phương đó là Nguyễn Ánh mới thực sự là người thống nhất đất nước năm 1802. Những nhà nghiên cứu sử của Hà Nội như Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê đã thừa nhận đó là thành quả của Gia Long. Và đó là sự thật của lịch sử. Nhà sử học Phan Huy Lê cũng đã có can đảm nói lên sự thật về “nhân vật lịch sử” Lê Văn Tám, một hư cấu của thời cuộc qua sự ký thác của Viện Trưởng Sử Học Trần Huy Liệu.

c) Các Tổ chức Sinh viên Huế.
Năm 1959, sinh viên Đại Học Huế tổ chức bầu cử Tổng Hội Sinh Viên Huế với Nguyễn Đức Giang làm Chủ tịch (Ngô Văn Lại thuộc Viện Hán Học trong BCH/TH) 1962-63. Sau đó Trịnh Giảo Kim (1963-64) lên thay, rồi đến Vĩnh Kha (1964-1965). Năm 1964 anh Lê Đình Cai là Chủ Tịch Hội Đồng Sinh Viên Liên Khoa đứng ra tổ chức bầu cử BCH/TH và có hai Liên danh tranh cử: (Liên danh I gồm Cao Thân, Ngô Văn Vinh và Dương Thanh Xuân thuộc Đại Việt Cách Mạng Đảng - Thị Bộ Huế đối chọi với Liên danh 2 chịu ảnh hưởng Phật Giáo Ấn Quang do Trần Xuân Kiêm – Tôn Nữ Phùng Thăng. Kết quả rất sít sao và phe Trần Xuân Kiêm đắc cử. Cùng với Tổng Hội Sinh Viên, phía Công Giáo có Đoàn Sinh Viên Công Giáo Huế do Nguyễn Văn Đương, Bùi Thế Cần, Hồ Sĩ Hùng, Nguyễn Thanh Lượng điều hành, qui tụ khoảng 200 Sinh Viên thuộc các Phân khoa. Hằng năm các tổ chức này thường hay có các cuộc du ngoạn, hành hương thuần túy tôn giáo hay văn hóa, không có mầu sắc chính trị. Niên khóa 1963-64, anh Trịnh Giảo Kim (cư xá Xavier) làm chủ tịch THSV, nhưng qua biến cố 1963, anh Kim bị nhóm Sinh viên Phật tử chống báng kịch liệt nên bỏ Huế vào Sài Gòn. Nhóm SV Phật Tử do Hoàng Văn Giàu, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Xuân Kiêm và nhóm cán bộ CS nằm vùng dựa thế Phật Giáo khống chế Đại học Huế, bãi khóa, biểu tình, đốt Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, làm tê liệt mọi hoạt động từ 1966 cho đến vụ Mậu Thân 1968. Sau đó Viện Đại Học Huế hồi sinh trong mệt mỏi…

Lời kết:
Trong tác phẩm The Clash Of Civilizationsand the Remaking of World Order (1996), Samuel P. Huntington dẫn ra nhận xét của Vaclav Havel, kịch tác gia và cựu Tổng thống của Tiệp Khắc: “Ngày nay các cuộc xung đột văn hóa càng tăng và càng nguy hiểm hơn bất cứ thời khắc nào trong lịch sử.” (trang 28) và ông cũng kết thúc đâu đó khá bi quan: “Trong các cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa thì văn hóa bao giờ cũng là kẻ chiến bại.” Thật ra, lịch sử đã chứng minh năm 1644, các bộ tộc Mãn Châu vào chiếm Trung Quốc, đô hộ Trung Hoa cho đến năm 1911 mà vẫn phải chấp nhận nền văn hóa của kẻ thua trận làm nền văn hóa của mình. Những thách đố và đáp ứng chúng ta vừa thử xem qua chỉ là khúc dạo đầu (prélude) của một bản giao hưởng, là cuộc thử sức giữa một bên là dân tộc VN qua vai trò của Viện Đại Học Huế và bên kia là đảng cộng sản của Hồ Chí Minh trên bình diện văn hóa. Và cho đến nay vấn đề ai thắng ai trong mặt trận văn hóa giữa Nam và Bắc tưởng chừng đã có câu trả lời rồi vậy.

Nguyễn Đức Cung
Philadelphia 10-3-2017

 

Đăng ngày 12 tháng 09.2017