Hai bài viết dưới đây của tác giả Nguyễn Văn Lục được đăng tải với sự dè dặt & khách quan. Để rộng đường dư luận, chúng tôi sẵn sàng phổ biến những ý kiến đóng góp hay những bài phản bác lại ...
Admin website ĐHSPSG
(Kính gửi Ban chủ biên ĐHSP
Tôi trước 1975 cũng là một thầy giáo - nay có thêm nghiệp cầm bút... Tôi nêu trường hợp ông Lâm Văn Bé để thấy có những nhà giáo thiếu lòng tự trọng, háo danh... Xin gửi đến Ban Biên tập hai bài viết của tôi, dựa trên những bằng cớ không chối cãi được về tư cách của ông LVB.
Gửi đến quý vị như một thông tin chính xác và có cơ sở tài liệu.
Nguyễn Văn Lục)
* * *
Chúng ta cần có một thứ văn hóa tự trọng
Posted on November 4, 2015 by editor
Nguyễn Văn Lục
Phần tác giả Người quét đường, công việc của ông/bà ta chắc vẫn còn nhiều vì những kẻ háo danh đủ cỡ vẫn còn tràn lan như cỏ dại cần phải thu dọn.
Tôi nhớ có một lần nhận được một bài viết của một linh mục trẻ gửi với đầy hảo ý. Chỉ rất tiếc, dưới tựa đề bài viết, vị linh mục ghi phần tác giả như sau: Linh mục, giáo sư tiến sĩ X.
Cái phản ứng tự nhiên của tôi là khó chịu. Tôi gửi thư trả lời vị linh mục như sau:
“Thưa linh mục, hoặc là linh mục gửi bài cho tôi với tư cách là một linh mục, hoặc là với tư cách giáo sư tiến sĩ. Xin chọn một trong hai tước vị. Không thể nào cả hai một lượt được.”
Ít hôm sau, tôi nhận được một thư với giọng điệu hơi diễu cợt: “Kính thưa ngài, tôi đã hiểu ý ngài.”
Thật ra, vị linh mục này đâu có hiểu ý của tôi là thế nào. Tôi chỉ muốn linh mục hiểu rằng, chức vụ linh mục là cao quý nhất. Nó là một ơn gọi (vocation) không phải một nghề – mà không dễ mấy ai có được. Còn chức tước, nghề nghiệp thêm vào là chuyện không cần thiết. Chuyện giống như trong tựa đề bài “Vanitas Vanitatum omnia vanitas” của Người quét đường đăng trên dcvonline.net trong tuần trước.
Linh mục đã phạm vào một lỗi lầm là háo danh không cần thiết. Háo danh là một căn bệnh mà nhiều người mắc phải mà không tự biết được. Háo danh, không phải chỉ có linh mục X và ông Lâm Văn Bé tức Lâm Vĩnh Bình (LVB), tác giả cuốn “Giá tự do”. Còn khá nhiều “tiến sĩ X” , nhiều “LVB” khác, còn tệ hơn thế nữa. Có người tự nhận dạy đến bốn trường đại học.
Nay thì thì ông LVB chẳng những trả cái giá cho tự do mà còn trả thêm cái giá cho bệnh háo danh và tiếm danh nữa.
“All the honors he may receive expose his readers to a pressure I do not consider desirable. If I sign myself Jean-Paul Sartre it is not the same thing as if I sign myself Jean-Paul Sartre, Nobel Prizewinner.” Trích công bố của J.P. Sartre gởi báo giới Thuỵ Điển đăng ngày 22 October, 1964.
Linh mục cũng đã không hiểu rằng chức tước không làm tăng giá trị một bài viết. Sức Mấy, Chu Tử, Nguyên Sa, Võ Phiến tự cái bút danh làm nên sự nghiệp cầm bút. Jean-Paul Sartre có đỗ Thủ khoa trường Cao đẳng Sư Phạm Ba Lê đâu mà vẫn được Nobel Văn chương 1964 đấy; và rồi Sartre cũng không nhận giải Nobel đó vì quan niệm riêng của ông về sự liêm chính của một người cầm bút. Không ai biết Chu Tử học đến lớp mấy. Mà biết để làm gì?
Mới đây, đọc tờ Paris Match số 3465, ngày 15-21 tháng 10, 2015, có bài phỏng vấn Giáo Hoàng Francis. Giáo Hoàng có trả lời như sau:
“J’ai toujours été un prêtre de la rue. J’aimerais tellement aller manger une bonne pizza avec des amis.” (Tôi luôn luôn là một linh mục bình thường. Tôi muốn biết bao được đi ăn một miếng Pizza ngon miệng với bạn bè).
(Giáo hoàng Francis trả lời phỏng vấn với Caroline Pigozzi/Paris Match. Nguồn: Paris Match 15 Au 21 Octobre 2015, trang 62-63).
Một giáo hoàng lại chỉ muốn mình là một linh mục như các linh mục khác. Trong khi một linh mục trẻ thì ngoài chức linh mục lại muốn được người đời gọi là giáo sư tiến sĩ. Giáo Hoàng chọn ở nhà khách lưu trú với bốn phòng, thay vì ở biệt điện Vatican. Ở đây không có lính canh xuất hiện. Cũng không có người hầu mà Giáo Hoàng tự đánh giầy lấy. Nhưng có phải vì thế mà Giáo Hoàng giảm uy tín đâu!
Nói cho cùng cái bệnh háo danh là do thiếu lòng tự trọng.
Bệnh háo danh còn là một thứ bệnh lây tràn lan đối với một số người lớn tuổi – mà não thùy trán nhiều phần chắc đã suy thoái. Quá khứ có thể đã làm nên họ. Nhưng rất có thể, quá khứ đó đã bị bỏ quên. Họ sống hoài niệm dĩ vãng và mong muốn làm sống lại dĩ vãng bằng cách muốn tô hồng quá khứ của mình.
Việc tô hồng này gây ra nhiều scandal khoác lác về bằng cấp, về chức vụ giáo sư, v.v. mà họ không kiểm soát được. Hiện tại thì khô trồi. Chỉ có quá khứ đã làm nên họ.
Bằng tiến sĩ dởm, giáo sư dởm, tiến sĩ Sorbonne lan tràn phô trương nơi chỗ đông người, chỗ tụ họp ăn uống. Chưa kể những vụ “nổ” như pháo hay “nổ dzăng miểng” trong những bữa nhậu nhẹt giữa bạn bè.
Cái đó chỉ là một thứ xả hơi, vô tội vạ không chết ai. Nhưng viết ra giấy, in trên sách, báo lại là một chuyện khác.
Nói chung, đó là khát vọng muốn được nhìn nhận, khát vọng muốn được người đời nói đến, khát vọng muốn hơn người, đi đâu được người trọng vọng. Và càng yếu kém mặt nào, càng không thành công, khát vọng càng lớn.
Khát vọng ấy đi đôi với sự trống rỗng nhân cách, mất cái lòng tự trọng, thêm sự dối trá lừa bịp người khác.
Riêng trong bài viết “Hư danh của hư danh, thảy đều hư danh” – Vanitas vanitatum, omni vanitas, (đăng trên dcvonline.net, ngày 25 tháng 10-2015) tác giả Người Quét Đường luận về bài học triết lý sâu xa về đời sống. Cuộc đời chỉ là phù du, chốn hư danh. Nhưng dù biết là hư danh người ta vẫn cố bám lấy.
Và tác giả đã muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng – bằng cách nêu ra một trường hợp điển hình: Đó là trường hợp của ông Lâm Vĩnh Bình – tên thật Lâm Văn Bé, tác giả của tập sách “Giá tự do”.
Ban tổ chức Giải thưởng Văn học 2014. Nguồn HQTYSVNTD
Ông Lâm Văn Bé được chọn chỉ vì ông có sách gởi dự thi. Sách lại có giải thưởng. Tổ chức lại linh đình, có cơ sở Truyền Thông đỡ đầu. Thêm nhiều nhân vật trong cộng đồng đứng ra hỗ trợ. Hầu như chưa có quyển sách nào hội tụ được nhiều yếu tố tích cực như thế.
Thành công về mặt vật chất là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên vì là trung tâm của chuyện bất bình nên ông Lâm Văn Bé trở thành đối tượng phê phán – như một vật tế thần – phải gánh sai trái cho mọi người.
Phần tôi, rất tâm đắc với bài viết này. Nó cho thấy công tìm tòi tài liệu tận gốc để người đọc phải tâm phục, khẩu phục. Không phải ai cũng làm được. Qua đó, tôi cũng mong được tiếp tục đọc những bài khác của tác giả và để thấy đường phố sạch sẽ hơn.
Chắc chắn có những người không đồng ý với tác giả; nhưng một số khác lại chọn thái độ của người có bàn tay sạch – bàn tay sạch kiểu quan Tổng trấn Pilate rửa tay trước đám đông để chứng tỏ mình vô tội, không kết án ông Giê-su.
Thật ra thái độ đó có thể chỉ là một loại quân tử Tàu – giả đạo đức của một thứ Nhạc Bất Quần. Thái độ mà ngày nay người ta quen gọi là vô cảm.
Phần tôi xin chọn Lệnh Hồ Xung, không ủng hộ Nhạc Bất Quần.
Nếu chúng ta không làm gì, cứ im lặng, cộng đồng người Việt hải ngoại có khác gì trong nước? Cũng như trước đây có năm vụ ám sát ký giả người Việt ở Mỹ. Mọi việc đều cho chìm xuồng thì nay giới truyền thông của Mỹ vào cuộc, điều tra, sau một thời gian dài để đông lạnh, vì họ muốn khám phá tìm hiểu tận gốc rễ vấn đề. Phóng sự điều tra “Khủng bố ở Saigon Nhỏ” sẽ được trình chiếu lần đầu vào tối ngày 3 tháng 11, 2015 trên đài PBS và truyền hình trực tuyến tại pbs.org/frontline/terror-in-little-saigon.
Im lặng nhiều khi là thái độ buông xuôi, đồng lõa.
Sự lên tiếng bao giờ cũng là điều cần thiết. Dám nói, dám viết đồng nghĩa với việc sẵn sàng đón nhận mọi hệ quả.
Bài viết của Người Quét đường còn cho thấy có sự thỏa thuận ngầm của ban tổ chức. Người có lòng tự trọng sẽ thấy ngượng và xấu hổ khi xem lại cuốn video buổi ra mắt sách.
Những lời giới thiệu tiểu sử, tâng bốc tác giả quá trớn đã làm người nghe phải ngượng. Ngượng dùm cho tất cả những ai đã có mặt trong buổi ra mắt sách hôm đó.
Bài viết của Người Quét đường đã đưa ra một số nhận định về cuốn sách và tác giả; xin tóm gọn lại như sau:
Nguồn: Đại học Sư phạm Saigon, 1964
- Tiếm danh thủ khoa Ban Sử-Địa, niên khóa 1964 vốn là của bà Hoàng Thị Thu-Hà, người duy nhất đỗ hạng Bình. Ông Lâm Văn Bé đậu hạng Bình thứ. Việc tiếm danh này không cần biết đến đám bạn bè đồng khóa hầu hết hiện đang còn sống. Việc này đặt ra vấn đề nhân cách của người cầm bút.
- Mập mờ để người đọc hiểu lầm về một tài liệu của chính phủ Québec:“L’immigration et les communautés culturelles du Quebec, 1968-1990 : Bibliographie sélective annotée”, trong đó ông đã cố tình bỏ đoạn “Bibliographie sélective annotée” trên tựa của thư mục. Ông vốn chỉ là công chức chính phủ được giao cho soạn tài liệu (thư mục). Vậy mà ông đã bịa ra ông đã nhận được một giải thưởng từ tập tài liệu này – như một tác phẩm “biên khảo” – khi trả lời phỏng vấn của bà Hoàng Lan Chi. Tập tài liệu này thuộc quyền sở hữu của chính phủ, do ông Lâm Văn Bé biên soạn.
Đây là hai việc tiếm danh và bóp méo sự thực không đáng mà ông đã làm. Xét về mặt đức lý thì đây là một vi phạm nặng nề liên quan đến phẩm cách đạo đức của một người cầm bút. Người cầm bút trước hết và trên hết là viết trung thực. Ông Lâm Văn Bé đã vi phạm đến đạo lý nghề nghiệp. Tôi nghĩ nếu còn chút tự trọng, ông cần lên tiếng một lần. - Việc truy tìm và đăng tài liệu một cách cẩu thả, hoặc lấy trên Internet mà không nêu rõ nguồn làm giảm giá trị cuốn sách rất nhiều. Nó mất đi giá trị nghiên cứu nghiêm chỉnh của một người cầm bút. Có rất nhiều thống kê về sự hội nhập của cộng đồng người Việt được đánh giá rất thấp về mức thu nhập, về tỉ lệ sinh viên Việt Nam vào đại học, tỉ lệ tốt nghiệp, về mức sống, tỉ lệ người Việt Nam ly dị, v.v. Tất cả những gì bị coi là thấp, tiêu cực thì có sự tránh né, không đề cập đầy đủ
- Lâm Văn Bé trả lời phỏng vấn của trang Hoàng Lan Chi. Nguồn: Trang Hoàng Lan Chi
- Hình bìa còn được tác giả Người quét đường khám phá ra chỉ là một tiểu xảo rẻ tiền của kỹ thuật ghép sửa hình, in lại một con thuyền chở người tỵ nạn có hư cấu thêm sóng bạc đầu là một điều không nên làm. Nó trở thành một tấm hình tuyên truyền hơn là một tài liệu để tham khảo.
- Có sự cẩu thả khi vinh danh một số người Việt đã thành công ở hải ngoại mà không kiểm soát kỹ về những hoạt động của họ. Có ba người từng về Việt Nam cộng tác với chính quyền cộng sản mà nhờ đó họ được chính quyền cộng sản vinh danh trong danh sách Việt Kiều yêu nước. Đó là nhà vật lý học Trịnh Xuân Thuận, Bà Jane Lưu (Lưu Lệ Hằng) và tỉ phú Trung Dũng. Vinh danh những người này thì chẳng khác gì gián tiếp chửi người Việt ở hải ngoại. Cứ cho là ông vô tình đi thì đây là một việc làm hết sức tắc trách. Nó đặt ra vấn đề là có thực sự ông là một người làm công việc nghiên cứu nghiêm chỉnh không?
- Phần tài liệu viết về các sinh hoạt của người Việt như sinh hoạt báo chí hay in ấn sách vở liên quan đến văn học hải ngoài thì quá nghèo nàn và sơ sài. Có thể vì do giới hạn số trang không được vượt quá 300 trang như đã quy định trong điều luật để dự thi chăng? Cuốn sách của ông cuối cùng phải xếp vào loại sách gì?
- Phần tiểu sử tác giả đã được ông Chủ tịch Cộng đồng thổi phồng quá trớn như được thăng cấp nhanh như diều gặp gió, thăng cấp quá mau mà sau này nếu còn miền Nam ông có thể làm đến viện trưởng đại học và thứ trưởng giáo dục nữa. Ông Lâm Văn Bé cần lên tiếng phủ nhận những điều tâng bốc trên mới phải. Ông Lâm Văn Bé đã cố tình bỏ qua, không nhắc đến thời gian ông gia nhập nhóm Phục Hưng Miền Nam – hay còn gọi một cách vắn tắt là nhóm Liên Trường vào năm 1965, tại làng Thủ Đức – tại nhà của Lý Chánh Trung. Phải chăng chính nhờ nhóm này mà cuộc đời làm chính trị của ông lên như diều gặp gió? (Xem thêm Hồi ký của Dương Văn Ba, “Những ngã rẽ”.) Không chỗ nào trong phần tiểu sử ông dám nhắc đến một chữ về giai đoạn này. Lẽ dĩ nhiên không bao giờ ông dám nhìn nhận nhờ những quan hệ với gia đình bà Nguyễn Văn Thiệu mà ông dần dần được cất nhắc lên làm giám học trường Trung Học Mỹ Tho, hai năm sau lên làm Hiệu Trưởng rồi chẳng mấy chốc lên làm Chánh sở rồi Khu trưởng Khu Học Chánh, rồi Tổng Thư Ký Đại Học Cộng đồng Tiền Giang. Mỗi chức vụ ông chiếm được đều phải đạp lên người khác. Thói đời là khi nắm những chức vụ đó rồi thì người ta thường tự cho rằng họ xứng đáng giữ những chức vụ đó bởi vì một lẽ đơn giản là họ cho rằng họ là kẻ có tài hơn người khác.
Ông có trách nhiệm với độc giả của ông vì ông đã lợi dụng lòng tin của họ.
Ông có thể có ba chọn lựa:
- Nếu ông cho tác giả Người quét đường viết sai, hoặc tệ hơn nữa tìm cách bôi nhọ ông, thì ông cần lên tiếng phản biện, ngay cả việc có thể đưa ra trước tòa án.
- Nếu ông nhìn nhận Người quét đường viết đúng thì ông cần có lời xin lỗi. Lời xin lỗi không bao giờ có tác dụng tiêu cực làm giảm phẩm cách người xin lỗi mà trái lại nó phục hồi nhân cách con người ấy. Thay vì bị hạ thấp xuống, họ sẽ lớn lên cùng với lời xin lỗi. Riêng phần cá nhân tôi, tôi xin bày tỏ sự quý mến và cảm phục.
- Chọn thái độ im lặng. Nhiều phần tôi nghĩ ông sẽ chọn giải pháp này. Im lặng là vàng? Một giải pháp không giải pháp vì mọi chuyện vẫn còn đó như một cục nợ nuốt không vô, khạc ra không được. Amen!
Sự im lặng ấy mang ý nghĩa gì?
Không thể thay đổi nếu từ chối đối đầu. Im lặng là đồng ý. Nguồn: OntheNet
Trong dư luận, người ta chỉ muốn biết tác giả đã tìm thông tin tài liệu ở đâu, hay ai đã cung cấp, và tác giả Người quét đường là ai. “Người quét đường” là một bút danh của một tác giả cũng như “Voltaire” của François-Marie Arouet, “George Orwell” của Eric Arthur Blair, “Guillaume Apollinaire” của Wilhelm Albert Włodzimierz Apolinary Kostrowicki hay “Émile Ajar” của Romain Gary, v.v.
Voltaire, Orwell, Apollinaire, Ajar, hay Người quét đường viết những gì quan trọng hơn chuyện họ là ai. Chuyện đức lý, chuyện danh dự không muốn biết và không cần biết, thói đời chỉ tò mò đi tìm xem ai là kẻ đã viết bài.
Trước tình cảnh này, chúng ta nên nhìn vào thế hệ con cháu. Chúng lớn lên ở đây, được ăn học và một số không nhỏ đã thành công trong xã hội văn minh này. Chúng là những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, và chuyên viên đủ loại. Chúng xử sự một cách đúng mực, không khoác lác phô trương, không tiếm danh. Biết thì chúng thưa, không biết thì chúng nói không biết. Chúng học được nơi đây cái lòng tự trọng, biết tôn trọng người khác đồng thời biết khả năng của chúng nằm ở chỗ nào.
Chúng sẽ nghĩ thế nào về thế hệ cha chú của chúng?
Phần tác giả Người quét đường, công việc của ông/bà ta chắc vẫn còn nhiều vì những kẻ háo danh đủ cỡ vẫn còn tràn lan như cỏ dại cần phải thu dọn.
Phần kẻ viết bài này, qua bài viết hôm nay, nếu có đụng chạm đến người này người kia là việc ngoài ý muốn. Thật rất tiếc khó tránh được vì lời thật thường hay mất lòng. Đành chịu vậy!
Posted on November 4, 2015
Nguyễn Văn Lục
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguyễn Thụy Hinh là ai?
Posted on September 6, 2016 by editor
Nguyễn Văn Lục
Công việc cầm bút của tôi cũng như nhiều người khác, có hai giai đoạn, giai đoạn viết báo giấy và giai đoạn viết báo điện tử.
Công việc viết báo giấy là một giai đoạn đã qua và nhất định phải qua vì tự nó không còn đáp ứng cho nhu cầu bạn đọc nữa. Ban đầu khi người Việt mới đi tị nạn cộng sản, trên hầu hết các tiểu bang nước Mỹ cũng như các nước trên thế giới đều có báo giấy.
Tạp chí Tân Văn. Số 6, tháng 1, 2008
Sự ra đời và cạnh tranh của báo điện tử – hầu hết là báo đọc không phải trả tiền – khiến một lúc nào đó nhiều tờ báo giấy bị khai tử.
Ngoài chi phí để in một tờ báo giấy, tốn phí bưu điện còn cao hơn chi phí in ấn, bắt buộc nhiều tờ báo in phải tự đình bản.
Như một số người cầm bút khác, tôi đã viết cho nhiều báo (giấy) về văn học, chính luận cũng như báo chợ nhưVăn, Chính luận, Hợp Lưu, Nguồn, Đi Tới, Tân Văn, Thời Báo, Sài Gòn nhỏ và cũng từng chia xẻ nỗi lo toan báo bị đóng cửa và cũng đã từng chứng kiến giây phút chia tay não lòng với bạn đọc của một số báo giấy.
Đã vậy, số độc giả mỗi ngày một lão hóa – không có lớp người thay thế, khiến độc giả của các tờ báo này mỗi ngày mỗi ít đi – du di từ 500 độc giả xuống 300 và ít hơn nữa. Riêng tờ Tân Văn như tôi biết, số độc giả lúc ban đầu là 1200 người sau xuống dưới 1000.
Chúng ta cũng đã từng chứng kiến sự ra đời và sự ra đi của các báo thuộc văn học như các tờ Văn, Văn Học, Làng Văn, Đi Tới, Nguồn, Hợp Lưu, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Tân Văn, v.v..
Có thể nói nay chỉ còn một hai tờ báo văn học sống lây lất như Khởi Hành, Hợp Lưu, v.v... Riêng tờ Tân Văn bị bức tử sau vụ kiện của tờ Người Việt.
Cái còn lại hiện nay là báo chợ. Nhưng có thể báo chợ sẽ sống lâu vì báo chợ sống bằng quảng cáo và bạn đọc báo chợ khác với tập hợp bạn đọc báo viết về văn học, chính luận.
Bản thân tôi muốn đi tìm lại những bài đã viết cho các tờ báo văn học cũng như các báo chợ mà tôi nghĩ cũng không thể dưới 100 bài, để lưu giữ lại cho khỏi mai một.
Tôi, Nguyễn Văn Lục, với khả năng kỹ thuật giới hạn, đi tìm lại những bài viết của Nguyễn Văn Lục trên không gian mạng vô biên là điều không dễ. Thật không dễ dàng, và nó cũng đưa đến những bất ngờ không tưởng tượng được.
Thoạt đầu, tôi tìm thấy một bài của tôi viết về báo Bách Khoa, do Huỳnh Văn Lang là Chủ nhiệm, đăng lại trên báo điện tử Học Xá.
Rồi tôi lại tìm thấy bài của Nguyễn Thụy Hinh được giới thiệu, trong số những bài viết về Tạp chí Bách Khoa, trênThư Quán bản thảo, chủ đề viết về Tạp chí Bách Khoa, số 48, tháng 9, 2011, trang 25. Và cũng trong Thư Quán bản thảo số 48, bài của tác giả Nguyễn Vy Khanh, “Tạp-chí Bách Khoa và văn-học miền Nam”, hai bài của Nguyễn Thuỵ Hinh được trích dẫn và ghi lại phần chú thích, “5. Nguyễn Thụy Hinh. “Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác-giả viết cho Bách Khoa” và “12. Nguyễn Thụy Hinh. “Nhìn lại một số vấn-đề của tờ Bách Khoa”.” (TQBT, ibid., trang 50-51)
Tất cả bài của Nguyễn Thuỵ Hinh được giới thiệu hay trích dẫn trong TQBT số 48 đều ghi nguồn chính ở trang Nam Kỳ Lục Tỉnh (http://namkyluctinh.org).
Tác giả. Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh
Chưa hết, tôi lại tìm thấy bài của Nguyễn Thụy Hinh nhan đề Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa và một bài của Nguyễn Văn Lục Từ Nam Phong tới Bách Khoa được trích dẫn trong một bài viết của tác giả Vũ Thị Thu Thanh. Nhan đề bài viết là Tạp Chí Bách Khoa và đời sống xã hội Sài Gòn, Nguồn chính ở “Nam bộ Đất và Người tập 9”, và đăng lại ở trang “Sách hay | Lan toả Tri thức”
Đây là một bài viết khá công phu và sâu sắc. Tuy nhiên, cách dẫn nguồn của tác giả Vũ Thị Thu Thanh quá cẩu thả và không chuyên nghiệp. Tác giả chỉ đề tóm tắt: Nguyễn Thụy Hinh, 2008. Nguyễn Văn Lục 2008. Tác giả Vũ Thị Thu Thanh không ghi rõ nguồn, nhưng lại ghi năm 2008 thì chắc là đã đọc ở tạp chí Tân Văn số 6, tháng 1, năm 2008.
Như đã nêu trên, một bài viết khác về Tạp chí Bách Khoa, “Tạp chí Bách Khoa và Văn-Học miền Nam”, của ông Nguyễn Vy Khanh, một thành viên trong Nhóm Chủ trương trang Nam Kỳ Lục Tỉnh (http://namkyluctinh.org) đã đăng trên TQBT số 48 cũng như tại trang Nam Kỳ Lục Tỉnh. Trong bài này, tác giả Nguyễn Vy Khanh trích dẫn từ hai bài của tác giả Nguyễn Thụy Hinh, nhưng không trích dẫn bài của Nguyễn Văn Lục.
Nhắc lại, hai bài của Nguyễn Thuỵ Hinh được ông Nguyễn Vy Khanh trích dẫn có ghi rõ nguồn là http://namkyluctinh.org. Một có tựa đề là Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa. Tựa đề của bài thứ hai là Nhìn lại một số vấn đề của Bách Khoa.
Khi ông Nguyễn Vy Khanh đã cẩn thận ghi rõ nguồn là trang Nam Kỳ Lục Tỉnh thì tôi có cơ sở để đặt vấn đề với Ban Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh, http://namkyluctinh.org.
Hơn nữa Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng đăng hai bài mà tác giả Nguyễn Vy Khanh đã trích dẫn trong bài viết của ông. Đặc biệt, dưới hai bài đó ngoài tên Nguyễn Thuỵ Hinh không có một chi tiết nào khác về xuất xứ.
Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh
Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh
Hiện nay Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tình được đặt ở 2 địa chỉ:
- http://www.namkyluctinh.com/(cũ),
- https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/ (mới)
Người đã đọc tạp chí Tân Văn số 6, chủ đề về Bách khoa, tháng 1, năm 2008, sẽ thấy có ba bài viết về Bách Khoa lần lượt như sau:
- Từ Nam Phong tới Bách khoa, trang 8-15, tác giả Nguyễn Văn Lục.
- Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa, trang 21-27, tác giả Nguyễn Thụy Hinh.
- Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa, trang 28-33, tác giả Nguyễn Văn Lục.
Bạn đọc trang Nam Kỳ Lục Tỉnh đều thấy danh sách một ban chủ trương hùng hậu và đều có tên tuổi ngay trang nhất (trang nhà).
Trong đó theo thứ tự có quý ông
- Lâm Văn Bé,
- Nguyễn Văn Sâm,
- Trần Quang Minh,
- Nguyễn Vy Khanh,
- Nguyễn Tuấn Khanh.
(https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/).
Hoặc thứ tự
- Lâm Văn Bé,
- Trần Quang Minh,
- Nguyễn Văn Sâm,
- Nguyễn Vy-Khanh,
- Nguyễn Tuấn Khanh
(http://www.namkyluctinh.com/).
Như vậy, có thể hiểu ông Lâm Văn Bé đứng đầu Nhóm Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Trong Nhóm Chủ trương đó, tôi được biết hai người đều là những cựu viên chức chính phủ, đã tốt nghiệp khoa khoa học thư viện. Đó là ông Lâm Văn Bé và ông Nguyễn Vy Khanh. Cả hai, tôi tin rằng vì nghề nghiệp, đều hiểu rất rõ cách thức trích dẫn nguốn tham khảo; và cả hai hẳn cũng biết rõ nguyên tắc sơ đẳng và tối thiểu là biết tôn trọng nguồn và tác quyền của người cầm bút.
Trang Nam Kỳ Lục Tỉnh trích đăng hai bài của Nguyễn Thụy Hinh và không để nguồn hay xuất xứ. Điều này đi trái với chủ trương của trang Nam Kỳ Lục Tỉnh, ghi rõ ở trang nhất,
“…chúng tôi cũng xin được ngỏ lời tri ân và cáo lỗi tác giả những bài viết trên các trang mạng hay sách báo và hình ảnh mà chúng tôi không thể liên lạc được để xin phép trích đăng. Trong trường hợp nầy, chúng tôi sẽ ghi chú xuất xứ.”
Chưa kể, việc trích đăng không ghi xuất xứ, bài đăng trên Nam Kỳ Lục Tỉnh đầy lỗi đánh máy (typography), lỗi chính tả, tô đậm, viết nghiêng tùy tiện. Có những chỗ sai để lộ một trình độ ấu trĩ về việc phát hành.
Bản chính trong Tân Văn số 6, tháng 1, 2008, trang 27 phần kết luận bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa, tác giả Nguyễn Thụy Hinh viết:
“Ông Nguyễn Hiến Lê đã làm cái công việc: Của Ceasar thì trả cho Ceasar.”
Nguồn: Tân Văn Số 6, tháng 1, 2008. Trang 27
Bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa đăng trên Nam Kỳ Lục Tình đã đánh máy sai như sau:
“Ông Nguyễn Hiến Lê đã làm cái công việc: Của Sê ra thì trả cho sê ra.”
“Sê ra” hay “sê ra” là nghĩa lý gì? Được biết tác giả Nguyễn Thụy Hinh không phải người gốc Bùi Chu-Phát Diệm nên phát âm rất trúng các âm S và R.
Và tờ Nam Kỳ Lục Tỉnh đã cắt bỏ phần kết luận bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa của tác giả Nguyễn Thụy Hinh một cách rất tùy tiện. Đó là lối làm việc vô trách nhiệm, vô văn hóa.
Nguồn: Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh (https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/)
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn tất cả là chúng tôi mong các ông Lâm Văn Bé, và quý vị trong Nhóm Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh trả lời điều mà chúng tôi gọi là đạo văn, đạo chữ, bỏ tên tác giả thay vào một tên khác.
Ngay câu đầu của “Chủ trương”, Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh viết:
“Nam Kỳ Lục Tỉnh là diễn đàn của các nhà biên khảo và sáng tác…”
Đạo văn, đạo chữ, cắt xén, và đổi tên tác giả không phải là công việc của một “diễn đàn của các nhà biên khảo và sáng tác” mà là hành vi của phường đạo tặc, bất lương. Tôi xin phép đặt 3 câu hỏi sau đây với Nhóm Chủ trương Diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh.
- Một, ai cho phép các ông cái quyền lấy bài Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa của tác giả Nguyễn Văn Lục đăng trong Tân Văn, số 6, tháng 1-2008, từ trang 28-33?
- Hai, nữa, ai cho các ông ngang ngược tự ý đổi tên Nguyễn Văn Lục ra Nguyễn Thụy Hinh?
- Và ba, ai cho quyền các ông Chủ trương diễn đàn Nam Kỳ Lục Tỉnh tự ý cắt bỏ phần 3, “Lê Ngộ Châu và sự quy tụ các nhà văn: Sự thành đạt của Bách Khoa”, dài khoảng hơn hai trang giấy in, ra khỏi bài viết của Nguyễn Văn Lục?
Nguồn Tân Văn Số 6, tháng 1, 2008. Trang 31
Ông Lâm Văn Bé, ông có thể trả lời sòng phẳng, minh bạch và thành thực với tôi ba câu hỏi nêu trên hay không?
Và nếu Nhóm chủ trương Nam Kỳ Lục Tỉnh muốn tiếp tục xử dụng hai bài Nhìn lại một số vấn đề của tờ Bách Khoa của Nguyễn Thụy Hinh, và Từ Huỳnh Văn Lang đến Lê Ngộ Châu đến các tác giả viết cho Bách Khoa của Nguyễn Văn Lục, ông có thể liên lạc trực tiếp với tôi hoặc qua DCVOnline tại đây.
Tôi cũng yêu cầu tác giả Nguyễn Vy Khanh, nếu vẫn giữ trích dẫn từ hai bài nêu trên, xin ông vui lòng điều chỉnh phần xuất xứ cũng như tác giả ghi trong chú thích của bài “Tạp chí Bách Khoa và Văn-Học miền Nam”.
Cho đến bây giờ, tôi không thể hiểu được lý do Nhóm Chủ trương Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhất là ông Lâm Văn Bé người đứng đầu Nhóm, có thể hành động như vậy. Một hành động bất chính, bất xứng với nhân cách của người có ăn học.
Thật xấu hổ! Thật đáng xấu hổ chung cho mọi người, cho bạn bè, cho cộng đồng người Việt, đặc biệt là những người đã hết lòng ủng hộ ông Lâm Văn Bé trong dịp ông ra mắt cuốn “Giá Tự Do”.
Một mục đích khác của bài viết này là để tránh một sự lật lừa cả nước như Tố Hữu đã làm gần 3/4 thế kỷ, khi dịch tuyên ngôn đăng từ số đầu tiên của tờ Les Révolutions de Paris do Louis-Marie Prudhomme (1752-1830) làm Chủ nhiệm và xuất bản từ ngày 12 tháng Bẩy 1789, và cho rằng Jean-Paul Marat là tác giả.
“Les grands ne nous paraissent grands que parce que nous sommes à genoux
……………….Levons nous………………”
Báo Révolutions de Paris, Năm thứ ba, 1791
Nguồn: http://books.google.com
“Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên!
(Ma-rat)”
(Tố Hữu, “Hãy đứng dậy”, Huế, tháng 4, 1938)
(Nguồn: Trần Giao Thuỷ, “Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống…”, DCVOnline, Tháng 10, 2012.)
Tôi hy vọng sau bài viết này trong giới biên khảo và sáng tác Việt Nam sẽ không còn những người đạp phải… “dép” của Tố Hữu.
Sau cùng, Nguyễn Thụy Hinh là ai?
Xin thưa với bạn đọc, Nguyễn Thuỵ Hinh là một bút danh khác của Nguyễn Văn Lục xử dụng khi đang là Chủ bút Tạp chí Tân Văn từ 2007 đến 2008.
Của Ceasar thì trả cho Ceasar.
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
Đăng ngày 27 tháng 09.2016