Hồ sơ Maneli (Maneli affair)
Maneli với Ngô Đình Nhu, chuyện gì đã xảy ra?
Từ cành đào ở Dinh Độc Lập đến chuyến săn cọp trong rừng Tánh Linh
Nguyễn Văn Lục
TT Ngô Đình Diệm tại buổi lễ tốt nghiệp khóa 17 Trường Võ bị Đà Lạt vào tháng 3/1963 (8 tháng trước khi bị giết). Nguồn: http://petrotimes.vn/
Nói về ông Ngô Đình Diệm, người viết bài này mong muốn đi tìm lại bài viết của cụ Ngô Tất Tố, trên Thực nghiệp Dân báo năm 1933, nhan đề “Bình về Bộ Lại và Ngô Đình Diệm” với bút danh Phó Chi. Có được tài liệu này cũng giúp hiểu thêm con người ông Diệm.
Theo tôi, nếu có điều gì làm cho ông Diệm là ông Diệm là ở chỗ ông coi chủ quyền quốc gia là số một. Ông chống Tây cũng vì thế, chống không hợp tác với Bảo Đại cũng vì thế, chết dưới bàn tay người Mỹ – qua Cabot Lodge – cũng vì thế.
Khi cuộc đảo chánh đã nổ ra, ông Diệm gọi cho đại sứ Mỹ nói:
“Nhưng ông phải có những ý nghĩ đại cương. Dù sao tôi cũng là vị Quốc Trưởng. Tôi đã cố gắng làm bổn phận của tôi. Tôi muốn làm điều mà bổn phận và lương tri đòi hỏi. Tôi tin vào bổn phận trên hết.” (“Hồ sơ mật của lầu năm góc về chiến tranh Việt Nam”. Bản dịch của tập san Trình Bày, số 42, tháng 9-1972.)
Ông không muốn sự có mặt lộ liễu của người Mỹ ở Việt Nam như các cố vấn và các nhân viên mật vụ Mỹ. Ông nghi ngại và chống đối các hoạt động phản gián của người Mỹ ở Việt Nam.
Nhiệm kỳ của TT. Eisenhower chỉ vỏn vẹn có 300 “cố vấn” Mỹ ở Việt Nam. Thời TT. Kennedy, năm 1962 số “cố vấn” Mỹ tăng tăng từ 700 lên 12000 người; sau khi TT Diệm bị ám sát, con số này là khoảng 16000 người. Một số khác này làm việc cho CIA. Ngay cả nhóm Thanh Niên Thiện Chí cũng cài đặt người của CIA vào. Nói chi đến các cơ quan USAID, USOM, USIS v.v...
Ông Nhu có lần tuyên bố với phái viên tờ Washington Post:
Nguồn: LIFE
“On Sunday, May 12, the front page of The Washington Post featured an interview by Warren Unna with Ngo Dinh Nhu, in which Unna quoted Nhuas saying that “South Viet Nam would like to see half of the 12,000 to 13,000 American military stationed here leave the country”. Unna described Nhu as the power behind the throne and wrote that Nhu told U.S. authorities 5 months earlier that it was possible to withdraw one half of the American forces, and that the presence of unnecessary American forces lent credence to Communist propaganda. Unna reported that Nhu and Diem distrusted Americans working at local levels in Vietnam and that Nhu felt that many American advisers were only intelligence gatherers. Referring to American impatience, Nhu said that the time was not ripe for a general counter-offensive […]” (122. “Telegram From the Department of State to the Embassy in Vietnam”, May 13, 1963, FRUS 1961–1963, Volume III, Vietnam, January–August 1963, Cước chú số 2)
“Vào ngày Chủ Nhật, 12 tháng 5, 1963, trên trang nhất của tờ Washington Post là bài phỏng vấn của Warren Unna với Ngô Đình Nhu, trong đó Unna dẫn lời Nhu nói rằng “Nam Việt Nam muốn thấy một nửa số 12.000 đến 13.000 quân nhân Mỹ ở đây rời Việt Nam” […] Unna cũng viết ông Nhu đã nói 5 tháng trước đó là Mỹ có thể rút 1/2 lực lượng quân nhân Mỹ, và sự có mặt không cần thiết của quân đội Mỹ chỉ làm lợi cho tuyên truyền của cộng sản. Unna đưa tin rằng rằng Nhu và Diệm không tin tưởng người Mỹ làm việc ở các cấp địa phương ở Việt Nam và Nhu cảm thấy rằng nhiều cố vấn Mỹ chỉ đi lấy thông tin tình báo. Đề cập đến sự thiếu kiên nhẫn của Mỹ, Nhu nói rằng chưa phải lúc cho một cuộc tổng phản công.”
Cũng có lần ông Diệm đã phàn nàn với đại sứ Pháp:
“Tất cả những người lính này. Tôi chưa hề bao giờ yêu cầu họ đến đây. Họ không có đến cả một cái giấy thông hành nữa.” (Gordon M. Goldstein, “Lessons in Disaster”, trang 72.)
Mặc dầu không có những dấu hiệu gì cho thấy ông Diệm chuyển hướng về chính trị một cách rõ rệt, nhưng ông Diệm cũng mong được Pháp cho vay tiền để xây dựng những dự án kinh tế như nhà máy lọc đường, lò mổ heo tân tiến, đường tàu điện Đà Lạt và cầu Mỹ Thuận.
Trong suốt 21 năm chiến tranh miền Nam, Mỹ giúp được gì VNCH trong việc phát triển kinh tế?
[DCVOnline: “United States Econmic Assistance to South Vietnam — 1954-75”, Tập III là một thư mục 317 trang đánh máy, liệt kê những tài liệu chính thức của chính phủ Mỹ về Viện trợ Kinh tế cho Việt Nam Cộng hoà trong 21 năm, 1954-1975, do cơ quan USAID biên soạn xong ngày 31, tháng 12, 1975. Tóm lược của những nét chính của những chương trình viện trợ kinh tế lớn nằm ở Tập I và Tập II. Đây là tài liệu dành cho những người muốn nghiên cứu về viện trợ Mỹ ở miền Nam Việt Nam từ ngày thành lập đến khi xụp đổ nền Cộng hoà, 1954-1975, gồm
Thư mục tài liện về Viện trợ của Mỹ cho VNCN từ 1954-1975. Nguồn: USAID, 31/12/1975
– 25 trang về Kinh tế tổng quát
– 44 trang về Canh nông
– 2 trang về Chăm sóc Trẻ em
– 3 trang về Hàng không Dân sự
– 8 trang về Nhập cảng Thương mại
– 6 trang về Kế hoạch Phát triển
– 16 trang về Phát triển Nông thôn
– 28 trang về Giáo dục
– 6 trang về Nhà ở và Đô thị
– 10 trang về Kỹ nghệ
– 14 trang về Cải cách Ruộng đất v.v...]
Kỹ nghệ chiến tranh theo nghĩa từ việc sản xuất một máy bay phản lực – đến súng đạn- trang bị quân sự đủ loại – đến một sợi giây giầy đều do tiền viện trợ Mỹ cung cấp.
Mỹ không có ý định lâu dài trong việc trang bị cho Việt Nam có thể tự lập và cũng không có một văn kiện chính thức nào cho phép người Mỹ vào chiến đấu ở miền Nam Việt Nam. Và đó, là điều ông Ngô Đình Nhu luôn luôn phàn nàn với người Mỹ về sự lệ thuộc này.
Ngoài mấy phi trường và bến cảng cho nhu cầu quân sự, có lẽ chỉ có xa lộ Biên Hòa cho thấy sự “có mặt của người Mỹ”.
“Xa lộ Biên Hòa với 700 mét cầu và lộ giới rộng từ 60 tới 100 mét. Xa lộ được khánh thành ngày 28-4-1961. Nhờ có xa lộ này mà ông Ngô Đình Diệm thiết lập làng đại học Thủ Đức và khu kỹ nghệ Biên Hòa ở cây số 22. Nơi đây có công ty giấy Cogido góp cổ phần giữa Việt Nam Thương Tín và hãng Sindacato, Cellusosa, Pomolio của Ý. Số tiền lên đến 150 triệu Mỹ kim.” (Báo Quê Hương số 23, tháng 5-1961, năm thứ ba – tập II -Tập 2)
Mặc dầu Mỹ có cơ quan viện trợ United States Agency for International Development [USAID], nhưng một dự án như xây cầu Mỹ Thuận rồi cũng bị chìm xuồng vì nhiều nguyên do.
Kỹ sư kiều lộ Phan Đình Tăng trong một bài viết đã gợi nhớ lại những dự án xây cầu vào thập niên 1960 gọi đùa là cầu có tên Mỹ Thuận, nhưng Mỹ không Thuận nên không thành hình. Và phải đợi đến năm 2000, Úc mới xây cây cầu Mỹ Thuận. (Báo Đi Tới số 29, tháng 1/2001.)
Trong số những người Mỹ còn tin tưởng và ủng hộ ông Diệm – người cuối cùng là phó Tổng thống Mỹ Jonhson – người đã từng gọi Diệm là Winston Churchill của Đông Nam Á. Khi được gửi sang Việt Nam vào năm 1961, ông đã gửi một phúc trình như sau:
“Chính là ở nơi này sẽ là nơi mà chúng ta sẽ phải đưa ra những quyết định chính sách căn bản cho vùng Đông Nam Á, hoặc là chúng ta buông xuôi và rút lui tuyến phòng thủ của của chúng ta đến tận San Francisco.
Sự kính nể ông Diệm đi đến chỗ hình ông Diệm được treo ở hành lang nhà ông. Hôm sau ngày đám tang Kennedy, ông đã chỉ cho Phó TT. Humphrey và chỉ vào bức hình ông Diệm treo trên tường nhà ông và nói:
“Chúng ta đã đưa bàn tay của chúng ta ra trong việc ám sát ông ta. Bây giờ đến lượt chúng ta rơi vào đúng hoàn cảnh như vậy.” (Arthur M. Schlesinger, Jr.; traduit de l’anglais par Jean-Pierre Carasso, “Robert Kennedy et son temps”, trang 359.)
Tôi chỉ thấy điều này nơi một người Việt Nam khác khi tôi đến thăm cụ Cao Xuân Vỹ. Cụ không phải chỉ treo ảnh ông Diệm mà cụ để ảnh trên bàn thờ.
Những tài liệu về phía các tác giả miền Nam về “vụ đi đêm” giữa Maneli-Ngô Đình Nhu
Phần lớn các tác giả miền Nam đều sao chép một cách cẩu thả, không dẫn chứng nguồn và và gây một dư luận tai hại cho chế độ Đệ nhất Công Hòa miền Nam về “vụ đi đêm” giữa Maneli-Ngô Đình Nhu. Có những tác giả trình bày với ác ý như Vũ Ngự Chiêu, vì ngu dốt như đám tướng lãnh, có những tác giả trình bày với thiện ý, nhưng quá khờ khạo.
Hầu như tất cả đều bị dư luận đầu độc. Trừ một vài trường hợp như tác giả Nguyễn Ngọc Giao
- Vũ Ngự Chiêu trong loạt bài đăng trên Giao Điểm đã lập luận là ông Ngô Đình Diệm đã rơi vào cái bẫy sập “hòa bình, thống nhất, trung lập của Hà Nội” với sự cổ võ của chính phủ Charles De Gaulle. Và Vũ Ngự Chiêu quả thực đã đánh giá quá thấp hai ông Diệm-Nhu khi viết:
“Như một phản ứng dây chuyền, hai anh em Diệm-Nhu bèn vận hết sức lực để tự cứu, một mặt ông Nhu xúc tiến mạnh hơn việc móc nối cộng sản qua trung gian của Pháp và khâm sứ Salvatore d’Asta. Trong bóng tối, ông Nhu bí mật gặp Phạm Hùng, phó thủ tướng đặc trách vấn đề thống nhất ở Bà Rịa. (Chính Đạo [Vũ Ngự Chiêu], “Cuộc Thánh chiến chống Cộng”, Văn Hóa, c2004- , Trường Hợp Phạm Hùng, trang 312.)
- Trong một bài báo nhan đề “1963, Tìm hiểu cuộc ‘đi đêm’ giữa Sài Gòn và Hà Nội”, Nguyễn Ngọc Giao đã nhắc khéo nhà sử học Vũ Ngự Chiêu như sau:
“ Một nhà sử học (1) đã khẳng định có cuộc gặp này và viện dẫn hồi kí của William Colby. Ông trùm CIA viết gì trong hồi kí?
“ Mấy năm về sau, tôi nghe kể từ một tướng lĩnh cao cấp Nam Việt Nam, một người lãnh đạo cuộc đảo chính chống Diệm và Nhu (…). Viên tướng này khoe đã nghe nói rằng, tuy ông ta không chứng kiến trực tiếp, đúng là năm 1963 Nhu đã gặp Phạm Hùng, người lãnh đạo nỗ lực Cộng sản ở miền Nam.(2) […]
Ông trùm tình báo cũng đủ tinh khôn để viết thêm một câu thận trọng: “Giai thoại này có thể là chuyện bịa”. Không biết Colby muốn nói ông tướng “bịa” ra cuộc gặp, hay chính ông đã “bịa” ra ông tướng. Nhưng bịa là cái chắc. Bịa tồi nữa kia: năm 1963, người lãnh đạo Trung ương cục miền Nam là ông Nguyễn Văn Linh, tiếp theo (từ 1964 đến 1967) là ông Nguyễn Chí Thanh, sau khi tướng Thanh từ trần, ông Phạm Hùng mới vào Nam đảm nhiệm chức vụ này.”
(Nguyễn Ngọc Giao, “1963: tìm hiểu cuộc “đi đêm” giữa Sài Gòn và Hà Nội”, (1) Vũ Ngự Chiêu, Tướng Dương Văn Minh và Đệ Nhất Cộng Hoà xem ở đây. (2) William Colby, “The Lost Victory”, Contemporary Books, Chicago, 1989, tr. 102-103; có thể tham khảo bản tiếng Pháp “Vietnam / histoire secrète d’une victoire perdue”, Perrin, Paris, 1992, tr 118. DIỄN ĐÀN số 131 tháng 7.2003, diendan.org, https://goo.gl/FQk5cG)
Theo Nguyễn Ngọc Giao thì “vụ đi đêm” giữa Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng là một chuyện bịa, và lại “bịa tồi nữa kia”.
- Trong cuốn “Làm thế nào để giết một tổng thống” của Lương Khải Minh – Cao Vị Hoàng, tập II có một đoạn như sau:
Trần Kim Tuyến (Saigon, 1964). Nguồn: AP Wire
“Thường hay tháp tùng Ông Nhu đi săn cọp tại khu rừng già Phan Rang, chưa có lần nào Đại Úy Hạp thấy ông Cố Vấn Nhu tiếp xúc với việt cộng tại vùng này. Song sự tiếp xúc với cộng sản Bắc Việt đã diễn ra ngay tại Sài Gòn và trong mấy tháng liền. Cuộc tiếp xúc gần như định kỳ mỗi tháng 2, 3 lần. Có lần khi trở về Dinh Ông Nhu rất tươi vui. Có lần ông đăm chiêu cau có.
Lần tiếp xúc cuối cùng với đại diện của Bắc Việt đã diễn ra vào ngày 21, 22 tháng 10.1963. Khoảng 7 giờ tối hôm đó, ông Cố Vấn Nhu cho gọi Đại Úy Hạp vào Dinh bảo sửa soạn để ông đến dùng cơm chiều với ông Đại Sứ Ấn Độ Ram Chundur Goburdhun tại Ủy Hội Quốc Tế. Ông Goburdhun khoảng 50 tuổi (người Đảo Maurice Ấn Độ tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa tại Đại Học Lille, cùng là bạn học cũ của Ông Nhu khi hai người còn du học tại Pháp) […]
Từ khi đến Sài Gòn, tân Đại Sứ Ấn trở thành trục nối giữa Hà Nội và Sài Gòn. Mỗi khi đi Hà Nội về, có tin tức gì, ông Đại Sứ Ấn lại vội vã đến thông báo cho Ông Nhu. Hoặc mỗi lần có mang theo “khách lớn’’ từ Hà Nội thì ông Đại Sứ Ấn Độ lại tổ chức bữa cơm chiều tại tại Dinh, ông Cố vVấn Nhu trở thành thượng khách.
Đại Úy Hạp tò mò theo dõi thì lần nào cũng chỉ có ba người dùng cơm với nhau: Ông Nhu, Đại Sứ Ấn và một nhân vật quan trọng theo Đại Úy Hạp.
Nhân vật này, mặt mũi rất sáng sủa, rất trí thức, có lần mặc complet, có lần mặc áo lãnh tụ cộng sản song lần nào ông ta cũng gài ở trên túi áo ngực một ngôi sao vàng trên nền đỏ.
Bữa cơm vào cuối tháng 10 kéo dài đến 11 giờ khuya, khi ômg Nhu ra về thì chỉ có Đại Sứ Ấn ra tiễn chân ông ở cửa.
Trước đó trong dịp đi săn cọp ở Phan Rang, Ông Nhu đã nói thẳng với ông Phước mà Đại Úy Hạp nghe được đại khái: “Mỹ họ gây cho mình nhiều khó khăn quá. Ngoài Bắc Việt họ tính chuyện hòa hoãn với mình. Mình cũng nên tìm cách hòa hoãn với họ trong một giai đoạn xem sao.” Ông Cố Vấn Nhu cũng tỏ ý như vậy với Trung Tá Đường vào một lần giữa năm 1963 khi ông đến Bình Tuy săn cọp.” (Lương Khải Minh, Cao Vị Hoàng, “Làm thế nào để giết một tổng thống”, tập hai, tr 607-609)
- Nguyễn Văn Châu với cuốn “Ngô Đình Diệm và Nỗ lực hòa bình dang dở” do Nguyễn Vy Khanh dịch, Nxb Xuân Thu, Los Alamitos, CA, USA, 1989. Nguyên bản tiếng Pháp tựa đề “Ngô Đình Diệm En 1963: Une Autre Paix Manquée” (Luận án M.A. khoa Sử, Université de Paris VII, 1982)
Trong cuốn sách đó có nhiều giai thoại – hay những huyền thoại – liên quan đến Maneli, và những thương thảo Bắc-Nam cho đến nay hoàn toàn không có một tài liệu nào chứng thực được.
Ông Nguyễn Văn Châu. Nguồn: Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Vy Khanh, “Ngô Đình Diệm và nỗ lực hòa bình dang dở”, Nxb Xuân Thu 1989
“Kể từ tháng 6 năm 1963, vài liên lạc và thảo luận được thiết lập giữa hai chính phủ nam và Bắc Việt qua trung gian của đại sứ Ấn Độ Ram C. Gobourdhyn và đại sứ Ba Lan Mieczylaw Maneli thuộc Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát đình chiến.” (Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Vy Khanh, “Ngô Đình Diệm và nỗ lực hòa bình dang dở”, trang 159-160.)
“Chính quyền Bắc Việt vẫn cấm tất cả mọi chuyên bay trực tiếp tù Hà Nội vào Sàigòn, nay cho phép Tổng lãnh sự Pháp ở Hà Nội Jacques de Burzon bay trực tiếp từ Hà Nội vào Sàigòn để gặp tổng thống Diệm. Đại sứ Lalouette đưa ông tới dinh Gia Long trình bày với Tổng Thống Diệm rằng Hồ Chí Minh không còn coi ông là “kẻ phản bội, bù nhìn trong tay người Mỹ” mà nói về Tổng Thống Diệm như “một con người tốt, một người Việt yêu nước dù thế nào đi nữa.” (24)
“Trong khi đó Đại sứ Ba Lan Miezylaw Maneli thuộc Uỷ Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, nhìn nhận ông Nhu là một lý thuyết gia đứng đắn duy nhất ngoại thế giới cộng sản, về du kích chiến, đã đến gặp ông cố vấn để đưa tin riêng của Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng.” (Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Vy Khanh, ibid., trang 161.)
Đoạn trong ngoặc kép (24) dẫn chứng bằng tham khảo “Joseph Alsop. New York Herald Tribune, số ra ngày 18 tháng 9 năm 1963.”
“Ngoài ra hai bên còn trao đổi sứ điệp bằng cassettes gữa Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. (Những cassette này hiện được lưu trữ tai một viện đại học ở California, theo lời xác nhận của sư huynh giáo sư Gaselin Mai Thông Tâm, khi tôi gặp sư huynh tại Orléans vào năm 1965.) […]
“Vào tháng 9 năm 1963, trên đường Nha Trang–Đà Lạt gần Phan Rang, nhân một cuộc săn cọp có sự tham dự của ông đại sứ Lalouette, ông Nhu đã tiết lộ với thị trưởng Đà Lạt Trần Văn Phước: “Đã tới lúc phải hành động cách khác. … Bắc Việt muốn thương thảo với miền Nam, tại sao ta không thử nói chuyện với họ xem sao.”” (Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Vy Khanh, ibid., trang 161-162)
- Ô. Cao Xuân Vỹ kể việc Ô. Ngô Đình Nhu bí mật gặp Phạm Hùng trong cuộc nói chuyện với tác giả Minh Võ, San Diego.
Bài phỏng vấn của tác giả Minh Võ, mặc dầu chủ đề là nói về việc ông Nhu bí mật gặp Phạm Hùng, dài hơn 10 trang đánh máy, nhưng chỉ dành độ nửa trang đánh máy nói về việc này. Cho đến lúc viết bài này, tôi vẫn không lý giải được câu chuyện mà ông Cao Xuân Vỹ trả lời cho ông Minh Võ.
Nhưng trước hết, xin đọc xem ông Cao Xuân Vĩ đã nói gì?
DCVOnline tổng hợp
“19. Minh Võ (MV): Khi ông cùng ông Nhu đi gặp Phạm Hùng ở Bình Tuy, ông Nhu có cho ông biết hai người họ bàn chuyện gì không?
Cao Xuân Vỹ (CXV): Lúc ấy thì không. Chỉ biết chúng tôi cùng đến Quận Tánh Linh ở đây có một vùng do Cộng quân kiểm soát. Ban đầu cứ tưởng đi săn cọp như mọi khi. Nhưng đến nơi ông Nhu bảo chúng tôi ở ngoài, còn ông đi về phía trước độ vài trăm mét. Có Phạm Hùng chờ ở đó. Sau này về nhà tôi cũng không tiện hỏi ông Nhu. Nhưng qua những gì ông tự ý nói ra vào một lúc nào đó thì, nội dung câu chuyện trên một tiếng đồng hồ, gồm nhiều điều cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Có một điều mà phía họ rất quan ngại, nếu không bảo là sợ, rất sợ chương trình Ấp Chiến Lược. Họ yêu cầu cho biết ai là người chủ trương và mục đích để làm gì? Ông Nhu trả lời: đó chỉ là một chủ trương của chính phủ nhằm bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân, ngăn ngừa sự xâm nhập, phá phách của du kích các ông… Các ông bảo cán bộ đừng tìm cách đánh phá làng xã, thì chúng tôi sẽ bỏ luật 10/59. Cán bộ các ông có thể về sống với dân lành tại các ấp…” (Minh Võ, “Mạn đàm với ông Cao Xuân Vỹ (Kết)”, 24/09/2007, © DCVOnline)
- Lê Mạnh Hùng, “Nhìn Lại Sử Việt Tập 5: Thời Cận Hiện Đại 1945-1975”, Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ 2015.
Đây là một cuốn sách sử xuất bản năm 2015, sau hơn nửa thế kỷ vẫn sao chép lại một cách tùy tiện, không dẫn chứng. Xin trích nguyên văn:
“Tình trạng căng thẳng giũa hai bên cuối cùng đã nổ ra vào tháng 5, 1963 khi Ngô Đình Nhu chính thức một cách công khai đặt câu hỏi rằng liệu người Mỹ có biết họ làm gì tại Việt Nam hay không và đề nghị Mỹ cắt giảm quân số 5000 người.
Cũng vào đầu mùa hè năm 1963, ông Diệm và ông Nhu cũng bắt đầu tìm cách thương thuyết với Hà Nội một giải pháp giải quyết vấn đề Việt Nam dựa trên căn bản Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.” (Lê Mạnh Hùng, “Nhìn Lại Sử Việt Tập 5: Thời Cận Hiện Đại 1945-1975”, trang 506.)
- Tướng Tôn Thất Đính
Trong cuốn Hồi ký “20 năm binh nghiệp”, tướng Tôn Thất Đỉnh có trích dẫn một câu nhận định được coi là của ông Ngô Đình Nhu trong một bài phỏng vấn. Lời phát biểu như sau: “Dẫu sao thì những người Cộng sản Việt Nam vẫn là những người anh em cùng quốc gia, cùng dân tộc với chúng tôi.”
Ngoài câu nói đó ra thì tướng Đính còn khẳng định rằng:
Tôn Thất Đính, Saigon 1963. Nguon: LIFE
“Đó là trong giai đoạn đang diễn ra cuộc thương lượng sơ bộ giữa ông Ngô Đình Nhu và một số các nhân vật cộng sản có mặt tại miền Nam, qua trung gian của Ủy Hội Quốc tế kiểm soát đình chiến, hay qua trung gian của các tổ chức MTGPMN ở Saigon. Có thể các đại diện cộng sản Bắc Việt này đã thúc giục ông Nhu ‘đuổi’ Mỹ (như chính sách và chủ trương của Hà nội lúc bấy giờ) và đặt quan hệ Bắc-Nam như chung một nhà trên tình nghĩa dân tộc, quốc gia, dù cho là Cộng sản hay chống Cộng sản.. thì vẫn là “anh em”.
Đó có thể là sai lầm chính trị và sai lầm về lãnh đạo to lớn nhất của các nhân vật miền Nam Việt Nam, từ ông Nhu cho đến cả các tổ chức Hòa Hợp Hòa Giải sau này, (và có thể cả bây giờ) vì Cộng Sản không bao giờ chấp nhận người Quốc gia là anh em một nhà cả, mà xem người Quốc gia là kẻ địch thù phải đánh ngã, phải sát hại dưới bất cứ giai đoạn nào để Cộng sản độc tôn cầm nắm quyền bính.” (Tôn Thất Đính, “20 năm Binh Nghiệp tức tự truyện “Nghĩa Biển Tình Sông””, Chánh Đạo 1998, trang 295-296.)
- Tướng Đỗ Mậu
Phần ông Đỗ Mậu thì gán cho cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 là nhằm ngăn chặn một sự thỏa hiệp giữa chính quyền Diệm-Nhu và đối phương. Ông viết:
Ông Đỗ Mậu (Hoa Kỳ). Nguồn: OntheNet
“Âm mưu thỏa hiệp với với chính quyền cộng sản Hà Nội của chế độ Diệm là một trong những động cơ quan trọng, nếu không nói là động cơ quan trọng nhất thúc đẩy quân đội cùng với toàn dân đứng lên làm cuộc cách mạng 1-11-63 để ngăn chặn và trừng phạt dòng họ Ngô Đình dâng miền Nam cho cộng sản.” (Maneli trích lại trong “War of the Vanquished”, trang 112.)
Về các tướng đảo chính, tôi có hỏi ý kiến giáo sư Huỳnh Văn Lang – người có liên lạc và hiểu biết rõ chân tướng các tướng lãnh – nhất là những vị có chân trong đảng Cần Lao – cho nhận xét về họ.
Theo gíao sư Huỳnh Văn Lang, họ không có tinh thần quốc gia, dân tộc. Gốc gác họ chỉ là những người lính đánh thuê để lại từ thời Pháp thuộc nên chỉ nghĩ tới chức tước, quyền lợi. Trong số những người ấy, những kẻ càng nịnh bợ thì càng làm phản.
- Mieczyslaw Maneli, Trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế kiếm soát Đình chiến (UHQTKSĐC, International Commission for Supervision and Control in Viet Nam) với cuốn “War of the Vanquished”.
Trưởng Phái đoàn Ba Lan tại ICC, Mieczyslaw Maneli, và tác phẩm War Of The Vanquished. Nguồn: OntheNet
Có thể nói đây là một cuốn sách ẩn trong gần nửa thế kỷ đối với tôi và có thể – tôi nói có thể vì cũng có thể có người đã đọc – đối với nhiều người khác. Nếu tôi nhớ không làm thì tôi chỉ được đọc nó khoảng năm 2008 gì đó.
Sau đó thấy như một khám phá ra chất liệu mới, tôi viết bài đăng báo. Rồi in trên sách. Và không gây một chút âm vang gì cả.
Và nay tôi nghĩ cần viết lại một lần nữa. Viết kỹ hơn, đầy đủ hơn, nhất là nhìn rõ hơn và khẳng định hơn.
Tôi nhớ lại dư luận lúc bấy giờ coi việc ông Ngô Đình Nhu bí mật liên lạc với phía cộng sản là sự thật khỏi cần bàn cãi sau khi hai anh em ông Diệm-Nhu bị thảm sát. Lúc ấy tôi cảm thấy hơi thất vọng về họ.
Ông Diệm để cả đời chống cộng sản sau lại ngả theo chiều hướng thỏa thuận với phia bên kia thì còn gì là lý tưởng? Các sách viết đề cao nền Đệ Nhất cộng hòa và các ông Diệm-Nhu phần đông đều né tránh không đề cập đến vấn đề này, vì không có tài liệu.
Người thù ghét ông Diệm-Nhu thì đây là dịp để họ khai triển cái mặt tiêu cực này.
Nhiều năm sau khi cuốn sách trên của Maneli đã xuất bản vào năm 1971 vẫn không có một nhà viết sử nào trong nước đọc và phổ biến tài liệu này. Về tình trạng nghèo nàn và thiếu vắng sự cập nhật sự kiện sử học thì đây là một bằng chứng hiển nhiển và nói sao cho vừa và cho hết.
Chính vì thế mà sau này, cho dù ở hải ngoại, những sử gia như Vũ Ngự Chiêu chắc cũng không có cơ hội được biết đến cuốn sách này đã chẳng ngần ngại bôi bẩn chế độ Đệ Nhất Cộng hòa như ông thường làm.
Nói chi đến những tướng tá như Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Trần văn Đôn thì sự hiểu biết về sử của họ là con số không cũng lập lại như con vẹt.
Tôi hy vọng cuốn sách này cũng như tài liệu văn khố Ba Lan đã được mở ra sẽ giúp khai sáng cái mảng tối những hoạt động chính trị đi đêm với cộng sản của ông Ngô Đình Nhu.
Trước hết, Maneli nguyên một giáo sư luật và đã được đảng cộng sản Ba Lan bổ nhiệm làm Trưởng Phái đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc tế kiểm soát đình hiến(UHQTKSĐC). (Ủy Ban này gồm ba nước thành viên: Canada đại diện cho các nước tự do. Ba Lan cho khối cộng sản. Ấn Độ cho các nước trung lập và Ấn Độ được chỉ định là trưởng phái đoàn).
Ông Maneli sang Việt Nam từ năm 1954. Ở đó hai năm trong vai trò cố vấn pháp luật và chính trị cho phái đoàn Ba Lan tại ICC rồi về nước.
Giai đoạn sau tại ICC, 1963-64 với tư cách Trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến. Ông cho hay Hà Nội trong thời kỳ này thay đổi nhiều, như một thành phố buồn hiu (sad city) như Bắc Kinh.
Cũng theo Maneli, qua Việt Nam, ông phải dùng đường hàng không đến Bắc Kinh và từ đó phải mất 6 ngày xe lửa từ Bắc Kinh đến biên giới Việt Nam. Và từ biên giới về Hà Nội thì dùng xe hơi. Và người đại diện của Hà Nội tiếp đón ông là Hà Văn Lâu.
Cũng theo Maneli, Hà Nội cũng như Bắc Kinh không có một chút tin tưởng gì vào khả năng có thể có một sự thống nhất giữa hai miền dưới một chế độ cộng sản.
Thời gian 1963 đến khi có dịp tiếp xúc với ông Nhu là một khoảng thời gian ngắn vỏn vẹn trong vài tháng.
Về việc này, Trưởng Phái đoàn Ba Lan tại ICC cũng đã viết rõ ràng như sau:
“Tôi đã nhận được lời mời cùng với các nhân viên UHQTKSĐC [International Commssion] đến dự buổi tiếp tân ngày 25-8-1963 của vị tân ngoại trưởng [lúc bấy giờ ông Vũ Văn Mẫu đã xin từ chức và ông Trương Công Cừu được bổ nhiệm thay thế].
Đây là buổi tiếp tân đầu tiên có mặt đại sứ Lodge, ông ta có một thái độ kẻ cả và đại diện các nước khác đối với ông ta có vẻ kính trọng. Cảnh tượng ấy làm người ta nhớ lại những quan hệ ngoại giao tại thủ đô các nước cộng sản: rất nhiều đại sứ Xô Viết cư xử giống như đại sứ Lodge, và những đại sứ đàn em thì giống như bọn học trò nhỏ trong cuộc thanh tra của thầy hiệu trưởng.
Tôi đứng bên một nhóm những nhà ngoại giao Tây Âu,và kín đáo quan sát ông Nhu. Đại sứ Ý và vị khâm mạng tòa thánh, Đức cha Salvatore Asta nói với tôi rằng, tôi nên nhân dịp này mà gặp gỡ cá nhân vị Cố Vấn Tổng Thống.”
Khi gặp ông Nhu, tôi nói:
“I am honored to meet Your Excellency.” (Mieczyslaw Maneli, “War Of the Vanquished”, trang 136-137.)
Công việc và vai trò trung gian của Khâm Mạng Tòa Thánh giới hạn chừng đó và dừng lại ở đó như trong hồi ký của Maneli.
Theo hồi ký của ông Mieczyslaw Maneli, ông muốn tìm cách tiếp xúc “bí mật” với ông Ngô Đình Nhu. Và để đạt được điều này, người ta khuyên ông ta là nên gặp và tiếp xúc với các đại sứ Pháp Roger Lalouette, đại sứ Ý hoặc vị Khâm Mạng Tòa Thánh.
Theo nhận xét của ông Maneli, đại sứ Roger Lalouette chỉ là người “thừa nước đục thả câu” lợi dụng sự xung đột giữa Mỹ và ông Diệm mà ông ta thừa hiểu rằng Mỹ đang tính loại bỏ Ngô Đình Diệm – một món hàng mà sau 9 năm người Mỹ đang tính khai trừ – thì tại sao người Pháp lại không nhảy vào tính mua lại với giá rẻ mạt! (Mieczyslaw Maneli, ibid., trang 125)
Còn vị Khâm Mạng tòa thánh nhằm mục đích gì để dính dáng vào trò chơi quyền lực đối với một chính quyền hợp pháp? Vì vậy không lạ gì vị khâm sứ là người vận động để đưa Giám Mục Ngô Đình Thục và bà Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc.
Nhưng một điều có thể khẳng định một cách chắc chắn là việc thúc đẩy bà Ngô Đình Nhu cũng như Giám Mục Ngô Đình Thục đi ra ngoại quốc là “công” của vị khâm sứ này cũng như đại sứ Pháp.
Khâm Sứ Salvatore Asta cũng là người đến gặp trực tiếp bà Ngô Đình Nhu và khuyên bà nên tạm rời khỏi nước. Bà Nhu sau đó nhận được giấy mời tham dự của Hiệp Hội Báo Chí Hoa Kỳ, nhưng trên đường đến Mỹ, bà nhận được lệnh cấm vào nước Mỹ. Lộ trình của bà Nhu phải thay đổi. Nhưng sau đó, bà lại có giấy phép nhập cảnh ngày 7 tháng 10 để đến Hoa Kỳ.
Tôi không loại bỏ khả năng tình hình sẽ được cải thiện nếu bà Nhu và Tổng Giám Mục Thục rời khỏi đất nước. Và đến ngày 7 tháng Chín, 1963, Giám Mục Thục đã rời Việt Nam với sự can thiệp trực tiếp của Vatican thông qua đại diện của Vatican là viên khâm sứ tại Việt Nam.
Việc Giám Mục Thục rời Việt Nam như vậy rõ ràng có sự thúc bách của người Mỹ và khâm sứ Asta.
“Vị đại diện tòa thánh, khâm sứ Salvatore Asta nói với tôi rằng, tôi nên nhân dịp này gặp riêng cá nhân ông cố vấn chính trị phủ Tổng Thống. Tôi đã trả lời là tôi rất lấy làm sung sướng, nếu họ sắp xếp được buổi gặp gỡ đó. Vị khâm sứ tòa thánh, một con người thanh tú và có vẻ luôn bận rộn, một người ân cần một cách khác thường và sẵn sàng giúp đỡ tiến về phía ông Nhu trong một chốc lát, và rồi vị khâm sứ và đại sứ Orlandi, Lalouette và Goburdhun tiến thêm vài bước tạo thành một vòng, họ nói chuyện với người kia giữa họ với nhau.[…]
Vị đại diện tòa thánh nêu tên tôi ra và ông Nhu chìa tay ra bắt. Sau một vài câu chuyện xã giao, ông Nhu bắt đầu câu chuyện:
“Trong con người VN, vẫn có sự bén nhạy về vấn đề chủ quyền và sự nghi ngại đối với không riêng gì người Trung Hoa, mà với tất cả những kẻ xâm lược cùng thực dân, tất cả!”
Ông Nhu nhắc lại chữ sau cùng khiến mỗi người chúng tôi nghĩ ông ta muốn nói gì, kể cả người Mỹ chăng?” (Mieczyslaw Maneli, ibid., trang 138)
“Ông Nhu nói tiếp:
“Nước chúng tôi đã đã từng cam chịu làm thuộc địa Pháp, nhưng tất cả chúng tôi đều được giáo dục trong tinh thần văn hóa Pháp. Hiện nay, chúng tôi mong mỏi hòa bình. Tôi tin rằng UHQT sẽ và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc tái lập cho hòa bình VN […]
Maneli đáp lại ông Nhu là Ủy hội sẽ đóng vai trò xây dựng đối với cả hai phía và ông bảo đảm rằng riêng phần ông, ông sẵn sàng đóng một vai trò tích cực và xây dựng. Đồng thời bày tỏ như một vinh dự để được gặp ông Nhu.
Phần ông Nhu đáp lại ông có thể tiếp ông Maneli lúc nào cũng được và đại tá An sẽ lãnh nhiệm vụ sắp xếp công việc này.” (Mieczyslaw Maneli, ibid., trang 139.)
“Hai ngày sau, đại sứ Ấn Độ gọi điện thoại cho tôi bảo: “Ngài cố vấn Chính trị đề nghị ông đến gặp vào ngày 2.9.1963, hồi 10 giờ sáng.”
Hai ngày sau, Đại Tá An đã gọi cho tôi:
“Ông Cố vấn chính trị đề nghị tôi đến gặp ông ta vào 9 giờ sáng ngày mồng 2 tháng Chín. Tôi đánh điện tín về Warsava nói về cuộc hẹn với Nhu. Và như thường lệ, tôi không nhận được sự trả lời từ Warsava. Tôi có thể giải thích sự im lặng đó theo nghĩa là: Chúng tôi không phản đối.” (Mieczyslaw Maneli, ibid., trang 139)
Cho đến lúc này, ông Maneli chỉ gặp ông Ngô Đình Nhu có hai lần: Lần gặp thứ nhất có tính cách công khai như một giới thiệu Maneli với ông Nhu. Ngày 25 tháng 8 trong một khoảng thời gian rất ngắn. Chỉ có lần gặp thứ hai là gặp riêng giữa Maneli-Nhu theo lời mời của ông Nhu. Ngày 2-9
Tuy nhiên, việc tiếp xúc của Maneli với ông Nhu chỉ có tính cách “hình thức”, tính ngoại giao, không đi vào một nội dung cụ thể nào, đồng thời đã xảy ra quá trễ, vì cái hạn sống còn của chế độ ông Diệm chỉ vỏn vẹn còn có 60 ngày. Điều này cũng được đại sứ Pháp thông báo cho Maneli, một ngày trước khi gặp ông Nhu, cho biết là thời gian dành cho hai anh em ông Diệm-Nhu không còn bao lâu nữa.
Mô tả quang cảnh buổi gặp gỡ, Maneli kinh ngạc khi thấy căn phòng của ông Nhu bừa bãi sách vở, tài liệu, báo chí. Và ông nghĩ không biết làm thế nào để ông Nhu kiếm ra một tài liệu nếu cần.
Buổi tiếp xúc diễn ra và Nhu phủ nhận những cuộc thương lượng bí mật với cộng sản. Nhưng đồng thời ông cho rằng về mật ý thức hệ và chính trị điều ấy rất có thể xảy ra. (During our talk, Nhu formally denied that there were secret negatiations going on…[…] (Mieczyslaw Maneli, ibid., trang 148-149.)
Nhưng chỉ có vậy, đến một lúc nào đó, chỉ còn mình ông Nhu độc thoại bằng một thứ ngôn ngữ triết học trừu tượng tuôn ra như một thứ ngôn ngữ hàm hồ, tối nghĩa. (Mieczyslaw Maneli, ibid., trang 143.) Tóm tắt ý chính của tác giả.
Sau buổi tiếp xúc, ông Nhu có nói với Maneli là những buổi tiếp xúc như thế thật hữu ích và hy vọng có những buổi tiếp xúc khác. Nhưng nếu quả thực muốn có liên lạc chặt chẽ với Hà nội thì ông Nhu đã xúc tiến việc gặp lại Maneli.
Không. Việc đó không xảy ra, dù chỉ thêm một lần.
Sau đó, Maneli đã gửi bá cáo về buổi tiếp xúc với Nhu về Warsava, cho đại sứ Ba Lan tại Lào, tại Cam Bôt, gửi cho Hà Văn Lâu và đại sứ Xô Viết ở Hà Nội. Như thế thì cả thế giới biết! Dĩ nhiên Hà Văn Lâu cho rằng cuộc tiếp xúc là đúng thời điểm và rất quan trọng. Riêng Ba Lan đã gửi một mật điện cho Maneli hay trong đó không đồng ý cho Maneli tiếp xúc với Ngô Định Nhu, như sau:
“We advise you against paying a visit to Nhu. He may use it for provocative purposes. Ignore the invitation” It was signed: Michalowski – the then director general of the Foreign Ministry and then Polish ambassador to…” (Mieczyslaw Maneli, ibid., trang 147.)
Điện tín gửi cho Maneli ở trên càng làm nổi bật tính chất ‘vô hiệu quả’ của buổi tiếp xúc giữa Maneli-Nhu.
Chỉ với hai lần tiếp xúc – thật quả là không đủ làm nên câu chuyện “đi đêm” giữa Sài Gòn và Hà Nội — đã kết thúc vào ngày 2/11/1963 không để lại dấu vết gì!
Nó kết thúc cùng với cái chết của hai anh em ông Diệm.
- Tài liệu của Margaret K. Gnoinska, đại học George Washington University
Tác giả Margaret K. Gnoinska Nguồn: trojan.troy.edu
Nhưng gần đây, một số một tài liệu từ văn khố Ba Lan và các bản bá cáo của đảng cộng sản Ba Lan trích dẫn lại trong khảo luận của Margaret K. Gnoiska, càng củng cố thêm câu chuyện đi đêm giữa Saigon-Hanoi là chuyện không có thực, chỉ có mục đích tuyên truyền và lợi dụng từ nhiều phía.
Tài liệu với nhan đề “Poland and Viet Nam, 1963: New Evidence on Secret Communist Diplomacy and the ‘Maneli Affair’”, thuộc viện Woodrow Wilson International Center for Scholars.
Tôi xin tóm tắt sơ lược ý chính của tập tài liệu như sau.
Trước đây vì không thể tiếp cận được tài liệu của Ba Lan nên đã tạo ra nhiều tin đồn, nhiều giả thuyết về việc liên lạc giữa Sài Gòn và Hà Nội – trong đó ông Nhu bí mật liên lạc với Hànội – qua trung gian Maneli, để đi tới một giải pháp trung lập miền Nam, qua mặt người Mỹ.
Và vì thế bắt buộc người Mỹ phải thay thế Diệm, ủng hộ các tướng lãnh, thiết lập một chế độ mới trong việc chống cộng.
Nay nhờ tài liệu văn khố của Ba Lan được mở ra mà Margaret K. Gnoiska gọi là “Bằng cớ hiển nhiên mới về bí mật ngoại giao của cộng sản và vụ Maneli.”
Ít nhất, tài liệu văn khố cho thấy, chính quyền Ba Lan chưa bao giờ khởi xướng một tiến trình hòa bình như dư luận đòn thổi lúc bấy giờ và cũng đã không cho phép Maneli gặp gỡ riêng với Ngô Đình Nhu.
Chính quyền Ba Lan đã ngăn cản Maneli không được dính dáng đến bất kỳ các hoạt động hoà giải, điều đình nào (any mediating activities) dù dưới áp lực của cộng sản Hà nội. Và chỉ thi hành một cách nghiêm chỉnh công việc của một thành viên của Ủy Hội Quốc tế Kiểm soát đình chiến (ICC).
Dù Hà Nội có yêu cầu, Maneli cũng đã từ chối.
Cũng theo nguồn tài liệu mới được mở ra, Hà nội muốn bắt đầu với những trao đổi về văn hóa và thương mại (đổi than miền Bắc lấy gạo của miền Nam) trước khi có những giàn xếp thỏa thuận về chính trị.
Tài liệu cũng chỉ cho thấy rằng cả miền Bắc lẫn miền Nam không tin tưởng được vào Maneli đủ để Maneli có thể đóng vai trò trung gian giàn xếp việc trung lập hóa miền Nam như các nguồn tài liệu của Mỹ.
Theo Margaret K. Gnoinska, có hai nguồn tài liệu gốc của Ba Lan:
1. Một là nguồn tài liệu văn khố thuộc Bộ ngoại giao Ba Lan (Archiw Ministerstwa Spraw Zagraniczych; AMSZ.)
2. Hai là tài liệu văn khố thuộc đảng cộng sản Ba Lan trước đây (The Archive of modern Records; Archiwum Akt Nowych, AAN)
Tài liệu văn khố thứ nhất của Bộ ngoại giao Ba Lan(AM SZ) ghi lại tất cả các điện tín bí mật (szyfrogamy) giữa Ba Lan và Moskova.
Trong những điện gửi về Ba Lan, Maneli không hề ám chỉ gì đến việc Maneli giúp Diệm-Nhu điều gì trong việc liên lạc với Bắc Việt như các nguồn tin của Mỹ.
Có thể Nhu nói đến chuyện trao đổi thương mại với miền Bắc hoặc tỏ ra tức giận với người Mỹ và muốn có một Việt Nam tự do và độc lập. Nhưng Nhu đã không có ý định cắt đứt mối liên lạc với người Mỹ.
Maneli nhận xét là Nhu tỏ ra dè dặt và nghi ngờ trong buổi gặp gỡ giữa hai người và điều đó chỉ ra rằng Nhu không tin tưởng vào Maneli trong vai trò trung gian tiếp xúc giữa Saigon và Hà nội.
Cũng qua bá cáo của Maneli, Nhu không có một xác nhận cụ thể nào vì còn có những hy vọng nối kết lại với người Mỹ.
Cùng lắm Maneli chỉ đóng vai trò người đưa tin (messenger) thay vì vai trò người điều đình (mediator).
Tóm lại, do đó không có một bằng chứng cụ thể nào về một đề nghị chính trị từ phía Hà Nội cho Maneli đến có thể vì những đề nghị ấy là nguyên cớ cho sự sụp đổ chính quyền Diệm vào năm 1963 như các nguồn tin từ phía Mỹ hay từ phía các nướcphương Tây cũng như từ giới báo chí miền Nam.
Nhưng có thể có những câu hỏi đặt ra là tại sao Maneli đã gặp Nhu mặc dầu không có chỉ thị và cho phép của chính phủ Ba Lan? Có phải chỉ vì ông tò mò theo thói thường hay có một tham vọng cá nhân nào? Hay có thể ông đã chịu sức thúc ép của Hà Nội? Hay ông nghĩ rằng Liên Xô và chính phủ Ba Lan thỏa thuận cho một cuộc gặp gỡ như vậy? Hay sự khuyến khích của đại sứ Pháp Lalouette và các nhà ngoại giao phương Tây ở Sài gòn mà ông đã quên đi cái bổn phận của ông là đại diện cho Ủy Hội?
Tài liệu sách vở của Mỹ
Thật là khá ngạc nhiên khi mở các tài liệu, sách báo Mỹ để xem họ nhận định như thế nào về vụ đi đêm giữa Maneli-Ngô Đình Nhu.
Ngoài tài liệu của lầu năm góc đã trich dẫn ở trên, tôi hầu như không thấy một tài liệu, một cuốn sách nào đề cập xa gần tới vấn đề này.
Trong điều kiện giới hạn về tài liệu và cũng không có thời giờ để có thể đọc thật kỹ lại từng cuốn sách một, nhưng nói chung, người Mỹ họ không quan tâm đến vấn đề này.
Điều đó gián tiếp khẳng định việc đi đêm giữa Hà Nội-Saigon hay giữa Maneli-Ngô Đình Nhu hat “giải pháp Bắc-Nam” chỉ là chuyện dàn dựng và tin đồn.
Cuốn thứ nhất, theo tôi, đây là cuốn quan trọng nhất và đã dẫn chứng cuốn sách của một tác giả thời kỳ 1963, Stanley Karnow vốn là một thành phần khuynh tả, không ưa chế độ ông Diệm. Cuốn sách có nhan đề “Viet Nam. A History. The first Complete Account of Vietnam at War”, in năm 1983.
Cuốn thứ hai của William Colby nhan đề “Lost Victory”, in 1989. Ông là một nhan viên tình báo cao cấp của Mỹ, có hai lần sang Việt Nam làm việc, rất am hiểu tình hình miền Nam và ông đỗ cái lỗi mất miền Nam là do chính sách sai lầm của Mỹ. Đối với tôi, đây là một cuốn sách xứng đáng có trong tủ sách của mình.
Nguồn: Univ Pr of Kansas (April 21 2009)
Cuốn thứ ba của John Prados. “Vietnam: The History of an Unwinnable War, 1945-1975”, 2009 Đây là một công trình khảo cứu công phu và đồ sộ về mặt tài liệu. Ông cũng là tác giả các cuốn, “The Blood Road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War”, và “The Hidden History of the Vietnam War”.
Cuốn thứ tư của Arthur J. Dommen nhan đề “The Indochinese Experience of the French and the American”, 2001, với lời đề tặng cuốn sách cho một người tên Loan. Dommen vốn là một nhà báo làm việc ở Saigon trong nhiều năm. Cuốn sách kể chyện từ thời Pháp sang thời VNCH bằng những phân tích tinh hình chung của Đông Dương cũng như giai đoạn lật đổ ông Diệm một cách khá trung thực và công bằng.
Và chúng tôi chưa kể đến những nhà báo có thái độ thù nghịch với chế độ Diệm như David Halberstam của tờ New York Times. Neil Sheehan của United Press International và Malcom Browne của Asociated Press.
Kết luận
Khi trình bày tất cả các nguồn tài liệu vừa dẫn trên, người viết đi đến kết luận như sau:
- Những người ủng hộ ông Diệm. Số này khá đông. Họ rất khó xử khi đề cập đến vân đề ông Diệm móc nối liên lạc với miền Bắc. Bởi thế phần đông họ giữ thái độ im lặng, không lên tiếng, hoặc né tránh không đề cập đến vấn đề đi đêm giữa Maneli-ông Nhu. Có thể họ im lặng vì muốn giữ uy tín cho chế độ, có thể họ không đủ chứng cớ tài liệu để có thể phản bác lại dư luận.Tuy nhiên, trong số này, tôi thấy ông Cao Xuân Vỹ qua phỏng vấn của tác giả Minh Võ khẳng định ông Nhu gặp Phạm Hùng như đã trình bày ở trên, rồi Trần Kim Tuyến và Cao Thế Dung dựa trên lời kể lại của đại úy cận vệ của ông Nhu, đại úy Hạp, kể lại ông Nhu thường gặp một người Việt Năm, buổi tối tại nhà đại sứ Ấn Độ.
- Ông Nguyễn Văn Châu trong luận án do Nguyễn Vy Khanh dich đã cho thêm nhiều giai thoại không cách nào kiểm chứng được: Hà Nội cho phép lãnh sự quán Pháp bay thẳng từ Hà Nội đến Sài Gòn? Có băng cassette thu cuộc trao đổi giữa Hà Nội và Sài gòn mà hiện nay còn lưu trữ được tại một đại học ở California, nhưng không ghi rõ đại học nào, tài liệu số mấy, mà chỉ qua lời kể của một sư huynh. Đúng là một huyền thoại.
Chúng tôi chỉ muốn dùng tài liệu gốc để chứng minh rằng ông Ngô Đình Diệm có thể hoàn toàn không biết chuyện này và cũng có thể không bao giờ ông chấp nhận một cuộc thương thuyết nào với phía cộng sản và phía cộng sản có thể cũng làm như vậy.
Chủ trương của cộng sản là chiếm đánh miền Nam đi đến chiến thắng bằng bất cứ giá nào.
Phía ông Nhu thì thực chất có thể chỉ là trò chơi hỏa mù – một thứ provocative với người Mỹ. Nhưng quả thực như thế thì kết quả sau cùng xác nhận đó là một trò chơi nguy hiểm.
Phía đối lập với chính phủ. Quan trọng nhất là về phía tướng lãnh. Quan trọng, nhưng lại chỉ là cái cớ biện hộ cho việc lật đổ chế độ ông Diệm.
Ngoài ra trong đó có cả những người như Trần Kim Tuyến cũng có mưu đồ đảo chánh ông Diệm với danh sách thành lập chính phủ thì đây chỉ là cơ hội nhận chìm chế độ.
Còn kẻ có “giấy phép giết người” như Cabot Lodge thì đây là cách loại trừ chính đáng nhất.
Về phía dư luận, chúng tôi không quan tâm nhiều tới các tài liệu về phía Việt Nam từ trước 1975 đến sau 1975 thường có thói quen lười biếng – không sưu tầm tài liệu – viết rập khuôn nhau, sao chép một cách máy móc mà không có cách nào có thể kiểm chứng đúng hay sai.
Cái gì của dư luận để cho dư luận mà người làm biên khảo không cần bận tâm vì ai cũng có thể đồn thổi, bịa đặt.
Cuối cùng chỉ còn tài liệu gốc trong văn khố Ba Lan là có sở để chứng tỏ một cách khẳng định là không có một giao thiệp chính thức nào giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và chính phủ miền Bắc.
Chuyện đi đêm giữa Maneli và ông Ngô Đình Nhu là một sự giàn dựng từ đầu tới cuối.
Nguyễn Văn Lục
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
Một số tài liệu trước đây có đề cập đến việc ông Ngô Đình Nhu bắt liên lạc với miền Bắc. Như vụ tạo cớ đi săn bắn vào tháng 2/1963 để gặp UV Bộ Chính trị Phạm Hùng tại rừng Tánh Linh Bình Thuận....tài liệu dưới đây cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn đã xảy ra trong cùng một thời điểm...và đó có phải là lý do chính đưa đến vĩệc chính quyền Mỹ mượn tay Phật giáo & Tướng lãnh thủ tiêu anh em ông Ngô Đình Diệm???
MỐI TÌNH MANELI
Mối liên hệ bí mật của ông Ngô Đình Nhu với Hà Nội
I. “Mối tình Maneli” nghĩa là gì?
Mối liên hệ giao thiệp thương thảo bí mật của em trai cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là ông Ngô Đình Nhu với Cộng Sản Hà Nội nhằm thúc đẩy hai miền Nam- Bắc của Việt Nam né tránh một cuộc xung đột ý thức hệ ngu xuẩn chỉ có lợi cho Trung Quốc được giới tình báo Hoa Kỳ tặng cho một cái tên là “Mối tình Maneli” (“Maneli affair”)
Trong cuộc thuơng thảo này, Việt Nam Cộng Hòa đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng Sản Hà Nội nếu Cộng Sản Hà Nội đồng ý tuyên bố đứng trung lập, không gia nhập khối Xã Hội Chủ Nghĩa và cùng với Việt Nam Cộng Hòa tham gia liên minh “Các Nước Không Liên Kết” của Ấn Độ. Việt Nam Cộng Hòa cam kết thuơng mại trao đổi với Cộng Sản Bắc Việt và sẽ cố gắng giúp Hà Nội thoát khỏi tình trạng đói kém do đang bị cô lập với thế giới bên ngoài và phải sống bằng viện trợ chu cấp mọi thứ bởi Bắc Kinh để đến nổi buộc lòng phải đi theo đường lối Đấu Tố của Mao Trạch Đông khiến hai trăm ngàn oan mạng bị giết chỉ trong vài năm.
Cộng Sản Hà Nội lưỡng lự trước nước cờ táo bạo này của ông Ngô Đình Nhu vì biết rõ những cam kết mà Việt Nam Cộng Hòa đưa ra rất thật lòng dựa trên sự ổn định phát triển kinh tế của miền Nam Việt Nam trong suốt gần chín năm sau hiệp nghị Geneve 1954.
Khi tình báo Hoa Kỳ liên tục gởi tín hiệu cho Washington biết về “mối tình Maneli” động trời này của hai anh em ông Diệm, Tổng Thống Kennedy vô cùng tức giận vì ông cho rằng, đây là một sự “phản bội tàn nhẫn.” Tòa Bạch Ốc từ đó quyết tâm loại bỏ hai anh em ông Diệm ra khỏi quyền lực bằng mọi giá.
Thế nhưng mười năm sau, nước Mỹ lại áp dụng y chang kế sách của ông Nhu, Henry Kissinger thất hứa với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đi đêm với Chu Ân Lai làm cho Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa và thất thủ hoàn toàn sau đó; dẫn đến cả triệu thuờng dân Campuchia bị Cộng Sản sát hại, trên hai triệu người Việt bị tan nhà nát cửa và tù tội để có được một hòa bình trong nhục nhã. Đây mới đúng là một sự “phản bội tàn nhẫn” như Tổng Thống Kennedy đã từng thốt lên trước đó.
II. Tại sao lại gọi là “mối tình Maneli” ?
Maneli là họ của ông Mieczysław Maneli, một người Ba Lan được cho là sanh vào ngày 22 tháng Giêng năm 1922 tại Miechów và mất vào vào ngày 9 tháng Tư năm 1994 tại New York, Hoa Kỳ. Ông là đại diện cho Ba Lan trong Hội Đồng Giám Sát Hiệp Nghị Geneve 1954 về Việt Nam, có tên tiếng Anh là “the International Commission for Supervision and Control in Vietnam,” gọi tắt là ICC hay ICSC. Hội đồng này gồm ba quốc gia, một thuộc thế giới tự do là Canada, một thuộc khối Cộng Sản là Ba Lan và một thuộc khối Không Liên Kết là Ấn Độ.
Chính phủ Cộng Sản tại Ba Lan hoàn toàn không có chủ định can thiệp sâu rộng vào nội tình chính trị của Việt Nam lúc bấy giờ nhưng vì Hà Nội cần Ba Lan làm cầu nối ngoại giao độc lập khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc để tìm hiểu thêm ý định chiến lược của hai anh em ông Diệm. Cho nên, Maneli chỉ ráng đóng vai trong của một sứ giả, truyền đạt những thông điệp cần thiết từ Hà Nội, từ Moscow đến với hai anh em ông Diệm-Nhu và ngược lại. Tuy nhiên, vòng xóay chính trị giữa Moscow- Hà Nội- Sài Gòn- Ấn Độ – Hoa Kỳ khiến ông Maneli ngày càng bị lôi cuốn sâu vào nội tình Việt Nam.
Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ các chuyến đi ngoại giao của Maneli tới Hà Nội Sài Gòn để biết hiểu rõ thêm ý đồ chiến lược của hai anh em Diệm Nhu. Từ đó , cái tên “mối tình Maneli” (“Maneli Affair”) được hình thành.
Kết cục của “mối tình Maneli” là Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu đều bị giết sau vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963. Người bật đèn xanh cho cuộc đảo chánh dẫn đến cái chết của Tổng Thống Diệm là Tổng Thống Hoa Kỳ, John F. Kennedy, sau đó cũng bị ám sát bí hiểm không đối chứng trong cùng một tháng cùng năm. Tại Hà Nội, phe Lê Duẫn cũng lên thay thế quyền hành của Hồ, của Đồng và Tổng Bí Thư Đảng Liên Xô, Khrushchev, người ủng hộ lập trường Việt Nam trung lập của ông Diệm cũng bị truất phế bởi phe đầu đá Brezhnev ngay vào năm 1964.
Riêng Mieczysław Maneli, ông xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào thập niên 1980 và sống tại xứ sở này cho tới ngày ông mất.
III. Nội tình của bên trong “mối tình Maneli” :
Không cách gì có thể trình bày hết được chi tiết và cũng không thể nào tóm gọn các chi tiết bên trong của “mối tình Maneli” chỉ qua một bài viết ngắn ngủi vì mỗi chi tiết điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng liên quan đến lịch sử bị đát của Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia coi trọng tình tự dân tộc lên trên mọi chủ nghĩa, mọi tôn giáo, dẫn đưa đến tính mạng của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, kể cả tính mạng của Tổng Thống Kennedy, cũng như liên quan đến kế hoạch “phế mã tranh tiên” của Hoa Kỳ làm toàn bộ khối Cộng Sản bị sa lầy trong chiến thắng quân sự mà rồi bị kiệt quệ và chia rẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn tại Âu châu.
Tuy nhiên, một điều quan trọng nhất tạo sửng sốt cho mọi nhân vật có liên quan và khiến không ai có thể ngờ tới được nếu biết rõ tình tiết của “mối tình Maneli” là đích thân Tổng Thống Ngô Đình Diệm cam kết sẽ trục xuất Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam ngay lập tức nếu Cộng Sản Bắc Việt chịu bãi binh và cùng đồng ý nắm tay với ông tham gia khối các nước Không Liên Kết do Ấn Độ chủ xướng.
Thái độ dứt khoát né tránh chiến tranh ý thức hệ tạo bởi hai siêu cường Liên Xô- Hoa Kỳ có Trung Quốc tham dự của Tổng thống Diệm làm sửng sốt không những Hà Nội mà ngay đến cả Moscow cũng bàng hoàng.
Moscow toan tính rằng việc trung lập hóa Việt Nam sẽ rất hay vì cùng một lúc xóa bỏ ảnh huởng vô cùng sâu rộng của Cộng Sản Trung Quốc lên Hà Nội và hất Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn mà không cần súng đạn. Việt Nam từ đó sẽ theo liên minh Ấn Độ vốn có đường lối ngoại giao cởi mở đối với Liên Xô. Từ đó, Liên Xô có thể gián tiếp ảnh huởng lên Việt Nam thông qua Ấn Độ; dù sao, Ấn Đô vẫn đáng tin cậy hơn là Cộng Sản Trung Quốc, theo cách nhìn của Khrushchev, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô lúc bấy giờ.
Riêng về Cộng Sản Hà Nội, mở cửa qua lại kinh tế với Việt Nam Cộng Hòa là một điều không thể được vì cả miền Bắc vẫn còn đang rún sợ Đấu Tố và sẳn sàng ồ ạt bỏ Hồ Chí Minh nếu có thông thương với miền Nam Việt Nam. Cho nên, Cộng sản Hà Nội muốn kéo dài nổ lực trung lập Việt Nam của hai anh em ông Diệm để Hoa Kỳ có thì giờ loại bỏ ông Diệm ra khỏi quyền lực dù biết rằng Moscow ủng hộ đề nghị này. Hơn nữa, Cộng Sản Hà Nội trong đó có cả Hồ Chí Minh không đủ can đảm để qua mặt Bắc Kinh như ông Diệm cương quyết qua mặt Hoa Kỳ. Đối với ông Diệm, quốc gia vẫn là trên hết nhưng đối với Cộng Sản Hà Nội thì chủ nghĩa Mác Lê, thế giới đại đồng quan trọng hơn tương lai quốc gia.
IV. Hệ lụy của “mối tình Maneli”:
Sau khi “mối tình Maneli” tan vỡ, dân tộc Việt Nam đã phải đổ máu cho chiến thắng tất yếu của chủ nghĩa cuồng Cộng Sản, của thiên đường mù Xã Hội Chủ Nghĩa. Kết thúc cuộc chiến tranh ý thức hệ phi lý vô nghĩa gây ra bởi Cộng Sản Bắc Việt, dân tộc Việt Nam chẳng còn gì ngoài câu nói đau thuơng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu : ” ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI MÀ HÃY NHÌN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM !”
Thông qua “mối tình Maneli”, các sử gia sẽ thấy ngay được tấm lòng yêu nước của hai anh em ông Diêm. Đối với hai ông, “quốc gia là trên hết!” Hai ông đã cố ráng tìm đủ mọi cách để cho đất nước có hòa bình dân chủ và độc lập bất chấp hy sinh tính mạng. Việt Nam sau này sẽ lại quay về với con đường Việt Nam Cộng Hòa mà hai ông đã khởi xướng và nhìn lại hình ảnh của hai ông như là điểm tựa của một niềm tin, đó là tình thần quốc gia Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chết!
Myeczyslaw Maneli là tên một giáo sư Luật Đại học Varsovie, trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế Giám sát hiệp định Genève 1954, người được coi là làm trung gian trong sự móc nối giữa ông Ngô Đình Nhu và ông Phạm Văn Đồng mấy tháng trước khi hai anh em họ Ngô bị lật đổ và bị giết. Giới tình báo Mỹ thời đó gọi sự trung gian này là “Sự việc Maneli” (Maneli affair). Tác giả Tú Hoa, trong một bài viết mới đây trên Đàn Chim Việt, dịch là ‘Mối tình Maneli’. Tôi thấy nên dịch là “Bà mối Maneli” thì đúng hơn, nếu theo như sự kể lại của tiến sỹ sử học Pierre Journoud trong cuốn ” De Gaulle et le Vietnam ” (De Gaulle và Việt Nam).
Theo cuốn này, người đầu nậu sự móc nối ông Phạm Văn Đồng với ông Ngô Đình Nhu không phải là Maneli mà là Roger Lalouette, đại sứ Pháp ở Sài Gòn. Là một nhà ngoại giao lão luyện có nhiều hiểu biết về những vấn đề Việt Nam, ông Lalouette, tuy có vẻ như không nắm trong tay chỉ thị viết tay rõ ràng của Điện Élysée hay của bộ Ngoại giao, cũng vẫn tự coi là được Paris ủy nhiệm công việc tìm cách móc nối miền Bắc với miền Nam. Ông Lalouette cũng biết công việc này rất tế nhị, vì chỉ cần lộ liễu một chút là ông Diệm có thể bị thay thế bằng một chính phủ hoàn toàn theo đường lối của Mỹ. Ông thấy chỉ có một người có thể tin cậy được là giáo sư Maneli nên nhờ Maneli làm chuyện này theo một kế hoạch gồm 3 giai đoạn : Mở cuộc đối thoại giữa Hà Nội và Sài Gòn. Thiết lập trao đổi kinh tế và văn hóa. Tổ chức những cuộc đàm phán chính trị. Maneli , trước vẫn phục tài ngoại giao của Lalouette, nay lại thêm bị quyến rũ bởi một kế hoạch quá táo bạo, đã chấp thuận làm người môi giới.
Ông đi đi lại lại nhiều lần Hà Nội trong thàng Ba năm 1963. Trong những cuộc tiếp xúc, Phạm Văn Đồng khẳng định với ông Maneli là chính phủ VNDCCH sẵn sàng mở những cuộc thương lượng, công khai hay bí mật, bất cứ lúc nào, và tất cả có thể thương lượng được ” trên nền tảng của độc lập và chủ quyền Việt Nam “.
Theo lệnh của Hồ Chí Minh và của thủ tướng, bộ trưởng bộ Ngoại giao Xuân Thủy đưa ra bản liệt kê những đồ vật có thể trao đổi với miền Nam. Để chứng tỏ thiện chí của mình đối với chính phủ Diệm, Phạm Văn Đồng còn nói sẵn sàng cung cấp cho miền Nam mà không đòi hỏi một điều kiện chính trị nào, một vài sản phẩm chế biến công nghiệp, than với giá rẻ hơn giá thị trường quốc tế, để đổi lấy gạo, thực phẩm và cao su. Hà Nội khi đó bị hạn hán khá nặng và cũng muốn thoát khỏi sự giúp đỡ, của Tàu, quá bao trùm miền Bắc từ khi Tàu và Nga tuyệt giao.
Maneli, khá lạc quan, trở về Sài Gòn và quyết định gặp Ngô Đình Nhu. Trước đó từ 1-6-1963, Lalouette đã thường xuyên báo cho tổng thống Diệm những chỉ dẫn mà Maneli thâu thập được ở miền Bắc. Ngày 2-9-1963, Maneli được ông Nhu tiếp đãi rất niềm nở. Ông Nhu nói Ba Lan là nước thứ hai sau Pháp được tôn trọng và được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Washington khi đó đã quyết định bỏ rơi ông Diệm vì ông Diệm nhất quyết không rời ông Nhu, và Tình báo Mỹ thâu thập được nhiều chứng cớ là ông Nhu liên lạc bí mật với phía bên kia.
Cũng theo ông Maneli, CIA đã tích cực hỗ trợ Phật giáo chống lại ông Diệm trái với ý của đại sứ Nolting. Ông này bị Cabot Lodge thay thế vì bị coi là thân ông Diệm. Còn có nguồn tin cho cuộc sát hại ngày 8-5 ở Đài Phát thanh Huế là do đại úy Scott, một nhân viên của CIA gây ra. Sự kiện hòa thượng Thích Trí Quang, linh hồn của cuộc nổi loạn Phật giáo chống Diệm, chạy trốn trong một nhà của một nhà ngoại giao Mỹ rồi sau ẩn trú trong tòa Đại sứ Mỹ, là một thí dụ hiển nhiên có sự nhúng tay của Mỹ.
Với thời gian, có nhiều chứng cớ sở dĩ ông Diệm bị sát hại là vì ông chống đối Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam để còn duy trì tính chính đáng và sự độc lập của mình. Ở Hà Nội thì phe Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng, cũng vì muốn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và sự lệ thuộc Tàu khi hòa hiếu với miền Nam, nên cũng bị phe Lê Duẩn – Lê Đức Thọ cho ngồi chơi xơi nước.
© Phong Uyên
© Đàn Chim Việt
Đăng ngày 14 tháng 08.2017