Nỗi trăn trở của người cầm bút
ở miền Nam thời 54-75
Liễu Trương
Vào thời văn học miền Nam phát triển mạnh mẽ và chia ra nhiều khuynh hướng, nhiều dòng văn học, như dòng văn học về nguồn, dòng văn học chiến tranh, dòng văn học trẻ thơ, bụi đời, v.v…lại có hiện tượng nữ giới cầm bút, hiện tượng hướng ngoại với phong trào dịch sách, người ta có thể nghĩ rằng đây là một nền văn học trẻ trung, đa dạng, sung sức, bút lực của các nhà văn không hề suy giảm. Trong bối cảnh đó có nên tự mãn không ? Nhất định là không, vì một vài tiếng nói đầy lo âu đã cất lên để đánh thức giới cầm bút và cả giới độc giả nữa : tiếng nói của nhà văn Huỳnh Phan Anh, nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Nguyên Sa.
Huỳnh Phan Anh là một nhà văn tham gia vào nhiều lĩnh vực : triết học, phê bình văn học, dịch thuật. Khi bàn về văn học, ông có cái nhìn nghiêm khắc và bi quan. Trong cuốn Đi tìm tác phẩm văn chương do Đồng Tháp xuất bản năm 1972, Huỳnh Phan Anh nói đến sự lạm phát về những ấn phẩm sáng tác và những ấn phẩm dịch thuật làm người đọc bị choáng ngợp, mất hướng, và ông cho rằng văn chương đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Huỳnh Phan Anh nhận xét : Nói tới văn nghệ miền Nam của những năm 60 (…), không ai có thể phủ nhận được cái thực tế gần gũi, thân mật, không ngừng đập mạnh vào mắt vào tai. Đó là thực tế của một sinh hoạt mà vẻ ngoài giàu có sôi nổi của nó không đánh thức được sự trì trệ, vẻ ngoài hảnh tiến của nó chỉ tố cáo những bước thụt lùi, sa đọa. Nó đến từ những xô bồ, hỗn tạp, bừa bãi của thị trường sách vở, chữ nghĩa. Người đọc có quá nhiều để học, người đọc bị tràn ngập bởi những sách ngày ngày một ồ ạt ra đời. Và đồng thời họ thiếu tác phẩm để đọc (tr. 65). Tác giả nhìn nhận có những nổ lực, những công trình muốn làm mới, làm giàu cho văn chương, nhưng những nổ lực đó quá ít ỏi và bị những thế lực mù quáng, lạc hậu phá hoại. Tác giả gọi những thế lực đó là những cái « dốt nát », « giả ngụy », tạo nên những ngộ nhận nguy hiểm. Huỳnh Phan Anh chỉ trích những trang dâm thư được trang hoàng dưới những lớp phấn son hiện sinh hay hiện thực, ông chỉ trích loại sách nặng về tình dục để thỏa mãn những thị hiếu thấp kém. Tóm lại, việc chỉ trích của Huỳnh Phan Anh chủ yếu nhắm vào chủ đề tình dục, vào ngôn ngữ thô tục.
Khác với cái nhìn tiêu cực của Huỳnh Phan Anh, quan điểm của Nhật Tiến và Nguyên Sa, sau khi nhận xét những khó khăn, trì trệ trong sự sáng tạo của nhà văn, đã nói lên niềm hy vọng xây dựng một nền văn học mới.
Vào những năm 60, Nhật Tiến là một nhà văn rất trẻ, vừa gia nhập làng văn với tác phẩm đầu tay Những người áo trắng (1959), ông đã được nhà văn lão thành Nhất Linh hướng dẫn, giới thiệu vào Hội Bút Việt mà Nhất Linh là cố vấn. Hội Bút Việt về sau đổi thành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Nhật Tiến cũng được Nhất Linh mời hợp tác với Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của ông ngay từ bước đầu. Những sinh hoạt trong lĩnh vực văn học và những tìm tòi về sáng tạo khiến nhà văn trẻ Nhật Tiến có tinh thần trách nhiệm, ông đã biết nhìn xa và lo âu cho tương lai của văn học.
Năm 1962, trong một cuộc hội thảo của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, nhà văn Nhật Tiến có một bài thuyết trình tựa đề : Một vài nhận xét về tình trạng bế tắc trong ngành tiểu thuyết Việt Nam (1). Dựa vào những trải nghiệm của bản thân và qua sự tiếp xúc với văn giới và báo giới, Nhật Tiến đã tập hợp một số nhận xét về tình trạng tiểu thuyết lúc bấy giờ. Diễn giả nêu lên bốn điểm :
1/ Bế tắc về nội dung tác phẩm.
2/ Bế tắc về mặt ấn hành.
3/ Bế tắc về vấn đề tiêu thụ văn nghệ phẩm.
4/ Nguyện vọng của người viết và của các nhà xuất bản tiểu thuyết.
Khó khăn thứ nhất liên quan đến vấn đề sáng tác, một nhà phê bình phàn nàn : Chúng ta nhận định rằng nhà văn ít khi lưu ý đến những vấn đề lớn lao, căn bản trước mắt mà thường quay về với những đề tài đã cũ, lưu tâm đến những mảnh vụn nhiều khi vô nghĩa của cuộc đời… Kết quả : người đọc cho rằng tác giả chú trọng quá đáng về mình, viết những chuyện không đáng viết, khi nói về những đề tài lý thú, lớn lao thì nói một cách sơ sài. Tiểu thuyết trong cái nhìn của diễn giả không phản ánh được cuộc sống hối hả, thấp thỏm, đầy băn khoăn, thắc mắc của thời đó. Nhưng diễn giả không đồng ý với cô Phương Thảo (tức nhà văn Võ Phiến) phụ trách mục điểm sách trên tạp chí Bách Khoa, đã nghiêm khắc chỉ trích một số nhà văn nào đó và nói rằng : … từ nay cuộc sống của ta nếu không có họ cũng chẳng làm sao, biết đâu chẳng đỡ bực mình. Nhật Tiến không đồng ý, ông cho rằng dù sao cũng không thể phủ nhận vai trò người làm văn nghệ. Người làm văn nghệ có cái thiên chức gieo hạt giống đẹp trong một thế giới đen tối do những hoài nghi, thù hận để giành lại tình thương yêu hòa đồng của nhân loại. Nhật Tiến tin tưởng rằng nhà văn Việt Nam đầy thiện chí và can đảm cầm bút. Sở dĩ nhà văn làm người đọc thất vọng lúc bấy giờ là vì thứ nhất nhà văn thiếu kinh nghiệm sống. Đành rằng phải có một óc tưởng tượng dồi dào, nhưng nhà văn cũng phải gây một sức truyền cảm qua ngôn ngữ, nhưng sự truyền cảm phải bắt nguồn từ thực tế. Vậy theo diễn giả, kinh nghiệm sống là điều kiện tất yếu. Nhưng sự thật nhà văn bị cầm chân ở một chỗ vì những ràng buộc hàng ngày, không có cơ hội đi đó đi đây để chân trời được mở rộng.
Nguyên nhân thứ hai là nhà văn không có lập trường vững chắc về sự tương quan giữa mình và tập thể để làm căn bản cho việc sáng tác. Nhà văn chưa tìm ra được một nhân sinh quan rõ rệt. Bởi vậy, trong khi thực tại vẫn như một cơn gió lốc cuốn đi theo chiều hướng của lịch sử, thì nhà văn hình như còn đứng lại lúng túng với vị trí của mình… Trong tình trạng bế tắc đó, một số nhà văn trốn tránh những vấn đề liên quan đến sinh hoạt của xã hội, họ chỉ viết về những đề tài cũ kỹ hoặc về những tình cảm vụn vặt, cho nên tiểu thuyết không phản ánh cảm nghĩ của con người trong cuộc sống hiện thực.
Nguyên nhân thứ ba là các nhà văn chịu ảnh hưởng của một số tác phẩm ngoại quốc và viết những cái không phù hợp với văn hóa nước nhà, với cảm quan của người đọc khiến người đọc khó lòng theo dõi.
Nguyên nhân thứ tư là nhà văn lo ngại bị kiểm duyệt. Diễn giả cho rằng nhà văn là nhân chứng của thời đại, không thể đi ngược lại với thực tế, không thể che đậy, dấu diếm với bất cứ giá nào, không thể phản bội thiên chức của mình để đánh lừa độc giả.
Trên đây là những nguyên nhân của bế tắc thứ nhất về nội dung tác phẩm. Bế tắc thứ hai là việc ấn hành tác phẩm, tức hoạt động của nhà xuất bản. Sau khi thao thức, cực nhọc để viết một tác phẩm, nhà văn vấp phải khó khăn đầu tiên với nhà xuất bản, không vì tiền nhuận bút, bởi có tiền nhuận bút nào xứng đáng với công lao xây dựng một tác phẩm. Thế mà tác giả xem việc in sách của mình như một ân huệ lớn. Ân huệ đó không đến với bất cứ nhà văn nào. Sở dĩ nhà văn gặp khó khăn là vì các nhà xuất bản thất bại trong việc ấn hành tiểu thuyết. Một số đóng cửa, một số chuyển sang việc tái bản sách tiền chiến hoặc in ấn những cuốn truyện thích hợp với thị hiếu thấp kém của một số người đọc. Nhà văn có cảm tưởng mình bị bỏ quên. Nếu có cố gắng lắm thì phải chịu mang nợ nần hoặc hy sinh bán đi những nhu yếu phẩm để có tiền in sách. Và khi sách in ra cũng chẳng bán được bao nhiêu.
Bế tắc thứ ba là từ phía người đọc. Thông thường người đọc có vai trò chủ yếu trong sự tồn tại của tác phẩm. Chính người đọc làm cho tác phẩm sống và đồng thời cũng làm cho các nhà xuất bản khởi sắc. Nhưng trong tình trạng những năm 60, người đọc cũng như tác giả trước tiên phải lo chuyện mưu sinh. Sau nữa là những lý do mà diễn giả Nhật Tiến nêu lên trong bài thuyết trình :
– Ý thức đọc sách của đa số quần chúng còn ở trong tình trạng thấp kém. Dấu hiệu của sự kém cỏi đó là vô số sách về ái tình nhảm nhí, đầm đìa nước mắt, phiêu lưu kiếm hiệp được in ấn công phu, bán với giá rẻ để đáp ứng thị hiếu người đọc. Lại có chuyện một người Tầu không thông tiếng Việt đứng đầu một cơ quan ấn hành và bán loại tiểu thuyết rẻ tiền. Những người đầu cơ văn hóa này làm ăn rất phát đạt.
– Nhu cầu đọc tiểu thuyết không phải là một nhu cầu cần thiết. Theo diễn giả, hạng người đọc đáng kể nhất là giới trí thức có trình độ đọc sách cao và nhất là những công chức, sinh viên và học sinh. Tuy nhiên họ không ảnh hưởng đến việc bán sách vì lẽ họ có những nhu cầu khác ưu tiên hơn nhu cầu tiểu thuyết. Ví dụ đối với một sinh viên có chút tiền túi thì việc đầu tiên là phải mua sách giáo khoa cho việc nghiên cứu, sau là nhu cầu đi xem một phim hấp dẫn để tiêu khiển, rồi đến một chầu kem. Còn tiểu thuyết mới ra thì không cần phải vội vã, trước sau gì cũng sẽ đọc.
– Về phía tác giả, trong cuộc sống hấp tấp vội vàng, với nhiều lo âu, tính toán, làm sao có được một trạng thái tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng để nghĩ đến việc viết ?
Tóm lại, những khó khăn liên kết với nhau, làm nên một cái vòng lẩn quẩn :
– Vì tình trạng vật chất, nhà văn không có đủ điều kiện để viết sách hay.
– Không có sách hay để thu hút người đọc.
– Sự thờ ơ của người đọc khiến các nhà xuất bản tê liệt.
– Hoạt động của nhà văn lại tùy thuộc nhà xuất bản.
Cuối cùng diễn giả đưa ra hai nguyện vọng : nguyện vọng của người viết và nguyện vọng của các nhà xuất bản.
Về phía các nhà xuất bản, diễn giả lặp lại những nguyện vọng của ông Nguyễn Đình Vượng, một nhân vật quan trọng trong giới xuất bản thời đó. Ông Vượng mong :
– Tổ chức lại ngành phát hành, hoạt động này sẽ được giao phó cho một người tha thiết với việc phổ biến văn hóa.
– Phát hành thư mục hàng tháng.
– Cần sự tham gia của các cơ quan như Bộ Giáo dục để giảng dạy cách đọc sách, như Đài phát thanh để có những hoạt động nhằm mục đích khuyến khích việc đọc sách.
– Mở nhiều giải văn chương.
– Trông nhờ vào sự nâng đỡ của chính phủ.
Vể phía các nhà văn, họ mong ước :
– Việc kiểm duyệt của nhà cầm quyền sáng suốt và thận trọng hơn. Người làm văn nghệ ước ao được giữ vai trò chủ động của mình trong khi sáng tác, được nói lên tiếng nói trung trực của mình với độc giả, và mong đưọc hoàn thành thiên chức của mình.
– Việc in ấn tác phẩm của họ không bị giới gian thương bóc lột.
– Tác phẩm của họ cần được phổ biến sâu rộng trong quần chúng.
– Quy tụ những người cầm bút vào một tổ chức để bênh vực quyền lợi của nhà văn.
Phần kết luận của nhà văn Nhật Tiến mang nhiều kỳ vọng cho tương lai của văn học: Nhà văn Việt Nam hiện tại mơ ước một ngày mai sáng sủa và tốt đẹp hơn, một ngày mai có những luồng gió mới quét sạch rác rưới làm vướng chân người hiện tại đồng thời mở đường khai lối cho những thế hệ nhà văn kế tiếp có phương tiện, có điều kiện xây đắp một tương lai văn hóa của dân tộc.
Điều đáng chú ý là trong bài thuyết trình của Nhật Tiến, diễn giả thường nhắc đến thiên chức của nhà văn. Dù bao khó khăn nghiệt ngã, Nhật Tiến vẫn đặt niềm tin vào thiên chức đó, để đi đến việc xây dựng một tương lai cho nền văn học.
Về phần nhà thơ Nguyên Sa, tên tuổi của ông đã lẫy lừng trên văn đàn. Cũng như Huỳnh Phan Anh và Nhật Tiến, tác giả bài thơ Áo lụa Hà Đông không tránh được những ưu tư trước tình trạng văn học lúc bấy giờ. Nguyên Sa cũng quan tâm đến vấn đề sáng tạo, nhưng không phải một sáng tạo bị lúng túng trong một hoàn cảnh vật chất khó khăn hay bị chậm bước bởi óc hướng ngoại, thời thượng, mà là một sáng tạo vươn cao, có tầm cỡ, một sáng tạo được cách tân. Trong bài bình luận : Rời bỏ nền văn chương trú ẩn đăng trên tạp chí Đất Nước, tháng 12 – 1967, Nguyên Sa, sau khi phân tích cái cũ cái mới trong văn chương, và phàn nàn về thứ văn chương trú ẩn trong cái động đá, đã tổng kết tình trạng văn học ở miền Nam sau việc hô hào làm mới văn học, ông đã sáng suốt xác định thế nào là mới trong văn học.
Chúng ta còn nhớ vào những năm 50, Mai Thảo và nhóm Sáng Tạo hô hào cắt đứt với văn học tiền chiến để lên đường xây dựng một văn học mới. Nhưng đến năm 1967, nền văn học mới đó đã đi đến đâu ?
Để có cái nhìn đầy đủ, công bình, Nguyên Sa trở về quá khứ. Trước hết ông khẳng định lập trường của ông đối với tiền chiến và thế hệ năm mươi – sáu mươi ở miền Nam. Phải nhìn nhận Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam đều có những tác phẩm gây xúc động. Về thơ thì Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương là những hòn đảo kỳ diệu của biển ngôn ngữ… Ở miền Nam có những tác phẩm làm Nguyên Sa phấn khởi : tùy bút của Mai Thảo, truyện tình của Chu Tử, truyện trẻ thơ của Duyên Anh, thế giới giang hồ của Nguyễn Thụy Long, thơ Trần Dạ Từ.
Nguyên Sa nhận xét thế hệ năm mươi – sáu mươi chống văn học tiền chiến ở một điểm căn bản : họ cho rằng văn học tiền chiến quá lãng mạn. Nhưng theo Nguyên Sa, văn chương tiền chiến không lãng mạn. Vũ Trọng Phụng không phải là một tác giả lãng mạn. Những cây bút trong nhóm Hàn Thuyên không thể bị xem là lãng mạn. Các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn mang ảnh hưởng của văn chương lãng mạn Pháp không đơn giản chỉ là lãng mạn. Nguyên Sa định nghĩa lãng mạn là sự xúc động quá mãnh liệt, sự trữ tình bi thảm hóa. Các thế hệ năm mươi – sáu mươi ở miền Nam đã ồn ào chống lại văn học tiền chiến vì muốn làm mới văn học. Sự khát khao sáng tạo khiến họ vội vã, giãn lược cách phê phán của họ và sự phủ nhận của họ thiếu tính thuyết phục.
Nói chung, cả tiền chiến và thế hệ năm mươi – sáu mươi ở miền Nam đều sáng tạo theo cái khuôn sáng tạo đã có trước. Nguyên Sa gọi đó là văn chương trú ẩn, trú ẩn trong những cái động đá kiên cố. Tây phương có tả chân thì Trương Tửu tả chân, Tây phương có tượng trưng thì Bích Khê có tượng trưng, Tây phương siêu thực thì Nguyễn Xuân Sanh có Xuân Thu Nhã Tập.
Còn thế hệ năm mươi – sáu mươi muốn làm mới ra sao ? Văn chương của họ hướng về hiện sinh, dấn thân (theo Sartre) và tiểu thuyết mới (theo Alain Robbe-Grillet). Khi những cây bút ở miền Nam tự nhận mình là hiện sinh, là dấn thân, họ có sáng tác đúng với những lý thuyết của hiện sinh, của dấn thân không ? Hay chỉ vội vàng, lớt phớt những buồn nôn, những phi lý ? Mà nếu có viết đúng với các trường phái hiện sinh, dấn thân, tiểu thuyết mới, tả chân, lãng mạn, siêu thực hay hiện thực thì, theo Nguyên Sa, cũng chưa phải là sáng tạo. Đó chỉ là làm mới trong khuôn khổ một cái mới đã có.
Cái mới mà chúng ta cần đạt đến, nó không được thuộc về cái mới của người khác, của một nước ngoại bang, nó phải bắt nguồn từ dân tộc, mặc dù nước ta đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh, trong hoàn cảnh phân chia thế giới, không thể nói đến quốc gia cực đoan, nhưng tinh thần dân tộc vẫn tồn tại. Nguyên Sa tuyên bố : Chúng tôi vẫn yêu dân tộc, biết mơ ước những gì dân tộc mơ ước, biết hãnh diện về những gì dân tộc hãnh diện. Cho nên chúng tôi khao khát có những công trình văn chương, khoa học, không phải chỉ để cho tác giả của các công trình đó mãn nguyện mà còn để cho đồng bào của các tác giả đó hãnh diện. Dân tộc đòi hỏi sự tiến bộ và đổi thay về văn hóa. Cần có sự đóng góp liên tục vào cái gia tài văn hóa đã có.
Còn về những sản phẩm khoa học, văn chương chung của nhân loại như sản phẩm của Pasteur, Molière, Racine, v.v… thì ở các nhà trường đều giảng dạy. Nhà giáo đứng trên bục giảng về sáng tạo của người khác. Người sáng tạo thì khác với nhà giáo. Người sáng tạo chỉ sáng tạo văn học nghệ thuật cho riêng mình. Cách thức sáng tạo của ai là chỉ thuộc về người đó.
Vậy tất cả văn học vẫn còn ở trong khuôn khổ truyền thống. Nguyên Sa thúc giục người cầm bút đi tìm cái mới dù cho chưa biết hướng đi.
Đó là cuộc phiêu lưu. Có thể trước mặt sẽ là sự khám phá thần thánh. Có thể là sự gục ngã. Gục gã vì dại khờ. Gục ngã vì điên loạn. Nhưng trong văn nghệ cũng như trong tình ái, chẳng thà gục ngã trong dại khờ còn hơn sống mãi trong khôn ngoan. Chết ở chân trời thử thách, chết trong cuộc phiêu lưu còn hơn sống mãi tầm gửi trong động đá trú ẩn êm ấm.
Tóm lại, Nguyên Sa có tầm nhìn vượt khỏi những tuyên bố ồn ào, vượt khỏi những sản phẩm văn nghệ không ngừng xuất hiện, để báo hiệu những nguy cơ trú ẩn, những bắt chước cái mới của người khác. Tiếng nói của Nguyên Sa là tiếng nói của một người cầm bút không tự để mình bị ru ngủ, ông băn khoăn, thao thức và sáng suốt nhận thấy rằng việc sáng tạo ở miền Nam trong những năm 50-60 chưa thoát khỏi cái khuôn của người đi trước. Nguyên Sa nuôi một tham vọng lớn cho giới cầm bút bằng cách đòi hỏi một sáng tạo thật sự mới, thật sự độc lập, phát xuất từ tinh thần dân tộc.
Liễu Trương
https://lieutruongvietvadoc.wordpress.com/
(1) Tài liệu tham khảo : Câu Chuyện Văn Chương, Nxb Khai Trí Sài Gòn, 1969.
Đăng ngày 14 tháng 09.2019