banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ông Hoàng Ngọc Thành: Tiến sĩ Sử học, Giáo sư kiêm Trưởng ban Sử Địa, Đại học Sư phạm Sài gòn trước ngày 30/04/1975. Ông tạ thế vào đầu năm 2015 tại California - Hoa Kỳ.
Bà Thân Thị Nhân Đức (phu nhân của Gs Hoàng Ngọc Thành): cựu Giáo sư trường nữ trung học Trưng Vương Sài gòn.

 

Những ngày cuối cùng

của Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Hoàng Ngọc Thành & Thân thị Nhân Đức
 

ttngodinhdiem

VẤN ĐỀ NGÔ ĐÌNH DIỆM ĐƯỢC CỬ LÀM THỦ TƯỚNG

Có nhiều luận điệu nói về vấn đề ông Bảo Đại chọn ông Diệm làm thủ tướng. Một số người Việt và một số nhà báo, hay tác giả Tây phương cho rằng ông Diệm là người của Hoa Kỳ, và nước này dùng áp lực buộc Pháp và Bảo Đại đưa ông ra cầm quyền, chứ có gì lạ đâu? Hay Hồng Y Spellman, tổng giám mục Nữu Ước và giới Thiên Chúa giáo Mỹ hợp sức với tòa Thánh Vatican vận động với chính phủ Mỹ và đảng Phong Trào Cộng Hòa Bình Dân thân Thiên Chúa giáo tại Pháp ủng hộ ông Diệm. Ngay cả tài liệu mật của Ngũ Giác Đài cũng không nói đúng về vấn đề này. Sự kiện lịch sử không xảy đến một cách đơn giản, như quan điểm chủ quan hay hời hợt của một số người, ủng hộ hay chống đối, ưa thích hay ganh ghét ông Diệm.

Trước tình thế quân sự, nội trị và đối ngoại năm 1954, có ai chịu ra làm thủ tướng của cái gọi là quốc gia Việt Nam không??? Pháp bại trận, suy yếu vì chiến tranh và còn phải đối phó với các thuộc địa tại Phi Châu đang nổi dậy. Lãnh thổ quốc gia VN gồm những vùng Pháp kiểm soát, và các nơi lâu nay dưới quyền chính phủ Hồ chí Minh và đảng cộng sản. Các vùng dưới quyền Pháp mục nát và hỗn loạn, trong khi đảng CS vẫn duy trì một thứ chính quyền trong bóng tối, còn các vùng lâu nay dưới quyền họ vẫn còn các cán bộ “nằm vùng” hay “đổi vùng”. Như thế quốc gia VN có thể tồn tại được không? Ông Hồ chí Minh với đảng CS có tổ chức và kỷ luật, cơ sở với cán bộ trung kiên, đầy kinh nghiệm tranh đấu và quân đội kháng chiến đã chíến thắng đang chờ thôn tính luôn miền Nam, với cuộc tổng tuyển cử dự trù năm 1956 trong bản tuyên ngôn của hiệp định Geneva.

Không có một bằng chứng nào cho thấy Hồng Y Spellman, Thiên Chúa giáo Mỹ, Thiên Chúa giáo Pháp, đảng phái chính trị nào tại Pháp, hay tòa Thánh Vatican vận động với chính phủ Mỹ, hay với chính phủ Pháp, hay với ông Bảo Đại để ông Ngô Đình Diệm được cử làm thủ tướng cả. Chính phủ Mỹ của tổng thống Eisenhower và ngoại trưởng John Foster Dulles không đặt vấn dề gì với chính phủ Pháp, hay quốc trưởng Bảo Đại, về chức vụ thủ tướng trong khi hội nghị Geneva nhóm họp và sau đấy cả. Về phần người Pháp, họ không quan tâm đến việc ai làm thủ tướng quốc gia VN cả, họ thờ ơ với vấn đề này. Họ không ưa gì ông Diệm, nhưng họ không cần gì chống đối ông lúc ban đầu, vì tất cả quyền hành quân sự, kinh tế, chính trị tại miền Nam đều nằm trong tay họ cả mà. Thủ tướng Ngô Đình Diệm sẽ làm được gì? Nước Pháp đã bại trận nay còn phải lo các thuộc địa Bắc Phi đang nổi dây. Miền Nam có hy vọng tồn tại lâu dài được không? Hồ chí Minh sẽ thắng cử năm 1956 và CS sẽ làm chủ miền Nam là lẽ chắc.

Nhiều nhà báo và học giả Tây phương sau này lên tiếng chỉ trích chính quyền ông Ngô Đình Diệm và cả cá nhân ông, cũng thừa nhận rằng chẳng có cá nhân, tôn giáo, đảng phái hay chính phủ nào vận động đưa ông Diệm ra làm thủ tướng cả. Ông Ngô Đình Diệm ra cầm quyền được vì ông là một người yêu nước, dù là quan lại, lâu nay mơ ước đem lại độc lập và tự do cho dân tộc, để khỏi bị thực dân và CS áp bức và bóc lột. Lâu nay ông không bị tai tiếng gì cả, ông từ quan, không cộng tác với Pháp nữa, và cũng không dính líu đến Nhật, dù ông có nhờ Nhật bảo vệ chống sự truy nã của Pháp. Ông bác bỏ lời mời tham gia chính phủ CS Hồ chí Minh. Ông có uy tín là liêm khiết, trong sạch. Trong giai đoạn 1949-1953, ông Diệm có sự khôn ngoan chính trị là hai lần từ chối lời mời của Bảo Đại ra lập nội các. Nếu ông ra làm thủ tướng lúc bấy giờ, chắc chắn là ông bị thất bại vì không có thực lực để chống cả CS và thực dân Pháp. Nhưng khi chính thức cầm quyền ngày 7/7/1954, ông Ngô Đình Diệm nắm được thời cơ, ra cầm quyền đúng lúc, tình hình quốc tế thuận lợi dù còn có những trở ngại lớn lao.

Một trí thức Thiên Chúa giáo, luật sư Nguyễn văn Chức đã phân tích và trình bày khá đầy đủ và công tâm về vụ ông Ngô Đình Diệm được cử làm thủ tướng trong tác phẩm “Việt Nam Chính Sử” của ông (trang 35-41).

Chương này xin trích dẫn lại một số tác giả Tây phương và những lời phát biểu mới nhất của ông Bảo Đại về vấn đề này. Trước hết ông Denis Warner, một trong số tác giả chỉ trích chế độ ông Diệm, đã viết như sau:
“Quyết định mời ông làm thủ tướng miền Nam VN trước hết về căn bản là của Bảo Đại, chứ không phải là ý kiến của cố ngoại trưởng Foster Dulles như một vài tác giả đã gợi ý. Không giống như thẩm phán Tối Cao Pháp Viện William Douglas, người một hai năm trước đây đã viết sách ca tụng ông Diệm là người được dân VN sùng kính, bộ ngoại giao Mỹ lúc ấy cũng không cần gây áp lực. Nhóm cận thần Pháp của Bảo Đại trước đó đã từng “nhảy dù” xuống Saigon để vơ vét làm giàu, nhân danh chiêu bài độc lập giả tạo, vì vậy họ đã hủy diệt uy tín của họ rồi. Chỉ còn hai giải pháp: hoặc là sắp xếp lại lũ con buôn nhơ nhớp đó, hoặc là mời Diệm. Và Bảo Đại đã chọn Diệm, bất chấp lời khuyên can của bạn hữu. Thật ra quyền lựa chọn của Bảo Đại rất hẹp. Như Diệm đã từng thẳng thắn nhìn nhận, lúc đó không có ai ra tranh với Diệm. Nhưng đấy là sự thật bởi vì ngoài Diệm ra, không có ai muốn đứng ra gánh vác...!!!”

Hoa Kỳ không tiến cử ông Diệm làm thủ tướng nhưng ngoại trưởng John Foster Dulles không phản đối, vì ông biết ông Diệm theo Thiên Chúa giáo và tích cực chống CS qua sự quen biết với Hồng Y Spellman tổng giám mục Nữu Ước. Nhưng ban đầu, người Mỹ vẫn chưa chấp nhận ông Diệm. Sau này, có lúc muốn tìm người khác thay thế ông nữa, họ chỉ ủng hộ lại ông Diệm sau khi thấy ông thành công.

Một tác giả khác, Stanley Karnow, trong quyển “Vietnam, a history” thiên Hà nội, chống phe quốc gia và ông Diệm, đã phát biểu như sau:
“Khi cuộc đàm phán tại Geneva gần kết thúc, Bảo Đại mới ý thức rằng sinh mệnh chính trị của ông treo mỏng manh như sợi tóc, ông ta bèn mời ông Diệm đến. Người ăn chơi và nhà đạo đức không thích hợp nhau, nhưng vẫn có ý dùng nhau. Diệm coi Bảo Đại là con đường đưa đến chính quyền. Còn Bảo Đại nhìn thấy hai cái lợi ở Diệm. Thứ nhất Ngô Đình Nhu, em ruột Diệm, đã thành lập được Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc ở Saigon, một cơ cấu có thể chấp nhận như là một liên minh chính trị. Thứ hai Bảo Đại nghĩ rằng Diệm đã từng ở Hoa Kỳ, sẽ đưa được Mỹ vào chính tình VN để thay thế người Pháp mà sự có mặt sẽ chấm dứt trong những ngày gần đây. Nhưng trái với chuyện hoang đường cho rằng ngoại trưởng Foster Dulles, Hồng Y Spellman và nhiều người Mỹ khác vận động cho Diệm lên cần quyền, Hoa Kỳ lúc ấy vẫn chưa chấp nhận Diệm. Quả vậy các nhà ngoại giao Mỹ tại Geneva đã từ chối khéo ông Luyện, em ông Diệm, khi ông thúc đẩy họ tiếp kiến ông Diệm.”

Một người Mỹ gốc Áo, ông Joseph Buttinger, đã viết nhiều sách lịch sử VN. Ông này đã từng đến Saigon và tích cực ủng hộ ông Diệm. Nhưng về sau ông thay đổi và chống lại ông Diệm. Ông Joseph Buttinger cho rằng ngay cả những người Việt cộng tác với Pháp và ghét ông Diệm hầu như cũng không chống đối việc cử ông Diệm làm thủ tướng. Lúc bấy giờ nhiều người, có thể là Bảo Đại nữa, nghĩ rằng một hiệp định sẽ được ký kết, miền Nam là phần chia cắt của một nước, đâu còn có tinh thần chiến đấu để tồn tại. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có điên khùng mới đứng ra gánh vác, và kẻ ấy chắc chắn sẽ chuốc lấy thảm bại về chính trị. Đây là số kiếp mà họ đều cầu mong cho ông Ngô Đình Diệm gặp phải và ông Joseph Buttinger kết luận: “Sự việc còn đấy, những kẻ khởi xướng Việt cũng như Pháp, cũng như Thiên Chúa, cũng như Hoa Kỳ, không ai dọn đường cho Diệm lên cầm quyền. Diệm được đặt vào ghế thủ tướng là do những biến cố dồn dập của thời cuộc lúc đó.”

Để kết thúc vấn đề ông Diệm được cử làm thủ tướng, xin trích dẫn lời của người đã cử ông Diệm vào chức vụ thủ tướng, tức quốc trưởng Bảo Đại. Trong hồi ký “Le Dragon d’Annam” do Plon tại Paris xuất bản năm 1980, ông Bảo Đại trình bày tình hình chính trị và những lý do cá nhân khiến ông mời ông Diệm làm thủ tướng với toàn quyền quân sự và dân sự: “Chúng tôi không còn có thể trông cậy vào người Pháp được nữa. Tại bàn hội nghị Geneva, chỉ còn người Mỹ là đồng minh của chúng ta. Trước tình thế đang biến chuyển, họ muốn dựng nên một hệ thống phòng thủ mới tại Đông Nam Á. Họ có thể giúp chúng tôi tiếp tục cuộc chiến đầu chống CS. Tại Saigon thủ tướng chính phủ gặp phải sự chống đối mãnh liệt của những thành phần quốc gia được kết hợp lại trong phong trào Đoàn Kết Quốc Gia do Ngô Đình Nhu lãnh đạo. Những thành phần này tiên thiên chống lại những quyết định sẽ được đạt đến tại Geneva. Tôi bèn triệu tập đến Cannes lãnh tụ của tất cả xu hướng chính trị và tôn giáo của VN để tham khảo ý kiến. Tôi giải thích cho họ những gì sẽ xảy ra, tôi cho họ biết tất cả đã được sắp xếp, kể cả việc phân chia đất nước. Tôi gợi ra sự cần thiết phải đem lại cho nước VN một hướng đi rõ rệt hơn, và đề nghị thay thế Hoàng Thân Bửu Lộc trong chức vụ thủ tướng bởi ông Ngô Đình Diệm. Tất cả những người có mặt đã nồng nhiệt chấp thuận đề nghị của tôi”.

Như thế, ông Bảo Đại cho biết những động lực chính trị thúc đẩy ông mời ông Diệm làm thủ tướng là vì hết trông cây vào Pháp, vì chủ trương chống CS của Hoa Kỳ và việc họ sẵn lòng giúp đỡ người Việt chống CS, cùng phong trào quần chúng của ông Nhu tại Saigon. Các lãnh tụ chính trị tôn giáo cũng tán thành nồng nhiệt vụ cử ông Diệm làm thủ tướng.
Ông Bảo Đại cũng biết ông Diệm là người khó tính, quốc gia cực đoan, nhưng không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Ông Diệm là nhân vật có tầm vóc, ông sẽ được sự ủng hộ của những người có tinh thần quốc gia quyết liệt, họ đã từng làm cho các thủ tướng trước như Nguyễn văn Tâm và Bửu Lộc thất bại trong chức vụ của họ. Ông Diệm là người của tình thế.

Luật sư Nguyễn văn Chức, một lần nữa, trong sách “VN Chính Sử” đã tìm hiểu đầy đủ sự thât về vấn đề ông Diệm được cử làm thủ tướng trong tháng 6/1954. Ông cũng bác bỏ sự xuyên tạc của một số tác giả như Hilaire du Berrier nói rằng ông Diệm thề trung thành với Bảo Đại và nhận ngân phiếu một triệu đồng. Ông Diệm chỉ thề trước Thánh giá Thiên Chúa giáo bảo vệ lãnh thổ chống CS và nếu cần chống cả người Pháp nữa, và sau đấy nhận đạo chỉ dụ ban toàn quyền hành động về quân sự và dân sự.
Tài liệu mật Ngũ Giác Đài, ấn bản Gravel, quyển IV, trang 174 cũng sai lầm khi nói Bảo Đại bị Pháp và Hoa Kỳ thúc đẩy cử ông Diệm làm thủ tướng. Hoàn toàn không có sự thúc đẩy hay áp lực nào của Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề này cả!.

Tóm lại, Bảo Đại cử ông Diệm làm thủ tướng là do những tính toán chính trị của ông về thời cuộc, còn ông Diệm nắm được thời cơ ra cầm quyền đúng lúc.

Người Mỹ đến VN trong thế kỷ thứ 19 vì ngoại thương, trong đệ nhị thế chiến (1939-1945) vì chiến tranh với Nhật Bản, rồi sau đấy can thiệp vào nội tình VN vì nền an ninh chiến lược của họ. Sự thật là đến tháng 6/1954, các chính đảng và nhân vật quốc gia kể ông Ngô Đình Diệm đều thất bại trong việc giành quyền lãnh đạo dân tộc với Hồ chí Minh và đảng CS. Nay đất nước bị chia đôi: miền Bắc dưới quyền ông Hồ và đảng CS, còn Pháp nắm giữ chủ quyền tai miền Nam dù trên hình thức quốc gia VN dưới quyền Bảo Đại là “độc lập”. Hoa Kỳ cần một lãnh tụ Việt có khả năng xây dựng miền Nam thành một tiền đồn ngăn chận sự bành trướng của CS. Trong khi ấy, ông Ngô Đình Diệm cũng cần sự ủng hộ và viện trợ của Hoa Kỳ mới giành lại được chủ quyền dân tộc tại miền Nam từ tay người Pháp. Quyền lợi của Hoa Kỳ và quyền lợi của lãnh tụ quốc gia Ngô Đình Diệm cùng với đại đa số người Việt không muốn sống dưới chế độ CS trùng hợp với nhau. Hai bên cộng tác với nhau, cùng làm đồng minh trong một giai đoạn.

Mới đây, trong tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn số 104 từ 1/9/92 đến 30/9/92, xuất bản tại Burke, Virginia, một ký giả, ông Phan văn Trường, đã ghi lại câu hỏi và những điều ông Bảo Đại trả lời về vấn đề cử ông Diệm làm thủ tướng.

Câu hỏi: “Tại sao Ngài lại trao quyền cho ông Ngô Đình Diệm để rồi bị ông ấy lật Ngài ?”
Ông Bảo Đại trả lời ngay: “Ông Diệm là người tôi tín nhiệm. Lúc đó thế lực của Pháp đã thất bại. Phía CS đã được Liên Xô tích cực ủng hộ về mọi mặt, nên tôi khuyên ông Diệm nên tìm sự ủng hộ của Mỹ để ngăn chận sự bành trướng của CS. Việc ông ta lật đổ tôi là do sức ép của chính trị. Ông Diệm là người yêu nước, lúc trao quyền tôi có yêu cầu ông ấy cam kết với tôi hai điều trước bàn thờ Chúa vì ông rất mộ đạo, là phải giữ miền Nam và nếu ông không làm được sứ mạng ấy thì phải trao trả lại quyền cho tôi. Nhưng rồi ông ta chết khi thi hành nhiệm vụ. Dù sao ông ta cũng cố sức giữ những lời cam kết ấy mà không được”.

Trước kia ông Bảo Đại đã kích dữ dội ông Ngô Đình Diệm, nhất là sau khi bị truất phế năm 1955. Nay ông Bảo Đại bày tỏ sự kính nể đối với ông Ngô Đình Diệm, 38 năm sau khi bị truất phế, và độ hơn 30 năm sau ngày ông Diệm bị ám sát. Bảo Đại thừa nhận ông Diệm là người yêu nước, cố sức giữ vững miền Nam, và chết khi thi hành nhiệm vụ.

Quả vậy, để giữ vững miền Nam chống CS, trước hết ông Ngô Đình Diệm phải giành lại chủ quyền từ tay thực dân Pháp.

("Những Ngày Cuối Cùng Của TT Ngô Đình Diệm" - Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, trang 53-61)


THỦ TƯỚNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

GIÀNH LẠI CHỦ QUYỀN TỪ THỰC DÂN PHÁP: THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN

Ông Ngô Đình Diệm được Bảo Đại mời làm thủ tướng với toàn quyền dân sự và quân sự ngày 16/6/1954. Ba ngày sau, ông nhận lời. Độ 5 ngày nữa, tức là ngày 24/6/54, ông đáp phi cơ hãng Air France rời Ba Lê và hai ngày sau đến Saigon. Cùng đi với ông, có người em trai là Ngô Đình Luyện, ông Trần Chánh Thành, ông Nguyễn văn Thoại, một giáo sư đại học tại Pháp, hình như là em chồng bà Nguyễn văn Lễ tức bà Cả Lễ, em ruột ông Diệm. Tình cờ cô Thân thị Hồng, một cô em ruột của một trong hai người soạn tài liệu này, cũng đáp chuyến máy bay này về Saigon sau khi học xong thống kê tại Paris. Do có bà con với ông Trần Chánh Thành về phía bên ngoại, cô Hồng được giới thiệu với ông Diệm và phái đoàn. Ông Diệm và các ông Luyện, Thành, Thoại đều vui vẻ hân hoan ra mặt.

Ngày 26/6/54, phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Ngoài số người đón tiếp tại phi trường, nhiều nhóm dân chúng chờ đợi hai bên các con đường mà đoàn xe chở thủ tướng Ngô Đình Diệm đi qua, như nhân chứng đại tá Edward Lansdale thuật lại, chứ không phải họ tránh né như ông Joseph Buttinger đã viết. Nhưng đoàn xe chở thủ tướng Diệm chạy nhanh làm dân chúng không thấy rõ mặt thủ tướng, theo nhận xét của đại tá Lansdale. Ngày hôm sau, đại tá Lansdale đến dinh Gia Long gặp thủ tướng Ngô Đình Diệm. Cuộc tiếp xúc đầu tiên này mở đầu sư cộng tác chặt chẽ giữa ông Diệm và chính quyền Mỹ lúc bấy giờ, trong những tháng đầu sau Hiệp Định Geneva tháng 7/1954.

Trong giai đoạn này, nếu thủ tướng Ngô Đình Diệm tiêu biểu cho phe quốc gia VN cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ để giành lại chủ quyền từ tay thực dân Pháp, thì Hoa Kỳ cũng cần ông Ngô Đình Diệm để thiết lập một chính quyền vững mạnh tại miền Nam, để làm tiền đồn chống cộng sản tại Đông Nam Á, có lợi cho nền an ninh chiến lược của Hoa Kỳ.

Chương này trình bày thực trạng của quốc gia VN dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại, những thử thách mà thủ tướng Ngô Đình Diệm phải đối phó, từ tướng Nguyễn văn Hinh đến Bình Xuyên và các giáo phái trong năm 1954, trong khi lấy lại dần chủ quyền trong các lãnh vực sinh hoạt của xứ sở từ tay thực dân Pháp.

Về Saigon vài hôm, thủ tướng Ngô Đình Diệm thấy rằng đạo chỉ dụ ban cho ông toàn quyền dân sự và quân sự không có giá trị gì cả. Ông chỉ có quyền với 12 người cảnh sát thay phiên nhau canh gác dinh Gia Long. Vì sao vậy ? Quốc trưởng Bảo Đại và các nội các trước đã làm gì ? Lâu nay quốc trưởng Bảo Đại có guồng máy dân sự và quân sự cai trị quốc gia VN không ?

Trước hết, xin nói về quốc trưởng Bảo Đại. Cuộc sống quốc trưởng của ông Bảo Đại khác xa thời ông ở Côn Minh hay Hương Cảng. Pháp trả lương cho ông mỗi tháng 350000 mỹ kim tức mỗi năm trên 4 triệu mỹ kim. Ông có 4 phi cơ và gởi những món tiền khổng lồ tại các ngân hàng Pháp và Thụy Sĩ. Ông làm chủ nhiều bất động sản tại Pháp và xứ Ma rốc ở Bắc Phi Châu. Bảo Đại cũng nhận tiền do sòng bạc Đại Thế Giới cung cấp. Sòng bạc này được cao ủy Pháp, linh mục đô đốc Thierry d’Argenlieu cho phép mở trong năm 1946, mặc dầu bác sĩ Nguyễn văn Thinh cầm đầu chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị phản đối. Một số người Hoa ở Chợ Lớn đấu thầu được hai năm đầu. Nhưng sau đấy, người Hoa từ Áo Môn sang tranh thầu được, vì họ chịu trả 400000 đồng một ngày thay vì 200000 đồng. Những người này, một mặt trả thuế cho phe kháng chiến để khỏi bị phá hoại, mặt khác mở rộng và canh tân sòng bạc với các hồ lỳ trẻ ăn mặc sang trọng, ca sĩ Việt Hoa, vũ nữ, gái điếm hạng sang và nhân viên bảo vệ. Đến năm 1950, Bảo Đại can thiệp vào vụ đấu thầu. Ông Nguyễn văn Viễn tức Bảy Viễn cầm đầu phe Bình Xuyên lâu nay được người Pháp trả lương và ngự trị vùng Chợ Lớn, trúng thầu với sự hỗ trợ của quốc trưởng Bảo Đại. Bảy Viễn chịu trả mỗi ngày 100000 đồng cho Bảo Đại, số tiền như vậy cho bà Từ Cung, mẹ của Bảo Đại, 10000 đồng cho ông Nguyễn Đệ, bí thư của Bảo Đại và 10000 đồng cho một nhân vật không nêu tên (trong tài liệu của Cao ủy Pháp).

Tại vùng Saigon-Chợ Lớn, Bảy Viễn không những chỉ làm chủ các sòng bạc Đại Thế Giới và Kim Chung mà có thể nói là y nắm giữ độc quyền về cờ bạc, y thâu thuế các sòng bạc nhỏ khác, y cũng làm chủ hay thâu thuế các nhà điếm như nhà thổ Bình Khang ở Vườn Lài, y độc quyền mua bán thuốc phiện đưa từ Lào về, ăn chia với một số người Pháp gốc đảo Corse. Bảy Viễn cũng kiểm soát đuờng bộ Saigon – Vũng Tàu, đường thủy Saigon – Rừng Sát, thâu thuế việc mua bán củi và than, bò và heo và cả lò heo Chánh Hưng nữa. Phe Bình Xuyên mở rộng sự kiểm soát tại vùng Cần Giờ, Cần Giuôc, Cần Đước (Gò Công) và các toán công an Bình Xuyên còn đứng thâu thuế tại các bên xe ở Vũng Tàu và Đà Lạt nữa. Bảo Đại còn cử một người tay chân của Bảy Viễn là ông Lai văn Sang làm tổng giám đốc công an và cảnh sát quốc gia nữa. Tháng 4/1952, Bảo Đại cho Bảy Viễn quân hàm thiếu tướng và qua năm sau Pháp thưởng cho người này là thiếu tướng Nguyễn văn Viễn huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh nữa.

Về phần Bảo Đại với vô số tiền, ông chỉ chuyên ăn chơi hưởng lạc. Ông ở Pháp thời gian lâu hơn là ở trong nước. Trước hiệp định Geneva năm 1954, khi nào về nước, ông ít khi ở Hanoi hay Saigon lâu, vì nơi nào Cao ủy Pháp cũng dành phủ toàn quyền cũ, tượng trưng cho uy quyền tối cao trong nước. Tại Saigon, Bảo Đại chỉ được ở và làm việc tại dinh Gia Long, còn Cao ủy Pháp làm chủ dinh Norodom, tức phủ toàn quyền cũ, mà sau này ông Diệm đổi tên là dinh Độc Lậïp. Ông Bảo Đại lên Đàlạt hay đi Ban Mê Thuột, suốt ngày đi săn bắn, chơi các môn thể thao, còn đêm thì đánh bạc và chơi gái. Linh mục Cao văn Luận có lần đến tiếp xúc với Bảo Đại vào năm 1948 tại biệt điện cựu hoàng ở Đàlạt và ông thuật lại rằng: “Bảo Đại là con người chán chường và thấm mệt…. Câu chuyện kéo dài được vài phút thì Bảo Đại có vẻ mệt nhọc lắm, nằm duỗi dài ra trên chiếc ghế bành”.

Tại Pháp, Bảo Đại say mê cờ bạc, đánh thua những món tiền rất lớn tại các sòng bạc ở Monte Calo, tiểu xứ Monaco chẳng hạn, và tiền của, bất động sản cũng mất dần vào các sòng bạc. Của phi nghĩa đâu có bền. Các báo chí Âu Mỹ đều gọi Bảo Đại và cựu Hoàng Farouk của Ai Cập, cũng ăn chơi như vậy, là “những ông vua của các hộp đêm”.

Bảo Đại ký kết một số thỏa ước và hiệp ước với Pháp như đã trình bày, tại Vịnh Hạ Long, hiệp định Elysée năm 1949, và các thỏa ước tại Pau năm 1950. Chính phủ Pháp có tuyên bố nhiều lần trao trả “nền độc lập” cho VN, nhưng người Pháp vẫn nắm giữ mọi quyền hành về quân sự, kinh tế, ngoại giao, tài chánh, hối đoái, quan thuế. Đây chỉ là trò hề chính trị. Một chính khách thuộc đảng xã hộp Pháp, ông François Mitterand, sau này là tổng thống Pháp, đã từng nhận xét rằng từ 1949 đến 1954 Pháp đã trao trả “nền độc lập toàn vẹn” cho VN 18 lần, và có phải đến lúc này cần trao trả một lần mà thôi, nhưng là thật sự.

Chính quyền Bảo Đại trở nên một sự che đậy cho Pháp tiếp tục thống trị VN. Chính Bảo Đại cũng thừa nhận rằng giải pháp Bảo Đại không giải quyết được gì cả, không phục vụ quyền lợi của dân tộc VN, nhưng là một giải pháp của người Pháp phục vụ quyền lợi của nước Pháp. Các vùng do quân đội Pháp kiểm soát như thành phố Saigon chẳng hạn, đầy rẫy tham nhũng, cờ bạc, đĩ điếm, thuốc phiện và ma túy. Các nhân vật Pháp và Việt, các thương gia, những kẻ buôn lậu, tư sản mại bản làm giàu nhờ chuyển ngân, buôn bán đồng quan Pháp và đồng bạc Đông Dương, vàng lá, hối mại quyền thế, đấu thầu cung cấp cho quân đội Pháp, mậu dịch và bồi thường chiến tranh… Thí dụ, giá một gờ ram vàng nguyên chất tại Paris chỉ 586 quan nhưng tại Saigon là 1300 quan, chỉ cần tìm cách chuyển vàng từ Paris về Saigon cũng kiếm được một số tiền lớn. Một hội đồng điều tra của Quốc Hội Pháp cho rằng các tệ doan trên là do chính quyền Pháp gây ra, và dân Việt xem Bảo Đại và các tổng trưởng trong chính quyền của ông là công chức làm việc cho nước Pháp.

Trong tình trạng như thế, thủ tướng Ngô Đình Diệm thực tế vô quyền. Người thật sự có quyền là tướng Pháp Paul Ely, cao ủy Pháp kiêm tổng tư lệnh quân đội Pháp, đóng tại dinh Norodom của toàn quyền Pháp ngày trước tại Saigon. Tướng Ely cầm đầu luôn cả guồng máy dân sự. Quân đội Pháp đóng giữ các vị trí chiến lược vớì sự yểm trợ của các lực lượng bổ sung, như các đơn vị Bình Xuyên dưới quyền ông Bảy Viễn, lực lượng Cao Đài vùng Tây Ninh, các nhóm Hòa Hảo tại tỉnh Cần Thơ và Châu Đốc, và số lính đánh thuế dưới quyền sĩ quan tây lai Leroy ở Bến Tre nữa. Người Pháp trả lương, huấn luyện, trang bị vũ khí và đạn dược cho những số lính này và cho các chỉ huy của họ thống trị tại các địa phương nơi họ đóng giữ. Người Pháp tổ chức các tiểu đoàn binh sĩ VN thành quân đội “Quốc Gia Việt Nam”. Họ tuyển mộ, huấn luyện, trang bị, trả lương và thăng thưởng các binh sĩ và sĩ quan Việt. Họ đào tạo rất ít sĩ quan Việt và rất ít người có cấp bực trên thiếu tá như đã từng nói trước đây. Dụng ý của Pháp là cần người Việt đi lính làm bia đỡ đạn và công cụ cho họ, dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp. Chỉ có bộ tư lệnh Pháp có quyền điều động “quân đội quốc gia VN” và chỉ huy tác chiến. Pháp cử ông Nguyễn văn Hinh, con ông Nguyễn văn Tâm, “Hùm Xám Cai Lậy” và cựu thủ tướng, làm tướng tham mưu trưởng “Quân đội Quốc Gia”. Ông Hinh được huấn luyện tại Pháp, có vợ đầm và Pháp tịch, và là sĩ quan hiện dịch của không quân Pháp. Nhiều nha, sở, phòng của bộ tham mưu quân đội quốc gia cũng do sĩ quan Pháp phụ trách.

Về an ninh, sở tổng nha công an cảnh sát ở dưới quyền ông Lai văn Sang, một tay chân đắc lực của Bảy Viễn như đã trình bày trước đây, người ta đồn rằng Bảo Đại đã bán chức vụ này cho Bình Xuyên.

Về guống máy hành chánh, không có gì đáng kể gọi là tự chủ hay độc lập được. Nhiều chức vụ quan trọng trong các bộ do người Pháp hay người Việt dân Tây, lâu nay có thành tích phục vụ Pháp nắm giữ. Cho đến năm 1954, khi ông Diệm về làm thủ tướng, ngôn ngữ dùng trong các chính phủ Nguyễn văn Xuân và Trần văn Hữu là tiếng Pháp. Các tỉnh trưởng, tỉnh phó và quận trưởng là các cựu công chức thời Pháp thuộc, hay những kẻ xu thời theo Pháp từ 1945-46.

Người Pháp vẫn điều hành tài chánh, tư pháp và ngoại thương. Ngân hàng Đông Dương của Pháp phát hành bạc giấy cho cả VN, Lào và Miên và phụ trách việc hối đoái nữa. Một số tòa án hỗn hợp Pháp – Việt được thiết lập để xét xử các vụ án liên quan đến người Pháp với một số thẩm phán Pháp hay Việt có Pháp tịch. Các viên chức Pháp cũng điều hành ngành quan thuế và hải cảng Saigon nữa. Ngoài ra từ 1950, số viện trợ Mỹ cho VN cũng phải chuyển qua trung gian Pháp.

Chính quyền cũng không cai trị được phần lớn lãnh thổ nữa. Công an Bình Xuyên lộng hành tại vùng Chợ Lớn, và Saigon, vùng Tây Ninh dưới quyền phe Cao Đài, còn các nhóm Hòa Hảo kiểm soát một số tỉnh miền Tây. Những nơi khác lâu nay do chính quyền Hồ chí Minh cai trị như Cà Mâu và các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và một phần tỉnh Quảng Nam tại miền Trung, đang được tiếp thu dần với sự rút lui của các đơn vị kháng chiến về Bắc. Nhưng đảng CS để lại nhiều cán bộ “nằm vùng” hay “đổi vùng” sau các buổi học tập, và chỉ thị phải hoạt động tranh đấu ra làm sao trong giai đọan sắp đến. Trong một số đô thị, nhất là Saigon, một số người, đảng viên CS hay thân cộng hay nhẹ dạ nghe lời tuyên truyền ngon ngọt đã tổ chức các loại mặt trận, hội, nhóm, nói là để bảo vệ hòa bình, dân chủ và thi hành hiệp định Geneva kiểu như luật sư Nguyễn hữu Thọ, một trí thức miền Nam theo CS và vận động dân chúng biểu tình nữa.

Trong khi ấy chiến tranh đã phá hủy, làm hư hại nhiều đường sá, cầu cống, hệ thống sông đào, kênh, đường xe lửa, hệ thống viễn thông, bưu điện. Tại nhiều vùng, đồng ruộng bị bỏ hoang, vô số nông dân phải rời thôn xóm về cư trú tại các thị trấn và bị thất nghiệp hay bán thất nghiệp. Cùng lúc ấy, đồng bào miền Bắc bắt đầu di tản vào miền Nam.

Trong tình thế như vậy, làm sao có thể đối phó được hiểm họa CS, với chính quyền Hồ chí Minh có quân đội đã từng đánh thắng quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, và đảng CS với cán bộ đã được rèn luyện trong chiến đấu ? Bất cứ lãnh tụ nào thật sự yêu nước đều phải lập ra một chính quyền có khả năng cai trị toàn miền Nam, từ Nam vĩ tuyến 17 đến tận mũi Cà Mâu, có quyền chỉ huy quân đội, công an, cảnh sát, và có đầy đủ chủ quyền trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, tài chánh, ngoại thương, quan thuế v.v… và không còn bị chi phối bởi tàn tích thực dân nào cả. Miền Nam cần một chính quyền thực sự có nền độc lập quốc gia, mới có thể lôi cuốn được sự ủng hộ của dân chúng để chống CS.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm biết qúa rõ điều này, và cố gắng làm hết mình để đạt mục đích ấy. Các anh em ông, nhất là hai ông Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Nhu và các cộng tác viên như các ông Trần chánh Thành, Trần trung Dung, Nguyễn văn Châu và nhiều vị khác nữa vận động các giới, các tôn giáo, các nhân sĩ cùng các giai tầng trong nước, để ủng hộ thủ tướng Diệm. Hoa Kỳ cũng cho rằng miền Nam phải thực sự độc lập, Pháp phải từ bỏ các đặc quyền thực dân, chính thể miền Nam mới được dân chúng ủng hộ trong sự nghiệp bảo vệ tự do chống CS. Trong giai đoạn này họ tích cực ủng hộ ông Diệm.

Ngoài sự ủng hộ của nhiều tầng lớp dân chúng và Hoa Kỳ, thủ tướng Diệm cũng gặp may là các thuộc địa Pháp tại Bắc Phi nổi dậy và nước Pháp phải lo đối phó, như cần rút quân về để đánh dẹp kháng chiến Angêri. Ông căn cứ vào các thỏa ước đã ký kết, thừa nhận và hoàn thành nền độc lập của VN, để đòi Pháp trao trả các quyền tự chủ và tài sản của một quốc gia độc lập mà Pháp còn sử dụng hay nắm giữ. Hai tháng sau ngày chính thức nắm quyền, chính quyền của thủ tướng Diệm được Pháp chịu giao trả dinh Norodom, từng tượng trưng cho chính quyền Pháp tại VN và Đông Dương lâu nay, cũng như phủ toàn quyền tại Hanoi. Thủ tướng Diệm tiếp nhận và ông đổi tên là dinh Độc Lập. Bốn ngày sau, tức 11/9/54, Pháp đồng ý hủy bỏ các tòa án hỗn hợp Pháp – Việt và cũng chấp nhận trên nguyên tắc chuyển sự điều hành tư pháp, cảnh sát, an ninh công cộng và hàng không dân sự cho chính phủ Ngô Đình Diệm. Giới thực dân Pháp phải chuyển lại quyền hành mà lâu nay họ nắm giữ, nhưng họ đâu có vui lòng. Đây có lẽ là một trong những nguyên ngân chính đưa đến vụ thử thách đầu tiên mà thủ tướng Diệm phải đối phó: vụ tướng Nguyễn văn Hinh, tham mưu tưởng quân đội quốc gia còn phụ thuộc quân đội Pháp, bất tuân lệnh và chống lại thủ tướng.

Bất cứ nguyên thủ quốc gia nào, ông Diệm cũng vậy, phải nắm toàn quyền chỉ huy và kiểm soát quân đội. Nếu không có quyền chỉ huy quân đội và hệ thống an ninh, thủ tướng chỉ làm bù nhìn và chính quyền không thể nào tồn tại được. Ban đầu, ông Diệm và các anh em ông cố tìm cách kêu gọi và lôi cuốn tướng Hinh ủng hộ chính phủ. Nhưng ông Nguyễn văn Hinh là hạng người bảo hoàng hơn nhà vua, hướng về nước Pháp hơn người Pháp chính cống, lâu nay chỉ biết phục vụ nước Pháp. Nay một vị quan cũ từ miền Trung được làm thủ tướng như cha y, Nguyễn văn Tâm trước kia, mà lại đòi nước Pháp trả lại quyền hành? Mặt khác có thể Hinh cũng muốn cha ông ta Nguyễn văn Tâm làm thủ tướng trở lại, hoặc đã bị thực dân Pháp xúi dục hay mua chuộc, nên ông lên tiếng chỉ trích thủ tướng Diệm và đòi có một chính quyền mạnh và được dân chúng ủng hộ. Tướng Hinh công khai cho biết đang chuẩn bị đảo chánh, và nói chỉ cần ông cầm ống điện thoại lên là lật đổ được thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Ngày 11/9/1954, thủ tướng chánh phủ cho tướng Hinh nghỉ phép 6 tuần và được lệnh rời khỏi xứ trong vòng 24 giờ. Tướng Hinh chống lại lệnh này bằng cách lái xe mô tô đi chơi trên các đường phố Saigon. Phe đảng Nguyễn văn Hinh điều hành đài phát thanh quân đội lên tiếng đả kích kịch liệt thủ tướng Ngô Đình Diệm hàng ngày cho đến khi đại tá Lansdale thuyết phục và cả mua chuộc được trung uý Nguyễn văn Minh phụ trách đài phát thanh này, thì sự đả kích mới giảm bớt rồi chấm dứt.

Các lãnh tụ Bình Xuyên và các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, cũng ra mặt ủng hộ tướng Hinh, và chỉ trích chính phủ. Ngày 16/9/54, họ đưa ra một bản tuyên ngôn với lời lẽ rất đạo đức, đòi chấm dứt tình trạng thối nát và giải thoát xứ sở ra khỏi sự thống trị của ngoại bang. Họ cũng phái Bảy Viễn mang bản tuyên ngôn này sang Pháp trình cho Bảo Đại nữa. Ba ngày sau tức 19/9/1954, tướng Hinh cũng đưa ra lời tuyên bố với báo chí là chống đối thủ tướng Diệm, và bản sao điện tín tướng Hinh đánh qua Pháp thỉnh cầu quốc trưởng Bảo Đại can thiệp. Cũng trong ngày này, thủ tướng Diệm ra thông cáo buộc tội tướng Hinh là bất tuân lệnh chính phủ, là phiến loạn. Tướng Hinh liền dùng một số quân nhân tin cẩn bảo vệ ngôi nhà ông ở. Vài ngày sau, Hinh lại cho chiến xa đậu bao quanh dinh Độc lập. Ba sĩ quan thân tín của Hinh cũng đến bộ quốc phòng đòi bắt tổng trưởng Lê Ngọc Chấn nữa, như đại tá Lansdale đã chứng kiến, khi ông đến bộ quốc phòng hôm ấy.

Vào ngày 20/9/54, 9 trong số 15 tổng trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm từ chức. Những vị này nghĩ rằng chính phủ Ngô Đình Diệm khó lòng tồn tại vì tướng Hinh tuyên bố rằng chính phủ này và quân đội không thể song song tồn tại được. Trong số 9 vị này có kỹ sư Phan khắc Sửu, ông Hồ thông Minh và bác sĩ Pham hữu Chương. Bác sĩ Chương bỏ trốn đi Pháp và bị kết tội là tham nhũng và thâm lạm công quỹ. Thủ tướng Diệm lập chính phủ mới với một số người thân tín. Ông vận động các giáo phái, kêu gọi lòng yêu nước của họ và cũng tìm cách mua chuộc họ khi nào có thể. Vào lúc này, ông Diệm đã được Hoa Kỳ cấp cho một số tiền dùng làm mật phí. Người Mỹ nói chung, kính trọng ông Diệm về vấn đề tiền bạc, vì ông Diệm coi thường của cải vật chất, và có thể nói Ông không giữ riêng cho mình tài sản gì đáng kể.

Trong khi ấy, tướng Hinh chờ lệnh quốc trưởng Bảo Đại để đảo chánh thủ tướng Diệm. Hinh tiếp tục cho xe tăng và binh sĩ bao vây dinh Độc Lập với lý do là để ngăn ngừa CS khai thác vụ khủng hoảng. Không những phe Hinh mà còn nhiều người cũng cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm chắc sẽ bị lật đổ. Nhưng ông Diệm kiên trì và vững tâm đối phó. Bảy Viễn ở Pháp về, sau khi được Bảo Đại tiếp kiến ở Cannes và bắt đầu điều đình với các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo để lập chính phủ do y làm thủ tướng. Đại diện của tướng Hinh và các giáo phái mưu đồ với nhau và thỏa thuận tấn công lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm vào ngày 26/9/1954. Nhưng thình lình, các giáo phái tin cho Bảy Viễn biết rằng họ không đồng ý chấp nhận y cầm đầu một chính phủ mới, và họ cũng chống lại việc tướng Hinh và Bảy Viễn yêu cầu Bảo Đại về nước. Ngày 21/9/54, phe ủng hộ ông Diệm, do bà Ngô Đình Nhu cầm đầu thì phải, tổ chức một cuộc biểu tình và tuần hành lớn để ủng hộ thủ tướng Diệm và đả đảo Pháp. Đoàn biểu tình bị công an xung phong Bình Xuyên chận ngay tại bùng binh chợ Bến Thành, bắn chết 6 người và làm bị thương hàng chục người. Cảnh hỗn loạn xảy ra nhiều nơi trên các đường phố lớn ở Saigon.

Theo linh mục Cao văn Luận, sau vụ này, ông Diệm chán nản, mất tin tưởng, nét mặt buồn thảm, thiểu não, ông cho biết người Pháp không thành thực, họ vẫn dựa vào bọn Bình Xuyên và hai cha con ông Nguyễn văn Tâm/ Nguyễn văn Hinh và phá ông, gây ra những khó khăn, ông không làm được gì, mọi mấu chốt quyền hành đều nằm trong tay bọn này hết. Nhiều người gần ông Diệm khuyên ông ra đi, nhưng ông ở lại và tìm cách đối phó. Việc công an Bình Xuyên bắn vào đoàn biểu tình cho thấy cần phải có lực lượng quân sự. Lúc bấy giờ, các giai tầng trong xã hội và dân chúng nói chung, có thiện cảm với ông Diệm, lòng họ hướng về ông. Ngay cả những người không ưa thích ông, vẫn chấp nhận và ủng hộ ông, vì ông tượng trưng cho tinh thần yêu nước và tự chủ, trong khi Bảy Viễn và hai cha con Nguyễn văn Tâm/ Nguyễn văn Hinh là những kẻ làm tay sai cho Pháp!

Để đối phó, thủ tướng Diệm cho chuyển một số tiểu đoàn từ Bắc và Trung vào Nam, ông cho thay thế một số chỉ huy trưởng, không qua hệ thống Pháp và tướng Hinh, và chỉ thị mật cho một số tỉnh trưởng và quận trưởng tổ chức những cuộc biểu tình quy mô ủng hộ ông, chống thực dân Pháp và Bảo Đại. Tại các thành phố như Nha Trang, Huế và Saigon, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức rầm rộ và liên tiếp, cho thấy phong trào dân chúng ủng hộ thủ tướng Diệm qúa mạnh và công an Bình Xuyên không còn dám đàn áp nữa.

Dĩ nhiên ông Diệm cũng bắt đầu tổ chức một hệ thống công an – cảnh sát riêng, khác với công an Bình Xuyên dưới quyền Lai văn Sang. Ông cũng có tìm sự cộng tác của một số người trước kia phục vụ trong hàng ngũ chống Pháp. Một số sĩ quan trong quân đội quốc gia cũng ra mặt ủng hộ ông và chống tướng Hinh, như thiếu tá Thái Quang Hoàng tại Phan Rang.

Trong khi ấy đại tá Lansdale và phái đoàn quân sự Mỹ dưới quyền ông cũng hoạt động rất tích cực. Một toán do thiếu tá Lucien Conein cầm đầu sẽ gặp lại nữa vào năm 1963 phụ trách công tác phá hoại và tâm lý chiến tại Hà nội, Hải Phòng và miền Bắc trước khi quân đội Pháp rút đi theo hiệp định Geneva. Họ huấn luyện các điệp viên nằm vùng và chôn dấu vũ khí, họ tuyên truyền và vận động đồng bào Bắc di cư vào Nam. Mặt khác, đại tá Lansdale lo ủng hộ thủ tướng Diệm với các công tác công khai, như giúp thành lập một tiểu đoàn phòng vệ phủ thủ tướng với các sĩ quan Phi Luật Tân, và nhất là những vụ vận động, lôi cuốn và mua chuộc bí mật. Trong khi ấy, những người đại diện ông Diệm tiếp xúc với các lãnh tụ chỉ huy các lực lượng quân sự của các giáo phái, kêu gọi lòng ái quốc của họ và cũng điều đình hay mua chuộc, đại tá Lansdale cũng liên lạc không sót một ai, từ Trịnh minh Thế, Trần văn Soái tức Năm Lửa, Lâm thành Nguyên, Nguyễn giác Ngộ, Nguyễn thành Phương, Ba Cụt ..vv..

Việc người Mỹ ủng hộ thủ tướng Diệm chống lại phe thân Pháp gây ra sự bất mãn, rồi sự va chạm giữa các giới thực dân Pháp và người Mỹ. Tuy đã bị đại bại tại Điện Biên Phủ và thừa nhận nền độc lập của quốc gia VN, nhiều người Pháp như các nhà kinh doanh, một số người Việt có Pháp tịch và lâu nay phục vụ Pháp, các chủ đồn điền cao su, trà, cà phê, các công chức Pháp tại các công sở, nhiều sĩ quan Pháp vẫn còn muốn duy trì sự thống trị của Pháp tại miền Nam để khai thác đến tận cùng, bằng cách lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và thay thế bằng một chính quyền tay sai như kiểu nội các Nguyễn văn Xuân, Trần văn Hữu, Nguyễn văn Tâm và Bửu Lộc. Số người Pháp thực dân, vì quyền lợi của họ, ra sức ủng hộ phe chống đối ông Diệm, điển hình là tướng Hinh, phe Bình Xuyên với Bảy Viễn.

Nhưng chính phủ và người Mỹ vận động có kết qUẢ hơn. Ngày 24/9/54, một số nhân vật Cao Đài và 4 lãnh tụ Hòa Hảo tham gia chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong khí ấy, mối bang giao Mỹ – Pháp đem lại những biến chuyển có lợi cho việc ông Diệm đòi Pháp trả lại các quyền tự chủ cho VN. Tháng 9/1954, Pháp đồng ý tham gia tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á do Hoa Kỳ thành lập, để ngăn chận sự bành trướng của phe CS tại ĐNA. Việc Hoa Kỳ lâu nay viện trợ cho quân đội viễn chinh Pháp tại Việt, Miên, Lào, và nay Pháp phải đối phó với các thuộc địa Bắc Phi đòi độc lập hay đang nổi dậy, làm cho người Mỹ có thể dùng áp llực đòi Pháp loại bỏ dần các chính sách hay biện pháp thực dân còn lại tại VN, ví dụ như việc Pháp còn chỉ huy quân đội quốc gia VN, còn đài thọ cho Bình Xuyên và các lực lượng giáo phái bổ sung cho quân đội Pháp, và ngay cả việc dùng ông Bảo Đại làm quốc trưởng nữa. Các đại diện của Pháp và Hoa Kỳ họp tại thủ độ Hoa Thịnh Đốn từ ngày 27 đến 29/9/54 và thỏa thuận với nhau nhiều vấn đề quan trọng: Pháp đồng ý để VN có quyền phát hành tiền tệ bắt đầu ngày 1/1/1955, nghĩa là chấm dứt các hoạt động của ngân hàng Đông Dương, và từ nay VN nhận trực tiếp viện trợ Mỹ không qua trung gian Pháp nữa. Ngoài ra, Pháp cũng chịu hủy bỏ các thỏa ước ký kết tại Pau, Pháp quốc, giữa Bảo Đại và Pháp, cho người Pháp quyền kiểm soát kinh tế, ngoại thương và tài chánh của VN, chuyển quyền chỉ huy quân đội quốc gia cho chính phủ VN, để người Mỹ huấn luyện quân đội Việt, và rút đoàn quân viễn chinh về nước khi nào chính phủ VN yêu cầu.

Những thỏa thuận trên vẫn được giữ kín cho đến khi thủ tướng Pháp Menès France đến viếng Hoa Thịnh Đốn (HTĐ) ngày 20/11/54. Vài tuần lễ sau khi thủ tướng Mendès France về nước, Hạ Viện Pháp thảo luận về những nhượng bộ của Pháp tại HTĐ và và nội các Mendès France bị chỉ trích là đã bán đứng các quyền lợi của Pháp tại VN bằng cách chấp nhận một “giải pháp Mỹ” về VN. Tổng trưởng các xứ lliên kết Guy de la Chambre đứng lên bênh vực các thỏa thuận ở HTĐ. Ông nói rằng hai nươci Pháp và Hoa Kỳ hiệp sức với nhau tại Việt-Miên-Lào và chính phủ VN cam kết không đụng chạm đến các quyền lợi kinh tế, thương mại của Pháp tại VN. Điều này cũng đúng thôi. Hoa Kỳ can thiệp vào VN vì nền an ninh chiến lược của Hoa Kỳ, chứ không phải đến tranh giành các quyền lợi kinh tế của Pháp lâu nay có sẵn tại VN.

Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng ký hai thỏa ước về kinh tế với Pháp ngày 30/12/54 và 30/3/55 bảo đảm các quyền lợi kinh tế của Pháp tại VN, nhất là các đồn điền cao su. Mục đích của thủ tướng Diệm là giải quyết các vấn đề chính trị trước đã. Về chính trị, Pháp phải từ bỏ mọi tàn tích thực dân. VN phải hòan toàn tự chủ và độc lập mới có thể giành được sự ủng hộ và tham gia của dân chúng chống mối đe dọa của CS từ miền Bắc. Về quân sự, Nam VN cần viện trợ quân sự của Hoa Kỳ khi nào bị miền Bắc tấn công với sự trợ giúp của Liên Xô, Trung Cộng và các xứ CS khác, vì nước Pháp không còn có khả năng làm được việc này nữa.

Các điều thỏa thuận tại HTĐ làm cho Pháp không còn có thể đài thọ các lực lượng thân Pháp như từ lâu nay. Pháp sẽ chấm dứt trả lương cho họ. Bắt đầu từ 1955, thủ tướng Diệm nhận viện trợ Mỹ trực tiếp và ông có ngân sách điều hành xứ sở như đài thọ quân đội quốc gia. Như thế, các đơn vị của quân đội quốc gia cũng như các lực lượng quân sự khác phải được đặt dưới quyền chỉ huy của thủ tướng, nếu muốn được đài thọ.

Trong khi ấy, vụ khủng hoảng giữa thủ tướng và tướng Hinh vẫn tiếp diễn. Tướng Hinh và phe thực dân Pháp do phó cao ủy Jean Daridan cầm đầu, tìm mọi cách chỉ trích, đả phá chính phủ và cá nhân thủ tướng Ngô Đình Diệm trên các báo chí tại Pháp, tại Saigon, trên đài phát thanh, trong dư luận. Họ không dám đảo chánh ngay lúc ban đầu, khi thủ tướng Diệm chưa có lực lượng quân sự để bảo vệ chính phủ, vì sợ Hoa Kỳ cúp ngay viện trợ nếu lật đổ chính phủ bằng bạo lực. Còn thủ tướng Diệm vẫn chưa đủ sức trục xuất tướng Hinh ra khỏi xứ. Tướng Hinh cứ dọa đảo chánh hết ngày này đến ngày khác. Có lần đại tá Lansdale phải sắp xếp mời các sĩ quan thân tín của tướng Hinh đáp phi cơ sang Manila, Phi Luật Tân, quan sát và du hí để ngăn ngừa tướng Hinh đảo chánh nếu muốn. Có hôm, sau ngày tướng Hinh dọa đảo chánh, đại tá Lansdale đến dinh thấy chẳng có ai canh phòng cả, còn thủ tướng Diệm vẫn thản nhiên làm việc trên lầu. Sau đấy đại tá Lansdale nhờ tổng thống Magsaysay phái đại tá Arellano, chỉ huy trưởng tiểu đoàn phòng vệ phủ tổng thống Phi, sang giúp việc lập tiểu đoàn phòng vệ cho phủ thủ tướng và huấn luyện quân nhân của tiểu đoàn này như đã nói trước đây.

Ngày 1/10/54, Bảo Đại khuyến cáo thủ tướng Diệm chấp nhận các ông Nguyễn văn Hinh, Bảy Viễn và Nguyễn văn Xuân vào chính phủ. Ông Diệm từ chối. Tướng Hinh nhiều lần yêu cầu quốc trưởng Bảo Đại ủng hộ ông, chống lại thủ tướng Diệm, nhưng Bảo Đại không dám, hay cả không muốn, vì thấy Pháp suy yếu rồi, nay cần Hoa Kỳ giúp. Hơn nữa, tuớng Ely sau khi đi họp ở HTĐ về, cũng cho Bảo Đại biết rằng Pháp đã theo chính sách của Mỹ ủng hộ ông Diệm, và Bảo Đại không nên làm gì gây ra sự bất bình với người Mỹ.

Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ hết lòng ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm. Người Mỹ cho biết họ sẽ can thiệp nếu ông Diệm bị lật đổ. Ngày 15/10/54, trong một báo cáo gởi cho ủy ban ngoại giao thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Mike Mansfield đả kích những âm mưu lật đổ thủ tướng Diệm tại Saigon và nói rằng nếu ông Diệm bị đảo chánh, Hoa Kỳ nên xét tức khắc việc ngưng tất cả các viện trợ cho VN và các lực lượng liên hiệp Pháp tại Đông Dương, ngoại trừ viện trợ nhân đạo. Chín ngày sau, tức ngày 24/10/54, TT Mỹ Dwight Eisenhower gởi một thông điệp đến thủ tướng Ngô Đình Diệm xác nhận lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ, các lời hứa viện trợ và tin cho ông Diệm biết rằng từ đầu năm 1955, Hoa Kỳ sẽ viện trợ trực tiếp cho chính phủ Ngô Đình Diệm, không qua trung gian của Pháp nữa. Trong văn thư này, tổng thống Mỹ cũng hy vọng ông Diệm sẽ thực hiện những cải cách cần thiết.

Đầu tháng 11/1954, TT Eisenhower cử một chiến hữu là tướng Lawton Collins làm đại diện tổng thống và đặc sứ thay thế đại sứ Donald Heth. Tướng Collins đến Saigon ngày 8/11/54 và tuyên bố rằng ông đến VN để mang viện trợ Mỹ có thể có được cho chính phủ Ngô Đình Diệm và chỉ chính phủ Diệm mà thôi. Ngày hôm sau, ông đáp phi cơ lên Đàlạt gặp tướng Ely, cao ủy và tổng tư lệnh quân đội Pháp. Hai ông đồng ý chấm dứt vụ tướng Hinh. Ngày 18/11/54, Bảo Đại triệu tập tướng Hinh sang Pháp tham khảo ý kiến. Dĩ nhiên tướng Hinh đâu có muốn đi. Nhưng Pháp đã thỏa thuận với Mỹ rồi, tướng Hinh không thể cưỡng lại được. Sáu ngày sau, tướng Hinh đáp phi cơ đi Pháp và đến cuối tháng 11/1954, Bảo Đại ra chỉ dụ giải chức tướng Hinh. Thủ tướng Diệm cử tuớng Lê văn Tỵ, một quân nhân ủng hộ ông, làm tham mưu trưởng ngày 10/12/54, nhưng còn phải chấp nhận một người thân Pháp là Nguyễn văn Vỹ làm tổng thanh tra.

Như thế, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã vượt qua thử thách đầu tiên trong khi giành lại dần chủ quyền từ tay Pháp thực dân, ông cũng loại trừ được một người Việt dân Pháp (Nguyễn văn Tâm/ Nguyễn văn Hinh), mà lâu nay cả gia đình làm tay sai đắc lực cho Pháp, ra khỏi chức vụ tham mưu trưởng quân đội, và lôi cuốn được một số sĩ quan lâu nay phục vụ trong hàng ngũ Pháp về với chính nghĩa dân tộc, dù đa số có lẽ còn ở trạng thái lưng chừng hay chờ đợi.

Ngày 3/12/54, thủ tướng ký sắc lệnh lập Ngân Hàng Quốc Gia VN một cách gấp rút để có thể hoạt động từ 1/1/55, khi Hoa Kỳ viện trợ trực tiếp cho VN. Trong hai ngày 29 và 30/12/54, ông cũng cho ký kết các thỏa ước về kinh tế và thương mại với Pháp, hủy bỏ các sự phụ thuộc vào Pháp trong hai lãnh vực này, dù thỏa ước ngày 30/12/54 có bảo đảm các quyền lợi kinh tế của Pháp, thí dụ các đồn điền cao su như đã nói đến trước đây. Ông Diệm cũng cho lập ngay Viện Hối Đoái để phụ trách các giao dịch về ngoại tệ của Ngân Hàng Đông Dương mà Pháp đồng ý đóng cửa ngày 29/12/54.

Những thành tích trên làm tăng uy tín, sự kính trọng và lòng tin tưởng của dân chúng vào thủ tướng Diệm rất nhiều. Ông đã tỏ ra là một người yêu nước quyết tâm giành lại chủ quyền dân tộc, và tận diệt các tàn tích thực dân Pháp còn sót lại tại miền Nam. Nhưng sự thử thách từ 7/7/54 chỉ là những trở ngại đầu tiên. Pháp tuy đã nhượng bộ Hoa Kỳ, vẫn tìm cách đánh đổ thủ tướng Diệm. Tháng 12/1954, khi họp với ngoại trưởng Foster Dulles và ngoại trưởng Anh Anthony Eden, thủ tướng Pháp Mendes France còn đề nghị rằng Hoa Kỳ có thể thay thế thủ tướng Diệm bằng hai cách: hoặc Bảo Đại cử Trần văn Hữu hay Nguyễn văn Tâm hay bác sĩ Phan huy Quát làm phó vương, toàn quyền giải quyết sự xung đột tại Saigon, hoặc Bảo Đại về nước lập chính phủ với Trần văn Hữu làm thủ tướng, Nguyễn văn Tâm phụ trách nội vụ và bác sĩ Phan huy Quát quốc phòng. Chính phủ Pháp Menes France muốn tái diễn lại trò thống trị VN, nhưng bị bác bỏ.
Năm kế tiếp đem lại những khó khăn mà đa số quan sát viên cho rằng thủ tướng Diệm khó lòng vượt qua nổi, nhưng làm nổi bật lòng yêu nước nồng nàn, đức tính can đảm và gan dạ và sự tin tưởng vào khả năng của ông…

("Những Ngày Cuối Cùng Của TT Ngô Đình Diệm", chương hai, trang 65-83)


 THỦ TƯỚNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

GIÀNH LẠI CHỦ QUYỀN: GIAI ĐOẠN CỰC KỲ GAY CẤN

Trong năm 1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm phải đối phó với 5 vấn đề trọng đai. Trước hết đồng bào miền Bắc bắt đâu di cư vào Nam ngày 14/1/1955. Mười ngày sau, số người di cư lên đến 200,000 và trong tháng sau, con số vượt qúa 800,000 người. Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho lập phủ Tổng Uỷ Di Cư với sự giúp đỡ của Pháp và nhất là của Hoa Kỳ. Số đồng bào di cư được chuyên chở dần vào Nam và định cư tại những nơi thiết yếu do ông Diệm đích thân chọn lư.a.

Vấn đề thứ hai là thái độ thù nghịch của quân đội và thực dân Pháp. Lúc bấy giờ Pháp chủ trương rút quân về để đối phó với vụ dân xứ Angêri, Bắc Phi Châu, nổi dậy, nơi có cả triệu người Pháp sinh sống. Nhưng các giới thực dân và một số sĩ quan Pháp vẫn còn muốn duy trì chế độ thực dân dưới hình thức “quốc gia VN dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại”. Họ vẫn tìm đủ mọi cách phá chính phủ và cá nhân thủ tướng Diệm, họ tiếp tục đả kích trên báo chí, sách, đài phát thanh, bịa đặt và loan tin bất lợi cho chính phủ và nhất là tăng cường sức mạnh cho phe Bình Xuyên và các giáo phái, rồi xúi dục và tìm cách mua chuộc các phần tử này chống chính phủ. Tình trạng này đưa đến khó khăn thứ ba là chính phủ Ngô Đình Diệm khó lòng tránh khỏi sự xung đột với phe Bình Xuyên và các giáo phái vì không có chính phủ nào thật sự là chính quyền của một nươc độc lập, lại chấp nhận nạn “sứ quân” hay nhiều lãnh chúa địa phương, do ngoại bang giựt dây đươ.c.

Vấn đề thứ tư là thái độ là thái độ của tướng Lawton Collins. Ông này lâu nay là một quân nhân thuần túy, có am hiểu gì về Á Châu và VN đâu. Ông được cử sang Saigon vì ông là một chiến hữu thân cận và tín cẩn của TT Eisenhower. Trong khi tiếp xúc với tướng cao ủy Pháp Ely, và thủ tướng Ngô Đình Diệm, tướng Collins cảm thấy gần gũi và thông cảm với tướng Ely hơn, vì cả hai đã từng chiến đấu và là bạn thân với nhau trong đệ nhị thế chiến (1939-1945). Tướng Collins cho rằng ông Diệm là người khó tính, ông không biết nhân nhượng với Bình Xuyên và các giáo phái, vì họ cũng đều chống CS cả mà. Như thế thủ tướng Diệm có thể gặp nguy cơ là mất hẳn sự ủng hộ tuyệt đối cần thiết của Hoa Kỳ, trong việc giành lại chủ quyền từ thực dân Pháp. Vấn đề cuối cùng là việc tiếp thu các vùng do chính phủ Hồ chí Minh giao lại, vùng Cà Mâu vào ngày 8/2/55 và vùng Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và một phần Quảng Nam ngày 22/4/55.

Những thành tích đầu

Đầu năm 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm trực tiếp nhận viện trợ Mỹ, và bắt đầu trả lương quân đội và công chức với ngân sách quốc gia, không còn tùy thuộc gì vào Pháp nữa. Như thế quân đội tùy thuộc chính phủ, và đầu tháng 2/1955, Pháp cũng ngưng trả lương cho các lực lượng bổ xung cho quân đội Pháp là phe Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hảo. Đây là một yếu tố quan trọng trong qúa trình giành lại chủ quyền của xứ sở trong mọi lãnh vực từ thực dân Pháp. Ngày 12/2/55, chính phủ thâu hồi lại quyền quản trị thương cảng Saigon từ tay Pháp. Trước đấy ngày 21/1/55, thủ tướng chính thức yêu cầu Pháp chấm dứt việc huấn luyện quân đội VN. Đến ngày 11/2/55, tướng Pháp Agostini và tham mưu trưởng Lê văn Tỵ ký thỏa ước chuyển tất cả trách nhiệm về quân đội VN cho chính phủ VN. Điều này không làm cho một số sĩ quan lâu nay theo Pháp hay thân Pháp hài lòng. Họ muốn có một chính phủ khác, chứ không phải chính phủ Ngô Đình Diệm nắm quyền chỉ huy quân đô.i. Nhưng bây giờ thủ tướng Diệm nắm giữ quyền trả lương cho họ, ông được Hoa Kỳ ủng hộ, và gương túớng Hinh mất chức còn sờ sờ trước mắt. Họ biết rằng từ nay viêc huấn luyện quân dội cũng do Hoa Kỳ phụ trách nữa. Như vây, điều hay nhất và có lợi cho họ là thích nghi với tình thế mới, ngả theo chiều gió ma.nh. Trong số những người này, có những kẻ từ 1945-46, khi dân VN nổi dậy kháng chiến chống Pháp, đã phục vụ trong quân đội Pháp hay trong ngành công an Pháp, có vào Pháp tịch hay không, đã đánh giết trực tiếp hay gián tiếp người Việt, như các ông Trân văn Đôn, Lê văn Kim, Dương văn Minh, Mai hữu Xuân, Trần thiện Khiêm, Đặng văn Quang, Đỗ Mậu …vv….

Về các lực lượng quân sự của các giáo phái, chính phủ Diệm và đại tá Lansdale tìm cách làm cho suy yếu bằng biện pháp chia rẽ và mua chuộc một số chỉ huy quân sự của họ. Trong số những người này, một số ít, nếu không lầm, là có lý tưởng vì dân tộc, còn đa số có thể nói là do quyền lợi cá nhân chi phối, hơn là vì tín ngưỡng và tôn giáo. Lúc bấy giờ, đa số dân chúng ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diê.m. Nếu theo ông Diệm, tức theo chính phủ quốc gia đang loại trừ tàn tích thực dân, là theo chính nghĩa, còn được tiền, quân hàm và chức vụ nữa. Chống ông Diệm nay được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, chắc gì thắng được đâu, như vụ tướng Hinh. Sự vận động hay mua chuộc của chính phủ và đại tá Lansdale rất có kết qủa.

Ngày 15/1/55, một sĩ quan Hòa Hảo là đại tá Nguyễn văn Huê, tham mưu trưởng của ông Năm Lửa Trần văn Soái về với chính phủ và đem theo 3,500 binh sĩ. Họ được sát nhập vào quân đội quốc gia. Trong tháng 3, một sĩ quan Hòa Hảo khác, thiếu tá Nguyễn văn Đay đem về 1,500 binh sĩ nữa, phục tùng thủ tướng Diê.m. Nhưng sự thành công lớn nhất của ông Diệm, với sự hỗ trợ của ông Lansdale, là lôi cuốn được ông Trình Minh Thế về với chính phủ. Ông Thế là một cán bộ quân sự Cao Đài, trước kia được quân đội Nhật huấn luyện, có lý tưởng dân tộc, chống cả thực dân Pháp và CS. Ông tách rời các đơn vị dưới quyền ông ra khỏi các lực lượng Cao Đài bổ sung cho quân đội Pháp, ăn lương Pháp và do Pháp trang bị, lập quân đội quốc gia liên minh, và Mặt Trận Liên Minh. Ông Thế lấy núi Bà Đen ở Tây Ninh làm căn cứ, và đánh lại cả quân Pháp và CS. Dân chúng vùng ông Trình Minh Thế kiểm soát mến phục và ủng hộ ông, vì ông đối xử công tâm và chăm lo cuộc sống của họ. Đại tá Lansdale mang thư của thủ tướng Ngô Đình Diệm đến căn cứ của ông tại núi Bà Đen, và được đưa đi quan sát các đơn vị và cơ xưởng chế tạo vũ khí, như súng máy nòng 50 li, súng M-1 và máy thâu phát thanh nữa. Ông Thế chấp nhận lời thủ tướng mời về cộng tác. Ngày 13/2/55, ông dẫn 2,500 binh sĩ đi diễn hành qua các đường phố như đại lộ Thống Nhất, đuờøng Tự Do, Lê Lợi đến bùng binh trước sở Ngân Khố, ngang qua khán đài có thủ túng Ngô Đình Diệm và nhiều nhân vật Việt và ngoại quốc. Các binh sĩ Liên Minh dưới quyền ông Thế được sát nhập vào quân đội quốc gia, và ông Thế mang quân hàm thiếu tướng. Vụ tướng Thế về thần phục chính phủ làm uy tín và thanh thế của thủ tướng Diệm tăng lên rất nhiều. Nhưng người Pháp rất bất mãn và thù hằn tướng Thế, vì ngày 31/7/51 ông đã cho cảm tử quân mang lựu đạn nổ giết chết tướng Chanson, chỉ huy quân đội Pháp tại Nam Bộ và thủ hiến bù nhìn Thái Lâïp Thành tại Trà Vinh. Hai năm sau, tức 1953, ông Thế lại gây ra một vụ nổ lớn trước nhà hát Saigon, sau này là Hạ Viện, để giết hại sĩ quan Pháp nhưng lại trúng người qua đường. Người Pháp bảo rằng chiến đấu như thế là dã man, còn việc họ giết hại dân lành Việt dĩ nhiên đâu có gì là dã man !

Một số lãnh tụ Hòa Hảo như ông Nguyễn gíác Ngộ và Lâm thành Nguyên mà đại tá Lansdale đã từng gặp tại bản doanh ông Năm Lửa Trần văn Soái, cũng đến tìm ông Lansdale tại nhà ông ở Saigon và mặc cả về số tiền và vũ khí cấp cho họ khi họ về với chính phủ, ông Lansdle viết trong hồi ký ông bảo là không có.

Trong khi đối phó với các giáo phái, thủ tướng Diệm cũng chú trọng đặc biệt đến phe Bình Xuyên. Các đơn vị Bình Xuyên dưới quyền Bảy Viễn trấn giữ Chợ Lớn và một số địa điểm tại Saigon, chúng được thực dân Pháp giúp thêm vũ khí vả cố vấn. Ngành cảnh sát, công an vẫn ở dưới quyền Lai văn Sang, một thân tín của Bảy Viễn. Như thế, chính phủ Ngô Đình Diệm vẫn còn bị uy hiếp ngay tại thủ đô.

Đến tháng 1/1955, giấy phép mở sòng bạc Đại Thế Giới hết hạn. Thủ tướng Diệm ban bố một số nghị định đóng cửa sòng bạc Đại Thế Giới và bài trừ cũng như trừng phạt các tệ đoan như cờ bạc, đĩ điếm, thuốc phiện và ma túy. Ông cũng yêu cầu Bảo Đại thâu hồi lại đạo dụ cử Lai văn Sang làm tổng giám đôc công an, cảnh sát để ông cử một người khác thay. Thông điệp trả lời của Bảo Đại bày tỏ sự tín nhiệm đối với ông Diệm, nhưng không đả động gì đến yêu cầu trên. Đối với Bảo Đại, đây có lẽ là cơ hội ngăn chận hay giảm bớt sự gia tăng dần uy tín và quyền thế của thủ tướng Diệm. Mặt khác, sự đóng cửa sòng bạc và việc đặt các tệ đoan ra ngoài vòng pháp luật, sẽ làm cho Bảy Viễn và Bảo Đại mất một mối lợi khổng lồ. Một số tay chân của Bảy Viễn và Bảo Đại tại thành phố nghỉ mát Cannes, Pháp quốc, nơi Bảo Đại đang trú ngụ, và ở Saigon, cùng thực dân Pháp hợp sức với nhau để đối phó với thủ tướng Diệm.

Bình Xuyên và thực dân Pháp

Ngày 5/3/55, Bảy Viễn mời đại diện các giáo phái họp tại Chợ Lớn. Ông nói rằng miền Nam cần một chính phủ tốt hơn là chính phủ do ông Diệm “điên” cầm đầu. Nếu các giáo phái và Bình Xuyên đoàn kết lại với nhau, họ có thể đòi nắm giữ các bộ then chốt về tài chánh, kinh tế và để ông Diệm làm vì mà thôi. Nếu họ liên minh với nhau về quân sự thành một đạo quân hùng mạnh, ông Diệm sẽ hoảng sợ và phải chấp nhận những yêu sách của họ. Việc này đâu có khó khăn gì! Các đại diện giáo phái nghe rất êm tai và đồng ý vì ai cũng có tham vọng mở rộng khu vực thống trị của mình, có thêm quyền hành và lợi tức. Họ thành lập một mặt trận Liên Minh và cử ông hộ pháp Phạm công Tắc của đạo Cao Đài làm lãnh tụ và ông Ba Cụt Lê quang Vinh làm tư lệnh quân sự. Bảy Viễn cũng cam kết đặt các lực lượng Bình Xuyên dưới dưới quyền của ông Ba Cụt nếu xảy ra xung đột với chính phủ. Người đại diện Bảo Đại tại Saigon là ông Nguyễn Đệ cho vài người thân tín đến dự phiên họp này, và cổ võ việc chống lại thủ tướng Diệm. Các tướng Trình minh Thế và tướng Cao Đài Lê Thành Phương cũng dự phiên họp này. Theo ông Lansdale, khi hai tướng trên thuật lại cho ông biết về việc tham gia mặt trận, ông giải thích cho hai người này hiểu, nhất là tướng Thế, về việc họ tham gia mặt trận chống chính phủ là không phải. Tướng Thế đã về với chính phủ rồi, còn tướng Phương đang chuẩn bị sát nhập các đơn vị dưới quyền ông vào quân đội quốc gia, vậy làm sao hai ông lại đứng vào phe chống chính phủ, và ông thuyết phục họ rời bỏ mặt trâ.n. Về vụ này có người bảo răng hai ông Thế và Phương làm thế để được chi thêm tiền. Nhưng có thể rằng ông Diệm đã dặn riêng hai ông tham gia mặt trận, để biết rõ thêm về phe chống đối và mưu đồ của Bảy Viễn.

Sau đấy, Bảy Viễn tổ chức một phiên họp khác của mặt trận, để quyết định về việc gởi tấu hậu thư cho chính phủ. Hai túng Thế và Phung cũng đến họp, rồi lên tiếng phản đối và rút lui ra khỏi mặt trận. Tuy vậy ngày 22/3/55, mặt trận vẫn gởi tối hậu thư đến thủ tướng Diệm, và báo cho ông đến ngày 27/3 tức 5 ngày sau phải thỏa mãn các yêu sách của họ. Nếu không, họ sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết. Thủ tướng Diệm bình thản đề nghị điều đình với mặt trận. Ông nói rằng ong có kế hoạch giúp cho tất cả những người yêu nước tham gia với ông trong việc xây dựng một cơ sở bền vững và lâu dài cho quốc gia. Mặt trận bác bỏ lời điều đình này. Phe Bình Xuyên đặt súng cối vào những vị trí để có thể bắn vào dinh Độc Lập, nếu ông Diệm không chấp nhận tối hậu thư của họ.

Dần dần, dân chúng Saigon – Chợ Lớn biết về vụ khủng hoảng này và tình hình trở nên căng thẳng với số tin đồn đãi. Trong giới ngoại kiều tại thủ đô, nhất là trong số người Pháp và người Việt vô dân Tây, có tin rằng quân đội quốc gia gần như nổi loạn, các sĩ quan và binh sĩ đều chống thủ tướng Diệm. Loại tin này được truyền đến người Mỹ. Theo ông Lansdale, các giới cao cấp Pháp và Mỹ đều tin như vậy, mặc dầu ông thân chinh tiếp xúc với các tiểu đoàn Việt, thấy tinh thần họ rất cao, họ sẵn sàng chiến đấu ủng hộ chính phủ. Toà đại sứ Mỹ và phủ cao ủy Pháp đã gởi về HTĐ và Ba Lê các báo cáo về sự bạc nhược và không có tinh thần chiến đấu của quân đội quốc gia VN. Còn báo cáo của đại tá Lansdale được điện thẳng về trụ sở trung ương tình báo CIA tại Langley, tiểu bang Virgina, và đệ trình thẳng lên ông tổng giám đốc Allen Dulles.

Trước tình thế căng thẳng và khẩn trương, một số tổng trưởng trong chính phủ mất tinh thần và xin từ chức. Trong số này, đáng kể nhất là tổng trưởng quốc phòng Hồ thông Minh. Trước kia, khi lập lại nội các, tướng Lawton Collins đề nghị ông Diệm cử bác sĩ Phan huy Quát làm tổng trưởng quốc phòng, nhưng ông Diệm không chịu và cử ông Hồ thông Minh. Việc này làm cho ông tướng Collins bất bình. Ông than phiền rằng ông Diệm nghe lời các em ông, ông Luyện, ông Nhu, hơn là ông. Nay tình thế trở nên khẩn trương, ông HoÀ thông Minh từ chức, mặc dầu tướng Collins và đại tá Lansdale đến gặp và yêu cầu ông đừng từ nhiệm. Ông Minh không chịu, nhưng thừa nhận rằng ông chưa tiếp xúc với đơn vị quân đội nào cả để tìm hiểu thái độ và tinh thần của họ. Ông tin rằng quân đội quốc gia sẽ không chiến đấu chống Bình Xuyên và các giáo phái nên ông rời bỏ chức vụ và đi khỏi Saigon.

Sáng ngày 29/3/55, nghĩa là sau khi tổng trưởng quốc phòng HoÀ thong Minh từ chức, đại tá Lansdale và trung úy Redick thuộc phái đoàn quân sự Saigon, tức một cán bộ CIA khác, đến gặp ông Diệm tại dinh Độc Lập. Tình trạnh dinh Độc Lập không còn giống như thời tướng Hinh dọa đảo chánh. Tiểu đoàn phòng vệ đang bố trí tác chiến vì nghe đồn Bình Xuyên sắp tấn công. Ông Lansdale xem xét lại hệ thống điện thoại vô tuyến mà người Mỹ đã thiết lập trong dinh Độc Lập cạnh phòng ông Diệm, để ông liên lạc với các nơi trong trường hợp sự liên lạc bình thường bị cắt đứt. Đai tá Lansdale cũng cho ông Diệm biết rằng ông được lệnh không đến dinh Độc Lập và xử dụng hệ thống vô tuyến này nếu xảy ra sự xung độ giữa những người quốc gia VN.

Thủ tướng Diệm trải một bản đồ Saigon – Chợ Lớn trong văn phòng ông và chỉ ch ông Lansdale thấy những nơi được báo cáo là Bình Xuyên đã đặt súng cối để bắn vào dinh Độc Lập. Đến nay Bình Xuyên mới có súng cối 60 ly, nhưng có tin họ đang vận động với Pháp để có được súng cối 81 ly. Nếu Bình Xuyên có súng cối 81 ly thì nguy hiểm hơn nhiều vì súng cối 60 ly không làm hư hại các bức tường dày của dinh lắm, nếu người ta núp sau những bức tường này. Đại tá Lansdale nhận thấy ông Diệm rất bình tĩnh và tự chủ, ông trình bày như một vị sĩ quan thuyết trình về một đề tài, hình như không bận tâm về việc ông là mục tiêu tấn công của phe Bình Xuyên.

Khi ông Lansdale hỏi về cựu tổng trưởng quốc phòng Hồ thông Minh, ông Diệm cười chua chát nói rằng ông Minh đã đi Đàlạt, nơi những người thuộc phe Bảo Đại đang tụ họp. Ông Diệm cho biết ông thân chinh nắm giữ bộ quốc phòng và các chỉ huy quân sự hài lòng về việc này. Họ rất bất mãn về các tin đồn là họ sợ Bình Xuyên và không có tinh thần chiến đấu. Thủ tướng Diệm đã tiếp xúc với các vị chỉ huy của các đơn vị, họ xác nhận lòng trung thành với chính phủ và sẵn sàng chiến đấu. Ông đã phái ông Trần trung Dung, tổng trưởng tại phủ thủ tướng, sang làm việc tại bộ quốc phòng để điều hành công việc hàng ngày.

Đại tá Lansdale cũng thảo luận với ông Diệm về những biện pháp nào để tránh xung đột giữa Bình Xuyên và chính phủ. Ông Diệm đáp rằng ông đã đề nghị điều đình với các lãnh tụ mặt trận. Nhưng Bảy Viễn cho thấy rõ rằng y chỉ muốn ông Diệm bị giải chức hay làm vì và để ý và phe y lên cầm quyền. Đây là vấn đề liêm chính và đạo đức cho đất nước. Lâu nay Bảy Viễn đã làm giàu với sự độc quyền cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện lậu. Y đã củng cố vị trí bằng cách ăn chia với Bảo Đại. Nay y và đồng lõa còn muốn dùng bạo lực để nắm chính quyền. Là một người yêu nước, ông Diệm không thể nào để một việc như vậy xảy ra được. Ông Diệm đưa dần vào Saigon các tiểu đoàn mà ông tin cậy được vào các vị chỉ huy như 3 tiểu đoàn Nùng, rồi giữa tháng 3, hai tiểu đoàn dù dưới quyền đại tá Đỗ cao Trí. Các đơn vị này cộng vào số binh sĩ của tướng Thế, đại tá Huê và thiếu tá Đày làm cho thế quân sự của chín hphủ vững mạnh hơn trước nhiều, so với số độ 4000-5000 quân Bình Xuyên tại Chợ Lớn – Saigon.

Từ lúc cầm quyền đến nay, thủ tướng Diệm vẫn được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Mọi việc xảy ra tại Saigon đều được tòa đại sứ Mỹ và đại tá Lansdale báo cáo về bộ ngoại giao và trung ương tình báọ Ngày 8/3/55, nghĩa là chỉ vài ngày sau khi Bảy Viễn và các giáo phái họp ở Chợ Lớn lập mặt trận chống thủ tướng Diệm, ngoại trưởng Foster Dulles xác nhận lại việc Hoa Kỳ ủng hộ thủ tướng trong một bài diễn văn truyền hình. Cũng trong ngày này, 7 tiểu đoàn quân đội với trọng pah1o và chiến xa đã hành quân dẹp chiến khu Ba Lòng trong tỉnh Quảng Trị do đảng Đại Việt lập ra với một số quân nhân ly khai. Cuộc hành quân này cho thấy quân đội sẵn lòng đánh dẹp các vụ nổi dậy chống chính quyền hợp pháp. Ngày sau tức 9/3/55, TT Eisenhower gởi thông điệp cảnh cáo Bảo Đại đừng làm khó dễ thủ tướng Diệm.

Nhưng đến ngày 25/3/55, tức 3 ngày sau khi mặt trận gởi tối hậu thư đến ông Diệm, Bảo Đại kêu gọi ông Diệm hãy thống nhất, kết hợp và liên kết với Bình Xuyên và các giáo phái, tức Bảo Đại muốn ông Diệm nhượng bộ, hai ngày sau, tức ngay tối hậu thư của mặt trận hết hạn, và khi chắc đã vận động tướng Nguyễn thành Phương của giáo phái Cao Đài về phe chính phủ, thủ tướng Diệm ra lệnh cho các tiể đoàn dù dưới quyền đại tá Đỗ cao Trí đánh chiếm trụ sở cảnh sát và tòa nhà mật thám tức công an dưới quyền Bình Xuyên trên đại lộ Galliéne (sau đổi tên là Trần Hưng Đạo). Quân dù đánh chiếm được sở cảnh sát nhưng Bình Xuyên còn giữ được tòa nhà công an. Ngày sau, ông Diệm ra lệnh đánh chiếm luôn tòa nhà công an. Nhưng trước khi vụ tấn công bắt đầu, cao ủy Pháp tướng Ely can thiệp và ông Diệm phải hoãn lại vụ tấn công một cách miễn cưỡng. Ngày 29/3/55, tướng Nguyễn thanh Phương, tư lệnh các lực lượng Cao Đài, ra công khai ủng hộ chính phủ. Đây là một thắng lợi chính trị đáng kể cho thủ tướng Diệm và làm suy yếu mặt trận chống đối. Đến nữa đêm hôm ấy, Bình Xuyên cho nã súng cối vào dinh Độc Lập. Quân đội chính phủ và Bình Xuyên xung đột với nhau, súng nổ tại nhiều nơi, trên đại lộ Galliéni, gần tòa nhà công an và rải rác vùng ranh giới Saigon – Chợ Lớn. Đại tá Lansdale lái xe đi quan sát, thấy các đoàn xe chở binh sĩ Việt đến các nơi xung đột bị xe tăng và thiết giáp Pháp ngăn chận và phải quan đầu lại trở về. Cuộc đụng độ kéo dào độ 3 giờ, rồi tướng Pháp Paul Ely với sự tán thành của tướng Lawton Collins, buộc thủ tướng Diệm ngưng chiến.

Như thế ông Diệm cố gắng thiêt lập chính quyền cho toàn quốc và tại ngay thủ đô thì bị 2 ngoại bang ngăn chận.

Về phần Pháp, tướng Paul Ely, cao ủy Pháp, lý luận rằng ông sợ nội chiến lan rộng và ông có trách nhiệm bảo vệ Pháp kiều và ngoại kiều khác nên ông can thiệp buộc hai bên ngưng chiến, dù ông chấp nhận nước Pháp sẽ không còn liên hệ về chính trị với quốc gia VN và cố vấn Mỹ sẽ thay thế cố vấn Pháp. Ông cảm thấy phải làm trọng tài trong cuộc xung đột giữa thủ tướng Diệm và các giáo phái, ông muốn tạo nên sự thông cảm và hòa hợp giữa ông Diệm và những người Pháp còn có quyền lợi tại VN. Mối quan tâm khác của ông là sự bất mãn và va chạm càng ngày càng gia tăng giữa người Pháp và người Mỹ tại Saigon về những quan điểm bất đồng đối với ông Diệm và giáo phái. Còn đa số người Pháp tại Saigon cũng như dư luận và báo chí tại Ba Lê đều không hài lòng về việc nội các Menès France chấp nhận chính sách của Hoa Kỳ về VN và ủng hộ chính phủ Diệm. Người Pháp thấy lòng tự ái thực dân và những quyền lợi thống trị về kinh tế và chính trị của họ bị tổn thương, vì lập trường quốc gia quyết liệt không nhân nhượng của ông Diệm trong việc giành lại chủ quyền và chấm dứt chế độ thực dân vàng son của họ. Đại đa số báo chí Pháp chỉ trích thủ tướng Diệm và việc Hoa Kỳ ủng hộ ông, ngay cả trước khi sự xung đột với Bình Xuyên giáo phái xảy rạ Một số thường xuyên phao tin bất lợi và tiên đoán rằng chính phủ Diệm gần sụp đổ. Thực dân Pháp biết rằng họ chỉ còn hy vọng tạo nên một chính phủ tay sai kiểu Xuân, Hữu, Tâm nếu ông Diệm thât bại, không dẹp được Bình Xuyên và các giáo phái. Vì thế, họ mở một chiến dịch đả kích dữ dội thủ tướng Diệm. Nhiều nhà báo Pháp miêu tả ông Diệm là cứng rắn, bất lực, ông sẽ làm nguy hại cho sự sống còn của Nam VN. Họ tố ông là yếu kém, không được dân chúng ủng hộ và không có khả năng ngăn chận CS. Đây là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp để đối phó với thái độ quyết liệt của ông Diệm giành lại chủ quyền.

Còn về phần người Mỹ nói chung, họ có cảm tình với những cố gắng giành lại chủ quyền của thủ tướng Diệm. Đại tá Lansdale, trưởng phái đoàn quân sự Saigon, tức một toán đặc công đặc biệt của trung uơng tình báo bặp ông Diệm hàng ngày, có thiện cảm với ông và hết lòng giúp ông, tức thực thi chính sách của TT Eisenhower là ủng hộ ông Diệm lập nên một chính quyền quốc gia vững mạnh chống lại được sự bành trướng của CS. Nhưng người Mỹ có vai trò quyết định tại Saigon là đặc phái viên của tổng thống, tức tướng Lawton Collins. Ông này đã làm bổn phận cứu chính phủ Diệm trong tháng 11/1964, bằng cách dùng áp lực với Pháp buộc tướng Hinh phải rời Saigon đi Pháp, rồi bị giải nhiệm trở lại không quân Pháp. Nhưng tướng Collins không hiểu gì về tình hình VN. Ông cho rằng ông Diệm búng bỉnh, khó giao thiệp và trao đổi ý kiến. Ông không hài lòng khi ông Diệm không nghe lời ông cử bác sĩ Phan Huy Quát làm tổng trưởng quốc phòng, nhưng chọn ông Hồ th6ng Minh. Ông ngả dần về quan điểm của cao ủy Pháp Paul Ely. Tướng Collins đi đến kết luận là ông Diệm sẽ thất bại. Ông đệ trình một khuyến cáo mật lên TT Eisenhower đề nghị bỏ rơi thủ tướng Diệm.

Trong khi ấy ông Diệm vẫn cương quyết tiếp tục đối phó với phe Binh Xuyên và giáo phái. Ngày 31/3/55, trong một buổi lễ long trọng, tướng Cao Đài Nguyễn thành Phương đem lại 8,000 binh sĩ diễn hành trong săn dinh Độc Lập và tuyên thệ về theo chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong hai tuần lễ tiếp của tháng 4/1955, tình hình Saigon – Chợ Lớn bắt đầu căng thẳng. Quân đội chính phủ cũn gnhư phe Bình Xuyên củng cố các vị trí của mìn với các bao cát, hàng rào dây thép gai hay bố trí thêm binh sĩ. Có nơi lính hai bên gờm nhau hai bên đường, còn xe cộ và bộ hành lưu thông ở giữa đường.

Các lực lượng Pháp cũng kéo vào thành phố, đậu chiến xa trên các lễ đường và dùng bao cát và giây kẽm gai để lập các vùng gọi là khu vực Pháp, và lính Bình Xuyên có thể di chuyển tự do và công khai với sự bảo vệ của quân Pháp. Ngoài ra, người Pháp còn lập ra một khu vực Pháp, sát cạnh ngay dinh Độc Lập, phe Bình Xuyên cũng tăng cường sự phòng thủ trụ sở cảnh sát dưới quyền họ, sau này là bộ nội vụ, tại đường Catinat, sau đổi tên là đường Tự Dọ

Các khu vực Pháp chiếm độ ½ thành phố Saigon – Chợ Lớn với độ 30,000 lính chưa kể các đơn vị tại vùng ngoại ô. Dân chúng Việt thấy rõ ràng là Pháp uy hiếp chính phủ Ngô Đình Diệm đang thu hồi lại chủ quyền từ người Pháp, và ủng hộ phe Binh Xuyên lâu nay làm tay sai cho Pháp và độc quyền cờ bạc, điẽ điếm và thuốc phiện lậu. Phe Bình Xuyên có độ 4000-5000 lính chia ra chừng 16 tiểu đoàn, với quân số độ 400 người cho mỗi tiểu đoàn với nhiều vũ khí tự động. Pháp có thể đã cấp cho Bình Xuyên loại súng cối 81 ly nguy hiểm hơn súng cối 60 ly mà lauâu nay họ dùng pháo kích dinh Độc Lập. Pháp cấp cho Bình Xuyên 3 pháo thuyền nhỏ để hoạt động trên các sông vùng Saigon – Chợ Lớn. Còn chính phủ Việt chỉ có một hải quâ ntí hon do sĩ quan Pháp chỉ huy. Phòng nhì tức là sở phụ trách tình báo quân sự vẫn do sĩ quan Pháp điều hành, nên thủ tướng Diệm phải tổ chức một hệ thống tình báo riêng để biết về đối phương, do ông Ngô Đình Nhu phụ trách với sự cộng tác của một số người như ông Nguyễn Ngọc Thơ, Mai hữu Xuân và người Hoa như ông Lý Khai. Thủ tướng Diệm chỉ đạo sự bố trí các đơn vị của quan đội quốc gia, chuẩn bị tấn công các vị trí Bình Xuyên khi chiến cuộc bùng nổ, với tướng Lê văn Tỵ và các sĩ quan cấp tá Trần văn Đôn, Dương văn Minh, Nguyễn văn Minh.

Giải pháp thực dân ELY & COLLINS

Trong khi ấy tướng Pháp Ely và tướng Mỹ Collins thỏa thuận với nhau về một giải pháp cho vụ tranh chấp. Trước hết, đại tá Lansdale được giao phó tổ chức một buổi họp Pháp – Mỹ với các giáo phái tại Chợ Lớn. Từng lãnh tụ giáo phái được hỏi ý kiến về tình hình và nhận định của họ đối với chính phủ, do sũ quan Pháp chủ tọạ Lợi dụng buổi họp, đại tá Lansdale tìm cơ hội tiếp xúc với đai tá Thái Hoàng Minh, tham mưu trưởng của Bảy Viễn và lôi cuốn ông về với chính phủ. Ông Thái hoàn gMinh nói sẽ đem về 4 tiểu đoàn cho thủ tướng Diệm vì ông tin tưởng ông Diệm. Nhưng sau đó Bảy Viễn và Pháp nghi ngờ nên ông Minh bị Bảy Viễn cho người đến nhà bắt giết, khi ông về nhà đem vợ con đi theo chính phủ Diệm.

Tình thế trở nên khó khăn cho thủ tướng Diệm. Tại thành phố Cannes, Bảo Đại tỏ vẻ lạnh nhạt, không chịu tiếp kiến ông Ngô Đình Luyện do thủ tướng Diệm phái sang, mặc dầu Bảo Đại và ông Luyện lâu nay thân thiết với nhau. Các người thân tín của Bảo Đại tại Saigon phao tin rằng Bảo Đại sắp về nước. Tin này có phản ứng làm dân chúng nổi dậy chống Bảo Đại vì họ thấy rõ sự liên hệ giữa Bình Xuyên và Bảo Đại. Phe Bình Xuyên cũng gây ra tình trạng bất ổn trong thành phố bằng cách cho nhiều xe “díp” chở lính mặc thường phục chạy qua các đường phố lúc hoàng hôn và bắn bừa bãi gây thuơng tích cho nhiều thường dân. Họ còn khiêu khích các sĩ quan cao cấp của quân đội, khi cho người đi xe díp bắn vào cổng bộ tham mưu đường Galliéne, sau đổi tên là Trần Hưng Đạo, vào một buổi trưa, khi các vị này ra cổng đi ăn cơm trưa, nhưng may không có ai bị gì. Quân Bình Xuyên lộng hành, đại tá tham mưu trưởng Trần văn Đôn đi đường còn bị lính xung phong của Bình Xuyên chọc tức, như ông kể trong hồi ký của ông.

Trong khoảng thời gian này, quân đội quốc gia còn phải nhận đạn được và xăng nhớt từ quân đội Pháp với sự cung cấp rất hạn chế. Tướng Collins còn khuyến cáo thủ tướng Diệm một cách gắt gao không được mở lại cuộc tấn công phe Bình Xuyên. Một phát ngôn của chính phủ tuyên bố ngày 7/4/55 rằng “sự can thiệp của tướng Collins trói buộc tay chân của chúng tôi”

Thủ tướng cũng được 2 tướng Ely và Collins thông báo về giải pháp do hai ông đề nghị đdể giải quyết vấn đề giáo phái. Giải pháp gồm 5 điểm chính:

1/ Chính phủ trở thành lâm thời và liên hiệp với một số người chống ông Diệm. Thủ tướng Diệm trở thành lâm thời và liên hiệp và liên hiệp với một số người chống ông Diệm.
2/ Thủ tướng Diệm sẽ cứ một tổng giám đốc công an cảnh sát mới, vị này phải được chín hphủ liên hiệp và phe Bình Xuyên chấp nhận để khỏi đổ máu.
3/ Một hội đồng lâm thời, sẽ được đề cử và nhóm họp vào ngày 15/5, các giáo phái đề cử 60 đại biểu, dân di cư 10, ông Diệm 10. Hội đồng lâm thời này sẽ góp ý kiến với Bảo Đại nên cử ai làm thủ tướng.
4/ Một hội đồng tối cao danh dự, gồm các lãnh tụ các giáo phái sẽ được cử làm hội đồng tư vấn.
5/ Hai người em trai ông Diệm là ông Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Luyện phải rời xứ trong thời gian này.

Bất cứ người nào, Việt hay nước ngoài, khách quan một chút, đâu cần gì bênh vực cho ông Diệm, cũng thấy rằng với giải pháp như thế, tướng Mỹ Collins đã ngả về chính sách thực dân cố hữa của Pháp là loại trừ ông Diệm, một người Việt yêu nước đang gành lại chủ quyền. Như thế, Pháp có thể tiếp tục thống trị miền Nam qua nhóm tay sai này cho đến tháng 7/1956 rồi tổ chức tổng tuyển cử theo hiệp định Geneva, dâng miền Nam cho CS Hanoi. Pháp khai thác và bóc lột được 2 năm nữa, và sẽ được điểm tốt với CS Hanoi. Tướng Pháp Ely, thủ tướng Menes France hay dân Pháp nói chung, thương gì dân Việt, hay để ý bảo vệ quyền lợi và nền tự chủ của dân tộc VN đâu, ngườ Mỹ Lawton Collins cũng vậy mà thôi...!!

Thủ tướng Diệm đã gởi một thông điệp trả lời thích đáng đề nghị của hai tướng Pháp và Mỹ: nước Pháp đã tạo ra phe Binh Xuyên và các giáo phái bằng cách trang bị vũ khí và nuôi dưỡng họ, nước Pháp lâu nay chia rẽ để trị, nay nước Pháp cần phải giải giới họ là giải quyết vấn đề.

Đại tá Lansdale gặp ông Diệm hằng ngay tại dinh Độc Lập và ông cho tướng Collins biết là không bao giờ ông Diệm chấp nhận một giải pháp như vậy. Đây là một sự khiêu khích với dân Việt hơn là một cách giải quyết vấn đề giáo phái. Nếu công bố giải pháp này, dân Việt sẽ nổi dậy đứng về phe ông Diệm và tình thế trở nên bất ổn. Tướng Collins bảo rằng mục tiêu là làm cho một tình thế sôi bỏng nguội dần để tránh đổ máu. Tướng Collins cần về HTĐ. Ông Lansdale hỏi tướng Collins rằng nên trả lời thế nào với ông Diệm nếu một cuộc xung đột xảy ra, và nếu ông Diệm hỏi rằng Hoa Kỳ còn ủng hộ ông không? Tướng Collins đáp rằng ông Lansdale nên nói là Hoa Kỳ vẫn ủng hộ ông Diệm vì ông là người cầm đầu chính phủ mà Hoa Kỳ thừa nhận và còn thêm răng nếu nghe tin đồn như Hoa Kỳ không còn ủng hộ ông Diệm nữa thì cứ bỏ qua, và cứ bảo ông Diệm rằng Hoa Kỳ vẫn ủng hộ ông.

Tướng Collins về HTĐ ngày 23/4/55. Còn thủ tướng Diệm qua đài phát thanh lên tiếng mời các lãnh tụ Bình Xuyên và các giáo phái đến gặp ông để dàn xếp. Ông thừa nhận rằng chính phủ không còn trả lương cho các lực lượng bổ túc tức Bình Xuyên và các giáo phái, nhưng ông sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này nếu họ sẵn lòng cộng tác với chính phủ. Ông Diệm cũng công bố rằng trong 3 tháng nữa sẽ tổ chức tuyển cử để bầu dân biểu vào quốc hội. Ông kêu gọi toàn dân hãy thống nhất ý chí để thực hiện nền độc lập của xứ sở sau 80 năm bị ngoại bang đô hộ. Ông cũng cho biết rằng quân đội quốc gia có đủ phương tiện chống lại mọi mưu toan bạo động. Trong khi ấy, ông Diệm cũng lo việc tiếp thu các tỉnh trung bộ là Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và một phần Quảng Nam, khi quân kháng chiến rút dân về Quy Nhơn để xuống tài Ba Lan đi ra Bắc.

Trong khi ông Diệm có thái độ dè dặt và nhân nhượng, một phần dân chúng và một số người ủng hộ ông hay cả quân đội, lại hiểu lầm và than phiền là ông kém cương quyết. Sao không thay thế Lai văn Sang ngay trong chức vụ tổng giám đốc công an, cảnh sát và sao không tấn công dẹp Bình Xuyên đang lộng hành giữa thủ đô như vậy ? Họ cảm thấy bất ổn. Thủ tướng Diệm cũng nhận được một điện tín của Bảo Đại bảo nên kéo dài hưu chiến đến cuối tháng 4/1955 và đoài 30 triệu bạc. Nhưng ông Diệm đâu có tiền gởi sang cho Bảo Đại. Trong khi ấy, phòng nhì của quân đội Pháp và các giới thực dân Pháp va chạm nhau với toán CIA dưới quyền đại tá Lansdale, vì các hoạt động đối nghịch nhau. Pháp ủng hộ Bình Xuyên còn Mỹ giúp ông Diệm. Ông Lansdale có bị mưu sát, bắn lén và suýt bị xe vận tải đâm vào xe ông ?

Thời gian căng thẳng

Tháng 4/1955 có thể xem là thời gian căng thẳng nhất trong đời chính trị của ông Diệm, nếu so với cả tháng 10/1963 trước khi ông bị đảo chánh và ám sát. Thủ tướng Diệm có thể nói là không còn chính phủ nữạ. Các tổng trưởng Cao Đài và Hòa Hảo đã từ chức từ cuối tháng 3/1955. Tiếp theo, tổng trưởng quốc phòng Hồ thông Minh và tổng trưởng ngoại giao Trần văn Đỗ cũng thôi việc. Còn tổng trưởng kế hoạch Nguyễn văn Thoại đang làm trưởng đoàn dự hội nghị các quốc gia không liên kết tại Bandung, Indonesia, cũng lên tiếng từ nhiệm và đây là một bất lợi ngoại giao cho thủ tướng Diệm. Nhiều công chức cao cấp trước kia do Pháp hay các nội các tay sai bổ nhiệm cũng xin thôi việc. Nhiều vùng thôn quê ở Nam bộ cũng tiếp tục bị giáo phái hay CS thống trị. Ông Diệm không có đủ người và đơn vị quân đội cần phải gởi đến các vùng mới tiếp thu từ phe CS. Chỉ có một số đơn vị quân đội sẵn lòng ủng hộ chính phủ và chiến đấu chống Bình Xuyên, và chính phủ cần các đơn vị này taị Saigon. Còn các vị chỉ huy các đơn vị khác hoặc thờ ơ, cầu an hoặc không thích ông Diệm hay có thái độ thụ động, chờ xem. Một số chỉ huy quân sự cũng báo cho thủ tướng rằng họ không muốn can dự vào nội chiến. Ông Diệm tìm cách đem thêm vào Saigon vài tiểu đoàn mà ông có thể tin cậy được, nhưng tướng Ely không chịu cấp phương tiên chuyên chở. Quân đội Pháp rất hạn chế trong việc cấp nhiên liệu như xăng nhớt cho các đơn vị của quân đội quốc giạ Tại Saigon, người Pháp tìm cách ngăn chận sự điều động các đơn vị của quân đội Việt nữạ Họ để quân Bình Xuyên tự do di chuyển và mở rộng phạm vi của Bình Xuyên tại Saigon – Chợ Lớn, và chiếm giữ thêm các điểm chiến lược trong thành phố. Ngày 19/4, một phát ngôn của Bình Xuyên tuyên bố với một phóng viên Pháp như sau: “Diệm đang trở nên mỗi ngày một suy yếu thêm. Quân đội không theo ông và các tướng bỏ rơi ông. Bảo Đại khuyến khích chúng tôi cầm cự cho đến khi thanh toán được thủ tướng Diệm. Người Pháp đứng về phe chúng tôi và người Mỹ đang thay đổi thái độ. Nếu Diệm gây chiến, ý sẽ sụp đổ càng chóng hơn và tính mạng y sẽ bị đe dọa”.

Ngoài ra, ông Diệm hình như không còn có thể vận động, lôi cuốn, hay mua chuộc các lãnh tụ các giáo phái được nữạ Ông hộ pháp Cao Đài Phạm công Tắc đả kích việc tướng Cao Đài Nguyễn thành Phương về với chính phủ và nói rằng binh sĩ Cao Đài sẽ không tuân lệnh tướng Phương. Tướng Hòa Hảo Nguyễn Giác Ngộ nuốt lời hứa trong tháng 2 là sẽ đem quân về với chính phủ. Còn các lãnh tụ Hòa Hảo khác như Năm Lửa Trần văn Soái, Lâm Thành Nguyên và Ba Cụt đều bác bỏ sự vận động mới về với chính quyền ngày 23/4/55. Trong khi ấy, thực dân Pháp vận động ráo riết với Bảo Đại để loại trừ ông Diệm. Cựu phó cao ủy Pháp là Jean Daridan chạy đôn đáo từ Saigon đến Cannes, về Paris để vận động Bảo Đại và chính phủ Pháp chống ông Diệm hơn thế nữạ Giới thực dân Pháp tại Saigon còn muốn quân đội Pháp can thiệp trực tiếp vào vụ xung đột về phe Bình Xuyên. Trong khi ấy, dù ham mê cờ bạc và ăn chơi, Bảo Đại vẫn theo dõi tình thế. Ông cảm thấy Hoa Kỳ không còn ủng hộ thủ tướng Diệm như truớc, qua sự phản ảnh của các viên chức cao cấp Mỹ trong báo chí, đài truyền hình, hoặc số ngừơi Mỹ tại Pháp hay Saigon. Có lẽ viè vậy, Bảo Đại sẽ can thiệp vào cuộc xung đột giữa chính phủ và Bình Xuyên.

Đến cuối tháng 4/1955, các quan sát viên cũng như các báo chí Pháp, Anh hay Mỹ, đều cho rằng những ngày làm thủ tướng của ông Diệm không còn bao lâu nữạ Báo chí Pháp nói chung, có thái độ thù nghịch chống ông Diệm ra mặt, và cho rằng sự sụp đổ của ông Diệm là một điều may mắn cho Nam VN. Báo chí Anh tỏ ra tiếc về những nhược điểm của ông Diệm và nhấn mạnh rằng những điều này làm cho sự thất bại của thủ tướng Diệm không thể tránh được. Tại Hoa Kỳ, chỉ một os61 ít báo chí chống ông Diệm, nhưng hầu hết các ba ù okhông còn hy vọng gì chính phủ Diệm có thể tồn tại được. Đa số báo chí, ngay những tờ lâu nay ủng hộ ông Diệm, đều chấp nhận sự kết thúc không may mắn, tức là sự sụp đổ của chính phủ Ngô Đình Diệm vì nội chiến, và sự sụp đỗ này làm cho miền Nam sẽ mất vào tay CS.

Trong khi ấy, ông Diệm vẫn cương quyết đối phó. Ngày 25/4, ông cho đại tá Lansdale biết ông không còn có thể giải quyết ôn hòa được nữạ Hôm sau, ông ký nghị định giải chức Lai văn Sang và cử đại tá Nguyễn Ngọc Lễ làm tổng giám đốc dông an cảnh sát, ông cũng ra lệnh tất cả nhân viên công an cảnh sát lâu nay dưới quyền Lai văn Sang phải đến trình diện đại tá tân tổng giám đốc trong vòng 48 giờ, nếu không, sẽ bị truy tố ra tòa án binh. Qua ngày sau, chính phủ công bố lệnh cấm Bình xuyên di chuyển trong thành phố. Bình Xuyên không tuân lệnh của ch1nh phủ và quân hai bên bắt đầu xung đột tại các nới trong thành phố. Trưa 28/4, quân nhảy dù bắn vao một tòa nhà của Bình Xuyên trên đai lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo) rồi sau đấy, 4 tiểu đoàn dù và một đơn vị thiết giáp tấn công vào các vị trí Bình Xuyên, còn phe Bình Xuyên nã súng cối vào dinh Độc Lập.

Tại Cannes, Bảo Đại đánh điện về ra lệnh thủ tướng cử Nguyễn văn Vỹ làm tổng tham mưu trưởng thay thế tướng Lê văn Tỵ. Lúc bấy giờ tướng Vỹ đang chỉ huy Ngự Lâm Quân tức các tiểu đòan phòng vệ quốc trưởng tại ĐàLạt. Ông Diệm đoán không sai ý đồ của Bảo Đại là sẽ cử tướng Vỹ làm quyền thủ tướng và triệu hồi ông đi Pháp.

Trưa ngày 28/4, đại tá Lansdale được điện thoại của dinh Độc Lập mời vào gặp thủ tướng Diệm gấp. Theo ông Lansdale thuật trong hồi ký “In The Midst Of Wars”, xin tạm hiểu là “Ở Giữa Những Cuộc Chiến Tranh”, khi vào dinh Độc Lập, ông thấy ông Diệm đi tới đi lui dưới hiên lầu 2. Ông Diệm nói là vừa nhận được tin từ HTĐ cho biết là TT Eisnhower đã cho tướng Collins thay đổi chính sách về VN, bỏ rời ông và thay thế bằng một chính phủ liên hiệp. Ông Diệm nhìn thẳng mặt ông Lansdale và hỏi rằng: “tin này có đúng hay không ?” Đại tá Lansdale đáp rằng ông không tin vì tướng Collins đã cam kết với ông rằng Hoa Kỳ vẫn ủng hộ ông Diệm dù có các tin đồn trái ngược, ông sẽ điện về hỏi HTĐ và phải mất nhiều giờ mới có phúc đáp, vì buổi trưa tại Saigon là độ nửa đêm tại HTĐ. Ông Diệm cũng cho biết là đã xảy ra nhiều vụ nổ súng trên các đường phố. Khi lái xe đến dinh Độc Lập, ông Lansdale và trung úy Redick đi với ông đã phải xuống xe để núp khi súng nổ gần dinh Gia Long. Theo ông Diệm, Bình Xuyên đã gây hấn, họ đã có súng cối 81 ly và đặt nhắm vào dinh Độc Lập.

Sau đấy, ông Lansdale lái xe về nhà ở đường Duy Tân. Vừa vào sân nhà, ông nghe tiếng nổ lớn về phía dinh Độc Lập. Cuộc tấn công của phe Bình Xuyên bắt đầu thì phải. Khi ông vào nhà, điện thoại đang reọ, Thủ tướng Diệm gọi ông, giọng bình thản. Ông Diệm nói sẽ kêu điện đàm với tướng Ely và đã sắp xếp với tổng đài để ông Lansdale nghe tiếng nói của tướng Ely và hỏi ông Diệm và Ely nói với nhau bằng tiếng Pháp. Ông Diệm nói rằng Bình Xuyên đã nã súng cối vào dinh Độc Lập, và vụ pháo kích này hủy bỏ cuộc hưu chiến. Tướng Ely bảo không nghe tiếng nổ gì cả từ nhà ông ấy. Nhà tướng Ely ở gần dinh Độc Lập hơn nhà ông Lansdale độ nửa đường và ông Lansdale nghe có tiếng nổ. Ông Diệm có vẻ ngạc nhiên bảo rằng tướng Ely không nghe gì hết về tiếng trái phá nổ tại dinh Độc Lập, rồi tiếng động… rồi điện thoại ngưng nói, giọng ông Diệm trở lại trên đường dây điện thoại, hơi run. Ông hỏi tướng Ely có nghe không ? Một trái phá dã nổ vào tường của phòng ngủ, nơi ông đang nói điện thoại, ông muốn tướng Ely hiểu rằng ông đã không phá vỡ cuộc ngưng chiến, nhưng Bình Xuyên đã làm việc này và ông đã ra lệnh quân đội đánh trả ngay lập tức. Tướng Ely bắt đầu muốn nói gì nhưng ông Diệm chận lời, bảo rằng đã cho tướng Ely biết hết tất cả các sự kiện rồi, và ông hành động. Ông Diệm cúp điện thoại.

Đánh dẹp Bình Xuyên

Chiến sự đã bùng nổ trong thành phố. Các tiểu đoàn bộ binh và một bộ phận thiết giáp đánh vào các vị trí của Bình Xuyên. Nhà báo John Mecklin, phóng viên của tạp chí Time & Life và nhiếp ảnh viên Howard Sochurek đã chứng kiến trận đánh đẹp mắt tại sở cảnh sát trên đường Trần Hưng Đạo, sau đổi tên là Đồng Khánh. Một đại đội bị một tiểu đoàn Bình Xuyên bao vậy và tấn công với súng máy. Nhưng khi quân Bình Xuyên tiến sát gần, đại đội này phản công, làm cho tiểu đoàn Bình Xuyên chạy tán loạn vứt bỏ mũ bê rê màu lục của họ đầy đường.

Quân đội quốc gia đánh vào vị trí Bình Xuyên tại trường trung học Petus Ký và bắt giữ được 37 người Pháp đồng lõa với Bình Xuyên và chiếm khu sòng bạc Đại Thế Giới. Các đơn vị quân đội đều có tinh thần chiến đấu anh dũng, còn số lính Bình Xuyên là loại ô hợp, trước kia là du đãng, tay anh chị, lâu nay cậy thế Pháp để mang vũ khí uy hiếp đồng bào, chứ đâu có lý tưởng và tinh thần gì đâu. Đại tá Lansdale lái xe đi nhiều nơi trong thành phố Saigon – Chợ Lớn, quan sát tình hình để báo cáo về trung ương tình báọ Bình Xuyên đại bại khắp nơi.

Nhưng sở cao ủy Pháp và tòa đại sứ Mỹ tại Saigon đã gởi báo cáo về Ba Lê và HTĐ cho biết tình thế trái ngược, đổi trắng thay đen, do chiến dịch truyền thông xuyên tạc dữ dội của người Pháp tại Saigon. Ngay các bức điện tín đầu tiên của đại tá Lansdale về CIA trung ương tại Hoa Kỳ ở Langley, Virginia, cũng không được cấp trên tin vì nội dung traiùi ngược hẳn với tin tức mà chính phủ Mỹ tại HTĐ nhận được từ các nguồn khác. HTĐ điện cho đại tá Lansdale rằng nếu qủa thật ông Diệm còn sống, còn cầm đầu chính phủ, còn được quân đội ủng hộ như đại tá Lansdale báo cáo, thì các tin này phải được các viên chức cao cấp khác tại Saigon xác nhận. Trong khi ấy, vị sĩ quan tùy viên lục quân tại tòa đại sứ Mỹ và tướng O’Daniel, trưởng đoàn cố vấn quân sự MĂG, cũng có nhận xét như đại tá Lansdale.

Chiều 29/4 Lansdale và trung úy Redick đến dinh Độc Lập. Toàn cả dinh giống như bãi chiến trường. Khu vườn rộng bao quanh dinh có nhiều lỗ do trái phá nổ đào ra, vỏ đạn rải rác nhiều nơi và nhiều bức tường trong dinh bị vỡ vì bị trúng các mảnh trái phá. Các cửa sổ đều đóng kín. Khắp dinh trang có mặt tại nhiều nơi. Ông Diệm tiếp 2 người Mỹ trong một phòng nhỏ, gần phòng ngủ của ông. Trong phòng chỉ có một bàn nhỏ đầy giấp tờ, một ghế cho ông Diệm và 2 ghế nhỏ được mang đến cho 2 người khách Mỹ ngồi.
Thủ tướng Diệm ngồi xuống ghế, thay vì đi tới đi lui như thường làm, có quầng đen quanh hai mắt, và giọng nói của ông chậm rãi hơn bình thường. Ông cho biết về sự tiến quân của các đơn vị quốc gia, Bình Xuyên chỉ còn giữ được cầu chữ Y và phía Nam Chợ Lớn, sáng mai quân đội sẽ đánh qua vùng này, một số đơn vị Bình Xuyên dưới quyền đại tá Thái Hoàng Minh đã qua được một con sông đào và trở về với chính phủ như ông sắp đặt, một số khác còn phải tác chiến vượt qua phòng tuyến Bình Xuyên để đến được vùng quân đội quốc gia kiểm soát.

Với giọng đầy xúc động, ông Diệm cho biết rằng đại tá Thái Hoàng Minh đã bị các hộ vệ viên của Bảy Viên bắt giữ, khi ông về nhà để đem vợ con về vùng chính phủ. Ông Diệm cũng lấy ra một bức điện tín dài mà Bảo Đại vừa gởi đến và đọc lớn lên. Lời lẽ trong bức điện tín cho thấy răng tác gỉa giận dữ lắm. Bảo Đại nói rằng ông Diệm làm thủ tướng để đoàn kết và phục vụ an sinh của dân VN, thay vì làm việc này, ông Diệm đã bất tuân Bảo Đại, ông đã hủy hoại mất tình thân hữu với nước Pháp, ông đã đưa người Việt yêu chuộng hòa bình vào cuộc chiến tranh ghê tởm huynh đệ tương tàn. Hai tay ông Diệm đã dính đầy máu của đồng bào vô tội, hàng nghìn người đã mất nhà vì các hỏa tai do ông gây rạ, Ông Diệm đã gây ra đại họạ. Vậy khi nhận được điện tín này, ông phải đáp chuyến phi cơ đầu tiên rời Saigon đi Pháp trình diện quốc trưởng và giao quyền chính phủ cho tướng Nguyễn văn Vỹ.

Để có quyết định về bức điện tín của Bảo Đại, ông Diệm duyệt lại với đại tá Lansdale và trưóc sự có mặt của trung úy Redick, cả qúa trình tranh đấu của ông đưa đến vụ khủng hoảng hiện tại, và từ đấy rút ra các nguyên tắc chỉ đạo con người của ông. Theo ông, quyền hành của chính phủ phải dùng để phục vụ dân tộc. Giành lại quyền công an cảnh sát từ Bình Xuyên là đúng, vì lâu nay bọn này làm giàu với sự độc quyền về cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện. Nếu ông Diệm rời Saigon đi Pháp, quyền hành sẽ lọt vào tay Bảy Viễn và Bình Xuyên, và việc này là một đại họa cho dân tộc. Chính phủ không thể đặt nền tảng trên các tệ đoan mà dân chúng coi khinh. Chính phủ phải có căn bản vững chắc về liệm chính, dân chúng mới tham dự sinh hoạt quốc giạ. Nếu không làm như thế, là không có tự dọ

Ngay lúc ấy, ông Nhu bước vào và cho biết đài phát thanh Bình Xuyên đang loan nội dung của bức điện tín của Bảo Đại đánh về. Như thế, Bình Xuyên đã nhận được bản sao từ Bảo Đại hay tay chân của Bảo Đại tại Saigon. Ông Diệm nghiến răng, quốc trưởng Bảo Đại đã công bố bức điện tín với những kẻ đang tìm cách đánh đổ ông. Như thế ông quyết định ở lại lãnh đạo chính phủ. Ông Lansdale hỏi lại ông Diệm có dứt khoát về quyết định của ông không? và ông Diệm đáp rằng ”ông biết ông đang làm một việc đúng.”

Sau đấy ông Lansdale về tòa đại sứ, tường trình cho xử lý Randy Kiđer tạm quyền thế trưởng nhiệm sở tướng Collins đã về HTĐ. Ông cũng đánh điện về CIA trung ương thuật những điều ông Diệm đã nói về tình hình chiến sự với việc quân đội quốc gia đánh bại Bình Xuyên.

Búc điện của đại tá Lansdale được tổng giám đốc CIA Allen Dulles cho người cầm tay đến bộ ngoại giao đệ trình ngay cho ngoại trưởng Foster Dulles. Ông này nhận được bức điện trong khi đang dùng cơm khách, ông xin cáo lỗi và ngay lập tức đi đến Bạch Cung để gặp TT Eisnhower. Trước đấy, tướng Lawton Collins đã được tổng thống tiếp kiến và ông cũng có thảo luận với tổng thống và ngoại trưởng về vấn đề miền Nam VN. Tổng thống đồng ý với đề nghị của tướng Lawton Collins là chấm dứt sự ủng hộ ông Diệm, lập một chính phủ liên hiệp tại Saigon và cho tướng Collins toàn quyền giải quyết vần đề chính trị tại Saigon. Ngoại trưởng Foster Dulles cho điện sang tào đại sứ Mỹ tại Saigon về sự thay đổi chính sách này. Nay ông Diệm thắng, tổng thống Mỹ ủng hộ ông trở lại. Trong khi ấy tướng Collins đang trên đường bay về Saigon để thực thi chính sách mới. Ngoại trưởng Foster Dulles cho đánh điện sang tòa đại sứ Mỹ tại Saigon ra lệnh đốt bỏ bức điện tín trước về sự thay đổi chính sách đối với ông Diệm.

Tuy chiến sự tiếp diễn có lợi cho chính phủ, nước Pháp vẫn còn cố gắng tấn công thủ tướng Diệm. Ngày 29/4/55, thủ tướng Pháp Edgar Faure, người thay thế ông Mendès France trong chức vụ thủ tướng từ 2/1955, ra một tuyên ngôn nói rằn gông Ngô Đình Diệm không có khả năng lam thủ tướng và Pháp cũng thừa nhận Nguyễn văn Vỹ là tư lệnh quân đội VN. Nhưng cũng trong ngày này, ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles cảnh cáo đại sứ Pháp tại HTĐ Couve de Murville rằng Pháp không được có những âm mưu lật đổ ông Diệm nữạ Tại thủ đô Pháp, Ba Lê, đại sứ Mỹ Dillon cũng hội kiến với thủ tướng Edgar Faure và đưa ra lời cảnh cáo như thế.

Tại Saigon, người Mỹ yêu cầu người Pháp cung cấp đầy đủ phương tiện vận tải, xăng, nhớt, đạn dược cho quân đội VN vì Hoa Kỳ chi tiền. Ngày 30/4/55, thủ tướng Diệm nhận được một điện tín của bộ ngoại giao Mỹ xác nhận là Hoa Kỳ vẫn ủng hộ ông.

Việc Bảo Đại đứng về phe Bình Xuyên và Pháp trong vụ xung đột làm cho ông cả uy tín. Nhiều đảng phái, nghiệp đoàn, tổ chức và nhân sĩ lập Hội Đồng Cách Mạng lên tiếng đòi truất phế ông và đả kích Pháp. Phe ông Diệm, dĩ nhiên, có vận động người ta làm việc này, nhưng lúc bấy giờ dân chúng ủng hộ ông Diệm vì lâu nay Bảo Đại cứ lo ăn chơi chẳng làm gì cho xứ sở cả! Trong một tình trạng vô cùng gây cấn, có khi hầu như tuyệt vọng nữa, vì Pháp và phe tay sai chống đối dữ dội, đa số tổng trưởng bỏ rơi ông, còn Hoa Kỳ bên trong đã hết ủng hộ, nhưng thủ tướng Diệm đã chiến thắng. Ông tượng trưng cho tình thần dân tộc Việt giành lại quyền tự chủ và quyền độc lập từ người Pháp tại miền Nam. Những người từ 1945-46, đi lính cho Pháp, đi đánh thuê cho Pháp và dĩ nhiên giết hại đồng bào Việt trực tiếp hay gián tiếp, vô dân Tây hay không, chắc cũng phần nào nhận định như trên khi chọn lựa giữa sự thần phục Bảy Viễn – Bình Xuyên, hay đánh dẹp bọn này dưới sự lãnh đạo của một người như ông Ngô Đình Diệm. Họ được ông đưa lên làm tướng ngang hàng với các tướng Pháp rồi tướng Mỹ, thay vì làm tay sai ở dưới quyền và đứng chàọ Nhưng đến năm 1963, họ nghe lời ngoại bang đảo chánh và cả đến giết ông Diệm, rồi lại làm tay sai trở lại. Nhưng sự kiện này thuộc về phần sau.

Chiều 29/4/55, cao ủy Pháp tướng Ely vận động ngưng chiến để cứu nguy cho Bình Xuyên nhưng bị thât bại. Cay cú, ông cho 400 xe tăng chạy rầm rộ qua càc đường phố Saigon để thị uy. Ngòai ra, các mưu toan của Bảo Đại lấy lại quyền hành với việc cử tướng Vỹ thay tướngTỵ cũng bị thất bại, và tướng Vỹ bỏ trốn lên Đàlạt. Tướng Hinh được Bảo Đại phái về Saigon đâu còn dám đáp phi cơ xuống Tân Sơn Nhất nữa mà đến Phnom Pênh. Quân đội quốc gia tiếp tục đánh đuổi quân Bình Xuyên ra khỏi Chợ Lớn rồi tiếp tục truy kích. Cuối cùng tàn quân Bình Xuyên rút về Rừng Sát và đầu hàng. Phía quốc gia cũng bị thiệt hại khi tướng Trình Minh Thế bị bắn tử thương trên cầu Tân Thuận ngày 3/5/55 trong khi ông chỉ huy cuộc tiến quân qua cầu.

Hoa Kỳ hân hoan về sự chiến thắng của thủ tướng Diệm, quá sự mong đợi của họ. Trước kia, dù ủng hộ ông Diệm, họ có nhiều điều hồ nghi, không tin ông Diệm có thể thành công được. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles cho rằng hy vọng thàn công cứu được miền Nam khỏi CS chỉ một phần mười. Thượng nghị sĩ Mike Mansield ngày 7/12/54 nhận định rằng triển vọng Hoa Kỳ giúp ông Diệm giữ vững được miền Nam có vẻ rất đen tối. Đại sứ Donald Heath ngày 17/12/54 cũng gởi một bản tường trìn bi quan về cơ may thành công của ông Diệm vì “có mọi bằng cớ cho thấy rằng người Pháp không muốn ông Diệm thành công”. Đến tháng 1/1955, tướng Lawton Collins cũng đồng ý với 2 nhận định trên trong một báo cáo gởi về hội đồng an ninh quốc gia Mỹ. Ngày 7/4/55, tướng Collins lại điện về rằng theo ông nhận xét, ông Diệm thiếu những đức tính lãnh đạo và khả năng hành chánh cần thiết để cầm đầu một chính phủ có thể tranh đấu chống lại sự đồng nhất về mục tiêu và sự hữu hiệu của Việt Minh dưới quyền Hồ chí Minh. Ngày 19/4/55 tướng Collins lại điện về HTĐ rằng không có cách giải quyết nào khác hơn là sớm thay thế sớm ông Diệm với bác sĩ Trần văn Đỗ hay bác sĩ Phan huy Quát. Nay ông Diệm đã chiến thắng Bình Xuyên, các chính trị gia Mỹ đổi giọng. Các thượng nghị sĩMike Mansfield, đảng dân chủ và Knowland, đảng cộng hòa, ra tuyên ngôn ủng hộ ông Diệm. Ngày 2/5/55 thượng nghị sĩ Hubert Humphrey tuyên bố với đài truyền hình như sau:
“Thủ tướng Ngô Đình Diệm là hy vọng tốt nhất của chúng ta về VN. Ông ta là người lãnh đạo của dân tôc. Ông xứng đáng và phải được ủng hộ trọn vẹn của chính phủ Mỹ và nền ngoại giao Mỹ… ông là người độc nhất trên khung trời chính trị VN có thể lôi cuốn được sự ủng hộ của dân chúng một nước đến một mức đáng kể.. Nếu chúng ta có điều bình phẩm về sự lãnh đạo tại VN, những điều này nên hướng về Bảo Đại… Nếu chính phủ VN không có đủ chỗ cho hai người này, Bảo Đại phải ra đi…”

Chính quyền Mỹ cũng làm áp lực với Pháp đê dẹp bỏ những tàn tích thực dân còn lại khi nào thủ tướng Diệm yêu cầu. Đầu tháng 5/1955, ba nước Hoa Kỳ, Anh và Pháp họp tại thủ đô Pháp, Ba Lê, để bàn về sự phòng thủ Âu Châu, nhưng đề tài thật là vấn đề VN. Lập trường của Hoa Kỳ và của Pháp về ông Diệm nay trở nên đối nghịch nhau. Theo ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles, ông Ngô Đình Diệm là người độc nhất mà Hoa Kỳ thấy có thể cứu Nam VN chống lại trào lưu CS tại xứ này. Dù có nhận định thế nào về ông Diệm trong qúa khứ, nay Hoa Kỳ phải yểm trợ ông Diệm trọn vẹn, không để ông Diệm trở thành một Kerensky (thủ túớng Nga sau cách mạng 1917 bị CS lật đổ và cuớp quyền). Theo ngưòi Mỹ, Bảo Đại chỉ có thể làm quốc trưởng hư vị, người ta có thể xử dụng Cao Đài và Hòa Hảo, chứ không thể dùng Bình Xuyên được. Hoa Kỳ chi tiền để đài thọ quân đội VN và không tìm ra người nào khác để có thể chi tiền trừ ông Diệm, để nhằm đạt mục đích bảo vệ miền Nam chống CS. Cuộc cách mạng hiện tại ở Saigon (đây muốn nói về hội đồng cách mạng tại Saigon đòi truất phế Bảo Đại) chưa thật bị CS giựt dây hay ảnh hưởng đến mức độ đáng kể. Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm không có nghĩa là Hoa Kỳ không thấy những nhược điểm của ông. Dù trước kia tướng Collins đã đồng ý với tướng Ely thay thế ông Diệm, nhưng bây giờ tình thế đã đổi thay và ngoại trưởng Foster Dulles tin rằng phải ủng hộ ông Diệm.

Thực dân Pháp thường ăn không được là tìm cách đập phá. Tổng trưởng Pháp về các nước liên kết La Forest nêu ra vấn đề tham khảo vào tháng 7/1955 giữa miền Bắc và miền Nam về tổng tuyển cử dự trù năm 1956 theo hiệp định Genevạ Ông bảo rằng nước Pháp cảm thấy Nam VN có thể thắng cử năm 1956 nếu có được một chính phủ quốc gia ổn định và có nền tảng rộng rãi trong cách cầm quyền và cai trị. Pháp muốn miền Nam thắng tổng tuyển cử năm 1956. Ông thanh minh tiếp về chính sách của Pháp giữa Bắc và Nam. Pháp còn có phái đoàn do ông Sainteny cầm đầu tại Hanoi chỉ để bảo vệ quyền lợi kinh tế và văn hóạ Pháp đã từ bỏ chủ trương lập các công ty hỗn hợp với CS vì Hoa Kỳ phản đối. Pháp cũng đã bỏ luôn càc mỏ than tại miền Bắc nữạ. Thật ra, Pháp tìm cách vớt vát chút quyền lợi kinh tế tại miền Bắc nhưng bị CS hất.

Tiếp đến, ông La Forest phân tích tình hình Saigon và miền Nam trong 4 tháng vừa qua theo quan điểm và quền lợi của Pháp. Theo ông, Pháp đã thẳng thắn ủng hộ ông Diệm từ lúc ban đầu. Bất cứ điều gì nói khác là không đúng sự thật (chính trị và ngoại giao cần nhiều lúc nói láo và vu khống không biết ngượng mồm và xấu hổ). Tháng 11/1954, Hoa Kỳ đã đồng ý thuyết phục hay “buộc” ông Diệm mở rộng chính phủ nhưng ông không làm việc này, và sau đấy xung đột với Bình Xuyên và các giáo phái. HTĐ ban đầu tán thàn giải pháp Ely – Collins rồi thay đổi ý kiến. Hội đồng cách mạng tại Saigon là do Việt Minh (CS) kiểm soát. Ngoài ra còn có một chiến dịch dữ dội chống người Pháp và quân đội viễn chinh Pháp. Cán bộ Việt Minh lợi dụng việc này, nhưng một số người Mỹ không có ý thức đầy đủ.

Thủ tướng Pháp Edgar Faure tiếp lời và xác nhận: Pháp không đồng ý với Hoa Kỳ và đã đến lúc cần nói thẳng. Ông Faure nói rằng ông Diệm không chỉ “bất lực” nhưng còn “điên khùng” nữa, ông lợi dụng lúc tướng Collins vắng mặt tại Saigon để làm một cú bạo động dành được thắng lợi lúc ban đầu, nhưng không đóng góp vào giải pháp lâu dài. Ông Diệm sẽ đem lại thắng lợi cho Việt minh, dồn sự thù ghét của mọi người vào nước Pháp và gây cuộc đổ vỡ giữa Pháp và Hoa Kỳ. Ông Faure cho rằng ông Diệm là “một sự lựa chọn tai hại”, một giải pháp mà nước Pháp không chấp nhận được, không có cớ may thành công và cải tiến tình thế, không có ông Diệm có thể tìm ra giải pháp, nhưng với ông Diệm không có giải pháp nào cả. Nhưng theo thủ thướng Edgar Faure, nước Pháp có sẵn một giải pháp hữu hiệu, hay có thể làm sáng tỏ tình thế. Như thế, có sự bất động ý kiến về căn bản giữa Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề thủ tướng Diệm và VN. Pháp cay cú và thù hằn ông Diệm vì ông thắng lợi trong việc giành lại chủ quyền. Thủ tướng Pháp Edgar Faure hỏi tiếp: “nếu bây giờ Pháp rút quân đội viễn chinh về nước để tránh tiếng thực dân, đáp lời yêu cầu của ông Diệm, Hoa Kỳ có sẵn lòng bảo vệ kiều dân và người tỵ nạn Pháp không ?

Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles nhắc lại rằng ông cũng biết những nhược điểm của ông Diệm nhưng ông không đồng ý với thủ tướng Edgar Faure, ông Diệm đã cho thấy có nhiều khả năng và bây giờ không thể nào loại trừ ông được nữạ Lúc này ông Diệm mạnh hơn lúc Bảo Đại tìm cách thâu hồi lại quyền hành lần đầu tiên. Theo ông Foster Dulles, cạnh khía tai hai của vấn đề là sự bất đồng ý giữa Hoà Kỳ và Pháp về ông Diệm. Vấn đề VN không đáng làm Hoa Kỳ và Pháp gây gổ với nhau và ông thêm rằng Hoa Kỳ sẽ rút lui ra khỏi VN nếu việc này giải quyết được vấn đề. Đối với Hoa Kỳ, sự lựa chọn là ủng hộ ông Diệm hay rút lui. Quyêàn lợi của Hoa Kỳ tại VN giản dị chỉ là giữ vững miền này khỏi bị CS thôn tính. Hoa Kỳ sẽ xét bất cứ đề nghị nào mà Pháp đưa ra, nhưng ông cảnh cáo rằng Hoa Kỳ sẽ không đài thọ chi phí cho bất cứ giải pháp nào mà ông Foster Dulles xét là xử dụng để thay thê ông Diệm.

Ngoại trưởng Anh ông Mac Millan phát biểu rằng việc đi đến một quyết định về VN là khá quan trọng để đạt đến trong buổi họp đêm ấy, nên ông đề nghị hoãn vấn đề đến phiên họp sau, vào ngày 11/5/55.

Đến phiên họp ngày 11/5/55, ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles nhấn mạnh rằng không nên để vấn đề VN, dầu có quan trọng đến đâu, làm sứt mẻ mối bang giao Pháp – Mỹ và việc Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm không nên làm đổ vỡ sự liên minh giữa hai nước. Ông đề nghị Pháp hãy tiếp tục ủng hộ ông Diệm cho đến khi quốc hội miền Nam được bầy ra, và quyết định về cơ cấu chính trị có thể bao gôm ông Diệm hay không. Ngoại trưởng Anh MacMillan cũng ủng hộ đề nghị của Hoa Kỳ vì đặc phái viên của Anh quốc tại ĐNA đã báo cáo rằng ông Diệm đã chiến thắng và nay nên ủng hộ ông Diệm, dù trước kia viên chức này là một trong những người phê phán ông Diệm tàn nhẫn nhất !

Sau khi thấy ngoại trưởng Mac Millan đồng ý vì ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles, thủ tướng Pháp Edgar Faure chấp thuận theọ. Nhưng ông nhấn mạnh rằng chính phủ Ngô Đình Diệm phải được mở rộng, cuộc tuyển cử bầu quốc hội nên được tổ chức càng sớm càng hay, cần giải quyết vấn đề giáo phái, chấm dứt sự tuyên truyền chống Pháp, phải giữ Bảo Đại làm quốc trưởng, các viên chức Mỹ làm hại bang giao Pháp – Mỹ như đại tá Edward Lansdale phải bị triệu hồi về nước và Hoa Kỳ bảo đảm bảo vệ các quyền lợi, kinh tế, văn hóa và tài chánh của Pháp tại miền Nam. Ông Foster Dulles bảo rằng nói chung ông đồng ý với các ý kiến của thủ tướng Pháp, nhưng ông thêm rằng ông Diệm không phải là bù nhìn của Hoa Kỳ, và ông không thể bảo đảm các vấn đề liên hệ về VN được. Ông cũng đề nghị mỗi nước nêu ra chính sách của mình và hành động theo đấy về vấn đề VN và không còn có sự thỏa hiệp giữa Hoa Kỳ và Pháp. Thực chất của các điều trao đổi cho thấy Pháp và Hoa Kỳ không còn có một chính sách chung về VN nữa, Hoa Kỳ sẽ hành động độc lập trong tương lai.

Trong khi ấy, chính phủ Pháp cũng lúng túng và bối rối vì chính phủ Diệm đã đưa ra một hồ sơ về các hành động giúp Bình Xuyên và chống chính phủ của quân đội Pháp. Một số sĩ quan Pháp làm cố vấn cho Bình Xuyên bị bắt giữ tại các vị trí Bình Xuyên, đài phát thanh Bình Xuyên đã được đặt trong một doanh trại Pháp, một xe cứu thương Pháp bị bắt qủa tang chở vũ khí cho Bình Xuyên tron gkhi chiến sự đang tiếp diễn. Ngoài ra, sau khi Bình Xuyên bị đánh bại, quân đội Pháp còn dựng lên những hàng rào chận đường, làm chậm trễ sự tảo thanh các ổ kháng cự còn sót lại. Người Pháp bảo rằng các hành vi này không được cấp trên cho phép. Lời bào chõa này giúp cho thủ tướng Diệm có lý do mạnh hơn để đòi Pháp triệu hồi vê 2 nưóc những phần tử đã phạm những hành động nói trên.

Thủ tướng Diệm cũng cải tổ chính phủ ngày 10/5/55 và tuyên bố dự trù tổ chức tuyển cử vào ngày 4/3/56.

Tướng Collins rời Saigon 4 ngày sau để trở về chức vụ cũ của ông tại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương ở Aâu Châu. Vào lúc này, Hoa Kỳ hoàn toàn tín nhiệm thủ tướng Diệm. Độ hai tuần sau, đại sứ mới của Hoa Kỳ G. Frederick Rheinhardt đến Saigon, và ông tuyên bố thực thi chính sách của Hoa Kỳ là ủng hộ chính phủ hợp pháp Ngô Đình Diệm.

Cao ủy Pháp tướng Paul Ely hết nhiệm vụ và về Pháp ngày 20/6/55. Nhân dịp này, thủ tướng Diệm cũng đòi Pháp không được cử cao ủy sang Saigon nữa, nhưng chỉ cử đại sứ và phải được Nam VN chấp nhận. Pháp chưa chịu thỏa mãn lời yêu cầu này. Cũng trong ngày tướng Ely đáp phi cơ về nước, người Pháp đồng ý rút quân đội ra khỏi Saigon, theo lời yêu cầu của ông Diệm. Sau đấy, quân đội quốc gia cũng không còn phụ thuộc bộ chỉ huy Pháp. Lúc bấy giờ, Pháp cần đưa các đơn vị tại miền Nam sang đánh nhau với phe kháng chiến Angêri. Vào khoảng giữa năm 1955, quân đội viễn chinh Pháp từ 175,000 binh sĩ giảm xuống còn độ 30000 người và đóng xung quanh Vũng Tàu. Đến tháng 8/1955 thủ tướng Diệm phái bộ trưởng Nguyễn hữu Châu sang thủ đô Pháp, Ba Lê, yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước, theo lời Pháp hứa tại hội nghị Geneva năm 1954. Pháp đồng ý vì cần dùng tất cả lực lượng tại Angêri. Người lính Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Nam VN vào ngày 28/4/56, và cũng trong ngày này bộ tư lệnh Pháp tại VN, Lào và Cao Miên chính thức giải tán.

Thủ tướng Diệm cũng đặt một nền tảng hợp pháp cho chính quyền
Ngày 23/10/55, một cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại và bầu ông đến 98% số phiếu, một tỷ lệ quá cao với số phiếu tại Saigon – Chợ Lớn, nhiều hơn số cử tri đã được ghi danh, gây ra dư luận không tốt, trong nước và ở ngoại quốc một cách đáng tiếc.

Ba ngày sau, ngày 26/10/1955, thủ tướng Ngô Đình Diệm công bố chế độ Cộng hòa do ông làm Tổng thống.

Nuớc Pháp cũng như Hoa Kỳ và các xứ khác đều công nhận chế độ cộng hòa Nam VN, Pháp cử ông Henri Hoppenot làm đại sứ, kế vị cao ủy Paul Ely, đồng ý không chấp nhận một đại diện ngoại giao Bắc Việt tại Paris và xác nhận phái đoàn do ông Sainteny cầm đầu tại Hà nội chỉ có nhiệm vụ kinh tế và văn hóạ. Cũng trong tháng này, TT Diệm thình lình chấm dứt các thỏa ước kinh tế và tài chánh ký với Pháp ở Ba Lê năm 1954, và miền Nam chuyển từ khối đồng quan Pháp sang khối mỹ kim. Các doanh thương Pháp phải tuân theo những điều lệ thương mại mới chặt chẽ hơn, đâu còn dễ kiếm tiền như trong thời chiến trnah hay trước kia trong thời Pháp thuộc. Một số bất mãn rời khỏi miền Nam.
TT Diệm cũng đưa ra một số điều kiện đòi Pháp phải thực hiện, nếu muốn bang giáo trở lại với miền Nam. Nước Pháp phải: “Từ bỏ hiệp định Geneva, không được nói đến tuyển cử năm 1956, chấp nhận công khai và không dè dặt chính sách của TT Diệm, gián đoạn mọi bang giao với chính phủ Hồ chí Minh và dĩ nhiên triệu hồi phái đoàn Sainteny vê nước.”

Nước Pháp đâu chịu thỏa mãn hết các đòi hỏi trên của ông Diệm. Những các đòi hỏi trên cho thấy ông Diệm nay là nguyên thủ của một nước tự chủ và độc lập, ngang hàng với nước Pháp, bang giao bình đẳng qua lại. Pháp còn nhiều quyền lợi kinh tế tại miền Nam như các đồn điền cao su, trà và cà phê, thay vì mất hết tài sản như tại miền Bắc. Tiếp theo đấy, TT Diệm triệu tập về nước các nghiï sĩ đai diện VN tại hội đồng liên hiệp Pháp. Như thế ông Ngô Đình Diệm đã giành lại quyền tự chủ của dân tộc từ tay người Pháp và Nam VN trở thành một nưóc độc lập. Nước Pháp đâu có hài lòng nhưng không làm gì được.

Về phần hiệp đinh Geneva, TT Diệm ban đầu có thái độ cứng rắn, cho rằng Nam VN không bị ràng buộc trên bất cứ phương diện nào bởi hiệp định này. Trong khi ấy, Pháp là nước phụ trách thi hành hiệp định Genevea và là thành phần của ủy ban đinh chiến với chính quyền Hanoi và ủy hội quốc tế. Nhưng Pháp không còn có quân đội hiện diện ở miền Nam, như khi hiệp định Geneva được ký kết vào năm 1954. Ban đầu, TT Diệm không chịu liện hệ công khai với ủy hội quốc tế, nhưng đồng ý lo cho ủy hội nếu Pháp để lại một phái đoàn nhỏ để làm nhiệm vụ của Pháp và đóng góp phí tổn. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles tán thành lậtp trường của ông Diệm. Sau đây, ông Diệm mềm dẻo hơn: Nam VN chịu tôn trọng các điều khoản của hiệp định Geneva và phụ trách an ninh cho ủy hội quốc tế từ tháng 5/1955, Nam VN cũng chịu cử một phái đoàn thay thế phái đoàn liên lạc Pháp với ủy hội quốc tế, còn nước Pháp chỉ còn là thành phần của ủy ban đình chiến song phương với chính phủ HoÀ chí Minh và đài thọ chi phí cho ủy hội quốc tế. TT Diệm bác bỏ cuộc tổng tuyển cử dự trù trong bản tuyên ngôn kết thúc hội nghị Geneva vì Bắc VN dưới chế độ CS đâu có tụ do mà tổ chức tuyển cử tự dọ Ông cũng từ chối không chịu thảo luận về vấn đề này, dầu chính quyền Hanoi có yêu cầu nhiều lân. Hai nước đồng chủ tịch hội nghị Geneva là Liên Xô và Anh quốc không đả động gì đến vấn đề này, còn Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của TT Diêm.

Tài liệu mật của Ngũ Giác Đài đã viết về ông Diệm trong giai đoạn này như sau:
“Bất cứ lý do nào mà ông Diệm được chọn làm thủ tướng, lúc ông lái chính quyền, ít người xem ông có triển vọng thành công, còn số người sẵn lòng ủng hộ ông công khai còn ít hơn nữạ Thật vậy, từ ngày cầm quyền 7/7/54 cho đến tháng 5 năm sau, ông thật là đơn độc. Bảo Đại không trợ giúp, Pháp chống đối, còn những điều mà Hoa Kỳ cho ông là khuyên răn, chỉ trích và hứa hẹn, nhưng viện trợ vật chất hiếm hoi. Ngô Đình Diệm trong 10 tháng vượt qua sự phân chia xứ sở bởi các cuờng quốc tại Geneva, hai mưu đồ đảo chánh của vị tham mưu trướng, những cuộc xung đột điên loạn với Bình Xuyên và giáo phái, việc tiếp thu các vùng Việt minh và số 900,00 dân di cư từ Bắc vào Nam.”

Mười tháng cầm quyền đầu tiên của ông Ngô Đình Diệm, tức 300 ngày đầu, là những ngày oanh liệt và hào hùng nhất trong đời chính trị và đối ngoại của ông! Sự thành công của ông đã làm cho Nam VN được độc lập như Ấn Độ, Hồi Quốc như ông mong ưóc từ lâu nay. Ông Diệm tượng trưng cho lòng yêu nước của người VN từ Nam ra Bắc, ông cũng mong ước xứ sở thống nhất, thật sự độc lập và tự do không bị CS thống trị, nhưng kẻ thù đâu để ông yên. Trong khi ông tranh đấu gay go, chúng đã bắt đầu thực thi mưu đồ đánh phá chính quyền của ông mới xây dựng, và thôn tính miền Nam. Phần khác ông cũng phải bảo vệ chủ quyền của xứ sở với người đồng minh Hoa Kỳ, sau khi thiết lập nền đệ nhất cộng hòạ

(Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức - "Những Ngày Cuối Cùng Của TT Ngô Đình Diệm", chương 3, trang 87-123)


MIỀN NAM TÁI THIẾT, CÒN CỘNG SẢN THÌ CHỈ LO GÂY CHIẾN, PHÁ HOẠI, KHỦNG BỐ & GIẾT HẠI ĐỒNG BÀO VÔ TỘI ..!!

Chương này trình bày sự tái thiết miền Nam dưới quyền TT Ngô Đình Diệm với viện trợ Mỹ, và cũng phác họa sự xuất hiện các cơ quan Mỹ tại miền Nam. Trong khi ấy, Hồ chí Minh và đảng cộng sản tại Hà nội đã vạch kế hoạch và bắt đầu cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam.

TT Ngô Đình Diệm tái thiết miền Nam với viện trợ Mỹ

Sau khi bị chiến tranh tàn phá trong 9 năm 1945-1954, miền Nam từ bến Hải, tỉnh Quáng Trị, ở vỹ tuyến 17 đến tận mũi Cà Mâu ở phía Nam, được tái thiết khá nhanh chóng. Đường bộ và xe lửa được sửa chữa, cầu cống tu bổ hay làm lại, vô số đồng ruộng lâu nay bỏ hoang được trồng trọt lại. Nhiều trường học mới được xây cất tại nhiều nơi để đón nhận học sinh. Nhiều làng xóm trước kia tiêu điều, nay nhộn nhịp và phồn thịnh. Chính phủ cũng thực hiện một vụ cải cách ruộng đất nữạ. Chỉ trong vài năm, sau khi hòa bình vãn hồi, chính phủ Ngô Đình Diệm đã đổi mới bộ mặt miền Nam và có những thành tích đáng kể trong nhiều ngành. Sự sản xuất 3 triệu tấn vào năm 1957. Nam Việt Nam là một miền nông nghiệp, không có nhiều mỏ và kỹ nghệ như tại miền Bắc, nhưng chính phủ cũng khai thác mỏ than Nông Sơn. Nền giáo dục cũng phát triển mạnh. Vào năm 1957, số sinh viên đại học lên đến 3823, tăng 40% so với năm 1955, số học sinh trung học là 60860 tại 136 trường trung học, cũng tăng 40%, còn số học sinh tiểu học là 671585 học tại 3473 trường tiểu học, tức gia tăng 60%. Các trường kỹ thuật và dạy nghề có số học sinh tăng gấp đôi. Luật pháp của chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà quy định các trẻ em từ 6 đến 14 tuổi phải học cho đến hết ba năm đầu của bậc tiểu học, còn mọi công dân từ 13 đến 50 tuổi phải học đọc và viết trong thời gian 2 năm nếu mù chữ. Năm 1958, đường xe lửa xuyên VN từ Saigon chạy ra Huế, và giáp đến vỹ tuyến 17 hoạt động trở lại, và đường xa lộ Saigon – Biên Hòa cũng được khánh thành trong năm này.

Chính phủ Ngô Đình Diệm cũng bắt đầu thực hiện một “kế hoạch 5 năm”, từ 1957 đến 1961, để kỹ nghệ hóa xứ sở. Kế hoạch này làm gia tăng sự sản xuất lúa gạo trên 4 triệu tấn, cao su trên 70000 tấn. Miền Nam bắt đầu xuất cảng không những lúa gạo và cao su mà cả những sản phẩm khác như heo nữạ. Nhiều nhà máy dệt, nhà máy giấy, các viện bào chế dược phẩm, nhà máy ván ép, nhà máy điện với các máy móc và kỹ thuật tối tân nhất được xây cất.
Nền giáo dục đạt được những thánh tích rất khả quan. Đến năm 1961, số trường và học sinh tiểu học tăng gấp đôi so với năm 1957, số trường và học sinh trung học tăng lên gấp 3 lần. TT Diệm cho mở thêm hại đại học: đại học công lập Huế và đại học tư thục Thiên Chúa giáo Đà Lạt, và số sinh viên tăng lên gấp bốn.
Vào khoảng thời gian này, CS gia tăng mức độ khủng bố và chiến tranh, và vấn đề này sẽ được trình bày sau. Nhưng ông Diệm vẫn cho thực hiện kế hoạch 5 năm kế tiếp 1962-1967 và chú trọng nhiều đến lãnh vực kỹ nghệ. Trung tâm Nguyên Tử Đàlạt được khánh thành trong tháng 10/1963. Phần đầu của đập thủy điện Đa Nhim với năng xuất 60000 kw được xây cất do tiền bồi thường chiến tranh của Nhật Bản, cũng được khánh thành vài tháng sau. Bắt đầu niên khóa 1963-64, nghĩa là trước khi TT Diệm bị lật đổ và sát hại, Nam VN với dân số 14 triệu có trên một triệu rưỡi hay 69% số trẻ em 6-11 tuổi học tại 6621 trường tiểu học và cộng đồng, 82253 học sinh tại 519 trường trung học, 6545 học sinh tại các trường kỹ thuật và dạy nghề và 20118 sinh viên tại 2 đại học công lập Saigon và Huế và đại học tự thục Đàlạt.

Nói chung, công cuộc tái thiết miền Nam thành công tốt đẹp. Nhiều quan sát viên ngoại quốc, như ông Bernard Fall chẳng hạn, nhận xét rằng tại miền Nam, sức sản xuất vượt hơn miền Bắc trong nhiều ngành như điện lực và vải chẳng hạn dù miền Bắc có dân số đông hơn, nhiều hầm mỏ và kỹ nghệ hơn miền Nam. Nền giáo dục miền Nam hơn hẳn miền Bắc: bậc tiểu và trung học miền Bắc chỉ gồm 10 năm còn ở miền Nam 12 năm, chưa kể phẩm chất huấn luyện và trình độ giáo chức miền Nam hơn hẳn miền Bắc. Nguyên nhân là vì Hồ chí Minh và đảng CS nói rất hay, nhưng trong thực tế, họ không kính trọng và quan tâm đúng mức đến giáo dục và người trí thức. Đối với họ, “hồng” hơn “chuyên” và lương tiền thù lao người có học và có nghề đâu có hơn, có khi còn thua kẻ ít học nữạ. Trong khi ấy, con cái các gia đình nghèo tại miền Nam có thể trở nên khá giả, nếu học giỏi, vào đại học và tốt nghiệp. Giáo dục tại miền Nam cũng như tại các nước khác là một phương tiện tốt để tiến thân. Như thế, người ta khuyến học, ham học, nên kính trọng giáo dục và người có học. Trong 9 năm ông Diệm cầm quyền, đời sống kính tế của dân chúng tại miền Nam rất ổn định, có thể nói là sung túc nữa, so với thời sau ông Diệm từ 1964 đến 1975 tại miền Nam, hay miền Bắc trước 1975, và cả sau khi thống nhất dưới chế độ CS từ 1975 đến nay. Giá cả các nhu yếu phẩm, gạo, cá thịt, đường, sữa, vải, xăng, thuốc men không lên xuống, xăng giữ giá 4 đồng 1 lít v.v... Nói chung, mức sống miền Nam hơn hẳn miền Bắc cũng tái thiết với sự chi viện của phe cộng sản. Thí du lúc bấy giờ tại miền Bắc, xe đạp là một xa xí phẩm, người thường dân khó lòng tậu được vì lương tiền và lợi tức quá thấp, còn tại miền Nam có thể nói xe đạp nằm trong tầm tay của đại đa số người dân, chưa kể đến xe tự động, hay xe gắn máy hoặc xe hơị. Chín năm dưới quyền TT Diệm có lẽ là khoảng thời gian khá nhất của dân tộc Việt Nam, từ 1945 đến nay, mặc dầu có nhược điểm và sai lầm như “gia đình trị” và chuyên chế v.v...

Miền Nam nhận viện trợ Mỹ qua sở USOM tức United States Operations Mission, tạm hiểu là phái đoàn công tác Hoa Kỳ. Sở USOM là chi nhánh tại Saigon của cơ quan AID tức Agency For International Development, tạm hiểu là cơ quan phát triển quốc tế của chính phủ Hoa Kỳ, phụ trách viện trợ các nước khác, để thực thi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. USOM tại Saigon phái chuyên viên Mỹ đến giúp hay làm cố vấn cho hầu hết các ngành hoạt động của các cơ quan trong chính quyền miền Nam. Thí dụ, các giáo sư Mỹ thuộc đại học công lập Michigan, trong ấy có ông Wesley Fishel có nói đến trước đây, ăn lương theo hợp đồng ký với USOM giúp thành lập Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo cán bộ hành chánh, và huấn luyện cảnh sát. Sau này, một học viện chuyên huấn luyện công an – cảnh sát cũng được thiết lập. Tiểu ban giáo dục của USOM giúp cho bộ giáo dục xây thêm trường, huấn luyện giáo chức, nhất là ở bậc tiểu học, chọn lựa sinh viên qua Hoa Kỳ du học hay giáo chức đi tụ nghiệp.

Người Mỹ đứng đầu sở USOM thường có chức vụ là cố vấn hay chuyên viên kính tế tại toà đại sứ Mỹ ở Saigon. Tòa đại sứ Mỹ gồm nhiều tham vụ ngoại giao, cố vấn, tùy viên và nhiều nhân viên thừa hành dưới quyền đại sứ. Những đại sứ Mỹ ở Saigon có thể là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp như các ông Donald Red Heath (7/1950-7/1955), Frederick Rheinhardt (5/1955-3/1957), Elbridge Durbrow (3/1957-12/1960), Frederick Nolting (5/1961-8/1961), hay tướng lãnh làm đại sứ như tướng Joe Lawton Collins (8/1954-6/1955) hay đại sứ như tướng Maxwell Taylor sau năm 1963, hay chính trị gia chuyên nghiệp như Henry Cabot Lodge (8/1963-7/1954, 7/1965-4/1967).

Đại sứ Mỹ lãnh đạo, nói chung, tất cả hoạt động của Hoa Kỳ tại Saigon và Nam VN. Tại tòa đại sứ, chính thức không thấy ai là nhân viên của CIA cả, nhưng thường vị đệ nhất tham vụ là trưởng nhiệm sở cùa CIA. Như trước kia, đại tá Edward Lansdale chính thức là một tùy viên không quân, nhưng nhiều người biết ông chỉ huy một phái đoàn công tác đặc biệt của sở trung ương tình báo Hoa Kỳ tức CIA. Tại tòa đại sứ, CIA là bộ phận quan trọng, nhất là tại các nước làm tiền đồn chống CS như miền Nam, vì phải thực hiện nhiều công tác mật và bán công khaị. Hoa Kỳ càng can thiệp trực tiếp vào VN, nhiệm sở CIA tại Saigon càng trở nên đông đảo hơn và mở rộng phạm vi hoạt động. Khi hiệp định Geneva được ký kết trong tháng 7/1954, tại Saigon và miền Nam có tất cả 342 người Mỹ dân sự và quân sự. Nhưng dần dần chỉ nhiệm sở CIA không thôi đã có đến 70 người Mỹ từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) lên đến độ 300 điệp viên Mỹ, nam và nữ, nhiều người nói thông thạo tiếng Pháp và một số rành tiếng Việt nữạ. Ngoài ra, còn có một số nhân viên người Việt làm việc toàn thời gian, hay là cộng tác viên đưa tin tức rồi nhận tiền hay không, và được tòa đại sứ đề cử nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam, nhất là sau 1963. Tại Saigon, các điệp viên CIA thường đi xe hơi loại Ford Pinto, được cung cấp xăng miễn phí và sống thoải máị. Nhiệm sở CIA có trách nhiệm giúp đỡ chính phủ miền Nam tổ chức một hệ thống tình báo tối tân, huấn luyện các lực lượng bán quân sự cho các hoạt động mật, và thâu lượm tin tức về kẻ thù là CS Hanoi và CS quốc tế. Trong khi ấy, CIA cũng theo dõi ngầm các nhân vật chính trị và quân sự miền Nam để chi phối họ, và cả phe chống đối chính quyền. Sở CIA vừa làm công tác tình báo và phản gián để thực thi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Những năm 1954-55, đại tá Edward Lansdale cầm đầu phái đoàn quân sự Saigon, tức toán đặc nhiệm của CIA, thực thi chính sách của chính quyền Eisenhower là giúp ông Ngô Đình Diệm chống lại thực dân Pháp và tay sai, để lập chính quyền tự chủ nhưng chống CS tại miền Nam. Đến năm 1963, CIA vận động các tướng đảo chánh và giết hại ông Diệm theo chủ trương của chính quyền Kennedy. Trong 9 năm cầm quyền, TT Diệm và cố vấn Nhu có đề phòng chặt chẽ, nhưng CIA cũng mua chuộc một số viên chức thân tín của chế độ làm việc trong dinh Độc Lập, gần gũi ông Diệm, ông Nhu và bà Nhu và cả ông Cẩn ở Huế nữa, để biết phản ứng và thái độ của các vị này trước tình thế, và đối với các đề nghị và kế hoạch của người Mỹ đưa rạ. CIA cũng bí mật gắn máy thâu và phát thanh tối tân tại nhiều bộ, tổng, nha, cư xá và tại nhà của các vị cao cấp trong chính quyền, và ngay cả trong các bức tường dinh Độc Lập đang xây cất lại sau khi bị ném bom đầu năm 1962. Cả phe CS cũng ngầm làm việc này nữa.

CIA dần dần đột nhập vào các tổ chức, cơ quan bằng cách này hay cách khác. Trong vụ nhảy dù đảo chánh hụt 11/11/1960, vai trò của CIA cũng đáng nói đến. Một điệp viên CIA là ông George Carver, chính thức là viên chức USOM, lâu nay có bổn phận liên lạc với các phe phái chống đối chính quyền ông Diệm, nhận lời mời của luật sư Hoàng Cơ Thụy đến gặp những nhân vật dân sự của phe đảo chánh tại nhà ông. Trong khi ấy một cán bộ CIA khác, ông Russel Miller, liên lạc với các sĩ quan dù đang đảo chánh và nghe lén các tin tức bằng điện thoại giữa các đơn vị dù bao vây dinh Độc Lập và hành dinh của họ. Ông George Carver muốn góp ý với phe đảo chánh là đánh chiếm ngay dinh Độc Lập và lật đổ TT Diệm. Nhưng cả hai ông Geroge Carver và Russel Miller nhận được lệnh của đại sứ Mỹ Elbridge Durbrow qua trưởng nhiệm sở CIA là William E. Colby rằng chính phủ Hoa Kỳ muốn phe đảo chánh điều đình với TT Diệm và không được đổ máu nữạ. Sau khi đảo chánh thất bại, ông George Carver đem luật sư Hoàng cơ Thụy đến giấu tại một nhà an toàn của CIA tại Saigon, rồi sau đấy bỏ ông Thụy trong một túi vải lớn đựng thư để đưa ông ra khỏi Saigon và miền Nam, trong chiếc phi cơ của tùy viên không quân sự Mỹ.
Cơ quan trung ương tình báo CIA, từ trụ sở trung ương tại Langley, tiểu bang Virginia, có thể chỉ thị cho nhiệm sở CIA Saigon thực thiện một công tác mật nào đó, hay phái điệp viên đột lốt du khách, nhà báo, viên chức đến thực hiện công tác. Ngoài CIA, người Mỹ cũng có những sở tình báo khác như sở tình báo của bộ quốc phòng, bộ tư lệnh Mỹ Thái Bình Dương đóng tại Honolulu, tiểu bang Hạ Uy Di (Hawaìi), cũng có ngành tình báo nhắm vào quân sự, lục quân Mỹ và bộ tư lệnh MACV tại Saigon cũng có cơ sở tình báọ Còn bộ ngoại giao Mỹ cũng bao gồm một sở tình báo và nghiên cứu. Có khi các sở tình báo lại đưa ra những bản thẩm định tình thế khác nhau hay mâu thuẫn với nhau.

Phần quan trọng nhất của viện trợ Mỹ nhắm vào an ninh, tức sự tổ chức và trang bị cho quân đội miền Nam.

Ông Diệm rất có tinh thần quốc gia, việc gì cũng hướng về truyền thống cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong việc thành lập quân đội cũng vậy, ông muốn có quân đội hoàn toàn VN, như ông Trần văn Đôn một trong những tướng đã đảo chánh ông, cũng thừa nhân. Nhưng Hoa Kỳ đe dọa cúp viện trợ nếu không tổ chức quân đội theo phương thức Mỹ, tức lập sư đoàn theo cấp số 3, mỗi sư đoàn gồm 3 trung đoàn, mỗi trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm 3 đại đội, mỗi đại đội gồm 3 trong đội và mỗi trung đội gồm 3 tiểu đội với 11 binh sĩ cho mỗi tiểu độị Tại miền Nam, trung bình 2 sư đoàn lập thành một quân đoàn. Toàn lãnh thổ miền Nam, từ Bến Hải đến mũi Cà Mâu, gồm 42 tỉnh được chia làm 4 vùng chiến thuật cho quân đoàn, với bản doanh tại Đà Nẵng cho quân đoàn I, Pleiku cho quân đoàn II, Biên Hòa cho quân đoàn III, và Cần Thơ cho quân đoàn IV. Các quân đoàn được đặt dưới quyền bộ tổng tham mưu đóng tại trại Trần Hưng Đạo, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Ngoài các sư đoàn bộ binh, còn có lữ đoàn rồi sư đoàn dù, thủy quân lục chiến, các đơn vị thiết giáp, pháo binh, công binh cùng với các tiểu đoàn biệt động quân, địa phương quân và dân vệ tại các tỉnh lỵ, quận và xã, và các binh chủng là hải quân và không quân. Tổng thống là tổng tư lệnh quân độị

Để huấn luyện và trang bị cho quân đội Việt, người Mỹ lập ra Military Assistance Advisory Group viết tắt là MAAG xin hiểu là toán cố vấn viện trợ quân sự dưới quyền tướng 2 saọ. Dần dần người Mỹ đến nhiều hơn, với cả đơn vị phi cơ và trực thăng nên một bộ tư lệnh các lực lượng viễn chinh Mỹ được thành hình gọi là Military Assistance Command Vietnam, túc MACV có nhiệm vụ làm cố vấn cho chính quyền miền Nam về hành quân tác chiến.
Những tổ chức trình bày trên đây là những cơ quan chính của người Mỹ, ngoài ra có những cơ sở phụ thuộc khác như bệnh viện hải quân, sở cung cấp hàng hóa PX, các câu lạc bộ sĩ quan, với các máy đánh bạc, hiệu ăn, hộp đêm v.v… Các cơ quan nói trên, từ tòa đại sứ, USOM, MAAG và MACV, thực hiện chương trình viện trợ Hoa Kỳ cho chính phủ Ngô Đình Diệm. Số tiền viện trợ trong năm 1955 là 322.4 triệu Mỹ kim mà 87% của số tiền qua một chương trình gọi là Commodity hay Commercial Import Program tức CPI, xin hiểu là chương trình nhập cảng hàng hóa hay thương mạị. Đại khái theo chương trình này, Hoa Kỳ cung cấp một số lượng mỹ kim cho chính phủ, bao nhiêu tùy theo nhu cầu từng năm. Chính phủ bán lại số mỹ kim cho các nhà nhập cảng Việt để lấy một số bạc Việt với gía hối xuất bằng ½ gía chính thức. Chính phủ dùng số bạc Việt này để trả lương cho bộ máy chính quyền và quân độị Ngoài ra, chính phủ còn thu được một số tiền bạc khác từ quan thuế đánh vào hàng hóa nhập cảng. Trong những năm đó, mỹ kim được bán ra với gía 35 đồng một mỹ kim, mỗi mỹ kim hàng nhập cảng thâu thêm cho chính phủ trung bình số tiền bằng 18 mỹ kim quan thuế.

Chương trình CIP có mục đích tài chánh là đài thọ ngân sách chính phủ và ngăn chặn lạm phát, còn mục tiêu chính trị là cung cấp cho dân chúng miền Nam nói chung, và giới trung lưu và thượng lưu nói riêng, số hàng hóa tiêu dùng mà họ cần và có khả năng mua được, để lôi cuốn được sự ủng hộ của họ. Người Mỹ cũng muốn chứng minh rằng, là đồng minh của Hoa Kỳ, nhận viện trợ Mỹ, thì đời sống sung túc như vậy, trái với sự thiếu thốn và mức sống rất thấp của dân miền Bắc dưới chế độ CS.

Từ 1955 đến 1961, viện trợ kinh tế Mỹ lên đến 447 triệu mỹ kim, phần lớn qua chương trình CIP. Số tiền viện trợ chương trình này rất đầy đủ, nên chính phủ ông Diệm vào năm 1960 còn dư đến 216.4 triệu mỹ kim trong quỹ CIP. Người ta phải công nhận rằng TT Diệm rất trọng của công, và sử dụng ngân sách viện trợ một cách thận trọng và cần kiệm. Các chính quyền tay sai sau vụ đảo chánh đã phung phí số tiền dư lại nói trên rất nhanh chóng. Một số quan sát viên Việt và ngoại quốc, cũng như vua xứ Ma Rốc Mohammed V có nói về mối nguy cơ tùy thuộc quá nhiều vào chỉ một đồng minh mà thôị. Lời chỉ trích này đúng. Người Mỹ có thể dùng viện trợ như một phương tiện vũ khí để chi phối chính quyền miền Nam, như trong vụ đảo chánh năm 1963, hay như TT Richard Nixon dùng để dọa ông Nguyễn văn Thiệu sau này. Có lẽ ông Diệm cần đánh thuế lợi tức cao, chứ không phải cho có lệ, đối với giới giàu có, như xuất nhập cảng, doanh thương, nhà thầu v.v... để bớt phụ thuộc phần nào vào ngoại viện trợ, và cho thấy cố gắng tự túc, dùng trong hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng tóm lại, TT Diệm đã thành công quá sự mong đợi của người Mỹ đã ủng hộ ông. Họ bảo là ông Diệm đã làm được “phép lạ” cho miền Nam VN nhờ những đức tính quyết tâm, can đảm và tháo vát của ông, như thứ trưởng ngoai giao Mỹ Walter Robertson ca tụng ông trong tháng 6/1956. Uy tín của ông Diệm lên rất cao trong nước, tại các xứ không CS, từ 1956 đến 1959. Từ một chí sĩ lâu nay mơ ước thôi, ông đã đem lại quyền tự chủ cho ½ nước mà ông là nguyên thủ, và miền Nam được hầu hết các xứ không CS thừa nhận và bang giao trong sự kính trọng. Một số công du cũng làm tăng giá trị của ông. Vào tháng 5/1957, TT Dwight Eisenhower thân chinh ra đón ông tại phi trường, ông đọc diễn văn tại lưỡng viện quốc hội Mỹ, ông dự cuộc tiếp đón long trọng tại đô thị Nữu Ước (New York), ông cũng đi công du các xứ khác như Thái Lan, Úc, Đại Hàn, Ấn Độ. Lúc bấy giờ, ngay cả đế quốc CS Liên Xô, cũng coi TT Ngô Đình Diệm và miền Nam ngang hàng với chủ tịch Hồ chí Minh và miền Bắc CS đồng minh của họ, và cũng đề nghị để cả hai miền vào Liên Hiệp Quốc. Nhưng ông Diệm đâu có muốn được ngang vai vế với Hồ chí Minh, ông Diệm tự cho mình là tượng trưng, là người lãnh đạo toàn dân tộc và xứ sở, mong muốn diệt trừ CS để thống nhất đất nước. Ông Diệm trở thành một đối thủ đáng sợ cho Hồ chí Minh và phe CS Hà Nộị. Những thành tích của ông trong việc tái thiết miền Nam và xây dựng chính quyền là những điều bất lợi cho họ, có thể làm cho dân miền Bắc hướng về miền Nam, ước mong miền Nam giải phóng cho họ khỏi sự áp bức và bóc lột của chế độ CS. Và như thế, phe CS Hà nội không để miền Nam tái thiết trong nền hòa bình lâu dài được.

Cộng sản Hà nội gây chiến tranh, khủng bố & giết hại dân lành...

Đến nay, người ta có thể thấy rõ ràng rằng những sai lầm nghiêm trọng của Hồ chí Minh và đảng CS rất tai hại cho sự mở mang và sống còn của dân tộc Việt Nam, và làm cho tiềm lực của dân tộc bị suy yếu! Tóm lại, Hồ chí Minh và đảng CS đã không dùng ý thức hệ để phục vụ quyền lợi ngắn hạn hay dài hạn của dân tộc VN, nhưng đã lợi dụng lòng yêu nước và sự hy sinh vì nền độc lập của xứ sở, để phục vụ ý thức hệ CS và quyền lợi của hai nưóc CS đàn anh là Liên Xô và Trung Cộng. Họ không muốn thấy là quyền lợi quốc gia, chứ không phải ý thức hệ, bất cứ ý thức hệ nào, CS cũng vậy, quyết định chính sách đối ngoại của các nước từ xưa tới nay. Họ quên rằng những năm 1945-46, lãnh tụ CS Xô Viết “ông nội Stalin” theo thi sĩ kiêm chính trị gia CS Tố Hữu gọi, và đảng CS Pháp đâu có thèm đếm xỉa gì đến dân tộc Việt, ông Hồ và phe CS Việt.

Gương thống chế Broz Tito của Nam Tư sờ sờ trước mắt: là một người được Liên Xô đào tạo và huấn luyện, Ông Broz Tito đã chống lại Stalin và Liên Xô, vì quyền lợi và nền tự chủ của nước Nam Tư của ông. Nhưng ông Hồ và đảng CS tuân theo hay noi theo việc làm của Liên Xô và Trung Cộng, họ phát động cải cách ruộng đất đẫm máu người Việt, như Stalin diệt phú nông Krulaks tại Liên Xô hay Mao diệt địa chủ tại Trung Quốc. Họ còn làm những việc hèn hạ hơn nữa như san bằng gò Đống Đa, nơi tướng giặc Tàu Sầm Nghi đống treo cổ tự vẫn vì bị quân đội của Hoàng Đế Quang Trung vây đánh ngặt quá. Có thể nói là họ dâng hiến lãnh thổ của dân tộc cho Trung Quốc, chứ không bảo vệ quyết liệt như miền Nam đã làm, theo tờ Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông (Economic Far Eastern Review) đã tường thuật. Lâu nay, Trung Cộng đòi giành các quần đảo Tây Sa, Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 4/9/1958, chế độ Bắc Kinh ra tuyên ngôn đòi chủ quyền trên tất cả quần đảo từ đảo Hải Nam trở xuống vịnh Thái Lan, xuyên qua vịnh Bắc Việt, tức là những quần đảo nói trên của VN. Chủ tịch Hồ chí Minh và đảng CS đã không phản đốị. Nhưng ngày 14/9/11958, thủ tướng Phạm văn Đồng, một ủy viên của bộ chính trị đảng CS, lại gởi công hàm chính thức cho thủ tướng Trung cộng Chu ân Lai “công nhận và ủng hộ bản Tuyên Ngôn của cộng hòa nhân dân Trung quốc ngày 4/9/1958”. Như thế, Hồ chí Minh và đảng CS đã dâng lãnh thổ VN cho Trung cộng, đã chính thức thừa nhận việc cưỡng chiếm lãnh thổ VN của Bắc Kinh! Họ muốn được chế độ Bắc Kinh viện trợ để gây chiến tranh thôn tính miền Nam.

Tại Hà Nội, Hồ chí Minh và các đồng chí thân cận của ông theo dõi rất kỹ lưỡng sự biến chuyển tình thế tại miền Nam. Họ hoạch định các kế hoạch để đối phó, nhất là sau khi thủ tuớng Diệm thắng lợi và ổn định được tình thế. Mục tiêu của họ là làm sao làm chủ luôn nửa phần kia của đất nước bằng mọi phương tiện, trong hòa bình với cuộc tuyển cử theo hiệp định Geneva nếu có thể, không thì dùng khủng bố và chiến tranh. Họ chỉ thị cho thi hành mật các mưu đồ gây rối loạn rồi tuyên truyền rằng nhân dân bị áp bức nên bộc phát, tự động nổi dậy và nếu làm được và có mòi thành công, họ viết quyết nghị trên giấy tờ.

Ngay sau khi Hồ chí Minh đi gặp Chu ân Lai ở Nam Ninh về, vào tháng 7/1954, trong khi hội nghị Geneva đang tiếp diễn, ông và bộ chính trị soạn thảo ngay các kế hoạch khuynh đảo miền Nam. Lợi hại nhất trong các kế hoạch này là công tác tình báo và đột nhập vào chính quyền địch, nghĩa là các cơ cấu của miền Nam. Việc làm này là chọn lựa, đề cử, vận động, lôi cuốn một số cán bộ đảng viên hay đảng phái trà trộn trong số đồng bào di cư vào Nam, hoặc người miền Nam ở lại nằm vùng hay đổi vùng, để phục vụ bí mật cho bác và đảng. Công tác này được thi hành ngay lập tức, vô cùng khẩn cấp cho kịp với hiệp định Genevạ. Chỉ thị mật được cấp tốc gởi vào Nam. Tại miền Nam, một số cán bộ đảng trung kiên, có nhiều tuổi đảng và thành tích đáng kể mới được giao phó công tác này trong các vùng họ còn kiểm soát, và ngay cả vùng Saigon – Chợ Lớn và các đô thị khác của miền Nam. Những cán bộ phụ trách này đã chọn lựa một số đảng viên hay cảm tình viên như cán bộ còn trẻ, độc thân, nam và nữ, một số thanh niên mới lập gia đình hay còn có con nhỏ nữa để làm điệp viên nằm vùng, sinh sống bình thường như người di cư hay như dân chúng địa phương, nhưng bí mật thâu lượm tin tức và thực hiện các công tác mà đảng sẽ giao phó. Hồ chí Minh và các đồng chí thảo luận với nhau nhiều lần về các kinh nhiệm của Liên Xô và đảng CS Xô Viết. Họ bàn rất nhiều về kế hoạch Lucy của đảng CS Xô Viết và rất ca ngợi kế hoạch này.
Nguyên là sau cách mạng Nga 1917, đảng CS Xô Viết đã chỉ thị cho các đảng viên trẻ tuổi đang làm sĩ quan trong quân đội Đức vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội, đừng giải ngũ dù nước Đức bị bại trận, quân đội bị giảm xuống chỉ còn độ 100,000 ngườị. Trên 20 năm sau, khi đệ nhị thế chiến bùng nổ năm 1939, số sĩ quan đảng viên CS đã trở thành những tướng lãnh trong quân đội Đức, ngay trong cả bộ tổng tham mưu của lãnh tụ quốc xã Adolf Hitler. Họ đã cung cấp các kế hoạch hành quân, các bí mật quân sự của Đức quốc xã cho Liên Xô qua trung gian của một điệp viên khác tại Thụy Sĩ, tổ chức gián điệp này mang tên Lucy, và góp phần rất đáng kể vào sự thắng trận của Liên Xô trong đệ nhị thế chiến (1939-45). Ngoài hệ thống gián điệp Lucy, một đảng viên CS Đức khác là ông Sorge vào đảng quốc xã Đức, được tín nhiệm và làm việc tại tòa đại sứ Đức ở Đông Kinh, thủ đô Nhật Bản, đã cho Liên Xô biết về ý đồ của Nhật, nên Stalin có thể đưa các sư đoàn tại Tây Bá Lợi Á về bảo vệ thủ đô Mạc Tư Khoa, chống lại được sự tấn công của quân đội Đức quốc xã năm 1941.
Học hỏi kinh nghiệm Liên Xô và đảng CS Xô Viết, đảng CS tại Hanoi đã cho nhiều đảng viên nằm vùng tại miền Nam vào làm việc tại tất cả các cơ quan dân sự và quân sự. Một số đảng viên và cảm tình viên trước kia là tín đồ của các tôn giáo như Thiên Chúa, Phật Giáo, Tin Lành hay các giáo phái như Hòa Hảo và Cao Đài nay được lệnh trở lại thành những tín đồ rất ngoan đạo, hay những người trước kia chưa là tín đồ cũng làm vậy, để được sự tín nhiệm của các chức sắc các tôn giáo và giáo pháị. Số điệp viên CS trà trộn tại miền Nam có thể lên đến nhiều nghìn, con số của CS, không biết có nói thêm không, là từ 20000 đến 30000 ngườị. Họ đột nhập vào các ngành, hoặc làm sĩ quan trong các binh chủng, họ làm mọi việc từ thấp lên cao, vào tận dinh tổng thống nữạ. Từ 1975 khi CS Hà Nội cưỡng chiếm được miền Nam cho đến nay, chính quyền và đảng CS Hà nội đã tưởng thưởng công khai cho những điệp viên có nhiều thành tích vẻ vang, như Phạm xuân Ẩn, Vũ ngọc Nhạ, Hùynh văn Trọng, ni cô Huỳnh Liên, sư Thích Trí Quang v.v… Trong 9 năm cầm quyền của ông Diệm, một trong số những điệp viên CS đáng kể nhất có lẽ là ông Phạm ngọc Thảọ

Ngoài việc xây dựng màn gián điếp cực kỳ bí mật và rộng lớn tại miền Nam, đảng CS cũng ra sức tôn giáo vận, nghĩa là vận động các chức sắc và tín đồ các tôn giáo ủng hộ cuộc chiến đấu của họ, hay phá rối bằng cách phao tin đồn thất thiệt, gây chia rẽ, hiềm khích và xung đột giữa các tôn giáo, nhất là sau năm 1963, giữa Phật giáo và thiên Chúa giáọ. Họ còn cho một số đảng viên vào làm tu sĩ, cũng như cho cán bộ cà răng để sống với đồng bào thiểu số. Trong khi ấy, họ cũng lo củng cố hệ thống đảng của họ từ thôn ấp, xã, quận, tỉnh, khu, tại các vùng lâu nay họ đã cai trị, hoặc các nơi trước kia Pháp kiểm soát và cho các cơ sở này rút lui bào bí mật. Hồ chí Minh và bộ chính trị cũng học hỏi kinh nghiệm của Liên Xô về vụ thống nhất vùng Tây Bá Lợi Á. Lúc bấy giờ vùng này bị phe Nga trắng chống CS kiểm soát với sự ủng hộ của các nước Tây phương sau cuộc cách mạng 1917 tại Nga, và cuộc nội chiến xảy ra tiếp theo đấy. Lênin và đảng CS Xô Viết đã lập ra chính đảng và chính phủ để chiến đấu cho “nền độc lập” của Tây Bá Lợi Á. Nhưng sau khi thôn tính đuợc vùng này, Lênin và đảng CS giải tán chính quyền và chính đảng tại vùng này. Một chính sách gần giống như vậy sẽ được xử dụng trong việc “giải phóng” miền Nam.

Trong những năm đầu sau hiệp định Genneva năm 1954, chính quyền Hồ chí Minh tại Hà nội phải lo tái thiết và đối phó với sự chống đối của dân chúng và giới trí thức như vụ nổi dậy của nông dân tại huyện Quỳnh Lưu và vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Ban đầu, họ cũng hy vọng thôn tính được miền Nam, qua cuộc tổng tuyển cử dự trù vào năm 1956, nhưng ông Ngô Đình Diệm đã giành được chủ quyền tại miền Nam, buộc Pháp rút quân về nước và thành công trong việc tái thiết miền Nam. Nước Pháp có bổn phận thi hành hiệp định Geneva, nhưng Pháp không còn có quân hay thế lực gì tại miền Nam nữa cả. Như thế, khó lòng TT Ngô Đình Diệm chịu thi hành hiệp định Geneva tổ chức tổng tuyển cử. Ngoài nguyên nhân vì quyền lợi và sự tự do của dân tộc, ông Diệm còn có mối tư thù với CS vì đã giết anh ruột là Ngô Đình Khôi và con trai độc nhất của ông này. Tuy vậy, Hồ chí Minh và đảng CS vẫn động viên cán bộ và phát động một cuộc đấu tranh chính trị bắt đầu từ tháng 7/1955, khi mà, theo hiệp định Geneva, hai miền Bắc và Nam phải tiếp xúc và thảo luận với nhau về tổng tuyển cử năm 1956.

Chính quyền miền Nam đã biết rõ về mưu đồ của đối phương. TT Diệm có một cộng tác viên có khả năng là ông Trần chánh Thành có nói đến trước đây. Ông Thành đã từng tham gia kháng chiến, ông am hiểu thủ đoạn chính trị của CS nên đề nghị biện pháp đối phó thích hợp.

Đến mùa hè 1955, chính quyền phát độntg một chiến dịch Tố Cộng toàn khắp miền Nam, nhất là các vùng trước kia do chính quyền CS kiểm soát. Chiến dịch Tố Cộng nhằm mục đích phân loại các hạng dân chúng để phát giác ra cơ sở và cán bộ CS “nằm vùng” hay “đổi vùng” và tổ chức các buổi lễ tại các thôn xóm để số cán bộ này công khai tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa CS, ly khai với đảng và tuyên thệ trở về với chính nghĩa quốc giạ
Theo thống kê của bộ Thông Tin và Thanh Niên dưới quyền bộ trưởng Trần Chánh Thành phụ trách chiến dịch Tố Cộng, cho đến tháng 5/1956, khoảng 94041 cán bộ CS đã về hồi chánh với chính quyền quốc gia, 5613 cán bộ khác đầu thú, lấy được 119454 vũ khí, 75 tấn tài liệu và tìm ra được 707 nơi chôn dấu vũ khí và độ 15000 đến 20000 người bị tình nghi là CS bị giữ trong các trại giam. Năm 1959, một giáo sư người Anh nói và hiểu biết tiếng Việt thông thạo, là ông Patrick J. Honey, được TT Diệm cho phép đi viếng thăm các trại giam những người CS hay bị tình nghi là CS. Ông Honey tường trình rằng những kẻ bị giam giữ đã nói rằng đa số trong bọn họ không hề là CS hay thân cộng. Điều này cho thấy trong bất cứ hoạt động quy mô nào của bất cứ chính quyền nào, chắc không thể tránh khỏi sai lầm được, không ít thì nhiều. Trong chiến dịch Tố Cộng, có thể có những người bị tố oan vì tư thù, hay một lý do nào khác, hay vì một số viên chức của chính quyền muốn làm tiền họ... Ngoài ra còn có những thành phần dân chúng tham gia kháng chiến chống Pháp rồi ở lại, không tập kết ra Bắc, vì không thích CS. Những người này nay bị tố là cộng hay thân công. Một số đảng viên bí mật lại lên tiếng hay kín đáo tố những người khác là CS để gây ra những vụ bắt giữ và tạo thêm thù hằn giữa dân chúng và chính quyền. Nhưng nhiều cán bộ thật sự CS có công tác phá rối trị an và bị bắt giữ, thẩm vấn cũng không bao giờ nhận họ là CS cả.
Nhìn chung, chiến dịch Tố Cộng rất thành công, như tài liệu tổng kết kinh nghiệm của đảng CS trong năm 1963 đã thừa nhận: "Từ 1957 đến 1958, tình thế dần dần đổi thay. Kẻ thù liên tục phá hoại sự thi hành hiệp định Geneva, củng cố và tăng cường một cách tích cực ngành an ninh quân sự và bộ máy hành chánh, từ trung ương xuống đến tận thôn xóm, ám sát tàn bạo dân chúng (tức cán bộ cộng sản) và thật sự đã phá hủy đảng ta (tức đảng CS Hà Nội của Hồ chí Minh lãnh đạo) một cách hữu hiệu…
Vào thời bấy giờ, phong trào đấu tranh chính trị, dù không bị đánh bại, đang gặp khó khăn càng gia tăng, và bị suy yếu dần, các căn cứ của đảng, dù chưa bị hủy diệt hoàn toàn, một số bị suy yếu một cách đáng kể, trong vài khu vực, một cách trầm trọng. Để chống một kẻ thù như vậy, không thể chỉ dùng đấu tranh chính trị đơn giản. Cần sử dụng thêm tranh đấu võ trang, không chỉ ở cấp thấp… kẻ thù không cho chúng ta chút nào yên ổn cả. Vậy đến cuối năm 1959, khi chúng ta phóng thêm một cuộc đấu tranh võ trang phối hợp với cuộc đấu tranh chính trị chống kẻ thù, cuộc tranh đấu ấy thể hiện ra là cuộc chiến tranh cách mạng tại miền Nam VN.”

Thật ra từ cuối năm 1956, khi thấy không có hy vọng gì thôn tính được miền Nam bằng đường lối tổng tuyển cử, bộ chính trị của đảng CS đã ra mật lệnh cho đảng bộ tại miền Nam đánh phá các cơ sở của chính quyền miền Nam, bằng cách cảnh cáo, bắt cóc, ám sát và thủ tiêu các viên chức chính quyền từ thôn xóm đến thành thị, gây ra tình trạng bất ổn và khủng khiếp. Nhiều vụ khủng bố đã xảy ra liên tiếp tại nhiều nơi, trong tháng 7/1957, có 17 người bị CS giết hại tại Châu Đốc, một quận trưởng và gia đình bị phục kích bắn chết trên quốc lộ Mỹ Tho – Saigon ngày 10/10/1957, một tên khủng bố ném lựu đạn vào một quán cà phê tại Chợ Lớn gây thương tích cho 13 thường dân, và 12 ngày sau, 3 vụ nổ khác làm 13 người Mỹ bị thương. Một đài phát thanh CS cũng bắt đầu hoạt động, lên tiếng là đại diện cho một thứ mặt trận cứu quốc kêu gọi dân chúng nổi dậy chống chính quyền cộng hòa dưới quyền tổng thống Diệm. Quân khủng bố CS cũng nhắm vào người Mỹ khi nào có thể. Trong 3 tháng cuối của năm 1957, ít nhất có đến 75 viên chức hay thường dân bị bắt cóc hay ám sát trong hơn 30 vụ khủng bố.

Bắt đầu năm 1958, CS mở một chiến dịch khủng bố tại thôn quê, bắt cóc và ám sát các cán bộ hành chánh tại các thôn, xã, giáo viên, nhân viên y tế, canh nông, cảnh sát, và cũng bắt đầu tấn công những đồn bót nhỏ của dân vệ và địa phương quân để cướp vũ khí và phá hủy bộ máy chính quyền tại thôn quê, làm cho dân chúng khiếp sợ không dám ủng hộ chính quyền hợp pháp nữạ. Vào tháng 7/1958, một học giả Pháp, ông Bernard Fall, đăng một bài báo trình bày một loạt các vụ ám sát do CS gây ra từ tháng 4/1957 đến tháng 8/1958, và cho rằng đảng CS đã mở một cuộc chiến tranh mớị. Chính quyền miền Nam cũng cho tòa đại sứ Mỹ biết là trong 2 năm 1958, 1959 và 5 tháng đầu của 1960, có 780 viên chức dân sự bị giết hại và 282 người bị bắt cóc. Nhưng các quan sát viên ngoại quốc cho rằng con số viên chức chính quyền miền Nam bị CS giết hại còn cao hơn thế nữạ. Nhà ngoại giao Mỹ Douglas Pike nêu ra 11700 vụ ám sát và 2000 vụ bắt cóc từ 1957 đến 1960. Ông Bernard Fall đưa ra con số 4000 người bị sát hại từ tháng 5/1957 đến tháng 5/1961 và đến cuối 1963 là 13000 ngườị. Báo New York Times tính độ 3000 viên chức bị giết và bắt cóc trong năm 1960 là 1400 viên chức và thường dân. Ông Bernard Fall cũng trình bày rằng có sự phối hợp nào đấy giữa những vụ khủng bố và chính quyền Hà nội.

Sau khi CS Hà nội cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, các tài liệu của CS cũng như những lời phát biểu của các cán bộ CS, cho thấy mọi việc xảy ra tại miền Nam là do đảng CS Hà Nội quyết định và phát động cả!!! Trong khi chiến dịch khủng bố tiếp diễn, các đơn vị CS được tổ chức tại miền Nam, hay đột nhập từ miền Bắc, mở các vụ đánh phá đường giao thông và phục kính quân đội của chính phủ. Thí dụ, ngày 26/9/1959, hai đại đội của sư đoàn 23 bị phục kích, một số binh sĩ bị giết và bị thương và mất gần hết vũ khí, ngày 25/1/1960, quân CS đột nhập vào trung đoàn bộ của trung đoàn 23, sư đoàn 21 đóng tại Tây Ninh, giết 23 binh sĩ và cướp nhiều vũ khí. Bốn ngày sau, quân CS chiếm thị xã Đồng Xoài cách độ 100 ki lô mét phía bắc Saigon, làm chủ thành phố này trong nhiều giờ và cướp một số tiền lớn của người Pháp. Cũng trong tháng giêng năm 1960, quân CS đánh phá vùng Cà Mâu, và miền đồng bằng sông Cửu Long. Trong tỉnh Kiến Hòa, đường giao thông giữa tỉnh lỵ Bến Tre với 6 trong số 8 quận bị cắt đứt. Cường độ khủng bố và đánh phá của CS leo thang khắp nơị. Mục đích của họ là hủy diệt chính quyền hợp pháp, làm dân chúng cực kỳ khiếp sợ, không còn dám ủng hộ chính quyền nữạ. Họ cũng mong đợi chính quyền ban bố các biện pháp chống lại CS, kiểm soát dân chúng gắt gao hơn, để tố cáo là đàn áp dân chúng và gây thêm bất mãn, khiến cho dân chúng theo họ.

Để đối phó với sự khủng bố và tấn công của CS, TT Diệm từ đầu năm 1960 cho thực hiện trở lại chính sách phân loại và kiểm soát dân chúng một cách chặt chẽ. Ngày 6/5/1959, ông cho ban luật 10/59 thiết lập 3 tòa án quân sự và các tòa án này có quyền tuyên án tử hình, không được kháng tố, theo sắc lệnh 47 năm 1956 loại trừ CS ra ngoài vòng pháp luật. Trong thực tế, như tài liệu Ngũ Giác Đài thừa nhận, luật 10/59 ít khi được áp dụng, chỉ dùng để xét xử làm gương một số kẻ khủng bố CS. Nhưng dĩ nhiên phe CS, một số nhà báo và viên chức Mỹ hay học giả, đã chỉ trích kịch liệt đạo luật này, cho rằng có tính cách chuyên chế và đàn áp.

Đảng CS Hà nội càng ngày càng tăng áp lực đối với chính quyền miền Nam. Họ dùng kinh nghiệm của đảng CS Xô Viết trong vụ thôn tính lại được vùng Tây Bá Lợi Á với việc lập ra hết Mặt Trận Giải Phóng đến đảng Nhân Dân Cách Mạng, rồi đến chính phủ giải phóng để tuyên truyền trong và ngoài nước rằng vì chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp nên dân chúng nổi dậy chống lại như vậy. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng Hồ chí Minh và đảng CS không những có các thủ đoạn chính trị lợi hại và thâm độc mà còn giỏi về vận động và tuyên truyền. Một số người Việt và nhiều người ngoại quốc tin tưởng nào là Mặt Trận Giải Phóng, đảng Cách Mạng, rồi chính phủ giải phóng. Nhưng các tổ chức ấy chỉ là những công cụ chính trị của đảng CS và bị giải tán không thương tiếc, sau khi họ cưỡng chiếm xong miền Nam.

Vấn đề cuối cùng cần xét đến trong chương này là Hồ chí Minh và đảng CS phát động chiến tranh từ cuối 1956 đến 1975 để làm chủ được miền Nam và thống nhất đất nước, có lợi cho dân tộc không? trong ngắn hạn và dài hạn. Trước hết, không ai muốn đất nước bị chia cắt cả, nhiều gia đình bị phân chia và ly tán. Thống nhất đất nước sau gần 20 năm chiến tranh, từ 1957 đến 1975 với có thể nói hàng mấy triệu người bị giết, hay trở thành phế nhân, hàng trăm nghìn góa phụ, con côi, hàng trăm nghìn người mất tích trên biển cả vì vượt biên, có lợi cho dân tộc Việt Nam không?

Nước VN thống nhất từ trên 20 năm nay trở thành một trong những xứ nghèo khổ nhất thế giới, dưới chế độ chuyên chế áp bức và bóc lột của đảng CS và trên đà mất chủ quyền kinh tế đối với ngoại bang vì sự bất lực và tham nhũng của các cán bộ CS cao cấp. Tham nhũng, buôn lậu, bán nước bán dân, nhất là bất công xã hội, đĩ điếm, buôn bán xì ke ma túy để đầu độc giới trẻ và người dân, đầy rẫy khắp nước từ Bắc đến Nam. Đảng CS Hà Nội còn đang cầm quyền được ngày nay, đến nay, sau khi chế độ CS đã sụp đổ trên lãnh thổ Nga, và toàn cả Trung Đông Âu, là nhờ bộ máy công an kiểm soát dân chúng rất chặt chẽ của họ. Nếu không có chiến tranh, hai miền Bắc và Nam cứ tái thiết và phát triển với ngoại viện của hai phe, hai miền nhất là miền Nam ngày nay chắc gì thua sút các con rồng kinh tế và kỹ thuật khác tại Á Châu. Sự thống nhất xứ sở chỉ là một vấn đề thời gian mà thôị. Trong 3 nước bị phân chia sau đệ nhị thế chiến (1939-1945), chiến tranh Đại Hàn chỉ kéo dài 3 năm (1950-1953), còn giữa hai nước Đức, Đông và Tây, đâu có chiến tranh và đổ máu nhưng đã thống nhất trong hòa bình. Nếu giữa hai miền Bắc và Nam VN không có chiến tranh nhưng hai miền thống nhất trong hòa bình như hai nước Đức, chắc đảng CS tại Hà nội phải mất chính quyền. Vì thế, họ dựa vào thủ đoạn và bạo lực, khủng bố và đổ máu dân tộc không thương tiếc, để làm chủ nhân toàn xứ và phục vụ quyền lợi của đảng CS...!

Chính vì sự phát động khủng bố và chiến tranh tại miền Nam làm cho tổng thống Ngô Đình Diệm phải yêu cầu tăng thêm viện trợ Mỹ. Hoa Kỳ thừa dịp này, thực hiện dần một chính sách thực dân tại miền Nam…

[Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức - "Những Ngày Cuối Cùng Của TT Ngô Đình Diệm", chương 4, trang 126 147]

 

ĐỂ THAY LỜI KẾT

…Người ta thường đứng núi này trông núi nọ, được voi đòi tiên. Trong đời sống chính trị của một nước cũng vậy thôị. Khi sống dưới chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một số người bất mãn và chỉ trích những nhược điểm và sai lầm của chính quyền, điều này cũng đúng thôị. Họ mong muốn một chính quyền hữu hiệu và tốt đẹp hơn. Nhưng sau khi TT Diệm bị lật đổ và ám sát đầu tháng 11/1963, xứ sở mất chủ quyền, các chính quyền kế tiếp bất lực, người ta mới thấy không có lãnh tụ hay chế độ nào hoàn hảo cả, TT Diệm và chính quyền của ông cũng vậy thôi, với các sai lầm và nhược điểm NHƯNG KHÁ NHẤT so với các chính quyền khác tại miền Nam hay chế độ CS tại miền Bắc trước 1975 và ngay cả chế độ CS ngày nay! Ngay cả những người Mỹ trước kia đả kích và chủ trương lật đổ TT Diệm cũng thay đổi nhận định về TT Diệm và chế độ Đệ Nhất Cộng Hòạ. Trước cảnh tượng các tướng cầm quyền chỉ làm tay sai cho ngoại bang, hết Pháp đến Hoa Kỳ, với mặt trái của CS Hà nội và con người cá nhân Hồ chí Minh được phơi bày với các tiết lộ của các đảng viên CS kỳ cựu như Nguyễn Hộ, Nguyễn văn Trấn, Vũ thư Hiên và cựu phó tổng biên tập viên báo Nhân Dân, đại tá Bùi Tín, thì hình ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm là con người yêu nước, chống cả cộng sản và thực dân, dù Pháp hay Mỹ, hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền, với nếp sống đạo đức cá nhân, đã trở nên đáng kính hơn bất cứ nhân vật hiện đại nào từ 1945 đến nay...
Thời gian phán xét công bằng. Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nhiều công hơn tội đối với dân tộc Việt Nam. Chỉ 7 năm sau khi ông bị ám sát, ngày 2/11/1970 TT Diệm được chính thức truy điệu long trọng tại Saigon và nhiều nơi khác trong nước. Dân tộc VN tưởng nhớ và ghi tạc sự đóng góp của ông trong sự nghiệp đấu tranh cho quyền tự chủ của dân tộc chống cả CS và thực dân trong mọi hình thức, công khai hay âm thầm, cũng như chính trị hay kinh tế. Trong sự nghiệp 9 năm phục vụ dân tộc VN của ông, nhiều thành tích về nội trị cũng đáng được tìm hiểu và trình bày, như vụ định cư năm 1954–55, hệ thống hành chánh, chính sách kinh tế dinh điền v.v… Nhưng các soạn giả này (tức hai cụ Hoàng Ngọc Thành & Nhân Thị Nhân Đức, tác giả cuốn sử “Những Ngày Cuối Cùng Của TT Ngô Đình Diệm”) đã ở tuổi hơn 70+ rồi và không mong muốn gì hơn là hoàn thành được ấn bản bằng Anh ngữ và phát hành ấn bản bằng Pháp ngữ được chuyển ngữ tại Paris của tài liệu này.

Các soạn giả chỉ là tư nhân thích nghiên cứu sử học và không có quyền hành pháp, lập pháp hay tư pháp gì để “mời” những người có liên hệ đến sự can thiệp của Hoa Kỳ vào VN, vụ đảo chánh và ám sát TT Diệm và cố vấn Nhu đến để thẩm vấn và đối chứng như người ta đã làm tại Hoa Kỳ về vụ ám sát TT John F. Kennedy chẳng hạn. Nhưng vì sống nhiều bằng lý tưởng, tình yêu và vì công tâm trước lịch sử và dân tộc VN cũng như Hoa Kỳ, với các tài liệu đã hết “mật”, các sách báo về đề tài này đã xuất bản, những sự đóng góp của một số nhân chứng có thiện chí và các vụ phỏng vấn, chúng tôi xin phép trình bày những kết quả đã thâu lượm được. Đây chỉ là bước đầu. Rồi đây, nhiều tài liệu “mật” khác của Hoa Kỳ sẽ được giải tỏa và thêm sự thật chính trị và ngoại giao khác chắc sẽ được công bố.

Đời sống của Tổng Thống Ngô Đình Diệm không được dài lâu và ông không hưởng nhiều lạc thú trên đời. Nhưng dân tộc Việt Nam sẽ nhớ lâu dài đến người yêu nước Ngô Đình Diệm!  Tài liệu này có lẽ là kỳ đài lịch sử đầu tiên cho Tống Thống Ngô Đình Diệm. Rồi đây khi đất nước Việt Nam thanh bình và vắng bóng quân thù CS, sẽ có những kỳ đài khác, những trường học và đại lộ mang tên Ông……. Vĩnh biệt Tổng Thống Ngô Đình Diệm!

(Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, "Những Ngày Cuối Cùng Của TT Ngô Đình Diệm", trang 569-571)

http://ngothelinh.tripod.com


 Những mẫu chuyện lịch sử bên lề

Posted on June 6, 2012 by hoanghaithuy

Ông Bang Trưởng Mã Tuyên ở Chợ Lớn bị Tù vì Tội đã đón tiếp Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trong đêm Tổng Thống đi khỏi Dinh Gia Long năm 1963.

Người viết: Phạm Thắng Vũ

Hàng năm, cứ đến ngày 1 tháng 11 nhiều người dân Việt miền Nam Việt Nam nhớ lại ngày này trong năm 1963 mà ngày hôm sau, dẫn đến cái chết của Tổng Thống Ðệ Nhất Cộng Hòa Ngô Ðình Diệm và người em ruột là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu.

Có quá nhiều bài viết, tài liệu và sách báo đã nói về cái chết của hai người này. Ai là kẻ ra lệnh giết và tại sao họ bị giết chết khi họ (anh em Tổng Thống) đã chấp nhận đầu hàng (với đám tướng lãnh cầm đầu phe đảo chánh) thì sách báo (trong và ngoài nước) đã viết rất nhiều nên không cần phải viết lại. Tác giả xin viết khác một chút.

Một người không chút dính dáng gì đến chính quyển và quân đội miền Nam VNCH, cũng không phải là dân Bắc kỳ di cư 1954 mà chỉ vì một chút tình cảm riêng với cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm mà gánh họa vào thân ngay sau khi đám tướng lãnh đảo chánh thành công. Người đó là ông Mã Tuyên, một thương gia Việt gốc Hoa Triều Châu. Ông chuốc họa là vì ông đã chứa chấp anh em cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm-Ngô Ðình Nhu trong đêm 1-11-1963.
Khi đó ông Mã Tuyên tuổi độ trên 50, ông là Tổng Bang trưởng của 10 Bang người Hoa tại vùng Chợ Lớn ( thuộc Quận 5 nội thành Sài Gòn). Thực sự, nhiều người biết chuyện anh em Tổng thống Ngô Ðình Diệm-Ngô Ðình Nhu trong đêm lẩn trốn (từ Dinh Gia Long) đã đến tá túc tại nhà ông Mã Tuyên nhưng hầu như không ai biết gì về thân thế ông Mã Tuyên. Mặt mũi ông, gia cảnh ông? Ông Mã Tuyên đã kể lại giờ phút Rồng đến nhà Tôm như sau:
Lời ông Mã Tuyên:
“Khi đó độ 5 giờ chiều, tôi đang nghe tin tức radio thì chuông điện thoại reo. Tôi bắt máy, người gọi đến là ông Ðô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn, ông ngỏ ý muốn gặp tôi gấp tại Trụ sở Thanh Niên Cộng Hòa Quận 5 ( khi trước là Khu Sòng bạc Ðại Thế Giới của Bẩy Viễn, người cầm đầu Lực lượng Vũ trang Bình Xuyên). Tôi bảo tài xế của tôi chở tôi đến đó, chờ đến 6 giờ 30 thì ông Ðô trưởng đến, ông nói với tôi :
“Tổng thống muốn đến nhà ông lánh nạn.”
Tôi nhận lời ngay và đi ngay về nhà chuẩn bị. Khoảng 7 giờ 30 tối, hai xe Citroen chạy đến nhà tôi ( Số 34 đường Ðốc Phủ Thoại ) với 8 người: Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Cố vấn Ngô Ðình Nhu, ông Ðỗ Thọ, ông Ðô trưởng và 4 nhân viên bảo vệ.”
Ông Mã Tuyên cho biết, nghỉ ngơi tại nhà ông cho đến nửa đêm thì Tổng thống Ngô Ðình Diệm đưa cho ông một số giấy tờ nhờ ông đốt. Tổng thống nhờ ông canh chừng máy điện thoại dưới nhà và Tổng thống liên tục sử dụng điện thoại trên lầu để gọi đi nhiều nơi, có nhiều nơi gọi điện thoại đến cho Tổng thống. Nhà ông Mã Tuyên là 3 căn phố liền nhau gồm một tầng trệt và 2 tầng lầu. Ông gắn điện thoại trong các tầng lầu.
Chuông điện thoại reo liên tiếp từ nửa đêm cho đến sáng. Tổng thống xuống tầng trệt khi trời đã sáng, khi đó tiếng súng chỉ còn nổ thưa thớt trong đô thành, sắc diện của Tổng thống Ngô Ðình Diệm cho ông Mã Tuyên biết tình thế đã trở nên tuyệt vọng…
Tổng Thống cho ông Mã Tuyên biết Lữ Ðoàn Phòng Vệ – có nhiệm vụ bảo vệ Dinh Gia Long – đã ngưng chống cự. Ông Mã Tuyên kể hai ông Diệm, Nhu ngồi cầu nguyện, sau đó dùng điểm tâm món bánh bao, xíu mại và uống cà phê cùng với ông. Tổng thống hỏi ông Mã Tuyên về nhà thờ lớn nhất vùng Chợ Lớn ở gần đấy là Nhà Thờ Phanxico, nhà thờ được gọi là Nhà Thờ Cha Tam. Tổng Thống cho biết hai anh em ông sẽ đến thánh đường đó. Sau khi Tổng thống và ông Cố vấn thay y phục khác xong thì Tổng thống Diệm bảo ông Mã Tuyên đừng đi theo. Ông Mã Tuyên bảo người tài xế của ông, lái chiếc xe Traction mầu đen, chiếc xe thường đưa đón các con ông đi học, đưa Tổng thống, ông Cố vấn cùng người tùy viên Ðỗ Thọ đến Nhà Thờ Cha Tam. Những diễn biến kế tiếp ở Nhà thờ Cha Tam thì báo chí đã đăng đầy nên bài này không kể tiếp.
5 ngày sau đó, ông Mã Tuyên bị Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng (HÐQNHCM) bắt giam trong 3 năm. Tài sản của ông bị chính quyền tịch thu, đem bán đấu giá nhưng những người đồng hương của ông – những người Việt gốc Hoa – mua được hết trong cuộc bán đấu giá, và hoàn trả cho gia đình ông.
Nhiều nguồn tin đã nói là tư gia của ông Mã Tuyên là một hang ổ của Cộng Sản và đây cũng là lý do dẫn đến cái chết của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố Vấn Ngô Ðình Nhu. (…Hai ông Diệm-Nhu phạm vào một lỗi lầm ngoại giao to lớn là khước từ sự giúp đỡ về an ninh của Ðại sứ Mỹ Cabot Lodge, hai ông chạy vào nhà Mã Tuyên, nhà này là Trung Tâm Liên Lạc xưa nay của ông Nhu với MTGPMN (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Không phải cuộc binh biến 1-11-63 đã đưa đến cuộc thảm sát hai ông, mà chính quyết định liều lĩnh này, đã làm cho hai ông gánh lấy thảm họa! Sao lại đi đến một trung tâm liên lạc với CS mà Mỹ đã biết từ lâu rồi! Hồi ký của Tướng Tôn Thất Ðính).
Việc Tổng thống Ngô Ðình Diệm và Cố vấn Ngô Ðình Nhu đến nhà ông Mã Tuyên có người đã đặt nghi vấn là hai ông Diệm-Nhu định nhờ ông nầy liên lạc với MTGPMN để họ đưa hai ông vào mật khu như kiểu họ suy diễn từ trường hợp Trung tá Vương Văn Ðông sau cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960 đã kể ông ta nhờ MTGPMN giúp đưa qua Cam Bốt. Trong số những người đi theo ông Vương Văn Ðông khi đó có Phan Lạc Tuyên, tác giả bài thơ được phổ thành bài hát Chiếc Ðò Vĩ Tuyến, thi sĩ Thủy Thủ-Thái Trần Trọng Nghĩa. Sau đó không lâu, thi sĩ Thủy Thủ tự sát trong mật khu của Việt Cộng.
Nếu cho là nhà ông Mã Tuyên là một cơ sở của CS thì tại sao bọn Việt Cộng lại bắt ông ngay sau khi chúng chiếm được miền Nam VNCH ngày 30-4-1975. Ông bị giam lần đầu là 4 tháng rồi ông được thả nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Cộng bắt ông lần nữa. Lần bắt thứ hai, bọn CS đã giam ông tới 4 năm tù. Tù cấm cố trong Nhà Tù Chí Hòa.
Chỉ vì cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố Vấn Ngô Ðình Nhu tá túc qua một đêm tại nhà mà ông Mã Tuyên đã bị giam tù trong 3 lần tổng cộng trên 7 năm. Cả hai chính quyền – sau ngày 1-11-1963 và 30-4-1975 – đều bắt và tra hỏi ông về tội… Cái Ðêm Hôm Ấy (mượn tựa một bài viết của nhà văn quá cố Phùng Gia Lộc) có những gì xẩy ra trong nhà ông. Tại sao Tổng thống Ngô Ðình Diệm và Cố vấn Ngô Ðình Nhu lại đến tá túc ở nhà ông mà không đến nhà người nào khác?
Chính quyền CS cũng tịch thu cả 3 căn nhà của ông Mã Tuyên. Ông Mã Tuyên có 3 bà vợ và 13 người con – theo lời kể của con gái ông là Mã Huệ Phương.
Ông Mã Tuyên đã không than van một lời nào về những tai ương đổ xuống gia đình và bản thân ông sau cái đêm định mệnh đó. Năm 1983, ông Mã Tuyên và gia đình chính thức rời Việt Nam đi định cư tại Ðài Bắc-Taiwan rồi đến tháng 2 năm 1992 ông Mã Tuyên cùng một số người trong gia đình ông về lại Việt Nam. Ông Mã Tuyên trở về Chợ Lớn, ông qua đời trong Tháng 9-1994.
Ông đã định cư tại Taiwan nhưng ông lại trở về Việt Nam, ông dặn trước thân nhân ông chuyện khi ông chết chôn ông ở Nhị Tì Triều Châu, Biên Hòa.
( .. .. .. )
Lật đổ Tổng thống Ngô Ðình Diệm xong, Tướng Dương Văn Minh khai tử Luật 10-59 – Luật đặt bọn Cộng Sản ra khỏi vòng pháp luật – Tướng DV Minh hủy bỏ Quốc sách Ấp Chiến Lược. Khi chính quyền miền Nam VNCH dồn dân vào sống trong các ấp chiến lược, ấp có hàng rào bao quanh, cổng ra vào ấp được nghĩa quân miền Nam VNCH kiểm soát, dân lành buổi sáng sớm khi đi ra khỏi cổng ấp chiến lược, đi làm ruộng, bắt cá.., mỗi người chỉ mang theo phần ăn trong ngày cho bản thân nên chỉ trong thời gian ngắn, đám Việt Cộng sống lẩn lút ở ngoài rừng-núi, đồng trống… không còn nguồn tiếp tế chúng lấy của người dân nên đành phải ra hồi chánh hoặc liều lĩnh đến gần các ấp để tìm cách móc nối (với dân lành, nhiều tên bị nghĩa quân phục kích diệt gọn.
( .. .. .. )
Năm 1982, chính quyền Cộng Sản Thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh dẹp bỏ tất cả những nghĩa trang trong nội thành Sài Gòn, họ cho một thời hạn để các thân nhân lo việc cải táng đưa hài cốt những ngôi mộ đi nơi khác. Phần mộ Tổng thống Ngô Ðình Diệm và mộ hai ông Ngô Ðình Nhu-Ngô Ðình Cẩn trong nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi được đưa về nghĩa địa Gò Dưa-Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương. Người chi số tiền 25.000 $ US cho việc cải táng ba ngôi mộ trên là ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ nhiệm bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong ở Hoa Kỳ.
(Ngưng trích hồi ký của tác giả Phạm Thắng Vũ).



Ai là người gửi tiền về Việt Nam để cải táng và xây mộ

cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm và nhị vị bào đệ?

Người viết: Lệ Tuyền


Ảnh năm 1960, Sài Gòn

Như quý độc giả đã biết, trước đây, qua bài: “Nền Ðệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ: miền Nam Tự Do sụp đổ” hiện vẫn còn lưu trữ trên Trang Ðiện báo Hồn Việt khi nói đến ba ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cùng nhị vị bào đệ của Tổng Thống là Ông Cố vấn Ngô Ðình Nhu và Ông Ngô Ðình Cẩn, tôi đã viết như sau:
“Ba ngôi mộ của ba vị tại Lái Thiêu, Việt Nam không phải do các con, các cháu của ba vị bỏ công, bỏ của ra để xây..”
Nhưng trong bài ấy tôi không viết ai là người đã bỏ tiền ra để xây ba ngôi mộ đó. Vậy, hôm nay, tôi tự thấy tôi cần phải viết cho thật rõ:
Người gửi tiền về Việt Nam để cải táng và xây ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, cùng mộ nhị vị bào đệ là Ông Cố vấn Ngô Ðình Nhu và Ông Ngô Ðình Cẩn, là Ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Bán Nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong. Một tờ báo do ông Nguyễn Thanh Hoàng sáng lập ở Sài Gòn năm 1956.”
Và để quý độc giả được biết một cách chính xác, nên nhân đây, tôi xin ghi lại đầy đủ từng việc từ bước khởi đầu trong việc cải táng và xây mộ như sau:
Sau ngày 30-4-1975, do «lệnh cấm vận Việt Nam CS» của Hoa Kỳ – trong lệnh có điều “cấm gửi Mỹ kim về VNCS” – nên những người Việt ở Mỹ, không thể gửi đô-la Mỹ về Việt Nam. Cần gửi đô-la My về VN, họ phải qua những đường giây chuyển tiền tại Pháp. Song lúc đó, mặc dù Pháp là nước đã «trợ cấp nhân đạo» cho Việt Nam nhiều nhất, nhưng chính phủ Pháp cũng không cho phép chuyển một lần với số tiền nhiều, nên đã có một số đường giây chỉ chuyển những thùng thuốc Tây về Việt Nam, và những người Việt bên Mỹ cũng đã gửi cho thân nhân còn ở quê nhà những số tiền Ðô Mỹ chuyển qua tiền Quan Pháp, và những thùng thuốc Tây qua những nhà chuyển ở Paris, để người thân của họ ở Việt Nam, khi nhận những thùng thuốc Tây, đem bán lấy tiền mà sống.
Cho đến mãi sau này, khi « Lệnh Cấm Vận VNCS» được bãi bỏ, thì người Việt ở Mỹ mới được gửi tiền về Việt Nam một cách tự do.
Chính vì thế, khi được tin bọn Việt-gian-Cộng-sản Hồ Chí Minh quyết định phá bỏ nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, đồng thời lại được biết chuyện tên Cộng sản Nằm Vùng ác ôn là « Hòa thượng » Thích Trí Dũng, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tức Ấn Quang, đã từng cạy nắp mộ của Ông Ngô Ðình Cẩn – ở Bắc Việt Nghĩa Trang – để bỏ vào đó vũ khí của Lữ đoàn 316 VC, và đã nuôi tên Thiếu tướng Việt công, là Trần Hải Phụng và nhiều tên VC khác ở trong chùa Phổ Quang, và đã bắt cái xác chết của Ông Ngô Ðình Cẩn, mà lúc sinh tiền Ông là một người chống cộng tuyệt đối, phải giữ một số súng đạn của Lữ đoàn 316, và Biệt Ðộng Thành Sài Gòn-Gia Ðịnh.
Xin quý độc giả hãy đọc lại bài: “Tưởng Niệm Bốn Mươi Năm Cuộc Thảm Sát Mậu Thân, 1968-2008,” mà tôi đã viết vào ngày 26-01-2008, hiện vẫn còn lưu giữ trên trang điện báo Hồn Việt để biết rõ hơn về những hành vi tàn ác của Phật giáo Ấn Quang trong cuộc thảm sát Mậu Thân.
Vì biết những chuyện kể trên, ông Nguyễn Thanh Hoàng rất sợ bọn Việt-gian-cộng-sản sẽ phá hủy mộ phần của ba vị họ Ngô Ðình, nên ông đã tìm cách gửi tiền về Việt Nam để cải táng cả ba Ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cùng nhị vị bào đệ là Ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu và Ông Ngô Ðình Cẩn. Ba ngôi mộ được cải táng từ Nghĩa Trang Mạc Ðĩnh Chi đưa về chôn ở một nghĩa trang trên Lái Thiêu, và sau đó đã đưa cả di hài của Mẫu Thân của ba vị về tại Lái Thiêu. Tôi xin ghi lại từ đầu như sau:
Nhiều lần ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng nhờ ông Trần Trung Quân chuyển tiền về Sài Gòn. Ông Trần Trung Quân là tác giả nhiều cuốn sách giá trị như: “Trong Lòng Ðịch, Cụm A 22: Tình Báo Dinh Ðộc Lập v…v…”
Lần thứ nhất, Ông Trần Trung Quân, là một người thân thiết của Ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, đã trao tận tay một số Mỹ Kim cho ông Trần Tam Tiệp, vì ông Trần Tam Tiệp biết cách gửi tiền về Việt Nam, vào tháng 10 năm 1977, tại tiệm Café Balto, 15, Rue Mazarine, 75006 Paris. Số tiền thứ nhất này là US$ 9,000 (Chín ngàn Mỹ kim).
Lần thứ hai, vào tháng 7 năm 1978, cũng do Ông Trần Trung Quân trao tận tay cho Ông Trần Tam Tiệp tại Thánh Thất Cao Ðài của Cô Ba Lê Kim Huê, tức Bà Lễ Sanh Lê Kim Huê, tại địa chỉ số 12, Rue Xavie Privas, 75005 Paris. Số tiền thứ hai này là US$10,000 (Mười ngàn Mỹ kim).
Lần thứ ba vào tháng 3 năm 1978, tại tiệm Café Notre – Dame de Paris, 3, Boulevard du Palais, Paris. Lần này ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng sang Paris và ông trao tận tay cho ông Trần Tam Tiệp số tiền US$ 6,000 (Sáu ngàn Mỹ kim) trước sự chứng kiến của Ông Trần Trung Quân.
Tổng cộng ba lần, ông Trần Tam Tiệp đã nhận của ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng số tiền là $25,000 (Hai mươi lăm ngàn Mỹ kim ). Ông TT Tiệp gửi tất cả 25,000 MK về Sài Gòn cho người lo việc cải táng mộ ba ông Ngô Ðình.
Những việc làm đó của ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng ít ai được biết, kể cả những người trong gia đình Bà Ngô Ðình Nhu. Cho đến năm 1980, Ông Ngô Ðình Luyện mới biết, ông Nguyễn Thanh Hoàng và ông Trần Trung Quân được Ông Ngô Ðình Luyện mời đến tư gia. Trong dịp này, ông Ngô Ðình Luyện ngỏ lời cám ơn ông Nguyễn Thanh Hoàng và ông Trần Trung Quân.
Sau đó, từ Hoa Kỳ, ông Nguyễn Thanh Hoàng gửi tiền về Việt Nam, để bốc mộ Cụ bà Thân Mẫu của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm về nghĩa trang Lái Thiêu.
Ông Trần Tam Tiệp trong những năm 1980 từng kêu gọi người Việt ở Pháp góp tiền cho ông gửi về Việt Nam để giúp đỡ các văn nghệ sĩ sống khó khăn. Nhưng riêng về ba ngôi mộ của Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cùng nhị vị bào đệ là Ông Cố Vấn Ngô Ðình Nhu và Ông Ngô Ðình Cẩn là hoàn toàn do số tiền bán báo Văn Nghệ Tiền Phong của Ông Nguyễn Thanh Hoàng..
Người viết bài này là người thân thiết với cả hai ông Nguyễn Thanh Hoàng, Trần Trung Quân. Ngày xưa khi viết trên Văn Nghệ Tiền Phong tôi dùng bút danh là Hàn Giang. Thời đó có người gọi tôi là « thằng Hàn Giang », có người còn đòi đi « kiện thằng Hàn Giang ra tòa » nữa. Vì thế, ông Nguyễn Thanh Hoàng đã cho tôi làm « thằng Hàn Giang » luôn, mà tôi cũng đã im lặng, bởi thấy vui, khi tự nhiên, mà mình trở thành một « đấng tu mi nam tử », chứ không phải vì tôi sợ bị kiện ra tòa mà không dám cho mọi người biết rằng mình là một phụ nữ.
(Ngưng trích bài của Nữ Ký Giả Lệ Tuyền).


Kẻ đã ra lệnh giết Tổng thống Ngô Đình Diệm
 
Tác giả bài viết dưới đây là Ông Đặng Kim Thu, cựu SVSQ/TVBDL/K19, cựu tùy viên của Đại Tướng Cao Văn Viên, cựu quận trưởng quận Chợ Gạo.
 
Tóm tắt, vụ 1-11-1963 hoàn toàn do Mỹ chỉ đạo. Nhưng Mỹ không chủ trương giết anh em ông Diệm-Nhu mà chính là tướng Dương Văn Minh.Từ đơn vị tác chiến (tiểu đòan 41 BĐQ), tôi được lệnh về làm Sĩ quan Tuỳ Viên cho Đại Tướng Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng vào cuối năm 1966. Vì tôi không có nhà ở Sài Gòn nên ông bà Đại Tướng cho tôi tạm ở trong tư dinh thời gian đầu .
Với công việc hoàn toàn mới lạ, nhiều bỡ ngỡ, cộng thêm sự gò bó ở trong dinh của Đại Tướng, mới đầu tôi hơi nản lòng, nhưng nhờ sự giúp đỡ, chỉ dẫn tận tình của người tiền nhiệm của tôi là Quách tinh Cần K20//TVBQGĐL, và sự cởi mở của ông bà Đại Tướng nên tôi cảm thấy an tâm đôi chút.
Những ngày đầu về ở trong dinh của Đại Tướng, cứ sau bữa cơm tối ông xuống phòng tùy viên chỉ rõ cách sinh hoạt trong nhà, cách tiếp nhận đìện thoại từ bên ngoài gọi vào, an ninh vòng ngoài, an ninh vòng trong, và v.v…
Ông bảo tôi:
– Thông thường các tướng lãnh khác tôi đều tiếp họ tại văn phòng, ngoài giờ làm việc tôi không tiếp ai ở nhà riêng cả, nếu có vị tuớng tá nào muốn gặp tôi ngoài giờ làm việc, mà không có hẹn, chú không được mở cổng, mà phải báo tôi trước để tôi quyết định có tiếp họ hay không, đặc biệt chú phải quan sát, xem vị tướng đó có đem theo lính hộ tống hay không. Trong mọi trường hợp chú đừng cho lính hộ tống vào bên trong dinh, cổng phải luôn luôn khóa chốt . Nhưng đặc biệt có hai vị cựu tướng lãnh khi tới nhà muốn gặp tôi bất cứ lúc nào, chú cũng mở cổng mời vào phòng khách rồi báo tôi ra tiếp, không cần phải hỏi tôi trước, hai vị đó là trung tướng Trần văn Đôn và trung tướng Tôn thất Đính. Mà chú có bao giờ thấy hai vị tướng đó chưa?
Tôi trả lời “dạ chỉ biết qua hình ảnh trên báo chí”. Ông bảo: “Cũng tốt, vậy thi ráng nhận diện nếu hai vị đó tới.”
Xong ông nhìn tôi thấy có vẻ như tôi muốn tìm hiểu lý do nào mà hai ông cựu tướng này được đại tướng ưu ái như vậy.? Ông nói thêm:”chú muốn biết tại sao tôi đối xử với hai ông đó đặc biệt như thế chứ gì, được rồi để mai tôi kể cho chú nghe vì mai là chúa nhật có nhiều giờ rảnh hơn”
Hôm sau ăn cơm trưa xong ông xuống phòng tôi và bắt đầu kể:
“Ngày 1 tháng 11 năm 1963 là ngày Lễ Các Thánh, quân nhân, công chức nghỉ buổi sáng khoảng 10 giờ sáng tôi được điện thoại của chánh văn phòng thiếu tướng Khiêm mời vào Bộ Tổng Tham Mưu họp ở phòng họp số 1, và phải có mặt trước 1 giờ. Tôi tới lúc 1 giờ kém 10 phút, thấy có đông các đơn vị trưởng sẵn đó rồi, nhìn mặt toàn là các sĩ quan thân tín của ông Diệm. Đúng 1 giờ. hai qưân cảnh ở ngoài đóng cửa phòng họp và khoá lại, mọi người trong phòng ngơ ngác nhìn nhau, đại tá Lê Quang Tung nói lớn:
– Họp hành khỉ mẹ gì, ai chủ toạ phiên họp sao chưa tới mà họ khoá cửa nhốt mình rồi, chuyện gì đây!
Vài phút sau đó có tiếng mở cửa, đại úy Nhung cận vệ của trung tướng Dương văn Minh đứng ngoài cửa nới với vào:
– Mời đại tá Lê quang Tung – Lực Lượng Đặc Biệt và đại tá Cao văn Viên Nhẩy Dù lên lầu gặp trung tướng Dương văn Minh.
Vì đại tá Tung ngồi gần cửa nên bước ra trước, tôi ở trong xa cửa hơn nên đi ra sau. Khi tôi ra khỏi phòng họp thì nhìn thấy đại tá Tung đã bị đại úy Nhung còng tay dẫn xuống xe, còn tôi cũng bị 1 sĩ quan khác còng nhưng mới vừa bị còng 1 tay thì tình cờ thiếu tướng Tôn thất Đính trên lầu đi xuống chợt thấy vậy, ông bảo tháo còng tôi ra, rồi sĩ quan đó cùng tướng Đính dẫn tôi lên lầu gặp trung tướng Minh .
Tướng Minh nói:
– Hôm nay “moi” và một số các tướng lãnh đảo chánh ông Diệm “toi” nghĩ sao?
Tôi trả lời:
– Chuyện quan trọng như vậy mà tới giờ này trung tướng mới cho tôi biết thì tôi đâu có quyết định được gì.
Lúc đó trung uý Trương ( hay Trần) Tự Lập sĩ quan tùy viên của trung tướng Minh lăm le khẩu súng carbine chĩa vào lưng tôi như sẵn sàng bắn tôi. anh ta hỏi tôi :
– Đại tá có theo Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng không?
Tôi đáp:
– Tinh thần của quân nhân thuộc binh chủng nhẩy dù không trả lời trước áp lực.
Thiếu tướng Đính thấy vậy bảo tên trung úy Lập đừng hỗn với cấp trên, rồi tướng Đính dẫn tôi về lại phòng sô 1 đóng cửa lại.
Vài vị sĩ quan đang bị nhốt chung trong phòng tới hỏi tôi chuyện gì vậy? Tôi nói họ đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Có người hỏi: “còn đại tá Tung đâu? tôi nói “bị còng dẫn đi chỗ khác rồi”.
Khoảng 15 phút sau tôi lại bị dẫn lên gặp Trung tướng Minh lần nữa, lần này Trung tướng Minh nói với tôi:
– Có 1 tiểu đoàn nhẩy dù theo “Chiến Đoàn Vạn Kiếp” của trung tá Vĩnh Lộc từ Bà Rịa về tới Sài Gòn, nhưng không chịu tấn công vào Dinh Gia Long, đòi phải được liên lạc trực tiếp với “toi”, vậy nếu “toi” chịu làm 2 việc như sau: Thứ nhất tuyên bố theo Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, thứ hai ra lệnh cho tiểu đoàn nhẩy dù ở Bà Rịa về tấn công vào Dinh Gia Long, khi thành công “moi” gắn lon thiếu tướng cho “toi” liền.
Tôi trả lời rằng chuyện của trung tướng làm, tôi không chống đối, nhưng bảo tôi phản lai “thầy” tôi thì tôi không làm, trung tướng thông cảm cho tôi (lời người viết: xin nói rõ thêm, trước khi chỉ huy lực lượng nhẩy dù, đại tá Viên là chánh Võ Phòng rồi Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng Thống);
Tôi được dẫn trả lại phòng họp số 1, các vị sĩ quan trong phòng lại hỏi, tôi trả lời chưa hết thì chánh văn phòng của thiếu tướng Khiêm xuống dẫn tôi lên văn phòng giữ riêng tôi ở đó.
Sau khi đảo chánh thành công tôi được cho về nhà, rồi hằng ngày tôi phải lên Bộ Tổng Tham Mưu chờ lệnh . Độ 5,6 ngày sau trung tướng Khiêm “lên trung tướng ngày 2 tháng 11 năm 1963” tự ý quyết định cho tôi trở về chỉ huy Lữ đoàn nhẩy dù như cũ, còn các vị sĩ quan bị nhốt chung với tôi đa số bị giải ngũ hoặc bị hạ tầng công tác.
Rồi sau đó không lâu tôi được trung tướng Đôn cho biết: sau khi tôi từ chối lời yêu cầu của trung tướng Minh thì trung tướng Minh bàn với trung tướng Đôn định đưa tôi theo số phận của đại tá Lê quang Tung, nhưng trung tướng Đôn không đồng ý và nói rằng:
– Trước khi tiến hành cuộc “cách mạng” anh” (ông Minh) có hứa với chúng tôi hạn chế tối đa vìệc gây đổ máu các sĩ quan cấp tá không ủng hộ chúng ta, anh đã cho giết đại tá Hồ tấn Quyền, giết đại tá Lê quang Tung, bây giờ anh muốn giết luôn đại tá Viên nữa sao? Hơn nữa dù “lui” không hợp tác với mình nhưng “lui” đâu có chống mình mà giết “lui”.
Tôi nghĩ dường như tướng Khiêm cũng biết ý định đó của tướng Minh nên mới ra lệnh đem tôi lên văn phòng của ông giao cho chánh văn phòng là đại úy Phạm Bá Hoa giữ riêng tôi ở đó, rồi ông Khiêm bảo:”Ai muốn kêu đại tá Viên đi đâu phải có lệnh của tôi mới cho đi”
Đấy là 3 người ơn cứu tử tôi đó !”
 

 
VAI TRÒ CỦA ĐẠI TÁ CAO VĂN VIÊN
 
TRONG CUỘC CHỈNH LÝ NGÀY 30-1-1964
 
Một lần tôi theo Đại Tướng Viên ra Đà Nẵng thăm các đơn vị thuộc Quân Đoàn I. Tối lại, ngủ ở Tòa Thị Chính Đà Nẵng, lúc đó trung tá Lê chí Cường gốc nhẩy dù làm Thị Trưởng.
Đầu hôm thời tiết còn nóng, thầy trò tôi chưa ngủ được nên Đại Tưóng kể chuyện Đảo Chánh, chỉnh lý cho tôi nghe. Giờ đây thì chuyện dù đã xa xưa, nhưng thiết tưởng còn nhiều người chưa biết rõ, hoặc biết không chính xác, không đầy đủ, nên tôi mạo muội thuật lại những gì Đại Tá Viên kể cho tôi nghe với ước mong giúp quí vị độc giả đánh giá được 1 phần sự thực của 1 giai đoạn của Đất Nước.
 
Nguyên nhân đưa đến cuộc chỉnh lý 30-1-1964
Đại Tướng Viên kể rằng :
“ Trong nội bộ các tướng lãnh: sau ngày Đảo Chánh 1-11-1963 thành công, trong hàng tướng lãnh trụ cột của cuộc đảo chánh có những bất đồng ý kiến về việc thành lập chính phủ mới, về việc sắp xếp nhân sự và quan trọng hơn là sự tranh công tranh quyền giữa các tướng với nhau, cho nên dẫn tới sự chia rẽ.
Ngoài ra trung tướng Minh ỷ quyền là chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng nên tỏ ra độc đoán trong mọi quyết định.
“ Chẳng hạn như ông Minh muốn đưa ông Nguyễn ngọc Thơ nguyên Phó Tổng Thống của ông Ngô Đình Diệm ra làm thủ tướng, nhìều tướng lãnh không đồng ý, vì cho rằng nguyên Phó Tổng Thống của chính phủ vừa bị lật đổ ra làm thủ tướng của chính phủ mới thì thật là vô lý, nhưng ông Minh cứ làm theo ý ông.
“Về phía Tòa Đại Sứ Mỹ thì ông Đại Sứ đề nghị với ông Minh nên cử ông Trần quốc Bửu Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công ra lập chính phủ với lý do ông Bửu có nhiều uy tín trong giới bình dân và hiện trong tay ông Bửu có hơn 20 ngàn doàn viên của Tổng Liên Đoàn Lao dộng là lực lượng hùng hậu sẽ hỗ trợ cho chính phủ. Ông Dương văn Minh chẳng những không nghe mà còn ra lệnh cho thìếu tướng Đỗ Mậu bắt giam ông Trần quốc Bửu với lý do rất mơ hồ.
Thêm nữa, ông Minh lại gọi 2 người đã rời khỏi quân đội hồi năm 1955 đang lưu vong bên Pháp( vì chống ông Ngô đình Diệm) trở về hợp tác, đó là thiếu tướng Nguyễn văn Vỹ và đại tá Trần đình Lan (phòng2) trong quân đội Liên Hiệp Pháp; đìều này có vài tướng trẻ mới được thăng cấp như thếu tưóng Nguyễn hữu Có, Đỗ Mậu, thiếu tướng Dương ngọc Lắm, trung tướng Trần thiện Khiêm đều không đồng ý, bởi các vị này cho rằng ông Nguyễn văn Vỹ và ông Lan đã lỗi thời và đã rời khỏi quân đội lâu rồi, không còn thích hợp với quân đội hiện giờ nữa. Các ông Khiêm, Có, Lắm cho ràng, hiện nay trong quân đội có nhiều cấp tá trẻ có nhiều năng lực và được đào tạo chánh quy, cứ mạnh dạn giao việc cho họ, chứ cần gì phải gọi 2 người đó về hợp tác.
Ông Dương văn Minh chẳng thèm nghe mà vẫn cứ hành xử theo ý riêng mình dựa trên tình cảm cá nhân.
“Phần tôi (đại tá Cao văn Viên) thì mỗi ngày trình diện ở Bộ Tổng Tham Mưu, nghe nói ông Minh định cho tôi giải ngũ, nhưng nhờ trung tướng Khiêm tự ý cho tôi trở về nhẩy dù ngày 6-11-1963 mà không hội ý với ông Minh, vì việc này nằm trong thảm quyền của ông Khiêm.
Về sau mới biết, sở dĩ ông Khiêm hành động như vậy vì ngày 5-11-1963, ông Minh nói với ông Khiêm rằng đại tá Nguyễn chánh Thi ở Campuchia sắp về, ông Minh sẽ cho ông Thi chỉ huy lại Lực Lượng Nhẩy Dù, diều này chính ông Khiêm không muốn, nên hành động trước một bước, vì nếu để ông Nguyễn chánh Thi chỉ huy nhẩy dù thì khi ông Khiêm muốn mưu đồ gì cũng không thể xử dụng lực lượng nhẩy dù được vì ông Khiêm với ông Thi không thân nhau, vả lại cũng còn ngờ vực không biết ông Thi còn ôm mối hận ngàỳ 11-11-1960 cách 3 năm trước hay không.
Ngày 8-11-1963 đại tá Nguyễn chánh Thi từ Nam Vang đi đường xe về tới Gò Dầu Hạ, được ông Khiêm cho trực thăng đi đón về Tổng Tham Mưu, sau đó ông Khiêm cử ông Thi làm chủ tịch Ủy Ban Điều Tra tài sản và tội ác của ông Ngô đình Cẩn, thế là ông Thi trở ra miền Trung làm việc.
Từ những việc như vậy đưa đến những xích mích giữa ông Khiêm và ông Minh, rồi một ngày vào hạ tuần tháng 12-1963, ông Minh cử ông Khiêm đi công du qua Nhật và Đài Loan, ở nhà ông Minh giao cho Trung tướng Lê văn Kim thay thế trung tướng Khiêm giữ chức vụ Tham Mưư Trưởng Liên Quân ( không làm lễ bàn giao), đến khi ông Khiêm trở về thì ông Minh chỉ định ông Khiêm làm tư Lệnh Quân Đoàn III chia bớt nhiệm vụ của trung tướng Đính đang kiêm nhiệm Bộ An Ninh. Thời gian này Quân Đoàn III còn nằm trong trại Lê văn Duyệt Sài Gòn chưa dời lên Biên Hoà. Vậy là ông Khiêm bị hạ tầng công tác nên ông Khiêm trở nên bất mãn.
 
Nguyên nhân bên ngoài
Ông Dương văn Minh gây cho Đại Sứ Mỹ cú “sốc” đầu tiên là không nghe theo đề nghị của Đại Sứ Mỹ đề cử ông Trần quốc Bửu làm thủ tướng mà ông Bửu còn bị bắt giam với tội danh mơ hồ.
Sau khi đảo chánh thành công, ông Minh thường liên lạc với đại sứ Pháp ờ Sài Gòn, hơn là đại sứ Mỹ, và có vài lần ông Minh mời Đại Sứ Pháp đến dinh “Hoa lan” của ông Minh dùng cơm tối, có sự hiện diện của ông Đôn, ông Kim, ông Xuân…mà không có sự hìện diện của viên chức Mỹ nào cả. Việc này không qua khỏi cặp mắt “cú vọ” của cơ quan CIA ở Sài Gòn khiến họ đâm ra hoài nghi. Ngoài ra mỗi khi có việc phải giao tiếp với viên chức của toà đại sứ Mỹ và Bộ Tư Lệnh M.A.C.V, các ông Minh, Đôn, Xuân, Kim …chỉ nói toàn tiếng Pháp mà không nói 1 câu tiếng Anh nào, điều này cũng gây khó chịu và tự ái đối với các viên chức Mỹ không ít, và họ nghĩ là các tướng có khuynh hướng thân Pháp.
Tổng hợp những chuyện kể trên đưa đến cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964.
 
Chỉnh lý ngày 30-1-1964
Chiều ngày 29-1-1964 tướng Khiêm mời tướng Khánh ở Đà Nẵng về Sài Gòn, nói có chuyện cần bàn với tướng Khánh, rồi tướng Khiêm gặp tôi (Đại tá Viên) chỉ thị cho tôi chuẩn bị lực lượng nhẩy dù đi bắt 5 vị tướng: Đôn, Kim, Xuân, Đính,Vỹ và người thứ 6 là thìếu tá Nhung (người đã giết ông Ngô đình Diệm và ông Ngô đình Nhu), thiếu tá Nhung đang ở trong nhà trung tướng Dương văn Minh.
Tôi đề nghị với trung tướng Khiêm nên giao người khác đi bắt ông Đôn và ông Đính, chứ tôi rất khó xử nếu phải đi bắt 2 người mà cách đây 3 tháng đã là ân nhân cứu tử tôi. Trung tướng Khiêm thấy đề nghị của tôi hợp lý nên giao cho tiểu đoàn 2 TQLC lúc đó do thiếu tá Cổ Tấn Tinh Châu làm TĐT đi bắt tướng Đôn và tướng Đính.
Lệnh tổng quát của trung tướng Khiêm cho 2 tôi và thiếu tá Châu là không được liên lạc hoặc tiếp xúc với bắt cứ ai cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.
Thời gian này tất cả mọi đơn vị muốn vào lãnh thổ Biệt Khu Thủ Đô phải có lệnh của Tư Lệnh QĐIII, và riêng TĐ2/TQLC vì đang đóng quân bên ngoài lãnh thổ Biệt Khu Thủ Đô nên tr/t Khiêm ký sự vụ lệnh giao cho 1 đại úy thuộc QĐIII đem đến cho TĐT/TĐ2/TQLC để di chuyển tiểu đoàn vào BKTĐ mà không bị ngăn cản.
Tr/t Khiêm ra lệnh cho thiếu tá Phạm bá Hoa chuẩn bị 1 xe dodge truyền tin để theo dõi việc đi bắt 5 ông tướng mà chính t/t Hoa phải trực máy truyền tin.
Giờ xuất phát đi bắt là 23 giờ và các đường giây điện thoại ở nhà 5 ông tướng đã bị ông Khiêm cho lệnh cắt đứt hết rồi, không liên lạc được với ai cả.
Đúng 23 giờ tôi được lệnh xuất phát để bắt 3 ông tướng : Mai hữu Xuân, Lê văn Kim và Nguyễn văn Vỹ, rồi sau cùng đến bắt th/t Nguyễn văn Nhung tại nhà của ông Dương văn Minh.
Tiểu đoàn 2/TQLC được giao nhiệm vụ đi bắt 2 ông tướng Tôn thất Đính và Trần văn Đôn , cả 2 đơn vị xuất phá cùng một lúc.
Đến khoảng 2 giờ sáng 5 vị tướng : Đôn, Kim, Xuân, Đính, Vỹ được đưa vô Bộ Tổng Tham Mưu, riêng th/t Nhung thì tôi đưa về trại Hoàng Hoa Thám bản doanh của lữ đoàn nhẩy dù.
Trung tướng Nguyễn Khánh ở Đà Nẵng được trung tướng Khiêm mời về Sài Gòn từ chiều, đang ở nhà chờ, đến bấy giờ mới được tướng Khiêm mời vào BTTM cho biết:”Nhiệm vụ của tôi(tướng Khiêm) tới đây đã xong, phần còn lại tôi giao cho anh (tướng Khánh).chuẩn bị sáng mai anh họp báo.
Tướng Khánh nói:”công của anh thì anh làm luôn đi”. Tướng Khiêm vẫn khước từ và gợi ý với tướng Khánh, khi họp báo cứ nói các ông đó cớ ý định “trung lập thân Pháp” nên mình phải ra tay ngăn chặn.
Trung tướng Khánh liền gọi ra Quân Đoàn I Đà Nẵng dặn dò chuyện gì đó, rồi dại tá Thi nghe được lièn bay vô Sài Gòn kịp sáng sớm vào TTM ngồi họp báo chung với tướng Khánh, điều này khiến báo chí và dân chúng tưởng rằng ông Khánh và ông Thi làm cuộc chỉnh lý, chứ không biết rằng trong đêm 1 mình tướng Khiêm đích thân chỉ huy 2 vị sĩ quan cấp tá là tôi và thiếu tá Cổ tấn tinh Châu đi bắt 5 ông tướng và thiếu tá Nhung, xong rồi mới giao cho ông Khánh.
Tóm lại ông Khiêm dọn sẵn “mâm cỗ” cho ông Khánh hưởng.
Hôm saụ 5 vị tướng bị chỉnh lý được phi cơ chở ra Đà Nẵng rồi vài ngày sau lại chở vô quản thúc ở Đà Lạt. Ông Khánh lên làm thủ Tướng từ lúc đó.
 
Số phận của thiếu tá Nhung
Đại Tướng viên kể lại rằng:
“Khi tới nhà ông Minh để bắt t/t Nhung thì tôi gặp ngay tướng Minh, ông hỏi lệnh của ai biểu bắt,
Tôi (đại tá Viên) trả lời: lệnh của tr/t Trần thiện Khiêm.
Ông Minh hỏi : ông Khiêm hiện giờ ở đâu?
Tôi trả lời: thưa trung tướng tôi không biết.
Ông Minh lại hỏi tiếp:vậy đại tá nhận lệnh của ông Khiêm từ lúc nào? lý do nào bắt cận vệ của tôi.
“Tôi đáp: xin tr/t hỏi ngay tr/t Khiêm, còn tôi chỉ thi hành lệnh.
Liền đó tướng Minh bốc điện thoại gọi ai đó, nhưng gọi không được, bèn dằn mạnh điện thoại xuống bàn, thấy vậy tôi nói: ”điện thoại bị cắt giây rồi, trung tướng không gọi được ai đâu”, tôi chào tr/t Minh rồi dẫn th/t Nhung ra xe đưa về trại Hoàng Hoa Thám.
Tại đây tôi giao th/t Nhung cho sĩ quan an ninh nhẩy dù hỏi cung th/t Nhung, chủ yếu ở điểm: ai ra lệnh giết Tổng Thống Ngô đình Diệm và ông cố vấn Nhu? Sĩ quan an ninh nhẩy dù đưa giấy, viết bắt ông ta tự viết lời khai để làm chứng cớ. Sau khi lấy lời khai xong, khuya ngày hôm sau sĩ quan an ninh ( cấp bậc trung úy)cho người vô phòng giam bóp cổ Nguyễn Nhung chết rồi lấy giây giầy”saut” của chính ông Nhung thắt vòng treo cổ Nguyễn Nhung lên trần nhà.
Đêm đó tôi về nhà ngủ, sáng sớm hôm sau, sĩ quan trực ở trại Hoàng Hoa Thám đìện thoại báo cáo tôi: th/t Nhung thắt cổ tự tử chết rồi, tôi bảo sĩ quan trực gọi bác sĩ Văn văn Của, lúc ấy là th/t y si trưởng ND ráng cứu chữa ông ta coi có thể sống lại được không? .
Sau đó y sĩ thiếu tá Văn văn Của điện thoại báo tôi: “Thưa đại tá hết phương cứu chữa rồi” và ông Của làm bản báo cáo, y chứng xác nhận, thiếu tá Nhung đã chết do thắt cổ tự tử”. Cuộc điện đàm này tôi có cài máy ghi âm để thủ thân về sau này.
Trong lời tự khai của th/t Nhung, ông ta nói rằng ông Dương văn Minh ra lệnh cho ông ta giết ông Nhu trướckhi đoàn xe về tới Bộ TTM, ngoài ra trên đường di chuyển nếu có sự bất trắc gì xẩy ra thì chỉ nghe theo lệnh của thiếu tướng Mai hữu Xuân mà thôi, khi ông Nhung đâm ông cố vấn Nhu thì bị ông Diệm chống cự quyết liệt nên buộc lòng ông Nhung phải giết luôn ông Diệm
Ngoài ra khi khám tử thi của t/t Nhung, sĩ quan an ninh lấy ra được một mẩu giấy viết sẵn giấu trong quần, định tìm cách gửi về nhà, nhưng chưa gửi được. Nội dung như sau:”Em ơi! Bọn Diệm , Nhu sống lại rồi, chắc anh phải chết, nếu anh có mệnh hệ gì,em phải ráng nuôi các con cho khôn lớn, anh đang bị nhốt trong lữ đoàn nhẩy dù”.
Lời tự khai và cái thơ riêng gửi cho vợ của t/t Nhung được đưa cho trung tướng Khánh giữ.”
 
Nhận định riêng của người viết:
Về cái chết của thiếu tá Nhung,tôi nghĩ rằng vị sĩ quan an ninh nhẩy dù không dám tự ý hành động, mà phải có lệnh của 1 trong 3 vị: tuớng Khánh, tướng Khiêm hoặc đại tá Viên? Nhiều lần tôi muốn hỏi đại tướng Viên nhưng lại rụt rè không giám hỏi vì sợ tướng Viên giận và cho rằng tôi tò mò.,
Theo tôi cuộc chỉnh lỷ 30-1-1964 chắc chắn phải có bàn tay “phù thủy” của Mỹ thúc đẩy cho tướng Khiêm thực hiện, mà nguyên nhân chánh là do trung tướng Dương văn Minh làm phật lòng người Mỹ, nhưng ông Minh không bị loại vì lúc bấy giờ dân chúng và khối phật giáo Ấn Quang vẫn còn xem ông Minh như người hùng ”cách mạng” nếu loại hẳn ông Minh sợ e có xáo trộn xã hội và sợ thượng toạ Thích trí Quang xách động Phật tử “xuống đường”ủng hộ ông Minh. Còn 5 ông tướng bị chỉnh lý vì thân tín với ông Minh nên bị làm vật tế thần, bị chụp lên đầu cái mũ ”trung lập thân Pháp”, để chặt hết tay chân của ông Minh, biến ông Minh thành “con cua bị gẫy càng” ngồi đó nhìn ông Khánh tung hoành
 
Phụ chú:
Những điều tôi thuật lại cho quý độc giả trên đây là tôi được nghe đại tướng Viên kể lại lúc tôi đang là sĩ quan tùy viên của ông,
Sau này vào tháng 8 năm 2004, tôi từ Cali qua Virginia thăm đại tướng Viên trong 1 nursing home, tình cờ có đại tướng Khiêm tới, ông Viên, ông Khiêm và tôi cùng ngồi nói chuyện chung, đây là dịp may hiếm có, tôi hỏi đại tướng Khiêm vài điều mà tôi ấp ủ từ lâu vì không biết hỏi ai cho chính xác.
Tôi hỏi:
-Thưa đại tướng, em nghe nói ngày đảo chánh 1-11-1963 có 1 người Mỹ ở trong phòng của đại tướng ngay từ giờ phút đầu để theo dõi cuộc đảo chánh, em muốn biết lời đồn đó co đúng không?
Đại tướng Khiêm nói:
– Lời đồn đó đúng, người Mỹ đó là trung tá Conein, ông ta ở trong 1 phòng nhỏ sát phòng làm việc của tôi sau tấm vách ngăn mà không hề bước qua phòng tôi trong thời gian tiến hành đảo chánh. Tôi cho chú biết thêm, ông Conein này là 1 sĩ quan trưởng của 1 toán tình báo Mỹ đã từng nhẩy dù xuống vùng Việt Minh kiểm soát ở miền Bắc, Việt Nam năm1945 để giúp Hồ chí Minh đánh Nhật, ông ta là người biết nhiều về Hồ chí Minh và mặt trận Việt Minh.
Tôi hỏi tiếp :
– Thưa đại tướng, em được biết, sau khi đại tướng làm cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964 thiếu tá Nhung đã khai, ông Minh ra lệnh cho ông ta giết ông Diệm, ông Nhu , lời khai đó chân thật không? Liệu sau lưng ông Minh có 1 thế lực nào khác thúc đẩy ông Minh làm chuyện đó không?
Đại tướng Khiêm trả lới:
– Chú nghe kỹ tôi nói đây:”trước ngày đảo chánh (1-11-1963) tôi đưa ra 1 điều kiện tiên quyết với ông Minh, liên quan đến Tổng Thống Diệm như sau : phải bảo đảm sinh mạng Tổng Thống Diệm và để T/T Diệm bình an xuất ngoại. Ông Minh và ông Kim đều đồng ý, sở dĩ có ông Kim vì mới đầu ông Kim có 1 nhóm riêng cũng âm mưu đảo chánh, về sau 2 nhóm mới kết hợp lại.
Khi biết ông Diệm, ông Nhu bị giết, lúc ấy tôi mới biết luôn đại tá Quyền, đại tá Tung và em của đại tá Tung là Lê quang Triệu cũng bị giết, còn ông này (ông Khiêm vừa nói vừa nhìn qua ôngViên) cũng bị còng tay, may mà ông Đính thấy kip chứ không thì cũng theo Hồ tấn Quyền và Lê quang Tung rồi (ông Viên và ông Khiêm cùng cười).
Ông Khiêm nói tiếp:
– Tôi ở văn phòng của tôi trên lầu. Còn ông Minh, ông Kim, ông Đôn ngồi ở phòng của đại tướng Tỵ, lúc đó đại tướng Tỵ đang dưỡng bệnh, nên ông Đôn làm quyền Tổng Tham Mưu Trưởng. Họ hành động lén lút, giấu không cho tôi biết rồi họ quyết định với nhau tôi có hay biết gì đâu.
Chú nghĩ coi: ông Diệm đã gọi đìện thoại bảo cho xe đến đón ông về TTM, như vậy nghĩa là ông đã đầu hàng rồi, tại sao lại giết người đầu hàng. Ông Minh, ông Kim độc ác quá! Cho nên tôi bất mãn với 2 ông ấy từ lúc đó.
Còn chú hỏi liệu có thế lực nào khác thúc đẩy ông Minh giết ông Diệm, tôi cho chú biết thêm chi tiết này: khi ông Conein ở trong phòng nhỏ bước ra phòng tôi, trung tướng Minh cho ông ta biết ông Diệm và ông Nhu chết rồi, ông Conein tỏ ra tức giận không nói với ông Minh một lời,ông quay trở vào phòng và thốt lên một câu: ”Do a terrible thing” rồì một lúc sau ông Coneil bỏ ra về. Thế đó chú tự suy nghĩ”
Tôi cám ơn đại tướng Khìêm, rồi chúng tôi tiếp tục nói chuyện linh tinh khác suốt cả buổi sáng hôm đó.
Thân phận của một Quốc Gia nhược tiểu là như vậy.
 
Cựu Sĩ quan tùy viên Đặng Kim Thu

 

Đăng ngày 26 tháng 10.2015