45 năm Quốc hận (1975-2020)
Lê Ðình Thông
Tính đến nay đã là 45 năm VNCH bị cộng sản "thôn tính", theo đúng ngôn từ ghi trong Hiệp định Chấm đứt Chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam ký tại Paris ngày 27/01/1973, trong bài viết tắt là Hiệp định Paris. Các quy định của hiệp định này vẫn còn giá trị cho đến ngày hoàn thành tổng tuyển cử tự do. Vì vậy, trong phần I, ta đặt vấn đề trách nhiệm dân sự (responsabilité civile) của chính quyền Hà Nội cũng như thủ tục tài phán, đòi bồi thường theo tố tụng quốc tế. Trong phần II, ta sẽ đề cập đến thời điểm hiện nay đánh dấu sự suy yếu của đảng cộng sản Tàu, vấn đề Biển Ðông, hiện tình đảng cộng sản Việt Nam. Phần III bàn về viễn tượng tương lai của đất nước, qua bốn lãnh vực trọng yếu: ngoại giao, quốc phòng, tư pháp và kinh tế.
I - Nhìn lại thời điểm 1975:
Ngày 30/04/1975, Việt Cộng dùng xe tăng T54 do Morozow của Ðảng Cộng sản Liên xô chế tạo, phá hủy cổng chính Dinh Ðộc Lập, "thôn tính" VNCH. Hai hình ảnh trên, xích sắt xe tăng xâm nhập Dinh Ðộc Lập và xích sắt xe tăng chế tạo tạo tại Liên Xô chỉ là một.
Theo điều 15 Hiệp định Paris, "việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không biên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài."Hiệp ước này có hiệp lực từ ngày ký đến ngày hoàn thành tổng tuyển cử.
Miền Bắc đã thôn tính miền Nam bằng quân sự với xe tăng do Liên Xô chế tạo, mặt khác các quy định của Hiệp định Paris vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hoàn thành tổng tuyển cử tự do, cho phép ta sẽ xét xem việc nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã vi phạm thô bạo hiệp định Paris như thế nào? Trong trường hợp này, trách nhiệm pháp lý phải được giải quyết ra sao?
1.1. Việc Việt Cộng trả thù qua việc "cải tạo": Chế độ cộng sản reo rắc sự "thù hằn", thực hiện quy mô việc "trả thù" tàn bạo "các cá nhân phục vụ chính thể VNCH". Các thuật từ trong ngoặc kép trích nguyên văn trong Hiệp định Paris.
1.1.2. Quy định của Hiệp định Paris về việc cấm trả thù: Ðiều 11 khoản 1 của Hiệp định Paris viết nguyên văn như sau: "Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hình thức trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia."
1.1.3. Việt Cộng trả thù những công dân VNCH: Ðảng cộng sản Việt Nam trút sự thù hận lên những người tù cải tạo, bị giam giữ trong các trại tù phỏng theo mô hình Gulag dưới thời Stalin và trại lao cải của Mao Trạch Ðông. "Lao cải" là viết tắt của lao động cải tạo (xem bài gốc), quy định theo nghị quyết 49/TVQH. Việc cộng sản giam giữ trái phép vi phạm điều 11 khoản 1 Hiệp định Paris, điều 11 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, các điều 5 và 9 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Theo thông cáo của chính quyền cộng sản, từ 13 đến 16/06/1975, hơn 1 triệu sĩ quan, công chức, đảng viên đi cải tạo trong 15 ngày. Họ phải mang theo 21 kí lô gạo. Chỉ riêng tại Saigon, có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 37 tướng lãnh, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp úy, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người đảng phái. Tuy nói là 15 ngày nhưng có người phải ở tù suốt 17 năm, một số còn chôn thây nơi rừng thiêng nước độc. Sau đây là sáu vị tướng ở tù lâu nhất (17 năm):
- Thiếu tướng Trần Bá Di
- Thiếu tướng Lê Minh Ðảo
- Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai
- Chuẩn tường Phạm Duy Tất
- Chuẩn tướng Mạch Văn Trường
- Chuẩn tướng Trần Quang Khôi
Vài năm sau khi được trả tự do, nhiều vị đã qua đời.
Có ba vị tướng chết trong tù:
- Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên, từ trần năm 1977 tại khám Chí Hòa
- Thiếu tướng Ðoàn Văn Quảng, từ trần năm 1984 tại trại Nam Hà
- Chuẩn tướng Bùi Văn Nhu, từ trần năm 1984 tại trại Nam Hà
Có năm tướng lãnh tuẫn tiết:
- Trung tướng Nguyễn Văn Hiếu
- Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam
- Thiếu tướng Phạm Văn Phú
- Chuẩn tướng Trần Văn Hai
- Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ
Khung cảnh một trại tù "cải tạo" dựng lại trong phim "Vượt Sóng" được nhiều người tù "cải tạo" nhìn nhận là trung thực 80%.
Trại K1 Gia Trung
Dưới đây là danh sách 12 trên tổng số 80 trại "cải tạo", từ Bắc xuôi Nam:
1) Trại K3 (Z 30A) tại Xuân Lộc
2) Trại Z30D tại Hàm Tân
3) Trại Chí Hòa
4) Trại Bè, B5 tại Suối Máu
5) Trại B34: Tổng Nha Cảnh Sát cũ
6) Trại Nam Hà (Phủ Lý, Ba Sao)
7) Trại Thanh Cẩm (Ðầm Ðùn, Lý Bá Sơ)
8) Trại Lam Sơn T5 (Ðầm Ðùn), cách Thanh Hóa 70 km và biên giới Lào Việt 60 km.
9) Trại Bình Ðiền (Huế - Quảng Nam)
10) Trại A30 Tuy Hòa
11) Trại A20, Xuân Phước, Phú Yên tức Thung lũng Tử thần A20. Cộng sản đặt tên là Sibérie dưới thời Staline. Tháng 04/1985, linh mục Nguyễn Văn Vàng đã chết trong xà lim số 6.
12) Trại giam số 4 Phạm Ðăng Lưu, nơi nhiều văn nghệ sĩ bị giam giữ, trong số có nhà báo Nguyễn Hoạt tức Hiếu Chân.
Ngoài danh sách chính thức, trong thực tế, mỗi quận/huyện đều có một trại tạm giam và trại cải tạo riêng, như trại tạm giam huyện Hàm Thuận và trại cải tạo Xóm Mía ở phía nam dãy núi Trường Sơn của công an huyện Hàm Thuận, tỉnh Thuận Hải.
Một số nhân sĩ bị cộng sản đầy đọa đến chết:
- 1976: luật sư Trần Văn Tuyên, thi bá Vũ Hoàng Chương
- 1978: đại tá sử gia Phạm Văn Sơn
- 1979: nhà văn Nguyễn Mạnh Côn
- 1980: nhà văn Hồ Hữu Tường.
Khi bi giam ở Yên Bái, vào năm 1979, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền làm mấy câu thơ như sau:
Ðầm mình trong hạnh của ẩn mặt
Mắt hoen nhòa hứng giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?
Nhà thơ Tô Thùy Yên bị cộng sản giam giữ ba lần, tổng cộng 13 năm. Trong thời gian lao lý, ông sáng tác "Ta Về", coi mình "hóa thân thành vượn cổ sơ":
Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng ngàn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.
Trong ca khúc "Còn yêu em mãi", nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang đã viết lời ca trong lao tù cải tạo như sau:
Riêng ta nơi núi rừng, về đêm còn nghe hồn băng giá
Câu ca hay khúc nhạc, càng thêm sầu cho tình tan nát.
Cộng sản thù hận tất cả những ai không phải là cộng sản, nhất là các văn nghệ sĩ. Chính vì vậy năm 1957 tại miền Bắc, Phùng Quán mới uất ức viết câu thơ:
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.
1.2. Việt Cộng vơ vét tiền của dân miền Nam:
1.2.1.Quy định của Hiệp định Paris: Theo điều 11 khoản 2 Hiệp định Paris, "Hai bên miền Nam sẽ bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tại sản và quyền tự do kinh doanh."
Nói thì nhiều, có 12 quyền tự do dân chủ, nhưng trong thực tế, Việt Cộng nuốt lời, vi phạm tất cả các quyền tự do dân chủ của người dân.
- Trong chế độ cộng sản, các quyền tự do dân sự (liberté civile) và nhân quyền (droits de l’homme) chỉ là bánh vẽ.
- Quyền tự do tín ngưỡng bị chà đạp thô bạo. Cộng sản ban hành nghị quyết 297-CP ngày 11/11/1977, thẳng tay đàn áp các tôn giáo. Ðức TGM Nguyễn Kim Ðiền bị cộng sản bức tử tại bệnh viện Saint Paul (Saigon). Vào tối 08/06/1088: một nữ y tá theo lệnh cấp trên đã chích thuốc độc, giết chết vị TGM giáo phận Huế. Cộng sản không chấp nhận làm xét nghiệm tử thi để xác nhận tên độc dược.
1.2.2. Chiến dịch X-3 vi phạm quyền tự do kinh doanh: Với chức vụ phó thủ tướng, Ðỗ Mười chỉ đạo kế hoạch X-2 đánh tư sản mại bản, sau này y trở nên trưởng ban cải tạo công thương nghiệp miền Nam. Theo chỉ thị 100-CP, cộng sản tiến hành ba đợt đánh tư sản:
- Ðợt 1: tháng 09/1975, không những cộng sản vơ vét tiền của, mà còn tịch thu nhà cửa, đuổi dân lành đi vùng gọi là kinh tế mới, thực chất là mảnh đất khôn cằn, không trồng trọt được. Trong chính thể tự do, việc làm này được gọi là cướp cạn.
- Ðợt 2: tháng 12/1976. Cộng sản tiếp tục chiến dịch đánh tư sản đối với những người còn sót lại trong đợt đầu.
- Ðợt 3: Khi phát động đợt 3 mang bí danh X-3 vào ngày 21/03/1978, Ðỗ Mười tuyên bố: “Ðánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta. Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Ðất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn…” Mục tiêu vẫn là vơ vét tài sản, tịch thu nhà cửa, đuổi dân lành đi kinh tế mới.
Các nạn nhân cộng sản có quyền sử dụng tố quyền nhân dân (action popularis) nhằm bảo vệ quyền lợi tập thể (intérêt collectif), kiện trước Tòa án Quốc tế Thẩm quyền (juridiction internationale compétente), với tội danh "trả thù man rợ" (vengeance sauvage), "cố sát" (homicide volontaire), "phân biệt đối xử" (discrimination fondée sur les opinions politiques), vi phạm nghiêm trọng điều 11 khoản 2 Hiệp định Paris; đòi Hà Nội phải bồi thường thiệt hại.
Khoản 2 quy định: "Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tự do tư hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh."
Chiếu điều 11 khoản 2 Hiệp định Paris, các nạn nhân bị cộng sản tịch thu nhà cửa có quyền đòi chính quyền Hà Nội phải trả lại tài sản bị cưỡng đoạt (restitution de biens immobiliers spoliés par le régime communiste), theo tiền lệ đã được áp dụng tại các nước Ðông Âu.
II - 45 NĂM SAU NGÀY 30/04/1975:
45 sau ngày 30/04/1975, nước nhà vẫn phải chịu những hệ quả tai hại của chủ nghĩa cộng sản:
- Về kinh tế: Kinh tế Việt Nam mất cân đối giữa tổng sản phẩm nội địa (GNP): 266,5 tỷ USD ; GNP bình quân đầu người: 2786 USD/người và thực trạng dân sinh. 45 năm sau, người dân tại Hà Nội và Saigon vẫn không đủ cơm ăn, phải xếp hàng lãnh gạo. Tuy việc phát chẩn là cần thiết, việc để mặc dân lành đói kém là bản cáo trạng trung thực về chế độ cộng sản:
Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam phát gạo cho người dân Hà Nội
- Về chính trị: Ðảng CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào đảng CSTQ. Ðảng CSTQ thực hiện chủ nghĩa bá quyền (impérialisme), áp dụng câu nói của Lênin: "tuy về lý thuyết là XHCN, trong thực tế chỉ là chủ nghĩa đế quốc". (Lénine, L’État et la Révolution, 1916, VI):
- Liên Xô cũ vốn là đế quốc cộng sản, gồm 15 nước cộng hòa và các vùng tự trị. Ðế quốc Liên Xô còn thống trị Albanie, Ðông Ðức, Bulgarie, Hugari, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Nam Tư.
- Trung Cộng cũng là đế quốc, có diện tích lớn thứ ba trên thế giới. Phía bắc là Nội Mông với sa mạc Gobi, phía nam nhiều chỗ trũng, có đồi núi trùng điệp, phía tây có sa mạc Taklamakan và cao nguyên Tây Tạng. Ngoài ra còn 5 vùng tự trị: Quảng Tây, Nội Mông, Ninh Hạ, Tân Cương và Tây Tạng. Ngày 07/10/1950, bộ đội của Mao xâm chiếm Tây Tạng, xứ sở hiền hòa của mật tông. Trung cộng tiếp tục mở rộng đế quốc qua hai ngả sau đây:
- Ðường biển: Trung cộng áp đặt cửu đoạn tuyết (đường chín đoạn hoặc đường lưỡi bò) ở biển Ðông. Ngày 12/07/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực về Luật Biển tuyên bố cửu đoạn tuyết do Trung Cộng đơn phương đưa ra là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý.
- Ðường bộ: Năm 2013, Bắc Kinh đưa ra dự án "Một vành đai, một con đường" (nhất đới nhất lộ), nối liền 70 quốc gia, từ Á sang Âu.
Nếu Liên Xô và Trung Cộng là hai đế quốc lớn, các tài liệu địa lý chính trị mệnh danh chế độ Hà Nội là tiểu đế quốc.
- Tiểu đế quốc Việt Nam (micro-empire vietnamien communiste): Từ năm 1975 đến 1990, chế độ cộng sản Hà Nội thôn tính Kampuchia và Lào. Năm 1990, theo chỉ thị của Giang Trạch Dân, ngày 26/09/1989, bộ đội Việt Nam phải rút quân khỏi Kampuchia; đó là điều kiện tiên quyết để hội nghị Thành Ðô nhóm họp trong hai ngày 3-4/09/1990, tại thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.
- Ngày 18/04/2020, Quốc Vụ Viện Bắc Kinh thông báo về việc Hoàng Sa và bãi Macclesfield trở thành huyện Nam Sa (Nansha dictrict), quần đảo Trường Sa trở thành huyện Tây Sa (Xisha dictrict), trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Quyết định hành chính của Trung Cộng được đưa ra vào thời điểm hiện nay nhằm khích động chủ nghĩa dân tộc của người Tàu, đánh lạc hướng đại dịch coronavirus phát xuất từ phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán.
Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Tàu Cộng được chứng minh qua:
1) Công hàm ngày 14/09/1958 của Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai. Họ Phạm: "chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước CHND Trung Hoa trên mặt biển." Công hàm này hoàn toàn không có giá trị về phương diện luật quốc tế. Hiệp định Genève ngày 20/07/1954 quy định Việt Nam được chia làm hai quốc gia riêng biệt: miền Bắc: VNDCCH ; miền Nam: VNCH, lấy vĩ tuyến 17 phân ranh. Năm 1958, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VNCH. Hà Nội không có thẩm quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo này.
2) Ngày 18/01/2020, bộ trưởng Ngoại giao Hà Nội Phạm Bình Minh cho rằng: trong "70 năm qua, quan hệ Việt - Trung tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính. (…). Kể từ khi bình thường hóa năm 1991 đến nay, quan hệ Việt - Trung đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, an ninh, quốc phòng. (…) Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005). Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc."
Trước mưu đồ lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, việc "hợp tác chiến lược toàn diện" với Tàu đã chứng minh Việt Nam chịu "lệ thuộc toàn diện" với Bắc Kinh.
III - Viễn tượng đất nước trong tương lai:
Trước sau gì, đất nước ta cũng phải vãn hồi độc lập trước đế quốc Tàu cộng. Cũng như bức tường Bá Linh khởi động cho sự tan rã của các chế độ cộng sản tại châu Âu, đại dịch coronavirus phát xuất từ phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán sẽ mở đầu tiến trình giải thể chế độ cộng sản tại Trung Quốc, vì hai lý do sau đây:
- trách nhiệm dân sự của Bắc Kinh trước thiệt hại về nhân mạng và kinh tế trên khắp thế giới. Số tiền bồi thường sẽ làm giảm số trữ kim của Trung Cộng 3 115 497 tỷ USD, tính đến tháng 01/2020, căn cứ vào số liệu của Quỹ Tiền tệ Thế giới.
- trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh về virus nhân tạo Vũ Hán gây ra cái chết của 211 000 trên thế giới, tính đến ngày 28/04/2020.
- sau đại dịch, các nước Tây phương chuyển các cơ xưởng sản xuất tại Tàu về lại trong nước để đảm bảo chủ quyền kinh tế. Sự việc này sẽ khiến hệ thống sản xuất Hoa lục sụp đổ, làm hàng triệu người thất nghiệp. Sự việc này sẽ gây ra bất ổn chính trị và xã hội.
- Trước viễn tượng đảng cộng sản Tàu sụp đổ, liệu đảng cộng sản Hà Nội có thể đứng vững được không?
Khi tách ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp, thực thi các quyền tự do, dân chủ được quy định trong hiệp định Paris. Hệ quả tất yếu của sự chuyển tiếp chính trị sẽ khiến đảng cộng sản Việt Nam không còn khả năng độc quyền lãnh đạo.
Có bốn lãnh vực đòi hỏi thay đổi:
1) Ngoại giao: Sau khi các chế độ cộng sản Tàu - Việt bị sụp đổ, Việt Nam thiết lập quan hệ quốc tế đa phương. Việt Nam không thể đơn phương giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông mà cần sự hợp tác với các nước trong khu vực: Nhật Bản, Triều Tiên, các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu. Chính sách ngoại giao là tiền đề của chính sách quốc phòng dưới đây.
2) Quốc phòng: Chính sách quốc phòng đòi hỏi việc tăng cường khả năng quốc phòng, đặc biệt là hải quân, mặt khác tiến tới hợp tác quân sự đa phương: láng giềng gần thì có Nhật Bản, Ấn Ðộ, ngoài ra là Hoa Kỳ, Canada các nước Liên hiệp châu Âu. Sự hợp tác bao gồm việc huấn luyện, tăng cường khả năng tác chiến, tăng cường trang thiết bị quân sự.
3) Kinh tế: Việt Nam hội nhập vào kinh tế thế giới trong hai lãnh vực xuất khẩu và mở rộng thị trường tài chính, vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp, phát triển công nghiệp tiến tới thay thế nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng. Nâng cao kỹ năng điện toán áp dụng vào lãnh vực công nghiệp. Ðầu tư vào các lãnh vực nhân dụng có tay nghề nhằm giảm bớt số nhân công không chuyên môn, nâng cao đời sống dân chúng.
4) Tư pháp: Ðiều 4 hiến pháp cho phép đảng cộng sản "lãnh đạo Nhà nước và xã hội", thông qua lực lượng công an. Sau khi giải thể chế độ cộng sản, việc thiết lập Nhà nước pháp quyền là thiết yếu. Các công dân đều được bình đẳng trước pháp luật. Tư pháp độc lập có quyền xét xử công minh các sai phạm, không phân biệt là chức quyền hay thường dân. Nguyên tắc phân quyền phải được triệt để tôn trọng.
Các nhà lãnh đạo cộng sản Tàu luôn bị ám ảnh về sự bền vững của chế độ. Tuy nhiên trong đại dịch hiện nay, họ đã phạm hai sai lầm:
- Ðảng CSTQ đã dấu nhẹm ca nhiễm virus corona đầu tiên xảy ra vào ngày 16/11/2019.
- Theo GS Richard Ebrigjht, nhà vi sinh học Ðại học Rutgers, một nhân viên phòng thí nghiệm P4 bị nhiễm virus corana là bệnh nhân đầu tiên (patient 0) khiến đại dịch lan tràn.
Ngày 27/04, tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể đòi Trung Cộng phải bồi thường hàng tỷ USD thiệt hại.
Nếu Hoa Kỷ tìm ra nơi xuất phát dịch bệnh là từ phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, sự việc này sẽ làm suy yếu vị thế đảng CSTQ, đưa đến sự sụp đổ chế độ. Nếu Trung Quốc sụp đổ, 45 năm sau ngày 30/04/1975, liệu đảng cộng sản Việt Nam có thể tồn tại được hay không?
Ts Lê Ðình Thông
Giáo Sư về Quan Hệ Quốc Tế - Ðại Học Paris X, Nanterre
https://groups.google.com/d/msgid/PhungSuXaHoi
Đăng ngày 03 tháng 05.2020