Cố TT Ngô Đình Diệm trong mắt tôi

         

Trước đây 2 năm, tôi không biết đến cụm từ "Tổng Thống Ngô Đình Diệm" và VNCH, kết thúc những năm tháng dài mài đít quần trên ghế nhà trường tôi chỉ còn nhớ láng máng "Diệm, Nhu là tay sai Mỹ Ngụy, chính quyền bù nhìn theo Mỹ" với vô vàn tội ác để lại... Tôi tin tưởng tuyệt đối, tôi thần tượng ông Hồ Chí Minh, ngưỡng mộ XHCN, cờ đỏ sao vàng và "2 cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh chống Pháp và chống Mỹ". Thú thật tự hào vãi! Bạn bè tôi, gia đình tôi chưa từng có ai nói với tôi về khái niệm "thông tin đa chiều". Phải nói rằng tôi là sản phẩm nhồi sọ thành công của thời đại này với 2 việc lớn nhất mà tui từng quan tâm là... yêu và kiếm tiền!
Cho đến khi Mạng Xã Hội thực sự phổ biến và facebook bùng nổ tại Việt Nam. Tôi như con cá theo dòng nước lặn ngụp trong biển thông tin và sự thật thì luôn có sức thu hút nhân tâm, nhất là của những người yêu thích sự công bằng giống như tôi... Cuối cùng tôi mới biết từ đâu mà có lá cờ đỏ, có XHCN, từ đâu mà có HCM, tôi mới phân định được cái gì là anh hùng cái gì kêu bằng "khủng bố"... Tôi mới biết sự thật về cố TT Ngô Đình Diệm và ngày mai 1.11 là ngày giỗ của ông. Ông và người em của ông bị ám sát năm 1963 vì không chấp thuận để Mỹ đưa quân vào Việt Nam. Vị Tổng Thống nghèo nhất thế giới, khi chết trên mình chỉ mang bao thuốc lá và một ít tiền lẻ, chẳng bù cho giới quan chức CS bây giờ. Ông có những thân nhân là những người tài giỏi: Anh ruột ông là Giám mục Ngô Đình Thục, cháu ruột là Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đang trong quá trình phong thánh...

Ông là nhà ái quốc, đặt chủ nghĩa quốc gia trên hết, là vị TT đầu tiên ở Việt Nam, người đã đặt nền móng dân chủ cho Việt Nam hướng Việt Nam trở thành một nước văn minh cường thịnh như mô hình nước Mỹ bây giờ, dù non trẻ với cả những sai lầm nhưng là con đường đúng đắn được chứng minh bằng nửa thập kỷ qua.
Ở thời đại của ông, khi miền Bắc VN còn chưa có điện để dùng thì miền Nam đã có những cao tốc sáng choáng ánh đèn, khi miền Bắc không có nổi xe đạp để đi thì miền Nam đã tự sản xuất được ô tô La Da Lat để bán ra thế giới. Khi miền Bắc dưới sự lãnh đạo của HCM tiến vào để "giải phóng miền Nam", những anh bộ đội cụ Hồ chiến thắng mới chỉ biết thả cá con vào bồn cầu để nuôi, xả bình nước nóng bốc hơi mù mịt tưởng là có bom, đào đường nhựa lên để... trồng trọt vì tin rằng chỉ có trồng trọt làm ra lương thực và đó là cách làm kinh tế duy nhất kiểu trí thức là cục phân, nông dân là người hùng; đập bỏ hệ thống nhà cửa hiện đại và các khu nhà vệ sinh để... làm hố xí 2 ngăn trữ phân làm nông nghiệp... Thế nên câu hỏi "Ai giải phóng ai?" đến giờ vẫn còn đó cho những người yêu sự thật, thích minh bạch trắng đen.
Người ta nói ông độc tài, gia đình trị song dưới "đế chế" của ông, miền Nam Việt Nam có giáo dục và y tế miễn phí. Trẻ em được đến trường miễn học phí, uống sữa miễn phí chứ không phải uống thứ sữa hết date nhiễm độc đến nôn mửa phải vào bệnh viện. Người nghèo được chữa bệnh miễn phí bằng phúc lợi xã hội chứ không phải nằm đợi chết hay nhảy lầu tự sát trong viện nếu không có tiền chữa trị. Hóa ra ông Nguyễn Cao Kỳ nói cũng không hẳn là sai, khi ổng nói "độc quyền cũng được, độc tài cũng được, miễn là lãnh đạo đất nước phát triển". Có lẽ ổng chỉ đúng trong trường hợp này, là của hiếm là thiểu số... chứ không thể đúng với chính quyền đương thời CSVN, 42 năm qua, ngay cả một số Đảng viên ĐCS cũng đã hiểu rõ!
Chẳng thể lấy thành bại mà luận anh hùng!
Phán xét là nhiệm vụ của lịch sử.
Sự thật thì sớm muộn cũng sẽ trở về đúng với vai trò của nó.
Ngày mai, lễ giỗ lần thứ 54 Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, sẽ được các Linh Mục tổ chức tại Nghĩa trang Lái Thiêu Bình Dương ngay phần mộ của hai ông, các bạn trẻ ở Sài Gòn và khu vực lân cận đã đến phần mộ để dọn dẹp sạch sẽ chuẩn bị cho ngày lễ giỗ...
Tôi sinh nhật nhằm đúng ngày giỗ của ông 1.11, không bao giờ tổ chức sinh nhật để thể hiện sự yêu mến ngưỡng mộ đến ngài cố Tổng Thống. Sự nuối tiếc về cái chết của Ngài mà hậu quả là Việt Nam giờ đây chìm trong tối tăm dưới cái bóng khổng lồ của Trung Cộng. Xót xa, nuối tiếc cho một cuộc đời, nuối tiếc cho cả một dân tộc!
Fb Khanh Nguyễn



Tưởng nhớ 58 năm ngày mất

của TT Ngô Đình Diệm

Từ nhiều thập niên qua, hệ thống truyền thông, truyền hình và báo chí lề phải của Việt Gian cộng sản (VGCS), và  đám sử gia đỏ trên Wikipedia, là những kẻ đã và đang tiếp tục bóp méo lịch sử về chế độ chính danh Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm,  lãnh đạo. Đổi trắng thay đen lịch sử VNCH, để phù hợp với quá trình cưởng chiếm miền nam bằng vũ lực và nhiều  thủ đoạn chính trị nhơ nhớp của hồ chí minh và đảng cs trong từng giai đoạn của cái gọi là " đường kách mệnh" của nguyễn ái quốc.
Để nhận biết các việc này, chúng ta có thể tìm thấy được trong các bài viết của bọn bút nô này, chúng không bao giờ viết về những vấn đề nổi bật và thành quả của ông Ngô Đình Diệm trong việc xây dựng nước VNCH, đám bút nô này chỉ loanh quanh vài vấn đề như: độc tài,  gia đình trị, đàn áp Phật giáo..:
*Nếu nói ông Diệm Độc tài?? đó là chuyện buồn cười nhất thế kỷ , sao bọn bút nô này không nói đến cái độc tài đảng trị hiện nay tại vn của đảng csvn? Còn vấn đề gia đình trị, thì ô hô !! có những tỉnh như Bắc Ninh, Cần Thơ cả gia đình con cháu anh em, bên chồng bên vợ hầu hết là lãnh đạo tại địa phương, con số không dưới 20 người.
Còn ở Trung ương, thì con cái của các lãnh đạo chóp bu đều có mặt hầu hết trong các vị trí lãnh đạo bộ máy đảng và nhà nước cộng sản . Riêng vấn đề đàn áp tôn giáo (?) người viết xin nhường  câu trả lời cho các vị  lãnh đạo các tôn giáo không thống thuộc MTTQ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ của các Giáo Hội quốc doanh của nhà nước cộng sản lập ra....
* Không hề thấy bọn VGCS nói về những  thành quả đạt được của TT. Ngô Đình Diệm trong lúc đầu cứu và định cư cho một triêu dân chạy nạn từ miền Bắc vào Nam năm 1954.
* Không hề thấy bọn bút nô này viết về việc phái đoàn đại diện Quốc Gia VN thời Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tại hội nghị Geneve 1954, Phía Hoa Kỳ và phía QGVN do Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đại diện , đã không ký vào hiệp định chia đôi đất nước VN.
Chỉ có VGCS âm mưu ký kết với Pháp, để có được mảnh đất dung thân  từ vĩ tuyến 17 đến Ải Nam Quan. Vì giai đoạn này Việt Minh không là chủ sở hữu Thủ Đô Hà Nội và các tỉnh ở miền bắc. Những nơi này lúc đó, nằm trong sự kiểm soát của Chính Quyền Quốc Gia VN, được lãnh đạo bởi quốc trưởng Bảo Đại chứ không chủ quyền thuộc họ hồ của nước VNDCCH.
Cho đến khi hiệp định Geneve được ký kết giửa thực dân Pháp sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Minh, đưa đến việc hình thành một Hiệp Định Đình Chiến, tái lập Hòa Bình của các nước Đông Dương tại Genève (Thụy Sĩ), trong đó có VN, được ký vào ngày 20.7.1954.
Tiếp sau đó, đến ngày 17.9.1954 quân Việt Minh và họ hồ mới cơ hội trở lại Hà Nội và tiếp quản thủ đô và các tỉnh thành ở miền bắc . Trước đó, Hà Nội còn là lãnh thổ của Quốc Gia VN dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại. Ngày 22.9.1949 Bảo Đại được người dân Hải Phòng đón tiếp trọng thể.
*Bạn sẽ không hề thấy bọn bút nô VGCS nói đến việc dẹp loạn 12 xứ quân trong lúc đầu mới Chấp Chính của ông Diệm , để mở đường cho việc trị an trong suốt thời gian tồn tại của VNCH đệ nhất.  Xem thêm về loạn Bình Xuyên với hình ảnh lịch sử  nơi: https://m.facebook.com/oldsaigon75/posts/1697789680269961
*Bọn hèn bút nô VGCS cũng chưa bao giờ dám so sánh công việc Cải Cách Điền Địa của miên nam trong thời TT. Ngô Đình Diệm phát động, để mang công bằng cho người nông dân - có đất để họ được làm chủ mà không qua đàn áp, giết người, cưởng chế hay cướp giật như CCRĐ ở miền bắc.
Cuộc CCRĐ do đảng Hồ phát động long trời lở đất, đã làm 175.000 thường dân vô tội bị thủ tiêu giết chết qua những vụ cướp đất, đấu tố hết sức dã man của cộng sản miền bắc. Đó cũng là nguyên nhân đã làm cho một triệu người phải rời nơi chôn nhau cắt rún để vào nam tị nạn cộng sản. Một cuộc di cư vì nạn cộng sản lớn nhất trong lịch sử lúc bấy giờ . Nguồn:http://lybichthuy.blogspot.com/.../b-chat-cua-bac-va...
*Trong khi  pham văn đồng và hồ chí minh âm mưu dâng bán Hoàng Sa và Trường Sa cho đàn anh TQ bằng công hàm bán nước 1958,  ngược với lãnh đạo miền bắc xhcn,  Tổng Thống Ngô Đình Diệm luôn tìm cách bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ về hai quần đảo HS và TS bằng những hành động cụ thể, đưa Hải quân ra trấn đóng, ban hành những văn thư chính thức xác nhận chủ quyền của VNCH về hai quần đảo này.
Nhân kỷ niệm 58 năm, ngày mất của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hậu duệ VNCH vùng nam Đức xin được nhắc lại một cách vắn tắt về công đức dựng nước của ông và xin đốt nén hương lòng để kính nhớ đến một bậc minh quân của VN, đã trọn đời cống hiến cho tổ quốc và dân tộc. Ông xứng đáng được toàn dân VN ghi ơn và còn là niềm hãnh diện vô biên cho con cháu Hậu Duệ VNCH ngày nay. Cảm ơn ông, tổng thống Ngô Đình Diệm, người đã viết lên những trang thanh sử cho VNCH.
Hậu duệ VNCH Võ Thị Linh 2-11-2021
Fb Võ Thị Linh
https://www.facebook.com/minhtriet.nguyen.5



Tại sao phải giết TT Ngô Đình Diệm?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-10-29

Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 đã đưa đất nước Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử. Cái chết của hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu, những tướng lãnh tham gia cuộc đảo chánh không ai biết người ra lệnh thủ tiêu hai ông là ai nhưng sau khi tro bụi của cuộc cách mạng lắng xuống những gương mặt đứng phía sau giật dây cho cuộc tàn sát ấy bắt đầu được điểm danh và lịch sử luôn công bằng cho từng người một.
Mặc Lâm phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành, một nhân chứng lịch sử, một người bạn, người cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm từ những ngày đầu tiên khi từ Mỹ trở về Việt Nam chấp chính cho tới khi biến cố xảy ra.

Cái tốt và chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa
Mặc Lâm: Thưa ông Bùi Kiến Thành, xin cảm ơn ông cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Ngày 1 tháng 11 hàng năm có lẽ ai theo dõi tình hình Việt Nam trong lịch sử đương đại đều nhớ là ngày mà cuộc đảo chính không những lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm mà còn giết cả hai anh em ông ấy tại Sài gòn vào năm 1963. Ông có nhận đình gì về ngày lịch sử này thưa ông?
Bùi Kiến Thành: Có lẽ cũng là một ngày chúng ta nên ôn lại cái được và cái chưa được cái tốt và cái chưa tốt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa để chúng ta rút bài học.

Mặc Lâm: Vâng, trước khi đi sâu hơn vào chi tiết xin ông vui lòng cho biết về mối quan hệ của ông với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Bùi Kiến Thành: Trong khi tôi học ở Columbia vào những năm 1952 cho tới năm 1954 lúc đó thì chí sĩ Ngô Đình Diệm đang ở New Jersey. Cứ mỗi cuối tuần thì ông qua New York thăm chơi với tôi cùng một anh bạn nữa là anh Bùi Công Văn, ảnh là phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Cứ tối thứ Bảy thì ông qua ngồi nói chuyện suốt đêm cho tới sáng Chủ Nhật thì ông đi lễ, đi lễ về rồi lại nói chuyện suốt ngày, tới chiều Chúa Nhật thì ông trở lại tu viện Maryknoll.
Chúng tôi sống với nhau trong cảnh bạn cố tri trao đổi như thế trong suốt gần hai năm tại New York trước khi ông Diệm về bên Pháp và sau đó về làm Thủ tướng chánh phủ.
Sau khi ông Diệm về làm Thủ tướng chính phủ chấp chánh vào ngày mùng 7 tháng 7 thì ông Diệm gửi điện qua New York và Washington yêu cầu tôi trở về để giúp đỡ. Ngày 23 tháng 8 năm 1954 sáu anh em chúng tôi là cựu sinh viên của các đại học Mỹ về giúp cho ông Diệm trong thời kỳ rất là khó khăn. Làm Thủ tướng mà không có cảnh sát không có quân đội chỉ vỏn vẹn có 27 sĩ quan đi theo mà thôi.
Cả một đất nước do Pháp đang cai trị vì vậy khi nắm lại quyền tự do, quyền tự chủ, quyền độc lập trong thời kỳ đó rất là khó khăn vì vậy chúng ta phải đánh giá cao việc ông Diệm bình định được tình hình, đưa quân Pháp ra khỏi nước Việt Nam một cách ổn định và xây dựng nền đệ nhất cộng hòa. Điều này khi nghiên cứu lịch sử và đánh giá cao tinh thần của cả một thời kỳ không riêng gì ông Diệm mà những người đi theo hỗ trợ giúp đỡ cho ông Diệm, những nhân sĩ ở miền Nam, nhân sĩ ở miền Trung, miền Bắc… tất cả đều có công lớn đã xây dựng chế độ đệ nhất cộng hòa, nhưng rất tiếc rằng sau đó chúng ta không làm được những chuyện ta cần phải làm để đến nỗi bị đổ vỡ.

Mặc Lâm: Thưa ông trong khi gần gũi với Thủ tướng Ngô Đình Diệm ông và các người được Thủ tướng mời về cụ thể làm những việc gì để giúp cho chính phủ còn non nớt lúc ấy?
Bùi Kiến Thành: Tôi bên cạnh ông Diệm suốt ngày mà! Khi tôi về tại Dinh Gia Long ngày 23 tháng 8 đó ăn cơm trưa với ông Diệm và một số Bộ trưởng, Tổng trưởng, có những nhân hào nổi tiếng của Việt Nam như ông Phạm Duy Khiêm, Bác sĩ Bùi Kiến Tín, Nguyễn Văn Châu… chúng tôi hết sức khẩn thiết làm bất cứ việc gì để ổn định tình thế, tôi ở suốt ngày suốt đêm trong dinh một thời gian rồi sau đó tôi mới dời ra ngoài. Sau khi bố trí lại thì ngày nào đêm nào tôi cũng vào trong dinh để mà làm việc với Thủ Tướng rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Một là bên Dinh Gia Long, sau nữa khi dời sang Dinh Độc Lập tôi cũng sát cùng ông Diệm như một cộng sự đặc biệt vì cái chỗ thân tình từ khi còn nhỏ kia, khi tôi mới 15-16 tuổi, hồi đó gia đình tôi thân với ông Diệm lắm. Chính ông cụ tôi đã cất giấu ông Diệm trong khi bị Nhật tìm bắt ông. Sau này khi không còn tham chính nữa ông cụ tôi tiếp tục làm y sĩ riêng cho Tổng Thông đến ngay ông ấy bị sát hai. Cái thân tình ấy dẫn tới chỗ hết sức gần với nhau. Tất cả những chuyện thâm cung bí sử, khó khăn trong thời kỳ tháng 8 tháng 9 tới tháng 12 năm 1954 thì thật sự hội lại chỉ có 4 người trong Dinh Gia Long thôi: Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Bác sĩ Bùi Kiến Tín và Bùi Kiến Thành. Chúng tôi bàn với nhau cái gì cần phải làm. Làm sao nắm được quân đội, làm sao đối kháng với Bình Xuyên, làm sao giải tỏa được thành phố Sài Gòn xây dựng lên một chính quyền được nhân dân ủng hộ.
Riêng về tôi đặc biệt là có trách nhiệm giúp cho Tổng thống, khi ấy là Thủ tướng, quan hệ với các phái bộ đặc biệt của Mỹ từ bên Mỹ gửi qua chứ không phải quan hệ với sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn thân với Pháp, ông đại sứ Mỹ Donald Heath rất thân với Pháp, sau đó thì Lawton Collins cũng thân với ông Cao Ủy Pháp Paul Ely. Công việc của tôi và của ông Ngô Đình Nhu là bắc cây cầu trực tiếp với chính phủ Mỹ ở Washington, qua những phái bộ đặc biệt của Hoa Kỳ gửi qua trong đó có Trung tướng O’Daniel, Đại tá Lansdale sau này là General Lansdal, Paul Hardwood (Trưởng phái bộ CIA), việc của tôi làm lúc ấy cũng chỉ trong 4 người mà thôi bao nhiêu là công việc hết sức khó khăn.
Xây dựng được tờ báo Tự Do là việc tôi hết sức thú vị. Tôi nói với Thủ tướng mình cần có cơ quan ngôn luận tự do. Tờ báo đó được Bác sĩ Bùi Kiến Tín, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Thông tin, ký giấy phép. Tôi tập hợp những nhân sĩ ở Bắc Hà vào làm trong đó có Tam Lang, có Đinh Hùng, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong, Vũ Khắc Khoan …làm ban biên tập để cho tờ báo Tự do có tiếng nói tự do trong thời kỳ hết sức khó khăn như thế. Chỉ có tờ báo Tự do lúc ấy là thực sự nổi tiếng, có tiếng nói tự do trong một khung cảnh rất khó khăn và để chống lại những tờ báo thiên Pháp hay thân các chế dộ trước kia của Sàigon và những đài phát thanh khi đó tại Sài Gòn theo phe quân đội chửi bới Ngô Đình Diệm suốt ngày. Tôi có nhiệm vụ lập nên đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, một đài phát thanh đặc biệt để nói lên những sự việc như thế nào trong khi chúng ta phải xây dựng một chính quyền độc lập đó là việc Thủ tướng Ngô Đình Diệm giao cho tôi làm.

Mặc Lâm: Xin ông nói rõ hơn tại sao đã là thủ tướng mà còn bị đài phát thanh bên quân đội chống phá bằng cách chửi bới công khai như ông vừa nói, phải chăng còn một thế lực nào công khai chống lại Thủ tướng vào lúc sơ khai ấy hay không?
Bùi Kiến Thành: Thủ tướng Ngô Đình Diệm lúc ấy làm gì có quân? Thủ tướng mà không nắm cảnh sát, công an. Công an trong tay của Bình Xuyên là một đám giang hồ, cướp của. Pháp cho họ quản lý sòng bạc Đại thế giới, Kim Chung… Cảnh sát thì không nắm được còn quân đội thì trong tay của Trung tướng Nguyễn Văn Hinh. Trung tướng Hinh là một người thân Pháp con của ông Nguyễn Văn Tâm, không phải là người ủng hộ cho chính phủ Ngô Đình Diệm vì vậy khi làm Thủ tướng ông Ngô Đình Diệm ngồi trong dinh nhưng cái đài phát thanh là của người khác.
Đài Quốc gia cũng như đài quân đội thì người Pháp, hay thân Pháp, quản lý cứ mỗi ngày chửi bới Ngô Đình Diệm thế này, chửi bới Ngô Đình Diệm thế kia…ngồi trong dinh mà không giải quyết được vấn đề đó vì vậy phải kiên trì xây dựng lực lượng mình lên để giải quyết điều đó.
Xây dựng lực lượng bằng cách thu dụng những nhân sĩ tài ba của đất nước vào ủng hộ mình đồng thời cũng phải có tiếng nói qua cái đài phát thanh “Tiếng nói Quốc dân đoàn kết”, tiếng nói qua tờ báo Tự Do lúc đó đóng một vai trò quan trọng phổ biến tâm tư nguyện vọng, chính sách của Ngô Đình Diệm cho dân chúng được biết. Vấn đề đó cực kỳ quan trọng và tôi được giao trọng trách tổ chức hai việc đó trong những ngày đen tối nhất sau khi ông Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, tức là những ngày trong tháng 8 tháng 9 năm 1954 cho tới đầu năm 1955 khi bình định xong thì trong hai cơ quan đó, “Đài Tiếng nói quốc dân đoàn kết” không tiếp tục nữa nhưng tờ báo Tự Do vẫn tiếp tục rất tốt. Tờ Tự Do là nguồn dư luận rất tốt trong thời kỳ đó, trong chánh thể đệ nhất cộng hòa.

Không có tổ chức chính trị nồng cốt
Mặc Lâm: Báo chí quốc tế cũng như giới tướng lãnh đa số cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ bởi những tuyên bố gây sự giận dữ trong và ngoài nước của bà Ngô Đình Nhu cùng với những hành động đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông có chia sẻ gì về việc này?
Bùi Kiến Thành: Đấy chỉ là một phần thôi thực sự ra chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ còn nhiều vấn đề cốt lõi hơn nữa. Ông Ngô Đình Diệm là một người hết sức yêu nước và có công tâm nhưng ông Diệm không có kinh nghiệm tổ chức. Còn ông Nhu thì rất uyên thâm về vấn đề học thuật, ông học rất giỏi về tổ chức thư viện, ông nghiên cứu rất tốt nhưng không có tài năng tổ chức lực lượng chính trị. Nếu quản lý một nhà nước mà không có tổ chức thì làm sao? Vì vậy cho nên cái Đảng Cần lao của ông Nhu không có tổ chức tốt còn cái “Phong trào cách mạng quốc gia” mà ông Bác sĩ Tín làm chủ tịch sáng lập thì nó cũng chỉ là phong trào thôi. Sau một phong trào rồi thì nó lặng im. Quyền chính trị trong nước là ở trong đảng, mà Đảng Cần Lao không được tổ chức tốt vì vậy cho nên chế độ Ngô Đình Diệm không tồn tại được vì không có tổ chức chính trị nồng cốt để làm việc.
Sau nữa còn có cái lỗi ở chỗ lầm lẫn hai việc khác nhau: quản lý các vấn đề nhà nước là việc quản lý hành chính, còn tổ chức nồng cốt do một chính đảng đứng lên để đóng vai trò cột trụ cho một đất nước thì là một việc khác. Do lầm lẫn ở vai trò lãnh đạo chính trị và lãnh đạo hành chính cho nên chế độ Ngô Đình Diệm tập trung nhiều hơn về vấn đề hành chính mà quên đi vấn đề lãnh đạo chính trị, xây dựng nồng cốt tức là sự ủng hộ của nhân dân, làm sao để vấn đề đảng được nhân dân ủng hộ…
Chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được, không xây dựng được một đảng chính trị thật sự của dân, do dân và vì dân vì vậy cho nên không đứng vững được và vì thế có thể nói sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm không phải là vấn đề nhỏ bé như chuyện bà Nhu nói cái này cái kia. Có! nó có ảnh hưởng nhưng chuyện đó là chuyện nhỏ đối với khả năng xây dựng nên một chính đảng mạnh thì chính phủ Ngô Đình Diệm không làm được.

Mặc Lâm: Vậy phải chăng do điều mà người ta nhận xét về ông Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa dân tộc đã khiến ông bị người Mỹ lo sợ vì không theo sự dẫn dắt của họ, đặc biệt là khi Mỹ muốn đổ quân vào Việt Nam thưa ông?
Bùi Kiến Thành: Khi Mỹ muốn vào Việt Nam năm 1962 ông Diệm nói với người Mỹ rằng các ông nên nhớ trên đất nước tôi trong 4 nghìn năm lịch sử không có một chế độ nào đi theo quân đội nước ngoài mà có thể được nhân dân ủng hộ. Vì vậy ngày nào quân đội Mỹ đặt chân lên đất nước này chúng tôi sẽ mất chính nghĩa, mà khi mất chính nghĩa thì các ông không thể nào thắng được và chúng tôi cũng phải thua theo. Vì vậy ngày nào quân Mỹ đổ bộ lên đất nước này thì kể như ngày đó chính nghĩa Việt Nam đã mất rồi, chúng tôi không thể chấp nhận được.
Người Mỹ không chấp nhận cái lý luận của ông Ngô Đình Diệm nên họ tìm cách lật đổ ông Diệm đi, đó là vấn đề cốt lõi chứ không phải do bà Nhu thế này thế khác. Bà Nhu gây ra nhiều tai tiếng, nhưng không có vai trò chánh hay lý do chánh làm sụp đổ chính phủ Ngô Đình Diệm.

Mặc Lâm: Thưa ông, một câu hỏi cho tới ngày nay vẫn nằm trong bí mật, ông thân cận với Tổng thống Ngô Đình Diệm nên có lẽ hiểu được phần nào câu trả lời: ai ra lệnh giết anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và tại sao phải giết họ khi đã nắm tất cả quân đội trong tay và họ đã bị bắt?
Bùi Kiến Thành: Tôi không có thông tin chính xác để nói về vấn đề này nhưng suy luận từ một lần đảo chính trước do Nguyễn Chánh Thi chủ mưu ông Diệm đã lập lại ván cờ bằng cách chỉnh đốn lại, thì lần này Dương Văn Minh và những người theo Dương Văn Minh nghĩ rằng khả năng ông Nhu ông Diệm có đủ bản lĩnh và đủ sự ủng hộ của những quân đoàn còn theo ông ta để lập lại thế cờ thì rất khó khăn cho phe đảo chính. Vì vậy người ta không chấp nhận để cho ông Diệm ông Nhu tồn tại để mà có cái rủi ro đấy. Tôi không có thông tin ai là người ra lệnh giết hai anh em ông Diệm nhưng tôi chắc chắn rằng những người theo phe đảo chánh và nhất là phía Mỹ, thấy nguy cơ Ngô Đình Diệm có thể lập lại thế cờ rất là nguy hiểm vì vậy không để cho Ngô Đình Diệm sống. Đấy là quyết định chính trị chiến lược trong tranh đấu chứ không phải ai làm, hay ai ra lệnh không quan trọng, vấn đề phải tiêu diệt anh em ông Ngô Đình Diệm là để tránh nguy cơ bị lật trở lại.

Mặc Lâm: Trong ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 ông đang làm gì và có theo dõi hay tham gia trong một vai trò nào đó hay không?
Bùi Kiến Thành: Hôm đó tôi đang đi làm việc ở ngoài thì nghe phong phanh ngày hôm đó có bạo động. Tôi gọi về trong dinh thì gặp ông già Ẩn, tức là cận vệ của Tổng thống tôi hỏi anh Ẩn hiện giờ có vấn đề gì không vậy? tôi nghe ngoài này xào xáo lắm, thì ông Ẩn trả lời không có vấn đề gì đâu anh Thành ơi, mình hoàn toàn kiểm soát được mọi chuyện!
Đó là một cái chủ quan đầu tiên tại vì trong buổi sáng hôm ấy ông Nhu đã có sắp xếp một số chiến lược, chiến thuật nhằm giải quyết vấn đề bạo động nhưng vì chủ quan nên không thực hiện được. Tôi nói với ông Ẩn: coi chừng nhé nếu cần gì thì tôi vào trong dinh ngay để giúp cho các anh. Ông Ẩn nói không sao đâu anh Thành, nên tôi về nhà ăn cơm trưa và chờ cho tới hai ba giờ chiều không thấy gì xảy ra. Nhưng khoảng ba bốn giờ chiều tôi gọi lại thì tình hình bế tắc hết tôi không còn làm gì được nữa.
Ngày hôm đó tôi ở Sài Gòn, tôi muốn làm một cái gì đó để giúp đem lại trật tự an ninh nhưng mà cái thời thế có lẽ như là định mệnh của đất nước mình không cho mình làm gì được trong lúc ấy. Có làm gì được nữa trong lúc ấy khi thế lực của kẻ chủ mưu là người Mỹ đứng sau lưng những ông tướng của mình? thế lực ấy nó quá mạnh chúng ta không làm gì được.
Việc đảo chánh ông Ngô Đình Diệm không phải là chuyện của Dương Văn Minh, Dương Văn Minh chỉ là một con cờ thôi, cũng như Trần Văn Đỗ cũng như mấy ông kia củng chỉ là con cờ còn người chỉ huy, đưa ra tất cả những chiến thuật chiến lược để làm việc này. là người Mỹ mà người đại diện cho Mỹ làm việc này là đại tá Conein, ngồi thường trực tại Bộ Tổng tham mưu để điều khiển mấy ông tướng kia thành ra tất cả bộ tham mưu lúc đó nghe theo lời của một anh đại tá mật vụ của Mỹ, anh thấy có đau khổ chưa?

Mặc Lâm: Theo ông thì tại sao các tướng lĩnh lúc ấy lại nghe theo người Mỹ? Vì những hứa hẹn quyền lực hay âm mưu chính trị nào khiến họ trở thành như vậy?
Bùi Kiến Thành: Do những ông tướng không nghiên cứu tình hình đất nước, do không hiểu lý tưởng, không hiểu được chính nghĩa như thế nào mà đi theo lời của nước ngoài để mà sát hại một tổng thống, tưởng mình làm được cái gì nhưng cuối cùng cũng đầu hàng cộng sản mà thôi chứ làm được gì đâu.
Cái tội của những anh đảo chính Ngô Đình Diệm là tội ngu dốt không biết tình hình kinh tế, tình hình chính trị, tình hình chiến lược trên thế giới nó như thế nào, họ làm cái việc tự mình sát hại mình, đi đến chỗ 10 năm sau phải chắp tay đầu hàng cộng sản.
Đấy là cái tội của các anh làm cho bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải chết, đó là tội của các anh vì các anh không hiểu gì về chính trị, hữu dũng vô mưu, đưa đất nước đến chỗ suy tàn.
Nếu chúng ta có cơ hội thì còn thương lượng được giữa miền Bắc với miền Nam, cũng như Tây Đức và Đông Đức có thể thương lượng với nhau. Chúng ta phải có nội lực có sức mạnh để mà thương lượng chứ không phải giao đất nước cho ngoại bang, giao cho Mỹ rồi đi đến chỗ chết.
Đó là tội của những người tự cho mình giỏi hơn người khác. Không thể nào một dân tộc một đất nước nào giữ được chính nghĩa của mình bằng cách bước theo những đội quân nước ngoài bắn phá làng xóm cả. Không thấy cái đó là mất chính nghĩa. Đầu óc các anh ở đâu mà anh vác súng đi theo người Mỹ vào trong làng xóm bắn giết dân chúng mình, như vậy là không thể được. Vì không thấy nên anh làm hại cả một thế hệ, làm hại cả một đất nước.

Mặc Lâm: Nhiều tài liệu lịch sử nói là chính phủ Ngô Đình Diệm từng có ý định nói chuyện với miền Bắc, ông có ý kiến gì về những chi tiết này?
Bùi Kiến Thành: Khi chính phủ Ngô Đình Diệm thấy cái nguy cơ lính Mỹ đổ bộ lên Việt Nam rồi mà không rút ra được thì chiến tranh sẽ tràn lan, mà chiến tranh khi đã tràn lan rồi thì dù cho quân đội Mỹ có đánh thẳng tới Hà Nội đi nữa thì chúng ta vẫn thua như thường tại vì quân đội Trung Quốc nó sẽ vào vì nó không để cho mình tiến qua biên giới của nó. Vì vậy Miền Bắc sẽ chiến đấu đến cùng để không cho quân của Trung Quốc qua chiếm đóng Việt Nam.
Vì vậy nhìn về chiến lược thì hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thấy rõ ràng cái nguy cơ tác hại cho cả miền Nam và miền Bắc. Hà Nội cũng có những đầu óc thông minh để mà hiểu rõ sự nguy hiểm khi chiến tranh lan rộng như thế. Đó là đồng thuận về tinh thần là làm sao phải làm dịu chiến tranh xuống để tránh việc tàn phá đất nước. Giữa Nam Bắc Việt Nam phải có sự hiểu biết và tìm giải pháp tránh chiến tranh. Muốn làm việc đó thì Việt Nam phải mạnh, không mạnh thì không nói chuyện được.
Qua sự trung gian của đại sứ Ấn Độ trong Ủy ban Đình chiến, và Đại sứ Pháp…qua các cuộc đi săn bắn của ông Nhu trên vùng biên giới hai bên đã có những cuộc chia sẽ, chưa hẳn là thương thảo nhưng đã liên lạc được với nhau rồi. Khi Mỹ nghe như thế thì họ nói chính phủ Ngô Đình Diệm phản thùng và nó đưa việc này ra cho mấy ông tướng lãnh Việt Nam bảo là ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bán nước cho cộng sản, vì vậy anh phải lật đổ Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm đi để “cứu nước” không thì họ theo cộng sản,  “bán đứng” các anh cho cộng sản….
Những đầu óc suy yếu của những anh tướng hữu dũng vô mưu không biết gì cả, nghe như thế lại tưởng rằng mình là người ái quốc ái quần, lật đổ Ngô Đình Diệm để cứu đất nước khỏi họa cộng sản.
Tôi đề nghị anh đọc cuốn sách “Robert Kennedy and His Time” của Arthur Schlesinger Jr. viết, trong đó có một chương nói về tình hình Việt Nam. (*)
Trong chương đó có viết Bùi Kiến Thành nói cái gì, Ngô Đình Diệm nói cái gì và Tổng thống Kennedy đã quyết định cái gì. Rất tiếc rằng Tổng thống Mỹ không thực hiện được. Tháng 9 năm 1963 Tổng thống Kennedy đã quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam rồi nhưng do cuộc bầu cử năm 1964 nên không thể làm được cho nên chờ tới năm 64 sau khi bầu xong thì sẽ làm, nhưng rất tiếc vận hạn của nước ta và nước Mỹ là Kennedy bị bắn chết, Ngô Đình Diệm bị lật đổ Việt Nam đi vào cuộc chiến tranh tàn khốc do sự thiếu hiểu biết của một số người nông cạn của phía Mỹ cũng như Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông

(*)Robert Kennedy and His Times – Page 718 – Google Books Result
https://books.google.com/books?isbn=0544080076 Arthur M. Schlesinger – 2012 – ‎Biography & Autobiography
Source : RFA
http://nghiencuuquocte.org/forums/topic/tai-sao-phai-giet-tong-thong-ngo-dinh-diem/
https://trunghoctrinhhoaiducbinhduong.com/trang-nha-trinh-hoai-duc-2/suu-tam/trang-tai-lieu/tai-sao-phai-giet-tong-thong-ngo-dinh-diem/?fbclid=IwAR2aznaQ07Le8Sjx2FtQXsBwhpx1Cu2jRYrUu1b6WTgSepbrWjGr5i06GUU

Đăng ngày 01 tháng 11.2021