banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Hương trà năm trước:

Tưởng nhớ cụ Trần Văn Hương

 

Phan Cẩm Anh

Tết sắp đến nơi rồi, tôi thầm nói với mình câu nói nầy bao nhiêu lần mỗi khi lấy thêm áo ấm trong tủ ra để mặc cho con, hoặc pha cho chồng tách cà phê nóng mỗi sáng sớm. Những việc nho nhỏ nầy gợi lại trong lòng tôi một cảm giác ấm áp thân thương, làm tôi nhớ đến bình trà nóng ngày xưa ở Đà Lạt, mỗi sáng sớm ngoại tôi vẫn có thói quen ngồi bên chiếc bàn cũ kỹ đặt trong góc nhà bếp, nhẩn nha thưởng thức mấy tuần trà mà hương trà cổ kính thanh khiết đó bay phảng phất trong không gian rất lâu. Bên cạnh là một ấm nước đã nhuộm màu khói được đặt trên bếp lửa hồng. Lửa chen chúc bập bùng, vang lên tiếng kêu tí tách từ những thanh củi đang bốc cháy. Thương làm sao cảnh đời của một thuở an bình.

tranvanhuongChạnh nghĩ về Tết cũng là cửa ngõ cho nhiều kỷ niệm xưa sống lại trong lòng. Không biết tại sao bên cạnh nỗi nhớ êm đềm về những ngày Tết của thời thơ ấu, lòng tôi lại quay quắt với vài kỷ niệm về cụ Trần Văn Hương đã in sâu vào tâm hồn tôi như một nét vẽ vừa buồn vừa đậm nét. Tôi càng nhận rõ ra hơn, thời gian không phải là luôn yếu tố để người ta quên được những nhân vật đã đi vào lịch sử.

Nhiều năm trước, khi còn học ở trung học, một buổi tối sau khi dùng cơm, chị tôi dẩn tôi đến phủ «Cây Tùng» để thăm Mai Hương, một người bạn đồng khóa 1 Nữ Quân Nhân của chị, bấy giờ vừa lập gia đình với đại úy Phan Hữu Cương, cháu ruột của cụ Trần Văn Hương. Ba chị em đứng trò chuyện dưới một tàng cây trong dinh Phó Tổng Thống. Bất thình lình cụ Hương từ trong bước ra của đưa mắt nhìn về phía chúng tôi gật đầu rồi ra dấu bảo Mai Hương theo cụ vào trong phủ. Khi trở ra, Mai Hương le lưỡi nói với chị tôi :
- Ông cụ vừa mới la
- La chuyện gì ?
- Ông cụ nói tại sao tôi không mời các bạn vào phòng khách nói chuyện đàng hoàng mà lại để bạn đứng dưới gốc cây. Ông cụ bảo là tiếp bạn như vậy là không phải cách, không trọng bạn.

Đó là lần đầu tôi trông thấy cụ Hương, nhưng nghe thuật lại những lời cụ trách, lòng tôi tự nhiên nhen nhúm một cảm tình quý trọng. Sau đó, tôi có dịp trở lại phủ Phó Tổng Thống đôi lần khi Mai Hương sắp vào nhà bảo sanh. Vì lẽ phu quân của Mai Hương bận công vụ nên MH cho tài xế đến nhờ tôi và em gái tôi giúp đưa MH vào bịnh viện. Tất cả những lần lui tới đó, tôi chẳng có dịp nào được giáp mặt cụ Hương.

Thời gian trôi qua, miền Nam sụp đổ, Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng. Ngay buổi sáng của ngày đầu mất nước, trong một ngôi biệt thự cũ kỷ nằm khuất nơi ngõ hẻm ngắn trên đường Phan Thanh Giản, thân nhân của gia đình nầy đã đau đớn đặt ở giữa nhà hai xác người cùng nhau tìm cái chết, họ vừa chia nhau ống thuốc ngủ đêm qua. Đó là đại úy Phan Hữu Cương và trung úy Trần Mai Hương. Họ đã để lại võn vẹn vài lời trăn trối xin nhờ lòng tha thứ của cụ Hương và gia đình, vì không thể sống khi đất nước đã rơi vào tay kẻ thù…Đôi vợ chồng trẻ gởi gắm lại ba đứa con thơ dại nhờ ông bà nội dưỡng nuôi.

Cũng trong ngôi biệt thự bị bao phủ bởi không khí bi thương ấy, nơi một căn phòng trên lầu, cụ Hương đóng cửa im lặng, trầm mình trong nỗi đau của một người đã từng trên cương vị lãnh đạo, giờ đây bi phẩn chứng kiến cảnh quốc gia suy vong, gia đình tang chế. Nỗi đau khổ của Cụ ở mức độ nào, chẳng ai trong nhà được Cụ hé môi thố lộ.

Nhưng ý định cùng chồng đi tìm cái chết của Mai Hương đã không được toại nguyện bởi lẽ một người cháu của MH tình cờ ghé lại thăm, thấy thân thể của cô mình vẫn còn chút hơi ấm, nên vội chở MH đi cấp cứu. Sự sống của MH đã được các bác sĩ giành giựt lại từ đường tơ kẻ tóc, nhờ đó MH đã trở thành một chiếc cầu khiến tôi có cơ hội biết thêm chút ít về cụ Hương trong những ngày tháng sau nầy của Cụ.

Nhiều lần, MH dẩn tôi về lại ngôi biệt thự cũ để thăm các con của MH đang sống nương nhờ vào ông bà nội, tôi đã chứng kiến cảnh sống đạm bạc, nếu không nói là thiếu thốn, túng quẩn của gia đình cụ Hương. Cụ Hương luôn sống lặng lẽ một mình trong căn phòng nhỏ trên lầu. Căn phòng bài trí sơ sài, chẳng có món đồ nào được coi là sang trọng. Ngoài chiếc giường nệm cụ nằm, đồ vật còn lại chỉ là hai chiếc ghế bành, một cái tủ cũ đựng quần áo cũng đã cũ, một chiếc bàn con trên đó cụ đề một tượng Phật Di Lạc. Căn phòng có một cửa ăn thông ra sân thượng. Hầu cận săn sóc Cụ là người em rể của Cụ, mà tôi gọi theo như MH là dượng. Phía dưới lầu là những căn nhà trệt nhỏ, nằm dọc theo bức tường phía trong khuôn viên của biệt thự, có lẽ trước kia là những nhà kho, bây giờ trở nên nơi tá túc của các thân nhân gồm các em và cháu của Cụ, vì phải gặp cảnh khó khăn dưới quê nền phải tìm về Saigon nương náu trong ngôi biệt thự cũ nát mà Tổng Thống Thiệu đã cấp cho Cụ từ thời trước. Ngôi biệt thự nầy, trước khi cấp cho cụ Hương, Tổng Thống Thiệu đã ra lịnh chỉnh trang lại, nhưng Cụ đã từ chối xin cứ đề tình trạng như vậy vì Cụ đã già rồi, không làm gì ích lợi cho quốc gia, nên cụ không muốn làm tốn hao công quỹ. Do đó, đến khi Cộng Sản vào, ngôi biệt thự trên chẳng phải là mồi ngon cho các cán bộ của họ tranh nhau chiếm đoạt như số phận các ngôi biệt thự xinh xắn khác. Tường vách của ngôi biệt thự đã có nhiều chỗ nứt nẻ, nền nhà nhiều chỗ gạch vỡ tung lên, màu vôi đã trải qua nhiều năm tháng vàng uế không được trùng tu sơn quét.

Hình ảnh Cụ lúc nầy như một con chim đại bàng sa cơ gẫy cánh mà vẫn cố giương đôi cánh mang thương tích để bảo bọc đàn chim non. Tôi được kể, cứ mỗi lần người nhà mang cơm lên lầu cho cụ, thường thì rất đạm bạc, lâu lâu mới có một chút cá thịt để cụ bổ sức, nhưng cụ luôn hỏi phần cơm của các người khác trong nhà có được ăn giống như cụ hay không. Mặc dù người nhà trả lời là có để làm cụ an lòng, nhưng cụ thấu hiểu tình cảnh nghèo túng nên thường giành thức ăn ngon trên mâm để mang trở lại xuống nhà cho con cháu.

Nhiều lần, nhìn lên sân thượng, tôi trông thấy Cụ ngồi lặng lẽ trong phòng. Hình ảnh cụ già tóc bạc trắng, cặp mắt bất động nhìn về khoảng không, làm tôi bàng hoàng ray rứt trên đường đạp xe trở về nhà.

Một hôm, có lẽ vào dịp gần Tết, MH trao cho tôi một củ sâm Đài Loan và nói :
- Bà nội sắp nhỏ bảo chị đem củ sâm nầy đi bán. Củ sâm là của người ta biếu cho ông cụ khi xưa khi ông cụ viếng Đài Loan, ông cụ còn cất giữ cho đến giờ. Ông nói chắc ông không cần dùng đến nó nên sai bà nội đem bán lấy tiền đong gạo cho sắp nhỏ.

Củ sâm vỏn vẹn bằng hai phần ba bàn tay, được bọc trong mấy lớp giấy dầy bụi bám, có lẽ đã bị quên lãng trong ngăn tủ nay được lôi ra… Tôi nhìn củ sâm mà nghẹn ngào. Một nhà giáo thanh bạch, một người lãnh đạo quốc gia thanh liêm, nay cụ có đâu vàng bạc tài sản để đem bán nuôi thân và nuôi đàn cháu, giúp đỡ người thân đang tá túc trong nhà, những người đã bị Cộng Sản kết tội vì liên lụy đến các hoạt động chính trị của cụ.

Độ hơn tuần sau, ông nội của các cháu, tức em rể của cụ Hương, ghé lại nhà MH và tôi (lúc nầy, tôi và MH ở chung tại một căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình) kể cho chúng tôi nghe là ông vừa làm theo ý của cụ Hương là mang ra chợ trời bán mấy bộ veste còn tốt của Cụ.
Để an ủi người nhà bớt đau lòng, cụ bình thản giải thích : « Từ đây cũng đâu có dịp cần để mặc, thì đem bán đi chớ giữ làm chi». Số tiền bán áo cũng chẳng còn giữ được bao lâu vì bà Út đã dùng số triền nầy để đi chợ mua thức ăn cho sắp nhỏ.

Gia đình của cụ Hương đã chịu chung số phận nghèo khổ bi đát tột cùng, từ tinh thần đến vật chất của mọi tầng lớp dân chúng miền Nam khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm.

Có một sự kiện làm tôi chảy nước mắt mỗi khi nhớ đến, lòng thêm kính mến và cảm phục cụ Hương. Trước khi chính quyền CS cho tổ chức cuộc bầu cử quốc hội bịp bợm đầu tiên, cụ Hương được họ thông báo sẽ có một buổi lễ để chính phủ trả quyền công dân cho cụ. Sau đó, để có buổi lễ được quay phim tuyên truyền, khi một cán bộ thay mặt chính quyền, đọc "chính sách khoan hồng, rộng lượng" của nhà nước đối với những "thành phần" như cụ, cụ dõng dạc nói:
- «Tôi xin phép từ chối. Tôi không nhận cái quyền công dân này. Dù gì tôi cũng là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi mà giờ đây vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo, chưa được trả quyền công dân trước. Tôi sẽ là người sau cùng nhận cái quyền công dân này, sau khi binh sĩ và nhân viên của chúng tôi đã được nhận».

Ðại diện của chính quyền CS không ngờ sự thể xảy ra như vậy. Tức giận, họ ra lịnh cúp máy thu thanh, thu hình. Vài ngày sau cụ nhận được lịnh quản thúc tại gia 3 năm. Cụ Hương nói với người nhà:
- «Bọn nó cũng chẳng cần phải quản thúc tao. Tao già và đau yếu như vầy, có khi nào bước chân ra khỏi nhà đâu mà cần phải quản thúc! »

Vào năm 80 tuổi, mỗi lần theo Mai Hương ghé vào thăm ông bà nội của các cháu, tôi ít thấy cụ Hương ra ngồi ở sân thượng như lúc trước. Tôi được biết sức khỏe của cụ sa sút nhiều. Một hôm, em rể cụ Hương bảo tôi:
- Ông cụ dạo nầy yếu quá. Ông lại dứt khoát không muốn vô nhà thương khám bịnh hay chữa trị gì cả. Chắc Cẩm Anh cũng biết tại sao rồi. Dượng muốn nhờ Cẩm Anh có quen ai là bác sĩ trước 1975, xin họ đến nhà khám bịnh giùm cho ông cụ. Nếu không thì Dượng chẳng yên tâm.
Nghe ông Dượng nói tôi mới nhớ, cách đó không lâu, cụ Hương bị mệt xỉu phải đưa vô nhà thương cấp cứu. Lúc tỉnh dậy, cụ nhứt định đòi người nhà phải đưa cụ về ngay. Cụ một mực từ chối, không chịu để điều trị trong bịnh viện đã thuộc về tay chính quyền CS.

Mặc dầu có quen biết vài bác sĩ, nhưng tôi nghĩ ngay đến nhà tôi, lúc ấy còn là một người bạn, vì trong hoàn cảnh không biết tương lai ra sao, nên chúng tôi chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Tôi nhận lời Dượng, hứa tìm một bác sĩ của "chế độ mình" để nhờ khám bịnh cho cụ. Khi nghe tôi trình bày, nhà tôi chẳng chút ngần ngại, vui vẻ nhận lời ngay. Lần đầu tiên nhà tôi đến, cụ bảo nhà tôi lại thật gần để cụ nhìn mặt vì mắt cụ đã mờ. Cụ Hương hỏi nhà tôi:
- Con đến đây thăm bịnh cho qua, con có sợ họ làm khó dễ con không?
Nhà tôi trả lời:
- Thưa cụ, cháu chỉ làm bổn phận và công việc của người thầy thuốc, cháu không ngại.
Cụ xúc động, ghé người gần lại, đưa tay ôm lấy đầu nhà tôi. Nhà tôi tiếp:
- Thưa cụ, cháu là bác sĩ trẻ mới ra trường, kinh nghiệm và kiến thức hãy còn ít, chữa bịnh cho cụ, nếu có điều gì không biết, cháu sẽ về đọc sách lại.
Cụ Hương vui vẻ, mỉm cười cảm ơn và nắm lấy tay nhà tôi như để trấn an.

Từ đó nhà tôi lui, tới với cụ thường xuyên để thăm bịnh cụ. Dường như việc trị bịnh đối với cụ chẳng có gì quan trọng, cụ không quan tâm lắm, mặc dầu cụ luôn luôn là một bịnh nhân gương mẫu, theo đúng những lời dặn của bác sĩ. Ðiều làm cho cụ vui và thoải mái hơn có lẽ là có người để cụ nói chuyện. Do đó, nhà tôi thường ngồi lại với cụ một hai giờ sau khi khám bịnh. Cụ nói thuốc men cụ dùng hàng ngày là do bà Trần Văn Văn và bạn bè ở Pháp gởi về tặng cụ. Những thứ thuốc nào không cần dùng, cụ đưa cho người em rể cụ đem ra chợ trời bán, lấy tiền chia đều cho gia đình con cháu đong gạo. Một hôm cụ kể cho nhà tôi nghe một câu chuyện rất cảm động như sau:
- «Con biết không, chú có thằng em đến thăm [cụ xưng chú với nhà tôi, khi biết thân phụ nhà tôi lớn hơn cụ vài tuổi] nó đem đến một hộp sữa bò còn tặng chú 5 đồng [lúc mới đổi tiền, 500 đồng tiền cũ ăn 1 đồng tiền mới]. Chú thương nó có tình, nhưng nghĩ nó phải đạp xích lô cực khổ để sinh sống, nên chú không nỡ lấy. Nhưng nếu chú không nhận thì "sợ nó buồn tội nghiệp", nên chú chỉ nhận có 5 đồng, còn hộp sữa thì bảo nó đem về cho gia đình» . Người mà cụ kể là "thằng em" một cách thân mật chính là thuộc hạ cũ của cụ.

Cụ Hương còn tâm sự với nhà tôi những chuyện lúc cụ còn trẻ. Có một thời gian cụ cùng với một người con trai (Trần Văn Dõi) theo hoạt động cho Việt Minh chống Pháp. Nhưng khi nhận ra bộ mặt thật của Việt Minh, cụ dứt khoát trở về lại trong Nam và mất liên lạc với người con trai từ lúc ấy. Người con trai nầy đã ở lại miền Bắc, và phục vụ trong quân đội CS. Sau khi Sàigòn bị chiếm, anh có về thăm cụ với vợ là một bác sĩ VC. Có lẽ sự lui tới của cặp vợ chồng nầy cũng nhằm mục đích theo dõi cụ.

Cụ Hương cũng có một người con khác đang sinh sống tại California. Anh có một đứa con bị bịnh Thalassemia, được đưa sang Mỹ chữa trị trước năm 1975. Ðã bao lần anh muốn bảo lãnh cụ ra nước ngoài, nhưng cụ nói với nhà tôi:
- «Trước kia đại sứ Martin năn nỉ, yêu cầu chú đi, chú đã từ chối. Bây giờ đời nào chú lại xin chính quyền CS để được đi ».

Những lần đi thăm bịnh sau của nhà tôi, cụ tâm sự nhiều hơn về những vui buồn trong cuộc đời tham chính của cụ. Cụ luôn nhắc đến tên của những người mà cụ đặc biệt quý mến như bác sĩ Bạch Ðình Minh. Cụ ngậm ngùi kể: "Bác sĩ Minh đi khám bịnh mà không có đồng hồ đeo tay. Chú mua tặng cho bác sĩ Minh một cái, nhưng đeo được vài tuần, bác sĩ Minh đem trả lại chú. Chú thấy bác sĩ Minh phục vụ trong quân đội hết lòng tận tụy và giàu tinh thần trách nhiệm, chú đề nghị lên tổng thống Thiệu tưởng thưởng "Bảo quốc huân chương" cho bác sĩ Minh. Bác sĩ Minh từ chối không nhận viện lẽ ông đang làm việc ở chỗ an toàn, xin dành huy chương ấy cho những người xả thân chiến đấu, hy sinh xương máu cho đất nước".

Một lần khác cụ hỏi nhà tôi:
- Con có biết bác sĩ Trần Lữ Y không?
Nhà tôi thưa:
- Bác sĩ Trần Lữ Y dạy con môn Nội Khoa ở trường Y khoa.
Cụ Hương tâm sự:
- Hồi trước bác sĩ Hoa Kỳ sang đây khám bịnh cho chú, họ đề nghị đưa chú sang Hoa Kỳ chữa bịnh. Thằng Trần Lữ Y đi theo chú, xin lỗi con, chú gọi bác sĩ Trần Lữ Y bằng "thằng", vì chú thương nó như con chú vậy. Khi máy bay ghé Manille, suốt mấy hôm chú ăn không nổi đồ ăn của họ, nên bác sĩ Trần Lữ Y phải ra phố kiếm thức ăn mua về cho chú. Gần đây chú nghe có người nói bác sĩ Trần Lữ Y qua đời bên Pháp vì bịnh ung thư, có đúng như vậy không?
Nói tới đây, cụ im lặng hồi lâu như nén sự xúc động. Mấy tuần sau, nhà tôi được tin bác sĩ Trần Lữ Y vẫn còn khỏe mạnh ở bên Pháp và có phòng mạch tư, gần với phòng mạch của bác sĩ Phạm Tu Chính. Nhà tôi vội vàng ghé lại thăm và nói cho cụ Hương biết tin thật về bác sĩ Trần Lữ Ỵ. Nghe xong, cụ Hương nắm lấy tay nhà tôi mà chẳng nói gì. Hai giòng nước mắt từ từ lăn trên má cụ.

Mặc dầu sức khỏe cụ Hương lúc đó đã sa sút nhiều, đi đứng khó khăn, dầu chỉ vài bước cũng cần cây gậy. Bên cạnh giường ngủ có gắn một cái chuông điện, trên bàn luôn có một cái chuông nhỏ để khi cần người nhà, cụ lắc bằng tay. Nhà tôi thán phục cụ có trí nhớ đặc biệt. Cụ có thể nhớ nguyên văn câu nói của từng người, ngày tháng, giờ giấc của sự kiện đã xảy ra. Cụ không quên từng chi tiết nhỏ. Có lần cụ chia xẻ với nhà tôi rằng:
- Chú nghĩ người làm chính trị phải có giáo dục và đạo đức. Khi tham chính tất nhiên chú chấp nhận có phe đối lập, nhưng dầu khác lập trường, chú vẫn luôn luôn tôn trọng họ. Có một dân biểu trẻ tên là [xin giấu tên], trong một buổi họp quốc hội, đã đứng lên đập bàn, chỉ vào mặt chú nói những lời vô lễ [xin không ghi lại câu vô lễ nầy]... Vì dân biểu nầy đáng con chú. Chú buồn và tiếc cho người làm dân biểu mà không biết đến chữ "lễ", không tỏ ra có tư cách của người học thức, chớ không buồn về lập trường đối lập của họ.

Một hôm đến thăm cụ, nhà tôi thố lộ với cụ rằng "sớm muộn gì con cũng phải ra đi". Chuyện ra đi không biết khi nào mới thành công, nhưng không bao giờ con bỏ ý định đó. Chẳng phải vì miếng cơm manh áo, hay sự cực khổ mà phải bỏ quê hương. Nhưng vì cuộc sống lúc nào cũng thấy bị đe dọa, thiếu an toàn, ngủ một đêm thức dậy có thể bị bắt vì bất cứ một lý do viển vông nào. Nghe nhà tôi nói, cụ Hương trầm ngâm một hồi lâu mà không nói gì. Mãi một lúc sau, cụ thở dài chép miệng:
- «Có lẽ chú làm không đúng khi ra lịnh ngăn người ta ra khỏi nước trong những ngày hỗn loạn ».
Lúc nhà tôi từ giã cụ ra về, cụ ôm hôn nhà tôi và nói:
- Chú gặp con muộn quá!

Vào tháng 4 - 1981, tôi đạp xe đưa nhà tôi đi vượt biên lần thứ 13. Trước khi đi, nhà tôi có đến thăm cụ lần cuối. Biết cụ rất buồn, nhưng cụ giấu kín tình cảm để người đi bớt vướng víu. Một tháng sau đó, tôi cũng rời Việt Nam đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình do anh chị tôi bảo lãnh. Một ngày trước khi đi, tôi đạp xe trở lại đường Phan Thanh Giản, đứng một mình bên chiếc cổng sắt. Giữa một niềm vui khi sắp sửa thoát khỏi cảnh đời vô vọng, tăm tối, và một nỗi buồn khi biết rằng mình sẽ mất bao nhiêu gắn bó thân thuộc khi lìa khỏi nơi đây. Cụ Hương vẫn là hình ảnh làm cho lòng tôi se thắt, là một cánh sen nổi trên dòng nước đang giao động của tâm hồn tôi.

Khi ngồi viết những dòng nầy, sau một thoáng suy nghĩ, tôi đã cắt bỏ những đoạn sau để khỏi đưa đến những gì gọi là cuối câu chuyện.

Những phần không được viết ra, xin độc giả hãy coi đó là một nén hương trầm mà người viết muốn thành kính đốt trên bàn thờ cụ Trần văn Hương. Một người quốc gia, một nhà nho giàu lòng yêu nước, sống và chết trên dòng sinh mệnh điêu linh của dân tộc.

Phan Cẩm Anh

Nguồn : Đặc San Trường Trung Học Mỹ tho 1997 / Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học MỹTho (Canada)


 

Một nén hương lòng dâng lên

Cố Tổng Thống Trần Văn Hương

Phạm Lễ

tttranvanhuong02

Cố Tổng Thống Trần Văn Hương

Tình cảm đầy lễ giáo tạo nên đạo đức của người kẻ sĩ thời đại là Cụ Trần văn Hương – Tổng Thống dân cử thứ ba của thể chế Việt Nam Cộng Hòa – làm cho chúng ta nhớ lại hình ảnh của một Chu Văn An, bậc đại sĩ thời nhà Trần cách nay đã 700 năm là một biểu hiện của nhà nho, kẻ sĩ yêu nước, người đã vạch ra đường lối giáo dục để đào tạo cho đất nước nhiều nhân tài lỗi lạc. Qua hình ảnh và đưòng lối của Kẻ Sĩ Chu Văn An làm hình ảnh tôn sư trọng đạo,thương nước yêu nòi… Thời của những kẻ sĩ đã lấy nhân đức để trị vì thiên hạ với ý niệm “Dân Vi Qúy”, thời điểm đó đã xuất hiện không biết bao nhiêu nhân tài cho đất nước.

Rồi bước sang hậu bán thế kỷ thứ 19 chúng ta có kẻ sĩ tiết tháo Phan Thanh Giản đã sống vì dân, chết vì nước luôn coi sinh mệnh của toàn dân, an ninh bờ cõi của đất nước mới là quan trọng, coi cái chết của bản thân nhẹ tựa lông hồng… Tiến sĩ Phan Thanh Giản là một sự phản chiếu từ hình ảnh của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ với phương châm “Thắng không vinh, thua không nhục”. Nhưng cũng trong miền đất ruộng đồng thẳng cánh cò bay, nơi có chín con rồng biểu tượng sự linh thiêng cho nòi giống Lạc Hồng , dọc theo bờ biển trù phú của đất nước Việt Nam, ở thời điểm cuối thế kỷ thứ 20 chúng ta lại may mắn có một kẻ sĩ thời đại đầy tiết tháo, đầy sĩ khí và đức độ, bao dung sống cho dân, chết vì nước.

Đó là vị Tổng Thống dân cử thứ ba của Việt Nam Cộng Hoà: Cụ Tổng Thống TRẦN VĂN HƯƠNG – mà chúng tôi xin được mạn phép gọi Cụ là “ Người kẻ sĩ thời đại”.

* Trước đó, tối ngày 18.4.1975, đại sứ Hoa Kỳ Martin đã thông báo với đại sứ Pháp Mérillon rằng Hoa Kỳ sẽ buông Việt Nam. Ông đại sứ Mérillon đã chuyển lời nói này cho Phó Tổng Tổng Thống Trần Văn Hương.

Cụ đã trả lời:
Ông đại sứ à, tôi đâu có ngán Việt Cộng. Chúng nó muốn đánh, tôi đánh tới cùng. Tôi không muốn lưu vong xứ người. Nếu trời hại nước tôi, tôi xin thề ở lại và mất theo nước này.

* Cuộc điện đàm sau cùng của Tổng thống Trần Văn Hương và Đại Sứ Martin của Hoa Kỳ. Trước khi người Mỹ quyết định bỏ mặc cho VNCH tự chiến đấu chống Cộng Sản. Đại Sứ Martin của Hoa Kỳ đã chính thức gặp Tổng Thống Trần Văn Hương và nói với Cụ :
« Thưa Tổng Thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhơn danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Tổng Thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng Thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho đến ngày TT trăm tuổi già»
Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời :
«Thưa Ngài đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn Ông đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Saigon, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.»

Trong phần mở đầu của bài diễn văn, Tổng Thống thứ ba của Việt Nam Cộng Hòa đọc trước quốc hội lưỡng viện vào sáng ngày 26 tháng 4 năm 1975 (tức là chỉ có 4 ngày trước khi Việt Nam Cộng Hòa bị rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt.. Tổng Thống Trần Văn Hương đã nhìn thấy những hiểm hoạ đang ụp xuống lên hơn 30 triệu đồng bào của Cụ sau 21 năm hy sinh chiến đấu dũng cảm của Quân- Dân- Cán- Chính để bảo vệ bốn chữ Việt Nam Cộng Hòa, ngõ hầu mang lại Tự Do – No Ấm cho toàn dân miền Nam,với lời nói thật chân tình đầy quả cảm tự đáy lòng của một người lãnh đạo cả đời dấn thân hy sinh cho đại cuộc :

“Tôi nhiệm chức hôm nay đã được năm ngày. Nói rằng ở đây để đọc một cái thông điệp, tôi không có cái táo bạo như vậy, bởi vì tình thế nghiêm trọng của đất nước. Vả lại như quý vị đã biết, tôi không quen nói những lời văn hoa mà không có ý nghĩa, cho nên tôi xin thưa trước quý vị đây không phải là một thông điệp. Đây chẳng qua là lời thành khẩn, thật tình của một người vì nước, đến trình bày mọi việc để quý vị rõ và quyết đoán.
Thưa quý vị, tình trạng đất nước khó khăn như thế nào, có lẽ quý vị đã biết rõ rồi. Tổng thống trao quyền lại cho tôi chẳng những là khó khăn, mà còn rất là bi đát. Bởi vì như quý vị đã biết, trong bốn vùng của chúng ta, hiện giờ chúng ta đã mất hơn hai vùng rồi, còn lại vùng III và vùng IV thì đã sứt mẻ, và sứt mẻ này có thể một ngày một lan rộng, và tình trạng khốn khổ, đau thương chẳng những là của toàn xứ mà của cả Sài Gòn và Chợ Lớn này trong những ngày gần đây.”

Chính vì Tổng Thống Trần Văn Hương là người xuất thân từ giới bình dân nghèo trước khi trở thành người trí thức tiêu biểu của miền Nam Việt Nam, với một ý chí cao cả, một trái tim nồng nàn yêu nước thương dân, một lý tưởng quốc gia chân chính, người kẻ sĩ “MỘC MẠC ĐẦY CHÂN TÌNH VỚI ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC” như ông. Nên Cụ đã chấp nhận định mệnh của chính mình.

Đức tính lãnh đạo ấy của Tổng Thống Trần Văn Hương đã trở thành một biểu tượng trong giới "SĨ PHU THỜI ĐẠI” đầy hào khí, đó là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc trong công cuộc chiến đấu một mất một còn chống lại đại khối Cộng Sản quốc tế. Nhiều chính khách, ký giả, nhà báo, giáo chức, cấp chỉ huy Quân Đội sinh trưởng tại miền đồng bằngNam Bộ… rất tự hào khi nhận mình là học trò của cụ, và đều kính cẩn thưa với vị thày khả kính hằng dạy dỗ văn hóa và đạo đức cho mình bằng tiếng “THẦY” rất trân trọng.. Những người không phải là học trò của Tổng Thống Trần Văn Hương khi trước thì thưa với tổng thống là “CỤ”, để tỏ lòng cung kính nhà lãnh đạo tài đức song toàn của quốc gia.

Trong bối cảnh đất nước ly loạn dầu sôi lửa bỏng nghiêng ngửa, giữa cơn hoạn nạn đầy phong ba bão táp như vậy, giặc cộng đã và đang bao vây trùng điệp bên ngoài Thủ đô Sài Gòn, ngày 21 tháng 4 năm 1975 Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đã nhận trách nhiệm của một vị “ Tổng Tư Lệnh” TRONG THỜI CHIẾN từ tay người Tổng Thống tiền nhiệm Nguyễn Văn Thiệu một di sản quá nặng nề với tình trạng quân lực và tinh thần của quân dân đầy tơi tả sau khi rút từ vùng I và vùng II về cố thủ sau vĩ tuyến 13 từ Phan Rang trở vào đến mũi Cà Mâu..

tttranvanhuong031

 

 

Cố Tổng Thống Trần Văn Hương và nhân viên tùy tùng

 

Ở tuổi 71, sức khỏe suy kém, đôi chân phải nhờ đến chiếc gậy chống, vị Tổng Thống thứ ba của Việt Nam Cộng Hòa vẫn hùng hồn và dứt khoát khẳng định cùng với quân dân Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục chiến đấu. Ngày 22.4.1975, trong cương vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tổng Thống Trần Văn Hương đã ký ngay một nghị định tăng lương thêm 10,000 đồng phụ cấp cho tất cả quân nhân tác chiến để xác định rõ tấm lòng thương mến của Cụ dành cho người quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để nâng cao tinh thần chiến đấu của Quân Đội, sẵn sàng quyết chiến với giặc trong cuộc tử sinh cuối cùng.

Đồng thời Tổng Thống Trần văn Hương cũng ra lệnh tức khắc ngừng việc cấp giấy xuất ngoại cho bất cứ công dân Việt Nam Cộng Hòa nào được ra khỏi nước trong giờ phút thập tử nhất sinh, nếu không có sự chuẩn thuận của Tổng Thống.

Không vì bất cứ lý do gì trong lúc những người chiến sĩ đang ngày đêm gian nan hy sinh sẵn sang đổ máu ngoài tiền tuyến để ngăn chống giặc Cộng đang tấn công vũ bão khắp các chiến tuyến, mà Cụ lại có thể ban “đặc ân” cho một số người chạy trốn cuộc chiến để được vinh thân phì da một cách hèn mạt như vậy!!!
Đích thân Tổng Thống Hương duyệt xét từng hồ sơ xuất ngoại một, để bảo đảm rằng không có sự lo lót hối lộ trong đó (?)

Mặt khác , trên cương vị Tổng Tư Lệnh Tổng Thống Trần Văn Hương ngợi khen chiến thắng của Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Ngày 25.4.1975, Tổng Thống Hương đã dùng trực thăng đến Căn Cứ Long Bình vinh thăng Thiếu Tướng tại mặt trận cho Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, cũng như ân thưởng cấp bậc và huy chương cho tất cả chiến sĩ có công trong việc ngăn chặn địch quân.. Trước đó vài ngày, Cụ cũng đã bay xuống Thủ Thừa để tuyên dương công trạng của Trung Đoàn 12, thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh và đặc cách thăng cấp Đại Tá tại mặt trận cho Trung Tá Đặng Phương Thành, Trung Đoàn Trưởng. Không chỉ chăm lo việc binh bị và đời sống của chiến sĩ, Tổng Thống Trần Văn Hương còn góp tay vào tất cả mọi lãnh vực xã hội khác trong quyền hạn của mình…

Cụ Tổng Thống Trần Văn Hương là một chiến sĩ quốc gia chân chính, là một kẻ sĩ đạo đức thiết thực dầy lòng nhân ái, thanh liêm và nghiêm minh trong vai trò Chủ Tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng, Cụ đã chọn Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu một vị tướng nổi tiếng là thanh liêm trong vai trò phụ tá để bảo đảm trong công việc trong sách hoá guồng máy chính quyền.

Cụ Trần Văn Hương sinh năm 1904 tại làng Long Châu thuộc quận châu thành Vĩnh Long trong một gia đình thanh bạch, thuở nhỏ rất thông minh và hiếu học, nên song thân đã tằn tiện chắt mót hy sinh cho người con để có thể gửi Cụ ra tận Hà Nội học Trường Cao Đẳng Sư Phạm. Chúng ta phải hiểu rằng, thời Pháp thuộc, một học sinh lấy được bằng Cao Đẳng Tiểu Học đã quá khó khăn, rồi phải vất vả đến như thế nào để đậu được bằng Thành Chung (Diplome), tương đương với bằng Trung Học Đệ Nhất cấp sau này. Người Pháp chủ trương hạn chế trí thức Việt Nam, và mở mang dân trí thuộc địa một cách nhỏ giọt, nên những học sinh phải thật xuất sắc mới có thể đậu được bằng Tú Tài II (Baccalaureat) . Để được nhận vào Trường Đại Học Y Khoa hay Cao Đẳng Sư Phạm thời thập niên 30-40 là một con đường dốc thẳng đứng không biết bao nhiêu gian nan mới có thể đạt được ước nguyện. Sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm tại Hà Nội, người giáo sư trẻ Trần Văn Hương thời đó được bổ nhiệm về dạy Trường Le Myre de Villers ở Mỹ Tho. Người thầy giáo bồi hồi trong niềm hãnh diện và sung sướng khi được trở về đứng trên bục giảng ngay tại ngôi trường xưa mà ông đã theo học từ những năm trước để có thể dìu dắt các thế hệ đàn em có thể tiến bước theo ông.. Trong những năm 1943 – 1945, giáo sư Trần Văn Hương dạy môn văn chương và luân lý. Vài năm sau ông được đổi lên làm Đốc Học tỉnh Tây Ninh, một chức vụ đầu tỉnh về ngành giáo dục.

Dù có được đào tạo trong môi trường giáo dục của chính quyền bảo hộ Pháp, là một giáo sư trong môi trường có quá nhiều cạm bẫy ân sủng do người Pháp đưa ra. Nếu cứ chiụ khuất phục giống như nhiều người để con đường hoạn lộ được thong dong thì chắc chắn sẽ không có danh thơm là một kẻ sĩ uy vũ bất năng khuất Trần văn Hương sau này. Mùa thu năm 1945, Việt Minh, tổ chức cộng sản trá hình của cộng sản Việt Nam đã nổi dậy cướp chính quyền khắp ba miền bắc-trung-nam của Việt Nam. Trần Văn Giàu, một Xứ ủy cộng sản tại miền Nam trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Nam bộ, đã tiếp xúc và xin cử giáo sư Trần Văn Hương làm Chủ tịch Ủy ban Hành kháng tỉnh Tây Ninh, một chức vụ tương đương với Tỉnh Trưởng sau này. Nhưng làm việc với Việt Minh không được mấy tháng, giáo sư Trần Văn Hương đã nhận thấy ngay bộ mặt thật của Cộng Sản được che bởi chiếc mặt nạ kháng chiến. Vì thấy Cộng Sản chủ trương khủng bố, ám sát và thủ tiêu những người yêu nước có tinh thần quốc gia, giáo sư Trần Văn Hương xin từ chức và tìm cách bỏ về thành phố chọn cho mình một con đường kháng chiến khác. Ban đầu ông giữ một chân bán thuốc Tây cho nhà thuốc của dược sĩ Trần Kim Quan ở góc đường Lê Lợi và chợ Bến Thành.

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị nhóm quân phiệt hạ sát chết ngày 2.11.1963, thời gian kế tiếp là một loạt biến động và hỗn loạn trong chính trường Việt Nam Cộng Hòa, Quốc Sách Ấp Chiến Lược do ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu khởi xướng đã bị nhóm quân nhân đảo chánh dẹp bỏ, Hà Nội nhân cơ hội đó cho tăng cường xâm nhập bộ đội lên đến hàng trăm ngàn người, đồng thời đẩy mạnh kế hoạch phá hoại chính trị miền Nam. Tháng 11.1964, chính phủ dân sự của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu đã mời cựu giáo sư Trần Văn Hương lập nội các, sau khi được Hội đồng Tướng lãnh trao trách nhiệm lèo lái quốc gia lại cho giới dân sự . Thủ Tướng Trần Văn Hương với chính sách không nhân nhượng những yêu sách vô lý của Phật giáo mà ông biết rõ đã có sự nhúng tay của các phần tử cộng sản trà trộn, đã vấp phải sự chống đối của nhiều tăng ni. Chính quyền của Thủ Tướng Hương đã rất kiên nhẫn chịu đựng những công kích các kẻ hở của thời kỳ chuyển tiếp đầy u ám từ phía đối lập và Phật giáo, để dồn nỗ lực đối phó với cuộc xâm lược trước mắt của cộng sản. Thủ Tướng Hương chủ trương tôn giáo không dính líu đến chính trị nên đã cương quyết không đáp ứng thỏa đáng những đòi hỏi có tính cách chính trị của nhóm Phật giáo.

Nhiều người đã không nhận ra rằng những việc cấp thiết nhất phải là cùng góp tay ngăn chống làn sóng cộng sản trước đã. Những tay tình báo chiến lược Cộng sản giả dạng nhà tu đã khai thác, kích động tăng ni xuống đường chống phá chính quyền quốc gia. Đương đầu với giặc ngoài chiến trường không khó, nhưng khó là ở chỗ đề phòng những cú đâm lén từ phía sau lưng. Dưới áp lực đó, nên đến ngày 28.1.1965 Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu đành phải thay thế ông Trần Văn Hương bằng bác sĩ Phan Huy Quát.

Thủ Tướng Phan Huy Quát không xa lạ gì với ông Trần Văn Hương, vì cả hai vị đều là những nhân sĩ đồng chí trong nhóm Caravelle năm 1960, còn được gọi là nhóm Tự Do Tiến Bộ.
Năm 1960, nền Đệ Nhất Cộng Hòa và Tổng Thống Ngô Đình Diệm gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định tình hình chính trị, khi dân chúng bắt đầu ta thán những sự lạm quyền quá đáng từ những anh em của ông. Tình trạng này ít nhiều đã khơi thêm hố ngăn cách giữa dân chúng và chính quyền, mà chỉ có lợi cho Cộng sản Hà Nội. Chiến tranh du kích do cộng sản phát động đã ngày càng lan rộng, cán bộ cộng sản luôn tìm dịp móc nối và thuyết phục những nhóm chống đối chính quyền. Băn khoăn trước tình thế nguy hiểm đó, một nhóm trí thức, nhân sĩ quốc gia đã họp lại với nhau tìm một phương cách mềm dẻo và hợp lý khả dĩ thuyết phục được chính quyền lắng nghe nguyện vọng từ phía đối lập, trong đó gồm những chính khách nặng lòng với đất nước như : Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Lưu Viên, Nguyễn Ngọc An, Trần Văn Tuyên, Lê Ngọc Chấn, Trần Văn Văn, Huỳnh Kim Hữu, Phan Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỉ, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, linh mục Hồ Văn Vui. Đặc biệt hơn cả là sự tham gia của ông Trần Văn Đỗ, chú ruột của bà Trần Lệ Xuân phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu. Ngày 26.4.1960, tất cả là 19 vị nhân sĩ đối lập của nhóm “Tự Do Tiến Bộ” đã họp tại nhà hàng Caravelle, nên còn được gọi là Nhóm Caravelle. Một bức thư tâm huyết được soạn thảo và gửi cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Những thuật ngữ gửi cho vị nguyên thủ quốc gia đã được cẩn thận viết với lối văn hòa nhã, cung kính và lễ độ, đưa ra những nhận xét về tình hình đất nước và đề nghị chính phủ một số biện pháp để cải thiện tình hình, mở rộng nền tự do dân chủ. Một khi người dân được hưởng những quyền lợi đó, họ sẽ nỗ lực để bảo vệ chính phủ Miền Nam chống lại chế độ độc tài Miền Bắc. Chính là nhân dân sẽ tranh đấu bảo vệ một chính phủ dân chủ và cho những quyền lợi tự do thực sự của họ. Thật đáng tiếc, bức thư được gửi đi đã không được trả lời. Vài ngày sau có lệnh bắt giam 19 nhân sĩ Caravelle, một số trốn thoát, nhưng nhà giáo Trần Văn Hương, cựu Đô Trưởng Sài Gòn thời Thủ Tướng Diệm năm 1954, thì bị bắt và tống giam, trong đó có ông Trần Văn Đỗ cũng bị nhốt vào Trại Võ Tánh. Tập thơ “Lao Trung Lãnh Vận” nổi tiếng của nhà giáo Trần Văn Hương đã hình thành trong thời gian này. Mãi đến tháng 7.1963, Tòa Án Quân Sự Sài Gòn đã tuyên bố tha bổng cho tất cả người tham dự nhóm Tự Do Tiến Bộ. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy sự chuyển mình và nhượng bộ của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Cụ Trần Văn Hương trở lại tham chính lần nữa trong chức vụ Thủ Tướng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, khi Cụ được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mời lập nội các, đó là chưa kể Cụ đã hai lần làm Đô Trưởng Sài Gòn. Thủ Tướng Hương làm việc từ 28.5.1968 đến 1.9.1969 thì nhường văn phòng lại cho Đại Tướng Trần Thiện Khiêm. Mặt khác Cụ Trần văn Hương với tư cách Thượng Nghị Sĩ, với cái dũng khí của một kẻ sĩ và dòng máu kiên cường uy vũ bất năng khuất của dân tộc Việt Nam đã đứng ra tổ chức một cuộc họp báo có đông đủ ký giả trong và ngoài nước chỉ trích MACV đã không hành xử đầy đủ cam kết của mình, thậm chí đã làm rúng động đến tận Hoa Thịnh Đốn bằng cuộc họp báo Lam Sơn 719 Hạ Lào của Cụ. Quan tâm theo dõi tình hình tiến quân và những tổn thất của đại quân Việt Nam Cộng Hòa trên đất Hạ Lào từ những ngày đầu tháng 2.1971, Cụ đã rất đau lòng đọc những báo cáo bất lợi dồn dập gửi về Sài Gòn cho biết Không lực Hoa Kỳ nại cớ thời tiết xấu đã không yểm trợ đầy đủ hỏa lực theo đúng kế hoạch hành quân mà đã do chính MACV (Military Assistance Command, Vietnam : Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam) dành quyền soạn thảo. Những phi công gan dạ thuộc Không Quân Việt Nam vì tình chiến hữu, quá xót xa đã cất cánh xuất kích, bất chấp nhiều tổn thất. Con số chiến thương và tử trận của quân ta càng lên cao mà thiếu phương tiện yểm trợ và tải thương,

Đứng trước một sự thật như thế, MACV đành phải ra lệnh cho Sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ đáp ứng yểm trợ hỏa lực tích cực hơn nữa. Cũng nhân câu chuyện này, xin được dành vài hàng vinh danh các phi công Hoa Kỳ đã anh dũng hy sinh hay bị thương trên chiến trường Hạ Lào để yểm trợ cho những người bạn huynh đệ chi binh Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi cuộc hành quân Lam sơn 719 kết thúc, số lượng trực thăng khả dụng của sư Đoàn 101 Không Kỵ Hoa Kỳ bị hao hụt 92 chiếc, 102 nhân viên phi hành tử trận, 215 chiến thương và 53 mất tích. Nhờ có sự can thiệp của Nghị Sĩ Hương và lệnh phi yểm của MACV nên quân ta đã rút về được Việt Nam cuối tháng 3.1971 với những tổn thất nhẹ. Sư Đoàn Nhảy Dù đã trao tặng Nghị Sĩ Trần Văn Hương danh hiệu “HẠ SĨ DANH DỰ”, Cụ rất vinh dự nhận danh hiệu lính Mũ Đỏ này. Đối với người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và dân chúng, thì Cụ Trần Văn Hương còn có một mỹ danh khác thân thiết hơn: “Ông Già Gân”.(1) (Trích quan điểm của bài viết về Tổng Thống Trần văn Hương đã được phổ biến trên diễn đàn)

Nơi đây chúng tôi xin mượn những vần thơ với tựa đề nếu của Tô Vũ để nói lên những nỗi niềm oan khiên trước thời cuộc trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, thập tử nhất sinh của những ngày cuối cùng trước khi nước Việt Nam Cộng Hòa bị rơi vào tay Cộng Sản.

NẾU

Nếu giữ được tinh thần sáng suốt ,
Giữa những người hoảng hốt ghét con.
Nếu giữ được lòng son bền vững,
Mặc những người nghi hoặc lòng con.
Nếu chờ đợi lâu dài không nhụt chí
Dù miệng đời ác độc, cũng không sờn.
Nếu bị đời ghen ghét, chẳng thiệt hơn
Chẳng khoe mẽ, khoe khôn khoe khéo
Cứ mơ ước, đừng để Giấc Mơ níu kéo
Cứ xét suy, đừng viễn vọng tư duy
Khi thành công, khi thất bại suy vi
Coi May Rủi là lẽ thường trong sự sống.
Lời thành thực con ngỏ cùng công chúng
Đứa xấu xa xuyên tạc để gạt người.
Nếu sản nghiệp một thời con xây dựng,
Bỗng vỡ tan,
Chẳng than van, con tái tạo cuộc đời.
Đặt tất cả cơ đồ sự nghiệp
Hy sinh vào thực hiện mục tiêu.
Gặp lúc thắng, hân hoan bày trận khác
Khi bị thua, nuốt hận ván cờ thua.
Nếu có dịp được gần nơi vua chúa,
Con chớ quên xuất xứ tầm thường.
Nếu có dịp ngỏ lời cùng đại chúng,
Chẳng nên quên đức tính khiêm nhường.
Và hơn nữa, hơn cả bạc tiền danh vọng
Hơn mọi điều quan trọng thế gian
Hơn Rủi May, phú quý giàu sang
Nếu con giữ dược tinh thần toàn mỹ
Nếu con giữ được can trường bền bỉ
Trái với phường ích kỷ tiểu nhân
Thì con ơi !
Con đã trở nên ‘Người’,
Trở nên người ‘Thành nhân chi mỹ’

Tô Vũ phỏng dịch

Năm 1977, chánh quyền Cộng Sản đem giấy tờ trao trả quyền công dân lại cho ông. Ông đã khẳng khái khước từ. Ông dõng dạc tuyên bố với chánh quyền Cộng Sản rằng ông sẽ là người sau cùng nhận lãnh sự trao trả đó khi nào tất cả các dân quân cán chánh đang bị giam cầm đều được trao trả quyền công dân.
“Tôi xin phép từ chối. Tôi không nhận cái quyền công dân nầy. Dầu gì tôi cũng đã là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp, chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi, mà giờ đây vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo, chưa được trả quyền công dân. Chẳng lý gì, tôi là người trách nhiệm, lại được trả quyền công dân trước…”

Tính khí cương trực đầy hào hùng của một vị lãnh đạo đất nước như Tổng Thống Trần Văn Hương hành xử của người kẻ sĩ trước những áp lực chính trị, trước những kẻ thù đầy nguy hiểm, Cụ vẫn khẳng khái từ chối tất cả mọi phủ dụ dành cho cá nhân mình từ người bạn đồng minh Hoa Kỳ hay từ kẻ địch khi chưa tròn bổn phận của người lãnh đạo đối với dân với nước, không bao giờ bỏ chạy khi gặp nguy nan để hưởng thụ cá nhân.

Cụ Trần Văn Hương đã biểu hiện được đầy đủ tính khi của Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản và Nguyễn Khuyến của thời trước.
Ông đã sống hết sức thanh bần trong những ngày còn lại của ông. Tuy rất nghèo nàn, thiếu thốn, ông vẫn muốn sống, để sống hơn Hồ Chí Minh một tuổi thôi.
Ông đã được thỏa mãn với ước nguyện của ông. Ông mất hồi 4 giờ chiều ngày 27 tháng 1 năm 1982, tức ngày mùng ba Tết năm Nhâm Tuất, hưởng thọ 80 tuổi.”(Trích đăng)

Uy Vũ Bất Năng Khuất mà Tổng Thống Trần Văn Hương nói với đại sứ Pháp, Đại Sứ Hoa Kỳ từ chối việc dời bỏ quê hương khi đất nước lâm nguy đã khác xa với những khuôn mặt thuộc loại “Sĩ Khí như gà thấy cáo” ù té bỏ chạy trước ba quân. Vị Tổng Tư Lệnh Trần văn Hương của chúng ta đã thể hiện lối sống chân thành đối với quốc dân của Cụ hơn hẳn loại người giả dối, khiếp nhược trước hiểm nguy. Thanh danh của một vị lãnh đạo cả đời tận tụy cho quê hương và dân tộc đã in đậm trong những trang sử oai hùng của giòng giống Lạc Hồng.

Một nén hương lòng dâng lên Cố Tổng Thống Trần Văn Hương.

Phạm Lễ.

 
 
Đăng ngày 22 tháng 04.2015