Do đâu khủng hoảng Trung Đông ngày nay?
Phan Văn Song
Một trăm năm trước, hai nhà ngoại giao Anh-Pháp đã vẽ lại bản đồ của Trung và Cận Đông. Đó có phải là nguyên do của những biến loạn của ngày nay của vùng ấy chăng ?
Chúng ta không thể nói đến Trung và Cận Đông, nói đến Thổ Nhỉ Kỳ mà không nhắc đến tên tuổi của hai nhà ngoại giao lịch sử François Georges-Picot (1870-1951), người Pháp và Mark Sykes (1879-1919, người Anh. Vừa qua, cặp tên Picot-Sykes, được nhà nghiên cứu chánh trị học Pháp, Giáo sư Karim Emil Bitar nhắc đến dưới từ ngữ « biến chứng Sykes-Picot - Syndromes Sykes-Pivot» trong tác phẩm « Từ Đại Chiến đến Đại Liban-De la Grande Guerre au Grand Liban », làm sống dậy trong ý thức người Ả Rập và Thổ Nhỉ Kỳ tất cả những nhục nhã, tất cả những xấu xa do cái Họa Người Phương Tây mang đến cho dân tộc và đất nước họ.
Phải, Phương Tây, đại diện bởi hai nhà ngoại giao nói trên, đã âm thầm, đi đêm, ký kết lén lút xé nát, cách đây 100 năm vào tháng năm 1916, toàn lãnh thổ vùng Trung và Cận Đông, đất nước của Đế Quốc Ottoman đang thời mạt vận. Tuy nhiên, vẫn là nuối tiếc của một Đế Quốc Ottoman huy hoàng của Mustapha Kemal Atatürk và là giấc mơ của …Recep Tayyip Erdogan đầy tham vọng !
Chẳng nên ngạc nhiên khi nhìn hai hiện tượng đang diễn ra song song, khủng hoảng chánh trị Thổ hiện nay của chế độ Ankara và hổn loạn của toàn thể Trung Đông Ả Rập với những tấn công của Daesh. Cả hai, đã, cùng một lúc phát xuất, từ một vết rạn nứt chia rẻ đã có từ cái thuở những năm 1914 ấy rồi ! Thời đại 1914 đang tái diễn chăng ?
Hãy trở về những năm trước Thế Chiến 1, khi Phương Tây, ra tay phù thủy, vẽ lại bản đồ thế giới, chọn Ả Rập, bỏ Thổ Nhỉ Kỳ. Để rồi cuối cùng, cũng bỏ luôn anh « đồng minh mới» chỉ vì ích kỷ, lợi nhuận cá nhơn. (Y chang, 50 năm sau, khi Huê Kỳ với chiến lược be bờ «bẽ bàng» ở Đông Nam Á, đối đải với đồng minh Việt Nam-Cộng Hòa phe ta vậy ! -Thảo nào ngày nay từ Phi luật Tân đến Mã lai đều «ê càng», không tin cậy Mỹ. Chỉ tội nghiệp dân ta Việt Nam từ nay mất biển, mất đất, mất Tổ quốc, Lãnh thổ, Dân tộc, mất cả tiếng nói!)
Trở về những năm đầu thế kỷ XX, sự giảy chết của Đế quốc Ottoman biến Thổ Nhỉ Kỳ, một thời làm người bệnh quan trọng của Phương Đông-le grand homme malade de l’Orient. Thật vậy, từ cuối thế kỷ thứ XIX, Thổ không ngớt đi dần vào tụt hậu, đối với các quốc gia âu châu. Khi Thế Chiến 1 bùng nổ, Liên Minh Anh-Pháp không muốn Thổ vắng mặt, chẳng những vì những lý do chiến lược mà cả lý do …kinh tế. Chỉ vì Constantinople – Istanbul chẳng những là một con nợ thượng hạng của các nhà băng Pháp-Anh, mà cả hai nền kinh tế thương mại nầy đều có những quyền lợi khổng lồ ở Đế quốc Ottoman, mà cả hai đều không muốn mất. Đối với Vương Quốc Anh, các nhà chánh trị kinh tế trách nhiệm rất ngại, nếu để mất Thổ Nhỉ Kỳ, thì sẽ mở một cửa ngõ cho anh địch thủ lịch sử là Nga xuyên qua Caucase đâm thẳng vào Ba Tư và Ấn Độ (Thuộc địa Anh) giành ảnh hưởng và thị trường.
Do đó, phải vận dụng mọi mánh mưu để dân chúng gốc Ả-Rập của Đế Quốc Ottoman nổi dậy đòi tự trị. Cùng lúc ấy, lợi dụng chánh sách kêu gọi dân Ả Rập tự quyết ấy, Ông Chúa Sultan MehmehV (Ả Rập) kêu gọi một cuộc thánh chiến, với mục đích là tạo những cuộc nổi dậy ở hai quốc gia có số dân Hồi giáo rất đông là Pháp-với ba thuộc địa Bắc Phi Maroc Algérie Tunisie-, và Anh với bán đảo Ấn Độ. MehmehV có giấc mơ tạo một cuộc nổi dậy của các « xứ » Ả-Rập (Như Daesh ngày nay vậy). Vì giấc mơ nầy có thể thực hiện được ! Từ cả chục năm nay rồi, Đế quốc Ottoman đang A-Rập hóa dần dần. Thế nhưng, cũng đừng quên, trên bàn cờ chiến lược lúc bấy giờ, sự nổi dậy của của các tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc Ả-Rập cũng phải đụng độ, đối đầu lại với sự bùng nổ của tinh thần dân tộc Thổ, với Phong trào Nhóm trẻ Thổ-Les jeunes Turcs đang chiếm dần quyền lãnh đạo quốc gia Thổ. Nhưng thật sự mà nói, tiếng gọi Thánh chiến A Rập của Chúa Mehmeh V hoàn toàn vô hiệu. Và sau những thất thủ ở Caucase và ở Suez, vào mùa Đông 1914, Đế quốc càng ngày càng « Thổ Nhỉ Kỳ hóa » hơn, dần dần đàn áp chống dân Ẩ Rập. Những nạn nhơn đầu tiên là dân Arméniens, sau đó đến các nhóm quốc gia Ả Rập, bắt đầu từ tháng 5/ 1915, những cuộc treo cổ diễn ra hằng ngày ở Syrie, Liban, Palestine …Đế quốc Ottoman bắt đầu giết công dân con cái của họ.
Phía Vương quốc Anh, quan niệm quản trị «Chia để Trị» được áp dụng triệt để. Lật ngược thế cờ, dùng gậy ông đập lưng ông. Tiếng gọi thánh chiến của dân A Rập được dùng để chống Contantinople Thổ Nhỉ Kỳ. Ngay từ đầu năm 1914, Henry McMahon, Tồng trấn Le Caire và Hussein, Thị trưởng Mecca (A Rập) bắt đầu cuộc thương thuyết. Mục đích là « Dựng thế giới Ả-Rập nổi dậy chống chánh quyền và dân Thổ. Dựa vào sức mạnh tinh thần (thần quyến và thế quyền) của Thị trưởng Mecca để tạo một thế lực Ả Rập độc lập trên bán đảo A Rập ». Một cuộc trao đổi gần như thường trực giữa McMahon và Hussein. Hussein nhứt định quyết đòi cho được Anh trao sự lãnh đạo chẳng những toàn bộ vùng Á Châu Ả-Rập mà cả toàn Vương quốc-Califat. Năm 1915, Hussein bất mãn Anh rút khỏi Liên Minh nên vào mùa Xuân năm ấy, quân Liên Minh bị quân của Đế quốc Ottoman đánh cho một trận tơi bời ở Gallipoli, thuộc bán đảo Dardanelles. Thế nhưng, theo phân tích của nhà sử học Pháp Henry Laurens trong bài phân tích chánh trị « Vấn đề Palestine – La question de Palestine » thất bại ấy do chỉ là một sự hiểu lầm thôi ! Hussein đinh ninh rằng trong những sắp đặt trao đổi với McMahon, hắn sẽ nhận được đất Palestine, một cửa ngõ nhìn ra Biển Địa Trung Hải. Thế nhưng, trái lại, dân Anh không nhường Palestine cho hắn mà giữ làm của riêng. Chỉ vì quyền lợi, Anh muốn kiểm soát đường thông thương giữa Biển và vùng Lưởng Hà – La Mésopotamie, nơi ấy Anh vừa tìm ra mỏ dầu lửa thoạt đầu ở Ba Tư, năm 1908, và tiếp theo đó ở Irak, và Anh muốn tiếp tục sự kiểm soát thông suốt ấy đến tận Ấn Độ. Palestine là quyền lợi của Vương quốc Anh !
Riêng về phần Pháp, sợ Anh xé lẻ thương thuyết riêng với Ả Rập, bô Ngoại Giao Pháp làm việc rối rít. Pháp giành với Anh, quản trị Syrie và Liban. Vì hai nơi ấy Pháp có nhiều ảnh hưởng văn hóa, nhứt là ở Liban, có các cộng đồng Thiên Chúa Giáo, đặc biệt cộng đồng Maronites, được Paris đặc biệt ưu ái và che chở. Để đả thông tư tưởng phải có một xứ Ả Rập Độc Lập, dân Anh « bèn hù » Pháp là coi chừng thánh chiến ả rập. Phải vuốt ve dân Ả Rập. Năm 1915, tháng 11, Paris chỉ định François Georges-Picot - ông cậu của cựu Tổng Thống Pháp Valéry Giscard-d’Estaing của những năm 1970 - đi thương thuyết với dân Anh tương lai và vận mệnh của Syrie. Thương thuyết tạo ra lằn ranh Sykes-Picot. Quyền lợi Nga cũng được hai nhà ngoại giao Anh-Pháp chú ý. Cả hai cùng đến Petrograd hứa hẹn giành cho Nga nhiều quyền lợi ở cựu Đế quốc Ottoman.
Thế nhưng, đến khi chia những lãnh thổ, và phải giữ những hứa hẹn đối với dân Ả Rập, chính Paris lại phá vỡ giấc mộng một Đế quốc Ả Rập. Năm 1919, Paris hoàn toàn chống một Đế quốc Ả Rập thay thế Đế quốc Ottoman, thành lập chung quanh Damas, Alep, Oms trên vùng đất do Pháp cai quản. Tướng Gouraud, với đoàn quân Đông Phương -Les Troupes d’Orient đè bẹp quân của Fayçal, và tuyên bố sự ra đời của xứ Đại Liban-Grand Liban, gồm những lãnh thổ các cộng đống ven biển Hồi Giáo Sunni, các cộng đồng Thiên Chúa Giáo Maronites của giải núi Liban, và các cộng đồng Hồi giáo Shia của đồng bằng Bekaa ! Sau một thời gian phản đối, dân Anh chào thua để Pháp tự do thao túng, và cũng nuốt luôn lời hứa với dân Ả Rập ngày nào nữa. Hussein, quá nãn vì chờ đợi, ( hay phản bội) kéo một đạo quân, chiếm Mecca và Djedda vào tháng 6/1916 tạo Vương quốc A Rập Xê Út ngày nay.
Đối với Mustapha Kémal (Thổ) Anh Quốc cũng mềm yếu tương tự. Mà cũng dễ hiểu thôi, Anh Quốc đang chìm đắm trong những khủng hoảng triền miên. Nào là Cách Mạnh ở Ai Cập, nào nổi dậy ở Irak, ở Ái Nhĩ Lan, nào là Ấn Đố lộn xộn, và cả ngay xứ Anh cũng đang bị khủng hoảng tiền tệ. Đồng bảng Anh mất giá, phải tiết kiệm nhứt là vấn đề quân sự. Tháng 3, 1921, Hôi Nghị Le Caire dưới sự điều khiển của Winston Churchill thành lập Vương quốc Transjordanie, làm trái độn giữa Palestine nơi Anh mong làm một nơi cư ngụ tương lai cho dân Do Thái lang thang và Irak, nơi Anh đang tạo một vương quốc cho Fayçal vừa bị hất khỏi ngôi trị vì ở Syrie.
Đối với Kémal đang trên đường thành công, chiếm từng vùng nầy đến vùng khác trên đất Thổ, Anh quốc, mệt mỏi rút quân, sau khi thua trận IstanbuL Pháp cũng thế, lợi dụng vài thất bại nho nhỏ, để rút quân, để cho dân Thổ chiếm hẳn xứ Tiểu Arménie, phía Bắc Syrie. Năm 1938, để chiêu dụ Thổ không được ký kết với Đức Quốc Xã, Pháp trả lại vùng Alexandrette cho Thổ Nhỉ Kỳ.
Chớ quên rằng Mustapha Kémal rất thù dai, nuôi chí phục thù, chỉ muốn trả nỗi nhục đã bị Anh-Pháp xé nát Đế quốc Ottoman. Cho nên dù, từ Pháp, đến Anh, Ý, Hy lạp hay ai đi nữa…những quốc gia thắng trận Thế Chiến 1 muốn « xí phần ăn có » chiếm đất Thổ đều bị Kémal, với sự viện trợ và tiếp viện tài chánh của Nga bôn-sơ-vích đánh gục cả. Kết cuộc, Tây phương thua, rút đi. Chỉ báo hại cho hai quốc gia Kurditan và Arménie do Anh Pháp che chở, bị phá tan, chiếm đóng, đân số sát hại, phân tán. Dẹp Kurdistan, dẹp Arménie, dân Thổ cũng cố quyền lãnh đạo Trung Đông đối với dân Ả Rập !
Ngày nay, Recep Tayyip Erdogan đang muốn làm một Atatürk mới. Nhưng nếu Kémal Atatürk đã tạo một quốc gia thế tục, Erdogan lại muốn đem Hồi Giáo làm Quốc Giáo.
Pháp Anh, nay Mỹ vẫn còn ảnh hưởng ở Trung Đông. Nga vẫn còn ảnh hưởng ở Trung Đông 1916–2016. Một trăm năm qua, bàn cờ vẫn thế, quân cờ vẫn thế, thế trận vẫn thế. Những biên cương những biên giới, lãnh thổ đã được vẽ một lần. Sẽ được vẽ lại lần nữa.
Việt Nam ta cũng vậy ? Các cường quốc, các ngoại nhơn sẽ tranh nhau vẽ lại bản đồ biển Đông, bản đồ hinh chữ S. Nước Việt Nam còn là Đại Việt không ? Hay tương lai trở thành Quận Giao Châu, Giao Chỉ ? Câu hỏi được đặt ra - Trả lời do nơi người dân Đại Việt !
Hồi Nhơn Sơn, Mùa lạnh 2016
Phan Văn Song
* Comments:
Hi vọng sẽ có cơ hội vẽ lại ranh giới, lấy lại các vùng đất đã bị csvn nhượng cho Tàu. Nước Tàu đã từng trải qua các thời kỳ Chiến Quốc, Đông Châu, Ngũ Đại, Tam Quốc trước khi thống nhất. Nhưng, lịch sử là một sự tái diễn không ngừng, không có gì ngăn cản Trung Hoa trở lai thời kỳ tam phân ngũ liệt. Và không có gì cấm việc Việt Nam có một danh tướng như Lý thường Kiệt đánh châu Khâm châu Ung ở thời nhà Lý. (Nhữ Đình Hùng)
Đăng ngày 19 tháng 11.2016