banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Thử đi tìm một mẫu xã hội cân bằng hơn

Thu nhập tối thiểu cho mỗi công dân?

Phan Văn Song

 

Mẫu xã hội đương thời đã lỗi thời 
Nước Pháp là một trong những quốc gia có một chế độ An sanh Xã hội thuộc về loại hàng đầu của thế giới. Ngoài những quốc gia Bắc Âu với một văn hóa Tin lành rất xã hội, Pháp là quốc gia, tuy ảnh hưởng Thiên Chúa La mã, nhưng nhờ hưởng gia tài tinh thần tả phái của Mặt trận Bình dân năm 1936 để lại, cùng với một hệ thống tổ chức xã hội đầy hổ tương công bằng và một nguyên tắc thế tục – un principe de laïcité, khá hữu hiệu trên 50 năm nay. Thế nhưng, với Toàn cầu hóa, với cuộc khủng hoảng Tài chánh và Kinh tế từ năm 2008, bộ máy An sanh Xã hội của Pháp không còn hữu hiệu nữa. Ý thức hệ Nhà Nước Bao dung Mẫu Tử-État Providence- tuy còn đấy, nhưng không còn công bằng nữa vì quá tải. Tình thương còn đấy, lá lành đùm bọc lá rách còn đấy, nhưng, vô hiệu, vì lá rách nhiều hơn lá lành. Mẫu Xã hội An Sanh chỉ hiệu quả khi bộ máy kinh tế hoạt động hữu hiệu, nhà máy sản xuất dư đầy, công ăn việc làm đầy đủ, quỷ tương trợ đầy ngập, quỷ dự trữ dư thừa. 
Với Toàn Cầu hóa, sản xuất không còn ở Pháp nữa. Sản xuất qua gia công ở ngoại quốc, nơi giá nhơn công rẻ. Kinh tế càng mất thăng bằng. Nạn thất nghiệp ở Âu Châu càng tăng. Khủng hoảng kinh tế càng kéo dài… Quỷ An sanh Xã hội càng thâm thụt. Vì phải tương trợ, vì phải kiếm phiếu cho những bầu cử tương lai, các Chánh phủ, và nhứt là Chánh phủ của Đảng Xã Hội đương quyền ở Pháp mở hầu bao. Nhưng vì tài chánh eo hẹp, áp dụng phương pháp rắc muối, mỗi nơi một tý, lắc nhắc, lai rai, chả thấm vào đâu cả ! Và… «bán cái» qua các Hội Từ thiện, các Nhà Thờ, Hội Hồng Thập Tự, Hội Cứu Trợ Bình Dân-Secours Populaire, các Nhà Hàng Từ Thiện-Restaurants du Cœur… Chưa bao giờ trong một quốc gia mà có nhiều Hôi đoàn Từ Thiện, nhiều Xã Hội Dân Sự thay thế nhà chức trách đảm trách những cứu trợ nhiều như lúc nầy. Và dĩ nhiên vàng thau lẫn lộn, Từ thiện biến thành Nghề nghiệp, Tình thương biến thành Thương mại-Business... Và giòng đời cứ thế mà trôi đi! 
Phải «đổi mới»! Khẩu hiệu-Slogan ăn khách nhứt của ngày nay là Change! Thay đổi! Việt Cộng ngày xưa cũng đã xài «Đời Mới, Đổi Mới»! Nhờ Toàn Cầu hóa, Tây Mỹ đăng tin, viết không dấu DOI MOI, nên muốn Đổi, muốn Đời nhưng muốn Đói đều được cả! Vì ngày nay, tại Việt Nam ta, tuy là Đời Mới có Đổi đấy, nhưng vẫn Đói dài dài!
Chúng tôi từ bao năm nay, cùng với một nhóm bạn bè, đa phần cựu giáo chức chuyên những ngành Kinh tế, Chánh trị Xã hội... họp định kỳ với nhau, nghiên cứu tìm một mẫu kinh tế xã hội khả dĩ làm một mẫu suy nghĩ quản trị đất nước, ngỏ hầu tạo một xã hội công bằng hơn.

Thu nhập tối thiểu cho mỗi công dân
Nhận mỗi tháng 2260 euros mà không phải đi làm việc, có quyền ngồi không hưởng thụ, quý vị có thích không ? Có bỏ phiếu thuận không ? Nhận mỗi tháng 2260 euros, không cần phải làm giấy tờ khai báo gì cả, không phải dấu mặt mắc cở vì ăn không ngồi rồi. Quý vị nghĩ sao?
Tháng sáu vừa qua (2016), tại Thụy sĩ, dân chúng vừa bác bỏ, qua trưng cầu dân ý, đề nghị một lương «xã hội tối thiểu» (2260 € một tháng cho một người trưởng thành, và 600€ cho một vị thành niên) cho mọi công dân Thụy sĩ. Ngon lành chưa? Dân tộc Thụy sĩ cũng đã thật tình «ngon lành» dám bỏ phiếu «Không» năm 2012, cho một đề nghị «kéo dài thêm thời gian những ngày nghỉ (vacation) hằng năm». Thật sự, dân Thụy sĩ, là những con người đầy thực tế, ngoài văn hóa Tin Lành Calviniste, vâng lời Kinh Thánh, Chúa dạy phải kiếm ăn kiếm sống với sức lao động mình (mồ hôi phải đổ trên trán), còn sợ rằng những sản xuất của mình sẽ mất sức cạnh tranh với hàng ngoại quốc!
Trong cái không khí của một xã hội không tạo được việc làm của Âu Châu ngày nay, quan niệm ấy cũng nhờ Thụy sĩ, mà đã được đặt thành vấn đề, đáng để suy nghĩ, nghiên cứu. Trong cái khung cảnh đầy bi quan, vừa kinh tế, vừa xã hội, lây qua và cả chánh trị ấy, do những khủng hoảng kinh tế, tài chánh, từ năm xưa và cả đương thời, mà dám nói «một mức lương tối thiểu cho mọi người», đặt thành một vấn đề, thiệt là không thực tế! Tiền lấy ở đâu mà lo cho cái «tào lao» ấy? Và làm sao có thể «cắt nghĩa» cho dư luận hiểu? Cho không, biếu không một số tiền, gọi là «lương tối thiểu», mà không đòi hỏi một «bổn phận» hay một «nghĩa vụ» nào? Từ bà tỷ phú số một của nước Pháp là bà Liliane Bettencourt đến anh vô nhà vô cửa, tất cả đều nhận một số tiền, được gọi là số thu nhập -revenu- tối thiểu để sống! Tất cả bằng nhau, từ bà tỷ phú, qua anh sanh viên, đến anh cà ngổng, đều nhận một số tiền bằng nhau. Sau đó, tùy. Ai đó, nếu thích làm thêm, thì đi làm hưởng thêm lương bổng, ăn ngon mặc đẹp, giàu sang. Còn ai đó, thích an nhàn, «phè cánh nhạn» thì cứ với số tiền nho nhỏ ấy, sống vừa đủ, thanh đạm, lè phè, hưởng thơ, hưởng phú, nhưng cũng được ăn đủ no, mặc đủ ấm!
Thật ra, «ý tưởng» nầy, chẳng mới mẻ gì. Đã có trên 300 năm rồi, nay bổng hiện trở lại.
Thế kỷ thứ 18, nhà hiền triết Thomas Paine (1737-1809), một nhà tranh đấu chống bất công do bọn quý phái của nước Anh gom thâu mọi của cải của Vương quốc, bèn có một tư tưởng «dẹp mọi bất công, san bằng sự giàu có, phân chia của cải của Vương Quốc cho mọi tầng lớp xã hội», từ ngài quý phái đến người nghèo hèn nhứt nước Anh, ai ai cũng được hưởng một phần tối thiểu bằng nhau. Thomas Paine mong làm sao phải chia cho mọi quốc dân của Anh, một căn nhà, một mảnh vườn, một con bò để sanh sống.
300 năm sau, thế kỷ thứ 21, suy nghĩ nầy trở lại, với những ý thức hệ tân thời. Nhóm xã hội-dân chủ-les sociaux-démocrates nghĩ rằng nên phân phối đều một ít phần giàu có, sung túc do đất nước làm ra, chia đều của cải, tạo công lý và cân bằng. Một nhóm khác, nhóm tự do- les libéraux lại muốn dùng «cái tối thiểu» đó, để hạ bớt giá lương bổng công nhơn và tạo một uyển chuyển - une flexibilité cho ngành sản xuất và thị trường lao động. Còn nhóm gọi là nhơn ái-les humanistes, kêu gọi đặt trọng tâm vào Con Người và cái Tự do Lựa chọn của con người. «Có những người thích Tự do-la Liberté, có những người thích Công bằng-l’Égalité và có những người lựa chọn sự Tương trợ-la Solidarité».
Hiện ngay, ở Âu Châu và đặc biệt ở Pháp, đã có những tổ chức, những nhóm -như chúng tôi- những hội đoàn suy nghĩ, nghiên cứu. Phần đông là những think tanks với nhiều đề nghị, nhiều kịch bản khác nhau. Có cả các hội do những cựu nhơn sĩ chánh trị đủ cả các khuynh hướng, tư tưởng, ý thức hệ… nhập cuộc. Khuynh hướng chung các đề nghị ở Pháp là quét dọn sạch sẽ, dọn dẹp «cái chợ trợ cấp» hiện nay, lấy những tài khoản ấy, gọp chung lại thành một tài trợ tổng hợp duy nhứt để chia đều cho toàn công dân thành cái «thu nhập tối thiểu» ấy. Cũng nên thông cảm cho các nhà làm chánh trị, ý kiến nầy có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhứt giúp cho dân Pháp quét dọn sạch sẽ hệ thống trợ cấp của cái «nùi giẻ» An sanh Xã hội. Nhờ cái rừng luật rắc rối do ý thức hệ Nhà nước bao dung của Pháp đẻ ra, chúng tôi người viết, đã có thời kỳ 10 năm trời trước khi hưu trí (1993-2003) kiếm ăn bằng làm thầy giáo dạy luật An sanh Xã hội và Luật Y tế cho các sanh viên cao học tại hai Trường Luật Poitiers và Tours. Bài toán sơ khởi, nếu quét dọn, gom góp sạch sẽ, sẽ đẻ ra 11 tỷ euros. Để tiết kiệm, hay để sử dụng một cách thiết thực và hữu hiệu hơn. Thứ hai, khi tạo một thu nhập tối thiểu cho mỗi công dân, Chánh phủ Pháp sẽ cải tổ lại một khu vực hành chánh xã hội đầy phức tạp ấy. Chỉ riêng việc tiết kiệm về vấn đề quản trị nhơn sự hành chánh, văn phòng, nha sở… bằng giải tỏa những khu vực nầy, để giúp đỡ những khu vực khác cần thiết hơn… cũng, với nghiên cứu sơ khởi, có thể tiết kiệm được, từ 7 đến 10 tỷ euros/năm.
Và nếu ta phát mỗi tháng 500 euros cho 51 triệu người lớn và 160 euros cho 15 triệu trẻ con, chúng ta chỉ cần một tài khoản chỉ 336 tỷ euros một năm. Còn nếu chúng ta muốn tất cả đều có một mức thu nhập, đủ sống trên bực nghèo khổ là 1 ngàn euros hằng tháng cho người lớn và 320 euros mỗi tháng cho con trẻ, chúng ta phải cần đến 675 tỷ euros, nghĩa là một phần ba (1/3) tổng sản lượng nước Pháp! Và… 10 lần… tiền thu thuế lợi tức! Khó thực hiện hơn!
Để giải quyết vấn đề. Phải cắt giảm các trợ cấp ngày nay «cho» là căn bản! Phụ cấp gia đình? Phụ cấp nhà cửa? Phụ cấp thất nghiệp có thể bỏ hẳn vì thu nhập tối thiếu sẽ thay thế. Nhiều kịch bản. Ráng chọn lọc, còn khoảng ba tối đa với những con số có thể thực hiện được, để suy nghĩ, nghiên cứu và đề nghị. Việc đầu tiên, là dù với một thu nhập tối thiểu khá cao đi nữa cũng không thể nào trang trải nỗi chi phí bệnh viện thuốc men khi hữu sự, vì vậy phải buộc các công dân đi mua một bảo hiểm tư về sức khỏe - theo mẫu Huê kỳ - dĩ nhiên đối với Pháp là một sự thụt lùi! Việc thứ hai là hiện nay, còn rất nhiều người hưu trí lãnh tiền hưu khá cao. Thay thế tiền hưu hiện nay của họ bằng một con số đồng đều nầy sẽ tạo một luồng sóng bất mãn ngay!
Trong nhóm chúng tôi, có bạn đề nghị một cơ chế hổn hợp giữa cắt giảm trợ cấp và cải tổ thuế vụ. Thí dụ 500 euros cho người lớn 200 cho trẻ con, lấy từ những phụ cấp gia đình, học bổng, tối thiểu sanh tồn... (trừ những phụ cấp cho tàn phế không được đụng tới) và một cải tổ một định chế thuế vụ bình đẳng hợp lý hơn. Theo đề nghị của nhóm ấy, một cải tổ về một định chế thuế vụ có thể mang lại một ngân khoản khả dĩ. Một mức thuế 23% chẳng hạn cho mọi người, không có những đặc biệt giảm miễn, sẽ đủ ngân khoản để tài trợ. Thế nhưng, dù lý tưởng thế nào đi nữa, những đề nghị ngày nay sẽ gặp một chướng ngại vật khổng lồ do não trạng Thiên Chúa Giáo là phải làm việc. Chúa đã dạy, đàn ông phải đổ mồ hôi để kiếm cơm, đàn bà phải mang nặng đẻ đau. Ngồi không ăn tiền là cái không có. Để vượt bức tường đó, mọi công dân «ở nhà» phải đóng góp, thí dụ, một số giờ tối thiểu (16 giờ?) một tuần làm «nghĩa vụ xã hội»: làm sạch sẽ đường phố, an ninh giao thông, giúp đỡ trẻ, giúp đỡ người già, vân vân…

Thí nghiệm Hòa Lan và Phần Lan
Tiếp theo cuộc thí nghiệm của Hoà Lan, với 10 thành phố đang thử áp dụng chánh sách «một thu nhập tối thiểu cho mỗi công dân» từ đầu năm 2016, Phần Lan cũng sẽ bắt đầu vào đầu năm 2017. Chưa đi vào chi tiết, nhưng dự báo ở Phần Lan, cho biết sẽ có từ 1700 đến 8000 người từ 25 đến 63 tuổi thu nhập yếu kém, sẽ lãnh 500 euros một tháng trong vòng 2 năm. Chi phí sẽ vào khoảng vài chục triệu euros hằng năm, lấy trên những quỷ trợ cấp gia đình, những học bổng tối thiểu xã hội linh tinh (trừ những trợ cấp về tàn phế) và một chánh sách thuế vụ hoàn toàn sửa đổi. Chờ xem!
Hồi Nhơn Sơn, Thu 2016 
Phỏng theo tường thuật của Philippe Robert
Ts Phan Văn Song

 

 Đăng ngày 24 tháng 10.2016