Đọc sách người để hiểu chuyện ta

Thử tìm hiểu thế giới của hai người láng giềng lớn, qua hai cuốn sách của hai trí thức của hai quốc gia khổng lồ: Trung Công và Ấn Độ

Ts Phan Văn Song

Tuần nầy xin đến với quý vị bằng một bài viết cũ của năm 2009.
Tình cờ nhìn trên giá sách hai cuốn sách mua năm 2009. Hai cuốn sách, hai cái nhìn của hai anh tác giả. Một người Hoa, một người Ấn. Biểu tượng hai người trí thức của hai văn hóa, hai quốc gia láng giềng khổng lồ đại diện hai nhơn sanh quan, hai nền văn hóa có ảnh hưởng đền với văn hóa Việt Nam. Việt Nam một quốc gia Đông Dương–Indo China–Ấn Hoa.
Với một nhãn quan nào, với cái nhìn, cái quan điểm gì khi người Tây Phương dùng để đặt tên, để gọi một vùng của Đông Nam Á Châu bằng một từ ngữ ráp chung như vậy? Đây là một từ ngữ để gọi một vùng trái độn giữa hai lục địa lớn? Hay, một từ ngữ để tổng hợp một nhóm dân tộc, một nhóm văn hóa, tổng hợp được cả hai mầu sắc văn hóa?
Một anh, anh Tàu được thế giới ví là con Rồng (xin phép viết hoa), còn một anh, anh Ấn thì được xem là con Voi. Hai anh nầy cùng với các anh Nga, Ba Tây, Nam Phi là những quốc gia được thế giới tiên tiến Âu Mỹ ngày nay xem là những quốc gia tương lai của thế kỷ 21, những quốc gia đang lên.
Trong cái không khí «xìu xìu ển ển» vừa kinh tế tài chánh, vừa chánh trị, của các quốc gia Âu Mỹ. Trong cái khủng hoảng lý lịch của thế giới người Âu Mỹ da trắng, Thiên Chúa Giáo văn hóa La Hy đang vì muốn đa nguyên hóa, đa tôn giáo hóa, đa văn hóa hóa, đa đa mọi nguồn, trong bầu không khí politicallyness correct-từ ngữ chánh trị đàng hoàng!!! Đang bối rối đi tìm một lý lịch, một nguồn gốc. Người Mỹ, người Âu da trắng, Thiên Chúa Giáo, văn hóa La Hy ngày nay, đang sợ không dám nhận mình là Thiên Chúa Giáo, là Da Trắng, là La Hy, dùng những từ ngữ trống không, lạt nhách, sợ đụng chạm với người da mầu, với người Hồi, người thiểu số… Sợ quá thành hèn. Quá khứ Đế quốc, quá khứ Thuộc Địa, quá khứ Nazie, quá khứ Phát xít đang ám ảnh anh Tây da trắng…
Ngày hôm nay, người ta đang chứng kiến một cuộc «tái chinh phục» mới của Hồi Giáo và sự trả thù của người Hồi Giáo. Chớ vội quên rằng, đối với hai Tôn Giáo lớn anh em cùng gốc Abraham, Do Thái và Cơ Đốc, Hồi Giáo ra đời sau cả. Hồi Giáo sanh vào năm 600, nhưng phát triển rất nhanh. Nếu Do Thái Giáo, Cơ Đốc Giáo, đến đầu thế kỷ 20 chỉ phát triển ở Âu Châu, Mỹ Châu với người da trắng. Hồi Giáo, ngay thế kỷ đầu tiên khi lập nghiệp đã đi khắp năm châu thế giới. Phát triển nhờ các đoàn thương gia lữ hành bằng lạc đà, bằng thuyền buôn, và bằng cả các cuộc thánh chiến, tay mặt mã tấu, tay trái cầm kinh Coran…
Phát xuất từ một bán đảo (Ả Rập) thuở khai sanh, chẳng mấy chốc chiếm toàn Bắc Phi lên tận nửa bán đảo Tây Ba Nha, rồi Phi Châu đen, rồi Trung Á đông, và bán đảo Ấn độ. Tiến về Đông, phía Nam vượt Đại dương nhập vào bán đảo Nam Dương-Mã lai. Phía Bắc vượt Sa mạc nhập vào đồng thảo nguyên Mông Cổ. Sau cùng từ các chiến sĩ Mông Cổ vượt đồng cỏ từ Đông ngược lại về hướng Tây trở lại chiếm Đông Âu! Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, Tamerlan,… Đường tơ lụa thành hình xuyên lục địa Á Âu là do dấu chơn ngựa các chiến sĩ và các con buôn, các lữ hành Hồi Giáo…
Ngày nay, nếu ta đang chứng kiến và lo lắng sự bành trướng, sự nổi dây vượt bực của anh Tàu, anh Ấn, ta cũng không khỏi lo lắng hồi tưởng lại những bài học lịch sử! Và ta không thể không tránh được, phải nghĩ đến viễn tượng của thế giới, người Hồi đang trên đường phục hồi thế giới của Ottoman Thổ Nhỉ Kỳ, thế giới của Tamerlan, thế giới của Thành Cát Tư Hãn, thế giới của Hốt Tất Liệt…!
Nếu ngày xưa, người giáo hữu Hồi giáo chinh phục thế giới bằng ngồi lưng chiến mã, tay mặt cầm cây cimeterre-mã tấu, tay trái cuốn kinh Coran và miệng hô Nhơn danh Allah, thì ngày nay cũng vậy: chiến mã là chiếc Toyota Pick-Up, mã tấu là khẩu AK 47, và miệng vẫn hô Nhơn danh Allah!
Mai nầy sẽ có một cuộc đụng chạm văn hóa khổng lồ, giữa Thiên Chúa Giáo La-Hy chống-versus Allah Hồi Giáo, hay tất cả chống-versus Tam Giáo Khổng-Lão-Phật chống-versus Bà La Môn?
Hay Dân Chủ Tiên Tiến Sáng Sủa Kỹ Thuật Đa Nguyên chống-versus Tôn Giáo Bùa Chú Độc Tài Dân Tộc Chủng Tộc tăm Tối?
Đây xin giới thiệu lại hai cuốn sách cùng ra đời xuất bản ở Pháp năm 2009 :
I. Mao, Đức Phật Và Tôi (« La dure loi du Karma – Định luật khắc khe của Cái Nghiệp» tác giả MO YAN - Nhà sách Seuil, Paris - 8/2009)
II. Ấn Độ Tàn Ác Của Tôi Ơi! («L'histoire de mes assassins – Chuyện những kẻ muốn giết tôi» tác giả TARUN TEJPAL – Nhà sách Buchet-Chastel, Paris – 09/2009).

Ngày 20-26 tháng 08 năm 2009, đọc trên Báo Người Quan Sát Mới (Le Nouvel Observateur) có hai bài báo rất hay. Xin chia sẻ cùng quý bạn.
Trong không khí Toàn cầu hóa, thế giới ca tụng sự phát triển của hai anh khổng lồ: Tàu và Ấn độ.
Đúng vậy những năm gần đây, thế giới tài phiệt và lao động của tư bản Âu Mỹ lo âu, tò mò xem xét sự lớn mạnh của hai tay nhà giàu mới nầy : nhà giàu mới theo nhãn quan Âu Mỹ. Nhưng thế giới mới ấy cũng là một thế giới cũ đang thay đổi, đang chuyển mình, với những cái tàn dư không giải quyết nổi, hay rất khó giải quyết.
Ấn Độ với cái ba–lô nặng nề của một hệ thống xã hội đầy đẳng cấp (système de castes), tiếp thu văn mình Âu Mỹ, hay đúng hơn Anh – Mỹ dễ dàng. Dễ dàng đến chỉ có những người biết tiếng Anh mới phát huy tài trí mình trên quê hương mình. Xã hội Ấn Độ với nhiều rào cản: đẳng cấp, tôn giáo, ngôn ngữ,… Một thế giới chánh trị dân chủ, một phát triển kinh tế theo tư bản nhưng với một xã hôi truyền thống thủ cựu, ích kỷ đẳng cấp, chia rẽ giai câp. Một hình ảnh đầy mâu thuẩn, đầy rẫy nghịch lý, với một thế giới đầy sự hung hăng dữ tợn nhưng vẫn mang tiếng là ôn hòa, hiếu hòa chỉ vì tiếng tăm của người cha lập quốc, Ngài Gandhi và thuyết bất bạo đông.
Trung Hoa Cộng Sản với cái phát triển ồ ạt, với những chỉ số hai con số. Nhưng với 120 triệu «dân công» là những nô lệ mới. Trung Cộng với thất bại của ba mươi năm Tập thể hóa không thành công, với thất bại của ba mươi năm chỉ muốn tạo một người Hoa mới, vô thần, một suy nghĩ, một kiểu áo, một dáng người... Ngày nay thoạt nhìn thì thành công kinh tế đấy, nhưng còn bao nhiêu vấn đề… Và 2015 nầy với những khủng hoảng kinh tế đang bắt đầu dần dần.
Hai chàng khổng lồ với cặp chân bằng đất sét. Chừng nào sụp đổ? Có cơ sụp đổ không?
Và Việt Nam, cựu Indo-Ấn, China-Tàu. Ta lựa thế nào đây? Hãy học ông cha ta, từ ngàn xưa, Khổng giáo, Lão giáo, Phật Giáo... vào nước ta đều được Việt Nam hóa. Việt Nam là nơi duy nhứt Phật giáo Tiểu thừa gặp Phật giáo Đại thừa. Tại sao ngày mai không là Việt Nam Giáo? Không tụng Phạn Ngữ không viết Hán ngữ? Được không? Hay Không tưởng? Mê ngủ!
Hai giòng Phật Giáo phát từ Tây tạng, một đàng xuyên Tàu, một đàng xuyên Ấn gặp nhau tại Ta. Giữ vững linh hồn Việt để tạo một Đạo Việt thuần túy Việt Nam. Mong hai bài giới thiệu hai cuốn sách giúp những Việt chúng ta tìm ra con đường Độc Lập và Tự Do.
Mong thay!

* * *


 "Luật khắt khe của Cái Nghiệp"  hay

 "Mao, Đức Phật và Tôi"

Với một Tựa bài giựt gân như vậy nhà báo mở đầu bài giới thiệu cuốn sách «La Dure Loi du karma của nhà văn Mo Yan, 莫言. Mo Yan, tên thật là Guan Moye 管谟业 sanh năm 1956 trong một gia đình nông dân nghèo khó của tỉnh Shandong. Ông được Quân đội Nhơn dân Trung Cộng nuôi dưỡng, cho ăn học và đưa vào nghề văn hóa.

doc sach

 

 

Hình 1: Mo Yan
 

Năm 1981, với cuốn sách đầu tay, Củ cải bằng Pha lê - Radis de Cristal (透明的红萝卜 Touming de hong luobo), và bút hiệu là Mo Yan, 莫言, «kẻ im miệng - celui qui ne parle pas", ộng thành công ngay. Nhưng chỉ với cuốn sách Nhóm Bo Bo đỏ - Clan du Sorgho (红高粱 Hong Gaoliang), được đưa lên màn bạc dưới tựa phim «Bo Bo đỏ - sorgho rouge" do nhà đạo diễn Zhang Yimou (张艺谋) – tiếng Việt dịch là Trương Nghệ Mưu, năm 1986, ông mới được nổi tiếng như ngày hôm nay. Ông từ nhiệm và giải ngũ năm 1997, để có thời gian và tự do dành cho sáng tác.

doc sach

 

 

 

Hình 2: Zhang Zimou

 

 

 «Luật Khắt Khe của Cái Nghiệp» hay "Mao, Đức Phật và Tôi"
Nhà đại Văn hào Mo Yan dẫn chúng ta đi thăm 60 năm lịch sử cận đại của Trung hoa Cộng sản, vẽ cho chúng ta một hình ảnh không nhân nhượng nước Tàu, và cùng ta chia xẻ cái đau khổ của nhơn dân Tàu.

Báo Người Quan Sát mới – Le Nouvel Observateur hỏi: Thưa nhà văn, cuốn sách mới của Ông, «La Dure Loi du karma» (chữ Dure Loi viết hoa và chữ karma viết thường) là một bức tranh mô tả Trung Hoa cộng sản từ ngày lập quốc năm 1949 đến ngày nay. Tất cả dưới dạng một cuộc phiêu lưu đầy bi/hài kịch của Ximen Nao, một điền chủ bị giết chết năm 1949, và được đầu thai sống lại dưới nhiều kiếp khác nhau, khi thì con trâu, khi con ngựa, khi con heo, con chó, con khỉ và cuối cùng, đầu thai về lại làm con người. Và đó có phải là sử ký cận đại nước Tàu dưới mắt các súc vật không?
Mo Yan : Nhơn vật Ximen Nao giúp tôi nói được những tâm tư và ý kiến của tôi đối với cái dữ kiện quan trọng nhứt đối với tôi, trong lịch sử cận đại của nước Tàu, là cuộc Cải cách Ruộng Đất do Đảng Cộng sản chỉ đạo ngay những ngày đầu Đảng cấm quyền. Những điền chủ đều một cách vô cớ, hoàn toàn bị thanh toán sạch. Họ là những người tự làm ra của cải của mình bằng sức lao động và mồ hôi nước mắt của mình. Họ không có một lý do gì để bị diệt, thế mà... Hơn thế nữa, lúc ấy, hầu như toàn giới nông dân bị thiệt thòi. Phải, dưới thời của Mao, nông dân là giới bị thiệt thòi nhứt – bởi một chánh sách giá cả và một sự lựa chọn chương trình quản lý đầy bất công – do chương trình kỹ nghệ hóa Trung Hoa. Và ngày hôm nay, 120 triệu mingong, 民工 , Dân Công, lao động cực khổ, với một giá rẻ mạt, thiếu an toàn, không được một luật lệ nào che chở. Họ thật sự là một thành phần đáng kể đang thật sự đóng góp cho nền phát triển kinh tế của nước Tàu. Họ là ai?, họ là chính những đứa con của các nông dân buổi ban đầu ấy!
Những cuộc phiêu lưu theo của những kiếp đầu thai khác nhau theo thuyết luân hồi của Ximen Nao là những ẩn dụ để kể những nỗi khốn nạn của giới nông dân Tàu, tôi sanh ra trong giai cấp ấy. Sau năm 1949, nông dân có khác chi là trâu, là lừa, bị lùa đi từng bầy vào những Hợp tác Xã nông nghiệp, không có một tí tự do gì. Họ bị bắt buộc làm việc với những mệnh lệnh, sáng ra đồng với tiếng kẻng, tối về nhà với tiềng kẻng, trồng tỉa với tiếng còi, ăn uống với tiếng tu huýt. Họ trồng những gì Đảng bảo trồng, họ bứt những gì Đảng bảo bứt... Những năm 1980, họ thở được một tí tự do, nhưng từ đấy tình hình càng ngày càng xấu đi. Qua những cái kiếp sống súc vật ấy, Ximen Nao, lúc nào cũng bị đày đọa, bị khai thác, bị lừờng gạt, kể cả những lúc không ở trên trần gian, mặc dù hắn ta luôn luôn vô tội, vẫn bị hiểu lầm, bị hành phạt, và bị giáng xuống đầu thai thành súc vật. Nếu hắn vượt được bao chặng đường ấy, cũng nhờ sự thông minh và sức sống mãnh liệt của hắn.
Hỏi: Nhưng tại sao Diêm Vương lại phạt hắn một cách bất công vậy ?
Mo Yan: Ximen Nao là một anh chàng không biết an phận, gây phiền phức cho người chung quanh. Lúc nào hắn cũng đấu tranh, đòi phải trả hắn về lại làng hắn để hắn kiện, hắn «hỏi giấy» các hung thủ đã giết hắn. Nhưng Diêm Vương xử lý giống như Trung ương Đảng cộng sản Tàu, Ông trừng trị những tay phản đối. Địa ngục là một ẩn dụ để nói đến Trung Hoa Cộng sản. Khác biệt là ở trần gian, có những ác quỷ tặng một phát súng vào đầu, ở Địa ngục, các sa - tăng thường đàng hoàng hơn, nói «OK, chờ đó, để xem xét hồ sơ», nhưng rồi vẫn bùm một cái, đầu thai thành chó, thành heo, thành lừa...
Hỏi: Tại sao nhà văn cứ bám vào những quan niệm Phật giáo như Luân hồi, Cái Nghiệp, đầu thai... Đã từ lâu rồi Đảng Cộng sản Trung Hoa đã cố gắng vứt bỏ những quan niệm ấy. Chắc nhà văn đã tìm lại được trong những sách đã được xuất bản lại, từ ngày Phật giáo được tái xuất lại, và trở lại ánh sáng?
Mo Yan: Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi thường đọc cho tôi nghe những bài kinh, bài sấm. Ông bà không biết đọc chữ – nhưng ông bà thường dùng những câu kinh, câu sấm để sử dụng trong những cái khó khăn của đời sống thường ngày. Những câu kinh câu kệ ấy biểu hiện tâm hồn và tư tưởng người Tàu. Đạo đức dân gian Tàu thấm nhuần đạo lý Phât giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Quan niệm karma, Cái Nghiệp, là một quan niệm thưởng phạt công minh của những hành động con người (thưởng cái Tốt, phạt cái Xấu), được sử dụng thường xuyên trong dân gian, để tránh những hậu quả nguy hiểm do những quá khích của những sự xúc động mãnh liệt, và để tiếp tục cuộc sống.
Hỏi: Và quan niệm của Ông ? Của Nhà Văn ?
Mo Yan : Tôi rất thích Phật giáo. Tôi rất thích Nhơn Sanh Quan của Phật giáo về Con người, về Thế giới. Đó là một phương thức rất hữu hiệu đối với những khó khăn và những đau khổ của đời sống. Khi mọi chuyện êm xuôi, tôi thường không nghĩ đến. Nhưng khi tôi gặp những khó khăn, tôi bám vào Phật giáo để không còn những cái bực tức, những cái buồn phiền, những ý muốn trả thù, rửa hận, tất cả những lỉnh kỉnh ấy phá rối cuộc đời của chúng ta. Và nếu như tôi là Nhà cầm quyền, tôi sẽ khuyến khích mọi người trở thành Phật tử. (cười). Đây là một phương pháp để có một xã hội an lành. Không còn trộm cắp, không còn lưu manh, lường gạt, giết người, hận thù, cả cũng không còn những kẻ si tình. Và hơn thế nữa, không còn những cuộc chạy đua để tìm quyền lực. Ta cũng có thể không cần Công An! Nhưng chắc chắn là không thể được rồi, vi thế ta chỉ có thể có một phần, một tí Phật giáo thôi! Vì nếu ta làm thiệt, 100% Phật Giáo; sẽ không còn con người trên thế gian nầy nữa, chỉ còn các vị Phật thôi...
Hỏi: Nhơn vật thứ hai Lan Lian, lúc xưa là một đứa trẻ mồ côi được Ximen Nao đem về nuôi – đã thoát nạn và sống đến cuối cuốn sách. Lan Lian, cũng như Ximen Nao, cũng là một tay cứng đầu, cũng một tay tạo rất nhiều phiền phức, hắn từ chối không vào Hợp tác Xã, hắn từ chối không chấp nhận miếng đất – do Cải cách Ruông đất phân phối cho hắn - nhập vào đất của Hợp tác Xã. Hắn rất Cá nhơn chủ nghĩa, trong «không khí điên rồ» của Tập thể Chủ nghĩa, dám đòi hỏi tranh đấu một cách bất bình thường cái quyên Cá nhơn... Nhưng hắn vẫn thoát nạn. Nhơn vật ấy, ông đã tưởng tượng ra, hắn có thật không?
Mo Yan: Anh chàng đó có thật. Tôi đã gặp anh ấy lúc tôi còn nhỏ, trong làng người ta gọi anh là Lan Lian, «Face bleue – Mặt Xanh», vì anh mang, giống nhơn vật trong sách của tôi, một vết chàm xanh to tướng trên mặt. Mỗi ngày trong lúc thiên hạ đang tập thể dục tập thề trên quảng trường của làng, thì người ta nghe từ xa tiếng bánh xe lọc cọc của chiếc xe do một con lừa kéo của anh. Và khi xe anh đi ngang qua trường học, học sanh chúng tôi ném đá vào xe của tay gan lì nầy, tay phản động nầy, dám đi sai con đường của cách mạng. Một mình anh chống tất cả mọi người, anh không nhập vào Hợp tác Xã. Các con anh đều bỏ anh. Tôi được biết lúc Cách mạng Văn hóa, anh bị «kiểm thảo công cộng» nặng nề. Người ta đánh đập anh, tra khảo anh, và cuối cùng người ta lột truồng và phơi nắng anh. Anh vì ở một mình nên không ai săn sóc và anh chết vài ngày sau đó. Nhưng tôi lại muốn Lan Lian của tôi thoát chết, và sống sót, vì anh nầy đã trải qua một lô chặng đường khác nhau, như những cuộc đầu thai khác nhau, nhưng đây là những «kiếp sống chánh trị». Sau một thời gian dài gần 30 năm những chặng đường chánh trị khác nhau, những «phong trào» khác nhau, nối tiếp nhau và cuối cùng các «tập thể» đều bị hủy bỏ vào những năm 1980, ruông đất được phân chia trở lại, và Lan Lian được phục hồi danh dự. Lịch sử đã cho anh có lý.
Hỏi: Độc giả đọc được cái tình đặc biệt anh dành cho nhơn vật Lan Lian.
Mo Yan : Đối với tôi Lan Lian đặt một câu hỏi quan trọng: Một xã hội cộng sản có thể tồn tại không? Không thể được, vì xã hội công sản phản lại cái bản chất của con người. Cái sai lớn nhứt của Cộng sản Trung hoa, là áp dụng cứng rắn khẩu hiệu «Phá bỏ Cá nhơn, xây dựng Tập thể». Tất cả người Hoa đều phải nói một giọng nói, mặc một kiểu áo, một màu áo. Và nếu có thể phải có một khuôn mặt... Đảng Cộng sản Trung hoa đã quyết tâm làm như vậy suốt từ 1949 đến 1980. Lan Lian đã đấu tranh để có những sự dị biệt, và để có một cá tánh. Hai yếu tố hợp với luật thiên nhiên, với bản chất xã hội con người và tôi không nói đến, với những quan niệm thẩm mỹ.
Hỏi: Có thể có một loại «Tập thể» nào đó mà vẫn chấp nhận những «Cá thể»?
Mo Yan: Trong thế giới hiện nay, không thể có. Mặc dù ngày hôm nay, các hữu sản do Tư bản rừng rú của thế giới Trung hoa mới đã cho ta thấy những mặt xấu của Tư bản chủ nghĩa. Trong truyện của tôi, nhơn vật Bí thơ Đảng Cộng sản Hong Taiyue là nhơn vật điển hình song song và đối chiếu ngược hẳn với nhơn vật Lan Lian. Ông ta cũng là người rất cứng đầu, cũng rất trung thành, nhưng chỉ với chủ nghĩa Cộng sản, cũng như bao cán bộ trung cấp ở nông thôn mà tôi được gặp. Họ nhứt định từ chối mọi chánh sách giải tỏa kinh tế của Deng Xiaoping, trong những năm 1980. Với họ, không thể chấp nhận những giải pháp «phá hoại tư tưởng Mao»! Phải trở lại thời vàng son của Mao. Tôi không khinh nhơn vật Hong Taiyue, mặc dù theo tôi, trong việc hắn vẫn cố giữ sự trung thành với chế độ Tập thể đến cả hy sanh mạng sống, là một không tưởng – hắn đã tự hủy, hy sanh như một cảm tử quân và đem theo hắn, cái chết của tay Bí thơ đang thay thế hắn, đang muốn làm cải cách. Ngày hôm nay, chủ thuyết Tập thể đang trên đường trở lại có lẽ vì do vài cái «quá trớn sai lầm» của sanh quan Cá thể. Nhưng nên xem đó là cái vận xoay vần hay quả lắc đang trở lại. Nhưng dù thế nào đi nữa, phải cố tránh Tập thế hóa kiểu Mao – ít. Thật là đã quá thiệt hại cho Trung Hoa!: ba chục năm tụt hậu, ba chục năm đau khổ cho mỗi một người Trung Hoa.
Phỏng dịch bài tường thuật của Ursula Gauthier

Lời bàn của Phan Văn Song:
Hãy so sánh với Cải Cách Ruộng Đất Việt Nam của những năm 1950, và Phong trào Dân Oan Khiếu Kiện ngày nay tại Việt Nam !

* * *

"Những kẻ đã giết tôi"  hay

"Ấn Độ tàn ác của tôi ơi!"

doc sach

 

 

Hình Tarun Tejpal.

 

 

Sanh năm 1963, tốt nghiệp Kinh tế học của Đại học Chandigarh, Ấn Độ; Tarun Tejpal bước vào ngành viết văn và nhà báo năm 1980. Thoạt đầu làm việc cho Tuần báo India Today và The Indian Expressvà sau đó cho các báo quốc tế nhưThe Paris Review, The Guardian, The Financial Times. Cuốn sách đầu tay, best - seller quốc tế, năm 2005 The Alchemy of Desire, được dịch ra 12 ngôn ngữ, tựa Pháp ngữ là «Loin de Chandigarh – Xa rồi Chandigarh – Livre de Poche – Paris» được Giải thưởng Les Lecteurs du livre de Poche, Choix des Libraires - Các Độc gỉả Tủ Sách bỏ Túi và Sự tuyển lựa của các Nhà Sách năm 2007. Năm 2009 Stoty of My Assassins và tháng 9 nầy nhà Xuất bản Buchet- Chastel Paris sẽ phát hành bản Pháp ngữ.

Chuyện "Những Kẻ Muốn Giết Tôi" hay "Ấn Độ Tàn Ác Của Tôi Ơi"
Báo Người Quan Sát Mới - Nouvel Observateur hỏi: «Histoire de mes assassins - Chuyện những kẻ muốn giết tôi» mang người đọc đi sâu vào xã hội Ấn độ qua câu chuyện của năm tên hung thủ đang âm mưu ám sát người kể chuyện – cũng như Ông, chủ nhiệm một Tuần báo độc lập ở Delhi. Đâu là sự thật?
Tarun Tejpal: Cũng như người kể chuyện, tôi hiện nay đang sống với chế độ Cảnh sát che chở, những người vệ sĩ. Từ 9 năm nay, một Hợp đồng giết tôi đang treo trên đầu tôi. Nhưng câu chuyện không nói đến tôi và Tuần San «Tehelka», do tôi sáng lập từ năm 2000. Tôi muốn kể những chuyện của những kẻ khốn khổ, những kẻ vô gia cư, những kẻ không ai nói đến. Tôi muốn trả lại một tí phẩm giá, một tí phức tạp trong đời sống cho họ, vì họ đại diện cho ba phần tư số dân của Ấn Độ, hay đúng hơn họ đại diện cho 800 triệu người Ấn.
Hỏi: Những hung thủ đều xuất phát từ giai cấp nghèo nàn, khốn cùng, nhưng cũng có vài người thuộc những «đẳng cấp cao» hơn.
Tarun Tajpal: «Chế độ Đẳng cấp – Caste là một trong những cái hố sâu chia cách của xã hội Ấn Độ. Ấn Độ còn có cả chục cái hố nữa: tôn giáo, nền giáo dục, ngôn ngữ, sắc tộc... Một thí dụ, tất cả các hung thủ trong truyện đều là nạn nhơn của sự bất đồng ngôn ngữ khiến tiếng Anh là biểu tượng quan trọng nhứt của giai cấp. Giai cấp cao sang nhứt, có địa vị, tiền bạc và giáo dục, là giai cấp nói tiếng Anh từ ba trăm năm nay. Bất luận ai là người thông minh, là người siêng năng, ham việc hay không, chỉ cần người ấy biết Anh ngữ là người thuộc thành phần giai cấp cao sang. Nhưng thực sự giai cấp chỉ là một thiểu số rất nhỏ của toàn dân Ấn. Tôi học nói Anh văn từ thuở sơ sanh, tôi nói, tôi mơ, tôi suy nghĩ, tôi viết bằng Anh văn. Thế nhưng 90% người Ấn phải vận dụng một sự cố gắng khổng lồ để có vài tí hiểu biết đơn sơ của cái dụng cụ của giai cấp thống trị ấy (Anh ngữ). Những người nói tiếng Anh ngày nay là những người brahmanes mới (đẳng cấp brahmanes là đẳng cấp cao nhứt của hệ thống xã hội truyền thống Ấn Độ). Và tôi cũng đã từng chứng kiến những thanh niên Ấn đầy triển vọng, đổ vỡ chỉ vì không đủ sức nắm vững Anh văn. Lòng tự tin của họ tan tành, họ cảm thấy vô dụng chỉ vì kém Anh văn.
Hỏi: Các độc giả của Ông, cũng như chúng tôi, đều là những kẻ có «phước», họ phản ứng thế nào?
Tarun Tejpal: Các nhà phê nbình văn học đều khen ngợi. Họ chào mừng cuốn sách tôi và xem như một việc phá rào dư luận. Vì chưa một nhà văn Ấn Độ nào viết bằng tiếng Anh đã dám nói đến vấn đề nầy. Văn phong của tôi ra xa với văn phong «dễ dãi» của nhóm «người có của», vì tôi tìm nguồn cảm hứng trong những vấn đề nóng bỏng hằng ngày tôi chung đụng trong Tuần San «Tehelka». Tuần San Tehelka là tờ báo duy nhứt dám phanh phui điều tra những vụ Xì-căng-đan của Nhà nước Ấn Độ, như những vụ buôn võ khí, những vụ dính líu của Nhà nước với những hổn loạn khi biểu tình phản đối... những vụ tham nhũng... Năm 2001, Tuần San chúng tôi đã phanh phui điều tra và tố cáo trước công luận một vụ tham nhũng và đã buộc vị Tổng trưởng Quốc phòng Ấn Độ lúc bấy giờ phải từ chức. Sức mạnh của tờ báo nhỏ nầy đã vượt các ngành truyền thông khác vì nó đã dám đi vào những vấn đề thiệt và nóng bỏng của Ấn Độ.
Hỏi: Xin Ông giải thích cho chúng tôi rõ: tại sao giai cấp ưu tú ở Ấn Độ quá ư thờ ơ với giai cấp khốn khổ?
Tarun Tejpal: Vì đó là một giai cấp rất ích kỷ. Mặc dù, quốc gia Ấn Độ là sản phẩm của Gandhi và Nehru, là những người xuất thân từ thành phần giai cấp ấy, nhưng họ đã dám bỏ tất cả cho sứ mạng của mình. Nhưng từ 50 năm nay, giai cấp ưu tú nầy đã lánh xa những vấn đề lớn của xã hội, và rất đáng tiếc. Phần tử tinh hoa ấy không ý thức được Ấn Độ là một quốc gia bất bình đẳng, rất nhiều bất công và nghèo nàn nhục nhã! Tại sao? Vì đấy là một xã hội hậu thuộc địa với những thế hệ đầy tham lam. Tôi ước mong tương lai, thế hệ con cháu tôi sẽ có nhiều thay đổi. Nếu không, chúng tôi sẽ có rất nhiều vấn đề.
Hỏi: Ông có nhắc đến vai trò nặng nề của Ấn Độ giáo - Bà la Môn (Brahmanisme). Theo Ông, một đẳng cấp với cả ngàn năm thống trị có thể biến nhóm người ưu tú nầy ích kỷ không?
Tarun Tejpal: Một chế độ đẳng cấp, le système des castes, đã trị vì và áp bức 200 triệu người khốn cùng - «những người không ai dám rờ vào – les intouchables» - từ một ngàn năm nay là một chế độ xấu xa hạng nhứt thế giới. Với nền độc lập, Ấn Độ đã vứt bỏ chế độ nầy, và đã tuyên bố đưa chế độ nầy ra ngoài vòng Pháp luật. Nhờ vậy ngày nay những «đẳng cấp thấp» đang băt đầu có những quyền lực chánh trị đáng kể. Nhưng cái mà tôi lo lắng là các «đẳng cấp cao» – những đẳng cấp ưu tú nhưng không hẳn của đẳng cấp bà la môn (brahmane) – họ chưa nắm rõ, hiểu rõ rằng muốn có một xã hội tiên tiến và phát triển, phải biết chấp nhận chia sẻ.
Hỏi: Ông tả rất tàn nhẫn cái không khí «cuồng tín tâp thể,» chạy đua vào cái đam mê «trò ảo» và những sở thích về «bề ngoài», giả tạo. Có phải do ép phê của hậu thuộc địa không?
Tarun Tejpal: Không, cái đó là do Ấn Độ giáo (Hindouisme) với cái Đạo đức cốt lõi không đo lường và rất phức tạp. Ấn Độ Giáo không có quy ước về Đạo Đức. Cái Thiện và Cái Ác lẫn lộn và tùy nhãn quan mỗi người. Tất cả các Thần Linh đều Thiện Ác lẫn lộn. Ẫn dụ dễ hiểu nhứt là Boollywood: người Ấn chúng tôi rất ồn ào, đầy cải lương tánh, cứng đầu, thích gây nhau, đầy tình cảm và rất hung hăng! Ân Độ là một quốc gia tàn ác nhứt thế giới! Chúng tôi rất hung dữ với nhau. Hung dữ với chế độ đẳng cấp, hung dữ trong các quan hệ giữa các tôn giáo, hung dữ giữa các ngôn ngữ, hung dữ đối với đàn bà, hung dữ đối với trẻ con, hung dữ đối với súc vật... Cái mâu thuẫn là hình ảnh thế giới nhìn chúng tôi hoàn toàn trái ngược, lý do bởi Ngài Gandhi với cái chủ thuyết đấu tranh ôn hòa, bất bạo động...
Cuốn sách nầy giới thiệu đến quý độc giả những khuôn mặt khác nhau của sự hung dữ của Ấn Độ. Sự hung dữ nầy đã biến những nạn nhơn thành những sát nhơn.
Phỏng dịch bài tường thuật của Ursula Gauthier

Lời bàn của Phan Văn Song: Chúng ta thử nhìn vào Việt Nam, với giai cấp Con Ông Cháu Cha đi học các trường Đại Học ngoại ngữ, đi du học, các công an hành hung, và sự hung dữ hằng ngày trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hung dữ ngày nay ở Việt Nam cũng biến những người nghèo nạn nhơn thành sát nhơn!

Cuối Hè 2009
Hiệu đính 2015-10-23.
Phan Văn Song

 

 

Đăng ngày 25 tháng 10.2015