Nhân Quyền, điều kiện tiên quyết

để phát triển Dân chủ tại Việt Nam

Ts Phan Văn Song

Vào cuối tháng 6 năm 1993, nhằm cải thiện hiệu năng hoạt động của Liên hiệp Quốc về việc vận động và bảo vệ Nhơn Quyền trên thế giới, và cũng để kỷ niệm 50 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhơn Quyền, một Hội nghị Nhơn Quyền thế giới kỳ ll được tổ chức tại Vienna (Áo quốc). Hội nghị thảo luận về những tiến bộ đạt được về mặt thực hiện từ năm 1948 và kiểm điểm những khó khăn, trở ngại gặp phải, đồng thời đưa ra những khuyến cáo nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế đúng theo Hiến chương và những văn kiện quốc tế về Nhơn quyền.
Từ đó đến nay, hai mươi hai năm qua, những vi phạm Nhơn Quyền nghiêm trọng vẫn thường xuyên xãy ra khắp nơi trên thế giới. Về mặt thành quả đạt được, phải ghi nhận vụ truy tố Pinochet, vụ Khờ-me đỏ, vụ Kosovo với sự can thiệp của khối Bắc Đại Tây Dương, những vụ điều tra và truy tố các can phạm sự sát hại người dân Hutus ở Rwanda... Những sự kiện này đã làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa những giá trị con người với chủ quyền quốc gia.
Trong lúc đó, ở Việt Nam, Nhơn Quyền vẫn bị vi phạm, vì hệ thống do chế độ cộng sản vẫn rập khuôn theo quan niệm Nhơn Quyền của người Mác-Lê. Tình trạng này sẽ còn kéo dài khi mà quyền «dân tộc tự quyết» vẫn chưa thực hiện được ở Việt Nam để mỗi công dân được quyền hành sử những quyền làm con người căn bản của mình (quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do thương doanh, tự do thờ tự, tôn giáo ...)
Đây là những quyền sở hữu của con người. Nhà nước không thể tước đoạt mà không thể ban phát cho con người. Cũng như TỰ DO: Nhà nước không tạo ra Tự Do cho dân chúng, mà Nhà nước chỉ nhìn nhận nó, và nhìn nhận bằng cách chính Nhà nước tự giới hạn mình.
Ngày nay cổ vũ Nhơn Quyền cho Việt Nam có phải là cách tranh đấu hữu hiệu không? và tranh đấu đem lại Nhơn Quyền cho Việt Nam có đi ngược lại những đặc thù văn hóa địa phương không ?

1) Nhơn Quyền là những quyền tự nhiên của con người hay Nhơn Quyền trong Văn hóa Việt Nam:
Trong ngôn ngữ chánh trị Việt Nam trước đây không có từ ngữ Nhơn Quyền, Dân chủ. Mãi đến thế kỷ XIX, những từ ngữ ấy, từ Tây phương du nhập qua Nhựt bổn để rồi sang Việt Nam. Nói như thế, không có nghĩa rằng ở Việt Namvào những thời kỳấy, người dân Việt Nam không được sống xứng đáng với địa vị con người và những quyền lợi mình không được chánh quyền tôn trọng. Xã hội chánh trị Việt Nam dưới thời quân chủ được thiết lập trên ý niệm nền tảng là Nhà Vua ngự trị trên cao, còn thường dân là thứ dân ở nấc thang thấp kém nhứt, mỗi người phải có bổn phận chu toàn trong vị thứ của mình.
Vậy thì, khi nhà vua làm tròn bổn phận của mình thì tự nhiên toàn dân hưởng được phúc lợi, đại khái phù hợp với những quyền mà ngày nay chúng ta gọi là Nhơn Quyền. Như vậy, người dân Việt Nam ngày xưa tuy không biết ý niệm về Nhơn Quyền như những thứ quyền bất khả thời tiêu của con người, vẫn có thể hưởng được ít hay nhiều do có làm tròn bổn phận hay không? Khổng tử xưa đã định nghĩa Vị Anh Quân là người "Tiên thiên hạ chi ưu; Hâu thiên hạ chi lạc ". Nhà vua biết lo lắng cho dân được ấm no hạnh phúc và chỉ biết vui sau khi dân mình được hưởng cái vui cái sướng, đó là quan niệm Nhơn Quyền của người dân Việt Nam nói riêng và của Văn hóa Á đông nói chung vậy.
Quan niệm Á đông về bổn phận Nhà Vua gọi là Thiên mệnh. Đối lại dân chúng là nền tảng quốc gia là Dân bản. Khi nền tảng vững chắc thì quốc gia yên ổn, bền vững, xã hội an vui, người người hạnh phúc.
Trong quan hệ giữa thiên mệnh và dân bản, nhà vua có bổn phận phải hết lòng chăm lo đời sống cho dân chúng. Vì nhận lãnh thiên mệnh nên nhà Vua bị Trời kiểm soát việc làm của mình qua thành quả đời sống của dân chúng của mình như sung sướng hay cơ cực. Ý dân là ý Trời. Nếu nhà Vua không làm chu tròn bổn phận mình đối với dân, nghĩa là không chu toàn thiên mệnh, trái lại nhà Vua còn tàn bạo đối với dân chúng thì Trời cũng thể theo ý dân mà thu hồi thiên mệnh. Thực tế, dân chúng sẽ nổi dậy truất phế nhà Vua để thiết lập triều đại khác cho hợp với lòng dân. Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, phần lớn các vị Vua đều cố gắng làm tròn bổn phận đối với thần dân. Những người dân của những triều đại ấy hưởng được những quyền mà chúng ta tạm gọi là quyền tự nhiên của con người.
1.1- Về chánh trị:
Chế độ quân chủ được chia ra nhiều đẳng cấp, trên cao nhứt là ngôi vị nhà Vua. Ở Việt Nam và Trung Hoa, chỉ có ngôi Vua là cha truyền con nối trong hoàng tộc. Còn các chức tước khác, thứ dân nhờ tài học và đạo đức, vẫn có thể thủ đắc. Từ thời nhà Lý, vào thế kỷ thứ XI, Việt Nam đã mở ra những khoa thi để chọn nhơn tài ra giúp nước. Như vậy dưới thời quân chủ chuyên chế cực thạnh, dân chúng mọi người tùy theo khả năng , aì aì cũng có thể tham giaviệc chánh trị một cách bình đẳng. (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Hoa kỳ 1984)
Ngoài ra, các chế độ quân chủ Việt Nam chẳng những còn cho phép, mà còn khuyến khích mọi người bày tỏ quan điểm chánh trị của mình. Quan chức và dân chúng có quyền dâng sớ phê bình, hoặc bày tỏ nguyện vọng của mình. (Trần Trọng Kim, nt). Vua Minh Mạng đã từng nói :"Việc nước quá nhiều, mà sự hiểu biết của một người thì quá hạn chế.. Bởi vậy , chúng ta cần phải biết ý kiến của mọi người để có thể có cái nhìn đúng và có giải pháp tốt " (Minh Mạng Chánh yếu, Saigon 1972).
Đối với các tù binh, các vua Lê Thái Tổ và Quang Trung đều cung cấp lương thực, phương tiện và cho phép chúng trở về Tàu an toàn. Vua Quang Trung còn lập đàn giải oan cho quân Thanh tử trận. (Trần Trọng Kim, nt)
Ngày nay, chế độ cộng sản ở Việt nam, vì không thừa hưởng di sản của tiềnnhơnnên cực lực đàn áp, trù dập tất cả mọi người khác chánh kiến, mặc dù ý kiến của họ rất lương thiện như đòi hỏi Dân chủ, Nhơn quyền. Hiện nay còn bao nhiêu người bị giam cầm, quản chế, có khi không xét xử, vì tội dám đưa yêu sách hoặc phê phán chánh quyền Hà nội : cựu Tướng Trần Độ, nhà văn Hà Sỹ Phu, nhà thơ Bùi Minh Quốc, luật sư Lê Chí Quang ;.. đó là những người thuộc thành phần có đóng góp cùng chiến tuyến với họ, còn đối với những người đã từng chống đối họ, thì như Bác sĩ Nguyễn Đang Quế, hay Linh mục Nguyễn Văn Lý, chỉ vì đòi hỏi dân chủ mà các ông phải lãnh án đi tù. Chúng ta chớ quên rằng sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, đối với những tù nhơn bại trận của chánh quyền Miền Nam, Hà nội đã tập trung tù đày một cách dã man. Đối với đồng bào Miền Nam, một chiến dịch đấu tố truy kích để vơ vét mọi tài sản cơ đồ và sau đó đuổi họ ra khỏi thành phố thúc đẩy hàng triệu người bỏ nước vượt biên. Như thế, Nhà cầm quyền Hà nội đã lưu đày biệt xứ hàng triệu nhơn dân lương thiện. Hành động nầy là một sự vi phạm Nhơn Quyền nghiêm trọng vì Nhà cầm quyền đã tước đoạt quyền định cư và quyền sống của dân chúng. Đó là đối với người sống, đối với người chết, Đảng Cộng sản Hà nội đương quyền cho san bằng tất cả những nghĩa trang quân đội của các quân nhơn Việt NamCộng Hòa ( nhắc lại : Vua Quang Trung cho lập đàn gỉải oan binh sĩ nhà Thanh ) .
1.2- Về mặt luật pháp:
Các chế độ quân chủ Việt Nam đều quan tâm đến vệc bảo đảm cho dân chúng có một đời sống công bằng trong một xã hội lấy đạo đức làm nền tảng. Hai bộ luật còn được sử dụng ở Việt Nam cho đến thập niên 70 là " Quốc triều hình luật " và "Hoàng Việt luật lệ" quy định những hình phạt rất nặng, có khi đến tử hình, nhằm phạt những quan chức tham nhũng, hối mại quyền thế, qua trung gian vợ con, người thân trong họ hoặc gia nhơn, thu lợi về cho mình. Án tử hình thường phải do nhà Vua quyết định cuối cùng.
Hai bộ luật nầy rất trọng nữ quyền; Hình phạt dành cho phụ nữ luôn luôn nhẹ hơn. Và trong gia đình, về quyền lợi, phụ nữ có đầy đủ quyền lợi như người đàn ông.
Quốc Triều Hình Luật quy định rõ thời hạn của vụ án phải được kết thúc nhanh để tránh làm mất thời giờ cho đôi bên. Điều này, so với một số nước Tây Phương, đã là một sự tiến bộ rõ ràng. Còn Cộng sản Việt Nam? Bắt giam người năm bảy năm không xét xử là chuyện thường tình (người viết bài bị "tạm giữ để điều tra " gần 4 năm, và cuối cùng chị nhận giấy «Tạm Tha » và trục xuất về xứ vợ.)

1.3- Về mặt kinh tế xã hội :
Chế dộ quân chủ Việt Nam bảo đảm cho mỗi người dân có được một mức sống tối thiểu bằng cách cấp phát cho mỗi người một phần đất để sanh sống. Từ nhà Lê, vua Lê Thái tổ đã thực hiện chánh sách cải cách ruộng đất, trưng thu đất ruộng của các triều đại trước, của những quan chức làm giàu bất chánh, của những người không có thừa kế, để cấp phát đống đều cho dân chúng canh tác. Việc cấp phát này được xét lại bốn năm một lần. Về sau việc xét theo lệ mười năm một lần. Qua thời nhà Nguyễn, nhờ mở mang trong Nam, nên việc cấp phát ruộng đất được rộng rãi hơn. Và giao cho địa phương đãm trách. Nhà Nguyễn còn nghiên cứu trưng tập các tư điền của các nhà giàu lớn (lấy 3/10 diện tích) để sung vào công điền cấp phát cho cô nhi quả phụ, thương phế binh ...
Đó là dưới thời quân chủ chuyên chế cực thạnh mà người dân ở Việt Nam đãđược hưởng khá đày đủ các quyền lợi mà ngày nay chúng ta tạm gọi là những quyềntựnhiên của con người ( Đại Việt sử ký toàn thư, Hà nội, 1967 )
Riêng mỗi người có một phần đất để tự mưu sinh, nói lên đầy đủ ý nghĩa về quyền làm một con người ở tại Việt Nam đã có từ thế kỷ thứ XV rồi.
Còn ở Việt Nam ngày nay? Quyền nầy đã bị tước đoạt. Thay thế vào bằng chế độ hộ khẩu và công an khu vực quản lý chánh trị đời sống người dân nhằm giữ cho nhân dân tồn tại mà vẫn không được sống, vì không có quyền làm con người nên không được làm người

2) Nhơn quyền theo người Mác xít:
Việt Nam ngày nay bị cai trị bởi một chế độ cộng sản, Hồ Chí Minh và những người cộng sản hành sử khuôn theo ý thức hệ Mác-Lê. Nền tảng của chủ thuyết Mác-Lê là vật chất và duy vật biện chứng.
Theo quan niệm duy vật họ chối bỏ mọi giá trị tinh thần, như luân lý, đạo đức. Biện chứng, người cộng sản không chấp nhận có những giá trị vĩnh cữu, thường tại... Với quan niệm căn bản ấy, người cộng sản Mác-lê từ khước những quyền tự nhiên bất khả nhượng của con người, như quyền sống, quyền tự do, quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần, quyền tư hữu... Theo người cộng sản :"Nhơn quyền chỉ là phản ảnh của những quyền lợi về kinh tế, đó là quyền lực của giai cấp thống trị " (Jean Touchard, L'histoire des idées politiques , Paris 1975)
Từ quan niệm này, người cộng sản phê bình bản Tuyên Ngôn Nhơn Quyền 1789 của Pháp, cho đó là: "thành quả của thắng lợi của giai cấp tư sản đối với giai cấp quý tộc, vũ khí để bảo vệ quyền lợi và củng cố uy quyền của họ mà thôi. Nhơn quyền chỉ dành cho những người có của, có tiền. Đối với những người nghèo khổ, Nhơn quyền không có lợi ích gì hết!". Đi xa hơn nữa trong lý luận, người cộng sản cho rằng : " những quyền tự do cũng chỉ là thứ " tự do hình thức " hoàn toàn không chứa đựng một "nội dung thực tế ", " cụ thể" (Jean Rivero, Les droits de l'homme, Paris 1978).
Đối với người cộng sản, Nhơn quyền chỉ có ý nghĩa thực tế trong một xã hội không giai cấp và không có chiếm hữu trong những phương tiện không sản xuất. Nên chỉ có chế độ cộng sản mới đem lại cho mọi người tự do thật sự, nghĩa là tự do có nội dung cụ thể, chớ không phải thứ tự do hình thức. (Jean Rivero, nt )
Rõ hơn , ta thử đọc lại lời Mác viết về Nhơn Quyền " Chúng ta hãy xem những thứ cho là Nhơn Quyền trong nguyên trạng, của những người đã khám phá ra, đó là nhừng người Bắc Mỹ và Pháp. Chúng ta sẽ nhận thấy ngay Nhơn Quyền, ngược lại với Dân Quyền, không gì khác hơn là thành phần thuộc xã hội tư sản, nghĩa là của con người ích kỷ, của con người tách rời khỏi con người của quần chúng. Quyền Tự do của con người không được thiết lập trên mối quan hệ giữa người với người , mà trái lại, trên sự tách rời giữa người với người. Đúng hơn đó là quyền chia cách giữa con người với nhau."(Morange, Droits de l'homme et philosophie, Paris 1983 ).
Đối với người cộng sản, không thể nói chuyện về Nhơn Quyền với họ được. Bởi vì họ cho Nhơn Quyền chỉ là thứ quyền " cho là" " gọi là" chớ không có thật. Thế mà người cộng sản khi tranh đấu trong một chế độ dân chủ, chẳng những lại được thụ hưởng, được bảo vệ bởi những quyền ây, họ thậm chí, lại nhân danh những quyền ấy để phát động cuộc tranh đấu, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là quyền lợi của chuyên chế vô sản, và, cộng sản chủ nghĩa.

3) Nhơn Quyền, điều kiện tiên quyết cho một giải pháp Phát triển Dân chủ:
Trong xã hội ngày nay, mọi cá nhơn đều hưởng được những quyền lợi và những quyền lợi này được luật pháp bảo vệ. Nếu luật pháp không bảo vệ thì những thứ quyền lợi ấy sẽ không tồn tại.
Trong truyền thống Văn hóa Việt Nam lại có một loại quyền gọi là quyền tự nhiên, những quyền này thuộc về mỗi cá nhơn con người; có là những quyền căn bản. Nếu thiếu thì xã hội con người không thể vận hành được.
Nguyên tắc Dân chủ chỉ có giá trị trong những giới hạn của những quyền tự nhiên của con người .
Những quyền tự nhiên để được hoàn hảo, được bảo đảm cao, phải được đặt trong mối quan hệ với xã hội chánh trị, như sự tôn trọng luật pháp do xã hội chánh trị đặt ra. Dỉ nhiên mục đích là nhằm bảo đảm và bảo vệ những quyền tự nhiên.
Thế là mối quan hệ ấy mặc nhiên trở thành một khế ước giữa dân chúng và Nhà Nước.
Đã nói đến Khế ước là nói đến vấn đề hổ tương, lưởng lợi (synallagmatique -Win Win ), đôi bên đều có những quỳền lợi, nhưng đôi bên đều phải có những bổn phận, tương quan với nhau. Những cá nhơn bị bắt buộc phải tuân hành mệnh lệnh của chánh quyền nhưng lại được chánh quyền bảo vệ đời sống, bâo vệ sự tự do, quyền sở hữu...còn chánh quyền khi ban hành luật lệ để bảo đảm an ninh và bảo vệ những quyền tự nhiên, chánh quyền chỉ làm một bổn phận giữ trật tự cho một sự hài hòa ổn định chánh trị.
Nếu một bên nào không thi hành nghiêm chỉnh bổn phận của mình thì sự hài hòa sẽ mất cân bằng Sự mất ổn định sẽ bị tạo ra.
Nếu chánh quyền trở thành hung bạo, độc đóan thì dân chúng sẽ không còn nghĩa vụ phải tuân phục chánh quyền nữa. khế ước hai bên sẽ bị huỷ bỏ.
Chỉ có khế ước và sự tôn trọng khế ước ấy mới đem lại cho chánh quyền sự chánh thống, hay chánh nghĩa.
Nói như vậy, khi một Nhà Nước đã xóa bỏ bổn phận của mình, không làm đúng bổn phận của mình, thậm chí còn dùng bạo quyền để tước đoạt những quyền tự nhiên của dân chúng của mình,
thì dân chúng có quyền dùng quyền lực nổi dậy (Thuyết của Jean de Salisbury, một triết gia, được Guy Haarscher trích dẫn trong La philosophie des droits de l'homme, Bruxelles 1993)
Phản ứng về phía dân chúng đối với bạo quyền là chánh đáng..Phản ứng này đưa vào hệ thống chánh thống hóa quyền lực để trở thành một thứ quyền bất khả nhượng.
Đó là quyền chống lại áp bức.

Kết luận:
Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng vẫn viện dẫn sự ổn định chánh trị để phát triển, bởi Việt nam là một nước đang phát triển, mà trù dập mọi đòi hỏi thực thi Nhơn Quyền.
Ngày nay, thuyết "dân chúng an ninh do quốc gia ổn định " không còn giá trị nữa, mà trái lại, sự an ninh quốc gia phải được xoáy theo sự an ninh cùa toàn dân.
Chính sự an ninh của toàn dân mới mới là điểm quy chiếu. Quan niệm này đã làm thay đổi mọi tiêu chuẩn chánh trị của thế giới bởi nó không còn chấp nhận chủ quyền quốc gia như là cột trụ của bang giao quốc tế (Nhựt báo Le Monde, 22/5/1999, Lời tuyên bố của ông Ngoại trưởng Gia-Nã-Đại, Ông Lloyd Aworthy).
Sự đề cao và bảo vệ an ninh con người trước chánh quyền dẫn đến chấp thuận nguyên tắc sử dụng những biện pháp cưỡng bách, kể cả việc can thiệp quân sự như ở Nam Tư, Kosovo... Liên Hiệp Quốc đã có mặt ở mọi nơi khi tình hình an ninh quần chúng ở nơi ấy bị de dọa: Libéria, Rwanda, Cam-bốt-đia...
Tại sao những vùng có dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện đang bị đàn áp và mất an ninh không được bảo vệ bởi một thể chế quốc tế "phi quân sự"? Nghĩa là không có mặt của quân đội hay công an Nhà nước Việt Nam, đàn áp như hiện nay? Cho dân chúng những vùng ấy một tư cách tự quản lý và do một cơ chế quốc tế giám định? ( Liên Hiệp Quốc, hay các đại diện thường dân, y tế, xã hội, hay quân sự của quốc tế, hay của vùng Đông-Nam-Á) để chờ một giải pháp chánh trị ôn hòa vừa có công bằng cho dân tộc thiểu số ấy vừa giử được chủ quyền cho đất nước, vừa giữ tránh nhà cầm quyền sỡ tại những hành động có tính cách xâm phạm Nhơn Quyền?
Tranh đấu cho Nhơn Quyền là thiết lập điểm quy chiếu có tính cách bắt buộc cho chánh quyền trong các hoạt động pháp chế trong nước hoặc ngoài nước, đối nội như đối ngoại ( Dominique Rousseau, Le Monde 16/7/1999)
Tranh đấu cho Nhơn Quyền là đặt lại nền tảng quyền quan hệ : tự do tư hữu, tự do cư trú, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do phản kháng, dư luận, lập hội...đó là những quyền căn bản ràng buộc thân ái hài hòa chánh trị những con người trong xã hội với nhau.
Tranh đấu cho Nhơn Quyền có mặt ở Việt Nam chỉ là tranh đấu cho sự trở về với Văn hóa Dân tộc Việt Nam, trở về với những tập quán chánh trị của ông cha chúng ta, trở về với cái hài hòa nhân ái của nếp sống chánh trị của tiền nhơn.
Nhà vua thì " Tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc".
Thứ dân thì " Quân Sư Phụ".
Trên thuận dưới hòa. Khế ước " thiên mệnh" và "dân bản" hài hòa trong sự hòa hợp cân bằng những cái quyền tự nhiên và căn bản của mỗi cá nhơn con người, và bổn phận mỗi con người chúng ta đối với tập thể cộng đồng đại diện bởi nhà nước. Và ngược lại nghĩa vụ và bổn phận của nhà cầm quyền là bảo vệ và bảo đảm những quyền căn bản và tự nhiên của mỗi cá nhơn trong trật tự, an ninh của cộng đồng.
Nhơn Quyền Dân chủ là những giá trị toàn cầu, vượt trên những quyền lợi quốc gia, Chánh trị Dân chủ phải được xây trên Nhơn Quyền.
Nhơn Quyền là điều kiện tiên quyết để xây dựng phát triển Dân chủ.

Hồi Nhơn Sơn Cuối tháng sáu 2003
Hiệu đính cuối tháng sáu 2015
Để Đóng Góp Đòi Hỏi Nhơn Quyền cho Việt Nam để vào TPP

Phan Văn Song

 

Đăng ngày 14 tháng 07.2015