banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Luận về vàng, bàn về bạc (kỳ 2)

Thử đi tìm một đồng tiền thật

thay song
Ts Phan Văn Song

Tuần trước, chúng ta thử đi tìm một đồng tiền thật một đồng tiền đúng, khả dĩ tượng trưng một giá trị đúng đắn, không bị mai một với thời gian, với không gian, với thị trường. Một đồng tiền để chúng ta tích giữ, làm tài sản, di chuyển theo ta, không bị hao mòn, mai một, làm gia tài để chúng ta chuyển cho hậu duệ không bị mất giá. Đồng tiền đúng là đồng tiền dùng làm đơn vị đo lường đúng đắn sự đầu tư, sự đóng góp của chúng ta vào xã hội và được xã hội nhìn nhận.
Chúng ta theo dõi cuộc hành trình rất dài nầy qua bao thế hệ con người, qua thế kỷ, chỉ để đi tìm một đồng tiền đúng, chỉ để đánh giá những trao đổi hàng hóa, trao đồi những nhu cầu, trao đổi những trợ giúp nhau, tóm tắt lại dùng một biểu tượng thực thể để chứng minh, đánh giá đúng giá trị những cử chỉ giao tế, thương mãi… Thuở xưa, con người thường dùng một hay hai kim loại quý như vàng như bạc, nhưng vì quá nặng nề, và đi đâu cũng phải cần một bàn cân để đo lường cân lượng, chưa kể những nguy hiểm khi kim loại bị pha trộn, tỷ lệ pha chế bị gian xảo chế biến. Vào những thế kỷ cận đại hơn, con người biết dùng giấy làm tài liệu và dùng vàng hay bạc để bảo chứng các chứng từ giấy, các tài liệu giấy ấy với gíá trị tương đương hiện kim. Tuy giả định tựợng trưng kim loại, nhưng nhờ là giấy, nên nhẹ nhàng, dễ mang trong người, kín đáo, vô danh, dễ trao đổi, dễ sử dụng, dễ dàng dùng làm đơn vị để chứng minh, để đo lường giá trị một món hàng, đơn vị giả định ấy được dùng trong cả những phương tiện ngoại giao như ký kết, giao ước, để đánh giá một tài liệu, làm phương tiện trao đổi thương mại. Tuy có từ xưa đến ngày nay, bao nhiêu phương thức vẫn chưa thỏa mãn tất cả, và cuộc hành trình đi tìm đồng tiền đúng vẫn còn là một cuộc phiêu lưu đầy gay cấn.

Từ bảo chứng vàng đến thất bại của Bretton Woods
Để trình bày, người viết xin được dựa trên lý thuyết của một nhà kinh tế người Pháp của đầu thế kỷ thứ 20, Jacques Rueff (1898-1978). Chống lại lý thuyết đương thời của kinh tế gia người Anh, John Maynard Keynes (1883-1946) người đã đề nghị thay số lượng vàng bảo chứng đồng tiền bằng một loại tiền tệ giả định nhưng được pháp định hoá. Jacques Rueff, trái lại, chủ trương đồng tiền phải được bảo chứng bởi vàng (étalon or). Phương thức nầy đã được áp dụng từ cuối thế kỹ thứ XIX đến 1914. Và ông cho rằng tất cả mọi giải pháp tiền tệ ngày nay có thể giải quyết bằng phương thức «Tiền có Hối suất Vàng – Gold Exchange Standard». Thời kỳ ảnh hưởng của Jacques Rueff lên đến tột đỉnh khi ông được Tổng Thống Pháp đương thời Tướng Charles de Gaulle trở lại điều hành xứ sở. Jacques Rueff là người đã cố vấn Tướng De Gaulle chống lại Thỏa Ước Bretton Woods. Chúng tôi lúc ấy là sanh viên cũng một phần nào chịu ảnh hưởng của lý thuyết Gold Exchange Standard-Tiền với Hối suất bằng Vàng.

Bảo chứng vàng – L’Étalon Or – Gold Standard
Anh Quốc là quốc gia đầu tiên (Anh Quốc đi tiên phuông nhiều sáng chế từ thương mại kinh tế đến kỹ thuật kể cả những quan niệm xã hội) vào ngay từ năm 1816, đã sử dụng vàng để bảo chứng những tiền bằng giấy lưu hành trên toàn xứ. Phải chờ đến gần 50 năm sau, mới có vài quốc gia bắt chước theo. Cùng thì ấy, các mõ vàng đang thi nhau xuất hiện, nào ở California, nào ở Nam Phi và ngay cả Úc Châu tạo một số lượng sung mãn rót thêm vào số trử lượng vàng có sẳn ở toàn cầu! Thêm gần 13 000 tấn vàng ! Số lượng vàng toàn thế giới, từ nay thừa thãi, bảo chứng tiền bằng kim loại quý thứ hai là bạc từ nay không còn cần thiết nữa. Các quốc gia có hệ thống tiền bảo chứng bằng bạc bấy giờ, như Hòa lan hay Nga, phải bỏ bạc, thay thế bằng vàng. Đồng thời những hệ thống tiền tệ được bảo chứng bằng hai loại kim loại vàng và bạc, thí dụ như hệ thống của Hiệp hội Tiền tệ các quốc gia gốc la tinh – Union monétaire latine gồm Thụy sĩ, Pháp, Bỉ, Ý và Hy Lạp cũng bị thay thế, dỉ nhiên, từ đấy chỉ bằng vàng.
Từ đó, phương thức Bảo chứng Vàng được áp dụng ở Bồ đào Nha (1854), ở Đức và Hiệp hội Tiền tệ các quốc gia la tinh (1873), ở Hoà lan (1875), ở Đế quốc Áo Hung (1892), ở Nga và Nhựt (1897), ở Huê Kỳ (1900). Bảo chứng Vàng là mỗi đơn vị tiền của mỗi quốc gia được bảo đảm bằng một số cân lượng nhứt định kim loại vàng. Mỗi đơn vị tiền tượng trưng trên giấy bạc đều có thể được đồi thành số lượng cân vàng đối chiếu. Hối đoái giữa các tiền tệ là so sánh, đối chiếu sự nặng nhẹ cân lượng cách biệt bằng vàng tượng trưng để giao hoán, trao đồi.

Bảo chứng vàng trước cơn bão của Đệ nhứt thế chiến
Chiến tranh đã thay đổi hoàn toàn thăng bằng hệ thống tiền bạc hoàn cầu. Nhu cầu các quốc gia đang tham chiến càng ngày càng tăng, nhập nhiều hơn xuất, mua nhiều hơn bán, cán cân thương mại chẳng chốc mất thăng bằng. Để tiếp tế cuộc chạy đua tiếp liệu cho chiến tranh, cái tự nhiên và đương nhiên cho là sử dụng bộ máy in tiền quốc gia. Số lượng vàng (để bảo chứng) giới hạn! Trái lại, số tiền giấy cần bảo chứng in càng ngày càng nhiều! Kết cuộc: Tiền mất giá! Lạm phát phi mã ! Chiến tranh làm yếu dần vai trò của London, Anh Quốc. Khu City mất thế thượng phong nhường dần vai trò chủ đạo tài chánh tư bản thế giới cho Wall Street, New York, Huê Kỳ. Năm 1919, lạm phát do tiền in quá nhiều bắt đầu ! Lạm phát biến thành khủng hoảng tiền tệ ! Khủng hoảng tiền tệ biến thảnh bão tố kinh tế tài chánh tàn phá nền kinh tế tài chánh bắt đầu ở ấu châu. John Maynard Keynes bèn đề nghị một hệ thống tiền, không cần bảo chứng bằng vàng nữa mà bằng những quy định luật pháp quốc gia, do một quốc gia có một vai trò mạnh làm đàn anh làm trưởng tràng chủ đạo. Đồng tiền quy định ra đời, Một Nhà Nước, một Chánh phủ từ nay với những luật lệ có thể « pháp định » hệ thống tiền tệ quốc gia mình. Đồng tiền «pháp định» ra đời.
Ngay bấy giờ, Keynes đã dùng từ ngữ « fiat monney » rồi, chứ chẵng phải chờ đến sau khi Thỏa ước Bretton Woods thất bại! Ngày nay có hai trường phái với hai quan niệm Fiat monney, hay Fiat currencies.
Trường phái Anh Mỹ anglo-saxon dựa vào động từ La tinh Fiat là phải làm, phải tạo-let it be done. Thí dụ : Fiat Lux-que la lumière soit - Let there be light - Phải có ánh sáng ! (Sáng Thế ký Chương1: câu 3 Sách Cựu Ước). Đây là quan niệm chánh phủ điều khiển. Fiat Monney = tiền Pháp định.
Trường phái thứ hai, trường phái Pháp và la tinh dựa danh từ gốc la tinh fiducia là lòng tin. Ở đây, là quan niệm chánh phủ đề nghị. Fiat Monney được Pháp dịch là monnaie fudiciaire - tiền Tín dụng.

Tình hình bất ổn giữa hai đại thế chiến
Vì những lẽ trên, nên năm 1922, tại Hội Nghị Gênes (Bắc Ý đại Lợi) một hệ thống tiền bạc mới được cho ra đời. Do Anh Quốc tổ chức, nhưng không có mặt Huê Kỳ. Bảo chứng bằng Hối suất đổi thành Vàng – Gold Exchange Standard, để vừa tiết kiệm số lượng vàng vừa bảo chứng tiền bằng một hối suất dựa vào giá trị vàng. Trong hệ thống nầy các đồng tiền các quốc gia khác nhau, đối chiếu trao đổi « với hối suất vàng chuẩn» do thương thuyết với nhau. Các ngân hàng trung ương các quốc gia từ nay không cần trử kim loại vàng nữa, mà sẽ bằng một hoặc hai ngoại tệ chánh, với những giá trị được định chế bằng vàng bảo chứng. Đồng Pound Sterling-Anh Kim £ và đồng US Dollars-Mỹ Kim$.
Nhưng rất còn nhiều quốc gia vẫn luyến tiếc Bảo Chứng bằng Vàng-Étalon Or-Gold Standard. Tháng 5 năm 1925, Tồng trường Tài Chánh Winston Churchill, chuyển đồng Pound Sterling-Anh Kim £ trở về chuần Vàng năm 1914, nghĩa là từ nay Anh Kim có thể đồi thành vàng nhưng dựa giá trên thỏi vàng chớ không trên đồng vàng. Năm 1928, đến phiên Pháp với đồng Phật Lăng-Franc gọi là Franc Poincaré (do tên ông Thủ tướng trách nhiệm) đem tiền quan Pháp trở về trị giá vàng, nhưng chi bằng 1/5 giá vàng năm 1914 - nhưng vậy Phật lăng đã bị xuống giá 80%. Năm1929, Huê Kỳ, Anh Quốc và Pháp sở hữu 80% trử lượng vàng toàn thế giới. Năm 1929, hầu hết các cường quốc đều trở về Gold Standard - Bảo chứng Tiền bằng Vàng. Năm 1929, Đại Khủng Hoảng đến… Mỗi quốc gia tùy cơ ứng biến! Mạnh ai nấy chạy! Sauve qui peut!
Năm 1931, ngày 21 tháng 9, Anh Quốc bãi bỏ hối suất vàng cho đồng Anh Kim. Nhờ vậy, sụt giá đồng Anh Kim. 1933, đến phiên Tổng Thống Roosevelt, Huê Kỳ cũng « chơi trò xí mứn », bỏ ngưng không đối chiếu dollars và vàng nữa, nghĩa là dollars không đổi thành vàng nữa và thừa cơ hội sụt giá đồng dollar-Mỹ Kim hai lần, năm 1933 và năm 1934. Các quốc gia Pháp, Ý đại Lợi, Thụy sĩ, Hòa lan tổ chức « một mặt trận kháng chiến », nhưng « Mặt trận Vàng » do Tứ Cường nói trên lãnh đạo « rã đám » vào cuối năm 1934. Đồng Phật lăng Pháp vẫn được đối chiếu và đổi thành trị giá vàng đến khi Mặt Trận Bình dân cầm quyền ra lệnh sụt giá. Phương Thức Gold Exchange Standard-Tiền Hối Suất Vàng hết hiệu nghiệm. Mạnh ai nấy sống, mỗi quốc gia trở về nhà đóng cửa rút cầu, bế môn tỏa cảng. Từ nay, chế độ protectionisme-Tự che chở, Vị kỷ là quốc sách!

Thỏa ước hay Giao ước Bretton Woods
1944, cục diện chiến tranh có mòi sáng sủa. Phe Đồng Minh Tứ cường, Mỹ Liên Sô Anh Pháp, cảm thấy chiến thắng bắt đầu ló dạng. Những thương thuyết, những họp hành hội nghị giữa các phe thắng trận rồn rập được tổ chức để chia ảnh hưởng, chia sơn hà. Nào hội luận, nào gặp gở, nào thương thuyết, Hoa Sơn luận kiếm, quần hùng thảo luận để sắp đặt một trật tự mới cho thời hậu chiến.
Từ ngày 1 đến ngày 22 tháng 7 năm 1944, một Hôi Nghị về Tiền Tệ và Tài Chánh được tổ chức, tại Bretton Woods, một tỉnh lỵ nhỏ lẽ loi, một trạm thể thao mùa đông trượt truyết, miền Đông Huê kỳ, dưới sự lãnh đạo của một nhóm quốc gia, sau nầy chẳng chốc biến thành Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Bốn mươi bốn (44) quốc gia, thù địch với phe Trục (Đức NaZi, Ý Phát Xít, Nhựt Quân Phiệt) cùng gởi đại diện đến họp dưới sự chủ tọa của Huê Kỳ. Liên Sô Nga, được mời nhưng chỉ tham dự Tiền Hôi nghị thôi. ; trường hợp đặc biệt riêng cho Pháp, người đại diện, Ủy Viên Tài Chánh Pierre Mendès-France (người đại diện quốc gia Pháp ký Thỏa Ước Ngưng Bắn Genève 1954 với Việt Cộng sau nầy) là đại diện của Chánh phủ Lâm thời Pháp.
Vì đây là thời điểm của ngày tàn cuộc chiến, nên cần nhanh chóng phải có những giải pháp tức khắc cho nền kinh tế hậu chiến : phải phục hồi nhanh chóng các trao đổi thương mại, phải phục hồi và xây dựng nhanh chóng lại các hệ thống kinh tế tài chánh, ưu tiên là cho các quốc gia tham chiến. Huê kỳ bấy giờ có một sức mạnh kinh tế sung mãn nhứt. Năng lực sản xuất đang ở mức độ tối đa. Trử lượng vàng ở Ngân Hàng Liên Bang Huê kỳ - Federal Reserve lớn nhứt thế giới. Bài toán được đặt ra cho Huê kỳ là phải làm thế nào biến nền kinh tế hậu chiến của Huê kỳ quay mặt lại thời kỳ và quan điềm của chánh sách kinh tế tiền chiến là bảo vệ và chống lạm phát – protectionisme et déflationisme. Đồng thời, các lãnh đạo Huê Kỳ cũng phải tìm một giải pháp để biến cái nền kỹ nghệ khổng lồ đang phục vụ chiến tranh chuyển sang một ngành kỹ nghệ của thời bình dựa trên xuất cảng. Để được như vậy, Mỹ cần phải tạo một thị trường tiêu thụ hàng hóa Huê Kỳ. Trước mắt tạo dựng và tương lai giữ bền vững để phát triển và cũng cố thị trường ấy. Muôn được như vậy phải tạọ ngay hai điều kiện : thứ nhứt, một hệ thống tiền tệ quốc tế bền vững, để nhanh chóng phục hồi ngành thương mãi thế giới, đồng thời tạo điều kiện để phát triển nhanh chóng một nền kinh tế thị trường khả dĩ nhanh chóng vực lại các nền kinh tế các quốc gia đang hoàn toàn tan vỡ do chiến tranh tàn phá, đặc biệt các quốc gia Tây Âu.
Các nhà đại diện cuộc Hôi Thảo tại Bretton Woods thật sự chỉ đến đấy để chấp nhận những đề nghị đa phần đã được sắp xếp trước. Bảng tổng kết là một sự dàn xếp giữa hai đề nghị, một bên của Harry Dexter, phụ tá Tổng Trưởng Tài Chánh Huê Kỳ và một bên của nhà đại kinh tế gia anh quốc Keynes.
Đại cường quốc, vừa kinh tế tài chánh vừa quân sự, Huê Kỳ cầm cán toàn buổi Hội Thảo, không dành một quan điểm nào cho các đồng minh mình, kể cả Anh Quốc. Ngày 22, kết luận Thỏa Ước. Từ nay, đồng dollar Huê Kỳ là đồng tiền trung tâm làm chuẩn cho một hệ thống tiền tệ quốc tế. Tất cả mọi hệ thống tiền tệ phải dựa vào đồng dollar. Đồng dollar là đồng tiền, duy nhứt lấy chuẩn hối suất vàng : 35 dollars đổi bằng 1 once vàng tức là 31,104 grammes vàng.
Như vậy mọi hệ thống tiền tệ đều có một hối suất nhứt định so với đồng dollar.
Thỏa Ước Bretton Woods trở về với phương thức đồng tiền với hối suất vàng. Nhưng chỉ với đồng dollars Mỹ kim$ thôi! Từ nay, hệ thống tiền tệ thế giới ổn đinh, với các hối suất tiền tệ nhứt định. Nếu có thay đổi chăng đi nữa cũng sẽ trong một khoảng cách nhỏ, rất dễ kiểm soát. Thỏa Ước thành lập 2 tổ chức quốc tế để điều hành nền kinh tế tài chánh thế giới: Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - Fond Monétaire Mondial FMI và Ngân Hàng Thế Giới- Banque Mondiale, trụ sở đặt tại Washington.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế có ba nhiệm vụ : khuyến khích những sự hợp tác quốc tế về mặt tiền tệ, bằng cách tạo những nhiệm vụ nghiên cứu cố vấn và cộng tác giữa các quốc gia, tạo điều kiện dễ dàng để phát triển nên thương mãi quốc tế và khuyến khích sự ổn định hối đoái. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tệ được tạo bởi sự đóng góp bằng hiện kim vàng hay bằng ngoại tệ của các quốc gia hội viên, tỷ lệ đóng góp tương xứng với tài sản quốc gia. Phần Huê Kỳ năm 1944 là 31,4%.
Riêng Ngân Hàng Thế Giới có nhiệm vụ là tài trợ tái kiến thiết, xây dựng lại các quốc gia bị tổn thất bởi chiến tranh và các quốc gia chậm tiến.

Ngày tàn của Thỏa ước Bretton Woods
Ngày 15 tháng 8 năm 1971, Tổng Thống Huê Kỳ Nixon, hạ giá đồng dollar và bãi bỏ Hối suất vàng đối với dollar.
Thế là hết thời kỳ của Thỏa Ước Bretton Woods. Vì đâu nên nỗi?
Do Pháp, Tướng De Gaulle Tổng Thống Pháp năm 1960 đã chống sự chủ đạo của đồng dollar và đòi đưa Phật lăng Pháp trở về Bảo chứng Vàng Étalon or. De Gaulle chứng minh trong một buổi họp báo ngày 4 tháng 2 năm 1965, rằng sự thật một ounce vàng bảo đảm cho 35 dollars từ nay, hoàn toàn sai. Trử lượng vàng đương thời của xứ Mỹ không đủ sức bảo đảm hối suất nầy. Vì số bạc giấy dollars luân chuyển trên hoàn cầu nhiều hơn số vàng dự trử đối chiếu chuẩn ban đầu. Như vậy, theo Tướng De Gaulle, Huê Kỳ đã mượn tiền thế giới để ăn xài hoang phí tự do một cách vô thưởng vô phạt! Chỉ cần cho mấy in tiền chạy thôi ! Vì vậy ông đề nghị trở về với Bảo Chứng bằng Vàng-Gold Standard.
Năm 1971, lần đầu tiên cán cân thương mãi Huê Kỳ suy sụt, Huê Kỳ vỡ nợ. Lý do: chiến tranh Việt Nam và du hành lên Mặt Trăng. Dỉ nhiên để trám lỗ lả, Huê Kỳ cho máy in giấy bạc chạy.
Vì dollar đổi được vàng, nên các quốc gia hôi viên bắt đầu đem dollars giấy đi đổi lấy vàng của Huê Kỳ. Trử lượng vàng Mỹ bắt đầu sụp dần.
Vì thế Nixon đành khóa cửa, dẹp Bretton Woods.

Và ngày nay ?
In God we trust. Mỹ nợ như chúa chổm, nhưng nợ tính bằng dollars-MỹKim$.
Trung Cộng dư thừa một lô tiền, Trung Cộng là chủ nợ cầm hầu bao của nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt là Mỹ.
Nhưng tiền nợ cũng được tính bằng dollars-Mỹ Kim$.
Và Mỹ in giấy bạc dollars-Mỹ Kim$.
Muốn trả nợ chỉ cần in tiền!
In God we trust!
Ngày Nay, Hối đoái được thả lỏng, theo Kinh tế Thị Trường. Hối đoái theo luật Cung/Cầu. Từ ngày Thỏa Ước Jamaïque, tháng Giêng 1976, Quỹ Tiền Tệ FMI không còn nhiệm vụ bảo đảm thăng bằng các hối suất, theo dõi các thăng trầm diển biến các đồng tiền của các hôi viên, cố giữ khoản cách trồi sụt không quá 1% nữa! Nhiệm vụ ngày nay chỉ còn xem quốc gia hội viện nào bị khó khăn tài chánh, mở hầu bao cho mượn tiền để tránh cảnh phá sản và tránh thế giới gặp khủng hoảng. Nhưng tiền cho mượn lấy ở đâu ở đâu ? Ở quỹ chung do các hôi viên đóng góp, trong ấy phần đóng góp của Huê kỳ, cao nhứt, bằng đồng dollars do máy in ở Mỹ sản xuất với hàng chữ : In God we trust.
Và Vàng ? Vàng ngày nay càng ngày càng làm vật bảo thân… phòng thân!
Và các Ngân Hàng Trung Ương các quốc gia còn dự trữ vàng hay không ?
Riêng phe ta, gốc tỵ nạn, vì gà chết nuốt giây thun, nên lúc nào cũng mê vàng và ôm vàng.
In Gold we trust!

Hồi Nhơn Sơn, viết ngày Cá tháng Tư. Năm 2015
Phan Văn Song

 

Đăng ngày 12 tháng 04.2015