banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

 

 Lê Vĩnh Thọ, thời ở Trịnh Hoài Đức Bình Dương

Võ Kỳ Điền

(Cụu SV ban Việt Hán, khóa 61-61)

Những ngày gần cuối tháng tư năm 1975 cả miền Nam như lên cơn sốt. Tin tức bất lợi dồn dập từ Huế, Ðà Nẵng, Nha Trang vọng về. Trường tôi cũng thoi thóp. Từ ông Hiệu Trưởng, ông Giám Học, đến các giáo sư đa số là người Sài gòn... cho nên không còn mấy người lặn lội lên trường trong cái không khí ngột ngạt đó. Tôi là người địa phương nên không bị trở ngại. Buổi trưa đó chừng độ 2 giờ, tôi phụ trách một lớp bên trường nữ. Trường nữ và trường nam cách nhau độ 2 cây số, từ ngỏ bánh bèo Mỹ Liên đi sâu vô bên trong là tới. Hình như chỉ còn có vài lớp có giáo sư mà thôi. Trong khi đang giảng bài như thường lệ, thình lình bên ngoài cửa sổ giửa đồng không hiu quạnh, nắng cháy im lìm, một con trốt vần vũ, uốn éo, cuốn hút một đám bụi rác khổng lồ lên cao chừng cả cây số, như hình dáng một con rồng đang hút nước, lâu chừng năm ba phút..., học sinh túa ra cửa sổ, chen lấn nhau để coi cho mãn nhãn.

Cả đời tôi tuy có nghe nói mà chỉ thấy lần đầu. Một hiện tượng đất trời kỳ lạ. Tôi cũng biết chút ít dịch lý, bèn thử coi chuyện gì xảy ra. Trường hợp nầy tôi áp dụng Mai Hoa mà không dùng Bốc Phệ vì không đem theo tiền để gieo quẻ. Cộng trừ năm, tháng, ngày, giờ, tôi tính được quẻ Phong Thuỷ Hoán. Mà Hoán là thay đổi. Tất cả rồi sẽ đổi thay. Như vậy là điềm trời đã rõ ràng, còn gì để nói nữa ! Tôi bèn từ giả đám học sinh còn đang ngơ ngác, chưn bước ra về, những bước đi nặng chình chịch. Ra tới cổng tôi quay lại nhìn Trịnh Hoài Ðức của tôi một lần vì biết chắc chắn, rồi đây tất cả sẽ chỉ còn là kỷ niệm. Một trang sử lớn của đất nước sắp lật qua...

Trường Trịnh Hoài Ðức là công lập lớn nhứt tỉnh nhưng lại được xây dựng ở Búng cách Bình Dương sáu cây số, giữa một cánh đồng với những nương rẩy ngút ngàn. Giáo sư Lê Vĩnh Thọ mướn nhà ở bên kia đường đối diện với trường. Thọ có thực tài, có tư cách, dạy hay, tận tâm, học sinh rất yêu mến. Vì ngoài tài dạy học ra, Thọ còn là một thi sĩ có nhiều bài thơ được đăng ở Bách Khoa, Văn, Văn Học... các tạp chí nổi tiếng thời bấy giờ. Ở tỉnh nhỏ như Bình Dương mà có người nổi tiếng thơ văn là thiên hạ quí lắm.

Lê Vĩnh Thọ người tầm thước, da thịt hồng hào sáng sủa, mái tóc bồng bềnh, ánh mắt sáng và mạnh, nhìn ai như thấy hết cả ruột gan người ta, thuộc hạng đẹp trai. Ðặc biệt cái mũi cao thẳng tắp nở nang, đầu mũi tròn trịa, đều đặn, kín đáo. Mỗi lần gặp Thọ, tôi kín đáo quan sát và nghĩ thầm trong đầu bạn mình có cái mũi tốt như vậy, đặc biệt là sơn căn cao đầy, tiếp giáp thẳng với ấn đường, không gảy khúc, đứt đoạn, mặt mũi phân minh, mắt sáng môi hồng, tại sao đời lại vất vả, bôn ba, thiếu trước hụt sau đến vậy ? Có lẽ tại dáng đi.

Thọ khi đi đứng dáng lầm lũi, đầu cuối xuống, mặt thường đăm chiêu. Tôi hiểu rồi, cái phá tướng của Thọ là ở đó. Cũng có lẽ nhờ cái tướng đi đó mà Thọ thành thi sĩ hổng chừng. Mà thi sĩ thì làm sao mà giàu sang cho được. Thời đó trường tôi có nhiều thi văn sĩ thành danh như Nguyễn Ðông Ngạc, Huỳnh Thanh Tâm, Nguyễn Nhật Duật, Lê Vĩnh Thọ, hoạ sĩ Lê Văn Bình... thiệt tình không nhớ hết vì lúc đó tôi còn mãi mê nuôi cá kiểng với làm ba cái chuyện ruồi bu, đồng thời cũng hơi lúng túng, ngại ngùng khi liên lạc với các đồng nghiệp văn thi sĩ, triết gia vì bị mặc cảm thua kém.

Lê Vĩnh Thọ nghiêm trang, ít cười, ít nói, nhưng khi nói thì hùng biện, lưu loát, lập luận vững chắc, đôi khi châm chọc không kiêng dè, dễ làm mích lòng người đối thoại. Về quan điểm chánh trị thì Thọ nhiều phen phê bình chánh quyền hiện tại. Thọ thường cho rằng người nào thân chánh quyền thì không xài được. Biết đâu Thọ cũng nghĩ tôi thân chánh quyền ? Dám lắm chớ ! Nhớ có lần Ðại Tá Tỉnh Trưởng cho biết - giáo sư Lê Vĩnh Thọ đã nhiều lần ca tụng Hồ Chí Minh giửa lớp học. Tôi đã trả lời - giáo sư Thọ là thi sĩ và gàn lắm, chưa chắc là ông ta nghĩ thiệt như vậy !

Cũng lối nói chuyện xà bát đó, sau 1975 khi Việt Cộng vô, họ thường tổ chức các buổi học tập chánh trị cho giáo viên, người chánh trị viên tên Tám Nguyễn, Trưởng Phòng Giáo Dục huyện Lái Thiêu, đã bị Lê Vĩnh Thọ kê tủ đứng vô ngay họng - ông nói tội ác ngụy quân, ngụy quyền, trúc Nam sơn không ghi hết được, nước biển Ðông không thể nào gột rửa cho sạch được, vậy nhà nước lập ra các trại cải tạo để làm chi, sao không bắn bỏ hết cho rồi ? Người giảng viên lúng túng, trả lời quanh co, anh em giáo sư chúng tôi ngồi sợ xanh mặt, không biết là Thọ có nhớ mình hiện là trung uý biệt phái về bộ Giáo Dục, con cá đang nằm trên thớt chờ con dao bén thù hận của Việt Cộng bổ xuống hay không ?...

Sau đó Thọ đi học tập mút mùa, cũng như toàn thể vợ con công chức quân nhân miền Nam, vợ Thọ và các con lâm cảnh nheo nhóc. Chị Thọ đành nghỉ dạy và ngồi bán kẹo bánh cho các học sinh trước cổng trường để làm kế sinh nhai. Tôi chưa có dịp gặp qua chị Thọ nhưng nghe các em học sinh nói rằng - cô người Huế đẹp và dễ thương lắm.

 

***

 

Sau khi đi học tập về, Lê Vĩnh Thọ ghé thăm tôi vào khoảng 1978, quần áo lùi xùi, vóc dáng xơ xác, giọng nói vẫn đầy, ấm và sang sảng như xưa tuy cố ý ghìm lại cho nhỏ hơn. Lúc nầy bạn làm nghề bán than lậu. Mỗi ngày gò lưng đạp xe chở từng bao than nặng cả trăm ký, đi hàng mấy chục số cây số, len lỏi qua bao nhiêu trạm kiểm soát kinh tế... Ngày nắng ngày mưa, ngày lời ngày lỗ, mong kiếm số tiền còm cõi với thân xác cũng còm cõi, nuôi vợ nuôi con. Dù vậy nét đẹp trai, hào hùng, cứng cỏi, bất khuất của Thọ vẫn còn nguyên. Sau năm ba câu chuyện, Thọ từ giã ra về và bất ngờ hỏi nhắn tôi một câu:

-Chừng nào bạn thấy rồng hút nước nữa thì cho tôi hay liền nghen. Bây giờ thì tôi mong nó đến cho lẹ...

Tôi bật cười nói với bạn: thi sĩ Lê Vĩnh Thọ mà cũng tin chuyện bói toán sao!


Võ Kỳ Ðiền