Nửa thế kỷ trước mẹ dắt tôi đi học. Ôm quyển vở, cây bút lá tre và trên tay toòng teng lọ mực tím mà lòng xôn xao, lo lắng khi bước vào lớp học là nhà của cụ giáo, người thân quen của bố mẹ từ những ngày còn ở quê Bắc. Ngày đó tôi khóc không chịu đi học, được dỗ dành mãi tôi mới theo mẹ đi. Vào lớp rồi, mẹ ra về tôi lại khóc.
Vài buổi sau thì quen trường, quen bạn. Lớp vỡ lòng, mỗi ngày thầy giáo viết mấy chữ cái bằng phấn trắng trên bảng đen cho đám học trò nhỏ nắn nót chép vào vở. Về nhà còn được mẹ cầm tay tập viết chữ cho đẹp, cho ngay hàng. Theo thời gian của niên học, học trò viết chữ cái, ghép nguyên âm với phụ âm thành tiếng và được thầy đọc to cho cả lớp lập lại: ma, má, mà, ba,
Với tất cả anh em chúng tôi, mẹ luôn nhắc bảo các con trong những ngày đầu đến trường là phải thuộc lòng 24 chữ cái mà sau này có dịp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở Mỹ tôi mới nhận ra con số đó không đúng vì chỉ có 23 mẫu tự từ a đến y. Còn nếu kể tất cả các âm như a, ă, â, e, ê, i… thì phải hơn con số 24 rất nhiều. Tôi hỏi, mẹ nói ngày xưa mẹ chỉ đi học để biết đọc, biết viết và nghe cụ đồ nói có 24 chữ cái thì mẹ biết thế.
Nhìn lại thời học sinh ở quê nhà, tôi nhớ nhất tập vở với nét chữ mực tím. Không biết những năm tiểu học đám học trò tuổi nhỏ như tôi đã tốn bao nhiêu mực, bút, bao nhiêu quyển vở để có được những hàng chữ đẹp chan chứa về đức dục: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Uống nước nhớ nguồn”; về lễ nghĩa: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Không thày đố mày làm nên”.
Lên cấp hai, giã từ lọ mực tím cùng bút lá tre để làm quen với những cây bút máy hiệu Pi-lốt, hiệu Pa-ke mực xanh, mực tím. Nếu ngòi bút đã giúp học sinh tiểu học nắn nót từng chữ cho đẹp thì cây bút máy bậc trung học bắt đầu làm con chữ ngả nghiêng theo ngón tay ngoáy trên trang vở tùy tâm tình buồn vui, hờn giận, mộng mơ, bực tức của tuổi hoa niên. Khi bút Bic trở nên thịnh hành ở cấp ba, đó cũng là lúc chữ nghĩa viết ra nhiều khi chỉ một mình đọc được, ngoại trừ khi viết thư tỏ tình, vì nét chữ nay như dấu chân gà bới mà lại được cho là dấu chỉ tương lai làm bác sĩ.
Ba mươi sáu năm trước, qua Mỹ đi học cũng thấy bảng đen, thêm vào bảng xanh lá cây và cũng phấn trắng nhưng loại cứng, ít bụi chứ không xốp và bảng đen không sần sùi như trong lớp học ở Việt Nam.
Ra trường, tôi đi dạy học tận bên châu Phi. Ở đó gặp lại phấn trắng, bảng đen như ở quê nhà. Học trò thiếu sách, thày phải viết liền tay lên bảng những tóm tắt, những định lý, công thức, những bài tập, bài giải. Đám học trò lúc đầu tuy xa lạ với nét chữ, giọng nói của một ông thày có nguồn gốc rất lạ nhưng rồi dần quen thân vì các em học lý hoá để thi tú tài, chương trình cũng dựa theo khuôn mẫu giáo dục Pháp mà tôi đã được học với thày Nguyễn Công Trứ ở trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định một thập niên trước đó. Là một thày giáo người Mỹ, nhưng có nguồn gốc Việt nên tôi cũng đã trải qua những kỳ thi tú tài đầy ắp lo âu, vì thế mới niên khoá đầu mà thày trò đã chia sẻ với nhau nhiều cảm thông, gần gũi.
Tác giả trong những năm dạy học ở Togo, châu Phi
Những năm cầm phấn viết bảng đã làm da ngón tay sần sùi, chai lại. Bạn đồng hành hỏi về Hoa Kỳ có tiếp tục dạy học hay không? Tôi trả lời nếu cứ phải viết bảng và hít bụi phấn như ở đây thì chắc tôi đổi nghề.
Sau năm năm làm việc ở nước ngoài, về Mỹ tôi hứng khởi tiếp tục dạy học vì trong lớp bảng đen, bảng xanh được thay bằng bảng trắng, phấn viết thay bằng những cây bút lông to nét nhiều mầu: đen, xanh, đỏ và máy vi tính loại nhỏ bắt đầu được sử dụng trong học đường.
Phấn trắng bảng đen trở thành đổ cổ giáo dục. Với học trò Mỹ, cây bút chì là vũ khí và phím gõ là đài chỉ huy để xông ra chiến trường chống sự dốt nát. Đám học trò nhỏ ngày nay tuy không sợ làm đổ mực lên sách vở, nhưng với bút chì, bút Bic, học trò sẵn sàng quẹt lên trang sách, tập vở để chọc ghẹo nhau, như đám học trò Việt xa xưa rạch sách, vẩy mực lên vở mỗi khi tức bạn điều gì đó.
Bảng đen phấn trắng đã thành cổ vật và chỉ vài năm nữa thôi bảng trắng sẽ không còn dùng để viết mà thành màn hình vì ngày nay thày cô đi dạy đều có laptop với máy chiếu. Hai chục năm hơn về trước máy overhead là một học cụ không thể thiếu. Sau có máy elmo chiếu thẳng những trang sách, bài giảng của thày cô, bài mẫu của học sinh lên màn hình cho cả lớp học. Bây giờ với laptop lúc nào cũng có thể nối mạng từ trong lớp học thì việc soạn bài, giảng bài, hay phóng những trang sách giáo khoa, bài tập, bài làm ở nhà lên màn hình đều nằm trong đó. Vào lớp, thày cô bật máy lên là có tất cả. Còn học sinh lên mạng là biết bài thày cô ra cho lớp gồm những gì, biết bài nào đã nộp hay còn thiếu, biết điểm bài kiểm tra cao thấp ra sao. Phụ huynh lên mạng theo dõi việc học của con em, liên lạc, bàn luận với giáo viên phụ trách một cách dễ dàng.
Thế nhưng không phải tất cả đều muốn nhà trường cấp laptop cho học sinh. Lập pháp bang Idaho mới thông qua một đạo luật với ngân sách dành cho mỗi học sinh cấp ba một laptop dùng trong niên học. Nghe ra là chuyện hiện đại hoá học đường nên làm, nhưng nhiều giáo chức và phụ huynh phản đối vì cho rằng đem kỹ thuật cao vào trường sẽ làm giảm đi số giáo viên cần có, còn tự học qua máy vi tính không chắc đem lại những kết quả tốt vì học sinh không chỉ học với máy mà luôn cần có người thày ở bên để hướng dẫn, chỉ dạy; để học trò học chung theo nhóm, để thày trò cười vui với nhau là những điều máy không làm được. Giáo chức và phụ huynh đã thu thập đủ chữ ký đưa việc này ra cho cư dân Idaho quyết định trong kỳ bầu cử tháng 11 tới đâTrong khi đó ở vùng San Jose, thủ đô của công nghệ thông tin, có một trường tiểu học sẽ cung cấp cho tất cả học sinh mỗi em một Ipad hay Ipod-Touch để làm bài trong lớp trong niên học này.Lớp học ở Hoa Kỳ ngày càng hiện đại hoá. Thế nhưng học lực của học sinh Mỹ lại đi xuống so với nhiều nước phát triển trên thế giới. Đó là một nghịch lý gây tranh cãi giữa những nhà làm chính sách giáo dục trong nhiều năm qua mà chưa có hướng giải quyết.
Công nghệ thông tin và kỹ thuật cao đã chuyển đổi lớp học từ phấn trắng bảng đen cùng nét chữ đơn sơ qua laptop chằng chịt thông tin. Với nhiều học cụ tân tiến để tiếp cận giáo dục, nhưng biết sử dụng cây bút như vũ khí và dùng phím gõ chỉ huy để chiến đấu với sự dốt không phải là điều dễ cho những tâm hồn học sinh.
Nửa thế kỷ đi học. Gần ba thập niên đi dạy. Nay tôi vẫn nhớ cái thời đam mê học hành cùng phấn trắng và bảng đen với biết bao kỷ niệm thật đáng yêu.
Bùi Văn Phú