banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Buổi ra mắt "Tuyển tập Tiểu Tử"

tieu tutieu tu

"Tuyển tập Tiểu Tử" đã được Ái hữu Đại học Sư Phạm Sàigòn - cùng với sự yểm trợ tích cực của: Hội Ái hữu Gia Long Paris, Hội Ái hữu Petrus Ký Pháp, Gia đình KH Cao Niên và Câu Lạc Bộ Văn hóa Việt Nam tại Paris - tổ chức ra mắt độc giả vào 14h ngày Chủ nhật 05 tháng 06.2016 tại Espace d'Hermès, 11 rue de la Vistule, Paris 13.
Buổi ra mắt sách đã thành công vượt quá lòng mong đợi của Ban Tổ chức với sự tham dự của mọi thành phần người Việt ở Pháp, từ những ông bà cụ lớn tuổi đi đứng khó khăn phải nhờ con cháu dìu đỡ đến những người trẻ tuổi trung niên... Tất cả đã đồng lòng dành một buổi chiều cuối tuần quý báu để đến nghe, nhìn và tiếp xúc với Người Văn mà họ thương mến, đúng như nhận xét của diễn giả Trần Văn Cảnh "Tôi thấy rằng tất cả những người đã đến đều đã đến vì quí mến nhà văn Tiểu Tử bởi ông có cái "Tâm nhân nghĩa" của người Việt Nam đích thực..."

tieu tu

tieu tu tieu tu

 tieu tu tieu tu

tieu tu tieu tu

tieu tu tieu tu
TTH tường trình

* * *

Những bài phát biểu trong buổi ra mắt "Tuyển tập Tiểu Tử":

 

Đôi dòng về Nhà Văn Tiểu Tử

do binh
Nhà Văn Đỗ Bình

Mười mấy năm qua trên các diễn đàn mạng, tạp chí văn học xuất hiện một cây bút miền Nam với lối văn rất đặc thù của miệt vườn, đó là nhà văn Tiểu Tử.
Như các bạn đã biết, nhà văn Tiểu Tử nguyên là một kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp và về nước vào cuối thập niên 50 ở thế kỷ trước, khởi đầu bằng nghề dạy học (tại trướng Petrus Ký, Sàigòn).
Nguyên nhân nào từ một nhà khoa học, một nhà giáo, Võ Hoài Nam lại trở thành nhà văn?
Qua những điều tôi được biết do các nhà văn hoặc bằng hữu kể: Ngay từ thuở còn đi học ông Võ Hoài Nam đã được Trời ban cho một tâm hồn đầy cảm xúc thể hiện qua đôi bàn tay họa sĩ khéo léo để vẽ những bức tranh sắc màu bằng những đường nét hình tượng. Ông vẽ rất đẹp và đã vẽ phông cho các tuồng tích cải lương, vẽ ký họa, biếm họa cho các nhật báo Sài gòn thuở ấy, điển hình là tờ báo Tiến của nhà báo Đặng Văn Nhâm. Dấn thân qua những lãnh vực nghệ thuật hội họa, cải lương, cộng với kinh nghiệm của báo chí đã giúp cho ông nhiều chất liệu sống để sáng tác. Cải lương giúp cho ông có cái nhìn nội tâm các nhân vật diễn tả những tình cảm ẩn chứa trong từng vai, nhất là cách trích đoạn tuồng. Hội họa giúp cho ông có cái nhìn về cận ảnh, viễn ảnh, phân cảnh và màu sắc, báo chí giúp cho ông có cái óc quan sát và ghi nhận.
Thừa hưởng những thứ trên nhà văn Tiểu Tử đã hòa vào tâm hồn mình để đưa vào tiểu thuyết, ông đã dùng một lối văn phong đặc thù miền Nam, câu văn giản dị nhưng ý tưởng sâu sắc, câu chữ trong đối thoại chọn lọc có ẩn ý. Ở xứ người lâu ngày ngôn ngữ thường dùng là ngôn ngữ bản xứ, tiếng mẹ đẻ ít được sử dụng nên dần bị quên lãng!
Nhà văn Tiểu Tử đã dùng một lối văn phong hiện thực để phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa VN, ở đó đầy rẫy những bất công, nhân quyền bị chà đạp thân phận con người bị ngược đãi, chất ngất những lời than tiếng dân ai oán. Nhà văn đã thu những hình ảnh đó và đồng cảm với họ qua ngòi bút, đã tạo một sắc thái riêng nhưng vẫn giữ được nét đặc thù của tiếng mẹ đẻ.
Với những cống hiến đó, nhà văn Tiểu Tử đã lưu lại những trang sách Việt trên xứ người, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt hải ngoại.
Đỗ Bình
 


Một nền văn hóa

vượt lên trên bánh cuốn, chả giò và phở...

tu thuc
Ký giả Từ Thức

Sự hiện diện đông đảo của quý vị trong một ngày chủ nhật chứng tỏ lòng quý mến đối với nhà văn Tiểu Tử, một ngòi bút miền Nam điển hình.
Với ngôn ngữ miệt vườn, ông mô tả một cách linh động, đầy xúc cảm pha những nét khôi hài, một xã hội miền Nam tan nát, đảo lộn sau tháng Tư 75.
Trong khi tiếng Việt càng ngày càng bị Tầu hóa, Mỹ hóa, ngôn ngữ đặc Nam Việt trước 75 trong tác phẩm Tiểu Tử, là một hình thức bảo tồn tiếng Việt, văn hoá Việt, tâm hồn Việt.
Truyện ngắn của ông cũng là những nhân chứng gợi hình của xã hội trong một giai đoạn đen tối của lịch sử. Làm sống lại quá khứ là một việc cần thiết, vì một dân tộc sẽ không có tương lai, không biết đường đi, nếu không có quá khứ, nếu quên những bài học của quá khứ.
Sự hiện diện đông đảo của quý vị cũng là một điểm lạc quan cho cộng đồng Việt Nam. Vì một cộng đồng không thể không có sinh hoạt văn hóa. Một cộng đồng, cũng như một cá nhân, không phải chỉ sống bằng bánh mì...
Văn hóa là một yếu tố giúp chúng ta vươn lên, gần nhau, đoàn kết với nhau, bớt chia rẽ hơn trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn của đất nước và giản dị nhất là để cho cộng đồng người Việt Nam hải ngoại có được cho mình một nét văn hóa sâu sắc hơn có thể vượt trội lên trên bánh cuốn, chả giò và phở...
Từ Thức


Đọc « Tuyển tập Tiểu Tử »

tran van canh
Gs Trần Văn Cảnh

Xưa cũng như nay, thời nào cũng vậy, chất lượng của một tác phẩm văn hóa tri thức vô vật thể đều có thể được tìm hiểu và định lượng theo ba yếu tố khác nhau : do tài khéo của tác giả sáng tác, do chất lượng của tác phẩm hoàn thành và do sự thỏa mãn và mến phục của những người đọc. Do đó, để tìm hiểu về một tác phẩm văn chương, ba câu hỏi liên hệ đến người đọc, đến nội dung sách đọc, và đến tác giả sáng tác sẽ phải được đặt ra. Hôm nay, chúa nhật 05.06.2016, được mời phát biểu trong buổi ra mắt sách «Tuyển tập Tiểu Tử», tôi đã đọc sách này và xin góp vài ý mọn. Chúng ta đã biết những ai đã đọc các sách đã phát hành của Tiểu Tử. Chúng ta cũng đã biết Tiểu Tử là ai. Chúng ta chưa biết nội dung sách «Tuyển Tập Tiểu Tử». Vì vậy, tôi đề nghị về độc giả và về tác giả, chúng ta sẽ vắn tắt nhắc lại, mà để dành nhiều thời giờ hơn tìm hiệu nội dung của cuốn sách được ra mắt hôm nay.
Đông đảo bà con người Việt ở khắp nơi biết đến nhà văn Tiểu Tử và tìm đọc sách của ông. Chẳng những họ đọc mà còn chuyền tay, biếu tặng nhau sách của ông. Hoặc hăng hái và quí mến hơn nữa, họ lập những trạm tin học để viết và nói về Tiểu Tử.

Cách đây ba năm, vào tháng 02 năm 2013, tôi hết sức ngạc nhiên, khi một anh bạn lái taxi trẻ đưa tặng tôi cuốn sách «Chị Tư Ù» và nói với tôi: «Cháu xin biếu bác tập sách này. Hay lắm. Bác về đọc xem có đúng vậy không»?
Được mời tham dự buổi ra mắt sách của Tiểu Tử, tôi tìm đọc Tiểu Tử và rất ngỡ ngàng khi khám phá ra 24 mạng lưới tin học viết và nói về Tiểu Tử, trong đó, 14 mạng trình bày những tác phẩm viết của Tiểu Tử. Ai muốn đọc thì tha hồ lên đọc. Đó là : vnthuquan, quehuongta, vietnamdaily, daihocsuphamsaigon, taberd75, baovecovang2012, vietbao, vulep, ngoctrac, phusaonline, lamtamnhu tháng 2.2016, lamtamnhu tháng 4.2016, aejjrsite và khoahocnet. Số bài trình bày trên các mạng này biến thiên từ 1 đến 42 bài; 4 mạng đọc truyện Tiểu Tử dưới dạng Youtube để ai thích, có thể nghe; và 6 mạng trình bày những ý kiến phân tích hay phê bình về những tác phẩm của Tiểu Tử.
Nhìn qua những người hay cơ quan, hội đoàn phổ biến về Tiểu Tử như vậy, rõ rệt ai cũng đã thấy rằng có rất nhiều người đã đọc những sách truyện ngắn của Tiểu Tử. Tương lai, chắc chắn sẽ còn có nhiều người hơn sẽ đọc Tiểu Tử.

Tác phẩm «Tuyển tập Tiểu tử», ra mắt hôm nay ở Paris, viết gì ?
«Tuyển tập Tiểu Tử» ra mắt hôm nay ở Paris là một tập sách được «Người Việt» xuất bản in tại Mỹ, năm 2016. Sách dầy 200 trang, gồm 14 truyện ngắn : Bài ca vọng cổ, Chị Tư Ù, Con Mén, Làm thinh, Made in Việtnam, Mùa Thu Cuộc Tình, Người viết mướn, Nội, Ông già ngồi bươi đống rác, Tấm vạc giường, Thằng đi mất biệt, Tô cháo huyết, Xíu, Thằng chó đẻ của má.
Để tìm hiểu kỹ cái nội dung của Tuyển Tập Tiểu Tử, sau đây chúng ta sẽ phân tích cấu trúc truyện ngắn thứ nhất «Bài ca vọng cổ» để tìm hiểu cái văn phong độc đáo trong cấu trúc truyện ngắn của Tiểu Tử. Sau đó chúng ta sẽ phân tích tóm lược từng truyện của tất cả 14 truyện. Rồi tóm kết bằng một cái nhìn tổng hợp về cái nội dung chung của 14 truyện ngắn ấy.
................................................................................................

Tiểu tử là nhà văn có biệt tài viết truyện ngắn, với bảy nét văn phong độc đáo. Thứ nhất là dùng từ ngữ bình dân chân thật Miền Nam. Ngôn ngữ bình dân này đã được nhận ra ngay từ các tên đề truyện, cho thấy rõ nét sống động, thực tế, khách quan của hết các truyện ngắn của Tiểu Tử. Thứ hai là sự giản dị, nhưng đầy đủ của các tình tiết trong truyển kể, khiến người đọc có cảm tưởng rằng những sự kiện thực tế hằng ngày đã được một cái óc phân tích hóa học phân tích ra và thâu thập được hết các yếu tố cần thiết. Thứ ba là sự tổng hợp minh bạch của cấu trúc mạch lạc rõ ràng dễ hiểu của truyện viết. Độc giả nhận ra đâu đây có một bộ óc tổng hợp vật lý đã theo dõi các biến chuyển rồi thâu nhận, ghi nhớ, xếp đặt, tổng hợp và trình bày ra trong các truyện ngắn được viết. Thứ tư là cái tâm hồn nhân hậu, nhậy cảm, đầy tình người có giọng văn chân thành, giản dị, gợi cảm làm nhiều độc giả xúc động không cầm được nước mắt. Thứ năm tính chất giáo khoa lịch sử của truyện. Lịch sử chính biên của nhà nước có khi bỏ sót, viết sai, thêm sai. Nhưng những truyện kể của Tiểu Tử là những truyện thật, viết ra từ chính cuộc sống thực mà ông đã nhìn thấy, nghe được, cảm nhận được. Thứ sáu là giọng văn giáo dục sư phạm của ông. Nhờ cái óc khoa học này, trong bản chất nội tại của chúng, các truyện ngắn cũa Tiểu Tử đã hàm chứa và toát ra cái nét giáo khoa, sư phạm trong văn phong của ông. Thêm vào đó, trong một số truyện ngắn, sau khi đã kể truyện xong, nét văn phong thứ bảy đã được nêu ra, với một vài nghi vấn giáo dục, có tính cách tự kiểm.
Nhưng vượt trên cái biệt tài của nhà văn viết truyện ngắn, và là nền tảng khiến cái biệt tài ấy được thành công là cái con người rất người của Tiểu Tử. Văn là người. Mỗi truyện là một mảnh đời, với những tâm tình, ngôn ngữ, văn phong của Tiểu Tử. Đọc 14 truyện ngắn, độc giả sẽ dần dà nhận ra con người sâu thẳm và chân thật của Tiểu Tử. Đó là một người Việt Nam có “Tình Yêu Thương Việt Nam » (Bài ca vọng cổ), có « Tình yêu thương Người Việt Nam » (Chị Tư Ù, Made in Vietnam, Nội, Tô cháo huyết, Thằng chó đẻ của má), và có « Tình yêu thương Tiếng Việt Nam » (Con Mén).
Chính ba tình yêu thương này đã là nội dung chính yếu được diễn tả một cách chân thật trong các truyện của ông, chẳng những trong những truyện của « Tuyển Tập Tiểu Tử », mà còn trong từng truyện và trong tất cả những truyện ngắn mà Tiểu Tử đã sáng tác. Và chính ba tình yêu thương này, « Yêu thương Nước Việt Nam, Yêu thương Người Việt Nam và Yêu thương Tiếng Việt Nam » đã làm rất nhiều độc giả quí mến Tiểu Tử và đọc sách của ông.
Tôi nghĩ rằng số người Việt Nam, đang lưu vong ở hải ngoại, hay đang sinh sống trong quốc nội ; là kẻ vô tổ quốc hay là người yêu thương Việt Nam, sẽ càng ngày càng đông tìm đọc Tiểu Tử, và càng ngày càng đông nhận ra rằng tình yêu cao quí nhất của họ trên đời này là tình yêu Nước Việt Nam, tình yêu Người Việt Nam và tình yêu Tiếng Việt Nam.
Trần Văn Cảnh


Anh Hai Tiểu Tử

thay song
Gs Phan Văn Song

Thưa quý bạn,
Khi quý bạn biểu tui vài lời về nhà văn Tiểu Tử, quả thật là cho tui nhiều vinh dự. Tôi hổng đủ tài. Làm sao một thằng tui, hổng biết viết văn, hổng biết kể chuyện, hổng biết vẽ tranh mà dám giới thiệu một anh Văn, Vẽ song toàn như anh Hai Tiểu Tử được? Thế nhưng… Trái lại, quý vị biểu tui nói về anh Hai Võ Hoài Nam, thiệt là quý bạn thương tui hết cở.
Tôi chỉ biết nói về cái người anh mà tui mến tui thương tui phục. Anh Hai Võ Hoài Nam
Nói về anh Hai phải nói trước hết đến chị Hai, và nhắc tới SaKô, người con trai của anh chị Hai vẫn hằng mỗi ngày, sống cùng với cha mẹ. Tôi rất thương SaKô, mỗi khi gọi thăm anh chị, nếu được SaKô nhấc máy trả lời, chú cháu bao giờ cũng đôi lời dui dẽ đía dóc với nhau !
Thật sự, tui chỉ mới quen với anh Tiểu Tử sau nầy thôi. Độ chừng, xêm xêm cở 20 năm trở lại đây thôi. Nhưng sao cảm tưởng hai anh em quen nhau từ thuở ông sơ ông vãi nào đó !
Anh em tôi gặp nhau qua anh Nguyễn văn Trần. Với Nguyễn văn Trần, tụi tui cũng có cái tình đặc biệt, gắn bó, hổng giống ai hết… Và cũng qua cụ Trần tui làm quen, và từ đó gắn bó các bạn và gia đình các bạn chung quanh cụ Trần, các anh Hồ Minh Châu, Trần Ngọc Quang, anh Nguyễn Thanh Vân và… anh chị Hai Võ Hoài Nam, một lô người cùng xứ «giá sống, sầu riêng, hột dịt lộn» thỉnh thoảng trong đám, cũng lọt vào một hai tay «xứ ngoải, đi lạc, di cư» cho dui cửa dui nhà !

Thưa Anh Hai thương mến, Thưa Chị Hai thân thương,
tieu tuThằng em nầy không thể nói đến anh Hai mà không nói đến chị Hai. Thưa Chị Hai, cũng như sau lưng mọi nhơn vật quan trọng nào cũng vậy, đều có bóng dáng một người đàn bà !
Với Chị Hai, tui đây thường nói chuyện qua điện thoại nhiều hơn khi đến gặp thăm anh chị hay khi có dịp hoạt sanh hoạt hoặc cùng anh chị đi đây đi đó. Cũng như mọi người phụ nữ, khi chẳng may đi cùng với đức lang quân mình, ra chỗ sanh hoạt, các bà đành lặng thinh, không phải vì ít nói, nhưng vì thường thường bị thằng cha đàn ông tức là thằng chồng «giành hết quyền ăn nói». Nên đành chỉ biết nín khe !
Nói đến chị là nhớ những bữa cơm, những món ăn chị đặc biệt đãi chúng tôi, anh Trần và cá nhơn thằng tui và các thằng cu của tôi, khi tôi có dịp lên Paris ghé thăm anh chị và SaKô. Cám ơn chị đã cho chúng tôi những món ăn rất đặc biệt «xứ mình», hổng tìm ở chổ khác được!
Bây giờ xin nói đến anh Hai, gặp anh Hai, lần đầu tự nhiên mình cảm thấy thân thuộc. Thân thuộc vì cái quá khứ và hành trình tựa tựa giống nhau, Cũng, tuổi Con Ngựa, ảnh Ngựa lớn (nhưng thân nhỏ), và tui Ngựa nhỏ (nhưng cái xác lớn). Cũng học hành xứ tây, miền Nam, anh Marseille, tui Toulouse, cũng có lúc đóng phim cinê, anh đóng phim Việt Nam, tui đóng phim Mỹ Ý của Sergio Leone, và với Robert de Niro
(Ai tò mò muốn xem, đó là phim đó là Il était une fois l’Amérique của đạo diễn Sergio Leone, với Robert de Niro và Elisabeth Mac Govern năm 1983)
Hai anh em cũng về nước khi học xong. Cũng thoạt đầu đi dạy học. Nhưng sau cùng, không toại, cũng đành phải đi làm « tư chức » ở các hãng Tây. Ảnh bán xăng, tôi bán ladze. Thuở ấy, dân « tư chức » tụi tui, bị dân Sè gòn mình « chê » ! Bạn bè thằng tui, bạn bè ảnh ở Tây, ở Mỹ về đều được mời làm lớn, bộ trưởng, thứ trưởng, dở lắm cũng công cán ủy viên, bổng lộc công xa, công thự, hay tệ lắm cũng giáo sư đại học. Tụi tui chỉ dân đi làm công ngoại quốc, phe ta « chê » hổng xài.
Có lẽ, nhờ vậy, hai anh em cùng nhau dễ dàng chia sẻ tâm tình và học thêm một cái cũng giống nhau, là sau khi ra ngoài nầy, cũng phải lang bang lưu lạc giang hồ, đem chuông đi đánh xứ người… ở …Phi Châu. Hai anh em đều lưu lạc đất Phi cả. Tôi qua bển cũng tiếp tục nghề bán ladze, còn ảnh qua nghề nấu đường. Và anh em càng khắng khít cũng qua chia xẻ những kỷ niệm ấy.
Hể mỗi lần có dịp lên Paris, là phải làm sao cũng họp nhau lại, và được nghe anh Hai kể "chiện". Anh Hai kể chuyện, hay hết cở. Ảnh có cái biệt tài nói chuyện có "diên", và gặp hứng ảnh sẽ bước qua «dọng cổ», bài bản, xuống hò đúng nhịp song lang. Phải, anh Tiểu Tử lắm tài ! Đờn ca kể chuyện cái gì cũng hơn người ! Chưa kể cái nghề Vẽ của ảnh nữa ! Thật là cầm kỳ thi họa lắm nghề ! May quá anh đàn ông, chớ đàn bà, lắm thằng khổ đó !
Và cái duyên kể chuyện ấy anh chuyển qua những bài viết chuyện ngắn. Chuyện ngắn của anh Tiểu tử là những câu chuyện ảnh kể. Đầu đuôi, sắp xếp, thứ tự, duyên dáng. Scenario, thật sự là một cuốn phim có tình có tự, có thứ có lớp ! Và luôn luôn có một chi tiết. Chị Tư Ù và con dao phay chặt cá với cái chày vồ hay thằng Jean le Vietnamien với cái hộp quẹt máy… Đó là những hình ảnh xưa ở xứ ta thời mình, y chang… như thiệt. Anh Tiểu Tử viết văn như nói, đúng giọng nói xứ mình, đúng từ, đúng chữ !
Tôi đọc nhiều nhà văn miền Nam, xứ mình. Cũng với giọng văn ấy, nhưng đó là văn viết, nó cầu kỳ, nó không tự nhiên. Văn anh Tiểu Tử nó bình dị, nó bình dân, nhưng nó thấm. Tui yêu giọng văn ấy, tôi đọc văn anh Tiểu tử cũng như nghe ảnh nói chuyện.
Hai anh em tụi nầy, nếu người ngoài nghe sẽ cho tụi tui sao quá ba đá, mỗi đầu câu đều những cái chưởi thề. Thật sự hổng phải chưởi thề, mà đó là những nét chấm phá của anh họa sĩ cùng nhà văn Tiểu Tử, cho lời nói, lời văn, tạo một bức tranh thêm nhiều sống động. Sống động, nhiều tình, nhiều nghĩa, nhiều vui buồn, thăng trầm trôi nổi, như đời sống của mỗi anh em chúng ta, như đời sống xã hội thường ngày, của xứ ta, quê mình hồi đó hay của cả xứ họ, quê người ngày nay vậy.
Kính hun anh Hai, kính thương Chị, thương SaKô.
Kính chào quý bạn .

Phan Văn Song


tieutulmnguyen
    tieutulmnguyen

 


Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên giới thiệu truyện ngắn

"Bài ca vọng cổ" của Tiểu Tử

le mong nguyen
Gs Lê Mộng Nguyên

Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm đến đâu người ta cũng chê là tôi già ! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ như quen nhưng thật ra thì rất lạ : mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khoé môi, mái tóc đã ngả bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước ’’Cách mạng thành công’’ và tôi của bây giờ - nghĩa là chỉ sau có mấy năm sống dưới chế độ gọi là ưu việt - thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi .. tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!
Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’Ivoire (Phi Châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu tôi cho Công ty Đường mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gởi cho tôi vé máy bay nữa!
Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái niệm thô sơ về vùng Phi Châu da đen như là: ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v.v.. Vì vậy, tôi hơi... ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia...

Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng này toàn rừng là rừng. Không phải là rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mươi, mười lăm thước... coi khô hóc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng, nhưng đồi không cao và trũng không sâu...
Nhà nước phá rừng trồng mía. Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v.v... Khu này cách khu kia cỡ vài cây số.
Muốn về thủ đô Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến.
Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đất đỏ, mỗi lần máy bay bay lên đáp xuống là bụi bay...đỏ trời !
Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi ’’làm lại cuộc đời’’ ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhứt làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể). Ở đây, thiên hạ gọi tôi là ’’le chinois’’ - thằng Tàu - Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi...nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.

... Một hôm, sau hơn tám tháng "ở rừng", tôi được gọi về Abidjan để họp (Đây là lần đầu tiên được về thủ đô !). Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa.
Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế đưa tôi vào phòng đợi, nói:
- Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi tôi mới về.
Ở xứ đen, họ dùng từ "Patron" để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v.v... Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết! Tôi nói:
- Về đi ! Đâu cần phải đợi !
Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng toát:
- Tại Patron không biết chớ ở đây lâu lâu họ lại huỷ chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường!
Rồi hắn đi ra xe. Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh: hành khách khá đông, nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly v.v... Không phải họ không biết gởi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gởi đã đủ số ký-lô dành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ...xách tay, cho dầu là nhiều món vừa nặng vừa cồng kềnh!
Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim...

Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ : "Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy". Rồi lại nhắm mắt lim dim... Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi "xuống hò": "Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng... đang vươn lên ngọn khói... á... lam... à... chiều..."
Đúng rồi ! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngoài kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển...họ cũng ít dùng nữa.
Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là loại võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hoà hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:
- Bonjour !
Anh ta ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói "Bonjour". Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:
- Anh hát cái gì vậy ?
Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp:
- Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là le chinois làm việc cho hãng đường ở Borotou không?
Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:
- Đúng và sai ! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.
Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:
- Trời ơi ! ...Bác là người Việt Nam hả ?
Rồi hắn vỗ lên ngực:
- Con cũng là người Việt Nam nè !
Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại "trôi sông lạc chợ" đến cái xứ "khỉ ho cò gáy" này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt...
Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:
- Trời ơi !... Con mừng quá ! Mừng quá ! Trời ơi !... Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt... con mừng "hết lớn" bác à!
Rồi hắn kéo tôi lại võng :
- Bác nằm đi ! Nằm đi !
Hắn lại đống gạch "bờ-lóc" gần đó lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:
- Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi ! Đâu đợi tới bây giờ...
Hắn móc gói thuốc, rút lòi ra một điếu, rồi đưa mời tôi:
- Mời bác hút với con một điếu.
Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một "cái gì" rất Việt Nam.
Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:
- Bác nhìn ra nó rồi hả ?
Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:
- Của ông ngoại con cho đó ! Ổng cho, hồi ổng còn sống lận.
Rồi hắn bật cười :
- Hồi đó ổng gọi con bằng "thằng Lọ Nồi".
Ngừng một chút rồi tiếp :
- Vậy mà ổng thương con lắm à bác !
Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm... Tôi nói:
- Vậy là cháu lai Việt Nam à ?
- Dạ. Má con quê ở Nha Trang.
- Rồi má cháu bây giờ ở đâu ?
Giọng của hắn như nghẹn lại :
- Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi Việt cộng vô năm 1975.
- Còn ba của cháu ?
- Ổng hiện ở Paris. Tụi này nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!
Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi môi dầy...
Tôi chợt nói, nói một cách máy móc :
- Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết !
Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:
- Có chớ bác. Con có lai chớ bác.
Hắn xoè hai tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại :
- Bên nội của con là nằm ở bên ngoài đây nè.
Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim:
- Còn bên ngoại của con, nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.
Bỗng giọng hắn nghẹn lại:
- Con lai Việt nam chớ bác !
Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt tôi, một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vói tay vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói :
- Ờ ! Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy...
Hắn mỉm cười :
- Ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?
Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:
- Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người giống mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là Trời còn thương con quá!
Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng...
Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:
- Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài "Đường về quê ngoại" đó bác.
- Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.
Giọng nói của hắn bỗng như hăng lên:
- Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.
- Bác cũng vậy.
Tôi nói, mà thầm phục sự hiểu biết sâu sắc của hắn. Và tôi thấy rất vui khi có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau... Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói :
- Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.
Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:
- Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết "Jean le vietnamien" hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.
Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ, rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:
- Ghé con nghe bác... Ghé con...
Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật gật đầu, vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con...
Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vội vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho "thằng Jean le vietnamien". Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ...
...Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến "thằng Jean" rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa !

* * *
Bây giờ, viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi :
"Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam?"
"Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó?".
Tiểu Tử

Địa chỉ liên lạc:  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Giá sách:        "Tuyển tập Tiểu Tử" 15 euros (chưa tính cước phí). 

Phóng sự cộng đồng SBTN - Ca Dao thực hiện 

 

Đăng ngày 07 tháng 06.2016