Giáo Sư Lý Công Cẩn
Cựu Phó Khoa trưởng (đặc trách Ban Khoa Học) Đại học Sư Phạm Sàigòn
đã tạ thế lúc 1h30 ngày 20 tháng 6 năm 2016 tại Le Crès, France.
Hưởng thọ 83 tuổi.
Linh cửu được quàn tại Funéraire de Grammont, Montpellier.
Lễ cầu siêu được tổ chức vào 9h và tiếp theo là lễ hỏa táng được cử hành vào 11h ngày 23 tháng 6 năm 2016 tại Crématorium Complexe Funéraire de Grammont, Montpellier.
Bàn thờ Giáo sư Lý Công Cẩn trước khi hỏa thiêu
"Lễ tiễn đưa anh Lý Công Cẩn rất long trọng trang nghiêm, theo nghi lễ nhà Phật, có Sư Cô và Thầy tụng kinh cầu siêu.
Chị Cẩn và 3 con rất cảm động và quý vòng hoa của ĐHSPSG gửi.
Tôi xin gửi vài tấm hình chụp bàn thờ anh Cẩn trước khi hỏa thiêu".
Gs Lâm Hoài Thông
(Tin tức & hình ảnh: Gs Lâm Hoài Thông - ban Vạn Vật ĐHSPSG).
Đăng ngày 25 tháng 06.2016
Giáo Sư Lý Công Cẩn &
Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn
Gs Lý Công Cẩn vừa ra đi lúc 1:30am (giờ bên Pháp) ngày 20 tháng 6 năm 2016 tại Montpellier, Pháp. Thêm một Gs điều hành trường Sư Phạm thân yêu trở về cùng cát bụi, nối bước Gs Lê Văn, Phó Khoa trưởng đặc trách Văn Chương mất tại Huntington Beach, California, Gs Trần Văn Tấn, Khoa trưởng mất tại Sài Gòn và Gs Phạm Đình Tiếu đặc trách sinh viên vụ mất tại Paris, Pháp.
Sơ lược về Gs Cẩn, trước 30/4/1975, Giáo sư là Phó Khoa trưởng đặc trách Khoa Hoc kiêm Trưởng ban Vật lý tại ĐHSP Sài Gòn (*). Ông cũng là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Khoa học Sài Gòn, Đại học Cao Đài Tây Ninh, Đại học Cần Thơ…
Vào năm 1973, Giáo sư Trần Văn Tấn khi vừa được bổ nhiệm thêm chức vụ Quyền Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, Ông ủy nhiệm cho Gs Cẩn làm Quyền Khoa trưởng ĐHSP Sàigòn.
Sau khi qua định cư ở Pháp, Giáo sư Lý Công Cẩn tiếp tục giảng dạy ở ĐH Montpellier, về hưu khoảng 15 năm trước đây, và vui thú điền viên cho đến ngày ra đi thanh thản cách đây 16 giờ đồng hồ, tính theo thời điểm lúc người viết đang gỏ trên phím cho bài viết nầy.
Nói về trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn
Xin có đôi lời về Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Có thề nói, Gs Lê Hữu Mục ghi công đầu sau khi dời nhiệm sở ở ĐH Huế về trường Sư Phạm. Ông đã biên soạn ngay bản Sư Phạm hành khúc, mà người viết chỉ còn ghi nhớ như dưới đây:
“Đội gió mưa mà đi, đoàn sinh viên Sư Phạm Sài Gòn
Dù gió mưa càng to, tâm trí sinh viên không sờn.
Đi, đi cho đất nước - đấu tranh bảo vệ quê hương,
Mang mặt trời yêu thương về chiếu sáng khắp xóm làng…”
Như đã trình bày ở phần trên, tổ chức, có thể nói cao nhứt và có tính quyết định mọi dịch vụ liên quan đến sinh viên và giáo chức là Hội đồng khoa bao gồm bốn GS đã qua đời kể trên và các Trưởng ban của những bộ môn giảng dạy. Thiết nghĩ cũng xin nêu ra đầy để xem “ai còn ai mất” trong cơ cấu đại học tự trị của nến Đệ nhị Công Hòa Việt Nam.
Các Ban gồm:
- Ban Khoa học gồm:
- Vật lý: Gs Lý Công Cẩn, mất tại Montlellier, Pháp
- Hóa học: Gs Mai Thanh Truyết, Houston, Texas
- Toán: Gs Lê Quang Tiếng, Pasadena, California
- Vạn vật: Gs Lâm Hoài Thông, Montpellier, Pháp
- Ban Văn chương gồm:
- Anh văn: Gs Đàm Trung Pháp kiêm Giám đốc Trung tâm Sinh ngữ, Dallas, Texas
- Pháp văn: Gs Lê Bảo Xuyến, Huntington Beach, California
- Sử Địa: Gs Hoàng Ngọc Thành, mất tại San Jose, California
- Việt Hán: Gs Dương Thiệu Tống, Việt Nam
Qua cơ cấu tổ chức trên đây, chúng ta thấy rõ ràng là chính sách giáo dục miền Nam thời bấy giờ đích thực dựa trên tiêu chuẩn: Nhân bản - Dân tộc – Khai phóng – và Khoa học. Trong chính sách thi tuyển cũng như các kỳ thi cuối năm hoặc ra trường, riêng cá nhân người viết hoàn toàn không thấy, không nghe, hoặc trực tiếp “được” gửi gấm từ bất cứ quyền lực nào, dù là Bộ Giáo dục, bên Hành pháp hay Lập pháp.
Chúng tôi, các giáo sư trong Hội đồng khoa hoàn toàn độc lập trong việc ra đề thi và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật nếu có gì sai sót.
Về đề tài thi tuyển của các Ban, vị trưởng ban và vài Gs thâm niên được mời sửa soạn đề thi. Và sau cùng, chỉ có Phó Khoa trưởng và vị Trưởng ban quyết định đề thi sau cùng. Và đề thi nầy chỉ được mở ra trong ngày thi mà thôi. Tất cả minh bạch!
Kỷ niệm cùng Gs Lý Công Cẩn
Mặc dù làm việc chung với nhau chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng giữa Gs Cẩn và tôi có quá nhiều kỷ niệm. Chỉ xin đan cử ra đây một vài kỷ niệm liên quan đến lãnh vực giáo dục mà thôi
1- Kỷ niệm trước 30/4/1975
Tính nhân bản của người thầy giáo: Chỉ xin nêu ra một đặc tính nầy của Gs Lý Công Cẩn mà ít đồng nghiệp hay nhân viên của trường nhận thức được. Đối với hầu hết nhân viên và Giáo sư, thậm chí đối với các giáo sư ở các trường đại học bạn, GS Cẩn được xem như là một người khó tính, làm việc hết sức “nguyên tắc”, ít tỏ ra thân thiện với mọi người dù là đồng nghiệp, nhân viên hay sinh viên. Ông rất nghiêm trang, nói năng chỉ “đủ lời”, không thêm không bớt, và nhứt là rất hiếm thấy Ông… nói đùa!
Tuy nhiên, qua các cuộc thi cử, tôi mới thực sự thấy được cái Tâm của Ông. Trước khi đúc kết kết quả một kỳ thi, Ông và tôi thường ở lại văn phòng sau khi trường đóng cửa, tất cả các lớp đã tan học, nhân viên ra về sau ngày làm việc.
Chúng tôi ở lại để làm gì?
Chúng tôi đã làm một việc duy nhứt sau đây, đó là cứu xét lần cuối cùng một số sinh viên “bị đánh rớt” vì thiếu một vài điểm để lên lớp hoặc ra trường. Hồ sơ lý lịch cá nhân của những sinh viên nầy được mang ra duyệt xét tường tận. Và, chúng tôi “vớt” những sinh viên nầy trong những trường hợp như sau: - nhà quá nghèo không thể tiếp tục học tiếp nếu bị đánh rớt và có thể phải đi quân dịch.
- cha đã đền nợ nước và nhà đông con
- trong quá trình thi cử lên lớp mỗi năm, có điểm cao, nhưng thiếu điểm ở kỳ thi ra trường…
Đây mới thực sự là do tính nhân bản trong giáo dục miền Nam cấu tạo thành, hoàn toàn trái ngược với chính sách “hồng hơn chuyên” và “thi lý lịch” của não trạng chuyên chính vô sản của CS Bắc Việt ngày hôm nay.
Tình bạn và tình đồng nghiệp: Giữa Gs Cẩn và cá nhân người viết, có những mối thâm giao ngay từ những ngày đầu làm việc tại Trường. Chúng tôi làm việc cật lực và thường xuyên ở trường mặc dù, với chức vị quy định do luật giáo dục, tôi chỉ cần hoàn tất 3 giờ giảng dạy mỗi tuần là hoàn tất nhiệm vụ của một Giảng sư. Nhưng hai anh em chúng tôi thường xuyên trao đổi về tình trạng cũng như chương trình giáo dục, chính sách thi cử và giảng dạy. Chính nhờ các chia sẻ trên, mà chính sách “kiểm tra liên tục” (continuous control) của ban Hóa được đem ra áp dụng trong niên học 1974-75, và tôi được một trợ cấp (grant) cho việc nghiên cứu chính sách trên do Vietnamese Education Foundation – VEF), một quỹ trợ cấp nghiên cứu ở bậc đại học do ngân sách của USAID chuyển qua sau 1973, do Gs Đỗ Bá Khê và Gs Lê Bảo Xuyến (phu nhân của Gs Lê Văn) phụ trách.
2- Kỷ niệm sau ngày 30/4/75
Vào thời điểm ngay sau ngày 30/4/1975, tâm trạng người dân hoang mang cực độ. Chúng tôi, một nhóm giáo chức của trường Đại học Sư phạm Sài Gòn gồm Gs Nguyễn Văn Trường, Gs Lý Công Cẩn, Gs Lê Trọng Vinh, Gs Trần Kim Nở, Gs Trần Văn Tấn, và người viết (đã ở khu cư xá 53 Tự Đức từ mấy ngày trước 30/4), đang ngồi với nhau để bàn thảo xem phải hành động như thế nào, trình diện ra sao, vì hôm đó chỉ là ngày thứ hai của “cách mạng”, tức thứ năm ngày 1/5/1975.
Tình cờ Gs Nguyễn Hoàng Duyên, một thành viên của Ban Hóa học của trường lái Honda đến. Tôi đề nghị với các Gs huynh trưởng để tôi cùng Duyên lên trường xem xét tình hình trước.
Hai anh em đèo nhau trên chiếc Honda dame, mỗi người một tâm trạng bất an, nhưng vẫn không lộ ra. Khi vào khỏi cổng trường, không khí hoàn toàn khác, không còn một không khí quen thuộc như ngày nào. Một cảm giác nặng trĩu nơi tôi khi nhìn thấy một Giảng nghiệm viên thuộc Ban Vạn vật mang băng vải đỏ nơi cánh tay, chận chúng tôi lại, và hỏi với nét mặt lạnh lùng:”Hai anh vào ghi tên trình diện đi”.
Tôi đi lần đến văn phòng Phó Khoa trưởng, cửa mở toang, thấy Ngô Phàn, một sinh viên Ban Lý hóa của trường đã chạy vào bưng hai năm về trước. Phàn hỏi tôi, trên tay cầm khẩu súng lục nhỏ của Gs Cẩn mà anh ta đã lục thấy trong ngăn kéo của bàn viết.
- Anh có gặp Ông Cẩn không?
Tôi đáp:
- Gs Lý Công Cẩn sẽ vào trình diện sáng nay.
… Và sau cùng, hai chúng tôi cùng nhau chịu cùng một “nạn kiếp” của miền Nam với những bài học tập chính trị cho giáo chức đại học, phải nghe những lời huênh hoang của kẻ chiến thắng, cùng phải chịu “nhức tai” với những bài “thu hoạch” của sư đoàn 304 của trường.
(Trích "Tâm tình Người con Việt")
Sau khi đi định cư, anh Cẩn, tại Pháp, tôi, tại Hoa kỳ, chúng tôi có nhiều dịp gặp nhau ở Mỹ và Pháp. Nhưng lần gặp cuối cùng là vào năm 2012 khi tôi qua nói chuyện về môi trường ở Paris. Anh Cẩn đã đi xe lửa từ Montpellier lên Paris, chuyển qua metro, và sau cùng phải lội bộ cả hai cây số với chiếc gậy và nhiều lớp áo manteau dày, anh mới tới được địa điểm nói chuyện.
Thật cảm động khi hai anh em gặp lại nhau và tôi đã không nghĩ đó lại là lần cuối cùng. Vậy mà tôi vẫn còn mơ tưởng hẹn gặp lại anh tại cổng trường xưa khi Việt Nam không còn bóng dáng của một chế độ chuyên chính vô sản, vô minh, vô lương tri.
Xin kính cẩn chào tiễn biệt anh lần cuối, chào một người đồng nghiệp, một người bạn hiền vừa có Tâm vừa có Tầm trong lãnh vực giáo dục miền Nam.
Mai Thanh Truyết
Cựu Trưởng ban Hóa học Đại học Sư Phạm Sài Gòn
Kỷ niệm ngày anh Cẩn ra đi 20/6/2016.
(*) Bổ túc của anh Nguyễn Tâm (ĐHSPSG, ban Toán, 1970-1973):
GIÁO SƯ LÝ CÔNG CẪN không phải là Trưởng ban Vật lý. Gs là Phó Khoa trưởng, coi về ban Khoa học gồm 3 ban: ban Toán, Ban Lý Hóa và ban Vạn vật. Khi GS Trần văn Tấn được cử giữ chức quyền Viện trưởng viện Đại học SG thì GS Cẩn làm quyền Khoa trưởng ĐHSP. Thời gian này là vào năm 1972 - cho đến khi đứt phim. Ban Lý Hóa là ban chung mà SV phải học cả 2 môn Lý và Hoá. Chỉ sau này, dưới trào "đỉnh cao trí tuệ" tụi CS mới chia riêng rẽ ban Lý và ban Hoá. Lúc này, tên trường được đổi tên là ĐHSP TP HCM.
Đăng ngày 22 tháng 06.2016
Bổ túc ngày 30 tháng 06.2016