banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Phát hành tập Kỷ yếu lớp Việt Hán khóa 1966-1969


Nguyễn Anh Khiêm - ban Việt Hán, khóa 1966-1969


Đầu tháng 11 năm nay, 2010, các bạn cựu Sinh Viên ban Việt-Hán khoá 1966-1969 họp mặt tại Sài Gòn, có phát hành tập Kỷ Yếu, việc không dễ đối với một lớp người đã về hưu và tản mát khắp năm châu. Không khỏi ngạc nhiên về tình thân bền bĩ giữa những người bạn cũ.
Sau đây là lời đầu đọc được trong tập Kỷ yếu đó:

Trong lần về VN trước, bạn bè năm bảy đứa tụ họp thăm hỏi chuyện trò, chị Loan có nói: Ước gì bọn mình làm một lần chót cuốn kỷ yếu lớp Việt-Hán, như đã từng làm một cách hào hứng hồi mấy chục năm trước. Làm để mừng niên trưởng Lâm Hữu Tài bảy mươi và nhiều anh em sắp đạt chuẩn như Lâm quân. Tưởng chỉ là lời nói chơi khi cao hứng, là niềm ao ước viễn vông… nhưng không ngờ, trở lại Mỹ, chị bắt đầu lên kế hoạch, "meo" liên tục phân công người làm việc này, kẻ làm chuyện nọ. Cô em gái của lớp ngày nào, nay bắt đầu “chỉ đạo” tứ tung. Từ đó, tình hình bổng trở nên “phức tạp”, không ít người trốn gặp chúa nhựt đầu tháng vì sợ bị hỏi bài vở. Cũng tội. Già, tuy hoài niệm ngày càng miên man bất tận nhưng viết lên thành đoạn, thành lời, không khỏi ngại ngùng. Nhưng mọi chuyện rồi cũng xong. Nay thì gần như ai cũng có mặt.

Như vậy, tập kỷ yếu mỏng manh này thành hình, công đầu là ở chị Loan. Chị khuyến khích hết người này đến người nọ, buộc những cụ ông, cụ bà sắp bảy mươi cầm bút ghi lại cảm nghĩ, cảm tưởng về một tình bạn gắn kết non nửa thế kỷ, một tập thể lớp Việt-Hán keo sơn có thể chỉ có một của ngôi trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn ngày xưa cũ.

Chẳng phải vậy sao? Ngay chuyện có mặt của tập kỷ yếu này, của đám sinh viên ngày nọ nay đã là những ông bà lão về hưu, đã là một kỷ lục. Có lớp Việt-Hán nào làm được? Ai đó kể lại, có người hỏi bài anh Trần Minh Đức, anh bảo bộ tính làm tờ báo chót để chèn vào áo quan à. Thì cũng được chứ sao! Dặn con cháu chèn vào áo quan vì đó là bửu vật, phải không? Những năm đầu mới ra trường, hầu như phần ai nấy lo, nấy sống. Chẳng được bao lăm thì dâu biển tan lìa nhưng ơn trời, gần như tất cả vẫn sống sót, như từng sống sót qua cuộc chiến tranh. Mấy kẻ còn lại ở Sài gòn thỉnh thoảng vẫn thường ngang qua trường cũ, thấy "cây xưa vẫn gầy phơi nghiêng ráng đỏ" mà tưởng tới bạn bè tan lạc phương xa. Rồi không nhớ từ bao giờ, mọi người hẹn gặp café quán cóc dưới tàng cây dầu mỗi chúa nhựt đầu tháng để hỏi han nhau tin tức người này người khác, để chỉ nhau… thuốc này, thuốc nọ. Nghe Lâm Hữu Tài châm chọc, Lê Văn Bảy nói chuyện gạo lức muối mè và kinh nghiệm trồng lan, nhìn Lê Bình Nam chỉ ngồi nghe, suốt buổi không thốt một lời và nhất là mỗi người góp một câu rủa đời cho hả giận.

Chúng ta xem lại hình ảnh cũ và mới của nhau, đọc những mẩu ký ức rời, nhớ lại một thời để yêu trong khi chờ đợi một thời để chết, vì không còn cách nào khác.

 

kỷ yếu VH



Từ trái qua phải:
Hàng đứng: Đào Công Thành (rể, chồng Nguyễn thị Đẹp), Nguyễn Văn Hai, Lê Bình Nam, Lê Văn Bảy, Cao Mạnh Dũng, Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Vĩnh Thượng, rể, chồng Phạm Thị Trí), Nguyễn Đăng Tiến, Trần Văn Thuận, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Anh Khiêm, Trần Minh Đức, Lâm Hữu Tài.
Hàng ngồi: Phạm Thị Tịnh Muội, Nguyễn Thị Đẹp, Nguyễn Thị Hồng Đào, Phạm Thị Trí, dâu, (vợ Nam), Quách Thị Trang, tận bìa phải là Lương Kim Loan.




Trang Web ĐHSPSG xin mừng các anh chị. Kính chúc các anh chị sức khoẻ và an lành.