Chốn cũ, ngày trở về
Lê Như Mai
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi, tháng năm bay.
(Ta về, Tô Thùy Yên)
Sài gòn, ngày... tháng... năm...
Chuyến bay đưa tôi trở về quê hương đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc nửa đêm. Cô tiếp viên hàng không với giọng ngọt ngào cất tiếng chào đón hành khách trên phi cơ, " Welcome to Saigon". Niềm vui chợt òa vỡ trong tôi. Ôi, Sài Gòn! Sài Gòn thân yêu của tôi đây rồi!
Vừa bước chân ra khỏi sân ga tôi đã trông thấy vầng trăng treo lơ lửng trên hàng cây trước mặt. Dường như đêm nay không phải đêm rằm nhưng sao trăng vẫn sáng vô cùng. Tôi mỉm cười tự nhủ, thế là chẳng cần phải hát "Đêm nhớ trăng Sài Gòn" nữa rồi...
Trời về khuya mát mẻ, dễ chịu. Có lẽ nhờ những trận mưa lớn trước đó. Đường phố ban đêm tương đối êm ả, không có cảnh người xe qua lại nhộn nhịp, ồn ào khiến tôi có cảm tưởng như mình đang trở về với một Sài Gòn của những ngày xa xưa.
Trưng Vương yêu dấu vô cùng
Trường xưa giờ đã muôn trùng cách xa…
(Thơ Hồng Thuỷ )
Sài Gòn, ngày… tháng… năm…
Tôi sinh ra ở miền Bắc, lớn lên tại Sài Gòn nhưng lại có rất nhiều gắn bó với vùng biển mặn Rạch Giá, nơi vợ chồng tôi đã dạy học suốt mười lăm năm trời, từ ngày tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài Gòn cho đến khi đi định cư ở Canada. Vì vậy, mỗi khi có dịp quay về Việt Nam, tôi thường chỉ ghé Sài Gòn một vài hôm rồi chạy thẳng xuống Rạch Giá cho đến ngày đi. Chuyến trở về này, vì có chút chuyện riêng, tôi đã lưu lại Sài Gòn suốt bảy tuần lễ. Chẳng biết vì ngẫu nhiên hay chịu sảnh hưởng của cái vô thừơng qua mất mát trong gia đình, lần này tôi đã được ghé thăm tất cả “đường xưa, lối cũ”, những nơi chốn mà có lẽ tôi chẳng thể nào quên suốt cuộc đời này.
Ngày đầu tiên ở Sài Gòn, không một chút ngại ngần, tôi đã về thăm Trưng Vương, lòng xôn xao như thể hôm nay là ngày tựu trường của những năm xưa. Nhưng bạn thân yêu ơi, làm sao có thể diễn tả được nỗi thất vọng não nề trong tôi khi phải đối diện với những thay đổi của ngôi trường yêu dấu của chúng ta ngày nào?
Ngày tôi trở về, gió vẫn reo vui chào đón, chữ TRƯỜNG TRƯNG VƯƠNG vẫn còn đó, nổi bật trên nền trời xanh nhưng khung cửa gỗ nâu giờ không còn nữa, bạn ơi! Cổng sau giờ đã thành cổng chính. Trường đã được xây dựng lại, hoàn toàn mới lạ khiến tôi lạc lõng vô cùng. Tuy nhiên, với tôi, sự thay đổi lớn lao nhất, không phải ở cơ sở vật chất mà chính là những đổi thay về con người. Bạn có thể hình dung được chăng, ngôi trường con gái nổi tiếng một thời, giờ đã có cả nam lẫn nữ sinh, trong bộ đồng phục chẳng thể nào quen mắt được?
Trên con đường đổ dốc Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy thơ mộng, giữa hai hàng cây sao cao vút bên đường, sẽ chẳng bao giờ còn tìm lại được hình ảnh những nữ sinh Trưng Vương dịu dàng, duyên dáng trong chiểc áo dài trắng đơn sơ năm xưa.
Có phải em mang trong áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
(Tương tư, Nguyên Sa)
Thôi thì đành vĩnh biệt Trưng Vương của thời áo trắng thơ ngây, trong sáng. Chúng ta đi đã mang theo ngôi trường yêu dấu, bạn ơi!
Sài Gòn, ngày... tháng… năm…
Không một hẹn hò, bất chợt đựơc dạo phố Sài gòn đêm nay. Đi loanh quanh trên con đường Nguyễn Huệ thân quen ngày xưa, ngừơi xe đông vui, đèn màu rực rỡ nhưng sao tôi lại cảm thấy lạc lõng trong lòng, nhất là khi nghe bản nhạc yêu thích, “Back to Sorrento” bất ngờ vang lên từ một hàng quán nào đó...
Trở về mái nhà xưa nhưng người xưa, cảnh cũ chẳng còn tìm thấy được. Không còn Rex nơi đã rụt rè nắm tay người đi xem phim lần đầu. Không còn Eden ấm cúng cuả những hẹn hò kín đáo sau này. Không còn passage Eden với quán bánh tôm, quầy bún ốc thời sinh viên. Không còn, không còn gì nữa cả. Buồn!
Sài Gòn, ngày... tháng... năm...
Buổi trưa nắng vàng gợi nhớ. Một mình lang thang trong con ngõ nhỏ. Và kỷ niệm của những ngày đầu năm thứ nhất Đại học đầy ắp trong tim.
Có còn nhớ chăng, cô bạn chung lớp Ngọc Bích? Một buổi chiều tan học hai đứa đã loanh quanh mãi trong con ngõ này để kiếm tìm. Nhưng khi khung cửa thình lình mở ra, hai đứa lại lính quýnh rồ ga chạy mất. Ôi đáng yêu làm sao cái thời sinh viên đầy mộng mơ của tụi mình, phải không bạn?
Con ngõ xưa giờ đây vẫn hẹp.
Bóng người cũ biền biệt đã lâu!
Một thời niên thiếu còn đâu?
Ngày xanh vùi dập theo mầu thời gian!
(NĐH)
Đại học Sư Phạm Sài gòn, ngày... tháng... năm...
Thương em bóng lẻ chiều mưa,
Đường về Sư Phạm sao giờ buồn tênh!
(NXH)
Bạn thân yêu,
Như đã hứa với bạn, chiều nay tôi đã về thăm ngôi trường thân yêu của chúng ta, nơi mình đã từng theo học từ những năm đầu của thập niên 70.
Dường như đã lâu lắm rồi tôi chưa trở lại chốn này nên không khỏi bỡ ngỡ trước những đổi thay của ngôi trường. Con ngõ nhỏ trên đường Cộng Hòa, nơi đã từng là lối vào trường, nơi đã in đầy dấu chân của chúng ta ngày xưa, giờ đã có cánh cổng dựng lên, khóa kín. Để vào trường mình phải đi vòng qua cổng chính bên đường Thành Thái, bạn à.
Bạn còn nhớ không, ngày xưa trường mình nằm tách biệt với Đại học Khoa học, nhưng giờ hai trường đã kết hợp lại thành Đại học Quốc gia và được xây dựng thêm khá nhiều. Những cơ sở, phòng ốc, giảng đường mới mọc đầy sân trường. Dọc ngang. Xa lạ. Tìm mãi mới thấy được hai dẫy lầu ba tầng thân quen với chúng ta ngày xưa.
Có còn nhớ chăng, dãy lầu dành cho các lớp Anh văn, Pháp văn, Việt Hán và Sử Địa, nơi chúng ta đã từng vào ra suốt ba năm trời, nơi đã chứng kiến biết bao kỷ niệm buồn vui của thời sinh viên đầy tin yêu, hy vọng đó?
Hẳn bạn còn nhớ, dẫy lầu đối diện với lớp chúng ta dành cho các lớp Toán, Lý Hóa và Vạn Vật. Giữa hai dẫy lầu có sân cỏ vuông vức với hàng cổ thụ phủ đầy bóng mát. Từ cổng đi vào, nằm bên phải của sân cỏ là thư viện của trường, nơi ngày đó chúng ta đã thường xuyên lui tới.
Có còn nhớ chăng, thảm cỏ xanh nơi chúng ta đã từng ngồi bên nhau trong những giờ ra chơi? Giờ sân trường chẳng còn lại gì ngoài những hàng gạch vô tri, thẳng tắp, bạn ơi!
Dãy nhà trệt nơi đã từng được dùng làm thư viện giờ đã xây thêm hai tầng lầu và trở thành phòng Tin Học. Tôi đứng đây, nhớ cảnh cũ rồi ngậm ngùi nghĩ đến người quản thủ thư viện già nua, hiền lành ngày đó. Giờ này ông ở đâu? Có còn hay đã mất? Xin tha lỗi cho đám sinh viên quỷ quái chúng tôi ngày xưa đã có lúc làm ông phiền lòng không ít…
Trở về trường một buổi chiều mưa tầm tã, quần áo, đầu tóc ướt đẫm nhưng tôi vẫn cố ghi lại tất cả những góc cạnh, những hình ảnh quen thuộc ngày xưa. Cầu thang gỗ dẫn lên hai tầng lầu vẫn kiên gan đứng đây. Phòng ốc cũ kỹ, không còn được dùng làm lớp học nữa nên đã cửa đóng, then cài. Không thể vào thăm lớp cũ, tôi đứng tựa vào cửa sổ trên hành lang, ngắm nhìn sân trường vắng lặng phía dưới và chợt nhớ lại một lời ca, “Bạn cũ xa rồi! Có người về đất buông xuôi. Dăm ba dứa bạt phương trời”...(Trường cũ tình xưa, Duy Khánh).
Làm sao có thể tìm được câu thơ, lời nhạc nào diễn tả chính xác hơn, phải không bạn? Trên 30 sinh viên của lớp Anh văn khóa 1971-1974 chúng ta, sau gần nửa thế kỷ lưu lạc, giờ chỉ còn tìm lại được vỏn vẹn 8 người sống tản mát đó đây.
Bạn thân yêu,
Nhớ về trường xưa mà không nhắc đến những người Thầy kính yêu của chúng ta sẽ là một thiếu sót lớn lao, phải không bạn? Xin mạn phép ghi lại nơi đây một chút tâm tình của người bạn trưởng lớp của chúng ta năm xưa. Và cũng xin cám ơn anh .
H. thay mặt bạn bè cũ gởi tâm tình thương yêu đến ngôi trường ĐHSP một thời niên thiếu, và cùng với các bạn đốt nén hương lòng tưởng niệm các vị ân sư đã quá vãng: các cô Phùng Ngọc Cam, Trần Khuê, Nguyễn Quí Anh, các Thầy Lê Văn, Nguyễn văn Lương, Lê Hữu Mục, Cao văn Luận... và khá nhiều bạn bè đã sớm ra đi trước chúng ta (NĐH).
Bạn thân yêu ơi, có bao giờ bạn cũng như tôi, băn khoăn tự hỏi, liệu thầy trò, bạn bè chúng ta một ngày nào đó sẽ còn có dịp tương phùng?
Phú Bình, ngày... tháng... năm...
Tôi trở về Phú Bình sáu mươi năm sau ngày theo gia đình rời khỏi trại định cư này. Biết bao nhiêu vật đổi, sao dời!
Đường vào trại giờ nhà cửa, hàng quán dựng lên san sát chứ không còn đồng không mông quạnh như thưở xưa. Không thể nào tìm lại được dấu vết của ngôi nhà tôi đã sống những ngày thơ ấu. Nghĩa trang hoang vắng với lò thiêu đầy ám ảnh sát bên nhà ngày xưa giờ đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là bến xe và chợ hoa. Nhà thờ giáo xứ Phú Bình của những năm 50 với vách đất, mái tôn nơi giáo dân trải chiếu trên nền đất ngồi đọc kinh giờ đã được xây dựng lại, thật uy nghi, lộng lẫy với khuôn viên rộng rãi, khang trang. Cái ao nhỏ trước nhà thờ giờ đã được nới rộng hơn với hàng rào sắt kiên cố quây kín.
Còn nhớ ngày xưa trong giáo xứ này chỉ có gia đình tôi và gia đình ông Bác ở căn nhà bên cạnh là theo đạo Phật. Tuy nhiên, u già nhà tôi lại là một con chiên rất ngoan đạo, chẳng bao giờ chịu bỏ sót một buổi lễ nào. U nhuộm răng đen, đeo khăn mỏ quạ, chân đất, áo nâu, chơn chất như những giáo dân khác trong trại. Sáng sáng u dắt em tôi đến học trường mẫu giáo của các bà sơ, đối diện với nhà thờ. Rồi u đi chợ. Lúc u quay về, em tôi trông thấy lại khóc lóc đòi đi về theo u. Có hôm em còn quăng cả lọ mực vào bà sơ, người mà chị em tôi ngày xưa rất e sợ, rụt rè mỗi khi phải lại gần. Đầu óc non nớt của tôi lúc đó cứ thắc mắc, không biết dưới cái nón trắng rộng vành nhuộm hồ cứng ngắc mà sơ luôn đội trên đầu có sợi tóc nào chăng?
Mấy chục năm sau, lưu lạc nơi xứ người, làm việc trong một bệnh viện ở Montreal, tình cờ quen biết một bà sơ chung department, tôi đã đem cái thắc mắc từ thời tuổi nhỏ ra hỏi bà ta...
Phứơc Lý, ngày... tháng... năm...
Không hẹn mà Phượng - cô bạn thân từ những năm cuối của bậc trung học - và tôi, đứa từ xứ Úc xa xôi, đứa ở tận bắc Mỹ, tình cờ gặp lại nhau tại Sài Gòn rồi cùng về thăm Phước Lý, quê Ngoại của Phượng.
Ngày xưa, mỗi khi có dịp, tôi lại theo Phượng về quê bạn chơi. Phố chợ Gò Đen ngày đó tuy nhỏ bé, nghèo nàn nhưng đã ghi lại trong tôi biết bao kỷ niệm êm đềm. Có điều tôi vẫn ấm ức trong lòng là chưa bao giờ được vào tới Phứơc Lý, vì quê Ngoại ngày ấy nằm sâu trong vùng xôi đậu, đầy rẫy quân du kích.
Con đừơng mòn dẫn vào Phước Lý chạy men theo những thửa ruộng vuông vức. Nhà Ngoại nằm đối diện với đồng ruộng, ẩn khuất giữa những tàn cây. Thoáng thấy một bóng dáng thân quen bên hàng mai kiểng trứơc sân nhà, tim tôi đã reo vui rộn rã xen lẫn chút bối rối, bồi hồi.
Cuối cùng thì tôi cũng đã được đặt chân lên nơi từng là miền đất hứa của cô bé Trưng Vương thơ dại ngày xưa. Nhưng giòng đời đã trôi qua không ngừng nghỉ. Năm mươi năm dài rồi còn gì! Và có phải tất cả giờ đã quá muộn màng?
Buổi trưa từ giã Phước Lý chúng tôi bước chầm chậm trên con ngõ nhỏ có hàng cau tứ quí và cây me trĩu quả. Thầm ước ao đoạn đường cứ kéo dài thêm mãi. Và thời gian xin hãy ngừng trôi. Để chẳng phải vội vã nói với nhau lời chia tay...
Dẫu trời vẫn xanh, dẫu nắng vẫn vàng, và gió vẫn nhè nhẹ thổi, chẳng hiểu sao những câu thơ của Thâm Tâm lại vang vọng trong tôi,
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
(Tống Biệt Hành, Thâm Tâm)
Montreal, ngày... tháng... năm...
(Riêng tặng các em cựu học sinh Nguyễn Trung Trực thân thương)
Sáng nay, từ một nơi cách xa quê hương tới nửa vòng trái đất, cô tình cờ được xem một thiên phóng sự về vùng Miệt Thứ. Những địa danh quen thuộc của thuở dạy học dưới Kiên Giang ngày xưa bỗng trỗi dậy trong cô. Nào Tắc Cậu, Xẻo Rô, nào Thị Trấn Thứ Ba, nào An Biên, Vĩnh Thuận...
Các em học sinh lớp 9A2, lớp cuả Minh Hoà, Kim Hoà, Lê Hùng, Hồ Thiên Nhiên, Quang Phương, Hoài Phương, Cao Văn Khoa, Minh, Thái v.v... có em nào còn nhớ ngày cô trò mình dẫn nhau xuống Thị Trấn Thứ Ba thăm gia đình của hai em học sinh trong lớp không nhỉ?
Gần bốn mươi năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm xưa dường như vẫn sống động, vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ của cô, tưởng như mới ngày hôm qua…
Từ bến phà Tắc Cậu, cô trò đi đò xuống Thị Trấn Thứ Ba. Đò thời đó không có ghế ngồi cũng chẳng có hai tầng cao ráo như ngày nay. Cô trò ngồi mọp xuống lòng con đò, lưng tựa vào thành gỗ bên hông, trong khi đò cứ lắc lư trên sông. Phải mất cả buổi mới tới được chợ Thị Trấn.
Ghé thăm gia đình Thuận xong, cô trò lội bộ băng qua cánh đồng ruộng khô cằn để tới nhà Út Hết. Ban đêm, trời tối đen như mực, phải lấy tàu dừa khô đốt lên làm đuốc soi đường mà đi. Qua cái miếu thờ Bà hoang lạnh, Thuận vui miệng kể lại những câu chuyện đề cao sự linh thiêng của Bà làm cả đám càng run hơn. Lúc băng qua cây cầu khỉ cheo leo, Đậu Quang Bích lúng túng rớt xuống con kinh phía dưới, mình mẩy ướt như chuột lột. Tới nhà Út Hết, Bích phải mượn quần áo của bạn bận đỡ. Ngặt nỗi Bích là dân chợ, nhỏ xíu còn Út Hết con nhà nông vạm vỡ, bận quần Út Hết vô, Bích phải lấy dây chuối cột ngang bụng cho khỏi bị tuột. Cô trò được một phen cười nghiêng ngả.
Người dân quê miền Nam thật hiền hòa, chất phác, đón tiếp cô trò mình với tất cả chân tình. Cảm động nhất là sáng hôm sau, khi cô trò đã từ giã ra về, thân phụ của Út Hết, dẫu cặp mắt đã loà vẫn chống xuồng vội vã đuổi theo, nài nỉ cô trò nhận cho được một hai lít gạo mới thu hoạch từ miếng ruộng của gia đình.
Sông Cái Lớn hôm đó nước dâng cao, đò nhỏ mong manh không dám chạy. Cô trò đợi hoài vẫn không đón được đò khách để trở về Rạch Giá. Cuối cùng, mình đành phải xin quá giang ghe chở khóm để quay về...
Đã tự nhủ với lòng, dù gì chăng nữa, thế nào cô cũng phải trở về Miệt Thứ, dẫu chỉ một lần. Nhưng buồn biết bao khi biết rằng nếu có một ngày cô quay lại, không những cảnh cũ mà ngay cả người xưa chắc chắn sẽ không còn.
Chẳng có ai được tắm hai lần trên cùng một giòng sông, phải không các em?
Montreal, tháng 8/2019
Lê Như Mai
(ĐHSPSG, ban Anh văn, 1971-1974)
Đăng ngày 19 tháng 11.2019