banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Bạn xưa Sử Địa

Kỷ niệm Sử Địa khoá 6

Tự bạch: Tôi tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn Ban Sử Địa khoá 6 (1963-1967), ra trường về nhiệm sở trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Năm 1996 chúng tôi tổ chức họp khoá tại Sài Gòn để kỷ niệm 30 năm tốt nghiệp. Dịp ấy, tôi bận dậy học tại Học Khu Thống Nhất Oakland, Bắc California nên không về được. Tôi có viết một lá thư gửi về quê nhà nhân dịp ấy, nhắc lại vài kỷ niệm năm xưa giữa những bạn đồng khoá.
Được đọc nhiều bài của các đồng môn trên liên mạng điện tử này, nhất là bài viết của Trần Thế Đức, tôi tự xếp hàng vào phiên mình, nên sao lại lá thư gửi bạn năm xưa, để giới thiệu với đồng môn các khóa khác về Khoá Sáu chúng tôi.
Là người trong nghề Sử, tôi không có thói quen viết tắt hay nói quanh. Cái gì cũng rõ ràng như thanh thiên bạch nhật. Vì thế, tôi xin quí anh chị phụ trách Liên Mạng này hãy giữ nguyên tên người như tôi viết. Nếu anh chị thấy điều này bất tiện cho anh chị, thì tôi yêu cầu bài này không đưa lên Liên Mạng.
Thành thật cám ơn.
Trần Anh Tuấn

* * *

Alameda, ngày 5 tháng 10 năm 1996
Các bạn Sử Địa,
Mai Dũng và các cháu mến,

Tụi này bất ngờ nhận được thư Mai Dũng đôi ba hôm nay. Nhìn dòng chữ cố đoán mãi mà vẫn không biết là của vợ hay chồng vì xưa nay nét chữ của Dũng và Mai có khác gì nhau đâu! Tuy chưa về và cũng không hề viết được cho hai bạn một lá thư nào từ 1972 (đúng không?), tôi vẫn biết được cuộc sống của hai bạn ra sao, các cháu học hành, ngoan ngoãn thế nào... Cũng có lúc tôi đã lẩm bẩm trách bạn là cái thằng thỏ đế, nếu không chắc đã gặp lại nhau rồi! Đúng không nào? Đời thủa nào cái thằng phát dầu lại không dám vượt biên? (1)

Chi tiết các bạn ĐHSP sẽ gặp lại nhau cuối tháng này để kỷ niệm 30 năm ngày ra trường làm cho tôi rất xúc động. Cả một quá khứ trong sáng và tràn đầy lý tưởng bừng dậy trong tôi. Và kỷ niệm về bạn bè trong những năm đại học dào dạt trở về với những khuôn mặt thân quen, những sinh hoạt hào hứng của thời mới lớn khiến tôi sẽ thức đêm nay để viết về cho Mai Dũng, và qua Mai Dũng, cho các bạn Sử Địa của mình. Những mong rằng bạn bè, với những tình cảm đầm ấm của ngày họp mặt, đừng quên những ai bên này bờ Thái Bình Dương, dù những kẻ ấy đang bận rộn với những hệ lụy của đời sống cơ khí hay đã vĩnh viễn gửi nắm tro tàn nơi đất khách quê người (2).

Trước hết là nói về lý tưởng, xin cho tôi chia buồn cùng Cao Nguyên Lợi và Trần Văn Chi đã đi lầm đường! Rồi cả Lưu Trường Phong nữa chứ! (3) Diễm qua đây ca tụng Phong lắm, rằng Phong đã giúp Diễm rất nhiều. Tôi nghĩ trong bụng, và cảm thấy hãnh diện là bạn bè cùng học với mình không đến nỗi... tệ! Vì thế, dù chắc nhiều bạn cũng đã biết tin buồn về Diễm, nay tôi cũng xin nhắc lại người bạn xấu số của chúng ta.

Ở Mỹ mới 9 tháng thì đến ngày 28 tháng 10 năm 1994 Phạm Sinh Diễm mất vì bệnh ung thư ruột già. Lúc sắp mất, Diễm có nguyện vọng là gặp lại vợ còn ở Việt Nam. Vì thế Giang vợ Diễm được đặc biệt can thiệp gấp để đáp máy bay sang Mỹ vào bệnh viện với Diễm. Giang đáp chuyến bay 7:30 sáng khởi hành từ phi trường Tân Sơn Nhất ngày 2 tháng 11 năm 1994 đi Hương Cảng, rồi từ Hương Cảng sẽ chuyển sang chuyến bay số 806 đi San Francisco và sẽ đến đấy lúc 10:30 giờ sáng cùng ngày. Đó là lòng nhân đạo vô bờ của chính phủ Hoa Kỳ (4).
Nhưng khi máy bay còn đang lơ lửng trên biển Đông thì cơ quan Di Trú của Hoa Kỳ được thông báo Diễm đã mất tại bệnh viện rồi. Kể từ giây phút Diễm mất thì Giang không còn điều kiện nhập cảnh Hoa Kỳ nữa. Vì thế, và đây là tính lạnh lùng của luật pháp Hoa Kỳ, Giang đã bị chặn lại tại Hương Cảng, bị cách ly, và bị hộ tống trở lại ngay Việt Nam, dù thi hài Diễm đã được chuyển đến nhà quàn và chờ Giang đến để ký vào giấy khai tử thì mới được phép chôn cất.

Thôi nói chuyện người đã khuất thì quá buồn, chúng ta hãy điểm lại mặt những người còn lăn lóc trên cõi đời này, rồi các bạn sẽ cho tôi biết những thay đổi trong 20 năm qua.
Tự nhiên tôi lại nhớ đến những mối tình nhớn trong lớp chúng ta. Nào Chiếu-Trinh với Ngô Khắc Mẫng, nào Nguyễn Viết Huyền với Kim-Cúc, nào Kim-Đính với Lê Phương Danh, rồi còn cặp Cảnh-Tâm với Trần Đức Tường nữa. Có ai biết Lê Văn Thới lưu lạc nơi đâu không, nhắn với chàng là người cũ đã yên phận chồng con, và nay nổi tiếng là một giáo sư dạy giỏi ở Học Khu San Jose. Còn ai nữa không? Thế mà sao không có anh chị nào cộng chỉ số nhỉ?
Tường nay trong hoàn cảnh gươm lạc giữa rừng hoa, và nổi tiếng với chiếc xe ma dưới vùng Nam California: xe chạy mà không thấy người lái đâu. Huyền nghe đâu ở bên vùng Texas, không có liên lạc gì với tôi cả. Còn Mẫng thì vẫn ở Lê Quí Đôn? Mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ đã điểm sương chưa? Chứ còn Nguyễn Trường Hy bên này thì muối đã nhiều hơn tiêu lắm rồi. Nhữ Đình Hùng thì nghe đâu ngắc ngoải ở bên Pháp vì đời sống không được như ý.

bạn xưa

Chị Phạm Thị Kim-Cúc vẫn trụ trì ở Sương Nguyệt Ánh phải không? Nghĩ cũng lạ, đều là đàn bà cả mà sao bà Trưng bà Triệu thì cưỡi voi, còn chị chỉ thích vác ngà? Trịnh Tri Tấn với văn minh Maya đến đâu rồi? Tiếng thơm của chàng bay sang tận Mỹ: đã lên chức hiệu trưởng và đã giúp đỡ được nhiều người lắm. Nhưng chàng chưa già mà sao đã lẫn? Viết thư gửi cho bạn mà không ghi địa chỉ thì làm sao liên lạc được đây? Hà Văn Khoan còn ăn to nói lớn không? Còn khoe thành tích cỡi skyraider phạt Bắc không? Phạm Văn Roanh vẫn nhỏ nhẹ và hay cười ruồi không? Công cuộc làm ăn vẫn phát đạt như hồi Diễm còn ở nhà? Nguyễn Văn Hộ đi xe gắn máy vẫn còn tật dạng chân ra không? Người có tên trong danh sách trước chàng, tức Nguyễn Hăm, mà Trần Trường Sanh khi xướng danh hai bạn thường nhái giọng tây để có nghĩa ta, kỳ này có vào với bạn bè được không?
Mai Dũng cho tôi gửi lời cám ơn Hăm đã đón tiếp tôi vào những ngày cuối tuần ở Đồng Đế năm xưa. Cho tôi gửi lời hỏi thăm cả cô em gái rất mặn mà của Hăm nữa nhé.

Báo cho Sanh biết Đỗ Diễn Nhi bên này vẫn xạo như xưa. Chàng gọi đi gọi lại nhất định sẽ về California đưa đám Diễm mà chờ mỏi cổ có thấy gì đâu. Chắc chàng còn đang ưỡn ẹo với em vợ của sư Giác Đức. Đúng, sư Giác Đức, tôi không đùa đâu. Các bạn đâu có biết bạn ta là anh em cột chèo với nhà sư tân tăng này, phải không? Nguyễn Ngọc Trác giờ này còn hay đã... mất dạy rồi? Đời sống chàng có dễ thở không, vẫn còn cái cười hề hề như xưa chứ? Vẫn có thể ăn một lúc 5 tô phở và 10 cái hột vịt lộn được? Và có thể đã lên chức nội ngoại? Một trưởng lớp khác Trác là Trần Ngọc Tĩnh thì nay buôn bán đồ đạc ở San Jose rất khá, lâu rồi tôi không có dịp gặp. Giây mơ rễ má với Tĩnh là Trường, ông vua trường tư này vẫn gầy hay đã phát tướng?
Không biết bao lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ lần cuối cùng gặp Trường ở trường Hưng Đạo, khi Trần Quốc Giám khoá 5 nhờ tôi đến dạy thế một lần năm xửa năm xưa. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác lạ lùng của lần đi dạy trường tư ấy, lần duy nhất trong đời dạy học của tôi. Từ bục giảng nhìn xuống lớp chỉ thấy bao la những đầu là đầu, rồi hết giờ học thì mấy đứa túa lên xin địa chỉ, tôi lạ cho cái thói đâu có thói lạ đời. Nhưng tôi nhớ hôm ấy tôi có cho địa chỉ mà chờ mãi chẳng thấy đứa nào đến để mình dắt đi chơi cả.

Lê Tấn Ngọc nghe nói đã đổi nghề, nhưng chắc vẫn chưa quên ván phé lên sẩu bị tôi suốt ăn mất, thế mà cứ nhì nhằng cãi mãi? Có ai nghe nói đến chàng RMK ngày ngủ đêm thức không? Công danh của Trần Minh Công vẫn hanh thông chứ? Tôi nhớ chàng vì tính khiêm tốn, đủng đỉnh ra trường sau các bạn nhưng lại là người đầu tiên trong khóa nắm chức hiệu trưởng. Mai Dũng có gặp thì cho tôi hỏi thăm cô Tím của chàng. Và cho chàng biết là tai tôi vẫn còn văng vẳng lời chàng thiết tha: Tím, Tím ơi... trong một buổi du khảo Mỹ Tho năm xưa mà tôi thì lần đầu tiên biết đến mủ chôm còn chàng thì làm quen cô con gái chủ nhà. Chắc tôi và nhiều bạn cùng khóa chưa quên một buổi thuyết trình trong lớp của Gs. Phạm Cao Dương nhân đó, với vẻ mặt nghiêm trang của một nhà đạo đức và giọng nói trang trọng của một nhà mô phạm đang thành hình, Trần Minh Công chậm rãi lên án con gái mới 13, 14 tuổi mà đã biết toòng teng rồi.

Mai Dũng, nhất là các bạn ở Sài Gòn, có gặp Nguyễn Hữu Phước không? Nghe nói cuộc sống của Phước giờ đây chính hiệu là cuộc sống của một nông dân, không biết có đúng không? Ai ngờ ông hiệu trưởng trường Cái Bè lại thay đổi đến thế? Đó là cuộc sống Phước tự chọn, hay thời thế thế thời phải thế? Biết bao câu hỏi về thủ phạm đã rủ rê tôi thi vào Sư Phạm để cuộc đời tôi bị biến đổi hoàn toàn. Từ nhỏ cho đến khi xong trung học, có bao giờ tôi nghĩ mình sẽ là một ông giáo đâu. Từ hồi 5-6 tuổi, tôi đã định trở thành luật sư cơ mà. Tụi nó, thằng Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Nhật Tấn, Nguyễn Phú Hùng cùng lớp ở Chu Văn An, muốn vào Sư Phạm và khi nộp đơn thì ngẫu nhiên gặp tôi và rủ đi cùng. Cái đau của tôi là cũng nghe theo, cũng đi, cũng nộp đơn, cũng thi và... đậu vớt, nghĩa là một trong nhóm 10 người không được học bổng $1,000.00 mỗi tháng. Cái đau của tôi lên đến cực điểm khi thằng Nguyễn Văn Nhã, răng hô, cao lênh khênh đậu đầu kỳ thi tuyển và sau đó được học bổng Colombo đi Canada -rồi trở thành sinh viên phản chiến theo Việt Cộng ở Canada dù anh ruột là Nguyễn Văn Uy bút hiệu Y Uyên bị Việt Cộng thảm sát (5)- đã đề nghị 30 người được học bổng sẽ chia sẻ với 10 người không được để cả lớp 40 người ai cũng được hưởng học bổng. Tôi không biết thằng này có đạo đức giả hay không, nhưng lại càng căm tụi thằng Phước đưa mình vào chỗ "nhục nhã" này. Thế rồi đâm lao tôi phải theo lao. Bây giờ nghĩ lại, tôi... đành phải cám ơn mấy thằng này vì nghề thầy đã đem lại cho tôi một cuộc sống đầy ý nghĩa.

tran anh tuan
Hình gia đình - Từ phải sang trái: Nhu (Cao học Sử, ĐHVKSG), Trần Anh Tuấn, Anh Đào, Songyee, Anh Kiệt, trong một ngày về thăm Bố Mẹ ở Alameda, CA.

Rồi thằng Cao Văn Hoan nữa. Có ai còn nhớ thằng mặt té thùng đinh hay miả mai nhại lời nói của cụ Bùi Phượng Chì lúc đó làm Giám Đốc Khoa Học, Tôi thương các anh lắm... không? Mỗi khi thằng gốc Nam này nhái giọng Bắc Kỳ thì không ai nín cười nổi.
Chị Xuân có khỏe không? Chị còn nhớ cái hôm chị phê bình tôi đội cái nón lưỡi trai thì trông giống như nài ngựa không? Chị còn nhớ câu trả lời của tôi không? Nếu không thì dịp này để tôi nhắc lại cho cả lớp chúng nó biết nhé: hôm ấy, tôi đã trả lời chị rằng thế ai là ngựa đây?! Cầu chúc chị an vui và dồi dào sức khỏe.

Còn một số bạn cùng lớp nữa mà tôi nhớ mặt, nhớ người, nhớ cả lời ăn tiếng nói nhưng lại quên... tên. Như anh chàng cầm máy cho nhóm phóng viên quốc tế để kiếm thêm ngoài giờ học, người đen thùi lui, hay gọi cặp Tường-Tâm là đôi Chim Chích. Tôi có một kỷ niệm với chàng này. Các bạn còn nhớ kỳ thầy Lâm Thanh Liêm giận dỗi bỏ ra xe đi về không thèm dạy tụi mình không? Tôi nhớ lớp ta lúc ấy chia thành hai phe. Một phe vui mừng thấy thầy đi về thì được nghỉ. Một phe ra xe năn nỉ thầy trở lại. Phe năn nỉ có Trác, Kim-Cúc... 5-6 người gồm cả tôi nữa. Hôm ấy, tôi có phân bua với anh chàng là tôi không có nói, không có năn nỉ gì với thầy, thì chàng ta trả lời liền là đi theo ra xe thì rõ là năn nỉ rồi, cần gì phải nói. Tôi nghĩ trong bụng cái thằng đen như củ súng, dáng lấc ca lấc cấc mà sao nó biết tim đen của mình đến thế?! Một anh chàng khác thì mê em gái của Hy, rồi tôi được chính đương sự báo cáo là anh ấy khoe là có nhiều tiền quá, không biết để đâu và nhờ ai giữ.

Nhưng các bạn có biết lý do tại sao bây giờ tôi không nhớ hết tên các bạn cùng lớp không? Tại ông Hy tên dài người ngắn đấy. Nguyên khi giấy báo kết quả kỳ thi tốt nghiệ̣p được dán lên tường thì chàng ta trông trước trông sau rồi... thuổng luôn, chạy biến lên tiệm Gia Lợi bán đồ đồng trên Catinat, chỗ tiệm cà phê Brodard trông sang, để khoe với bạn gái của chàng là cô con gái út bác Gia Lợi. Có lẽ vì thế mà người bạn gái ấy đã trở thà̉nh thân mẫu của ba đứa con của chàng.

Thôi, kỳ này tạm tố nhau như thế đủ rồi. Hẹn kỳ sau sẽ tiếp. Công việc bề bộn không cho phép tụi tôi về tham dự kỳ xum họp 1996 này. Hy và tôi xin gửi về Mai Dũng 100 để góp cỗ cùng các bạn. Các bạn nhớ chụp ảnh gửi sang để chúng tôi biết dung nhan mùa hạ của các bạn và con cháu.
...
Thân ái,
Tuấn

___________________

(1) Nguyễn Văn Dũng k6 ra trường nhận nhiệm sở trung học Phan Bội Châu Phan Thiết. Sau tháng Tư năm 1975, chàng... mất dậy nhưng lại kiếm được chân phát dầu săng cho thị xã Phan Thiết.
(2) Khi tôi viết bức thư này thì Phạm Sinh Diễm cùng khoá vừa mất tại bệnh viện Stanford, Bắc California.
(3) Đây là ba người đi theo Cộng Sản thời VNCH, từng bị tù tại Côn Đảo ở Côn Sơn trước năm 1975. Lưu Trường Phong khoá 6 đã mất thì phải, Cao Nguyên Lợi và Trần Văn Chi thì cùng khoá 7 với Trần Thế Đức. Lợi còn ở Sài Gòn, còn Chi hiện sống tại Nam California, có thời gian cũng rất ồn ào.
(4) Biết rõ ràng những chi tiết này vì lúc ấy tôi là người trực tiếp gọi điện thoại nói chuyện với nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phụ trách trường hợp của Giang.
(5) Thiếu úy Y Uyên Nguyễn Văn Uy tử trận ngày 8 tháng 1 năm 1969 tại Bình Thuận. Ông bị đâm hai cánh tay, hai bên hông, và bắn vào mắt và tai.

bạn xưa
Thiệp mời dự Lễ Tốt Nghiệp Khóa 6, 9.9.1967


bạn xưa
Ngày tốt nghiệp Khoá 6. Từ phải qua trái: Nguyễn Văn Hộ, Trần Anh Tuấn, Đặng Thị Chiếu-Trinh, Lê Thị Cảnh-Tâm, Hà Văn Khoan, Ngô Khắc Mẫng.
Hàng sau: Lê Tấn Ngọc, Vợ Ngọc, Nguyễn Trường Hy, Trường...


bạn xưa
Sinh viên Sử Địa Khoá 6 cùng Gs. Nguyễn Ngọc Cư. Nhìn hình để thấy sự mong manh của kiếp người:
Gs. Cư, Phạm Thiện Sinh (đứng thứ 4 từ trái, em Gs. Dương), Huyền (ngồi,

áo đen, thứ 4 từ trái), Diễm (bìa phải, đang lom khom ngồi xuống)... đều không còn nữa.


bạn xưa
Du khảo Huế-Quảng Trị năm 1964. Từ trái:
Nguyễn Nhã k5, Gs. Tôn Thất Dương Kỵ, một sv k5, Trần Anh Tuấn k6.
Hình chụp tại Hổ Quyền, Huế.

 

Đăng ngày 27 tháng 01.2016