banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Giáo phận Vinh thực hiện “Một ngày vì môi trường”

7/8/2016

Thiên Hà

Ngày 7/8. Hơn chục ngàn giáo dân Giáo phận Vinh thực hiện “Một ngày vì môi trường”

Đáp lời kêu gọi của Đức Giám Mục Giáo phận cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và ban Công Lý & Hòa Bình của Giáo phận Vinh, sáng nay ngày 7/8/2016, toàn Giáo phận Vinh thực hiện “Một ngày vì môi trường”, có hơn chục ngàn giáo dân của nhiều giáo xứ từ Nghệ An cho đến Quảng Bình trực thuộc giáo phận Vinh tham gia hưởng ứng. Nhà cầm quyền Nghệ An có huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động đến rất đông để canh giữ thậm chí có những người bịt mặt mặc thường phục đem cờ đỏ hòa vào dòng giáo dân không rõ mục đích gì và cuối cùng cũng có bắt bớ, đánh đập ngay trước ngày diễn ra sự kiện…

Tường thuật “Một ngày vì môi trường” tại Giáo phận Vinh
Chị Thu, giáo dân thuộc giáo xứ Yên Hòa chia sẻ với Cali Today cuộc tuần hành sáng nay tại giáo xứ mà chị có tham gia:
Theo chị Thu, giáo dân và cha xứ xuất phát tầm khoảng 6giờ, có khoảng năm, sáu trăm người bao gồm nhiều thành phần tham gia trong đó có cả lực lượng công an và an ninh.
“Sáng nay, cha với giáo dân tập trung diễu hành tại xóm của tôi qua xóm của người khác. Cuộc diễu hành có công an, an ninh cũng không đông nhưng nó mặc đồ giống dân chứ không mặc đồng phục công an, nó đứng nhiều ngã và có đi theo đoàn nhưng không làm gì dân”

Giáo dân Đông Yên tuần hành hưởng ứng - Một ngày vì môi trường (ảnh; Chinh Le)
Giáo dân Đông Yên tuần hành hưởng ứng – Một ngày vì môi trường (ảnh Chinh Le)

Chị Thu cho biết thêm, tuy cuộc tuần hành vì môi trường nhưng có nhắc đến trường hợp của công ty Formosa. Vào thời điểm xảy ra thảm họa môi trường biển, cá tôm chết hàng loạt vào đầu tháng 4, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên Huế, thủ phạm sau đó được công khai chính là công ty Formosa Hà Tĩnh thì tại nơi chị Thu sinh sống có một số người dân đi chợ mua tôm, tép về ăn rồi nổi ngứa ngấy trong người, người dân từ hôm ấy đến giờ chưa dám ăn cá. Vì lẽ này mà những băng rôn, biểu ngữ đồng hành cùng bà con giáo dân ngoài nội dung có liên quan đến môi trường thì có thêm chữ nội dung Formosa như; “Đề nghị Chính phủ Việt Nam cho Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Yêu cầu VTV (đài truyền hình Việt Nam) nói lại những lời của Đức cha Nguyễn Thái Hợp khi đã nói sai về Đức cha” “Đề nghị Formosa cút khỏi Việt Nam”, “ Hoàng Sa_Trường Sa là của Việt Nam”…

Giáo dân Đông Yên tuần hành hưởng ứng - Một ngày vì môi trường (ảnh; Chinh Le)
Giáo dân Đông Yên tuần hành hưởng ứng – Một ngày vì môi trường (ảnh Chinh Le)

Và đây cũng là những thông điệp mà chị Thu muốn nhắn gửi đến người dân thông qua cuộc tuần hành “Một ngày vì môi trường” sáng nay. Cuộc tuần hành của bà con giáo dân Yên Hòa kết thúc tầm khoảng 7giờ do đoạn đường đi có phần ngắn. Dù vậy, chị Thu thấy rất có ý nghĩa thông qua buổi tuần hành.
“Tôi thấy rất có ý nghĩa. Môi trường sống là của chung tất cả mọi người, mình có trách nhiệm gì đấy để bảo vệ môi trường cũng là quyền sống của mỗi người.”, chị Thu kết lời.
Ngoài giáo xứ Yên Hòa, Cali Today còn liên lạc được giáo dân tên Hiền có mặt tại giáo xứ Phú Yên cũng trực thuộc giáo phận Vinh nằm ở tỉnh Nghệ An. Chị Hiền cho biết, chị là giáo dân ở giáo xứ khác nhưng giáo xứ ở nợi chị sinh hoạt không tổ chức tuần hành “Một ngày vì môi trường” nên chị cùng bạn bè đến giáo xứ Phú Yên tham gia. Cuộc tuần hành của bà con giáo dân tại đây xuất phát từ lúc khoảng 6giờ30 và kết thúc vào lúc khoảng 9giờ30 và đoạn đường đi đến nơi tham dự cũng khá vất vả đối với chị Hiền.
“Đi cũng rất vất vả. Công an nhiều lắm. Vì lòng yêu mến đất nước quê hương, vì sợ bệnh tình của đất nước và khi chúng tôi khi đến nơi thì thấy những hình ảnh (in băng rôn) có những anh em bị đánh đập lòng không kìm được xúc động, quá sức tưởng tượng của tôi trước khi ở nhà bắt đầu đi.”

Đêm thánh lễ trước ngày thực hiện - Một ngày vì môi trường (ảnh; Facebook Huỳnh Quốc Huy)
Đêm thánh lễ trước ngày thực hiện – Một ngày vì môi trường (ảnh Facebook Huỳnh Quốc Huy)

Tại giáo xứ Phú Yên sáng hôm nay, do có các giáo xứ bạn đến hiệp thông nên cuộc tuần hành có số lượng giáo dân tham gia rất đông,  đông không thể tưởng. Chị Hiền nói.
“Ươc chừng khoảng hơn năm ngàn người, đông lắm. Biểu ngữ giáo dân đưa lên như  “bán rẻ tương lai mua quan tài hiện tại”, “Chúng con luôn đồng hành với Đức cha Nguyễn Thái Hợp để cầu nguyện môi trường”, “Hãy vì môi trường sạch, biển sạch”…nói chung nhiều biểu ngữ.”
Còn về tinh thần của bà con khi tham gia tuần hành được chị Hiền cho biết:
“Tinh thần của bà con khi tham gia tuần hành tôi thấy trời thì nắng mà có rất nhiều khuôn mặt thân thiện với nhau, đầy tình người tình Chúa. Tôi từ giáo xứ khác tới đây chưa quen biết nhau nhưng thấy anh em các giáo xứ quy tụ lại rất vui vẻ, thân thiện và hợp nhất. Vì có lòng đấu tranh cho công lý và sự thật nên họ cảm thấy rất hạnh phúc, rất là vui vẻ vì những việc làm của Cha tổ chức”.
Cũng như chị Thu, khi thảm họa môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra thì gia đình chị Hiền tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng theo chị Hiền nó lại ảnh hưởng gián tiếp:
“Formosa không ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình tôi vì gia đình tôi không làm nghề biển nhưng rồi tương lai gia đình tôi cũng phải ăn cá và dùng mắm, muối thì cũng ảnh hưởng thôi. Tôi thương thay cho những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp”.
“Qua buổi tuần hành hôm nay tôi thấy rất có ý nghĩa, đối với những người có đức tin là những người công giáo như tôi, tôi cảm thấy việc làm như thế này rất có ý nghĩa, mong nhà cầm quyền cộng sản nhìn thấy giáo dân đi tuần hành một cách ôn hòa, đoàn kết thế này chắc phải thay đổi”, chị Hiền chia sẻ ý nghĩa của buổi tuần hành.
Rời Nghệ An, Cali Today liên lạc với giáo dân thuộc giáo xứ Đông Yên ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nơi đây vào tháng 4 là tâm điểm khởi đầu của thảm họa Formosa. Đáp lời kêu gọi của Đức Giám Mục Giáo phận cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và ban Công Lý & Hòa Bình của Giáo phận Vinh, sáng nay ngày 7/8/2016, giáo dân giáo xứ Đông Yên cũng trực thuộc giáo phận Vinh hưởng ứng “Một ngày vì môi trường” theo Cali Today ghi nhận cũng rất sôi nổi và nồng nhiệt.
Một giáo dân tên Chính chia sẻ với Cali Today tình hình cuộc tuần hành của bà con giáo dân tại Đông Yên như sau:
“Cuộc tuần hành kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Lượng người tham gia khoảng hai ngàn người. Thành phần tham gia chủ yếu là bà con ngư dân bao gồm đàn ông, phụ nữ, thanh niên và trẻ em. Với thông điệp “Trả lại biển xanh sạch đẹp cho chúng tôi” và “yêu cầu Fomosa cút khỏi Việt Nam”…

giáo dân giáo xứ Cửa Sót tuần hành vì môi trường (ảnh; Hung Tran)
Giáo dân giáo xứ Cửa Sót tuần hành vì môi trường (ảnh Hung Tran)

Cuộc tuần hành của bà con giáo dân Đông Yên diễn ra dưới những cặp mắt theo dõi của các lực lượng chính quyền nhưng không có căng thẳng, đàn áp xảy ra.
“Giáo xứ chúng tôi tuần hành với tinh thần ôn hòa, văn minh. Hưởng ứng theo thông điệp môi trường của Đức Thánh Cha xuống đường nhặt rác nên đâu vi phạm pháp luật mà sợ chính quyền.”
Ngoài giáo xứ Yên Hòa, Phú Yên, Song Ngọc, Đông Yên như đã nêu trên thì Cali Today còn được biết các giáo xứ Cửa Sót, Hướng Phương, Cồn Sẻ… cũng trực thuộc Giáo phận Vinh tham gia hưởng ứng “Một ngày vì môi trường”. Ngoài những băng rôn, biểu ngữ có nội dung liên quan đến môi trường, Formosa, Cali Today còn ghi nhận có nhiều băng rôn, biểu ngữ có nội dung liên quan đến Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Qua tìm hiểu, Cali Today được biết vào những ngày đầu xảy ra thảm họa Formosa, Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp có ra một bản “Thư chung” đại ý có nội dung quan tâm đến môi trường nhưng sau đó bị đài Truyền thông của Nhà nước Cộng sản Việt Nam phát bản tin không đúng khiến giáo dân bức xúc, yêu cầu nhà đài phải xin lỗi Đức Cha nhưng đến nay vẫn còn im lặng.

Có bắt bớ, đánh đập nhưng liệu có Việt Tân?
Ngày tuần hành hưởng ứng “Một ngày vì môi trường” nhìn chung diễn ra khá suông sẻ đối với bà con giáo dân ở Giáo phận Vinh. Ngoài việc tuần hành, bà con giáo dân còn thực hiện các việc như tổ chức dọn vệ sinh trường, hiệp thông cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường, tùy theo mỗi nơi có cách hưởng ứng thích hợp.

cong an bao vay  cong an bao vay

Tuy vậy, vẫn có bắt bớ, sách nhiễu và gây khó khăn từ phía lực lượng cầm quyền đối với giáo dân, cụ thể đối với trường hợp con gái của chị Hiền và một thanh niên đi cùng tên Pháp bị công an Nghệ An bắt giữ phi pháp và đánh đập tàn bạo. Chị Hiền kể:
“Bữa qua (ngày 6/8/2016), tôi có người còn gái đang trên đường về nhà đặng đưa số quần áo qua giáo xứ khác nhưng không lọt được, bị công an bắt và đánh vào đầu. Nghe nó nói giờ đầu còn đau ê ẩm, lấy thuốc về uống nhưng chưa thấy đỡ.”
Trước hành động phi pháp của công an Nghệ An đối với con gái mình, chị Hiền bức xúc nói:
“Qua đây cho thấy bạo lực của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, không biết họ nghĩ như thế nào trước hiện tình và họ còn vu oan cho những người dám nói lên sự thật là chống đối Nhà nước, theo Đảng Việt Tân.”
Chưa hết, đêm trước khi giáo dân Giáo phận Vinh thực hiện chương trình, nhà cầm quyền Nghệ An đã huy động một lực lượng đông đảo cảnh sát cơ động có vũ trang tập kết xung quanh khu vực nhà thờ Chánh Tòa, ra tay sách nhiễu đủ điều với giáo dân hễ thấy có khả nghi.

bà con giáo xứ Yên Hòa xuống đường vì môi trường xanh sạch đẹp và để hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung Giáo Phận Vinh. (ảnh; JB Nguyễn Văn Duyệt)
Bà con giáo xứ Yên Hòa xuống đường vì môi trường xanh sạch đẹp và để hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung Giáo Phận Vinh. (ảnh JB Nguyễn Văn Duyệt)

Trên trang nghean24h.vn có ghi lại, tại kỳ họp Hội đồng tỉnh vào ngày 4/8/2016, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu- Giám đốc Công an Nghệ An thông tin: “Đảng và Nhà nước đã vào cuộc rất quyết liệt, đầy đủ tài liệu chứng cứ để Formosa không chối cãi được trong sự cố môi trường. Việt Tân đã lợi dụng sự việc để kích động bà con nhân dân đi biểu tình tuần hành chống phá” đề nghị cử tri tỉnh nhà và đại biểu Hội đồng hết sức cảnh giác, không mắc bẫy Việt Tân. Thực tế không riêng gì nhà cầm quyền Nghệ An mà từ trước nay nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam luôn đem đảng Việt Tân ra làm bia đỡ cho những hành động đàn áp cuộc tuần hành của người dân hoặc bắt giữ những người dám nói lên sự thật hiện tình đất nước. Chị Hiền nói:
“Tôi thấy nếu những người nói thật mà quy cho là theo Đảng Việt Tân vậy Việt Tân là những người tốt mặc dù tôi chưa thấy Việt Tân lần nào cả, ước chi Việt Tân về đây để giúp đỡ mọi người, giúp đỡ đất nước thì hạnh phúc biết mấy. Tôi linh cảm Việt Tân có Chúa, có tình người chứ không vô cảm như Đảng cộng sản.”
bà con giáo xứ Yên Hòa xuống đường vì môi trường xanh sạch đẹp và để hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung Giáo Phận Vinh. (ảnh; JB Nguyễn Văn Duyệt)
Bà con giáo xứ Yên Hòa xuống đường vì môi trường xanh sạch đẹp và để hưởng ứng lời kêu gọi của vị cha chung Giáo Phận Vinh. (ảnh JB Nguyễn Văn Duyệt)

“Cây ngay không sợ chết đứng. Chúng tôi lên tiếng vì môi trường bằng sự ôn hòa, lịch sự vậy chúng tôi không sợ những lời quy chụp. Dưới sự che chở duy nhất của thiên Chúa là đấng chúng tôi tôn thờ. Chúng tôi không sợ gì hết. Nếu tổ chức cá nhân nào cùng quan điểm với chúng tôi thì sẽ ủng hộ họ.” chia sẻ của anh Chính.
Và chị Hiền kết lời, Việt Nam hiện tại không chỉ ô nhiễm môi trường ở biển mà còn ô nhiễm môi trường về tư duy, đạo đức suy thoái, bộ óc con người bị nhồi sọ suy thoái về đạo đức, cái vô cảm của con người Việt Nam hiện nhan nhãn./.
THIÊN HÀ

http://baocalitoday.com/

http://www.rfavietnam.com/blog/4350


Diễn biến Ngày Môi Trường tại Giáo phận Vinh

Chủ nhật 7 tháng 8.2016


Công an bố trí dầy đặc. Ảnh: FB Dũng Mai

12:00 trưa giờ Việt Nam: tin cập nhật từ phóng viên SBTN cho biết, tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, đông đảo bà con xứ Yên Hoà cũng đã cầm cờ hội thánh Công Giáo, tay cầm Banner với các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường và tuần hành dọc các ngã đường…Nhà cầm quyền thị xã Hoàng Mai đã huy động người dân không công giáo đến để phá rối đoàn tuần hành. Họ cầm cờ đỏ, mặt đeo khẩu trang đến để mục đích phá rối đoàn tuần hành. Nhưng khi họ thấy người công giáo cầm các banner kêu gọi bảo vẹ môi trường, đi thành đoàn nên họ chỉ đứng hai bên đường theo dõi mà thôi..."
Tại huyện Yên Thành, Nghệ An: có khoảng hơn 2,000 người dân xứ Vĩnh Hoà đã tuần hành từ nhà thờ xứ đến cổng trường cấp 1 xã Hợp Thành. Đoàn biểu tình vừa đi vừa kêu gọi bảo vệ môi trường và hô lớn các khẩu hiệu yêu cầu khởi tố Formosa và đồng bọn.
Tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh: có hơn 1,000 người dân xứ Đông Yên đã cầm banner ra chặn đường quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để hưởng ứng ngày vì môi trường. Đoàn người biểu tình cầm các banner có khẩu hiệu: "chung tay bảo vệ môi trường", "yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa để đảm bảo môi trường sống cho người dân"... Sau đó di chuyển xuống biển để tuần hành, dù thời tiết hôm nay rất nắng, nhiệt độ lên đến 35o C.



Giáo xứ Xuân Hoà, hạt Hướng Phương, tỉnh Quảng Bình




Giáo xứ Đông Yên thuộc huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh



Giáo xứ Yên Hoà thuộc thị xã Hoàng Mai, Nghệ An

Bây giờ tại Nghệ An là 8:00 sáng ngày Chủ Nhật 7 tháng 8 2016. Đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh Nguyễn Thái Hợp , bà con đã bắt đầu xuống đường vì Ngày Môi Trường.
Những hình ảnh ghi nhận được đầu tiên trên các trang mạng xã hội là từng đoàn thanh thiếu niên lũ lượt kéo nhau ra đường, về nhà thờ với màu áo trắng chỉnh tề, trật tự, biểu ngữ trong tay (FB Hồ Huy Trường)
Được biết, nhà cầm quyền Nghệ An đã cho cúp điện khu vực nhà thờ. Hiện nay công an, mật vụ đã được điều động về rất đông. Giám Đốc công an Vinh đã nói với báo chí rằng ở “Nghệ An Việt Tân rất nhiều”, để chụp mũ cho các cuộc biểu tình vì môi trường của các linh mục, giáo dân ở đây là “do bị kích động”. Có thể chính quyền đang chuẩn bị đàn áp. Người Công Giáo khắp nơi đang kêu gọi hiệp thông với giáo phận Vinh. Tình hình hiện đang căng thẳng…
Trên FB Hiệp Hội Ngư Dân Miền Trung cho biết khỏang hơn 1000 ngư dân Giáo Xứ Song Ngọc thuộc hạt Thuận Nghĩa Nghệ An đã xuống đường tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường. Dự kiến đoàn sẽ tuần hành qua Giáo Xứ Phú Yên, qua Giáo xứ Mành Sơn, và cùng với các Giáo Xứ trên sẽ đồng tuần hành cùng nhau kêu gọi bảo vệ môi trường & đóng cửa nhà máy Formosa vì đã gây nên thảm hoạ trên. Đoạn đường dài nhất mà đoàn đi qua khoảng từ 15-20km.



Tin trên FB Tin Mừng Cho Người Nghèo: “…khoảng 5000 người dân từ nhiều giáo xứ ở giáo phận Vinh đã tuần hành bằng xe và tham dự thánh lễ cầu nguyện nhân ngày môi trường của giáo phận và phản đối formosa tại giáo xứ Mành Sơn. Cuộc tuần hành bằng xe kéo dài đến cả cây số với đầy đủ băng rôn, biểu ngữ với ước nguyện công lý cho người dân.
Ước tính có khoảng hơn 5000 người đã tham dự cuộc biểu tình lớn này, và đa phần đến từ giáo xứ Song Ngọc, Phú Yên và Mành Sơn, cũng như có đoàn từ xứ Ngọc Long và một số nơi khác.
Linh mục GB Nguyễn Đình Thục đã dẫn đầu đoàn xe diễu hành từ nhà thờ giáo xứ Song Ngọc sang giáo xứ Phú Yên. Trên đoạn đường hơn 7km, hàng ngàn người đã cầm cờ Hội Thánh tiến tới nhập đoàn với giáo xứ Phú Yên vào lúc 6:15 giờ sáng.
Già trẻ trai gái rất háo hức vì lần đầu tiên được tham dự một sự kiện lớn thế này.
Ông Nguyễn Văn Thung, Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Phú Yên chia sẻ: ai cũng nhiệt tình tham gia với tinh thần trách nhiệm. Ở đây chúng tôi đã biểu tình nhiều lần rồi, nhưng lần này có quy mô và số lượng lớn nhất…”



Linh Mục Nguyễn Đình Thục (phải) dẫn đầu đoàn tuần hành xe máy



2016-08-07 - Quang Do 


Bút ký về Formosa

Hoàng Quốc Hải

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chuẩn bị cho đoàn nhà văn chúng tôi đi thâm nhập thực tế rất chu đáo. Chúng tôi chọn Hà Tĩnh, nơi có điểm nóng Formosa. Đoàn chúng tôi gồm nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Trần Nhương, nhà văn Văn Chinh, nhà phê bình kiêm nhà giáo Bùi Việt Thắng, nhà báo Kiều Mai Sơn trẻ nhất đoàn, khoảng ba chục tuổi. Số còn lại tuổi trên 60 đến dưới 80. Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội lúc 9 giờ sáng ngày 18 tháng 7 năm 2016... Nhờ sự sắp xếp của nhà văn Đức Ban và sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, 8 giờ sáng ngày 19 tháng 7, chúng tôi khởi hành tới Formosa. Người hướng dẫn chúng tôi thăm khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh là một cô gái tên Dung (quê Đà Nẵng) thuộc bộ phận đối ngoại, từng làm việc dưới quyền ông Chu Xuân Phàm, người phát ngôn khá ấn tượng trong cuộc họp báo đầu tiên sau vụ cá chết.
– Cháu giới thiệu qua về Khu liên hợp này đi – Trong đoàn có người nói. – Dạ, thưa các bác, xe chúng ta đang chạy trong khu vực nhà máy của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương do Formosa làm chủ đầu tư có 3 hạng mục: Nhà máy luyện gang thép công suất 7, 5 triệu tấn/ năm; nhà máy điện công suất 650 MW và cảng nước sâu Sơn Dương. Tổng diện tích của dự án là 3.318,12 ha, trong đó diện tích mặt đất 2.025, 37 ha, diện tích mặt biển 1. 293, 35 ha.
– Cảng đón được tàu trọng tải bao nhiêu tấn và độ sâu bao nhiêu mét, tôi hỏi. – Dạ, cháu thấy tầu lớn vẫn vào đây bốc hàng, còn trọng tải bao nhiêu cháu không rõ, độ sâu cháu cũng không biết.
Theo tìm hiểu, Sơn Dương thuộc loại cảng biển sâu nhất Việt Nam, độ sâu ổn định tới 20 mét, độ chênh thủy triều không ảnh hưởng tới việc tàu ra vào. Cảng này, tàu 300. 000 tấn có thể bốc xếp hàng thoải mái. Nghĩa là cả một Hạm đội lớn như Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cũng có thể cập cảng Sơn Dương và trú tránh an toàn.Với độ sâu ấy, tầu ngầm cũng có thể ra vào dễ dàng. Hơn nữa trên bờ cảng, còn diện tích mặt đất khá rộng, vừa làm bến bốc, dỡ hàng hóa, khi cần có thể dẹp lại làm sân bay dã chiến. Nghĩa là Sơn Dương có khả năng vừa là cảng thương mại lớn vừa là căn cứ quân sự tuyệt hảo. Không thể hiểu, bằng cách nào mà Formosa lại chui được vào tử huyệt này của nước ta? Lại nữa nó được xây dựng nhanh với tốc độ chóng mặt, do 8 nhà thầu của Trung Hoa đại lục với cả vạn người họ ồ ạt kéo sang làm việc hối hả một cách đáng ngờ!
Khu kinh tế Vũng Áng ở chân núi phía bắc dẫy Hoành Sơn gồm các xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trình, Kỳ Hòa, Kỳ Ninh thuộc huyện Kỳ Anh. Tổng diện tích hơn 30 km2. Nghĩa là nó chiếm hơn 1/10 diện tích của cả huyện này.
Xe của chúng tôi vẫn lăn bánh trên những nẻo đường mà cô Dung chỉ dẫn. Không hiểu sao trong tôi lại nhen lên từ ký ức, rằng lúc này tôi có cảm giác y hệt hồi những năm đầu của thập niên 50 của thế kỷ 20, như tôi đang đi trong vùng địch tạm chiếm, mặc dù tôi đang đi trên đất nước của tôi, và người chủ tạm này theo hợp đồng, họ chỉ làm chủ có 70 năm thôi.Thực ra, theo luật pháp nước tôi, họ chỉ được phép thuê 50 năm, còn 20 năm gian dối kia là do có kẻ tiếp tay. Cũng như Hồng Kông Trung Quốc chỉ thuộc về người Anh có 99 năm. Nhưng Hồng Kông là nhượng địa.
Ngoài kia cảng Sơn Dương mênh mang nước, biển xanh rờn. Trong khu liên hợp này, các nhà máy dường như chưa khởi động. Tôi hình dung khi các nhà máy luyện gang thép và nhà máy điện khổng lồ kia hoạt động đồng bộ, khí thải phun khói bụi lên trời thì từ Vinh và Đồng Hới chắc nhận ra vị trí của Hà Tĩnh thật dễ dàng. Khu công nghiệp này khi vận hành, nó sẽ phát thải lên trời, thải qua các nguồn nước, thải trong lòng đất, trong đó có bụi than, có khí độc hóa chất, có chất rắn không hòa tan… Vậy là từ bầu trời, mặt đất, nguồn nước ngầm, dưới đáy biển sẽ đồng bộ nhận chất thải độc của khu công nghiệp Formosa. Tuy nó mới chỉ súc rửa đường ống thôi, đã hủy diệt môi sinh hơn 200 km biển chạy suốt bốn tỉnh, và không một sinh vật biển nào từ tầng mặt đến tầng đáy có thể sống sót, từ các loài tôm cua cá nghêu sò đến san hô rong tảo đều chết. Cá chết nổi trắng các bờ biển, một vụ đầu độc kinh hoàng. Một vụ đầu độc khổng lồ có dự mưu chứ không phải vô tình. Một thảm họa môi trường do con người gây ra với qui mô lớn như thế này, chưa từng một lần xảy ra trên Trái đất.
Tại sao nói có dự mưu? Có dự mưu là bởi thủ phạm có chuẩn bị, có tính toán cho hành vi và biết trước hậu quả. Điều này đã được Chu Xuân Phàm, người phụ trách đối ngoại của Formosa phát ngôn trước báo chí và lãnh đạo địa phương sau mấy ngày cá chết. Vẻ mặt giận dữ, thái độ ngông ngạo, lời nói xấc xược, y lớn tiếng quát hỏi: “Muốn cá hay muốn thép? Chọn tôm cá hay chọn thép? Muốn cả hai thì đến Thủ tướng cũng không làm được”. Như vậy là cả Chu Xuân Phàm và lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh, đều biết rõ tác hại của hóa chất mà họ dùng để súc rửa đường ống.Thật là một tội ác đã được sắp đặt. Vậy mà còn có kẻ bênh che. Sau đó Formosa chối tội, đuổi Chu Xuân Phàm về Đài Loan. Chúng tôi thường bảo Chu Xuân Phàm thuộc trường phái hiện thực trần trụi. Và chính những lời thú tội của Phàm cũng là một bằng chứng phạm tội quả tang. Vậy là kẻ thủ ác đã công khai thách thức và công khai thú tội. Đây là loại tội phạm môi trường, nhân chứng vật chứng có đủ. Vấn đề còn lại là luật pháp Việt Nam phải khởi tố và Tòa án phải xét xử, phải truy tố chứ không thể chỉ xin lỗi rồi cho qua. Hai đứa trẻ vì đói mà cướp mẩu bánh mì và vài thứ trị giá có 45.000đ còn phải ngồi tù,vì Tòa tuyên đó là hành động gây nguy hại cho xã hội.Thế thì kẻ đầu độc môi trường, tàn sát vô vàn sinh vật biển suốt một dải dài hơn 200 cây số, làm tê liệt nhiều ngành kinh tế và ảnh hưởng xấu tới đời sống hàng mấy chục vạn người. Và nửa thế kỷ sau chắc gì môi trường đã có thể hồi sinh.Thử hỏi tội ác ấy có nguy hiểm cho xã hội không? Có xứng đáng để truy tố không, hay nó không nguy hại bằng hai đứa trẻ cướp mẩu bánh mì? Đây còn chưa kể đến cú sốc tâm lý cực lớn đối với mọi người, đặc biệt là đối với trẻ em thì việc sang chấn thần kinh, sang chấn tâm lí sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời. Liệu Formosa và những kẻ rước Formosa vào có thể đền bù được tội ác này không? Đi 16 km, được một góc khu công nghiệp Formosa, cũng tức là chúng tôi chỉ được phép cỡi ô tô xem nhà xưởng và sắt thép trong phạm vi đó.
Tiếp theo chúng tôi vào thăm bà con ngư dân tái định cư ở Đồng Yên thuộc xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh. Một con đường chạy giữa hai dẫy nhà thưa thớt. Đây là khu vực của các gia đình ngư dân tái định cư. Trời nắng nóng như thiêu, nhiệt độ ngoài trời đến 40 độ C, bốn bề không một bóng cây. Các nhà cất còn tạm bợ, nhiều nhà chưa hoàn thiện. Chúng tôi ghé một ngôi nhà nhỏ ven đường. Ngôi nhà vừa cất xong, chỉ có tường vách, không thấy một thứ đồ đạc gì đáng giá ngoài đống lưới cuốn gọn trong góc nhà cỡ chừng một mét khối. Một người phụ nữ bế con bên nách nhìn ra đường vẻ ngơ ngác. Chúng tôi bước vào nhà hỏi chuyện. Được biết dẫy nhà lơ xơ đây thuần dân tái định cư của xã Kỳ Lợi, tất cả đều là ngư dân bám biển sống từ nhiều đời. Nơi tái định cư có tên là xóm hoặc làng Đồng Yên. Gọi là Đồng Yên, nhưng lòng người lại không yên. Chị chủ nhà tên Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1982, tuổi Nhâm tuất. Nhà văn Trần Nhương trêu: “Nhâm tuất – con chó vàng, giàu rồi, lo gì”. Như đụng vào nỗi lòng đang lo lắng buồn đau, chị Vinh than thở: – Ông ơi, con đang lo không biết sống sao đây. Mấy tháng nay thuyền úp bến, lưới chồng đống khô rang, thèm con tôm con cá đến xót cả ruột. Chị Vinh có hai con nhỏ, bốn tuổi và hai tuổi. Chồng, anh Nguyễn Văn Tâm sinh năm 1975. Thấy tôi ghi tên tuổi của vợ chồng chị Vinh, bà con xóm giềng kéo đến rất đông. Họ không cần biết chúng tôi là ai. Tất cả đòi ghi tên và số người trong nhà. Nguyễn Thị Thơ 55 tuổi, chồng là Hoàng Văn Từ 55 tuổi, nhà có 10 khẩu. Thôi thế nhà em xong rồi. Bà Thơ vừa quay ra, người khác đã len vào xướng danh. Nhà văn Trần Nhương giải thích: – Bà con ơi, chúng tôi là khách qua đây chứ không phải cơ quan công quyền gì đâu. Bà con không để ý, vẫn cứ đòi ghi tên – Hoàng Kham, bác ghi đi. Nhà em 10 khẩu, 4 lao động biển. Tôi hỏi xen: – Thế bây giờ bà con đã đi biển được chưa? – Chưa! Nước vẫn còn ngứa lắm. Trong lộng chưa thấy có cá tôm gì.
– Thế ra khơi được chứ ạ? – Khơi thì được nhưng phải có thuyền lớn. Mới lại đánh bắt về bán cho ai. Dù cá sạch, dân vẫn không dám ăn. Nhà nước chưa hướng dẫn chỉ số an toàn, chưa có chỉ dẫn gì hết, ai dám mạo hiểm.
– Bác ơi, em Nguyễn Văn Thành 57 tuổi, nhà 8 khẩu./ – Em Nguyễn Bá Thạch 62 tuổi, nhà 6 khẩu. / – Em Phạm Minh 54 tuổi, nhà 8 khẩu v.v.v…Tất cả bà con đều là ngư dân thuộc xã Kỳ Lợi.
Chúng tôi hỏi: – Từ ngày phải ngừng đi biển, bà con có được Nhà nước hỗ trợ gì không?. – Dạ có, mỗi khẩu một tháng được 15 kí gạo. Nhưng bác bảo chỉ có hạt gạo không sống sao nổi. Còn trăm thứ khác phải tiêu pha chứ. Trước, mọi thứ chi tiêu đều lấy từ biển. Không biết rồi đây sẽ sống ra sao.
– Các bác có làm gì thêm để kiếm tiền không? – Trước Formosa thuê lặn 18 triệu, nay họ gọi thuê 50 triệu, chẳng ai đi. – Sao lại không đi? – Đi cho mà chết à. Tôm cá còn chẳng sống được. San hô, hoa đá còn chết. Chết tiệt, chẳng còn gì cả. Mình lặn xuống cho toi mạng à. Đã có người chết vì lặn thuê cho họ rồi đấy. Tôi gợi chuyện bà con: – Vậy chớ bây giờ Nhà nước hỗ trợ cho bà con chuyển nghề. Rồi trong nhà có thanh niên mạnh khỏe, Nhà nước đào tạo nghề rồi cho sang Đài Loan lao động, bà con có ưng không? – Không! Chúng em suốt đời bám biển. Nay làm rừng, làm ruộng không làm được, không sống được. Con cái dốt nát, chữ nghĩa ít. Các ông cho học vớ vẩn rồi cho sang Đài Loan. Họ nhận vào làm việc tay chân vài tháng rồi kêu hết việc. Họ hỏi có biết vận hành máy móc không. Không biết, họ tống về. Thế là ôm nhau chết đói cả lũ.
– Vậy nguyện vọng bà con thế nào? – Chúng tôi muốn biển. Muốn Nhà nước bắt Formosa làm sạch biển cho chúng tôi sinh sống. Muốn Nhà nước tống cổ Formosa đi thì chúng tôi mới yên tâm làm ăn.
– Tôi nói, nếu Nhà nước đền bù thỏa đáng, bà con nghĩ sao? – Không! Đã bảo không là không. Không đền bù. Tiền ấy đem làm sạch biển cho ngư dân. Chúng tôi cần sinh sống lâu dài trên đất của tổ tiên đã tạo lập từ ngàn đời. Dân chài 4 tỉnh miền Trung này tới cả mấy chục vạn chứ ít đâu. Lại còn bao nhiêu, bao nhiêu là người sống theo con cá nữa chứ, nó không đơn giản như các ông nghĩ. Các ông hay nghĩ quẩn lắm, định đem vài tờ giấy bạc làm mờ mắt chúng tôi sao?
Được bà con dạy cho một bài học,tôi chưa kịp đáp lời. Một ông già nom có vẻ đàng hoàng chững chạc, nhìn thẳng vào mắt tôi, ông hỏi: – Có thật các ông muốn ngư dân chúng tôi chuyển nghề, để trao biển cho Trung Quốc không? Đời đời dân tôi bám biển là để giữ biển. Giữ biển là giữ nước đấy. Câu hỏi vỗ mặt của người dân chài khiến tôi bàng hoàng. Chưa kịp nói lời xin lỗi, ông đã bỏ đi.
Đúng là dân biển ăn sóng nói gió, chém to kho mặn, đã nói một là một, hai là hai.
Chia tay bà con, chúng tôi ra bãi biển Vũng Áng. Trời nắng chang chang, biển đầy ắp nước. Nước xanh ngăn ngắt, sóng vỗ lăn tăn như mời gọi mà không ai dám nhúng tay xuống nước. Bãi cát trắng phau. Những con thuyền thúng úp sấp nom như những nấm mồ. Những con thuyền dài bọc phủ ni lông trắng toát, nom như những ngôi mộ mới vừa chôn cất. Mép nước san sát những con thuyền bỏ biển neo đậu, bập bềnh theo nhịp sóng vỗ, như một điệu ru buồn...(hết trích)...
... Chẳng thấy, nó mới súc rửa đường ống đã làm cho nhiều ngành kinh tế miền Trung lao đao, cả mấy trăm ngàn người bị ảnh hưởng xấu. Tôm cá không đánh bắt được, biển chết, kinh doanh du lịch và nhiều ngành phụ trợ khác tê liệt. Nếu còn dung dưỡng Formosa, chắc chắn họ sẽ biến không chỉ Hà Tĩnh thành bãi chứa rác thải nguy hiểm ,và nó không chỉ đe dọa về môi trường sinh thái, mà nó còn nguy hiểm tới cả an ninh quốc phòng như tướng Đỗ Bá Tỵ cảnh báo.
Khi ông Hồng Phú Nguyên (Hong Fu Yan) Chủ tịch tập đoàn nhựa và sợi Formosa Đài Loan phủ nhận Formosa Hà Tĩnh tàn sát môi truờng biển, bà Lâm Nhân Huệ ( Lin Jen Hui) Tổng thư kí Hội thẩm phán môi truờng Đài Loan nói: “Nếu Tập đoàn tin rằng họ bị kết tội oan uổng, tại sao họ lại xin lỗi và bồi thường 500 triệu USD?” Và điều này mới thực sự quan trọng. Bà Lâm Nhân Huệ nói tiếp: “Nếu Formosa chính thức họat động và xả tới 45.000 m3 nước thải /ngày, đúng như mức Bộ Tài nguyên – Môi truờng của Việt Nam cho phép thì tầm vóc của thảm họa kế tiếp sẽ lớn gấp nhiều lần. Nói cách khác, không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3.000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam” (Nguồn: Người Việt 15.7.2016). Chớ coi thường lời cảnh báo nghiêm khắc mang tính khoa học và xây dựng của một người có trách nhiệm và có lương tri. Hơn nữa bà Lâm Nhân Huệ còn là đồng bào gần gũi của Tập đoàn công nghiệp Formosa. Hãy nghe thêm một ý kiến nữa của ngài nghị sĩ Su Chih Feng, cựu thị trưởng Văn Lâm (Đài Loan) cho rằng: “Formosa là con quái vật khổng lồ, do đó phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với tập đoàn này” (Nguồn ZingVN).
Nhân đây xin nói thêm về giá trị của biển Việt Nam. Trước hết phải nói, nước ta không phải là một nước nhỏ. Xin mọi người đừng có tự ti. Nước ta có gần một trăm triệu dân,về dân số đứng thứ 14 trên thế giới. Nếu biết khai thác có hiệu quả tiềm năng trí tuệ và sức lao động, khối người này có thể làm cho bất cứ một quốc gia nào giàu mạnh. Ấy là chưa nói đến truyền thống lịch sử, văn hóa và tố chất của nguời Việt Nam. Diện tích đất đai chỉ có hơn 320.000km2 cũng không phải là quá chật. Song ta có thế mạnh về biển, bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam tới 3.260km, và không gian biển của ta tới trên một triệu km2, gấp gần bốn lần diện tích đất liền. Nhiều tài nguyên khoáng sản trong lòng biển. Một phần rất nhỏ tài nguyên đó ta đang khai thác: dầu và khí đốt. Tài nguyên về hải sản cũng không nhỏ. Ta chưa có thống kê, nhưng các nước bạn như Thái Lan, riêng nguồn lợi về hải sản đã chiếm 2% GDP, còn Indonesia, nguồn lợi này chiếm tới 5% GDP. Do đó biển là không gian sinh tồn, có tiềm năng dồi dào để nuôi sống con người và phát triển đất nước trong hiện tại và cả tương lai. Trái lại trên mặt đất, các tài nguyên thiên nhiên như rừng và than đá, ta khai thác gần như cạn kiệt. Các loại khoáng sản khác đều có nhưng trữ lượng không đáng kể, không đủ khai thác công nghiệp. Về đất đai nông nghiệp, chủ yếu dựa vào vựa lúa đồng bằng Nam Bộ, thì đang bị đe dọa nghiêm trọng vì nguồn nước do Trung Quốc khống chế từ thượng nguồn. Nếu quan hệ hai nước xấu đi, Trung Quốc sẽ đóng nước mùa khô và xả nước mùa lũ, vựa lúa Nam Bộ trở nên úng lụt và khô mặn. Nghĩa là đồng bằng Nam Bộ chẳng còn lợi thế gì nữa. Và an ninh lương thực quốc gia trở nên bấp bênh, khó lường.
Nên nhớ giới thống trị Trung Hoa từ cổ xưa tới nay, trừ những điều nhân nghĩa thì không việc tàn bạo nào họ không dám làm. Ngay cả giết hàng loạt dân họ chỉ vì nghi kị vu vơ, họ cũng không ngần ngại, huống chi đối với láng giềng mà họ đang mưu toan thôn tính. Trung Quốc không hề có bạn bè. Họ luôn đặt các nước vào hàng tôi tớ, phụ thuộc, hoặc thù địch. Cho nên bằng mọi giá phải giữ cho môi trường sinh thái biển lành mạnh, phải tác động trở lại cho môi trường biển miền Trung sớm phục hồi. Ngư dân không chỉ đánh bắt hải sản mà còn là đội quân giữ biển, giữ tài nguyên, và giữ chủ quyền quốc gia. Vắng họ, lập tức có kẻ khác thế chân ngay. Và kẻ thù không mong gì hơn ngư dân nước ta bỏ biển. Vì vậy phải tăng cuờng phương tiện cho ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ, thay vì hỗ trợ cho họ đổi nghề. Và nên nhớ, biển mới là cứu cánh cho sự sống còn, và sự bứt phá của cả dân tộc trong thế kỷ 21 này.
Mệnh nước đang nằm trong tay Quốc hội, trong tay bộ máy quyền lực Nhà nuớc. Hãy thuận theo ý dân mà chèo lái con thuyền dân tộc vượt qua khúc quanh lịch sử hiểm nguy này. Nếu muốn giữ cho mệnh nước trường tồn, phải giữ cho bằng được môi trường sinh thái biển trong lành và bình yên. Như vậy, chấp nhận Formosa tồn tại là điều không thích hợp. Vẫn chưa muộn, nếu ta phạt Formosa hành vi đầu độc môi trường, khởi kiện Formosa gây thảm họa môi trường, và cuối cùng là mời họ ra khỏi nước ta. Nếu không, thì như lời bà Lâm Nhân Huệ, Tổng thư kí Hội thẩm phán môi trường quốc đảo Đài Loan đã cảnh báo: “… Không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng suốt 3.000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam.” . “Formosa là con quái vật khổng lồ, phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với Tập đoàn này!”. Đó là lời cảnh báo, cũng của một người Đài Loan.

https://anhbasam.wordpress.com/


CÂU ĐỐI VŨ KHIÊU TẶNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

Theo VTV, ngày 05/8, "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm các nhà khoa học hàng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu và Giáo sư kiêm anh hùng Lao động Vũ Khiêu". Nhân dịp này, Khiêu lại mần câu đối tặng Phúc:
"Tể tướng giáng trần, chí tráng tâm hùng Xuân mãi mãi;
Anh hùng nhập thế, dân an quốc thái Phúc vô biên"
TỂ TƯỚNG GIÁNG TRẦN - ANH HÙNG NHẬP THẾ
"Tể tướng" đây là ý ông Khiêu suy tôn ngôi vị ông Phúc. Đã đành chức tể tướng xưa tương đương với thủ tướng nay: cùng là người đứng đầu nội các. Hiềm nỗi tể tướng tuy trên muôn người nhưng luôn phải ở dưới và phụng mệnh một người, tức ông vua, thiên tử chí tôn. Có thể biện bác "thiên tử" đây là pháp luật, là nhân dân; song cũng có thể hiểu "thiên tử" tức là... đảng. Nên khi người ta tôn xưng thủ tướng thành "tể tướng" thường hàm ý châm biếm. Thủ tướng tiền nhiệm dẫu nhận mình công bộc của dân nhưng cũng bị đá đểu thành "tể tướng" là lẽ đó.
Tuy vậy, "huôn" của câu đối này không phải ở từ "tể tướng" mà ở chữ "giáng". Tân thủ tướng vừa tuyên thệ nhậm chức vốn là Phó thủ tướng ngoi lên, là THĂNG, nhưng bị ông giáo sư hay chữ lỏng phán thành GIÁNG. Câu đối thù tạc không cần hay ho, chỉ cần nịnh khéo, nhưng có chỗ khó là nhiều kiêng kỵ tinh tế phải tránh lắm nha.
Và từ "giáng trần" đây là viết tầm ẩu ra tầm bậy. "Giáng" là rụng, rớt xuống, từ bậc cao té xuống bậc thấp. Người ta chỉ dùng "giáng trần" để nói người thuộc cõi khác chuyển kiếp đầu thai đến thế gian này, như "tiên nga giáng thế", "thần thánh hạ phàm", còn tể tướng dẫu quyền cao chức trọng đến mấy cũng là thuộc trong lục đạo luân hồi, có ở đâu cao xa mà "giáng"?
Đã "giáng trần", lại thêm đối với "nhập thế", rất giống lời trù ẻo. Vì "nhập thế" là cùng sống với người đời, hòa vào dòng đời, từ này dùng cho người thường không sao, nhưng với bậc quyền quý thì khác nào rủa người ta phải bị hưu non?
CHÍ TRÁNG TÂM HÙNG - DÂN AN QUỐC THÁI
Thành ngữ Hán Việt chỉ có "tráng chí hùng tâm" hoặc "hùng tâm tráng chí" (Thơ Nguyễn Du: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ HÙNG TÂM sinh kế lưỡng mang nhiên). Không ai đảo chữ thành "chí tráng tâm hùng", vì là lỗi sai văn phạm, hóa ra ngữ pháp chữ Nôm chứ không còn phải chữ Hán.
Muốn đối chỉnh thì ở đây vế dưới nên là "an dân hộ quốc" sánh với "tráng chí hùng tâm", sẽ ổn và thuận nhĩ hơn.
XUÂN MÃI MÃI - PHÚC VÔ BIÊN
Giáo sư Khiêu cố gò cho lòi ra chữ XUÂN đối với chữ PHÚC, nhưng lại lười lắc não, khiến câu đối kính cẩn làm người ta đọc tới phải phì cười. "Xuân mãi mãi" đối "Phúc vô biên", chữ Nôm chen chữ Hán kiểu ba rọi ba trợn, thì chỉ duy lão quốc sư mới nghĩ ra được vậy. Chịu khó động đậy cái đầu một tí, sẽ dễ dàng tìm thấy từ "bất tận" để đối với "vô biên".
Vậy nên ba chữ cuối vế trên phải là "Xuân bất tận".

* * *
Tôi không dám ngông cuồng tự đại sửa chữ dạy khôn cho bậc quốc sư lão ô bách tuế khả kính, mà chỉ edit tí ti để câu đối tạm chỉnh, như vầy:
"Tể tướng giáng trần, TRÁNG CHÍ HÙNG TÂM Xuân BẤT TẬN;
宰相降塵 壯志雄心春不盡
Anh hùng nhập thế, AN DÂN HỘ QUỐC Phúc vô biên".
英雄入世 安民护國福無邊
Chỉ là biên tập cho xuôi tai thôi, chứ cái "huôn" trong câu đối vẫn còn nặng lắm. Mong thủ tướng chớ có lưu giữ câu đối này. Thích chơi chữ thì ông cứ rút lại cho gọn, thành "Xuân bất tận - Phúc vô biên", hoặc gọn hơn thành 4 chữ "Vĩnh Phúc Thường Xuân", còn tối giản nữa thì dán một chữ "Phúc" 福 như thường dân bách tính vẫn dán lại càng hay.
Cái "huôn" như đã nói, là chữ "giáng", nó nặng lắm lắm, thưa thủ tướng. Để ý mà xem, câu đối của ngài Giáo sư Vũ Khiêu lời văn lủng củng, toàn hư ngôn sáo ngữ chẳng ra cái vị gì; nhưng nếu sửa chỗ "huôn" của chữ "giáng" thì sẽ thành câu đối hay, ý nhị, rất hợp cho dịp... phúng điếu:
"Tể tướng THĂNG THIÊN, tráng chí hùng tâm Xuân dĩ tận;
宰相升天 壯志雄心春已盡
Anh hùng NHẬP THỔ, an dân hộ quốc Phúc vô can".
英雄入土 安民护國福無干

____________

Phản hồi:
Vào 09:51 Ngày 07 tháng 08 năm 2016, Huynh Ngoc Chien đã viết:

CÂU ĐỐI VŨ KHIÊU TẶNG NGUYỄN XUÂN PHÚC
"Tể tướng giáng trần, chí tráng tâm hùng Xuân mãi mãi;
Anh hùng nhập thế, dân an quốc thái Phúc vô biên"
Chỉnh cho “hay” hơn chút thì phải thế này:
"Tể tướng giáng trần, TRÁNG CHÍ HÙNG TÂM Xuân BẤT TẬN;
宰相降塵 壯志雄心春不盡
Anh hùng nhập thế, AN DÂN HỘ QUỐC Phúc vô biên".
英雄入世 安民护國福無邊

Nhưng lẽ ra thì phải như ...ri: mới ...XỨNG :
"Tể tướng THĂNG THIÊN, tráng chí hùng tâm Xuân dĩ tận;
宰相升天 壯志雄心春已盡
Anh hùng NHẬP THỔ, an dân hộ quốc Phúc vô can".
英雄入土 安民护國福無干

Còn mấy câu của Vũ Khiêu thì đó là có lời bình nhu thế này:
Đây là hai câu “bợ đít ngựa” loại rẻ tiền, chữ nghĩa lôm côm như bài viết đã phân tích.
giáng thế lẽ ra là xuất thế v.v...
Nhưng chí tráng tâm hùng v.v... hoàn toàn đúng cách viết Hán Việt chẳng có gì sai. Thơ ca Trung Quốc vẫn dùng.
Tráng chí có nghĩa là: ý chí hùng tráng (một từ)
Chí tráng có nghĩa là ý chí thì hùng tráng (một câu).
Ví dụ :
Căn thâm diệp tài mậu,
Chí tráng kinh tài cao.
根 深 葉 才 茂 ,
志 壯 勁 才 高 。
(Gốc có sâu thì lá mới tốt tươi
Ý chí có mạnh mẽ thì sức mạnh mới cao)
Bác Khiêu nhà ta là một trong những “học giả”điển hình ngoài Bắc (kiểu các “nhà sử học” Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc …), được nâng lên hàng ngũ “giáo sư” chắc là nhờ gia đình có công kách mệnh!
Có người đã...
Họa cùng "học giả" Vũ Khiêu
Tể tướng đăng thiên, chí phế tâm hôi, Xuân an tại?
,,?
Anh hùng vô địa, dân ưu quốc loạn, Phúc hà chi?
,MingLiU;">懮亂福?
Tể tướng lên trời, chí bỏ, lòng khô, Xuân đâu tá?
Anh hùng hết đất, dân lo, nước loạn, Phúc đi mô?


"Dân tộc mình lạ quá phải không anh?" Sắp bị tuyệt chủng mà vẫn vui vẻ ăn nhậu chơi bời chẳng thèm để ý gì tới vận mệnh quốc gia. Cứ để mặc cho đảng và nhà nước lo mọi việc !!!


Phóng sự gây chấn động dư luận Đài Loan của đài truyền hình PTS

Với công tâm và lòng trắc ẩn, người Đài Loan đã làm một phóng sự nói lên sự thật phủ phàng mà trớ trêu thay, chính trên quê hương nạn nhân, người Việt Nam không làm được?! Xem: vừa xúc động vừa phẩn nộ. Thảm cảnh này vẫn đang tiếp diễn. Trách nhiệm thuộc về ai? Dĩ nhiên do đảng cộng sản VN mà đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng. Vấn đề giải quyết không dễ dàng. Hỏi, bao nhiêu viên chức cs đã nhận tiền hối lộ cho dự án? Có thể đây là con bài tẩy thủ thân mà Formosa cầm chắc nịch trong tay.

Nếu không đứng lên đòi quyền sống thì dân tộc Việt Nam sẽ bị diệt vong!!!

https://www.youtube.com/watch? v=_BCiVbbyujk

[Vietsub] “Việt Nam Cá Chết”
www.youtube.com

* * *

Đài truyền hình PTS vừa công chiếu một video phóng sự gây chấn động dư luận Đài Loan về thảm hoạ cá chết tại miền Trung Việt Nam...

https://www.youtube.com/embed/_BCiVbbyujk','frameborder':'0'},'hspace':null,'vspace':null,'align':null,'bgcolor':null}" width="360" height="215">

https://www.youtube.com/embed/ZxVYF7cfbKY','frameborder':'0'},'hspace':null,'vspace':null,'align':null,'bgcolor':null}" width="360" height="215">
Ngư dân Hà Tĩnh: "ai mới là phản động?"

https://www.youtube.com/embed/WgCXqnaxf1A','frameborder':'0'},'hspace':null,'vspace':null,'align':null,'bgcolor':null}" width="357" height="209">
Ngư dân Hà Tĩnh: "đến chết cũng không tin cộng sản"

Đăng ngày 09 tháng 08.2016