Sau 41 năm cai trị đất nước theo chủ nghĩa ngoại lai, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã làm được gì cho người dân Việt?
Những kế hoạch "hoành tráng"
và cuộc sống thật của người dân
Văn Quang
Gần đây nhất, có một số kế hoạch xem ra rất “hoành tráng” của các nhà “họa sĩ phòng kính” muốn tạo cho các thành phố lớn của VN như Sài Gòn trở thành thành phố “văn minh hiện đại” vào loại nhất nhì thế giới. Như việc muốn xây tháp truyền hình cao hơn Nhật Bản để được gọi là cao nhất thế giới mà không hề biết rằng việc này đã trở thành chuyện cổ tích vì sóng analog đã có tại bốn TP lớn: Hà Nội, TP Sài Gòn, Hải Phòng và Cần Thơ.
Vậy tháp truyền hình cao nhất để làm gì khi công nghệ phát sóng đã chuyển đổi? Số hóa truyền hình mặt đất đang là xu thế tất yếu. Vì thế tháp TH của Nhật nay chỉ dùng để cho khách du lịch ngắm cảnh. Những ông đẻ ra kế hoạch tốn kém hàng ngàn tỉ đồng mà kiến thức hẹp hòi như thế chỉ là những con chuột gặm mòn công quỹ, dân è cổ đóng thuế cho các ông ngồi “vẽ bậy.”
Hiện nay tại TP Sài Gòn lại vừa đẻ thêm kế hoạch mới toanh đề nghị chi “1,000 tỷ đồng lát đá vỉa hè trung tâm TP Sài Gòn.”
Lối đi được chèn bằng đủ thanh gỗ đã mục nát và trông rất lỏng lẻo, có thể sập xuống nước bất cứ khi nào.
Ngày 27-3, ông Trần Thế Thuận - chủ tịch UBND Q.1, TP. Sài Gòn - cho biết vừa xây dựng xong kế hoạch (hay còn gọi là đề án) chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm TP chuẩn bị trình xin ý kiến của UBND TP. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2019 UBND Q.1 sẽ “cải tạo,” làm mới toàn bộ vỉa hè của 134 tuyến đường khu vực trung tâm TP.
Vỉa hè mới sẽ được lát bằng đá granit giống đá đã lát trên đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ. Ông Thuận nói, “Khi biết được UBND Q.1 có kế hoạch chỉnh trang đô thị làm cho bộ mặt trung tâm TP khang trang hơn, các doanh nghiệp đã ngỏ ý sẽ hỗ trợ khoảng 1,000 tỉ đồng (hơn $44 triệu Mỹ kim) cho Q.1 thực hiện, sau đó trả chậm trong thời gian 3-5 năm.”
Như thế có nghĩa là các doanh nghiệp chỉ cho vay, nhà nước hay nói rõ hơn là UBND quận 1 vẫn phải trả tiền, lại cũng là tiền “thuế và phí” của người dân đóng góp.
Lập tức kế hoạch này bị phản đối dữ dội, nhất là từ các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn. Lý do dễ hiểu là cái kiểu muốn làm đẹp cho oai bộ mặt nhưng “bộ lòng” thì mục nát vẫn là thứ bệnh của các quan đầu quận đầu tỉnh, còn dân sống thế nào thì mặc kệ. Điển hình như những sự ngược đời ngay thành phố lớn TP Sài Gòn. Tôi sẽ chứng minh cụ thể hơn ở phần sau.
Ở đây tôi dẫn chứng dư luận đang phản đối mạnh mẽ trong thời gian này.
Không cần lát đá quý chỉ cần lát gạch và xi măng miễn là đẹp
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, trên thế giới người ta thường lát đá granite hay một số loại đá đắt tiền khác ở những khu vực có hạ tầng đã ổn định, không có nhu cầu đào lên, hoặc đập ra làm lại và đặc biệt là ở những khu vực có công trình ngầm.
Ông nói, "Khi đó, đá granite được lát trên hệ thống nắp, lúc có nhu cầu sửa chữa người ta chỉ cần dỡ nắp lên, sau đó lấp lại, không gây hư hại và rất thuận tiện." Ông Sơn cho rằng TP Sài Gòn đang phát triển rất năng động, tất cả các khu vực vẫn còn tăng trưởng, mật độ xây dựng sẽ tăng cao nên nhu cầu nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng cần thực hiện trước khi tính chuyện lát đá "sang" ở vỉa hè. "Điều kiện chưa cho phép chúng ta sử dụng loại đá đắt tiền để xây trên vỉa hè. Thậm chí không cần lát bằng gạch mà có thể sử dụng ximăng, miễn là xây dựng đẹp.”
Lối vào bên trong một căn nhà ổ chuột trên đường Trần Xuân Soạn (Q. 7) hẹp, ẩm thấp với những mái
Nhiều nơi cần ngần sách để được ưu tiên xây dựng
Ông Sơn dẫn chứng, “Chúng ta còn rất nhiều hạng mục cần ưu tiên hơn là đầu tư xây dựng vỉa hè đắt đỏ.” Ông Sơn dẫn chứng thêm, “Như dự án nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Hùng Vương xin ngân sách 400 tỷ đồng nhưng suốt mấy năm nay chưa được thành phố phê duyệt. Bây giờ bỏ ra cả nghìn tỷ để làm vỉa hè sang trọng thì không hợp lý chút nào.”
Tiến sĩ Phạm Sanh (giảng viên ĐH Giao thông Vận tải) cho rằng, đá hoa cương vốn cứng, khó thấm nước nên khi lót ở vỉa hè sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc chống ngập các tuyến đường vào mùa mưa. Mùa nắng thì ánh sáng mặt trời bức xạ, phản xạ khiến người đi đường rất khó chịu, chưa kể việc lát đá mặt đường trơn trợt, dễ gây tai nạn.
Những khu nhà này hầu hết rác thải được xả trực tiếp xuống dòng nước đen ngòm, trẻ em vẫn nhảy tòm xuống tắm.
"Thành phố còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, như giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, sự thiếu hụt các bến bãi đậu ôtô và xe máy, nhà vệ sinh công cộng... Số tiền 1,000 tỷ đồng có thể chia sẻ bớt cho những dự án này,”
Trên báo Pháp Luật của Sở Tư Pháp TP Sài Gòn ngày 16-4-2016 có mục Thăm dò ý kiến người dân về chuyện 1,000 tỉ đồng lát vỉa hè bằng đá granite ở quận 1, kết quả cho thấy:
Số người ủng hộ chỉ có 223 phiếu (11%). Số người không ủng hộ chiếm tuyệt đại đa số 1.699 phiếu (86%). Ý kiến khác cũng chỉ có 53 phiếu (3%).
Còn một chuyện khác cũng quái gở không kém.
Toan tính xây cao ốc tại Thư viện Khoa học Tổng hợp
Một doanh nghiệp đã được cấp giấy đỏ sử dụng “khu đất vàng” trong khuôn viên Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp (KHTH) TP cho mục đích sản xuất, kinh doanh.
Vị trí Thư viện KHTH TP ngày nay trước kia là Thư Viện Quốc Gia. Công trình hoàn thành vào cuối năm 1971. Thư viện Quốc gia được khánh thành và hoạt động từ tháng 2-1972 (thời VNCH).
Tuy chỉ mới là dự định, và chưa có quyết định chính thức từ Sở Qui Hoạch Kiến Trúc và UBND TP, nhưng thông tin việc xây cao ốc trong khuôn viên của Thư viện Khoa học Thành phố đã gây nhiều bất bình cho những người quan tâm đến việc bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử của đất nước. Không những thế, các trang mạng xã hội đồng loạt lên tiếng cho rằng việc xẻ đất để xây cao ốc trong khuôn viên thư viện là một việc làm đi ngược lại với việc bảo tồn lịch sử dân tộc, và xem thường văn hóa của một đất nước.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam cổ, trung và cận đại, nguyên trưởng phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại khi nghe thông tin này đã thốt lên rằng, “Thế thì đau đớn quá. Nghĩa là thời buổi này người ta không cần văn hóa và khoa học nữa rồi. Một tuyên ngôn trắng trợn, xóa bỏ văn hóa rồi còn gì. Chỉ có thể nói được thế thôi. Nếu quả thật bán đi để tiêu, mà sách vở thì cho, nhét vào chỗ khác thì là một việc xóa bỏ văn hóa. Ngạc nhiên và quá đau xót.”
Chưa kể đến cái kế hoạch chi 1,400 tỷ ($62 triệu) mua xe chống ngập. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Sài Gòn đề nghị chi 1,400 tỷ đồng mua 63 xe bơm di động để chống ngập. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia cho rằng đây kế hoạch quá tốn kém, lại thiếu thực tế và không có tính khả thi (không thực hiện được). Đúng là một kế hoạch làm hại dân. Bên cạnh đó là chuyện nâng cao đường, nhà dân biến thành những chiếc hầm bên đường đầy cát bụi khiến hàng chục ngàn nhà dân điêu đứng.
Tôi tạm dừng những ý kiến phản đối mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân về những kế hoạch trên trời này, hãy nhìn xuống mặt đất. Đó là một hình ảnh khác của Sài Gòn ngàn năm hoa lệ.
Kế hoạch trên trời, cuộc đời dưới đất
Nếu bạn ở nước ngoài còn có bà con anh em thân thuộc ở Sài Gòn thỉnh thoảng ghé về thăm, bạn sẽ chỉ đến những nơi tương đối khang trang hoặc ngồi ờ vài nhà hàng hay quán cà phê máy lạnh, sang trọng chút nữa thì ngồi ở café Bean với “ông Tây bà Đầm” đối diện với nhà thờ lớn Sài Gòn. Nhưng nếu bạn muốn biết một bộ mặt khác của Sài Gòn, chỉ cần một cuốc xe ôm vài chục ngàn đồng VN là bạn có thể đến ngay. Ở đây tôi giới thiệu với bạn hai nơi nằm trong cái kế hoạch vĩ đại gọi là “Kế hoạch di dời 10.000 căn nhà lụp xụp ven và trên kênh rạch trong vòng năm năm, từ năm nay 2016 đến năm 2020.” (Phải nói ngay đó là một kế hoạch trên trời, cuộc đời dưới đất).
Đây là đời sống dưới đất của người dân Sài Gòn ở kênh Đôi, kênh Tẻ ở quận 4 và quận 8.
Ngay cạnh những tòa nhà sang trọng và xa xỉ là những “xóm nước đen” bên bờ kênh Đôi, kênh Tẻ mấy chục năm nay. Đó là hàng ngàn căn nhà sàn tạm bợ, trống hoác, bốn bề nhìn đâu cũng thấy nước, thấy gió, hàng trăm ngàn con người sinh sống trong những ngôi nhà sàn. Theo chân bạn Việt Hoa phóng viên báo Pháp Luật mô tả:
“Chắc bạn không thể tin ở trung tâm thành phố vẫn còn hàng ngàn căn nhà không có nhà vệ sinh, phải dùng cầu tõm. Hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể nhưng riêng trên địa bàn quận 8, trong số 9,503 căn nhà trên và ven kênh rạch có 1,099 căn nằm hoàn toàn trên kênh rạch.
“Mấy chục năm nay, tất cả đều thải hết xuống lòng sông. Nghĩ mà thương cho những con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi của hàng chục năm về trước. Những người dân sống ở đây lâu năm kể rằng ngày ấy, nước dưới những con kênh này rất trong, rất xanh, có thể nhìn thấy cá bơi lội.
“Sau đó, những nhà máy dệt, nhuộm (lúc ấy chưa được di dời ra khỏi nội đô) đã xả thẳng nước thải ra sông. Rồi người khắp nơi đổ về bên sông mưu sinh đều vô tư xả mọi thứ bỏ đi xuống lòng sông cho đến tận bây giờ. Đâu đó trên những dòng kênh này, thỉnh thoảng vẫn thấy mấy đứa nhỏ thi nhau nhảy tùm xuống tắm sông, những đứa trẻ này phần đông đều không được đi học.
“Đi xa hơn chút nữa xuống chân cầu Chánh Hưng (quận 8) sau đó đi sâu vào những con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển. Bạn sẽ thấy những mái nhà lụp xụp mấp mé dòng nước đục ngầu, bốc mùi hôi thối của kênh Đôi mà hàng ngàn gia đình dân đang sống chen chúc trong các nhà ven và trên kênh rạch đều được che chắn bằng ván gỗ hoặc tôn, toàn bộ căn nhà được nâng đỡ bởi những cây cừ tràm mảnh khảnh nên rất dễ bị mục theo thời gian. Các gia đình dân ở phần lớn đều là dân lao động nghèo, làm thuê nhiều kiểu để kiếm sống thấp thỏm trong nguy cơ nhà sập mà không có đủ tiền để sửa. Đó là những câu chuyện trong nhiều chuyện khó tin đang diễn ra mỗi ngày ở Sài Gòn.”
Chính quyền thành phố đang bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để nỗ lực cải tạo môi trường nước ở những dòng kênh này. Chỉ riêng dự án cải tạo môi trường nước khu vực kênh Đôi, kênh Tẻ giai đoạn 3 đã ngốn hết 4,600 tỉ đồng ($204 triệu) kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng!
Theo thống kê của Sở Xây Dựng, Sài Gòn hiện còn hơn 20,000 căn nhà nằm ven và trên kênh rạch. Trong năm năm tới, kế hoạch đặt ra là di dời, giải tỏa một nửa trong số này. Trong đó, quận 4 và quận 8 là hai địa phương có số lượng nhà ở lụp xụp trên và ven kênh rạch nhiều nhất TP. Sài Gòn. Đó chỉ là kế hoạch, nhưng làm cách nào để di dời bằng ấy gia đình ra khỏi nơi bùn lầy nước đọng trong một thời gian như vậy. Số tiến đền bù lấy ở đâu. Họ sẽ đi đâu về đâu, làm gì để sống? Cơ quan nào chịu trách nhiệm việc “tày đình” này?
Đó là những chuyện khó tin giữa TP Sài Gòn.
Thành Phố đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông này có nhiều ông vẽ ra những kế hoạch “trên trời” như thế người dân hỏi nhau một câu đầy mỉa mai, “Hòn Ngọc đó sẽ thành hòn gì”? Các ông trả lời giùm cho.
Văn Quang
(22 tháng 4, 2016)
Nâng đường chống ngập ở Sài Gòn,
hàng loạt ngôi nhà biến thành... hầm
Khi con đường bắt đầu nâng cấp để chống ngập, người Sài Gòn chưa kịp mừng thì bỗng dưng nhà biến thành… hầm và nỗi lo khi mùa mưa đến đường không ngập thì nhà phải ngập.
Dự án nâng cấp đường để chống ngập khiến hàng chục hộ dân ở đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. HCM) đang phải “sống dở, chết dở” vì hàng loạt ngôi nhà đang sinh sống bỗng dưng biến thành… hầm.
Người dân cho hay, khi biết con đường trước nhà sắp tới không còn phải lội nước vào mùa mưa, người dân rất vui mừng vì đường Kinh Dương Vương vốn là đoạn đường ngập nặng mỗi khi trời mưa. Nhưng niềm vui chưa tới thì người dân lại được một phen… bàng hoàng vì nhà của họ đã thấp hơn mặt đường gần 2m khiến cuộc sống đảo lộn.
Hàng loạt ngôi nhà phải đóng kín cửa, không thể ra ngoài vì đường cao hơn nhà từ 1,5 – 2m. Từ khi nâng đường lên, nếu như những hộ nào không kinh doanh buôn bán thì chỉ biết tự “giam” mình trong nhà vì không thể đi đâu được.
Một số hộ dân phải khóa cửa bỏ đi nơi khác vì không thể làm ăn buôn bán gì được.
Vì con đường đang trong thời gian nâng cấp nên bụi bay mù mịt cả ngày lẫn đêm khi có xe đi qua. Trong ảnh, ông Nguyễn Thanh Vân phải thường xuyên xịt nước vào buổi trưa để giảm bớt bụi bay vào “hầm” nơi hai vợ chồng ông đang sinh sống.
Ông Vân chia sẻ: “Bây giờ tôi cũng không biết làm sao nữa, tới đâu hay tới đó, bỗng dưng ra vào nhà phải chui như vậy cũng khổ lắm chứ. Từ khi nâng đường thì nhà có xe máy, xe đạp gì phải gửi nhờ bên quán sửa xe đối diện. Còn nhà tôi thì nền nhà cách mặt đường gần 2m làm sao đưa xe ra vào”.
Cửa ra vào nhà ông Vân phải gắn mút xốp để khi chui ra chui vào lỡ đụng đầu cũng đỡ đau.
Còn nhà ông Nguyễn Văn Bé hành nghề lương y nhưng từ khi ra vào nhà phải lom khom chui vào nên người đến khám chữa bệnh cũng ít dần.
Ngôi nhà số 574/9 Kinh Dương Vương phải xây tường cao khoảng 2m để tạm thời ngăn nước vào nhà trong mùa mưa sắp tới.
Chủ nhà này phải kê 2 cục đá có kích thương to nhất mới có thể bước lên xuống khi ra vào nhà.
Muốn ra ngoài làm việc phải đi đường vòng qua thông qua nhà hàng xóm để đến một con hẻm nhỏ thông ra đường lớn.
Khung cảnh từ bên trong một ngôi nhà nhìn ra chỉ thấy… mặt đường.
Người dân cho biết đã đề xuất lên chính quyền để có những phương án xử lý tình trạng nhà thấp hơn đường.
Đại lý gạo Tư Thông khi nâng đường thì cửa ra vào nhà chỉ còn cao hơn 1m tính từ mặt đường khiến gia đình anh phải khổ sở lom khom chui vào nhà. Nhà cũng đóng cửa liên tục vì bụi, cũng chẳng có khách ghé mua gạo nữa. “Trước đây nhà tôi cao hơn mặt đường nửa mét, giờ thì thấp hơn 1 mét. Mỗi lần ra vào nhà rất khó khăn”, anh Thông cho hay.
Việc đào đường, nâng cấp cũng khiến nhà anh Thông bị nứt toác.
Người phụ nữ đang chui vào nhà là mẹ của anh Thông. Anh cho biết, mẹ bị đau lưng mà cứ phải chui suốt như vậy để ra vào nhà.
Bà Lê Thị Trinh thì buôn bán tạp hóa ế ẩm cũng chưa biết thế nào vì nhà này bà đang thuê. “Bây giờ đi cũng không được, ở cũng không xong. Mùa mưa sắp tới rồi mà nhà cửa như vậy không biết sao đây”, bà Trinh lo lắng.
Mặt đường được nâng lên gần mấp mé cửa sổ ngôi nhà của hai mẹ con đang ở.
Đăng ngày 27 tháng 04.2016a