banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nhà văn Salman Rushdie:

Nhà nước Hồi giáo sẽ biến mất


Nguyễn thị Cỏ May

Hồi giáo cực đoan Iran vừa hâm nóng lại lệnh tử hình tác giả «Versets sataniques” (Những mảng văn của quỉ), nhà văn Salman Rushdie, gốc Ấn-độ và còn gia tăng giải thưởng lên tới 4 triệu us$ cho ai thi hành được lệnh này. Nhưng theo ông Rushdie, người bị án tử hình, thì bản án và giải thưởng năm nay nhắc lại, long trọng hơn, thật ra không có ý nghĩa gì khác hơn là thêm hương vị cho ngày kỷ niệm lệnh ấy nếu không nó sẽ rơi vào quên lãng vì cả thế giới văn minh không ai có thể ngửi được.
Có lẽ Hồi giáo Iran vừa cập nhựt lệnh tử hình Salman Rushdie vì ông vừa cho phát hành quyển tiểu thuyết mới của ông ở New York “Hai năm tám tháng và hai mươi tám đêm”. Nếu đếm ra phải chăng sẽ là «Một ngàn lẽ một đêm”? Theo báo chí, quyển sách mới của ông rất hấp dẫn, dễ làm say mê người đọc, theo thể khoa học giả tưởng, trong đó ông kể chuyện những ác quỉ trở thành cực đoan và cuồng tín tấn công thành phố NewYork.

Nhà văn Salman Rushdie bị án tử hình
Truyện «Versets sataniques” của Salman Rushdie gây sự tức giận dân Hồi giáo trên khắp các nước Hồi giáo và cả dân chúng Hồi giáo ở các nơi khác trên thế giới. Theo nhận xét của chức sắc Hồi giáo thì truyện «Versets sataniques” xúc phạm tới nhà Tiên tri Mohamed của họ. Tội phạm thượng! Hồi giáo cấm nghiêm ngặt mọi xúc phạm tới giáo chủ của họ bằng «hình vẽ, tượng ảnh». Nhưng tác phẩm «Versts sataniques» không có hình vẽ Mohamed. Thí dụ như một nhà báo hí họa Thụy điển vẽ Mohamed đội trên đầu trái bom, tác giả lập tức bị Hồi giáo tuyên án tử hình. Có tin của tờ Le Courrier dAlgérie, tác giả bức hí họa này bị một nhóm người lạ thiêu sống ở Canada?
Ngày 14 tháng 2 năm 1989, nhằm ngày lễ Tình Yêu (Saint Valentin), tác giả «Versets sataniques” bị nhà lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Khomeyni của Iran tuyên án tử hình. Cơ quan Hồi giáo 15 Khordad (La Fondation du 15 Khordad), tiếp theo, treo giải thưởng cho ai thi hành bản án của giáo chủ. Nhà cách mạng thường trực Khomeyni chết, bỏ dở cuộc cách mạng, mà còn bỏ dở luôn bản án của Salman Rushdie vì ngoài ông, không ai khác hơn có quyền hủy bỏ. Vì vậy mà ông chết, Rushdie là kẻ buồn thiệt tình và nhớ ông nhiều nhứt. Người kế nhiệm dĩ nhiên chấp hành qui định của vị tiền nhiệm. Nên mới có chuyện tháng 2/2016 vừa rồi, báo chí ở Iran rùm beng trở lại vụ giải thưởng và tăng thêm tiền thưởng thành 4 triệu us$.

rushdieSalman Rushdie là tiểu thuyết gia Anh gốc Ấn độ. Ông sanh ở Bombay năm 1947 trong một gia đình Hồi giáo. Năm 1981, ông nhận được giải thưởng danh tiếng “Booker Prize với tập truyện «Những đứa trẻ của nửa đêm” (Les enfants de minuit) nói về xứ Ấn độ hiện đại dưới cái nhìn của một cậu trẻ. Chính quyển truyện này và giải thưởng Book Prize đã chánh thức đưa ông lên địa vị một nhà văn. Tiếp theo đó, ông cho xuất bản quyển “Sự xấu hổ” (La Honte). Và cuối năm 1988, ông tung ra quyển sách gây sôi nổi người Hồi giáo «Versets sataniques”. Nhưng những người Hồi giáo phản ứng giận dữ và ban hành bản án tử hình cho ông chỉ là những người Hồi giáo cực đoan cánh Chiites. Và sách bị cấm lưu hành ở nhiều nước, cả Ấn độ, quê hương của tác giả.
Lúc bấy giờ Salman Rushdie sanh sống ở Anh được cảnh sát đặc biệt Scotland Yard bảo vệ. Ngày 14 tháng 2/1989, có 1500 người Hồi giáo tụ tập trước Thị xã Bradford, thành phố kỷ nghệ phía Bắc nước Anh, biểu tình, đem hằng đống sách cao ngất của Salman Rushdie chất ra đốt. Một tháng sau, nhà lãnh đạo cách mạng Hồi giáo Khomeyni ở Iran chánh thức ban hành Fatwa (thánh lệnh) kêu gọi người Hồi giáo hãy tìm giết cho bằng được tên phản giáo Salman Rushdie.
Khi biết rõ mình bị án tử hình,nhà văn Salman Rushdie tự hỏi «Ai có thể nghĩ rằng vào cuối thế kỷ XX lại có một người có thể bị án tử hình chỉ vì đã viết một quyển tiểu thuyết?”  Và ông nói thêm “Đó lại là một quyển truyện cười. Thế mới là điều tồi tệ nhứt. Làm cho người ta cười về tôn giáo là điều không thể tha thứ được chăng?”.
Trước lệnh tử hình Salman Rushdie của giáo chủ Khomeyni, ở Âu châu, Huê kỳ, ai cũng lấy làm bất mãn. Ở Pháp, có người nghĩ như vậy có cần phải rút lại bản dịch quyển «Versets sataniques” hay không? Tây thường phùng xòe lớn tiếng nhưng lại nhát gan. Vật tổ của Tây là con gà trống mà!
Thật ra trong vụ này họ lo sợ cũng phải vì ở Nhựt bổn và Ý, dịch giả sách «Versets sataniques” bị đâm. Nhà xuất bản Na-uy bị khủng bố Hồi giáo gây trọng thương. Thế mà trong lúc đó ai cũng thấy nhà văn Salman Rushdie vẫn sống phây phây, tỉnh bơ như ăng-lê, không mấy quan tâm tới Fatwa của giáo chủ Khomeyni chút nào hết. Nhứt là trong tình hình hiện nay, ở khắp nơi, quyền tự do phát biểu lại không còn được tôn trọng.

Salman Rushdie trước thời cuộc
Một trong những chủ đề của tập truyện mới của Salman Rushdie, “Hai năm, tám tháng và hai mươi tám đêm”, đưa ra vấn đề xung đột giữa lẽ phải và tôn giáo. Lẽ phải chống lại tôn giáo và sau cùng, lẽ phải thắng tôn giáo. Nhưng con người ta chỉ sống với lẽ phải, thiếu đi đức tin tôn giáo, thì vẫn cảm thấy như đời sống mất quân bình. Sự thắng thế của lẽ phải vì vậy cũng chỉ là thứ mới thành công có phân nửa mà thôi. Sự tưởng tượng của con người vì đó sẽ không còn phong phú. Suy nghĩ xa hơn chút nữa thì sẽ thấy trong đời sống, khi được điều này thì thường sẽ mất điều kia.
Ở tại New York, trước cuộc chạy đua của hai ứng cử viên vào Nhà Trắng, báo chí hỏi ông “Tại sao dư luận cử tri nghiêng về phía ông Trump?”, ông trả lời không chút do dự:
- Đó là câu hỏi đáng lẽ đã phải đặt ra trên qui mô lớn hơn. Thật là đáng lo ngại, đáng báo động lắm. Theo ý của tôi (Rushdie), đây là một hiện tượng mới đang ồn ào và lan rộng cùng khắp. Chúng ta sẽ thấy điều gì đem lại thắng lợi cho bà Marine Le Pen (Đảng “Phong trào Dân tộc – Front national”) ở Pháp thì điều đó cũng sẽ đem lại thắng lợi cho ông Trump ở Huê kỳ. Nay là lúc dân chúng ở nhiều nơi đang có xu hướng chối bỏ hệ thống chánh trị dân chủ áp dụng từ trước giờ, sự chối bỏ lại có pha thêm một chút hương vị khá đậm đà chủ nghĩa “Dân túy” (Le populisme), mà thật ra đó chỉ là thứ «dân chủ nửa vời” mị dân mà thôi (xem Nguyễn văn Trần, Một hiện tượng mới đáng chú ý: Dân chủ nửa vời).
Hiện tượng Trump, trước mắt, đã làm đảo lộn cánh hữu – nói theo văn hóa chánh trị của Pháp – hay cánh Cộng Hòa và phân hóa sâu xa cử tri cộng hòa Mỹ. Theo ký giả Sasha Polakow-Suransky của New York Times, người đi khắp nước Mỹ và cả Âu châu để điều tra phản ứng dân chúng về chánh trị của chánh phủ đang cầm quyền, ghi nhận hai điểm nổi bật là “bài ngoại và chống lại hệ thống chánh trị hiện hành”. Riêng trường hợp nước Mỹ, qua bầu cử, dầu ông Trump có thắng cử hay không thì “tinh thần trump”, tạm gọi theo Pháp, tức là “trumpisme” sẽ ngự trị nước Mỹ lâu dài.
Nhà báo Sasha Polakow-Suransky quả quyết như vậy có lẽ đã dựa trên thực tế cuộc vận động tranh cử của ông Trump đã phát động một làn sóng mà trước giờ chưa từng xảy ra trong chánh trị nước Mỹ? Ông công khai hóa những ý nghĩ ở từng lớp người Mỹ da trắng đối với đất nước của họ mà trước giờ họ không dám nói ra. Nhứt là những nhóm da trắng quá khích nay cảm thấy mình có lẽ phải. Ý nghĩ của mình là đúng. Họ là những người dân Mỹ hoài niệm về một nước Mỹ da trắng của họ từ lâu nay đã mất. Mà không mất sao được khi 40% dân số nước Mỹ hiện nay không phải là người Mỹ con cháu của những thế hệ di dân từ Âu châu qua lập nghiệp và dựng lên nước Mỹ giàu mạnh. Công ăn việc làm không còn dư thừa nữa. Tất cả chỉ vì hệ thống chánh trị chủ trương toàn cầu hóa, quốc tế hóa, tự do trao đổi làm cho nước Mỹ đã không thật sự còn là của người Mỹ nữa. Cụ thể, vị Tổng thống cai trị nước Mỹ rõ ràng không phải là người Mỹ như họ mong đợi.
Cái khác nhau lớn với các đảng “dân túy” ở Âu châu là Trump có cả chánh phủ cai trị nước Mỹ còn các đảng ở Âu châu như ở Pháp, Đức, Áo, hãy còn giữ thế đối lập với chánh quyền theo hệ thống truyền thống.
Người ta chưa hẳn quên khi Pháp bị Hồi giáo khủng bố dã man tuần báo Charlie Hebdo, và tiếp theo những vụ sau đó, ông Salman Rushdie đang ở New Yord, với tư cách là Chủ tịch Văn Bút Huê kỳ, đã lên tiếng bày tỏ sự nhiệt tình ủng hộ nước Pháp. Ông bị vài nhà văn ở Huê kỳ phê bình quan điểm của ông.
Nhà báo Didier Jacob của tuần báo Le Nouvel Observateur (31/08/2016 - Người Quan Sát Mới) hỏi ông về tương lai của Nhà Nước Hồi giáo, ông quả quyết “Trước đà mất đất ở Syrie và cả ở Irak, Nhà Nước Hồi giáo chắc chắc sẽ không tồn tại được nữa. Chỉ trong một tương lai gần đây mà thôi”. Ông còn nhấn mạnh “Tôi tin chắc như vậy, chớ không phải có thể”.

Nguyễn Thị Cỏ May

https://vietbao.com

 

Đăng ngày 06 tháng 12.2016