banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

ĐỌC «TUYỂN TẬP TIỂU TỬ»

tran van canh 
Gs Trần Văn Cảnh

Để tìm hiểu, nghiên cứu và phê bình một tác phẩm văn chương, một trong những phương pháp là dùng ba tiếp cận: xem tài khéo của tác giả sáng tác, xét chất lượng của tác phẩm hoàn thành và nhìn sự thỏa mãn và mến phục của những người đọc. Hôm nay, chúa nhật 05.06.2016, được mời phát biểu trong buổi ra mắt sách «Tuyển tập Tiểu Tử», tôi đã đọc sách này và xin góp vài ý mọn, dựa vào cái khung ba tiếp cận nêu trên. Về độc giả, chúng ta đã biết những ai đã đọc các sách đã phát hành của Tiểu Tử. Về tác giả, chúng ta cũng đã biết Tiểu Tử là ai. Về tác phẩm ra mắt hôm nay, chúng ta chưa biết nội dung sách «Tuyển Tập Tiểu Tử». Vì vậy, tôi đề nghị về độc giả và về tác giả, chúng ta sẽ vắn tắt nhắc lại, mà để dành nhiều thời giờ hơn tìm hiệu nội dung của cuốn sách được ra mắt hôm nay.

tieu tu

A. Những ai đã đọc Tiểu Tử ?
Đông đảo bà con người Việt ở khắp nơi, trong đó có nhiều người trẻ, biết đến nhà văn Tiểu Tử và tìm đọc sách của ông. Chẳng những họ đọc mà còn chuyền tay, biếu tặng nhau sách của ông. Hoặc hăng hái và quí mến hơn nữa, họ lập những trạm tin học để viết và nói về Tiểu Tử.
Cách đây ba năm, vào tháng 02 năm 2013, tôi hết sức ngạc nhiên, khi một anh bạn lái taxi trẻ đưa tặng tôi cuốn sách «Chị Tư Ù» và nói với tôi: «Cháu xin biếu bác tập sách này. Hay lắm. Bác về đọc xem có đúng vậy không» ?
Được mời tham dự buổi ra mắt sách của Tiểu Tử, tôi tìm đọc Tiểu Tử và rất ngỡ ngàng khi khám phá ra 24 mạng lưới tin học viết và nói về Tiểu Tử, trong đó, 14 mạng trình bày những tác phẩm viết của Tiểu Tử. Ai muốn đọc thì tha hồ lên đọc. Đó là: vnthuquan, quehuongta, vietnamdaily, daihocsuphamsaigon, taberd75, baovecovang2012, vietbao, vulep, ngoctrac, phusaonline, lamtamnhu tháng 2.2016, lamtamnhu tháng 4.2016, aejjrsite và khoahocnet. Số bài trình bày trên các mạng này biến thiên từ 1 đến 42 bài ; 4 mạng đọc truyện Tiểu Tử dưới dạng «Youtube» để ai thích, có thể nghe và 6 mạng trình bày những ý kiến phân tích hay phê bình về những tác phẩm của Tiểu Tử.
Nhìn qua những người hay cơ quan, hội đoàn phổ biến về Tiểu Tử như vậy, rõ rệt ai cũng đã thấy rằng đã có rất nhiều người đọc những sách truyện ngắn của Tiểu Tử. Tương lai, chắc chắn sẽ còn có nhiều người hơn sẽ đọc Tiểu Tử. Trong giới trẻ mà tôi giao tiếp, trước đây 10 năm, tôi hay nghe họ nhắc đến nhà văn Hồ Trường An. Từ dăm bảy năm nay, tôi hay nghe họ nhắc đến nhà văn Tiểu Tử hơn.

B. Tác phẩm «Tuyển tập Tiểu tử», ra mắt hôm nay ở Paris, viết gì?
tieu tu«Tuyển tập Tiểu Tử» ra mắt hôm nay ở Paris là một tập sách được «Người Việt» xuất bản in tại Mỹ, năm 2016. Sách dầy 200 trang, gồm 14 truyện ngắn: Bài ca vọng cổ, Chị Tư Ù, Con Mén, Làm thinh, Made in Việtnam, Mùa Thu Cuộc Tình, Người viết mướn, Nội, Ông già ngồi bươi đống rác, Tấm vạc giường, Thằng đi mất biệt, Tô cháo huyết, Xíu, Thằng chó đẻ của má.

Để tìm hiểu kỹ hơn nội dung của Tuyển Tập Tiểu Tử, sau đây chúng ta sẽ phân tích cấu trúc truyện ngắn thứ nhất «Bài ca vọng cổ» để tìm hiểu cái văn phong độc đáo trong cấu trúc truyện ngắn của Tiểu Tử. Sau đó chúng ta sẽ phân tích tóm lược từng truyện của tất cả 14 truyện. Rồi tóm kết bằng một cái nhìn tổng hợp về cái nội dung chung của 14 truyện ngắn ấy.

B1- Phân tích cấu trúc truyện ngắn «Bài ca vọng cổ»
Tiểu tử là nhà văn có biệt tài viết truyện ngắn. Chúng ta thử cùng nhau phân tích truyện «Bài ca vọng cổ», để khám phá cấu trúc kể truyện, mà tìm ra cái văn phong độc đáo mà Tiểu Tử đã dùng để chuyên chở nội dung ông muốn trình bày. Truyện ngắn này dài 10 trang, khổ A5, từ trang 7 đến 16, được bố cục một cách mạch lạc và rất giáo khoa, qua bốn phần.
Phần 1 nhập truyện (tr. 7-11): giới thiệu hai nhân vật, một người Việt nam lưu vong ở Côte d’Ivoire Phi châu, là «ông chủ» làm việc cho Công ty Đường Mía của Nhà Nước, trên đường về thủ đô Abidjan dự họp, gặp một «anh đen còn trẻ», hát vọng cổ Miền Nam tại phi trường quận Touba. Qua vài câu giới thiệu, mỗi người đều xưng mình là người Việt Nam. «Tôi là người Việt Nam» - "Trời ơi! … Bác là người Việt Nam hả? Con cũng là người Việt Nam nè! Trời ơi! Con mừng quá! Trời ơi! Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng «hết lớn» bác à!"
Phần 2 khai truyện (tr. 11-14) chứng minh mình là «Người Việt Nam». «Anh đen còn trẻ» nêu ra 14 điều chứng minh anh ta là Việt Nam, Việt Nam lai đen qua ba giai đoạn. Những lý chứng khởi đầu về cách sống, văn hóa Việt Nam: Cách mời thuốc bằng hai tay, cách chẹt quẹt máy Việt Nam, quẹt máy là quà tặng của ông ngoại cho khi còn sống, khoe được ông ngoại thương, Xác nhận mình lai Việt Nam. Những lý chứng khắc phụ về lịch sử, sinh lý và xã hội: sinh và lớn lên ở Sài Gòn, có má quê ở Nha Trang, đã chết ở Nha trang khi Việt Cộng vô năm 1975, Nhờ có dân Tây, sau 1975 được hổi hương, đi quân dịch cho Pháp xong rồi, Con có lai chớ. Bên nội (đen) của con là nằm ở bên ngoài (đen) đây nè! Còn bên ngoại của con (trắng), nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác. Con lai Việt Nam chớ bác! Những lý chứng quyết liệt: Ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động, cư xử không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không
Phần 3 kết truyện Tìm ra đồng thuận (tr. 14-15): Gặp một người giống mình, thiệt là Trời còn thương con quá, Cả hai (hắn và tôi) cùng một tâm trạng, Nhớ Sài gòn quá nên con hay ca vọng cổ, Con đang ca bài «Đường về quê ngoại» đó bác, Vọng cổ là cái chất của Miền Nam mà bác, Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết «Jean le vietnamien» hết. Bỗng hắn ôm chặt lấy tôi. Tôi nghe giọng hắn lạc đi: Ghé con nghe bác…ghé con.
Phần 4 Vấn nạn giáo dục có tính cách tự kiểm (tr. 15-16): Bây giờ viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi:

  • «Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương, vẫn nhận ra mình là người Việt Nam» ?
  • «Và có được bao nhiêu người còn mang mếnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó» ?

B2- Phân tích tóm lược từng truyện của 14 truyện trong «Tuyển Tập Tiểu Tử»
1. «Bài ca vọng cổ» (tr. 7-16): truyện tác giả gặp một «anh lai đen còn trẻ», ở Abidjan có biệt danh là «Gioan, người Việt Nam», «má Việt Nam chết ở Nha Trang, hồi Việt Cộng vô năm 1975». Anh ta «biết nói tiếng Việt Nam, và biết nhận mình là người Việt Nam», thèm gặp người Việt Nam để nói chuyện cho đã… Nhớ Sài gòn quá nên hay ca vọng cổ cho đỡ buồn».
2. «Chị Tư Ù» (tr. 19-41): truyện một thiếu phụ bán cá ở chợ, tính tình đôn hậu, chứng kiến cảnh «thằng cha Bắc kỳ công an ác ôn, dám gọi thằng con của chị, liệt sĩ (VNCH) ở Kontum là lính đánh thuê. Nó còn dám bắt giam, rồi giết anh Út Cón, bạn bồ từ nhỏ của chị. Thấy rằng mình phải bảo vệ gia đình Út Cón, nửa đêm khuya, chị đã đến nhà tên công an «bổ con dao phay vào ngay giữa đầu, nhanh gọn và chính xác như chị bổ cái đầu cá». Thằng «Trời đánh» nằm một đống, không nhúc nhích.
3. «Con Mén» (tr. 43-67): truyện một cô gái quê, mà bà nội gọi là «con Mén», vì khi sinh ra, nhỏ xíu như con mèo. Việt Cộng tràn về chiếm hết Miền Nam. Mấy ngày cuối tháng tư 75 thật là kinh hoàng. Ba nó tả tơi, rồi bị công an đưa bộ đội đến bắt dẫn đi. «Má nó bị họ cho nghỉ việc. Sợ mấy đứa cháu ở lại sẽ bị cùi, bị ngu, bà chị má con Mén quyết định cho má con con Mén phải qua Phi Châu ở với bà. Con Mén kể hết chuyện đời nó cho tác giả và xin ông dậy nó học chữ quốc ngữ để viết thơ cho ba nó. Tác giả rất cảm động, và đã nhận lời dậy nó học chữ quốc ngữ.
4. «Làm thinh» (tr. 69-84): Ngày 30 tháng tư đến, ai cũng muốn di tản. Nhưng ông Lê Tư không chịu đi, cậy công rất giầu có, từ bao lâu nay đã gửi tiền giúp cách mạng và đã được «họ» liên lạc cách đây hơn tháng xin ông ở lại giúp xây dựng đất nước... Nào ngờ, đánh xong Mỹ Ngụy, cách mạng quay sang đánh tư sản: Ông Lê Tư bị mời tới mời lui «làm việc», bị lấy hết tài sản: các văn phòng, kho lẫm, biệt thự, dụng cụ, chương mục ngân hàng,… Ông Lê Tư «làm thinh». Bà Lê Tư chạy chọt, đút lót xin được xuất cảnh cho hai ông bà sang Pháp với con trai là Lê Tuấn, được ông bà gửi đi du học từ hồi 15 tuổi, mà nay đã thành đạt, có vợ đầm và 2 con, ở khu nhà giầu Neuilly. Nhưng rồi sau khi nói chuyện trên xe và về nhà, ông bà Lê Tư đã thấy rằng thằng con của ông bà đã đứng hẳn về "phía bên đó" rồi. Cách mạng đã cướp hết tài sản của ông và cướp luôn thằng con của ông. Ông «làm thinh» nữa. Ông được con trai chở ra nhà nghỉ mát riêng của mình ở vùng biển, có thuê người coi giữ. Sau hai tháng ở đây, một hôm ông Lê Tư chống ba-toong đi ra biển. Đứng trên mép bờ đá dựng, ông liệng cây ba-toong, rồi hít một hơi dài, bước thẳng vào khoảng không trước mặt. Từ bây giờ, ông «làm thinh vĩnh viễn».
5. «Made in Việtnam» (tr. 87-98): Truyện một cô gái Việt ở Mỹ có số phận hẩm hiu: mẹ thì bỏ đi lấy Mễ, bố thì ôm được bà Mỹ góa chồng có tài sản. Một bác sĩ Việt Nam khám bệnh cho cô, cảm động vì dòng chữ cô xâm trên mình “Made in Việtnam” và về hoàn cảnh cô. Bác sĩ kể chuyện cô gái cho vợ nghe. Bà đề nghị giúp tiền cho cô học nghề. Mãi sau nhờ bà bác sĩ mời, khuyên nhủ, thân tình, cô mới chịu. Bây giờ vừa làm thợ vừa làm chủ. Khá lắm. "Cô đến thăm ông bà hoài và làm nail cho vợ và các con gái con dâu tôi. Ngày giỗ, ngày Tết, cô đều mang quà đến tặng vợ chồng tôi." Cô là «Con người ở có tình có nghĩa».
6. «Mùa thu cuộc tình» (tr. 99-118): Truyện ông Năm vượt biên 2 năm sau ngày mất nước, bà bị bắt lại. Ông lưu vong sống cô đơn giản dị và đều đặn ở Paris. 10 năm sau, vợ ông được chiếu khán xuất cảnh. Ông bà hạnh phúc gặp lại nhau. Nhưng thực tế khắc nghiệt hơn. Một tháng sau bệnh ung thư phổi của bà tái phát ở thời kỳ chót. Bà mới cho ông Năm biết lý do bà được xuất cảnh là nhờ khám thấy bị ung thư, chứ không như họ bảo «nhờ lòng khoan hồng nhân đạo của nhà nước cách mạng». Ông Năm ngồi bên giường vợ suốt thời gian cuối cùng của mùa thu cuộc tình đầy hạnh phúc.
7. «Người viết mướn» (tr. 119-131). Truyện ông già bị «cách mạng tịch thu tài sản, sống cầu bơ cầu bất ở vùng kinh tế mới. Ông biên thơ cho tổng thống Côte D’Ivoire, nhận được visa và luôn 3 vé máy bay cho ba cha con. Ông và hai con lưu vong ở Abidjan, Phi Châu. Ông biên thơ báo tin cho các bạn bè cũ ở Pháp ở Mỹ, nhưng chẳng có ai trả lời. Ông được một anh da đen cho phụ giúp làm nghề viết mướn. Thành công trong nghề viết mướn, hai năm sau ông định viết thơ cho mấy thằng bạn hồi đó, báo tin làm nghề viết mướn với người đen, mà lòng không đen.
8. «Nội» (tr. 133-149): Truyện một người mẹ lo cho con trai độc nhất của mình và cho các cháu của bà. Trong sự thiếu thốn triền miên của chế độ xã hội chủ nghĩa, Bà đặc biệt lo miếng ăn cho con cháu, mà không quên lo xa cho tương lai con cháu, thúc dục con "đừng vì tao mà bắt mấy đứa nhỏ phải hy sinh tương lai của tụi nó. Mầy liệu mà đi đi". Đi thoát lần đầu. Rồi ba bốn năm sau chạy chọt cho vợ con rời Việt Nam, sang xum họp ở Pháp. Nhớ lại những lời vợ con kể, người con trai lưu vong thương má và quê hương vô cùng.
9. «Ông già ngồi bươi đống rác» (tr. 151-157). Truyện một ông Đại Doanh thương, nuôi Việt cộng trong nhà, cho đến năm 73 họ mới lần lượt rút đi. Hồi tháng tư 75, ông không di tản. Sau đó, khi cách mạng «đánh tư sản mại bản», ông cũng bị đánh tơi bời, bị tịch thu tài sản, bị đi tù cải tạo. Và như vậy, bây giờ ông ngồi bươi lại đống rác, giống như bươi lại dĩ vãng của ông.
10. «Tấm vạc giường» (tr. 159-169). Truyện một chàng làm mướn coi vườn được chủ thương cho đất và cất nhà cho nữa. Rồi chàng gặp một nàng, tên Huệ. Rồi chàng và nàng quen nhau, nghĩ đến tấm vạc giường, đặt một tấm bằng tre, chở về nhà trải lên cái giường gỗ. Rồi chàng và nàng thường hay gặp nhau, tỏ tình, xin cưới, được nàng trả lời «Tính sao cũng được». Nhưng vụ tháng tư 75, chủ sai đưa tiền về cho em gái ông ở Cần Thơ. Chồng bà này là thiếu tá hải quân hốt cả nhà, kể cả chàng làm mướn lên tầu đi Mỹ. Lo làm ăn để dành tiền, chàng về Việt Nam tìm lại người yêu. Nhưng trễ rồi, Huệ đã đi theo một ông người Á Đông. Chàng lấy máy bay trở về Mỹ mà nghe buồn rười rượi.
11. Thằng đi mất biệt» (tr. 171-176). Truyện bà mẹ đợi con trai út, sĩ quan của quân đội cũ, sau ngày giải phóng. Tối ngày làm thinh, bà ngồi bó gối trên bộ ván ngoài hiên, ăn trầu, nhìn đăm đăm ra phía rạch, như đợi như chờ cái gì: Tao đợi thằng Trực, «Thằng đi mất biệt». Thời gian sau, khi trời nắng ráo, bà hay đi tuốt ra ngoài vàm rạch, lên ngồi trên mộ đất để có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Người mẹ đợi con đó ngã bịnh rồi chết, hai năm sau. Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà còn rán thì thào: «Bây chôn tao ở đầu vàm cho tao thấy thằng Trực trở về».
12. «Tô cháo huyết» (tr. 177-182). Truyện bà xẩm (bán cháo huyết ở Đa Kao) đầy tình người trước cái đói sau ngày «giải phóng», và vẫn xưng hô theo thói quen cũ, chứ không trịch thượng, hay bình đẳng mà xưng «anh», «chị».
13. «Xíu» (tr. 183-190). Truyện tình giữa một chàng trai Việt với một cô gái Tầu đổ nát ngày cách mạng thành công, 30 tháng tư. Những người «cách mạng» xông vào nhà ngang nhiên và hùng hổ như một bọn cướp. Gặp gì kiểm kê nấy. Vậy rồi…hốt hết. Rồi cán bộ cách mạng «nhào ra làm ăn». Họ cũng tổ chức đi chui, nhưng là một loại đi chui không sợ bị bắt, vì có chánh quyền… hộ tống.
14. «Thằng chó đẻ của má» (tr. 191-196). Truyện một người con đi chui. 25 năm sau, tuy mới 72 tuổi, mà cứ bịnh lên bịnh xuống, đã quyết chí phải về mừng thọ 100 tuổi của má. Rồi từ đó, ba năm rồi, đã không về thăm má. «Thằng chó đẻ của má» vẫn còn «trôi sông lạc chợ». Má thương con, xin má tha thứ cho con… tha thứ cho con.

B3- Tổng hợp tóm tắt nội dung của 14 truyện ngắn trong «Tuyển Tập Tiểu Tử»
Tất cả 14 truyện ngắn này đều xoay quanh một đề tài chung là «Nước Việt, Người Việt và Tiếng Việt». Một nước Việt rút nhỏ vào Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hoà cũ, sau ngày 30 tháng 04 năm 1975. Những người Việt gồm hai loại chính. Một là công an quân đội Bắc Việt «ác ôn» tràn vào Miền Nam Việt Nam, dụ thêm những người Miền Nam, những người «ăn ở bất nhơn thất đức, đi rêu rao, đâm thọc» làm tay sai; Hai là những người Miền Nam chân chính, thật thà, nhân hậu. Họ gồm nhiều chức bậc và qui chế khác nhau, có thể là dân thường, cựu quân nhân, sĩ quan, hay công chức chế độ cũ. Họ ở vào những hoàn cảnh khác nhau, có thể là đã vượt biên, lưu vong bên Tây, bên Phi, bên Mỹ rồi, hay còn kẹt trên đất nước Việt Nam. Tất cả những người Miền Nam chân chính này đều bị đánh. Đánh như đánh Mỹ Ngụy, trong các trại tù cải tạo. Đánh như đánh tư sản trong nhà, bị tước đoạt mọi tài sản, mọi nhà cửa, mọi vật dụng, bị tơi bời, đói khổ. Nhưng tất cả, họ đều có lòng yêu thương Nước Việt, yêu thương Người Việt và yêu thương Tiếng Việt.
Biết cái nội dung các truyện ngắn của Tiểu Tử như vậy, chúng ta mới hiểu tại sao Tiểu Tử là nhà văn rất được yêu chuộng hiện nay, đặc biệt là ở hải ngoại.

C. Tiểu Tử là ai ?

tieu tu

Tiểu Tử là nhà văn có biệt tài viết truyện ngắn, với bảy nét văn phong độc đáo. Thứ nhất là dùng từ ngữ bình dân chân thật Miền Nam. Ngôn ngữ bình dân này đã được nhận ra ngay từ các tên đề truyện, cho thấy rõ nét sống động, thực tế, khách quan của hết các truyện ngắn của Tiểu Tử. Thứ hai là sự giản dị, nhưng đầy đủ của các tình tiết trong truyện kể, khiến người đọc có cảm tưởng rằng những sự kiện thực tế hằng ngày đã được một cái óc phân tích hóa học phân tích ra và thâu thập được hết các yếu tố cần thiết. Thứ ba là sự tổng hợp minh bạch của cấu trúc mạch lạc rõ ràng dễ hiểu của truyện viết. Độc giả nhận ra đâu đây có một bộ óc tổng hợp vật lý đã theo dõi các biến chuyển rồi thâu nhận, ghi nhớ, xếp đặt, tổng hợp và trình bày ra trong các truyện ngắn được viết. Thứ tư là cái tâm hồn nhân hậu, nhậy cảm, đầy tình người có giọng văn chân thành, giản dị, gợi cảm làm nhiều độc giả xúc động không cầm được nước mắt. Thứ năm tính chất giáo khoa lịch sử của truyện. Lịch sử chính biên của nhà nước có khi bỏ sót, viết sai, thêm sai. Nhưng những truyện kể của Tiểu Tử là những truyện thật, viết ra từ chính cuộc sống thực mà ông đã nhìn thấy, nghe được, cảm nhận được. Thứ sáu là giọng văn giáo dục sư phạm của ông. Nhờ cái óc khoa học này, trong bản chất nội tại của chúng, các truyện ngắn của Tiểu Tử đã hàm chứa và toát ra cái nét giáo khoa, sư phạm trong văn phong của ông. Thêm vào đó, trong một số truyện ngắn, sau khi đã kể truyện xong, nét văn phong thứ bảy đã được nêu ra, với một vài nghi vấn giáo dục, có tính cách tự kiểm.
Nhưng vượt trên cái biệt tài của nhà văn viết truyện ngắn, và là nền tảng khiến cái biệt tài ấy được thành công là cái con người rất người của Tiểu Tử. Văn là người. Mỗi truyện là một mảnh đời, với những tâm tình, ngôn ngữ, văn phong của Tiểu Tử. Đọc 14 truyện ngắn, độc giả sẽ dần dà nhận ra con người sâu thẳm và chân thật của Tiểu Tử. Đó là một người Việt Nam có “Tình yêu thương Việt Nam» (Bài ca vọng cổ), có «Tình yêu thương Người Việt Nam» (Chị Tư Ù, Made in Vietnam, Nội, Tô cháo huyết, Thằng chó đẻ của má), và có «Tình yêu thương Tiếng Việt Nam» (Con Mén).
Chính ba tình yêu thương này đã là nội dung chính yếu được diễn tả một cách chân thật trong các truyện của ông, chẳng những trong những truyện của «Tuyển Tập Tiểu Tử», mà còn trong từng truyện và trong tất cả những truyện ngắn mà Tiểu Tử đã sáng tác. Và chính ba tình yêu thương này, «Yêu thương Nước Việt Nam, Yêu thương Người Việt Nam và Yêu thương Tiếng Việt Nam» đã làm rất nhiều độc giả quí mến Tiểu Tử và đọc sách của ông.
Tôi nghĩ rằng số người Việt Nam, đang lưu vong ở hải ngoại, hay đang sinh sống trong quốc nội ; là kẻ vô tổ quốc hay là người yêu thương Việt Nam, sẽ càng ngày càng đông tìm đọc Tiểu Tử, và càng ngày càng đông nhận ra rằng tình yêu cao quí nhất của họ trên đời này là tình yêu Nước Việt Nam, tình yêu Người Việt Nam và tình yêu Tiếng Việt Nam.

Bài phát biểu trong buổi ra mắt sách «Tuyển Tập Tiểu Tử»,
tại Paris, ngày 05 tháng 06 năm 2016
Trần Văn Cảnh

__________________

tieutulmnguyen

 tieutulmnguyen

Địa chỉ liên lạc:  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Giá sách:        "Tuyển tập Tiểu Tử" 15 euros (chưa tính cước phí). 


Phóng sự cộng đồng - Ca Dao thực hiện

 

Đăng ngày 07 tháng 06.2016