Tập thơ “KẺ SĨ”
tác giả: Võ Hưng Thanh (nhà thơ Đại Ngàn)
(Chủ yếu làm từ giữa năm 2010 đến quá giữa năm 2015)
LỜI GIỚI THIỆU
Đây quả thật là tập thơ hoàn toàn bất ngờ. Lý do vì trong cuộc đời mình tác giả không hề coi thơ là trọng hoặc cũng không nhằm mục đích làm thơ. Do đó tự coi mình là “nhà thơ” cũng chỉ mang ý nghĩa thậm xưng, không có gì quan trọng cả. Chẳng qua chỉ vì do làm thơ quá dễ, kiểu ngày xưa ông bà ta nói xuất khẩu thành thơ thế thôi. Có nghĩa thơ chỉ nhằm làm chơi, tiếu ngạo, đùa vui trong chốc lát trước các vấn đề gì đó mình gặp. Cho nên tác giả đã từng ví von, kiểu tài thơ như Tố Hữu (nịnh thần), tác giả có thể làm tới “cả gánh”, nhưng nào có làm để làm gì. Trái lại quan điểm thơ kiểu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, lại là quan điểm mà tác giả rất tâm đắc. Cho nên thơ là tiếng nói của tình cảm, tâm hồn, của lý trí và của con tim chính là như thế.
Nhưng thơ là gì ? Có thể cho được đó là thể văn ngắn, có điệu vần. Điệu là các thể thơ. Vần là sự phối hợp nhịp nhàng giữa điệu với âm sắc các thành phần gắn bó trong mỗi đơn vị là câu thơ. Chính vần tạo nên sự êm tai, sự hài hòa, sự thi vị, đó là chất thơ, hay bản sắc riêng của thơ. Tuy vần là cốt yếu, nhưng không phải bắt buộc có vần mới ra thơ. Thơ không vần đúng ra chỉ là loại thơ vần loãng, vần không tập trung, vần không chủ ý. Vần ở đây chỉ bàng bạc trong thơ mà không rõ rệt ra nơi mỗi câu thơ. Có thể nói đó là vần ẩn mà không phải loại vần bộc bạch ra ở từng câu, từng chữ.
Vậy cũng có nghĩa thơ chủ yếu là tứ, là ý, mà không nhất thiết phải ở vần. Nên nếu thơ không có vần mà cũng thiếu ý, thiếu chất, thì thơ đó cũng chỉ có thể là dạng văn xuôi mà không thể bảo được chính đó là thơ. Mà vần không hoàn toàn quyết định thì thể thơ cũng không hoàn toàn quyết định. Nhà thơ đúng nghĩa làm thơ, không phải ở thể thơ, tức sự lệ thuộc vào thể thơ, mà chủ yếu là ở nội dung thơ, tức nơi ý nghĩa và mục đích bài thơ nhằm nói lên điều gì, chuyên chở điều gì. Nên khi làm thơ, chính điều gì muốn nói và tình huống cần thể hiện quyết định hay dẫn đến thể thơ và vần điệu liên quan, mà hoàn toàn không phải là điều ngược lại.
Thơ như vậy chính là một nghệ thuật, nghệ thuật của ngôn ngữ và nghệ thuật của tư duy. Nghệ thuật của ngôn ngữ thường được gọi là thi pháp hay bút pháp của thơ. Nghệ thuật của tư duy là điều cấu tứ và nội dung chuyển tải của thơ. Có nghĩa giữa nội dung và hình thức trong thơ thật sự không hề có ranh giới. Chính nội dung tạo nên hình thức của thơ mà thơ không hoàn toàn chỉ duy là hình thức. Hình thức của thơ đó chính là bộ dạng, bề ngoài của tác phẩm thi ca, nhưng chính nội dung của thơ, tức là tư tưởng ẩn chứa, ý nghĩa và giá trị bút pháp thể hiện ra trong thơ đó mới chính là điều mang mục đích và giá trị quyết định nhất.
Nhưng nói về bút pháp hay nghệ thuật trong thơ, đó hoàn toàn là năng khiếu tự nhiên. Có nghĩa là điều không thể chỉ học mà có được. Thơ là nghệ thuật mà không phải là nghề thơ chính là như vậy. Nghệ thuật là cái gì bẩm sinh, thiên phú, nó hoàn toàn khác với kỹ thuật là cái được truyền đi do kinh nghiệm hay do học được. Cho nên ý nghĩa và giá trị cao nhất của kỹ thuật lại chính là nghệ thuật mà không bao giờ là điều ngược lại. Đó là điều làm phân biệt được giữa thợ thơ và nhà thơ đúng nghĩa chính là như vậy. Đó cũng là lý do thường tại sao thơ không thể làm cố ý mà phải do sự xúc cảm, sự ngẫu hứng, tức tức cảnh sinh tình, cơ hội tạo thành sáng tác mà không thể sáng tác chỉ do một sự cố tình chỉ thuần giả tạo nào đó.
Thế nhưng cái tài của thơ cũng không phải chỉ là ngôn ngữ thuần túy thường tình. Nếu chỉ như thế, thơ thật sự cũng không khác gì văn xuôi là mấy. Hay nói khác đi, thơ kiểu ấy cũng chỉ là loại văn vần mà không thể thoát xác để thành thơ. Bởi thơ đích thực nhất luôn chính là ngôn ngữ của nghệ thuật, thậm chí còn là nghệ thuật cao. Nói cụ thể, thơ hoàn toàn không phải là một bài văn vần. Bởi bài văn vần chủ yếu chỉ là vần mà không còn là gì khác. Trong khi đó, thơ lại chính là hình tượng, là bút pháp hay thi pháp, và chính hình tượng cùng ngữ điệu khắc họa ra thơ mà không là gì khác. Cái đó gọi là mạch thơ và hình ảnh của thơ. Hình ảnh của thơ luôn đẹp như hình ảnh của trăng, và mạch thơ luôn uyển chuyển, phong phú, và hoàn toàn tự nhiên như suối nguồn lai láng. Thơ của Nguyễn Du, của Đoàn Thị Điểm, của Chu Mạnh Trinh chính là các điển hình của loại chính thơ như thế.
Cuối cùng, nếu văn hay văn chương luôn luôn vẫn là một sự dàn trãi, sự phân tích, đào sâu tỉ mỉ, sự miêu tả bề bộn, nhiêu khê, phức tạp, thì ngược lại thơ bao giờ cũng vẫn là tính cách súc tích, ngắn gọn, chọn lọc ý tứ, ngôn ngữ, nội dung hàm súc, cho dầu những tác phẩm thi ca dài hay những câu chuyện thơ như Truyện Kiều chẳng hạn. Trong khi văn chỉ là ngôn ngữ đời thường, thì thơ lại là ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thi ca chính là như thế. Hay nói khác, thơ luôn luôn như một sự chắt lọc, là tinh hoa, tinh túy của ngôn ngữ con người là như vậy. Ngoài ra, nếu nghệ thuật là ý nghĩa và giá trị nhân văn cao nhất, bởi thế giới thiên thần thì không ai biết có tồn tại hay không, nhưng trong thế giới loài vật thì tất nhiên không có, thì quả thi ca và âm nhạc chính là đỉnh cao toàn diện nhất của chính điều đó. Bởi thì cũng một chủ đề, một đề tài, nhưng một tác phẩm tản vản phải cần trên dưới nhiều trăm trang mới chuyên chở được hết nội dung của mình, song một bài thơ chỉ cần vắn tắt đôi câu cũng đã có thể bộc bạch hết các ý nghĩa súc tích nào mà mình muốn diễn đạt. Tức thơ không thể làm thấp quá hay vượt lên trên quá tâm thức của bản thân người làm thơ chính là như thế.
Cho nên có thể nói thi ca cũng là đỉnh cao tuyệt hảo của tinh thần, ý thức con người. Bởi nếu âm nhạc chỉ có âm thành, không có hình ảnh rõ rệt; hội họa thì màu sắc phong phú, hình ảnh đa dạng, song lại chỉ luôn luôn tĩnh lặng; thì thơ ca vừa kết hợp được cả nhạc điệu cùng với hình tượng mang đầy tính chất sống động và linh hoạt. Bởi thế thơ vừa là tiếng nói của con tim, của đầu óc, trí tuệ, của cảm xúc mà cũng vừa kể cả phần giác quan của con người. Một tứ thơ hay như có thể vừa nhìn thấy được kể cả cũng vừa cảm giác được. Thơ chẳng những là ngôn ngữ của giác quan, của tâm hồn, của lý trí, mà kể cả còn là của tư duy và trí tuệ. Do đó, nếu thơ mà thiếu trí tuệ, thiếu nghệ thuật, chỉ hoàn toàn tầm thường thì hay được gọi là thơ con cóc. Nhưng nếu thơ cũng chỉ hoàn toàn thường tình kiểu hiếu hỉ, kiểu ca hoa, vịnh nguyệt, thì thật sự thơ đó cũng chẳng có gì cao cả hay đáng nói tới làm gì. Bởi vì nó thường vẫn nhan nhãn xuất hiện hàng ngày hay có khắp nơi trong cuộc sống xã hội. Trái lại trong tập thơ này đều là những dữ liệu có thật, những sự thật có mặt hay xảy ra trong đời sống xã hội, và đó mới chính là những ý nghĩa lịch sử luôn cần được xem xét đến.
Bởi thế, chỉ khi nào thi thơ đạt đến các ý nghĩa tư duy cao mới là điều đáng nói nhất. Vì ở đây chính hai thái cực hoàn toàn khác biệt lại được gắn vào nhau, hòa quyện lẫn nhau. Đó chính là ý nghĩa kết hợp hài hòa hay đến mức hoàn toàn đồng hóa nhau giữa thi ca và ý tưởng, hay giữa thơ và yếu tố tư duy, tư tưởng. Đấy chính là sự thăng hoa cao nhất của thơ là như thế. Thơ đã vượt lên được thế giới âm sắc bình thường của mình để bước vào lãnh vực của trí tuệ, tư duy, tức những điều gì hoàn toàn vô dạng hình hay tuyệt đối trừu tượng. Ở đây nó thể hiện được ý nghĩa, giá trị tầm cao, đồng thời có sự mở rộng, đào sâu, nâng lên về mặt hình tượng và cảm xúc chính là như vậy. Có nghĩa thơ đồng nhất hay chuyển tải cả tư tưởng.
Trong tất cả những ý nghĩa như trên đã nói, tập thơ này có thể nói là tập thơ hoàn toàn bất ngờ và ngẫu nhiên. Bởi vì nó không hề có sự dàn dựng hay mục đích ban đầu nào. Đây chẳng qua chỉ là một khối lượng khổng lồ các bài thơ chỉ có mục đích làm chơi được tập hợp lại. Nó có thể được phổ biến trên mạng hay một nơi nào đó. Và nếu không tập hợp lại lại trở nên uổng phí, nên đó chính là sự xuất hiện của chúng ở đây thế thôi. Có nghĩa đây là các bài thơ hoàn toàn làm ra không nháp, tức hầu hết được gõ trực tiếp trên bàn phiếm chỉ trong thoáng chốc, có khi không có kịp có thì giờ để rà sửa hay chỉnh lại. Nó cứ xuất hiện ra như mưa rào hay như những giọt nước tuôn ra từ một dòng suối. Mục đích hoàn toàn để chơi mà không hề nhằm ý nghĩa sáng tác.
Kể chung lại, chúng đã xuất hiện liên tục chỉ trong hơn ba năm qua, chủ yếu từ 2010 đến nay, một ngày có khi chỉ một hay vài bài thơ, tùy theo có vào mạng hay không. Bởi vì mỗi khi vào mạng, mà cốt yếu là “Đàn Chim Việt” [Đàn Chim Việt Online] (www.danchimviet), cứ đọc nơi đó, thấy có bài viết nào sinh tình, thế là gõ ngay vào dưới đó, trong mục phản hồi, chỉ trong khoảng vài mươi phút, tùy theo cảm hứng, một hay vài bài thơ dài hay ngắn, vậy thôi. Chủ yếu chỉ chơi là chính, nhưng với quan niệm đây là một loại chơi có ích cho tất cả mọi người và cho toàn xã hội. Trong ý nghĩa là cuộc chơi như thế, chính tác giả đã lấy hàng loạt bút hiệu khác nhau, nên trong khi tập hợp vẫn giữ nguyên khách quan và vạch mốc thời gian đã đưa lên mạng một cách chi tiết và cụ thể mà không có ý cần thay đổi bất cứ những chi tiết nào.
Sự lên mạng như vậy, tuy chỉ vài mươi phút mỗi ngày, nhưng chủ yếu là để theo sát mạch đập của thời sự xã hội, đòng thời ở đây cũng tìm ra nguồn xúc tác, tìm thấy những gì cần được góp ý và phê phản hiệu quả, nhưng đơn giản cũng như tiết kiệm nhất, không phải bằng những bài viết chính trang hay chính diện, mà chỉ là những nội dung phản hồi giản dị, nhưng hiệu quả, nhằm đến với mọi người có ý thức liên quan, cả trong nước cũng như ngoài nước. Do vậy, những bài viết cũng khá nhiều, cũng sẽ được tập hợp lại. Song nổi bật nhất ở đây, cần phải kể đến những tác phẩm thi ca, hoàn toàn làm theo ngẫu hứng, đột xuất, mau lẹ, mới thật sự có ý nghĩa cốt yếu, vì chúng đã bay đi khắp nơi.
Dĩ nhiên trong cuộc sống, không phải tất cả mọi người đều yêu thơ. Nhưng riêng đối với những người yêu thơ, quả đây không thể không xem như một món lạ. Tức thơ hoàn toàn tự nhiên, phong phú nơi tất cả mọi chủ điểm, đề tài, đặc biệt nhất là các nội dung vấn đề hoàn toàn sát sườn với những yêu cầu thời sự đang xảy ra trong xã hội. Rõ ràng một nội dung như thế thì không thể nào được xuất bản tại Việt Nam hiện nay mà nó chỉ có thể nhiều lắm là được phổ biến và tồn tại trên mạng, cũng như được tập hợp lại dành riêng cho một vài bạn bè thân hữu. Bởi tác già không chủ yếu làm thơ mà thật sự chỉ mang mục đích là một nhà tư duy triết học, một nhà tư tưởng, cho nên thơở đây cũng nhuốm đầy tính chất hay màu sắc tư duy, tư tưởng là như thế.
Có nghĩa việc sáng tạo và tập hợp thơ này thực chất chỉ là một cuộc chơi, một cuộc chơi nhẹ nhàng và lặng lẽ, trong khi chờ đợi những tác phẩm tư duy triết học đúng nghĩa mà tác giả luôn đặt mục tiêu nhất thiết cần phải có trong cuộc đời mình. Chính ý nghĩa ở đây chỉ giống như một trò chơi thơ, cho nên chất thơ luôn đầy tính cách hài hước, cười cợt, đùa chơi thoải mái cũng chính là như vậy mà bất kỳ ai đều có thể nhìn thấy ra được. Thế nhưng ý nghĩa thực chất sâu xa nhất của những bài thơ trong tập thơ, không phải chỉ để nhằm mô tả hay phê phán các sự kiện, mà là để nhằm đưa ra các lối thoát, các giải pháp cho các sự kiện, ít nhất cũng là mặt nguyên tắc, lý thuyết hay nhận thức, còn việc có thể thực hiện được trong thực tế hay không lại là chuyện khác.
Đấy, tính cách, hay giá trị hiện thực, nhập thế của văn nghệ hoặc thi ca chính là như thế. Bởi vậy, chính lối ra hay các biện pháp cho những cho những vấn nạn liên quan lại mới chính là các yêu cầu, mục đích hay ý nghĩa mà chính tác giả vẫn hằng quan tâm đến nhất. Mặc đầu đó chỉ là một việc làm hoàn toàn công quả, vô cầu, không nhằm đưa lại bất kỳ những lợi ích cá nhân cụ thể nào, nếu không nói chỉ là một sự đầu tư theo tính cách chí ít trước mắt cũng vô tích sự, theo kiểu vô công ngồi rồi, nếu được nhìn trong nhiều mặt nào đó. Nó giống như kiểu “gặp thời thế thế thời phải thế”, bởi cũng không thể nào làm khác đi được cho dầu có muốn như vậy.
Cho nên, mặt khác, đây cũng rất có thể trở thành một sự kiện thi ca hết sức đặc biệt và bất ngờ trong lịch sử văn học nước nhà sau này, nếu quả nhiên như thế, và nếu điều này lại thật sự xảy ra ngoài dự tính như thế. Bởi vì thi ca hay nghệ thuật sáng tác luôn luôn phản ảnh lòng người, luôn luôn phản ảnh cuộc sống thực tế và những giai đoạn lịch sử nào đó nhất định trong xã hội. Nếu quan điểm như thế, tập hợp thơ này quả nhiên là một chứng tích. Nó cho thấy nhiều khía cạnh khác nào trong giai đoạn xã hội đã qua như thế ra sao để nhằm trở thành một dữ liệu so sánh, tham khảo cho các giai đoạn lịch sử sau này. Có nghĩa nếu chúng có giá trị những mặt nào đó thật sự, chúng có thể trở thành là những thành quả văn học nhất định mặt dầu ngay từ đầu chúng không hàm những mục tiêu như thế. Còn như đối với mọi người và trong tính cách khách quan chúng hoàn toàn không giá trị cho dầu bất cứ mặt nào, thì chẳng qua đây cũng chỉ là một cuộc chơi trong vô vàn bao cuộc chơi khác rồi cũng qua đi, thế thôi. Chẳng có gì quan trọng mà cũng chẳng có gì để nhằm hối tiếc cả.
Vậy thì, khi tập hợp tập thơ này, đó cũng chỉ là một việc chẳng đặng đừng, vì nếu bỏ qua thì uổng, sau này dễ gì có ai tập hợp lại đầy đủ được, đồng thời sự tập hợp theo thứ tự ngược thời gian cũng một mặt cho thấy trình tự khách quan của ngoại cảnh, còn mặt khác cũng phản ảnh các diễn tiến trong tâm tư và trong các ý tưởng của tác giả tương hợp theo đó. Có điều có những bài thơ nếu được đặt trong hoàn cảnh hình thành nên nó thì mới có ý nghĩa, còn tách ra khỏi bối cảnh nào đó có khi lại phần nào khó hiểu. Nhưng cũng đành phải vậy. Vả chăng, có thể sự tập hợp hiện nay cũng không hoàn toàn đầy đủ lắm, tuy vậy cũng không phải là thiếu sót quá nhiều, nên quả thực đây chính là một dữ liệu không đến nỗi hoàn toàn vô bổ, vô ích, hay vô nghĩa gì. Nhưng những gì người ta tâm đắc nhất ở đây có thể không phải là những nội dung nói về điều gì, mà đó lại là chính chất thơ, nghệ thuật nghiêm túc của thơ bàng bạc khắp nơi, nên có thể đọc bất kỳ câu thơ nào dù ở bài nào đều cũng vẫn thấy thú đối với những người yêu thơ thật sự.
Bởi thếnếu những ai sẽ nhận được tập hợp này, đều có thể tùy nghi sử dụng, kể cả vứt đi nếu cảm thấy nó chỉ xoàng xỉnh. Nhưng dầu sao nó cũng là một kinh nghiệm sáng tác cho bất kỳ ai có quan tâm đến việc sáng tác trong nghệ thuật thơ văn chính là như thế. Kể cả nếu thấy thích, người ta có thể nhân đó gởi tiếp tới các bạn bè, coi như một sự mở rộng việc bảo lưu các ý nghĩa và giá trị thi ca nếu có trong lịch sử. Và nếu mỗi người tùy thích vẫn đều có thể bảo lưu lại, coi như một sự lưu trữ riêng tư, hoặc nếu có phương tiện và với sự đánh giá cần thiết, có thể giúp gởi tới Google, coi như một sự lưu giữ bất tận, hay kể cả một sự phổ biến hoàn toàn rộng rãi không giới hạn sau này, biết đâu nó cũng là một sự lợi ích cho nhiều người hay cho cả xã hội về mặt này hay mặt khác.
Bởi đây cũng có thể nói chưa có tiền lệ trong lịch sử văn học Việt Nam. Vì từ xưa đến nay, chỉ duy có nhà thơ Nguyễn Du, ngoài nhiều tập thơ chữ Hán, thì tác phẩm Truyện Kiều quý giá và danh tiếng của ông chứa đựng đến 3.234 câu thơ lục bát, đó quả là một kỹ lục mà đến nay chưa có nhà thơ nước ta nào vượt được. Nhưng nếu thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng chỉ để dành cho riêng ông, bởi vì nó được viết bằng thứ tiếng nước ngoài, không được phổ biến rộng rãi, không đi vào lịch sử văn chương nước nhà thật sự, thì chính tác phẩm Truyện Kiều của Tố Như mới thật là viên ngọc sang tự nhiên của lịch sử văn học đất nước. Tất nhiên ở đây chủ yếu nói về chất lượng và giá trị để đời mà không phải nói về số lượng hoặc ý nghĩa thoáng qua như phần đông các nhà thơ.
Thế nên, tuy vẫn còn một trời một vực so với thi hào Nguyễn Du, song với thời gian chỉ trên ba năm, một ngày bỏ ra chỉ đôi mươi phút, trong tính cách chơi là chính, mà đến nay (giữa năm 2015) đã tập hợp được kể từ giữa năm 2010, tức trong thời gian 5 năm với chừng 2.460 bài thơ, gồm khoảng 60.500 câu thơ, trong tổng số 2938 trang giấy A4. Tuy có thể vẫn còn thiếu sót, song đó chẳng phải cũng là một kỷ lục lẫn vừa điều rất nên đáng lưu ý hay sao. Hơn thế, sự tâp hợp này tất yếu vẫn chưa phải là sự gạn đục khơi trong, bởi đây trước nhất vẫn chỉ là sự hợp thô đối với hầu như phần lớn những bài thơ đã có, thượng vàng hạ cám, tuy vẫn chưa phải là sự đãi cát tìm vàng, nhưng mỗi bài thơ, dù ngắn dù dài, bao giờ cũng có phần nào đó sự chắt lọc ngôn từ, bút pháp đến một mức nhất định, dù đây chỉ là một loại thơ ngẫu hứng, làm chơi, không phải bỏ nhiều công sức hay thời giờ, kể cả chưa được rảnh rỗi để sửa chữa tốt lại hơn.
Bởi thế, dù gì chăng nữa, thì trong chính số lượng lớn như trên, hẳn lẽ cũng có thể lọc được ra vài trăm bài tạm gọi được là khá tốt chứ. Cho dù chúng được làm ra y như là kiểu công nghiệp. Dĩ nhiên, tính cách lịch sử thì luôn phổ quát, còn văn chương nghệ thuật lại tùy theo thị hiếu, mục đích và tâm lý thưởng ngoạn của mỗi người, đó là ý nghĩa khách quan đáng nói nhất, mà không thể bao giờ lại có thể làm thế nào cho khác đi được. Nên tất yếu mọi sự chắt lọc đều tất yếu phải qua chính ý nghĩa lịch sử khách quan thế thôi. Đúng ra, lúc đầu tác giả cũng định làm xong rồi bỏ, không có mục đích tập hợp lại làm gì, nhưng thấy cũng tiếc nếu để thất lạc cả sau này khó tìm lại hết được, lại mất công cho người nào có ý sao lục lại sau này, thôi thà chịu khó vậy. Bởi thường tình, có khi cả đời một người chỉ làm ra được mươi bài thơ hay vài tập thơ mỏng ra hồn, còn ở đây lại chán vạn tràn hề kiểu thơ chơi, thơ tếu, thơ nghiêm chỉnh, vậy chẳng không bỏ công lắm sao.
Bởi thế, rõ ràng không hề bất kỳ ai có thể chủ quan được mọi điều gì trong cuộc sống, mà mọi ý nghĩa và giá trị liên quan, cũng chỉ đều là ý nghĩa và giá trị xuyên qua không gian, thời gian, do đó có thể bị đào thải, hoặc được chọn lọc lại thế thôi. Cuộc chơi này, tất nhiên cũng sẽ vẫn còn dài, và sự tập hợp này, cũng chẳng qua chỉ là một bước đầu, để rồi còn dấn thân đi tiếp. Còn khi nào tác giả muốn trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp với những sáng tác nghiêm túc hơn, cùng những chủ để hay mục đích chủ động hơn trong tương lai, lại là chuyện khác. Có nghĩa về phương diện sáng tạo nghệ thuật, văn hóa, hay nói đặc thù hơn là tác phẩm thi ca và tư duy triết học, vấn đề đích thực không phải khi nào nó xuất hiện, hay xuất hiện ra sao, mà chính là nó có được giá trị lâu dài hoặc trường cửu hay không.
Nên điều cần nói, là nếu một người làm triết học, hay một nhà triết học thật sự, nhất thiết buộc phải có chuyên sâu, nghiêm túc, đúng nghĩa, hay chính quy thật sự. Như thế, nếu không phải chuyên môn đích thực, thì thi ca đó nhất quyết không thể được gọi là thi ca triết học thật sự, nhưng nó chỉ có màu sắc triết học nói chung nào đó. Ví như Nguyễn Du chỉ thuần túy là nhà thơ, nhưng ý nghĩa tác phẩm Truyện Kiều của ông lại mang đầy màu sắc triết học Phật giáo là chủ yếu. Bởi thế, ai cũng biết, thi hào vĩ đại Nguyễn Du khi kết thúc danh tác Truyện Kiều của mình, chỉ nói khiêm tốn và đơn giản là “mua vui cũng được một vài trống canh”, nhưng chính yếu tố giá trị khách quan của nó đã trở thành mãi mãi vượt thời gian mà chắc chắn ngay bản thân nhà thơ kể từ lúc ban đầu cũng dã không hề bao giờ nghĩ đến. Ý nghĩa của việc chỉ nhằm mua vui theo cách thực nào đó của tập thơ bất đắc dĩ này chắc hẳn phần nào cũng có mang tính chất tương tự như thế. Dầu sao hầu hết các bài thơ trong tập thơ này cũng đều đã xuất hiện trên mạng thường ngày trong nhiều năm rồi, có nghĩa chúng cũmg chẳng còn lạ gì đối với một số người đọc có quan tâm lưu ý đến, do đó đây chẳng qua cũng là cách tập hợp chung lại lần đầu để sau này khỏi bị thất lạ và dễ lưu lại thế thôi.
Cuối cùng, bởi cho đến hiện nay số lượng bài thơ nhiều quá, chỉ có thể tập hợp đại nét mà không có thời gian để đọc dò kỹ lại, cũng như không thể làm được phần Mục lục ghi rõ số trang và tên từng bài để tiện tra cứu được. Điều này xin dành lại cho bất kỳ những người yêu thơ nào, nếu cảm thấy thích thú và có thiện ý, có thể chỉnh đốn và lưu giữ lại cho riêng mình, đồng thời làm chất liệu cho việc nghiên cứu, suy gẫm, từ các phương diện nghệ thuật sáng tạo, ngôn ngữ, xã hội, lịch sử, đời sống, cho đến tư duy triết học, tư tưởng bao quát, để biết đâu sau này, đây có thể cũng sẽ là một tập tư liệu khả dĩ đánh dấu được một thời kỳ về lịch sử hiện đại, cũng như về thi ca, đối với nền văn học sử nói chung của nước nhà chúng ta chăng. Nhất là đặc biệt tập thơ này cứ hàng mỗi ngày lại được nối dài ra thêm mãi. Có nghĩa chúng là những bài thơ có cảm xúc thật sự, lấy cảm xúc từ chính trong cuộc sống, không phải chỉ loại thơ tự cấu tứ hay tưởng tượng kiểu viễn mơ như thông thường trong đời hay có.
Bởi đó có điều thú vị là trong tập thơ này, bất kỳ mỗi bài thơ nào, không kể dài ngắn, và cho dù vốn có nội dung đùa cợt hay nghiêm chỉnh, cũng đều giống như những viên ngọc nhỏ, hay những viên kim cương hoặc thủy tinh chiếu lóng lánh, vì ngoài tính cách phong phú của sự hàm chứa, của chiều sâu phản ánh, mặt thi pháp luôn chuẩn mực, đều mang tính kinh điển về vần điệu, mang tính sáng tạo trong nghệ thuật, mặc dầu vẫn luôn thuần khiết, tự nhiên, hồn nhiên, giản dị và tự tại, chẳng khác gì những đóa hoa đồng nội, chẳng cần một chút gì cốt nhằm làm dáng, hay để tỏ ra khác lạ theo những kiểu cách tầm thường hoặc xoàng xỉnh như kiểu của những thứ thi ca dung tục mà ở khắp nơi mọi người vẫn đều thường thấy. Dĩ nhiên với số lượng thơ đồ sộ như vậy, không thể ai có thể đủ thời gian hay kiên nhẫn để đọc hết được, và như vậy có thể chọn ngẫu hững bất cứ vài bài thơ hay câu thơ nào để đọc mỗi tùy lúc, cũng là điều thật sự thú vị và có ích về vài phương diện nào đó nếu có thể đều cùng đồng ý như thế.
Sau hết có điều cũng cần nói, thực chất thơ cũng chỉ là một loại văn vần. Có điều nếu văn vần có tính bình dân, tầm thường, thơ lại mang tính chất trí thức, súc tích, tinh túy, hình tượng, cao khiết và lãng mạn hơn. Nhưng đã nói là văn vần, tất nhiên cũng phải dễ hiểu, sáng sũa, tự nhiên, giản dị, rành rọt như văn. Bởi vậy những kiểu thơ mang tính làm dáng, hủ nút, khó hiểu, mơ hồ, trừu tượng thái quá, đó thực chất không phải là thơ nữa mà thật sự chỉ trở nên một thứ tạo dáng giả tạo, nghèo nàn và kém ý nghĩa hay giá trị thuần khiết thế thôi. Hơn thế, chính điều thiết yếu trước nhất, là phải xem thi ca như một loại nghệ thuật của ngôn ngữ, bởi vậy yêu cầu về nghệ thuật hay về thi pháp trong thơ cần phải được lưu tâm trước nhất, rồi kế đến mới nói tới ý nghĩa của nội dung, tức các mục đích của chủ đề, hay về các đề tài cụ thể, muốn được nói đến, hay muốn được chuyên chỡ, ở trong thơ. Vả chăng các đề tài ở đây thật vô cùng phong phú, trên trời dưới đất, thượng vàng hạ cám, kể cả đến các chuyện trời mây trăng gió chẳng thiếu một thứ gì, thật quả là điều mà trên đời này cũng hiếm thấy có khác. Và điều đáng nói nhất, nếu thơ chỉ mang tính cách trữ tình hay tâm tình riêng tư của cá nhân, nhằm cần sự đồng cảm của cá nhân nào đó khác, kiểu thương trăng khóc gió, yêu hoa mộ nguyệt, hay nói những chuyện tầm thường hoặc thấp kém trong cuộc đời, cũng chẳng đáng nói làm gì. Nhưng ở đây thơ là tâm tình của nhiều người, của xã hội, nói đến những chủ đề vượt lên trên mọi cái thường nhật, thì âu đó cũng là điều để được nhiều người cùng cảm thông, cùng tâm đắchay cùng suy nghĩ.
Tuy vậy, cho dầu gì thì dầu, nghệ thuật, hay ở đây là bút pháp thi ca, phải luôn là điều được đặt lên hàng đầu trước nhất. Bởi vì cho dầu nghệ thuật phục vụ nhân sinh thì trước tiên nghệ thuật cũng phải tồn tại đầu tiên cái đã, nhất là nghệ thuật đó phải luôn luôn thật sự hồn nhiên, đích thực, thoải mãi, mà không bất kỳ sự giả tạo hoặc làm dáng khiên cưỡng nào, bởi nếu không có giá trị hay ý nghĩa nghệ thuật, nhất thiết nó cũng không thể phục vụ nhân sinh được chút nào cả. Vậy nên ngày xưa cũng từng có một thời nhiều người cùng đua tranh tranh luận về chuyện nghệ thuật chỉ vị nghệ thuật hay nghệ thuật phải vị nhân sinh. Thật ra nghệ thuật đúng nghĩa phải đều phục vụ cả hai.
Nhưng nếu thế, nhân sinh ở đây cũng phải là nhân sinh khách quan, đúng đắn thật sự, không thể kiểu nhân sinh áp đặt chủ quan mà chính Trương Tửu vẫn muốn, hay kiểu nghệ thuật tự nó không tròn vành hoặc chỉ xoàng xỉnh như trong thơ Tố Hữu, rồi nhằm phục vụ nhân sinh cũng chỉ kiểu nhân sinh chủ quan, rập khuôn, giáo điều, nô lệ, hoặc mang tính giả tạo, tuyên truyền không thật lòng, thực chất, thì liệu ý nghĩa nghệ thuật hay nhân sinh như thế đó hỏi có còn gì. Âu đó cũng là bài học cho mọi người, nhất là với những ai ham chuộng hoặc theo nghiệp thi ca, cho nên mọi tính thời sự nếu có của tập thơ này tất yếu hẳn cũng đều không ngoài như thế. Đặc biệt nếu từ đây về sau này, lại được có ai đó, trong nước hay ở nước ngoài, có sự đồng cảm, để quan tâm chắt lọc lại (mới thật sự khách quan) và giúp cho xuất bản như một thứ dữ liệu bên lề, hay ngẫu nhiên của văn học, hay của nền thi ca nước nhà thì lại thật sự vô cùng quá tốt. Mong như thế lắm thay nếu quả sẽ có được một sự duyên may như thế. Và cũng mong nếu có ai đó thiện chí hãy xin vui lòng liên hệ cùng tác giả.
Saigòn, cuối tháng 7 năm 2015
VÕ HƯNG THANH
Xin mời đọc: Tập thơ "Kẻ Sĩ " (1)của Võ Hưng Thanh
Tập thơ "Kẻ Sĩ " (2) của Võ Hưng Thanh
* Võ Hưng Thanh sinh năm 1944 tại Quảng Nam. Tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học. Ông hành nghề Luật sư đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu triết học và khoa học xã hội, nhân văn. Có khả năng xuất khẩu thành thơ những khi nổi hứng bất tử. Lời thơ của ông vừa chân tình vừa diễu cợt. Từng phê phán Tố Hữu bằng câu "Thi như Tố Hữu vô tiền khoáng / Hậu thế gian hi hữu nịnh thần". (Ái hữu ĐHSPSG)
Đăng ngày 28 tháng 10.2015