banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

The lost mandate of heaven: The American betrayal of Ngô Đình Diệm

by Dr. Geoffrey Shaw

Thiên mệnh không còn: Hoa kỳ phản bội TT Ngô Đình Diệm

do nhóm dịch thuật Clarity & Decency và NOVAL-DFW xuất bản



"Chúng tôi tin tưởng một nhà lãnh đạo kiệt xuất là hiện thân của bốn phẩm chất nhân từ, dũng cảm, tháo vát, và khôn ngoan. Tổng thống Ngô Đình Diệm là hiện thân của nhà lãnh đạo ngoại hạng đó. Dưới sự lãnh đạo dũng cảm của ông, miền Nam Việt Nam trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa thực sự trở thành một quốc gia tự do và thịnh vượng, được thành lập dựa trên ý tưởng về tự do, dân chủ chứ không phải từ những ý tưởng tàn bạo của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.  Câu chuyện về cuộc đời và thành quả lãnh đạo của Tổng thống Diệm đã được kể lại nhiều lần, hầu hết là từ những quan điểm thiên lệch sai lầm phục vụ mục tiêu chính trị.  Hiếm khi câu chuyện của Ông được chia sẻ từ một nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên chứng liệu lịch sử khả tín. Trong tác phẩm The Lost Mandate of Heaven, Tiến sĩ Geoffrey Shaw đã tiết lộ những sự thật về chiến tranh Việt Nam và Tổng thống Diệm qua các nghiên cứu sâu rộng.  Hợp tác với nhóm dịch thuật Decency and Clarity gồm các dịch giả có tâm như Ông Việt Thanh, Ông Nguyễn Tiến, Bà Lê Thị Hiền Minh, và Ông Phan Quang Trọng, NOVAL-DFW được truyền cảm hứng để chia sẻ sự thật và di sản cuộc đời của Tổng thống Diệm. NOVAL-DFW trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bản dịch của tác phẩm The Lost Mandate of Heaven của Tiến sĩ Geoffrey Shaw."
Nhóm Dịch Thuật (Việt Thanh, Nguyễn Tiến, Lê T Hiền Minh, và Phan Quang Trọng) và NOVAL-DFW.

Quý vị có thể mua sách tại Amazon hay liên lạc:
https://www.amazon.com/Thi%C3.../dp/1990434401/ref=sr_1_1...


 Thiên mệnh bị đánh mất

 
Sự phản bội của người Mỹ đối với Ngô Đình Diệm, Tổng thống nước Việt Nam Cộng Hòa

"Đó là một quyết định ngu xuẩn và lạy Chúa, chúng ta đã trả cái giá, họ đã trả cái giá, mọi người đều đã trả cái giá..." - Howard Jones

Việt Nam. Danh xưng này đeo đẳng nặng nề lên tâm trí của các định chế quân sự và chính trị Mỹ. Bằng chứng về những ảnh hưởng kéo dài của nó được tìm thấy trong cụm từ được lặp đi lặp lại mãi, "không còn Việt Nam nữa". Tức là không còn có cuộc chiến tranh với những mục tiêu mơ hồ gây ra những ảnh hưởng xấu đến xã hội và cuối cùng kết thúc bằng thất bại. Chiến tranh Việt Nam đã thất bại - miền Nam Việt Nam bị chinh phục bởi cộng sản MIền Bắc, và xã hội, quân đội và chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn 40 năm sau khi Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam, cuộc xung đột đã được phân tích không mệt mỏi bởi các học giả mong tìm cách hiểu được tiến triển của cuộc chiến và hậu quả cuối cùng.
Có lẽ việc nghiên cứu cuộc chiến tranh có tầm quan trọng ngang hàng như là việc nghiên cứu về nguyên nhân do đâu cuộc chiến tranh Việt Nam đã bắt đầu, và làm sao Hoa Kỳ đã lôi kéo cuộc xung đột lật đổ các chính phủ, đẩy quân đội tới bờ vực sụp đổ và đánh mất hàng trăm ngàn mạng sống.
Geoffrey Shaw, sử gia, giáo sư, và là chủ tịch của một nhóm chuyên gia chống khủng bố, cung cấp một cái nhìn vô giá như vậy về việc khởi đầu sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và những sai lầm đã dẫn tới việc mở rộng cuộc xung đột.[1]. Trong cuốn sách của mình, cuốn “Thiên Mệnh Đánh Mất” - The Lost Mandate of Heaven, tác giả Shaw xem xét cuộc sống và đường lối quản trị của vị tổng thống đầu tiên (và cuối cùng) của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (VNCH) - Republic of South Vietnam (RVN), Ngô Đình Diệm.

Diệm là tổng thống VNCH từ năm 1955 cho đến khi ông qua đời trong cuộc đảo chính quân sự vào năm 1963, do các quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ. Gia đình Ngô Đình đến từ lớp thượng lưu, quan lại của xã hội Việt Nam. Mặc dù được đào tạo theo truyền thống Tây phương và là một người theo đạo Thiên chúa, nhưng Diệm cũng có kinh nghiệm trong tư duy Khổng giáo và một người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam nhiệt tình. Ông cũng là một nhà quản lý cực kỳ hiệu quả và là một người chống cộng cứng rắn. Cuối cùng, như tiêu đề của cuốn sách ngụ ý, ông có tính hợp pháp trong con mắt của người Việt Nam và "được người Việt Nam tôn kính bởi vì ông trung thực và độc lập ... một anh hùng ở miền Trung và Bắc Việt Nam, và sau này cũng thế ở miền Nam" [2].

Tổng thống Dwight D. Eisenhower chào đón Tổng thống Ngô Đình Diệm đến Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 1957. Trong chuyến viếng thăm Diệm đã đọc diễn văn tại một phiên họp lưỡng viện của Quốc hội và được chào đón bằng một cuộc diễn hành thành phố New York. Eisenhower gọi Diệm là "con người kỳ diệu của châu Á". (Ảnh do Phòng Lưu trữ An ninh Quốc gia).

Diệm, gia đình của ông, chính quyền của ông, và các chính sách của ông, tuy nhiên, dường như đã gây phiền nhiễu đến lợi ích của Hoa Kỳ. Shaw cho thấy cấu trúc của chính quyền Diệm, với sự nhấn mạnh vào lòng trung thành và sự phụ thuộc vào gia đình, được xem là khá bất thường. Các thành viên của gia đình Ngô Đình, đặc biệt là em dâu của mình, cũng có khuynh hướng "đưa ra những nhận xét kích động đối với báo chí Hoa Kỳ và làm suy yếu vị trí chung của họ" đối với chính phủ Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. [3] Quan trọng hơn, trong toàn bộ cuốn sách, Shaw ghi lại một loạt các quyết định và sự kiện như sự ủng hộ của Mỹ đối với vấn đề trung lập của Lào (mở đường cho sự xâm nhập của Bắc Việt), sự khởi đầu và hiệu quả của chương trình ấp chiến lược, chiến lược tổng thể chống nổi dậy và cách xử lý của những bất ổn trong nước như những điều mà Diệm và các nhà tài trợ Mỹ của ông đã đụng độ.

Cụ thể, Shaw gợi ý một nhóm các cá nhân ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong chính phủ Kennedy đã chống lại Diệm một cách hiểm độc. Ông mô tả những cá nhân này tìm cách quản lý cuộc xung đột đang nổi lên ở Việt Nam theo cách ngược hẳn với chính sách của Diệm với tư cách là tổng thống của một quốc gia có chủ quyền. Một khi Diệm lâm vào những tình huống khó xử, nhóm này đã tìm kiếm và cuối cùng đạt được sự loại bỏ ông, điều này dẫn đến vụ thảm sát Diệm rất đáng ghê sợ. Shaw cũng quy trách báo chí Hoa Kỳ, muốn chứng minh rằng một số thành viên của báo chí đã tạo ra các tường trình từ một vị trí thiên vị, lục lọi để hoàn thành một kế hoạch đã định trước. Ông cho rằng những tường trình tương tự đã tạo ra một vòng phản ứng làm tăng tâm lý chống lại ông Diệm trong số các cơ quan thông tin được lựa chọn, và các cơ quan chính trị Mỹ có tầm mức quy mô lớn. Tất cả đã xảy ra đang khi Diệm tiến hành chiến dịch chống nổi loạn chống lại kẻ thù quyết liệt, và các nỗ lực của ông để duy trì tính hợp pháp bằng cách không xuất hiện như một con rối cho một thế lực bên ngoài.
Diệm không phải là không có những người ủng hộ ông - chủ yếu là những người hầu như là gần gũi hiểu biết cuộc xung đột như ông. Đáng chú ý là Đại sứ Hoa Kỳ, giám đốc CIA tại Sài Gòn, giám đốc đoàn cố vấn Anh, và các sĩ quan quân đội khác tại Việt Nam và Ngũ giác đài ủng hộ Diệm, và tin rằng chiến tranh ở Việt Nam đã giành được thắng lợi dưới quyền của ông. Trong khi "nhóm chống đối Diệm tin rằng việc dỡ bỏ Diệm là cần thiết để chiến thắng trong chiến tranh; các tướng lãnh Mỹ tin rằng chiến tranh đã thắng được với Diệm tại vị" [4]. Chính phủ và quân đội miền Nam ngày càng phát triển, và chiến lược tổng thể chống nổi dậy đang được sử dụng vào thời đó đã bắt đầu có kết quả.

Dù bằng bất cứ quan điểm nào về Diệm, Shaw cho thấy hầu như mọi cá nhân mà tác giả đã nhận diện trong cuốn sách đều nhận ra và thể hiện ở nhiều điểm khác nhau (trước và sau vụ hạ sát Diệm) rằng Diệm là nhà lãnh đạo có hiệu quả nhất. Ngay cả chính phủ Bắc Việt cũng thừa nhận rằng Diệm là trở ngại lớn nhất đối với tham vọng của họ nhằm thực hiện việc chiếm trọn miền Nam cho Cộng sản. Những sự kiện sau khi bị ám sát sẽ chứng minh rằng ông ta thực sự không thể thay thế được, vì Nam Việt Nam không hình thành nổi một chính phủ ổn định trước khi nước này rơi vào tay Bắc Việt.

Ngô Đình Diệm và chính phủ của ông chắc chắn không hoàn hảo, đặc biệt khi họ thực hiện các biện pháp chống lại sự nổi dậy của cộng sản ngày càng tăng. Tuy nhiên, không ai có thể vội vã đánh giá các thành viên của Tổng thống Kennedy, cũng như chính Tổng thống Kennedy vì không nắm bắt tốt hơn các sự kiện, do thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử mà họ nắm quyền. Những suy nghĩ để suy đoán điều gì có thể xảy ra nếu Diệm vẫn còn sống và nắm quyền lực có thể đặt ra, nhưng đây là một ứng dụng ít có kết quả. Bất kể điều gì mặc lòng, theo các chứng cớ được trình bày trong cuốn sách của Shaw, Diệm là một người tốt lành, không đáng chịu số phận của mình như thế. Bằng cách ủng hộ việc lật đổ ông, Mỹ đã chấm dứt việc ổn định chính quyền Việt Nam, đã gây ra sự tham dự sâu rộng hơn của chính mình vào cuộc chiến tranh Việt Nam, và đã đánh mất nền quân sự và chính trị ở tầm cao.

"Lost Mandate of Heaven: Sự phản bội của người Mỹ đối với Ngô Đình Diệm, Tổng thống của Việt Nam" là cuốn sách cần phải đọc cho các nhà hoạch định chính sách, và rất có giá trị cho các cơ quan quân sự và các cơ quan chính phủ khác. Nó chứa đựng các bài học có thể giúp ngăn chặn xung đột trước khi nó bắt đầu, hoặc để giúp quản lý nó một khi xung đột đã bắt đầu.

Nathan Wike là một sĩ quan trong Quân đội Hoa Kỳ, và là thành viên của Hiệp hội Nhà báo Quân sự.
Phạm Hương Sơn diễn dịch

https://www.amazon.com/Lost-Mandate-Heaven-American-President/dp/1586179357


Notes:
[1] The Alexandrian Defense Group, www.alexandriandefense.org.
[2] William O. Douglas, North from Malaya (New York: Doubleday, 1953), 180-81. From The Lost Mandate of Heaven, 37.
[3] The Lost Mandate of Heaven: The American Betrayal of Ngo Dinh Diem, President of Vietnam. Geoffrey Shaw. San Francisco, U.S.A. Ignatius Press, 2015, 192.
[4] Ibid., 264.

https://phongtraogiaodan.com/



Qua tác phẩm


“The Lost Mandate of Heaven”*

Học giả Geoffrey Shaw nói gì về cái chết của cố TT Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm?

Trần Phong Vũ

Ngót 53 năm sau biến cố 01-11-1963, đánh dấu sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam cùng với cái chết thảm khốc của Tổng Tống Ngô Đình Diệm và bào đệ - ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Trong thời gian ấy đã có không ít sách vở bàn sâu vào sự kiện lịch sử này.
Nhưng phải chờ tới năm 2015 với tác phẩm “The Lost Mandate of Heaven” của học giả Geoffrey Shaw, người đọc mới thấy được những lượng giá sâu sát về căn nguyên, hệ quả và những bí ẩn của sự mất mát lớn lao này đối với dân tộc Việt Nam.
Tác giả gốc người Canada, tốt nghiệp Tiến sĩ sử học Đại học Manitoba chuyên về những vấn đề quân sự, ngoại giao của Hoa Kỳ tại Đông Nam châu Á. Ông từng là giáo sư môn sử cho American Military University. Học giả Geoffrey Shaw cho biết ngay từ năm 1991, ông đã quan tâm tới những sản phẩm chữ nghĩa có nội dung mang tính tiêu cực về chiến tranh Việt Nam. Từ đấy, ông để tâm sưu tầm tài liệu để viết cuốn sách này.
Sách dày 314 trang, khổ lớn hơn bình thường. Bìa cứng, bao ngoài in offset với khoảng giữa là lá cờ vàng ba sọc đỏ và tấm hình cố TT Diệm. Sách do nhà xuất bản Ignatius ở San Francisco ấn hành năm 2015 với lời giới thiệu mở đầu của James V. Schall, SJ, giáo sư Danh dự Đại học Georgetown. Nội dung tác phẩm gồm 13 chương, trong đó ba chương 7, 8 và 9 nói về những trao đổi gay gắt giữa Đại sứ Frederick Nolting ở Sàigòn khi ấy và những viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, trong số có ông Hilsman, Harriman, kể cả Thượng Nghị sĩ Mansfield, những nhân vật được coi là đã về hùa với báo giới ở Hoa Thịnh Đốn để lèo lái TT Kennedy khiến vào phút chót ông ngả theo giải pháp xoay lưng lại với những gì Mỹ đã cam kết với TT Diệm, người đã có công khai sinh nền Cộng Hòa Việt Nam.
Điểm cần lưu ý là tác giả đã dành tới 40 trang để liệt kê hàng trăm nguồn tư liệu giá trị tham khảo để dẫn tới những kết luận trong cuốn sách của ông.
Là một chuyên gia về chiến tranh, nhưng gần như tác giả cố tránh đề cập tới vấn đề chiến sự để chú trọng vào khía cạnh chính trị và những vận động trong bóng tối ở Sàigòn, ở Hoa Thịnh Đốn dẫn tới điều ông muốn nói là chủ trương sát hại TT Ngô Đình Diệm là căn nguyên làm tắt đi một “Sứ Mệnh Thiên Sai” mà người khai sáng nền Cộng Hòa Việt Nam đã lãnh nhận do ảnh hưởng sâu xa từ Khổng Giáo được truyền thừa từ thân phụ là Thượng Thư Ngô Đình Khả.

Trong bài điểm sách ngắn này, chúng tôi căn cứ nhiều vào phần Kết luận của tác giả và lời giới thiệu mở đầu của James V. Schall, SJ.
Tác giả đã dành trọn hơn bốn trang của phần kết để đưa vào những tiếng nói khác với những gì dư luận người Mỹ muốn nghe trước và sau biến cố 01-11-1963.
Mở đầu, tác giả ghi lại câu nói với nội dung bi phẫn, buồn bực của Rufus Phillips, một nhân viên CIA, người từng gặp ông Diệm vài ngày trước cuộc chính biến. Khi vừa bước vào Dinh Gia Long hôm biến cố xảy ra, ông ta nói:
“Tôi chỉ muốn ngồi xuống mà khóc. Và tôi vô cùng tức giận khi được tin ông ta đã bị giết chết… Thật là một quyết định ngu xuẩn và lạy Chúa tôi, chúng ta sẽ phải trả giá, họ sẽ phải trả giá, mọi người sẽ phải trả giá” (trang 269.)
Tác giả đề cập tới cảm tình của Phó TT Johnson dành cho cá nhân TT Ngô Đình Diệm, người ông tin tưởng là có đủ tài năng và đức độ để thành công trong việc lãnh đạo Việt Nam trong cuộc tranh thắng với CS Bắc Việt. Theo tác giả, vào thời gian ấy, ông Johnson luôn chống lại âm mưu loại bỏ giải pháp NĐD. Vì thế khi nghe tin ông Diệm bị ám sát ông hết sức đau lòng và không che dấu lòng khinh bỉ đối với những kẻ đã nhúng tay vào chuyện bỉ ổi đó. Năm 1966, sau khi đắc cử Tổng Thống, trong một cuộc điện đàm, ông Johnson đã tâm sự với Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy sự thật về những gì chính quyền Kennedy đã thực hiện đối với ông Diệm vào năm 1963.
Ông nói:
“Chúng ta đã giết ông ta. Chúng ta đã đồng lòng và tập họp một đám du thủ du thực khốn nạn để ám sát ông ta. Giờ đây, chúng ta thực sự không còn một sự ổn định chính trị nào kể từ khi đó” (cùng trang).
Vào năm 1966, William Colby cũng có sự nhận định tương tự đối với tác giả khi tâm sự rằng sau khi ông Diệm bị giết, miền Nam Việt Nam đã không bao giờ vực trở lại được nữa. Vào ngày 05 tháng 11 năm 1963, bà Ngô Đình Nhu tuyên bố trong một cuộc họp báo:
“Những ai có người Mỹ là đồng minh thì không cần có kẻ thù nào nữa… Tôi có thể tiên đoán với tất cả quý vị rằng câu chuyện về Việt Nam chỉ mới là phần mở đầu…” (cùng trang 269).
Geoffrey Shaw xác nhận tính cách tiên tri qua lời tuyên bố kể trên của bà Ngô Đình Nhu. Vẫn theo tác giả, cuộc đảo chánh gần như ngay lập tức làm tiêu tan mọi gắn kết ban đầu trong đám tướng lãnh VN. Giết ông Diệm, họ cũng đồng thời đánh mất hết các cơ may của chính mình để có thể điều hành đất nước một cách hiệu quả. Tướng Trần Văn Đôn ngay sau đó đã bất hòa với tướng đồng chủ mưu Dương Văn Minh. Sau này ông Đôn thú nhận người ra lệnh giết ông Diệm mười phần chắc chín chỉ có thể là ông Minh. Tướng Đôn kể lại với sử gia George McTurnan Kahin rằng nếu hai ông Diệm và Nhu không bị sát hại thì chỉ trong vòng ba tháng, người Mỹ sẽ loại bỏ Dương Văn Minh và các tướng lãnh khác. Sau đó sẽ nhẹ nhõm trao quyền lại cho hai anh em TT Diệm.

Tác giả ghi tiếp: năm 1964, cựu Đại sứ Frederick Nolting xin rời bỏ Bộ Ngoại Giao nhằm phản đối cuộc đảo chánh tại miền Nam Việt Nam. Ông trích một đoạn từ lá thư ngắn của ông Nolting gửi Tổng ThốngJohnson ngày 25-02-1964:
“Hôm nay tôi đã gởi về Bộ Ngoại Giao lời yêu cầu chấp thuận cho tôi được rời khỏi ngành ngoại giao để nhận một công việc mang tính tư nhân. Tôi không phủ nhận rằng quyết định của tôi là do sự bất bình nghiêm trọng đối với các hành động có liên quan đến VN vào mùa thu năm ngoái, với những hậu quả xấu người ta có thể tiên đoán được. Tôi cũng không phủ nhận rằng tôi không cảm thấy thoải mái khi còn dính dáng đến Bộ Ngoại Giao kể từ khi tôi từ Việt Nam trở về” (trang 270).
Ông tin rằng giờ đây người ta đã thấy rõ là sau vụ sát hại anh em TT Diệm mọi chuyện đã đi từ xấu đến tệ hại: 57 ngàn sinh mạng người Mỹ, tám năm bất hòa trong nội bộ Mỹ quốc, nợ nần quốc gia chồng chất cao nghệu, và nạn lạm phát đã gieo đau khổ xuống cho chúng ta trong suốt thập niên 1970. Ông quy kết là chính các hành động sai lầm của chính quyền Kennedy đã tạo ra mọi chuyện.
Tướng Harkins và vị cựu đại sứ trong các cuộc trao đổi thư từ sau đảo chánh đã chỉ trích Hilsman, Harriman, và báo giới Hoa Kỳ về những sai lầm tại miền Nam Việt Nam. Chẳng hạn vào ngày 27 tháng 3 năm 1964, trong một lá thư chia buồn về chuyện từ chức của ông Nolting, Harkins đã nói với vị cựu Đại sứ VN rằng việc loại bỏ ông Diệm đã làm cho chương trình chống du kích bị thụt lùi lại khoảng 10 tháng trời và ông trách giới truyền thông Mỹ đã đóng góp một phần lớn vào chuyện này:
“Như ngài đã biết, giới báo chí đã chống phá ông Diệm từ tháng 6 và tháng 7 năm ngoái, và gần như đã vô hiệu hóa ông ta” (trang 271).
Nolting đã hồi đáp Harkins vào ngày 7 tháng 4 năm 1964 và cho biết rằng ông cùng vợ là Lindsay đã suy ngẫm lại tấn thảm kịch về những gì đã xảy ra đối với ông Diệm và ông Nhu quá nhiều lần đến độ muốn phát điên. Trong lời phân tích cuối cùng, ông tin rằng sự lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm là điều không thể tránh khỏi vì sự hiện diện của những kẻ chủ chốt trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào lúc đó:
“Ngoài các chuyện khác, họ đã cung cấp cho báo chí những điều mà ngài và tôi đã được ủy nhiệm để chống lại – chẳng hạn cái giọng điệu, chúng ta không thể thắng được nếu còn Ngô Đình Diệm…” (trang 271).
Trong một lá thư viết tay cho Nolting vào năm 1971, Harkins đã điểm mặt Harriman, Hilsman, Thượng nghị sĩ Mansfield, và báo giới Hoa Kỳ là những nhân tố chính dẫn tới cái chết oan khuất của người khai sinh nền Cộng Hòa Việt Nam, góp phần phá hoại chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á. Bàng bạc trong tác phẩm, Geoffrey Shaw cũng gián tiếp nêu lên ý tưởng: nếu TT Diệm và Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam không bị bức tử 53 năm trước, hẳn rằng Việt Nam ngày nay đã khác.

Trong lời giới thiệu mở đầu tác phầm từ trang 9 đến trang 15, James V. Schall, Giáo sư Danh Dự trường Đại học Georgetown viết:
“Cuốn sách của tác giả Shaw chứa đựng nhiều dữ liệu trình bày các diễn tiến dẫn đến sự giết hại một vị lãnh tụ vĩ đại của VNCH, một người mà sự lăng mạ bất công của giới truyền thông Hoa Kỳ đã nói lên một sự ngu xuẩn gần như không thể tưởng tượng nổi. Người ta không đếm xỉa gì đến sự thật” (trang 11).
Vẫn theo người giới thiệu tác phẩm thì điều mỉa mai là:
“Shaw đã chứng minh, TT Diệm không bị giết bởi bọn Bắc Việt, ngược lại, ông còn được họ kính trọng. Dĩ nhiên họ muốn loại trừ ông vì họ biết ảnh hưởng quan trọng của ông đối với dân chúng Việt Nam. Nhưng họ khá ngạc nhiên khi thấy rằng, với sự thông đồng của Mỹ, một viên tướng phản phúc VNCH lại thực hiện điều đó dùm họ… TT Diệm, nhân vật có khả năng ngăn chận chiến thắng của họ nhờ đã xây dựng được một VNCH hùng cường, lại bị loại bỏ bởi sự xúi bẩy của những kẻ tự xưng là bạn của ông. Điều trớ trêu này quả thật là hết sức sầu thảm” (trang 11).
Cho đến nay (2015) sau 53 năm biến cố tệ hại ấy, những điều lên án TT Diệm kỳ thị Phật Giáo trở thành khó tin. Ngoài sự kiện bản Phúc Trình của phái đoàn Quốc Tế và liên phái Phật Giáo bị ếm nhẹm và chỉ được công bố sau ngày 1-11-1963, nhiều tài liệu xuất xứ từ những Phật Tử đã cho thấy như vậy. Nó chứng minh không những Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam không kỳ thị mà còn hỗ trợ Phật Giáo không ít, không chỉ Giáo Hội Phật Giáo trong nước thời ấy mà cả với các tín đồ Phật Giáo Tây Tạng. Trong một bài viết mới đây, nhà văn Trần Trung Đạo, một trí thức Phật Giáo đã công khai trưng dẫn những tài liệu xuất xứ từ chính quyền Ấn cho hay, vào những năm tháng đầu theo chân đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong, các tin đồ Phật Giáo Tây Tạng ở Ấn đã được TT Ngô Đình Diệm gửi cứu trợ hơn 1.000 tấn gạo.

Đề cập vấn đề tự do tín ngưỡng dưới thời TT Diệm, James V. Schall viết:
“Không ai có thể công kích các thành tích bình đẳng tự do tín ngưỡng của ông Diệm. Sau chiến tranh, chính Hà nội đã thừa nhận là các nhà sư tự thiêu nhằm thách thức các chính sách chống Phật giáo của ông Diệm chẳng qua là các cán bộ của họ hoạt động trong một số nhỏ chùa chiền tại Việt Nam” (trang 13).
Schall viết tiếp: “Shaw đã tiết lộ là sau khi sát hại anh em TT Diệm, người Mỹ tưởng có thể tìm được người xứng đáng để thay thế. Nhưng họ đã hoài công. Điều khiến dư luận bàng hoàng là cái phương cách mà những con người chân chính đã bị giết hại chính trên đất nước mình khi những kẻ xấu bất chấp lằn ranh mà Socrates đã khẳng định là một hành động xấu không bao giờ có thể được coi là hợp lý. Và một khi lằn ranh này đã bị vượt qua và một chế độ mới mặc nhiên được thiết lập thì cái chế độ này sẽ tự thấy không cần phải tuân theo một nguyên tắc đạo lý nào nữa.”
Nơi bìa sau tác phẩm ghi lại những lời khen ngợi nhiệt tình của nhiều trí thức, tướng tá HK dành cho tác giả. Hấu hết đều coi đây là một tác phẩm không thể bỏ qua.
Trong số này có Đô Đốc Hải Quân Mỹ John M. Poindexter, Đại Tá Hải quân Andrew R. Finlayson, tác giả “Killer Kane”, TS Thomas A. Marks, tác giả “Maoist People’s War in Post-Vietnam Asia”, Mark Moyar, tác giả “Triumph Forsaken: The Vietnam War 1954-1965”…
Một ngày thượng tuần tháng 3-2016
Trần Phong Vũ

*Tạm dịch: “Thiên mệnh bị đánh mất”

http://www.cdducmehangcuugiup.org/images/35_Nam/48.pdf

 

Đăng ngày 04  tháng 11.2022