Nhà văn Dương Thu Hương

đã được trao Giải Toàn cầu 2023

Tác giả: Đàn Chim Việt -23/04/2023



Ngày 21/04, nhà văn Dương Thu Hương đã được trao Giải Toàn cầu 2023 (Cino-Del-Duca 2023), trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris (Festival du Livre de Paris).
Giải Cino-Del-Duca 2023 trị giá 200.000 euro đã được trao cho tác giả ‘Đỉnh cao chói lọi’ để “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại”.

Giải thưởng Cino-Del-Duca 2023 là một giải thưởng quan trọng, chỉ sau giải Nobel Văn học, theo một số đánh giá của các tạp chí văn chương châu Âu.

Theo đề xuất được thông qua tuyệt đối, Ban Giám khảo giải Cino Del Duca, do bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký trọn đời của Viện Hàn lâm Pháp ngữ, Ủy ban Quỹ hội Del Duca, Chủ tịch của Ủy ban là ông Xavier Darcos, Chưởng ấn của Pháp quốc Học viện (Institut de France) đã trao giải thưởng cho bà Dương Thu Hương.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo giải Cino-Del-Duca, nhà văn Dương Thu Hương, sinh năm 1947 là một nhà văn dấn thân. Bà đã có hàng chục tiểu thuyết được dịch sang tiếng Pháp, chủ yếu là do nhà xuất bản Sabine Wespieser lưu hành.
Terre des oublies (Chốn vắng, năm 2016) là tác phẩm được đọc nhiều nhất của bà, đến Eucalyptus Hills (Đồi bạch đàn, năm 2014), Au zénith (Đỉnh cao chói lọi, năm 2009) viết về Hồ Chí Minh.

Nhà văn Thu Hương đã mô tả cuộc sống thường nhật của nhân dân Việt Nam, gánh nặng từ quá khứ và một xã hội bị chiến tranh hằn sâu.

Giải thưởng Cino-Del-Duca được doanh nhân người Pháp Simone Del Duca sáng lập vào năm 1969 để tôn vinh tác gia người Pháp hoặc người nước ngoài có công trình văn chương hay khoa học truyền tải thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại.
Ban giám khảo của giải thưởng gồm 14 thành viên, đa số từ Institut de France, thuộc Viện Hàn lâm Pháp.
Cino-Del-Duca được ví như một “antichambre” (phòng chờ) của giải Nobel Văn học.

Một số nhà văn đã được trao giải Cino-Del-Duca trước khi được nhận giải Nobel Văn học như nhà văn Peru, Mario Vargas Llosa (năm 2008), nhà văn Pháp Patrick Modiano (năm 2010).

Tác phẩm của bà được bày bán ở nhiều hiệu sách lớn ở Pháp và một số nước châu Âu và tất nhiên, nó có mặt trong các thư viện của Pháp, Hoa Kỳ, Canada… để giới nghiên cứu tham khảo.

Tuy nhiên, điều oái oăm là ngay trên chính quê hương bà, người ta không còn được tiếp cận với các tác phẩm của bà nữa. Sách của bà bị cấm tái bản, phát hành và vắng mặt trong các hiệu sách, thư viện.

Các tác phẩm của bà được chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Với cuốn tiểu thuyết “Chốn vắng”, bà xuất hiện trên truyền hình Pháp. Cuốn tiểu thuyết này nằm trong danh sách đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng lớn Đọc giả của tạp chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007.

* Một số tác phẩm của bà:
1. HÀNH TRÌNH NGÀY THƠ ẤU (bản tiếng Pháp, Đặng Trần Phương chuyển ngữ, được in với tựa Itinéraire d’enfance), năm 1985
2. BÊN KIA BỜ ẢO VỌNG (bản tiếng Pháp, Phan Huy Đường chuyển ngữ: Au-delà des illusions), năm 1987
3. NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG MÙ (bản tiếng Pháp, Phan Huy Đường chuyển ngữ: Paradis aveugles / bản tiếng Anh, Nina Mc Pherson chuyển ngữ: Paradise of the Blind), năm 1988
4. QUÃNG ĐỜI ĐÁNH MẤT, năm 1989
5. TIỂU THUYẾT VÔ ĐỀ (còn có tên là Khải hoàn môn; bản tiếng Pháp, Phan Huy Đường chuyển ngữ: Roman sans titre / bản tiếng Anh, Nina Mc Pherson chuyển ngữ: Novel Without a Name)
6. LƯU LY (bản tiếng Anh: Memories of a Pure Spring, 1996 / bản tiếng Pháp, Phan Huy Đường chuyển ngữ: Myosotis, 1998)
7. CHỐN VẮNG (bản tiếng Anh, Nina Mc Pherson chuyển ngữ: No Man’s Land; bản tiếng Pháp, Phan Huy Đường chuyển ngữ: Terre des oublis), năm 2002.
8. ĐỈNH CAO CHÓI LỌI (do Đặng Trần Phương chuyển ngữ sang tiếng Pháp với tựa: Au Zénith), năm 2009.
9. HẬU CUNG CỦA CON TIM (tên tiếng Pháp Sanctuaire du cœur), năm 2011.
10. ĐỒI BẠCH ĐÀN (tựa tiếng Pháp: Les Collines d’Eucalyptus), năm 2013.
11. GÓC TĂM TỐI CUỐI CÙNG (bản tiếng Pháp, Đặng Trần Phương chuyển ngữ: Sanctuaire du Ceour).
 (Tổng hợp từ BBC, Facebook)
 
 https://www.danchimviet.info/28625-2/04/2023/28625/

 



 

Đỉnh cao chói lọi


"Đỉnh cao chói lọi" là tên một cuốn tiểu thuyết hay, tác phẩm này đề cập tới nhân vật chính là Chủ tịch, người nhìn lại quãng đời về già của mình sau khi qua nhiều vinh nhục, ông cảm thấy cô đơn và trống vắng. Chủ tịch cảm thấy tủi nhục khi từng leo lên đỉnh cao chói lọi nhưng không đủ sức để bảo vệ người yêu của mình.[1]

Nhận định của Dương Thu Hương:
Tên tiểu thuyết Đỉnh cao chói lọi, theo như nữ tác giả cho hay:
"Đó chính là vị trí của ông Hồ. Người ta đặt ông trên đỉnh cao chói lọi như một vị thánh. Nhưng quá trình tìm hiểu, tôi thấy đó không phải là ông thánh mà là một con người tả tơi đau khổ, tâm hồn rách nát vì bị giằng xé giữa rất nhiều thứ".[2]    

Nội dung:
Tác phẩm này đề cập tới nhân vật chính là Chủ tịch, người nhìn lại quãng đời về già của mình sau khi qua nhiều vinh nhục, ông cảm thấy cô đơn và trống vắng. Chủ tịch cảm thấy tủi nhục khi từng leo lên đỉnh cao chói lọi nhưng không đủ sức để bảo vệ người yêu của mình.[1]

Theo nhà văn Dương Thu Hương "Hồ Chí Minh từ lâu đã biến thành một hình nộm bị dùng bởi hai thế lực lịch sử"[3]. Trong cuốn tiểu thuyết này và trong các phát biểu sau đó với các cơ quan truyền thông, bà chống đối cả hai cách nhìn nhận nhân vật lịch sử này, hoặc như một "ông thánh toàn bích", hoặc như một "tội đồ" của cả hai phái chính trị[3]. Bà cho rằng "dù sao ông Hồ trong lịch sử vẫn còn để lại một hình ảnh tốt đẹp trong dân chúng"[3].

Cuốn sách này, mặc dù Dương Thu Hương tự xếp loại là tiểu thuyết, song người đọc và các nhà phê bình vẫn băn khoăn xem thực ra nó là một tiểu thuyết hay một (tiểu thuyết) chính trị[3]. Bà cho hay: "Tôi bảo tôi không biết, vì cái này tuỳ người đọc người ta lựa chọn và định giá. Tôi chỉ cho đây là một cuốn tiểu thuyết". Tuy nhiên qua một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã AFP thì bà Hương cho biết, đã dùng cuốn sách này để kể lại những tình tiết về cuộc đời của ông Hồ lúc về chiều mà bà đã nghiên cứu trong 15 năm và cho là đã bị chính quyền Việt Nam che giấu.[4]

(1) Dương Thu Hương và tác phẩm Đỉnh Cao Chói Lọi, RFI.
(2) Xung quanh cuốn "Đỉnh cao chói lọi". Giải thích lý do vì sao lựa chọn tên cuốn tiểu thuyết là 'Đỉnh cao chói lọi'.
(3) Phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương
(4)'Đỉnh cao chói lọi' tiết lộ mối tình bí mật bi thảm của ông Hồ Chí Minh - voatiengviet, truy cập ngày 23.09.2013

 Wikipedia tiếng Việt



 

Những Thiên Đường Mù

Tác giả: Dương Thu Hương

Lần đầu tôi đọc văn của Dương Thu Hương là khi đọc cuốn Đỉnh cao chói lọi. Thành thực mà nói thì cuốn đấy rất chán, hoặc là do bà viết thiên về ám chỉ chính trị nhiều quá, hoặc là tôi bị ám ảnh bởi những hồi kèn trống oang oang mở đường cho cuốn sách ấy nhiều quá. Văn chương đọc mà sặc mùi chính trị lộ thiên thì rất đáng buồn. Rồi hôm nay, trong khi ngồi vơ vẩn ngước nhìn lên xuống tủ sách gia đình, mắt tôi chạm đến mấy tựa sách của Dương Thu Hương thời còn chưa bị cấm xuất bản ở Việt Nam và có lẽ do duyên đến, tôi quyết định đọc Những thiên đường mù.

Những thiên đường mù kể về cô gái tên Hằng xuất khẩu lao động sang Liên Xô đang trên đường đi thăm ông cậu bị ốm ở Matxcơva. Đường xa, trời lạnh lại đang ốm, Hằng chìm vào những kí ức xa xưa từ thời bố mẹ cô bị chia lìa, rồi gia đình ông cậu, cô Tâm chị của bố… Cuốn sách tái hiện lại cả một thời kì từ làng quê đến thành thị, từ số phận người nông dân bị đấu tố đến anh tuyên huấn có vợ chỉ học cấp 2 đã thao thao giảng về triết học duy vật.

Những thiên đường mù thông qua số phận của ba người đàn bà để hàm ẩn thông điệp của mình. Ấy là cô Tâm, người phụ nữ xinh đẹp có học bị đấu tố là con nhà địa chủ rồi từ tay trắng gầy dựng cơ nghiệp, quên cả tuổi xuân để trả thù, một lòng chăm lo cho đứa cháu – hậu duệ duy nhất còn sót lại của nhà họ Trần; ấy là bà Quế, có chồng bị chính em vợ đấu tố phải bỏ trốn, sinh con mang tiếng chửa hoang, bỏ làng bỏ quê đi mưu sinh, bị em trai hắt hủi xong lại hết lòng hi sinh để lo cho hai đứa cháu – hậu duệ còn sót lại của nhà họ Đỗ; ấy là Hằng, từ bé đến lớn sống trong sự bảo bọc của cô Tâm và mẹ Quế, bị quá khứ vùi lấp trong muôn vàn kí ức hư ảo và trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, cần nói rằng, xã hội mà Dương Thu Hương tái hiện lại trong tiểu thuyết của mình dù mang nặng vẻ u ám của hiện thực nhưng đó trước hết là cái hiện thực đã lọc qua lăng kính chủ quan của bà.

Dương Thu Hương đã nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm của mình hình ảnh “thiên đường mù”. Thiên đường mù ấy là cái hạnh phúc tạm bợ trong phút chốc, là thứ ảo vọng bèo bọt ngắn ngủi mà ngỡ sâu xa. Ông cậu Chính xây dựng thiên đường mù trên cái tài đánh tiết canh cho thủ trưởng để thăng quan tiến chức, cô Tâm xây dựng thiên đường mù bằng vật chất vòng vàng quanh đứa cháu để trả thù quá khứ bi phẫn, bà Quế xây dựng thiên đường mù bằng cách dốc thân còm cõi để nuôi lấy miệng ăn trong gia đình em trai mặc cho mọi sự khinh khi. Tôi có cảm tưởng, Dương Thu Hương đã rải đầy những thiên đường mù như thế khắp các trang sách để dựng nên một thứ không khí bấp bênh, nhờn nhợn và buồn hiu buồn hắt như thương hại lấy những phận người trong guồng quay sân si thù hận.

Dù vậy, điều đọng lại trong tôi sau khi đọc sách lại không phải hình ảnh “thiên đường mù” ấy mà là câu bà Quế nói với chị chồng: “Em xin chị, em lạy chị, oán thù chỉ nên cởi đừng nên buộc…”

Kết truyện, Hằng quyết định bán hết gia sản cô Tâm để lại cho mình và dứt áo ra đi. Cuối cùng là hình ảnh phi trường với những chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Hằng đã từ chối xây tiếp những vách thành của thiên đường mù nọ, cô đang cố lần cởi từng nút thắt thít chặt số phận đã bủa vây mình. Nhưng với mật độ dày và nặng sự u ám nhà văn đã lèn trong từng câu chữ suốt thiên truyện, thực khó để thắp lên cái hi vọng giải thoát vào giây phút tận cùng. Điều này khiến những hình ảnh cuối, những tư tưởng cuối trở nên kịch và khó lòng thuyết phục người đọc tin vào tương lai hứa hẹn của Hằng. Cũng có thể, cô nói vậy mà cuối cùng không làm được vậy, như mẹ Quế của cô năm xưa nói về sự cởi bỏ oán thù mà rốt cuộc vẫn bị nó vùi chết, thẫm sâu ở quán nước ven đường và tình cốt nhục đã hoen mờ trước ánh sáng của mớ tiền xu bạc cắc…
Kho sách cũ

 

Đăng ngày 29 tháng 04.2023