Thơ Nhữ Đình Hùng
Tết tha hương
Tết này tớ vẫn chưa về được,
Bạn nhé đừng mong, chớ đợi chờ
Cứ tưởng dễ dàng lo việc nước,
Ai ngờ quốc sự rối như tơ
Lúc rời đất nước bao thề thốt
Mà tóc xanh giờ đã bạc phơ
Vẫn giữ kiên trung lời ước hẹn
Dù rằng sinh lực có bơ phờ
Vậy đó mà vẫn còn 'cố gắng'
Như lời hô sau buổi chào cờ
Thời thế, thế thời bao đáp ứng
Sinh tồn là phải đấu tranh cơ!
Theo đuổi lời thầy xưa nhắn nhủ
Hãy còn hơi thở hãy còn lo!
Nhữ Đình Hùng
27.01.2017
Cúng giao thừa
Cúng kiến cho giống người ta
Chớ không biết chắc ông bà có sang?
Visa muốn có đàng hoàng,
đầu tiên thủ tục bắc thang hàng đầu
Rồi thì những thứ đàng sau,
phong bì với lại phong bao liền liền
Ông bà thấy cảnh quá phiền,
thôi thì ở lại giữ tiền thủ thân!
Bây giờ năm Dậu thay Thân
Cầu mong cộng sụp về thăm quê nhà
Đốt hương khấn vái ông bà
Sao cho được cảnh cả nhà đoàn viên!
Nhữ Đình Hùng
27.01.2017
Thơ Trần Mộng Tú
Cuối năm Mẹ đi đâu
Hình Getty images-NV
Cuối năm rồi, mẹ đi đâu.
Chiếc áo nâu nhăn lưng mẹ còng,
một tay nhặt rác cho vào túi,
chiếc túi to như một cái chăn.
Cái nón mẹ đội trên đầu che mưa nắng
đã xác đã xơ từng thớ lá gồi.
Giữa dòng xe cộ nghiêng thân mỏng,
mẹ nhặt buổi chiều mảnh nắng rơi.
Mẹ đi mẹ có biết đi đâu,
đôi dép cao su gót chân sầu,
vỉa hè mẹ vấp bao nhiêu bước,
bước thấp bước cao mẹ về đâu.
Mẹ đi lẩy bẩy dáng xiêu xiêu,
có ai đợi mẹ bữa cơm chiều,
chiều cuối năm bếp nhà ai nhóm,
lửa hồng tiếng củi gọi nhau về.
Mẹ có chỗ về không đêm cuối năm,
mẹ có ai đón mẹ cho niềm vui,
có ai xách hộ mẹ túi rác
có ai trút vào túi tiếng cười.
Mẹ già ơi mẹ bao nhiêu tuổi,
con mẹ đâu cháu mẹ đâu.
Mẹ băng qua đường coi chừng xe đụng,
xe đụng túi rác bay lên không.
Mẹ ơi ông nhà nước đang lo kinh tế,
nước mình không biết sẽ đến đâu.
Ngay như ông ấy còn không biết,
mẹ chẳng nên trách mình không biết đi đâu.
Đến đâu là chuyện ông kinh tế,
đi đâu nhặt rác chuyện người dân
Cái túi nước mình to như thế,
ai biết bên trong đựng những gì.
Cái túi của mẹ bao nhiêu rác,
mẹ nhớ hôm nay mẹ nhặt được gì.
Mẹ cứ đi đi, chiều ba mươi,
nhà ai mâm cao nhà ai cỗ đầy,
thân già nón rách còng lưng xuống,
rác cho vào túi chắc sắp đầy.
Mẹ đi nhặt rác trên hè phố,
thân mẹ cong như tấm bản đồ.
Ông kinh tế cứ nhìn vào mẹ
là biết nước mình sẽ đi tới đâu.
Trần Mộng Tú
12/27/2016
Vào xem Tin và Hình trên báo Người-Việt, ngày hôm nay 12/27/2016. Ông Nguyễn Chí Dũng, thứ trưởng của Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam thú nhận: “Kinh tế Việt Nam tuy vẫn bước, nhưng không biết đi đến đâu”.
Qua suối đến trường
Cây cầu qua suối đã tháo mất rồi,
cây cầu mục nát cây cầu sẽ rơi,
người ta tháo đi không thay cầu mới,
con suối thản nhiên dòng nước cứ trôi.
Em lội qua suối tới trường còn trong mù sương,
miền núi mùa đông hai bàn chân run,
em lên mười hai hay em lên sáu,
em là bình minh hay em là hơi sương.
Dậy sớm đi em dậy trước gà gáy,
con đường đến trường
con đường còn tối nhìn hoài không ra,
nghe tiếng nước biết là con suối,
mình dắt tay nhau trường còn thật xa.
Bà nội trên lưng cõng cháu nhỏ,
tay dắt theo một cháu lớn hơn.
Ba bà cháu mang nhau qua suối,
trường học trường đời ướt sũng nguồn cơn.
Mẹ cũng đi qua suối này ra chợ,
cha cũng quần cao nhúng chân xuống đây
cha đi thật sớm trước khi em dậy,
khi cha trở về con suối không hay.
Tất cả dân làng ngày ngày lội suối,
hai bàn chân da có nhăn nheo,
hình như có ai cúi xuống,
soi gương mặt buồn vào dòng suối thân yêu.
Ở thành phố xa người ta không lội suối,
những đôi dày đẹp không làm da chân nhăn nheo,
người ta di chuyển bằng những chiếc xe giá nghe đâu tiền tỷ,
em cúi người uống ngụm nước suối trong veo.
(*) Các em nhỏ phải lội qua con suối mỗi ngày để tới trường. Hình: Báo Tuổi Trẻ
Ba chú học trò như ba viên sỏi,
nước suối giá lạnh cặp sách trên lưng,
viên sỏi lăn theo từng vòng nước cuộn,
thả trên mặt nước chiếc bóng rưng rưng.
Ngày tháng lớn dần liệu em còn nhớ
đã có một thời em được qua cầu,
đã có một thời cây cầu tàn lụi,
con suối tuổi thơ róc rách trong em.
Cây cầu tháo đi bao giờ bắc lại,
hỏi ông không biết, hỏi bà nói chờ.
Các ông bà ngồi trong nhà ấm áp
làm sao biết được buốt giá tuổi thơ.
Chờ đến khi nào cây cầu mới bắc,
thôi em đành để chân cho suối trôi xuôi.
Này em con suối đầu tiên đó,
sẽ đưa em vào dòng sông đời,
sông sẽ đưa em thẳng ra ngoài biển,
biển mênh mông không bến không bờ.
Em ơi nhớ nhé đừng ra biển,
ta chẳng muốn em thành con cá bơ vơ.
Trần Mộng Tú
12/28/2016
(*) Hòa Bình, Suối Cái, xã Lỗ Sơn: hàng trăm em từ Tiểu học đến Trung học phải lội suối mỗi ngày tới trường từ 6 giờ sáng. Cây cầu mục nát kéo xuống không biết khi nào mới có cầu mới (Bản tin NV 12.28.2016).
http://tranmongtu.blogspot.com
Đăng ngày 31 tháng 01.2017