CÀNH XUÂN MUỘN
Cao Nguyên
Một tháng Tết đã qua
Nay đào mới ra hoa
Lẻ loi cành xuân muộn
Bừng sáng bên hiên nhà
Lung linh trong nắng sớm
Cùng ngọn gió tháng Ba
Nghiêng mình hoa như muốn
Nói chuyện riêng với ta
Dẫu là cành Xuân muộn
Không kịp cùng muôn hoa
Đúng hội Xuân khoe sắc
Khoe hương cùng bách gia
Cho dù không còn Tết
Nhưng vẫn kịp trổ hoa
Trước khi mùa xuân hết
Hoa chẳng nở vì ta
Đào phai màu hồng phấn
Ý Xuân vẫn thiết tha
Long lanh cành xuân muộn
Tình Xuân vẫn đậm đà
Cao Nguyên
(vừa hết tháng Giêng)
CHUYỆN LÚC Ở CHÙA
Nguyễn Trung Dân
Chùa Tra Am thôn Kinh Tế, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 1989.
Ảnh: Chùa Việt Nam - Xưa và nay. Võ Văn Tường
Khi thất thế, đã có lúc tôi về trú ngụ tại một ngôi chùa Huế. Ở một lúc liên tù tì đến hơn chín, mười tháng cùng ăn chay, sinh hoạt với chùa đến nỗi đạo hữu đến chùa đã vái tôi, thưa Thầy, dù chưa xuống tóc mặc nâu sòng. Có lẽ do họ nhìn thấy quan hệ của tôi với Thầy trụ trì và vai trò sản xuất, lo cái ăn cho cả Chùa vào thời điểm mà cả nước thiếu đói, còn chùa chiền được quản bởi những "người thắng cuộc" mang ý thức "tôn giáo là thuốc phiện" và nỗi lo sợ kết đoàn của những sư thầy trong chùa. Đó là vào những năm 81, 82 của thế kỷ trước, khi chùa chiền phải tự lo sản xuất, lao động kiếm sống. Việc lo cho được cái ăn cái mặc của mỗi chùa là bài toán khó, cực nhọc cho những người chỉ quen gõ mõ, tụng kinh. Đạo hữu - nguồn cúng dường - gần như khg có, bởi thời bao cấp ấy có ai được làm ăn gì cho đàng hoàng tử tế để khi đã thơi thới phần thân thì mới nghĩ đến phần hồn. Người buôn bán, làm ăn thì bị xem là bọn con phe, con phẩy có ai cần gì cầu lộc, cầu tài mà đến với chùa. Còn người tử tế có lòng tu đạo thì cũng e ngại việc đến chùa bởi cái không khí bao trùm xã hội lúc ấy không thuận lợi cho họ bày tỏ lòng mến yêu đạo giáo. Hầu hết các chùa thường chỉ còn cách trồng khoai, trồng sắn thêm vào bữa ăn qua ngày. Thầy trò cùng bữa đói, bữa no.
Nên khi tôi bàn với thầy trụ trì là nấu xì dầu (mà người Nam quen gọi là nước tương) bán cho người ăn chay, mà cũng là món ăn chính của chùa thì Sư thầy mừng rỡ xem như kế mưu sinh qua lúc khốn khó. Nghề làm xì dầu ở miền Nam cho đến thời điểm này vẫn là nghề riêng của người Hoa. Họ lập xưởng, mở Công ty, chế biến trong gia đình, có đủ kiểu làm xì dầu của họ mà sau này tôi tìm hiểu kỹ hơn thì mới thấy sợ cho cách chế biến đầy độc hại. Ở Huế cũng vậy, sau 1975, Xưởng xì dầu Lá Bồ Đề của chùa Từ Đàm đóng cửa thì nhu cầu ăn chay của mọi người, các chùa vẫn có nhưng nguồn cung thì thả nổi, mặc cho ai cũng có thể lấy nước muối cho vào chút hương liệu và phẩm màu là thành xì dầu. Vì vậy khi gặp tôi, vị Sư thầy có nhiều hy vọng làm ra loại nước chấm tử tế hơn để ăn trong chùa và có thể bán cho những đạo hữu tiêu dùng, lại có thêm cơ hội giúp chùa.
Còn tôi, biết nghề làm xì dầu như là chuyện "tái ông mất ngựa". Nói cho đúng hơn là cơ duyên từ nỗi thất vọng. Năm 1977, Sau khi ra trường khoa Văn Đại học Sư phạm tôi về công tác tại Toà soạn Báo Quảng Nam Đà Nẵng. Chuyện được về công tác ở một cơ quan ngôn luận của đảng lúc ấy quả là một may mắn bất ngờ và đầy kịch tính. Nhưng thôi, chuyện này dịp khác sẽ kể, còn lúc bấy giờ cả Toà soạn Báo chỉ có hai người trẻ miền Nam chưa hề có chút công trạng, ngày làm việc nào cho cách mạng là tôi và Nguyễn Đình Xê (hiện trong BBT báo Người Lao Động). Giữa một tập thể đầy công trạng đang say men chiến thắng, từ miền Bắc vào, trên núi xuống thì tôi và Xê lơ ngơ làm việc bằng nhiệt tình cách mạng với niềm tin được đóng góp vào sự nghiệp công bằng, bác ái đã được tuyên truyền từ thời sinh viên. Tin là thật và với tất cả tấm lòng muốn xây dựng một xã hội "người yêu người, sống để yêu nhau..." (Tố Hữu), tôi đã không ngần ngại bày tỏ hết sự thật thà trong những buổi góp ý, phê bình mà đảng đã xem là "vũ khí sắc bén xây dựng Đảng". Những đóng góp như "Trong cơ quan Báo, chưa thấy đảng viên nào tốt hơn quần chúng" hay phê bình Bí thư Đảng đã lấy những cây gỗ song hồng gài cửa khiến các cửa không có cây gài khoá v.v... đã nhanh chóng cuốn tôi vào cuộc đấu đá phe nhóm giữa Tổng Biên Tập và Phó TBT. Về sau này, tôi mới hiểu chuyện "đánh nhau" phe nhóm là "chuyện thường ngày ở huyện" ở khắp các cơ quan nhà nước để tranh danh, dành lợi. Cuối năm 1980, nhân một lỗi lầm không thể xét kỷ luật, TBT đã "thống nhất" điều chuyển tôi về tăng cường cán bộ phường theo nghị quyết của đảng! Về phường được hơn nửa năm, quá chán sự giả trá, bất công khi trực tiếp" thực hiện các chính sách đến tận người dân", tôi bỏ việc và bắt đầu cuộc mưu sinh không trong biên chế nhà nước.
Không thể nói là sự thất vọng của một thanh niên như tôi lần đầu nhận "công tác cách mạng giao cho" bằng được nỗi thất vọng của cha mẹ tôi đã kỳ vọng. Là những cán bộ, đảng viên trong cuộc kháng chiến chín năm được cài lại hoạt động nội thành, cha mẹ tôi đã nhập chuyện "công tác cách mạng" không chỉ là việc kiếm sống mà nó thiêng liêng, cao quý như lý tưởng Cách mạng mà họ đã tin cho đến mãi sau này. Với cha mẹ tôi, chuyện tôi bỏ công việc mà về kiếm việc làm bên ngoài khu vực nhà nước là sự đổ vỡ, phản bội lại những gì đã định hình của lòng "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội". Và có khi, trong suy nghĩ của cha tôi lúc đó, tôi đã là phần tử "phản cách mạng" cần được quản lý, giáo dục. Còn mẹ tôi, dầu có thất vọng nhưng với tấm lòng người Mẹ, bà đã cố giữ tôi tránh xa các cuộc vượt biên làm thuyền nhân, bằng cách lập ra một Hợp tác xã sản xuất nước chấm mà trong đó nghề làm xì dầu dựa vào ông anh Kỹ sư hoá, con người Bác họ, đang làm việc ở Công ty Hoá chất lúc ấy. Ông anh tôi nhận phần đóng góp bằng tay nghề nấu xì dầu trong HTX mà mẹ tôi gọi năm bảy người bạn cùng góp vốn sản xuất. Đúng là mẫu cán bộ miền Bắc về, hết sức tự tin, ông anh họ truyền đạt mọi kiến thức nghề cho người em ruột của ông để ông tránh tiếng cán bộ chân trong, chân ngoài mà vẫn giữ phần của mình trong HTX. Gọi vốn, xây lò nấu, mua nguyên liệu... nhưng cả ba lần nấu thử đều không cho ra xì dầu mà ra một loại nước nhờ nhờ màu cánh dán không thể gọi là xì dầu! Thời may, do tính thích giao du bạn bè, tôi có anh bạn người Hoa tên A Lỳ. Anh này bị tật bẩm sinh cả hai tay bị co rút không sử dụng được. Làm gì cũng bằng đôi chân, kể cả hút thuốc hay xúc cơm gắp cá trong bữa ăn. Tật nguyền vậy nhưng anh này lại biết khá nhiều nghề mà người Hoa vẫn dấu là bí truyền của họ. Biết chuyện, anh đến xem rồi đưa cho tôi cuốn sách đã nhàu nát mất bìa bằng tiếng Việt mà tôi còn nhớ là: "Sách dạy 99 nghề nuôi gia đình". Cuốn sách đã theo tôi đến mãi sau này và giúp tôi cùng bạn bè qua những ngày khốn khó, sống ung dung, tự tin bằng đủ mọi nghề làm xà phòng, làm sơn, làm đường kết tinh, nấu rượu cồn, làm bánh kẹo... và nấu xì dầu. Về sau khi sản xuất tư nhân phát triển, nếu cứ làm theo sách chắc là lụn bại vì đúng chỉ giúp thoát nghèo mà không lý gì tới chuyện độc hại, môi trường, hiệu quả - mà bây giờ gọi là phát triển bền vững.
Đọc sách ấy và với sự hướng dẫn của A Lỳ, chúng tôi mới hiểu ra là do hàm lượng nguyên liệu (hoá chất) đưa vào không đúng nên không thể phân giải bánh khô dầu (đậu phụng hay đậu nành) thành đạm cho nước chấm. Bằng phương pháp thủy phân khô đậu phụng, đậu nành qua gia nhiệt (hơn 120 độ C) sử dụng acid Clorhydric, trung hoà bằng Soda Ash (Bi Carbonate de soude) nhưng ông anh họ tôi lại đưa vào hàm lượng acid thấp nên không thể ra xì dầu. Thật đúng là một trí thức XHCN!
Vậy là tôi vừa là lao động chính, vừa là người lo kỹ thuật cho HTX sản xuất khi ông anh họ tôi tự ái đã bỏ ngang mặc kệ ai chết mặc ai. Rồi thành người lo chuyện buôn bán... và đã có lúc đưa sản phẩm đi bán "cà rem" khắp cả miền Bắc XHCN. Nhưng rồi HTX cũng chỉ có thể tồn tại gần một năm do sự hùn hạp làm ăn không thể tạo đủ lòng tin trong người Việt mình. Chỉ có thể cùng nhau lúc khó khăn, nhưng lại sẵn sàng chia rẽ đấu đá khi bắt đầu có đồng ra, đồng vào.
Tôi gặp vị Sư trụ trì vào thời điểm đó. Lúc mẹ tôi nước mắt lưng tròng đưa cho tôi 9 chỉ vàng bà giữ lâu nay phòng khi tôi lấy vợ, và bảo hãy đi tạo lập cho mình một sự nghiệp. Bởi sau khi HTX tan rã, tôi trở thành sự nặng nề trong gia đình vì trong cách nghĩ của Ba tôi thì đã không làm trong khu vực nhà nước có nghĩa đã bị loại ra khỏi xã hội, không còn là người đáng tin. Bữa ăn là một cực hình cho Mẹ tôi khi nhìn hai cha con tôi gầm ghè. Tôi chỉ còn cách là phải ra khỏi gia đình tìm cho mình một con đường.
Có thể tin là điều gì đó như định mệnh đã an bài, hay một cơ duyên may mắn nào đó đưa bạn đến những quyết định đúng lúc. Tôi nghĩ đến Huế như một chuyến trở về, nghĩ ngơi sau những thất vọng mệt mỏi gặp phải. Ở đó, tôi có những người bạn, bạn học, bạn nghề, bạn cùng trang lứa và cả bạn vong niên. Nghĩ đến Huế như sự yên ổn xó quê mà nơi đó tôi có niềm an ủi bạn bè. Về Huế tôi có những kỹ niệm thời đi học, có những điều cần dừng lại suy gẫm, nhớ nhung khi tôi đã vội vã đi qua. Điều khá kỳ diệu là những người bạn của tôi cũng lại là những người bạn của vị Sư trụ trì nọ. Tôi và Thầy đã gặp nhau trong tình bạn qua lại như vậy.
Ngôi chùa mà vị Sư thầy trụ trì lúc ấy là chùa Tra Am mà người ta vẫn thường quen gọi nhầm là Trà Am. Một ngôi chùa cổ, nhỏ nhắn nằm sau núi Ngự Bình sâu vào gần khu Chín hầm nổi tiếng một thời. Ngôi chùa cũng khá nổi tiếng, nhiều người biết đến như một thắng cảnh và sự uyên bác, tu trì của các vị Sư trụ trì ở chùa này qua nhiều thời kỳ. Nhưng hơn tất cả là vị Sư đã lập nên ngôi chùa đó là Sư Viên Thành. Đọc những sách, thơ văn còn lưu lại ở chùa tôi mới biết ông là chắt nội của Vua Gia Long, cháu nội Định Viễn quận công có tên là Công Tôn Hoài Trấp. Có lẽ cũng từ những bất đắc chí nên 17 tuổi, ông đã ông đã đi tu ở chùa Ba La Mật (Huế). Từ đây, Sư thầy đã tìm đến vùng đất núi non hiểm trở với cây tra hoang dại mọc khắp đồi. Tra là một loại cây cho trái mới nhìn giống trái lê của Huế, nhưng khác với lê, trái tra có vị chát, mùi vị lại thơm hăng hắc khiến nhiều người phân biệt, chê trái lê không được bằng trái tra. Có thể với nỗi u uất, muốn khẳng định mình Sư Viên Thành đã viết trong lịch sử của chùa là : Tra vị bất như Lê! Trái Tra không phải là trái Lê, có vị khác trái lê nhưng là trái tra. Nó là nó không là người khác để nói lên thân phận của chính mình. Dù không được tôn quý, ưa thích như Lê nhưng nó vẫn là nó, có chỗ hữu dụng của nó. Cũng có ý kiến cho nguồn gốc chữ Tra trong Tra Am là từ tích Trương Phu (Tra), Trương Thiệu (Lê) bên Tàu. Khi đặt tên chùa như vậy với ý khiêm tốn mình không bằng được thầy là Sư Thanh Chân Viên Giác! Tôi lại không tin luận giải đó bởi chuyện gì trí thức nước ta cũng cố nại một điển cố bên Tàu để giải thích cho uyên bác hơn, để tin vào sự khẳng định vị riêng của trái Tra mà vị Sư trụ trì đã nói với tôi. Về đây, tôi có được niềm an ủi "nhân sinh tất hữu dụng" để lạc quan tin rằng cuộc đời còn phía trước, bản thân tôi cũng không phải loại vứt đi mà cửa đời vẫn cứ mở cho bất kỳ người nào biết gõ !
Làm thơ, viết sách, dịch kinh Sư Viên Thành đã tạo dựng ngôi chùa Tra Am như một cảnh thiền. Ngăn ngang ngôi chùa là một con suối nhỏ chảy róc rách mùa nắng và ào ạt dâng đầy mùa mưa. Lúc tôi đến ở chùa, con suối vẫn còn cá lớn, bé mà người dân địa phương vẫn chăng lưới bắt khi mùa nước lớn hay ngồi câu lúc rảnh việc. Băng qua con suối vào chùa bằng một cây cầu có tên là "Lược ước kiều" được khắc vào tấm bia đá bên cầu. Hãy bỏ lại những ước lệ cuộc sống, giảm đi những dục vọng, thành bại... để lại tất cả bên bờ suối rồi bước vào chùa với sự thanh thản, yên bình. Nghe thầy trụ trì chùa (lúc tôi đến) nói trước kia vào chùa phải lội qua suối, không có cầu dù biển đá vẫn gắn là "lược ước kiều". Cầu mà không có cầu, lội qua suối cho nước rửa sạch đi những muộn phiền, mê lầm trần tục để tinh sạch vào chùa. Sư Viên Thành đã bắt một cây cầu cho đời đến với đạo như vậy. Thật là nói mà không nói, không nói mà lại nói rất nhiều là vậy. Con suối quanh co có chổ gắn biển là "Tẩy bát lưu". Đây là nơi rửa chén bát cho người trong chùa. Rửa sạch những tham, sân si còn lưu lại trong lòng người để tĩnh tâm tu tập. Bia đá im lặng nhưng dạy cho người đến chùa những bài học thấm đậm tính Thiền.
Chùa khi tôi đến đây được xây đơn sơ với ba gian, giữa là điện thờ chư Phật nhưng thật trang nghiêm, tĩnh lặng. Hai bên hông là hai dãy nhà tăng và nhà trai tịnh, bếp núc, nhà kho chứa đồ tế nhuyễn. Bao quanh chùa là vườn cây trái, nhiều nhất là mãng cầu (quả na) và vườn hoa hồng dài thành luống đủ màu. Cây cảnh quanh chùa nhiều loại, đa số có thể ướp làm hương cho buổi trà sáng như sói, ngâu, mộc, hồng, ngọc lan, lài... Đủ loại, mỗi ngày thưởng trà với mỗi mùi hương khác biệt, hơn tuần cũng chưa trở lại. Quanh chùa lác đác vài nhà dân xa xa khỏi chùa. Khuôn viên chùa rộng thoáng nhìn sâu vào núi xuyên qua ruộng khoai sắn do nhà chùa tự tăng gia. Cũng là đã được xây dựng lại năm 1960 do vị trụ trì là Hoà thượng Như Ý chứ lịch sử lúc làm chùa năm 1923, Sư Viên Thành dựng lên một am tranh tre, một thầy, một chú điệu sống giữa thiên nhiên an lành dù núi non lúc ấy thỉnh thoảng vẫn có hổ về. Ngày nay trở lại thì đồi núi đã thành phố thị, nhà dân lấn vào trong khuôn viên chùa, án ngữ cả mặt tiền chùa. Thời điểm tôi ở đây thì ngoài Sư thầy trụ trì, còn có thầy tri sự, coi sóc mọi việc vật chất, ăn uống cho đến sửa sang nhà chùa. Có hai chú điệu quẩn quanh hầu thầy và giộng chuông sáng. Năm ấy tôi 25, 26 tuổi, chưa hiểu biết gì cuộc sống, chưa có gia đình nhưng giữa không gian ấy đã ở liền một mạch gần năm trời cùng chay tịnh khổ hạnh, đàm đạo chuyện đời, chuyện người cùng Thầy trụ trì mà không thấy nhớ mặn, không muốn về phố thị. Cho đến bây giờ, sau bao nhiêu thăng trầm, trôi nổi theo đời sống, lúc mệt mỏi, khi buồn bực tôi vẫn thường nhớ tiếc những tháng ngày mơ màng, sống vui "an bần lạc đạo" ở chùa Tra Am.
Về dựng lò nấu xì dầu liền với nhà trai, ngoài những giờ thầy trò cùng lao động, dần dà tôi cũng quen nếp sinh hoạt nhà chùa. Lúc ấy điện đèn chưa đến Trà Am, nơi đây thường đi ngủ sớm sau buổi cơm chiều, nhưng thói quen ngoài đời khiến tôi thường kéo Sư trụ trì thức đến 9, 10 giờ, chuyện trò, trà lá nghe tiếng côn trùng nỉ non, tự sự hay lần giở số sách cũ trong rương, trên kệ bên ngọn đèn dầu leo lét. Sớm tinh mơ, mưa cũng như nắng, gần bốn giờ sáng đã nghe tiếng niệm Phật đánh thức cả chùa của Sư trụ trì và tiếng đáp trả "A di Đà Phật" của các Điệu trong chùa. Ai nấy thức dậy lo kinh kệ thức sáng và bắt đầu ngày mới. Riêng tôi được ưu tiên sau thời kinh sáng mới trở dậy và ra nhà ngang ngồi chờ Thầy trụ trì xuống pha trà, ngắt hoa ướp vào trà rồi bắt đầu ngày bằng tuần trà sáng. Lót dạ buổi sáng thường bằng bát cháo đặc chan tí xì dầu của chùa sản xuất, hay sang trọng hơn là gói mì chay ăn liền, lâu lâu được đạo hữu cúng dường. Có những lúc không nằm nán được liền lên nhà chuông nghe chú điệu giộng chuông theo thời kinh Sư trụ trì tụng niệm trước điện Phật. Các Điệu thường là trẻ con nhà nghèo, được gởi vào chùa cho đỡ miệng ăn hay con cái hoang đàng khó dạy bảo được gởi lên chùa làm điệu. Thường tuổi trẻ, ham ngủ, các chú cứ gà gật miệng đọc kinh, mắt mơ ngủ và tay vẫn giộng chuông đúng thời, cấm có sai. Có khi mê ngủ, đánh lạc tiếng chuông là đã nghe tiếng mõ cốc cốc nhắc Điệu của Thầy trụ trì đang hồi kinh sáng. Cảnh an bình đó chắc bây giờ khó còn khi mọi thứ "hiện đại" đã lấn qua sân chùa, nhưng trong tôi bao giờ nghĩ đến chuyện tu tập là hình ảnh chú tiểu giộng chuông sáng luôn trở lại để nhắc nhớ phải tìm ra sự quân bình giữa bản năng và lý trí.
"Sự nghiệp" nấu xì dầu ở chùa Tra Am khá thành công. Xa gần bắt đầu biết chùa nấu xì dầu nên tin tưởng tìm đến mua. Đạo hữu bắt đầu có cớ trở lại chùa và rộng lòng giúp đỡ, cúng dường. Trong vòng ba tháng làm xì dầu, nơi đây đã bắt đầu có những thay đổi. Bữa ăn không còn chỉ tí rau lặt vội quanh chùa hay bì đậu khuôn kho tới kho lui mà Thầy trò không phải trần lưng cuốc đám đất lèo tèo khoai sắn. Ăn chay mà cầu kỳ nấu nướng cũng không khác cao lương mỹ vị, hàng vài tháng không làm tôi nhớ đồ ăn mặn. Làm được năm sáu tháng thì Sư thầy bắt đầu có đồng vô đồng ra, sửa chữa chổ này, làm chuyện nọ kia. Văn nhân tài tử, bạn bè... trước đã đến nay lại càng đông vui kéo theo nhiều đạo hữu đến chùa. Chùa bắt đầu trở lại những ngày phồn thịnh thuở trước, nhiều đám cúng kỵ có đến một vài trăm người. Sư trụ trì lại là người thông tuệ, bặt thiệp và có hiểu biết đạo, đời khá sâu, rộng nên ngày càng thu hút chúng đệ tử đến sinh hoạt. Cho đến lúc bấy giờ, Thầy trụ trì chùa Tra Am là một Đại Đức khá giỏi giang, thành công trên đường tu được đạo hữu kính trọng quý mến. Cao hơn 1,8 m, có nét đẹp nam tính, mạnh mẽ lại là người lợi khẩu, biện giải sâu sắc,Thầy thường thuyết giảng giáo lý, chuyện trò với đạo hữu, gây dựng được lòng tin của mọi người nhưng lại không được tin cậy cho lắm trong con mắt của chính quyền địa phương. Thỉnh thoảng chính quyền địa phương đến thăm hỏi, xét nét còn Thầy hằng tháng lại phải trình diện báo cáo địa phương do từ nơi khác về (đã nhiều năm) mà chưa được cấp hộ khẩu tại chùa. Hằng ngày, tuần trà buổi sáng là không thể thiếu của Thầy, có tôi tham gia. Qua những buổi trà tôi biết được thế nào là uống trà bằng vị trà hay bằng hương. Mỗi ngày ướp một loại hương nên trà có dở cũng thơm lừng, hấp dẫn. Đến khi có tiền mua được trà Bắc, có vị ngon kết hợp hương các loại cây cảnh trong chùa, Thầy thường đùa với tôi là mình hoà giải hoà hợp Nam Bắc - người Bắc thường uống trà bằng vị, còn người Nam thích trà có hương. Chỉ một chi tiết, Thầy cũng chỉ ra cho tôi tính cách người Nam, kẻ Bắc được hình thành ngay từ cách thưởng ngoạn. Trưa, sau cúng ngọ thầy trò qua loa buổi cơm chay và chiều xuống, từ lúc có ít đồng rủng rỉnh thì thêm chai rượu thuốc cùng nhâm nhi với các Thầy ở những chùa lân cận. Rượu chắc đã phạm giới luật nhà chùa, nhưng nếu chỉ để thành các "tiên tửu", làm cho câu chuyện trở nên hay ho, thú vị hơn mà bị cấm thì chắc chắn Lý Bạch, Phùng Quán, Văn Cao, Hữu Loan... đã không trở nên nhà thơ, nhạc sĩ... thiên tài. Rượu là "bà đỡ của thiên tài" hay để cho "rượu nhập tâm như cẩu cuồng tại thị" (chó điên ở chợ ) thì tuỳ ở người uống vậy.
Theo với đạo hữu đến chùa, các gia đình Phật tử cũng bắt đầu tập hợp, sinh hoạt trở lại. Có nhiều gia đình Phật tử ở các phố: Nam giao, Bến Ngự, An cựu... thường đưa các đoàn sinh đến Tra Am sinh hoạt dần dà trở nên thân thiết với quý thầy, các điệu trong chùa. Phụ trách, trông nom các gia đình phật tử là các vị huynh trưởng. Có người lớn tuổi tu tại gia nhưng cũng có người vừa vào đời hay còn đi học. Họ tham gia gia đình Phật tử như người tham gia tu tập nhưng cũng có người do tâm hướng thiện muốn tổ chức các em sinh hoạt lành mạnh, tu tâm dưỡng tánh. Trong số các huynh trưởng ấy có một cô giáo cấp hai, tuổi cận kề 28, 30 xinh xắn, nhiệt tình trong mọi việc. Ngoài trách nhiệm huynh trưởng, cô giáo còn tham gia những hoạt động của chùa. Cúng, kỵ giỗ của chùa, ngày vía chư Phật, Bồ tát rồi đến cả những lễ cúng của đạo hữu cô giáo cũng tích cực tham gia. Nhấn mạnh vậy nghĩa là thời gian ở chùa, tiếp xúc quý Thầy ngày càng thường nhật, có lẽ chỉ trừ lúc cô giáo lên lớp ở trường. "Mưa dầm thấm đất", dù hình ảnh tôn nghiêm của vị thầy tu có làm e ngại, nhưng khi đã lân la "gần chùa gọi Bụt bằng anh" thì lòng tôn kính ấy lại biến vị Thầy thành con người cụ thể cao đẹp đầy hấp dẫn. Và chuyện cũng thường xảy ra khi ông thầy tu vẫn là một người nam và cô giáo kia lại là một người nữ. Luật âm dương hấp dẫn, hay nôm na như dân gian vẫn nói lửa gần rơm, giữa cô giáo và Sư thầy trụ trì nẩy sinh quan hệ yêu thương trần tục. Cũng không ai mất công tìm hiểu ai đến với ai trước, nhưng trong chùa bắt đầu có lời xầm xì quan hệ không bình thường giữa hai người. Riêng tôi, cảm nhận điều này qua nỗi băn khoăn, ray rứt, buồn bã ở những buổi trà sáng. Không còn sự ung dung tự tại của một người tu hành. Thời gian này, tôi và thầy thường im lặng uống chén trà sáng hay ly rượu thuốc buổi chiều,Thầy vẫn không hé lộ cho tôi điều gì mà chỉ trầm tư, suy nghĩ, không còn cái hào hứng những ngày đầu làm ra lít xì dầu. Có lẽ phần đời còn lại đang đấu tranh với thành quả tu tập bao năm khiến Thầy trụ trì không yên.
Hơn mười tháng ở chùa, trong một buổi trà sáng, vị Sư trụ trì đã nói với tôi : Nhu cầu tiêu thụ xì dầu ngày càng nhiều, nhưng Tra Am không có khả năng phát triển hơn nữa, đường vận chuyển lại xa nên Thầy có ý kết hợp với Thầy tri sự chùa Từ Đàm để mở lại hiệu xì dầu "Lá Bồ Đề" truyền thống trước kia. Thầy muốn chuyển lò nấu ở Tra Am ra Từ Đàm. Mọi việc nhờ tôi tính toán và sắp đặt. Sau vài lần tìm hiểu, tôi và Thầy tri sự Từ Đàm quyết định không khôi phục các lò xì dầu cũ của Lá Bồ Đề mà xây lò mới ngay sau nhà trai, trong khuôn viên chùa Từ Đàm. Vì những bếp lò cũ có quy mô lớn và gia nhiệt bằng cát, dễ hư hỏng và tốn kém thay vì gia nhiệt bằng dầu D.O như hiện các lò nấu đang làm. Vậy là làm một cuộc chuyển đổi từ làng núi Tra Am ra đến phố thị Từ Đàm. Dưới sự quản lý của Thầy tri sự Từ Đàm mọi chuyện có vẻ tiến triển tốt hơn, tiêu thụ cũng tăng gấp năm bảy lần khi còn ở Tra Am. Nhưng với tôi, mọi chuyện không còn vui nữa, những ngày tháng ở chùa không còn cho tôi cảm giác yên bình đáng sống nữa. Khoảng hơn ba tháng sau khi về với Từ Đàm, tôi và Thầy tri sự Từ Đàm chia tay nhau trong vui vẻ. Trước đó, trong những lần vào lại Tra Am mọi thứ đã trở nên lặng lẽ. Một lần trong buổi rượu chiều, Sư thầy Tra Am bỗng nói với tôi trong nước mắt: Thầy đang sai, thầy đang làm sai không cứu vãn nỗi. Lúc ấy, tôi vẫn chưa rõ sự việc dù có tiếng qua lại, nhưng lòng yêu mến Thầy đã không cho tôi lời giải những giọt nước mắt ấy. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn ngoài nhà nước khiến tôi rời Huế không kịp nhớ ra Tra Am.
Gần một năm sau, gặp lại người quen biết, tôi mới hay tin Sư thầy đã rời chùa, cùng cô giáo ra đi không biết ở đâu ! Có điều gì đó trong tôi rạn vỡ, buồn thương cho một đời tu đạo. Không chê bai, trách móc tôi hiểu ra Thầy đã phải đấu tranh lắm để nhận lãnh trách nhiệm làm cha, làm chồng, lấm mình vào cuộc sinh tồn thân phận. Tôi cũng đã ra khỏi chùa, ra khỏi những tháng ngày êm đềm kinh sách, gác đi mọi chuyện khi bước qua "Lược ước kiều".
Cũng hơn mười năm sau, trong một lần tình cờ, tôi gặp lại vị Sư Tra Am thuở nào. Vẫn dáng dấp từ tốn nhẹ nhàng, trong bộ áo quần nâu may kiểu nông dân, ông nói cho tôi nghe những thăng trầm mười năm với sự ổn định gia đình với hai đứa con và cô vợ giáo viên nọ. Nói chung là sống được nhưng nỗi ân hận với đời tu khiến ông không lúc nào có sự yên ổn như lúc ở chùa! Tôi có đọc đâu đó là chính những ray rứt, ân hận đã tạo nên đạo đức, tính nhân văn. Giới luật đạo Phật như vậy tôi không thể nói tốt hay không cho người xuất gia, nhưng có bao vị tăng ni làm trái giới luật mà không chút ăn năn, sám hối, vẫn giả dối nấp trong bộ áo nâu sòng để tiếp tục ở chùa, thăng tiến trong giáo hội, làm bao điều trái luân thường đạo lý, vẫn rao giảng lời Phật nhưng ngày ngày làm điều xằng bậy, càn rỡ.
Ngày còn ở trường đại học, tôi quen một thầy tu đã thọ giới Sadi. Sự giỏi giang, uyên bác và trí nhớ của ông khiến ai cũng nễ phục không chỉ lúc trong trường mà sau này khi không còn là tu sĩ. Sau 1975, mới biết vị thầy tu này được Cách mạng bố trí ở chùa, mang lốt Sư để hoạt động. Anh thăng tiến rất nhanh, Phó Chủ tịch Phường rồi Chủ Tịch, Bí Thư. Mười lăm năm sau anh đã làm Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng và thuộc diện quy hoạch để lên cao hơn. Đùng một cái, mọi thứ vỡ tan như bọt xà phòng khi anh sống lén lút ngoài gia đình với một cô gái bán bia và có những sai sót, nợ nần tiền bạc. Bị tước hết mọi thứ, mất đảng, ra khỏi nhà nước, không còn cơ hội làm gì. Bạn bè thương mến nên lôi về làm việc này việc khác. Vẫn cứ bê bối vì phải lo toan cho cô gái đã thành vợ bé. Những năm về làm việc với tôi, trong một dịp cùng nhau đi trên đường khi tôi hỏi anh sao thiếu suy nghĩ để đến tình trạng như vậy. Anh đã nói như lời sám hối : Tôi phải trả cho hết cái nghiệp đã lợi dụng nhà chùa để mưu danh, kiếm lợi. Bao giờ trả xong, tôi sẽ chấm dứt mọi thứ! Tưởng lời nói chơi, nào ngờ khi anh giúp tôi xây dựng Khu du lịch Suối Lương ở Đà Nẵng, trong đó anh đã đứng ra lo liệu, dựng nên một ngôi chùa. Ngày khánh thành, anh đã chết trong một tai nạn giao thông quá nhỏ để nghĩ phải mất đi một mạng người! Có phải anh đã hoàn thành cái nghiệp của mình chăng?
Điều đáng buồn là khi tôi lục tìm trên mạng, trong sách tư liệu nói về chùa Tra Am, không có dòng nào ghi lại giai đoạn của Sư thầy đã ở đây, cho dù là vị trí một thầy tu chứ chưa nói đến đã từng trụ trì. Khoảng trống ấy được ghi một cách mập mờ cho người sư đệ của ông đã kế tục sau khi ông ra đi. Có lẽ sợ xấu hổ khi ghi lại một người đã vụng đường tu, phạm giới luật! Người tu, lịch sử tu đạo cũng không muốn bày ra cái sự thật ấy ư?
Hãy làm một người đời tử tế hơn là ông thầy tu đạo dối trá, xấu xa. Đã có duyên, tất có nghiệp. Nghiệp lành hay nghiệp dữ cũng từ con người gieo nên. Có cảnh chùa nào giúp mình đường tu khi tránh bỏ trách nhiệm của đời! Ngày ở Tra Am không nhiều nhưng đã cho tôi hiểu ra nếu muốn tìm sự an vui đời chỉ có khi tự trở về với tâm mình, làm tròn bổn phận con người.
Nguyễn Trung Dân
Nguồn : http://xuandienhannom.blogspot.com
Đăng ngày 06 tháng 04.2016