banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Gặp lại Thần Tháp Rùa

Cao Ngọc Cường

Trưa thứ Bảy 27/2 tôi tình cờ đến giúp một người bạn dọn dẹp những món lặt vặt nơi căn nhà của bạn vừa bị thần hỏa viếng trong những ngày Tết vừa qua. Trong đống xà bần vật dụng áo quần sách vở tranh ảnh... ẩm ướt cháy lem nhem bụi tro nám khói sau cơn hỏa hoạn, nhưng tượng Quan Âm gỗ mun và Đạt Ma Sư Tổ khắc bằng gốc tre già trong đống cháy vẫn còn nguyên vẹn (chỉ bị dính bụi tro đen nhẻm) như là một điều kỳ diệu.
Điều kỳ diệu thứ hai là... đống hỗn tạp ấy tôi lục ra một số đồ quý mà thần hỏa chưa kịp chiếu cố nhưng bà thủy đến kịp thời lại làm ướt lem nhem, có vài cuốn sách ngày trước tôi đã từng đọc và nghiền ngẫm, trong đó có quyển Đôi Bạn Chân Tình của Hermann Hesse ( Nhà Ca Dao xb 1969) và Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan (Ngàn Lau tái bản 1983 theo mẫu bìa nguyên thủy của Mặc Đỗ).
Hốt nhiên tôi rung động trong lòng vì quyển sách cũ này của Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, Ông là thầy của tôi năm đầu ban Văn Chương Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn đầu thu năm Tân Hợi. Tuy đã từng đọc và ngưỡng mộ ông và phần lớn tác giả nhóm Quan Điểm, Sáng Tạo ... nhiều năm trên ghế Trung học nhưng khi la lết trên hành lang các Giảng đường Văn Khoa, Sư Phạm Saigon tôi mới gặp được ông Thần Tháp Rùa Vũ Khắc Khoan bằng xương bằng thịt.


Mái tóc muối tiêu bồng bềnh, dáng vẻ nghệ sĩ, ông đến trường bằng xe xích lô đạp. Trong khi đám sinh viên cần mẫn chân chỉ hạt bột đến thật sớm và chiếm nhiều hàng ghế “ngon lành” trong đại giảng đường mênh mông, thì tôi và đám bạn “lè phè” chỉ đến trường trước quý Thầy vài phút, đứng bên ngoài hành lang tán gẫu, phê vài hơi thuốc và ngắm gái, nên mới thấy Đại Hãn thầy tôi ( Vũ Khắc Khoan có viết vở kịch Thành Cát Tư Hãn) bước xuống xích lô vào thẳng giảng đường với lũ sinh viên học trò đang đợi. Điếu thuốc bốc khói luôn luôn trên tay ông, điếu này nối điếu kia suốt trong các giờ giảng. Và chỉ là Bastos De Luxe mà thôi, như một ống khói tàu hỏa. Thầy giảng những gì thì tôi chẳng hề biết và chẳng hề nhớ . Sinh viên thì đông, cái micro và mấy cái loa giảng đường rè rè nghe phát mệt và đám lè phè chúng tôi đứng từ xa chỉ mải ngắm cái nhân dáng nghệ sĩ của ông Thần trong đám khói thuốc Bastos

Cours của quý thầy in ra, tôi chỉ đọc qua loa đúng như thầy dạy “Phùng Phật, sát Phật” ...”tận tín thư bất như vô thư” chỉ chăm chú vài mấy tập truyện mấy vở kịch lộng ngôn của sư phụ mà cũng may chưa rớt năm nào.
Hôm nay, tình cờ “nhặt” được ngọc quý Ông Thần Tháp Rùa trong đám tàn hương nhà cháy thật mừng như tha phương ngộ cố tri.
Nhớ câu dạy của cha tôi ngày xưa:
“Đọc sách phải quý sách
Sách vở giữ cho sạch
Quý sách phải yêu sách
Nhớ đừng để làm rách”
Đêm qua được bạn cho phép mang “bảo vật” về nhà , phủi bụi sấy khô và ngồi đọc lại Thần Tháp Rùa mà nhớ Thầy Vũ Khắc Khoan của chúng tôi. Trong truyện có một đoạn làm tôi nhớ lại chuyện phần thư đốt sách của bọn “đỉnh cao trí tuệ” ngu xuẩn của “bên thắng cuộc” sau 75 tại miền Nam yêu dấu mà đau xót lòng. Nó khác gì “phần thư, khanh nho” thời Tần bạo chúa bên Tầu mà Vũ Khắc Khoan đã thác lời
«Đốt được nhà, nhưng sao đốt được sách ? Chàng còn nhớ cuộc phần thư thủa bắt đầu xây dẫy Trường thành? Càng đốt sách, nghĩa của chữ lại càng trong trẻo, dễ vút lên cao, dễ lan ra rộng... Họ Tần đốt sách Khổng Khưu, vậy mà cái lý Tam Cương của người nước Lỗ đâu có bị hoả thiêu cùng sách ?» ( Thần Tháp Rùa, trang 37, Vũ Khắc Khoan)
Ôi! Từ chuyện nhà (người bạn bị) cháy đến chuyện được sách như một cái duyên, hay chỉ là một “cái cớ” như lời Thầy Vũ KK ngày trước đã làm tôi nhớ lại kỷ niệm với Thần Tháp Rùa ngày trước cho đến hôm nay
“ .... nhưng kết cục, chàng lại thấy em, giữa đống tro tàn. Em là của chàng...”( Thần Tháp Rùa )
Thư trung hữu nữ nhan như ngọc là đây ...



Xếp quyển sách cũ tôi đi tìm lại Vũ Khắc Khoan trên mạng Internet :
“ Vũ Khắc Khoan, Kịch tác gia Văn học Việt Nam, sinh ngày 27/02/1917 tại Hà-nội, là học trò trường Bưởi. Lên đại học, theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao đẳng Canh nông. Sau khi tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển hẳn sang nghề dạy học, dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn An, Hà-nội, và hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm với Nghiêm Xuân Hồng... giáo sư Đại Học Văn Khoa ....Và mất ngày  12 tháng 9 năm 1986. “
Ôi! Lại nữa kỳ lạ thay , tôi gặp và đọc lại quyển sách cũ này đúng ngày 27/2/ 2021 cũng là ngày sinh 104 của Vũ Khắc Khoan, Ông Thần Tháp Rùa, thầy học cũ của tôi.

Thưa Thầy! Con viết mấy dòng ngắn này để nhớ đến Thầy, Ân sư trong đời!
cao ngọc cường
Khuya 27 tháng 2.2021


Hiện tượng “Đối Tượng” & “Ấn Tượng”

của tiếng Việt đổi đời

Đào Văn Bình

Theo định nghĩa, “đối tượng” là người/ kẻ mà mình nhắm tới. Thí dụ:
a) Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Nguyễn Văn A là đối tượng ( kẻ, người, thành phần) mà cảnh sát cần theo dõi.
b) Theo như tiêu chuẩn chọn chồng đã đề ra, thì cậu B là đối tượng (người) mà cô ta có thể nhắm tới.
Hiện nay trong nước, hai chữ “đối tượng” được dùng loạn xà ngầu và quái đản. Cái gì cũng “đối tượng”. Một người đang uống cà-phê bị một kẻ côn đồ tới gây sự cũng gọi là “đối tượng”.. Rồi kẻ gian đập cửa kính vào tiệm bán nữ trang ăn trộm cũng gọi “đối tượng”. Cảnh sát rượt đuổi những kẻ lái xe nguy hiểm trên đường phố cũng “đối tượng”. Để cho mọi người có thể ngoạn cảnh Hồ Gươm biến thành “Để cho các đối tượng có thể tiếp cận Hồ Gươm.” Khám xét phòng trà ban đêm thấy một số thanh niên có biểu hiện (dấu hiệu) sử dụng ma túy cũng “đối tượng”. Hung thủ gây ra cái chết cho người ta cũng “đối tượng”. Rồi 15 phần tử gây rối ở Phan Rí bị truy tố cũng “đối tượng”. Rồi bắtkẻ trộm két sắt của công ty cũng “đối tượng”. Rồi hai nhóm côn đồ đánh nhau cũng “hai nhóm đối tượng”. Đúng là tiếng Việt đổi đời quái đản. Sau đây là một thí dụ về bệnh dịch  “đối tượng” đang lan tràn trong nước và nhiễm ô cả hải ngoại.

1) Một bản văn điên khùng đầy “đối tượng”
“Bị rượt đuổi, bốn đối tượng tình nghi buôn bán ma túy trên chiếc xe bán tải (xe pick-up) đã tăng tốc khủng  và đụng phải hai đối tượng đi xe đạp bên đường. Chưa hết, chiếc xe còn leo lên lề, đụng phải một đối tượng bán bún riêu và hai đối tượng đang nhâm nhi  cà-phê, húc đổ bảng quảng cáo của đối tượng chủ mặt bằng.  Thấy chuyện lạ, cả trăm đối tượng ở hai bên hè phố đổ ra xem khiến giao thông ùn tắc, các phương tiện không sao di chuyển được. Cảnh sát phải làm việc rất căng mới xử lý được sự cố, bắt giữ những kẻ tình nghi buôn bán ma túy, đồng thời yêu cầu các đối tượng giải tán. Tuy nhiên vẫn còn mười đối tượng không chịu tuân theo chỉ thị cho nên đã bị cảnh sát mời về trụ sở công an phường, phạt cảnh cáo mỗi đối tượng một triệu đồng rồi cho về. Tuy nhiên một số đối tượng không mang theo tiền cho nên phải gọi điện thoại để gia đình đối tượng mang tiền đến nộp phạt.”
Dưới đây là bản văn không điên khùng, không “đối tượng”:
“Bị rượt đuổi, bốn kẻ tình nghi buôn bán ma túy trên chiếc xe chở hàng nhà (xe pick-up) đã chạy vong mạng và đụng phải hai người đi xe đạp bên đường. Chưa hết, chiếc xe còn leo lên lề, đụng phải một bà bán bún riêu và hai người đang uống  cà-phê, húc đổ bảng quảng cáo của chủ cửa hàng.  Thấy chuyện lạ, cả trăm cư dân và khách bộ hành ở hai bên hè phố đổ ra xem khiến giao thông tắc nghẽn, xe cộ không sao di chuyển được. Cảnh sát phải làm việc vất vả mới giải quyết được sự việc, bắt giữ những kẻ tình nghi buôn bán ma túy, đồng thời yêu cầu bà con giải tán. Nhưng vẫn còn mười người ương ngạnh không chịu tuân theo chỉ thị cho nên đã bị cảnh sát mời về trụ sở công an phường, phạt cảnh cáo mỗi người một triệu đồng rồi cho về. Tuy nhiên một số không mang theo tiền cho nên phải gọi điện thoại để gia đình mang tiền đến nộp phạt.”

2)  Một bản văn với thảm họa “ấn tượng”
“Sau khi xem xong một trận đấu bóng chuyền rất ấn tượng. Trên đường về nhà, tôi thấy một số em bé đang ca hát ở công viên thật ấn tượng. Tôi dừng lại nói chuyện với các em và vò đầu một em bé. Một em bật nói, “Cô trông thật ấn tượng.” Thế là ngày hôm nay tôi có hai ấn tượng. Về đến nhà, bố tôi hỏi, “Con xem đấu bóng chuyền có vui không?” Tôi trả lời, “Ấn tượng lắm bố ạ.”  Bố tôi gật gù ra vẻ hiểu tôi muốn nói gì. Cùng lúc ấy bố tôi bật máy truyền hình đang chiếu một chương trình triển lãm tranh. Phóng viên của kênh truyền hình phỏng vấn một khán giả, “Ông cho biết cảm nghĩ của ông về  buổi triển lãm.” Vị khách trả lời, “Tôi thấy thật ấn tượng.” Vị khách vừa trả lời xong thì màn hình xuất hiện hình cô xướng ngôn viên bình luận, “Thưa quý vị khán giả. Buổi triển lãm rất thành công và tạo nhiều ấn tượng cho người xem. Rất mong trong tương lai sẽ có nhiều sinh hoạt nghệ thuật đầy ấn tượng như thế này.” Ngay lúc đó thằng em trai từ ngoài cửa bước vào. Bố tôi hỏi, “Buổi lễ khai giảng trường con có gì lạ không?” Thằng em trả lời, “Đầy ấn tượng bố ơi. Bài diễn văn nào cũng ấn tượng. Nhất là bài diễn văn của ông bộ trưởng giáo dục, ấn tượng hết ý.” Nghe nói thế, bố tôi bảo, “Các con ráng học, kỳ nghỉ hè này bố sẽ cho các con tham quan (du lịch) một nơi rất ấn tượng..” Ngay khi đó thì mẹ tôi từ ngoài cửa bước vào. Bà lên tiếng, “Ở bên ngoài, tao nghe bố con tụi bay nói rất là ấn tượng. Nhưng cái ấn tượng đó chẳng ăn thua gì tới nhà mình. Báo, đài hôm nay nói giá thịt, giá săng tăng rất là ấn tượng, đầy kịch tính và đúng kịch bản. Nếu cứ tiếp tục tăng một cách ấn tượng như thế này thì dân không có cháo mà ăn. Đầu vào thì nhiều mà đầu ra thì ít (input-output).  Thôi, đầu óc tao căng lắm rồi. Tao đang điên đầu vì ấn tượng đây!”
Thực ra bản thân hai chữ “ấn tượng” nó có nghĩa là tạo ra một hình ảnh, một ý nghĩ, một cảm xúc gì đó mà cần phải có “bổ túc từ” mới rõ nghĩa. Nếu nói, “Cuộc triển lãm thật ấn tượng” thì chẳng ai biết cuộc triển lãm ra làm sao. Trước đây Miền Nam chúng ta thường nói, “Tạo một ấn tượng tốt đẹp”, “Để lại một ấn tượng đẹp”  hoặc “Đáng ghi nhớ” v.v.. Ngày nay tiếng Việt đổi đời do những thành phần bát nháo, ít học nắm giữ ngành truyền thông đại chúng cho nên nó giết chết tiếng Việt truyền thống, nói như người điên mà không hiểu mình nói gì.

Tiếng Việt trong nước bây giờ vô cùng hỗn loạn, bát nháo, nhất là trang tin Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV)
- Input-output được trong nước dịch là “đầu ra-đầu vào” nghe thô tục quá. Trước  1975, GS. Nguyễn Cao Hách-Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa Sài Gòn dịch là “Nhập lượng-Xuất lượng“. Nay chúng ta có thể dịch là “Vốn-Sản Phẩm” hoặc “Đầu tư-Thành quả”.
- Extensive Care được trong nước dịch là “chăm sóc tích cực”. Chăm sóc bệnh nhân mà cũng có tiêu cực và tích cực nữa sao? Đúng là tiếng Việt quái đản. Extensive care là chăm sóc đặc biệt với nhiều y tá, bác sĩ của nhiều khoa. Do đó, một cách đơn giản và gần đúng nghĩa, có thể dịch là “chăm sóc đặc biệt”.
- Account trên facebook được trong nước dịch là “tài khoản” trong khi “tài khoản” là số tiền có trong trương mục ở ngân hàng. Đúng là râu ông nọ cắm cằm bà kia! Ở Mỹ này khi chúng ta ký giao kèo với nhà đèn, hãng điện thoại, truyền hình…thì người ta cho mình một “account number” tức là số giao kèo, số thỏa thuận…chứ không phải tài khoản. Như vậy “account” trên facebook là số giao kèo. Khi người ta chấm dứt là chấm dứt thỏa thuận hay khế ước/giao kèo với mình chứ không phải chấm dứt tài khoản. Chúng ta làm gì có tiền gửi ở facebook?
- Tài xế (driver) ở Việt Nam bây giờ đã chết và được thay bằng “lái xe” (driving). Chúng ta hãy xem một bản tin nói về APEC 2017 như  sau, “Các lái xe điều khiển dàn xe khủng để bảo vệ lãnh đạo tham dự APEC 2017”. Rồi VOV ngày 27/9/2018, “Lái xe taxi thiệt mạng vì ngã xuống cống…” Nếu “tài xế” trở thành “lái xe” thì phải hiểu câu nói này như thế nào ? “Các lái xe đang bàn chuyện lái xe..” Tài xế là danh từ. Còn “lái xe” là động từ. Hiện nay trong nước có “bệnh dịch” là dùng danh từ thay cho động từ! Thí dụ: Kỷ luật là quy tắc, quy củ phải theo, nay biến thành “trừng phạt”. Thí dụ: “Kỷ luật bí thư thành ủy…” tức trừng phạt ông bí thư thành ủy. Rồi “kỷ luật quân đội”, “kỷ luật học đường” ngày này biến thành trừng phạt quân đội, trừng phạt trường học! Đúng là tiếng Việt đổi đời!
- Thăm viếng, ngoạn cảnh, du ngoạn trở thành “tham quan”. Như vậy “tham quan ô lại” có nghĩa là đến thăm viếng, ngắm nghía ông quan tham nhũng hối lộ?
- Thản nhiên (Miền Nam còn gọi là tỉnh bơ) nay biến thành “vô tư” trong khi vô tư là công bằng, không thiên vị “chí công vô tư”. Nếu người dân cứ quen dùng “vô tư” là thản nhiên (không thèm để ý đến luật lệ, đến người khác) thì: Một ông luật sư ra tòa biện hộ cho thân chủ, nếu nói rằng, “Thân chủ của tôi làm việc rất vô tư..” thì chắc chắn bị can này tội sẽ rất nặng vì ông ta làm việc cẩu thả, không cần biết đến luật lệ, không cần để ý đến người chung quanh.

Tiếng Việt rất tế nhị và phong phú, dĩ nhiên phải cắp sách đến trường mới thấy sự phong phú của nó:
- Thản nhiên là làm mà không cần để ý đến người chung quanh, đến luật lệ. Thí dụ: Ông ta thản nhiên đổ rác ngay dưới tấm bảng “cấm đổ rác”. Ngày xưa Miền Nam còn nói, “Ông ta tỉnh bơ đổ rác ngay dưới tấm bảng “cấm đổ rác”.
- Hồn nhiên là hành động một cách ngây thơ như trẻ con, đẹp và dễ thương.
- Vô tư là không thiên vị (Chí công vô tư).
- Vô tư lự là không lo nghĩ.
- Vô tình có hai nghĩa. 1) Không cố ý. Thí dụ: Tôi vô tình/vô ý đánh rơi chiếc đồng hồ. 2) Không đáp ứng bằng tình cảm, không xúc động. Thí dụ: Nàng rất vô tình, không đáp lại lời van xin của tôi.
- Vô cảm hiện đang được dùng ở trong nước với nghĩa “lạnh lùng”, “không hề xúc động”. Hai chữ “vô cảm” hoàn toàn bịa đặt, không hề có trong tự điển Việt Nam, kể cả tự điển Hán-Việt của Đào Duy Anh.
- Hoàn thành/hoàn tất và hoàn thiện. Hiện trong nước không phân biệt được nghĩa của ba chữ này. Hoàn thành/hoàn tất là làm xong một công việc, công trình, dự án nào đó. Còn hoàn thiện là làm cho tốt hơn. Thí dụ: Hoàn thiện con người, tức là tu sửa để con người trở nên tốt hơn, đạo đức hơn. Một công trình đang xây cất không thể nói “sắp hoàn thiện” mà phải nói “sắp hoàn thành” hoặc “sắp hoàn chỉnh”.
-Nữ thủ khoa “kép”…Thật sự tôi không hiểu “thủ khoa kép” là gì. Sau khi đọc bài viết tôi mới hiểu cô này đậu thủ khoa cả hai đại học, nhưng lại được viết bằng loại văn vô cùng bát nháo mà cần phải có thông dịch viên tiếng Việt mới hiểu! Chữ “kép” (hai) chỉ dùng trong một số ít trường hợp, như  áo đơn”, áo kép, lãi đơn, lãi kép, tú đụp, tú kép (đậu Tú Tài hai lần kỳ thi Hương).
-  “Cách gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng” (Yahoo Groups). Tôi thật sự không hiểu câu này nói gì và cần một thông dịch viên giải thích dùm!
-Nuôi và gây giống các loài tôm cá biến thành “nuôi trồng thủy sản”. Thật không thể tưởng tượng được người ta có thể “trồng” được tôm cá. Cả nước nói như những con vẹt mà không một ý thức phản tỉnh đúng-sai.
- “8 món ẩm thực kinh điển của người Nga” (VOV). Ăn uống mà cũng “kinh điển” nữa sao? Thực ra đây chỉ là các món ăn cổ truyền giống như bánh chưng, bánh giầy của Việt Nam nhưng lại viết dưới dạng bát nháo vì ít học.
-“ Nghi phạm giết nữ nhà báo” (BBC tiếng Việt ngày 11/10/2018). Cả trăm năm nay người ta nói  nữ ký giả/nữ phóng viên chứ làm gì có nữ nhà báo? Trình độ tiếng Việt như thế mà cũng đòi cầm bút!
Đào Văn Bình 

 

Đăng ngày 03 tháng 03.2021