Từ cõi "thiên đường cộng sản"

Đặng Huy Văn (Danlambao) - Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là quê ngoại của tôi. Cháu Phạm Trà My 26 tuổi, một trong số 31 nạn nhân người Việt trong tổng số 39 người đã bị chết ngạt trong một thùng xe tải đông lạnh trên đất Anh sáng ngày 23/10/2019 là cô cháu gái gọi tôi bằng ông. Đọc vài dòng tin nhắn cuối đời mà Trà My đã gửi cho mẹ của mình mà lòng tôi quặn thắt. Trong nỗi đớn đau tột cùng, tôi đã tự vấn lương tâm mình: Phải chăng chính cái "thiên đường cộng sản" mà chúng tôi đã hiến dâng cả cuộc đời để dựng nên kia đã giết chết đứa cháu gái vô cùng yêu quí của tôi?

Từ cõi "thiên đường cộng sản"

(Tưởng nhớ cháu Phạm Trà My)

Ơi con gái Phạm Trà My!
Từ cõi "thiên đường cộng sản"
Sang Anh con kiếm tìm gì?
Trong nước "muốn gì cũng được"
Con sang tư bản làm chi?

Này nhé, nước ta nếu muốn
"Nhảy lầu" là nhảy được ngay
Như thầy Hải An thứ trưởng
Được dân tưởng nhớ đêm ngày!

Này nhé, bé Long lớp Một
Được đột tử ngay trong trường
GateWay rước về Thanh Hóa
Vui cùng bè bạn đồng hương!

Này nhé, bác Quang chủ tịch
Muốn giải thoát, thoát được liền
Thoát hết chức quyền, tội lỗi
Trở về "vui thú điền viên"

Bác Nguyễn Bá Thanh cũng vậy
Đảng cho đi gặp bác Hồ
Gặp bác Mao...thăm Các Mác
"Tau khỏe mà, có chi mô!"

Còn ở Sơn Dương - Vũng Áng
For-mo-sa diệt môi trường
Bà con quê mình cam phận
Âm thầm chết giữ quê hương!

"Quê hương là chùm khế ngọt"
Ruộng đồng đảng cướp hết rồi
Không còn ruộng, cha trồng khế
Cho con trèo hái, Trà ơi!

Sao con phải sang tư bản?
Chúng đang "giẫy chết" rào rào
Giẫy trăm năm chưa chết hết
Nhỡ đè con chết, thì sao?

"May mà" con không còn thở
Nên đành lìa bỏ nước Anh
Chứ nếu mà con sang được
Ắt thành "phản động gian manh"

Rồi mẹ, rồi cha bị bắt
Chết trong đồn, khổ lắm con!
Cụ nội "Nghệ An Xô Viết"
Rồi mồ ma cũng chẳng còn!

Tưởng con chạy theo Tàu cộng
Như bác Trọng, cha đã mừng
Ngờ đâu con theo tư bản
Mẹ nghèo nước mắt rưng rưng!

Ước gì Việt gian vô đạo
Từng xây "cộng sản thiên đường"
Cũng nằm trong xe đông lạnh
Để đời vợi bớt đau thương!

Hà Tĩnh, 30/10/2019
Đặng Huy Văn

danlambaovn.blogspot.com




Thủ tướng Anh Boris Johnson chia buồn

Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson tới thăm văn phòng Hội đồng Quận Thurrock, thành phố Grays, Sussex sáng 28/10. Tại đây ông đã ký sổ chia buồn tưởng niệm 39 nạn nhân xấu số được tìm thấy trên chiếc xe tải hôm 23/10.
Ông viết trong sổ chia buồn: “Cả nước, và đúng là cả thế giới đã sốc trước bi kịch này và sự nghiệt ngã của số phận mà những con người vô tội đã phải chịu khi mong muốn có một cuộc sống tốt hơn ở đất nước này.
Để lên án sự nhẫn tâm của những kẻ gây ra tội ác này, chính phủ Vương quốc Anh chúng tôi quyết tâm làm tất cả trong khả năng của mình để đưa những kẻ phạm tội ra công lý”.

 
THỦ TƯỚNG ANH ĐẾN TẬN NƠI CHIA BUỒN – CSVN NÍN THINH

Hôm 28 tháng Mười, 2019 thủ tướng Boris Johnson đã cùng một số nghị sĩ Anh Quốc thân hành đến nơi tạm quàng thi hài của 39 nạn nhân chết trong container đang làm chấn động cả thế giới đế viết lời chia buồn.
Tại sao ông thủ tướng Anh làm như thế đối với những người mà ông biết là di dân bất hợp pháp vào nước ông? Bởi sinh mạng của con người là điều vô cùng quý giá. Người ta trân trọng phẩm giá con người, dù người đó là ai.
39 cái chết thảm đó đã làm dân Anh xúc động mãnh liệt.
Nguợc lại, đối với nhà cầm quyền CSVN mạng sống của 39, 390 hay 3900 người dân Việt Nam chẳng có nghĩa lý gì với họ. Người Anh tìm đến gia đình nạn nhân ở Nghệ An còn bị công an xua đuổi.
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=471103133748841&id=100025474742676

Trong chiến tranh họ hô hào đốt cả dãy Trường Sơn cho mục đích cướp chính quyền ở Miền Nam. Sau chiến tranh 1975, họ trả thù hàng trăm ngàn người, cướp của cải của hàng triệu đồng bào miền Nam và xua họ ra biển mà kết quả là hàng trăm ngàn người mất mạng trên đường trốn chạy khỏi Việt Nam.
Phan Nguyên




18,9 tỷ USD kiều hối và những container xác người

Tân Phong  


Chiếc xe container chở 39 nạn nhân tử vong trên đường đưa lậu vào Anh. Ảnh: Reuters

Con chết vì không thở được!
Đó là những lời cuối cùng của một cô gái trẻ Phạm Thị Trà My, quê Hà Tĩnh, đã chết trong chiếc xe container đông lạnh vì ngạt và lạnh cóng hôm 23 tháng Mười, khi tìm đường nhập cư trái phép vào Anh. Trong số 39 nạn nhân của thảm họa nhân đạo kinh hoàng này, hiện có ít nhất 6 người ở Can Lộc, Hà Tĩnh và 4 người ở Yên Thành, Nghệ An.
Họ được đường dây buôn người đưa sang Trung Quốc bằng đường bộ, làm giấy tờ giả rồi đi Pháp và từ đó sang Anh trên những container hàng đông lạnh. Chiếc xe này là 1 trong 3 chiếc xe đã nhập cảnh vào Anh qua cảng Purfleet rồi đi đến khu công nghiệp Waterglade ở thị trấn Grays, hạt Essex. Hàng chục xác người chồng chất, quần áo tơi tả, những vết tay đầy máu dọc hai bên thành container thực sự là một cảnh tượng đau đớn đầy ám ảnh, hãi hùng.

Kể từ năm 2000, sau thảm họa 58 người Hoa bị chết ngạt ở cảng Dover, vùng Kent miền Nam nước Anh, cảnh sát ở các cửa khẩu đã trang bị máy dò ảnh nhiệt để phát hiện người nhập cư trốn trong các container. Nhưng chẳng bao lâu, những kẻ buôn người đã sử dụng các thùng container lạnh để vô hiệu hóa máy dò ảnh nhiệt và đồng thời nó cũng làm tăng nguy cơ chết ngạt hay shock nhiệt cho các những người trốn trong đó. Ở nhiệt độ -25 độ và tình trạng thiếu dưỡng khí, những người bị nhốt trong container lạnh hoàn toàn không có một chút cơ hội sống sót sau 20 phút. Người ta gọi đây là những “quan tài đá”.
Đối với các lao động nhập cư “chui” bằng “quan tài đá” thường đi theo con đường sang Nga hoặc một nước Đông Âu cũ, rồi nhập cư vào các nước EU bằng đường bộ trên các container lạnh như thảm họa vừa xảy ra. Trong hai năm trở lại đây, con đường buôn người có một lộ trình khác là sang Trung Quốc để làm giấy tờ giả rồi vào thẳng một nước EU bằng con đường du lịch thường là Pháp hoặc Đức. Thảm họa kinh hoàng tại Essex hôm 23 tháng Mười khiến cho người ta đặt câu hỏi có bao nhiêu lao động Việt Nam nhập cư trái phép sang các nước “tư bản giãy chết” mỗi năm và theo những phương cách gì?
Con số đó chưa ai thống kê nổi nhưng chắn chắn là một con số khiến người ta giật mình nếu như biết rằng chỉ riêng quốc đảo Singapore, số gái mại dâm Việt Nam sang đó hành nghề chui thường từ 5.000 – 7.000 người/năm theo con đường du lịch hay thăm thân. Trong một sự kiện hy hữu khác vào năm 2018, toàn bộ một đoàn khách du lịch từ Việt Nam sang Đài Loan gồm 152 người đã bỏ trốn tại Cao Hùng khiến cho giới chức Đài Loan phải ngưng cấp thị thực cho Việt Nam.

Không riêng gì khách du lịch bỏ trốn mà ngay cả đến các doanh nhân hay quan chức Việt Nam cũng thường xuyên nhập cư trái phép vào các nước tư bản bằng cả đường ngoại giao như trường hợp mới đây nhất là 9 người trong đoàn doanh nghiệp và đại biểu quốc hội dẫn đầu bởi bà Chủ Tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hàn Quốc năm 2018 đã “mất tích”. Công luận chỉ được biết khi phía Hàn Quốc đăng tải thông tin này 1 năm sau chuyến thăm của bà Chủ Tịch.
Như vậy, không phải chỉ là những lao động “chui” đi theo con đường nguy hiểm thông qua đường dây buôn người như ở Anh vừa qua mà có rất nhiều cách để trốn thoát khỏi “thiên đường XHCN” để tìm về xứ “giãy chết”. Và đương nhiên, có vô vàn những cái chết oan trái khác của người lao động Việt Nam diễn ra hàng ngày trong những ổ điếm, xưởng lao động cưỡng bức hay những trại trồng cần sa của giới mafia Việt trên khắp thế giới.

Ở một khía cạnh khác, cần phải nhìn toàn cảnh bức tranh này trên bình diện cao hơn. Trong bảng xếp hạng số người nhập cư trái phép từ Châu Á vào các nước phát triển thì Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia đứng đầu. Đấy không phải là con số ngẫu nhiên. Nếu nhìn về lịch sử của thực trạng xã hội nhức nhối này thì người ta sẽ hiểu rằng đó là một hệ thống được hỗ trợ bởi nhà nước với qui mô lớn và tổ chức tinh vi. Đó không không phải là hoạt động từ những băng đảng xã hội đen đưa người trái phép đơn lẻ.

Xuất khẩu lao động là mục tiêu chính trị
18,9 tỷ USD là con số kiều hối năm 2018 mà Hà Nội công bố và rêu rao rằng đó là kết quả của nghị quyết 36 Bộ Chính Trị đối với chính sách “khúc ruột ngàn dặm”. Mặc cho những nghi ngờ về tính trung thực của con số thống kê mà như phân tích của một nhà báo độc lập từng có thời gian làm việc cho cơ quan thành ủy TP.HCM – Tiến Si Phạm Chí Dũng – người theo dõi khá sát sao về con số kiều hối hàng năm.
Con số kiều hối này nhảy vọt từ mức 13 tỷ USD vào năm 2017 lên tới 18,9 tỷ USD vào năm 2018 mà không hề có lý giải chi tiết khả tín nào. Dù vậy, cái đuôi của “một nửa sự thực” là TP.HCM – địa phương mà có con số kiều hối lớn nhất, ổn định trong nhiều thập kỷ qua với tỉ trọng kiều hối chiếm từ 60-65% tổng kiều hối cả nước đã công bố con số này chỉ có 5,2 tỷ USD năm 2018. Như vậy, một suy đoán có căn cứ và logic thì con số kiều hối cả nước chỉ rơi vào tầm 8,5 – 9 tỷ USD. Vậy tại sao có con số “trên trời rơi xuống” lên tới 18,9 tỷ USD kiều hối năm 2018? Có lẽ, không quá khó đoán khi nhìn sang số liệu của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội của ông Đào Ngọc Dung.
Nhưng nếu như cộng với số tiền gửi từ lực lượng “xuất khẩu lao động” mỗi năm được Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội công bố rơi vào 120.000 người và số tiền gửi về đạt 11 tỷ USD vào năm 2016 thì chúng ta không có ngạc nhiên. Con số này vào năm 2017 đã là 126.000 lao động và năm 2018 tăng thêm 10%. Như vậy, nhều khả năng con số “kiều hối” đã được Hà Nội “cộng gộp” từ nguồn thu nhập của lực lượng “xuất khẩu lao động” chuyển về Việt Nam và lượng kiều hối truyền thống đã bị giảm sút đáng kể để cho ra một con số lên tới 18,9 tỷ USD. Một báo cáo láo toét cho cái gọi là “thành công của nghị quyết 36” của đảng CSVN! Một câu hỏi là có bao nhiêu tiền trong số 18,9 tỷ USD này là những đồng dollar ngập sũng máu người Việt lao động chui ở nước ngoài bằng những cách thức phi pháp?
11 – 12 tỷ USD là số tiền mà lực lượng lao động Việt Nam gửi về nước. Nó gấp 2 lần thặng dư xuất khẩu quốc gia, bằng lợi nhuận của tất cả các tổng công ty, tập đoàn dầu khí, điện, viễn thông… của đất nước này cộng lại. Và không có gì ngạc nhiên khi được đảng CSVN coi đó là mục tiêu chính trị số 1 để “xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế bền vững”. Hãy vào tất cả các website của các báo cáo kinh tế thường niên, các mục tiêu kinh tế, xã hội, chính trị các tỉnh thành, huyện, xã của các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam có thể dễ dàng thấy điều này.

Tuy vậy, một thực trạng tồn tại nhiều thập kỷ nay là người Việt khi đi làm culi cho “bọn tư bản giãy chết” theo tiếng gọi của đảng và nhà nước để xóa đói giảm nghèo đã phải chịu vô số gông ách nợ nần. Để ra xứ người kiếm miếng ăn, gia đình của người lao động phải nộp một số tiền lớn cho các công ty phái cử của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội là sân sau của các quan chức cộng sản. Họ phải thế chấp ngân hàng nhả cửa hay thậm chí vay tín dụng đen theo “gợi ý” của những công ty này. Chỉ cần về những vùng quê Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam… người ta có thể dễ dàng có thông tin của những đầu mối “buôn người” này. Không thể chính quyền địa phương không biết gì về tình trạng đó. Đây là một thế giới ngầm đáng sợ, một mạng lưới phức tạp gồm cả chính quyền và băng đảng “mafia đỏ, đen” đủ màu sắc mà nếu ai đối đầu sẽ nhận được một cái chết nhanh chóng.

Lịch sử buôn người của Hà Nội
Cần nhìn nhận về việc buôn người, buôn nô lệ là một công việc được điều hành có hệ thống, được bảo kê từ nhà cầm quyền và nó được thực hiện một cách chính thức, công khai hoặc bí mật tùy từng thời kỳ.
Sau năm 1975, việc thu tiền và cấp phép “vượt biên” được thực hiện một cách ngấm ngầm, không công bố chính thức nhưng do hệ thống công an, biên phòng trực tiếp thu tiền những người muốn vượt biên bằng đường biển với giá 4 cây vàng/mạng với người lớn và 2 cây vàng đối với trẻ em. Những người vượt biên thậm chí được tàu biên phòng hộ tống ra phao số 0 để tiếp tục hành trình đầy rủi ro.
Tuy nhiên, không phải tàu nào cũng có “may mắn” đó mà thậm chí họ còn bị “lột sạch” một lần cuối cùng trước khi bị chính chiếc tàu biên phòng hộ tống đâm chìm xuống biển làm mồi cho cá. Một ước tính khoảng gần 200 ngàn thuyền nhân Việt Nam đã có một kết cục thê thảm như vậy. Lượng vàng và tài sản trấn lột của những người Việt vượt biên đó phần lớn rơi vào túi quan chức, đặc biệt là công an, chỉ một phần nhỏ được chuyển về trung ương để bù đắp khó khăn kinh tế trong thời gian CSVN còn duy trì chế độ bao cấp và kinh tế kế hoạch hóa sau 1975.
Tuy vậy, nguồn lợi từ việc “buôn người” không chính thức này đã là một gợi ý đối với chính sách kinh tế của Hà Nội trong những năm sau đó. Theo ghi nhận của IMF và các nguồn khác, nợ nước ngoài của Việt Nam năm 1984 vào khoảng 6 tỷ USD, chủ yếu là nợ Liên Xô. Khi tình thế ngày một tồi tệ hơn và Hà Nội không thể đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, CSVN đã đề nghị khối các quốc gia Đông Âu và Liên Xô một phương thức trả nợ “đầy sáng tạo” là cung cấp lao động người Việt với giá rẻ mạt để trả một phần nợ tới hạn. Phương thức này được đồng ý, nó được bắt đầu vào năm 1981. Một khảo sát đánh giá con số lao động Việt Nam đã được “xuất khẩu” sang các thị trường này giai đoạn 1981-1985 vào khoảng 500.000 người trong khi Hà Nội chỉ công bố số lượng “xuất khẩu” là 100.000 người. Vậy có thể hiểu rằng 400.000 người còn lại là “chui” được không?

Việc “xuất khẩu” người trong giai đoạn kinh tế nội địa sụp đổ do chính sách kế hoạch hóa toàn diện đã giúp Hà Nội kiếm thêm những đồng ngoại tệ quí giá bằng việc “khấu trừ” 30% mức lương mà lao động gửi về Việt Nam và thông qua tỷ giá hối đoái tùy tiện mang tính cưỡng bức. Đồng thời, chính sách này cũng giảm áp lực thất nghiệp trong nội địa. Theo tờ Izvestia thì một lao động Việt Nam có thể kiếm 145-204 rúp (tương đương 203 – 286 USD) thời đó. Mức thu nhập này là cả một gia tài đối với đời sống cùng cực ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian còn duy trì chế độ bao cấp.
Những người Việt phải chấp nhận làm những công việc bị coi là “hạ cấp”, trong những điều kiện làm việc khắc nghiệt nhưng dù sao đối với họ vẫn còn tốt hơn nhiều ở Việt Nam. Thật là nghịch cảnh trớ trêu, để có được một “xuất” trong đội quân culi đầu tiên của chế độ không hề dễ dàng. Đa số họ đều là con cái của những cựu binh cao cấp, những quan chức cộng sản mới có thể được “xuất khẩu”. Nghe nói con trai ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh là Nông Quốc Tuấn cũng ở trong lực lượng này nhiều năm trước khi về nước để nhận lãnh một vị trí trong Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM trước khi được cha đặt lên ngôi cao hơn.

Kể từ khi sau khối Comecon sụp đổ, việc buôn người của Hà Nội sang các thị trường này bị giảm sút nhưng nó lại đem đến một cơ hội lớn hơn cho khối người Việt đã nhập cư vào Liên Xô và Châu Âu từ những thập kỷ 80. Sự nổi lên của một nhóm các “tư bản” lợi dụng được thời buổi rối ren của Châu Âu và Liên Xô cũ, vươn lên nắm các thị trường sản xuất tiêu dùng, thương mại, đường dây buôn bán lậu ngoại tệ, máy tính, đồ gia dụng đắt tiền… Đó là những tên tuổi như Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Nguyễn Thị Phương Thảo ngày hôm nay.
Việc xuất khẩu lao động thực sự được phục hồi lại sau những năm 2005 khi các nước tư bản mở rộng thị trường lao động cho Việt Nam và một lần nữa nó lại trở thành “quốc sách” để đảng và nhà nước coi đó là “phương thức xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế bền vững” sau hơn 3 thập niên mở cửa kinh tế. Đối với các tỉnh miền Trung đặc biệt nghèo và bị ảnh hưởng nặng về ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra khiến cho sinh kế truyền thống bị mất, áp lực công ăn việc làm khiến cho người dân chấp nhận mọi rủi ro để kiếm sống. Nếu ai đi qua Đèo Ngang, Hà Tĩnh vào những năm 2000 thì mới thấy hết sự cùng cực về dân sinh của người dân ở đây. Những cô gái ở Đèo Ngang chấp nhận bán dâm với cái giá 20.000 đồng. Còn bây giờ, 19 năm sau, những đoàn người Việt ở những vùng quê này lại tiếp tục con đường trốn chạy khỏi quê hương nghèo đói trong những “quan tài đá”.
Thực sự, nước mắt mẹ Việt Nam không còn để khóc những đứa con như cô gái Phạm Thị Trà My.

28/10/2019

Tân Phong



39 người chết trong container đều là

"cậu ấm cô chiêu" có cuộc sống hai mặt

Bỏ ra cả tỷ đồng (40-50 ngàn USD) để trốn sang Anh hay châu Âu là những người thuộc "nhà giàu có máu mặt" cả, bà Hương quê Hà Tĩnh nói với chúng tôi. Để có vài chục triệu lên Hà Nội hay vào Nam, những người dân miền Trung bình thường cũng không thể có, nói chi cả tỷ để chạy sang châu Âu. Một nguồn tin khả tín tiết lộ các con em quê Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình ... đều là "câu ấm cô chiêu" được gia đình cưng chiều, sau khi trên 18 tuổi đều được chạy sang nước ngoài. "Nghèo" thì chạy sang Đài Loan, Hàn Quốc, "Khá" thì chạy sang Úc, Nhật, "Giàu" thì sang Mỹ,Âu. Chỉ dạo quanh các văn phòng cung cấp thị thực EU của các đại sứ quán hay lãnh sự quán châu Âu ở Việt Nam các bạn có thể thấy rất đông người trẻ, chân tay chưa lấm bùn, chưa một ngày nào phải chịu lao động, làm ruộng vất vả, và đang tí toáy với những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất chờ phỏng vấn xin cấp visa.
Ít ai có thể nghĩ rằng những "cậu ấm cô chiêu" của chế độ "Việt Cộng Vinh Quang" lại chết trong các container nhập cư lậu sang Châu Âu.

Ảnh Phạm Trà My "cô chiêu" dưới tượng Nữ Thần Tự Do ở nước ngoài

Những người trẻ này còn có một cuộc sống hai mặt. Một mặt lên mạng khoe check-in những danh lam thắng cảnh, ăn chơi đàn đúm, nhậu nhẹt quán bar, chửi bới kêu gọi đàn- áp các cuộc biểu tình tự do, dân chủ, ủng hộ chính quyền Việt Cộng.
Mặt khác thì lại gom tiền chạy sang các nước "tư bản giãy chết" những nơi mà những người trẻ này chửi réo suốt ngày.

Phạm Trà My là chị gái của Phạm Mạnh Cường- một dư luận viên của Đảng cộng sản Việt Nam. Cường khoe đi quán bar, uống rượu Tây, hút xì gà. Chị gái Cường bỏ nhà đi sang Anh cầu thực chết trong tủ lạnh, Cường nhanh tay đưa số tài khoản để xin cộng đồng mạng đóng góp. “Ủa, bây nói cái nước này phát triển, bình yên, đáng sống, sao bây chạy qua Anh chi vậy?” Vương Lê Phương, một nhà hảo tâm đặt câu hỏi với gia đình xin tài trợ trên xác chết của chị gái ruột. Những người miền Nam đã chết trong trại cải tạo rồi, tại sao Phạm Mạnh Cường và đồng đội vẫn ngày đêm chửi họ là ngụy quyền đáng chém? Để thi hành những bản án đối với người yêu nước, đầu tiên chế độ sẽ bàn bạc với thẩm phán, công an, bộ đội. Nhưng tất cả những bản án này chỉ chắc ăn khi quần chúng đồng ý. Để làm cho quần chúng đồng ý, chế độ sẽ dùng một lực lượng gọi là dư luận viên. Do đó, có thể nói rằng lực lượng dư luận viên mới là tác nhân chính đẩy người yêu nước vào tù. Qua cái chết của chị Phạm Thị Trà My, mong rằng cậu em Phạm Mạnh Cường ngộ ra luật nguyên nhân-kết quả, và thức tỉnh cho tội lỗi của mình, có khi là tội giết người mà mình chẳng hay.



Ảnh Phạm Trà My "cô chiêu" mặc Kimono tại Nhật

Người cầm búa đóng đinh Đức Giê-su là binh lính La Mã. Vậy tại sao dân Do Thái bị lưu đày? Thưa vì người Do Thái xúi lính La Mã giết Đức Giê-su. Tội xúi giết người nặng hơn tội nghe lời xúi rồi giết người. Thương cho cô gái Phạm Trà My, bởi nếu em lên tiếng bảo vệ lẽ phải thì sẽ bị gia đình đàn hặc, còn nếu em hùa theo gia đình để tôn thờ bạo lực, thì cái chết của em cũng nói lên tất cả rồi. Người con gái ấy sinh ra ở nơi khắc nghiệt và không hề có lựa chọn thứ ba.
Người chết đã chết. Cộng đồng vẫn nên gửi tiền cho gia đình này lo phúng điếu. Một thời gian sau hy vọng họ sẽ ngẫm ra điều gì đó, rồi đi làm nghề khác, đừng đi làm nghề bán miệng nuôi thân. Ông Hà Hồng Sơn, người tìm được ảnh ăn chơi của cậu em Phạm Mạnh Cường, mặc dù rất thương người chị Phạm Thị Trà My, nhưng cũng phải tức tối viết lên: “Đi tỵ nạn cộng sản mà tốn tới 30.000 bảng Anh, nhà cửa thì chà bá, có xe hơi sang chảnh, đi bar uống rượu Tây hút xì gà lia lịa… Giờ thì kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền! Ủa, 30 000 bảng đó chưa trả cho tụi kia thì dùng mà làm chi phí, đâu phải bức bách gì lắm. Còn không bán chiếc Mer là dư xăng rồi…”
Theo ghi nhận của phóng viên, đến giờ này rất nhiều người giận gia đình Phạm Mạnh Cường. Nhưng không phải gia đình này ác để mà đáng giận, mà chỉ là dốt mà thôi. Ảnh chụp màn hình, nghi vấn My là thành viên của dư luận viên AK47, My có hộ chiếu Trung Quốc. Đính kèm bài này là ảnh chứng minh Trà My  ủng hộ luật Đặc khu.


Ngày 10-6 là dân ta xuống đường biểu tình và bị tắm máu, cô gái xinh đẹp người Can Lộc tên Trà My ủng hộ cảnh sát đánh dân.

Hỡi ôi!. Vừa thương em, vừa hận em.

Theo như các thông tin "nghiêm túc" Cô Phạm Trà My có 1 anh trai và em trai. Gia đình nghèo phải mượn tiền mua xe cho người em trai chạy taxi, chiếc xe bị cháy khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần, vì thế cô phải xuất ngoại kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Đó là thông tin khi gia đình trả lời phỏng vấn. Thông tin này thật cảm động khiến cô Mạc Việt Hồng ví von như là Nàng Kiều bán mình chuộc cha.
Tuy nhiên một số hình ảnh lưu lại FB Phạm Gấu (Phạm Mạnh Cường) người anh ruột của Trà My thì có vẻ là một gia đình không nghèo khó như các thông tin "nghiêm túc" đã đưa, nếu không muốn nói là gia đình khá giả. Phạm Mạnh Cường có vẻ là người biết ăn chơi thời thượng. Riêng Phạm Trà My có những tấm hình đi du lịch khắp các nước giàu có, như Nhật, Mỹ. Ngoài ra cô còn là thành viên hội cờ đỏ.
Trong khi cảnh sát Anh chưa xác định nạn nhân là ai mà anh tài xế Taxi Phạm Mạnh Cường đã lên FB đăng quảng cáo quyên tiền "để đưa em gái mình về ". Ngoài ra chính phủ Anh có thể sẽ trả chi phí để vận chuyển thi hài về quê quán. Rõ ràng anh tài xế Taxi đang lợi dụng cái chết của Phạm Trà My để kiếm tiền.

Những ai dễ mủi lòng vì câu nói "con chết vì không thở được" đã đóng góp tiền cho Phạm Mạnh Cường. Hãy tự hỏi chính mình, vậy còn lại 38 người khác cùng chết trong phòng lạnh, cũng không thở được. Tại sao mình lại dành riêng cho Phạm Mạnh Cường?
Phụng Mai




Từ chuyên cơ Quốc hội đến container đông lạnh

Nghĩ về thân phận người dân

Phạm Minh Vũ

Ngày 4 đến ngày 7/12/2018 đoàn Quốc Hội Cấp Cao của Quốc Hội Việt Nam do chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn, đã có chuyến thăm chính thức 4 ngày tại Hàn Quốc. Chuyến thăm này ngang với chuyến thăm cấp nhà nước. Trong chuyến đi đó, những tay buôn người đã đưa trót lọt 9 người sang Hàn bất hợp pháp, một bị bắt một đầu thú.
Ngày 23-10 mới đây, truyền thông Uk và thế giới đưa tin trên chiếc xe đông lạnh cố gắng vào UK, người ta tìm thấy 39 thi thể. Sau đó liên tục nhiều gia đình người Việt Nam thông báo con em họ mất tích. Người ta tìm hiểu ra, mới thấy có cả đường dây buôn người đưa người sang làm việc bất hợp pháp ở đó.
Thì ra, một đất nước gọi “thiên đường”mà từ quan chức cao cấp đến dân đen đều là những tay buôn người chuyên nghiệp. Chỉ có khác nhau về đường đi, là Chuyên cơ Nguyên thủ Quốc gia và Contaier.
Một đất nước gọi là thiên đường, không chỉ là dân nghèo phải tìm cách trốn chạy khỏi quê hương mà còn có cả những kẻ đầy quyền lực và nhiều tiền. Hai thân phận khác nhau, hai cuộc đời khác nhau, xuất phát 2 điểm nhưng cuối cùng cũng chung một hướng, đó là phải rời bỏ quê hương vì lý do nào đó.

Khi ngồi trên chuyên cơ, dành cho Nguyên thủ quốc gia hay ngồi trong Contaier. Chắc chắn nhiều người trong số đó, sẽ nghĩ về nơi đến tốt đẹp, và sung sướng hơn so với Quê hương của họ.
Ít ra, họ sẽ không uống nước ô nhiễm đầy dầu nhớt, không phải hít nhiều bụi mịn hàng ngày, hay họ sẽ ít mắc bệnh ung thư hơn, hoặc trong 10.000 người chết bởi tai nạn giao thông mỗi năm sẽ không có họ.
Hay họ đến một nơi nào đó, khi có nhà thì không lo bị cưỡng chế, không lo bị cướp bởi cái gọi là “quy hoạch”. Họ đến nơi họ nghĩ chắc chắn sẽ không có chuyện ở tù khi đòi môi trường sạch, hay bị đánh đập khi yêu cầu giảm giá xăng?
Vâng, dù là bất cứ đâu họ đến, đều vẫn tốt hơn ở Việt Nam tất cả mọi mặt. Chỉ thương cho người ở lại - Ngay lúc này!



Chuyện kể của những phụ nữ VN nạn nhân buôn người

Đã qua thời vượt biên, đổi máu lấy tự do của những con người khốn khổ Việt Nam. Thế mà vẫn có những con đường hẹp và tối, vương đầy máu và nước mắt của những người Việt đi mưu cầu hạnh phúc ở xứ người. Nhân câu chuyện về 39 người thiệt mạng trên chiếc xe container vào Anh, Đài Á Châu Tự Do mời quý vị xem lại một phóng sự đã thực hiện trước đây về nạn buôn người từ Việt Nam vào Châu Âu.
Khánh An, phóng viên RFA

***

Những bó hoa tưởng niệm những người thiệt mạng trên chiếc xe tải khi vượt biên vào Anh hôm 23/10/2019
Bước chân vào địa ngục
Tình trạng buôn người tưởng đã lùi vào dĩ vãng vẫn xảy ra tại Đông Âu và châu Âu, nơi những phụ nữ Việt phải đánh đổi danh dự, tiền bạc và thậm chí cả sinh mạng cho đường dây khủng khiếp mà phóng viên Khánh An của đài chúng tôi phát hiện qua lọat bài phóng sự sau đây về những địa ngục trần gian ấy.
Điều kiện đầu tiên mà tôi phải chấp nhận để được nghe chị kể một phần câu chuyện của đời mình là thay đổi tên của chị.
Chị bảo: “Lấy tên chị là Kim Anh nhé”. Tôi đồng ý.
Mà cũng tại cái đất nước Đức đã làm cho chị cứ phải hồi hộp, co rúm người đến như thế, chứ ngay cả cái tên gọi hiện tại cũng đâu phải là tên thật của chị khi còn ở Việt Nam bởi nếu khai tên thật, chị đã bị trả về nước từ lâu, lấy ai ra làm tất tần tật những công việc ở tận đáy xã hội, vào tù ra khám, để trả món nợ vay mượn đi nước ngoài hai năm trước đây.
Chị bảo quê chị ở Nghệ An, đàn con của chị năm đứa xâm xấp lớn. Công việc làm ăn ở quê nhà thất bát đã khiến chị tìm đường xuất ngoại sang Âu.
Nghe bảo có đường dây đưa đi chỉ tốn mười mấy ngàn đô mà sang bất cứ nước nào ở châu Âu cũng được.
Chị lần hỏi, biết được người làm đường dây cũng là người trong vùng, một trong số họ lại là người có đạo nên yên tâm phần nào.
Chạy vạy vay mượn đủ số tiền 14.000 USD, chị chồng tiền rồi hồi hộp đợi ngày lên máy bay. Ngày lên đường, chị mang theo hy vọng và tương lai của cả gia đình. Thế nhưng hành trình đến trời Âu không như chị nghĩ…

Thăm thẳm miền đất hứa
"Chị không ngờ sang bên này nó khổ cực thế. Thực sự là như thế. Nó khổ lắm em ạ! Hồi đó chị đi qua thì qua Tiệp, rồi từ Tiệp đi sang bên này. Nó làm theo kiểu công ty đi khảo sát thị trường".
Đúng theo hứa hẹn của người môi giới, lần đầu được đi máy bay, lại trong vai trò người “đi khảo sát thị trường”, chị thấy lâng lâng, chị bắt đầu thấy mình có quyền mơ về một tương lai sáng sủa hơn nơi đất khách.
Đến Tiệp, người dẫn đường bảo đã đến lúc phải đi đường rừng sang Pháp, coi như đọan đường đi bằng giấy tờ hợp lệ đã kết thúc. Chị nghe thế cũng thấy lo lo...
Một nhóm người lầm lũi đi bộ trong rừng giữa cái rét căm căm của mùa Đông trời Âu. Chị đi từ Tiệp sang còn đỡ, những người bạn cùng cảnh ngộ chị đi sang từ Nga còn khổ hơn. Chị kể:
"Sau khi sang đến Nga thì nó bắt đi bộ trong rừng, phải đi bộ trong rừng 3 ngày mà tuyết lút đến quá đầu gối, phải nhịn đói. Nó cho ăn bánh mì với nước thôi rồi nó đưa vô trong một cái nhà nó nhốt, chờ có xe đến thì cứ khỏang 7, 8 người cho vào trong một cái xe thùng bịt kín đi sang Pháp.
Sang Pháp thì rất chi là khổ. Chị cũng ở bên Pháp 4, 5 tháng trời. Khổ lắm em ơi! Ăn rồi ở trong rừng trong rú. Mình tự làm một cái lán, dựng lên ở trong rừng rồi cả nam cả nữ khỏang 10 người ngủ chung với nhau.
Khổ lắm em! Ăn uống thì cái quân đường dây nó cũng cho ăn hai bữa nhưng mà nó cứ đi mua thịt gà về rồi cho ăn với cơm. Ngày nào cũng như ngày nào. Còn rau thì ở đó có rừng, có cây, đi ra hái lá về ăn thế, làm rau".

Địa ngục trong rừng
Thời gian sống trong rừng quả là nỗi ám ảnh đối với chị và các bạn đồng hành. Theo lời chị kể, không những phải nhịn đói, chuyện tắm táp đối với họ cũng là một thứ nhu cầu xa xỉ.
"Khổ cực kỳ luôn. Một tuần nó đi xách nước về nó cho tắm 1 lần thôi. Đó là đàn bà. Còn đàn ông thì chỉ có đánh răng, rửa mặt thôi. Nước chỉ để đánh răng, rửa mặt thôi".
Nhưng điều kinh hòang nhất không phải là chuyện thiếu thốn vật chất mà là một nỗi đau khác, lớn gấp vạn lần.
Chị kể, để đến được một quốc gia Châu Âu, thường phải ở trong rừng ít nhất cũng vài ba tháng trong thời gian chờ người dẫn đường tìm được xe để “đóng” lậu người vào:
"Có đôi ngày nó dắt mình bảo ra nó đóng xe nhé. Nó bảo bỏ mình lên xe nhưng thực tế nó đưa mình ra chỗ hẻo lánh. Nó hiếp dâm mình, bắt mình ngủ với hắn. Nếu mà không ngủ với nó thì nó lại không đưa mình đi.
Mà ở đất khách quê người, mình biết chỗ nào với chỗ nào đâu. Tiếng tăm thì không biết… Già trẻ gì nó có chừa ai đâu em. Nó không chừa một ai hết.
Dạng quân nớ thì chết ngày giờ nào không biết! Ác quá đi! Đi sang mới thấy cái cảnh đúng là nó ác. Nhất là phụ nữ, nhiều khi nó đè ép.
Có nhiều người già người ta không chịu được, người ta quỳ chắp tay lạy nó mà nó vẫn đè cổ ra nó ngủ với người ta. Không có tính người đâu em, khi đó hắn nỏ có tính người đâu em.
Trước tất cả mọi người đấy, nó bắt là “con này, con này tối hôm nay phải ngủ với tao”. Nó bảo thế. Nó không phải là có một đứa không thôi đâu. Nó có 7, 8 đứa, nó xếp đặt “con này phải ngủ với thằng này, con này ngủ với thằng nọ thằng kia… Nó bắt như vậy đấy. Chống nó, nó đưa súng gí trên đầu đó".
Chuyện hãm hiếp tập thể cứ thế diễn ra trong rừng sâu. “Chẳng ai hay, chẳng ai biết, họa may chỉ có ông trời”, chị bảo thế.
"Nói xin lỗi em, đợt nhà chị đó 7, 8 đứa, có đôi đứa đến tháng, nó chắp tay nó lạy nó bảo là nó đến tháng đấy mà nó bảo là “tháng cũng kệ” mà. Nó gí súng vào trong cổ và bắt cởi quần áo ra".
Cực nhọc và tủi hổ, tất cả những người khốn khổ này ai cũng mong đến ngày được “đóng” lên xe. Chẳng biết bao giờ sẽ đến miền đất hứa nhưng ít nhất không phải nhìn thấy những cảnh đau lòng hằng ngày, không phải đối diện với “quân ác thú” và cả những thẹn thùng cứ dấy lên trong lòng…
Cuộc hành trình của họ tuy vậy không biết đến bao giờ mới tới bến bờ của niềm hy vọng mà họ theo đuổi.

"Đóng xe"
Đối với các nạn nhân của đường dây buôn người, được gọi đi “đóng xe” là xem như bước sang một chặng đường mới với những hy vọng mới. Tùy vào cung đường và quy mô của đường dây mà cách đóng người vào xe sẽ khác nhau.
Vẫn giọng đều đều, chị kể cách chị được vận chuyển giữa những chặng đường đến Pháp.
"Nó bỏ trong thùng xe đấy. Không phải là nhà xe đồng ý đâu. Nó bỏ trộm đấy. Ví dụ như xe nó đậu đấy nó nghỉ hoặc đổ xăng thì nó rình rình nó rạch bạt rồi nhét nhà chị lên. Có một hôm chị phải đi một cái xe mà em biết không, nó cho chị ngồi ở dưới gầm xe. Ở dưới cái gầm đó ngồi được khoảng hai người. Nó nhét nhà chị vào đấy ngồi co ro co ro, quay bên này không được, bên kia không được".
Nhưng dù khó thế nào, chị vẫn thấy mình may mắn hơn khối người khác. Chị biết có người đã bị nhét nhầm vào một chiếc xe chở hàng đông lạnh. Đến khi chủ xe phát hiện ra, nạn nhân đã chết từ bao giờ. Lại cũng có người vì phải vùi trong tuyết và đá lâu ngày, bàn chân thối rữa, không còn cả chân để mà đặt lên vùng đất mơ ước. Nói đâu xa, cháu của chị cũng còn kém may mắn hơn chị nữa là.
"Lúc nào mà mình biết đoán giờ như thế nào thế nào thì khi xe vô công ty hoặc dừng ở đâu, mình đập (cửa) bắt nó dừng. Có đôi thằng nhà xe nó ác, nó thấy mình như thế là nó xuống nó đập cho, nó đập đau em ạ. Chị có thằng cháu bị nó đập cho gãy cả tay. Kiểu mình đập cửa xin xuống, rồi xuống chắp tay lạy nó mà nó còn đập cho đấy".
Số mạng của chị và thằng cháu như thế là còn may. Những người đồng cảnh ngộ của chị còn khốn khổ hơn, có nhiều người mãi mãi chẳng bao giờ đến được vùng đất mơ ước, như trường hợp của những người đồng hành trên chuyến xe của người bạn chị. Chị ấy tên Hạt.

Chuyến xe kinh hoàng
Chị Hạt quê ở Quảng Bình. Chị là nạn nhân duy nhất sống sót trong chuyến xe kinh hoàng từ Pháp sang Berlin, Đức.
"Bảy người đi mà mỗi người đến từ mỗi hướng nên chị cũng chẳng biết, có điều ba người chính thức từ Việt Nam là chị, chị Thê với anh Vinh. Hai người nớ chết rồi, còn một mình chị là sống".
Hành trình “đóng xe” của chị Hạt lại khác. Chị cũng đi từ Tiệp sang Pháp, cũng lội bộ trong rừng nhiều ngày, nhưng chuyến xe tải đi từ Pháp đi lại được do chính những người trong đường dây tổ chức.
"Xe tải to đấy là xe hắn chở những cột điện to lắm, giống như để mình làm ống cống, cầu… Hắn chở nhiều lắm, một xe tải dài như thế. Hắn bắt bọn chị ngồi trong cái đó. Hắn bảo khi nào qua cửa khẩu thì đừng nói gì hết. Khi nào qua cửa khẩu, hắn mới cho mình nói và thở. Sợ qua trạm gác người ta thấy đấy. Im lặng như thế mà điều chị say xe, chị Thê kể lại cho chị hết, bảo là chị nôn ọe mà họ không cho chị nôn. Họ bịt mồm chị lại. Họ bảo là muốn nôn thì khi nào qua cửa khẩu thì hãy nôn, mà chị muốn nôn thì chị chả biết lúc nào và cửa khẩu chi hết!".
Xe đi được một đọan thì bị cảnh sát chặn bắt. Thế là một trận rượt đuổi kinh hoàng diễn ra. Chị Hạt vẫn còn nhớ như in cuộc trốn chạy ấy.
"Công an rượt. Lúc lên xe là công an họ biết. Họ theo dõi từ Tiệp qua rồi. Họ bảo là cái xe này chở người lậu từ Tiệp qua. Họ dừng lại, họ muốn bắt sống, rồi họ rượt. Người lái xe hoảng, sợ lộ ra đừơng dây nên bỏ chạy. Chạy tốc độ cả 180 km/giờ. Chạy mà đường vắng tanh mà đâm vào cột cây bị nát ra. Lúc mà còn đang rượt chạy thì ông đó (trong đường dây) bảo là “các anh ngồi cho yên, khi nào chúng tôi bảo nhảy là nhảy”. Chị bảo là chị không nhảy được. Rồi ông đó nghe điện thọai một chập thì ổng vứt điện thọai. Ổng chạy vòng quanh đường này qua đường kia rồi không biết chạy đi đâu, ổng đâm vào gốc cây và cháy xe. Cháy xe tan tác, nát ra, người cháy trong nớ hết mà. Còn chị là do 6 người lên trước, họ lên xe trước họ có chỗ ngồi, có dây thắt bảo hiểm trong xe nên họ bị cháy. Nhưng chị may mắn cảm ơn Chúa là chị ngồi cạnh sườn cửa đấy. Đâm vào cây thì xe bắt đầu cháy, còn chị bị văng ra".
Cũng nhờ bị hất ra khỏi xe mà chị Hạt thóat chết. Chị được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng nỗi ám ảnh về những cái chết khủng khiếp ấy vẫn cứ theo chị đến bây giờ…

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ước đoán mỗi năm có khoảng 600.000 - 800.000 là nạn nhân buôn người
trên thế giới (Photo by Chernush for the US State Department)

Đường dây nhiều chân rết
Thông thường, nạn nhân tiếp xúc với đường dây qua một người môi giới tại địa phương. Những người này móc ngoặc với một số công ty du lịch và công ty tư nhân để lo giấy tờ cho các nạn nhân dưới hình thức đi tìm hiểu thị trường kinh doanh hoặc đi du lịch.
Chi phí cho chuyến đi lao động trong khoảng 8.000 – 25.000 USD, tùy theo… lương tâm của người môi giới. Chị Kim Anh cho biết chị phải trả 14.000 USD cho chuyến đi của mình. Chị Hạt may mắn hơn khi chỉ phải trả hơn một nửa số tiền trên.
"Họ nói với chị nạp 8.500 (USD). Bọn đường dây nói với chị là nạp tiền đủ để đi thẳng qua Đức nhưng làm giấy tờ của chị là qua Tiệp".
Hầu hết các nạn nhân đều không được tiết lộ chi tiết của hành trình chuyến đi mà ngược lại, họ thường bị lừa phỉnh kiểu như thế này:
"Giao tiền trước. Muốn bay vào nước nào cũng được hoặc bay thẳng vào Đức cũng được vì giấy tờ này là được đi khắp Châu Âu mà".
Bùi Công, một trong những người môi giới ở Nghệ An khẳng định như vậy. Thế nhưng khi được hỏi chi tiết về hành trình sang Đức, ông Công lại nói:
"Nhưng mà bay sang Đức thì thường thường người ta không cho bay sang Đức mà bay sang Pháp hoặc Tiệp rồi người ta đi tàu sang thôi. Nhưng mà đến phần đó thì trách nhiệm của nhà em, có người đưa sang đến Đức là được. Từ Pháp sang là có người của nhà đưa sang tới nơi".
“Người nhà” mà ông Công đề cập tới chính là những chân rết của đường dây, có mặt ở khắp nơi, từ Nga, Tiệp đến Anh, Pháp, Đức…
Sau khi các nạn nhân có giấy tờ lên máy bay và sang đến Tiệp, những chân rết này bắt đầu liên kết các nhóm nạn nhân để đưa vào rừng đợi đóng lậu xe hoặc tự vận chuyển nạn nhân trong các xe chở hàng ngụy trang. Chính vì vậy, những tin tức về tình trạng người nhập cư lậu bị bắt hay chết trong các xe chở hàng dần dần trở nên quen thuộc với người dân bản xứ. Đã có rất nhiều cuộc bố ráp của cảnh sát địa phương nhằm triệt hạ các đường dây này nhưng những nỗ lực ấy vẫn không ngăn chặn được tình trạng gia tăng tệ nạn buôn người. Chị Kim Anh cho biết thêm:
"Nói chung ở Đức đây, đường dây của nó có rất nhiều người. Thằng này bị bắt thì có thằng kia. Ở Đức đây họ cũng làm ngặt lắm. Họ theo dõi từng tí, điện thoại các thứ nó theo dõi nhưng mà cũng không lại được dân mình đâu. Dân Việt Nam mình sống lèo lái giỏi lắm! Nó giỏi cực, em ạ! Như ở Đức đây chị cũng đã chứng kiến một vụ họ bắt cái tội đưa người đấy. Khi ra tòa, họ mở điện thoại, mình điện thoại cho ai, nói như thế nào, nó mở cho mình nghe hết đấy mà vẫn không lại đâu vì thực sự ở bên Đức đây cũng có người Việt Nam là luật sư các thứ đấy, có tiền nó đút rồi cũng xong cả thôi".

Nợ nần và ngồi tù
Do sự theo dõi, kiểm soát khá gắt gao của cảnh sát địa phương nên rất nhiều nạn nhân của đường dây buôn người đã phải chịu cảnh ngồi tù hàng tháng trời trong hành trình đến trời Âu. Chị Kim Anh cũng là một trong số đó:
"Chị ở Pháp được 3 tháng nhưng mà cũng phải vô tù mất hơn một tháng. Thì mình ở trong rừng kiểu bất hợp pháp, không có giấy tờ gì nên công an nó bắt, nó đưa về nó nhốt".
Ngoài tù tội, đa số nạn nhân còn phải gánh một khoản nợ lớn cho chi phí chuyến đi. Có nhiều người phải thế chấp nhà cửa, thậm chí thế chấp cả nhà cha mẹ, anh chị em họ hàng để đủ điều kiện vay ngân hàng như trường hợp của chị Hạt:
"Nhà chị là 80 triệu, nhà chị dâu chị là 50 triệu này, 3, 4 căn nhà gì đó mới đủ tiền. Khổ cực mà họ ăn của chị cũng nhiều. Dân ở nông thôn, nạp xong tiền rồi mà họ cho đi là mừng chứ không kể chi đắt. Mà em biết, đi vay ngân hàng họ cũng ăn nữa tề. Ngân hàng phải đi đút lót cho họ mới vay được tiền. Em biết không, vay tiền ngân hàng này rồi nói là đi sang nước ngoài cho đổi đời nhưng đời con tàn này, đời vợ khổ, đời chồng khổ đâu ai biết đâu, mà qua đây có người chết vì nợ. Không riêng chi Đức mà Anh có người chết, đến năm sáu trăm triệu họ trả không nổi họ cắn lưỡi chết trong tù luôn".
Một khi đã chồng tiền, các nạn nhân không có bất cứ hy vọng nào được hoàn trả, dù chuyến đi có đến đích hay bất thành. Ngay cả những nạn nhân đã chết trong chuyến đi của chị Hạt, họ không những không được bồi thường sinh mạng, mà cả số tiền họ nộp cũng không được bồi hoàn đầy đủ. Chị Hạt kể:
"Họ nói chị chết rồi, họ cúng lại cho chị 1.000 đô, là chừ hiện tại chị đi 7.500 đô thôi".

Trách nhiệm thuộc về ai?
Ở một vùng quê Nghệ An, nhiều người muốn xuất ngoại thường tìm đến Bùi Công, một trong những đầu mối đường dây đưa người lậu sang châu Âu khá “nổi tiếng”. Bùi Công tỏ ra rất tự tin với uy tín lâu năm về dịch vụ chuyển người lậu của mình:
"Nếu mà có người thì chỉ cần đưa hộ chiếu với các thứ giấy tờ để đây làm cho chứ có vấn đề gì đâu. Làm xong rồi các thứ tiền đưa rồi thì bay thôi chứ có gì đâu. Nhà đây làm cho cả làng, cả nước cơ mà".
Ông Công thậm chí không giấu diếm “hình thức kinh doanh” của ông khi giới thiệu dịch vụ với khách hàng:
"Người ta đi du học hoặc đi lao động thì có giấy tờ của công ty, còn đây không làm theo kiểu đấy mà làm theo kiểu tư nhân mình thôi. Đây từng làm cho mấy công ty bây giờ đi nhưng mà trong đấy nếu mình làm cho người đi sang châu Âu thì gọi là làm trái phép. Luật pháp người ta không cho nên mình đi theo kiểu làm chui. Làm chui nhưng mà giấy tờ khi người ta ra đi là đàng hoàng chẳng hạn ở nhà với bên kia làm hợp đồng mua bán về thì hợp đồng đó là hợp đồng giả nhưng xin vào sứ quán cấp visa cho thì visa đó là visa thật. Nếu mình mà ký hợp đồng vào trong công ty thì người ta bắt nộp thuế cho nên là không có trong công ty".
Có một điều lạ là đã có rất nhiều nạn nhân đã bị lừa gạt, mất danh dự, tiền bạc và thậm chí cả tính mạng trên đất khách khi vô tình sử dụng những đường dây này. Thế nhưng chẳng ai buồn lên tiếng tố cáo tội ác của họ. Càng hiếm thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc để can thiệp cho người dân nghèo. Chị Kim Anh tỏ ra mất lòng tin:
"Ở bên này nếu đúng là người Đức thực sự, người ta không bao giờ ăn của hối lộ như thế nhưng ở Việt Nam mình còn trắng trợn gấp nghìn lần. Nói chung, Việt Nam mình em cũng biết, ăn tiền xong là hết việc. Đen thành trắng, trắng thành đen. Việt Nam mình là thế. Có tiền là xong cả".
Có lẽ chính những yếu tố trên đã tạo điều kiện cho các đường dây buôn người hoạt động dễ dàng và công khai. Những chân rết của nó vẫn cứ sống khỏe và ngày càng giàu có nhờ nguồn tiền tính bằng đô-la chảy vào túi từ máu, nước mắt và mồ hôi của người lao động nghèo. Vậy, công lý nằm ở đâu?




Nạn buôn người tại Việt Nam

CTV Danlambao - Theo báo cáo hàng năm của chính phủ Anh vào năm 2018 về nạn buôn người thì Việt Nam đứng thứ 3 trong những quốc gia xuất phát đưa người vào Anh Quốc qua các đường dây buôn người, qua mặt Trung Quốc là nước xếp hạng thứ 4.
Tuy nhiên, Anh Quốc chỉ là một trong rất nhiều "điểm đến" của hệ thống buôn người tại Việt Nam. Đàn ông, phụ nữ lẫn trẻ em Việt Nam đã trở thành những món hàng lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục qua đường dây từ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan, Mã Lai, Ma Cao, các quốc gia ở Trung Đông... Những nạn nhân này hoặc là bị cưỡng bức lao động, hành nghề mại dâm tại những quốc gia này hoặc được chuyển sang các nước ở Âu Châu, trong đó có Anh Quốc.
Campuchia là nơi là các trẻ em thường bị đem bán vào các dịch vụ mại dâm, điển hình là tại "làng Việt Nam" Svay Pak đã làm dư luận quốc tế quan tâm từ hơn 10 năm trước hay tại Siem Reap kéo dài đến ngày hôm nay.
Trung Quốc trong đó có Ma Cao là "điểm đến" của các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam cho các dịch vụ mại dâm. Trong khi đó thì Đài Loan "nổi tiếng" với thị trường môi giới phụ nữ Việt lấy chồng Đài và công nhân xuất khẩu lao động.
Trong nhiều trường hợp, thành phần môi giới bao gồm thành phần xã hội đen Việt, Tàu còn có sự tham gia, tiếp tay của các quan chức cộng sản cũng như thành phần doanh nhân xem đây là một dịch vụ làm ăn màu mỡ, không cần nhiều vốn liếng tài chánh mà chỉ cần vốn con người.

Hoa Kỳ hiện xếp hạng nhà cầm quyền CSVN vào hạng thứ 2 - Tier 2 trong lãnh vực buôn người. Tier 1 là quốc gia mà nhà cầm quyền không đáp ứng nhưng có cố gắng trong nỗ lực tuân thủ những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc ngăn chận tệ trạng buôn người.
Trước đây một người Việt muốn sang "hợp tác lao động" phải mượn và ký giấy nợ từ USD 6000 đến USD 10000 với các "công ty môi giới" để được ra khỏi "thiên đường XHCN" để "đi tìm một tương lai tươi sáng" ở xứ người. Trong trường hợp mới xảy ra tại Anh Quốc, nạn nhân phải trả đến gần USD40000 để được đưa đi. Thường thì họ phải vay trước và sau đó trả nợ từng phần.
Số tiền nợ này đã trở thành "vòng kim cô" tròng vào đầu những nạn nhân. Họ trở thành những kẻ bị cưỡng bức lao động mà không thể phản đối hay chống lại vì nguy cơ bị tống trả về nước và mất nhà mất cửa, bị giới xã hội đen "làm thịt" vì không có khả năng trả nợ.
Nhưng đó vẫn là những người tương đối "may mắn". Nhiều nạn nhân thay vì được đưa vào những công ty tại Đài Loan để làm công nhân nô lệ thì bị đưa đến những hòn đảo hoang vắng ở Đài hay đưa sang các thành phố ở Trung Quốc làm nô lệ tình dục. Họ bị ngăn cách hoàn toàn với quê nhà, thế giới bên ngoài và ngay cả tại những thành phố bị đưa đến. Tất cả đều bị cô lập trong những nhà chứa, ngôn ngữ bất đồng và không được có phương tiện liên lạc như điện thoại, internet.
Việc những người Việt Nam bị chết trong xe tải đông lạnh ở Essex, Anh Quốc chỉ là một mảng nổi bị phát hiện trong một tình huống bi thảm. Bi thảm hơn là hàng ngàn trẻ em, thiếu nữ vẫn đang còn sống nhưng số phận còn thê thảm hơn những người đã chết như là một giải thoát cuối cùng. '
Ở khắp hang đen ngõ tối bên ngoài "thiên đường CSVN" là số phận đen tối của những người bị bỏ quên, đang là nô lệ thời đại mới "modern slaves". Tiếp theo họ sẽ là những người nô lệ mới cứ bị tiếp tục xuất khẩu khỏi Việt Nam trong một hệ thống mà trung ương vẻ vời những chính sách ngăn ngừa nạn buôn người, nhưng chính những chương trình xuất khẩu lao động chính thức cũng là bàn tiệc để cho các quan chức địa phương cấu kết với con buôn và xã hội đen khai thác món thịt người để bán ra xứ người.
26.10.2019
CTV Danlambao

danlambaovn.blogspot.com

 

Đăng ngày 5 tháng 11.2019