Giáo sư Lý Chánh Trung qua đời
Giáo sư Lý Chánh Trung qua đời ngày 13/3 tại nhà riêng ở Thủ Đức, hưởng thọ 89 tuổi.
Ông sinh năm 1928 trại Trà Vinh, là một cây bút nổi tiếng tại Sài Gòn với các tác phẩm triết học và những bài báo viết về thanh niên Việt Nam trước 1975.
Ông Lý Chánh Trung từng giảng dạy đại học tại Văn Khoa Sài Gòn, dạy triết học tại Viện Đại học Huế và Đà Lạt.
Những tác phẩm nổi tiếng của ông trước 1975 như Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức, Tìm hiểu về nước Mỹ, Bọt biển và sóng ngầm, Tôn giáo và dân tộc.
Ông Nguyễn Quốc Thái, biên tập tờ Tạp chí Đất Nước năm 1966 nói ông Trung là người “có tư tưởng rất cách tân”. Khi đó ông Lý Chánh Trung làm chủ nhiệm tờ này.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, ông Thái mô tả: “Cái nhìn của anh Trung được sự chú ý của giới trí thức trong nước, giới Công giáo và người ngoài Công giáo. Nhiều bài của anh gây ấn tượng với Hội đồng Giám mục lúc đó."
Image caption-Giáo sư Nguyễn Đình Đầu và ông Nguyễn Quốc Thái (phía sau) tại lễ viếng
"Những bài viết của anh Lý Chánh Trung về dân tộc, sau này tập hợp trong quyển "Tìm về dân tộc" đã đánh rất mạnh vào tâm thức, tình tự dân tộc của sinh viên, học sinh và trí thức. Và ngay cả cá nhân tôi, làm việc với anh Trung nhiều năm. Qua những bài viết của anh, tôi rất xúc động và phần nào ảnh hưởng quan niệm của tôi về mặt xã hội."
Những bài báo của ông bàn nhiều về chủ đề dân tộc, yêu nước, chiến tranh. Một số bài được tập hợp và in trong các tập Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức...
Một trí thức "bao dung"
Ông Thái nhận định: “Anh Trung là một nhà trí thức có uy tín. Các bài viết anh đặt ra có một sắc thái và tính cách riêng trong hoàn cảnh xã hội lúc đó, gây ấn tượng rất sâu sắc trong giới sinh viên học sinh, vốn đang đứng giữa một cuộc chiến tranh. Vào thời kỳ từ 1966 - 1969, anh Trung viết những bài khiến nhà cầm quyền lúc đó không vừa ý lắm. Nhưng cách đặt vấn đề của anh rất tình cảm. Anh nghiêng về ngôn ngữ đằm thắm với dân tộc, chứ không nghiêng về chủ nghĩa. Cách viết của anh thuyết phục được rất nhiều người.”
Giáo sư sử học Nguyễn Đình Đầu cùng với ông Lý Chánh Trung sáng lập tờ Sống Đạo từ năm 1962 – 1970. Ông Đầu nhận định: “Ông Lý Chánh Trung viết những bài có tính cách đời thường, giọng văn sâu sắc, hấp dẫn, về những vấn đề chiến tranh, hòa bình, về sự tranh đấu cho giáo dục tiếng Việt và tranh đấu cho người nghèo."
Nói với BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Đình Đầu nói ông Trung là một giáo sư triết học với “tinh thần bao dung”, “yêu dân tộc”và “tha thiết với Tiếng Việt”.
Ông Trung xuất hiện nhiều trong các phong trào học sinh, sinh viên xuống đường trước 1975.
Image caption- Ông Nguyễn Thiện Nhân đến viếng ông Lý Chánh Trung
Ông Quốc Thái cho biết: "Anh Chung xuống đường với sinh viên. Khi cảnh sát có thái độ mạnh tay với Đại học Văn Khoa thì ông đứng ra phản đối công khai. Trước 1975, ở miền Nam có quyền tự trị đại học. Cảnh sát xông vào khuôn viên một trường đại học mà nếu giáo sư và ban giám hiệu trường phản đối thì cảnh sát phải ra khỏi trường. Anh Lý Chánh Trung rất quyết liệt bảo vệ sinh viên xuống đường lúc đó”.
“Cho đến hôm qua tôi vẫn thấy một số sinh viên xuống đường thời đó đến viếng ông Lý Chánh Trung.”
Ông Nguyễn Quốc Thái đã cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đến tiễn đưa ông Lý Chánh Trung chiều 13/3. Cả ba người từng là những đồng nghiệp tại tờ Tạp chí Đất Nước từ 1966.
http://www.bbc.com/vietnamese/
Gs. Lý Chánh Trung có là trí thức cánh tả?
Bùi Văn Phú
Giới trí thức thời Việt Nam Cộng hòa ai cũng nghe biết đến giáo sư Lý Chánh Trung qua những bài viết gây sôi nổi về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và về tinh thần tôn giáo nhập thế.
Qua những tập sách, cùng hàng trăm bài viết trên các báo, ông đưa ra lý luận triết học, những cái nhìn từ đường phố, qua đó phản ánh quan điểm của ông là chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam, là mơ ước một xã công bằng, không còn cảnh người giầu bóc lột người nghèo.
Trong sinh hoạt của giới trí thức thời đó, giáo sư Trung không chỉ ngồi trong tháp ngà hay quanh quẩn ở sân trường, nơi giảng đường đại học để nói những điều lý thuyết mà ông đã dấn thân, xuống đường cùng với những nhà đối lập, những lãnh đạo tôn giáo, với thanh niên, sinh viên vì mục tiêu độc lập, tự chủ của đất nước. Ông tham dự ngày Ký giả Ăn mày dưới đường phố Sài Gòn, ông đến chùa Quảng Hương dự lễ ra mắt của Mặt trận Nhân dân Cứu đói.
Sinh hoạt của các phong trào, mặt trận này sau ngày 30/4/1975 đã được nhiều lãnh đạo thành đoàn xác nhận là những bình phong hoạt động của cộng sản.
Qua tác phẩm “Tìm về dân tộc”, xuất bản lần đầu năm 1967, khi tình hình chính trị miền Nam đầy rối ren và lính chiến đấu Mỹ đã được đưa vào Việt Nam, ông lên tiếng cảnh báo về một đất nước đang rơi vào hoàn cảnh bị đô hộ bởi người Mỹ, sau nhiều năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp, cho dù ông đã được theo học ở các “trường dòng”, tức trường công giáo, từ Taberd ở Sài Gòn, Providence (Thiên Hựu) ở Huế và ông đã theo đạo công giáo năm 20 tuổi, chọn tên Thánh là Phêrô. Năm 1950 ông đi du học Bỉ tại Đại học Công giáo Louvain và tốt nghiệp cử nhân tâm lý học và cử nhân chính trị học.
Năm 1956 ông về nước, làm việc tại Bộ Giáo dục với chức công cán ủy viên rồi lên đến đổng lý văn phòng của bộ. Ông cũng dạy triết tại các đại học ở Sài Gòn, Huế, Đà Lạt.
Ông chủ trương một đất nước hoàn toàn độc lập, không chấp nhận có trường Tây trên lãnh thổ miền Nam, vì cho rằng như thế sẽ đào tạo ra một lớp người Việt vong bản, mất gốc ngay trên quê hương. Ông kêu gọi phụ huynh cho con em theo học trường Việt cho dù số học sinh quá đông, đến 60 trong mỗi lớp, và trường sở phương tiện giáo dục còn thiếu thốn.
Rồi những năm sau đó ông lại chê hệ thống giáo dục của miền Nam khi ông viết trên báo Điện Tín ngày 20/1/1972:
“Ngay trong một môi trường tương đối thuận lợi như VĐH Đà Lạt, tôi thấy công cuộc giáo dục chẳng đi tới đâu hết cả, ngoài cái việc cấp phát hằng năm một mớ văn bằng. Những văn bằng mỗi năm thêm mất giá! Chẳng những mất giá vì trình độ sút giảm mà còn mất giá vì văn chương chữ nghĩa ngày nay đã rẻ hơn bèo, vì bực thang giá trị đã hoàn toàn đảo lộn, vì chiến tranh đã bít nghẽn mọi tương lai”. [“Đối diện với chiến tranh” tr. 165. Lý Chánh Trung, Nxb Trẻ 2000]
Từ những cái nhìn về triết học, tôn giáo, và trên quan điểm dân tộc giáo sư Lý Chánh Trung đã tham gia vào chính trị, vào các phong trào tranh đấu.
Tác phẩm của Gs. Lý Chánh Trung được xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: Bùi Văn Phú
Trước Tết năm 1968, ông cùng 65 giáo chức đại học ký tên vào một thư ngỏ với mục đích kêu gọi ngưng bắn giết trên quê hương: “Để có không khí thích hợp cho những cuộc đối thoại cởi mở giữa những phe tham chiến và nhất là để cứu hàng ngàn người tiếp tục đổ máu trong khi những người có trách nhiệm đang đi tìm sáng kiến giải quyết xung đột, chúng tôi thiết tha kêu gọi các phe tham chiến hãy kéo dài vô hạn định thời gian hưu chiến nhân dịp Tết Nguyên đán và tìm phương thức tiến ngay đến hòa bình thực sự”. [Báo Sống Mới ngày 24/1/1968, in lại trong “Đối diện với chiến tranh” tr. 22]
Một tuần sau khi lời kêu gọi được đưa ra, bộ đội cộng sản Bắc Việt mở những cuộc tấn công vào các tỉnh thành miền Nam ngay trong những ngày đầu năm âm lịch. Đó là Tổng Tấn công Tết Mậu Thân đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương.
Lời kêu gọi đó của những người trí thức, vì thực sự muốn hòa bình hay việc làm này đã được một ai trong lãnh đạo thành đoàn cộng sản chỉ đạo, để che đậy cho chiến dịch tấn công quân sự đang được khai triển? Nghi vấn đó cũng đã được nhiều người đặt ra cho giáo sư Lý Chánh Trung: Ông chỉ là người trí thức công giáo cánh tả, thuộc Thành phần thứ Ba hay ông được cộng sản móc nối để hoạt động nội thành?
Trong quá khứ ông đã phát biểu rằng ông không là đồng chí với người cộng sản mà chỉ đồng hành với họ. Ông được cho là đứng chung với những nhóm tranh đấu cho một miền Nam không lệ thuộc ngoại bang, không cộng sản.
Nhưng nhìn lại các phong trào tranh đấu chống chính quyền ở miền Nam, sau ngày 30/4/1975 nhiều cán bộ nội thành đưa ra những bằng chứng cho thấy nhiều tổ chức cánh tả và Thành phần thứ Ba đã được điều phối bởi cộng sản. Những nhân vật chính trị như Ngô Công Đức, Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung; tôn giáo như Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín và thành phần sinh viên học sinh như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Dương Văn Đầy, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Công Khế, Ngô Kha, chưa kể đến những người đã quyết định vào bưng theo cộng sản như Trương Như Tảng, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v…
Sau ngày 30/4/1975 giáo sư Lý Chánh Trung đã bị nhiều sinh viên một thời xem ông là thần tượng phản đối vì thái độ ủng hộ chính quyền mới của ông trước vấn đề sinh viên không được học hành mà bị bắt buộc phải đi nghe nhà nước tuyên truyền chính trị, về vấn đề học tập cải tạo kéo dài đối với quân cán chính miền Nam.
Trong khi đó ông tham gia Mặt trận Tổ quốc, là ủy viên ban chấp hành trung ương, làm phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh và được đưa vào Quốc hội các khoá VI, VII và VIII.
Ông chỉ bị thất sủng và sau đó bị loại ra khỏi các chức vụ nhà nước sau khi ông phát biểu năm 1988 về việc bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, tức thủ tướng, mà chỉ có một ứng cử viên. Ý của ông là không muốn bầu cử độc diễn vì trước đây ở Sài Gòn ông đã chống lại ông Nguyễn Văn Thiệu ra tranh cử chỉ có một mình vào năm 1971.
Khoảng thời gian đó là lúc có chính sách đổi mới về kinh tế và cởi trói về văn nghệ nên ông còn mời nhà văn Dương Thu Hương đến nói chuyện về những tác phẩm của bà.
Giáo sư Trung cũng được chú ý đến nhiều khi viết bài trên báo đưa ra nhận định là môn học chính trị về triết thuyết Mác-Lê không còn hợp thời đại vì thày thì không muốn dạy và trò cũng không còn muốn học.
Sau khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ và Liên bang Xô-viết tan rã thì ở Việt Nam mọi thứ lại bị xiết lại, với cá nhân ông, cũng như trong sinh hoạt của giới trí thức, văn học.
50 bài báo trước năm 1975 của Gs. Lý Chánh Trung được xuất bản trong nước năm 2000. Ảnh: Bùi Văn Phú
Giới trí thức miền Nam cũ mong đợi ông sẽ có những thái độ với nhà cầm quyền cộng sản trước những bế tắc của xã hội do bởi chính sách độc tài chuyên chính dựa trên chủ thuyết Mác-Lê, như một số nhân vật đã lên tiếng là Tướng Trần Độ, nhà toán học Phan Đình Diệu, ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách, linh mục Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, luật sư Đoàn Thanh Liêm, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, luật sư Lê Hiếu Đằng v.v… Nhưng ông đã không lên tiếng.
Kể từ đầu thập niên 1990 ông hầu như im lặng trước những vấn đề của thời cuộc.
Đến năm 2000, 50 bài viết của ông từ thời Việt Nam Cộng hòa được cho phép in lại trong tập “Đối diện với chiến tranh”. Đó là những bài chọn ra từ 300 bài viết đã được đăng trên các báo ở miền Nam như Sống Mới, Đối Diện, Tin Sáng, Điện Tín trước năm 1975.
Nhiều người trách thái độ xu thời theo cộng sản của ông. Theo hồi ký của kỹ sư Võ Long Triều, một người từng là bạn của giáo sư Trung, thì đó là vì thái độ ham danh lợi của ông.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa giáo sư Lý Chánh Trung năng nổ xuống đường, có dăm bảy tác phẩm được xuất bản và rất nhiều những bài chính luận, nhận định về sự đồi trụy văn hóa, bất công xã hội, về nguy cơ bị nô lệ ngoại bang đã được đăng trên các báo và tạp chí.
Nhưng trong 40 năm sống với cộng sản, ông dường như im lặng trước một xã hội vẫn đầy bất công, nền giáo dục xuống cấp, hòa hợp hòa giải dân tộc không có, quyền tự quyết không được tôn trọng là những điều trước đây ông luôn quan tâm và công khai lên tiếng.
Giáo sư Lý Chánh Trung sinh ngày 23/12/1928 tại Trà Vinh, mất ngày 13/3/2016 tại Sài Gòn, hưởng thọ 89 tuổi.
Các tác phẩm của ông: Cách mạng và đạo đức (1960), Ba năm xáo trộn (1967), Tìm về dân tộc (1967), Tìm hiểu nước Mỹ (1969), Những ngày buồn nôn (1972), Tôn giáo và dân tộc (1973) và Đối diện với chiến tranh (2000).
© 2016 Buivanphu
https://anhbasam.wordpress.com/
Trường hợp Lý Chánh Trung
Nguyễn Văn Lục
Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi
Ảnh: internet
Trong một bài biên khảo nhan đề: 20 năm giới trí thức miền Nam, tôi đã có dịp đề cập đến trường hợp Lý Chánh Trung.. như một biểu tượng của trí thức thiên tả miền Nam trước 1975. Nhưng nay ông vào tuổi xế chiều mà thời gian còn lại cho ông không còn bao nhiêu nữa. Vinh danh và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức tước cũng đã đến lúc trắng tay.
Cuộc sống của ông hiện nay lúc cuối đời xem ra thanh bạch, đạm bạc mà nhiều phần là túng thiếu.
Còn nhớ vào những năm tháng ấy, sau 1975- quyền lực trong tay cũng có- vậy mà Lý Chánh Trung cảm động và khoe một cách hãnh diện là vừa có học trò cho một bao gạo.
Bao gạo ấy đượm tình nghĩa thầy trò của người miền Nam, nhưng nó tố cáo một cách gián tiếp chế độ bất nhân ấy.
Cái còn lại như chứng tích duy nhất của nền Đệ Nhất Cộng Hòa để lại cho ông là căn nhà của ông ở làng đại học Thủ Đức, số 17 đường công lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Chính nơi đây con cái ông lớn lên, được nuôi dưỡng ăn học và nay là cái mái che mưa nắng cho ông lúc tuổi xế chiều
Sự đãi ngộ ấy có thể ông không bao giờ muốn nhìn nhận, có thể ông chỉ coi như một điều đương nhiên là như thế..
Nay được biết ông lại bị bệnh lãng trí nặng, đi lang thang quên cả lối về nhà. Chắc nhiều bạn bè thương cảm và buồn cho ông.
Buồn thì đúng rồi.
Nhưng với tôi, tôi nghĩ nó lại là cơ may, là nguồn hạnh phúc cho riêng ông.
Nếu ông còn trí nhớ, còn biết vui buồn, còn biết phân biệt thị phi nhìn thấy cảnh đất nước như ngày hôm nay- như trường hợp luật sư Lê Hiếu Đằng- thì có khi đến chết ông cũng không nhắm mắt được.
Lý Chánh Trung hơn ai hết là một giáo sư triết hiểu sự mất trí nhớ đôi khi lại là là con đường giải thoát cho riêng ông.
Mới đây nhất, cậu con trai út Lý Trung Dũng, sinh năm 1970, phóng viên báo Tuổi Trẻ trước đây bị xe ô tô cán, sau nhiều năm chữa trị đã qua đời ngày 22 tháng 11-2013.
Cuộc sống vắn vỏi ấy kết thúc một cuộc đời-kết thúc cả cuộc đời tuổi trẻ đến phi lý- phải chăng Lý Trung Dũng như một con chiên làm vật hiến tế thay cho bố?
Tin chắc là ông buồn vô kể. Như một phần đời của ông không còn nữa. Tôi còn nhớ, đến thăm ông, tiếng kêu của Dũng ở trong nhà vọng ra ngoài phòng khách, ông làm như thản nhiên tiếp tục nói chuyện.
Khi buổi chiều ra về, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Trên tay cầm cuốn: Một thời bom đạn, một thời Hòa Bình.
Lý Chánh Trung trước 1975, khi viết thường luôn luôn kết án chế độ tư bản bóc lột, đã làm tha hóa con người. Theo ông,con người bị vong thân trở thành những công cụ. Đó là hình ảnh của những con sen, thằng ở, cô vũ nữ, anh bồi, anh tài xế.. những người lao động là nạn nhận nằm trong mối tương quan: ông chủ - thằng ở.
Hoàn cảnh ấy so với người trí thức miền Nam trở thành công cụ cho chế độ cộng sản thì có khác gì? Nghĩ tới hoàn cảnh người trí thức miền Nam, miền Bắc- hoàn cảnh của một Lý Chánh Trung hiện nay thì cũng chỉ là một công cụ của chế độ? Nói huỵch tẹt là một thứ nô lệ tệ hơn nô lệ. Bảo sao thì phải nói vậy.
Có bao giờ Lý Chánh Trung nghĩ rằng chính ông hiện đang vong thân, tự đánh mất phẩm tính, nhân cách con người, trở thành những con vẹt biết nói?
Vì thế, tôi thiết nghĩ cần có một bài viết đầy đủ về ông- như một nhân chứng sáng giá nhất cũng như bi kịch nhất- của một trí thức miền Nam đã tự vong thân cho cộng sản và nếu không nói bây giờ thì còn có dịp nào để nói?
Một lần nữa, tôi muốn đi lại hành trình trí thức cũng như những hoạt động thời VNCH và thời sau 1975 của ông.
Đó là hai thời kỳ, hai chặng đường của một người trí thức tiêu biểu của miền Nam.
Hai thời kỳ ấy, ông đã diễn dịch và phân định bằng hai biểu tượng là: Một thời đạn bom. Một thời Hòa Bình.
Một thời đạn bom được hiểu là một thời oan trái do bom đạn Mỹ gây ra. Và một thời Hòa Bình, thời sau 1975 mà dân chúng được hưởng tự do, an bình, hạnh phúc, ấm no.
Thật là mỉa mai quá. Thời bom đạn vì ai nên nỗi? Và thời Hòa bình, hạnh phúc nơi mô? Hòa bình kiểu nào, cho ai sau 1975?
Sự phân hai thời kỳ của Lý Chánh Trung đã giản dị hóa đến cùng cực thực tế đau buồn của cả hai thời kỳ. Nó chỉ còn là những tuyên truyền đầy cảm tính.
Cuộc chiến được tô vẽ như một bên thật giầu, thật lớn, thật mạnh, một bên thật nghèo, thật nhỏ, thật yếu. Một bên thả bom, một bên hứng bom. Một bên đi giầy, một bên chân không, một bên mập lù, một bên ốm nhách. Một bên cỡi máy bay, một bên chạy bộ…Và cứ thế, trong năm năm trời, không bên nào thắng bên nào..
Và ông có một giấc mơ được huyễn hoặc: Trên đỉnh núi Sọ, trơ vơ một cây thập giá. Trên cây Thập giá, có một người bị đóng đinh đang hấp hối.. Chung quanh người bị đóng đinh vần vũ một bầy kên lông trắng, lông vàng với những cái cánh bao la che kín mặt trời.
Tôi đến dưới chân Thập giá, ngước mắt nhìn lên.
Người bị đóng đinh là dân tộc tôi.
Đọc những dòng trên, tôi có cảm tưởng Lý Chánh Trung chả thua gì một Tố Hữu ngoài Bắc.
Tôi không nói oan cho ông đâu. Những Lê Hiếu Đằng, những ông Hồ Ngọc Nhuận, những Lý Quý Chung cũng đã từng là những con vẹt biết nói tiếng người như thế cả. Trách ai bây giờ?
Lý Quý Chung trong một dịp trả lời phỏng vấn của Alain Ruscio nhận xét :
"Như phần đông những người bạn tôi ở đây, tôi đã sống nghiệm trải hai chế độ báo chí...Trước đây chúng tôi đã là những người thợ bửa củi, còn bây giờ, chúng tôi là những người thợ mộc. Thái độ đã hoàn toàn khác. Bây giờ chúng tôi lao mình vào việc xây dựng. Bây giờ tôi cảm thấy mình có ích cho xã hội hơn cho Việt Nam, cho dân tộc tôi, liên hệ gắn bó với dân tộc, trách nhiệm hơn".
Hãy cứ hỏi 700 tờ báo hiện nay ở VN họ là thợ bửa củi hay họ là thợ mộc?
Chính vì làm báo kiểu thợ mộc Lý Quý Chung mà khi giáo sư Trần Văn Giàu đến thăm tòa báo Tin Sáng lần đâu tiên đã đưa ra lời nhận xét khen mà mỉa mai như sau :
"Các anh làm báo cộng sản Như… Cộng sản"
Lần sau ông đến khen nhiều hơn :
"Các anh làm báo cộng sản Hơn.. cộng sản..."
Lời khen này nếu hiểu ra thì quả thực Trần Văn Giàu quá hiểu cộng sản cũng như quá hiểu những kẻ nịnh cộng sản.
Có nghĩa là các anh nịnh giỏi quá.
Vì thế, Hồ Ngọc Nhuận khi viết cuốn Hồi Ký Đời, đã ghi chú thêm: Chuyện về những người tù của tôi. "Những người tù" ở đây là ai? Là Nguyễn Ngọc Lan, là Lý Chánh Trung, là Lê Hiếu Đằng, là Ngô Công Đức, là Dương Văn Ba, là Nguyễn Hữu Hiệp mặc dầu họ chưa đi tù một ngày nào trong chế độ mới.
Nói chung, đọc hết các sách của Lý Chánh Trung như Tìm Về Dân tộc, Tôn Giáo và Dân Tộc, Những Ngày Buồn Nôn. Tôi chỉ thấy những lời nguyền rủa và xưng tụng.
Nó thiếu vắng một nụ cười.
Để cho việc vẽ lại chân dung và diện mạo cũng như hành trình nhận thức hay hành trạng cuộc đời Lý Chánh Trung được đầy đủ, xin chia bài viết làm hai phần:
- Lý Chánh Trung trước 1975- Thời đạn bom
- Lý Chánh Trung sau 1975- Thời Hòa Bình
1.- Cuộc đời Hoạt động của ông trước 1975
Lý Chánh Trung và những người trí thức công giáo
Ông đã tự vẽ chân dung của mình là khi từ Bỉ về nước, ông đã về quê ở Vĩnh Bình và dạy cho một trường học là cơ sở của Cách mạng. Một thời gian ngắn sau ông lên Sài Gòn..Năm 1955, ông từ bỏ Vĩnh Bình- quê ông- và gia nhập vào trong nhóm trí thức công giáo Pax Romana với các quý ông như bs Nguyễn Văn Ái, lm Nguyễn Bình An( qua đời rất sớm vì bệnh cancer) bs Nguyễn Văn Thơ, luật sư Nguyễn Văn Huyền, các giáo sư Phạm Thị Tự, Phó Bá Long, Trần Long, các chuyên viên như Lâm Võ Hoàng, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Đoản Thanh Liêm v.v...
Nhóm này đã tổ chức "Tuần lễ Hội Học công giáo" và và cho ra "Tủ sách Đạo và Đời".
Đây là giai đoạn hiền lành và trong sáng nhất của một người trí thức như ông. Nó tiêu biểu cho giới trí thức công giáo thành thị mà phần đông du học ở ngoại quốc về.
Sau đó do sáng kiến phần lớn của Nguyễn Đình Đầu để thể hiện tinh thần Công đồng Vatican 2, ông cùng với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang, chủ trương tờ tuần báo Sống Đạo. Trụ sở tờ báo là mượn văn phòng xã hội của linh mục Parrel, trên đường Nguyễn Du, cạnh nhà thờ Đức Bà.
Tổ chức tờ báo có hai bộ phận. Bộ phận viết bài chủ lực là Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu, Anh Tôn Trang. Bộ phận phát hành do các anh em trong phong trào Thanh Sinh Công, do anh Phong trách nhiệm đi các giáo xứ. Anh Phong đã ra đi rất sớm khi còn trẻ. Thật đáng tiếc một con người hoạt động xông xáo, lúc nào cũng vui vẻ nhanh nhẹn. Tinh thần của anh Phong là phục vụ. phục vụ cho xã hội, cho con người và cũng là vâng theo Chúa của anh.
Sau đây, xin trích dẫn vài bài báo của Lý Chánh Trung đã được đăng trên Sống Đạo vào các tháng 7,8,9 năm 1962 như :
• Thân Phận tôi đòi
• Ông chủ xe hơi và cô thư ký
• Hai giới thanh niên
• Những gót chân non
Các bài viết của Lý Chánh Trung trong thời kỳ này đã có những ám ảnh mà chủ yếu đặt nặng vấn đề Công bằng Xã hội, một đề tải quen thuộc và được ông khai thác nhiều lần. Nó phản ánh một phần các tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác Xít trong đó có các vấn đề Cần Lao, vấn đề Vong Thân, vấn đề Bạo động tranh đấu giai câp, vấn đề Bóc lột giữa chủ và thợ v.v...
Những ý tưởng then chốt về công bằng xã hội sẽ là những bước mở đường cho Lý Chánh Trung một ngày không xa đến thực sự với cộng sản.
Nói như thế chỉ là hoàn cảnh đặc biệt dành cho Lý Chánh Trung thôi. Những sinh viên nào ngồi trên ghế nhà trường đã bước qua cổng trường của Platon thì không có gì xa lạ với những chủ đề xã hội trên.
Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ Báo Sống Đạo bán rất chạy, gây được tiếng vang lớn. Ai cũng hăng say tin tưởng từ anh em viết bài chủ lực, đến các sinh viên và đến anh em phụ trách phát báo. Phản ứng của độc giả thì nhiều, đủ loại khen chê, tức giận cũng có, đôi khi cấm bán báo nữa.
Phần Lý Chánh Trung được đề nghị làm chủ bút. Nhưng ông thừa biết, bọn trí thức Bắc Kỳ công giáo làm hết mọi chuyện: Từ sáng kiến cũng do họ, tổ chức do họ, phương tiện vật chất do họ tự liệu, viết cũng do họ. Nhưng họ vẫn đẩy ông ra làm người đứng đầu. Sau này cũng thế khi làm các tờ Hành Trình, ông vẫn giữ vai trò chủ bút. Nguyễn Văn Trung vai chủ nhiệm. Việc thì người khác làm, danh xưng thì ông nhận.
Và nhóm trí thức này cũng đã tổ chức được một tuần lễ Hội học xã hội dưới nhan đề: Lương tâm công giáo và công bằng xã hội vào năm 1963, do nhóm Trí thức công giáo Sài gòn. Điều hành và tổ chức cũng do tụi công giáo Bắc Kỳ làm hết. Nhưng bài thuyết trình khai mạc cũng dành cái vinh dự đó cho ông. Với sự góp mặt của Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Trần Long, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Mai Văn Lễ, Lm Nguyễn Bình An, Nguyễn Văn Trung.
Lý Chánh Trung với bài tham luận khai mạc: Sự phát triển của ý niệm Công Bằng trong lịch sử. Nguyễn Văn Trung là người kết thúc tuần lễ hội thảo với: Trách nhiệm hiện tại của người công giáo.
Xin lưu ý là trong tuần lễ Hội thảo này, ban tổ chức đã chỉ mời giới chức lãnh đạo tôn giáo như TGM Nguyễn Văn Bình, cả Khâm sứ tòa Thánh. Nhưng đã không mời đại diện chính quyền như ông Trần Kim Tuyến hay Ngô Đình Nhu.
Điều đó muốn nói lên tính cách độc lập của buổi Hội thảo. Và họ cũng thừa biết rằng, dù có mời, ông Ngô Đình Nhu cũng không đi dự vì ông không muốn dính dáng vào sinh hoạt của tôn giáo…
Cặp Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung
Ông Lý Chánh Trung là một trong số những người công giáo hiếm hoi gốc Nam Kỳ. Những người khác phần đông gốc Bắc như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Huy Lịch, bác sĩ Nguyễn Văn Ái. Cũng vì thế nên dân gốc Bắc đã không ngần ngại đề cử ông làm chủ bút tờ Sống Đạo. Có lần tức mình ông nói huỵch tẹt ra: tụi bay làm hết đem tao ra làm cái bung xung thôi.
Mọi người đều cười xòa. Để ông làm chủ bút là điều chí phải. Nhưng bên trong là Nguyễn Đình Đầu điều động từ A tới Z.
Bước mở đầu, ông và họ gây được tiếng vang và sự chú ý của giới trí thức công giáo và ngoài công giáo. Phạm vi hoạt động của họ mang tính giới thiệu mở đường theo tinh thần Công Đồng Vatican hai, gợi ý đề nghị, trình bầy và chưa có dấu tích một ẩn ý chính trị của phe phái nào.
Giữa Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung dù là một cặp, nhắc tới người này là nhắc tới người kia. Nhưng Lý Chánh Trung chẳng hiểu sao được mọi giới trân trọng.
Có thể nói thêm cả Công giáo, Phật giáo và người cộng sản miền Bắc đều phê phán Nguyễn Văn Trung. Hà Nội qua giáo sư Trần Văn Giàu và một số cây viết phê bình văn học như Thái Kế Toại, Phong Hiền, Tam Thanh, Trần Trọng Đăng Đàn đã chỉ chĩa mũi dùi vào một mình Nguyễn Văn Trung mà thôi.
Bây giờ thì chúng ta hiểu rằng bị cộng sản miền Bắc xúm vào chửi chưa hẳn đã là điều xấu, có thể là ngược lại. Họ chửi vì nhiệm vụ bổn phận phải làm. Không lạ gì khi vào miền Nam sau 1975, việc đầu tiên của giáo sư Trần Văn Giàu là đi tìm Nguyễn Văn Trung để nói chuyện.
Lúc gặp nhau như thế Trần Văn Giàu mới là Trần Văn Giàu.
Sống trong chế độ cộng sản, thường người nào cũng mang hai nhân cách, hai cách thể hiện. Một nhân cách xã hội để chường ra cho mọi người biết mà thường là nhân cách giả, không thật. Nhân cách kịch.
Một nhân cách thứ hai là nhân cách con người sống thực với lòng mình. Và cũng thật khổ cho con người cùng một lúc phải đóng hai nhân cách.
Mặc dù dư luận VN không mấy thiện cảm với Nguyển Văn Trung, trừ giới sinh viên trí thức.
Nhưng đối với trí thức Tây Phương hay Việt Nam tại Paris hay trí thức Mỹ thì Nguyễn Văn Trung được đón nhận với trân trọng nhiều hơn. Một số sinh viên trí thức trẻ Việt Nam coi các tờ Hành Trình của Nguyễn Văn Trung như căn bản lý thuyết để hội thảo hay tranh luận như một thứ Table Ronde (Hội nghị bàn tròn). Họ gửi tiền về cho Nguyễn Văn Trung để ông gửi tài liệu sách báo sang Pháp cho họ đọc.
Trong số những người quý mến và trân trọng Nguyễn Văn Trung, xin nhắc tên một người : Đó là giáo sư Tạ Trọng Hiêp, nhà nghiên cứu Hán Nôm, học trò Hoàng Xuân Hãn ở Paris. Ông thường làm sứ giả trung gian gửi những tài liệu, báo chí của Nguyễn Văn Trung về Hà Nội và ngược lại gửi những thư từ tài liệu có liên quan đến Nguyễn Văn Trung từ Hà Nội về Sài Gòn. Ông cung cấp tin tức, trao đổi tài liệu của Pháp hoặc những tác giả người Pháp mà Nguyễn Văn Trung không có dịp biết tới và góp ý kiến về những bài viết của Nguyễn Văn Trung.
Đó là đường giây ’buôn lậu Văn Hóa’ giữa hai miền Nam-Bắc trong thời kỳ chiến tranh mà ít người được biết đến.
Trường hợp khác là chủ bút tờ Esprit, ông J.M Domenach lúc bấy giờ, địa chỉ 19 rue Jacob, viết bài tranh luận và trao đổi với Nguyễn Văn Trung trong một bài viết của Nguyễn Văn Trung nhan đề: Sự thất bại của Chủ Nghĩa Nhân vị ( Échec du Personnalisme).
Cuộc tranh luận giữa hai người trí thức Việt-Pháp này ở miền Nam cũng ít ai được biết, trừ một thiểu số nhỏ giới trí thức Việt Nam ở Paris như Tạ Trọng Hiệp.
Có những sinh viên Mỹ như David G. Marr, sau này là nhà sử học với cuốn sách đáng nể viết về Việt Nam: Viet Nam 1945, The Quest for power. David Marr có sang Việt Nam mấy tháng và có dịp đọc một số bài viết của Nguyễn Văn Trung qua trung gian một số bạn sinh viên trẻ như Nguyễn Quốc Thái, Đặng Tiến. Những người này đã giới thiệu David Marr về Nguyễn Văn Trung và tờ Hành Trình và có thể họ đã dịch những bài tham luận của Nguyễn Văn Trung sang tiếng Mỹ cho David Marr. Khi về Mỹ, ông đã trao đổi với các giáo sư của ông, họ hoan hỉ phổ biến các bài viết đó nơi các giới sinh viên và giáo sư Đại Học Mỹ, phổ biến trên các tập san Journal of Asian Studies và Asian Surve, và phổ biến tại đại học Berkeley, California, nơi David Marr theo học.
Các bài báo ấy cũng được người Mỹ đăng lại trên tờ America, do các cha dòng Tên, chủ bút là linh mục Donald Campion, địa chỉ 106 W. 56th St, New York, 10019.
Trong khi đó, Lý Chánh Trung được cả giới lãnh đạo công giáo và Phật giáo quý trọng, tin tưởng. Đại học Đà Lạt qua linh mục viện trưởng Nguyễn Văn Lập là một tỉ dụ.
Khối Phật giáo Ấn Quang cũng là nơi lui tới thường xuyên của Lý Chánh Trung trong các buổi hội họp, cầu siêu, mít tinh. Chẳng những thế, ông cũng có thể được coi như người tin cậy của khối Phật giáo Ấn Quang như TT. Trí Quang.
Họ thật sự chỉ hoạt động chung với nhau từ thời gian 1962 đến 1968 là cùng.
Từ 1955 đến 1960, Nguyễn Văn Trung đã viết nhiều về văn học nhất là triết học hiện sinh. Viết có vẻ dễ dàng, dễ đọc và lôi cuốn, cộng tác với các báo như Sáng Tạo, Bách Khoa và đã có tiếng tăm nơi giới trì thức trẻ. Các tập Nhận Định I, Nhận Định II và Nhận Đinh III gây được nhiều tiếng vang tốt trong giới trí thức Sài Gòn. Ông được coi như người mở đường cho Triết Học chủ nghĩa Hiện Sinh vào miền Nam. Ngoài ra ông còn là tác giả các tác phẩm như : Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Lược khảo Văn Học I. Tổng cộng ông có hơn 20 đầu sách biên khảo về Văn Học, Triết học đã được nhiều sự hưởng ứng của giới trẻ thành phố Sài Gòn.
Trong khi đó, giai đoạn 1955-1960, Lý Chánh Trung hầu như chưa viết được mấy và ông chỉ thực sự có tiếng tăm khi bắt đầu cộng tác viết cho Sống Đạo.
Cuốn sách xuất bản đầu tiên của ông Cách Mạng và Đạo Đức (1966) không gây được tiếng vang bao nhiêu. Nội dung cuốn sách thật ra chỉ là in lại một cours Triết trong chứng chỉ Luận Lý và Đạo đức của ông.
Sau khi ông Diệm bị lật đổ, ông viết cuốn Ba năm xáo trộn(1967). Cuốn tìm về Dân Tộc (1967) bộc lộ một quan điểm chính trị tìm một giải pháp cho vấn đề VN. Nhưng hầu hết nội dung cuốn sách gom góp các bài báo ông đã viết.
Tiếng tăm của Lý Chánh Trung nay được mọi người chú ý.
Sau này, dù cho có hoạt động chung trên Đất Nước, Hành Trình, Trình Bầy. Sự chọn lựa của Lý Chánh Trung đi theo MTGPMN cho thấy những bài viết ấy chỉ phản ánh quan điểm riêng của ông.
Muốn biết quan điểm chính trị của ông thì phải đọc những bài ông viết cho tờ Tin Sáng, gồm 50 bài trong vòng một năm trời. Đây là thời điểm Lý Chánh Trung đã dứt khoát chọn đứng về phía bên kia và chắc hẳn viết theo chỉ thị hay đơn đặt hàng. Tất cả những bài ấy sau này được gom lại trong một tuyển tập nhan đề: "Những ngày buồn nôn", in năm 1971.
Tóm lại giữa Nguyễn Văn Trung - Lý Chánh Trung, mặc dầu có một số quan điểm đồng thuận, Nguyễn Văn Trung vẫn là một nhà biên khảo, nhà nghiên cứu với một một văn phong lý luận sắc bén và thuyết phục.
Lý Chánh Trung hơn ai hết là một nhà báo một người hành động. Lối viết của ông dựa trên sự việc và đượm cảm tính gây ấn tượng và tạo được sức lôi cuốn không nhỏ nơi người đọc.
Hai người ấy- mỗi người một văn phong- một tài hoa- cộng lại thì phải nói là rất tốt. Họ bổ túc cho nhau. Và nếu có nhiều người – nhất là bạn đọc- tưởng nhầm họ là những đôi bạn chí thân, đồng hành thì điều ấy không hẳn là sai.
Nhưng bổn phận của tôi thấy cần phải nói ra là không hẳn đúng như vậy. Bạn chí thân của Lý Chánh Trung có thể là những người trong nhóm Tin Sáng. Ngay cả dù có nhận như thế, tôi cũng nhận ra thêm một điều, là những người bạn của Lý Chánh Trung chỉ có tính cách giai đoạn. Mỗi giai đoạn hoạt động là một kết nối, và mỗi giai đoạn là một loại bạn
Nhìn lại những năm tháng ấy, phải nhìn nhận họ đã ảnh hưởng nhất định trên giới trí thức trẻ miền Nam. Riêng Nguyễn Văn Trung được coi là người đi hàng đầu lôi kéo nhiều trí thức, nhà văn cộng tác với ông trên tờ Đất Nước, Hành Trình và Trình Bày.
Trong số ấy, phải kể đến Nguyên Sa, Trần Bích Lan, mặc dù là một nhà thơ nổi tiếng, ông đã chia sẻ những quan điểm chính trị của Nguyễn Văn Trung và là cây bút quan trọng nhất trên tờ Đất Nước cùng với Thảo Trường.
Mặc dù không phải là bạn như trong giới văn Nghệ sĩ, thường sinh hoạt chung. Nhưng đụng có chuyện là Nguyên Sa trở thành cây bút đao búa, đập bất cứ ai đụng đến Nguyễn văn Trung. Trường hợp Duyên Anh phê bình Nguyễn Văn Trung, Nguyên Sa đã để cả tháng trời đả kích Duyên Anh- một cây Thương Sinh của báo Con Ong- Cho đến khi chính Duyên Anh phải lên tiếng ngỏ lời xin lỗi.
Sau này, ở Hải ngoại, Nguyên Sa xếp Nguyễn Văn Trung vào một trong bốn dòng văn học chính ở miền Nam…
Tuy nhiên, về mặt chính trị, cả Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung lúng túng trong những quan điểm và những chọn lựa thật sự không rõ ràng, có thể gây nhiều ngộ nhận và có thể đã tạo ra những ảo tưởng tai hại tới khôn lường.
Chẳng hạn, họ đề ra một lập trường chính trị ảo tưởng- không chọn bên này bên kia- một lập trường đứng giữa, khi mơ ước một Xã Hội chủ nghĩa không cộng sản!
Nhưng lịch sử đã định cho mỗi người một hướng đi. Sự chọn lựa cách dấn thân nhập cuộc biến thành hai số mệnh đời họ..
Sau 1975, Nguyễn Văn Trung ngồi tù tưởng sẽ tiêu tan cuộc đời rồi cuối cùng được con bảo lãnh, ra được hải ngoại, sống cuộc đời còn lại thảnh thơi và thông thoát.
Lý Chánh Trung chọn con đường đi theo đảng cộng sản, tưởng rằng đó là tất cả lý tưởng đời mình.
Ở một thời điểm nào đó, người ta tưởng lầm rằng chủ nghĩa Mác xem ra có tác động lôi cuốn, có sức tác động vào lịch sử...có khả năng giải thoát cho con người, giải quyết mọi mâu thuẫn xã hội!!! Tưởng như thế là nhầm.
Vì thế, ngày nay đã rất nhiều người hoài nghi điều ấy. Và họ muốn tách ra khỏi quỹ đạo Đảng vốn được coi là cội nguồn cũa những thất bại về kinh tế cũng như sa đọa đạo đức con người. Sự sa đọa ấy đến ngoài sự suy nghĩ của mọi người. Như cảnh tượng con đâm mẹ ngoài đường phố, trò đánh thầy, thầy lợi dụng học trò con gái đi làm điếm.
Trước đây Proudhon đã từng nói: Toute synthèse est gouvernementale. (Mọi tổng hợp đều có tính cách chính quyền, nghĩa là độc đoán).
Mà chủ nghĩa cộng sản là thu tóm, tổng hợp và vì thế nó là độc đoán.
Tham vọng ấy sẽ tự hủy chế độ cộng sản vì nó chống lại bản tính con người.
Lý Chánh Trung- một trí thức vào cuối đời đã nếm đủ tưởng rằng chẳng những sinh mệnh chính trị của ông bị tiêu hủy mà chính cái mạng sống của ông cũng không giữ được trước lời đe dọa bóng gió của Nguyễn Văn Linh sau vụ Bão tố tận diệt mầm mống phản động của những phần tử trong nhóm "Những người Kháng chiến cũ". Ông đã vội vã viết thư phân trần, giải thích gì đó. Nội dung không ai biết được.
Theo lời luật sư ĐoànThanh Liêm khi đến thăm Lý Chánh Trung, Ông Trung đã khoe bức thơ Nguyễn Văn Linh gửi cho ông nhằm mục đích trấn an ông.
Bức thơ ấy như lá bùa hộ mạng ông, giúp ông yên tâm sống nốt cuộc đời còn lại. Nhớ lại trong 20 năm miền Nam, ông bất mãn, ông phê phán, ông miệt thị đủ người từ ông tổng thống trở xuống.
Ông chửi mà không sợ, vì biết rằng chế độ miền Nam không dùng bạo lực, không đưa ông đi tù, không ám hại người trí thức.
Trên con đường từ Sài Gòn về cư xá làng Đại học Thủ Đức, sau một ngày vật lộn tranh đấu, mít tinh, xuống đường, đối đầu với lựu đạn cay và hàng rào kẽm gai, đối đầu với Nguyễn Ngọc Loan và sau này với Trang Sĩ Tấn, ông bình thản lái xe về nhà vì biết chắc không hề sợ có kẻ ám toán, giết hại ông.
Nay chỉ cần một lời đe dọa bâng quơ bóng gió đủ làm ông sợ rét run.
Nhất là lúc cuối đời xem ra ông không khỏi có nhiều điều ân hận không nói ra được.
Nói tóm gọn thì cả hai lúc cuối đời đều đã để lại hai nhận xét thời danh đáng ghi nhớ:
• Phần Nguyễn Văn Trung nói : Tham gia Cách mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt chính mình sau này.
• • Phần Lý Chánh Trung, phát biểu: Về một môn học mà thầy không muốn dậy, trò không muốn học.
Giữa ông Diệm, ông Hồ, Lý Chánh Trung chọn ai? Một chọn lựa chính trị?
Ông đặc biệt ác cảm với ông Diệm ngay từ lần đầu gặp gỡ khi còn là sinh viên ở Bỉ. Ông kể lại có gặp ông Diệm một lần khi ông này đến thăm sinh viên. Ông tỏ ra thất vọng vì ông Diệm thân Mỹ và không am hiểu hết về các vấn đề xã hội.
Trong một bài viết, ông còn tỏ ra bất công và miệt thị ông Diệm một cách nặng nề. Mặc dầu khi về Việt Nam, ông cũng đã được trọng dụng hơn ai hết trong guồng máy giáo dục miền Nam. Ông cũng như ông anh ruột Lý Chánh Đức trở thành nhữngcông chức cao cấp trong ngành giáo dục với vị trí giám đốc và Tổng Thư ký bộ giáo dục, rồi giáo sư đại học, có nhà ở khu làng đại học Thủ Đức và đây là những nhận xét đầy miệt thị của ông trước cái chết của ông Diệm:
"Nhưng từ đó mà cho rằng chế độ ông Diệm là một thời đại hoàng kim và chỉ cần bắt chước ông Diệm là có thể giải quyết những vấn đề đất nước, như một số tay chân bộ hạ của ông đang tuyên bố rùm beng thì thật là lố bịch và vô liêm sỉ.
Những người đang hò hét khóc lóc chung quanh cái tên ông Diệm như một bầy quạ trên một xác chết...
Và nếu họ không còn chút tự trọng, xin họ dầu sao cũng thương dùm ông Diệm. Tội nghiệp ông! Tôi ứa nước mắt mà viết câu này, xin họ hiểu cho".
Nhưng đối với ông Hồ Chí Minh thì ông tỏ ra cung kính hết mực như trong một bài viết của ông nhan đề: "Nói chuyện với người đã khuất", nhân dịp Hồ Chí Minh qua đời.
"Cho nên tôi không tiếc mà cũng không trách cụ Hồ đã lựa chọn con đường cộng sản. Tôi chỉ khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Tôi không thể đi theo con đường của Cụ, nhưng tôi có thể noi gương Cụ để đi tận cùng con đường của tôi, con đường mà tôi đã lựa chọn trước lương tâm tôi, như Cụ đã làm 50 năm trước. 50 năm trước, với sự thành công của Cách Mạng tháng 10, với nhân cách và tài năng vô song của Lê Nin, với cái bầu khí huynh đệ, chí tình, hăng say và tin tưởng trong một đệ tam Quốc tế vừa thành lập với một điểm tựa vững chắc, chủ nghĩa cộng sản đã hiện ra tước mắt Cụ như là con đường duy nhất để giải phóng dân tộc và giải phóng con người…"
Những đoạn văn viết như thế này, nếu có dịp đọc lại thấy ngượng, ngượng cho cả người viết lẫn người đọc.
Ông viết như thế mà nhiều người không thù oán ông và chính thể của nền Đệ Nhị Công Hòa cũng để ông yên. Ông vẫn được làm đổng lý văn phòng Bộ giáo dục. Đi làm vẫn có tài xế đưa đón.
Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu. Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần: Nắng được lúc nào thì cứ nắng như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?
Nhưng người cộng sản đọc thì đánh giá ông là "người cộng sản không có thẻ đảng". Một lời khen hay một lời cảnh cáo?
Thế nhưng, trong cả hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị miền Nam, ông đều tạo cho mình một chỗ đứng cao và không phe phái nào oán ghét cả. Và từ chỗ đó, ông là người người miền Nam duy nhất có thể thỏa hiệp, đồng hành với nhiều phía ở ngoài chính quyền. Từ cấp tiến tới khuynh tả rồi cuối cùng tới cộng sản, từ công giáo tới Phật giáo, từ phe cánh miền Nam tới thành phần lực lượng thứ ba thiên tả.
Chỗ nào có chống đối là có ông.
Lý Chánh Trung- nhà trí thức thiên tả- Hoạt động cánh tả.
Sau 1963, tình thế xã hội, chính trị, quân sự có nhiều dấu hiệu xấu đi. Tình thế mỗi ngày mỗi bi quan tỏ ra lúng túng, rối loạn, không đường lối, thiếu cả chính nghĩa đến tính hợp pháp.
Sự bất tài càng rõ nét nơi các nhà lãnh đạo miền Nam. Họ thay đổi chính phủ như cơm bửa tạo ra một tình thế bất ổn chính trị.
Nghĩ là có một khoảng trống chính trị về quyền lực nên một năm thay đổi ba bốn chính quyền.
Tâm trạng giới trẻ và giới trí thức rơi vào tinh trạng chán nản và mất tin tưởng hay trăn trở muốn đi tìm một giải pháp cứu nguy miền Nam.
Khuynh tả với thành phần thứ ba xuất hiện như một giải pháp của không giải pháp.
Kể từ đây, gió đổi chiều. Lý Chánh Trung nổi bật lên như một người trí thức tiêu biểu nhất!!! Trí thức khuynh tả đã ra đời trong hoàn cảnh này và thuộc nhiều dạng, nhiều thành phần, nhiều mức độ.
* Có loại như Thích Nhất Hạnh, Trí Quang, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Huỳnh Công Minh, Thiện Cẩm. Hầu hết thuộc giới tu sĩ công giáo hay Phật giáo. Cái lợi điểm của những vị này là bộ áo nhà tu- mầu nâu hay mầu đen không đáng kể- mặc bộ áo nhà tu như một thứ lá chắn chính trị không ai dám đụng tới họ. Phần lớn chỉ sau 1975, họ mới ló dạng và cho biết họ là ai.
* Có loại trí thức tham gia tích cực như Ngô Bá Thành, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung, Trần Ngọc Liễng, Hồ Ngọc Nhuận, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Nguyễn Hữu Hiệp, Trần Hữu Lục, Châu Tâm luân, Ngô Kha, Thế Nguyên... Họ được coi là trí thức thiên tả và sau tự nhận là trí thức thuộc lực lượng thứ ba (Troisieme force) rồi lần lượt ngả theo cộng sản và chịu sự chỉ huy của cộng sản.
* Ở miền Trung có Lê Khắc Quyến, Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường mà mức độ ngả theo cộng sản cũng khác nhau. Có theo đậm, có theo một cách chừng mực, nửa chân trong chân ngoài.
Loại đông nhất chiếm đa số chỉ lên tiếng phản kháng- trí thức thiên tả- mà không hẳn ngả theo cộng sản.
Có thể gọi chung là trí thức sa lông chỉ nói mà không dám làm, chỉ viết mà không thực sự dấn thân nhập cuộc. Họ là những trí thức, giáo sư, nhà văn, có cả sĩ quan trong quân đội VNCH. Đứng đầu là Nguyễn Văn Trung rồi kéo theo Trần Bích Lan tức Nguyên sa, Nguyễn Khắc Ngữ, Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Nguyễn Đông Ngạc, Thảo Trường, Nguyễn Tử Lộc, Đỗ Long Vân, Thái Lãng, Thế Uyên. Và nhiều tên tuổi khác viết cho Đất nước, Hành Trình như Nguyễn Quốc Thái, Du Tử Lê, Bùi Khải nguyên,Trần Văn Toàn, Huỳnh Kim Khánh, Bùi Tiến, Sầm Thương, Thế Phong. Nguyễn Tử Lộc, Nguyễn Tử Quý, Ngô Thế Vinh, Trần Tuấn Nhậm, Võ Hồng Ngự, Nguyễn Quốc Thái, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Ngọc Lan, Cao Thanh Tùng, Chu Vương Miện, Hương Khê, Thái Lãng, Luân Hoán, Trịnh Viết Đức.
Mặc dầu viết cho Hành Trình, Đất Nước hay Trình Bày, mặc dầu bầy tỏ thái độ băn khoăn có thể bất mãn, họ vẫn có tư thế độc lập.
Nhóm Hành Trình không phải đơn độc. Bên cạnh đó còn có nhiều nhóm khác như Lực lượng Tranh thủ Cách mạng, Phong trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy ban Vận động Hòa Bình, Phong trào Bảo vệ Hòa Bình, Hạnh Phúc dân tộc và cuối cùng là Lực lượng Hòa giải Dân Tộc.
Những phong trào này- dù chỉ là những tên gọi khác nhau- có dấu hiệu cho người ta ngờ vực là con bài của cộng sản như trường hợp Thích Quảng Liên.
Bên cạnh đó còn có những phong trào văn nghệ phản kháng, trở về nguồn như Phong trào Du Ca, Tâm Ca, Da vàng ca... Những phong trào văn nghệ này thực chất có thể chỉ là những khát vọng Tuổi trẻ và không có những vận động chính trị hay sự xâm nhập của cộng sản. Và vì thế, nó được nhiều giới trẻ hưởng ứng tham gia.
Cho nên việc phân định ranh giới rõ rệt các nhóm trí thức khuynh tả không phải là một điều dễ dàng gì.
Nhưng nhìn chung, nhóm Hành Trình được coi là nhóm khuynh tả tiêu biểu. Đa số những người trong nhóm đã ở tuổi trưởng thành, có sự nghiệp vững vàng và họ tham gia với tính cách tự nguyện.
Sợi dây nối kết họ lại với nhau chỉ vì họ có một số quan điểm khá tương đồng có thể gói trọn trong một số ý tưởng nòng cốt sau đây :
- Chống mọi hình thức can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Điều mà có thể thời chính ông Diệm, ông Nhu cũng chủ trương như thế.
- Chống lại cuộc chiến tranh đang diễn ra mà theo họ, đó chỉ là một thứ chiến tranh ủy nhiệm.
- Gián tiếp chống lại chính quyền miền Nam mà theo họ chỉ là tay sai bản xứ do Mỹ chỉ đạo.
- Cổ võ cho một quan điểm Cách Mạng Xã Hội không cộng sản được gọi là đường lối thứ ba.
Phải nhìn nhận rằng đa số thành viên chính của tờ Hành Trình đểu là người công giáo, nhưng với chủ điểm và đường lối của họ đã tách rời khỏi đường lối chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam cũng như giáo dân Việt Nam.
Nhất là nó đi ngược với đa số người công giáo nói chung. Trên căn bản, những người công giáo đa số thầm lặng này vẫn khẳng định vị thế đối kháng đến một mất một còn với cộng sản.
Nội dung các bài viết nhất là nhóm Đất Nước, Hành Trình thường bầy tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở về thời cuộc, về hiện tình đất nước và muốn tìm ra những giải pháp và hướng đi cho mình. Đó là các bài viết mang tựa đề như: Cùng nhau cảm thức về một nỗi buồn nhược tiểu, Cách mạng của người nghèo, Độc tài hay dân chủ, Tìm một hướng đi cụ thể cho cuộc cách mạng Việt Nam, Cách mạng và dân chủ.
Nhưng chỉ đến đây là điểm chung, điểm dừng lại, điểm rẽ ngoặc giữa Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trung.
Họ khác nhau vì thái độ chọn lựa dấn thân, hành động hay không hành động.
Lý Chánh Trung cũng như Nguyễn Văn Trung và có thể nhiều người khác như giáo sư Châu Tâm Luân, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, luật sư Trần Ngọc Liễng đều nhận được những bức thư lấy danh nghĩa sinh viên học trò. Trong đó, đại diện cộng sản tìm cách thúc dục đặt vấn đề tranh đấu, dấn thân cụ thể thay vì chỉ sống trong môi trường đại học viết bài.
Người thảo ra những bức thư ấy có thể là Trần Bạch Đằng, Phạm Chánh Trực hay Năm Nghị. Sau đó được giao những sinh viên như Trần Thị Lan tiếp xúc các vị trên.
Nhiều người trong số đó đã bị mắc bẩy và chính họ - như trường hợp Lý Chánh Trung đã thú nhận.
Lý Chánh Trung viết:
"Chính anh em sinh viên đã kéo tôi ra khỏi tình trạng bất động ấy bằng lời mời gọi của họ. Sự dũng cảm ấy đập vào tim óc mọi người và bắt mọi người phải suy nghĩ..."
Nhất là trong bài viết: "Nói chuyện với người học trò", ông ghi lại như sau:
"Theo em nghĩ, cần phải có một hành động cụ thể, kịp thời, không trí thức và hữu hiệu. Hành động cụ thể, kẻ cạn suy xét mới không ngộ nhận hành vi của thầy là một phản ứng nhát thời của lương tâm trí thức, hay một sự hiện diện tượng trưng, coi cho được với lịch sử.. .
Thầy chỉ suy tư về những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng của kẻ khác, mà thầy chưa nằm trong những nỗi đau khổ, những niềm tuyệt vọng đó. Thế đứng của thầy là ở ngoài, ở trên.
Thầy cũng đã suy tư về một cuộc cách mạng theo phương cách nào đó cho một lý tưởng công bằng xã hội mà em biết rằng thầy chỉ đứng ngoải cuộc cách mạng lý tưởng đó thôi..."
Đây là những lời lẽ khích động, đánh đòn tâm não, đánh vào tự ái của người trí thức.. Lý Chánh Trung đã bị kích động và làm theo sự kích động ấy sau nhiều trăn trở.
Và cũng kể từ đây có một Lý Chánh Trung đã lột xác, đã dấn thân, nhập cuộc.
Và cũng kể từ đây chia ngã rẽ với những người như Nguyễn Văn Truug. Một bên rời bỏ tháp ngà suy tưởng, một bên tiếp tục con đường suy tư nhưng ngại dấn thân, ngại nhập cuộc.
Và dần dần kể từ năm 1968, Lý Chánh Trung đã có thể tự coi mình là người của Đảng, đã tiếp xúc với người của Mặt trận, đã được đưa lên vùng mật khu, đã nhận chỉ thị, đã viết theo đường lối của Mặt trận...
Thay vì được điều động vào mật khu, Lý Chánh Trung được khuyến cáo ở lại thành phố, quấy phá bằng ngòi bút, có mặt trong các cuộc biểu tình, xuống đường của giới sinh viên..
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thời bấy giờ cùng lúc phải đối đầu với hai mặt trận.
Ngoài Sài gòn, cuộc chiến được giải quyết bằng bom đạn, bằng những trận mưa pháo ban đêm vọng về thành phố ngủ không yên giấc vì những tiếng ì ầm. Binh lính ngày đêm phải đối đâu trực diện với cái chết từng ngày, từng giờ.
Trong thành phố là một trận chiến bằng hàng rào kẽm gai, bằng lưu đạn cay và những biểu ngữ, hô hào đủ kiểu..
Và Lý Chánh Trung đứng bên ngoài cổ võ:
“Khóc đi con, khóc cho quê hương của con đã rách nát như áo ăn mày, cho những cánh đồng loang lổ vỉ bom đan, xơ xác vì thuốc khai quang, cho những thành phố tanh ôi mùi tinh trùng Mỹ, cứt đái Mỹ, rác rến Mỹ, đô la Mỹ..
Khóc đi con, khóc cho các anh các chị con đang bị giam cầm, đánh đập mà không ai biết vì tội gì, và sắp được đưa ra xử trước một tòa án mà không ai tin”.
Có nhiều cách móc nối. Và cộng sản đã móc nối được nhiều người, trên dưới cả trăm người.
Tôi không biết ai đã móc nối Lý Chánh Trung mà cứ như những điều ông trình bày thì có thể là học trò. Trường hợp Nguyễn Trọng Văn cũng vậy. Riêng Nguyễn Văn Trung thì có ông Thanh Nghị (chồng bà Tâm Vấn) rủ Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Ngọc Lan vào khu.
Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đình Đầu từ chối tham gia vào sinh hoạt chính trị. Chỉ có Nguyễn Ngọc Lan nhận lời và đã vào khu. Những việc móc nối này, theo tôi, ngành mật vụ biết hết, nhưng để yên, chỉ theo dõi.
Năm 1968 Tết Mậu Thân là thời điểm quyết dịnh dứt khoát ai theo, ai không theo cộng sản. Có một lằn ranh rõ rệt, lộ mặt và nhiều khi không còn dấu diếm nữa
Như Lý Chánh Trung tự thú nhận:
"Trong những năm đó, nhất là từ sau tết Mậu Thân, tôi đã tham gia hầu hết các phong trào đấu tranh công khai tại thành phố".
Ông xác định rõ hơn:
"Nhưng tôi cũng phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, và nếu không có sự mời mọc, lôi kéo của những người trẻ tuổi, thì rất có thể tôi đã không tham gia đến mức độ ấy".
Nhưng những cái chung đó không đủ để nối kết họ làm một. khi tình thế chuyển biến.. Nguyễn Văn Trung dừng lại ở bình diện nhận thức, phân tích, tra hỏi, bới tìm, chứng minh bằng lý luận. Lý Chánh Trung viết ít chú ý đến mặt lý luận với nhiều độ cảm tính, viết bằng cả tâm tình, khơi dậy, đánh động và nhất là nhập cuộc, tham gia gia vào các cuộc biểu tình, xuống đường. và ở cuối đường gia nhập tổ chức cộng sản.
Rồi đến 1975 thì kết quả một người bị đi tù, một người được trọng vọng, cất nhắc. Nhưng số phận sau cùng dành cho họ ra sao. Đó mới là điều quan trọng.
Sắc thái chung của những trí thức thiên tả
Đó là một sinh hoạt đứng bên lề trái, đứng để phê phán, đứng để chống lại cái chính thống. Đó là thái độ bất mãn thường trực với cái đang có, cái trật tự hiện có còn dở dang, chưa hoàn chỉnh,-cái chính quyền hiện tại-. Chống bất kể là ai, bất kể là đệ nhất hay đệ nhị cộng hòa, Chống là chống. Hay cũng chống, dở cũng chống, chống một phía.
Người cánh tả thường chỉ nhìn thấy những kẽ hở, những điều xấu, điều tiêu cực- quên đi những điều tốt đẹp- đứng về phía thiểu số hay đứng về phía kẻ bị coi là bị áp bức, người nghèo. Hoặc rộng lớn hơn họ đứng lên bênh vực các nước nghèo, nước bị trị, kém mở mang.
Sau này tạm đủ lớn mạnh, ông đã tự nhận mình là thuộc thành phần lực lượng thứ ba (Troisième Force). Có nghĩa không phải là quốc gia chống Cộng mà cũng không hẳn là cộng sản. Nhiều chỗ trong những bài báo trên Hành Trình, Đất Nước, Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung gọi đó là một thứ Xã Hội chủ nghĩa không cộng sản.
Trong tình thế đất nước chúng ta, lời hô hào suông một chủ nghĩa xã hội không cộng sản là một ảo tưởng. Đó là một ước mơ và một đề nghị lơ lửng và còn tin rằng có thể hòa hợp, hòa giải với cộng sản.
Chính Lý Chánh Trung sau này cũng phải nhìn nhận rằng:
"Lực lượng hay Thành phần thứ ba chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế họ không có một ý thức hệ chính xác nào".
... Chính vì mấy chữ này mà ông bị Nguyễn Trọng Văn viết tham luận tố giác ông và Nguyễn Văn Trung sau 1975. Nguyễn Trọng Văn đóng vai một kẻ đấu tố, một phiên bản của những cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất. Hay là phiên bản của vụ Nhân Văn Giai Phẩm?
Hiện tượng tố giác này, sau 20 năm sống ở miền Nam, tôi chưa hề bao giờ thấy xẩy ra. Tại sao Nguyễn Trọng Văn vốn cũng là một trí thức miền Nam có hạng, trở thành một tên chỉ điểm, đi tố giác đàn anh. Kẻ đi tố cáo đã tự làm mất bản thân mình trở thành tên đao phủ như Tố Hữu?
Trước những lời tố cáo như thế, Lý Chánh Trung giữ thái độ im lặng.
Trước 1975, ông nghênh ngang ngậm tẩu, đầy phong cách trí thức, đầy tự tin, tham dự các cuộc mít tinh biểu tỉnh như một thứ lãnh tụ sinh viên.
Sau 1975, ông học làm thinh.
Và để gỡ tội với chế độ, ông đã điều chỉnh cách nhìn, quay 180 độ, đổi giọng, và đây mới là điều đáng trách, đây mới là điều tủi hổ cho trí thức miền Nam.
Thà chạy mẹ ra nước ngoài cho yên. Thà buông súng đầu hàng.
Hay thà ngồi trong trại cải tạo nó bảo trắng thì mình bảo trắng, nó bảo đen thì mình bảo đen...
Ở đây có ai bắt ông chịu nhục phải viết như thế!!
Trong một bài phỏng vấn của nhà báo Alain Ruscio, ông nói:
"Đã từ lâu, tôi vẫn mơ một cuộc cách mạng khoan hòa, đúng mực và khoan nhượng… Chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đáp đúng nguyện vọng của tôi... Chúng tôi đã làm mọi cách để xã hội mới được hình thành với ít đau đớn bao nhiêu hay bấy nhiêu… Ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về điều này là một yếu tố quyết định".
Ở chỗ bạn bè, chỗ những người quốc gia, ông lý luận rất khéo léo để che đậy, rất thuyết phục: "Tôi chỉ đồng hành với họ (cộng sản), nhưng không là đồng chí".
Một lối nói ngụy biện chỉ những tay biện luận triết học có tay nghề mới nói được như thế. Bởi vì cũng trong một bài trả lời phỏng vấn Alain Ruscio, ông được coi là đại diện cho thành phần thứ ba, ông lại nói khác. Ông cho rằng: "Người ta không thể nào là người yêu nước, yêu hòa bình, hòa hợp dân tộc mà lại đồng thời có thể chống lại cộng sản".
Ở đây lại là một lối ngụy biện cao đồng hóa tình tự yêu nước và yêu Đảng vào làm một. Điều này rõ ràng ông học được- không phải từ trường đại học Louvain- mà từ trường Đảng, trường dạy ngụy biện gian dối có đẳng cấp nhất mà tôi thường được nghe từ những nhà trí thức đủ loại ở Hà Nội.
Tôi có thể bỏ qua cho ông tất cả những gì ông đã làm, đã nói trước 1975. Nhưng thật là khó cho tôi không thể dung nhượng được những điều ông nói và làm sau 1975.
Nói cho cùng, cả Lý Chánh Trung, cả Nguyễn Trọng Văn tiêu biểu cho một bi kịch của trí thức miền Nam sau 1975.
Có lẽ lời nhận định của Nguyễn Văn Trung đáng nhẽ trước tiên phải được dành ưu tiên cho Lý Chánh Trung- người bạn đồng hành của ông- mới phải:
"Tham gia cách mạng là tham gia vào quá trình tự tiêu diệt chính mình".
Ông chọn một thế đứng chênh vênh như thế ở miền Nam trước 1975 cũng có phần nào hiểu được, nhưng nhiều phần đó chỉ là một ảo tưởng, lãng mạn chính trị. Nhiều phần là không thực tế. Nếu không nói là ngây thơ, khờ khạo vì không hiểu được thực tại chính trị.
Ngay từ thời sinh viên khi còn học triết học ở Louvain vào thập niên 1950 cùng với nhiều sinh viên khác như Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm v.v... ông đã ngả theo khuynh hướng triết học Mác Xít, chống Pháp.
Sự ngả theo như thế hầu như là một cái mốt của giới trí thức trẻ.
Phảỉ tả phái mới được.
Tả khuynh mới được coi là có đầu óc, trí thức. Nó chẳng khác gì cánh trí thức tả của Pháp như A. Camus, Simone de Beauvoir, J.P. Sartre, André Gide hay các nhà báo như Bernard B. Fall, J. Lacouture, Stanley Karnow, Alain Ruscio, David Halberstam, Oriana Fallaci v.v...
Và nếu nói theo khoa học bây giờ, người ta tìm thấy trong đầu con người có những loại genes đặc biệt như Gène de Dieu, có tên khoa học là VMT, gène về đồng tính v.v... Người có gène tôn giáo này có những khuynh hướng thần tính, siêu nhiên khó mà cắt nghĩa được. Cái Gène tôn giáo xác định cái căn cước, cái thần linh ngự trị trong cuộc sống của một người?
Nếu đã có những gènes về tôn giáo và đồng tính thì cũng có thể có những loại gènes về chống đối, bất mãn và xung đột. Nếu thực sự cũng có những gènes như vậy thì có thể lý giải được nhiều điều về cá tính con người cũng như cách hành xử của những người tả phái.
Họ có cái gene bất mãn nên luôn ở thế đối đầu, chống đối.
Phải chăng Lý Chánh Trung về phạm vi tâm sinh lý có một não trạng bất mãn thường trực và điều đó làm nên cá tính, nhân cách của ông chăng?
Nhưng nói chung, trong số thành phần trí thức thiên tả ngả theo cộng sản thì theo tôi người tiêu biểu về mọi phương diện là Lý Chánh Trung…Tiêu biểu của ông có thể về mặt nhận thức, trí thức, về mặt dấn thân nhập cuộc, tiêu biểu cả về mặt thành thật hoặc không thành thật, tiêu biểu của việc đón chiều gió, tính cơ hội cũng có, khi nào cần phải lên tiếng và khi nào cần biết im lặng.
Có thể ông không phải là loại người quá khích, hung hăng sốc nổi. Trái lại điềm tĩnh và cân nhắc mỗi khi phát biểu, đôi khi dè dặt cẩn trọng, có tính toán, cân nhắc…
Vì ở thế đối lập, ông luôn tỏ ra thái độ từ bất mãn đến chống đối các chính thể từ Đệ Nhất sang Đệ Nhị Cộng Hòa.
Ông luôn có việc để làm, để chống đối mà không bao giờ sợ thất nghiệp.
Vậy mà ông đã thất nghiệp sau 1975, vì không có gì để chống đối nữa.
Chống độc tài, chống kỳ thị tôn giáo, chống gia đình trị, chống cá nhân ông Diệm, chống chiến tranh, chống Mỹ Ngụy, chống tham nhũng, chống cá nhân ông Thiệu như tay sai Mỹ.
Nhưng đó là thứ chống một phía.
Không bao giờ dám nhìn nhận sự thật phía cộng sản đang làm gì ?
Chống chán rồi đòi. Đòi tự do, tự do báo chí, đòi dân chủ, đòi thả tù nhân chính trị, đòi thả những sinh viên theo cộng sản nằm vùng, ngay cả những đặc công cộng sản, đòi quyền cho phụ nữ...
Chống và đòi. Đó là hai công việc đi đôi với nhau của ông Lý Chánh Trung.
Lý Chánh Trung và nhóm Liên Trường
Nhóm Liên Trường còn được gọi là nhóm Phục Hưng miền Nam. Rất có thể là do những người đứng ra khởi đầu như các ông Nguyễn Văn Lộc, Huỳnh Văn Đạo, Lý Quý Phát. Vả sau đó được sự hỗ trợ của các ông Phan Khắc Sửu, nhất là cụ Trần Văn Hương. Theo giáo sư Lưu Trung Khảo thì do gợi ý của tướng Mai Hữu Xuân với tướng Trần Văn Đôn như một điều chỉnh lại tình trạng lép vế của người miền Nam so với người Bắc.
Sự phục hưng miền Nam thật ra chỉ là đòi quyền lợi, đòi chia ghế, đòi chức vụ mà đăc biệt xảy ra dưới thời cụ Trần Văn Huong, đặc biệt trong ngành giáo dục.
Các trí thức trẻ trong nhóm Liên Trường coi cụ Trần Văn Hương như một mẫu người miền Nam trong sạch, đạo đức, không tỳ vết chính trị.
Họ đã ủng hộ cụ trong việc thành lập chính phủ và chỉ thực sự chán nản khi cụ Hương quyết định đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu.
Vấn đề Liên Trường mặt trái của nó là vấn đề Nam-Bắc.
Mà tiền sử của nó có thể từ thời Đàng Trong và Đàng Ngoài, thời Trịnh-Nguyễn kéo dài gần ba thế kỷ.
Nó bắt đầu từ sự khoanh vùng địa lý, sở hữu đất đai và bảo vệ sở hữu đó nên phải đụng đến binh đao. Nhưng để biện minh cho một thứ chính nghĩa thì người ta phải vận dụng đến vấn đề lịch sử, luân lý và ngay cả một số huyền thoại, vấn đề chính tà để biện minh cho những tham vọng của cả hai phía.
Nhà Nguyễn thống nhất ngôi vua chưa đầy 60 năm chưa đủ thời gian để xóa cào bằng những ranh giới phân biệt địa lý chính trị lịch sử giữa hai miền.
Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã lợi dụng lá bài Nam- Bắc và chỉ 40 chục năm sau, 1940, họ đã đào tạo được những thành phần tay sai bản xứ có trình độ chuyên môn cho một loại trí thức Nam Kỳ tự trị. Thật sự thành phần này chẳng những kỳ thị Nam-Bắc, còn phân biệt giai cấp giàu- nghèo, giai cấp thống trị- bị trị như một thứ người ngoại quốc trên chính quê hương mình.
Khi người Pháp ra đi thì không có nghĩa là ảnh hưởng văn hóa Pháp không còn nữa. Nó tạo ra một tồn tích mà nay ta gọi là hiện tượng hậu thuộc địa.
Cái chết của Thủ tướng Thinh coi như một lời cảnh cáo cho những ai còn nuối tiếc nó.
Sau 1955, tưởng như vấn đề kỳ thị Nam - Bắc nay nó đã thuộc về lịch sử rồi.
Nhưng cuộc di cư 1955 một cách gián tiếp như một cú sốc về văn hóa, xã hội. Cú sốc ấy hiểu được và không tránh khỏi được những đụng chạm phải có.
Ông Diệm có thể là người đã dẹp tan và giải mã được những đợt sóng ngầm ấy.
Sau 1963 - một thời kỳ nhố nhăng, đầy xáo trộn đã tạo dịp cho những cơ muu chính trị nhú đầu lên.
Cái nhen nhúm ấy thật sự chỉ nhằm một thế đứng chính trị chẳng khác gi cái thế đứng dựa vào các tôn giáo lớn như Phật giáo-Công giáo.
Người làm chính trị muốn có cái thế thì phải đi qua cổng nhà chùa hoặc cổng nhà thờ hoặc tính địa phương.
Nhiều dân biểu đắc cử vì dựa vào cái thế địa phương của mình.
Lý Chánh Trung có mặt trong nhóm Liên Trường và được giữ chức Đổng lý văn Phòng bộ giáo dục. Công việc của ông là dọn dẹp một số chức vụ chỉ huy trong ngành giáo dục và Vụ Học Đường Mới. Việc làm này hết sức đáng trách như những việc sau đây:
• Thuyên chuyển giáo sư Đàm Xuân Thiều (gốc Bắc) vốn là một nhà giáo gương mẫu, thanh liêm và đạo đức từ Giám Đốc Nha Trung Học đầy lên Ban Mê Thuột.
• Ông Đặng Trần Thường, cũng bị mất chức giám đốc Nha khảo thí cũng bị đầy lên cao nguyên • Giáo sư Trần Ngọc Ninh nói với tôi rằng chính ông là người đề ra Chương trình Học Đường Mới, có tên là CPS nhằm đưa giới trẻ vào các sinh hoạt ngoài phạm vi nhà trường. Có khoảng 30 gíáo sư nằm trong chương trình này. Ông đang đi dự một Hội Nghị Quốc tế về Giáo dục do Unesco tổ chức tại Băng Cốc mà lần đầu tiên Nga tham dự. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất- do áp lực của nhóm Liên Trường áp lực ông Nguyễn Cao Kỳ- buộc giáo sư Trần Ngọc Ninh phải từ chức. Họ đã thay thế Tổng trưởng giáo dục bằng một người khác là ông Nguyễn Văn Trường. Ông Trần Ngọc Ninh sau đó lẳng lặng rút lui. Và những người thay thế là Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung đã xóa sạch toàn bộ các chương trình ấy.
• Hiệu trưởng các trường trung học gốc Bắc như Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục bị thay thế thế bằng người miền Nam.. Trường hợp ông Lâm Phi Điểu- một người bạn tâm giao của ông Võ Long Triều được điều về làm Hiệu trưởng Hồ Ngọc Cẩn.. Chẳng may ông này bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn. Mặc dầu vậy, ông vẫn giữ chức Hiệu trưởng nên các giấy tờ công văn, tùy phái phải đến nhà ông để ông duyệt xét ký.
• Một số hơn 20 giáo sư trung học nằm trong chương trình Học Đường Mới bị trả về nhiệm sở cũ..như các quý ông Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Phạm Phú Minh, Đỗ Quý Toàn, Trần Đại Lộc, Phan Văn Phùng…
• Chính tôi đã hỏi thẳng ông Lý Chánh Trung về việc thuyên chuyển này, nhưng ông chối quanh và không nhận trách nhiệm do chính tay ông ký Sự Vụ Lệnh thuyên chuyển.
Nhìn lại việc này, tôi vẫn cảm thấy bực bội về thái độ và cách hành xử của giáo sư Lý Chánh Trung và bao nhiêu những cảm tình tốt dành cho ông từ những năm làm báo Sống Đạo tan ra mây khói.
Những việc tranh đấu, những điều ông viết trở thành những dấu hỏi về tính lương thiện trí thức có hay không?
Từ đó nó cũng đặt câu hỏi phải chăng ông là người có tính xu thời, thứ chủ nghĩa cơ hội, gió chiều nào ngả theo chiều đó. Tôi thật sự không dám dấn sâu hơn những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Cũng may là bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, một người cũng miền Nam- một tổng trưởng liêm chính- sau đó thay thế ông Nguyễn Văn Trường đã không đồng ý các việc giáng chức, bổ nhiệm có tính cách trừng phạt ấy.
Lý Chánh Trung với các sinh viên tranh đấu theo cộng sản
Việc từ bỏ tháp ngà của một giáo sư Đại học Văn khoa cũng như một công chức cấp cao của ngành giáo dục và quyết định dấn thân sát cánh với nhóm sinh viên tranh đấu thân cộng sản là một bước ngoặt trong cuộc đời sinh hoạt chính trị của ông. Những băn khoăn, thắc mắc của tôi là tại sao ông chọn lựa thái độ dấn thân ấy? Tôi đã thăm dò nơi một hai người bạn thân của ông. Nhưng kết quả không là bao nhiêu.
Tôi cũng không bằng lòng với những bài viết như thú nhận tại sao ông đã nhập cuộc và theo cộng sản vì lý tưởng cộng sản un đúc từ thời sinh viên, vì nghĩ rằng nó có tính cách trang điểm cho những việc làm của ông sau này, trước Đảng. Bài viết của ông nhan đề: "Làm Và Tin" viết như một thứ trả bài làm tôi nghi ngờ tính lương thiện trí thức ở trong đó, bởi vì nó được nhắc nhở đến ngay từ hồi còn sinh viên mà Lý Chánh Trung đã có niềm xác tín như thế với Đảng cộng sản.
Ông đã viết như sau:
"Lúc còn bên Pháp trong những năm 1950, tôi đã nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng trên toàn thế giới như nó đã thắng tại nước Nga, tại các nước Đông Âu và tại Trung Quốc, như nó đã thắng tại Việt Nam, không những vì đó là hướng đi của lịch sử mà còn vì đảng cộng sản là một tổ chức hữu hiệu nhất đã xuất hiện trong lịch sử từ trước đến nay. Riêng tại Việt Nam, hiệu năng ấy còn tăng lên gấp bội vì ở đây, Đảng cộng sản đã lãnh đạo từ đầu cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và đã thu hút được sự ủng hộ của mọi tầng lớp và mọi giới đồng bào.
Tuy không phải là người cộng sản, tôi thành thật mong muốn sự thắng lợi của chủ nghỉa cộng sản trên thế giới và tại Việt Nam, vì tôi cho rằng chỉ chủ nghĩa cộng sản mới tạo dựng được cái xã hội thật sự tự do, bình đẳng và huynh đệ mà tôi hằng mơ ước. Những tin tưởng hoàn toàn nơi thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản như tin một sự thật khoa học, bất kể những điều kiện khách quan có thể biến đổi ra sao, thì thú thật là tôi chưa tin nổi
Tôi đi tìm một lối giải thích khác và tôi nghỉ là nó chính xác hơn..."
Ông đã chạy theo những đám thanh niên thiên tả mà một số là cộng sản nằm vùng. Đặc biệt nhất là sinh viên Y khoa Huỳnh Tấn Mẫm.
Đối với tôi thì sinh viên này trước 1975 là thứ phá hoại, một thứ phá làng phá xóm do cộng sản giật giây.
Giá trị của anh ta là ở chỗ ấy. Sau 1975, không dùng được vào việc gì cùng lắm dùng làm cảnh.
Từ đó đến nay, gần 40 năm, anh sinh viên này mang thân phận dư thừa, không có chỗ đứng.
Có dịp đọc lại hết những hoạt động của Thành Đoàn TNCS của thành phố Hồ Chí Minh mới chính thức được thành lập năm 1966, tôi thấy hết được bối cảnh chính trị miền Nam trong những năm tháng cuối cùng.
Chúng ta biết rằng có một cuộc chiến tranh trực diện, cuộc chiến tranh ở ngoài Sài gòn bằng bom đạn, bằng trực thăng, bằng đại bác 105 ly, bằng đô la để đổi lấy những xác chết. Và cũng có một cuộc chiến bằng súng cối, bằng hầm chông, bằng ám sát, thủ tiêu và cuối cùng bằng xe tăng đại pháo với những xác người bị phơi thây bên bờ kinh, bờ rạch.
Nhưng có một cuộc chiến tranh thứ hai ngay giữa lòng Sài Gòn bằng biểu tình, tuyệt thực, xuống đường, bằng hô hào đả đảo, bằng lựu đạn cay và nước mắt và bằng những hàng ràm kẽm gai.
Cuộc chiến cân não này ít ai nói tới vì không thể đếm những xác người.
Nó cũng không có biên giới rõ rệt, trộn lẫn Ta và Địch, vì địch cũng có thể là ta.
Cuộc chiến trên đường phố ở Sài Gòn diễn ra ở hai mặt:
- Mặt nổi là những cuộc biểu dương lưc lượng của giới sinh viên học sinh như biểu tình, xuống đường, đòi cái này, cái kia, ngay cả việc đòi thả những cán bộ cộng sản như Vũ Hạnh, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy. Lý Chánh Trung đã có mặt trong nhữ cuộc biểu dương này và ông đã viết như sau trong "Một thời đạn bom, một thời Hòa bình":
"Tôi đã đến đây tham dự buổi tuyệt thực của 20 giáo chức Đại, Trung và Tiểu học tại tòa Viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại tự do cho các sinh viên, trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm đã bị giam giữ trái phép đúng một tháng qua và đang tuyệt thực, tuyệt ẩm trong khám Chí Hòa. Trong lúc mấy anh em hát, tôi cảm động không dám nhìn lên, chỉ nhìn xuống..."
Thế nào là trái phép? Bắt giam một anh cộng sản nằm vùng là trái phép? Đã không ai đặt ra câu hỏi này cả. Và sau 1975, đã bao nhiêu người đã vào tù một cách oan khuất, đã có lần nào, Lý Chánh Trung dám lên tiếng một lần?
- Mặt thứ hai của cuộc chiến tranh đang diễn ra tại thành phố Sài Gòn là công tác được chỉ huy của các đồng chí như Nguyễn Văn Linh, Trần Bạch Đằng, Phạm Phương Thảo với vô số tên tuổi như Nguyễn Đông Thức, Hồ Dũng, Anh Ngọc, Lê Văn Nuôi, Hàng Chức Nguyên, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Phạm Chánh Trực.
Và với nhiều bí danh như Tám Lượng, Hai Nghị, Út Thu, Mười Hưng, Ba Hoàng, Tư Kiên, Mười Hải, Mười Dũng, Ba Liễu, Tư Thanh v.v... Đã có hằng trăm tên như thế.
Công việc của họ là ám sát các nhân vật có uy tín của miền Nam như giáo sư Nguyễn Văn Bông, ký giả Từ Chung, báo Chính Luận, chủ bút Chu Tử, hai giáo sư Y khoa là giáo sư Lê Minh Trí, giáo sư Trần Anh và sinh viên Lê khắc Sinh Nhật...
Những công tác của các tổ ám sát này sau được phép kể lại công khai trên báo chí như một thứ giải trí hay một thứ thành tích giết người đáng được tự hào.
Sau nữa là việc đốt xe Mỹ xảy ra ở nhiều nơi...
Để hỗ trợ cho việc đốt xe Mỹ này, tờ Tin Sáng của nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung đưa ra một bản tin như sau :
"Phong trảo đốt xe Mỹ càng ngày càng vang dội vả được mở rộng, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ở Thủ Đức, vào lúc 10 giờ sáng ngày 10 tháng 9 năm 1971,đồng bào đã tự động phóng hỏa đốt một xe Đại Hàn. Hành động này, đồng bào Thủ Đức nói là hỗ trợ cho chiến dịch đốt xe Mỹ của Ủy Ban đòi Quyền sống đồng bào tổ chức nhằm trả thù cho đồng bào Bình Thạnh và các tỉnh miền Trung bị lính Đại Hàn giở trò man rợ".
Cũng tờ Tin Sáng số ra ngày 21 tháng 10 năm 1971 với hàng tít lớn :
"Từ tờ mờ sáng 20-10, sinh viên học sinh mở cuộc săn đốt xe Mỹ trong khu vực tam giác sắt Trần Quốc Toản- Cao Thắng- Kiều Công Hai…"
Việc đốt xe Mỹ này là do những tổ trinh sát vc thi hành. Tờ báo Tin Sáng đã tuyên truyền bịp bợm đổ cho đồng bào một cách vô tội vạ.
Ngày nay, họ còn tỏ ra hãnh diện và công khai hóa những vụ ám sát này như một thứ thành tích đáng được biểu dương...
Một tờ báo như Tin Sáng thế mà không ai nghĩ đến việc đóng cửa và bỏ tù bọn họ.
Với hai mặt trận như thế mà chúng ta đành thua người cộng sản.
2- Lý Chánh Trung sau 1975
Cộng sản vào miền Nam, ông được kể là người được tín cẩn nhất. Con cái của ông tuy đông, nhưng sau 1975, để đền ơn Đảng, ông đã hứng khởi làm thơ dâng hiến con cho cách mạng và tình nguyện cho con trai đi lính sang đánh giặc ở Campuchia…
Ít người miền Nam nào đã làm được như thế.
Trong tư thế một người công giáo miền Nam gần gũi với những sinh hoạt công giáo trong giới trí thức công giáo miền Nam như Tờ Sống Đạo, tờ Hành Trình, Đất Nước và Tin Sáng.
Ông còn là một người trí thức tiêu biểu cho thành phần trí thức thiên tả, lực lượng thứ ba ở miền Nam.
Về mặt Đảng cộng sản, vào những năm sau 1968 đến 1975, ông thực sự đứng trong hàng ngũ MTGPMN được chỉ định hoạt động bên cạnh giới sinh viên học sinh ở Sài Gòn.
Ở một tư thế thuận lợi về mặt Đạo, mặt Đời như vậy. Cả TGM Nguyễn Văn Bình đến phía Mặt trận đều coi ông là người của hoàn cảnh- người làm trung gian- giữa giáo hội công giáo và chính quyền mới.
Lý Chánh Trung, Lm Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn đình Đầu tự nhiên giữ vai trò trung gian giữa Tổng Giám mục và chính quyền mới.
Tổng giáo phận Sài Gòn giữ một vai trò quan trọng sau 1975 đối với chính quyền mới và tiêu biểu cho cách ứng xử cúa giáo hội Thiên Chúa giáo đối với người cộng sản. TGM đã khôn ngoan lập ra một ban cố vấn gồm nhiều linh mục giáo dân và họp nhóm mỗi sáng thứ hai. Nhóm gồm có linh mục Huỳnh Công Minh, ông Nguyễn Đình Đầu, lm Phan Khắc Từ, lm Chân Tín, lm Nguyễn Huy Lịch và lm Mai Xuân Hậu.
Có thể đó là một nhóm cố vấn "công khai", có những người đi theo cộng sản, có người chỉ có cảm tình và có người trung lập hoặc không ưa cộng sản như lm Mai Xuân Hậu. Ngoài ra còn có những người như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung được Đức Cha Bình nhờ trong một số trường hợp. Lý Chánh Trung dù không chính thức trong nhóm cố vấn của TGM Nguyễn Văn Bình, nhưng ông lại ở cái vị thế thích hợp nhất, vì ông có chân trong Mặt Trận tổ quốc thêm là đại biểu Quốc Hội. Về mặt Đạo hay đời, ông đều có thế giá để người ta nghĩ đến và nhờ cậy. Mặt đời mặt đạo ông đều có cái thế, cái uy tín... để ăn nói. Vì vậy, đã hẳn ông hiểu được những động lực, những toan tính, những chòng chéo trong các quyết định của nhà nước trong các vụ quan trọng như: việc loại trừ giám mục Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Sài gòn, vụ trục xuất khâm sứ, vụ án Vinh Sơn, việc chiếm hữu các cơ sở tài sản của địa phận.
Mức độ tham gia của ông trong chừng mực nào hiện nay khó mà biết đủ được.
Có một điều chắc chắn là Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã chịu nhiều sức ép từ phía Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Đình Đầu và cả Lý Chánh Trung nữa
Lợi của những loại cố vấn này thì không thấy bao nhiêu, nhưng hại thì nhiều. TGM Nguyễn Văn Bình cứ nhượng bộ hết chuyện này đến chuyện kia, hết tuyên bố lại đến Thư chung...Nếu có ai trách Ngài thì ngài than họ cứ ép buộc tôi nào tôi có muốn nói thế đâu!!.
Ngày nay nhìn lại, tôi thật sự bất nhẫn với thành phần linh mục, trí thức chung quanh TGM Nguyễn Văn Bình. Bởi vì, theo tôi:
- Chính họ là những người khởi xướng ra việc đặt vấn đề Tổng Giám Mục Phó với quyền thế vị của Giám mục Thuận rồi dẫn đưa đến việc trục xuất và cuối cùng là 13 năm tù đầy biệt giam. Họ là những linh mục tiến bộ như Thanh Lãng, rồi Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan. Họ sợ Giám mục Thuận là người chống cộng với các tội vu vơ như ủng hộ đảng Nhân Xã, tổ chức phong trào Công lý và Hòa bình và điều khiển chương trình Corey.
- Từ một vấn đề bổ nhiệm là một vấn đề thủ tục của Vatican và TGP Sài Gòn, họ đã bé xé ra to biến nó trở thành một vấn đề chính trị, một âm mưu.
- Sau này chỉ mình Thanh Lãng, hai tháng trước khi chết đã viết chúc thư xin lỗi Giám Mục Nguyễn Văn Thuận.
- Nhưng lúc bấy giờ, có một người duy nhất can đảm và xứng đáng nhất là lm Chủ nhiệm tờ báo Hòa Bình: linh mục Trần Du trong những buổi họp công khai ở Đại Chủng Viện và Dinh Độc Lập đã gọi bọn linh mục cấp tiến là Bọn Con Nít.Thật ra phải gọi là bọn hèn nhát và xu thời mới đúng.
- Chính Trương Bá Cần cũng là người điều động thanh niên biểu tình trước tòa Khâm Sứ và xúi bẩy việc trục xuất Khâm sứ tòa thánh.
- Chính họ hiến kế cho việc tịch thu 300 cơ sở các trường tiểu học, trung học trên toàn địa phận, bất kể số phận ra sao của các bà sơ, sư huynh điều hành các trường ấy. Họ lấy gì để sinh sống, nhiều dòng tu nữ đã rã gánh. Các bà sơ sau nhiều năm phục vụ nhà Chúa, nay đã lớn tuổi, số phận họ ra sao?
Nhiều dòng tu các sơ phải chia nhau đi làm công ở bên ngoài hoặc lập ra Hợp tác xã để sống qua ngày. Kể từ ấy đến nay, họ giữ im lặng. Tôi mong mỏi họ lên tiếng tố cáo sự vô tâm và vô trách nhiệm của địa phận.
- Các linh mục tuyên úy được coi như người lính ngoài mặt trận phải đi học tập cải tạo mút mùa. Ai là người của địa phận giúp lo tiếp tế, giúp can thiệp để giảm hạn thời gian Học tập. Đã có lần nào TGM Nguyễn Văn Bình đề cập đến vấn đề này hay mặc xác số phận họ? Sau nhiều năm học tập được thả ra về, mất quyền linh mục, không được coi xứ, sống vất vưởng, tòa TGM đã có biện pháp gì giúp đỡ họ? Theo ông Phạm Quang Giai :
"Cách đối xử của CS đối với những vị Tuyên Úy nói chung là tàn nhẫn, có nhiều bất công hơn cả với các đội thường. Chẳng hạn, công việc làm vôi đóng gạch là nặng nề nhất, cũng như công việc cuốc đất sau đó cho trâu xuống quần đất thành bùn cũng dành cho các vị tuyên úy... Để làm nhục họ, chúng bắt họ cởi chuồng mỗi khi tắm mà nhiều vị không quen".
Những người có thẩm quyền nhất như Thanh Lãng thì đã quá vãng. Nguyễn Huy Lịch và Chân Tín chỉ nắm được một phần nào cũng không còn nữa. Nguyễn Ngọc Lan cũng không hẳn người trong cuộc, chỉ với tư cách người làm báo nay cũng đã ra đi.
Trương Bá Cần và những bọn sâu bọ khác như Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Nguyễn Nghị, Thiện Cẩm (vừa qua đời), Vương Đình Bích, Nguyễn Thiện Toàn thì tin gì vào bọn người này?
Nay thực sự chỉ còn có hai người là Nguyễn Đình Đầu và Lý Chánh Trung còn sống. Đã đến lúc họ nên nói hết về vai trò trung gian của họ giữa tòa TGM và Chính quyền.
Cái vai trò trung gian ấy thật sự có phải chỉ là vai trò đồng lõa, hợp pháp hóa những việc trấn áp, tịch thu đất đai, tài sản của giáo hội.
Cả một lịch sử giáo hội miền Nam sau 1975 hầu như bỏ trống không ai dòm ngó. May mắn là ở hải ngoại có cho xuất bản được cuốn sách nhan đề "Ba mươi năm Công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản, 1975-2005".
Lý Chánh Trung cùng với lm Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Đình Đầu được chính quyền giao phó những công việc khá tế nhị như nhân chứng cho vụ án nhà thờ Vinh Sơn, tiếp quản một phần khu Câu Lạc Bộ Phục Hưng.
Linh mục Nguyễn Huy Lịch
Tôi muốn nói thêm về vụ linh mục này.
Gốc gác gia đình cha Lịch thuộc loại trí thức cấp tiến, thiên tả ở Hà Nội. Bố là luật sư, chống Pháp nên ngả theo phía bên kia. Sau khi cha Lịch thi đỗ tú tài có ngỏ ý xin đi tu và đã bị ông bố tức giận bợp tai vì muốn cha học làm luật sư. Rồi cuối cùng cũng chiều theo con. Cha Lịch sau đó sang Pháp du học.
Năm 1954, bố mẹ cha chọn ở lại Hà Nội cùng với một người em gái tên Khanh.
Năm 1955, thay vì về Hà Nội với gia đình, cha chọn vào miền Nam. Về làm Tuyên úy sinh viên Công giáo Câu Lạc bộ Phục Hưng, số 43 Nguyễn Thông. Nói đến cha Lịch, một số đông sinh viên Công giáo cũng như không Công giáo đều có một thái độ trân trọng, kính mến cha vì tinh thần cởi mở và hòa hợp, không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị. Danh sách khỏang 500 sinh viên đã từng ở đây xin kể một vài người: Nguyễn Đức Quý, Hoàng Ngọc Tuệ, Bùi Thế Cần, Ngô Khắc Tỉnh, Đoàn Thanh Liêm, Bửu Sao, Trần Ngọc Báu, Tô Lai Chánh, Đặng Tiến, Cao Huy Thuần, Vĩnh Linh, Phạm Đng Long Cơ, Đỗ Phan Hạnh (Chủ tịch Hội cựu học sinh Chu Văn An).
Nói chung, người ta nhận ra phong cách trí thức nơi cách diễn đạt- dù bằng những ngôn từ dễ hiểu- pha chút khôi hài tế nhị sự tôn trọng cá nhân cũng như sự tôn trọng ý kiến khác biệt, tạo được bầu khí ôn hòa chấp nhận người khác.
Phong cách đạo đức hẳn cũng có.
Tuy nhiên có thể cha thiếu một phong cách chính trị nào đó. Tôi rất không vui khi nhìn hình ảnh lm Nguyễn Huy Lịch đang leo cái thang để lên trần nhà để xem chỗ lm bề trên Trần Đình Thủ- một cụ già 80 tuổi- đang ẩn nấp ở trên đó.
Cái hình ảnh ấy không đẹp tý nào cả. Nó tố cáo một sự hăng say quá mẫn của một linh mục.
Vai trò linh mục không ở chỗ ấy. Cũng chẳng phải vai trò như đứng về phía kẻ cầm quyền đi bắt một kẻ gian vốn là đồng đạo, vốn là người anh em của mình.
Hình ảnh linh mục Nguyễn Huy Lịch leo thang lên chỗ trú ẩn của cha Trần Đình Thủ mà nhiều người không mấy quan tâm, Nhưng nó lại bộc lộ rõ cái bản chất, cái hoạt cảnh trơ trẽn của đám linh mục trí thức tiến bộ thời ấy.
Nó cho người ta thấy rằng có một sự thỏa hiệp đồng lõa giữa những thành phần thiểu số tiến bộ trong Công giáo với chính quyền cộng sản..
Trong khi đa số giáo dân, đa số linh mục tu sĩ sống thầm lặng, chịu đựng, giữ phẩm cách và không hùa theo đám giáo sĩ và trí thức tiến bộ mà cái hèn, cái thiển cận, cái óc cơ hội xu thời, cái theo đuôi kẻ mạnh, kẻ chiến thắng mà trước đây nhiều người vẫn coi là kẻ thù nguy hiểm nhất.
Họ trở cờ và họ muối mặt hãnh diện về sự trở cờ ấy.
Nói nặng thì họ là những kẻ phản bội. Thời xưa, chỉ có một Juda. Nay thì có khá nhiều. Juda Lý Chánh Trung, Juda Trương Bá Cần v.v... đếm không xuể...
Họ không khác gì những người đánh trống và thổi kèn cho chế độ mới.
Chúng ta cùng nhau đọc lại mấy tin tức thời ấy :
Tờ Sài Gòn Giải phóng, số 117 đưa tin :
Đã phá vỡ một ổ phản cách mạng, đội lốt tôn giáo
Tờ Tin sáng của nhóm Ngô Công Đức- Hồ Ngọc Nhuận Lý Chánh Trung, số 161 thì kết án mạnh bạo hơn đã đưa tin:
Những bằng cớ tịch thu được của bọn phản cách mạng chứng tỏ bọn họ muốn phá bỏ những thành quả của nhân dân ta trong suốt 100 nay.
Để tỏ ra khách quan, chính quyền mới đã mời ba người đại diện Thiên Chúa giáo trong vụ vây bắt này là các ông: Huỳnh Hữu Đặng, Nguyễn Đình Đầu và lm Nguyễn Huy Lịch đến chứng kiến vụ vây bắt những người đang cố thủ trong nhà thờ.
Một lần nữa linh mục Nguyễn Huy Lịch và đám Tin Sáng với Ngô Công Đức Lý Chánh Trung trở thành những kẻ tay sai, đồng lõa..
Riêng vụ án Vinh Sơn thì người ở ngoài giáo hội lại đề cập tới nhiều.
Mới đây nhất, Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc có nhắc tóm tắt đến vụ Vinh Sơn như sau :
"Đêm 12 rạng sáng 13-2-1976, lực lượng an ninh thành phố bắt đầu tấn công nhà thờ Vinh Sơn, thu giữ các thiết bị phát thanh và in tiền giả. Hai linh mục cố thủ trong nhà thờ đã dùng súng và lựu đạn chống trả quyết liệt, bắn chết Nguyễn Văn Ràng, một cán bộ an ninh. Mãi tới gần sáng, lực lượng bao vây mới khống chế được nhà thờ, hai linh mục Nguyễn Hữu Nghị và Nguyễn Quang Minh cùng ba người khác bị bắt".
Huy Đức chỉ căn cứ vào tài liệu của chính quyền cộng sản, sự thực sự việc xảy ra như thế nào?
Những người bị bắt trong vụ Vinh Sơn như hai vị linh mục, nhất là Nguyễn Xuân Hùng tự Ali Hùng bị giam chung với cánh nhà văn cũng bị giam tù thời đó.
Vì thế, có đến ba bài ký ức viết về anh lính Ali Hùng như bà Nhã Ca. Nhất là bài viết của Nguyễn Thụy Long: Ký ức về tiếng hát người tử tù. Và Duyên Anh, trong Nhà Tù, chương 18.
Xin ghi lại một trích đoạn của nhà văn Nguyễn Thụy Long, người chứng kiến những giờ phút chót của người tù tử tội Ali Hùng :
Những câu chuyện vặt trong phòng giam bỗng im bặt, khi tiếng nói thật lớn thật to ở phòng giam tử tội cuối hành lang cất lên :
Chào tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em còn ở lại. Tôi là Nguyễn Xuân Hùng, tự Ali Hùng, hai người bạn tôi, một là linh mục, một là chiến sĩ. Tôi là một người Việt Nam lai da đen, xứ Phi Châu Sénégalais, mẹ tôi là người Việt Nam, vậy tôi xin nhận nơi này làm quê hương, vì mẹ Việt Nam của tôi đã nuôi tôi khôn lớn và thành người. Trong phòng giam của tôi, vị linh mục đang quỳ dâng mình cho Chúa, người bạn chiến sĩ thì đang huấn nhục. Tôi có giọng khỏe, xin được hát thân tặng lại tất cả những anh em còn ở lại. Những bài hát thấm đượm tình quê hương của Phạm Duy mà tôi rất ngưỡng mộ : Chúng tôi đã mất Sài Gòn thật rồi...
Chúng tôi lưu ý đến vụ án này là vì theo một nhân chứng rất quan trọng là ông Trần Kim Định, bị án tù chung thân viết lại cho biết:
"Trên xe về trại, Ali Hùng nói với tôi:
"Em thật không ngờ ông cha Lịch lại nhẫn tâm làm chứng gian cho em. Từ việc bắn chết tên Rạng đến việc dùng loa phát thanh đều do Dũng làm..." Tòa án đã cố tìm chứng cớ để cho đủ bản án tử hình". (Trần Kim Định, Hồi ký của Trung tá Trần Kim Định).
Phần tôi thì tin vào lời trối trăn của Ali Hùng. Linh mục thì không còn nữa.
Phải chăng Lý Chánh Trung hoặc Nguyễn Đình Đầu có thể viết lại chuyện này?
(Tôi cũng mong nếu Trung Tá Trần Kim Định có đọc phần này thì xin cho tôi được có cơ hội đọc cuốn Hồi ký của ông).
Bộ trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh và con trai Lý Chánh Trung Lý Tiến Dũng : Nói láo
Nhắc đến các con ông, tôi nhớ là trong một lúc vui miệng, ông kể câu chuyện có lần ông Lê Đức Anh đến thăm một đơn vị quân đội có nói gì đó đụng chạm đến cá nhân Lý Chánh Trung. Không ngờ con trai Lý Chánh Trung cũng có mặt bữa đó. Lý Tiến Dũng, một đại úy mới về từ chiến trường Cam Pu Chia đã có mặt.
Muốn hiểu đầu đuôi thì cần phải nhắc lại, khi còn làm đại biệu Quốc Hội, Lý Chánh Trung có đề nghị phải cho báo chí tư nhân hoạt động.
Lời đề nghị đó đi quá xa và làm Nguyễn Văn Linh nổi giận. Bà Ngô Bá Thành- một thành viên của mặt trận- cũng hùa theo phê phán Lý Chánh Trung dữ dội.
Tiếp theo, Lý Chánh trung nguyên là Phó chủ tịch Hội Trí thức yêu nước nên có đồng ý để cho tổ chức một buổi nói chuyện cho nhà văn Dương Thu Hương nói về cuốn tiểu thuyết đang gây tranh cãi hồi đó nhan đề "Những Thiên đường mù".
Rõ ràng là một cuốn sách chống Đảng .
Từ đó, Lý Chánh Trung không được Mặt trận Tổ Quốc đề cử vào danh sách đại biểu Quốc Hội nữa.
Dư luận còn cho rằng, lợi dụng tình hình ở Đông Âu sụp đổ, một số thành phần thuộc lực lượng thứ ba trước đây nay đang có mưu đồ diễn tiến Hòa Bình.
Lê Đức Anh lợi dụng dịp này đưa ra trường hợp Lý Chánh Trung để mọi cấp cảnh giác.
Nhưng chẳng may có mặt con trai của ông ngồi đó. Nó tức khí đứng lên, đập bàn hét lớn:
"Nói láo", rồi vội dời khỏi Hội trường,. Sau này, anh ra khỏi quân đội và làm Tổng Biên Tập tờ Đại Đoàn kết.
Nó tức khí vì có kẻ đụng chạm đến bố nó- bất kể kẻ đó là ai- nó buột miệng đứng lên chỉ thẳng mặt Lê Đức Anh: nói láo.
Câu chuyện rồi cũng xong, được Lê Đức Anh bỏ qua.
Giả dụ nếu không phải là con trai Lý Chánh Trung thì số phận viên đại úy quèn này sẽ ra sao?
Kể xong câu chuyện, Lý Chánh Trung cười một cách rất con người- một Lý Chánh Trung là Lý Chánh Trung- Tôi cũng cười nói: Như thế là nó giống bố nó. Tôi cảm nhận và bắt gặp lại cái cười nửa miệng hơn 40 năm về trước của một trí thức miền Nam- với cá tính miền Nam- với phong cách trí thức áo vét, măng tô- với cái miệng ngậm ống tẩu- đôi chút cao ngạo cùng nhau dạo buổi tối trên một con dốc của Viện Đại Học Đà Lạt.
Tôi ngậm ngùi đã có một thời, cuộc sống của người miền Nam có thể sống an bình hạnh phúc như thế.
Con người trí thức xưa ấy và con người ngày hôm nay ngồi trước măt tôi, hình như không phải một người.
Sau vài giây phút thoải mái, Lý Chánh Trung trở lại con người thay vì khoác măng tô mang từ Bỉ về, ông khoác lại chiếc áo Mác Xít và nói :
- Này nói chơi thôi nhé, đừng kể cho ai nghe và về bên ấy nhớ đừng viết gì cả.
Lý Chánh Trung bỏ đạo Chúa theo Mác
Điều đáng trách nhất nơi ông- mà điều gì khác cũng có thể xí xóa được- là khi cộng sản vào một thời gian, trước mặt nhiều người, ông tuyên bố công khai kể từ nay, ông bỏ đạo Công giáo. Việc công khai hóa ấy ông muốn chứng tỏ cho mọi người biết mà không cần dấu diếm.
Việc công bố này làm bỉ mặt nhiều người. Có ai bắt ông phải làm một điều như vậy?
Và được biết, chỉ đến khi con trai ông bị nạn. Ông than thở, cầu cứu khắp nơi và cuối cùng chẳng còn biết trông cậy vào ai, ông mới hồi tâm trở lại.
Tuy nhiên, theo tôi được biết thì hiện nay kể như cả gia đình ông đều ra khỏi Công giáo.
Khi con trai ông qua đời, không thấy đả động gì đến các nghi thức Công giáo cả?
Thôi thì cũng đành.
Sau 1975, ông đã sống khuôn mình vào môi trường CNXH vốn không dễ gì. Bởi vì, con người Xã Hội chủ nghĩa, ngoài sức khỏe thể xác và tinh thần còn có một thứ sức khỏe không thiếu được: đó là sức khỏe chính trị.
Mất cái sức khỏe này thì mất tất cả nên ai cũng phải lo giữ gìn.
Cho nên, người ta không lấy làm lạ gì khi cấp lãnh đạo Đảng vào thăm thành phố Saigòn năm 1975 đã chỉ đưa ra một nhận xét duy nhất cho một người- một nhận xét xem ra quá khổ về LCT: "Lý Chánh Trung là một người cộng sản không có thẻ đảng". Lời khen này có thể là một lời khen thật- vì ông được đề nghị cho vô Quốc Hội mà cũng có thể hàm ý anh vừa vừa thôi nhé, đủ dose rồi...như một lời đe dọa bóng gió.
Lời nói bóng gió ấy chắc có kẻ sợ giữ mình.
Tôi đã không được biết phản ứng và câu trả lời của Lý Chánh Trung ra sao.
Chắc là im lặng.
Nhận xét về con người của ông Lý Chánh Trung qua Võ Long Triều
Xin giới thiệu một đoạn văn của Võ Long Triều-để nhờ đó biết rõ thêm con người thật của Lý Chánh Trung. Đoạn văn hơi dài, xin ráng đọc :
"... Một nhân vật khác có liên hệ với tôi, đó là Giáo Sư Lý Chánh Trung. Tôi không thể không nhắc tới nhân vật này, vì thiết nghĩ khi đã viết hồi ký, phải viết đúng sự thật, dù sự thật ấy có thể không làm hài lòng anh Lý Chánh Trung, nhưng tôi đã hứa viết sự thật, chỉ sự thật mà thôi, không thêm bớt che giấu, vì tôi biết đa số các chứng nhân còn sống kể cả anh Trung.
Lý Chánh Trung và tôi quen biết nhau từ khi còn du học bên Pháp, Lý Chánh Trung học ở Louvain, Bỉ quốc gần Paris, chỉ cách xa có hơn hai trăm cây số. Trung và tôi nhiều lần ăn cơm chung tại quán ăn rẻ tiền của Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam. Về Sài Gòn cùng nhau hoạt động trong hội trí thức Công Giáo, thân nhau như ruột thịt, xưng hô mày tao, tôi là bố đỡ đầu (god father) của con gái Trung là Thúy Lan. Từ làng đại học Thủ Ðức, Trung thường xuyên lên xuống Sài Gòn, hoặc đi dạy ở đại học, hoặc thường đến nhà tôi, tiền xăng nhớt làm thâm hụt ngân sách gia đình của Trung nên tôi rất thường cho con gái đỡ đầu của tôi, bốn tuổi, mỗi lần vài chục ngàn đồng, tiếng là cho con gái nhưng sự thật là tôi muốn giúp cho gia đình Trung dễ thở hơn. Thời gian sau khi tôi giao tiền cho Ngô Công Ðức làm báo Tin Sáng tôi có nhờ anh Lý Chánh Trung viết bài, mỗi bài tôi sẽ trả cho anh hai chục ngàn đồng nhuận bút. Tiền nhuận bút một bài báo thời đó cao lắm là một hoặc hai ngàn đồng là tối đa. Trung nói:
- Tao không từng viết bài để đăng báo. Từ hồi nào đến giờ có khi nào tao viết cho báo đâu?
- Thì mày cứ suy nghĩ về những vấn đề quan trọng của đất nước và lý giải một cách thuận lý thôi. Ai cũng khen mày viết lách hay mà. Mày viết độc giả có lẽ sẽ thích.
- Ừ, cứ nghe mày xúi cái đã, để tao thử xem.
Thực tế bài viết của Lý Chánh Trung thời đó được sự chấp nhận và ưa thích của độc giả. Nhưng chính tôi phải xuất tiền túi trả cho Lý chánh Trung gần cả chục bài đầu tiên. Sau đó tôi bảo Ngô Công Ðức trả tiền cho Lý Chánh Trung, Ðức phản đối nói bài báo gì mà hai chục ngàn? Ngô Công Ðức nhất định không trả. Tôi ngưng không đưa bài của Trung viết cho Ðức nữa dù sự thật là tôi đã trả tiền nhuận bút rồi nhưng còn giữ bài lại trên bàn giấy. Mấy hôm sau Ðức tới nhà hối thúc tôi xin bài của Lý Chánh Trung vì những bài đó “ăn khách”. Ðức hứa với tôi sẽ trực tiếp trả đúng số tiền cho Lý Chánh Trung.
Báo Tin Sáng đóng cửa vì Ngô Công Ðức thất cử Dân Biểu và vượt biên. Tin Sáng biến thành Ðiện Tín, Lý Chánh Trung vẫn tiếp tục viết cho đến khi tôi xuất bản báo Ðại Dân Tộc, tôi tâm sự với Trung :
- Mới ra báo tao không thể trả cho mày hai chục ngàn đồng một bài mà chỉ trả phân nửa tiền là mười ngàn thôi. Số tiền đó cũng đã nhiều quá rồi. Vả lại ngày xưa tao buộc thằng Ðức phải trả tiền như vậy là để giúp mày chứ bài báo gì mà trị giá hai chục ngàn?
Rồi có một ngày Lý Chánh Trung viết bài cho báo Ðiện Tín mà anh không viết cho Ðại Dân Tộc. Tôi có yêu cầu anh quản lý Nguyễn Văn Tịnh của Ðại Dân Tộc đi Thủ Ðức hỏi Lý Chánh Trung cho biết lý do tại sao? Anh quản lý trả lời với tôi: “Ông Trung bận việc quá không viết được và nói dù sao hai chục ngàn đồng một bài cũng dễ viết hơn là mười ngàn một bài”.
Tôi ngỡ ngàng, kinh ngạc. Ðáng lý ra dù Ðại Dân Tộc không trả tiền đi nữa thì Lý Chánh Trung cũng nên ưu tiên viết cho tôi vì tình bạn. Với bạn, sao Lý Chánh Trung lại quá lý tài như vậy? Tôi quyết định cắt đứt liên hệ với Trung, không một lời oán trách, không cần giải thích lý do, bởi vì một người bạn xem trọng quyền lợi hơn tình nghĩa thâm giao thì còn gì phải nói nữa?
Có lần, Lý Chánh Trung ghé qua nhà và tòa soạn đưa bài nhưng tôi không tiếp, và cũng không hề đăng bài nào của anh kể từ ngày đó. Anh có nhờ Nguyễn Văn Trường, là bạn thân của hai đứa, điện thoại xin lỗi tôi và xin gặp tôi để giải thích, tôi không chấp nhận. Nói đến chuyện tiền bạc rõ ràng nó không đáng nói ra, nhưng không may điều đó có thể giải thích tại sao Lý Chánh Trung ngã theo cộng sản sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 cũng, liệu có phải vì quyền lợi chăng? Tôi cho rằng, đó là bản chất của Trung chớ không phải lỗi lầm. Bởi vì trước ngày 30 Tháng Tư, Lý Chánh Trung có viết một văn bản văn viết tay, xác định ý kiến của nhiều anh em bàn thảo nói về, “chủ trương một xã hội công bằng, tả khuynh không cộng sản” mà chúng tôi chưa phổ biến. Tài liệu này khi xét nhà tôi công an thu được, đã tra hỏi tôi rằng chữ viết nầy không phải của tôi vậy là của ai? Tôi suy nghĩ dù có chỉ mặt chỉ tên, lôi người khác vào tù cộng sản thì cũng chẳng ích lợi gì. Sau vụ tiền nhuận bút, nhiều lần Trung gặp tôi trong những cuộc tiếp tân tại tư dinh của Ðại Tướng Dương Văn Minh, Trung bắt tay tôi, xin lỗi và hỏi:
Tôi còn nhớ khi đó có mặt cả giáo sư Vũ Quốc Thúc, cựu Quốc Vụ Khanh, Nguyễn Kiến Thiện Ân cựu Tổng Trưởng Kinh Tế, cựu Phó Thủ Tướng Dương Kích Nhưỡng, Luật Sư Bùi Chánh Thời, Tiến Sĩ Lâm Văn Sĩ, Trung nói:
- Tao kiếm mày quá mà mày đi đâu mất tiêu?
- Mày kiếm tao làm gì?
Tao có chuyện muốn nói với mày.
- Tao với mày bây giờ còn gì để nói với nhau? Một thằng là Ðại Biểu Nhân Dân, Một thằng là tù cải tạo mới được trả tự do tạm thời, có điều gì để nói với nhau chứ?
- Mày sao lúc nào cũng vậy hè?
- Tao chưa đổi tên đổi họ nên lúc nào cũng là tao thôi.
Nhưng thực tế, do Lý Chánh Trung phát biểu những điều trái tai nên tôi có nặng lời lớn tiếng, buổi nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ vô bổ mà còn bực mình. Tôi trách Nguyễn Văn Trường tại sao không giữ lời hứa. Trường trả lời: “Moa không can bởi vì đối với thằng Trung toa có thể nói như vậy được”. Về nhà tôi thấy buồn vì đã làm một việc vô bổ ngay từ khi mới ra tù.
Trong thời gian còn ở lại Việt Nam có một ngày bà giáo sư Tô Thị Ánh, chị vợ tôi, mời tham dự đám giỗ nhạc gia của tôi, có sự tham dự của Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trường, Giáo Sư Trần Văn Tấn, cựu Viện Trưởng Viện Ðại Học Sài Gòn, Kỹ Sư Hồ Xích Tú, Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương. Chị Ánh lưu ý tôi rằng:
- Bữa nay đám giỗ ba, đừng có chửi anh Trung trước mặt bạn bè đấy nhé.
- Tôi mắc mớ gì mà phải chửi nó.
Nhưng cây muốn lặng mà gió đừng, giữa bữa ăn, trong câu chuyện tôi không nhớ chúng tôi nói về điều gì đó mà đột nhiên Lý Chánh Trung nói:
- Tôi là đồng hành với cộng sản chớ tôi không phải đồng chí của họ.
Làm sao tôi im lặng được trước câu nói ngớ ngẩn với mục đích biện hộ của anh ta như vậy? Tôi bèn xổ ra từng tràn:
- Mày đồng hành hả? Có giống như các đảng phái quốc gia đồng hành với bọn cộng sản trong tổ chức “Việt Minh Cách Mạng Ðồng Minh Hội không”? Họ bị thủ tiêu hết, tại sao mày không bị thủ tiêu? Mày Ðồng hành sao mày muối mặt viết bài “Xin cho được gọi bằng Bác” sau khi cộng sản chiếm Sài Gòn? Mày đồng hành sao mày cho con Thúy Lan vô đảng? Sao mày hãnh diện cho Thằng Dưỡng đi bộ đội và tạo cơ hội cho nó lấy con gái một anh đại tá Việt Cộng. Ðối với cộng sản không có chuyện đồng hành, chỉ có qui hàng trở thành nô bộc, hay đồng đội luôn luôn phục tùng.
Thấy gay cấn, cả bàn ăn can gián, làm bữa tiệc mất vui. Sau cơn nóng giận,tôi cũng ân hận vì không giữ được sự hòa khí trong ngày giỗ của nhạc gia mình.
Bây giờ viết lại mấy dòng này tôi thấy lòng vẫn buồn nhiều hơn oán trách. Tiếc nuối cho tuổi thanh xuân của mình, của bạn bè, không biết kết hợp lại với nhau, đem khả năng để phục vụ đất nước và thay vào đó đã phân tán, kẻ đầu hàng Cộng Sản, người phản bội lại chính mình, người thất bại bị tù đày chết chóc".
Nguyễn Văn Trung- Lý Chánh Trung đối đấu với Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại vụ phê bình của Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn (có thêm một người nữa là ông Nguyễn Văn Bảy) về hai người đàn anh của họ là Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, tôi không còn mang nỗi bực tức nữa như trước đây. Mà hiểu rằng, điều đó nó phải xảy ra như thế trong một xã hội cộng sản, trong đó người ta nghi ngờ nhau, tố cáo nhau, triệt hạ nhau. Và nếu trong tay có quyền thế họ có thể hạ bệ, cách chức và cả thanh trừng nữa.
Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn đã làm theo đúng sách vở và nhiều phần làm theo lệnh Đảng hoặc làm để lấy điểm.
Cho nên, tôi sẽ không đề cập đến vấn đề nội dung phê bình đúng sai. Những nạn nhân như ông Lý Chánh Trung thì nay không còn biết gì nữa. Nguyễn Văn Trung thì từ lâu đã gác mọi chuyện và để ngoài tai cả mười năm nay rồi.
Phần Lữ Phương thì cũng đã thấm đòn, thất vọng ngay từ sau 1975 đã không được trọng dụng và ở thế ngồi chơi xơi nước. Sau đó xoay ra ngồi nghiên cứu phê bình chủ nghĩa Mác Xít-mà tự nó chủ nghĩa này đã lỗi thời nên cũng chẳng ai quan tâm và chẳng gây đuợc tiếng vang gì.
Nguyễn Trọng Văn thì giọng phê bình như đao búa, gần như mạt sát nẩy lửa. Đó cũng là cái tài của anh ta. Chẳng bao lâu sau, lấy điểm cũng không xong, anh ta bị Đảng cấm cầm bút. Sau đó thì anh ta bị tai biến mạch máu não, phải ngồi xe lăn. Và qua đời cách đây được hơn một năm.
Cuộc đời Nguyễn Trọng Văn có cái may là cả hai đời vợ đều tốt nết. Người vợ đầu tôi thấy chị ấy thật là hiền thục. Ít nói, hỏi gì chị chỉ cười nhẹ. Người vợ thứ hai nhanh nhẹn, xinh xắn, hết lòng chăm sóc lo cho NTV từng miếng cơm.
Còn ngoài ra, con người Nguyễn Trọng Văn, ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, tôi đã nhận ra tính bá đạo dựa trên những suy luận biện chứng. Trong một bữa ăn tụ họp anh em bạn bè cũ cùng học sau 1975 khi tôi có dịp về thăm VN. Một người bạn đã chỉ thẳng mặt Nguyễn Trọng Văn tố cáo Văn đã làm chỉ điểm hại bạn bè. Những chuyện nghi ngờ như thế, khó kiểm chứng, khó biết thật là đúng hay sai như chuyện làm ăng ten trong các trại cải tạo. Tôi đã đứng lên can thiệp và yêu cầu anh bạn ngồi xuống để bữa ăn họp mặt được trọn vẹn.
Phần Nguyễn Trọng Văn ngồi im lặng, không phản ứng gì trong suốt bữa ăn.
Cảnh đó, nghĩ lại nay cũng thấy tội nghiệp. Bạn bè nghi kỵ, trở thành thù địch. Đàn em tố cáo, hại đàn anh. Những điều như thế chỉ có thể xảy ra trong xã hội cộng sản.
Tôi còn nhớ, khi Nguyễn Trong Văn ra tòa xin ly dị với bà vợ người Tàu lai, làm nghề châm cứu. Nguyễn Trọng Văn đã tố cáo vợ trước tòa đại loại như sau: Đây là một người đàn bà bất xứng, phản bội lại tổ quốc vì đã vượt biển. Vậy thưa quý tòa, người đàn bà này có còn xứng đáng có quyền để nuôi giữ đứa con trai của tôi không?
Quan tòa nghe vậy thì đành quyết định trao đứa con trai cho Nguyễn Trọng Văn. Nghe chuyện này, anh em bạn bè đều ngao ngán.
Riêng Nguyễn Ngọc Lan (linh mục hoàn tục) một cây viết phê bình sắc sảo và khá thâm độc cũng phải lắc đầu: Thật chịu thầy thôi.
Hai bài tham luận của Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn cùng một chủ đề.
* Bài của Nguyễn Văn Bảy nhan đề: Phê Bình quan điểm Cách Mạng Xã Hội không cộng sản của hai ông Nguyễn Văn Trung trong Nhận Định IV, Nam Sơn, tháng 5- 1966 và của Lý Chánh Trung, trong Cách mạng và Đạo Đức, Nam Sơn, tháng 1-1966.
* Bài của Lữ Phương nhan đề "Vài ý kiến về các xu hướng gọi là ‘Cách mạng Xã Hội không cộng sản``, ở miền Nam trước đây".
* Bài của Nguyễn Trọng Văn nhan đề: Chủ nghĩa Xã hội không cộng sản tại miền Nam Việt Nam- Nội dung và ảnh hưởng- (tham luận của Nguyễn Trọng Văn, tại Đại học Tổng Hợp, cơ sở II, TP Hồ Chí Minh).
Hiện tượng tố giác này, sau 20 năm sống ở miền Nam, tôi chưa hề bao giờ thấy xẩy ra. Tại sao, Nguyễn Trọng Văn vốn cũng là một trí thức miền Nam có hạng, trở thành một tên chỉ điểm, đi tố giác đàn anh. Kẻ đi tố cáo đã tự làm mất bản thân mình trở thành tên đao phủ như Tố Hữu?
Trước những lời tố cáo như thế, Lý Chánh Trung thay vì ngậm tẩu, im lặng và để làm đẹp lòng chế độ mới, ông đã điều chỉnh, đổi giọng như sau trong một bài phỏng vấn của nhà báo Alain Ruscio, ông nói:
"Đã từ lâu, tôi vẫn mơ một cuộc cách mạng khoan hòa, đúng mực và khoan nhượng… Chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã đáp đúng nguyện vọng của tôi.. Chúng tôi đã làm mọi cách để xã hội mới được hình thành với ít đau đớn bao nhiêu hay bấy nhiêu… Ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về điều này là một yếu tố quyết định".
Ở chỗ bạn bè, chỗ những người quốc gia, ông lý luận rất khéo léo để che đậy, rất thuyết phục.
"Tôi chỉ đồng hành với họ (cộng sản), nhưng không là đồng chí".
Một lối nói ngụy biện chỉ những tay biện luận triết học có tay nghề mới nói được như thế.
Bởi vì cũng trong một bài trả lời phỏng vấn Alain Ruscio, ông được coi là đại diện cho thành phần thứ ba, ông lại nói khác. Ông cho rằng:
"Người ta không thể nào là người yêu nước, yêu hòa bình, hòa hợp dân tộc mà lại đồng thời có thể chống lại cộng sản".
Ở đây lại là một lối ngụy biện cao đồng hóa tình tự yêu nước và yêu Đảng vào làm một.
Nói cho cùng, cả Lý Chánh Trung, cả Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương tiêu biểu cho một bi kịch của trí thức miền Nam sau 1975.
Lý Chánh Trung ra Hà Nội
Chiếm xong Sàigòn chưa được bao lâu thì chính quyền cộng sản chuẩn bị đưa một số những vị tiêu biểu có công với Cách Mạng được ra Bắc để mừng Quốc Khánh 2-9. Đã hẳn sự tuyển chọn là có cân nhắc và những người nằm trong danh sách được mời thì cảm thấy đây là một vinh dự hiếm có mà không khỏi hãnh diện lắm.
Những khuôn mặt tranh đấu quen thuộc của miền Nam trước 1975 nay có dịp ra gặp gỡ các cấp lãnh đạo miền Bắc trong tinh thần trên dưới một nhà.
Trong số họ, người ta thấy có các vị tu sĩ mà tên tuổi quen thuộc như Hòa Thượng Thích Trí Thủ, linh mục Chân Tín, lm Nguyễn Huy Lịch, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, hòa thượng Thích Minh Nguyệt, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan, Ni sư Huỳnh Liên, nữ nghệ sĩ Kim Cương, nhà văn Vũ Hạnh, giáo sư Lý Chánh Trung, bà Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, ông Nguyễn Văn Hạnh, ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Lê Hiếu ĐẰng,
Không có Thích Trí Quang đâu nhé!! Nên ghi nhận sự thiếu vắng có ý nghĩa này.
Tôi nhớ không lầm thì có cả linh mục Chân Tín nữa. Ông là Ủy viên Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đồng thời còn là Phó Chủ tịch Mặt Trận Thành phố một thời gian.
Chắc hẳn chức tước với ông chả là cái gì- chỉ là bánh vẽ- sau chuyến đi này, về Sài Gòn ít lâu, ông bị tước sạch vì tờ báo Đứng Dậy với bài của Nguyễn Ngọc Lan với bài nhan đề: Hà Nội tôi thế đó.
"Hà Nội tôi thế đó" là thế nào? Các anh định chửi xỏ xiên Hà Nội chúng tôi đây. Ra lệnh dẹp Đứng Dậy.
Gặp người quen, ông nói to: Tôi được giải phóng rồi..Chẳng bao lâu sau, ông được đi "nghỉ mát" ở Cần Giờ.
Nhắc lại thôi thì tiệc lớn, tiệc nhỏ... tình nghĩa ôm hôn thắm thiết. Riêng ông Lê Hiếu Đằng thì đã có một bài văn tả đầy đủ với những cái hôn thắm thiết, những bàn tay siết chặt tưởng như không muốn rời ra... Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình tình nghĩa đồng bào, đồng chí!
Tôi được biết sau chuyến đi thì mọi người đều phải có một bản báo cáo về chuyến đi khi trở về Sài gòn, một lần ở rạp Rex cũ do Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Saigòn Gia Định tổ chức và một buổi nữa ở Đại Học.
Theo Lý Chánh Trung kể cho tôi nghe thì phái đoàn trong Nam ra đi đến đâu cũng được dân chúng túa ra đón tiếp nồng hậu. Ông được đi tham quan xã Như Quỳnh, cách Hà Nội 20 cây số, trên đường đi Hải Phòng, thuộc tỉnh Hưng Yên cũ. Ở đây, ông bị một chị trong Hợp Tác Xã đột ngột hỏi: Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung không?
- Thưa phải.
-Thế thì hân hạnh được gặp giáo sư vì tôi đã có đọc bài của giáo sư viết trước đây.
Lý Chánh Trung chắc là phải ngỡ ngàng thôi.
Khi về lại Hà Nội, cũng một lần cả đoàn đang đi thì có một thanh niên chạy vội lại hỏi to:
- Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung cho tôi gặp mặt.
- Lý Chánh Trung lại tách ra khỏi đoàn trả lời: Tôi đây, tôi là Lý Chánh Trung đây.
- Thưa giáo sư tôi kính phục giáo sư vì trước đây có được đọc bài của giáo sư.
Ông nhận xét, ngoài Bắc, dù có chiến tranh, nhưng trình độ văn hóa miền Bắc kể là cao hơn miền Nam nhiều lắm. Một người dân thường mà cũng có thể đọc bài viết của Lý Chánh Trung từ trong Nam gửi ra.
Nghe chuyện này của Lý Chánh Trung, tôi chỉ cười.
Vậy mà tôi được biết có lần Võ Văn Kiệt nhận xét cán bộ của ta biết đọc biết viết đã là may. Mấy người đã có cơ hội đọc: "Thép đã thôi tôi thế đấy", "Rừng thẳm tuyết dày"...
Lý Chánh Trung hãnh diện là phải, vì thế cộng sản mới thắng được đế quốc Mỹ.
Lý Chánh trung và về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muôn học.
Tôi đang ở Munich tại nhà một người bạn vào năm 1988 thì được cho biết là có một bài báo đang gây sôi nổi lắm ở Việt Nam của Lý Chánh Trung. Bài báo được đăng trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật, 13-11-1988.
Thú thật đây là bài báo gây sảng khoái, thích thú nhất trong số cả trăm bài khác của ông Lý Chánh Trung mà tôi đã đọc.
Phải như thế mới là Lý Chánh Trung.
Ông viết thật xuất phát từ tim gan, viết gọn ngắn, rất thẳng thừng. Dù ngắn gọn cũng là ấp ủ một hoài bão muốn xóa bỏ môn học chết tiệt đó.
Hơn ai hết, một người thấm nhuần tư tưởng văn học, triết học từ phương Tây làm sao chịu thấu những đinh đề cứng nhắc của triết học Mác Xít?
Một nền giáo dục xứng đáng, nhân bản đôi khi chỉ cần là biết trở về nguồn, trở về nguồn cõi đích thực mà cha ông bao đời đã để lại.
Người ta đã biến một lý thuyết xã hội thành phương châm, thánh một thứ luân lý chính trị làm kiểu mẫu đạo đức cho giáo dục Việt Nam, cho con người Việt Nam, cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Giáo dục Việt Nam ngày nay nó hỏng từ đó, đục ruỗng từ đó.
Tưởng rằng sau đó nó sẽ được thay đổi!!
Cái môn học ấy mà Lý Chánh Trung cho rằng nó làm khổ thầy giáo, làm khổ học trò từ bao nhiêu năm rồi! Không muốn dậy mà cứ phải dậy, không muốn học mà cứ phải học. Học như vẹt. Nay mới có một người dám nói lên sự thật.
Bài báo gây chấn động, gây thích thú cho mọi người..
Ông Đoàn Thanh Liêm có kể lại rằng, có một nhân sĩ sau khi đọc xong bài này đã nhờ ông Liêm gửi tặng ông Lý Chánh Trung một món tiền.
Phần tôi nghĩ rằng câu nói của Lý Chánh Trung sẽ mãi mãi được người đời ghi nhớ chẳng khác gì câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu.
Buồn thay vào ngày 22-12-2004, Bộ giáo dục đào tạo đã đưa ra hai phương án cho các trường đại học áp dụng kỳ thi tốt nghiệp phải có môn học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Lý Chánh Trung và nhóm lực lượng thứ ba trong chính quyền mới
Đây có lẽ là vấn đề ít được tìm hiểu và ít được biết đến nhất sau 1975, nếu không nhờ vào một vài tài liệu ngoại quốc.
Thành phần thứ ba được hiểu ở đây là những cựu dân biểu đối lập thời Đệ Nhị Cộng Hòa nay ở lại và ngả theo cộng sản. Họ tụ tập và làm việc chung với nhau trên tờ Tin Sáng- một tờ báo duy nhất cho phép tái hoạt động dưới chế độ mới :
Một niềm tự hào cho nhóm này- và một phép thử cho chính quyền mới!! Hay một sự lợi dụng của chính quyền mới chứng tỏ họ là những người rộng rãi, sẵn sàng hợp tác với những người của cựu chế độ miền Nam?
Ngay sau 30-4-1975, Ngô Công Đức từ Pháp về và cùng với những đồng chí, bạn bè cũ- hầu hết thuộc cánh miền Nam- như Nguyễn Hữu Hiệp, Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Văn Binh, Hồ Ngọc Cứ, Hoàng Ngọc Biên, Trương Lộc, Phan Ba, Dương Văn Tòng và Lý Chánh Trung.
Sau năm năm chăn gối với cộng sản, tờ Tin Sáng bị giải nhiệm và coi như đã làm xong nhiệm vụ. Tin Sáng 1975-1980.
Một thành phần khác được coi là trí thức tiến bộ đã được mời vào Mặt trận tổ quốc và những tổ chức chỉ có cái danh xưng như các quý ông bà Cao Thị Quế Hương, Huỳnh Tấn Mẫm, ni sư Huỳnh Liên, các giáo sư như Phạm Biểu Tâm (Phó chủ tịch Hội trí thức yêu nước, thành viên của Mặt trận tổ quốc), Thẩm phán Trần Thúc Linh (có con là sinh viên y khoa bị cộng sản thảm sát trước 1975, thành viên MTTQ), Võ Đình Cường, Vương đình Bích, Trương Bá Cần, Lý Chánh Trung, (đại biểu quốc hội, thành viên MTTQ), giáo sư Lê Văn Thới, Thượng tọa Thích Minh Châu, luật sư Trần Ngọc Liễng, Ngô Bá Thành, luật sư Nguyễn Long, luật sư Trịnh Đình Thảo, Võ Thị Bạch Tuyết, bác sĩ Trần Văn Du, dược sư Hồ Đắc An, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, nhà văn Vũ Hạnh, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, giáo sư Trần Kim Thạch, Kỹ sư Đinh xáng, kỹ sư Lâm Văn Vạng, giáo sư Châu Tâm Luân và giáo sư Phạm Hoàng Hộ.
Phải nhìn nhận trong số thành phần trí thức trên, nhiều người phải theo trong thế chẳng đặng đừng- thế bất đắc dĩ- như trường hợp giáo sư Phạm Hoàng Hộ, Lê Văn Thới v.v...
Nhưng có thiếu gì những trí thức đủ tư cách người trí thức miền Nam như Nguyễn Xuân Oánh, như giáo sư Trần Ngọc Ninh, họ đâu có cần một sự thỏa hiệp nhục nhã như thế!!
Vai trò chính yếu của họ là làm cảnh cho chế độ và khi cần lên tiếng bênh vực chế độ.
Họ cùng với một số nhà báo Pháp như J. Lacouture, M. Chanda, R.P Paringaux, F. Nivolon, P. De Beer, M. Riboud, biện hộ cho chế độ tập trung cải tạo trên các tờ báo như Le Figaro vào khoảng năm 1976.
- De Beer, thăm một trại ở Hóc Môn vào tháng tư-1977 cho là trại cải tạo trông ngắn nắp sạch sẽ, ít ra cũng không giống các chuồng cọp thời chế độ cũ.
- R.P Paringaux, thăm tháng tư-1978 cho rằng không có sự đối xử tàn bạo, đồ ăn thì nghèo nàn, nhưng cũng tươm tất, đàng hoàng(maigre, mais correcte).
- M. Riboud, tháng hai-1976 thì cho rằng không có sự trả thù những thành phần chế độ như thường thấy sau một cuộc chiến tranh..
- J. Lacouture, tháng 5-1976 thì cho rằng không phải là những trại nghỉ hè, nhưng cũng không phải là những Goulags.
- Alain Ruscio thì có thăm viếng hai trại cải tạo: một ở Xuân Lộc, một ở Nam Hà. Và có thu tập một hai lá thư của tù cải tạo và coi như bằng chứng hiển nhiên. Tội nghiệp cho những tù cải tạo được khuyến khích viết những lá thư ấy như đại tá Lê Thanh Hòa, cựu nghị sĩ Ngô Văn Hàm, cựu tướng Huỳnh Văn Cao. Trẻ hơn có những sĩ quan như Thiếu úy Trần Thanh Quang. Tôi không tiện trích dẫn nó ra đây làm gì vì chỉ là những lời nói không thật. Và Alain Ruscio đã hãnh diện: "Dù thế nào, đây không phải là những trại diệt chủng " (camp d’extermination).
Các trí thức thành phần thứ ba đã phạm phải những lỗi lầm khó chấp nhận được. Không biết do ai chủ xướng, họ đã viết một lá thư nhan đề : Lettre aux amis d’Occident vào 28 tháng 6-1979 được đăng trong Bulletin de l’Association d’Amitié Franco-Vietnamien tháng 10-1979. Trong đó họ bào chữa và biện hộ cho chế độ về vấn đề người di tản (boat people) và vấn đề trại cải tạo.
Phần kết luận họ cho rằng chế độ không có gì phải dấu diếm và hy vọng các bạn phương Tây có dịp đến thăm tại chỗ. Và mặc dầu chế độ còn nhiều khuyết điểm, chúng tôi xác tín rằng, chúng tôi đang làm những công việc mang lại hạnh phúc cho mọi người (Nous n’avons rien à cacher, malgré nos défauts et nos insuffisances, nous avons la certitude d’œuvrer pour le bonheur de l’homme°.
Ho Chí Minh Ville, le 28 Juin 1979.
Phần Lý Chánh Trung, trên tờ Tin Sáng, theo lời một người bạn kể cho đã đọc được những dòng như sau của Lý Chánh Trung :
Người đi học tập được ăn uống đàng hoàng như đi nghỉ mát và còn được đọc báo chí và chơi bóng chuyền..
Về các trại Học tập cải tạo thì nay mọi người đã rõ. Tạ Tỵ đã viết Đáy Địa Ngục, Hà Thúc Sinh viết Đại học Máu, Nhã Ca với Hồi ký Một người mất ngày tháng, Phạm Quang Giai với Trại Cải Tạo rồi Duyên Anh, Tạ Chí Đại Trường v.v...
Tôi chỉ xin trích dẫn một vài lời than cũng đủ đánh đổ tất cả những luận điệu tuyên truyền của đám trí thức thành phần thứ ba ở trên:
Hai mươi năm làm vợ lính thời chiến, 13 năm vợ tù cải tạo thời bình. Là người con gái ở miền quê Bầu Trai. Tôi có làm gì đâu mà suốt cuộc đời chỉ sống với nước mắt.
Và đây là lá thư một người vợ sĩ quan viết cho chồng còn nằm trong trại Học tập :
Nếu những ngày tới, em không còn cách nào kiếm được gạo nuôi con thì mẹ con em sẽ cùng uống thuốc chuột chết cho xong, Em và các con đã khổ quá rồi.
Nếu có những linh mục, trí thức công giáo sống hèn, sống khúm núm nịnh bợ hùa theo người cộng sản thì cùng một lẽ cu'ng có vô số trí thức của chúng ta - bằng cấp đầy mình, bỗng lộc dư thừa - tỏ ra sống hèn, khiếp nhược.
Những bằng chứng vừa kể trên được nêu ra không phải để kết án họ, mà cho mọi người thấy những thành phần có học về nhân cách, bản lãnh đôi khi thua xa những người dân thường.
Ngay sau 1975, trên đường phố Sài Gòn, tôi đã thấy những người dân thành phố đã công khai chửi đảng cộng sản bằng đủ thứ ngôn ngữ, bằng đủ kiểu, đủ cách .
Đâu có cần đợi đến bây giờ, sau 40 năm!!!
Lý Chánh Trung và Nhóm những người kháng chiến
Thời gian hình thành và tập hợp nhóm những người kháng chiến cũ là khoảng năm 1985- Giai đoạn mà Lý Chánh Trung đã mất hết mọi quyền hành chính trị như đại biểu Quốc Hội hay chức vụ trong Mặt Trận Tổ Quốc.
Có thể nói, ông đã hiểu rõ bộ mặt thật của cộng sản.
Mới đầu, Hội đã được sự tán thành của những người trong cấp lãnh đạo cao nhất của đang cộng sản trong vai trò Hội viên danh dự có :
- Nguyễn Văn Linh, bí thư Thành Ủy Hồ Chí Minh
- Võ Văn Kiệt, phó chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng
- Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Quốc Hội
- Huỳnh Tấn Phát, phó chủ tịch Hội đồng Bộ tưởng
Và những cố vấn như :
- Thượng tướng Trần Văn Trà
- Ông Trần Bạch Đằng
Ban chấp hành ban đầu có :
- Chủ tịch : Ông Nguyễn Hộ
- Phó chủ tịch: Tạ Bá Tòng, Phạm Chánh Trực, Huỳnh Văn Tiếng v.v…
Các ủy viên:
- Linh mục Chân Tín
- Hòa thượng Thích Thiện Hào
- Ni sư Huỳnh Liên
- Bà Ngô Bá Thành
- Bác sĩ Võ Cương
- Luật sư Trần Ngọc Liễng v.v...
Tất cả là 24 người do ông Nguyễn Hộ đứng đầu
Đến năm 1988, Câu Lạc Bộ Những người Kháng Chiến (CLBNNKC) Tp đã có khoảng 10.000 hội viên. Một con số không nhỏ cũng là một con số đáng ngại. Các hội viên có đến 90% là người của đảng cộng sản. Một ngã rẽ quan trọng.
Mục đích của CLB là đấu tranh đòi Đổi Mới và chống tham nhũng quan liêu.
Ngày 03-6-1988, các thành viên Hội gồm trên 100 vị đã họp tại nhà Hữu Nghị, 31 đường Lê Duẩn, quận I, Tp HCM đòi Đổi Mới.
Trong danh sách này, chúng tôi ghi nhận có Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Hộ, Trần Văn Trà, Triệu Quốc Mạnh, Bàng Sĩ Nguyên, Huỳnh Văn Tiểng, Tạ Bá Tòng.
Chỉ vài ngày sau, chúng tôi lại ghi nhận có một bản kiến nghị mạnh mẽ hơn, đòi kiểm điểm bộ Chính trị, gồm 44 chữ ký.
Không có Lý Chánh Trung trong danh sách này.
Tiếp theo sau là một bản kiến nghị gồm 76 chữ ký. Lần này lại có tên Lý Chánh Trung.
Trong đó có lời phát biểu của Lý Chánh Trung - Phó chủ tịch UBMTTQ thành phố và Phó Trưởng đoàn Quốc Hội TPHCM:
"Kinh nghiệm cho ta thấy một nhà nước quan liêu xơ cứng là người quản lý kinh tồi tệ nhất thiên hạ từ trước tới nay.
Trước hết, chúng ta nên dứt khoát trục xuất chủ nghĩa hình thức ra khỏi các tổ chức nói trên (Mặt trận, các đoàn thể, Quốc Hội), chấm dứt cái cảnh vua Lê - Chúa Trịnh đã kéo dài quá lâu và làm mọi người ngao ngán. Một lần cho tất cả, xin trả lại cho mỗi tổ chức này vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nó để mỗi tổ chức có thể làm thiệt những gì nó phải làm, không làm dởm nữa. Không thể dân chủ hóa nếu không công khai hóa mọi sự trừ những gì thuộc bí mật quốc gia. Mà không thể công khai hóa nếu không có tự do báo chí và tự do ngôn luận tức là quyền thông tin và được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về mọi việc xảy ra trong và ngoài nước…
Đây là những quyền căn bản của con người và được Hiến pháp công nhận ở điều 67".
Đây là những lời tuyên bố thẳng thắn cho thấy sự nhẫn nhục trong nhiều năm của một đại biểu Quốc Hội. Một Quốc Hội bù nhìn chỉ biêt gật, đóng vài hề, đóng vai vua Lê.
Nó là một phản tỉnh cho cá nhân Lý Chánh Trung đồng thời là một thức tỉnh đòi hỏi nhà cầm quyền.
Trần Xuân Bách, bí thư Trung Ương Đảng, bị kỷ luật, cách chức.
Lần lượt các Tổng Biên Tập các báo bị cách chức như Nguyên Ngọc, báo Văn Nghệ; Bùi Minh Quốc, báo Langbian; Tô Hòa, Sài Gòn Giải Phóng; Tô Nhuận Vỹ, báo Sông Hương; Kim Hạnh, báo Tuổi Trẻ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, báo Cửa Việt; Nguyễn Xuân Quang, báo Sông Bé. Dương Thu Hương bị khai trừ khỏi Đảng và sau đó bị bắt giam.
Về phía các lãnh đạo trong CLBNNKC thì ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng bị cách chức.
Trần Văn Trà chỉ mặt Nguyễn Hộ: Đáng đời. Ông Trần Bạch Đằng gọi Nguyễn Hộ là phản bội.
Nguyễn Hộ rời thành phố năm 1990 và tuyên bố ly khai Đảng.
Phần một số người như Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu bị bắt.. Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan bị quản thúc. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Đoàn Viết Hoạt cũng bị bắt. Luật sư Đoàn Thanh Liêm, phó Giám Đốc công ty Scitec cũng bị bắt tại sân bay Đà Nẵng khi định môi giới cho Mike Morrov và Thierry cho các chính quyền Địa phương cũng bị bắt theo.
Đoàn Thanh Liêm, Đỗ Ngọc Long, Nguyễn Văn Tấn, Hồ Tấn Bích Thủy, Nguyễn Phước Thuyên bị kết tội làm tay sai gián điệp cho Morrow va Maloni.
Khi được phóng thích về nước, Morrow biết những người bạn Việt Nam bị bắt oan, bị vu cáo tội gián điệp nên đã viết bài báo:
"Hà Nội quật ngã những người cải cách mà nói là không có lỗi", gửi cho BBC.
Gặp lại ông sau này, luật sư Đoàn Thanh Liêm vẫn có tác phong ngây thơ vô số tội như nhiều bạn bè đều biết.
Lý Chánh Trung may mắn không bị bắt. Nhưng cũng hú vía, phải viết thư trần tình với Nguyễn Văn Linh để mong được yên thân. Bề ngoài, ông vẫn có vẻ như bênh vực Đảng mỗi khi được hỏi tới.
Tôi cũng có gặp Nguyên Ngọc, vẫn chững chực chạc điềm tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Tô nhuận Vỹ, khéo léo biết che đậy, không để lộ chân tướng ra bên ngoài…
Đã bao nhiêu lần, người trí thức miền Nam này chỉ biết dơ tay đồng ý, nhất chí. Nhiều lúc tôi muốn hình dung ra cái cảnh Lý Chánh Trung dơ tay- cùng với mấy trăm cánh tay dơ lên nhất trí. Không biết mặt mũi ông lúc ấy ra sao?
Để trả lời cho những ý kiến muốn đổi mới chế độ. Ngày 24-8-1989, Ban chấp hành Trung Ương ra nghị quyết dứt khoát: Chống đa nguyên đa đảng.
Sau những vụ bắt bớ, trục xuất ra khỏi tù, đảng cộng sản VN một lần nữa coi như đã thanh toán những mầm mống chống đối muổn đổi mới chế độ.
Cái gai phải nhổ là CLBNNKCC đã nhổ xong. Những người như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu mỗi người một bản thích hợp.
Những người bị vạ lây như Đỗ Ngọc Long, Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Văn Tấn tạm thời cũng vào tù với những tội trạng rất nặng: Tội gián điệp.
Phần Lý Chánh Trung thoát hiểm và chỉ nhận được một lời đe dọa vu vơ củng đủ làm mất ăn mất ngủ.
Sau vụ CLBNNKC, chắc hẳn là Lý Chánh Trung đã sáng mắt, sáng lòng.
Kết luận
Ngày nay, nhìn lại những lời phê phán như nguyền rủa của Lý Chánh Trung đổ lên đầu miền Nam Việt Nam thì nay điều ấy như thể để nói về chế độ cộng sản hiện nay...như một lời tiên tri!!!
Tôi trích dẫn một số câu viết của Lý Chánh Trung để một cách gián tiếp ông đang là người kết án chế độ hiện nay.
"Khóc đi con, khóc cho các anh, các chị con đang bị giam cầm, đánh đập mà không ai biết vì tội gì, và sắp được đưa ra xử trước một ‘tòa án’ mà không ai tin.
Khóc đi con, khóc cho quê hương của con đã rách nát như áo ăn mày.
Khóc cho các bác cha chú của con đã quá hèn, quá dở, khóc riêng cho Ba cũng quá dở, quá hèn, muốn viết tất cả những gì mình nghĩ mà không dám viết, và không dám một phần vì nghĩ đến con.
Khóc bây giờ đi con, vì cái quê hương sẽ giao lại cho con, cho thế hệ của con, không biết nó sẽ trở thành gì, không biết nó còn được gọi là Việt Nam nữa hay không.
Cho nên, khóc bây giờ đi con. Để khi lớn lên, con đừng khóc như Ba, khóc vì bất lực và xấu hổ.
Khóc cho hết nước mắt bây giờ đi con. Để khi lớn lên, con có được đôi mắt ráo hoảnh, nhìn thẳng vào mặt kẻ bạo tàn, dầu kẻ đó là ai. Và đường đường chiến đấu".
Lý Chánh trung, 13-4-70
Bài viết nhận diện lý Chánh Trung này, nó không mang tính tố cáo, phê phán, nhưng nó giúp nhận ra khuôn mặt trí thức miền Nam trong bối cảnh sinh hoạt chính trị trước 1975 và sau 1975 tặng những người trẻ tuổi.
Nếu có điều chi xúc phạm đến người này người kia thì đó là ngoài ý muốn của tác giả.
Nguyễn Văn Lục
http://diendannguoidanvietnam.com
Nỗi khó xử của Gs Lý Chánh Trung
Đoàn Thanh Liêm
Cũng như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung là giáo sư dậy môn Triết học tại các Đại học ở miền Nam Việt nam trước năm 1975. Vì cả hai người đều có tên là Trung, nên để phân biệt thì bà con thường gọi là Trung Lý, Trung Nguyễn. Trung Lý thì viết ít, nhưng các bài nhận định thời sự đày tràn nhiệt huyết của ông được nhiều giới trẻ hồi đó rất hâm mộ. Còn Trung Nguyễn thì lại là một nhà biên khảo nổi tiếng với nhiều tác phẩm được phổ biến khá rộng rãi trước 1975. Cả hai ông đều xuất thân từ trường đại học Louvain nổi tiếng ở nước Belgique hồi đầu thập niên 1950.
Nói chung, thì cả hai ông giáo sư này là những trí thức có đầu óc cởi mở tiến bộ, chịu ảnh hưởng của “phe tả, không cộng sản” ở Âu châu sau thế chiến, và không có mấy thiện cảm với chính sách của người Mỹ ở Việt nam. Cả hai ông còn là thành viên họat động của Phong trào Trí thức Công giáo Pax Romana, thời Đệ nhất Cộng hòa, cùng với các Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Văn Thơ, Luật sư Nguyễn Văn Huyền, các Giáo sư Phạm Thị Tự, Phó Bá Long, Trần Long, các chuyên gia kinh tế Lâm Võ Hòang, Anh Tôn Trang, kỹ sư Võ Long Triều v.v…
Lại nữa, có hai Dân biểu trẻ tuổi, năng động, người miền Nam với lập trường đối lập với phe đa số thân chánh quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mà hay được báo chí nhắc đến, thì cũng có tên là Chung, đó là Lý Quý Chung và Nguyễn Hữu Chung. Đọc lên, thì tên Chung nghe cũng tương tự như tên Trung, nên nhiều người khó phân biệt được. Cả hai ông Chung này cũng vừa qua đời cách nay mấy năm rồi: Nguyễn Hữu Chung thì mất ở Canada, còn Lý Quý Chung thì mất ở Saigon.
Lý Chánh Trung, ngòai việc đi dậy học lại còn làm việc lâu năm tại Bộ Quốc gia Giáo dục với các chức vụ Công cán Ủy viên, Giám đốc Nha Trung học và làm cả Đổng Lý Văn Phòng tại bộ này. Vào thời Đệ nhị Cộng hòa, ông còn hay viết bài cho các nhật báo, tạp chí có khuynh hướng đối lập với chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu. Là người xuất thân từ miền Trà Vinh – Vĩnh Bình, ông Trung Lý sát cánh gần gũi với “Nhóm Liên Trường” của các nhà họat động chính trị xã hội của miền Nam trước năm 1975. Và một bộ phận không nhỏ của Nhóm Liên Trường này đã vận động cho “giải pháp Dương Văn Minh” để thay thế cho chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Sau năm 1975, thì Lý Chánh Trung được cử làm Phó chủ tịch Hội Trí thức Yêu nước và đặc biệt được sắp xếp ra tranh cử chức vụ Đại biểu Quốc hội tại một đơn vị bàu cử ở Saigon. Ông còn điều hành một văn phòng thường trực của Đòan Đại biểu Quốc hội, tọa lạc tại đường Thống Nhất, nơi căn nhà của vị mục sư phụ trách Nhà Thờ Tin Lành của những người nói tiếng Pháp (Eglise Réformée de Langue Francaise). Vào hồi đầu thập niên 1980, ông sát cạnh với cánh miền Nam để đòi hỏi cho có chánh sách phù hợp hơn với người dân Nam bộ, mà sau này nổi bật nhất là “Nhóm Câu lạc bộ Kháng chiến” do các đảng viên kỳ cựu như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng… lãnh đạo.
Và trong những năm tháng cộng tác với chánh quyền cộng sản sau năm 1975, ông Lý Chánh Trung đã gặp phải nhiều điều phiền phức khó xử, mà điển hình là một số sự việc được mô tả như sau đây.
1/ “Triết học Mác Lênin là môn chẳng ai muốn học, mà cũng chẳng ai muốn dậy”
Vào năm 1988, báo Tuổi Trẻ có đăng một bài báo gây chấn động dư luận ở miền Nam, đó là bài viết của Giáo sư Lý Chánh Trung có nội dung đại khái như trên. Ông viết đại ý như sau: Là một nhà giáo dậy môn triết học đã lâu, ông thấy hiện nay cái môn Triết học Mác Lênin đang được giảng dậy ở các trường Trung cũng như Đại học ở Việt nam thì là điều áp đặt miễn cưỡng, học trò chẳng ai muốn học, mà thầy giáo cũng chẳng ai thực sự còn muốn dậy nữa. Lời phát biểu này quả là một trái bom nổ, phủ nhận hòan tòan cái lối giáo dục “giáo điều, nhồi sọ” cứng nhắc của người cộng sản.
Một ông cụ ngòai tuổi 70 mà đã rất phấn khởi khi được đọc bài báo này. Cụ đã trao cho tôi một số tiền nhỏ và nhờ tôi gửi đến vị giáo sư tác giả bài báo. Cụ nói với tôi: “Tôi chưa bao giờ quen biết với giáo sư Trung, nên phải cậy nhờ đến ông vốn là chỗ thân quen lâu ngày với giáo sư, để trao đến tay tác giả món quà nhỏ này, vốn chỉ là tượng trưng cho sự quý mến và khâm phục của một ông già đã vào tuổi thất thập đối với vị giáo sư đã có sự can đảm nói lên tiếng nói lương tâm như vậy...” Và tôi đã làm theo lời của vị bô lão này, để trao tận tay cho giáo sư Trung nơi văn phòng của ông tại đường Thống Nhất như đã ghi ở trên.
Nghe tôi trình bày, anh Trung đâm nghi ngờ và nói: “Món tiền này là của chính anh có ý muốn tặng riêng cho tôi. Chứ làm gì mà lại có một ông cụ già lạ hoắc nào rút bóp đem tặng tiền bạc cho tôi?” Tôi phải trả lời: “Anh Trung, chúng ta quen biết nhau từ mấy chục năm rồi, việc gì mà tôi phải bày ra cái trò này đối với một người bạn thân thiết của mình, để làm gì cơ chứ? Anh không nên đa nghi như Tào Tháo ấy. Ông cụ là người đáng kính, là người đồng hương đáng bậc vị anh cả của tôi. Cụ tuy chưa bao giờ gặp gỡ anh, nhưng qua bài báo này, cụ cảm phục và muốn bày tỏ tấm lòng quý mến đối với anh vậy thôi. Đó là tiêu biểu cho số quần chúng nhân dân tại thành phố Saigon này, tôi nghĩ anh là một người Đại biểu Quốc hội, anh phải nhận ra và trân quý đến cái tình cảm chân thật, sâu sắc như thế này chứ?...”
Và rút cục, anh Trung đã hoan hỉ tiếp nhận món quà và nhờ tôi gứi lời cảm ơn vị ân nhân.
Ông cụ nay đã quy tiên từ lâu, nên bây giờ tôi có thể nêu danh tánh của cụ. Đó là cụ Đinh Văn Năm, nguyên trước năm 1954 cụ đã giữ chức vụ Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Bùi chu, mà người dân địa phương đều biết đến và mến chuộng đức độ và sự tận tâm phục vụ của cụ cả trong việc đời, lẫn việc đạo.
2/ “May mà bây giờ có sự Đổi mới rồi, nếu không thì mình đã bị mất cái đầu đi rồi”.
Vào đầu năm 1989, có tin đồn là ông Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có rày rà, ám chỉ giáo sư Lý Chánh Trung sao đó, ông nói đại ý như: “Có một số người trước đây là đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, thực dân. Nhưng bây giờ họ lại có lập trường khác, làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của ta v.v…”
Nghe vậy, tôi có đến gặp anh Trung và nói ngay: “Tôi nghe thiên hạ đồn rằng bây giờ ông bạn giáo sư đang bị “rét”, vì bị Tổng bí thư ”xát xà bông” làm sao đó. Sự thực ra sao vậy?” Anh Trung liền trả lời: “Quả là bây giờ có sự Đổi mới rồi, chứ nếu không, thì mình bị “lấy mất cái đầu đi rồi” đấy!”
Nói xong anh bèn rút từ ngăn kéo ra bức thư viết tay của ông Nguyễn Vaan Linh gửi cho anh và trao cho tôi. Bì thư cũng như giấy viết đều là của một khách sạn ở Ấn Độ, nơi mà Tổng bí thư mới đi thăm vào năm 1988. Bì thư cũng như lá thư đều được viết bằng tay, nắn nót cẩn thận, có đề “Xin gửi Anh Lý Chánh Trung (Nhờ các Anh Thành Ủy chuyển giao)”.
Nội dung bức thư hòan tòan có tính cách trấn an, xoa dịu do ông Nguyễn Văn Linh gửi riêng đến với Lý Chánh Trung. Anh Trung giải thích: “Đây là thư hồi âm của ông Linh gửi cho mình, vì trước đó mình đã gửi thư cho ông ấy, nêu thắc mắc về sự ám chỉ trong bài nói chuyện với cán bộ đảng viên, mà có liên hệ đến mình. Sự việc như vậy, kể như đã tạm yên, thiết nghĩ chẳng cần phải bận tâm thắc mắc gì thêm nữa…”
3/ “Các anh định bắt tôi ư?”
Tháng Tư năm 1990, tôi bị công an bắt và đưa vào trại tạm giam trong khu Tổng Nha Cảnh sát cũ. Đó là trong vụ càn quét bắt giữ các cán bộ đảng viên nòng cốt như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu… và bắt quản chế linh mục Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan… Trong suốt 3 tháng điều tra, người phụ trách thẩm vấn tôi là Đại tá Quang Minh (tên thật là Ngô Văn Dần). Có lần ông Quang Minh cho tôi biết là ông có đến tận nhà các anh Lý Chánh Trung, Ngô Công Đức để cật vấn họ về họat động liên quan đến âm mưu đòi “đa nguyên, đa đảng” sao đó. Ông kể lại: Ông Lý Chánh Trung có ý thách thức tôi với câu hỏi rằng “Các anh định bắt tôi ư?” Tôi phải trả lời rằng: “Nếu cần phải làm điều đó, thì chúng tôi vẫn có thể “rút lại cái quyền bất khả xâm phạm của người đại biểu Quốc hội như anh đang nắm giữ hiện nay được lắm chứ”.
Ông Quang Minh mô tả là cuộc trao đổi giữa hai người lúc đầu khá căng thẳng, gay gắt; nhưng về sau thì cũng ổn thỏa êm diụ thôi.
Chỉ có Ngô Công Đức, thì ông ta nói hơi sỗ sàng, đại khái ông Đức nói: “Tôi có 2 điều không ưa: đó là tôi không ưa thích mấy người công an, và tôi cũng không ưa thích người Bắc kỳ”. Tôi phải giải thích với ông Đức là “Phải tốn biết bao xương máu, bây giờ nước nhà mới thống nhất. Thái độ kỳ thị Nam/Bắc của ông như vậy là đi ngược lại với chiều hướng đòan kết, thống nhất của tòan thể dân tộc chúng ta…”
4/ “Anh Trung Lý bây giờ bị lẫn mất rồi”
Đó là lời mô tả của anh chị Phó Bá Long nói với tôi vào giữa năm 2008, lúc tôi đến thăm và ở lại nhà anh chị tại Virginia. Anh Long kể lại là vào năm 2007, anh chị có về Việt nam thăm lại bà con, bạn hữu. Và anh có đến thăm gia đình Lý Chánh Trung vẫn ở căn nhà cũ tại khu Làng Đại học Thủ Đức gần với xa lộ Biên hòa. Ban bè lâu ngày mới gặp nhau, nên có dịp tâm sự nhiều. Thế mà anh Trung đã quên lãng rất nhiều, đến nỗi đi ra khỏi nhà không xa bao nhiêu, mà anh cũng quên luôn lối trở về nhà nữa. Năm nay anh Trung mới chỉ cỡ 83-84 tuổi thôi à!
Mấy tháng trước đây, thì Lý Tiến Dũng lại bị mất chức Tổng biên tập báo Đại Đòan Kết của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Dũng chính là con trai trưởng của Lý Chánh Trung. Cháu đã đi bộ đội tham gia chiến đấu ở Cambodia trên 20 năm trước và sau này gia nhập ngành báo chí của chánh quyền cộng sản. Nhưng có lẽ cũng vì tiếp nối cái tinh thần khí phách của cha mình, mà Dũng đã có đường lối thông thóang không phù hợp với chánh sách “xiết chặt tự do ngôn luận của đảng cộng sản”, cho nên mới bị lọai bỏ khỏi chức vụ như vậy chăng?
Như vây là về cuối đời, lúc đã về nghỉ hưu rồi, ông bạn giáo sư của chúng tôi vẫn còn gặp điều khó xử nữa, xuyên qua cái vụ việc bị cất chức của con trai Lý Tiến Dũng này vậy.
Và để tóm tắt lại, xuyên qua trường hợp của giáo sư Lý Chánh Trung như đã trình bày sơ lược trong bài này, chúng ta có thể ghi nhận rằng: Con đường hợp tác với người cộng sản ở Việt nam quả thật vẫn đầy dẫy chông gai, trắc trở và bạc bẽo lắm vậy đó!
California, Tháng Chín 2009
Đoàn Thanh Liêm
Hiện tượng Lý Chánh Trung
Lời giới thiệu:
Bài “Hiện tượng Lý Chánh Trung” của anh Nguyễn Quang dưới đây có thể giúp chúng ta hiểu rõ thêm mặt thật của một trí thức miền Nam khi đi theo Cộng Sản.
Lý Chánh Trung sinh ngày 23.12.1928 ở Vĩnh Bình. Ở Bỉ về, ông dạy môn triết học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Về sinh hoạt, ông tham gia đám Tin Sáng của Ngô Công Đức, gia nhập Phong trào Pax Romano của nhóm trí thức công giáo và nhóm Sống Đạo. Nhóm Sống Đạo do An Tôn Trang đứng tên, nhưng bên trong người lãnh đạo là Nguyễn Đình Đầu, một đảng viên Đảng Cộng Sản. Đây là nhóm công giáo phản chiến ở Bỉ và Pháp về. Nhóm đã dùng tờ Sống Đạo để tuyên truyền phản chiến, kết án chế độ miền Nam và Giáo Hội Công Giáo Miền Nam.
Sau năm 1975, Lý Chánh Trung viết nhiều bài ca tụng Cộng Sản bằng một luận điệu trơ trẽn mà một người có chút liêm sỉ không bao giờ dám viết. Sau đó, ông được làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Đại biểu Quốc hội 3 khóa VI, VII, VIII. Nhưng cũng như những người khác trong nhóm Sống Đạo, Việt Cộng chỉ xài ông trong giai đoạn chuyển tiếp rồi đạp văng ra. Có người đã gọi “Lý Chánh Trung là một người cộng sản không có thẻ đảng”.
Ông phải sống cuộc đời còn lại rất cơ cực, bị Alzheimer trong những năm cuối cùng và chết vì viêm phổi. Di sản mà ông để lại chỉ là một căn nhà trong Làng Đại Học Thủ Đức, số 17 đường Công Lý, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, Sài gòn. Căn nhà này do chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa cấp cho ông.
Ông đã từng viết:
“Trên đỉnh núi Sọ, trơ vơ một cây thập giá. Trên cây Thập giá, có một người bị đóng đinh đang hấp hối. Chung quanh người bị đóng đinh vần vũ một bầy kên lông trắng, lông vàng với những cái cánh bao la che kín mặt trời.
“Tôi đến dưới chân Thập giá, ngước mắt nhìn lên. Người bị đóng đinh là dân tộc tôi.”
Người bị đóng đinh cũng chính là ông và người đóng đinh chính là Đảng CSVN, tổ chức mà ông đã tôn thờ.
Lữ Giang
* * *
Hiện tượng Lý Chánh Trung
Nguyễn Quang
Miền Nam tự do trước đây có những nhân vật xuất hiện không phải là biểu tượng của sinh viên, trí thức, nhưng là hiện tượng nổi lên vào thời đó như Phạm Công Thiện và ở đây xin ghi lại vài hành vi trong sinh hoạt chính trị của giáo sư Lý Chánh Trung, nếu nói theo duy vật biện chứng, qua hiện tượng để hiểu bản chất, hy vọng với các dấu chỉ nầy có thể hiểu được phần nào bản chất con người thật của Ông Trung.
Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, giáo sư Lý Chánh Trung phụ trách môn đạo đức học thuộc Khoa Triết, tôi là sinh viên ban triết học nên thường xuyên gặp giáo sư tại giảng đường. Những bài giảng của Ông không có gì đặc biệt, ngoài trừ trong lối diễn giải của ông khi chiếc ống tẩu thuốc lá từng hơi, nhíu môi, nhịp nhàng với những lời châm biếm về những bạo chúa sau luôn hơn hẳn các bạo chúa trước. Hình ảnh còn lại của Ông với sinh viên, đó là chiếc tẩu luôn trên tay như giúp che lấp phần nào cái mũi hểnh, trống trải của ông.
Bên sau sự trống trải bề ngoài đó ẩn sâu một con người đăm chiêu với nhiều toan tính mà mắt thường chúng ta không mấy ai nhận ra, ông đang có những âm mưu gì, ngoài sự nhận xét chung trong những năm tháng tại Văn Khoa Sài Gòn: Ông chỉ là cái bóng của Giáo sư Nguyễn Văn Trung.
Thời gian Ông Lý xuất hiện tại Phong trào Pax Romano, trụ sở tại Tân Định, Lm Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm Cha sở về sau là Giám mục, giáo sư có những phát biểu bênh vực người nghèo, vấn đề Tôn giáo và Dân tộc được đặt lên qua nhiều lần phát biểu của Ông tại đây, nhưng để ý một chút ai cũng nhận ra, sau những bài phát biểu của Ông là cần phải dẹp ngay cái chế độ Miền Nam, thối nát tham nhũng, tay sai của Đế quốc Mỹ.
Thật vậy, cho đến khi cái ngày gọi là “Báo chí đi ăn mày”, Ông Lý xuất hiện nhào ra phía trước như giới văn nghệ sĩ sắp chết đói đến nơi, khi nhìn lại thực tế người dân miền Nam có mấy ai chết đói, nhất là tại các vùng Quốc gia, khiến mọi người suy nghĩ về những âm mưu chính trị của những trí thức như Ông, nhằm lật đổ chế độ tự do miền Nam với sự xuất hiện của thành phần thứ ba mà sau đó Ông rất hãnh diện, nếu tôi không nhầm, đã từng nghe trực tiếp về sự tự nhận của ông ở thành phần thứ ba này.
Sinh viên chúng tôi đọc sách của Ông, đều cảm nhận rất nóng, nhưng chỉ đọc đến lần thứ hai, thế là không muốn đọc thêm nữa vì nó mang tính nhất thời không có các giá trị phổ quát như sách của giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần.
Những khát vọng tìm về dân tộc của Ông như nét đặc thù của Lý Chánh Trung được trả lời sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, nó lộ hẳn bản chất dân tộc này, khi Ông là một trong số các nhân vật trí thức miền Nam được tuyển chọn đưa ra miền Bắc đầu tiên và sau chuyến đi khi trở về Ông tường thuật: “Chúng tôi đã ôm nhau thắm thiết khi gặp trí thức miền Bắc và cùng nhau trong nổi vui mừng, nhảy múa đồng ca bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Chúng tôi cũng được tặng các bộ sách quý như Mác Lê Nin toàn tập….”
Sinh viên khoa Triết khi nghe lại tường thuật đều rất ngạc nhiên về hình ảnh những vị giáo sư triết học khả kính, mô phạm của mình nay cũng nhảy nhót và hát như khỉ nhại lời. Văn phòng khoa Triết cũng vắng dần từ đây khi các hình ảnh giáo sư, giảng viên của mình phải khệ nệ bưng bê từng thùng mì tôm, thịt, cá… nhu yếu phẩm chia nhau tại phòng Khoa Triết. Tôi còn nhớ hình ảnh Giáo sư Lê Tôn Nghiêm mang thùng mì từ lầu một lên lầu ba và thở hổn hển, thật tội nghiệp và thay vì đi xe hơi như trước kia nay đều dùng xe đạp mi ni.
Một sự kiện khác với giáo sư Lý Chánh Trung, đó là không lâu sau biến cố 1975, trước sự hoang mang của sinh viên miền Nam, Lm Hoàng Sỹ Quý, Dòng Tên, đã mời Ông Lý đến trung tâm Đắc Lộ để nói chuyện, tại đường Yên Đổ, sau đó bị chiếm đoạt thành tòa soạn báo Tuổi trẻ, phần tôi với tư cách là Chủ tịch sinh viên Công Giáo Cư xá Đắc Lộ đã tổ chức cho sinh viên Sài Gòn tham dự. Theo dự định buổi thuyết trình sẽ kéo dài hai giờ, khoảng một ngàn sinh viên tham dự, nội dung nói về chế độ mới và vai trò của giới trẻ. Tất cả mọi người tham dự đều quan tâm, theo dõi một cách nghiêm túc và căng thẳng. Sự kiên nhẫn của sinh viên vì ai cũng kính trọng các Cha Dòng Tên và cố gắng giữ im lặng dù bắt đầu đã có phản ứng khó chịu từ khách tham dự.
Đến phần đặt câu hỏi, sinh viên đã nêu những câu hỏi mà Ông Lý không trả lời được, những câu hỏi tôi còn nhớ, đó hình ảnh thực tế khi việt cộng vào chiếm miền Nam, về lời hứa đi học tập mười ngày sẽ trở về, sinh viên được tiếp tục học hành nhưng chỉ đến ca hát nghe tuyên tryền rồi trở về, cuộc sống vô cùng khó khăn và những người miền Nam bị tước đoạt nhà cửa, bị xô đuổi lên vùng kinh tế mới…. Những câu hỏi như những tiếng nói khiến người trí thức có lương tri phải động lòng. Thế nhưng, giáo sư Lý Chánh Trung như đã leo lưng cọp, Ông ta đỏ mặt, nổi cáu, vì không trả lời được câu hỏi nào dù là biện hộ, Ông đã nổi nóng và dứng dậy đưa tay hô to như các lãnh tụ cộng sản hay làm, Ông nói: “Bây giờ chỉ có hai con đường, một là theo Cách mạng, hai là sẽ bị nghiền nát…”. Đến đây cũng là lúc những vật gì có thể ném, liền tới tấp bay vào người Ông, khiến tôi và Lm Quý mỗi bên kè Ông ta, quần áo tả tơi, đưa nhanh vào phòng riêng. Sinh viên vẫn chạy theo với những lời nguyền rủa không tả xiết về sự vạch mặt một trí thức luôn luôn nói về dân tộc nhưng nay theo cộng sản vô thần, vô tổ quốc….
Dòng Tên Sài Gòn có lẽ bị bao vây cô lập từ ngày ấy, cho đến khi toàn bộ chúng tôi bị chụp mũ, bị bắt về tôi tuyên truyền chống phá cách mạng. Cho đến hôm nay, Dòng Tên Việt Nam vẫn hãnh diện vào thuở đó, không một linh mục, tu sĩ nào thân cộng, cũng không có một sinh viên Dòng Tên nào là nội ứng cho cộng sản. Chúng tôi tự hào vì sống dưới chế độ tự do và cuộc chiến chỉ là một sự tự vệ chính đáng để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ ấy, mới nảy sinh những hiện tượng như Lý Chánh Trung.
Bên dòng lịch sử, khi đất nước thống nhất, Ông Lý trở thành đại biểu, phó chủ tịch quốc hội cộng sản. Tại Ba Đình, ông đã đọc bài diễn văn nói về khoa học kỹ thuật như tiền đề phát triển chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới. Tiếng nói của Họ Lý, như lý thuyết gia của chế độ, được nghị trường dưới sự chứng kiến của Lê Duẩn, bí thư trong số các bí thư, ông vua trong các vua cộng sản, tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng cũng sớm như tiếng kêu trên đồng vắng, một nền giáo dục Ki tô giáo mà ông đã được thụ hưởng, được ưu đãi để thành danh và nay lọt vào trong đám vô sản lưu manh.
Tôi biết Ông có nhiều dằn vặt ưu tư vào cuối đời, tuy vậy trong một hoàn cảnh nào đó, cách nay gần chục năm, tôi vẫn còn thấy một lần Ông xuất hiện cùng Trần Văn Giàu trên tivi và ca tụng đạo đức của Hồ Chí Minh. Điều này quả thật là lạ với một giáo sư phụ trách môn đạo đức học vì ngày nay với các con trẻ khi gõ vào Google đều biết ông Hồ dâm dật, giết vợ, từ con và hãm hại bao nhiêu phụ nữ… là kẻ sát nhân nhất nhì của thế kỷ hai mươi. Ông Lý Chánh Trung ca tụng một cách ngọt ngào: Hãy sống và nói gương theo Hồ Chủ Tịch…!
Giáo sư Lý Chánh Trung có gia đình, và theo S. Freud, để hiểu con người, phần ý thức chỉ có ba, bảy phần còn nằm ở tiềm thức. Ông vẫn sống đến cuối đời trong căn biệt thự, trên mảnh đất do nền Đệ Nhất Cộng Hòa cấp cho các giáo sư Đại học miền Nam, gọi là làng đại học Thủ Đức.Ông có người con là đại úy việt cộng, vợ ông là em ruột bà Bùi Thị Mè, một thứ trưởng trong chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, tất nhiên là đảng viên cộng sản, có lẽ chỉ có vợ con Ông, nữ anh hùng cách mệnh Thị Mè là hiểu Ông nhiều nhất.
Nguyễn Quang
Đăng ngày 18 tháng 03.2016