Tiếng Việt trong sáng
Đào văn Bình
Tiếng Việt trong sáng bao gồm nhiều yếu tố như:
-Không lai căng tức không chen tiếng Tây, tiếng Mỹ vào.
-Không tối nghĩa.
-Không gây hiểu lầm.
-Giản dị. (không cầu kỳ, rắc rối)
-Lịch sự, thanh tao.
Trong khi chúng ta chưa có viện hàn lâm, tạm thời dựa vào các tiêu chuẩn này, chúng ta thử “chẩn bệnh” một loại tiếng Việt mới đang được sử dụng tràn lan ở trong nước và hải ngoại. Loại tiếng Việt mới này chen tiếng Mỹ, sáng chế những danh từ kỳ quặc, khó hiểu mang tính khoe khoang, làm dáng.
1) Nội y: Tại sao lại phải dùng chữ khó vậy? Đây chỉ là thứ quần áo lót /đồ lót của đàn ông hay đàn bà.
2) Triều cường: “Triều cường làm ngập đường phố Hà Nội.” Tại sao không dùng chữ nhẹ nhàng và dễ hiểu hơn “ Nước dâng cao làm ngập đường phố Hà Nội.”
3) Các thiết bị siêu trường siêu trọng: Các thiết bị nặng và dài. Các thiết bị quá nặng và quá dài.
4) Xe container: Xe vận tải hạng nặng, xe tải hạng nặng.
5) Các container: Các kiện hàng, thùng hàng
6) Bunker/Boong-ke: Hầm trú ẩn.
7) Blog: Trang tin chuyên đề/ trang chuyên đề. Blogger: Người viết trang chuyên đề.
8) Audio-visual: Âm thanh & hình ảnh/ phần âm thanh & hình ảnh.
9) Bình ắc–quy: Bình điện. Sạc (Charge): Tiếp điện, nạp điện.
10) Trái cherry to, đỏ mọng…Xin nhắc khéo báo phapluattp.vn rằng cherry là trái anh đào.
11) Mát-xa (Massage): Đấm bóp, nghề đấm bóp.
12) Ảnh nude: Ảnh khỏa thân, lõa thể.
13) Hot girls: Gái ăn mặc hở hang, khiêu dâm.
14) Ăn mặc hot: Ăn mặc hở hang, khiêu dâm.
15) Ảnh hot: Ảnh có cảnh khiêu dâm hoặc gái ăn mặc hở hang, khiêu dâm.
16) Bản nhạc ấy hot lắm: Bản nhạc đang được ưa chuộng.
17) Thị trường đang hot:Thị trường bán rất chạy (trái với ế ẩm)
18) Top ten: Mười…đứng đầu - Mười hạng đầu.
19) Email: Điện thư.
20) Logo: Huy hiệu.
21) Mít-tinh: Cuộc biểu tình, buổi tập họp.
22) Tiêm vaccine: Chích ngừa, chủng ngừa.
23) Logic: Thuận lý, hợp lý, lý đương nhiên (không cần tranh biện).
24) Clip: đoạn băng, đoạn thu hình ngắn. Mỹ định nghĩa clip: “A short part of a movie or television program…”
25) Một số danh từ quân sự: Nên sử dụng danh từ có sẵn trong ngôn ngữ Việt vừa mạnh vừa sắc gọn: Ví dụ: Tàu pháo = Pháo hạm; Tàu tuần dương= Tuần dương hạm; Tàu hộ tống= Hộ tống Hạm; Tàu khu trục = Khu trục hạm & Trục lôi hạm; Tàu khinh tốc= Khinh tốc hạm; Tàu vận tải= Quân vận hạm; Cảng quân sự= Quân cảng. Ví dụ: Quân Cảng Cam Ranh để phân biệt với Thương Cảng Cam Ranh; Đội tàu = Hạm Đội. Ví dụ: Hạm Đội Phú Quốc, Hạm Đội 7 v.v..
26) Bắt khẩn cấp: “Cảnh sát bắt khẩn cấp…” nghe nó kỳ làm sao ấy. Tại sao không dùng “Cảnh sát đã bắt ngay, bắt gấp nghi phạm…” hoặc “Tòa ra lệnh tức tốc bắt ngay can phạm”
27) Đóng mới: Đóng tàu là đóng tàu mới rồi, chẳng ai đóng tàu cũ cả cho nên thêm chữ ”mới” là thừa.
28) Cà- phê đểu: Đây là loại “cà-phê giả” nhưng cách dùng chữ của tác giả khiến người đọc hơi khó chịu. Xin nhớ cho có nhiều cách để diễn tả cùng một sự kiện, cách thì thanh tao, cách thì thô tục. Khi một đất nước tiến lên thì mọi thứ cũng phải tiến lên kể cả ngôn ngữ. Ngày nay hình như trên thế giới người ta dần dần loại bỏ những ngôn từ nghe có vẻ kỳ thị, xúc phạm, khinh rẻ hoặc gây ấn tượng bạo động. Chẳng hạn chữ nigger (mọi đen) ở Mỹ không ai dám nói nữa vì nó dùng để hạ thấp người Da Đen. Con người không thể ăn mặc thời trang, đi xe lộng lẫy, ở biệt thự, son phấn đầy người mà lại nói năng thô bỉ. Ngôn ngữ của một dân tộc có “văn hiến” thì mỗi ngày phải mỗi đẹp hơn và thanh tao hơn. Cho nên theo tôi một số ngôn từ sau đây như: đồ đểu, đồ con đĩ, đồ thất học, đồ hèn, đồ ngu, thằng mọi, đồ mất dạy, tiên sư cha mày v.v.. cũng cần phải loại bỏ trong ngôn ngữ Việt Nam.
29) Hoành tráng: Ngày nay ở Việt Nam cái gì cũng “hoành tráng” làm cho một số tính từ diễn tả vẻ đẹp lần hồi trở nên bị “tuyệt chủng”chẳng hạn như: Một ngôi nhà bề thế, một phòng hội khang trang, một khu chợ ngăn nắp, một kiến trúc trang nhã, một lâu đài tráng lệ, một cuộc diễn binh hùng tráng, một cung điện nguy nga, một ngọn núi hùng vĩ, một ngôi chùa cổ kính v.v…Nếu tất cả những tính từ trên được thay bằng hai chữ “hoành tráng” thì tiếng Việt sẽ ra sao?
30) Rất đẳng cấp: Cầu thủ đó rất đẳng cấp, bộ quần áo rất đẳng cấp, chiếc xe thuộc loại đẳng cấp…Bộ kho tàng ngôn ngữ Việt không còn chữ nào để thay cho hai chữ “đẳng cấp” nữa sao? Tại sao không nói: Cầu thủ nhà nghề, cầu thủ quốc tế, cầu thủ đắt giá; bộ quần áo đắt tiền; xe thuộc loại sang v.v.. Ngoài ra tự thân hai chữ “đẳng cấp” chỉ có nghĩa là “thứ bậc” như “đẳng cấp thấp”, “đẳng cấp cao” chứ nó không có nghĩa là “cao, giỏi, sang”. Từ Điển Việt Nam do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 2000 nơi trang 291 định nghĩa: đẳng cấp là thứ, bậc, hạng trong xã hội như đẳng cấp xã hội.
31) Phỏng vấn trực tuyến: Chữ tuyến nghe có vẻ hình học. Nào là trung tuyến, tiếp tuyến v.v…Tại sao không dùng “phỏng vấn trực tiếp” hoặc “giải đáp trực tiếp” tức không qua trung gian nào mà trực tiếp trên truyền hình hoặc họp báo chứ không chờ tới ngày mai hoặc trả lời bằng thư.
32) Văn hóa ẩm thực: Văn hóa bao gồm nhiều lãnh vực như: cách ăn uống, y phục, nói năng, lễ nghi, chữ viết, giao tiếp, cư xử v.v…Nếu nói văn hóa ẩm thực thì chẳng lẽ lại có thêm văn hóa lễ hội, văn hoá y phục nữa sao? Vậy nói “văn hóa ẩm thực” là không đúng. Đó chỉ là các món ăn và cách ăn uống mà thôi. Khi chúng ta du lịch Hòa Bình chẳng hạn, ngoài việc ngắm phong cảnh, dĩ nhiên chúng ta còn muốn thưởng thức các món ngon, lạ, độc đáo của đồng bào Mường và chỉ có thế. Nếu nói, “Chúng ta khám phá văn hóa ẩm thực của đồng bào Mường” nghe có vẻ “ghê gớm” quá.
33) Giải phóng mặt bằng: Nên thay bằng “giải tỏa mặt bằng” cho nó nhẹ nhàng. Chính phủ có thể giải tỏa một khu ổ chuột để chỉnh trang đô thị nhưng nếu nói “ Giải phóng một khu ổ chuột” có thể gây hiểu lầm là cứu dân ở đây ra khỏi cuộc đời lầm than như “giải phóng nô lệ” chẳng hạn.
34) Cảng biển: Nghe rất lạ tai. Tại sao không dùng “hải cảng”? Còn “cảng bay” tại sao không dùng “phi cảng”? Trong nước hiện có “Cảng Hàng Không Quốc Tế Đà Nẵng”. Rút gọn hơn chúng ta có thể dùng “Phi Cảng Quốc Tế Đà Nẵng”.
35) Báo vietnamnet.vn: “Những ‘bí mật’ trong hầm đường bộ Hải Vân” Sao dùng chữ “khó” quá vậy? Xin đơn giản thành “Những ‘bí mật’ trong đường hầm Đèo Hải Vân.” giống như “đường hầm Thủ Thiêm”. Nếu chúng ta viết “hầm đường bộ Thủ Thiêm” thì độc giả sẽ nghĩ sao?
36) Cũng báo vietnamnet.vn: “Hội chứng hot girl nude giữa thiên nhiên”. Thực ra tác giả muốn đưa tin: Có một “bệnh dịch” hoặc “thói bắt chước” tạp chí dâm ô Mỹ chụp hình cởi truồng ngoài trời (để nổi tiếng) nhưng lại dùng một đoạn văn thật kỳ lạ.
37) Báo phunutaday.vn: “Thành phố….vừa điều chuyển hai công chức không ’vừa lòng’ dân”. Chữ “điều chuyển” nghe chưa quen, nên nói là “thuyên chuyển”. Nếu trong quân đội thì nói là “thuyên chuyển tới một đơn vị khác”. Còn hai chữ “điều động” thì có nghĩa là điều động binh lực, nhân lực, điều động một lực lượng an ninh v.v..
38) “Bố nghiện ma túy giết con 10 tháng tuổi”: Chữ tuổi ở đây là thừa mà chỉ cần viết “Bố nghiện ma túy giết con mới 10 tháng” thì ai cũng hiểu.
39) “Người cao tuổi được mua vé xe buýt trợ giá”. Nên viết “Người cao tuổi được giảm vé xe buýt”. Viết báo cốt ở nhẹ nhàng, giản dị, dễ hiểu.
40) Báo giaoduc.net.vn có tựa đề: “Bé sơ sinh hai đầu ở Sóc Trăng đã tử vong”. Chữ “tử vong” có nghĩa là chết. Còn “thương vong” có nghĩa là vừa chết vừa bị thương. Vậy tại sao không dùng hai chữ “đã chết” cho nó nhẹ nhàng hơn?
41) Cận cảnh (close-up) là ảnh chụp gần, kề sát mặt. Nếu không phải là ảnh chụp gần mà chỉ là khoảng cách bình thường thì không được dùng hai chữ “cận cảnh”.
42) Chùm ảnh: Chữ “chùm” làm chúng ta liên tưởng tới chùm nho, chùm nhãn, dính chùm v.v…Vậy thì nên dùng chữ “một loạt hình ảnh”, “một số hình ảnh”. Ví dụ: Một số hình ảnh về đại hội…
43) Tiền boa: Nói đầy đủ là “pour-boire” theo cách lịch sự của người Pháp coi đó chỉ là chút “tiền trà nước”. Vậy thì nên dùng “tiền trà nước” thay vì “tiền boa” vì ông Tây đã rời Việt Nam lâu lắm rồi.
44) Minh họa (Illustrated): Là hình vẽ của họa sĩ để diễn tả, trình bày một cuốn sách, một câu truyện. Nếu ngoài bìa cuốn sách ghi “Illustrated by” có nghĩa là “Vẽ bởi họa sĩ”. Nếu ghi “ photography by”có nghĩa “Hình ảnh của”. Ví dụ, trong một bài viết nói về Khu Trục Hạm Lý Thái Tổ mà chúng ta không có tấm hình của chiếc này và thay thế bằng tấm hình của chiếc khu trục hạm khác thì chúng ta không được ghi “Hình minh họa” mà chỉ cần ghi chú ở dưới tấm hình “Đây là hình ảnh khu trục hạm ABC một loại tương tự” thì độc giả hiểu ngay. Ngày nay câu “hình minh họa” được dùng tràn lan ở trong nước để phụ chú dưới tấm hình…như thế là hoàn toàn sai. Xin nhớ cho minh họa có nghĩa là vẽ ra, diễn tả bằng tranh chứ không phải bức hình thật hoặc bức hình thay thế. Nếu không biết thì cứ mở sach vở, báo chí Nhật, Mỹ, Nga… ra mà học thì biết ngay.
45) Trồng cây xanh: Trồng cây là đủ rồi bởi vì cây nào lá chẳng xanh? Nói thêm “xanh” là thừa. Nói “trồng cây xanh” chẳng khác nào nói “Trồng gấc đỏ”. Xin thưa gấc nào mà chẳng đỏ? Chúng ta thường nói “Đỏ như gấc”. Tuy nhiên cũng phải để ý là có khá nhiều loại cây lá không xanh mà nâu hoặc nâu đậm. Nếu “trồng cây xanh” thì chẳng lẽ không trồng các loại này sao? Ngày xưa các cụ đã chế giễu cách dùng văn thừa thãi và trùng lập qua hai câu thơ:
Nửa đêm giờ tý canh ba,
Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi.
46) Báo Tuổi Trẻ đi một tiêu đề như sau “Cầu thủ bóng đá VN luôn luôn thua thiệt cầu thủ ngoại khi tranh chấp bóng tay đôi do hạn chế về thể lực và thể hình.” Câu văn này nặng nề giống như dịch lại từ một đoạn văn từ báo Hồng Kông, Đài Loan. Người ta nói “tranh bóng” chứ không nói “tranh chấp bóng”. Chữ “ tranh chấp” nên dành cho tranh chấp quyền lực, tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra các chữ “thể lực và thể hình” nghe “đao to búa lớn quá” không thích hợp trong lãnh vực thể thao. Chúng ta có hai chữ “sức vóc” vừa giản dị vừa dễ hiểu tại sao không dùng? Xin thưa “sức” là sức khỏe, “vóc” là sự cao lớn, tầm vóc. Nếu thay bằng hai chữ này, bỏ bớt những chữ thừa thì câu văn sẽ gọn nhẹ, từ 27 chỉ còn 19 chữ “Cầu thủ Việt Nam khi tranh bóng luôn luôn lép vế/thua cầu thủ nước ngoài do sức vóc kém.”
47) Báo giaoduc.net.vn: “Cô gái xinh đẹp hát ca trù làm xiêu lòng người nghe.” Ông phóng viên nào đó dùng chữ “xiêu lòng” không đúng. Xiêu lòng có nghĩa là mới đầu không bằng lòng, sau thuyết phục, nói mãi thì “xiêu lòng” tức thuận theo. Tôi cũng đã xem đoạn băng này. Thực ra trong cuộc thi hát, cô thí sinh này còn trẻ, xinh xắn, mới 18 tuổi, mà hát được ca trù (cũng tàm tạm) cho nên chinh phục được hoặc tạo thiện cảm nơi khán giả chứ không phải làm “xiêu lòng” khán giả.
48) Đắng lòng trước cảnh…: Từ trước đến giờ chưa có sách vở nào viết “đắng lòng” cả mà chỉ thấy viết “Đau lòng trước cảnh…” Xin quý ông/bà làm ơn coi lại hai từ này. Bà Huyện Thanh Quan viết “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”,
chứ bà không viết “Nhớ nước đắng lòng con cuốc cuốc”.
49) Báo giaoduc.net.vn: “Chi phí dao động từ 30.000 USD đến 60.000 một năm”. Chữ ‘dao động” ở đây thừa. Chỉ cần viết “Chi phí khoảng từ 30,000 USD đến 60,000 USD một năm” là người ta hiểu rồi.
50) Cũng lại giaoduc.net.vn: “NoithatVP đang thanh lý các sản phẩm tủ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.” Trời ơi! Các sản phẩm tủ là gì? Tại sao không viết, “các loại tủ” cho ngắn gọn và dễ hiểu? Ngoài ra chữ “thanh lý” làm người đọc liên tưởng tới sự “thanh lý môn hộ” tức truy lùng, giết những kẻ phản nghịch trong các môn phái (cũng giống như “thanh trừng” vậy). Do đó chúng ta nên thay thế bằng các chữ giản dị hơn như “giải quyết” hoặc”bán hết” hoặc “tống hết”. Nếu thế thì câu văn sẽ tạm gọn nhẹ như sau: “NoithatVP đang muốn bán/giải quyết hết tất cả các loại tủ xuất cảng sang Nhật Bản.”
51) Báo phunutoday.vn: “Trong tiết trời lạnh giá, boots cao cổ có lẽ là lựa chọn hàng đầu.” Chẳng lẽ tiếng Việt không có chữ nào để dịch chữ boots sao? Xin thưa đó là “giầy cao cổ” hoặc “giầy ống”. Thật lạ lùng! Bao kẻ sống xa quê hương mấy chục năm trời mà vẫn tha thiết với tiếng Việt tinh ròng, trong khi kẻ ở trong nước tiếng Anh tiếng Pháp chẳng bao nhiêu, lại tập viết lối văn hổ lốn chen tiếng Tây tiếng Mỹ vào.
52) Báo vnEpress.net: Có một tựa đề “Gu đàn ông của phụ nữ qua từng độ tuổi.” Xin thưa “gu” (gout) có nghĩa là “sở thích”. Ý của tác giả muốn nói“Sở thích của phụ nữ về đàn ông tùy tuổi tác.” nhưng lại diễn tả bằng một câu văn thật trúc trắc. Rồi Thời Báo Kinh Tế Saigon Online “Chương trình truyền hình càng lắm scandal thì rating tăng vọt.” Thật lai căng hết chỗ nói! Giống hệt như trẻ con nói tiếng Việt ở Mỹ.
53) Báo Vietnamnet.vn: “Việt Nam trong cuộc chơi quyền lực Mỹ-Trung.” Cuộc chơi quyền lực chính là cuộc đọ sức. Tại sao không dùng hai chữ ấy cho giản dị và sáng sủa hơn?
54) Trang BBC tiếng Việt ngày 1/1/2013: “Ít nhất 60 người đã bị dẫm đạp chết…” Ý tác giả muốn nói “ Ít nhất 60 người dẫm đạp lên nhau mà chết..” nhưng lại dùng một câu văn khiến độc giả có thể hiểu 60 người này bị voi hoặc trâu bò dẫm đạp lên mà chết! Xin nhớ cho khi dùng chữ “bị” tức thể thụ động thì phải nói “bị cái gì” như : bị voi giày, bị xe cán, bị trâu bò húc chết v.v.. Chính mình làm thì không dùng chữ “bị”.
55) Trang VOA tiếng Việt : “Hàng ngàn fan ở Đài Loan đã đến xem buổi ca nhạc..” ; “trang web xã hội”; “vi rút trong bao tử”; “không chịu gia hạn visa”; “một chương trình doping chuyên nghiệp”…và còn rất nhiều nữa. Xin thưa fan là người hâm mộ, vi rút là siêu vi trùng, visa là nhập cảnh, doping là dùng thuốc kích thích. Trang báo mang tên “tiếng Việt” mà thực tế lại là “tiếng Việt lai Mỹ”.
Tạm kết luận:
Viết một bài báo, một bản tin, đặt một tựa đề không phải dễ. Mình viết ra rồi cần có chủ bút/chủ biên duyệt lại. Ở Mỹ mà viết bậy, viết kém thì tiêu tan sự nghiệp, chỉ có nước tìm nghề khác kiếm ăn. Viết bậy, viết nhảm, viết thiếu đứng đắn làm giảm giá trị người viết và xúc phạm độc giả. Nói về chuyện viết văn thiếu đứng đắn tôi có một kỷ niệm thời thơ ấu lúc còn học Lớp Đệ Thất (Lớp 6) năm 1955 ở trong Nam như sau: Trong một bài luận văn mô tả một buổi đi câu tôi đã dùng hai chữ “khoái tỉ” tiếng mà bọn trẻ Miền Bắc hay dùng lúc bấy giờ có nghĩa là “sung sướng”. Chấm bài xong thầy Nguyễn Tri Tài – người Huế – gọi tôi lên nói, “Chữ khoái tỉ không được đứng đắn, con không nên dùng.” Nghe thầy nói vậy tôi “ngộ” ra ngay và cho tới ngày hôm nay, dù đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn nhớ lời thầy là phải dùng chữ cẩn thận khi viết văn. Đừng tưởng lời nói hay bài viết sẽ qua đi như một cơn gió thoảng – mà nó còn “tạo nghiệp”- nghiệp lành hay nghiệp dữ – tức gây tác hại cho người khác và cho chính mình theo giáo lý nhân-quả của nhà Phật. Trong cuốn hồi ký của một nhà văn xuất bản ở hải ngọai – một ông chuyên viết truyện dài đăng trên báo hằng ngày mà Miền Nam lúc bấy giờ gọi là viết “feuilleton”. Ông thường chen vào truyện một vài chi tiết khiêu dâm, gợi dục để “câu” độc giả trẻ. Một ngày kia cô con gái về khoe với ông, “ Ba ơi! Con bạn học của con đọc tới cái đoạn…mà ba viết, nó thích quá rùng cả mình !!!” Nghe con gái nói thế ông toát mồ hôi, không ngờ những gì mình viết ra đã ảnh hưởng đến chính cô con gái cưng. Từ đó ông không bao giờ dám viết văn theo cái kiểu chen vào những chi tiết khiêu dâm nữa. Hiện nay chữ “nhí” đang được dùng tràn lan trong nước. Xin nhớ cho chữ “nhí” là tiếng lóng dùng để chỉ “nhỏ, bé” có ý diễu cợt, không đứng đắn. Nếu dùng không đúng chỗ sẽ làm tổn thương người ta. Dù là trẻ em cũng có nhân cách của trẻ em. Chẳng hạn nếu chúng ta nói “ca sĩ tí hon”, “nhạc sĩ thần đồng”, “chú tiểu nhỏ”, “con chim bé bỏng” nghe có vẻ thanh tao hơn là “ca sĩ nhí”, “nhạc sĩ nhí”, “chú tiểu nhí”, “con chim nhí”. Làm phóng sự, viết bản tin phải viết một cách trung thực, nghiêm túc, không bông đùa, châm chọc hoặc khôi hài vô ý thức. Bài viết sẽ bộc lộ tư cách và trình độ của người viết. Người xưa nói, “Văn tức là người”.
Ngôn ngữ và văn chương là tài sản vô giá do tiền nhân để lại, chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy cho mỗi ngày thêm sáng đẹp. Do giao tiếp với nhiều nguồn văn hóa ngoại lai, những chữ nào có thể dịch sang Việt Ngữ thì phải cố mà dịch cho được để giữ gìn ngôn ngữ và văn chương Việt cho thuần khiết. Chen tiếng ngoại quốc vào tiếng Việt một cách bừa bãi khiến tiếng Việt trở nên lai căng, hổ lốn. Muốn thế thì phải học hỏi và nhất là phải cẩn thận và viết với tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm có nghĩa là hiểu được hậu quả của những gì mình viết ra. Nếu không giỏi thì cứ học theo người xưa mà viết ra, cố “sáng chế” tức viết bậy, viết nhảm. Chúng ta không nên đùa rỡn, nói mạnh hơn là phá hoại ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc. Học tiếng nước ngoài là để giao dịch, làm ăn buôn bán và nghiên cứu những kiến thức mà sách Việt không có. Học tiếng nước ngoài không có nghĩa là để về hủy hoại tiếng mẹ đẻ hoặc thỉnh thoảng “xổ” ra vài tiếng để chứng tỏ mình văn minh hơn đời hoặc có vẻ “Mỹ” đây. Người Mỹ có bắt chước ai đâu? Họ đứng trên đôi chân của họ. Tại sao ta phải tự ti mặc cảm về ngôn ngữ của dân tộc mình? Chuyện “nói tiếng Tây ba rọi” đã xưa lắm rồi và bị mỉa mai suốt thời kỳ Thực Dân Pháp còn đô hộ nước ta. Sau hết, cũng xin nhớ cho muốn giữ gìn tiếng Việt trong sáng thì tâm hồn mình cũng phải trong sáng trước đã. Tâm hồn trong sáng là tâm hồn của một người yêu nước Việt và tiếng Việt.Khi mình nói mình yêu cha mẹ tức là phải làm sao cho cha mẹ sung sướng. Còn khi mình nói mình yêu tiếng Việt có nghĩa là mình phải làm sao cho tiếng Việt mỗi ngày mỗi trở nên sáng đẹp, thanh tao.
Đào văn Bình
Dốt hay nói chữ
Đào văn Bình
Thường thường những kẻ thiếu hiểu biết, ít học khi viết văn hay dùng những chữ cầu kỳ khiến trở nên dị hợm. Miền Nam gọi đó là “dốt hay nói chữ”. Ngày nay thảm trạng “Dốt Hay Nói Chữ” lan tràn trong nước và trên hai trang tin BBC và VOA tiếng Việt. Trong nước, miệng thì hô hào “thoát Trung” mà ngôn ngữ thì lai Tàu lạ hoắc. Đó là loại tiếng Tàu thời Mao Trạch Đông, không phải là tiếng Hán đã được cha ông ta Việt hóa và sử dụng cả ngàn năm nay.
Thí dụ:
1) BBC ngày 26/7/2019: Ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng “diện mạo”. Hai chữ “bộ mặt” đã chết trong ngôn ngữ Việt Nam. Thí dụ: Thay vì viết, “Để tạo bộ mặt mới cho nông thôn”, lại viết, “Để tạo diện mạo mới cho nông thôn.” Rồi, “Để tư pháp VN có diện mạo đẹp hơn thì cần tôn trọng luật sư.” Bài này của Ô. Luật Sư Ngô Ngọc Trai gửi cho BBC từ Hà Nội.
2) BBC ngày 6/8/2020: “Biển Đông: Việt Nam cần tính đến kịch bản Trung Quốc 'tấn công' từ nhiều hướng?” Kịch bản là một kế hoạch được tính toán từ trước và diễn tiến theo thứ tự, lớp lang. Câu văn không dị hợm chỉ là, “Việt Nam cần tính tới tình thế/trường hợp Trung Quốc tấn công từ nhiều hướng.” Ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng “kịch bản”. Giá chứng khoán, giá vàng lên xuống cũng kịch bản. Rồi cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ cũng kịch bản. Rồi những cuộc va chạm ở Biển Đông cũng kịch bản. Đúng là một thứ tiếng Việt dị hợm, điên khùng.
3) BBC tiếng Việt ngày 12/8/2020: “Việt Nam tồn tại nhiều khoảng trống lãnh đạo?” Câu hỏi ở đây là, “khoảng trống lãnh đạo” là gì? Là không có lãnh đạo gì hết, ai muốn làm gì thì làm? Hoặc thiếu người có khả năng lãnh đạo? Viết một câu văn mơ hồ như thế này có lẽ tác giả cũng chẳng hiểu mình viết gì !
4) BBC tiếng Việt ngày 13/8/2020: “Bình luận đa chiều về vụ đình chỉ Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung”. Câu văn giản dị và có học chỉ là, “Những ý kiến khác nhau về vụ ngưng chức Chủ Tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.” Ngày xưa ở Miền Nam, ông ký giả nào viết, “bình luận đa chiều” chắc phải đưa ông này vào nhà thương điên Biên Hòa quá. Rồi nào là, “tạm đình chỉ công tác”. Tại sao không viết “ngưng chức” cho ngắn gọn? Công tác là công việc, còn “chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố” sao gọi là “công tác” được?
5) BBC tiếng Việt ngày 13/8/2020: “Khởi tố vụ án cán bộ gần cận Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.” Khởi tố là khởi tố một cá nhân nào đó chứ không thể “khởi tố vụ án”. Khi nói “vụ án” tức là đã đưa ra tòa xét xử rồi đâu cần phải khởi tố nữa? Ngoài ra người ta nói, “thân cận” chứ không nói “gần cận”. Tiếng Việt như thế mà cũng đòi cầm bút.
6) BBC tiếng Việt ngày 13/8/2020: “Những người phụ nữ đã tạo thành các chuỗi dây người tại Belarus.”. Chẳng ai nói, “chuỗi dây người” mà người ta nói “nắm chặt tay nhau để làm thành một hàng rào”.
7) Điểm chuẩn và điểm sàn. Hiện nay trong nước các nhà giáo dục ông bà nào cũng có bằng Tiến Sĩ nhưng tiếng mẹ đẻ lại không hơn học sinh Trung Học năm xưa nên chế ra những từ ngữ thật lạ lùng. Thí dụ: Điểm thấp nhất để được xét tuyển biến thành điểm sàn. Điểm để được trúng tuyển (bằng hoặc cao hơn) gọi là điểm chuẩn. Nghe nói điểm sàn và điểm chuẩn sinh viên trong nước cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì cả phải cần thông dịch viên cho nên đã phải xin giải đáp. Trang tin CỔNG THÔNG TIN TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG LỚN NHẤT VIỆT NAM đã phải giải thích về các danh từ bí hiểm này. Ngày nay ở Việt Nam cái gì vui, hấp dẫn, ngoạn mục như đá bóng, đưa xe đạp, trình diễn văn nghệ, giá vàng lên xuống bất thường… được gọi là “kịch tính”. Món ăn truyền thống như bánh giày, bánh chưng biến thành “món ăn kinh điển”. Và rồi cái gì cũng “siêu” như “siêu ngon”, “siêu rẻ”, “siêu trường, siêu trọng”. Đúng là ở với cộng sản không điên cũng khùng cho nên bằng mọi cách phải trốn đi. Bây giờ giai cấp quyền thế tham nhũng cả trăm triệu đô-la, trốn đi bằng cách bỏ ra vài triệu mua nhập cảnh/hộ chiếu (visa) của Đảo Sip. Đảo Síp (Cyprus) nằm trong Liên Hiệp Âu Châu và có thể tự do di trú trong 166 quốc gia.
8) Vượt ngưỡng: Trong nước bây giờ chữ nghĩa của cả quốc gia lại do bọn bát nháo, ít học, đứng bến mánh mung quyết định rồi cả nước “học tập” và nói theo. Thậm chí cả các ông thủ tướng, tổng bộ trưởng cũng nói theo như con vẹt. Thí dụ: Vượt chỉ tiêu, vượt mức, vượt qua con số…biến thành vượt ngưỡng! Thí dụ: Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 21/8/2020, “Hàn Quốc: Số ca nhiễm Covid-19 lần đầu vượt ngưỡng 300 sau hơn 5 tháng.” Tự điển Việt Nam trong nước định nghĩa “Ngưỡng là đoạn gỗ dài để ngang mà giữ lấy cánh cửa, ngưỡng cửa”. Như vậy chỉ có “bước qua ngưỡng cửa chứ làm gì có vượt ngưỡng?” Thảm họa văn hóa trong nước càng nói ra càng xấu hổ.
9) Rồi cũng lại VOA ngày 18/9/2020: “Bà mẹ một con Đường Yên trẻ trung, xinh đẹp như thiếu nữ đôi mươi tại sự kiện.” Tôi đố quý vị hiểu câu văn này nói gì. Thực ra cô người mẫu một con này xuất hiện trong một màn trình diễn thời trang và trông vẫn đẹp như gái chưa chồng…nhưng được viết bằng đoạn văn vô cùng bí hiểm và bát nháo.
10) Rồi thì “rung động lòng người” hay “chinh phục được lòng người”, “vô cùng xúc động” biến thành “tan chảy” và “đốn tim”. Thí dụ: Báo Người Lao Động ngày 27/8/2020, “Tan chảy với hình ảnh và điệu bộ của Trúc Nhi-Diệu Nhi.” Hai em bé nói ở đây sinh đôi dính vào với nhau được các bác sĩ giải phẫu tách ra và các em đã sinh hoạt bình thường khiến mọi người vui mừng hay thương cảm nay được bọn bát nháo biến thành “tan chảy”. Rồi chinh phục được khán giả biến thành “đốn tim”. Thí dụ: Báo Thanh niên, “ca sĩ Hà Vân ‘đốn tim’ người nghe với ca khúc về Phật giáo”. Hiện tượng “tan chảy” và “đốn tim” nhiễm ô cả hải ngoại. Trong một chương trình bình luận thời sự của SET (Saigon Entertainmnent TV) ở Nam California, ông điều khiển chương trình thay vì nói, “Việc Việt Nam mua nông phẩm ở các tiểu bang Cộng Hòa làm Ô. Trump đẹp lòng vì giúp ông tái đắc cử.” lại nói, “Việc Việt Nam mua nông phẩm ở các tiểu bang Cộng Hòa đã đốn tim Ô. Trump.”
11) VOA ngày 19/9/2020: Ban biên tập của đài này tiếng Việt quá kém nên không hiểu nghĩa của hai chữ “đầu tiên” và “hàng đầu”. Đầu tiên chỉ về thời gian. Còn hàng đầu chỉ về thứ bậc/thứ tự cho nên mới viết, “Mỹ coi Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại đầu tiên.” Thế mà cũng tự nhận là tờ báo và tiếng nói tiêu biểu cho cả quốc gia. Câu văn đúng phải viết, “Mỹ coi Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại hàng đầu.”
12) VOA ngày 19/9/2020: “Sắp công bố thương hiệu bánh Trung thu kém chất lượng”. Thế nào là bánh trung thu kém chất lượng? Chỉ có trời mới biết. Nếu nó không hợp vệ sinh hoặc không ngon…thì nói rõ ra. “Kém chất lượng” là gì? Đúng là ngu dốt cho nên nói ẩu mà cứ tưởng mình đúng và khắp cả nước cứ nhai đi nhai lại ba chữ “kém chất lượng”. Đúng ra phải nói “phẩm chất kém” hoặc “không hợp vệ sinh”.
13) VOA ngày 19/8/2020: “Viện Kiểm Sát nói có cơ sở chứng minh quan hệ tình cảm giữa ông Tài và bà Thúy.” Trong luật pháp người ta không nói “có cơ sở” mà phải nói “có bằng chứng”. Ngu dốt thế mà cũng đòi viết báo. Nguyên do cũng chỉ vì bị nhồi sọ từ thuở nhỏ cho nên nói như con vẹt và không cần suy nghĩ gì hết.
14) VOA ngày 20/9/2020: “43 năm tham gia LHQ: Tạo ra “Thương hiệu Việt Nam” trong hoạt động ngoại giao đa phương”. Trời đất quỷ thần ơi! Tên tuổi của một quốc gia mà lại gọi đó là “thương hiệu”. Đúng là ngu dốt không thể tưởng tượng được! Nếu có học sẽ viết, “43 năm tham gia LHQ: Tạo ra ‘Tên tuổi Việt Nam’ trong hoạt động ngoại giao đa phương”.
Việt Nam ngày nay không còn ăn độn ngô, khoai, sắn và bo bo nữa. Cả làng quê cũng xây lâu đài, “biệt phủ” còn sang hơn cả Âu Châu, xe hơi đắt tiền giá vài trăm ngàn Mỹ Kim. Thế nhưng ngôn ngữ lại là một thứ bát nháo như nồi cám heo. Nguyên do là vì các nhà ngôn ngữ, bác học, giáo sư, nhà văn, nhà biên khảo thuộc thế hệ truyền thống đã chết hết cả rồi. Cầm nắm ngôn ngữ dân tộc ngày hôm nay là một phường bát nháo trưởng thành trong ăn độn, xếp hàng tại cửa hàng bách hóa tranh nhau từng miếng thịt mỡ nhỏ bằng ngón tay, từng khẩu phần vải không đủ may một chiếc quần đùi, buôn lậu, mánh mung, trộm cắp, gian lận… cho nên dù có học gì, giàu có thế nào đi nữa… thì vẫn chỉ là một phường vô cùng ngu dốt, tham lam, gian dối và phá hoại.
Cứ thử nhìn vào phong trào diệt tham nhũng hiện nay cho thấy từ hàng tổng bộ trưởng tới thứ trưởng, tướng công an, tướng trong quân đội, đô đốc hải quân, tổng giám đốc các ngân hàng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND, huyện ủy, xã ủy bị tù, bị mất chức… cho thấy hệ thống cầm quyền tại Việt Nam đã ung thư, thối rữa như thế nào. Khi bụng đói và đạo đức suy đồi thì tất cả đều tan nát. Trong nước “đạo đức suy đồi”, “thối nát” không nói mà lại che dấu bằng cách dùng danh từ “biến chất”. Cả nước có “chất” gì tốt đâu mà “biến”? Bản chất cộng sản vốn đã xấu rồi, nếu có “biến” đi thì tốt chứ sao lại lên án?
Rồi thì các quan mua bằng cấp giả, ăn cắp luận án của người khác để có bằng Cao Học (nay gọi là thạc sĩ), Tiến Sĩ để được tiến cử vào chức vụ lớn hơn. Cái này gọi là "biến chất” hay bản chất là gian dối? Ở Mỹ cũng có những vụ ông/bà triệu phú hối lộ để con cái được vào học các trường danh tiếng nhưng đã bị lôi ra tòa xét xử. Sao không thấy trong nước xử phạt các ông/bà này?
Làm chính quyền cai trị là “phụ mẫu chi dân” mà gian trá thì đừng trách đất nước sao tan nát. Cổ nhân có câu, “Nhà dột từ nóc dột xuống” tức cha mẹ không ra gì thì con cái hư hỏng. Đất nước loạn ly không phải tại dân trước mà chỉ vì vua thì u mê ám chướng, quan lại thì tham ô vơ vét. Một đất nước mà vua anh minh, trăm quan liêm chính thì đất nước làm sao loạn ly được? Ngoài ra đất nước lụn bại là vì không có nhân tài hoặc có nhân tài mà không biết sử dụng. Khi có nhân tài thì đất nước phát triển và ngửng mặt với năm châu bốn biển. Ngày xưa Đào Duy Từ không được Chúa Trịnh trọng dụng bèn vào nam, Chúa Nguyễn biết đây là kỳ tài cho nên đã mở nghiệp lớn ở phương nam. Ở đâu cũng vậy, đảng nào nắm quyền thì cử đảng viên của mình vào những chức vụ quan trọng trong chính quyền. Thậm chí bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện cũng lựa người cùng với lập trường của đảng mình. Thế nhưng đưa bọn “con ông cháu cha, thái tử đảng” vô tài bất tướng vào những chức vụ quan trọng trong chính quyền thì chúng sẽ phá nát đất nước. Còn đối với hải ngoại, thua một trận chiến không đáng sợ bằng thua về văn hóa và tư tưởng.
Chúng ta thừa kế cả một nền văn chương, học thuật, ngôn ngữ tuyệt vời của cha ông để lại rồi được Miền Nam phong phú hóa với đầy đủ ngữ vựng cho tất cả các bộ môn, tại sao lại đi bắt chước loại ngôn ngữ không có học?
Chinh phục được lòng người, tạo thiện cảm sao không nói mà nói “đốn tim”? Cảm động, xúc động sao không nói mà lại nói “tan chảy”? Căn nhà sao không nói mà nói “căn hộ”. Gia đình sao không nói mà nói “hộ dân”? Giải tỏa đất đai sao không nói mà nói “giải phóng”? Giải quyết công việc, lọc chất thải… sao không nói mà nói “xử lý”? Tiết kiệm, rẻ tiền sao không nói mà nói “kinh tế”? Du lịch, thăm viếng sao không nói mà nói “tham quan”? Bực tức, bị dồn nén, bất mãn sao không nói mà lại nói “bức xúc”? Bài giảng sao không nói mà nói giáo trình? Gặp gỡ, trao đổi, thân hữu sao không nói mà lại nói giao lưu? Tác động qua lại sao không nói mà nói tương tác? Đoạn đường không nói mà lại nói “cung đường”. Cung là một đoạn cong như “hình vòng cung”, cây cung là cây cong để bắn mũi tên. Rồi “kích thích kinh tế” không nói mà lại nói “kích cầu”. Kích cầu là sự bịa đặt chữ nghĩa một cách điên khùng. Ngay cả tự điển Việt Nam trong nước cũng không có hai chữ “kích cầu”. Cả ngàn năm nay người ta thường nói: kích thích, kích động, kích động nhạc, thuốc kích dục, kích thích tố. Danh từ “stimulus” tự điển trong nước dịch là “sự kích thích” nay bọn bát nháo bịa ra là “kích cầu”. Rồi việc tuyển chọn, đề cử người (trong đại hội đảng) không nói mà lại dùng những câu nhức đầu như “công tác nhân sự” (BBC tiếng Việt). Rồi cũng lại BBC tiếng Việt, “Việt Nam hiện nay còn thua xa các triều đại phong kiến về trong việc quy hoạch và đào tạo nhân tài.” “Quy hoạch nhân tài” là gì thưa ông tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện? Từ xưa đến nay người ta nói, “đào tạo và sử dụng nhân tài” chứ không ai nói “quy hoạch nhân tài” như quy hoạch một thành phố, một đô thị. Tiếng Việt điên khùng và bát nháo thấm cả vào hàng tiến sĩ, nói mà không biết đúng sai. Nói “quy hoạch nhân tài” cũng như nói “xưởng đẻ” vậy. Đúng là ngôn ngữ của Việt cộng và làm đảo lộn cả ngôn ngữ truyền thống của tổ tiên.
Tôi sẽ còn tiếp tục phải viết vì nếu không viết, không vạch ra được cái kịch cỡm, bát nháo, ngu dốt của ngôn ngữ Việt ở trong nước ngày nay và trên trang tin BBC… sẽ đắc tội với con cháu mai sau.
Đào Văn Bình
(California ngày 30/9/2020)
Lại nói về tiếng Việt điên khùng!
Đào Văn Bình
Tiếng Việt điên khùng là tiếng Việt bí hiểm, kiểu cọ, rắc rối… viết ra không ai hiểu gì cả. Ngoài ra lại có nạn trình độ tiếng Việt quá kém, không phân biệt được nghĩa của các chữ mà cả ngàn năm nay, trẻ nhỏ, bà già trầu ai cũng hiểu…thế mà ngày nay “đỉnh cao trí tuệ” lại chẳng hiểu mà cứ viết bừa.
– Hầm và đường hầm. Chẳng hạn họ gọi “hầm Thủ Thiêm”, “hầm Hải Vân”. Hầm (trench, bunker) là một khoảng trống đào dưới đất để ẩn mấp (hầm trú ẩn) hoặc cất dấu vũ khí, tài nguyên. Thí dụ: Hầm chứa vũ khí, hầm chứa lương thực. Còn đường hầm (tunnel) là con đường đào dưới đất để di chuyển. Thí dụ: Đường hầm xuyên qua Đèo Hải Vân hay Đường Hầm Đèo Hải Vân. Báo VOV ngày 19/10/2019 viết, “Đi ngược chiều trong hầm chui, 2 thanh niên chết thảm.” Đường Hầm Tam Hiệp mà lại gọi là “hầm chui” đúng là ngu dốt, viết bậy.
- Bãi nhiệm và miễn nhiệm. Bãi là bãi bỏ. Còn miễn là không phải, không cần. Thí dụ: Miễn lễ, miễn thuế, miễn chiến bài, miễn tội, miễn dịch… Báo VOV trong nước viết, “Lý do bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị miễn nhiệm”. Viết như vậy hoàn toàn sai, mà phải viết, “Lý do bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị bãi chức/bãi nhiệm.”
- BBC tiếng Việt ngày 15/10/2019: “Ứng dụng tuyên truyền của TQ theo dõi hành vi người dùng.” Tôi đố người Việt trên toàn thế giới hiểu được tiêu đề này nói gì. Đây là loại tiếng Việt điên khùng nặng.
- Báo VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 18/10/2019: “Đoàn cán bộ báo chí Lào thăm VOV, tìm hiểu kinh nghiệm đa phương tiện.” Tôi đố người Việt trên toàn thế giới hiểu được tiêu đề này nói gì.
- Báo VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam) ngày 19/10/2019: “Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới”. Câu văn quá bí hiểm. Tôi xin người Việt trên toàn thế giới giải nghĩa giúp tiêu đề này nói gì. Thế mà báo VOV được chính phủ khen là tờ báo tiêu biểu, gương mẫu cho cả nước. Thật quái đản!!!
– Hoàn thành biến thành “hoàn thiện”. Trong nước bây giờ tiếng Việt quá kém cỏi, không phân biệt được thế nào là “hoàn thành”, thế nào là “hoàn thiện”. Xây xong một cây cầu, một ngôi chùa, một trung tâm thương mại… là “hoàn thành” hay “hoàn tất”, không phải là hoàn thiện. Hoàn thiện là làm cho tốt đẹp, thí dụ: “Hoàn thiện nhân cách con người”. Thiện có nghĩa là tốt, giỏi như thiện nhân, thiện xạ, thiện lương, thiện nam tử, thiện nữ nhơn.
- “Hoạt động trong khuôn khổ của hiệp định” biến thành “Hoạt động trong hiệp định khung”. Làm gì có cái gọi là “hiệp định khung”? Dịch như thế vừa dốt tiếng Anh, vừa ngu tiếng Việt.
- BBC tiếng Việt ngày 19/10/2019: “Cú ngã” của thứ trưởng và “trí thức tinh hoa” gặp khó”. Rơi từ lầu tám xuống đất chết sao có thể gọi là “cú ngã”. Trình độ tiếng Việt như thế mà cũng đòi cầm bút. Ngoài ra cách chấm câu cũng không rành. Một câu trong đoạn văn có dấu trích dẫn (“) thì phải dùng dấu (‘) chứ không thể dùng dấu (“).
- BBC tiếng Việt ngày 7/7/2019: “Asanzo, Big C, Vingroup có khổ vì tâm lý dân tuý ở VN?” Xin BBC tiếng Việt cho biết “tâm lý dân túy” là gì? Có thể người viết cũng chẳng hiểu mình viết gì. Theo tự điển tiếng Anh, “ Populism” mà trong nước gọi là “Chủ Nghĩa Dân Túy” được định nghĩa như sau : A political approach that strives to appeal to ordinary people who feel that their concerns are disregarded by established elite groups. Như vậy Populism là một phong trào, một khuynh hướng chính trị hướng về tầng lớp bình dân thay vì giành địa vị lãnh đạo hoặc thiên về giai cấp ưu tú giống như Mặt Trận Bình Dân (Front populaire) của Pháp năm 1936 tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp công nhân. Như vậy Populism có thể tạm dịch là phong trào bình dân, phong trào quần chúng, chủ nghĩa hướng về dân đen.
– Đường tiểu ngạch. Báo VOV ngày 22/10/2019 viết, “Phượng sẽ từ Thái Lan về Việt Nam thăm gia đình theo đường tiểu ngạch”. Viết như thế này chẳng ai hiểu “đường tiểu ngạch” là gì cả. Thực ra nó chỉ là “các ngõ ngách ở biên giới” thay vì đi đường chính.
- Báo VOV ngày 22/10/2019: “Sân bay Long Thành – Hạ tầng “khủng” kích bất động sản Đồng Nai.” Đố toàn dân Việt Nam hiểu tiêu đề này nói gì. Đúng là tiếng Việt ngu dốt và điên khùng!
– Bức xúc. Hiện nay tôi đã đọc biết bao lần hai chữ “bức xúc” thậm chí nghe các ông “chống cộng” ở hải ngoại này bắt chước nói “bức xúc” mà thực sự tôi vẫn chưa hiều “bức xúc” là gì? Phải chăng là bực bội, bực tức, bị dồn nén, bị bức bách? Nếu đúng vậy thì tại sao không dùng mà lại dùng một chữ lạ hoắc khiến ít ra dăm ba triệu người Việt không hiểu nghĩa của nó ra làm sao.
Vậy thì tôi lạy các ông ký giả BBC và VOV thôi đừng viết nữa kẻo lâu rồi sẽ biến Việt Nam thành một dân tộc có tiếng nói khác hẳn với tổ tiên, khác hẳn với đồng bào xa quê mà vẫn còn giữ được tiếng Việt truyền thống. Ngôn ngữ bất đồng khiến chia đôi hay chia ba dân tộc. Nhớ lại ngày 30/4/ 1975 khi nghe Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam ra thông cáo yêu cầu Quân-Cán-Chính VNCH ra trình diện để “học tập cải tạo” cả Miền Nam ai cũng nghĩ rằng tới một trung tâm, trại nào đó nghe giảng về chính sách mới một tháng rồi cho về. Nào ngờ “học tập cải tạo” là đi tù “mút mùa Lệ Thủy”, không xét xử, không bản án.
Thật là kinh hoàng khi mà chính người Việt Nam khi về thăm quê bây giờ phải đem theo một thông dịch viên mới có thể hiểu “người Việt mới” trong nước nói gì. Đúng là thảm họa văn hóa!
Đào Văn Bình
Nguồn: Internet
Đăng ngày 14 tháng 10.2020