Chữ nghĩa làng văn
01 tháng 12.2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Chữ nghĩa làng văn
Hôn phu hôn thê: "Hôn" là cưới, "phu" là chồng, "thê" là vợ.
Trong chữ "phu" và chữ "thê" đã có nghĩa của chữ "hôn" rồi, cho nên gọi "hôn phu" và "hôn thê" là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi "hôn lễ" (lễ cưới), "hôn phối" (lấy nhau) thì được.
Còn nói "hôn phu", "hôn thê" có thể hiểu là…nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói "hôn quân" là nhà vua u mê vậy.
(Triêu Thanh tạp chí)
Dầm dà
Dầm dà ; đằm thắm
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Ca dao hay thơ Bàng Bá Lân
Sau khi tốt nghiệp trường trung học bảo hộ (trường Bưởi-Lycée du Protectorat) đậu Diplôme d'Etudes Primaire Superieurs, Bàng Bá Lân ở tuổi 22 bắt đầu ham thích chụp ảnh và làm thơ. Tháng 12-1934 Bàng Bá Lân xuất bản thi phẩm đầu tay "Tiếng Thông Reo" do nhà xuất bản Thanh Hoa Tùng Thư ở Hà Nội in.
Ngay khi Tiếng Thông Reo ra đời, trên báo An Nam Nouveau ngày 11-4-1935, Nguyễn Nhược Pháp đã nhận xét:
"…Tiếng Thông Reo đượm một mối sầu bâng khuâng kín đáo dịu dàng, người thơ mà ông yêu là cánh đồng quê với luỹ tre xanh.Vì ông biết hưởng thú quê như bài Trăng quê.
Trời cao, mây bạc, trăng tròn
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Hai câu kết của bài thơ đã được dân gian hoá thành ca dao. Như ta đã biết ca dao là thơ dân gian, có nội dung trữ tình. Có ý kiến cho rằng chữ ánh làm non hẳn bài thơ, nhưng chữ múc rất thi vị hai câu thơ này. Tất cả duyên dáng là ở chữ múc và đổ , nó giúp ta hình dung được hình ảnh tát nước đêm, gợi cho ta cái tiếng xich xòm. Ông đã dùng trăng vàng đặt đắc địa vào chỗ vốn là của nước, và múc trăng vàng - một cảm xúc đầy thẩm mỹ của thơ…”.
Bàng Bá Lân , Nguyễn Nhược Pháp đều đã đi vào thiên cổ, nhưng thơ còn mãi với đời. "Cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar", bốn chữ “múc ánh trăng vàng”, vừa là của nhà thơ vừa là của dân gian, âu cũng là cái độc đấo của thơ là thế chăng?
(Nguyễn Khôi – Thơ Bàng Bá Lân)
***
“Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” là ca dao.
Nguyên bản câu thơ của Bàng Bá Lân là: "Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi". Ông giải thích: Không thể "múc ánh trăng vàng" mà là "múc trăng vàng" ở dưới nước. Khi cái gầu cô gái trong câu ca dao, dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, sóng sánh cùng với nước. Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng và múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó.
Mưỡu
Có hàm răng cứ rụng dần
Chúng mày rụng hết :
Khỏi cần đánh răng
Ngược dòng địa danh Hà Nội qua sử phẩm
Long Biên: Vốn là nơi quan lại nhà Hán, Nguỵ, Tấn (thế kỷ III, IV, V và VI) đóng trị sở của Giao Châu.
Long Đỗ: Truyền thuyết lúc Cao Biền nhà Đường, đắp thành Đại La, thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do đó trong sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.
Như Hồ Quý Ly có ý định cướp ngôi nhà Trần nên muốn dời kinh đô về đất Thanh Hoá. Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can nói: "Ngày xưa, nhà Chu, nhà Nguỵ dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có sông Lô Nhị đất bằng phẳng rộng rãi".
- Điều đó cho thấy, Long Đỗ đã từng là tên gọi đất Hà Nội thời cổ.
Tống Bình: Thủa xa xưa, dọc theo hai bờ sông Hồng đã hình thành những làng nhỏ. Vào thế kỷ thứ V (454 - 456), thuộc thời kỳ Lý Bí, một trong những điểm này phát triển thành một quận nhỏ có tên là Tống Bình. Trải qua hàng ngàn năm:
- Tống Bình trở thành một thành phố có tên Hà Nội ngày nay.
Đại La: Năm 866 Cao Biền đắp thêm thành Tống Bình rộng hơn, và được gọi là thành Đại La. Thí dụ trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ viết năm 1010 có viết: "... Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa khu vực trời đất..."
Thăng Long:Sách Đại Việt sử ký toàn thư gọi này như sau: "Năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long" .
Đông Đô: Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết:
“Hồ Hán Thương coi phủ đô hộ là Đông Đô". Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sử thần nhà Nguyễn chú thích-"Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hoá là Tây Đô" .
Đông Quan: Đây là tên gọi Thăng Long do quan quân nhà Minh đặt ra với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của Việt Nam, chỉ là "cửa quan phía Đông" của Trung Hoa. Sử cũ cho biết, năm 1408, quân Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan.
Đông Kinh: Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết:
"Năm 1427, Lê Lợi lên ngôi ở Đông Kinh, tức Thăng Long. Vì Thanh Hoá có Tây Đô, nên gọi Thăng Long là Đông Kinh"
Bắc Thành: Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở Phú Xuân (tức Huế), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long là Bắc Thành.
Hà Nội: Năm 1831, vua Minh Mạng thứ 12 lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ai mua tui bán cây...si,
Si tui tốt giống cành chi chít cành.
Hễ si mà gặp…đất lành,
Là si phát triển trở thành ..siđa.
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng
Thật vậy, ở đời muôn sự của chung, nhưng của chung đó không phải là ai cũng có thể chiếm hữu dễ dàng. Phải có tài năng hay mưu lược quyền biến.
Ngôi vua cuối cùng của nhà Lý thuộc về Lý Chiêu Hoàng, tức là Chiêu Thánh công chúa, con vua Lý Huệ Tôn, mới lên 7 tuổị Quyền hành lúc đó ở trong tay Trần Thủ Ðộ. Và Thủ Ðộ đã làm chủ hôn cho cháu là Trần Cảnh lấy Chiêu Hoàng, để chuyển vương quyền qua nhà Trần. Quần chúng có lòng lưu luyến nhà Lý đã tỏ lòng công phẫn và mỉa mai trong câu ca truyền khẩu:
Trống chùa ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)
Dật
Dật: táp vào
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Cửa Khổng sân Trình
Thành ngữ “Cửa Khổng sân Trình” từ hai nhân vật tiêu biểu của đạo Nho: Khổng (Khổng Tử) và Trình (Trình Tử).
Khổng Tử là người nhà Chu nước Lỗ (551 trước công nguyên). Khổng Tử soạn Kinh dịch, Kinh lễ, Kinh Xuân – Thu và Lục nghệ. Trình Tử, tức là Trình Điều, một danh nho thời Tống thì cũng không hiếm người theo học.
Như vậy, nói đến “Cửa Khổng sân Trình” là nói đến hai bậc thầy nổi tiếng trong mối quan hệ với học trò của họ. Thầy và trò là tiêu biểu cho nhà trường, do đó thành ngữ “Cửa Khổng sân Trình” được hiểu là trường học, nơi dạy đạo Nho thuở trước.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)
Đất lề quê thói
Trẻ đi học phải kiêng
Không dùng giấy có chữ thánh hiền chùi đít, sợ học… dốt.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)
Thành Đại La
Thành Đại La là một kiến trúc có đầu tiên ở trên đất Tống Bình.
La thành có từ đời nhà Đường, những đất đã chiếm được đều đắp hai lần thành, thành ngoài gọi là La thành.
Năm 824, Đô hộ là Lý Nguyên Gia, tin theo thuyết phong thuỷ, cho rằng trước cửa thành Long Biên (phía Bắc sông Đuống) có dòng nước chảy ngược, nên nhân dân hay nổi lên "làm phản" bèn rời phủ trị sang địa phận huyện Tống Bình, gần sông Tô Lịch.
Lúc đầu xây thành nhỏ, sau đó nhận thấy nơi ấy có địa thế hiểm yếu, liền lập phủ trị vĩnh viễn ở đó, đắp rộng cao thêm thành.
Đến năm 866, nhà Đường sai Cao Biền sang làm Tiết độ sứ. Muốn củng cố thêm căn cứ thống trị, Cao Biền cho đắp lại thành Đại La, bốn mặt dài hơn 1.982 trượng linh 5 thước, cao 2 trượng linh 6 thước. Muốn ngăn ngừa không cho nước sông Tô tràn vào phủ trị, Cao Biền lại cho đắp một đường đê bao bọc ở ngoại thành, dài hơn 2.125 trượng linh 8 thước, cao 1 trượng, dày 2 trượng, trong thành cho nhân dân làm nhà ở hơn bốn chục vạn nóc. Đường đê bao ngoài thành gọi là Đại La thành.
Cao Biền đắp La thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở; một đêm Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay, rồi bảo cho Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành xong, Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã.
Đền thờ ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm.
Từ năm 939, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, Ngô Vương Quyền lại đóng đô ở Cổ Loa. Hai đời Đinh, Lê thì đóng đô ở Hoa Lư, thành Đại La trở nên hoang phế. Mãi đến năm 1010, Lý Thái Tổ mới dời kinh đô đến đó, nhưng lại đắp một thành khác nhỏ hẹp hơn gọi là thành Thăng Long. Nền cũ của thành Đại La, phần lớn không còn lại dấu vết, chỉ còn nhận thấy những khoảng từ Thanh Trì đi lên cửa ô Cầu Dền sang ô Chợ Dưà, rồi thẳng đến ô Cầu Giấy, ngược lên đến làng Bưởi.
Thành ngữ từ bàn nhậu sau 75
Sau 75, miền Nam có những câu “thành ngữ” về thuốc lá xuất xứ từ bàn nhậu, như:
Tiger: Tình iêu giết em rồi!
San Miguel : Sao anh nhớ mà ít ghé uống, em lo!
Carlsberg: Cho anh ráng lấy sức bế em ra giường!
Heineken : Hôn em ít nên em khều, em nhéo...
(ngược lại : Nếu em khôn, em nằm im, em hưởng).
Saigon : Số anh iêu gái ở nhà!
Tiếng Việt trong sáng
Cảm giác: Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”.
Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có…cảm giác thế nào?”.
Thực là sai một cách trầm trọng.
(Triêu Thanh tạp chí)
Thăng Long tứ trấn
Một số đền lập thành Thăng Long Tứ Trấn gồm :
Đền Quán Thánh ở phía Bắc (thế kỷ thứ 10).
Đền Kim Liên ở phía Nam (thế kỷ thứ17).
Đền Bạch Mã ở phía Đông (thế kỷ thứ 9).
Đền Voi Phục ở phía Tây (thế kỷ thứ 11) .
Đền Quan Thánh ở cuối phố Quán Thánh, cạnh hồ Trúc Bạch và hồ Tây thờ thánh Trấn Vũ là Văn Xương Đế Quân, từng giúp An Dương Vương trừ khử ma quái nhằm xây dựng thành Cổ Loa.
Tượng Trấn Vũ trong đền đúc bằng đồng, cao 3,96m, nặng 4 tấn. Tượng được tạo lập vào đời Lê Vĩnh Trị, giai đoạn 1676 – 1680 thể hiện một đạo sĩ nai nịt gọn gàng, ngồi xoã tóc, tay trái bắt quyết, tay trái nắm thanh gươm có rắn quấn và tì lên lưng rùa.
Đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại Vương. Kim Liên là địa danh chỉ làng cổ, nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa. Tương truyền thần Cao Sơn từng giúp Sơn Tinh thắng Thuỷ Tinh.
Đền được khởi lập năm Canh Ngọ 1510, đời vua Lê Tương Dực.
Đền Bạch Mã toạ lạc trên phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Theo sách Hà Nội nghìn xưa thì đó là đền thờ thần chính khí Long Đỗ, hay Tô Lịch giang thần, hay thành hoàng Hà Nội gốc.
Truyền thuyết kể rằng Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đắp thành Thăng Long mãi không được vì cứ đắp lại lở. Vua sai người tới đền cầu đảo, liền thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi đến đâu để dấu chân đến đấy, rồi... biến mất. Vua theo dấu vó ngựa mà xây thành đắp luỹ. Do đó, gọi đền bằng hiệu Bạch Mã.
Đền Voi Phục ở quận Ba Đình, tên khác của di tích này là đền Linh Lang, vì đây thờ Linh Lang Đại Vương.
Linh Lang là ông hoàng đời Lý. Mẹ ông đi mò ốc ở hồ Tây, bị vua chấm. Đến lúc có mang lại bỏ. Khi giặc Tống đến, ông đi đánh, lập công to. Bấy giờ vua mới nhận và phong cho là Dâm Đàm Vương. Dâm Đàm là tên cũ của hồ Tây. Cổng đền có cặp voi đá tư thế quỳ, nên dân chúng quen gọi đây là đền Voi Phục.
(Phanxipăng - Thăng Long tứ trấn & tứ quán)
Chim chuột
Chim chuột – Tức là… con chim,… con chuột.
Chữ Hán có câu “Điểu thú cọng vi thư hùng”, nghĩa là “con chim, con thú cùng làm việc trống mái như nhau”.
Bài Phú Tài bần có câu “Chim chuột là tốt, được thua cũng lời”
Có thể vì vậy chuyện trai gái, ta có chuyện “chim chuột” chăng?
Địa danh
Các địa danh như Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Hoàng Sa, Truờng Sa tại nước ta đã được dùng tại Trung Quốc, và được dùng trước ta lâu đời, về sau ta bắt chước?.
(Hà Nội: tên huyện thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
(Ngự Thuyết - Dòng dõi người Việt gốc Hoa?)
Từ điển văn học bộ mới
Vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc. Như những tác gia trước kia bị loại trừ, nay xuất hiện, như Hoàng Cao Khải, Lê Dư, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Văn Hùm, v.v.... Trần Trọng Kim được đề cao trong ba trang.
Riêng Trần Trọng Kim có phần phụ chú: Ông ngồi nhà vấn thuốc lá hút vặt và chép miệng "Sự đời chả cái đếch gì ra cái đếch gì".
Những người soạn từ điển trong nước đã tự trọng, thận trọng, tôn trọng, trân trọng kẻ khác mình, cái khác ta chăng?.
(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)
(còn tiếp)