banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Người Việt trồng lúa tại Camargue, Pháp

Ts Trần Văn Đạt

Cây lúa du nhập vào Châu Âu khoảng thế kỷ 15 qua giao dịch thương mại với các nước Á Rập. Lúa gạo không phải là lương thực quan trọng của châu lục này so với lúa mì, bắp, khoai tây, nho; nhưng có tầm ảnh hưởng chính trị rất lớn. Hàng năm Châu Âu trồng khoảng 650.000 ha lúa. Nước Ý và Tây Ban Nha là hai nước trồng lúa nhiều nhứt chiếm 50% lục địa này, không những có ảnh hưởng mạnh thị trường gạo cấp vùng mà cả thế giới, với 213.000 ha và 113.000 ha hàng năm, theo thứ tự (FAOSTAT, 2013). Riêng Pháp Quốc đã cố gắng trồng lúa nhiều lần, nhưng chỉ thành công phần nào từ cuối thế kỷ 18 (1).

Lúa gạo không phải là thức ăn chính của dân Pháp, nhưng số lượng nhập khẩu khá cao, độ 400.000 tấn mỗi năm. Diện tích trồng lúa có lúc đến 33.000 ha vào 1961 rồi giảm xuống 11.000 ha vào 1985. Do áp lực chính trị của giới nông dân, từ 1990 chính phủ Pháp phải phục hồi kỹ nghệ trồng lúa với chính sách trợ cấp không nhỏ để luôn giữ diện tích trồng lúa 20.000 ha mỗi năm. Trong thập niên vừa qua, thức ăn của người châu Âu đã thay đổi theo chiều hướng đa dạng hóa nên khẩu phần gạo đã tăng đến 5 kg/năm, riêng người Pháp 7 kg/năm; trong khi người Châu Á 78 kg và người Việt Nam 165 kg/năm (1).


Hình 1:Người Lính thợ Việt Nam cấy lúa tại Camargue 1942, Pháp (5)

Lúa Camargue chiếm đến 75% diện tích trồng cả nước Pháp hay 15.000 ha (2). Nguồn nước ngọt trồng lúa lấy từ sông Rhône qua hệ thống tưới tiêu. Camargue thuộc tỉnh Bouche-du-Rhône nằm trên bờ Địa Trung Hải, là một vùng đồng bằng ngập nước giữa hai nhánh sông Rhône (Hình 4). Ngành trồng lúa hiện nay tại Pháp và Châu Âu hoàn toàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch và biến chế tồn trữ. Giống lúa trồng Châu Âu là loại lúa Japonica, hạt tròn hoặc trung bình, cơm dẽo, được gieo vào tháng 4 – 5 và thu hoạch giữa tháng 9 đến cuối tháng 10. Riêng lúa Camargue được bắt đầu khai thác từ thế kỷ 18, nhưng hay thất bại (2). Đến thập niên 1920, lúa được tái khai thác, nhưng rất yếu kém thường bị gián đoạn, năm 1923 trồng 70 ha, 1935 trồng 275 ha (3). Kể từ 1942, ngành trồng lúa của vùng mới thật sự phát triển mạnh liên tục (Hình 1) và tồn tại đến ngày nay, từ 300 ha (1942) tăng lên 1.500 ha (1947), 6.000 ha (1949) và 13.000 ha (1951) (3). Sự thành công này là nhờ đóng góp công lao, mồ hôi và nước mắt của một nhóm người Việt bị cưỡng bức nhập cư trong giai đoạn khai phá ban đầu của Camargue, còn được gọi Lính thợ hay Công binh, để phục vụ công nghiệp chiến tranh Thế chiến II tại Pháp (Hình 2).


Hình 2: Người Lính thợ Việt Nam tại Pháp

Theo Kế hoạch Mandel của Bộ Thuộc Địa, Pháp sẽ đem vào nước 300.000 công nhân thuộc địa thế giới để tham gia vào các nỗ lực phục vụ chiến tranh bản xứ (4). Tháng 9-1939, Chính phủ Pháp bắt đầu tuyển chọn 20.000 nông dân trẻ Việt Nam và một số nhỏ người Cao Miên có thể hình tốt, đưa họ vào Pháp để làm việc tại các nhà máy sản xuất vũ khí và hoạt động liên hệ. Đến 22-6-1940, Pháp thất trận các xí nghiệp đóng cửa, nên kế hoạch trên không được thực hiện như mong muốn. Khoảng 4.500 người Việt Nam được trả về nguyên quán trước khi nước Anh phong tỏa các tuyến đường thủy hướng về phương Đông của Pháp; do đó, 15.500 người Việt Nam phải ở lại đất Pháp và được di chuyển về miền Nam nước này để đến Marseille, Sorgues, Agde, Toulouse, Bergerac, Bordeaux, Saint-Chamas và Vénissieux (5). Những Lính thợ trẻ này bị giữ trong các lều trại do họ dựng lên không điện nước, nhà xí, chung quanh là môi trường hoang dại với nhiều côn trùng, nhứt là vô số muỗi mòng chẳng khác nhà tù được quân đội quản lý (Hình 3).


Hình 3: Trại Bảo Đại ở La Ferté (Saône and Loire) trong Thế Chiến II -1940 (5)

Họ bị đối đãi rất khắc nghiệt, kỳ thị như dân thuộc địa để chờ được phân phối làm các công việc không chuyên ngành nặng nhọc, như việc đồng áng, khai thác gỗ rừng, làm đường xá hoặc làm lao công tại các công nghiệp dệt vải, luyện kim và ngành nghề lao động khác với số lương chỉ bằng 1/10 công nhân Pháp, chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu của họ (6). Sự làm việc của những người Lính thợ này không được Chính phủ Pháp công nhận để xem xét quyền lợi hưu trí!
Những Lính thợ Việt Nam được Chính quyền hứa cho hồi hương khi chiến tranh chấm dứt, nhưng phần lớn phải chờ đến 10-12 năm sau (6). Do đó, có nhiều người chết do tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật. Đến tháng 1-1946 có 1046 người chết, trong đó có đến 869 người do bệnh lao và những bệnh tật khác (7); nhưng cũng có một số ít người muốn ở lại Pháp nên sau đó họ được đoàn tụ với vợ con.


Hình 4: Vùng Camargue, Pháp

Vào thập niên 1930, mục tiêu trồng lúa của vùng Camargue được Pháp xác định là để bảo vệ môi trường địa phương và làm giảm bớt các mối nguy cơ nước mặn đe dọa sản xuất nông nghiệp vùng. Cho nên, năm 1942 Chính phủ Pháp điều động 500 người Lính thợ Việt Nam tới vùng Camargue để phục hồi ngành trồng lúa nhằm góp phần giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực thời chiến tranh, vì họ tin rằng những Lính thợ này có nhiều kinh nghiệm trồng lúa nước ở Châu Á (5). Thật vậy, ngay vụ lúa đầu tiên, những Lính thợ này đã thành công ngoạn mục với kết quả thu hoạch cuối vụ làm cho nhà nước và người địa phương rất ngạc nhiên, bởi họ đã thất bại nhiều lần khi cố gắng trồng lúa ở vùng đất ngập mặn vào thế kỷ 19 và đầu 20.

Kết quả tốt đẹp này chủ yếu là do những Lính thợ dùng phương pháp làm nương mạ, cấy lúa giúp cho cây hòa thảo này sống dễ dàng phát triển tốt trong điều kiện môi trường khó khăn, nhứt là đất mặn, nước ngập, tránh được cây lúa chết non, ít cỏ dại và lúa ma xâm lấn (Hình 1). Cho nên, lúc bấy giờ công việc cấy lúa được người địa phương cho là một kỹ thuật cách mạng trong ngành trồng lúa, giúp họ thu hoạch vươt bực và phương pháp trồng lúa này còn tiếp tục dùng đến 1966. Trước kia, người Pháp chỉ biết trồng lúa bằng phương pháp sạ thẳng không cho kết quả tốt do quản lý đất đai và nước tưới chưa có hiệu quả cao; tuy nhiên, khâu cấy lúa đòi hỏi nhiều sức lao động. Cho nên, các chủ trang trại lúa Camargue phải mướn thêm nhân công từ người gốc Áp Rập, Phi châu và Tây Ban Nha khi họ bành trướng diện tích canh tác. Trong khi trồng lúa ở đây, những Lính thợ đã mang cả văn hóa VN đến nước Pháp, như tập tục hò hát đối đáp với nhau vào ngày cấy lúa để giúp họ cùng nhau vui vẻ quên đi phần nào nỗi cơ cực nhọc nhằn hàng ngày. Đến khi thu hoạch, họ dùng lưỡi liềm cắt lúa, bó cây lúa thành từng bó và dùng bò kéo lúa gặt về trang trại. Ban đầu, họ còn phải đập lúa bằng tay, giã gạo để có gạo trắng. Có thể nói từ khâu cấy trồng đến chăm sóc, nhổ cỏ, thu hoạch và biến chế đều dùng sức người tương tự như ở Việt Nam vào thập niên 1940-50.
Vào tháng 9-1942 với vụ lúa đầu tiên, họ rất mừng rỡ thu hoạch được 180 tấn lúa trên 50 ha hay 3,6 tấn/ha, năm 1943 với 600 tấn trên 230 ha (2,61 t/ha) và 1944 với 2.200 tấn trên 800 ha (2,75 t/ha). Đến 1951, diện tích trồng của Camargue đạt đến 13.000 ha (xem Youtube)(9).
Nhóm người Việt này thành công khai thác canh tác lúa, nhưng năng suất bình quân còn thấp 2-3 tấn lúa/ha trong khi nước Ý đạt đến 4-5 tấn/ha. Về sau, với kỹ thuật tiến bộ hơn và ngành cơ giới hóa phát triển, nông dân Pháp không còn dùng nhiều sức lao động trong các công đoạn sản xuất, họ dùng máy kéo xới đất, san bằng mặt ruộng, gieo thẳng hạt giống cải tiến thay vì cấy lúa, dẫn thủy nhập điền, sử dụng phân hóa học và bảo vệ mùa màng để đưa năng suất lên 5-6 tấn/ha như hiện nay.
 
Rõ ràng những Lính thợ này đã làm việc rất cực khổ tay lấm chân bùn, với kinh nghiệm trồng lúa cổ truyền đã thành công đưa Camargue trở thành nôi sản xuất lúa gạo còn gọi “vàng trắng”, đặc sản rất quý hiếm của người Pháp bấy giờ (8). Giá một kí lô gạo gấp 3 lần giá một kí lô lúa mì (2). Nhiều gia đình Pháp ở Camargue trở nên giàu có với các nông trại rộng lớn sau này. Nhờ những nỗ lực và sự hy sinh vô biên của người Việt bị cưỡng bức di cư đã giúp cho ngành trồng lúa nước tại Camargue trở nên hiện thực và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, sự cống hiến vật chất và tinh thần lớn lao này đã bị người dân bản xứ, ngay cả dân Camargue vô tình hoặc cố ý bỏ quên hơn 70 năm qua.
 
Năm 2009, nhờ ký giả Pierre Daum của báo Libération, sau 4 năm đi điều tra, khảo sát tại chỗ trên đất Pháp và cả Việt Nam, đã khám phá sự kiện lịch sử trồng lúa Camargue của Lính thợ Việt Nam bị quên lãng và xuất bản quyển sách "Immigrés de force, les travailleurs indo-chinois en France (1939-1952)" [tạm dịch: “Những công nhân Đông Dương bị cưỡng bức nhập cư tại Pháp (1939-1952)]” trong phiên bản Actes Sud/Solin, Arles (8). Nhờ đó, báo chí, truyền thông Pháp phổ biến rộng rãi khắp nước sự kiện bị bỏ quên này và 6 tháng sau, thị trấn Arles tổ chức lễ tưởng niệm chính thức đầu tiên để ghi nhớ công lao của 20.000 người Việt Nam đóng góp công sức cho nước Pháp. Tiếp theo, các thành phố khác cũng lần lượt tổ chức lễ tưởng nhớ tương tự tại Saint-Chamas, Miramas, Sorgues, Bergerac


Hình 5 và 6: Đài tưởng niệm quốc gia cho Lính thợ Việt Nam tại Salin-de-Giraud, Camargue
và ảnh Ông Nguyễn Ngọc Sáu, một Lính thợ trong ngày lễ 5-10-2014 (4)


Hình 7: Tấm bia người Lính thợ Việt Nam tại Salin-de-Giraud

Ngày 5 tháng 10 năm 2014, đài tưởng niệm quốc gia đầu tiên cho các lính thợ Việt Nam được long trọng khánh thành tại Salin-de-Giraud ở Camargue (Hình 5 và 6). Đây là sáng kiến của Hội đoàn “Mémorial pour les ouvriers indochinois (MOI)”, được chánh quyền thị trấn Arles hỗ trợ.
Một tấm bia biểu tượng người nông dân trẻ đi ra đồng ruộng với chiếc cuốc trên vai cao 2 m bằng thép không rỉ, được đặt trên khối thạch cao trắng cứng cao 8 tấc. Tấm bia này do họa sĩ nổi tiếng Lê Bá Đảng (1), một người Lính thợ của Camargue ngày nào phác họa và xưởng Benoît Souverbie thực hiện. Trên mặt trước của khối thạch cao có khắc ghi 2 dòng chữ Pháp như sau (7):
En hommage aux vingt mille travailleurs civils Vietnamiens requisitionés entre 1939-1952.
En mémoire de leur histoire et de ceux qui laissèrent leur vie sur le sol de France.

Tạm dịch:

Tưởng niệm hai mươi ngàn công dân lao động Việt Nam bị trưng dụng từ 1939-1952
Tưởng nhớ đến lịch sử của họ và của những người đã qua đời trên đất Pháp

Trần Văn Đạt, Ph. D.

Tài liệu tham khảo:
FAOSTAT (http://faostat.fao.org/site/339/default.aspx) & France (http://www.fao.org/rice2004/en/p5.htm).
Sarrazine, C. 2011. Camargue rice. (http://www.fantasticprovence.com/section/nature_r7/le-riz-le-sel-de-la-camargue_a273/1).
Prévot, V. 1953. La culture du riz de Camargue. L’ information géographique, vol. 17, issue 17-1, pp 13-20.
Marc Civallero và de Ludovic Moreau. 2014. Salin-de-Giraud : le mémorial des travailleurs indo-chinois (http://france3-regions.francetvinfo.fr/provence-alpes/2014/10/05/salins-de-girault-le-memorial-des-travailleurs-indo-chinois-565062.html).
Immigrés de force: Les travailleurs indochinois de la seconde guerre mondiale (http://www.immigresdeforce.com/immigr-s-de-force).
Antoine Lannuzel. 2009. Un riz au goût amer en Camargue (http://www.lexpress.fr/region/un-riz-au-gout-amer-en-camargue_835395.html#K7d9Ou1fY1HbscRj.99).
Main d’Oeuvre Immigrée (M.O.I.). Memorrial Công Binh (www.travailleurs-indochinois.org/
Guiseppin Marie-France. 2015. Riz amer, un documentaire à découvrir le samedi 16 mai à 15h25 (http://france3-regions.francetvinfo.fr/midi-pyrenees/emissions/doc-24-midi-pyrenees-et-languedoc-roussillon/actu/riz-amer-un-documentaire-decouvrir-le-samedi-16-mai-15h25.html).
https://www.youtube.com/watch?v=RWYF7YkNNWg

(1) Họa sỹ Lê Bá Đảng sinh ngày 26/7/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và mất ngày 7/3/2015 tại Paris, hưởng thọ 94 tuổi. Ông sang Pháp năm 1939 trong đoàn lính thợ đến từ các nước thuộc địa của Pháp. Sau khi được trả tự do, từ năm 1942-1948, ông học tại Học viện nghệ thuật Toulouse.

 

Đăng ngày 30 tháng 11.2015