Ngày 30 tháng tư

Trần Trung Đạo

Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen. Ngày những chiếc tăng T54 do Liên-Xô chế tạo nghiền nát đường phố Sài Gòn thân yêu rợp bóng me xanh. Ngày những chiếc trực thăng cất cánh từ sân thượng của những cao ốc.
Ngày có những tiếng loa phóng thanh ra lịnh các cấp chính quyền miền Nam tập trung, trình diện vang lên trên đường phố. Ngày với những tiếng hát cao the thé của những nữ văn công miền Bắc vọng ra từ đài phát thanh vừa rơi vào tay Cộng Sản.
Ngày những Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Nguyễn Văn Long và bao nhiêu người con yêu khác của mẹ Việt Nam đã dò theo bước chân của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương mà lần lượt ra đi.
Trong bình diện xã hội, 30 tháng 4 là ngày điêu tàn tang tóc. Mẹ mất cha, anh xa em, vợ lạc chồng, những đứa trẻ mồ côi lạc loài trên đường phố, nước mắt ai rơi trên bờ biển, tiếng khóc thét của em bé vừa sinh ra trên những chuyến hải hành vội vã trong đói khát, lo âu, tuyệt vọng.
Trong bình diện đấu tranh 30 tháng 4 là ngày quốc kháng. Ngày khởi điểm cho một mặt trận mới vì nhân quyền, tự do và dân chủ.
Dù gọi 30 tháng 4 là ngày quốc hận, quốc nạn, quốc kháng hay là ngày gì đi nữa, trong tâm tư của mỗi người miền Nam sống trong ngày tháng đó vẫn là một tâm tư hãi hùng, lo sợ, bàng hoàng và đau xót.
Tất cả hình ảnh đó dường như đang xảy ra trong phút giây chúng ta đang thở. Tiếng súng như vẫn còn nghe. Ngọn lửa như vẫn còn đang nóng. Đứa bé nằm trên bụng mẹ ngậm núm vú lạnh tanh không còn một giọt sữa mà không biết mẹ mình đã chết từ lâu, trong một bức ảnh đăng trong một tờ báo Mỹ, nay đã 46 tuổi. Và chúng ta, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, vẫn như em bé kia, đang ngậm nỗi buồn nơi đất khách. Dù tự an ủi bằng bao nhiêu bài thơ, bài hát chuyên chở niềm tin và hy vọng, bao nhiêu tuyên ngôn, tuyên cáo khẳng định lập trường thì giấc mơ Việt Nam về một buổi sáng đẹp trời cho dân tộc vẫn còn là một giấc mơ.
Thế giới đã đổi thay nhanh chóng. Cuộc vận hành của lịch sử văn minh con người không chạy bằng những chuyến tàu điện nhưng đã chuyển sang thời kỳ của những máy bay siêu tốc. Tín hiệu Morse đã được chính thức thành lịch sử. Ông Denis Tito đã mua vé đi du lich trong quỹ đạo trái đất và trở về bình an. Nói chung, tiến bộ và văn minh nhân loại đã bước một bước rất dài.
Nhìn lại đất nước Việt Nam, văn hóa đạo đức đang trở về gần với thời mọi của cải đều có thể mua bán, trao đổi, kể cả mua bán, trao đổi chính con người. Do đó, vấn nạn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam đang phải đối diện không chỉ lạc hậu về kinh tế chính trị và quan trọng hơn lạc hậu về văn hóa tư tưởng.
Khi nhận xét rằng Việt Nam lạc hậu kinh tế, không ít độc giả trong nước chưa có dịp tiếp xúc và so sánh giữa tiến bộ của thế giới và thay đổi tại Việt Nam, có thể không đồng ý với tôi.
Việt Nam có cao ốc mới, khách sạn mới, cầu mới, đường mới, xe mới, nhà mới, số lượng du khách ngày càng tăng. Vâng, không ai chối cãi điều đó. Thế nhưng, trong một nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa, mức độ phát triển của một quốc gia được xác định không phải bằng các chỉ tiêu riêng của từng quốc gia nhưng bằng sự so sánh với các quốc gia trong cùng khu vực, cũng như trong tương quan kinh tế thế giới.
Trong 46 năm qua, nếu không có nhiều tỉ dollar hàng năm gởi về từ những người một thời đã bị chế độ nguyền rủa, trù ẻo để bị chết trôi, chết chìm trên biển Đông thì nền kinh tế Việt Nam còn tệ hại đến mức nào.
Ba triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cùi bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào "Lá lành đùm lá rách", "Chị ngã em nâng". Nếu họ được giáo dục bằng hận thù giai cấp, bằng sắc máu đấu tranh như những người Cộng Sản thì nền kinh tế Việt Nam ngày nay có thể vẫn còn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia nghèo đói hàng năm của Liên Hiệp Quốc.
Khi nhắc đến những đổi thay kinh tế tại Việt Nam, một yếu tố quan trọng khác cũng cần lưu ý là những cái mới đó thuộc về ai. Hãy bước ra đường hỏi người lái chiếc xe hơi đắt tiền kia ông là ai, bà là ai. Hãy bước vào trụ sở hội đồng bộ trưởng để hỏi các ông bà ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng, với cấp số lương mà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An trước đây từng than thở "Lãnh đạo Việt Nam là những người nghèo nhất" thì làm sao các ông, các bà có dư hàng trăm ngàn dollar để lo cho con sang Mỹ học. Sẽ không ai trả lời. Đơn giản bởi vì chẳng một kẻ cướp nào muốn thừa nhận mình là cướp, nhất là cướp từ những người cùng khổ nhất trong xã hội.
Tương tự, hãy đi bờ sông Thu Bồn, sông Trà Khúc và hỏi những người đang đào hến, họ đã đào như thế bao nhiêu năm rồi. Hãy bước vào chợ Bến Thành hỏi những đứa bé đang lượm từng con cá ươn trong buổi chợ chiều, cha mẹ em đâu, nhà cửa em đâu, trường học em đâu. Hãy bước ra đường hỏi người phu đang cong chiếc lưng hốt từng đống rác, bao nhiêu chiếc chổi đời đã quét xuống lưng ông. Hãy vào những con hẻm tối hỏi các em thanh niên nam nữ tuổi hai mươi đang bán á-phiện, ma túy, làm điếm trên những công viên tăm tối hay đang tự giết đời mình bằng những cuộc đua xe bạt mạng trên đường phố, hoài bão của các em về cuộc sống hôm qua, hôm nay và mai sau rồi sẽ ra sao.
Họ có thể cũng không trả lời. Không phải họ không muốn nói nhưng như một Mục Sư làm công việc thiện nguyện tại Việt Nam đã viết: "Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không biết định nghĩa của hai chữ hoài bão là gì".
Một dân tộc mà thế hệ hai mươi không có một hoài bão cho đời mình, dân tộc đó sẽ đi về đâu?
Một dân tộc với 65 phần trăm tuổi trẻ nhưng không có một cơ hội để tiến thân, sống trong hoang phí, sống như những tử tù đang chờ chết thì tương lai của họ sẽ về đâu?
Đế quốc CS Liên Xô sụp đổ từ lâu nhưng trên đường phố Hà Nội vẫn còn treo khẩu hiệu "Chủ Nghĩa Mác-Lênin Vô Địch Muôn Năm" để mừng ngày đại hội đảng. Thật là chuyện mỉa mai, buồn cười và ngu xuẩn vượt thời gian. Hiểu được điều này chúng ta sẽ thấy tại sao các thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không còn quan tâm đến trường học, không biết chọn một hướng đi cho đời mình. Làm sao các em có thể thấy hướng đi khi bị nhồi sọ bằng những lý thuyết viển vông mà nhân loại đã xếp vào ngăn tủ từ bao nhiêu năm trước. Làm sao các em có thể thấy tương lai, hiểu được tình người, khi cả tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành bị nhào nặn bằng những tư tưởng hận thù giai cấp, bóc lột, đấu tranh.
Chúng ta đều biết đến thảm trạng tại Việt Nam nhưng ai sẽ là những người chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước tòa án lương tâm của dân tộc Việt Nam sau này?
Đối với tuyệt đại đa số người Việt yêu chuộng tự do, câu trả lời rất dễ dàng. Thủ phạm đã gây ra những điêu linh tang tóc, nghèo nàn lạc hậu, làm mất nhân phẩm của người Việt, đầu độc các thệ trẻ Việt Nam, hủy diệt mọi mầm xanh đang cố gắng vươn lên của dân tộc, không ai khác hơn là giới lãnh đạo CSVN.
Điều đó không sai nhưng chưa đủ.
Một băng cướp ngân hàng không thể di chuyển hàng tỉ dollar ra khỏi nhà băng nếu không có kẻ đưa đường, người dẫn lối, không có tay trong, tay ngoài, bao che, thờ ơ, dung túng. Tương tự, đảng CSVN sau 46 năm vẫn còn tiếp tục trấn áp nhân dân Việt Nam bởi vì, ngoài nhà tù và sân bắn, họ cũng đã được dung túng, bao che, thờ ơ và thỏa hiệp. Và những người đã thờ ơ, dung túng cho Cộng Sản trong 46 năm qua không ai khác hơn là những người Việt Nam có quyền hạn tinh thần, có trách nhiệm xã hội, có kiến thức văn hóa, có lương tâm tôn giáo nhưng đã vì quyền lợi cá nhân, tổ chức, tôn giáo riêng mà làm ngơ trước đau thương của đất nước.
Cả nhân loại đều phẫn uất khi biết một em bé Việt Nam chỉ vỏn vẹn 8 tuổi đầu phải phục vụ nhu cầu sinh lý cho những người bằng tuổi cha, bằng tuổi ông của các cháu ở Campuchia. Ký giả Chris Hansen lên tiếng. Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ lên tiếng. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ lên tiếng. Liên Hiệp Quốc lên tiếng. Đức Giám Mục Agustinus Agus của Nam Dương lên tiếng. Nhưng các ngài thì không.
Con biết các ngài có trọng trách đối với giáo hội mà các ngài đang lãnh đạo. Con biết hành vi của các ngài có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tôn giáo mà các ngài đang dẫn dắt. Vâng, nhưng tôn giáo đó, giáo hội đó, tín đồ đó từ đâu mà có? Trên con đường các ngài đi còn vọng lên tiếng kêu trầm thống của cả dân tộc chịu đựng trong độc tài đảng trị suốt hơn 40 năm qua. Hạt gạo, hạt muối các ngài ăn tích lũy mồ hôi nước mắt của hơn 90 triệu người Việt Nam đã đổ xuống. Tất cả đều từ dân tộc Việt Nam mà có. Các ngài có trách nhiệm với giáo hội của các ngài thì ai sẽ có trách nhiệm với đất nước đây? Các ngài quan tâm đến sự thịnh suy của tôn giáo các ngài thì ai sẽ quan tâm đến sự thịnh suy của dân tộc Việt Nam đây? Phát triển tôn giáo là nhiệm vụ của các bậc lãnh đạo tinh thần, vâng, nhưng nhiệm vụ đó không nên và ngay cả không được phép đi ngược lại với quyền lợi sống còn và khát vọng tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Hôm nay, những tiếng kêu của những con búp-bê Việt Nam biết khóc ở Campuchia vẫn như những viên sỏi nhỏ rơi vào biển cả, không tạo nên chút sóng lương tâm nào trong lòng những vị lãnh đạo tinh thần cao cấp nhất Việt Nam.
Trong lời kinh đêm nay, ngoài việc cầu nguyện các đấng thiêng liêng để ban cho các ngài cuộc sống bình an, phò trợ cho tôn giáo của các ngài không ngừng phát triển, xin các ngài dành một lời cầu nguyện cho những đứa bé 8 tuổi bất hạnh kia được có cơ hội trở về với lớp học mẫu giáo của các cháu như hàng triệu trẻ thơ khác trên thế giới.
Tôi không tin chế độ CS bỏ tù tất cả những người cầm bút khi họ viết về cuộc sống khổ đau của hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam trên đất Thái, Miên, Đài Loan, Nam Hàn. Cuộc đời của những phụ nữ này là những tác phẩm, những vở kịch, những cuốn phim đau thương đang cần được viết lại, chiếu lại cho các thế hệ hôm nay để đọc, để xem và và cho ngàn đời sau để tránh. Im lặng là đồng lõa. Im lặng là dung túng. Nếu một nhà văn, nhà thơ không đủ can đảm nói lên sự thật, viết lên sự thật của xã hội mình đang sống thì liệu có xứng đáng để được gọi là "những phát ngôn nhân thời đại" hay không?
Điều kiện chính trị ngày nay không giống như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Để nhận được viện trợ của nước ngoài và được công nhận như một chính phủ trong cộng đồng thế giới, CSVN buộc lòng phải tháo lỏng bớt chiếc dây thòng lọng trên cổ văn nghệ sĩ. Nhưng tiếc thay những nhà văn, nhà thơ sĩ khí thời nay lại cũng không nhiều như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Một tiếng nói trung thực chưa kịp vang xa đã chìm vào im lặng. Một tác phẩm mang tinh thần cách mạng xã hội vừa ra đời đã bị thu hồi.
Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết còn là ngày để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm nay.
Mỗi người Việt Nam có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng CSVN. Tương lai dân tộc không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng CSVN. Sinh mệnh dân tộc Việt Nam do chính nhân dân Việt Nam quyết định. Và do đó, con đường chung để đến một điểm hẹn lịch sử huy hoàng cho con cháu, chính là con đường dân tộc dân chủ và không có một con đường nào khác.
Trần Trung Đạo
(Viết 30-4-2004, hiệu đính nhân dịp 30-4-2021)

https://www.facebook.com/trantrungdao



Ngày 30 tháng tư 1975

lần thật chết với quê hương

Phan Nhật Nam

Dẫn nhập:
Không hiểu từ bao giờ, như thế nào, đứa nhỏ mới tập đánh vần, đọc và học thuộc lòng bài thơ.. Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ.. Đây sa trường đây nấm mộ trời Nam Đây dòng sông dòng máu Việt còn loang.. Đây cổ độ xương tàn xưa chất đống.. Mà quả thật  nó không hiểu “cổ độ” là gì lại có nhiều xương chất đống?! Nó cũng không hiểu vì sao tên nó “Nam” được kể vào, cũng như tên hai đứa em “Lạc, Hồng” con ông chú Xuyến cũng được kể ra với “Nơi gươm hồng tàn giết giống Lạc Hồng”.. Ai đã lấy gươm “giết/nghe ghê quá” hai đứa em của nó? Tóm lại, đứa nhỏ hoàn toàn không hiểu hết nghĩa bài học thuộc lòng, tuy nhiên nó cảm nhận một cảm giác rất rõ.. Nó thấy buồn buồn nặng xuống trũng ngực – Cũng chưa hiểu nghĩa “buồn là gì”..

1. Hoá ra cảm giác nhạt nhạt trong miệng, buồn buồn đè nặng, đau đau ở trũng ngực làm đứa nhỏ có thói quen luôn rờ tay lên ngực áo như muốn gỡ đi một khối nặng vô hình dính sâu đâu trong người mà sau nầy khi khôn lớn, nó mới biết đó là vị trí gần quả tim làm chặn ngang đường thở. Cảm giác nầy vốn có từ thời thơ ấu nhưng do còn quá nhỏ nên đưá bé chưa biết gọi ra tên. Cảm ứng xa xưa ấy chính là Nỗi Đau/Cảm giác Buồn sau nầy khôn lớn anh mới biết ra qua thân phận Người Lính trên Quê Hương Việt Nam. Nhưng không chỉ là thế, sâu xa hơn ám ảnh từ thời ấu thơ, mối ưu phiền (không duyên cớ) ngày tuổi trẻ vừa tới 20 tuổi, từng đêm nói Trường Đà Lạt, nhìn ra ánh đèn xanh nơi xa vườn Bích Â.. Còn có điều gì khác, lớn lao, kinh hoàng, khốc liệt hơn.. Đấy là Năm 1965, sau trận chiến bùng nỗ ngày 11 tháng 6, với cơn mưa u uất mùa hạ Miền Nam, nơi Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp. Mưa không đủ lớn, không dài lâu để cho người có cảm giác được tẩy rửa, cuốn trôi. Mưa âm âm, ngột ngạt làm bốc dầy thêm mùi xác chết của những đơn vị gồm Tiểu Đoàn 2, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 Bộ Binh; của Tiểu Đoàn 52 Biệt Động Quân; và đơn vị đầu đời, thiết thân, thương mến, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù với những người lính anh quen mặt từ buổi trưa cuối năm 1963 khi mang chiếc xắc marin nhà binh bước qua cổng doanh trại, vào trình diện tiểu đoàn trưởng.. Những người lính với sức chịu đựng dường như vô hạn dưới khối nặng của thùng đạn, ba-lô, nón sắc, vũ khí họ mang trên vai, vác lên lưng, để từng ngày cúi gầm mặt bước xuống vùng sình lầy mênh mông, trèo lên dốc đá núi thăm thẳm, lội xuyên rừng rậm ngút ngàn không tiếng nhỏ than van, ghìm lại hơi thở dài nặng nhọc… Nhưng ngày ấy, tất cả những người lính gần gũi thuơng mến nầy đã là những xác chết căng cứng, da tím sẫm bốc mùi xanh  xao tanh tưởi.. Những khuôn mặt, dạng người tinh anh tươi trẻ của tuần, tháng trước biến dạng thành những khối thịt ủng lầy máu sẫm, đất bùn đỏ, nhầy nhụa thêm bởi thấm mưa của bao ngày nằm nơi đụng trận, một chốn gọi là xã Đồng Xoài, Quận Đôn Luân, Tỉnh Bình Dương, nơi chỉ xa Sài Gòn chưa đấy 100 cây số đường chim bay.

2. Rồi từ Giao Thừa Mậu Thân, bắt đầu ở Huế, ngõ Âm Hồn, lối đi ra đường Mai Thúc Loan, hướng Cửa Đông Ba. Khoảng đường u thẫm chập dầy bóng đen đêm Xuân 1968, với tình thế nguy biến tang thương hơn qua hoạt cảnh người lính xao xác chạy dọc những khu nhà đỗ nát, vừa chạy tránh đạn, vừa kéo xác đồng đội.. Anh đi ngang qua căn nhà có xác người đàn bà chết trong vị thế quỳ trước chiếc bàn thờ xiêu đỗ tung toé, hẳn đang khấn lạy, cầu xin.. Nhưng xác chết chỉ còn thân người, bởi chiếc đầu đã bị cắt lià, vất tung đâu đó. Bên cạnh, thây cô gái tóc dài lây lất, khuôn mặt chỉ còn những tảng thịt rời rã.. Nhận biết đấy là người thiếu nữ do chiếc áo dài trắng và áo len màu tím than, màu riêng biệt đặc trưng của người thiếu nữ xứ Huế. Nhưng, như một an ủi khốn cùng, ở Huế, hay quanh ngoại ô Sài Gòn, vùng Nhị Bình, Thạch Lộc, Hốc Môn, Gia Định trong dịp chiến loạn Mậu Thân 1968, người ta vẫn còn khả năng phân biệt đấy là xác chết của lính hay của dân; của dân chúng Huế hay gã bộ đội Sinh Bắc-Tử Nam, hoặc cán binh Mặt trận giải phóng.. qua áo quần, dạng tướng, đôi dép Nhật làm ở Chợ Lớn, giày botte de saut của lính cộng hòa hay loại dép râu mang theo từ Miền Bắc của bộ đội cộng sản. Suốt dọc cù lao sông Sài Gòn chảy qua Bình Phước, Bình Triệu, Thạnh Lộc, Nhị Bình, Gò Vấp.. Cả một vùng hoa mai tàn tạ trong ánh nắng lung linh mùi tử khí.

3. Tiếp đến năm 1972, cảnh chết trên quê hương miền Nam tăng vụt cường độ với  bất  hạnh, tang thương nhân lên gấp bội phần cho dù trí tưởng tượng về tình huống khốn cùng từ lâu đã được người Việt hằng mang nặng, chuẩn bị gánh chịu. Trên chín cây số từ La Vang, nam Quảng Trị đến Cầu Trường Phước lớp nhựa đường đã hoàn toàn chảy nhão, đun nóng sôi bởi một thứ lửa nhân tạo. Lửa được cháy lên do từ áo quần, tay nải, bao bị, gồng gánh, và tế bào thịt da của người tẫm vào lưỡi lửa của xe cộ, xăng nhớt.. Tất cả biến thái nên thành ngọn lửa bền bỉ âm ỉ. Thế nên trên quảng đường chín cây số nam Thị Xã Quảng Trị mà báo chí Miền Nam đặt nên tên đau thương Đại Lộ Kinh Hoàng hoàn toàn không còn dạng thây ma để được gọi nên là xác chết, mà chỉ là những mảnh xương cốt rời rã, lăn lóc, lẫn lộn đất, đá, cát vương vãi dưới gầm khung xe cháy nám, nơi ổ súng cong queo, sau những bụi lùm trơ trọi, những gò, đụn oan khiên mà ổ mối đùn lên gây tanh mùi máu. Trong cùng lúc, vào thời điểm đầu mùa Hè, 1972 ở An Lộc nơi Bệnh viện Tiểu Khu Bình Long cũng xẩy ra tình cảnh kinh hoàng đau thương tương tự. Vì pháo binh yểm trợ cho các sư đoàn 5, 7 bộ binh cộng sản đã học được một kinh nghiệm hữu dụng: “Ban ngày chỉ pháo xuống nhiều điểm bên trong thị xã để dân chúng tin rằng “bộ đội giải phóng” không pháo kích vô chỗ bệnh viện!” Nhưng vào ban đêm, Trường Trung Học Cộng Đồng, Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long.. nơi lớp lớp người bị thương đang lê lết trong bãi máu, giữa những người hấp hối để cầu sống sót, cầu được lúc bình yên.. Cho dẫu bình yên được chết.. Những nơi nầy biến thành những điểm tập trung của pháo binh cộng sản.. Điễn hình chỉ trong một đêm 10 tháng Tư tám ngàn quả đạn 130 ly rơi xuống xé toang đám xác người.. Người sống lẫn kẻ chết.. Tất cả đồng tung lên ngật ngật với thân thể con người chỉ còn là những mảnh vụn tơi tả lẫn với bụi, khói, mãnh thép..

4. Với tình cảnh sống-chết đan kín, xen kẻ cùng nhau trong suốt chặng đường dài hơn một thập niên như trên vừa kể ra.. Nên đã rất nhiều lần, trong đêm khuya bất chợt anh nghe ra tiếng gọi oan hờn từ Nghĩa Trang Quân Đội nhìn từ Đồi Mũ Đỏ, Căn Cứ Nguyễn Huệ,  bản doanh Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù trên vùng đồi Long Bình.. TẤT CẢ HIỆN ĐỦ TRONG BUỔI SÁNG HÔM NAY – Ngày 30 tháng Tư Năm 1975 – Sự Chết bắt đầu trùm chiếc cánh tối tăm hung hiểm lúc 6 giờ 15 chiều ngày 28 tháng 4, khi chuỗi bom dưới cánh của những chiếc A37 do viên phi công phản trắc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn rơi xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Đạn phòng không bắn lên, phi cơ F5 đuổi theo muộn màng, vô vọng. Cửa ngỏ tháo chạy của Sài Gòn đóng sập lại. Cuối cùng, Tân Sơn Nhất thật sự vùng vẫy, hấp hối, chìm dần trong lửa hoả ngục khi dàn đại pháo, hỏa tiễn cộng sản từ Đồng Dù, Củ Chi, ranh giới Hậu Nghĩa, Gia Định bắt đầu đỗ xuống không ngắt nhịp.. Từng trái đạn 130 ly, từng hỏa tiễn 122 ly chính xác rơi xuống..Tân Sơn Nhất vật vã, co quắp, rã chết, sụp vỡ, hấp hối trong khói đen, lửa ngọn.. Cuộc hành hình kéo dài từ 1 giờ sáng ngày 29 tiếp tục đến rạng đông. Ở căn cứ DAO, Văn phòng Tùy Viên Quân Lực Mỹ, ba ngàn người tỵ nạn chờ đợi di tản bằng C130, hoặc C141 qua Guam đưa mắt nhìn lên trời, giữa vũng lửa, đếm rõ từng viên đạn pháo rơi xuống.. Đống hành lý khổng lồ gồm quý kim, vàng, kim cương, giấy bạc Năm Trăm Trần Hưng Đạo của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam; giấy bạc đô-la của ngân khố Mỹ.. Tất cả cùng trộn lẫn với thịt da thân thể người thành một thứ pháo bông tan tác bay tung toé, hiện thực nơi trần thế cảnh địa ngục vô vàn mà nhà thơ Dante đã diễn tả qua thi ca.
4.1/ Sáng 29 Tháng 4, những tướng lãnh đã ra đi, những sĩ quan cao cấp cũng rời bỏ nhiệm sở, đơn vị.. Nhưng, Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành còn lại. Thành có danh hiệu “Thành mọi” (biết được tên sau 30/4/1975 khi đi  tù chung với những bạn tù gốc Không Quân) do nước da ngâm đen lái chiếc C119 Phi Đoàn Tinh Long đơn độc bay lên trời xanh bảo vệ Tân Sơn Nhất. Những vị trí pháo cộng sản từ vùng Bà Điểm, Hóc Môn tạm ngưng hoạt động (có thể) vừa bị anh tấn công, triệt hạ.. Hóa ra cả một quốc gia chỉ còn được lần cứu viện bi hùng tuyệt vọng nầy. Một mình anh.. Phải chỉ một mình anh – Trung úy Trang Văn Thành, “Thành Thiếu Sinh Quân”.. Lửa! Lửa! Lửa cháy ngang cánh trái con tàu.. Cánh dù bung ra vướng víu.. Những mảnh lửa từ thân máy bay rơi xuống.. Lửa bừng bừng! Lửa ào ạt.. Người phi công chìm trong lửa, chết giữa không gian trên quê hương! Từ dưới đất, trước Tử Sĩ Đường Không Quân kế cổng Trại Trần Quý Mại, Tiểu Đoàn 8 Nhẩy Dù, anh đưa máy ảnh lên.. Nước mắt chảy đầy má, ống kính rung động, nhạt nhòa.. Tất cả đã là vô ích!
4.2/ Sáng 30 tháng 4, năm 1975. Anh lục túi lấy hết giấy tờ gồm Chứng Chỉ Tại Ngũ, Thẻ Lãnh Lương, Thẻ Báo Chí, Chứng Minh Thư mang Danh Số 41 Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương… ném tất cả xuống miệng cống trước trước nhà sách Khai Trí, Đường Lê Lợi.. Coi như mình đã chết…Hình như anh vừa nói ra lời với cảm giác thanh thản của người vừa cất xong gánh nặng quá lớn. Tay anh giữ hai chiếc máy ảnh trước ngực.. Anh tự nhắc nhở: Ít ra còn có vật dụng để thực hiện một công việc, làm một nhiệm vụ. Đây là những hình ảnh không thể thiếu cho mai sau. Để tương lai còn có người biết đến, thấy ra lần tận diệt của Sàigòn. Của miền Nam. Với cách giải thích tội nghiệp cùng đường nầy, anh đi về phía Công Trường Lam Sơn, trước trụ sở Hạ Viện. Chung quanh Sàigòn vắng hoe. Trời bỗng nhiên trở mưa.. Cơn mưa ngắn, từng giọt khô nồng, u uất. Chiếc xe Molotova Trung Cộng (sau khi đi tù mới biết đấy là xe Zil) từ hướng đường Trần Hưng Đạo, chạy chậm rãi qua bùng binh chợ Bến Thành.. Những người đi đường nhìn lên, ngó mông trống trải. Xe tới trước thềm Hạ Viện, đám thiếu nữ nhẩy xuống, một người đội mũ tai bèo, chắc là người chỉ huy trung đội lính phụ nữ, từ ca-bin xe bước ra, chỉ chỏ, ban lệnh, kéo từng người vào vị trí gọi là “chiến đấu”… Các đồng chí, các đồng chí… bố trí đây nì, sẵn sàng tác chiến… Giọng người vùng miền Bắc Trung Việt cấm cẳng, the thé. Những thiếu nữ ngồi bất động nghiêm trọng. Tất cả đều mặc áo quần mới, áo mầu xanh dương, quần đen, vải nội hoá còn nguyên dấu hồ, giây đạn đeo chéo qua thân, miết xuống những thớ thịt ở ngực, phần bụng. Băng đạn trên thân người mới tinh màu đồng đỏ au.
4.3/ Từ Công Trường Lam Sơn, đầu đường Nguyễn Huệ, đám đông dần tập trung để xem mặt “bộ đội Việt cộng”. Thêm hai xe đổ quân trước rạp Rex. Lính cộng sản nhẩy xuống, chạy vội vào hàng hiên, nằm, trườn, bò, nháo nhác. Tiếng đập đục rầm rập từ những cơ sở ngoại quốc, những khối cửa sắt lay động, phá bung, những tấm kiếng tủ lớn bị đập vỡ, đồ đạt kéo lê hỗn độn, vội vàng trên mặt đường. Người mỗi lúc mỗi đông. Người dồn dập ùn ùn, la ó, chưởi thề, giành giựt. Đám đông chạy về phía Building Brink, khu Đồn Đất, nhà thương Grall, những nơi có cơ sở của Mỹ kiều, những văn phòng mà chủ nhân đã bỏ đi. Bất chợt, tất cả lắng lại để nghe rất rõ .. Có người tự tử. Có người mới bắn chết. Ai? Lính hả? Không biết, chỉ thấy mặc đồ lính mình. Ở đâu? Ở ngoãi, chỗ tượng Thủy Quân Lục Chiến.. Lời trao đổi đứt khúc, vội vã, mất hút giữa những tiếng thở dồn dập, bước chân cuống cuồng nôn nóng của đám đông đang hăm hở tiến tới những kho hàng, cơ sở đầy ắp vật dụng, thức ăn, rượu, bia. Tiếng súng nổ, đạn bay lên trời.. Và những bóng người chạy lúp xúp vào cổng Tòa Đô Chính. Anh đưa máy hình lên làm động tác quen thuộc, thuần thục hằng thực hiện trước kia nơi những chiến trường lửa đạn vây bủa. Đồng thời  anh chợt nhói đau, nói thầm.. Đây là lần cuối cùng. Đây là giờ cuối cùng với cảm giác cạn ly rượu ân huệ hành quyết trước khi bịt mắt dẫn đi bắn. Anh đi theo đám lính cộng sản với hai thanh niên cầm cờ đỏ chạy vào chiếm Tòa Đô Chánh. Thoáng rất ngắn, anh ngừng lại, liếc về phía khối tượng đài Thủy Quân Lục Chiến, nơi có Người Lính vừa chết. Buổi Sáng 30 tháng Tư, 1975. Chen giữa âm sắc xích xe tăng đổ nhào cửa Dinh Độc Lập có tiếng nổ khô nhỏ của viên đạn ghim vào, nằm sâu trong đầu Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia NGUYỄN VĂN LONG.
4.4/ Anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác không chủ đích đi dọc đường Lê Văn Duyệt, qua Chợ Đũi, nơi các bạn hôm qua hằng vui vầy, sống động.. Anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa giòng âm động dồn dập của Sài Gòn đang hồi tẫm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh xuống trăm, ngàn quan tài. Mà quả thật có nhiều quan tài của những người vừa chết.. Đến trước cổng trại Nguyễn Trung Hiếu, hậu cứ  Tiểu Đoàn 1 Dù, gặp Thiếu Tá Trần Công Hạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Dù, Khóa 20 Đà Lạt. Anh hỏi Hạnh: “Bây giờ bạn tính sao?” Tròng mắt người bạn khô khan ráo hoảnh sau bao ngày đêm không ngủ. Hạnh nói dứt khoát, dẫu mệt nhọc, rời rã: “Tôi còn đến 500 người lính, tất cả các đại đội trưởng đang đợi lệnh tôi. Anh xem tôi có thể làm gì, đi đâu?!” Có một xác con trẻ trần truồng không biết ai ném ra từ bao giờ lên mặt đường. Một cô gái mặc áo dài trắng nữ sinh đi đến, gác chiếc xe đạp mini cạnh lề đường, bình thãn, thành thạo đưa máy ảnh lên, lấy góc cạnh thây đứa trẻ chết. Anh hỏi cô gái: Cháu chụp tấm hình nầy làm gì trong khi không dám nhìn đến thây đứa bé mà giờ nầy đã miết xuống mặt nhựa đường do đám người chạy loạn từ khu Ngã Tư Bảy Hiền dẫm lên. Cô gái nhỏ trả lời mau chóng: Chụp để làm chứng tội ác Mỹ-Ngụy trước khi bọn chúng rẫy chết! Giọng cô nhỏ đanh lại, mắt quắc lên sau lớp kính trắng. Anh thoáng kinh hãi vì chứng kiến một điều ghê rợn: “Hóa ra Sự Ác do cộng sản giáo dục có thể chụp xuống lòng người mau chóng đến thế sao?” Bấy giờ chỉ mấy mươi phút sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh.
4.5/ Một trung đội lính Dù mà thật sự chỉ khoảng hơn một tiểu đội giữ nhiệm vụ an ninh cư xá sĩ quan Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, trước 1972 là Tư lệnh phó Sư đoàn Dù. Chuẩn Tướng Hậu trãi chiếc bản đồ trên mui xe jeep, bàn tính với những viên sĩ quan. Khi biết lệnh đầu hàng đã thi hành, ông vất tung chiếc bản đồ, gầm lên lời nguyền rũa, bỏ vào nhà.. Anh nói với viên thiếu úy trung đội trưởng: Tôi vừa gặp ông Hạnh ngoài cổng Tiểu Đoàn 1. Ông Hạnh không có ý kiến, bảo anh em ai về nhà nấy. Nhưng viên thiếu úy trả lời quyết liệt: “Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu..”. Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển.. Trung đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng, khi tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn, họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hoà Muôn Năm.. Con chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nỗ sau lời hô vĩnh quyết cùng đất nước Miền Nam.  
4.6/ Sau nầy, anh biết thêm, trên đoạn đường anh vừa đi qua, ngõ nhỏ băng ra Chợ Ông Tạ, trong một căn nhà đã diễn nên hoạt cảnh uy nghi bi tráng của cả một gia đình quyết tử cùng vận nước. Thiếu Tá Đặng Sĩ Vĩnh thuộc Khoá 1 Nam Định, chuyên ngành tình báo đặc biệt, biệt phái ngoại ngạch qua ngành viễn thông, phụ trách đường giây quốc ngoại. Người con trai lớn của gia đình, Trung Úy Đặng Trần Vinh sĩ quan Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu.. Hai người cùng trao đổi lời đối thoại sau khi có lệnh đầu hàng.. Tùy con, riêng bố đã quyết như đã nói với con từ trước. Nếu bố đã quyết như thế, con và các cháu cũng đồng lòng. Toàn gia đình uống chậm những liều thuốc độc cực mạnh đã chuẫn bị từ trước. Cuối cùng Trung Úy Đặng Trần Vinh kết thúc bi kịch với viên đạn bắn tung phần sọ não sau khi đứng chào tấm Đại Kỳ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ với lời hô khiến sông núi cũng quặn thắt thương đau.. Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!   
4.7/ Ở Vùng IV, đồng bằng châu thổ Sông Củu Long, chị Nguyễn Thị Thàng vợ một Nghĩa Quân Đồn Giồng Trôm, thay chồng giữ đồn đến trái lựu đạn cuối cùng. Chị kết thúc đời mình bên cạnh thây của chồng, các con, với những vũ khí, máy truyền tin đã bị phá hủy.. Không để cho Việt cộng một cái gì cả! Người chồng đã dặn chị trước khi lâm tử. Cùng lần với những danh tướng vị quốc vong thân Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn… rất nhiều người không ai biết cấp thiếu, trung úy kể cả binh sĩ, hạ sĩ quan...
Cũng không thiếu những người dân, những người dân thường đã chết cùng lần vĩnh quyết Miền Nam. Anh đi qua biên giới tử sinh nầy với mặc cảm phạm tội – Tội đã sống sót. Đấy là cảm ứng có thật từ ngày 15 tháng 3 khi theo đoàn người di tản dọc Tỉnh Lộ 7 từ Pleiku về Phú Bổn, xuống Tuy Hoà.. Khi đứng trên Đèo Hải Vân ngày 25 tháng 3, nhìn đoàn người chạy loạn từ Quảng Trị, Huế vào Đà Nẵng. Khi nghe ra tiếng hờn đau ai oán của người đàn bà chân trần, tóc rối, lật vạt áo dài ra để thấy đứa con nhỏ đã chết từ lâu trên tay. Nay sáng 30 Tháng Tư, anh đi về nhà với màn nước mắt pha máu.. Máu trên áo, ở đầu ngón tay, nơi cánh mũi gây gây, nồng gắt mùi nồng lạnh do khi anh đến gần, cúi xuống chụp hình Thiếu Úy Thái và những người lính nhảy dù tự sát. Mắt người chết nhìn anh trừng trừng khốc liệt. Không hiểu anh đã về đến nhà theo lối nào, nhưng quả thật đây thật là đoạn đường dài nhất, gớm ghê nhất anh vừa đi qua với cổ đắng, miệng khô rốc, trí óc vỡ loãng trỗng không.

Hậu từ – “Người Nhật là một dân tộc vĩ đại qua nghi lễ hiến tế, tức Sepuku (mỗ bụng tự sát) khi danh dự cá nhân, tập thể, tổ quốc bị xúc phạm. Dân tộc Việt Nam không có nghi thức uy hùng, dũng cảm ấy. Tuy nhiên, Người Việt cũng có phương thức riêng để bày tỏ Lòng Yêu Nước, cách gìn giữ phẩm giá Con Người. Người Việt xử dụng Cái Chết để chứng thực nguyện vọng kia qua cách thế im lặng và đơn giản nhưng không kém phần cao thượng. Cuối cùng, bi kịch không chỉ xẩy ra với thời điểm 30 tháng tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc những người đã sống lâu dài dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954.. Tất cả đã cùng phá thân băng qua biển lớn, xuyên rừng rậm vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600.000 người chết trên đường di tản ra khỏi nước. Hóa ra Dân Tộc Việt, những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời: Chết vì Tự Do để bảo vệ Phẩm Giá, Quyền Làm Người. Người Việt Nam đã và  đang hiện thực điều mầu nhiệm nầy qua từng ngày vượt sống trên quê hương khổ nạn, với chính thân xác của mình.
Viết lại sau 45 năm Dâng lên Tổ Quốc, Và Anh Linh Người Việt đã lâm tử trong Lần  Thật Chết Với Quê Hương.
Cali, 30 Tháng Tư, 1975-2020
Phan Nhật Nam



Tháng Tư này lại nhớ tháng tư xưa

Út Bạch Lan E22

Tháng Tư này lại nhớ tháng tư xưa. Tháng Tư năm đó, được gọi là “Tháng Tư Đen”, đen đến nỗi mặt trời buồn cũng đen luôn. Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta Đời hằng mong thoát đi, đi khung trời xa Đời buồn mong quên hết, ta mong quên hết.Vứt đi bao âu sầu luôn tìm nơi nương náu.Sao ta vẫn thấy mặt trời đen, đen như mực.đen như đêm ma quái. Ah. ha ha ha…
Tháng Tư năm đó, Sau khi 6 tỉnh Cao nguyên và 8 miền tỉnh miền Trung bị lọt vào tay CSBV, để ngăn chận địch quân tràn chiếm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, thành lũy cuối cùng của Quân khu 2, Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH đã quyết định giao cho Quân đoàn 3 lập tuyến phòng thủ bảo vệ hai tỉnh này. Để có sự chỉ huy thống nhất, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân Khu 3, thành lập Bộ tư lệnh Tiền phương Quân Đoàn 3 tại Phan Rang và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được Tổng thống Thiệu cử làm Tư lệnh phó Quân Đoàn 3, trực tiếp chỉ huy Bộ Tư lệnh Tiền phương của Quân đoàn này. Vào thời gian đó, Trung Tướng Nghi là Chỉ Huy Trưởng trường Bộ Binh Thủ Đức, ông cũng đã từng giữ chức Tư lệnh Quân đoàn 4 & Quân khu 4 từ tháng 5/1972 đến 11/1974 sau khi đã giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh gần 4 năm (từ tháng 6/1968 đến tháng 5/1972).Ngày 2/4/1975 lúc 2 giờ chiều,Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh QĐ3 đến thăm Thị Xã Phan Rang và để xác nhận Phan Thiết & Phan Rang sát nhập vào Quân đoàn III, và trở thành cứ điểm cực Bắc của Quân đoàn..
Ngày 4/4/1975 Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chính thức đến Phan Rang cùng với toán truyền tin kiểm thính đặc biệt thuộc Phòng 7 TTM, nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang, và thiết lập Bộ chỉ huy Tiền Phương trong căn cứ của Sư đoàn 6 Không quân, nằm vào lối 5km Bắc Tây Bắc của Thị xã Phan Rang. Ông cho biết là đã được thượng cấp chấp thuận gửi ra một số đơn vị chưa bị ảnh hưởng của việc rút quân để giữ Phan Rang. Bởi tin tưởng vào lời hứa hẹn này, nên Ông rất vui lòng đảm nhận chức vụ.
“Tin Tưởng”!? Từ khi Cụ Ngô Đình Diệm trở về nước chấp chính, tiếp nhận quân đội quốc gia từ thực dân tây, Cụ vẫn giữ khái niệm căn bản là “quân đội không được can dự vào chính trị” cho nên hầu hết các tướng lãnh nồng cốt sau này không cần biết “chính trị” là gì. Tướng Nghi tin tưởng vào lời hứa hẹn của thượng cấp để nhận lãnh trách nhiệm phải đượng đầu với địch quân với “hào khí ngất trời” với lực lượng gồm bốn (4) SĐ chính quy bắc việt (SĐ10, SĐ325, SD68, SĐ3, Chiến Xa, Trọng Pháo hạng nặng) so với lực lượng  què quặt trong tâm trạng hoang mang không còn nhuệ khí chiến đấu khi QK I và QK II đã bị kiểm soát của bắc quân (LĐII ND, LĐ31 BĐQ, Trung Đoàn 4 và 5 của SĐ2BB, 4 TĐ ĐPQ ), và lẽ đương nhiên kết thúc bởi một sự bi thảm của tháng tư đen.

Kết thúc bi thảm đó được thể hiện qua vài cuộc đàm thoại vô tuyến sau đây.
Ngày 4/4/1975 Tướng Lê Quang Lưỡng đang bay trên vùng trời Phan Rang cố liên lạc với Đại Tá Nguyễn Thu Lương Lữ Đoàn Trưởng Lữa Đoàn II Nhảy Dù
– 207…207…207…tôi muốn đáp xuống 207…207… nghe được Lê Lợi trả lời.
Sự im lặng vẫn bao trùm trong lo âu nghẹt thở. Cuối cùng nhận được sự trả lời của Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành tự Thành Râu, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 ND
–  Trình Lê-Lợi, còn gì để đáp xuống, phi trường đã bị tràn ngập...
–  Anh bảo Ông Lương cố gắng cầm cự, tôi sẽ về SàiGòn tăng cường quân ra.
Khoảng 6 giờ sáng, trời còn mờ sương, anh lính truyền tin trao ống liên hợp cho ĐT Lương đang trên đường bôn tẩu. Từ trên không, một chiếc L19 của Quân đoàn III đang bay lượn vòng vòng phía bờ biển và gọi máy liên tục. Ông trả lời và xưng danh hiệu; vị sĩ quan trên máy xưng là Đại úy Tango (nghĩa chữ T đứng đầu tên), và đồng thời yêu cầu chuyển sang tần số giải tỏa …
Sau khi xác định mật hiệu, Tango đã biết chính là LĐT/LĐ2ND và vị trí điểm đứng. Anh ta hỏi có bao nhiêu người, ĐT Lương trả lời chỉ phỏng đoán khoảng 250 người. Đại úy Tango cho biết có 22 trực thăng chở quân, và mỗi chiếc chở được tới 14 người. Vì tất cả chỉ còn súng và ít đạn với mấy vật dụng sơ sài như Poncho, ba lô đựng ít lương khô, nên có thể chở được 14 người.
Đại úy “T” cho biết phải sẵn sàng trước 7 giờ sáng ngày hôm sau. Rồi chiếc phi cơ quan sát rời vùng; đoàn quân di tản được phân phối, xếp mỗi toán 14 người theo thứ tự hàng dọc để trực thăng dễ bốc. Chiếc cuối cùng sẽ bốc quân gần sát bờ sông Quao (trong đó có Đ/T Lương và 2 nhân viên truyền tin, tất cả 14 người này đều là quân Dù).
Khoảng 40 phút sau, phi cơ quan sát trở lại, Đại úy “T” hỏi Đại tá Lương cho biết vị trí của Tướng Nghi và Tướng Sang đang ở đâu? ĐT Lương trả lời: “Đã thất lạc từ đêm hôm qua, tại khu rừng mía, để về đến nơi tôi sẽ trình bày chi tiết”…
Mười lăm phút sau, từ trên phi cơ Đại úy “T” truyền xuống cho biết lệnh của tướng Tư Lệnh Quân Đoàn III (Nguyễn Văn Toàn): “207 (danh hiệu truyền tin của ĐT Lương) phải trở lại kiếm hai ông Three Stars Nectar và One Star Sierra; nếu không thi hành khi về sẽ ra toà án quân sự và sẽ không còn 3 bông mai bạc nữa đâu!!!”
Lúc đó Thiếu tá Đông (một SQ bộ binh) và tất cả các quân nhân sĩ quan, HSQ, và binh sĩ đứng gần đều nói:
– Đại tá cứ về, việc làm suốt ngày và đêm hôm qua chúng tôi đều biết, nếu có phải ra tòa án, chúng tôi sẽ cùng ra làm chứng… Chúng ta đã làm hết sức, mà không đạt được thì đành chịu thôi!”
Thực tế ông đâu có bỏ chạy một mình, đã đưa 2 vị ấy ra khỏi phi trường; rồi đi bộ suốt ngày mới tới Cà Ná. Và chính Tướng Nghi cũng đã từ chối không cho trực thăng xuống bốc BTL Tiền phương và SĐ6KQ
Suy nghĩ một lúc, Đ/T Lương gọi máy nói với Đại úy Tango ở trên phi cơ L19 là:
– Tôi và một số quân nhân Dù sẽ trở lại vùng chạm địch hôm qua để dò la và tìm 2 vị Tướng. Tôi yêu cầu cho trực thăng bốc tất cả hơn 200 người hiện đang đứng với tôi về QĐ3 để họ trình bày với Trung tướng Tư lệnh.
Kết quả bi thảm đó là tất cả tướng tá của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Tướng Quế Công Công bị còng tay và dẫn độ về trại Đầm Đùn, để rồi từ đó lê lết kéo dài cuộc sống với một nỗi căm hờn trong cũi sắt, đếm từng tháng tư qua dưới ánh mặt trời đen như mực.
Thời điểm đó “xạo sự tôi” chỉ là một sĩ quan cấp úy lẹt đẹt, chi biết thi hành lệnh mà không được thắc mắc hay khiếu nại lôi thôi gì cả. Hay không bằng hên. Cái “hên” của tôi là không có dịp may bằng vàng để cùng LĐ II ND đi Phan Rang, vì được lệnh cuối cùng ở lại hậu cứ thành lập tiểu đoàn tân lập. TĐ17 ND. Đi Phan Rang để có dịp hưởng lao động ở chốn “rừng thiêng” và uống nước độc. Hên là còn ở lại hậu cứ để có dịp chứng kiến cảnh đau lòng con quốc quốc khi tận mắt nhìn thấy các quan to mặt bự ngày hôm trước ra lệnh thuộc cấp “phải ở lại”, nếu không thi hành khi về sẽ ra toà án quân sự và sẽ không còn 3 bông mai bạc nữa đâu, nay thì tay dắt díu vợ con, tay thì giữ chặt cái vali “hồ sơ mật” leo lên máy bay dông mất. Ba mai bạc của Đại Tá Nguyễn Thu Lương vẫn còn giữ trong cái túi cái bang ở vùng Hoàng Liên Sơn tây bắc, ba ngôi sao bạc của tướng Quế Công Công bị chôn vùi trong huyệt mộ lưu xú vạn niên.
Thế sự du du… chỉ muốn nói một chữ đù…”
Thân Kính Chúc Một Ngày Bình An
Út Bạch Lan E22



30/4: Lấy gì để tự hào?

Đặng Chí Hùng

Vốn sinh ra trong một gia đình thuộc “Bên thắng cuộc”, lẽ ra tôi phải tự hào về ngày 30/4 vì đó là ngày mà gia đình tôi thuộc phe chiến thắng, ngày mà đảng cộng sản VN bảo đó là ngày thống nhất vinh quang. Nhưng tôi thấy chẳng có gì đáng tự hào về cái ngày đó.
Chiến thắng sao? Tôi không nghĩ đó là chiến thắng khi mà người Mỹ đã bắt tay với Tàu cộng để triệt tiêu Liên Xô cho nên đẩy Miền Nam Việt Nam cho Miền Bắc. Chẳng thế mà sau hiệp định Paris 1973, quân đội CSVN được thoải mái đóng lại tại các vùng mà họ đã chiếm đóng phi pháp trước 1973. Rồi họ thoải mái chuyển quân và tấn công Miền Nam nhưng Miền Nam thì buộc phải ngồi im nhìn giặc đào hào, đặt mìn dưới chân tường nhà mình. Miền Nam thì bị cắt hết viện trợ súng đạn, xăng dầu vv…từ đồng minh Hoa Kỳ trong khi Miền Bắc thì ngày một nhiều thêm vũ khí súng đạn từ sau 1972. Và cũng đừng quên rằng, tướng Ngô Quang Trưởng sau cuộc họp với tùy viên sứ quán Mỹ tại Đà Nẵng vào ngày 28/03 đã vội vã bỏ tử thủ Đà Nẵng dẫn đến việc tan hàng một lần nữa vào ngày 29/03 của quân đoàn I. Trước đó, đài VOA và đài BBC của đồng minh Hoa Kỳ đã vội vã đưa tin không cần kiểm chứng từ đài Tiếng Nói VN của CSVN về việc mất Phú Lộc ngày 24/03/1975 trong khi thực tế tiểu đoàn 8 TQLC thuộc Lữ đoàn 258 vẫn còn đóng ở đó mà không gặp bất cứ cuộc tấn công nào. Tin thất thiệt này khiến cho một quyết định sai lầm là QĐ I tiền phương VNCH đã không rút theo quốc lộ 1 mà rút theo cửa Thuận An dẫn đến bước đầu tiên tan tác của QĐI. Và còn rất nhiều điều nữa đã chứng minh cho việc “Chiến thắng” của Miền Bắc đã được Kissinger cùng Mao định đoạt từ trước đó rồi…Chính vì vậy, nếu chúng ta đọc lịch sử đứng đắn và có đầu óc trung lập thì cũng đã thấy được việc Miền Nam phải bị thất bại là điều tất yếu. Chẳng có tự hào gì về cái gọi là “Chiến thắng” mùa xuân cả
Thống nhất ư? Có lẽ là thống nhất thật, nhưng mà trước cái sự thống nhất ấy, hàng triệu thanh niên Miền Bắc đáng lẽ ra đang tuổi ăn học để xây dựng cuộc sống, đất nước đã bị đẩy vào chỗ chết mất xác. Trong đó có không ít người trong gia đình tôi là nạn nhân của cái gọi là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ấy”. Cái sự thống nhất ấy không được lãnh đạo đảng CSVN tiến hành trong hòa bình và chiều lòng dân mà họ quyết dùng vũ lực. Cho nến cái sự thống nhất ấy không chỉ trả bằng máu của thanh niên Miền Bắc mà cả của hàng triệu đồng bào Miền Nam. Cái giá quá đắt cho một sự thống nhất chỉ có trong tâm trí của lãnh đạo Hà Nội. Và cái sự thống nhất ấy chẳng là gì cả khi đảng CSVN coi đó là mục tiêu cần phải thực hiện dù cái giá họ trả cho Tàu cộng đổi lấy vũ khí là một phần Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa (Hoàng Tùng đã thừa nhận đảng CSVN nhờ Trung Cộng “giữ hộ” Hoàng Sa sau khi Trung Cộng chiếm đóng HS của VNCH vào năm 1974). Cái giá của thống nhất còn là hàng trăm nghìn người vô tội đã phải đi tù, và hàng triệu người khác phải bỏ xứ ra đi mà con số chết trên biển, bị hải tặc giết đã lên đến con số hàng mấy trăm nghìn. Máu thịt của người dân VN rẻ rúng đến thế sao ?
Thế thì có gì mà tự hào về cái sự thống nhất đó !
Và cho đến ngày nay, mấy chục năm sau ngày 30/04/1975 đau thương đó, vẫn chẳng có gì để “tự hào” cả. Bởi vì cái chiến thắng đó, cái sự thống nhất đó đã là bước đầu của sự lệ thuộc toàn vẹn vào Tàu cộng như sự tiên liệu của ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Diệm trước khi mất. Kèm theo đó là biển đảo đã nằm gọn trong tay Tàu cộng. Đó là một sư đau lòng cho cả dân tộc VN.
Người ta đang tuyên truyền về một đất nước phát triển với nhà xe, quán ăn khắp nơi. Nhưng họ đâu có biết rằng cả nước VN đang đi vay để mà xa hoa. Gánh nợ công đã lên tới hơn 40 triệu đồng một người dù là già sắp đi xa gặp ông bà, lẫn trẻ em mới chào đời. Giá mà ông Nguyễn Phú Trọng – tổng bí thư kiêm chủ tịch nước CHXHCN VN kia mà “Gánh” được thay cho dân VN thì mới tốt. Nhưng chẳng có đảng nào gánh thay dân khi mà đảng đi vay về để xây nhà, cầu đường một phần, và tham nhũng nhiều phần còn lại. Cho nên đừng tự hào vì chung cư, xe cộ, ăn uống, quán bar vv…mà phải nhìn cái thực tế là một nước không có công nghiệp gì cả thì lấy đâu ra mà có giá trị thặng dư để phát triển và tự hào ?
Tự hào được không khi mà đảng CSVN vẫn coi “Xuất khẩu lao động” tức là bán sức lao động của thanh niên nam nữ làm nô lệ cho “tư bản” là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu để đảng khoe khoang thành tích. Đấy, có đáng tự hào không các bạn? Và cũng có đáng tự hào hay không khi mà hàng năm người Việt cứ được Nhật, Hàn, Thái vv…xướng tên thường xuyên vì tệ nạn trộm cắp hay làm “gái” nơi xứ người? Chỉ có những ai có đầu óc vô cảm và dốt nát mới không thấy xấu hổ về điều đó. Những cô dâu nơi xứ Tàu, Hàn, Đài chắc chắn không phải là niềm mong ước của người dân VN nếu như đó không phải là một cơ hội để con cái gửi tiền về trả nợ cho cha mẹ. Đó là tự hào ư ?
Người ta cũng nói rằng, Việt Nam bây giờ đã có những hãng máy bay của các công ty tư nhân như Vietjet hay Bamboo cho nên đó là sự tự hào. Nhưng các bạn nhầm đó, Bamboo thì vốn của Tầu, máy bay của Tầu cho nên bây giờ, sau một thời gian đứng tên, Quyết FLC đã bị đẩy ra. Còn Vietjet ư? Hãy hỏi nếu không có cái bóng của tướng Nguyễn Chí Thanh và tướng Vịnh thì liệu có Vietjet hay không? Chẳng có gì đáng tự hào cả khi mà những đồng tiền thuế của người dân đã được “chuyển hóa” thành vốn cho những tư bản đỏ xử dụng làm giàu cho cá nhân họ.
Người ta cũng nói rằng phải tự hào về Bphone hay Vinfast. Vâng, Bphone thì linh kiện Tàu cộng và lắp ráp tại Mỹ Đình. Vinfast thì là sự lai tạp giữa thiết kế Châu Âu, động cơ lỗi thời của BMW và linh kiện khác của “anh bạn vàng 4 tốt” cho nên việc Vinfast gẫy càng thường xuyên cũng chỉ là chuyện tất nhiên mà thôi.
Có tự hào được không khi mà nhân quyền ở cái đất nước nhỏ bé hình chữ S đã bị chà đạp bao năm qua? Còn đó một ông lão thành cách mạng ( cụ Kình )đã bị chính đảng mang súng bắn chết và xử tử con ông chỉ vì tranh chấp đất đai. Chưa cần biết ai đúng ai sai, thì việc một “Chính quyền” đem quân đội bắn dân vì đất đã thấy đó là một sự nhục nhã. Còn đó, biết bao câu chuyện đau thương của một dân tộc không hề được mở miệng nói thật thì lấy gì mà tự hào? Các bạn cho rằng tôi “phản động” ư? Vậy tôi đố các bạn dám phê phán công khai và vạch trần sự thật tham nhũng hay bán nước của Hồ Chí Minh, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng…đó? Có đáng tự hào hay không? Chắc chắn là không. Và càng không thể tự hào nổi khi mà đảng CSVN thích xây tượng đài nhiều hơn bệnh viện và trường học khiến cho trẻ em rất nhiều nơi chỉ biết ngắm tượng đài thay cơm và đu dây đến trường…xấu hổ lắm, đau thương lắm chứ tự hào nỗi gì các bạn?
Còn rất nhiều điều mà trong một bài viết này tôi không thể nói hết. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi đó là đất nước VN sau ngày 30/4 không hề có phát triển thực sự và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất, tự do. Những điều dối trá tiếp tục diễn ra từ ngày này qua ngày khác. Chính vì thế, tôi thấy rằng chẳng có gì đáng tự hào về “Chiến thắng” đó cả.
Những sự thật bẽ bàng đã nói lên bản chất của vấn đề: Người dân VN đã hoàn toàn thất bại, đất nước VN đã hoàn toàn kiệt quệ và lệ thuộc kể từ ngày 30/04/1975 …
Rất đau buồn, nhưng đó là sự thật không thể chối bỏ!
…Và như vậy, mỗi chúng ta cần thấy được trách nhiệm của mình với dân tộc VN khi mà sự thật được nhìn nhận một cách thấu đáo nhất. Đừng ngủ vùi trong sự ảo tưởng về cái gọi là “Tự hào chiến thắng” mà phải nhìn nhận cho đúng thực tế để đứng lên: Dựng lại VN!
30/03/2021
Đặng Chí Hùng 

 

Đăng ngày 30 tháng 04.2021