Bên dòng kỷ niệm
Đỗ Bình
Paris thủ đô ánh sáng, cái nôi nhân quyền và là một trong những kho tàng văn hóa của nhân loại. Lên Monmartre nơi cao nhất Paris có đền Thánh Tâm uy nghi làm bằng đá qúy trắng toát sừng sững trên ngọn đồi. Đi vòng xuống lưng chừng đồi là cảnh giới riêng của khu họa sĩ, họ đang thả hồn theo những mảng sắc màu. Phố Paris gồm nhiều con đường dọc ngang uốn khúc chằng chịt, xe cộ tấp nập, khách qua lại đông nghịt dọc theo vỉa hè. Hai bên đường san sát những nhà hàng cửa hiệu quán cà phê rạp cinê được trang hoàng đầy ánh đèn màu rực rỡ. Paris thiết kế theo lối kiến trúc cổ, nhà cửa, thành quách, lâu đài, thánh đường và cây xanh tạo cho Paris thêm thơ mộng như một bức tranh ấn tượng. Những cái hay nét đẹp về Paris sách báo film ảnh âm nhạc hội họa... vv... đã nói nhiều nhưng nào hết? Còn có những điều dù có nói thêm cũng sẽ chẳng bao giờ dứt, hay cũng chỉ thoáng qua!
Tôi xin ghi lại “một chút thoáng qua” như giữ cho mình chút kỷ niệm về: Người Paris và Viễn Khách, trong đó có các bạn văn nghệ phương xa đã có lần ghé thăm.
Đã lâu lắm, từ những thế kỷ trước trong số những người Việt có những người là nghệ sĩ họ đã đến Paris trình diễn hoặc thăm Paris nhưng rất thầm lặng, thời gian vô tình trôi xóa dần những dấu cũ mà đâu đó vẫn còn vương đọng! Xin kể lại các bạn một số những câu chuyện đẹp về những tâm hồn nghệ sĩ mà tôi may mắn gặp gỡ quen biết sau này, hoặc đã quen cũ nay tình cờ gặp lại ở nơi đất khách quê người. Những điều viết ở đây không nhằm mục đích ghi lại từng chân dung và sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ nên không thể diễn đạt hết những tính ưu việt của mỗi nghệ sĩ một cách đầy đủ về tài năng, tính chất, nghệ thuật… vv... Đây chỉ là những mẫu chuyện vui dọc đường của một số người làm văn nghệ được đời gọi là nghệ sĩ.
Tôi có cái thú hay vào thư viện đọc sách, nhưng nay nhờ có internet nên cũng bớt đi, thỉnh thoảng cùng bằng hữu đi xem những cuộc triển lãm tranh của một số danh họa Pháp. Những điều bắt gặp trong tranh làm tôi say mê từ màu sắc, phong cảnh đến những đường nét chấm phá. Tính hiếu kỳ khiến tôi lại muốn tìm hiểu hơn về những con người trong thế giới sắc màu này nên đã liên tưởng đến những người bạn nghệ sĩ, có người là họa sĩ, có người văn sĩ, nhạc sĩ mà tôi đã từng gặp trong đời. Hôm nay ngồi hồi tưởng quá khứ, khơi lại vùng ký ức để tìm những dấu vết thời gian, những khuôn mặt văn nghệ sĩ mà tâm hồn còn đầy bí ẩn! Cũng phải mất nhiều năm, nhưng chắc gì tôi đã hiểu và nhớ hết! Rất may tôi lại không có tham vọng đó, công việc này dành cho các nhà nghiên cứu, nhà biên khảo về văn học nghệ thuật. Tôi chỉ làm một việc góp nhặt kỷ niệm kết thành bản Tình Nghệ Sĩ để thấy lại khoảng mộng năm xưa cho năm tháng hoàng hôn đỡ cô quạnh. Tôi thường nghĩ: “Một tác phẩm ở bất cứ một thể loại nào dù là văn học hay nghệ thuật giá trị đích thực không hẳn ở lời khen tiếng chê; mà tùy thuộc vào tác phẩm có thực đi vào lòng người hay không, tuy nhiên người đời thường lẫn lộn gữa tác phẩm và nhân cách tác giả! Người nghệ sĩ và tác phẩm là hai thực thể tách rời nhau nhưng lại khắn khít có chung một niềm bất hạnh chứa đầy rủi ro, đôi khi bị vùi dập vì ngộ nhận! Tâm hồn nghệ sĩ rất phóng khoáng, bao dung yêu tha nhân, yêu thiên nhiên và yêu cuộc đời; dẫu cho cuộc đời có muôn cay đắng. Trong cõi vô tận của nghệ thuật, con người và thiên nhiên là tác phẩm của thượng đế mà nghệ sĩ lại sáng tạo cho cuộc đời thêm muôn sắc.”
CON ĐƯỜNG VĂN NGHỆ
Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi quen một số văn nghệ sĩ, chỉ nhìn cách sống và sự đam mê nghệ thuật thì tôi đã bội phục, mỗi người mỗi khác, kẻ viết văn, làm thơ, người soạn nhạc, trong số đó có người đã in ấn được tác phẩm, có kẻ thì không. Có người viết nhiều ca khúc nhưng chẳng chạy theo thị trường nên chỉ loé lên rồi tắt lịm, hoặc chẳng ai biết! Và có người tranh bán được nhiều nhưng chưa một lần triển lãm! Con đường văn học nghệ thuật mênh mông vô tận, người nghệ sĩ tự mình tìm con đường riêng để đi, và họ đã gặp nhau ở chốn Chân Thiện Mỹ, từ đó mọi sự vật trong cõi đời mới có tên. Sau biến cố năm 1975 người Việt ồ ạt bỏ nước ra đi tị nạn CS, những người đến Pháp đã đồng loạt thành lập hàng trăm hội đoàn nhằm mục đích cứu quê hương thoát khỏi ách CS.
Chúng tôi là những người tị nạn đến Paris sau và cũng đã thành lập hội Văn Hóa năm 1985 theo luật 1901do chính phủ Pháp qui định, sau chúng tôi thu hẹp lại thành Câu Lạc Bộ để đáp ứng với nhu cầu sinh hoạt văn học nghệ thuật với mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa VN ở hải ngoại, đồng thời thành lập một tủ sách để đáp ứng nhu cầu tinh thần cho cộng đồng. Số lượng người đọc sách ngày càng nhiều do đó chúng tôi đã phát triển cơ sở thành thư viện Cergy, hiện nay trở thành thư viện quốc gia Pháp với đủ thể loại sách gồm sách Việt, Pháp và nhiều sách nước ngoài, chúng tôi đã trao lại cho tòa thị chính quản lý.
Năm 1986 hội Văn Hóa đã tham dự ngày quốc tế văn hóa Symbiose nhằm giới thiệu văn hóa dân tộc VN với các dân tộc khác sống trên xứ Pháp, sau đó một thành viên của hội là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Trình được mời làm khách danh dự triển lãm tại Đại Hội Nhiếp ảnh Vương Quốc Bỉ ở Charleroi.
Năm 1987 vào triển lãm 2 tháng liền trong Musée Francais de la Photographie, Bièvres, do Association Culture Vietnam chủ tịch là Giáo sư Phạm Mậu Quân đỡ đầu, với chủ đề: Khung Trời Việt Nam. Đây là một vinh dự cho những nhà nhiếp ảnh được trình bày tác phẩm của mình, những người được trúng tuyển đều là những nhà nhiếp ảnh quốc tế, và do quốc gia giới thiệu.
Luật sư Nguyễn Đăng Trình là một nhà nhiếp ảnh đam mê, từng đoạt giải nhì quốc tế UNESCO, và nhiều giải nhất về nhiếp ảnh cở trung tại Pháp. Khi rời khỏi VN ông mang theo được một số âm bản chụp nhiều cảnh VN trước và sau năm 1975, qua Pháp ông làm ảnh bằng kỹ thuật mới trong phòng tối và phóng lớn.
Chúng tôi được viện bảo tàng nhận là vì lúc đó VN hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, những hình ảnh Nguyễn Đăng Trình mang theo là một không gian VN thu hẹp, nhờ đó đã mở cánh cửa cho chúng tôi đem hình vào viện triển lãm.
1988 chúng tôi được mời sang tận Museum Volkenkude Rotterdam và Museum Groningen Hoà Lan triển lãm 4 tháng liền. Hiện nay Nguyễn Đăng Trình đang định cư ở Montréal, Canada vẫn bấm máy nhưng không còn triển lãm. Dù định cư ở Canada nhưng thỉnh thoáng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình vẫn sang Âu Châu và ghé Paris thăm tôi, anh đến bất chợt không hẹn trước có khi vào nửa đêm, có lúc gần sáng từ các nước nước Đức, Bỉ, Hòa Lan, anh lái xe đến mời chúng tôi đi ăn.
Có lần anh đến nhằm lúc chúng tôi được mời nói chuyện Thơ Nhạc ở Paris, lần đó Chủ nhật ngày 02-06-2013, tại nhà thờ Saint Hippolyte, nằm trên đại lộ Choisy, Paris quận 13. Một buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật chủ đề: "Chiều Thơ Nhạc Paris" đã được Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris tổ chức. Xin trích một đoạn của Nguyễn Mây Thu đăng trên tạp chí Cỏ Thơm:
“Khai mạc là nghi lễ chào quốc kỳ và một phút mặc niệm. Hội trưởng Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Paris, chị Trần Thúy Phượng cũng là MC ngỏ lời chào quan khách, nói qua về ý nghĩa buổi sinh hoạt chiều nay. Mở đầu diễn giả, nhà thơ Đỗ Bình sẽ nói chuyện về đề tài Thơ và Nhạc. MC cũng giới thiệu những khách tham dự gồm những khuôn mặt nổi tiếng ở Paris. Đặc biệt có khách ở xa về tham dự là Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Trình, ông là một khuôn mặt nổi tiếng một thời ở Paris và Âu Châu đã từng đoạt nhiều giải thưởng Âu Châu và Quốc Tế, gần cuối chương trình ông được mời lên phát biểu.
Nguyễn Đăng Trình: “Chúng tôi ở cách đây xa một đại dương hơn mười ngàn cây số, hôm nay được sinh hoạt lại với không khí đầy tình thân ái trong tinh thần văn nghệ sống động. Thật là một duyên may cho chúng tôi, được thấy lại, được sống lại một khoảng thời gian trước kia khi chúng tôi cùng với nhóm anh Đỗ Bình đã triển lãm ở Musée Français de la Photographie, ở Rotterdam, ở Charleroi bên Bruxelles... Tôi xin cảm ơn Chi Hội Phụ Nữ Âu CơParis đã tạo cơ hội cho chúng tôi được sống lại không khí sống động như ngày hôm nay mà ở Montréal chúng tôi không có được như vậy”.
Vào mùa hè năm ngoái 2014 tôi được lời mời của anh chị Nguyễn Đăng Trình và một nhóm bạn ở Montréal, tôi định qua Canada thăm các anh chị Nguyẽn Đăng Trình, anh chị nhạc sĩ Lê Dinh, anh chị nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, anh chị nhạc sĩ Trường Sa và anh chị BS Phan Văn Thành nhà văn Tiểu Thu.
Ra tới phi trường Charles De Gaulle tôi bị huyết áp tăng quá cao nên không thể đi được, chiếc vé vẫn còn gía trị đến hè năm nay, nhưng anh Nguyễn Đăng Trình vừa bỏ cõi đời ra đi! Hai tuần lễ trước ngày anh Nguyễn Đăng Trình mất tôi còn phôn nói chuyện nhau, anh cho biết sức khỏe rất kém vừa ở nhà thương về không biết có thể sống được không!
Anh cho biết đang viết dở trên ordinateur về chuyện cuốn bản thảo 5000 câu Lục Bát của Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật vì anh và Nguyễn Hữu Nhật đã quen với nhau từ lúc còn trẻ, anh đang dạy học ở Đà Lạt, Nguyễn Hữu Nhật thuở đó đã làm thơ nhưng sở trường là vẽ bắt nguồn từ năng khiếu bẩm sinh, có khoa tay nên nét chữ đẹp như rồng bay phượng múa. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước Nguyễn Hữu Nhật theo học thêm lớp hội họa ở trường Mỹ thuật để có kiến thức căn bản và tự mày mò trong khoảng không gian sắc màu để tìm lối riêng cho mình. Nguyễn Hữu Nhật dùng chất liệu sơn dầu để tạo hình, nhưng không theo một trường phái nào, đôi khi thể hiện màu sắc qua tranh cắt dán.
Trước năm 1975 họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật đã làm được vài cuộc triển lãm ở Hội Việt Mỹ Sài Gòn, Trung Tâm Văn Hóa Pháp Sài Gòn. Ra hải ngoại chúng tôi đã tổ chức triển lãm tranh của anh ở Trung Tâm Văn Hóa Quốc Tế Paris năm 2001. Đó là lần cuối cùng anh triển lãm tranh có tầm vóc lớn. Ở Paris tôi có giới thiệu với anh những danh họa trong đó có Họa sĩ René Loesh đã cao tuổi, sống ẩn dật làm bạn với những tác phẩm vẽ sơn dầu bằng dao, ông là bạn của Nữ danh họa quốc tế người Mỹ Bà Edna Hibel vẽ sơn dầu bằng bút.
Nguyễn Hữu Nhật cùng chúng tôi vào xem tranh của René, anh đã ngả nón nghiêng mình ngưỡng mộ tác phẩm làm tôi và nhà văn Nguyễn Thùy cảm thấy hân hoan vì những tâm hồn đồng điệu họ đã gặp nhau. Tiếp theo tôi đưa Nguyễn Hữu Nhật đến giới thiệu với Nữ danh họa Michikok người Nhật, có một phòng tranh lộng lẫy trong khu bảo tàng danh họa Van Gogh, ông bà Họa sĩ này rất ân cần và có chụp nhiều hình lưu niệm với Nguyễn Hữu Nhật.
Vào một chiều thu năm 2004, chúng tôi gồm: Họa sĩ Thái Tuấn, họa sĩ Lê Tài Điển, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật từ Na Uy, nhà văn Nguyễn Thùy từ Thụy Sĩ, nhạc sĩ Trịnh Hưng, và Đỗ Bình, kéo nhau vào quán cà phê trên lầu khu Á Châu ngồi nói chuyện văn nghệ.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng (tác gỉa những nhạc phẩm vang bóng một thời: Tôi Yêu, Lối Về Xóm Nhỏ, Tình Thắm Duyên Quê…) thì kể chuyện vừa về VN thăm lại những bạn cũ: như nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hoàng Cầm, gia đình nhà thơ Quang Dũng và một số nhạc sĩ trong đó có Hoàng Giác… vv... Nhạc sĩ Trịnh Hưng nói: “Tôi về Hà Nội hỏi thăm Hữu Loan chẳng ai biết cả! Tôi vào cả viện âm nhạc Hà Nội hỏi cũng chẳng ai biết! Mãi về sau hỏi trong giới xe ôm mới có người biết và chỉ đường xuống Thanh Hóa.”
Nguyễn Hữu Nhật hỏi: “Sao anh không tìm những người bạn nhạc sĩ của anh ngày trước mà hỏi?” Trịnh Hưng: Hơn 50 năm chưa về Hà Nội bạn bè cũ tan tác cả; biết các ông ấy ở đâu mà tìm! Tôi có thăm chị Văn Cao và nhờ chị hỏi thăm những nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Tô Vũ, may ra gặp các anh ấy thì sẽ rõ.” Trịnh Hưng lại nói tiếp: “Lúc ở Sài Gòn tôi có đến thăm anh Ưng Lang, Y Vũ, Tô Hải, nghe anh Ưng Lang nói cũng sắp sửa sang định cư bên Mỹ. Còn Y Vũ vẫn sáng tác và sống bằng nghề chơi nhạc như xưa, dạo này đời sống nghệ sĩ bên ấy có khá hơn lúc sau năm 75. Y Vũ biết tôi ngày xưa là bạn của Y Vân nên chú ấy rất qúy tôi.”
Chuyển đề tài sang hội họa, tôi hỏi họa sĩ Lê tài Điển: “Tại sao anh chọn phái trừu tượng?” Lê Tài Điển đặt tách cà phê xuống bàn, chậm rãi nói: “Ngay từ đầu thập niên 60 khi còn theo học ngành hội họa ở Huế, sau đó sang Paris tiếp tục học; Moi đã chọn trường phái tranh trừu tượng, đó là một cách đối kháng ngầm với lối Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa ở ngoài Bắc.”
Nguyễn Hữu Nhật: “Cho đến bây giờ ở VIệt Nam vẫn chưa dám phát triển trường phái trừu tượng!”
Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật quay sang hỏi họa sĩ Thái Tuấn: “Anh nghĩ sao về lối vẽ tranh trên vi tính hiện nay?”
Họa sĩ Thái Tuấn: “Thật là tuyệt! Vẽ trên vi tính vừa mới về kỹ thuật vừa diễn tả được ý tưởng qua hình sắc để đạt tới cái tuyệt vời của nghệ thuật trong hội họa.”
Tôi góp ý: “Thế giới của nghệ thuật là vô tận, mỗi nghệ sĩ tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của anh Thái Tuấn là thế giới phụ nữ.”
Họa sĩ Thái Tuấn cười và nói: “Trong hội họa có trường phái Ấn Tượng, Hậu Ấn Ttượng, tôi đố các cậu sau Siêu Thực là cái gì ? Có Hậu Siêu Thực không?”
Bị một câu hỏi bất ngờ mọi người cứ ngẩn ra!
Nguyễn Thùy: “Tôi xin phép các anh để trả lời câu hỏi của anh Thái Tuấn: “Nếu có “Hậu Hiện Thực” thì chắc phải là 'Siêu Siêu Hiện Thực! Đã là “Siêu” rồi thì chắc không thể có cái “Siêu Siêu”. Tôn giáo quan niệm Thượng Đế là đấng Siêu Thực, đấng hoàn toàn tượng trưng', không thể có môt đấng nào “Hậu Thượng Đế”, “Siêu Thượng Đế”. Không một họa sĩ nào vẽ được hình Thượng Đế, không một Điêu khắc gia nào tạc được tượng Thượng Đế. Tôi cũng không gặp những từ “Tân Siêu Thực” (néosuréalisme) hay “Tân Tượng Trưng” (néosymbolisme). Vậy, nếu có “Hậu Siêu Thực, Hậu Tượng Trưng” thì chỉ là một cái “Không” (le Vide, le Néant, le Rien) thôi, lý trí không thể hình dung ra sao.”
Vì trời đã xế chiều họa sĩ Thái Tuấn phải giã từ chúng tôi ra về. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Tôi thích tranh Thái Tuấn từ trước năm 1975, người họa sĩ sử dụng rất ít đường nét về chi tiết chân dung, họa sĩ có biệt tài về cách dùng màu sắc, giản lược tài tình những gam màu tạo những khoảng trống xanh vàng tím, để thành một thế giới riêng Thái Tuấn. Thời gian sau ông về Sài Gòn sống với người con trai cả đến năm 2008, họa sĩ Thái Tuấn đã giã từ màu sắc cõi đời để về miền vô tận tạo một không gian sắc màu mới, và cùng thời gian đó, nhạc sĩ Trịnh Hưng cũng giã từ cõi đời để về miền vĩnh cửu.
Vào năm 2012 tôi đang viết bài cho tập Bên Dòng Kỷ Niêm mà mục đích đã nói ở phần trên, không thiên vị hay tâng bốc, và đứng bên ngoài những suy tư, phán xét, tranh chấp của bằng hữu nên tôn trọng những khoảng riêng của người được ghi trong sách, do đó tôi có phôn qua NaUy hỏi ý kiến anh chị Nguyễn Hữu Nhật và Nhà văn Nguyễn Thị Vinh có nên đưa những đoạn đời mà chúng tôi đã trải qua còn ghi lại qua băng nhựa, vidéo, hoặc thư từ?
Anh Nguyễn Hữu Nhật cho biết anh vừa trải qua cơn đột qụy tai biến mạch máu não! Tôi dừng bài viết về anh chị từ đó, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc nhau đến ngày anh Nguyễn Hữu Nhật qua đời!
Chúng tôi nhóm văn nghệ sĩ ở Paris rất qúy tài năng của thi văn họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật và trân trọng những gì Nguyễn Hữu Nhật đóng góp chung cho Văn Hóa. Cuốn Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca VN Hải Ngoại gồm những bài thơ đắc ý của nhiều tác giả có chung một hoàn cảnh ly hương trong số các nhà thơ hải ngoại do nhà văn Võ Đức Trung là người chủ xướng thực hiện cùng chúng tôi. Cuốn thứ nhất bài tựa được nhà văn Nguyễn Thùy viết, nhưng bài viết dài qúa 39 trang nên Nguyễn Hữu Nhật đã dựa theo viết lại còn ít trang và đã được chọn đăng trong tập một.
Nhà văn Võ Đức Trung tác giả nhiều tập truyện, biên khảo. Là một người khiêm tốn giữ được phẩm chất của một cựu giáo chức. Thời gian chúng tôi chuẩn bị cho thi tập mất 2 năm, khi đưa ra thảo luận tại nhà tôi lúc đó gồm: Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Nguyễn Hũu Nhật, nhà văn Võ Đức Trung và tôi, trong thảo luận thì được biết cái Tựa sách này đã được các nhà thơ Diên Nghị, Song Nhị, Duy Năng ở Cali đã chọn từ lâu và sắp in, họ muốn thực hiện một tập văn học ghi dấu một giai đoạn đời 25 năm xa xứ. Sau đó tôi đã liên lạc với các nhà thơ trên để giải thích sự việc của chúng tôi và đề nghị họ chọn một cái tựa khác.
Khoảng hai tuần sau họ trả lời là đồng ý, và đã chọn cái tựa khác cho tuyển tập là: Lưu Dân Thi Thoại, hay 25 Năm Bút Luận do Cội Nguồn xuất bản. Nhà văn Võ Đức Trung phát biểu: “Nhận được phôn của anh Đỗ Bình mời tôi nghĩ là lên Paris họp bạn văn nghệ như mọi khi, nhưng khi xem lại thư mời tôi thấy quan trọng quá nên lấy làm ái ngại! Tôi ở tỉnh lẻ, thỉnh thoảng mới về Paris sinh hoạt sợ phát biểu sẽ trở ngại, hơn nữa như anh Đỗ Bình và Hồ Trường An biết; tôi viết văn về đồng quê mộc mạc nếu có gì sơ xuất mong các anh chị thứ lỗi cho. Tôi xin tâm tình tại sao tôi lại có ý định thực hiện cuốn Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Hải Ngoại. Kể từ sau biến cố năm 1975 mọi người ồ ạt bỏ nước ra đi, dòng thi ca lúc đầu gần như tan tác, cho đến đầu thập niên 80 thì khởi sắc vì số ít nhà thơ vượt thoát ra ngoài được đã bắt đầu viết, hồn thơ còn nhiều tâm tư cảm xúc, nhưng đến cuối thập niên 80 thì bắt đầu có chiều hướng đi xuống vì đa số phải hội nhập với cuộc sống mới! May mắn thay là qua thập niên 90 có một số nhà thơ trong diện anh em H.O khi vừa đặt chân đến nơi định cư họ đã cầm bút lại, dòng thi ca lại dâng cao qua những bài thơ tố cáo sự đàn áp và nhà tù trong chế độ CS, chúng tôi muốn bảo tồn và lưu trữ những sự kiện đó qua thi ca nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới biết muôn vàn khó khăn! Chúng tôi tiếp xúc 350 tác giả nhưng phải chọn lựa như thế nào khi cuốn sách chuẩn bị in chỉ giới thiệu có 24 tác giả mà không kêu sự đóng góp? Cuốn 1 đã phát hành vào tháng 2 vừa rồi, chúng tôi nhận được thư, điện thư, và phôn đến chúc mừng và khích lệ, điều đó là một món quà tinh thần đối với chúng tôi trong công việc bảo tồn văn hóa VN nơi xứ người.”…
Một số bài thơ anh Nguyễn Hữu Nhật đọc cho tôi nghe trong lúc ở chung tù mà tôi còn nhớ, sau này ở hải ngoại tôi đã đọc lại cho anh nghe, có bài được anh viết thêm và in thành thi tập, có bài chưa in. Nguyễn Hữu Nhật có tài làm thơ, xuất khẩu thành thơ và thơ rất hay, anh đã xuất bản:
- Thơ Hoa Sen, thơ 1991
- Cỏ Bồng Thơ 1998
- Cuộc Chiến thơ 1998
- Bờ Bên Kia, 2 tập: tiểu thuyết thiền 2001
- Hoa Đào năm Ngoái, tiểu thuyết 2009
Và một tác phẩm mới đã đóng thùng, anh định qua Paris ra mắt thì bị ngã bệnh. Nhà văn Trương Kim Anh cho tôi biết số sách đó đã được đóng thành từng gói chưa có địa chỉ nên không biết số sách sẽ ra sao vì nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh đã quá cao tuổi!
Nguyễn Hữu Nhật còn có cái thú thích ghi chép dù trên những mẩu giấy nhỏ, hay những cuốn tạp ghi đều ngăn nắp đẹp đẽ. Trước năm 75 Nguyễn Hữu Nhật có dáng cao dong dỏng, điển trai, nhưng nhiều năm tù đày đã tàn phá con người của anh, nếu ngày xưa trên môi anh nụ cười rất tươi, nhất là giọng Bắc thật truyền cảm, ấm áp, người nghe dễ cảm thì sau này cặp môi thâm xịt do hậu quả thuốc lá và bệnh, thân người rút ngắn lại! Giọng nói ấm áp năm xưa thời gian cũng làm khàn đi nhưng vẫn ngọt ngào tưởng như một hòn bi dễ lăn, nhưng đụng vào rướm máu vì ẩn trong đó có gian truân, nước mắt và một sự sâu sắc thâm trầm.
Những năm cuối đời Nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật thật sự buông thả, anh chán ngán sự ganh đua nên sống ẩn dật như một chiếc bóng, anh quay sang viết văn xuôi, biên khảo. Một công trình lớn của tác gỉa Nguyễn Hữu Nhật đó là tập bản thảo 5000 câu Lục Bát Thơ Động Đình Hồ đã hoàn tất, nhà thơ đã tặng cho người bạn là LS. Nguyễn Đăng Trình trước năm 1975, hiện tập thơ còn ở VN.
Anh Nguyễn Đăng Trình khi bỏ nước ra đi đã cất trong tủ sách qúy gởi cho người cháu, không biết thời gian đã quá lâu liệu gia đình có còn cất giữ tập bản thản thảo đó? Bài thơ Cô Đơn là bài thơ làm ngày cuối cùng trong nhà thương, của Nguyễn Hữu Nhật do nhà văn Trương Kim Anh ái nữ của Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh gởi đến tôi.
Hôm nay hai người bạn của tôi là Nguyễn Đăng Trình và Nguyễn Hữu Nhật đã bỏ cõi đời ra đi. Trên con đường nghệ thuật dù khác ngành nhưng lại có chung một cái đẹp. Cả hai đều dùng ánh sáng và bóng tối làm nền cho tác phẩm mình, trong đó có khoảng không màu mà cả hai giờ mới thật sự tìm thấy.
Đỗ Bình
_____________
CÔ ĐƠN
1.
Tôi mằm nhà thương một mình
Chẳng ai thăm viếngnghĩtình đã xa
Cuối cùng mới nghĩ được ra
Mua cho mình một bó hoa đỡsầu
2.
Giường bên một lão Bắc Âu
Cô đơn nằm khóc, hồi lâu lại cười
Ngập ngừng nước mằt khórơi
Hình như tiếc lắm cái thời thanh xuân
Nguyễn Hữu Nhật
Oslo, cuối đông 2014
Đăng ngày 12 tháng 08.2015