Những vết cắt không tuôn máu
Ns Tuấn Khanh
Bạn có biết rằng một vết cắt từ cạnh của một tờ giấy mỏng, sẽ gây đau đớn và dai dẳng hơn khi bị đứt tay bằng dao không? Các nhà khoa học cũng ngạc nhiên về điều đó và bỏ công ra tìm hiểu. Rốt cuộc, người ta tìm thấy lý do là dù vết thương do giấy cắt nhìn đơn giản, nhưng thật ra giấy lại có độ linh hoạt, mềm mỏng hơn, nên vết thương nhỏ nhưng trải rộng hơn. Nhìn dưới kính hiển vi, cạnh răng cưa của tờ giấy vết thương từ giấy sẽ làm vết thương rách nát. Nó hành hạ các đầu dây thần kinh ở tay, ngón tay nhiều hơn, lâu và khó lành.
Câu chuyện của một người tìm cách trò chuyện với cô giáo Trần Thị Thơ, khi còn dạy ở trường đại học Duy Tân, Đà Nẵng, rồi tìm cách ghi âm gài bẫy để chuyển cho ban giám hiệu, cũng không khác nào như vết cứa của tờ giấy vậy. Nghe qua lời kể, dường như đó là học trò của cô Thơ. Mọi thứ nhầy nhụa và thật đau đớn.
Trong một tiết học, khi cô Thơ bộc lộ sự bất bình của mình về việc những người nghèo phải vất vả chạy về quê tránh dịch, tức giận việc nhà nước không chăm lo đầy đủ cho con người trong đại dịch, thì ngay trong lớp học, đã có kẻ chú ý và dàn xếp một cuộc trò chuyện qua mạng internet, tạo cớ để trường đại học Duy Tân đuổi việc cô Thơ. Thậm chí là công an sẽ triệu tập làm việc với cô.
Nhìn qua bản video đang lan tràn trên mạng, người ta nhìn thấy rõ chủ ý của người gài bẫy, khi đặt câu hỏi có tính quyết định, vội lia camera điện thoại vào hình cô giáo Thơ đang nói. Trên khung hình, người ta cũng nhìn thấy rõ sự hèn hạ của kẻ gài bẫy khi chỉ trình bày phần trò chuyện đó không có mặt của mình. Dĩ nhiên, ném đá thì phải giấu tay, tiện nhân thì phải luôn giấu mặt.
“Có dân nước nào chạy 1.500km về quê, như vậy hệ thống an sinh xã hội của chúng ta quá kém đúng không?” và “Cô cảm thấy rất nhục nhã vì điều đó. Khi dịch đến, những quốc gia trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều, kể cả việc tiếp cận vắc xin, còn chúng ta thì thế nào? Em lên thử đèo Hải Vân coi, đó mới là sự nhục nhã”. Cô Thơ nói như vậy trong video được đem đi trình báo. Sau đó tổ đấu tố cấp đại học của trường đại học Duy Tân vội vã chính trị hóa sự việc, và đi báo công.
Thật ra, có thể cô Thơ biết rõ âm mưu nhắm với cô, qua cuộc đối thoại ấy. Nhưng vì những điều cô nói là sự thật, cũng là điều mà chính báo chí nhà nước cũng đăng tải, cũng đặt vấn đề, nên cô không từ chối nhắc lại. Đó là cách của một người Việt Nam sống không hổ thẹn với bản thân mình, sống không ngại đối diện thẳng thắn với mọi loại chim chuột đang rình rập quanh mình. Cô đã sống và chấp nhận cho bọn tiểu nhân đắc chí, nhưng đồng thời từ sự lựa chọn của chúng, để phân biệt rõ đâu là súc sinh, và đâu là con người.
Lúc này, mọi dư luận tức giận đều dồn vào ban giám hiệu, vào việc công an sẽ triệu tập một cô giáo trẻ can trường dám nói thẳng suy nghĩ của mình. Nhưng điều cũng đáng nói không kém, là về một lớp người trẻ sẵn lòng lập mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng đấu tố cô giáo của mình như thời man rợ. Ắt cũng đã đọc được tâm hồn và suy nghĩ của những người đang lãnh đạo ở môi trường gọi là giáo dục đó, thì thứ đầu xanh ngu dại tập tành đấu tố ấy, mới tin chắc rằng mình sẽ được trọng dụng khi dàn dựng mọi chuyện. Rõ, không ai bước vào nghĩa trang mà không mang theo nhang đèn, cũng không ai tự bước hầm phân mà không đoán trước nơi đó ngập ngụa bọ hung.
Ai đã dựng nên những con người như vậy? Một thế hệ nhơ nhớp như vậy?
Câu chuyện của kẻ từ trường đại học Duy Tân hành động như một loại mật vụ rẻ tiền, nó không thể làm sự thật khuất lấp. Nhưng vết thương đó như bị cắt từ mảnh giấy nhỏ, vẫn chảy máu chậm chạp và dai dẳng nhức nhối trong đạo đức và giá trị ngàn đời của người Việt: bán thầy, bán bạn chưa bao giờ lại được hân hoan xiển dương như một thành tựu vào lúc này. Đó là chưa nói cả một hệ thống có học vị đại học, tiến sĩ ngồi lại đồng thuận cho một quyết định ô nhục đến bất ngờ là trơ trẽn phủ nhận sự thật, và từ chối cả người nói sự thật.
Vậy mà hôm nay, điều đó đang xảy ra, gây kinh ngạc đến khó tả cho mọi người dân Việt Nam bình thường.
Xã hội hôm nay vẫn đang hủy hoại sự mọi lên tiếng khác biệt cùng với dàn đồng ca quen thuộc lúc nói xuôi, lúc nói ngược. Đoàn diễu hành huyên náo làm vui cho ông vua cởi truồng của Andersen ở thế kỷ 19, hôm nay cũng không ngại cùng tự trần truồng cho đồng bộ.
Thầy giáo Thái Hạo ở Huế viết trên trang facebook của mình “Duy Tân là sự sỉ nhục đất Quảng, là sự phản bội cụ Phan, là sự khinh bỉ giáo giới và là sự xúc phạm con người”. Còn Giáo sư Hoàng Dũng thì viết “tôi thấy nhục nhã cho trường Đại học Duy Tân”. Còn nhà thơ Bùi Chí Vinh có cả những câu thơ đau nhói “Tại sao các quốc gia trên thế giới đều đề cao lòng nhân đạo. Tại sao ở đất nước cô, súc vật sướng hơn người?”
Nhiều lắm, không đếm xuể. Những người Việt Nam từ bần hèn đến trí thức, còn biết nghĩ đến dân tộc mình, nghĩ đến đất nước mình đều có những nhận định cùng chiều như vậy. Tôi đọc không hết, nhớ không hết. Nhưng tôi biết đó không là giận dữ hay cay đắng. Mà thật ra, mọi lời viết ra như thay cho nước mắt khóc vì giống nòi, đau đớn khôn cùng về vết cắt không tuôn máu mỗi ngày, nhưng đang hủy hoại nguyên khí của nước Việt, đang làm đau cả linh hồn của tổ tiên người Việt đã sống và chết cho sự thật.
Những vết cắt tầm thường ghê sợ ấy, tiếc thay đang được nuôi dưỡng, và lại có cả những tập thể ôm giữ sự nhục nhã như một di sản làm vui cho chính bản thân, và cả gia đình mình.
12/08/2021
TUẤN KHANH
https://nhacsituankhanh.com/2021/08/12/nhung-vet-cat-khong-tuon-mau/
Nghe lời cao cả, sao chỉ thấy rùng mình
Ns Tuấn Khanh
Bác sĩ Khoa không thấy xuất hiện nữa, sau sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết “rút ống thở” của cha mẹ già, để nhường cho 2 đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời. Bản tin lan nhanh đến khủng khiếp trong đêm 7-8-2021. Bên dưới lời tâm tình gây chấn động đó, không ít các nhân vật tên tuổi để lại lời kính trọng và cám ơn. Thậm chí, có người còn ghi rằng họ nợ anh về mạng sống của cha mẹ già mà anh đã quyết hy sinh.
Nhưng rồi chỉ đến rạng sáng hôm sau, mọi thứ bày ra một sự thật khủng khiếp: hóa ra đó là trò bịa đặt, có giá trị như một cú hích truyền thông được tổ chức, nhằm tạo một luồng tâm lý mới trong xã hội đang quá bất mãn và tiêu cực về những câu chuyện mất mát, khốn khó của người dân thời phong tỏa, và hơn nữa là về chuyện bộ máy y tế ở Sài Gòn đang kiệt sức trước các mệnh lệnh chống dịch bất hợp lý
Người ta tìm thấy vị bác sĩ tên Khoa ấy – tự xưng là làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng trả lời báo Tiền Phong, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy là ông Nguyễn Tri Thức đã khẳng định là không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. Câu chuyện 2 em bé sinh đôi, cũng được tìm thấy là hình ảnh được ăn cắp từ trang facebook của bác sĩ Cao Hữu Thịnh, một ca mổ do chính bác sĩ này đảm trách.
Tâm lý đám đông bị hành hạ khủng khiếp vì kịch bản truyền thông này. Người Việt ở mọi nơi bị sững sờ và khuất phục bởi hình ảnh không khác gì những giai thoại trong truyện Tàu cũ – vốn đã ăn sâu vào tình cảm người Việt nhiều đời.
Hãy tự hỏi, có cái gì cao quý hơn việc một bác sĩ trong thời đại xã hội chủ nghĩa đã quyết hy sinh cả ba mẹ để cứu cho những đứa trẻ vừa ra đời? Nhất là chuyện đó xảy ra trong lúc đại dịch khốn khó, rõ là hình tượng sáng ngời và mẫu mực của đám đông đang cắn môi ứa lệ để giơ cao tay đi cùng thủ tướng, quyết “chống dịch như chống giặc” và sẵn sàng vượt qua mọi nỗi đau để chiến thắng. Kịch bản này đau đớn và đẹp tương tự như Tỷ Can chấp nhận ăn bánh bao thịt con mình, để thoát khỏi tay Trụ Vương, nghĩ đến ngày khởi nghĩa. Chuyện cũng bi phẫn như Quách Cự tự tay chôn sống đứa con 3 tuổi để dành thêm cơm nuôi mẹ trong Nhị Thập Tứ Hiếu.
Không đến 24 giờ đồng hồ, tâm lý đám đông lại bị hụt hẫng, đặc biệt với những người bị tác động khủng khiếp bởi đã để cảm xúc kiểm soát hơn là lý trí. Rất nhiều người nói mình đã cúi đầu, khóc hay ngưỡng mộ bác sĩ Khoa, nay lại rơi vào trạng thái tức giận và nguyền rủa.
Báo chí Nhà nước lao vào cải chính, vạch trần sự kiện này cũng nhanh đến mức bất ngờ. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ sớm qua đi, vì có vẻ như mọi nguồn cơn tìm thấy, xuất phát mạnh mẽ từ một người làm báo chuyên phát ngôn cho nhà nước, và cũng hay tổ chức sự kiện truyền thông để phục vụ mục đích chính trị mỗi khi có yêu cầu. Bên cạnh việc trang cá nhân của “vị bác sĩ trẻ tên Khoa” này biến mất, khiến nhà báo cũng phải xin lỗi và rút lại những gì đã đăng, mặc dù vẫn chống chế rằng “đã huy động tòa soạn kiểm tra nguồn tin đến 2 giờ sáng”.
Ở Việt Nam, đã có hàng trăm người bị gọi làm việc, phạt tiền, bị bỏ tù… với các câu chuyện trên facebook từ năm 2020 đến này, qua các điều khoảng 117, 331 hoặc theo Nghị định 15 về viễn thông, nhưng không chắc là sẽ có ai bị khiển trách gì sau vụ này, nhất là với vị trí lãnh đạo của một tờ báo về Pháp Luật.
Phải khâm phục là câu chuyện cổ tích giữa đời thường của bác sĩ Khoa phối hợp với một vài nhân vật có chủ ý dẫn dắt dư luận trên facebook, đã chọn đúng điểm rơi tâm lý của người dân lúc này.
Cả một đất nước đang lo lắng trước những câu chuyện đau thương, và vật vã trước những những đòn ngăn sông cấm chợ điên loạn của một lực lượng kiêu binh nổi lên, nhân danh chỉ thị 16, thì rõ là mọi người đang khao khát được nghe những điều tử tế, những sự cao cả và lương thiện của con người dành cho nhau. Chính câu chuyện này có tác dụng làm ai nấy chùng lòng lại. Thậm chí những người đang kêu gào cho quyền lợi của mình hay cho người khác đều có ít phút giây tự vấn về sự thấp hèn của mình khi nghe chuyện.
Nếu không bị vạch trần, chuyện của bác sĩ Khoa có tác dụng không nhỏ trong việc kềm hãm sự bức bối quyền lợi cá nhân, và nhu cầu bản thân bị thiệt thòi của đám đông bất bình đang ngày càng tăng trong phong tỏa. Và thậm chí, câu chuyện có thể trở thành sách khoa của giới tuyên truyền về việc dẫn chứng sự hy sinh bản thân của thế hệ mới xã hội chủ nghĩa cho tương lai đất nước.
Có người nêu câu hỏi, để dựng nên câu chuyện này, vì sao bác sĩ Khoa có thể giỏi đến mức tạo nên một khung hình cao thượng-nhẫn tâm thú vị như vậy, để nhiếp hồn nhiều tầng lớp dân chúng?
Thật ra, mọi thứ đều có tính truyền thống của nó, soi chiếu lại quá khứ sẽ thấy không khó nhận ra. Trong mỗi giai đoạn kiểm soát đất nước, tùy theo tình hình, các nhà lãnh đạo vẫn có khuynh hướng mị dân và thao túng bằng những câu chuyện được dựng thêm, hay sáng tác ra. Việt Nam đã có những chuyện đầy cảm hứng của thời chiến tranh như Kim Đồng, Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện… Và chẳng phải từ xa xưa, Lê Lợi đã thành vua trong suy nghĩ mê tín của người dân, qua việc cho viết bằng nước cơm trộn mật lên lá Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, để kiến đục thành chữ?
Những điều như vậy, cũng quen thuộc với tinh thần Thép đã tôi thế đấy của N.A.Ostrovsky: trung thành và sẵn sàng hy sinh theo mệnh lệnh, theo thời cuộc sắp đặt và tương lai cộng sản kêu gọi.
Chắc nhiều người còn nhớ tác phẩm Người thứ 13, truyện về cô gái Hồng quân bị kẹt trên đảo với một sĩ quan Bạch vệ đẹp trai. Gần nhau nên cả hai nảy sinh tình yêu. Nhưng đến khi một nhóm Hồng quân đến đảo và yêu cầu cô gái giết tên sĩ quan Bạch vệ, nhân danh vì mệnh lệnh và lòng phụng sự cao cả, cô đã bắn người yêu của mình.
Việt Nam cũng có, sách vở vẫn ghi lại rất nhiều trong năm 1945, trong đợt cải cách ruộng đất. Để chứng tỏ trái tim đỏ và cao quý, nhiều thanh niên đã từ chối cha mẹ mình, thậm chí quay mặt khi họ bị bắn, đánh đập. Mục đích là để bản thân mình vươn cao hơn trong đám đông – một kiểu kiếm view thời chưa có internet – để lọt vào tầm mắt bề trên, và chấp nhận mình là con bài cần thiết của thời cuộc.
Nếu thật sự có một sự thật hy sinh vĩ đại như bác sĩ Khoa đã nói, sao anh ấy còn tỉnh táo đến mức dành thêm thời gian để khoe chuyện như vậy trên facebook, và còn ăn cắp ảnh trẻ sơ sinh từ trang người khác để minh họa cho mình? Ấy là máu lạnh chứ đâu là sự thánh thiện – một người bạn tôi nhắn như vậy.
Đời người ngày càng khó biết, và khó đoán. Thật không dám nói gì thêm về cái gọi là sự thật trong những ngày tháng này. Nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, thật lòng tôi không cảm thấy xúc động như lúc đầu được biết về câu chuyện của vị bác sĩ tên Khoa. Nhưng rồi khi nhìn lại từ những gì lịch sử ghi lại, đã có đến nay, câu chuyện ấy chỉ khiến tôi lại thấy rùng mình.
09/08/2021
https://nhacsituankhanh.com/2021/08/09/nghe-loi-cao-ca-sao-chi-thay-rung-minh/
Chạy đến vô cùng
Ns Tuấn Khanh
Hình ảnh đoàn người bồng bế nhau đi bằng xe máy, theo báo chí trong nước là lên đến hàng ngàn, di chuyển từ Sài Gòn tỏa đi nhiều hướng, chạy về quê nhà trong lúc dịch bệnh và lệnh phong tỏa ngặt nghèo này, đang làm nhói tim không biết bao người.
Có người đi đến 800 cây số để về miền Trung, và có người đi gần gấp đôi như vậy để đến Nghệ An. Và còn rất nhiều đích đến nữa. Ngoài những nhóm xe máy, người ta còn thấy cả những gia đình đi bằng xe đạp, thậm chí là liều lĩnh đi bộ. Tất cả đều là người nghèo Việt Nam, những con người cần lao từ mọi miền đã đổ về Sài Gòn, tìm một công việc để dựng đời mình, hoặc để kiếm chút ít dư dả gửi cho cha mẹ ở quê.
Lý do họ rời bỏ Sài Gòn, bởi không còn tin tưởng vào các chính sách chống dịch của nhà cầm quyền, và cũng không đủ sức để cầm cự thêm nữa khi mất việc, không còn gì để sống tiếp nay mai. Hẳn nhiên, chính quyền Hồ Chí Minh đang nợ những con người này một lời xin lỗi, vì đã không cưu mang họ được, qua những tháng ngày này, bất chấp việc tuyên truyền nói dối rằng luôn lo đủ cho mọi người gặp khó khăn.
Nhưng không phải vì chính quyền hết khả năng trong đại dịch. Bản tin tài chính cuối tháng 7-2021 của Ủy ban thành phố Hồ Chí Minh khoe rằng bất chấp đại dịch khó khăn, ngân sách vẫn bội thu. Ước tính sức người 10 triệu dân và sản vật, giao thương ở Sài Gòn vẫn làm ra mỗi ngày 1500 tỷ đồng để nộp cho ngân sách Trung Ương theo chỉ tiêu được giao. Con số thu được đang tăng nhanh, nên chỉ 6 tháng thôi, đã đạt 54,42% trên tổng thu theo kế hoạch.
Đoàn người ngủ vật vạ, tạm bợ để tiếp tục lên đường
Vậy đó, mà từng hộp cơm cho người nghèo, từng cọng rau cho kẻ khó… hầu hết là các cuộc tự nuôi, tự cứu nhau đầy khó khăn của người dân. Không chỉ ngăn chận con người ra đường vì lệnh giãn cách, mà các lực lượng kiểm tra, ngăn chận đủ thành phần của nhà nước còn ngăn cản cả rau, thịt, sữa… thậm chí là cả tả trẻ em và băng vệ sinh phụ nữ, cũng như là tiền mặt được vận chuyển của ngành ngân hàng. Sài Gòn như một người phụ nữ bị ép vào trò chơi trừ tà thời mông muội, phải chịu đói khát, phải bị trói buộc, kiệt sức không biết xoay trở ra sao lúc này. Dĩ nhiên, những dân cư yếu ớt nhất, dễ tổn thương nhất của vùng đất này đành phải chọn dứt áo ra đi.
Không được hứa hẹn gì một cách thực tế từ người cầm quyền, và cũng lao đao vì không đảm đương nổi bản thân, hàng ngàn con người đã gói ghém tư trang và lên đường. Họ ngủ vật vạ dọc đường, tránh né các sự chận bắt của các chốt kiểm tra trên quốc lộ. Có người chở vợ đang mang thai. Có gia đình chở 3-4 người trên một chiếc xe máy nhỏ. Có cả người mẹ đơn thân chở lùm xùm đồ đạc, phía sau là đứa con chỉ mới hơn 10 tuổi, ôm giữ em nhỏ của mình.
Sài Gòn, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, là nơi con người tìm đến chứ không phải rời bỏ, nhưng đây là lần đầu tiên xuôi tay nhìn thị dân từ giã mình. Buồn hơn nữa, Con người bị những nơi chôn rau cắt rốn của mình từ chối tiếp nhận. Từ ngày 1-8, nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng… tuyên bố sẽ không nhận người của mình trở về, vì sợ có dịch, cho dù những người này đã có giấy xét nghiệm âm tính (có thời hạn 3 ngày). Sợ không về được nhà, nhiều người chạy thâu đêm, mệt lả và vất xe lăn lóc giữa đường. Cha mẹ, con cái ôm nhau trên con đường quốc lộ cố dành sức để đến nơi, lách được vào mà không bị từ chối.
Trên con đường Bình Phước dẫn về Đắk Nông, có nhiều gia đình để nước, thức ăn nhanh trước cửa để đón những chuyến xe bơ phờ như vậy. Có một cụ già tóc bạc phơ, cứ cầm chai nước vẫy vẫy, đưa cho những chiếc xe sà vội vào nhận rồi lại lên đường. Vội đến mức chỉ còn nhìn nhau, gật đầu, chứ không còn thì giờ để kéo khẩu trang xuống nói lời cảm ơn. Nhìn những điều như vậy – và cả những câu chuyện phát cơm từ thiện, lăn xả giúp nhau của người dân bao lâu nay – là những chương sách đời cảm động, ấm lòng khôn cùng trong thời phong tỏa. Nhưng có ai đó đã nói nhỉ? Trong một xã hội vận hành, đôi khi, điều ấm lòng nhìn thấy cũng có giá trị như cáo trạng đầy câu hỏi về thời đại, về chế độ.
Người miền Nam được 2 lần nhìn thấy những cuộc di tản tự phát của người dân. Lần nào cũng có thể rơi nước mắt, dù có hướng ngược nhau.
Lần một, đó là dòng người chạy tránh những ngày kết thúc cuộc chiến năm 1975. Họ lìa bỏ mọi thứ, chấp nhận mất hết và chạy về phía Sài Gòn: một chỉ dấu của người dân vẫn chọn chạy về phía chế độ cầm quyền của mình, dù cho ngày thường họ có ghét hoặc không yêu đi nữa. Hình ảnh của dòng người tất tả chạy với đủ loại phương tiện, đến giờ vẫn làm người ta nao lòng, và thậm chí xen lẫn sự cảm kích trước sự giúp đỡ trong khả năng cuối có thể của một chế độ đang tàn lụi, vẫn ước muốn che chở công dân của mình.
Lần hai, năm 2021, dòng người đó lại tháo chạy khỏi Sài Gòn. Cuộc di tản không phải tìm về miền đất hứa, mà chỉ tháo chạy như một bầy kiến tán loạn ra khỏi nơi ngụ cư của mình, bởi một cú đập mạnh của công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Những con virus vô hình trước mắt, giờ lại như được biểu trưng bằng hình ảnh con người. Họ chỉ có vài con đường: vào trại cách ly, gồng mình chờ cứu giúp ở nhà trọ, hoặc chấp nhận bị giam nhốt ở nơi làm việc với chính sách duy ý chí có tên “3 tại chỗ”: ăn một chỗ, ở một chỗ và làm việc cũng ở đó.
Những con người ấy, vượt ngoài tầm các kế hoạch của chỉ thị 16 hay đợt phong tỏa với quân đội, trở thành chuyện khó của những người cầm quyền ở Sài Gòn, nên họ được cho phép rời đi. Nhưng rồi trớ trêu là lại bị chận giữ, ngăn cản ở nơi họ muốn tìm về. Những con kiến-thân phận đó loay hoay chạy từ trên miệng chén rồi lại xuống dưới, mệt nhoài trong những lời tuyên bố an dân vẫn lấp lánh kiêu hãnh trên hệ thống truyền thông.
Trên các trang mạng xã hội, thậm chí là báo chí nhà nước, có không ít hình ảnh mô tả về cuộc di tản lạ lùng này. Có ảnh những đôi vợ chồng tựa vào nhau ngủ vùi chốc lát trên đường chạy. Có ảnh những đứa nhỏ ngủ mà tay vẫn bấu chặt lấy anh chị của mình như sợ thức dậy sẽ không còn thấy ai. Những gương mặt vô danh ấy quá đỗi nhọc nhằn trên cung đường chạy đến vô cùng. Trong số ấy, chắc cũng không ít người đã đóng góp cho những con số bội thu của Hồ Chí Minh hàng năm, vẫn được đọc lên trong những tràng vỗ tay của giới quan chức mừng tổng kết thu ngân sách thắng lợi.
31/07/2021
https://nhacsituankhanh.com/2021/07/31/chay-den-vo-cung/
Nếu nhìn nhau như đồng loại
Ns Tuấn Khanh
Những ngày phong tỏa Sài Gòn trở nên căng thẳng nhất, có cả sự tham gia của quân đội, đã diễn ra không ít những điều quái gở. Sự sợ hãi con virus vô hình trong mắt, đã khiến cho toàn bộ hệ thống chính trị “chống dịch như chống giặc” được tự do lựa chọn những gì họ nhìn thấy được, là thứ cần phải chận lại, bao gồm cả miếng ăn và nhu yếu phẩm đời thường của con người.
Trong vài ngày, sự trớ trêu diễn ra ở khắp mọi nơi.
Những chiếc xe chở sữa, thức uống hoặc tả, hoặc băng vệ sinh của phụ nữ đi giao hàng cũng bị bắt quay đầu vì lý do là hàng không thiết yếu. Sự hoang mang của người dân tràn trên các mạng xã hội, không phải vì covid, mà vì một xã hội bất an do ngôn ngữ và suy nghĩ con người không thể giao tiếp được với nhau.
Nhất định những mặt hàng như sữa hay băng vệ sinh, chắc chắn phải gợi nhớ cho những “chiến sĩ” đang trực chốt kiểm tra, nhớ về mẹ, chị hay con cái của họ. Và cũng không có ai kiểm chứng được là với các “chiến sĩ” ấy, những mặt hàng như vậy không thể nào chui lọt vào nhà của họ.
Trên tiktok, hay video youtube ngắn, xuất hiện câu chuyện một người chở rau muống đi giao hàng cho công ty đến các quận trong thành phố. Anh bị chốt kiểm tra chận lại. Hai thanh niên trẻ, trắng trẻo mặc quân phục là người kiểm tra, đã loay hoay không thể xác định được rau muống có là mặt hàng thiết yếu hay không.
Người giao hàng điềm tĩnh nói nếu anh không được giao mặt hàng này, xin hãy ghi vào đơn hàng của anh, lý do rõ ràng là không cho đi vì là không thiết yếu. Trong video, một thượng sĩ và một đại uý cứ bối rối không quyết định được rau có thiết yếu hay không. Thậm chí sau đó, họ phải gọi điện thoại để xin ý kiến cấp trên.
Video đó, chỉ là một câu chuyện nhỏ được ghi lại ở Sài gòn, mà một ngày có vô số câu chuyện như vậy xảy ra trong phong tỏa. Nó có thể gây cười cho một số người và quên đi. Nhưng với nhiều người khác, ắt phải có câu hỏi được đọng lại: Thật sự những con người đó không đủ khả năng để nhận biết rau có thiết yếu hay không trong đời sống con người?
Dĩ nhiên là mọi người trực chốt kiểm tra đều biết. Vì chính trẻ con cũng nhận biết ngay đó là thứ ăn được. Những thứ giúp người ta không bị đói. Chẳng phải trong lịch sử, nhà cầm quyền sau năm 1975, từng ca ngợi rau muống như là một loại lương thực có thể đem lại bổ dưỡng như thịt bò, và khẳng định rau muống sẽ giúp cho con người vượt qua được tất cả mọi cảnh đói kém trong thời gian đó hay sao?
Chỉ có một cách giải thích duy nhất về chuyện rau – hay bất kỳ loại thực phẩm nào đang bị dán nhãn là không thiết yếu – bị đối xử lạnh nhạt trên đường đi đến với con người: Đó là sự tuân lệnh mù quáng dẫn đến sự ngu hóa, thậm chí quên luôn cả bản năng làm người của mình.
Với những người trực chốt kiểm tra từng từ chối bánh mì, rau hay bất kỳ loại nhu yếu phẩm nào, hoàn toàn không có nghĩa là trong đời sống của họ hoàn toàn vắng bóng những thứ đó. Họ cũng có thể đang thụ hưởng những thứ như vậy, nhưng mệnh lệnh cùng quyền lực tạm thời được giao phó, khiến họ trở nên chai lì, hủy hoại cả những cảm xúc nhận biết mang tính người bình thường.
Sài Gòn đang đứng trước một màn trình diễn khổng lồ đầy ức chế như vậy: Quyết ý của chính quyền nhưng lại không đồng hành cùng lòng dân. Đặc biệt khi người dân phải tự gồng gánh, tự lo miếng ăn, cuộc sống của mình nhưng cứ bị từ chối là “không thiết yếu”.
Trên mạng facebook, có tin kể rằng anh shipper mang giao cục sạc điện thoại, và bị cảnh sát giao thông từ chối vì đó là hàng không thiết yếu. Phía dưới bản tin ấy có lời bình luận của một phụ nữ “Gặp mình thì cũng không biết phải trình bày như thế nào. Vì mình đang bị cách ly, nhưng củ sạc điện thoại bị hư, May mà mình mượn được của người phòng bên cạnh. Nếu không, chẳng thể nào liên lạc được với nhân viên trực cách ly, cũng như với người nhà”.
À, hóa ra trong muôn vạn điều “thiết yếu” của cuộc đời, quả có rất nhiều góc cạnh của nó. Sẽ chẳng có danh sách nào đơn giản lập ra để cho và từ chối, trong tình huống đại dịch quá mới mẻ với từng gia đình và cả với một chính quyền như hôm nay. Có làm gì đi nữa thì mọi thứ cũng phải nằm trong sự nhận biết, và thấu hiểu của con người.
Nhà báo Võ Văn Tạo kể rằng ông chở vợ đi mua thuốc uống định kỳ. Khi bị anh thanh niên xung kích chận lại, ông chỉ mớ thuốc vừa mua và giải thích. Người mang sắc phục xung kích ấy chỉ tay, nói “”Cứ cầm cái vỏ hộp thuốc như thế này là đi lung tung được hả?”. Ông Tạo giải thích và nói rằng mình già rồi, chẳng muốn nói dối để ra đường lúc này làm gì, thì tay xung kích trẻ ấy, quát “Muốn lập biên bản hả?”.
Đối diện với mệnh lệnh chính trị trở thành độc đoán do quyền lực được phân cấp, mọi giá trị thiết yếu của người dân chỉ là cá nằm trên thớt. Vợ của ông Tạo muốn cho qua chuyện, bèn nói xuôi với tay xung kích ấy vài câu để đi về cho nhanh. Chứ không khéo lại nộp oan tiền triệu. Ông Võ Văn Tạo là một nhà báo có hơn 30 năm kinh nghiệm và là trí thức làm việc trong ngành kinh tế. Nhưng tất cả những vốn liếng quý báu ấy của ông, dễ dàng trở thành vô nghĩa trước một tình trạng ngu hóa và vô tâm vì mệnh lệnh như vậy.
Đại dịch là một thảm họa. Không có chính quyền hay người dân nào đủ kinh nghiệm để đối phó trong đời mình. Chắc chắn trong cách chỉ huy việc đối đầu với đại dịch, mọi quốc gia đều cần những mệnh lệnh tập quyền, Nhưng trong sâu thẳm mọi quyết định, vẫn là yếu tố con người đối xử với con người.
Chỉ cần có như vậy thôi, thì sẽ không bao giờ có những chốt chặn bối rối về những mặt hàng nào là thiết yếu. Và cũng sẽ không có bất kỳ một nhân viên nào của nhà nước phải vào vai bất nhân trong việc từ chối nhu cầu của người khác. Đơn giản thôi, vì ngoài mệnh lệnh khô cứng, mọi thứ chỉ cần được suy xét từ góc nhìn của một con người với chính đồng loại của mình.
28/07/2021
https://nhacsituankhanh.com/2021/07/28/neu-nhin-nhau-nhu-dong-loai/
Thương lấy đồng bào mình...
Những ánh mặt nhìn vô hồn, mệt mỏi và bất lực vì đã hết trụ nổi ở Saigon khi lệnh phong thành tiếp tục thêm 1 tháng.
Họ đã ở lại và chờ đợi phép màu sẽ đến và tin vào năng lực chống dịch của đảng, chính phủ vẽ ra.
Tất cả đã sụp đổ và hi vọng đã tan tành. Hết 2 tuần rồi đến hai tuần, rồi tiếp tục thêm một tháng... và sau 1 tháng tới có gì chắc chắn sẽ không thêm 3 tháng nữa?
Vì giãn cách, phong tỏa giới nghiêm và thiết quân luật đều được áp dụng mấy tháng qua mà đâu có một chút khả quan nào đâu? Nhốt dân ở nhà mấy tháng qua dịch có giảm chút nào không hay cứ tiếp tục tăng mỗi ngày ca nhiễm ca tử vong vẫn tăng cao? Không giảm thì nhốt Dân làm gì?
Họ đã trụ lại và không thể, bây giờ về quê tìm sự sống cũng bất thành.
Sẽ có nhiều người hỏi sao không ở lại về quê vừa nguy hiểm vừa nguy cơ làm dịch bùng phát?
Đã ai từng ở hoàn cảnh của họ để thấu hiểu họ? Người hỏi như thế đã bao giờ ở trọ? Mấy tháng qua mất việc chủ trọ mắng đuổi đã từng có cảm giác đó chưa? Thậm chí cả gia đình 5 người chui trong một phòng trọ chục m2, nếu không về thì nhìn nhau chờ chết sao?
Sẽ có người trả lời rằng: nghe trên báo chí lãnh đạo quan chức nói có các gói hỗ trợ những nhóm người này rồi.
Hỗ trợ cho họ ư? Kiểu gì? Trên tivi hay copy ảnh trên mạng về?
Hay ta nhìn qua tivi, đọc báo nói về Chính phủ Mỹ, chính phủ Úc, hay Âu Châu chuyển thẳng tiền tới tài khoản của Dân nên ta cứ đinh ninh Cp Việt Nam cũng làm như vậy?
Xin hãy nhìn đến các mảnh đời khắc khổ, tha hương mà đồng bào ta đang chịu mà duyệt chi các gói hỗ trợ cho họ mỗi người vài ba triệu và lương thực cho họ, trả tiền điện tiền trọ cho họ để họ sống. Duyệt chi như cách Việt Nam ký duyệt hỗ trợ cho Lào 112 triệu đô để xây nhà QH. Duyệt chi kiểu các ông duyệt xây tượng đài hay nhà hát ngàn tỷ ấy.
Hãy thương lấy đồng bào để ta thương chính bản thân ta. Ở đây và ngay lúc này tất cả các nghị quyết, và định hướng theo chủ nghĩa nào cũng vô nghĩa.
Nhìn những ngôi biệt thự của quan chức ở, siêu xe của quan đi, con cháu quan đều đi Tây du học, quan nào lúc tại chức miệng hô hào trung thành với CNXH, thế nhưng khi hạ cánh đều có sẵn quốc tịch Síp, tay trái cầm Cigar, tay phải nâng ly chivas và cười cho một đất nước Việt tan hoang.
Ta thấy, đất nước Việt Nam rõ rằng là không nghèo. Mà tất cả tài nguyên quốc gia và tài sản đều bằng cách nào đó chạy vào nhà quan, cuối cùng nó chảy sang trời Tây. Có thể là xây tượng đài, xây nhà hát có khi là miện hô hào xây dựng thiên đường XHCN- nhưng thiên đường ấy cho chính họ.
Đây là những nạn nhân của cái gọi là thiên đường ấy. Ánh mắt vô hồn, lo lắng hoang mang trên vai một tương lai vô định.
Họ bị bỏ rơi trong một xã hội mà người Dân bị tước đoạt quyền bình đẳng trong chính sách lẫn việc làm. Khi cơ chế con ông cháu cha đem những thành phần bất tài vào nắm quyền lãnh đạo nên đất nước mới lâm cảnh loạn ly.
Nếu ai có lương tâm, xin hãy nhìn đến họ và thương họ, để ta còn thương lấy bản thân mình.
Fb Phạm Minh Vũ
https://www.facebook.com/people/
Không lối thoát!
Những ngày vừa qua đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp, đã bộc lộ rõ những yếu kém trong sự kiểm soát dịch bệnh, không những thế, những mục tiêu phát triển kinh tế, mà ghi cả trong văn kiện đại hội lần thứ 13 của ĐCS chốt mới đây thôi, chỉ là hư ảo.
Sự mất cân bằng của chính sách vĩ mô đã đẩy nạn di Dân từ các làng vùng quê nghèo vào các đô thị lớn gây ra một cuộc di Dân ồ ạt suốt hàng thập kỷ. Ngoài miền Trung có các ngôi làng bỏ hoang, không một bóng người.
Không một kế hoạch phát triển kinh tế rõ ràng, chẳng hoạch định đường lối chiến lược, đảng cầm quyền đã dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên mù, cả người Dân và đất nước gần như vô định, không ai thấy tương lai phía trước.
Thay vì dịch chuyển kinh tế hài hoà, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, sẽ là đòn bẫy tốt cho sự phát triển kinh tế vùng, địa phương,
thì tất cả đều rơi vào tay tư bản thân hữu. Các tập đoàn tư bản đỏ mọc lên với sự chống lưng của những ủy viên bộ chính trị đã áp-phe họ thâu tóm sạch tài nguyên đất vàng và ban những chính sách có lợi cho lợi ích nhóm.
Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào gia công cho các ngành công nghiệp và bán tài nguyên làm trụ đỡ chính.
Các khu công nghiệp tập trung chủ yếu phía các khu đô thị lớn, nhờ thị trường lao động giá rẻ. Việt Nam không có nền công nghiệp quyết định để định hình nền kinh tế quốc gia, thì Việt Nam đã bị động trước những diễn biến của toàn cầu hoá khi các doanh nghiệp đó tìm nơi nào có nhân công rẽ hơn. Tuy vậy, trước dịch bệnh, lao động Việt Nam đứng trước sự bất công khi chính họ là nguồn lao động chính cũng bị bỏ rơi không một sự hỗ trợ giúp đỡ nào từ chính phủ.
Khi sự thiếu cân bằng trong dịch chuyển kinh tế, đẩy người nghèo vào các khu đô thị lớn để kiếm việc làm, với sự thiếu minh bạch trong chính sách đã tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo vô cùng lớn, các tập đoàn tư bản đỏ lợi dụng sự thiếu minh bạch trong chính sách cùng với quan hệ đã luồn lách làm giàu bất hợp pháp, người lao động cứ thế mà nghèo đi khi bị bóc lột. Bất bình đẳng trong mặt chính sách người Dân nghèo gần như nằm dưới đáy xã hội.
Chưa kể, thuế phí là một gánh nặng vô cùng lớn là mối đe dọa trực tiếp với Dân thu nhập thấp, khi lương càng ngày càng bèo bọt do tình trạng lạm phát càng cao không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu. Mua quả trứng hay đổ lít xăng cũng đóng hàng chục loại thuế phí kiểu trấn lột cách trắng trợn.
Dịch xảy ra không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Nhưng sự tháo chạy của người Dân như ở Việt Nam thì không nơi nào có. Vì lẽ:
+Chính phủ hỗ trợ tối đa với chính sách minh bạch được giám sát bởi phe đối lập và Nhân dân.
+Doanh nghiệp không bị chi phối hay ràng buộc nhiều với chính quyền do họ là doanh nghiệp đúng nghĩa chứ không phải tư bản đỏ.
Nên người Dân đã ổn định bình tĩnh và dần vượt qua dịch bệnh. Còn Việt Nam, chính phủ đang loay hoay như gà mắc tóc, không lối thoát, cho tới giờ, kịch bản mục tiêu kép gần như thất bại, sụp đổ hoàn toàn, thất bại không phải do Virus phức tạp mà do sự ngạo nghễ và huyễn hoặc tự hào vào sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện.
Ngoài trung, có những ngôi làng mấy chục năm nay không có tiếng trẻ thơ khóc vì chẳng có thanh niên mà thay vào đó những chuyến đưa ma, không trống không kèn, chẳng mấy ai đưa tiễn. Chuyến xe đông lạnh nghiệt ngã đông cứng 39 người Việt đa số Miền trung chết tại UK hay cậu thanh niên người Việt chết bên Nhật mới đây, tất cả họ đều cố chạy thoát khỏi một đất nước hoang tàn để tìm sự sống. Đương nhiên, họ vẫn có điều kiện hơn so với những người đang chạy xe máy này, ở đây cuộc đào thoát trở về quê lòng buồn với câu hỏi mai rồi sẽ ra sao? Chẳng lẽ cứ thế này mãi?
Dịch bao giờ qua và liệu còn dịch nào khác sẽ đến với họ, một đám mây đen bao phủ, lơ lửng cứ treo trên đầu họ. Một tương lai mịt mờ không hứa hẹn phía trước một điều gì tốt đẹp.
Ta có thể trông chờ gì một chính phủ mà quan chức xem trọng xây tượng đài, hơn bệnh viện? Nơi đó họ ăn mày quá khứ để vay nợ tương lai. Trên đất nước hoang tàn ấy, chỉ Dân đen gánh hết, quan chức chỉ biết vinh thân phì gia và sau cùng là cũng tháo chạy sang Mỹ sang trời Âu. Cũng là tháo chạy nhưng quan chức có phần chủ động hơn vì họ ngồi trên đống tài sản vơ vét được, còn Dân đen thì ngồi trên đống nợ công khổng lồ của quan để lại. Sự tương phản có phần ngạo nghễ thay.
Chạy xe mệt đấy, nhưng cũng buồn hơn, vì câu hỏi chẳng có câu trả lời!
"Mai này rồi sẽ ra sao?"
7 tháng 8.2021
Fb Phạm Minh Vũ
https://www.facebook.com/people/Ph%E1%BA%A1m-Minh-V%C5%A9/100025474742676/
Chính phủ hãy hành động
Hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi dập đầu sát đất lạy tạ ơn mạnh thường quân khi nhận được một thùng mì và vài kg gạo phải khiến chúng ta đau đớn. Nó làm nhớ cách đây mấy hôm, một người đàn ông khác cũng bê bịch gạo như thế mà nhảy chân sáo một cách kỳ dị như người…mắc bệnh. Miếng ăn lúc này trở thành lẽ sinh tử. Cả cuộc đời mình tôi chưa từng chứng kiến một sự xúc động mãnh liệt hay nỗi sung sướng nào tột độ, tột cùng đến thế nơi con người, ngay cả khi người thân của ai đó qua được cơn nguy kịch trong gang tấc.
Lúc này, đối với nhiều người hình như miếng ăn đã quý hơn cả sinh mạng. Và qua đó mà chúng ta biết tình cảnh điêu tàn của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Mấy hôm trước một cô giáo ở Bình Thuận chia sẻ hình ảnh chiếc tủ lạnh bị trộm sạch đồ ăn, điều lạ là kẻ trộm vẫn trừ lại một chút để chủ nhà nấu bữa trưa! Những kẻ trộm bất đắc dĩ, vừa khốn nạn vừa khốn khổ.
Tôi đã đọc trong một cuốn sách nào đó không nhớ tên, những người ông người cha trong những gia đình Việt thời nạn đói 45, khi cả nhà suy sụp, con cái phải đi xin để mong sống sót, nhưng kỳ lạ, lúc mang được chút đồ về thì các vị ấy vẫn áo khăn chỉnh tề, kiên quyết không ăn; thà chết đói chứ không ăn. Cái danh dự, cái lòng kiêu hãnh vẫn đứng được, dù thân xác có bị xô đổ.
Hôm nay, cơn dịch tràn tới, nó thổi bay tất cả những lớp áo mỏng lòe loẹt để phơi ra một cơ thể lở loét, ốm yếu thê thảm. Chính quyền thì lúng túng, tiền bạc thuốc men thì thiếu thốn, dân chúng thì hoảng loạn; mọi thứ rối tinh, tất cả được phơi bày.
Từ kinh tế, khoa học, an sinh…, tất cả đều hiện nguyên hình. Và nhất là dân chúng, dân chúng đói khổ, dân chúng bị suy kiệt từ hình hài đến nhân cách. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến một thời đại đau đớn đến thế trong lịch sử của đất nước…
Hãy mở toang cánh cửa ngân khố quốc gia, cứu dân bằng mọi giá, trước hết là cứu đói. Thông qua đó mà cứu lấy phẩm giá của con người Việt Nam.
Fb Thái Hạo
https://www.facebook.com/profile.php?id=100023975920044
Việt Nam một đất nước kỳ lạ...
"Nghịch lý: ngân sách không có tiền mua Vắc xin nhưng lại có tiền để chi cho xây dựng tượng đài".
- Thiếu tiền mua vacxin. Nhưng thừa tiền xây tượng đài.
- Tuyên bố đã nghiên cứu sản xuất được vacxin Covid-19. Nhưng lại xin “tiếp cận“ vacxin từ nước khác.
- Xây miễn phí bệnh viện, trường học cho Lào, Căm, Cu. Nhưng Kinh tế , Y tế, Giáo dục lại không bằng họ.
- Không tự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng lại cho quân đi giữ hoà bình ở tận Châu Phi.
- Tặng các nước khác cả trăm tấn gạo. Nhưng người dân miền Trung lại nghèo đói không có ăn.
- Nghiên cứu vũ trụ đưa người lên không gian. Nhưng nông nghiệp lạc hậu như thời tiền sử.
- Chết bởi ung thư, TNGT, giết người khá cao. Nhưng người dân vẫn lạc quan yêu đời.
- Những người thù ghét, đánh, chửi nước Mỹ. Nhưng chính những kẻ đó lại rất muốn sang Mỹ.
- Là đất nước có chỉ số hạnh phúc gần nhất thế giới. Nhưng ai cũng muốn bỏ trốn ra đi.
Thế này là thế nào? Cần lắm một lời giải thích...
Fb Từ Đức Minh
Việt Nam - Cường quốc tượng đài giữa cơn đại dịch
Ngày 20/6/2021, tỉnh Bình Phước đã khánh thành cụm công trình lưu niệm hành trình cứu nước của thủ tướng Campuchia Hun Sen tại địa phương này. Cụm công trình này có tổng chi phí đầu tư 298,560 tỷ đồng và hoàn thành chỉ sau hơn 40 ngày thi công.
Ngày 21/6/2021, tỉnh UBND TP Sầm Sơn tổ chức hội nghị chọn mẫu phác thảo tượng đài, bước 1 Dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra bắc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn. Ngày 25/6/2021, lãnh đạo TP Sầm Sơn cho hay Hội đồng nghệ thuật và các đơn vị liên quan vừa thống nhất chọn xong phương án mẫu (bước một) và đang triển khai quy trình tiếp theo để thực hiện dự án nêu trên. Dự án đầu tư 255 tỷ đồng.
Phú Quốc - Kiên Giang sẽ Xây dựng Quảng trường trung tâm và tượng đài Hồ Chí Minh với số vốn đầu tư 353 tỷ đồng vào năm 2021.
Một việc mà lãnh đạo ta làm tốt nhất đó là xây tượng đài. Dù cho hoàn cảnh có khó khăn như thế nào, ngân sách có bội chi ra sao, các tỉnh trong cả nước vẫn hoàn thành xây tượng đài theo đúng kế hoạch. Giá như, các chính sách phát triển kinh tế địa phương, chính sách hỗ trợ dân trong đại dịch được triển khai nhanh, gọn và đúng kế hoạch như xây tượng đài thì hay biết bao.
Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới xin tiền dân mua Vắc xin, mặc dù lãnh đạo vẫn luôn khẳng định ngân sách đủ để mua Vắc xin. Cũng là quốc gia mà có quỹ Vắc xin tạm thời nhàn rỗi gửi ngân hàng nhưng người dân sẽ phải tiêm Vắc xin dịch vụ.
Người dân có quyền đặt câu hỏi:
Chính quyền ở đâu trong công tác hỗ trợ người dân trong các điểm phong tỏa? Vì hơn 1 tháng nay, tại các điểm phong tỏa, các cấp lãnh đạo chỉ có 1 nhiệm vụ là đưa lệnh phong tỏa và giăng dây. Dân sống bằng gì, sống như thế nào thì mặc. Nếu không có các MTQ, các tổ chức từ thiện hỗ trợ thì chắc người chết vì đói nhiều hơn chết vì dịch.
Tiền thuế chúng ta nộp ngân sách hàng ngày đã đi đâu? Tại sao phải ủng hộ quỹ Vắc xin( tự nguyện theo kiểu phân chỉ tiêu thu đối với từng hộ gia đình, trừ lương trực tiếp với CB-CNV hưởng lương nhà nước). Nhưng nghịch lý, ngân sách không có tiền mua Vắc xin nhưng lại có tiền để chi cho xây dựng tượng đài.
Lãnh đạo chi trăm tỷ xây tượng đài giữa cơn đại dịch nhẹ nhàng hơn dân nghèo kiếm được tiền mua hộp cơm.
Tiền xây tượng đài là tiền thuế của dân. Nhưng dân có bao giờ được hỏi: chọn tượng đài hay chọn cơm ăn.
Fb Hang Vu
Đăng ngày 28 tháng 08.2021