Nọc độc từ Khổng Tử

Đặng Tiến

Tôi không hiểu một số người có ăn có học đàng hoàng, nhưng lại bênh vực tư tưởng Nho giáo một cách ngu xuẩn.
Vừa rồi, mới tranh luận với một ông anh lớn hơn mình độ mười tuổi, ông bảo rằng: nếu Nho giáo sai lầm thì tại sao Việt Nam lại xem nó là nền tảng văn hóa đạo đức suốt mấy ngàn năm nay. Mình buồn cười bảo: nói thật là tại vì người Việt Nam mình quá ngu (xin lỗi, đó là sự thật), nên mới tôn thờ cái thứ triết lý phản khoa học này. Ổng điên lên và block mình luôn, ổng nói mình là thầy giáo mà ăn nói hàm hồ, không biết nguồn cội.
Nếu ổng chịu nhìn ra xung quanh thì các nước xung quanh vốn bị Nho giáo kìm hãm đã bứt xích vươn lên từ lâu, chỉ còn Việt Nam lẹt đẹt mãi. Ngay cả Lỗ Tấn còn gọi: “Nho giáo là thuốc độc của tinh thần”, thì không hiểu sao nhiều người Việt Nam vẫn tôn thờ nó.
Triết lý Nho giáo đầy rẫy những mâu thuẫn tự phủ định bản thân:
● Trong khi một mặt khuyên “nam nhi chí tại tứ phương”, mặc khác lại ràng buộc “phụ mẫu tồn bất khả viễn du” (cha mẹ còn sống thì không được đi xa). Ngày xưa còn có cả việc khi cha mẹ mất phải bỏ hết việc về nhà dựng lều bên mồ ba năm thủ tang.
● Nam nhi chí tại bốn phương thế nào, khi mục đích học là chỉ để đạt chút công danh, để về lo vun đắp cho dòng họ gia đình?
● Chí tại bốn phương thế nào khi phải lấy vợ sinh bằng được con trai, không thì cứ phải đẻ mãi cho khi có thằng cu để sau này nó để tang cho?
Đàn ông mà chỉ chăm chăm vào những chuyện đấy thì chí làm sao lớn nổi?
● Nho giáo dạy: “thượng bất chính, hạ tất loạn”, nhưng lại kèm theo câu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” là thế nào? Mồm thì bảo thằng trên không ra gì, thì đừng trách thằng ở dưới, nhưng lại cho quyền thằng ở trên lạm sát thằng dưới và thằng dưới phải chịu chết để khỏi mang tiếng bất trung.
● Bảo: “quân dĩ dân vi bản” (vua lấy dân làm gốc), nhưng đồng thời dạy “tấc đất ngọn rau đều nhờ ơn vua”.
● Dạy: “phụ bất từ thì tử bất hiếu”, nhưng lại dạy “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Cha mẹ giết con mình thì có thể gọi là “từ phụ” không? Con muốn sống thì lại cho là bất hiếu, thì nó là thứ đạo lý quái gở gì?
● Nho giáo dạy: “phu phụ tương kính như tân” (vợ chồng kính nhau như khách), nhưng lại bắt người phụ nữ “xuất giá tòng phu” (lấy chồng thì phải phụ thuộc vào chồng). Thử hỏi, nếu đã kính trọng lẫn nhau như khách, thì sao lại có chuyện “tòng phu”? Đã tôn trọng nhau, thì sao lại cho quyền “nam hữu tam thê tứ thiếp” còn “gái chính chuyên chỉ thờ một chồng”?

■ Trong cuộc sống hàng ngày, Nho giáo cổ súy cho bất công và coi thường con người:
● Tại sao cũng là con rứt ruột đẻ ra, mà: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một đứa con trai thì coi là có, mười đứa con gái cũng coi là không), hay “nữ sinh ngoại tộc” (con gái sinh ra là con nhà người ta)?
● Vợ chồng sống với nhau suốt đời, đồng cam cộng khổ, cùng nhau nuôi dạy con cái nên người, thì dạy là: “phu thê như y phục”, còn anh em tuy cùng một mẹ một cha, nhưng khi lớn lên mỗi người một cuộc đời riêng, thì lại dạy: “huynh đệ như thủ túc”.
Đó là chưa kể chuyện mấy bố nghĩa khí rởm, sĩ diện hão, ra ngoài kết nghĩa với những thứ “anh em” giang hồ vớ vẩn, bị người ngoài lợi dụng, trong khi vợ con ốm đau gần chết cũng chẳng nhờ được mà mồm vẫn cứ leo lẻo “huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục”... !

■ Nho giáo dạy người đi học tôn sùng và lệ thuộc quá mức vào vai trò của người thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư) và những thứ gọi là “sách thánh hiền” (thậm chí cái gì từ Nho giáo viết, cũng cứ cho là sách nói, sách của ÔNG THÁNH), nhưng không khuyến khích tự suy nghĩ phản biện, không tự tìm tòi học hỏi ngoài những gì thầy dạy.
Mục đích của việc học là giải phóng tư tưởng và mở mang kiến thức, trong khi mục đích học của Nho giáo là làm nô lệ cho tư tưởng và kiến thức ( giỏi cỡ ông Nguyễn Công Trứ mà còn "lên bờ xuống ruộng" nữa là thứ "học hành 3 chữ lem nhem..."

■ Nho giáo không cổ súy cho sự thượng tôn pháp luật, mà cổ súy cho việc sùng bái cá nhân (quan thanh liêm, vua hiền biết thương dân), nên người dân mặc nhiên nghĩ rằng việc bị những kẻ có quyền bóc lột, hoặc đè đầu cưỡi cổ là chuyện bình thường, còn lâu lâu được ban tí ơn "mưa móc" thì coi đó là phước đức phải mang ơn suốt đời. Chính vì vậy, dù có bị chèn ép bất công tới đâu, họ cũng cố cắn răng chịu và mong chờ một minh quân hoặc liêm quan xuất hiện.

■ Nho giáo đặt "trung quân" đứng trước "ái quốc", có nghĩa là xem việc trung thành với một cá nhân, một dòng họ hoặc một thể chế trên cả lợi ích của đất nước và dân tộc?
Thế mà gọi là đạo thánh hiền sao?
Trong tam cương, mối quan hệ "quân thần" nặng hơn "phụ tử" và "phu phụ". Logic đó là như thế nào? Kẻ cai trị mình thì coi trọng hơn cả cha mẹ vợ chồng; luân lý này là thứ luân lý gì?
Ở thế kỷ 21, mà vẫn còn có nhiều người coi Nho giáo là chuẩn mực đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc, thì tôi nói thẳng là tiền đồ dân tộc Việt Nam còn tăm tối dài dài.
Đau thật, khi Khổng Khâu ghi câu: "nữ nhi thường tình", nữ nhi chính thị tiểu nhân, để đề cao nam nhi bằng câu "nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô", ông Khổng cho rằng: "nam nhi đại trượng phu", "nam nhân - quân tử", "nữ nhân ngoại tộc", nữ nhân - tiểu nhân", v.v...

HÃY ĐẬP TAN CỬA HÀNG HỌ KHỔNG
"Tôi quan sát và thấy từ hàng trăm năm trước có ba nhân vật vĩ đại nhất Á châu đều coi Nho giáo là kẻ thù không đội trời chung.
Ba nhân vật ấy là ai?
Thứ nhất là nhà cách mạng Tôn Trung Sơn,
thứ hai là nhà Khai sáng Fukuzawa Yukichi
và thứ ba là Văn hào Lỗ Tấn.
■ Tôn Trung Sơn là người khởi xướng chủ nghĩa Tam dân
● Dân tộc Độc lập,
● Dân quyền Tự do,
● Dân sinh Hạnh phúc.
Độc lập + Tự do + Hạnh phúc, là bộ ba không thể tách rời nhau.
■ Fukuzawa là người đề xướng "Thoát Á luận"
trong đó có một ý tôi diễn nôm na là thế này:
chỉ cần là hàng xóm của Tàu
đã là điều đáng xấu hổ rồi,
đã bị thế giới Văn minh người ta khinh thường rồi.
Ai không tin diễn nôm của tôi thì vào trình duyệt Google, gõ từ khóa "Thoát Á luận" và đọc xem có đúng như vậy không!
■ Còn Lỗ Tấn thì chắc chắn là vô cùng căm ghét Nho giáo
Chả tin, mời bạn đọc lại một lần thôi, truyện ngắn "Khổng Ất Kỉ", hoặc "Trường minh đăng" để xem tôi nói có đúng không.
Điều thú vị là cả ba nhân vật vĩ đại này đều không chủ trương "gạn đục khơi trong" chi hết mà là vứt bỏ, vứt bỏ, vứt bỏ.
Tôn Trung Sơn và Lỗ Tấn có chung một ý: thời gian đời người có hạn, nên dành thời gian ấy mà đọc sách Tây Phương cho nó mở mang bộ óc ra. Cổ thư Trung Hoa trong đó có tứ thư ngũ kinh là thuốc phiện dính vào là mắc nghiện, là bị đầu độc là trở thành nô lệ mù quáng rũ ra không được.
Nhà Khai sáng Nhật Bản thì luôn khẳng định đọc những thứ ấy chỉ làm hư hỏng bộ óc con người.
Một nước mạnh như Hoa Kỳ mà phải đề ra chính sách toàn diện để tẩy chay các Học viện Khổng tử thì đủ biết sự nguy hại của Khổng giáo, Nho giáo nó ghê gớm thế nào!
Một lần nữa, cho tôi được nhắc lại:
Nhà nước toàn trị kiểu Trung Hoa được kiến tạo trên cơ sở học thuyết Khổng giáo là thứ nhà nước kinh khủng nhất bởi sức sống dai dẳng của nó.
Chính thể toàn trị nào thì cũng đề cao chủ nghĩa ngu dân. Nhưng chủ nghĩa ngu dân kiểu Nho giáo là kinh khủng nhất. Lỗ Tấn khẳng định nó là xích mềm, là độc dược làm tê liệt con người, khiến cho con người thích được làm nô lệ, vui với thân phận nô lệ, tự hào vì được làm nô lệ, khóc nấc lên nghẹn ngào khi mình là nô lệ.
Cứ đọc "A.Q chính truyện" là thấy hết.
Tôi có đọc tuy không được nhiều, mà đọc nhiều để làm gì khi thấy chỗ khốn nạn nhất của học thuyết này là lợi dụng trình độ còn thấp của những người lao động để đầy đọa họ thêm vào vòng tăm tối ngu muội.


Tượng thờ Khổng Tử tại điện Đại Thành - Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội
(Hình minh họa – Nguồn: Wikimapia)

Khổng giáo - Nho giáo là học thuyết chính trị - đạo đức
Về phương diện đạo đức nó cực kì giả dối; về phương diện chính trị nó cực kì bảo thủ và phản động.
Cho nên chúng ta muốn người Việt mình tiến bộ thì dứt khoát phải nói không với Nho giáo dù nó biến hóa ở bất cứ hình thức nào.
Tôi không có ý định tranh luận với ai.
Anh chị em nào đồng ý thì like.
Không thì từ bỏ kết bạn với tôi, càng tốt!"
Đặng Tiến


Viện Khổng Tử cuối cùng của Trung Quốc tại Mỹ

sẽ bị đóng vào năm tới
 
Phụng Minh

Viện Khổng Tử cuối cùng của Trung Quốc còn lại ở Indiana, Mỹ, đã bị chính quyền tiểu bang cáo buộc hoạt động như một cánh tay tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sẽ đóng cửa vào năm tới, trang Epoch Times cho hay.
Đại học Valparaiso, một tổ chức tư nhân Lutheran ở Tây Bắc Indiana, hôm 31/8 thông báo sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử  trong khuôn viên trường vào ngày 1/3/2022. Theo trang web của trường, Viện Khổng Tử tại Valparaiso được thành lập vào năm 2008 với mục tiêu giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, và thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Từng lên tới hơn 100 trường, hiện chỉ có chưa đến 50 trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ vẫn duy trì các chương trình với Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Trong một lá thư giải thích quyết định này cho sinh viên, giảng viên, nhân viên và cựu sinh viên, Chủ tịch trường là ông José D. Padilla cho biết mối quan hệ hợp tác với Viện Khổng Tử sẽ gây nguy hiểm đến tính đủ điều kiện của trường đại học để nhận được tài trợ của liên bang.
Ông lưu ý rằng Đạo luật CONFUCIUS (tức đạo luật Đạo luật Khổng Tử) vào tháng 3 đã nhận được sự chấp thuận tại Thượng viện, sẽ cấm Bộ Giáo dục Hoa Kỳ tài trợ cho các trường cao đẳng trừ khi các hợp đồng hoặc thỏa thuận của họ có thể bảo đảm quyền tự do học tập, và trường có toàn quyền kiểm soát nội dung giảng dạy của Học viện Khổng Tử trong khuôn viên, bao gồm cả các hoạt động được tổ chức, các nguồn kinh phí tài trợ nghiên cứu và những nhân viên được thuê.
Dù thông báo đóng Viện Khổng Tử, ông Padilla cũng hy vọng sẽ bắt đầu một chương trình trao đổi văn hóa Trung Quốc mới mà không bị ảnh hưởng bởi ĐCSTQ.
Ông viết: “Song song với quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử, chúng tôi có kế hoạch thiết lập một chương trình mới để tiếp tục trao đổi văn hóa âm nhạc và ngôn ngữ với Trung Quốc và các nước khác”. “Chúng tôi sẽ yêu cầu các giảng viên âm nhạc, ngôn ngữ và nghiên cứu quốc tế của chúng tôi giúp chúng tôi tạo ra một chương trình như vậy mà không cần tài trợ hoặc nhân viên từ Trung Quốc”.

Vào tháng 10/2020, cựu Ngoại trưởng Mỹ là ông Mike Pompeo khi trả lời truyền thông cho biết Viện Khổng Tử là một tổ chức tuyên truyền đối ngoại được ĐCSTQ hậu thuẫn và không nên tồn tại trong các cơ sở giáo dục của Mỹ. Ông nói khi đó rằng: “Chúng tôi yêu cầu mọi trường học phải đóng cửa các Viện Khổng Tử trước cuối năm nay, không chỉ ở các trường đại học, mà tại tất cả các trường học ở tất cả các cấp từ mẫu giáo đến lớp 12”.
Ngoài ra, ông Pompeo cũng nói, đối với những người có visa Mỹ tham gia vào hoạt động của Viện Khổng Tử thay mặt cho ĐCSTQ, Mỹ cũng muốn bảo đảm rằng họ không còn có thể được vào các lớp học của người Mỹ.
Tính đến 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 viện và gần 2.000 lớp học Khổng Tử ở 154 quốc gia, phần lớn các cơ sở nằm trong khuôn viên các trường đại học hoặc các tổ chức ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Nhiều quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Điển đã dừng chương trình của Viện Khổng Tử.
Phụng Minh - 03/09/2021

https://vietluan.com.au/54186/vien-khong-tu-cuoi-cung-cua-trung-quoc-tai-my-se-bi-dong-vao-nam-toi



Làn sóng tẩy chay Viện Khổng Tử

Uyên Uyên
(Theo This Week In Asia)

Tiếp bước nhiều nước phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt tẩy chay hệ thống Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
Làn sóng tẩy chay các Viện Khổng Tử đã lan đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại hai quốc gia này, nhiều nhà hoạt động, chính trị gia đã kêu gọi chính quyền điều tra hoặc đóng cửa các học khu do Trung Quốc thành lập, báo South China Morning Post đưa tin.
Trước đó, hệ thống Viện Khổng Tử đã bị tẩy chay ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm ở Mỹ, châu Âu và Australia. Các nước cho rằng Viện Khổng Tử giúp Trung Quốc quảng bá hình ảnh và sức mạnh mềm, thậm chí còn can thiệp đến tự do ngôn luận hoặc hỗ trợ hoạt động gián điệp.
Tại Hàn Quốc, các nhà hoạt động cực hữu chỉ trích Viện Khổng Tử là “công cụ tẩy não”. Tại Nhật Bản, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đang điều tra về các nguồn tài trợ, hoạt động và mức độ ảnh hưởng của những học khu này.

Hệ thống Viện Khổng Tử


Một Viện Khổng Tử ở Tàu

Viện Khổng Tử lần đầu xuất hiện ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004. Đến nay, mạng lưới Viện Khổng Tử đã có mặt ở gần 160 quốc gia, với hơn 500 học khu trên toàn thế giới.
Viện Khổng Tử được giới thiệu là đối tác giáo dục của nhiều trường đại học, cao đẳng của Trung Quốc. Ở nước ngoài, các học khu nằm dưới sự quản lý của Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ, một đơn vị có liên kết chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc.
Hồi tuần trước, cựu quan chức của Bộ Văn hóa Hàn Quốc Han Min Ho đã dẫn đầu một nhóm các nhà hoạt động để biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul. Nhóm này mang theo cờ Hàn Quốc và cờ Mỹ, cùng biểu ngữ ghi: “Không có Khổng Tử trong các Viện Khổng Tử”.
“Các Viện Khổng Tử là công cụ tẩy não của Trung Quốc nhằm lôi kéo người ủng hộ”, ông Han tuyên bố với This Week In Asia.
Ông cũng thấy “đáng tiếc” khi nhiều học giả của Hàn Quốc so sánh Viện Khổng Tử với những tổ chức văn hóa, ngôn ngữ danh tiếng như Cộng đồng Pháp ngữ, Hội đồng Anh hay Viện Goethe.
Ông Han nói nhiều nhà lập pháp tại Hàn Quốc đang “làm ngơ” vì họ sợ hãi tầm ảnh hưởng và quyền lực của Trung Quốc.
Năm ngoái, đại biểu quốc hội Chung Kyung Hee đã cáo buộc Viện Khổng Tử xuyên tạc lịch sử, cổ xúy cho các ý tưởng và chính sách của Trung Quốc. Bà Chung kêu gọi giới chức giáo dục điều tra hoạt động của Viện Khổng Tử, song bị chỉ trích nặng nề, dẫn một nguồn tin của This Week In Asia.
“Tôi không nghĩ họ đang xem xét việc này một cách nghiêm túc… Bà Chung đã yêu cầu họ báo cáo kết quả điều tra từ 6 tháng trước. Nhưng đến nay, bà ấy vẫn chưa nhận được câu trả lời”, nguồn tin cho biết.

Công cụ tuyên truyền
Tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục xác nhận họ sẽ điều tra tất cả 14 Viện Khổng Tử ở nước này. Trước đó, các học khu bị cáo buộc tuyên truyền và thu thập thông tin tình báo trái phép. Bộ Giáo dục đã yêu cầu các viện phải giải trình về hoạt động, nguồn tài trợ và số lượng sinh viên.
“Nhiều đồng minh của chúng tôi, như Mỹ và nước châu Âu, đều chia sẻ những giá trị chung là tự do, dân chủ và pháp quyền. Họ ngày càng quan ngại và muốn bãi bỏ hoặc yêu cầu các học khu phải cung cấp đầy đủ thông tin”, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Koichi Haguida phát biểu trước quốc hội hồi tháng trước.
Các cơ quan chức năng tại Nhật Bản thường gặp khó khi quản lý hệ thống Viện Khổng Tử, do những cơ sở này không cung cấp giấy phép chính thức. Dù vậy, các viện vẫn liên kết được với nhiều trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc, giúp thu lợi nhuận từ sinh viên quốc tế.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Yoichi Shimada tại Đại học tỉnh Fukui chia sẻ: “Đối với Nhật Bản, mối lo ngại lớn nhất là các cơ sở này thao túng công chúng theo hướng có lợi cho Trung Quốc”.
Ông Shimada cũng đề cập đến khả năng các Viện Khổng Tử hỗ trợ hoạt động gián điệp trong các trường đại học.
Ông Shimada lấy ví dụ về trường hợp của giáo sư Anming Hu từ Đại học Tennessee. Người này đang bị xét xử vì che giấu mối quan hệ với một trường đại học ở Trung Quốc, trong khi đang nhận tài trợ nghiên cứu từ chính phủ Mỹ.
Một Viện Khổng Tử ở Trung Quốc. Ảnh: Asia News.

Đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có thể thâm nhập vào các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học và các công ty chuyên nghiên cứu công nghệ.
Ông Shimada cho rằng các Viện Khổng Tử ở Nhật Bản nên “minh bạch về nguồn vốn”, đồng thời “công khai toàn bộ” nội dung các khoa học mà họ giảng dạy.
“Trung Quốc sẽ không truyền tải những quan điểm cân bằng về lịch sử tại các học khu. Thay vào đó, họ muốn nuôi dưỡng những thế hệ đồng minh trong tương lai. Những người này sẽ sẵn sàng phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc”, ông Shimada nhận xét.
Cựu Chủ tịch Ủy ban An toàn Công Quốc gia Nhật Bản, ông Jin Matsubara, ủng hộ các cuộc điều tra của chính phủ nhắm vào hệ thống Viện Khổng Tử. “Tôi tin rằng chúng ta nên công khai tranh luận và đánh bại kế hoạch tuyên truyền từ phía Trung Quốc”, ông Matsubara nói.
Thứ sáu, 11/6/2021
https://zingnews.vn/lan-song-tay-chay-vien-khong-tu-post1225663.html



Châu Âu gióng hồi chuông báo tử

các Viện Khổng Tử của Trung Quốc?

Thùy Dương


Viện Khổng Tử ở Pays de la Loire, Pháp. Ảnh tư liệu chụp năm 2011. © wikimedia

Kiểm duyệt, gây áp lực, thực hiện các hoạt động gián điệp... Trong những năm qua, châu Âu đã phải hứng chịu nhiều sự cố nghiêm trọng do các Viện Khổng Tử của Trung Quốc gây ra.
Về mặt chính thức, đó là các trung tâm dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, tương tự như Alliance Française của Pháp hoặc Viện Goethe của Đức. Thế nhưng, chính phủ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và các nghị sĩ châu Âu đã ý thức được sứ mệnh thực sự của các Viện Khổng Tử là thực hiện « quyền lực mềm » của đảng Cộng Sản Trung Quốc.  
Một số nước châu Âu đã quyết định đóng cửa hoàn toàn các Viện Khổng Tử. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Antoine-Pierre Donnet, đặt câu hỏi liệu xu hướng này có diễn ra ở khắp châu Âu hay không. RFI giới thiệu, dưới dạng hỏi đáp, bài viết của nhà báo Donnet «Trung Quốc: Hướng tới hồi kết của các Viện Khổng Tử ở châu Âu?» đăng trên trang mạng châu Á The Asialyst ngày 29/07/2021.
Tại sao có thể nói đến hồi kết của các Viện Không Tử ở châu Âu? Mọi chuyện bắt đầu từ khi nào?  
Gần đây nhất, bộ trưởng Giáo Dục Đức, Anja Karliczek, đã báo động các trường đại học trong nước để họ chấm dứt hợp tác với các Viện Khổng Tử. Hoạt động của những Viện này bị giới hạn, chỉ được tổ chức các khóa học tiếng Hoa và giảng dạy về văn hóa Trung Quốc. Bộ trưởng Anja Karliczek nói: «Tôi không muốn ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc trong các trường đại học và xã hội của chúng ta. Chúng ta đã dành quá nhiều chỗ cho các Viện Khổng Tử này nhưng lại không làm đủ để xây dựng chuyên môn về Trung Quốc tại Đức». Đây chỉ là lời cảnh báo mới nhất trong một loạt lời cảnh báo như hồi chuông báo tử cho các Viện Khổng Tử ở châu Âu, một công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh, trong khi điều này đã được thực hiện ở Hoa Kỳ từ trước.  
Vào tháng 04/2021, Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng trên lãnh thổ của họ. Na Uy cũng làm như vậy hồi tháng 03/2020. Xu hướng này bắt nguồn từ một vụ bê bối lớn ở Bỉ. Vào năm 2019, Song Xining, giám đốc Viện Khổng Tử trực thuộc đại học Vrije Brussels (VUB), đã bị trục xuất khỏi Bỉ vì bị nghi ngờ đã sử dụng mạng lưới của mình làm gián điệp : Tuyển dụng sinh viên và những người trong giới kinh doanh phục vụ cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Khi bị thẩm vấn, người này đã phủ nhận mọi chuyện. Viện Khổng Tử này bị buộc đóng cửa vào năm 2021. Vụ việc làm dấy lên câu hỏi ở châu Âu về việc liệu có phải các Viện Khổng Tử dường như tôn nghiêm và vô hại đó chỉ là cơ quan gián điệp của Bắc Kinh ? Và nếu vậy thì sao ?  

Nhưng các Viện Khổng Tử «bám rễ» ở châu Âu từ khi nào?  
Các Viện Khổng Tử ở Bỉ được thành lập vào năm 2016 với sự hợp tác của bộ Giáo Dục Trung Quốc. Các cơ sở này được giới thiệu là nơi khám phá, học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đồng thời là cơ sở trao đổi và gặp gỡ giữa Trung Quốc và Bỉ, tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Hoa và đào tạo giáo viên ở Bỉ. Cơ quan an ninh Nhà nước trong nhiều năm đã lo ngại rằng đó là «một con ngựa gỗ thành Troie khổng lồ bên trong các trường đại học» của Bỉ.
Được đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập vào năm 2004 và trực thuộc các trường đại học, các Viện Khổng Tử, theo các nhà quảng bá, là có sứ mệnh quyền lực mềm trên thế giới, tương tự như sứ mệnh của Alliance Française hoặc British Council. Thế nhưng, mọi chuyện chỉ không dừng ở đó. Các bộ phận giảng dậy tiếng Hoa nằm trong Viện Khổng Tử tuy trực thuộc bộ Giáo Dục Trung Quốc, nhưng thực ra nằm dưới sự quản lý của Hanban. Và Hanban có tham vọng ý thức hệ là « mở rộng ảnh hưởng của Đảng » và « quyền lực mềm của Trung Quốc ».
Dựa vào tiếng Trung và thư pháp, y học cổ truyền hoặc thơ ca, những trụ cột trong hoạt động của các Viện Khổng Tử, là đường hướng của Mặt Trận Thống Nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chiến lược gây ảnh hưởng của họ bao gồm đủ mọi thứ, từ điện ảnh tuyên truyền đến các hoạt động làm sai lệch thông tin về dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch Hanban (tên đầy đủ Văn phòng Hội đồng Hán ngữ Quốc tế), là một quan chức cấp cao của chế độ cộng sản, ủy viên Bộ Chính Trị, đã được Tập Cận Bình giao thực hiện một thách thức : tiến hành một « cuộc cách mạng Khổng Tử » với mục tiêu đến năm 2020 thành lập được 1.000 Viện Khổng Tử. Hiện giờ, Trung Quốc đã có khoảng 500 Viện Khổng Tử tại 146 quốc gia.

Tình hình các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ở Tây phương hiện giờ ra sao?  
Tại Hoa Kỳ, sau những năm Donald Trump tấn công Trung Quốc trực diện, hơn một nửa trong số 110 Viện Khổng Tử đã phải đóng cửa. Phong trào đã được đẩy mạnh nhờ quyết định của Thượng Viện Mỹ về việc cấm cấp kinh phí cho các trường đại học có đặt Viện Khổng Tử, với lý do an ninh quốc gia.  
Còn tại Liên Hiệp Châu Âu, vẫn có khoảng 50 Viện Khổng Tử đang hoạt động. Hồi tháng 12/2020, nghị sĩ châu Âu Filip De Mast đã đệ trình lên Ủy Ban Châu Âu câu hỏi : « Ủy Ban có ý định yêu cầu 27 nước thành viên Liên Âu đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử hay không ? » Hồi đầu năm 2019, Công Đảng Anh đã khuyến nghị đình chỉ 29 thỏa thuận của các trường đại học trên toàn quốc trong khi chờ đợi một cuộc thẩm tra, đánh giá sâu rộng. Thụy Điển, nước châu Âu đầu tiên làm như vậy, đã đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử trên lãnh thổ của họ.
Nhưng ở Pháp thì ngược lại. Ít nhất 18 Viện Khổng Tử dường như vẫn đang hoạt động bình thường. Bắc Kinh đang gây ảnh hưởng sâu rộng ở các thành phố bậc trung. Cho dù mất một năm «đào tạo từ xa», các Viện Khổng Tử vẫn có rất nhiều dự án. Trước mùa hè năm 2021 đã có chiến dịch vận động cho «Cây cầu hướng đến tiếng Hoa», cuộc thi đã trao học bổng học tại Trung Quốc cho 50.000 người nước ngoài thuộc mọi quốc tịch.
Phải chăng Liên hiệp Châu Âu cuối cùng đã hiểu là Viện Khổng tử là công cụ tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc?  
Hiện nay, việc đóng cửa các Viện Khổng Tử là kết quả của thái độ bài Trung Quốc ngày càng tăng ở châu Âu, cả trong công luận cũng như trong các chính phủ. Quả thực, chính phủ các nước đã hiểu rằng các Viện Khổng Tử không mang tính giáo dục mà chỉ đơn giản là công cụ tuyên truyền của chế độ Trung Quốc. Chẳng phải vào năm 2009, chính Lý Trường Xuân (Li Changchun), khi đó là lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã giải thích Viện Khổng Tử là một công cụ rất quý để « tuyên truyền ra nước ngoài » ? Và kết quả là những người tham gia các khóa học tại các Viện Khổng Tử không bao giờ được tranh luận về các đề tài khiến Trung Quốc nổi giận, như Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay sự đàn áp ở Hồng Kông. Đơn giản là những chủ đề đó nằm trong vùng cấm.
Công luận châu Âu cũng đã ngán ngẩm những nhà ngoại giao «chiến binh sói», những người không ngần ngại xúc phạm những ai ở châu Âu dám chỉ trích đường hướng chính trị, tư tưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ngày 08/07/2021,  Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles đã kêu gọi các lãnh đạo Liên Hiệp và các Nhà nước thành viên từ chối lời mời của Bắc Kinh tới dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 nhằm phản đối việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương. Kiến nghị của các nghị sĩ châu Âu đã được thông qua với 578 phiếu thuận (29 phiếu chống và 73 người không bỏ phiếu), theo đó châu Âu sẽ không hiện diện tại Thế Vận Hội Bắc Kinh nếu chính phủ Trung Quốc không cho thấy có sự cải thiện rõ ràng về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, trong vùng Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và những nơi khác ở Trung Quốc.

Tại Liên Âu, nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?  
Trong số các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Đức là quốc gia mất mát nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng vào Bắc Kinh lần này. Hồi năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm thứ 5 liên tiếp, trao đổi thương mại đạt 212,1 tỷ euro. Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn các công ty của bất kỳ nước châu Âu nào. Nhưng giờ đây, sự tỉnh thức này quá đột ngột và mạnh.
Để chuẩn bị cho tương lai, bộ trưởng Karliczek giải thích rằng bộ Giáo Dục Đức tính đến việc đầu tư 24 triệu euro để «củng cố, tăng cường một khả năng độc lập trước Trung Quốc» tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Đức. Bà nói: «Nước Đức cần nhiều hơn nữa những nhân tài am hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử Trung Quốc». Đó là bởi vì, dù muốn hay không, Trung Quốc và Đức vẫn sẽ là những đối tác kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, đường hướng chính sách đối ngoại của Đức có thể thay đổi chút ít sau khi bà Angela Merkel rời ghế thủ tướng vào tháng 9/2021 sau 16 năm cầm quyền. Thường được coi là «đối tác tốt nhất của Trung Quốc ở phương Tây», thủ tướng Merkel coi việc phát triển các quan hệ thương mại với Bắc Kinh là một ưu tiên, bất chấp sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Trung Quốc sẽ phải xoay xở khi không có bà Merkel…
Thùy Dương
https://www.rfi.fr/

Đăng ngày 01 tháng 11.2021