banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

HAI ÁC QUỶ CỦA NHÂN LOẠI

Đào Hiếu


Khổng Tử và Các Mác (Karl Marx)

Nhân vụ xây văn miếu Khổng Tử ở Vĩnh Phúc, xin mời tham khảo mấy suy nghĩ về Khổng Tử.
Khổng Tử và Các-Mác đều là triết gia. Cả hai đều muốn áp dụng học thuyết của mình cho cả thiên hạ. Cái “thiên hạ” của Khổng Tử là tập thể các nước thời Xuân Thu còn cái thiên hạ của Mác là các nước nghèo trên thế giới.
Cả hai đều không câu nệ đến vấn đề biên giới, dân tộc, mà có tham vọng dùng học thuyết của mình để mưu cầu hạnh phúc ở bất cứ nơi đâu.
Và cả hai đều đã thất bại thê thảm.

Tại sao?

Con người có hai BẢN NĂNG GỐC. Freud gọi bản năng thứ nhất là tính dục (libido), và La Rochefoucauld gọi bản năng thứ hai là lòng ích kỷ (egoism).
Lòng ích kỷ khiến con người luôn hướng về “tư hữu”. Bản năng truyền giống khiến con người luôn hướng về “sắc dục”. Hai thứ bản năng ấy chi phối mọi sinh hoạt, mọi suy nghĩ, mọi hành động, mọi cảm xúc của loài người.
Mác muốn xóa bỏ “tư hữu”, tức là muốn đánh vào cái bản năng gốc quan trọng của con người.
Khổng tử cũng mắc sai lầm tương tự khi muốn dùng “lễ nhạc” để trị thiên hạ trong khi thiên hạ đang đói rách, đang tranh dành miếng ăn mà chém giết nhau cuồng loạn trong thời Xuân Thu. Đó là thời đại mà giới cầm quyền các nước toàn là bọn hôn quân vô đạo, con giết cha, vợ giết chồng, cha con loạn dâm, cái bản năng “tính dục” và bản năng “giành ăn” hoành hành dữ dội chưa từng thấy.
Nếu như Mác muốn tiêu diệt lòng hám lợi của nhân loại thì Khổng Tử muốn dùng lễ nhạc để “bình thiên hạ”, ngăn chặn chiến tranh, đó là vì ông chưa được nghe câu nói của họ Mao : “Chiến tranh là trường cửu, hòa bình chỉ là tạm thời.
Và ông cũng không nhìn thấy được sức mạnh ghê gớm của cái “tính dục” nên mới có chuyện đang lúc Khổng Tử và vua quan nước Lỗ cúng tế, thực hành Lễ Nhạc thì vua Lỗ lẻn về cung để du hí với mấy nàng kỹ nữ mà nước Tề vừa đem tặng, khiến Khổng Tử thất vọng ê chề, phải bỏ nước Lỗ mà đi.
Cả Mác lẫn Khổng đều thất bại vì có tham vọng điên rồ là xóa bỏ những bản năng gốc của con người.

Không ai có thể xóa bỏ được chúng vì chúng do ông trời tạo ra, chúng là bản chất, là máu thịt, là lẽ sống của nhân loại.
Bản chất của con người cũng giống như dòng sông: chúng ta không thể xóa bỏ một dòng sông được mà chỉ có thể uốn nắn dòng chảy của nó để nó biến thành nguồn nước tưới ruộng đồng, biến thành nguồn điện năng phục vụ đời sống. Nếu chúng ta tìm cách san lấp nó, nó sẽ chảy sang hướng khác, biến thành lũ lụt hủy diệt môi trường, hủy diệt con người.
Đáng buồn là cả Mác lẫn Khổng đều không biết điều đó.
Khổng Tử là một thiên tài nhưng ông không hiểu được một câu nói rất bình dân, rất đơn giản là: “phú quý sinh lễ nghĩa” chứ không phải lễ nghĩa sinh phú quý. Muốn có lễ nghĩa chỉ cần làm cho dân giàu. Nếu để dân nghèo thì “bần cùng sinh đạo tặc.”
Mác cũng là một thiên tài nhưng ông ta cũng không hiểu được một câu châm ngôn rất mộc mạc của chị tiểu thương ngoài chợ: “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Câu nói ấy phải được hiểu: “tư hữu là mạng sống của con người.” Vậy muốn cho con người sống cho ra sống thì phải giúp họ tạo ra nhiều “tư hữu” chứ không phải tìm cách tiêu diệt “tư hữu”.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh là khi tiêu diệt tư hữu của nhân dân thì người ta lại tập trung tư hữu vào một nhóm người cầm quyền.
Cả hai nhà tư tưởng lớn của nhân loại sở dĩ đều thất bại ê chề vì đã không hiểu gì về cái “bản năng gốc” của nhân loại.
Có thể có người bỉu môi cho rằng “lòng ích kỷ” và “tính dục” không phải là bản chất của con người mà chỉ là “thú tính” cho nên cần phải ngăn chặn nó.
Xin thưa, đó không phải là thú tính. Đó là bản chất của muôn loài, bao gồm cả con người. Nhưng vì con người có trí tuệ vượt trội các động vật khác nên biết cách “thăng hoa” (sublimer) những bản chất ấy.
Nếu chúng ta đi sâu vào những lý giải của La Rochefoucauld thì lòng ích kỷ cũng chính là cội nguồn của “tình mẫu tử” của “từ thiện” của “lòng bác ái”. Và cái tính dục của Freud cũng bỗng chốc mang vẻ đẹp huyền ảo của tình yêu. Đó là điều mà Freud gọi là sublimation.
Chính vì không hiểu “sức mạnh không gì ngăn cản nổi” của hai thứ bản năng gốc ấy nên cả Khổng lẫn Mác đều đã gây ra những hậu quả bi thảm:

Khổng Tử muốn xây dựng một nhân loại thái bình sung túc trong đó vua tôi và thần dân đều lấy lễ mà sống với nhau chứ không dùng đến chiến tranh chém giết lẫn nhau nhưng trên thực tế thì các chính quyền phong kiến lại dựa vào những ý niệm về trung quân ái quốc, về tam cương ngũ thường để gây chiến tranh khắp nơi, chém giết lẫn nhau, triều đình thì vô đạo, loạn dâm, hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương “Lễ Nhạc” của Khổng Tử.
Khổng Tử từng bị các đại thần nhà Chu đuổi đi, ông sang Tề cũng bị Án Anh tìm cách từ chối, ông trở về nước Lỗ tiếp tục dạy học. Ở Lỗ ông từng làm quan phụ trách việc xây dựng gọi là Tư Không. Sau đó vua Lỗ ham mê tửu sắc không lo việc nước, Khổng Tử can ngăn không được liền cùng các học trò bỏ đi, hy vọng tìm được cơ hội thực hiện chủ trương chính trị của mình. Tuy nhiên đó là thời đại chiến tranh liên miên nên chuyện lễ nhạc của Khổng Tử không ai để ý tới. 
Một lần ông và các học trò bị quân nước Trần vây khốn phải nhịn đói mấy ngày, sau nhờ quân nước Sở đến giải vây, tưởng được trọng dụng nào hay vua Sở chết đột ngột, triều thần nước Sở lại đuổi Khổng Tử đi.
Mác cũng vậy: ông muốn xóa bỏ áp bức bất công, muốn tạo dựng một thế giới đại đồng không có nạn người bóc lột người nhưng thực tế học thuyết của ông lại đẻ ra những chính quyền áp bức, tham nhũng tràn lan bất kể nhân cách… như trường hợp chính quyền Stalin, Bắc Triều Tiên, Mao Trạch Đông, Pol Pot… Cả hai học thuyết đều đẻ ra những nhà nước đi ngược lại ý muốn của người khai sinh ra nó.
Cả hai học thuyết đều rất đồ sộ nhưng chỉ là những tòa lâu đài không có nền móng.
Hơn 2500 năm trước Khổng Tử đã chết trong buồn khổ.
Lúc lâm chung, ông đã nói với các đệ tử:
- Suốt đời ta mơ một thế giới đại đồng, mơ về một xã hội trong đó mọi người thương yêu nhau, không dối trá, không trộm cắp, ra đường thấy của rơi không nhặt, tối ngủ không cần đóng cửa…”
Hơn 2500 năm sau Mác cũng từng có những giấc mơ như vậy. Và nếu còn sống đến ngày nay chắc ông cũng sẽ ê chề vì cái di sản kinh hoàng mà mình đã để lại.

KẾT LUẬN: Bản chất của con người là “tư lợi” và “ái dục”. Đó là hai dòng cuồng lưu rất dũng mãnh. Xây dựng xã hội con người không phải là san lấp hai dòng cuồng lưu ấy mà là biết cách sử dụng nó. Kẻ nào đi ngược lại điều ấy sẽ chỉ gây ra những tàn phá khủng khiếp mà thôi.
 

CUỘC CÁCH MẠNG BỊ THẤT LẠC

Đào Hiếu

Năm 20 tuổi, trong dịp nghỉ hè, tôi từ Sài Gòn về quê thăm cha. Buổi sáng hai cha con ngồi cho gà và chim bồ câu ăn ngoài sân. Lúc ấy ông 64 tuổi, còn rất vững vàng, tiếng nguyệt cầm của ông vẫn còn đầy ma lực. Chim bồ câu thì ăn quanh thềm giếng, còn lũ gà thì ăn bắp trên cái sân đất nện sau nhà. Chúng tranh ăn, rượt đuổi, đá nhau…
Ông già cứ ngồi cười. Hình như ông biết tôi có cảm tình với Việt cộng (trong vụ tôi bị bắt ở Qui Nhơn thời trung học) nên tự nhiên ông nói:
-Loài vật còn có đầu óc tư hữu, huống chi loài người.
Tôi cãi:
-Nhưng loài người có trí tuệ nên mới biết tư hữu là xấu. Và tìm cách xóa bỏ nó.
Cha tôi làm thinh. Còn tôi thì tự hài lòng vì thấy mình thông minh quá. Sau này, trải qua nhiều cuộc bể dâu, nghĩ lại, biết mình là một thằng ngu. Bởi vì tư hữu là bản chất của muôn loài. Kẻ nào muốn thay đổi bản chất ấy là đi ngược lại quy luật tâm lý và sẽ bị chính cái quy luật ấy “đục” vào mặt cho “phù mỏ” ra như một con thú.
Cha tôi chỉ là một người chơi đàn nguyệt tài tử, ông không có học vấn nhiếu, nhưng câu nói của ông ngày ấy là một đúc kết mang tính triết lý, tính nhân bản sâu sắc mà ngay cả cụ Karl Marx cũng nghĩ chưa tới.
Khi tôi muốn gặp cha tôi để nói lời cảm phục, thì ông đã không còn trên cõi đời này nữa.
*
Tôi cũng muốn gặp ông Karl Marx để buông một tiếng thở dài, nhưng ông này cũng đã sang bên kia thế giới từ lâu lắm. Có lẽ ông là một người tốt. Một người rất thông thái. Ông đã xây dựng một hệ thống triết học đồ sộ với biết bao trí tuệ và tâm huyết. Đó là một tiếng sấm rền vang giữa thế kỷ 19 câm lặng, khốn khó, là tia chớp rực rỡ giữa đêm tối mù mịt của một châu Âu cúi gầm mặt trong các nhà máy đầy khói bụi, tro than và tiếng rên rỉ.
Hệ thống triết học của Marx như một chàng hiệp sĩ, sẽ đến và cứu rỗi cho biết bao nhiêu thợ thuyền, bao nhiêu con người lao động.
Nhưng chàng hiệp sĩ ấy đã không đến.
Chỉ có một người Nga tên là Lênin đến.
Ông ta cũng không thay đổi được gì số phận của những người lao động nghèo. Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là một cuộc lật đổ chế độ phong kiến, để thiết lập một thứ phong kiến khác. Chủ nghĩa Marx chỉ như chút rêu mốc mọc hờ hững trên những tấm biểu ngữ, những danh xưng các đơn vị hành chánh và lá cờ búa liềm.
Rốt cuộc chàng hiệp sĩ mác-xit vẫn chỉ là tưởng tượng.
Kế vị Lênin là một gã người Gruzia râu rậm, trán thấp, xuất thân từ trường dòng Gori. Gã đem những khuôn mẫu trong tu viện, trộn chung với chủ nghĩa Marx, quậy trong một cái chảo rỉ sét của chế độ phong kiến và bắc lên lò lửa chuyên chính vô sản. Gã Stalin này nấu món gì không ai biết, chỉ thấy gã thảy từng thây người vào cái chảo khổng lồ đang sôi sùng sục.
Gã thanh trừng nội bộ, chọc tiết, róc xương, ném vào chảo dầu. Không thấy múc ra ăn. Chỉ thấy ném vào. Ném vào.
Ở Việt Nam, hình ảnh của nhà độc tài Stalin được mô tả qua một chuyện tiếu lâm khá độc đáo như sau:
“Ngày nọ Stalin đi họp. Giữa buổi họp ông ta thấy mất cái ống điếu. Bèn hỏi tả hữu. Thuộc hạ sợ xanh mặt, đổ xô đi tìm. Sau buổi họp Stalin về nhà, thấy cái ống điếu bỏ quên dưới gối. Ông liền gọi điện cho thuộc hạ:
-Tụi bay đang làm gì đấy?
-Báo cáo nguyên soái, đã bắt được 8 thủ phạm và lấy lại được ống điếu.
-Nhảm nhí! Thả hết cả 8 đứa ra đi!
-Thưa nguyên soái. Chỉ còn có 4 đứa. Bốn đứa kia đã chết lúc hỏi cung rồi.”
Còn ở bên Liên Xô, Người Nga có làm một cuốn phim tên là SÁM HỐI, kể chuyện một vị lãnh đạo, khi sống gây nợ máu nhiều quá, đến lúc chết, vừa chôn xuống đất, đã lập tức có người đào lên, vứt xác vào sân nhà. Lại đem chôn. Lại có người đào lên, vứt xác trả vào sân nhà hắn. Cái trò chơi ấy cứ kéo dài cho tới khi nhà độc tài ấy thối rữa ra.
Chưa có sự căm ghét Stalin nào lại được thể hiện trong điện ảnh một cách quyết liệt đến như vậy.
*
Chàng hiệp sĩ Cộng Sản do Karl Marx vẽ ra, cho đến giờ cũng chỉ có trong tưởng tượng. Và cái thiên đường do những hiệp “sĩ cộng sản ảo” ấy xây dựng nên cũng chỉ là sương khói. Trên mặt đất này, tự cổ chí kim, chưa bao giờ có một người cộng sản, chưa một phút một giây nào có một xã hội cộng sản.
Thế nhưng từ phương Đông lại lững thững đi về một gã ba Tàu phì nộn. Trên tay trái, gã cầm một mặt trời bằng máu dưới địa ngục, tay phải gã cầm cuốn Tư Bản Luận của Karl Marx. Tiểu tử ấy họ Mao, người tỉnh Hồ Nam, gã khoe với thiên hạ rằng mình là con Trời và có niềm tin sắc đá rằng: gã sẽ trường sinh bất tử nếu phá trinh được một ngàn cô gái. Họ Mao đã làm được chuyện ấy, nhưng xây dựng một xã hội cộng sản thì gã đếch để tâm tới. Gã cầm cuốn Tư Bản Luận chỉ để lòe và lừa thiên hạ.
Gã là một trong những tên giết người hàng loạt kinh tởm nhất trong lịch sử nhân loại.
Rốt cuộc chàng hiệp sĩ Cộng Sản cùng cái thiên đường của cụ Karl Marx vẫn còn nằm trong trí tưởng tượng.
*
Có người hỏi: Stalin, Mao Trạch Đông và những tên hoạn quan của chúng như Kim Nhật Thành, Fidel Castro…đã làm cái quái gì với chủ nghĩa Mác-Lênin vậy?
Khi lên cầm quyền, chúng coi chủ nghĩa cộng sản như một cái bình phong để tự do trả thù cá nhân, kết bè kết đảng tranh giành quyền lợi, địa vị, thanh toán lẫn nhau. Đó là những điều đã diễn ra trong “Cải cách Ruộng đất” ở Việt Nam, trong các cuộc thanh trừng nội bộ ở Liên Xô và trong cái gọi là Cách mạng Văn hóa Vô sản ở Trung quốc. Chủ nghĩa Mác được chúng dùng làm cái bình phong che phía mặt tiền.
Tác giả của học thuyết Marxisme đã khóc nức nở trước đám côn đồ ấy.
*
Trong bài “Trách Nhiệm của các thế hệ Việt Nam” đăng trên talawas ngày 7.7.2008, ông Trần Trung Đạo viết:
“Việc giành lại nền độc lập và chủ quyền đất nước từ tay thực dân là mục tiêu, là bến bờ của dân tộc Việt Nam, trong khi đó đối với Đảng Cộng sản, độc lập dân tộc chỉ là phương tiện, một chiếc cầu, một chiếc ghe họ cần có để đi qua trên đường tiến tới cách mạng vô sản. Mục tiêu đó đã được khẳng định ngay trong “Luận cương chính trị” Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng 4 cùng năm: “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng; hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa.”
Trong những năm 30 của thế kỷ trước, có thể cái câu trong “luận cuơng chính trị” trên đây là xuất phát từ một ý đồ có thực. Nhưng tới năm 1954 trở đi thì người ta đã đem cái luận cươngấy cất vào viện bảo tàng rồi. Bởi vì từ bấy đến nay, ai cũng biết là chẳng hề có cách mạng vô sản gì cả. Chỉ có đấu tố, trả thù cá nhân, thanh trừng nội bộ, quan liêu bao cấp, tham nhũng, bóc lột, cửa quyền, độc tài đảng trị…
Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có ý muốn xây dựng một xã hội cộng sản ở Việt Nam. Báo chí, văn học đua nhau ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Các trường học từ mẫu giáo tới đại học đều ca ngợi chủ nghĩa xã hội, đều học thuộc lòng triết học Mác-Lênin, sinh viên nào không thuộc thì bị đánh rớt… Nhưng đó chỉ là chuyện che mắt thế gian, chuyên lừa dối, do những tên mặt dày như cái mo áp đặt lên nền giáo dục nhảm nhí của chúng.
Thực tế có cách mạng vô sản nào đâu?
Thực tế có ai thèm ngó ngàng gì tới cái gọi là cách mạng vô sản?
Hiện nay còn tệ hại hơn. Những người cầm quyền chỉ lo vơ vét, lo ăn cắp, lo tranh giành địa vị, lo giết nhau, hạ bệ nhau, bỏ tù nhau.. có ai rảnh mà đi làm cách mạng vô sản, có ai dư hơi mà nghĩ tới chuyện xây dựng chủ nghĩa xã hội?
Thực tế những người cộng sản Việt Nam bây giờ đã bỏ Đảng của họ rồi, đã bỏ quên “cách mạng vô sản” trong tủ nhà cô bồ nhí nào đó, và đã đánh mất chìa khóa rồi…
*
Cũng trong bài báo ấy, ông Trần Trung Đạo lại viết:
“Sau 1975, một số người từng xếp bút nghiên vào rừng ‘Chống Mỹ cứu nước’ đã phẫn nộ, kết án giới lãnh đạo Đảng đi ngược lại quyền lợi dân tộc, phản bội lý tưởng, phản bội máu xương của đồng chí họ, đưa đất nước đi vào con đường nghèo đói, độc tài, đảng trị. Nghĩ cho đúng, đó là những lời kết án thiếu cơ sở lý luận lẫn thực tế. Thật là oan cho Đảng. Nếu họ chịu khó đọc các đề cương chính trị đại hội Đảng từ ngày thành lập 78 năm trước cho đến đại hội lần thứ X cách đây hai năm, sẽ thấy Đảng Cộng sản chưa bao giờ phản bội mục tiêu của mình. Mục tiêu cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam và đặt dân tộc Việt Nam dưới quyền cai trị tuyệt đối của Đảng chưa bao giờ thay đổi. Vì một số điều kiện cách mạng và biến chuyển chính trị thế giới xảy ra ngoài tiên liệu, các chính sách của Đảng cũng phải theo đó mà áp dụng một cách thích nghi hơn, mềm dẻo hơn qua những chính sách gọi là ‘đổi mới’, ‘hội nhập’ v.v…, nhưng mục đích của Đảng từ trước đến sau luôn nhất quán.”
Tôi thật ngạc nhiên tại sao một người có văn phong chững chạc, điềm đạm, có trí tuệ sắc sảo như ông Trần Trung Đạo lại cứ tin tưởng vào các bản “Báo cáo chính trị” được đọc trong các kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam. Ở Việt Nam, một anh lơ xe đò, một chị bán cóc ổi ở vỉa hè cũng không ai tin vào những bản báo cáo chính trị ấy đâu. Sao anh cứ đem nó ra mà dẫn chứng hoài vậy?
Anh không biết là họ nói dối sao? Anh không biết là người ta đã bỏ ra 27 tỷ đồng để soạn thảo nên bản báo cáo chính trị ấy sao?
Tôi từng là cán bộ biên tập nhà xuất bản. Trong đời tôi chưa từng thấy có cuốn sách nào dày có vài ba trăm trang gì đấy mà lại có “nhuận bút” cao như vậy. Đó là một cái nhuận bút giả tạo, dành để trả cho một cuốn sách giả tạo.
Giai cấp cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, tuy tất cả đều là đảng viên cộng sản nhưng ai cũng là những ông chủ tư sản giàu sụ. Họ ngu sao mà đeo đuổi cái cuộc cách mạng vô sản cũ rích, rách nát tả tơi ấy? Họ ngu sao mà lẽo đẽo đi theo cái ông Karl Marx già chát, hết xí-oách, răng rụng chỉ còn vài ba cái…?
Nói tới Việt Nam bây giờ, xin đừng nhắc tới những cụm từ như “cách mạng vô sản”, “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa Mác-Lênin”, “chủ nghĩa quốc tế vô sản”… mà mắc cỡ.
Cho nên những người từng xếp bút nghiên vào rừng “Chống Mỹ cứu nước” đã phẫn nộ, kết án giới lãnh đạo Đảng đi ngược lại quyền lợi dân tộc, phản bội lý tưởng, phản bội máu xương của đồng bào đồng chí, đưa đất nước đi vào con đường nghèo đói, độc tài, đảng trị… là có cơ sở lý luận thực tiễn và vững chắc.

https://daohieuvn.wordpress.com