Tự do ngôn luận?
Đào Văn Bình
Theo The Hill ngày 4/4/4022, một nhóm thông tín viên của New York Times nói rằng trong một cuốn sách sắp tới đây, ông Joe Biden nói Rupert Murdoch, chủ đài truyền hình Fox News, là kẻ nguy hiểm nhất trên thế giới.
Tôi không phê bình nhận xét của ông Biden về chủ đài Fox News nhưng tôi nhận thấy lời bình phẩm của ông sau này sẽ kẹt vì ông nói rằng ông Putin không phải là người nguy hiểm nhất thế giới và dĩ nhiên cho nước Mỹ mà kẻ nguy hiểm chính là ông Murdoch. Không phải tất cả các ông tổng thống đều thông minh. Nhưng để chế ngự sự lầm lỗi vì cương ẩu, tất cả những gì tổng thống nói đều phải được soạn trước và thông qua các cố vấn thân cận. Giống như Lưu Bị nói gì đều do Khổng Minh dặn trước. Lời phát ngôn của ông Joe Biden khi thăm Ba Lan rằng ông Putin phải bị loại khỏi quyền lực đã bị báo chí và các nhà bình luận nói rằng hoặc lầm lỗi hoặc không soạn trước.
Trước đây ông Trump nói báo chí là kẻ thù của người dân và nhóm truyên thông bênh Đảng Dân Chủ là khuynh tả. Nay ông Biden nói chủ đài truyền hình bênh Đảng Cộng Hòa là kẻ nguy hiểm nhất trên thế giới. Vậy thì hệ thống truyền thông của Mỹ, tinh hoa của nhân loại, đều không khá và quyền tự do ngôn luận nằm ở đâu?
Mỹ và Âu Châu thường nhân danh tự do dân chủ để lên án và trừng phạt các nước mà họ cho rằng vi phạm tự do báo chí, tự do ngôn luận. Phải chăng, đối với ông tổng thống Hoa Kỳ, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là “quyền” được ca tụng mình, nói tốt cho mình và không được phép nói xấu về mình, dù chuyện “nói xấu” đó là sự thực? Hay quyền tự do ngôn luận được trang trọng ghi trong hiến pháp là quyền được nói ngược lại những gì mà tổng thống nói hay tổng thống làm hay chính con người của tổng thống?
Thí dụ, ông Joe Biden có quyền làm và quyền nói Mỹ có nghĩa vụ phải can dự vào cuộc chiến Ukraine. Nhưng người dân và báo chí có quyền nói can dự vào cuộc chiến Ukraine là sai lầm như đài Fox News. Đó là cốt tủy của tự do ngôn luận và tự do báo chí. Xin nhớ cho, tổng thống do tôi bầu và đại diện cho tôi cho nên tôi có quyền chỉ trích tổng thống. Ông tổng thống không phải là người từ trên Trời rơi xuống và nắm giữ chân lý. Người dân nắm giữ chân lý và là “thẩm phán” cuối cùng. Khổng Tử nói, “Ý dân là ý Trời”. Người dân tạo ra hiến pháp (We the People). Tổng thống, Quốc hội và Tối cao Pháp viện không được đi ngược với ý muốn của người dân, tức đi ngược những gì quy dịnh trong hiến pháp. Dĩ nhiên quyền tự do ngôn luận của người dân phải có giới hạn đó là: Không được phỉ báng, xâm phạm đời tư cá nhân, tung tin bịa đặt, kích động hận thù và chia rẽ sắc tộc, chia rẽ tôn giáo.
Như tôi đã nói nhiều lần trước đây. Trong một xứ “lạm phát tự do” như Mỹ, ông tổng thống phải là cái “bị bông” hay cái túi cát cho võ sĩ tập đấm. Báo chí là nghề đưa tin và moi móc. Báo chí hay truyền hình mà tối ngày đưa tin “chó cán xe, xe cán chó” thì đóng cửa đi ăn mày. Cá nhân tạo tin hấp dẫn nhất vẫn là ông tổng thống, đệ nhất phu nhân, các ông bà thượng nghị sĩ, thống đốc tiểu bang, các ông/bà tỷ phú. Bình luận, phê phán các ông bà này thì người ta háo hức nghe và truyền tai nhau bàn tán. Chứ nếu bình luận vê ông bán xăng, bà bán bún riêu, cậu bé giao hàng… thì khán/thính giả tắt truyền hình, đi chơi sướng hơn. Cho nên gây gổ với báo chí là dại. Ông tổng thống giỏi là nói ít làm nhiều. Không phải tất cả người dân đều ngu. Mình cứ làm tốt cho dân cho nước là cách chinh phục nhân tâm hay nhất. Khi đó báo chí có nói gì cũng chẳng đụng tới sợi lông chân ông tổng thống. Còn làm bậy, làm sai mà cấm đoán báo chí… là thảm họa.
Xin nhớ cho báo chí luôn là con dao hai lưỡi, vừa được thương vừa bị ghét. Báo chí loan tin trung thực, bình luận đúng đắn là tấm gương soi cho đất nước. Một nước không báo chí như đi trong đêm tối. Báo chí loan tin trung thực rất tốt cho ông tổng thống theo đó mà sửa chữa. Chứ còn bầy tôi nhiều khi che giấu, lừa dối hoặc xu nịnh cấp chỉ huy. Khác biệt giữa minh quân và hôn quân ám chúa là: Minh quân thấy sai thì sửa chữa. Còn hôn quân ám chúa thấy sai cứ làm hoặc không ai dám nói mình sai. Còn nếu báo chí tung tin bịa đặt, bình luận một chiều, chia rẽ, là nọc độc làm ung thối đất nước.
Gần 200 năm nay, nước Mỹ hãnh diện về thể chế lưỡng đảng nhưng thực tế lưỡng đảng chia rẽ đất nước và làm suy yếu chính quyền. Sự chia rẽ không phải chỉ nằm ở hai đảng mà ngay cả trong hệ thống truyền thông. Đài CNN không bao giờ ca ngợi ông tổng thống Cộng Hòa và đài Fox News cũng không bao giờ ca ngợi ông tổng thống Dân Chủ. Khi đất nước có chuyện gì hay sắp tới ngày bầu cử tổng thống, Đài CNN cho chiếu cuốn phim tài liệu dài về Tổng Thống Kennedy (Dân Chủ) còn đài Fox News thì chiếu cuốn phim về Tổng Thống Reagan (Cộng Hòa). Rõ ràng, đối với cử tri Dân Chủ thì ông tổng thống Cộng Hòa không phải là tổng thống của họ. Và đối với cử tri Cộng Hòa, ông tổng thống Dân Chủ không phải là tổng thống của họ. Họ gượng gạo chấp nhận bề ngoài mà thôi. Chứ còn trong thâm tâm họ thù ghét.
Chia rẽ chính trị là nguyên do chia cắt đất nước hay hỗn loạn. Chẳng hạn như ông Juan Guaidó thất cử thua ông Maduro của Venezuela bèn la làng lên là bầu cử gian lận. Thế là Hoa Kỳ và Âu Châu vốn thù ghét ông Maduro chớp thời cơ, cùng lên tiếng công nhận ông Guaido là lãnh đạo của Venezuela rồi được ông Trump tiếp đón tại Tòa Bạch Ốc như tiếp đón một vị tổng thống. Rồi tất cả vàng và tiền bạc của Venezuela để ở ngoại quốc đều chuyển giao cho ông Guaido như một chính quyền chính thống. Rồi tòa đại sứ Venezuela ở Hoa Thịnh Đốn cũng chuyển giao cho “đại sứ” của ông Guaido. Thế nhưng chỉ năm sau, ông Guaido không còn là dân biểu quốc hội nữa, và chẳng được ông Joe Biden mời vào Tòa Bạch Ốc, hình ảnh của ông chìm lỉm giống như bài hát “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ hẹp”. Giả dụ, năm 2020, khi ông Trump tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống là gian lận và ăn cắp (steal). Chớp thời cơ, Nga và Trung Quốc có thể tuyên bố công nhận ông Trump là tổng thống thực sự, đổ tiền đổ của vào và mời ông Trump thăm viếng như một vị tổng thống thực sự. Và như thế nước Mỹ tan nát vì có hai chính phủ. Nhưng vì nước Mỹ mạnh quá cho nên không ai dám làm gì. Cho nên siêu cường trăm bề lợi, Còn nhược tiểu trăm bề đau khổ.
Quay lại quyền tự do ngôn luận. Trên đời này không có gì miễn phí, ngoại trừ không khí. Xin nhớ đất là của Trời cho nhưng không miễn phí. Độc tài phải trả giá của độc tài. Dân chủ phải trả giá của dân chủ. Nhân loại rồi đây chẳng phải chết vì độc tài mà chết vì dân chủ quá trớn. Dân chủ quá trớn là chủ nghĩa cá nhân “tôi là trên hết”, “đảng tôi là trên hết”, mà chẳng cần biết tới quyền lợi của người khác hay của quốc gia dân tộc. Khi mình không cần biết tới đạo đức, quyền lợi, danh dự, phẩm giá của người khác hay quyền lợi của quốc gia dân tộc thì mình như một tế bào ung thư trong một cơ thế. Nếu tế bào ung thư lan tràn thì Hoa Đà, Biển Thước có tái sinh hay Bệnh Viện Stanford, California cũng không cứu được.
Đào Văn Bình
(California,6/4/2022)
Trâu bò húc nhau bằng võ mồm
nhưng có khi ruồi muỗi chết thiệt
Đào Văn Bình
Reuters ngày 25/3/2022: Nga tiến hành cuộc tập trận trên đảo có tranh chấp với Nhật Bản, ngưng những cuộc thảo luận về hòa bình với Nhật sau khi Nhật theo Mỹ áp đặt những biện pháp cấm vận lên Nga.
Rõ ràng cuộc chiến Ukraina đã trở thành cuộc chiến toàn cầu. Lơ mơ nhiều nước chết oan vì “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.
Tổng Hợp ngày 26/3/2022: Nguy cơ về một cuộc chiến tranh nguyên tử không phải chuyện tháu cáy (not a bluff). Trong khi tiếp đại sử Hoa Kỳ viếng thăm Hiroshima, Thủ Tướng Nhật Bản nói rằng nguy cơ chiến tranh nguyên tử ngày càng cao. Trong một cuộc phỏng vấn trên Đài CNN, phát ngôn viên của Tổng Thống Putin nói rằng có lý do phải dùng tới vũ khí nguyên tử để ngăn chặn Mỹ Mỹ và NATO can dự vào cuộc chiến Ukraina và khi an ninh của Nga bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó trong cuộc họp với NATO ở Brussels, Tổng Thống Joe Biden đã công bố kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chiến nguyên tử, tức đánh trả bằng nguyên tử.
Nhận định:
Trước đây trong hai lần điện đàm với Ô. Putin, Ô. Joe Biden không thèm lắng nghe thỉnh cầu gửi bằng công hàm ngoại giao của Nga tới Hoa Kỳ mà chỉ răn đe cấm vận nếu Nga không rút quân khỏi biên giới. Về phía mình, Nga cho rằng không thể đàm phán với Mỹ được nữa. Do đó vào ngày 24/2/2022 Nga tấn công Uraine. Từ đó tới nay, Ô. Biden trực tiếp lãnh đạo cuộc trừng phạt, liên tiếp họp với NATO viện trợ vũ khí tới tấp cho Ukraina, với ý định đánh gục Nga tại Ukraine mà đỉnh cao là những biện pháp cấm vận mới trong chuyến thăm Âu Châu và Ba Lan trong bốn ngày- giống như một cuộc thị sát chiến trường.
Việc Ô. Joe Biden tới Ba Lan cam kết bảo vệ từng tấc đất của nước này thực ra chỉ là tung hỏa mù và đánh lạc hướng mà thôi. Quân Nga đã tiến vào Ba Lan đâu? Chiến tranh còn ở Ukraina mà? Nga còn bị cầm chân ở Ukraina mà? Chừng nào Nga chiếm được Ukraina và tập trung khoảng 100,000 quân sát biên giới Ba Lan thì Ô. Joe Biden làm thế là đúng. Bây giờ còn quá sớm. Vả lại nhiều lần Nga tuyên bố không có ý xấu với các nước láng giềng mà chỉ muốn Ukraina trung lập để bảo đảm an ninh mà thôi. Nga đánh Ukraina đã chật vật rồi, ngu dại gì mà tấn công một nước trong NATO lúc này? Bộ muốn tự sát hả, ngoại trừ dùng vũ khí nguyên tử.
Ô. Joe Biden đem cả sức mạnh của nước Mỹ “đứng mũi chịu sào” cho Ukraina thực ra chỉ để lấy lại uy tín đã đổ vỡ sau khi tháo chạy hỗn loạn tại A Phú Hãn với hy vọng sẽ xóa đi hình ảnh xấu này khi tái tranh cử vào năm 2024. Nếu là nhà chiến lược, Ô. Joe Biden nên để Âu Châu và NATO cáng đáng chuyện này vì đây là chuyện của Âu Châu và ông cứ ngồi yên ở Tòa Bạch Ốc để vấn kế hay chị thị. Như thế đỡ nhọc mệt, đỡ tốn kém, đỡ nhức đầu và đỡ nguy hiểm cho Hoa Kỳ. Một khi Hoa Kỳ dính líu vào chuyện gì, dù là chuyện nhỏ, lập tức nó trở thành vấn đề toàn cầu. Không biết Ô. Joe Biden có hiểu như vậy không?
Kết thúc chuyến đi bốn ngày, Ô. Joe Biden kêu gọi gần như lật đổ Ô. Putin qua lời tuyên bố, “Theo ý chỉ của Thượng Đế, gã này không thể còn nắm quyền.” (For God's sake, this man cannot remain in power). Thế nhưng sau đó thấy lời nói mạnh quá và phản dân chủ, Tòa Bạch Ốc vội đính chính, “Tổng thống không có ý lật đổ Ô. Putin và số phận Ô. Putin do người dân bỏ phiếu quyết định” (Shortly after the speech, a White House official speaking on the condition of anonymity said Biden was not calling for Putin to be removed from office. Only Russians, who vote for their president, can decide that.) Rồi Ngoại Trưởng Tony Blinken cũng phải lên tiếng là Mỹ không có ý thay đổi chế độ ở Nga. Còn tổng thống Pháp Macron thấy tình hình không ổn nên khuyên rằng không nên gia tăng khẩu chiến (verbal escalation) vì ông vẫn còn đang tiếp xúc với Ô. Putin. Ông Macron cho rằng chúng ta cần ngưng bắn và quân Nga rút khỏi Ukraina thì không nên gia tăng lời nói và hành động. (He said he hoped to obtain a cease-fire and the withdrawal of Russian troops from Ukraine through diplomacy. If we want to do this, we mustn’t escalate,” he said, “neither with words nor with actions.)
Nếu Ô. Biden kêu gọi người dân hay quân đội Nga đứng lên lật đổ Ô. Putin thì ai đó kêu gọi quân đội Hoa Kỳ hay người dân biểu tình lật đổ tổng thống, quốc hội như những người ủng hộ Ô. Trump biểu tình xông vào trụ sở quốc hội ngày 6/1/2021 là hợp pháp, tại sao lại truy tố họ? Hiện nay Đảng Dân Chủ đang tố cáo Đảng Cộng Hòa là phản dân chủ và hủy hoại dân chủ, nay ông tổng thống của Đảng Dân Chủ lại kêu gọi một hành động phản dân chủ. Khi mình cường điệu và nói mạnh mà không làm được thì uy tín của mình đi xuống và tạo ra tình thế nguy hiểm không cần thiết. Mới đây báo chí đưa tin, hễ Ô. Joe Biden họp báo hay lên truyền hình nói gì thì bộ tham mưu ngồi ở Tòa Bạch Ốc thót tim, sợ không dám nghe vì ông nói ẩu và nói trước quên sau khiến bà Jen Psaki sau đó lại phải lại đính chính. It ra hai lần ông đã gọi Bà Kamala Harris là tổng thống.
Ngay sau lời tuyên bố của Ô. Joe Biden mà các bình luận gia khắp thế giới cho là thiếu chuẩn bị (off-the-cuff remarks) hay sai lầm (a gaffe), các nhà bình luận nói rằng Ô. Joe Biden sẽ không bao giờ còn có thể gọi điện thoại hay ngồi xuống thương thảo với Ô. Putin vì mình không thể ngồi đối thoại với kẻ mà mình chủ trương lật đổ. (Biden’s comment that Putin cannot remain in power “makes it almost impossible for the two leaders to speak,”
Ô. Joe Biden phải hiểu rằng để giải quyết vấn đề Ukraina chỉ có hai con đường: Đánh bại Ô. Putin hoặc thương thảo với Ô. Putin. Nếu không đánh bại được Ô. Putin hoặc Ô. Putin không chết thì phải làm sao đây?
Sau hơn một tháng cấm vận khủng khiếp, tổn thất lớn lao tại Ukraina mà nước Nga chưa xụp đổ, Ô. Putin chưa chết mà còn hăm dọa đùng vũ khí nguyên tử. Theo các nhà bình luận, lời tuyên bố của Ô. Joe Biden khiến Ô. Putin chỉ còn con đường lao tới và không thế rút lui khiến tình hình mỗi lúc mỗi nguy hiểm hơn. Cũng theo các nhà bình luận, lời tuyên bố của Ô. Biden khiến cho Moscow có thể nói với dân chúng rằng Hoa Kỳ không phải chỉ giúp đỡ Ukraina mà mục tiêu chính là muốn triệt hạ chính quyền Nga. (But Moscow could use them to argue to Russians that America’s real goal is not helping Ukraine but undermining the Russian government.)
Lời tuyên bố của Ô. Joe Biden đã làm cho một số lãnh tụ Tây Phương lo ngại vì họ sợ Hoa Kỳ chỉ làm theo ý Hoa Kỳ cho nên bộ tham mưu của Ô. Biden lại phải vội vã trấn an rằng mọi bước đối phó với Nga đều phải tham khảo với đồng minh. Thế mới hay “Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”.
Theo ý kiến riêng của tôi, nếu cuộc chiến Ukraina kéo dài, lạm phát phi mã, giá cả leo thang, tiền của, vũ khí liên tiếp đổ vào Ukraina, dân chúng Hoa Kỳ sẽ chán nản rồi đổ lỗi cho Ô. Biden. Lúc đó Ô. Trump hay Ô. Mike Pence có rất nhiều cơ hội vào Tòa Bạch Ốc. Nếu khôn ngoan, Ô. Joe Biden nên vừa hỗ trợ cho Ukraina vừa mưu tìm một giải pháp hòa bình hơn là chiến thắng.
Khi bị đưa ra quốc hội luận tội vì đã đầu hàng tại Điện Biên Phủ, tướng de Castries nói rằng “Người ta có thể thắng một trận chiến nhưng không thể thắng một dân tộc”. Đúng vậy, Mỹ có thể thua ở Việt Nam và A Phú Hãn nhưng không một ai có thể thắng được dân tộc Mỹ. Cũng vậy, Nga có thể thua ở Ukraina, nhưng không một ai có thể thắng được dân tộc Nga.
Đào Văn Bình
(California ngày 28/3/2022)
Đăng ngày 11 tháng 04.2022