Chuyện xứ Vệ
Mai Thị Mùi
• “Đàng Ngoài” phải leo lên khỏi miệng giếng…
Tại sao câu chuyện phân biệt vùng miền không bao giờ đi đến hồi kết? Vì người Bắc không bao giờ leo lên khỏi miệng cái giếng mà CS đã nhốt họ gần 100 năm nay.
Ngày còn bé tôi thường nghe mấy cô mấy bà Bắc kỳ chê phụ nữ miền Nam vụng về, lười biếng. Ngày ấy chẳng hiểu sao cứ có cuộc hôn nhân nào trai Bắc gái Nam là mấy bà mấy cô xầm xì, nhiếc móc, chê bai, miệt thị đủ kiểu. Mấy cô ít lời thì “Hết người để lấy đi lấy ngay con đĩ miền Nam”. Mấy bà mất gà thì “ Tổ tông nhà này mất phúc hay sao để nó rước ngay con đàn bà chỉ biết nằm ngửa về họ nhà này”. Thím nào có nhẹ lời lắm cũng kết một câu “Khổ cái con này nó người Nam”.
Rồi tôi gặp rất nhiều phụ nữ miền Nam. Họ cũng lau nhà, cũng nấu cơm, giặt quần áo, chăm con. Giỗ chạp nhà chồng nếu là dâu trưởng họ cũng đứng ra chợ búa, nấu đồ cúng, đãi khách, dọn bàn. Đi họp phụ huynh cho con có cả cha lẫn mẹ chứ không như phụ nữ nông thôn miền Bắc phó thác hết cho chồng hoặc bị tiếm quyền, mọi việc cắt đặt trong nhà đều do đàn ông.
Nếu ai đã ăn bánh xèo và tìm hiểu cách làm mới biết nó kỳ công đến nhường nào, ngâm gạo, xay bột (thời xưa phải xay bằng cối đá), chuẩn bị tôm, thịt, đậu xanh, giá, rau sống, rau thơm, làm đồ chua từ củ cải và cà rốt bào sợi, pha nước mắm. Tráng bánh sao cho giòn mà không khô, rìa bánh giòn nhưng ruột bánh còn vị béo của bột. Mặt ngoài của bánh có thể hơi xém nhưng bên trong con tôm, miếng thịt, giá và đậu xanh vẫn giữ được nguyên vị. Vụng về và lười biếng sao có thể làm được bánh xèo?
Nồi chè của người Bắc chỉ có đậu và đường. Người Nam họ nấu chè mệt lắm. Trèo lên hái trái dừa khô, tước vỏ ngoài, bổ đôi sọ dừa ra dùng bàn nạo nạo phần cơm dừa rồi lại mang đi vắt nước cốt. Nước dão bỏ vào nấu trước cho thấm với đậu. Nước cốt đặc lúc ăn bỏ vào sau. Nồi chè của họ thơm thơm mùi lá dứa, béo béo vị cốt dừa, hạt đậu mềm nhừ. Lười biếng, vụng về sao dám nấu chè?
Các bạn miền Bắc dùng internet, Google , Facebook để làm gì? Khi chưa có Facebook tôi cũng bị các bà mất gà nhồi sọ rằng đàn bà miền Nam chỉ biết ăn chơi, không biết làm. Đúng! Khi nhà tôi vào đây 1985 tôi thấy rất nhiều phụ nữ móng tay sơn đỏ chót, gương mặt trang điểm cầu kỳ, váy áo thướt tha. Khi ấy nhiều nhà còn ăn khoai độn nhưng họ vẫn phong lưu, đài các, mùi nước hoa thơm phức cả một bán kính mấy mét. Và mấy chục năm trời tôi cũng vẫn đinh ninh phụ nữ miền Nam là loại hư hỏng, biếng nhác. Ở đâu ra loại phụ nữ ấy? Facebbook nói cho tôi biết họ là vợ, là mẹ, là con của những tên lính Ngụy ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc Mỹ đó. Một ông đi lính cả nhà ngồi ăn theo. Một ông bố làm nuôi được cả nhà thì việc gì phụ nữ phải lam lũ, phải tằn tiện, chắt mót. Rồi một ngày xấu trời, thời thế đảo điên, họ mới thành loại đàn bà vụng về, lười biếng trên cửa miệng quý bà phe thắng cuộc.
Người miền Nam tồ toẹt, ngu ngốc, sống ngày nay không biết ngày mai, ăn tiêu bạt mạng. Vì sao vậy? Vùng đất của họ có bao giờ mất mùa mà họ phải dành dụm. Buồn buồn vác cái lờ ra sông là cả xóm chiều hôm đó có cá kho tộ, canh chua, cá nướng trui. Cây trái trong vườn có bao giờ bán vì nhà ai cũng đầy vườn. Lúa mùa tiếp mùa có bao giờ đói mà phải ăn dè. Lâu dần hình thành cái tính vô lo. Bởi có thiếu đói bao giờ mà phải lo. Tồ toẹt là vì chẳng ai lừa ai việc gì phải phòng hờ. Ngu ngốc là vì họ nghĩ ai cũng thật bụng như họ. Điều kiện sống hình thành nên tính cách. Huế là đất vua chúa nên phụ nữ đằm thắm, ý tứ, e ấp, đàn ông thì kiểu cách, gia trưởng, và có truyền thống ham học. Khúc Năm Eo chó ăn đá gà ăn sỏi thì người ta căn cơ, cần kiệm. Bắc bộ mưa lũ thiên tai, mất mùa triền miên hình thành cái tính ăn bữa nay lo bữa mai, cái ăn chưa đủ nhưng nhà phải thật kiên cố. Có kiên cố thì mới chịu nổi gió cấp 11-12. Làm một mùa đói 3 mùa thì phải ăn dè uống sẻn. Phải hiểu như vậy mà bớt cái miệng miệt thị lại.
Gái miền Tây giờ trôi sông, lạc chợ, bán bia ôm, làm đĩ, ở đợ, lấy Hàn Quốc, Đài Loan là có thật. Trai miền Tây thất học đi làm culi, cửu vạn, thợ hồ cũng là có thật. Dân miền Tây trai gái uống rượu như điên cũng là có thật. Nhưng trước 1975 đất miền Tây có như vậy không? Bạn có biết Cần Thơ đã từng một thời là Tây Đô không? Chính sách, chủ trương, đường lối nào đã bần cùng hóa một vùng gạo trắng nước trong? Tại sao những con đường kết nối vựa lúa của cả nước với các tỉnh vừa bằng cái dạng háng nhưng các con đường ra biên giới với thằng bạn vàng 4 tốt lại thênh thang rộng mở? Các bạn dùng internet, Google, facebook để làm gì? Chắc không chỉ để xem phim s.e.x và mua hàng online đó chứ?
Và làm ơn bớt bớt cái sự thượng đẳng, cao quý của mình lại. Tôi đố bố nào vác cái nồi phở toàn mì chính vào miền Nam mà trụ được tôi đi bằng tứ chi. Người Nam họ nêm đường vào nước lèo. Vậy thì cứ bỏ vài thìa đường vào mà bán cho khỏe thôi. Chứ đừng giương cổ lên mì chính mới là tinh túy, tinh hoa. Người ta ăn cà pháo muối dầm ớt, tỏi, riềng có thêm mấy con tôm chua thì đó là kiểu ăn của người ta. Còn mình ăn vài quả nén cà với tí nước muối cũng đừng vội vênh mặt ăn vậy mới là tinh tế. Bắc có bún dọc mùng Nam có bún nước lèo. Bắc có bún thang Nam có bún mắm. Bắc ăn mẻ Nam ăn me. Bắc ăn dấm Nam ăn chanh. Vạn sự chỉ là sự khác biệt. Xin nhắc lại đó là sự KHÁC BIỆT. Nó cũng như Tây mũi lõ Việt mũi tẹt, Tây da trắng Việt da vàng vậy đó. Căn cứ vào cái gì tự nâng tầm mình lên rồi đạp người ta xuống thành hạ đẳng? Kệch cỡm lắm, buồn cười lắm, trẻ con lắm, thiếu hiểu biết lắm ấy ơi.
Người Sài Gòn giờ ra sao? Người Sài Gòn sau phỏng giái chết ở vùng kinh tế mới, chết trong tù, chết trên biển một mớ. Một mớ giờ tứ tán khắp các quốc gia. Mớ còn lại ở Sài Gòn. Xin thưa 2 cái mớ còn sống đó người ta không có đói đâu ạ. Cái mớ ở lại thì cũng thuộc thành phần cự phách tiền ăn 3 đời chưa hết. Mà có hết thì cái mớ tứ tán lại bơm về cho nên chữ “đói” không bao giờ có trong tự điển của bọn người Sài Gòn đâu.
Người đói mà các chúng ông, chúng bà thấy là những người Ở SÀI GÒN. Làm ơn phân biệt người Sài Gòn và người Ở Sài Gòn. Người Ở Sài Gòn là những người nhập cư từ mọi miền đất nước. Cứ tự hỏi sao dịch bùng ở SG chỉ thấy người ta túa về các tỉnh mà Hà Nội có dịch thì chả thấy ai chạy ngược vào Nam là đủ hiểu. Người Sài Gòn là những người từ đầu mùa dịch đến nay đổ cơm đổ gạo ra cho người Ở Sài Gòn giữ lấy mạng sống hai tháng nay đó ạ. Còn, nói xin lỗi, người Sài Gòn nó có đói cái cc nó. Nếu dân SG đói thực sự chắc mấy bữa nay đâu cần ùn ùn kéo quân vào đâu ha. Ở đời có câu mạnh vì gạo bạo vì tiền. Đối phó với thằng nhà nghèo dễ lắm. Gặp thằng có tiền là mệt à! Vì mệt nên phải xài tới bạo lực đó các chúng ông thượng đẳng.
Bớt coi phim s.e.x và mua hàng online lại. Chịu khó đọc nhiều, đặt câu hỏi và suy nghĩ tìm cách nhảy ra khỏi miệng giếng. Chứ ở dưới đó hoài cứ thủ dâm ngôi vị thượng đẳng của mình miết không chán sao?
Bà giáo Mai Thị Mùi
https://mehangcuugiup.tv/?p=18883
Bài viết nhân ngày 20/11
Mai Thị Mùi
Không có một đất nước nào mà lại lắm ngày truyền thống như nước ta. Ban bệ, ngành nghề nào cũng có ngày riêng, quân đội, công an, luật sư, nhà giáo, nhà báo, nhà may, nhà thổ..Tất tật phải cố đặt ra một ngày nào đó để tự tôn và được tôn vinh. Ngày nhà giáo VN có lẽ là ngày dễ nhớ nhất vì ai trong đời cũng là học sinh, không thì cũng là phụ huynh để PHẢI nhớ mà cúng cô hồn cho yên thân cả cha mẹ lẫn con cái.
Tôi hỏi quý vị đồng nghiệp, quý vị hãnh diện và hân hoan chào đón cái ngày này để làm gì? Một năm 365 ngày, được “tôn vinh” một ngày rồi cả xã hội phỉ nhổ 364 ngày có đáng không quý vị? Tôi nhìn quý vị xúng xính váy áo, ôm những bó hoa mua bằng máu và nước mắt của phụ huynh nghèo, quý vị nghiêng vai nghiêng cổ cho ra những pô hình để up phây, rồi sau đó ngồi vào những mâm cỗ từ quỹ “tự nguyện” đóng góp của PHHS mà tôi thấy như ăn phải miếng thịt ôi, chỉ chực nôn ra cho bằng sạch.
Một đất nước không cần có ngày Người Cao Tuổi, chỉ cần ở đất nước ấy người già không phải đi bán vé số, nhặt ve chai, xin ăn hay bươi rác.
Một đất nước không cần ngày Trẻ Em, miễn là đừng có trẻ em bị ấu dâm, trẻ bỏ học đi kiếm sống, trẻ bị bạo hành, trẻ bị lạm dụng.
Một đất nước văn minh không cần có ngày Phụ Nữ, chỉ cần họ không bị bạo hành, phân biệt đối xử.
Một đất nước không nên có các bà mẹ Anh Hùng, ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Chúng mày có thương mẹ thì để mẹ sống yên bình bên các con mẹ. Chứ chúng mày tạo chiến tranh rồi bắt con mẹ lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, phi nhân làm gì. Để rồi con mẹ mất, mẹ sống với nỗi đau thắt ruột rồi chúng mày cấp cho cho mẹ cái bằng mẹ VNAH, mỗi dịp kỉ niệm ngày cướp chính quyền thì chúng mày lại đem mét rưỡi vải đỏ với cái hình thằng diệt chủng đến dí vào tay mẹ. Phụ nữ không cần anh hùng, phụ nữ chỉ cần cuộc sống an nhiên với chồng, với con thôi. Chúng mày không tạo ra chiến tranh tức là công đức vô lượng rồi.
Một người thầy cũng không cần đến ngày tôn vinh nhà giáo. Chỉ cần cái ngành giáo dục trả lương cho họ đủ sống để họ không phải bắt học sinh đi học thêm, chỉ cần họ không dí học sinh đóng tiền học, chỉ cần họ không hối phụ huynh đóng quỹ lớp, chỉ cần họ không “vận động” phụ huynh đưa con đi chích VAC, họ chỉ cần chuyên tâm vào công việc chuyên môn thì tự khắc cả xã hội kính trọng họ, kính trọng từ ngày này sang tháng khác, từ năm này qua năm nọ, từ đời này đến đời kia. Chứ đâu chỉ có 1 ngày hoa trái, quà cáp, phong bì, hộp nơ, rồi những tháng còn lại trong năm nhìn nhau theo mối quan hệ mua bán con chữ, kinh doanh tri thức.
Quý vị hiểu mình cần phải làm gì rồi chứ? Muốn người khác tôn trọng trước hết mình phải có tự trọng. Lòng tự trọng từ đâu mà có? Tự trọng là không đủ tri thức không đứng trên bục giảng, tự trọng là thấy nghề giáo không đủ sống mạnh dạn bước ra khỏi ngành chứ không phải cào cấu phụ huynh cho đầy hũ gạo nhà mình, tự trọng là thấy sai trái, bất công phải lên tiếng chứ không hùa theo lũ lãnh đạo bóp cổ PH và HS, tự trọng là bị cử đi làm “nhiệm vụ chính trị” phải biết phản đối, tự trọng là thấy trường lạm thu phải đứng về phía phụ huynh, tự trọng là không câm lặng nghe và làm theo những điều dối trá, sai quấy của cấp trên cốt để yên thân, vững ghế.
Chỉ cần quý vị làm được những điều trên, mỗi năm xã hội sẽ tôn vinh quý vị đủ 365 ngày với sự yêu kính chân thành, không phải bằng những tấm thiệp ghi những câu hoa mỹ do bố mẹ chúng nó mồi có kẹp mấy tờ bạc, những bó hoa tươi mua bằng những đoạn ruột héo, những cái hộp đựng vài mảnh vải áo dài, những coupon, những chai dầu thơm, sữa tắm...mà chỉ cần thêm nén nhang, nắm muối, nắm gạo là đủ bộ cúng mùng 2, 16 mỗi tháng.
Bà giáo Mai Thị Mùi
Toàn láo cả!
Đỗ Hồng Ngọc
Không biết lịch sử ghi lại các triều đại phong kiến đúng sai như thế nào, cũng chẳng có cách nào để kiểm chứng. Thế nhưng, thời đại ta đang sống hoá ra toàn láo cả. Rồi lịch sử thời hiện đại sẽ viết sao đây ?
Thằng doanh nhân bán đồ giả làm giàu, cứ tưởng nó giỏi, hoá ra chẳng phải thế. Nó chỉ là kẻ “Treo dê bán chó”, mua 30.000 bán 600.000 không giàu sao được, thế rồi lúc giàu lên, hàng ngày lên mạng truyền thông dạy đạo đức, dạy bí quyết, dạy cách cư xử.
Kẻ thì đem hoá chất trộn vào thức uống, khiến người ta nghiện chất độc, tạo thành thói quen nguy hiểm cho người dùng. Thế rồi khi có nhiều tiền, anh ta in sách dạy người ta tư duy, dạy cho tuổi trẻ cách sống. Nuôi đội ngũ nhà văn nhà báo tung hô mình như thánh sống, tuyên bố như đấng khải đạo.
Một ông chuyên làm thép, nghĩ toàn chuyện xây dựng những công trình có hại cho dân, nhưng lúc nào cũng mặc áo lam, đeo tràng hạt, nói toàn chuyện Phật pháp.
Một tập đoàn làm nước mắm giả, toàn hoá chất, bỏ biết bao tiền để quảng cáo lừa dân, bỏ tiền đầy túi. Một tập đoàn khác mua hoá chất quá hạn để sản xuất nước uống, lừa những kẻ phát hiện sai sót của sản phẩm mình để đưa họ vào tù, lại chuyên nói lời có cánh..... Kẻ buôn gian bán lận lại dạy cho xã hội đạo đức làm người.
Thời đại đảo lộn tất ! Hài thế, mà vẫn không thiếu kẻ tôn sùng, xem các ông ấy như tấm gương sáng để noi theo. Khi vỡ lở ra, chúng toàn là kẻ nói láo. Tất cả đều chỉ tìm cách lừa đảo nhau.
Toàn xã hội rặt kẻ nói láo, ca sĩ nói láo theo kiểu ca sĩ, đạo diễn nói láo theo kiểu đạo diễn, diễn viên nói láo theo kiểu diễn viên. Ừ thì họ làm nghề diễn, chuyên diễn nên láo quen thành nếp, lúc nào cũng láo. Thế nhưng có những kẻ chẳng làm nghề diễn vẫn luôn mồm nói láo.
Thi gì cũng láo, từ chuyện thi hát đến thi hoa hậu, chỉ là một sắp đặt láo cả... Ngay chuyện từ thiện cũng rặt chi tiết láo để mua nước mắt mọi người. Cứ có chuyện là loanh quanh láo khoét. Kẻ buôn lớn láo, kẻ bán hàng rong ở bên đường cũng lừa đảo, láo liên tục. Mỗi ngày mở truyền hình toàn nghe nói láo từ tin tức cho đến quảng cáo, rặt láo. Nhưng cả nước đều hàng ngày nghe láo mà chẳng phản ứng gì lại cứ dán mắt mà xem.
Thằng đi buôn nói láo đã đành, vì họ lừa lọc để kiếm lời. Thế mà cô hiệu trưởng nhà trẻ, anh hiệu trưởng trường cấp ba, ông hiệu trưởng trường đại học cũng chuyên nói láo. Thực phẩm cho các cháu có giòi, cô hiệu trưởng chối quanh... Các cháu học sinh đánh nhau như du côn, làm tình với nhau trong nhà trường, anh hiệu trưởng bảo là không phải, tảng bê tông rớt chết sinh viên, ông hiệu trưởng bảo là tự tử. Thế rồi tất cả đều chìm, đều im im ỉm. Người ta đồn tiền hàng đống đã lót tay bộ phận chức năng để rồi để lâu cứt trâu hoá bùn.
Mấy ngài lãnh đạo lại càng nói láo tợn Chỉ kể vài chuyện gần đây thôi, chứ kể mấy sếp nhà ta phát biểu láo thì thành truyện dài nhiều tập. Từ chuyện quốc gia đại sự cho đến chuyện hưng vong của tổ quốc, toàn chuyện quan trọng đến vận mệnh quốc gia thế nhưng dân toàn nghe láo. Kẻ thù mang tham vọng, âm mưu để biến nước ta thành chư hầu, chuyện này rõ như ban ngày, ai cũng thấy, ai cũng hiểu, thế mà các quan toàn nói tào lao, láo lếu.
Đến chuyện Formosa, khi biển nhiễm độc, cá chết, các quan bày lắm trò láo để mị dân, lấp liếm tội ác của thủ phạm, tuyên bố, họp báo, trình diễn ăn hải sản, ở trần tắm biển... tất cả đều rặt láo.
Đến chuyện BOT với các trạm đặt không đúng chỗ cho đến mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, các quan ở Bộ Giao thông lại được dịp nói láo, tuyên bố rùm beng để bênh vực những tập đoàn và cá nhân vi phạm.
Khi vụ thuốc giả của VN Pharma nổ ra, cả một hệ thống truyền thông của Bộ Y tế kể cả các quan chức cấp bộ đều tuyên bố láo, tìm mọi cách che dấu tội ác của những tên buôn thuốc giả.
·
Rừng Sơn Trà quý hiếm, các ông vì tư lợi cá nhân, ra lệnh xây cất, chấp nhận nhiều dự án khai thác, các nhà chuyên môn, nhân dân phản ứng dữ quá,các ông bắt đầu chiến dịch nói láo, chạy quanh tìm kế hoãn binh.
Đến chuyện cá nhân của các quan thì lại càng nói láo tợn... Ông Bí thư xây biệt phủ như cung điện của vua chúa ở xứ nghèo phải sống nhờ trợ cấp của chính phủ cho đến ông Giám đốc môi trường xây dinh thự mênh mông ở xứ lắm rừng, rồi đến ông lãnh đạo ngành ngân hàng với những dãy nhà hoành tráng trên miếng đất hàng ngàn thước vuông. Tất cả đều cho rằng do sức lao động cật lực mà có. Kẻ thì do nuôi gà, trồng cây, anh thì bảo chạy xe ôm đến hốc cả người, người thì nhờ bán chổi, trồng rau, kẻ khác thì bảo nhờ tiền của con dù con chẳng làm gì ra tiền và có đứa thì mới mười chín tuổi.
Lương thì chẳng bao nhiêu mà quan nào cũng vi la trong và ngoài nước, nhà nghỉ trên núi, nhà mát dưới biển, lâu đài, nhà to ở nước ngoài. Con cái ăn chơi như các công tử, tiểu thư quý tộc. Các bà vợ thì như các mệnh phụ, chỉ xài đồ dùng hải ngoại, đi shopping các malls lớn ở nước ngoài như đi chợ... Thế nhưng các ngài luôn phát biểu yêu dân, thương nước, yêu tổ quốc, đồng bào, và luôn nhắc nhở đất nước còn nghèo phải học tập ông này, cụ nọ để có đạo đức sáng ngời.
Các lãnh đạo xem rừng như sân nhà mình, phá nát không còn gì.. Một cây có đường kính 1m phải mất trăm năm mới hình thành, lâm tặc chỉ cần 15 phút để đốn hạ. Hàng trăm chiếc xe chạy từ rừng chở hàng mét khối gỗ chỉ cần đóng cho kiểm lâm 400.000 đồng một chiếc là qua trạm. Rừng không nát mới lạ. Khi rừng không còn, lệnh đóng rừng ban ra, các lãnh đạo địa phương toàn báo cáo láo với chính phủ và có nơi tìm cách tiếp tục vét cú chót bằng cách làm trắng những cánh rừng còn lại..
Rừng bị tận diệt vì nạn phá rừng, rừng còn bị huỷ diệt bởi những dự án thuỷ điện. Tất cả đều có sự tiếp tay của các quan và ban ngành chức năng của địa phương. Rừng không còn, lũ về gây tang thương chết chóc, đê vỡ khiến nhà cửa tài sản trôi theo dòng nước, các quan cho là xả lũ đúng quy trình.
Bão chưa tới, lũ chưa về, các quan tỉnh đã ngồi với nhau viết báo cáo thiệt hại để xin trợ cấp. Một anh từng là Tổng biên tập tờ báo lớn, sau khi thu vén được hàng triệu đô la bèn đưa hết vợ con qua Mỹ, sắm nhà to, xe đẹp còn anh thì qua lại hai nước, lâu lâu viết bài biểu diễn lòng yêu nước thương dân, trăn trở với tiền đồ tổ quốc, khóc than cho dân nghèo, kinh tế chậm lớn, đảng lao đao…
Còn biết bao chuyện láo không kể xiết : Ngay cả thầy tu, các bậc tu hành cũng làm trò láo để quảng cáo chùa của mình, để thêm nhiều khách cúng bái, để thùng phước sương thêm đầy, để nhà thờ của mình thêm tín hữu. Chúa, Phật đành bỏ ngôi cao mà đi khi thấy những kẻ đại diện mình đến với mọi người bằng những điều xảo trá.
Chúng ta đang ở một thời đại láo toàn tập, láo từ trung ương đến địa phương, láo từ tập đoàn cho đến công ty, láo từ một tổ chức cho đến cá nhân. Láo mọi ngành nghề, láo toàn xã hội. Tất cả đều bị đồng tiền sai khiến, bị danh lợi bám quanh. Hơn nữa vì sự thật bi đát quá, đành láo để khoả lấp, hi vọng sẽ an dân. Nhưng thời đại bùng nổ thông tin, dân biết hết nên chuyện láo trở thành trơ trẽn.
Nghe láo quen, chúng ta lại tự láo với nhau và chuyện láo trở thành bình thường, láo để tồn tại, để phấn đấu, để thêm lợi thêm danh, và rồi láo đã trở thành một nếp sống.
Trẻ con học người lớn nói láo rồi tiếp tục những thế hệ nói láo. Ở nhà trường nghe cô thày nói láo, ra đời nghe thiên hạ nói láo, về nhà lại được nghe nói láo từ cha mẹ, mở máy nghe, nhìn cũng rặt điều láo.
Một nền văn hoá láo đã nẩy sinh và phát triển.
Hỏi sao trẻ con không láo và tương lai lại tiếp tục láo. Nghĩ cũng buồn !
Ngày cuối tháng 10.2017
Bs Đỗ hong Ngọc.yksg 69
Trăm nghìn nhánh khổ
Vũ Thế Thành
Sau 1975, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Lịch sử thuộc về người chiến thắng. Chân lý cũng thuộc về người chiến thắng luôn. Đánh thắng cả 3 tên đế quốc đầu sỏ, sao lại không đúng?
Cái gì không có nội dung, mới cần tới hình thức là thế. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước ra nông nỗi thế này, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.
Các quán nhậu vỉa hè dọc kênh Nhiêu Lộc dạo này nhiều người hát rong, cũng ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm,… Họ chỉ hát toàn nhạc xưa, nhạc sến, với điệu rumba, bolero nghe tưởng như đồng hồ đếm ngược.
Lần trước về Sàigòn, tôi đã ngồi quán vỉa hè, nghe những bài ca vỉa hè như thế… Lặng cả người, “…Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao nhau trọn lời…”.
Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng tư 1975, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để “đối phó” với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường.
Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sàigòn - Đà Lạt. Có khi Hà bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết.
Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, “Xứ này không ăn dơ như thế”.
Cũng có người đi làm nail, tiền tươi thóc thật, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con, hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt.
Tiền gửi về nhà, người thân trong nước tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng, không mua bảo hiểm y tế.
Nhưng cũng có người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh nơi xứ người. Nhưng cho dù thế nào nơi xứ người, vẫn còn ít nhiều cơ hội, có chịu nắm hay không mà thôi. Trong nước thì coi như bế tắc.
Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm 5- 7 học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ... bãi gửi xe.
Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Đất nước này không dung những tiềm năng như em…
Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị. Sao lại có thể xây dựng đất nước bởi những con người bằng thiệt học giả? Những năm sau 1975, đói khổ và ê chề thấy rõ. Giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, buôn hàng lạc xon,… Lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô la,…
Năm 1978, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, qúy phái, không quá 30, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê 2 bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: “Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi 2 bao than này xuống”. Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C. V. Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Gheorghiu đã mô tả đôi mắt của bà cũng buồn và nhẫn nhục như thế.
Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu - Trương Minh Giảng, ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, “Cho trẫm điếu thuốc”. Hoàng thượng đã chiếu cố xin thuốc dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc và cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, “Cho lui…”. Lui rồi, ngoái cổ lại, thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.
Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi, sau 1975 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ?
Mà Sài Gòn lúc đó sao lắm người điên thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự lắm, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre,…
Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng 1,5 kg kèm bức thư ngắn: “Gửi mày mấy hộp thuốc tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó”. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại quá phũ phàng?
Ngẫm lại, một nhà chính trị tài giỏi là người có thể đưa đất nước tới mục tiêu mà ít đổ máu nhất, chứ đâu cần phải đốt cả dãy Trường Sơn, đánh tới người cuối cùng. Mạng người quá bèo. Bèo thì cũng đành, nhưng hệ lụy cho người còn sống, cha mẹ vợ con họ mới là nỗi đau gặm nhấm cả đời.
Cả đất nước sống bằng khẩu hiệu, đất nước ta dân chủ gấp vạn lần,… Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?
Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ, có khi chẳng mua được thứ gì.
Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ,… quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.
Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo.
Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, “Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con”. Não lòng đến thế là cùng! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên, bà này chắc có căn phần phúc đức.
Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong... Thánh.
Tháng tư năm nay, Sàigòn nóng khủng khiếp. Sàigòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.
Đà Lạt 8 giờ tối đã như 12 giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà như kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm.
Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân. Cuối tháng tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sàigòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này của kẻ buồn, không nói cho thế hệ sau biết những buồn bã sau 1975 là như thế đó, lòng dạ nào yên?
Năm 1975 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù có ở phương trời nào, tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn cuộc đời rồi?
Tháng tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu “…Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…” (*)
Vũ Thế Thành
(*) Lời ca trong bản tình ca "Xin thời gian qua mau" của Lam Phương. (Người đăng bài thêm chú thích nầy)
Hội thi kể chuyện Bác Hù
Hôm nay thằng con trai hắn đi học về, khoe được nhà trường cấp giấy khen vì đoạt giải nhất trong hội thi kể chuyện về bác. Hắn ngạc nhiên lắm, con hắn bé bằng tí, mới học lớp 4, biết gì về bác mà kể . Nhưng thằng bé nói : Con chỉ toàn bịa thôi, vậy mà ai cũng vỗ tay, nhất là cô giáo chủ nhiệm. Còn cô hiệu trưởng thì cho các bạn Cờ Đỏ đi kiểm soát xem bạn nào không vỗ tay thì tát vào mặt hay ghi tên vào sổ. Hắn hỏi : Con kể thế nào mà đoạt giải nhất. Nó bảo : Các bạn khác thì kể toàn mấy chuyện đã học trong sách, ai cũng biết rồi. Còn con tự bịa ra chuyện không có, cho nên ai cũng thích. Con kể thế này :
- Bác hồ rất siêng năng tập thể thao. Hồi ở hang Pác Bó, ngày nào bác cũng chui ra khỏi hang để tập. Chỉ trừ ngày mưa là bác không tập thôi, vì bác sợ sét đánh. Nhờ bác tập thể thao đều đặn, nên ngực bác có 6 múi. Sau này vì bận việc nước, bác bỏ không tập nữa, nên giờ ngực bác chả còn múi nào...
- Bác hồ rất yêu cá cảnh. Tại nhà sàn của bác có xây một cái ao nuôi cá. Hàng ngày dù bận trăm công ngàn việc nhưng bác vẫn tự tay cho cá ăn. Trước khi cho ăn, bác chắt lưỡi kêu chóc chóc chóc, đàn cá bu lại, bác mới nhẹ nhàng rải thức ăn xuống cho cá. Bác bảo : Cá cũng như phụ nữ khó tính, khi cho ăn phải nhẹ nhàng, không được đổ nguyên cái xô thức ăn xuống, làm cá sợ, cá ăn không ngon miệng. Do đó đàn cá rất yêu kính bác. Sau này khi bác mất, người khác lãnh trách nhiệm cho cá ăn cũng chắt lưỡi kêu chóc chóc chóc, nhưng đàn cá nhận ra không phải tiếng của bác, nên chúng buồn bã bỏ ăn, mấy ngày sau thì nổi lên vì chết đói, khiến cho hôm đó các đồng chí phục vụ tại nhà sàn được một bữa no nê.
- Hồi còn làm chủ tịch nước, bác vẫn cải trang để đi thăm dân cho biết sự tình. Một hôm, bác vô chợ Đồng Xuân giả làm người đi chợ mua thịt heo. Thấy bà hàng thịt bán quá giá niêm yết, bác mới nhẹ nhàng hỏi sao bán mắc thế. Bà hàng thịt vì không biết là bác nên mới chửi thề, lấy giấy và hộp quẹt ra đốt phông lông, vừa đốt vừa chửi : Mới mở hàng đã có cô hồn tới ám, muốn mua rẻ thì lên ti vi mà mua.
Con còn định kể thêm mấy chuyện nữa thì cô Hiệu Trưởng chạy ra bảo : Thôi được rồi. Em được hạng nhất rồi, em đừng kể nữa, cô hồi hộp lắm....
Hắn xoa đầu khen con hắn giỏi lắm. Nhưng vợ hắn đang ngồi may gia công gần đó quắc mắt lên : Con nó nói điêu vậy mà anh khen. Khen thế quá giết nó. Trẻ con như tờ giấy trắng mà anh lại đi khuyến khích trẻ thói điêu ngoa. Làm thế chúng sẽ quen dần đi với sự dối trá, lớn lên sao trở thành người lương thiện ? Hắn cãi : Trong sách giáo khoa dạy cho con nít còn nhiều chuyện bịa trắng trợn hơn nữa, sao em không nói ? Ai đời trời lạnh lại đi hơ cục gạch cho nóng lên rồi ôm ngủ, nó phỏng cả buồi, cả giái ra ấy chứ. Rồi có thằng già tiến sĩ nào đó còn lên ti vi thuyết giảng là bác hồ biết 29 thứ tiếng. Chúng nó nói láo về bác như thế mà có đứa nào dám phản đối đâu. Mấy thằng người lớn ngồi nghe cũng thế, biết là sạo, nhưng vẫn giả bộ chăm chú nghe, giả bộ vỗ tay, giả bộ tin là thật. Hỏi em xã hội như thế, đứa nào cũng gù, em bắt con em phải thẳng lưng, thành ra nó bị khuyết tật từ năm lớp 4 à ? Vợ hắn đốp lại : Như em lúc đi dạy, không chịu gù theo, cứ thẳng lưng, bị đuổi việc có sao đâu. Em vẫn sống và bây giờ vẫn hài lòng với sự “khuyết tật” của mình để được làm người tử tế.
Biết là cãi không lại vợ, hắn bỏ vào phòng. Nằm một hồi hết tức, hắn nhớ lại lời thằng con kể chuyện mà cười rinh rích, nhất là đoạn bác chỉ cách cho cá ăn. Làm sao mà bác biết trước được mấy chục năm sau sẽ có một con mụ chủ tịch quốc hội nóng nảy, khi cho đàn cá của bác ăn, đã quăng nguyên cái xô thức ăn xuống nước, khiến cho ít nhất 2 con cá bị tử vong do chấn thương sọ não. Không lẽ đây lại là một truyền thuyết về tài tiên đoán của bác, để có thể bổ sung thêm vào cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện“ do thằng tác giả mất dạy nào đó đã cả gan bịa ra những chuyện không có, rồi gán ghép cho bác hồ hơi bị kính yêu của chúng ta.
Loc Duong
Đăng ngày 02 tháng 12.2022