banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một chút trải lòng

Nguyễn Tuấn

Sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật và dân chủ (như Úc này) thiệt là một ‘privilege’.

Thỉnh thoảng, một số bạn của tôi ở Việt Nam (và cả ở nước ngoài) hỏi rằng mai kia mốt nọ khi nghỉ hưu tôi có về Việt Nam sống không. Tôi có khi cũng nghĩ đến câu hỏi này, và lần nào thì câu trả lời đều là KHÔNG. Có lẽ cuộc sống ở đây khổ cực, nhưng tôi đã quen với cực khổ rồi, và đã nhận đây là quê hương thứ hai rồi.
Có lẽ các bạn ngạc nhiên hỏi: Ủa, cuộc sống ở Úc cực khổ à? Thì, tôi nói như vậy là theo một nhận xét của một anh ca sĩ đình đám trong nước thôi. Anh ấy từng đi nước ngoài như đi chợ, và có dịp quan sát nhiều nên có thể so sánh. Anh ấy nói rằng cuộc sống ở Việt Nam 'sướng hơn nước ngoài nhiều'.
Sướng như thế nào? Anh ấy nhận xét rằng ở Việt Nam ngày nay cái gì cũng có, muốn gì cũng có, kể cả mướn tài xế riêng và mướn người giúp việc. Anh ấy đi nhiều nơi và có dịp so sánh, và đi đến nhận định rằng ở Việt Nam cái gì cũng nổi trội: bar hay club thì đẹp, máy bay thì bự, điện thoại thì toàn thứ xịn, mĩ phẩm thì toàn hạng nhứt, v.v. (Mấy cái này thì Úc tôi đúng là kém hơn Việt Nam thiệt.)  
Những nhận xét trên của anh ca sĩ cũng được độc giả trong nước đồng tình. Có độc giả viết rằng ai chưa đi nước ngoài thì mong ước được đi, nhưng đi rồi thì mới thấy Việt Nam mình là sướng nhứt. Sướng như thế nào? Theo độc giả này, sướng là "Ở Việt Nam muốn ăn gì cũng có, bước chân ra khỏi nhà là có đồ để ăn, lai còn ăn ngon. Ra nước ngoài đi kiếm đồ ăn phải chay xe vòng vòng rồi gửi xe này nọ rất là rắc rối."
Phải nói rằng đọc những dòng trên tôi mới biết rằng mình đã quá khổ đau trong 40 năm qua. Mình khổ mà mình không hề biết! Thiệt là tội nghiệp vậy.
Vậy mà tôi không về Việt Nam sống?

Nhiều khi tôi tự phân tích câu hỏi trên, và đi đến nhận xét rằng mình sống đâu phải vì vật chất. Tôi không có nhu cầu đi máy bay bự, vào club đẹp, xài điện thoại mắc tiền, xức nước bông ngàn đô. Không có những nhu cầu đó. Nhưng tôi muốn sống trong một môi trường thân thiện và xanh tươi, và trong một xã hội mà:
• người với người tin tưởng nhau, không đòi phải có con mộc đỏ hay gì đó;
• người với người thương yêu và giúp đỡ nhau mà không hề hỏi vì động cơ gì;
• không ai phải mệt mỏi với 'ghen ăn tức ở';
• bình đẳng, không ai phải 'cạnh tranh' với 5C (con cháu các cụ cả);
• không ai phải bị đày đoạ vì khác chánh kiến;
• không ai phải đi tù 23 năm 6 tháng vì câu nói 'ngu như bò';
• không ai phải mua chức bán quyền;
• công chức nhà nước là đầy tớ thực sự cho dân;
• người trí thức có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, chứ không xu phụ nhà cầm quyền;
• chánh phủ và cảnh sát biết sợ dân;
• luật pháp vừa nhân đạo vừa nghiêm minh;
• không phải bị tra tấn tinh thần bằng những khẩu hiệu nhồi sọ;  
• vân vân.
Và, tôi chợt nhận ra một trong những điều trên qua vụ việc liên quan đến ông cụ Danny Lim và mới đây là vụ Chánh phủ tiểu bang New South Wales phải hoàn trả hơn 10 triệu đôla cho những người bị cảnh sát phạt trong thời gian phong toả vì dịch covid.
Trong thời gian phong toả, cảnh sát NSW đã phạt hơn 62000 người. Một số bị phạt đến 3000 đôla chỉ vì đứng xếp hàng cách nhau dưới 1.5 m! Ngay lúc đó, đã có người phê phán cảnh sát là mất nhân tánh. Một số luật sư doạ rằng họ sẽ kiện chánh phủ ra toà.
Quả thật, đã có một nhóm luật sư kiện chánh phủ NSW ra toà, vì họ lí giải rằng chủ trương đó là vi hiến hay vi phạm luật pháp gì đó. Và, họ đã đúng. Hôm qua, chánh phủ NSW thú nhận rằng họ đã sai, và toà án ra lệnh chánh phủ phải trả lại tiền cho hơn 33,000 người bị phạt. Số tiền phải hoàn trả lên đến hơn 10 triệu AUD.
Các luật sư cho biết số còn lại (khoảng 32000 người bị phạt) thì còn trong vòng tranh cãi. Hiện nay, những người này vẫn phải trả tiền phạt, nhưng nếu toà án phán việc phạt là bất hợp pháp thì chánh phủ cũng phải hoàn trả tiền cho họ.
Tôi nghĩ trong tương lai, chánh phủ sẽ còn phải ra toà về chủ trương ép buộc tiêm vaccine. Chúc mừng các bạn tôi đã bị phạt trong thời gian lockdown và được hoàn tiền! Cám ơn các luật sư đã đem lại lẽ phải cho nạn nhân bị phạt.

🌺 Phải nói là qua vài sự việc trên tôi nhận ra rằng sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật và dân chủ (như Úc này) thiệt là một ‘privilege’. Giá trị của một xã hội không phải phản ảnh qua vật chất mà xã hội đó chỉ lệ thuộc vào nước ngoài (như máy bay bự, siêu xe, quán bar đẹp, điện thoại mắc tiền, nước bông ngàn đô), mà là qua chất lượng sống và con người cư xử với nhau trong tình thân.
Hình: "Only a life lived for others is a life worthwhile" (có thể hiểu là: Sống để phụng sự người khác là một cuộc sống đáng sống).
(Fb Nguyễn Tuấn)
https://nguyenvantuan.info/



10 điều nên học từ phương Tây

Nguyễn Tuấn

"Phương Tây" ở đây là chỉ những người ở các nước như Tây Âu, Bắc Âu, Anh, Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan v.v... Những điều dưới đây tôi rút ra từ kinh nghiệm thực tế trong giao tiếp với người phương Tây. Còn 'Mười điều' thì chỉ là cách nói tượng trưng thôi, vì trong thực tế tôi nghĩ chúng ta có thể học từ họ cả … trăm điều.

Điều thứ nhứt: Sự bao dung
Trái lại với nhiều người nghĩ Tây chúng nó ích kỉ và quỉ quyệt, trong thực tế Tây rất rộng lượng và bao dung. Người Mĩ, người Úc, người Canada có thể chẳng quen biết gì với người Việt chúng ta, nhưng họ lại sẵn sàng bảo trợ và nâng đỡ rất nhiều gia đình gốc Việt trong thời gian sau 1975. Ở cấp độ lớn hơn, các nước phương Tây đã mở rộng cánh cửa đón hàng triệu người tị nạn, không phải chỉ từ Việt Nam mà còn từ nhiều nước Đông Âu và Phi châu nữa, và họ đón với tấm lòng chân thành. Ngay cả những nước mà đất hẹp (như Thuỵ Sĩ và Bắc Âu) và chẳng liên hệ gì nhiều với Việt Nam, nhưng họ lại đón nhận hàng vạn người Việt trong thời tị nạn.
Không chỉ đón nhận 'người dưng' vào nước họ định cư, họ còn tạo điều kiện để người dưng được tiến thân trong môi trường mới. Từ nhà ở đến cái áo mặc đều được lo lắng chu đáo. Tôi nghĩ nhiều khi ngay cả người Việt cũng chưa chắc gì cư xử với người Việt như người phương Tây cư xử với người Việt.
Họ còn tích cực giúp đỡ các nước nghèo khó nữa, và Việt Nam là một trong những nước nhận rất nhiều giúp đỡ từ phương Tây.  Họ tài trợ không hoàn lại để Việt Nam xây cầu, xây đường xá, họ hỗ trợ về kĩ thuật và công nghệ, họ giúp Việt Nam vào các thiết chế kinh tế thế giới, v.v. Trong trận đại dịch vừa qua, họ cấp vx miễn phí cho rất nhiều nước trên thế giới. Trong giáo dục, họ cấp học bổng cho mấy nước nghèo qua nhiều năm liền. Đó không là rộng lượng thì là gì?

Điều thứ 2:  Đạo đức xã hội
Hồi còn ở Việt Nam, tôi thường nghe nói rằng ở mấy nước phương Tây người ta sống phóng đãng lắm, họ rất suy đồi, hay nói chung là chẳng có đạo đức gì đâu. Sai. Sai nghiêm trọng. Người phương Tây sống rất đạo đức, có khi còn hơn cả người phương Đông. Họ rất quan trọng đến con người, và lấy con người làm gốc cho mọi quyết sách. Họ cũng rất quan tâm đến chữ 'lễ' trong giao tế hàng ngày.
Người phương Tây, cũng giống như chúng ta, rất biết kính trên và nhường dưới. Họ có những qui chuẩn về lễ nghi rất lâu đời. Hãy nhìn các buổi lễ thụ phong huân chương do Nữ Hoàng Anh tiến hành, hay những buổi lễ tốt nghiệp đại học, chúng ta sẽ thấy họ có truyền thống 'lễ' rất lâu đời, và đáng nể là họ vẫn duy trì những lễ nghi đó cho đến ngày nay.
Không chỉ quan tâm đến con người, người phương Tây còn hơn chúng ta ở chỗ quan tâm đến thú vật. Cách họ cư xử với gia cầm và thú vật có thể làm cho nhiều người phương Đông kinh ngạc. Đó không phải là hình thức 'hoa hoè', mà là tôn trọng với thực chất. Trong thí nghiệm khoa học, nếu làm trên chuột là phải qua sự phê chuẩn của một uỷ ban đạo đức khoa học.
Không chỉ với thú vật, họ cũng rất quan tâm đến môi trường, cây cỏ. Đến những nước như Bắc Âu và Úc, chúng ta sẽ thấy chánh phủ và người dân ở những nước này gìn giữ môi trường ra sao. Không phải gìn giữ môi trường bằng khẩu hiệu; họ đưa vào đời sống những đạo luật và chương trình giáo dục ngay từ tuổi thiếu niên để các em biết trân quí môi trường sống.

Điều thứ 3:  Tôn trọng phụ nữ
Một khác biệt lớn lớn nhứt giữa Việt Nam và phương Tây là cách xã hội cư xử  với phụ nữ. Ở Việt Nam, người ta quen thói ‘trọng nam khinh nữ’ và thói gia trưởng, nên xã hội đối xử với nữ giới có thể nói là tệ. Trước đây, nữ giới trong các xã hội phương Tây từng bị đối xử rất tệ, nhưng họ đã biết lỗi lầm và chỉnh sửa. Do đó, ngày nay ở xã hội phương Tây, nữ giới được đối xử với sự tôn trọng.
Các chánh phủ phương Tây làm đủ mọi cách để bình đẳng hoá giới tính trong mọi hoạt động xã hội. Từ sự hiện diện của nữ giới trong Quốc hội đến các chức vụ trong đại học và tập đoàn kinh tế, họ có những qui định và chánh sách rất thực tế để bình đẳng hoá giới tính. Họ làm thật chớ không hô hào khẩu hiệu. Nên học họ về vấn đề nâng cao sự hiện diện của nữ giới trong mọi hoạt động.
Tôi cũng làm một phần của mình trong chiến lược này. Labo tôi có nữ và nam bằng nhau. Đó là một chủ trương cá nhân. Có lúc, tôi còn bị phê bình là dành ưu tiên cho nữ nhiều quá, nhưng tôi không hề nhân nhượng. Lí do đơn giản là mình thấy má mình, dì mình, em mình và cháu mình trong đó thì làm sao hối tiếc gì. Nên học Tây về cách cư xử với nữ giới.

Điều thứ 4:  Tôn trọng quyền cá nhân
Người Việt chúng ta nhìn chung rất quan tâm đến cá nhân. Gặp nhau lần đầu, người ta hay tìm hiểu người nói chuyện là ai, giữ chức vụ gì, quan điểm chánh trị ra sao, v.v. Họ đánh giá người đối thoại dựa trên những thông tin về cá nhân. Rất tiêu biểu cho câu “trông mặt đặt tên”. Nói chung là người phương Đông thích soi mói đời tư cá nhân.
Người Tây thì khác: họ chẳng quan tâm đến mình là ai, đến từ đâu, quan điểm chánh trị là gì hay theo đảng phái nào. Họ chỉ quan tâm đến ý kiến và hàm lượng tri thức, hay nói theo họ là ‘merit’.
Tôi làm việc chung với một hội đồng trong một hiệp hội khoa học cả 10 năm mà họ không biết tôi là ‘boat people’. Sếp tôi phải 10 năm sau mới biết tôi từng làm phụ bếp ở bệnh viện mà tôi đang làm. Không có giấu diếm gì cả; họ không hỏi thì mình cứ giữ im lặng. Họ không hỏi, có lẽ là tôn trọng sự riêng tư.
Người Tây không đánh giá một cá nhân qua quan điểm chánh trị hay niềm tin tôn giáo; họ đánh giá qua việc làm và chất lượng. Chính tôi trong vai trò người đánh giá, chưa bao giờ tôi tự hỏi họ là ai, đến từ đâu hay xuất thân từ ‘danh gia vọng tộc’ nào. Tôi nghĩ cách làm như vậy rất bình đẳng và khách quan. Chúng ta nên học họ về việc tôn trọng quyền riêng tư và cá nhân.

Điều thứ 5:  Sự tử tế và lời nói "Cám ơn"
Sự tử tế của người phương Tây có thể thấy qua chữ 'Cám ơn'. Có thể nói 'cảm ơn' là câu nói đầu môi của người phương Tây. Được giúp đỡ thì nói cảm ơn đã đành, họ giúp người khác mà cũng cảm ơn luôn! Cám ơn ở đây không chỉ là lời nói ghi ơn, mà còn là một appreciation — ghi nhận. Mệnh đề 'cám ơn' đã thành một nét văn hoá đẹp của người Tây. Chúng ta nên học họ.
Đã có nhiều nghiên cứu tâm lí học cho thấy nói lời cám ơn là một hành vi tích cực. Hành vi này làm cho người thốt ra câu nói cảm thấy hạnh phúc. Nhiều người nói câu cảm ơn là một cách tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng. Thành ra, cảm ơn vừa có lợi ích cho cá nhân, vừa tạo ra một cộng đồng tử tế.
Ngày xưa, khi còn theo học, sếp tôi nhắc nhở chúng tôi khi đi dự hội nghị, phải đến quầy của các công ti dược để nói lời cảm ơn vì họ đã tài trợ cho chuyến đi. Trong báo cáo khoa học cũng phải có một slide cảm ơn mọi người đã giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu. Sau này, tôi cũng nhắc nhở các em nghiên cứu sinh trong lab làm như vậy. Nói ra lời cảm ơn, mình thấy thoải mái làm sao.
Người Việt chúng ta rất ít nói lời cảm ơn. Có khi họ nói ‘cám ơn’ cho có lệ chớ không thực lòng. Việt Nam chúng ta cần học người phương Tây về cảm ơn.

Điều thứ 6: Tôn trọng chánh kiến khác (sống với dị biệt)
Có lần, một anh bạn giáo sư kinh tế, người Úc, rất sùng cánh tả, hỏi tôi về quan điểm chánh trị. Tôi nói rằng chưa bao giờ bầu cho đảng Lao Động và chưa bao giờ thích mấy ứng cử viên của phe Dân Chủ và dứt khoát không thích anh Bảy Đờn và phe Pelosi. Anh ấy nói tôi có xu hướng right wing. Cười hoà.
Đặc điểm quan trọng của xã hội phương Tây là đa sắc tộc, đa nguyên và đa đảng. Ngay từ thời tiểu học, học sinh đã được dạy phải tôn trọng ý kiến khác mình. Học sinh được dạy để  biết sanh hoạt đa đảng ra sao. Do đó, trong công việc, họ hoàn toàn không có kì thị đảng phái.  
Tôi mới đọc hồi kí của Clive Hamilton, một giáo sư hữu khuynh, mà trong đó tôi học cách ứng xử của giới khoa bảng Úc. Giáo sư Hamilton kể rằng lúc trẻ ông là một tay tả khuynh (left wing), mê xã hội chủ nghĩa. Ông tốt nghiệp tiến sĩ và xin việc tại một khoa kinh tế nổi tiếng hữu khuynh. Ông nghĩ mình sẽ không được phỏng vấn. Nhưng ngạc nhiên thay, ông được phỏng vấn và nhận vào làm việc. Ông cho biết sau này bà khoa trưởng thổ lộ rằng bà muốn có ý kiến ngược lại số đông nên sẵn sàng nhận ông vào làm nghiên cứu. Ông cho biết thời gian ở cái khoa hữu khuynh đó ông học rất nhiều và xem là thời gian đáng nhớ nhứt trong đời.

Điều thứ 7: Dí dỏm
Hồi còn ở Việt Nam tôi say mê chương trình hài của 'Sạc Lô' mà sau này tôi mới biết tên thật là Charlie Chaplin. Ông ấy không nói gì nhưng trong thực tế thì nói rất nhiều, rất hay. Khi qua Úc tôi mê chương trình Benny Hill trên tivi. Không phải mê vì mấy cô gái đẹp đóng chung với ổng (Hill), mà là những câu đối thoại vừa ý nhị vừa hài hước ghê nơi. Có những câu nói ra mình chưa biết ý nghĩa là gì, nhưng nghĩ một hồi thì cười ha hả.
Tôi thấy người phương Tây có óc hài hước chẳng kém dân Việt mình. Mark Twain từng nói  “The human race has one really effective weapon, and that is laughter” (Con người có một vũ khí rất hiệu quả: đó là tiếng cười). Hài hước là một đức tính rất hay và được xem là một hành vi tích cực. Nó (hài hước) giúp chúng ta đối phó với những khó khăn và phiền toái trong cuộc sống. Có lẽ chính vì vậy mà người Tây rất hài hước.
Người tiêu biểu về tính hài hước là mấy ông sếp cũ của tôi. Một ông sếp cũ của tôi là một giáo sư về thần kinh học là một người hài hước đáo để. Ổng là viện trưởng, nhưng lần nào họp viện ổng đều mở đầu bằng một câu nói hay một câu chuyện làm cho khán phòng cười nghiêng ngả. Cái tánh hài hước của tôi chính là bị ông này 'lan truyền'.

Điều thứ 8: “Give and take”
Rất khó dịch thành ngữ 'Give and take', nhưng nó tương đương với câu 'Có qua có lại mới toại lòng nhau' trong cách nói của chúng ta. Người phương Tây rất trọng 'Give and take' vì đó là một thể hiện của sự công bằng (fairness). Công bằng là một nguyên lí rất quan trọng trong xã hội phương Tây, và hầu như chánh sách hay chủ trương nào cũng được xây dựng trên nguyên lí này.
Người Việt ngày nay hay có thói “có lợi gì cho tôi”. Bất cứ một đề nghị nào, dù tốt cỡ nào, giới lãnh đạo hay hỏi ‘có lợi gì cho tôi’. Rất hẹp hòi. Chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác. Tôi thấy Tây khác ta: họ lúc nào cũng nghĩ ‘mình đem lợi gì cho người và cho mình’ hay nói theo tiếng Anh là công bằng (cho và nhận). Nên học cách suy nghĩ ‘give and take’ của Tây.

Điều thứ 9: Làm chậm mà chắc
Người Việt chúng ta hay tự hào là làm nhanh. Họ hay so sánh kiểu một công trình Tây làm 2 năm, nhưng Việt Nam làm chỉ 6 tháng. Trong thực tế và đó đây thì đúng là có sự việc như vậy. Hay trong y khoa, có những thuật mà Tây không dám làm, nhưng Việt Nam dám làm; chẳng những dám làm, mà còn quảng bá rùm beng.
Nhưng vấn để không phải là làm được hay làm nhanh. Tây họ rất cẩn thận và suy nghĩ lâu dài. Làm cái gì họ cũng tham vấn nhiều người từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Làm một cái giường cho bệnh nhân, họ không chỉ tham khảo ý kiến của chuyên gia mà còn hỏi ý kiến của bệnh nhân. Làm một con lộ cao tốc, họ phải nghiên cứu tác động môi trường cả 2 năm trời để đánh giá tác hại đến cư dân ra sao. Ngay cả triển khai một nghiên cứu thành hiện thực họ cũng phải xem xét lợi và tác hại có thể cho bệnh nhân.
Người phương Tây làm chậm không phải họ dở, mà là họ quan tâm đến chất lượng và lâu dài. Chúng ta nên học họ về tầm nhìn xa và phẩm chất.

Điều thứ 10: Tinh thần cách tân
Người phương Đông chúng ta trọng tĩnh, nhưng người Tây trọng động. Họ lúc nào cũng nghĩ đến cách tân hay làm mới một ý tưởng cũ. Ở viện tôi công tác, năm nào cũng có ‘retreat’. Và, mỗi retreat, sếp tôi hay hỏi ‘vấn đề lớn hiện nay là gì và chúng ta phải làm gì mới để giải quyết vấn đề.’ Năm nào câu hỏi đó cũng được đặt ra. Riết rồi, chúng tôi buộc phải suy nghĩ đến cái mới. Tinh thần cách tân thật là đáng học.
Trong thời đại cạnh tranh khoa học và công nghệ, tinh thần cách tân rất quan trọng vì nó giúp mình đứng đầu. Các nước mới nổi ở Châu Á họ hay mời chúng tôi sang nói chuyện. Có khi một bài nói chuyện chỉ 30-40 phút, nhưng họ biết được hướng mới là gì. Trả có 10 ngàn đôla mà có ý tưởng mới thì quả là quá rẻ.
***
Tôi có hứng chia sẻ vài ý nghĩ trong cái note này nhân một câu nói của cô phát ngôn viên Bộ Ngoại giao về nước Nga. Cô ấy nói rằng [1]: "Tôi gắn bó với nước Nga vì tiếng Nga là ngôn ngữ tôi học từ bé. Nước Nga của những áng thi ca và các tác phẩm nghệ thuật bất diệt. Tôi đã đọc hầu hết các tác giả Nga và Liên Xô, đi thăm các bảo tàng Tretchiacov và Hermitage nhiều lần. Nhưng nước Anh để lại trong tôi nhiều ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đó không chỉ là cái nôi của văn minh châu Âu mà còn là văn hóa đa sắc tộc, hiện đại nhưng cũng rất bản sắc."
Cô ấy nói nước Anh là 'cái nôi của văn minh châu Âu'? Wow! Thiệt vậy sao? Kiến văn của một phát ngôn viên ngoại giao là vậy?
Bất cứ nền văn hoá và văn minh nào cũng có nhiều điều để chúng ta học hỏi. Người phương Tây có một nền văn minh rất lâu đời (chẳng kém gì văn minh phương Đông), và họ đã có rất nhiều thành tựu vật chất và phi vật chất. Tôi nghĩ người phương Tây cũng muốn học từ văn hoá phương Đông, chứ không phải sự học chỉ diễn ra 1 chiều.
Sống trong xã hội phương Tây chỉ 40 năm thôi, nhưng tôi thấy mình phải học họ nhiều lắm. Mười năm đầu tôi chưa 'thấm' đâu, phải 20 năm sau mới bắt đầu biết chút chút. Mười điều tôi nêu trên đây chỉ là những điều hiển nhiên và mang chút cá nhân tánh. Tôi tin rằng các bạn có thể rút ra nhiều nhiều hơn những gì tôi liệt kê. Tôi nghĩ những giá trị như bao dung, sự tử tế, tôn trọng quyền cá nhân, tôn trọng nữ giới, tôn trọng chánh kiến khác, và tinh thần cách tân là những gì chúng ta có thể soi rọi và tự làm mới mình.
(Fb Nguyễn Tuấn)
https://nguyenvantuan.info/2022/12/04/10-dieu-nen-hoc-tu-phuong-tay/


 

Thu nhập của người Việt Nam hiện nay ra sao?

Nguyễn Tuấn

Thu nhập bình quân mỗi tháng của người Việt năm 2020 là 4.25 triệu đồng (chừng 200 USD), giảm chừng 1% so với năm 2019. Đó là kết quả của một cuộc điều tra về mức sống mới được công bố. Kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn là một nước rất nghèo.

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa mới công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020 [1]. Dữ liệu này cung cấp cho chúng ta một ‘bức tranh’ chung về đời sống kinh tế của người dân Việt Nam. Số liệu thì rất nhiều, nhưng tôi e rằng thông tin thì không bao nhiêu, dó cách trình bày dữ liệu và do chưa phân tích cặn kẽ. Dưới đây là vài thông tin thú vị:
Tính trung bình, năm 2020 người Việt Nam có thu nhập mỗi tháng là 4.25 triệu đồng (tức gần 200 USD) [2]. Con số này cho năm 2019 là 4.29 triệu đồng. Như vậy, thu nhập bình quân giảm khoảng 44.7 ngàn đồng. Rất có thể là do tác động của dịch Vũ Hán?
Như kì vọng, cư dân thành thị có thu nhập cao hơn nông thôn. Năm 2020, thu nhập của nhóm cư dân thành thị là 5.6 triệu đồng, cao hơn 60% so với thu nhập của nhóm cư dân nông thôn (3.5 triệu đồng). Trước đó, như năm 2018 và 2019, thì mức độ khác biệt giữa thành thị và nông thông thường là 80%.

Thu nhập bình quân của nhóm người “top 20%” giàu nhứt vào năm 2020 là 9.2 triệu đồng, và con số này cao gấp 8 lần so với thu nhập bình quân của nhóm người “bottom 20%” nghèo nhứt (1.14 triệu đồng). Sự khác biệt giữa hai nhóm ‘giàu nhứt’ và ‘nghèo nhứt’ này vào năm 2019 là 10 lần.
Phân tích theo vùng miền cho thấy vùng Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân cao nhứt (6.02 triệu/tháng), kế đến là Đồng Bằng Sông Hồng (5.08 triệu/tháng). Hai nơi có thu nhập bình quân thấp nhứt là miền núi phía Bắc (2.75 triệu/tháng) và Tây Nguyên (2.82 triệu/tháng).

Thu nhập bình quân đầu người (triệu đồng/tháng) của người Việt năm 2020 phân chia theo vùng miền. “ĐBSH” = Đồng Bằng Sông Hồng; “ĐBSCL” = Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Dĩ nhiên, mấy con số này chỉ là số trung bình, và số trung bình thì rất dễ dẫn chúng ta đến sai lệch trong cách diễn giải và so sánh. Có vài con số tôi không hiểu mấy, nhưng đây là vấn đề khác.

Thu nhập bình quân của nhóm nghèo nhứt (Nhóm 1) là 1.14 triệu đồng, vậy mà họ chi tiêu 1.00 triệu đồng, thì làm sao dư dã gì được. Nhóm giàu nhứt (nhóm 5) thu nhập bình quân là 9.2 triệu đồng, và họ chi trung bình là 5.68 triệu đồng, tức còn tích luỹ được, thì hiểu được.
Nhưng những dữ liệu này cho thấy Việt Nam chúng ta vẫn là một nước nghèo, bởi vì thu nhập trung bình chỉ chừng 200 USD/tháng mà thôi. Con số này chỉ bằng 4% so với thu nhập bình quân ở Úc. Thậm chí, so với Thái Lan [3], con số 200 USD/tháng cũng rất thấp.
____

[1] https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2022/06/Khao-sat-muc-song-2020.pdf
Khảo sát này dựa trên 46,980 hộ thuộc 3132 xã/phường, đại diện cho cả nước, các vùng, khu vực thành thị, nông thôn và tỉnh/thành phố.
[2] Xin nhấn mạnh con số này là ước tính từ cuộc khảo sát mức sống, nó không phải là “Per Capita GDP” (thu nhập bình quân đầu người) vốn tính bằng cách lấy GDP quốc gia chia cho dân số (tính cả trẻ em và người cao tuổi không đi làm). Per Capita GDP của Việt Nam là 2786 USD. Còn ước tính theo khảo sát này thì thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là khoảng 2400 USD.
[3] https://biz30.timedoctor.com/average-salary-in-thailand
Ngay cả con số thu nhập bình quân ở Thái Lan cũng rất khác nhau giữa các nguồn. Theo nguồn này [3] thì thu nhập bình quân của người Thái là chừng 2904 USD/tháng (“its average monthly salary is 96,900 THB (2904 USD)”, nhưng theo một nguồn khác thì chỉ chừng 600 USD.

(Fb Nguyễn Tuấn)

https://nguyenvantuan.info/2022/06/17/thu-nhap-cua-nguoi-viet-nam-hien-nay-ra-sao

 

 Đăng ngày 12 tháng 12.2022