banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Hội chứng "bầy đàn"
trong vụ kiện ở bang Nevada

Đào Hiếu

Gần dây trên mạng phát tán một tin giựt gân như thế này:
Tại tiểu bang Nevada nước Mỹ, cô bé 3 tuổi tên là Edith, một hôm chỉ vào chữ cái đầu tiên của từ "OPEN" trên chiếc hộp đựng quà, và nói với mẹ rằng đó là chữ "O". Mẹ của cô bé rất ngạc nhiên và hỏi vì sao mà cô bé lại biết được đó là chữ "O". Edith nói với mẹ là cô giáo ở trường dạy...
Thật không ngờ, bà mẹ đã viết đơn khởi kiện trường mầm non, nơi con bà học. Lý do khởi kiện: Trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith. Bởi vì khi chưa biết chữ "O", con gái bà có thể nói "O" là mặt trời, là quả táo, là quả trứng… Nhưng sau khi trường mẫu giáo dạy cô bé nhận biết đó là chữ "O", Edith đã bị mất khả năng tưởng tượng này, và bà đòi phí bồi thường tổn hại tinh thần cho cô bé là 1.000 USD.
Có người cho rằng bà mẹ này muốn "chuyện bé xé ra to", ngay cả luật sư của bà cũng không tán thành cách làm của thân chủ mình.
Ba tháng sau, nằm ngoài dự đoán của mọi người, kết quả là trường mầm non thua kiện. Bởi vì toàn bộ thẩm phán của tòa án đều đứng về phía người mẹ.
*
Khi câu chuyện này được đưa lên mạng. Căn cứ vào những comments, tôi thấy khá nhiều người tán thành việc làm của người mẹ và khâm phục phán quyết của tòa án. Họ cho rằng cả bà mẹ lẫn các vị thẩm phán đều là những người “văn minh, có văn hóa, có nhận thức sâu sắc và nhân bản về con người”.
Có vị còn cho rằng: tiêu diệt khả năng tưởng tượng của trẻ thơ là một tội ác. Và rằng: cách dạy dỗ của cô giáo là sai lầm, là phi giáo dục, đáng bị xử phạt.

Trước sự áp đảo của dư luận, tôi chỉ hỏi một câu (dĩ nhiên cũng qua một comment):
“Vậy cái bà mẹ đi kiện ấy, có từng dạy cho đứa con gái 3 tuổi của mình gọi bà là ‘mẹ’ không? Nếu có thì chính bà cũng đánh mất khả năng tưởng tượng của con mình, vì con bé sẽ tưởng tượng bà là cô tiên, mụ phù thủy, con khỉ già hay một con bù nhìn ngoài rẫy bắp. Nhưng chắc chắn là bà có dạy con bé gọi mình là “mẹ” và bà đã rất hạnh phúc khi nghe con gọi cái tiếng thân thương ấy.”
Không thấy ai phản biện cái comment của tôi.
Im thin thít.
*
Tại sao họ im?
Vì kể từ khi nhân loại có chữ viết, thì những thiên tài có trí tưởng tượng siêu việt như Mozart, Beethoven, Lev Tolstoi, Albert Einstein, Newton, Galileo, Picasso, Bill Gate, Mark Zuckerberg, Nguyễn Tuân, Tô thùy Yên, Phạm Duy, Hemingway, Franz Kafka, Gabriel G. Marquez, Franz Liszt v.v… và v.v… chắc chắn đã từng được mẹ dạy cho biết đọc chữ O… cũng như tôi, như bạn, như hàng tỷ người khác trên hành tinh này. Sao trí tưởng tượng của họ không bị tiêu diệt? Sao họ vẫn trở thành những thiên tài kiệt xuất?
Sao kỳ vậy?
Vì trí tưởng tượng sáng tạo là bẩm sinh, cộng với trí thông minh, cộng với vốn sống, cộng với lao động trí óc…
Vì trí tưởng tượng không phải do BIẾT hay KHÔNG BIẾT đọc chữ O.
Trí tưởng tượng sáng tạo cũng giống như những năng khiếu khác của não bộ như âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, văn chương, khoa học, y học, thiên văn học, thể thao… đều là bẩm sinh. Thậm chí khoa học ngày nay còn chứng minh được rằng một nhà hoa học, một nhạc sỹ, một nhà văn… hay một tên cướp của giết người… đã được “mặc định” sẵn từ trong các thành phần cực nhỏ của chuỗi ADN khi còn là bào thai.
Môi trường sống và sự giáo dục có thể có ảnh hưởng chuyển hóa sự “mặc định” ấy nhưng vẫn không phải là yếu tố quyết định.
Trí tưởng tượng của con người là một khả năng quan trọng nhất, tuyệt vời nhất, đến nỗi Albert Einstein từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức, vì kiến thức thì hữu hạn còn trí tưởng tượng thì vô hạn.”
Nó vô hạn cho nên cố bé Edith của câu chuyện này cho dù đã “bị” cô giáo dạy đọc chữ “O” hoàn toàn vẫn có khả năng tưởng tượng đó là quả trứng, là trái táo hay mặt trời…
Tại sao không chứ? Hàng vạn thiên tài vẫn đã từng được dạy chữ O mà!
Tại sao không chứ? Nhân vật Alice có trí tưởng tượng tuyệt vời nổi tiếng thế giới trong tác phẩm Alice's Adventures in Wonderland của nhà văn người Anh Lewis Carroll chẳng đã từng được mẹ dạy cho đọc chữ O đó sao?
*
Thế nhưng các quan tòa vẫn xử cho người mẹ kia thắng kiện, để rồi cả bà lẫn những vị quan tòa khả kính nọ, trở thành những kẻ rởm đời, làm ra vẻ ta đây văn minh, có cái nhìn sâu sắc và nhân bản. Thực chất là nhảm, là bịp, là lòe đời.
Xã hội ngày nay trắng đen lẫn lộn, không phải chỉ ở Nevada mà ở bất cứ nơi nào còn có những con người rởm đời, dở hơi, nhẹ dạ.
Đào Hiếu

Đào Hiếu | Facebook


Tôi bị bệnh tâm thần

Đào Hiếu

Có anh bạn Việt kiều Mỹ ghé thăm. Một bàn nhậu nho nhỏ trước sân. Vài chai bia truyền chút cảm hứng.
Tôi kể chuyện nuôi mèo: nhặt mèo con từ đường phố, cho mèo ăn, dọn vệ sinh cho mèo, hoà giải những xung đột giữa chúng, bảo vệ chúng khỏi sự ngược đãi của hàng xóm, xe cán, trộm mèo, chó cắn…
Thì cũng chỉ nói cho có chuyện. Nhưng anh bạn lại rất đăm chiêu. Tự nhiên ném ra bàn nhậu một câu nói rất bất ngờ.
-Tao nghĩ mày có triệu chứng “tâm thần”. Nên đi bệnh viện.
Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ sao về lời khuyên đó?
Rất chân thành. Tuyệt nhiên không có ý mỉa mai.
Tôi “đứng hình” trong giây lát.
Rồi tôi “ngộ” ra ngay: Không phải giữa hai chúng tôi khác nhau về nhân cách. Cũng không phải khác nhau về tâm hồn. Càng không phải khác biệt giai tầng xã hội hay trình độ văn hoá.
Mà là: Tôi đang trò chuyện với một “loài người khác”.
Khi tạo hoá tạo ra hắn, ngài đã lập trình theo một “hệ điều hành” hoàn toàn khác với hệ điều hành mà ngài đã lập trình cho tôi. Cho nên việc tôi nuôi nấng, thương yêu loài mèo không hề được “cài đặt” trong não bộ hắn.
Và khi nghe tôi kể chuyện mèo, lập tức hắn bị “treo máy”. Con CPU trong đầu hắn không hiểu và không thể “nhận dạng” các dữ liệu tôi vừa truyền tải.
Tôi rót cho hắn một ly rượu mạnh với hy vọng khởi động lại hệ thống.
*
Nhưng khi ly rượu đã kích hoạt được não bộ hắn thì một dãy data khác xuất hiện:
-Nếu không phải là triệu chứng tâm thần thì một đời sống luẩn quẩn bên những con mèo cũng là một cái gì đó quá nghèo nàn. Chất lượng sống quá thấp.
-Nghèo nàn sao? Tôi hỏi. Mày nghĩ ai cũng có thể nhặt một con mèo con từ đống rác về nhà, nuôi cho lớn khôn và hiểu được nó sao? Ngàn người, chỉ có một.
-Nhưng làm điều đó để làm gì?
-Để soạn một luận án tiến sỹ chẳng hạn. Hoặc để viết một tác phẩm văn học. Có người bỏ cả đời ra chỉ để nghiên cứu một con vi trùng. Mày cho rằng đó là một cuộc đời nghèo nàn sao? Con vi trùng cũng phong phú, phức tạp và huyền diệu như vũ trụ. Con mèo còn hơn thế. Nó là cả một thế giới bí ấn. Một số phận. Một sinh linh hiện hữu trên mặt đất. Người ta có thể chế tạo ra một con robot thông minh, nhưng không bao giờ có thể chế tạo ra được một con mèo. Tất nhiên cũng có người coi mèo chỉ là một món đồ chơi, một đĩa mồi trong bữa nhậu, hay chỉ là một cái máy bắt chuột. Nhưng người đó không phải là tao.
Nó lại bị “treo máy”, có vẻ không hiểu gì cả.
*
Tôi lại phải rót cho nó một ly rượu mạnh đế activate bộ não.
Tôi hỏi:
-Mày sống ở Mỹ được bao lâu rồi?
-30 năm.
-Thế nếu có con mèo mẹ dẫn một đàn con băng qua đường thì người Mỹ sẽ làm gì?
-Tất cả đều dừng xe lại.
-Và đợi lũ mèo qua đường xong họ mới đi phải không?
-Ừ.
-Thế nếu một người Mỹ đang lái xe, gặp một con nai bị thương nằm giữa đường thì anh ta sẽ làm gì?
-Sẽ xuống xe, bế con nai lên và chở đến thú y.
-Rồi sau đó?
-Anh ta sẽ nuôi cho con nai bình phục và thả nó về với môi trường thiên nhiên.
Tôi nốc cạn ly bia, cười hô hố. Anh bạn Việt kiều Mỹ hỏi:
-Mày cười cái gì vậy?
-Cười người Mỹ.
-Tại sao?
-Vì người Mỹ toàn một lũ tâm thần. Thế mà mày có thể sống chung với bọn họ đến những 30 năm trời!
Đào Hiếu

https://www.facebook.com/daohieuwriter

 

Đăng ngày 10 tháng 01.2023