Những nét cơ bản

về nền công nghiệp chế tạo vũ khí
 
Đào Hiếu

I. SẢN XUẤT VŨ KHÍ
Nước Mỹ có hai nền công nghiệp lớn nhất đó là sản xuất dầu mỏ và chế tạo vũ khí. Sản lượng dầu mỏ của Mỹ hiện nay lớn thứ hai thế giới (sau Nga) với mức 9,9 triệu thùng/ngày (Hiện đang bán cho châu Âu thay cho Nga, kiếm rất nhiều lợi nhuận).
Về công nghiệp chế tạo vũ khí, Mỹ có các công ty khổng lồ như:
-Lockheed Martin (NYSE: LMT) là một hãng chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa, vệ tinh và cung cấp các giải pháp kỹ thuật tân tiến nhất trong lãnh vực quốc phòng an ninh. Công ty được thành lập năm 1995, có 135.000 nhân viên trên toàn thế giới.
-Tập đoàn công nghệ Raytheon là tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Mỹ, có trụ sở tại Massachusetts. Công ty này đã nghiên cứu, phát triển, và chế tạo các sản phẩm tiên tiến trong ngành hàng không quân sự, gồm có thiết bị điện tử hàng không, tên lửa có điều khiển, hệ thống phòng không, vệ tinh, và Phương tiện bay không người lái.
Chính hai nền công nghiệp khổng lồ này quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ trên toàn thế giới.
Như tất cả các nền sản xuất khác, hễ có sản xuất thì có hàng hóa, có hàng hóa thì phải có thị trường tiêu thụ.
Đó là điều kiện bắt buộc và bất biến.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, không hề có cuộc chiến tranh nào có Mỹ nhúng tay, mà không bắt nguồn từ việc tiêu thụ vũ khí. Do đó một trong những nhiệm vụ chính của các nhà tài phiệt sản xuất vũ khí là tìm thị trường tiêu thụ.

II. THỊ TRƯỜNG VŨ KHÍ
Xe hơi, ti vi, du thuyền, điện thoại thông minh, computer… thì dễ tìm thị trường vì chúng là đồ gia dụng, là nhu cầu hàng ngày của hàng tỷ người trên thế giới. Nhưng vũ khí thì tìm thị trường khó hơn rất nhiều.
Ngay cả luật pháp Mỹ cho phép dân thường mua súng tự do nhưng cũng không bán được nhiều, vì chúng không phải là đồ gia dụng, người dân ít khi cần đến, trong khi nên công nghiệp chế tạo vũ khí của Mỹ thì khổng lồ và đa dạng.
Sản phẩm làm ra không chỉ là những khẩu súng ngắn, súng săn… mà là xe tăng, máy bay chiến đấu, máy bay tàng hình, tàu sân bay, tên lửa mang đầu đạn hạch nhân, bom nguyên tử… toàn thứ dữ.
Khách hàng nào sẽ mua chúng?
Đó là các nhà nước.
Mà phải là nhà nước ở những “điểm nóng” như Trung Đông, Đông Nam Á, Nam Mỹ, châu Âu, Bắc Phi.
Nhưng đâu phải tự nhiên người ta đánh nhau. Phải có người tạo ra những xung đột, phải có kẻ châm ngòi chiến tranh. Ban đầu thỉ những đụng độ nhỏ, sau đó lan rộng thành một cuộc chiến quy mô lớn có thể cần tới xe tăng, đại pháo, máy bay tiêm kích hiện đại, thậm chí là tàu sân bay… thì mới hình thành một thị trường tiêu thụ vũ khí đáng để các nhà sản xuất đầu tư quy mô lớn.
Nếu như việc chế tạo vũ khí được giao cho các nhà tài phiệt của ngành công nghệ không lồ này thì việc tìm thị trường tiêu thụ đều do chính phủ Mỹ, đứng đầu là tổng thống và bộ trường quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan tình báo CIA… đảm nhiệm.

III. TIỀN MUA VŨ KHÍ
Khi các cơ quan vừa nêu trên đã tìm được thị trường (tức là đã mở được những cuộc chiến tranh ở đâu đó) thì bước kế tiếp phải là “tiền mua vũ khí”.
Tiền ấy lấy đâu ra?
Tất nhiên phải lấy từ ngân sách, (tức là tiền thuế của dân Mỹ).
Nhưng muốn lấy những số tiền lớn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô-la đâu phải dễ. Tất nhiên phải được quốc hội phê chuẩn.
Nhưng bạn biết Quốc Hội Mỹ gồm những ai không?
Các thượng nghị sỹ trong Thượng viện, các dân biểu trong Hạ viện Hoa Kỳ phần lớn là những nhà tài phiệt của các ngành dầu mỏ và chế tạo vũ khí.
Vậy thì họ ngu sao mà không bỏ phiếu cho các ngân sách mua vũ khí ấy. Cho nên hình thức thì rất bài bản, rất “đúng quy trình” rất đúng luật… nhưng sự thật là:
-Họ sản xuất vũ khí, rồi họ tự mua vũ khí do mình sản xuất, và cũng chính họ bỏ phiếu thông qua ngân sách để mua vũ khí ấy. Chưa kể Tổng thống Bush lại còn có công ty chế tạo vũ khí riêng mang tên Carlyde”.
Họ mua hàng dễ dàng như vậy, họ phê duyệt dễ dàng như vậy vì sao? Vì tiền mua vũ khi có phải là tiền túi của họ đâu, cũng chẳng phải là tiền của ông bà ông vãi họ để lại… mà là tiền thuế của dân Mỹ làm việc ngày 8 tiếng, tuần làm 5 ngày, một năm làm đủ 12 tháng… suốt một cuộc đời.
Họ đã đem đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân để  đi giết người ở một nơi xa xôi nào đó trên hành tinh này, có khi họ còn bắt dân Mỹ đi chiến đấu và chết ở đó, còn tiền lời bán vũ khí thì họ chia nhau bỏ túi.
Trong các cuộc chiến tranh ấy, có những cuộc chiến man rợ và gian trá đến độ trơ tráo, chẳng hạn như cuộc xâm lăng Iraq tháng 3/2003.
Họ rêu rao rằng Saddam Hussein đã chế tạo và tàng trữ vũ khi hủy diệt hàng loạt, đe dọa sự an toàn của thế giới. Thế là họ đổ quân vào Iraq, xâm chiếm lãnh thổ, bắt tổng thống Saddam Hussein đem đi treo cổ. Trong lúc treo cổ, ông Hussein giãy giụa rất mạnh đến nỗi cái đầu của ông đứt lìa khỏi cổ. Thân mình ông văng xuống đất còn cái đầu thì treo lủng lằng trên sợi dây thòng lọng.
Chỉ có Mỹ mới chơi kiểu “Wild, Wild West” ngang tàng như thế bằng cách phịa ra một tin đồn nhảm. Vì khi đã chiếm trọn Iraq xong, những chuyên gia vũ khí Mỹ đếch tìm được một cái “vũ khí hủy diệt hàng loạt” nào cả!
Hóa ra họ xâm lược Iraq chỉ vì mấy cái mỏ dầu không lồ. Và vì tiêu thụ được vô số vũ khí.

IV. AI ĐƯỢC HƯỞNG LỢI?
-Rất nhiều người nghĩ rằng trong chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanistan và cuộc chiến Ukraine hiện nay… Mỹ đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đô-la và hàng trăm ngàn nhân mạng mà chẳng được lợi lộc gì.
Họ quên rằng số tiền “ngàn tỷ đô-la” để mua vũ khí là tiền thuế của dân Mỹ.
Từ túi của dân, những đồng đô-la ấy dã bay vào tài khoản ngân hàng của các công ty chế tạo vũ khí, qua trung gian của chính phủ Mỹ.
Như vậy khi bạn nói: “Mỹ đã tiêu tốn hàng tỷ đô-la cho các cuộc chiến” thì phải nên hiểu là “Dân Mỹ đã tiêu tốn”, còn giới tài phiệt thì chỉ có “hốt bạc”.
Còn sinh mạng các binh sỹ Mỹ thì toàn là con cháu của dân thường.
Trong phim “Fahrenheit 911”, chúng ta nhìn thấy cảnh đích thân đạo diễn Michael Moore đến ngay trước cửa thượng viên Hoa Kỳ để trực tiếp hỏi: “Ngài có con đi chiến đấu ở Afghanistan không?” thì các ông nghị này đều bỏ chạy.

V. AI LÀ NẠN NHÂN?
-Dĩ nhiên đó là những người phải bỏ tiền ra để mua vũ khí. Ai bỏ tiền thì đoạn trên tôi đã nói rồi.
-Nhưng nạn nhân thảm thương nhất là những người phải chết vì các hợp đồng buôn bán vũ khí ấy.
Đó là những người lính (đa phần là con nhà dân thường và dân da màu, dân thất nghiệp…).
Đó còn là dân Việt Nam, dân Afghanistan, dân Iraq, dân Bắc Phi… con số này lên đến hàng chục triệu người.

VI. NGHỀ BUÔN XÁC CHẾT
Có một cuốn phim rất nổi tiếng của Ý mang tựa đề: “CÒN CHIẾN TRANH LÀ CÒN HY VỌNG” do đạo diễn Alberto Sordi và cũng là diễn viên đóng vai một kẻ bán vũ khí cho các nhà độc tài thuộc thế giới thứ ba.
Tên anh ta là Pietro Chiocca.
Anh ta phải liên tục bay từ nước này sang nước khác, trên nhiều lục địa khác nhau để bán những công cụ giết người cho phe nào cần đến. Mặt hàng của anh ta: từ vũ khí cá nhân, bom, lựu đạn đến xe tăng, máy bay chiến đấu... nên có thể đáp ứng mọi nhu cầu.
Câu chào hàng nổi tiếng của anh ta là:
 “Nếu các bạn có một cuộc cách mạng hay một cuộc nội chiến thì công ty Panaexport chúng tôi sẽ giải quyết giùm bạn”.
Từ đó đẻ ra một nghề mới: Nghề Buôn Xác Chết.
Cho dù những kẻ hành nghề ấy là Nga, là Mỹ hay Trung cộng, cho dù anh nhân danh những điều tốt đẹp gì, thì nghề của anh vẫn là “buôn xác chết”.
Một đứa con nít cũng biết rằng khi anh chế tạo một quả lựu đạn thì mục đích của anh hoàn toàn khác với người làm cái bánh bao.
Ngày 9 tháng 5.2023
ĐÀO HIẾU





Zelensky và Nguyễn Trãi

Đào Hiếu

LTS: Ngày 24/2/2022 Nga mở màn cuộc xâm lược quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraina. Tính đến nay đã hơn một năm với bao tan thương đổ nát và chết chóc. Lúc ấy tôi có viết một bài phân tích tình hình cuộc chiến với nhan đề “Zelensky và Nguyễn Trãi”, lập tức bị một số người ném đá. Có người còn gọi tôi là “tên mật vụ KGB nằm vùng”.
Giờ đây, sau hơn một năm chiến tranh tàn phá và giết chóc khốc liệt, cuộc chiến ngày càng đi vào bế tắt. Nhiều nhà bình luận và lãnh đạo trên thế giới gọi đó là “cuộc chiến tranh mà cả hai phe đều thua trận”.
Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 5/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhấn mạnh rằng: sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Kéo dài một cuộc chiến bế tắt như thế là điều dã man, vô nhân đạo và ngu xuẩn. Rồi đây nhân dân Nga và nhân dân toàn thế giới sẽ phản kháng quyết liệt cuộc chiến vô nghĩa ấy, để buộc Nga, Mỹ và NATO phải chấm dứt.
Nhưng chấm đứt như thế nào?
Nga, với tư cách là cường quốc nguyên tử số một thế giới, chắc chắn họ sẽ không chịu thua. Mỹ và NATO thì đang đóng vai trò “xúi trẻ con ăn cứt gà”. Họ không mất gì cả mà lại tiêu thụ được vũ khí nên họ cũng không muốn chấm dứt cuộc chiến.
VÀ ĐỀU QUAN TRỌNG LÀ HỌ KHÔNG DÁM ĐẨY NGA VÀO CHÂN TƯỜNG VÌ SỢ CHIẾN TRANH NGUYÊN TỬ NÊN HỌ CHỈ GIỮ CHO CUỘC CHIẾN Ở MỨC ĐỘ “CẦM CHỪNG”.
Cả Zelensky và Putin đều muốn chấm dứt cuộc chiến theo cách có lợi cho họ, nhưng Mỹ thì không.
Đó là thảm kịch của Ukraina.
Ngay từ những ngày đầu cuộc chiến tôi đã thấy trước thảm kịch ấy và đã viết bài báo này. Hôm nay tôi muốn đăng lại vì càng ngày, diễn biến cuộc chiến càng chứng minh quan điểm của tôi là đúng.
*

ZELENSKY VÀ NGUYỄN TRÃI
Tôi không bình luận về nhân cách và lòng yêu nước, tôi chỉ muốn nói rằng ông Zelensky không đủ những tố chất để làm một tổng thống, nhất là tổng thống Ukraina.
Ông không biết đất nước và dân tộc Ukraina đang đứng ở đâu, đang tiềm ẩn trong lòng nó những tình thế nan giải cỡ nào và những nguy hiểm chết người cỡ nào kể từ khi Ukraina tách rời khỏi Liên bang Sô viết cũ.
Ông không hiểu rằng từ xưa đến nay, thân phận của các nước nhỏ, yếu… luôn phải giữ ở thế trung lập, tránh khiêu khích, vì lúc nào nó cũng có thể bị bán đứng, bị uy hiếp và tiêu diệt. Huống chi một bên là Putin tham lam, bá quyền, điên dại, một bên là Mỹ và NATO: những tay buôn vũ khí siêu đẳng, đểu cáng, hứa hẹn, ve vãn... được thì kéo lên giường, không được thì quất ngựa truy phong như họ đã từng làm ở Việt Nam, Afghanistan, Hong Kong, Venezuela...
Zelensky không học được những bài học đó. Ông vốn là một nghệ sỹ, ông không phải nhà chính trị.
Ông như người đàn bà lấy phải anh chồng Liên Xô vũ phu, tham lam và độc ác, gặp thời cơ chạy thoát được nó, nhưng lại vớ phải những gã Sở Khanh.
Tiếc thay ông lại nghĩ rằng mình có thể mồi chài được gã Sở Khanh đó. Ông không hiểu rằng "chuyện tình chính trị thế giới" tự cổ chí kim thực chất chỉ là tiền. Phải hiểu để biết chọn cho mình thế đứng, chọn cho mình cách ứng xử giữa hai thế lực tham lam và gian ác.
Và kết quả là không chỉ Nga sa lầy mà Ukraina cũng sa lầy. Còn Mỹ và NATO thì chỉ làm khán giả đứng ngoài, vừa thử, vừa bán những vũ khí hiện đại nhất, đắt tiền nhất, vừa hô to: “Bắn đi! Bắn đi! Đâm đi! Hãy hy sinh vì tổ quốc!”
Trước tình thế của Ukraina hiện nay, tôi chợt nhớ đến hoàn cảnh của Việt Nam khi Lê Lợi vừa đánh đuổi quân Minh. Lúc ấy Việt Nam đang chiến thắng oanh liệt, nhưng Nguyễn Trãi đã phải viết thư cho tướng nhà Minh là Vương Thông để thúc giục họ rút quân. Đại khái: "Nếu các ngài rút đi, chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và dân tôi sẽ lo mọi bề cơm nước đầy đủ, đưa tiễn các ngài" (Trích Quân Trung Từ Mệnh Tập - 軍中詞命集).
Bức thư ấy cho thấy cái thế chính trị của một nước nhỏ, yếu, nghèo... nó "tội nghiệp", nó nan giải cỡ nào!
Tình hình Ukraina sau khi tách ra khỏi liên bang Sô Viết còn nan giải hơn nữa. Nó bị mắc kẹt giữa Nga và NATO+MỸ. Đó là một thế đứng rất chênh vênh, rất nhạy cảm, rất tế nhị và rất nguy hiểm. Sơ xuất một chút là chết.
Vì thế việc Ukraina muốn gia nhập NATO là vô cùng dại dột. Và giờ đây những tuyên bố lên gân của Zelensky lại càng dại dột hơn.
Lê Lợi vừa thắng lớn mà Nguyễn Trãi còn phải viết thư năn nỉ Vương Thông, thì Zelensky chỉ còn một con đường là ngồi vào bàn đàm phán với Putin mà thôi.
Thực ra nước Nga cũng đang gặp khó khăn về kinh tế, nước Nga cũng không muốn bị phương Tây cấm vận, có nghĩa là Putin sẽ thực tâm đàm phán.
Ukraina hiện nay đã trở thành một nơi để cho Mỹ và NATO vừa thử vũ khí hiện đại vừa là thị trường buôn bán các loại vũ khí đó.
Và cũng giống như ở Việt Nam, Afghanistan… đối với Mỹ, thắng hay thua trong một cuộc chiến không quan trọng. Quan trọng là phải kéo dài cuộc chiến để bán được càng nhiều vũ khí càng tốt.
Nhưng bạn sẽ hỏi: “Bán vũ khí cho ai?”
Trả lời: “Bán cho chính phủ Mỹ, bán cho NATO. Và đem đến thị trường Ukraina tiêu thụ.”
Tuy nhiên, bán cho ai đâu có quan trọng. Quan trọng là bán được hàng thì có lời. Và bọn họ chia nhau món lợi khổng lồ ấy.

Ngày 27/2/2022
Đào Hiếu

https://www.facebook.com/daohieuwriter

 

Đăng ngày 16 tháng 05.2023